Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường
19. Lập kế hoạch để thành công (Hết)
“Tôi luôn luôn ước mơ thực hiện những điều to tát hơn và tốt đẹp hơn, không chỉ cho riêng mình mà cho gia đình và cả cộng đồng của tôi. Tôi biết mọi việc không thể được hoàn thành ngay lập tức, tất cả đều phải được lên kế hoạch và chuẩn bị thật chu đáo. Tôi đã từng dành mười lăm năm chuẩn bị bản thân để đương đầu với thử thách.”
“Cậu điên à?” – Đó là lời cảnh báo của bạn bè đối với Lee Dunham vào năm 1971, khi anh quyết định bỏ nghề cảnh sát và dùng tất cả các khoản tiền tiết kiệm được trong suốt mười năm ròng để đầu tư vào chuyện kinh doanh nhà hàng mà theo mọi người là đầy rủi ro. Đầu tư cho cái nhà hàng đặc biệt này thực sự là một sự mạo hiểm lớn: làm đại lý nhượng quyền của hãng McDonald’s đầu tiên ở trung tâm New York, ngay trong một khu nổi tiếng về tội phạm, Khu Harlem.
Nhưng Lee có kế hoạch của riêng mình. Trong khi bạn bè chơi bóng trên những lô đất trống của Brooklyn, thì Lee lại lao vào làm việc để kiếm tiền. Cậu đi mua và ký gởi những chai sữa vào tiệm tạp hóa, cậu nhận đánh giày, phát báo và giao hàng đến từng nhà. Từ nhỏ, cậu đã hứa với mẹ rằng cậu sẽ nỗ lực để một ngày nào đó mẹ cậu không còn phải đi giặt thuê kiếm sống nữa. Cậu bảo cậu sắp khởi sự công việc làm ăn riêng. “Đừng nói thánh nói tướng nữa! Lo làm bài đi con”, mẹ cậu bảo. Mẹ cậu biết rõ rằng chưa có người nào trong dòng họ Dunham từng thoát khỏi kiếp lao động nghèo, chứ đừng nói đến chuyện kinh doanh này nọ. Bà cứ nhắc đi nhắc lại với cậu con trai rằng “Sẽ không có con đường nào để con có thể tự mình kinh doanh buôn bán được cả!”.
Nhiều năm trôi qua và Lee vẫn chưa thực hiện được ước vọng của mình. Học xong trung học, anh gia nhập Không quân. Thời gian tại ngũ cũng là thời gian trong anh nảy sinh và nuôi dưỡng ý định một ngày nào đó sẽ làm chủ một nhà hàng gia đình. Anh đăng ký vào trường thực phẩm Không quân, trở thành một đầu bếp giỏi và được phục vụ trong nhà ăn của sĩ quan.
Khi rời quân ngũ, anh làm việc suốt bốn năm liền cho một vài nhà hàng lớn, có cả nhà hàng của khách sạn Waldorf Astoria danh tiếng ở New York. Lee muốn bắt đầu công việc kinh doanh nhà hàng của mình nhưng lại nghĩ mình thiếu nhiều kỹ năng kinh doanh cần có để thành công. Thế là anh đăng ký vào một trường thương mại, buổi tối đi học, ban ngày xin làm cảnh sát.
Trong suốt mười lăm năm, anh là nhân viên chính thức trong lực lượng cảnh sát. Ngoài giờ làm việc, anh gia công đồ gỗ và vẫn tiếp tục khóa học kinh doanh. “Tôi dành dụm từng đồng xu tôi kiếm được khi làm cảnh sát”, anh nhớ lại. “Trong suốt mười năm trời, tôi đã không tiêu vặt một xu nào. Không phim ảnh. Không nghỉ mát. Không một trận đấu bóng. Chỉ có đi làm, đi học và ước mơ cả đời là có được công việc kinh doanh riêng của mình”. Đến năm 1971, Lee đã dành dụm được cả thảy 42.000 đô la. Đã đến lúc anh có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Ý định của Lee là muốn mở một nhà hàng hạng sang ở Brooklyn. Với kế hoạch kinh doanh trong tay, anh bắt đầu tìm kiếm nguồn tài chính. Nhiều ngân hàng từ chối yêu cầu của anh. Không thể huy động được nguồn vốn để mở nhà hàng riêng, Lee quyết định chuyển sang làm đại lý nhượng quyền. Anh gửi đi rất nhiều đơn đăng ký. Thế rồi anh nhận được thư của McDonald’s đồng ý cho anh làm đại lý với một điều kiện: anh phải mở được các nhà hàng McDonald’s ở bên trong thành phố. McDonald’s muốn tìm hiểu liệu kiểu nhà hàng thức ăn nhanh của họ có thể thành công trong nội thành hay không. Có lẽ Lee là người thích hợp cho việc điều hành nhà hàng đầu tiên đó.
Để có được quyền làm đại lý nhượng quyền, Lee sẽ phải sử dụng tất cả các khoản tiết kiệm của mình và vay thêm 150.000 đô la nữa. Những gì anh đã bỏ công sức, tâm trí và thậm chí là hy sinh trong ngần ấy năm đều được dồn cho một thử thách đầy rủi ro – như bạn bè anh từng nói. Lee đã nhiều đêm không ngủ trước khi anh có thể đưa ra quyết định. Cuối cùng anh đã trung thành với sự chuẩn bị hàng chục năm của mình: anh đã đặt bút ký vào hợp đồng kinh doanh nhượng quyền nhà hàng McDonald’s ở khu ổ chuột đầu tiên tại Mỹ.
Những tháng đầu tiên đúng là thảm họa. Những vụ thanh toán lẫn nhau của các băng đảng, những cuộc đấu súng, rồi nhiều vụ xô xát bạo lực quấy nhiễu nhà hàng khiến khách hàng sợ hãi và tránh xa. Bên trong, nhân viên lấy cắp thức ăn và tiền bạc, đến két sắt cũng thường xuyên bị bẻ khóa. Lee không thể yêu cầu McDonald’s trợ giúp vì chỉ làm vấn đề trầm trọng hơn; các đại diện của McDonald’s cũng quá ngán ngại khi phải mạo hiểm đến khu vực cửa hàng tọa lạc. Lee phải tự mình xoay xở mọi chuyện.
Mặc dù anh đã bị cướp hết hàng bán, tiền lời và phần nào cả sự tự tin, nhưng Lee sẽ không để ước mơ của mình bị tước đoạt. Lee quay lại với những gì mà trước đây anh luôn luôn tin tưởng: chuẩn bị và hoạch định.
Lee biến mọi thứ thành một chiến lược. Trước tiên, anh gởi đến từng tên côn đồ hung hãn một bức thư với những lời lẽ cứng rắn, rằng nhà hàng McDonald’s không phải là chỗ của bọn chúng. Dĩ nhiên, để có tác dụng, anh chuẩn bị cả một số phương án đề phòng bạo lực. Qua ánh mắt bọn chúng, Lee cảm nhận được sự bơ vơ, cô độc mà anh từng nếm trải trong chính gia đình mình. Anh nhận thức được rằng sẽ có hy vọng và cơ hội cho những người hàng xóm này. Anh sẽ chứng minh điều đó. Anh quyết định không chỉ phục vụ bữa ăn cho cộng đồng – anh còn suy tính nhiều biện pháp nhằm xây dựng và phát triển cộng đồng mà anh đang sống.
Lee nói chuyện thẳng thắn và không kém phần thách thức với từng tên một, đồng thời khơi gợi động lực giúp chúng làm lại cuộc đời. Sau đó anh đã làm điều mà nhiều người cho rằng không thể tưởng tượng nổi: anh nhận chúng vào làm việc. Anh thắt chặt công tác điều hành, kiểm tra đột xuất các nhân viên thu ngân, loại trừ chuyện trộm cắp. Lee đã dần dần cải thiện được điều kiện làm việc. Cứ mỗi tuần một lần, anh tổ chức các lớp học về dịch vụ khách hàng và quản lý cho nhân viên. Anh khuyến khích họ phát triển những mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp.
Anh luôn nhấn mạnh hai mục tiêu: Một là phải giữ vững và phát triển nhà hàng bằng cách phục vụ khách hàng một cách hiệu quả; hai là nhà hàng của anh phải mở ra lối thoát cho những con người đang trong bước đường cùng. Và nếu nhân viên càng phục vụ khách hàng nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn thì lối thoát ấy càng hữu ích và có ý nghĩa hơn.
Như một nhà hoạt động cho cộng đồng, Lee tài trợ cho một đội điền kinh, giúp trẻ em gặp hoàn cảnh cơ nhỡ trở lại các trung tâm giáo dục của cộng đồng và trường học bằng nhiều suất học bổng. Lee đã xây dựng được một nhà hàng đặt trong khu ổ chuột của New York trở thành đại lý McDonald’s có lợi nhuận cao nhất thế giới thông qua doanh thu 1,5 triệu đô la một năm. Các đại diện của hãng từng không muốn đặt chân đến Harlem trước đây, bấy giờ lại cùng nhau kéo đến cửa hàng của Lee, hào hứng nghe câu chuyện làm ăn của anh. Đối với Lee, câu trả lời rất đơn giản: “Phục vụ khách hàng, phục vụ người làm công và phục vụ cả cộng đồng”.
Nhiều năm qua, Lee đã làm chủ chín nhà hàng, sử dụng 435 nhân công, phục vụ hàng ngàn bữa ăn mỗi ngày. Và đúng như lời anh từng hứa thuở nhỏ, mẹ anh không còn phải vất vả với nghề giặt giũ cực nhọc. Quan trọng hơn, Lee đã chuẩn bị con đường cho hàng ngàn doanh nhân người Mỹ gốc Phi phấn đấu để biến ước mơ của họ thành hiện thực, giúp đỡ cộng đồng, và nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Tất cả những điều này đều là hiện thực – một hiện thực hình thành từ nhận thức của một cậu bé biết ước mơ, hoạch định và chuẩn bị cho tương lai. Trong quá trình phấn đấu không ngừng ấy, cậu đã thay đổi cuộc đời mình, và của cả những người khác nữa.
LEE DUNHAM
“Nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân bạn. Hãy xem đó như là một thềm đá nâng bạn bước cao hơn.” – Franco Molinary |
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.