Nói Sao Cho Trẻ Chịu Học Ở Nhà Và Ở Trường
Chương 2: Bảy Kỹ Năng Mời Gọi Trẻ Hợp Tác
NGAY NĂM ĐẦU TIÊN DẠY HỌC, tôi luôn tâm niệm rằng mình phải làm sao khơi gợi được sự hợp tác của học sinh.
Khẩu hiệu của tôi rất giống câu khẩu hiệu của hãng NIKE: “Cứ làm đi rồi biết!” Nhưng thực tế, tôi đã tiêu tốn rất nhiều thời gian vào việc cẩn thận soạn giáo án, và phân chia buổi học thành những tiết học đầy ý nghĩa. Tôi tự an ủi mình, “Ta có rất nhiều bài phải dạy cho học sinh, trong khi ta không có nhiều thời gian. Vì vậy, nếu lớp học cứ ngồi im nghe giảng, cùng thái độ ‘hợp tác’ thì ta sẽ có khối thời giờ truyền đạt kiến thức cho các em.” Từ “ hợp tác ” ở đây có nghĩa là “ cùng làm việc và hướng tới một kết quả hoặc một mục tiêu chung ”. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có những cô cậu học trò cư xử như thể mục tiêu chung của chúng là đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp dạy dỗ của tôi! Lúc tôi nhắc đến những bài tập về nhà thì có em đứng dậy xin đi vệ sinh, hoặc một chiếc máy bay giấy bay vèo qua lớp, kéo theo một học sinh khác làm bộ té khỏi ghế.
Có vấn đề gì với những đứa trẻ này thế? Chúng có hiểu được rằng việc tiếp nhận một nền tảng học vấn là quan trọng thế nào không? Chẳng lẽ chúng không biết có mối liên quan mật thiết giữa việc học và tương lai của chúng sao? Và tại sao chúng không thể tập luyện một chút xíu nào sự tự chủ chứ?
Một ngày nọ, trong khi trực giờ ra chơi với một thầy giáo khác, tôi thấy một nhóm học sinh xô đẩy nhau, la hét om sòm để tranh đá một quả bóng. Thầy giáo kia trợn tròn mắt tỏ vẻ khó chịu và chép miệng, “Coi tụi nó kìa. Chả ra làm sao! Tại sao chúng hành động như trẻ con mãi vậy không biết?” Tôi ậm ừ cho qua chuyện, nhưng trong đầu nghĩ thầm, “Có lẽ bởi vì chúng đúng là con nít, và có lẽ người lớn chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ để biết bọn trẻ con cư xử với nhau thế nào.” Khi gặp Jane trong phòng giáo viên, tôi kể cho chị nghe về cảnh tượng ồn ào diễn ra trong giờ ra chơi lúc nãy.
Jane lắc đầu, “Cái cảnh em thấy đó vẫn còn hơn chán so với cách cư xử kiểu trẻ con thực sự. Trong đám đó, có những đứa trẻ đang phải đối mặt với những vấn đề mà người lớn chúng ta không bao giờ ngờ là có thể xảy ra với mình khi còn nhỏ. Ngay như lớp chị cũng có vài em rất hiếm khi được gặp cha mẹ. Họ là những chuyên gia có tham vọng trở thành những người hoàn hảo, nên họ phải dồn hết sức lực vào sự nghiệp. Có những phụ huynh khác lại không thể ở nhà, bởi vì họ phải làm quần quật ngày đêm để kiếm sống. Lớp của Ken có một em đã trải qua hai nhà mở và ba trường khác nhau chỉ trong vòng một năm. Hay có lần như em đã kể, rằng lớp em có một học sinh nam sống ở nơi dành cho những người vô gia cư đấy thôi. Những đứa trẻ này không chỉ phải đương đầu với những vấn đề bình thường của trẻ em khi chúng lớn lên, mà nhiều đứa còn không có cơ hội để được là ‘trẻ con’ nữa cơ.”
Jane dừng lời và thở dài, “Có một sự thật đáng buồn là trong thế giới ngày nay, trẻ em đang phải chịu nhiều căng thẳng và thiếu sự quan tâm chưa từng thấy. Nếu muốn giúp chúng tiếp thu kiến thức thì ta phải giúp chúng gỡ bỏ những cảm xúc nặng nề mà chúng phải mang theo khi vào lớp học. Điều đó có nghĩa là chúng ta – những thầy giáo, cô giáo – phải chuyển đổi vai trò của mình để bao luôn trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ.”
Tôi ngờ rằng Jane nói đúng. Học sinh của tôi, tuy có đứa hăng hái đến lớp và sẵn sàng học hỏi, nhưng cũng có đứa lơ đãng và thiếu thốn điều gì đó. Có lẽ điều đó giải thích tại sao chúng thường không để ý hoặc chống đối những yêu cầu đơn giản nhất của tôi. Bất cứ chuyện gì diễn ra ở nhà đều ảnh hưởng tới hành vi của chúng ở trường.
Về phương diện nào đó, điều này rất đúng. Khi Sam hăm hở đòi đọc bài luận văn đã làm ở lớp cho mẹ nghe thì mẹ nó lại gắt ỏm lên và quát nó hãy để cho mẹ yên. (Mẹ Sam vừa mới bị tình nhân bỏ). Còn Melissa thì được nuôi dạy bởi một chị trông trẻ mới mười mấy tuổi đầu và một cái tivi riêng, vì người cha góa của em suốt ngày chỉ rượu chè be bét. Melissa không hề biết cách giao tiếp với người lớn. Mẹ của Eric thì bị trầm uất kinh niên. Vậy, những đứa trẻ này biết gì về sự hợp tác? Rõ ràng chúng không được học điều đó trong gia đình mình. Rõ ràng tôi không thể thay đổi những gì đang xảy ra ở gia đình chúng. Nhưng biết đâu, tôi có thể thay đổi những gì đang diễn ra trong lớp mình thì sau thì sao?
Khi ngẫm nghĩ về cách dạy học của mình, tôi phải thừa nhận là đôi khi tôi rất giống một viên sĩ quan đang huấn luyện binh lính nơi thao trường – hô hào, quát tháo, ra lệnh. Kiểu như thế này:
“Chuốt bút chì đi!”
“Giơ tay lên!”
“Ghi tên vào bài kiểm tra đi!”
“Ngồi yên nào!”
“Lấy sách ra!”
“Chỉ nhìn vào bài làm của mình thôi!”
“Xếp hàng!”
“Đừng có gào lên như thế!”
«Nhả kẹo cao su ra!”
“Cẩn thận khi dùng máy tính!”
Không chỉ luôn miệng bảo trẻ phải thế này thế nọ, mà tôi còn bắt chúng không được làm cái này cái kia:
“Không chạy trong hành lang!”
“Không được chen lấn!”
“Đừng có vô lí như thế!”
“Không được đánh lộn!”
“Đừng quên làm bài tập về nhà!”
“Không được nói chuyện!”
“Đừng nói dối!”
“Không được thò chân ra lối đi giữa lớp!”
“Đừng có nghịch con chuột cảnh nữa!”
Thay vì tập trung vào bài giảng, tôi lại đánh mất phần lớn thời gian để cố điều khiển bọn trẻ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhưng nếu tôi không mất công làm thế thì đến bao giờ chúng mới học được cách cư xử đúng mực? Vậy mà, tôi càng ra nhiều mệnh lệnh, chúng càng hăng hái chống đối hơn. Thời giờ quý báu như vàng bạc để dạy học lại bị lãng phí vì phải đối phó với ương bướng của học sinh, vì phải ra sức chiến đấu và tranh giành quyền lực với chúng. Có những hôm tôi về nhà với sự kiên nhẫn đã mất sạch, sức lực cạn kiệt, lòng nhiệt tình bị bào mòn. Tôi cảm thấy câu nói đùa này thật hợp với tình trạng của mình, “Tôi chỉ còn có mỗi một sợi dây thần kinh… và mấy em đang đánh đu trên đó!”
Tôi lại vớ lấy quyển How To Talk So Kids Will Listen and Listen So Kids Will Talk … và đọc lại chương “Khơi gợi sự hợp tác”. Tất cả những ví dụ trong quyển sách này đều xảy ra ở nhà. Nếu tôi thay thế chúng bằng những ví dụ xảy ra ở trường thì sao? Tôi liền ghi chép lại những ý tưởng của mình về một bài tập mới, để ngày hôm sau mang đến trường chia sẻ với các đồng nghiệp trong bữa trưa. “Các anh chị ạ, chúng ta hãy chơi trò dạy học một lần nữa đi – em là giáo viên, còn các anh chị là học sinh của em nhé. Trong khi nghe em giảng bài, anh chị hãy tự hỏi xem ‘câu nói của cô giáo khiến mình nghĩ gì hay cảm thấy như thế nào?’ Sau đó hãy cho em xem những phản hồi theo ý của các anh chị, được không?”
“Không được,” Ken rụt tay khỏi xấp giấy của tôi, “lần trước tôi đã làm con chuột lang cho chị Jane thí nghiệm rồi. Lần này để tôi làm giáo viên, còn các chị phản ứng lại những câu nói của tôi, được không?” Chúng tôi đồng ý. Sau đây là bản tường thuật những phản ứng của chúng tôi (tôi, Maria, Jane) – những “học sinh” của thầy Ken:
Giáo viên: (đổ lỗi và buộc tội) Em lại quên mang bút chì nữa hả? Em định viết bằng cái gì đây? Vì em mà cả lớp phải ngừng bài học lại, làm mất thời giờ của mọi người chỉ để tìm cho em một cây bút chì.
Học sinh: “Mình thấy quê quá!”
“Mình chẳng bao giờ làm được gì cho nên hồn cả!”
“Thầy giáo gì mà ác thế!”
Giáo viên : (xỉ vả) Chỉ có đứa ngốc nghếch mới không ghi tên mình vào bài làm thôi.
Học sinh: “Mình ghét ông thầy này quá!”
“Ừ, mình làm gì cũng sai bét!”
“Mình đúng là ngu thật!”
Giáo viên : (đe dọa) Nếu thầy bắt quả tang em nào nhổ nước miếng vào đồ lau bảng lần nữa, thầy sẽ lập tức lôi em đó ra khỏi lớp nhanh đến nỗi đầu em đó quay mòng mòng luôn. Còn nếu các em vẫn tái phạm thì sẽ bị đình chỉ học ngay!
Học sinh: “Mình chả tin!”
“Ai thèm để ý!”
“Sợ quá!”
Giáo viên : (ra lệnh) Thôi, không nói chuyện nữa! Cất tập vở vào. Xếp hàng cho ngay ngắn coi. Nhanh chân lên!
Học sinh: “Quát tháo thấy ghê! Mình có phải là nô lệ đâu!”
“Từ từ em sẽ làm mà!”
“Làm sao thoát khỏi cái nhà tù này hả Trời?”
Giáo viên : (diễn thuyết và giảng đạo) Bẻ bút chì của John mà coi được à! Thử nghĩ xem, em có thích ai bẻ bút chì của em không? Nếu ai cho mượn cái gì thì em phải chú ý giữ gìn nó, cũng giống như em muốn người khác chăm chút giữ gìn đồ dùng của mình vậy. Giờ thì xin lỗi John đi.
Học sinh: “Mình đúng là đứa học sinh xấu xa!”
“Chà chà… Chà chà…”
“Mình hết nghe nổi rồi!”
Giáo viên : (cảnh cáo) Coi chừng mấy cái ống nghiệm chứ! Coi chừng chúng vỡ, cứa đứt tay các em bây giờ… Cẩn thận với đèn Bunsen! Các em có muốn xảy ra tai nạn không?
Học sinh: “Sợ quá!”
“Vậy khỏi làm cho xong!”
“Thầy xạo thôi. Có thấy chuyện gì xảy ra đâu!”
Giáo viên: (đóng vai những người khốn khổ) Mỗi khi về đến nhà là đầu tôi nhức như búa bổ vì các em quậy quá. Các em có thấy những sợi tóc bạc này không? Mỗi sợi bạc là vì một em học sinh phá phách đấy!
Học sinh: “Mua cho thầy một lọ thuốc nhuộm tóc là xong chứ gì!”
“Ước gì thoát được khỏi chỗ này ngay! Em đâu cần nỗi đau khổ của thầy!”
“Đó là lỗi của mình!”
Giáo viên : (so sánh) Tại sao em nộp báo cáo trễ thế hả? Năm ngoái thầy dạy chị em của Sally, và chị em luôn nộp bài đúng hạn.
Học sinh: “Mình sẽ chẳng bao giờ tốt bằng Sally!”
“Mình ghét chị mình quá!”
“Mình ghét thầy!”
Giáo viên: (mỉa mai, cay cú) Không ai nhớ Columbus đã tìm ra châu Mỹ vào năm nào à? Thông minh thật, thông minh quá đi! Đây là ngôi trường có lực hút những kẻ chậm lụt hay sao ấy. Cách duy nhất để tăng chỉ số IQ cho cái lớp này là tất cả hãy đứng lên ghế cho thật cao.”
Học sinh: “Mình ngu quá! Chẳng nhớ cái gì cả.”
“Trường này đúng là cục nam châm thật. Bởi vậy tụi mình mới bị hít dính vô ông thầy mát dây này!”
“Ôi, Trời ơi!”
Giáo viên: (làm thầy bói xủ quẻ xấu) Cứ học hành kiểu này thì các em sẽ chẳng bao giờ tìm được việc làm đâu. Và nếu không cố gắng đạt được điểm tốt hơn thì đừng mong có trường đại học tử tế nào muốn nhận mấy em.”
Học sinh: “Vậy ra công lao học tập của mình đổ sông đổ biển hết ư?”
“Mình chẳng giỏi giang gì!”
“Mắc gì phải cố gắng? Dẹp luôn!”
Chúng tôi nhìn nhau hoảng hốt khi bài thực hành kết thúc. Jane đã nói dùm những gì chúng tôi nghĩ, “Nếu chúng ta phải nếm trải bao nhiêu đó cơn giận dữ và thất vọng khi giả bộ làm học sinh, vậy thì các em học sinh thật sự sẽ cảm thấy thế nào?”
“Đặc biệt là khi chúng nghe thấy những câu nói kiểu như thế ở nhà,” Maria nói thêm vào. “Bà chị tôi luôn bảo con cái thế này, ‘Nếu điểm số của các con không khá lên, mẹ sẽ đem cho cái tivi ngay đấy.’ ‘Con nên học giống như cách học của anh con ấy. Có lẽ con cũng sẽ đạt được điểm A.’ ‘Con không làm bài tập về nhà vì con làm biếng thôi!’ Vậy đó. Chị tôi theo dõi bọn trẻ sát nút, còn cha chúng thì luôn mồm giảng đạo đức.”
“Cha tôi có một chiêu độc là ưa nói móc,” Jane nói. “Ông cứ tưởng như vậy là mình khôi hài và thông minh. Ông bảo, ‘Lại làm mất sách mượn thư viện nữa à? Ái chà, hành động có trách nhiệm gớm nhỉ!’ Hồi nhỏ, lời cha nói luôn khiến tôi bối rối. Tôi nghĩ, ‘Thế quái nào mà làm mất đồ lại là hành động có trách nhiệm chứ?’ Khi lớn hơn một chút, những lời mỉa mai của cha khiến tôi đau lòng, bị tổn thương, và rất muốn trả treo bằng cách châm chích y như thế. Đôi khi tôi cũng dám làm thật. Nhưng khổ nỗi tôi không giỏi nói móc. Đến lúc đi dạy học, những từ ngữ xỏ xiên bỗng tự nhiên nhảy vọt ra khỏi miệng tôi, nhất là khi tôi đang nổi quạu. Tôi nhớ có lần đã châm biếm một em học sinh có tật làm gì cũng rề rà, và tôi đã lặp lại y chang những lời cha tôi từng nói hàng ngàn lần, ‘Em chậm chạp bẩm sinh hay là có ai giúp em thành ra như thế hả?’ Thế là cả lớp ồ lên cười.”
“Và tiếng cười đó,” Ken tiếp lời, “là tiếng kèn xung trận đối với giáo viên, nó thôi thúc, cổ vũ chúng ta lăn xả vào một trận mỉa mai còn phản giáo dục ghê gớm hơn nữa.”
“Tôi biết,” Jane nghiêm trang. “Đằng sau loạt cười nghiêng ngả đó là một đứa trẻ bị bêu xấu trước đám đông. Kể từ đó trở đi, tôi không bao giờ làm thế nữa.”
“Nhưng sao chị biết để dừng lại?” Maria hỏi.
Jane nhăn mặt, “Tôi chẳng thấy vui vẻ gì khi nói móc mỉa như vậy. Vì đến năm thứ hai đi dạy, lớp tôi có một em nữ đặc biệt hay gây ra những chuyện rắc rối. Trong lúc tôi đang giảng bài, Theresa thường chẳng làm gì ngoài việc thản nhiên lấy gương ra soi và sửa sang tóc tai. Một ngày kia, tôi yêu cầu các em lên đọc bài thu hoạch của mình về Ai Cập cổ đại mà tôi đã dặn phải chuẩn bị trước ở nhà. Không một bàn tay nào giơ lên. Bất chợt, tôi phát hiện Theresa đang dán móng tay. Không nhịn được nữa, tôi nói ngay, ‘Ồ, cô sẽ không gọi Theresa đọc bài đâu. Bạn ấy đã rất nhiệt tình trong buổi thảo luận của lớp rồi, chúng ta nên dành quyền trả lời cho bạn khác nữa.’ Vài đứa cười khúc khích, nhưng thật ngạc nhiên, tôi thấy Theresa ngước lên khỏi đám móng tay đang dán dở dang, và cười tươi rói. Nó tưởng tôi nói thật. Lời tán dương ‘mỉa mai’ của tôi đã làm con bé mừng hết biết.
“Tôi xấu hổ đến nỗi tự nhủ rằng, ‘Mình sẽ không bao giờ nói kiểu ấy nữa!’ Nếu muốn bày tỏ nỗi thất vọng của mình đối với bọn trẻ, tôi cần phải thẳng thắn bày tỏ điều đó. Nếu muốn hài hước, tôi phải bảo đảm rằng câu đùa của mình không bôi nhọ phẩm giá của bất cứ đứa trẻ nào.”
“Đồng ý,” Ken nói, “vậy là có nhiều điều chúng ta nói tưởng là bình thường, nhưng vô tình lại khiến học sinh cảm thấy chúng xấu xa tồi tệ, hoặc khiến chúng có ý nghĩ không tốt về giáo viên. Nhưng vấn đề là chúng ta vẫn bị bế tắc trong việc uốn nắn trẻ và giúp chúng hành xử tốt hơn.”
“Đúng thế,” Maria góp lời. “Vậy thì, thay vào đó các thầy cô giáo nên làm gì… bên cạnh việc phải tỏ ra ôn hòa và dịu dàng nói ‘làm ơn làm thế này’ hoặc ‘vui lòng đừng làm thế kia’?”
“À,” tôi lấy quyển How To Talk So Kids Will Listen and Listen So Kids Will Talk ra và vẫy vẫy trên không. “Câu trả lời nằm trong đây này.” Tôi mở chương “Khơi gợi sự hợp tác”, chỉ những hình minh họa cho Ken và Maria xem.
Ken nghiên cứu những hình vẽ. “Những cái này toàn là ví dụ ở nhà thôi.”
“Đúng vậy,” Maria nói, “Nhưng trẻ em vẫn luôn là trẻ em, cho dù chúng ở đâu, ở nhà hay ở trường. Tôi không nghĩ có sự khác biệt gì đâu.”
“Tôi lại nghĩ là có sự khác biệt lớn đấy,” Ken phản bác. “Khác ở chỗ, ở nhà chỉ có cha mẹ với một hay hai đứa con thôi, còn ở trường lại là một giáo viên cố kiểm soát cả ba mươi đứa trẻ cùng một lúc.”
“Đúng vậy,” Jane tán thành. “Ở phương diện nào đó, công việc của giáo viên khó khăn hơn; nhưng mặt khác, công việc của cha mẹ cũng có cái khó riêng. Ở cha mẹ là một sự tận tụy cả đời. Họ không thể tống khứ con họ vào lúc ba giờ chiều, hoặc hy vọng chúng sẽ biến thành những đứa trẻ mới toanh vào mùa thu. Tuy nhiên, cho dù chúng ta đang ở phòng khách hay ở trong lớp học thì những kỹ năng này đều có ích và hiệu quả như nhau.”
Thời gian còn lại của bữa trưa, chúng tôi cùng bàn bạc để chuyển đổi những nguyên tắc khơi gợi sự hợp tác ở nhà sang bối cảnh trường học. Sau đây là những hình minh họa và những ví dụ mà chúng tôi đã nghĩ ra:
Nhóm chúng tôi rất hài lòng về kết quả thảo luận của mình. Những ví dụ chúng tôi đã cùng nhau đúc kết xem ra rất khả thi – trên lý thuyết. Tôi nói, “Nào, bây giờ thì thử thách thật sự là làm sao đưa tất cả những ý tưởng tuyệt vời này vào hành động trong lớp học.”
Ken nói, “Các chị có ngạc nhiên không nếu biết rằng có những ngày tôi đã thật sự làm đúng như vậy với học sinh của mình, một cách tự nhiên. Tôi luôn bảo chúng, ‘Chân của em…’ ‘Cánh cửa…’ ‘Bài kiểm tra…” mà không hề hay biết mình ‘rất có kỹ năng’ khơi gợi sự hợp tác. Tôi còn thực hiện nhiều kỹ năng khác không ghi trong danh sách này.”
“Chúng ta còn sót điều gì à?” tôi hỏi.
“Đúng… Niềm vui. Trò chơi. Một chút hài hước. Bất cứ chiêu gì làm cho lớp học sống động hơn. Tôi đã xoay xở rất nhiều cả cho bản thân mình lẫn học sinh.”
“Một chút vui đùa cũng tốt,” Maria bình luận. “Marco rất mê giờ sinh vật bởi vì giáo viên môn đó rất biết pha trò. Thật vậy. Trong buổi tối [1] ngày khai trường, giáo viên đó đã bảo với các phụ huynh rằng do kinh phí eo hẹp nên những lớp học tiết đầu đã phải khâu những con ếch đã mổ để lại lớp kế tiếp có ếch mà mổ.”
Ken cười sảng khoái và bảo, “Đó chính là điều tôi muốn nói tới đấy. Hài hước tạo cho mọi người một tâm trạng vui vẻ và khiến trẻ muốn hợp tác.”
Tôi tò mò, “Nói thật xem, anh đã làm điều đó thế nào, vậy Ken? Cho tôi một ví dụ đi.”
“Thế này, chẳng hạn như khi luyện tập phòng cháy chữa cháy nhé. Các chị cũng thừa biết bọn trẻ chẳng bao giờ xem việc này là nghiêm túc cả, và thật khó mà bắt chúng ra khỏi phòng được. Nhưng nếu tôi thực hành thủ tục ‘mệnh lệnh hải quân’ thì lớp tôi sẽ là lớp đầu tiên ra tới ngoài đường.”
“Thủ tục gì cơ?” chúng tôi hỏi lại.
Ken cuộn một tờ giấy thành hình một chiếc loa phóng thanh và đưa lên miệng, “Nghe đây, nghe đây!” giọng anh đầy ngữ điệu. “Tập luyện nào! Tập luyện phòng cháy nào! Hãy dừng mọi hoạt động lại. Thực hiện bài tập nào. Tất cả lên boong. Nhanh lên!”
“Thật đáng kinh ngạc là bọn trẻ phản hồi rất nhanh với những việc có hơi hướng đùa vui,” Jane nói. “Tôi nhớ lại hồi dạy lớp Một, mỗi khi bắt bọn trẻ xếp hàng để đi đâu đó là chẳng khác gì một cuộc xung trận. Một buổi chiều, tôi nói, ‘Các em, chúng ta làm thành một đoàn tàu hỏa để ra chơi nào. Juan, em đi trước làm đầu máy; Monica, em đi cuối làm toa bảo vệ; tất cả các em còn lại sẽ là các toa giữa. Giờ hãy đặt tay lên vai người đứng trước mặt và đi thôi.’ Chưa đầy nửa phút, chúng đã xếp thành một hàng ngay ngắn và ‘nổ máy xình xịch’ đi ra cửa – đứa nào cũng cười toe toét.”
“Nhưng ta chỉ có thể làm với lớp nhỏ thôi, đúng không?” Maria nói.
“Tôi cũng từng nghĩ như thế đấy!” Jane thốt lên. “Cho nên, khi được phân công dạy lớp bốn, tôi nghĩ chúng đã lớn rồi, không hợp với những trò ngô nghê như vậy nữa. Một hôm, tôi nghe giáo viên lớp kế bên than phiền rằng, mỗi lần tới phòng ăn trưa là lớp tôi lại ồn ào không chịu nổi. Thay vì la mắng, tôi bảo bọn trẻ, bằng điệu bộ rất nghiêm trang, hãy lấy ‘chìa khóa nhiệm màu’ ra khỏi túi quần, khóa miệng lại, và đưa ‘chìa khóa’ cho cô trước khi bước ra khỏi phòng.”
“Chúng làm theo chứ?” Maria hỏi.
“Từng em một sốt sắng đến đặt ‘chiếc chìa khóa’ vào tay tôi. Rồi tất cả đều mím môi cười tủm tỉm và nhón chân đi nhẹ nhàng cho đến khi tới nhà ăn. Lúc đó tôi mới trả lại chìa khóa để chúng mở miệng nói năng và ăn uống.”
“Con chị có biết chúng may mắn thế nào khi có một người như chị là mẹ không?” tôi nói với Jane. “Sống với chị chắc là vui lắm!”
Jane cười gượng, “Con chị lại không nghĩ thế đâu,” chị vừa nói vừa thu dọn đồ đạc để về lớp. “Mỗi ngày từ trường về nhà thì chị chẳng còn sót lại chút năng lượng nào cả. Chị chỉ muốn im lặng và nghỉ ngơi thôi.”
“Và chị sẽ có điều đó,” Ken nói, bước đi cùng với Jane, “khi bọn trẻ trưởng thành và sống xa nhà.”
Cuộc thảo luận đó diễn ra vào ngày thứ Sáu. Đến thứ Hai, Jane bưng khay thức ăn tới bàn và cười rạng rỡ với tất cả chúng tôi.
“Chị có chuyện gì mà vui thế?” Ken hỏi.
“Tôi tự hào quá đi mất,” Jane nói to. “Mọi người còn nhớ hôm thứ Sáu chúng ta đã bàn luận về điều gì không? Chiều hôm ấy khi tôi về nhà thì thấy ngay lũ nhóc đang ăn nhẹ trong bếp. Ôi thôi, cặp sách, giày dép, vỏ chuối bày la liệt trên bàn, vụn bánh mì thì vương vãi khắp sàn. Tôi đã dọa nạt chúng? Hay quát mắng? Hay thuyết giảng? Không hề nhé.” Jane dừng lại một cách kịch tính và quay qua Ken, “Thay vì vậy, tôi áp dụng ý kiến của anh: hóa thân vào một nhận vật khác mà nói.”
Ken không hiểu, “Một nhân vật khác á?”
“Đúng vậy, tôi đã thử bắt chước giọng điệu của một số nhân vật. Bọn nhóe thích lắm. Chồng tôi kinh ngạc quá, nhưng rồi cũng ứng khẩu nghĩ ra một vài nhân vật của riêng mình luôn.”
“Chị kể vài ví dụ đi,” Ken hối thúc.
“Bây giờ hả? Ngay tại đây á? Thôi, ngại lắm!”
Thế nhưng, chúng tôi không phải nài nỉ lâu. Thoáng sau, Jane đã làm chúng tôi cười bò với trò hóa thân của chị. Sau đây là hình minh họa những nhân vật mà Jane và chồng chị đã nghĩ ra để đùa với mấy đứa con của họ.
Maria không nhịn được cười, “Cách buồn cười thật đấy. Tôi biết, nếu tôi giả bộ với con mình theo cách ấy thì thể nào chúng cũng dọn dẹp sạch sẽ ngay. Nhưng tôi thấy làm vậy cường điệu quá. Không hợp với tính cách của tôi. Tính tôi vốn nghiêm trang. Thậm chí là quá nghiêm trang.”
“Cái đó thì tôi không biết,” Jane nói. “Tôi chỉ nghĩ tất cả chúng ta đều có cái phần hóm hỉnh đang bị khóa chặt ở đâu đó bên trong mình. Việc cần làm tìm thấy và thả cho nó sổng ra thôi. Giống như việc chị đã làm với Ana Ruth sáng hôm nọ ấy mà.”
Maria bối rối.
“Chuyện hai mẹ con chị hậm hực nhau trước khi con bé đi học ấy.”
Maria đỏ mặt, “Ố, việc đó có gì đâu.”
“Tin tôi đi. Có đấy. Chị kể cho mọi người nghe chuyện xảy ra thế nào đi. Nhé?”
Maria ngần ngại một lúc rồi nói, “À thế này, Ana Ruth và tôi đã gây một trận khá căng trong khi xe buýt sắp tới. Tôi thấy cháu bực mình kinh khủng vì phải xếp dọn giường trước khi ra khỏi nhà. Tôi biết nó nửa muốn hôn tôi, nửa không, nên tôi hỏi, cho mẹ hôn con nhé. Nó bảo không. Tôi hỏi tiếp, thế cho mẹ hôn lúc con đi học về được không. Nó vẫn bảo không. Thế là tôi hỏi tới luôn, vậy khi con lấy chồng con có cho mẹ hôn không. Con bé cười phá lên, ‘Ôi mẹ’ và ôm chặt lấy tôi mà hôn. Sau đó, cả hai mẹ con đều cảm thấy rất vui.”
Lúc hết giờ ăn trưa, tôi cảm thấy phấn khởi lạ lùng khi lên cầu thang về lớp. Câu chuyện của Maria (bông đùa vào khoảnh khắc căng thẳng!) khiến tôi phải suy ngẫm, tôi cũng bị mê hoặc bởi những nhân vật do Jane và chồng chị ấy đã ngẫu hứng sáng tạo ra. Xem ra tình huống khó xử sẽ rất thú vị nếu ta cố thử một cái gì đấy khác đi, hoặc thử làm một điều bất ngờ nào đó. Tôi chợt nghĩ đến những đứa trẻ dễ làm mình phát khùng trong lớp – nhất định ngồi lì tại chỗ mà gào lên câu trả lời, chứ không chịu giơ tay xin phép. Tôi đã cố thử nhiều kĩ năng mới biết với chúng rồi, nhưng hài hước thì chưa.
Tôi đã mô tả vấn đề, “ Cô nghe thấy câu trả lời rồi, nhưng chưa thấy cái tay, ” nhưng câu đó chỉ có tác dụng với vài đứa thôi.
Tôi đã nói cảm xúc của mình cho chúng nghe, “ Cô rất buồn và mệt khi cả lớp cứ la lên một lúc, vì cô chẳng nghe được ai nói gì cả .” Thế là thêm vài em nữa biết phản hồi đúng mực.
Với những “cao thủ” ương bướng, tôi đã đưa ra sự lựa chọn, “ Em có thể giơ tay phải hay tay trái đều được .” Đứa thì chọn giơ tay phải, đứa thì giơ tay trái, có đứa giơ cả hai tay. Khi em nào lại lỡ buột miệng nói to lên mà không giơ tay, tôi nhắc nó bằng một từ thật ngắn, “ Tay !”
Tôi tự chúc mừng mình đã kiểm soát được phần lớn tình hình, nhưng chỉ còn mỗi mình Andrew nhất định không chịu nghe lời. Những câu trả lời cứ vuột ra khỏi miệng, trước khi nó kịp nghĩ là phải giơ tay xin phép. Dường như tôi có nhắc nhở thế nào cũng không cải tạo được bản tính bốc đồng tự nhiên của nó. Thình lình có một ý nghĩ lóe lên, tôi liền dừng ngay giữa cầu thang, lấy giấy ra và viết:
Andrew thân mến,
Khi nào em muốn chứng tỏ sự hiểu biết của mình, đừng la hét om sòm, chỉ việc giơ tay lên thôi.
Cảm ơn em trước nhé,
Cô Lander
Đang giảng được nửa bài xã hội học, tôi chợt hỏi cả lớp những nguyên nhân gây ra cuộc Nội chiến. Khắp phòng đầy những cánh tay giơ lên, vẫy vẫy, và một giọng nói bung ra, “Hệ thống thuế không tương xứng!” Chính là Andrew, dĩ nhiên. Tôi bước tới bàn cu cậu, mỉm cười vui vẻ và chìa mẩu giấy tôi đã chuẩn bị sẵn ra. Andrew mở tờ giấy, mỉm cười lại với tôi, và giơ tay trả lời trong suốt thời gian còn lại của tiết học!
Sáng hôm sau, Andrew bảo nó đã làm một bài thơ tặng tôi. Đọc xong, tôi bèn bảo nó viết lên bản tin để làm lời nhắc nhở cả lớp. Bằng nét chữ thật to, Andrew viết:
Hoa hồng đỏ
Rau diếp xanh
Nếu giơ tay
Sẽ được thấy.
Sau sự việc đó, tôi không bao giờ phải nhắc thêm một lời nào nữa về việc đừng có ngồi tại chỗ mà trả lời ong óng lên. Rất đơn giản, tôi chỉ vào bài thơ của Andrew.
GHI NHỚ
Khơi gợi sự hợp tác
ở nhà và ở trường
Người lớn: Mấy vết bẩn dưới sàn là do ai đây?
Thay vì chất vấn hay chỉ trích trẻ, bạn có thể:
1. Mô tả vấn đề
“Cô thấy có sơn ướt dưới sàn nhà đây này!”
2. Cung cấp thông tin
“Màu vẽ còn ướt sẽ dễ lau sạch hơn khi đã khô.”
3. Đưa ra sự lựa chọn
“Em có thể chùi sạch vết bẩn bằng giẻ ướt hoặc miếng mút nhúng nước cũng được.”
4. Nói ngắn gọn
“Sơn!”
5. Viết ra
“Tất cả các họa sĩ chú ý:
Hãy vui lòng trả lại sàn nhà ở tình trạng ban đầu trước khi rời phòng
Cảm ơn
Chuyên viên giám sát”
6. Bông đùa (dùng giọng nói hay tính cách của người khác)
Cải biên bài hát dân ca:
Aaa ai thấy sơn dính dưới sàn,
Ối cảnh tượng xót íi xa
Lấy giẻ ra… aáa
Giúp tôi lau sạch nào.
NHỮNG THẮC MẮC, CHUYỆN KỂ CỦA PHỤ HUYNH VÀ GIÁO VIÊN
? Những thắc mắc của phụ huynh
1. Phải chăng cách ta nói với bọn trẻ cũng quan trọng như điều ta muốn nói?
Giọng điệu khi nói quan trọng chẳng kém nội dung lời nói đâu nhé. Lời phản hồi lí tưởng, có đầy đủ các kĩ năng mời gọi hợp tác, cũng có thể thất bại nếu được nói ra kèm theo với một tiếng thở dài ngao ngán. Điều này chẳng khác gì bạn ngầm trách móc, “Em lại tái phạm nữa rồi… Cứ như vậy em sẽ chẳng bao giờ học được đâu.” Cho nên, cùng với lời nói mang nghĩa tôn trọng, chúng ta cần có cả thái độ tôn trọngnữa. Thái độ đó sẽ phát đi tín hiệu, “Cô tin vào khả năng và sự phán đoán của em. Cô đã chỉ ra vấn đề là em biết cách xử lí ngay thôi.”
2. Một hôm, con gái tôi nức nở chạy đến và méc rằng mấy thằng anh xé giấy trong quyển tập mới của nó. Tôi tra hỏi cả hai thằng anh, nhưng chẳng đứa nào nhận cả. Tôi nên làm gì để chúng nói thật?
Câu hỏi “Ai làm chuyện này?” sẽ tác động ngay tức khắc đến nỗi sợ hãi của trẻ. Lúc này, chúng buộc phải đối mặt với hai tình huống khó chịu. Một là, nếu nói dối (và thoát khỏi rắc rối), trước mắt chúng sẽ được nhẹ nhõm nhưng rồi lại bị dằn vặt lâu dài. Hai là, nếu nói thật, chúng có thể sẽ bị la mắng hay bị phạt.
Tệ hơn nữa, sự thú nhận của bọn trẻ có nguy cơ dẫn đến một câu hỏi khác, rất đáng sợ, “ Tại sao con làm thế?” Cho dù đứa trẻ có cố gắng giải thích cho “tội lỗi” kia thế nào đi chăng nữa, nó vẫn cảm thấy câu trả lời cũng chỉ là tự buộc tội mình thôi. Bởi vì chắc chắn nó sẽ nói, “Tại con ngu, con kém cỏi, ích kỷ, thiếu quan tâm, thiếu suy nghĩ. ” Tóm lại, trẻ nói dối hay nói thật trong trường hợp này đều không xong.
Thay vì hỏi trẻ ai làm cái gì, hay tại sao lại làm điều đó, hãy bình tĩnh mô tả vấn đề, “Suzie đang buồn lắm vì quyển tập mới của em đã bị xé mất vài tờ.” Tiếp theo hãy cung cấp thông tin, “Từ nay trở đi, trong nhà mình nếu có ai hết giấy thì cứ nói với mẹ, mẹ sẽ cho vài tờ. ”
3. Bất cứ khi nào muốn con gái làm gì đó, tôi đều cố yêu cầu nó một cách lịch sự. Tôi thường nói, “Con làm ơn nhanh lên kẻo trễ học mất!” hoặc “Vui lòng tắt tivi và lấy bài tập ra làm ngay đi!” nhưng con bé cứ lờ đi. Theo tiến sĩ, tôi nên làm gì trong trường hợp này?
Người lớn thường dùng cụm từ “làm ơn”, “vui lòng” với mong muốn làm dịu sự chống đối của bọn trẻ khi chúng bị ra lệnh trực tiếp. Trong khi đó, trẻ lại hay hiểu lệch ý nghĩa của từ “làm ơn” nên chúng mới nổi loạn, chống lại mệnh lệnh. Chúng khiến cho hầu hết các bậc cha mẹ phải tức điên lên. Tệ hơn, có đứa còn dùng “công thức làm ơn” để ra lệnh ngược lại theo kiểu gậy ông đập lưng ông, “Mẹ, mẹ làm ơn dẫn con đến cửa hàng ngay đi. Con đã nói lààmm ơơnn rồi mà!” Do có nhiều giải pháp khác để khơi gợi sự hợp tác (xem phần Ghi Nhớ ở trang trước), chúng tôi đề nghị bạn nên dành cụm từ “làm ơn” cho những tình huống bình thường, chỉ đơn thuần để thể hiện sự nhã nhặn, lịch sự nói chung mà thôi, ví dụ như lúc nói, “Làm ơn chuyền bánh mì giúp mẹ.”
4. Xin tiến sĩ cho biết, con cái ở độ tuổi nào thì cha mẹ có thể bắt đầu viết giấy nhắn cho chúng?
Thật ngạc nhiên khi những lời lẽ được viết ra giấy lại rất hữu hiệu đối với trẻ nhỏ chưa biết đọc. Có một vị phụ huynh đã kể rằng, cô con gái đang học mẫu giáo của chị không bao giờ chuẩn bị xong kịp đi học mỗi sáng. Một chiều nọ, bà ngồi cạnh con bé và lập một bản liệt kê những việc nó phải làm trước khi rời nhà. Kế bên từng dòng ghi rõ những nhiệm vụ như đánh răng, chải đầu, ăn sáng…, người mẹ còn vẽ kèm theo một hình vẽ đơn giản. Từ đó, sáng nào cô bé cũng dựa vào bản liệt kê hấp dẫn ấy để chuẩn bị đi học. Rồi một ngày nọ, cô bé tự hào chỉ tay vào tờ giấy và “đọc” to cho bố nghe, từ đầu tới cuối.
5. Giáo viên của con trai tôi đã “bó tay” trong việc tập cho cháu cách thuyết trình làm sao cho có vẻ tự nhiên. Tôi động viên cháu cố lên và đưa ra hai lựa chọn: có thể tập trước gương hoặc trước mặt tôi, nhưng cháu từ chối cả hai. Tiến sĩ khuyên tôi nên làm gì đây?
Khi đang có những cảm xúc âu lo, nản chí về việc phải làm một điều gì đó, bọn trẻ thường coi sự lựa chọn chẳng khác nào một mánh khóe hay lừa dối. Trước khi trẻ có thể bắt đầu thích thú với những lựa chọn mà bạn đưa ra, chúng cần biết rằng bạn cũng hiểu phản ứng của chúng. Chẳng hạn, “Đứng nói trước bao nhiêu người thì đúng là ghê thật, đến cả những diễn giả chuyên nghiệp cũng còn hồi hộp nữa là! Để xem có cách nào giúp con cảm thấy thoải mái và tự tin hơn không nhỉ? Tập nói trước gương?… Hay là tập trước mặt cả nhà?”
Những gợi ý của bạn có thể sẽ giúp con đến với lựa chọn thứ ba, “Có lẽ con sẽ tập nói trong phòng và thu vào băng cassette, rồi nghe lại cho tới khi nào con làm được mới thôi.”
Bằng cách đứng về phía con, và thừa nhận sự khó khăn trong nhiệm vụ của nó, bạn có thể làm cho nó chịu lắng nghe và suy ngẫm về đề nghị của bạn.
Chuyện kể của phụ huynh
Chuyện đầu tiên là của một người cha đã áp dụng những kỹ năng mới để giúp cậu con trai mới lớn chịu sống hòa đồng với một sinh viên nước ngoài đang ở trọ nhà họ trong một năm.
Con trai tôi, Jack, đang vừa làm bài tập về nhà vừa nghe chương trình nhạc rock ưa thích của nó trên radio. Tôi thấy André, cậu sinh viên người Pháp, rất khó tập trung làm bài tập về nhà, nhưng cậu lịch sự không nói ra. André cứ liếc về hướng chiếc radio mãi. Tôi bực bội vì sự vô tâm của thằng con mình. Tôi định bảo Jack nên nghĩ coi, André làm sao học bài cho nổi với tiếng ồn ào đó, nhưng rồi tôi lại nghĩ, có lẽ mình nên nói cho con hiểu thì tốt hơn. Tôi bảo, “Jack, có người có thể làm bài tập trong tiếng nhạc giựt đùng đùng, nhưng cũng có người cần yên tĩnh để suy nghĩ đấy con.” Jack ngước lên, vặn radio hơi nhỏ lại, và hỏi André, “Vậy được chưa?”
Nửa giờ sau, tôi lại nghe tiếng radio ầm ầm. Tôi liền thò đầu vào phòng thằng con và hét, “Nhạc!” Jack vội đáp, “Ố, xin lỗi, con quên mất!” và tắt máy luôn. Còn André thì nói, “ Merci !” [2]
✳ ✳ ✳
Câu chuyện này là của một người mẹ luôn tin vào sự hợp tác của đứa con gái mới ba tuổi tên là Mindy.
Mindy cầm quyển sách mượn ở thư viện lên, định bước xuống hồ trẻ em để lội chơi. Tôi đang ở quá xa, không kịp ngăn con bé lại, thế là tôi đành hét lên, “Ôi không! Quyển sách, ngừng lại! Sách không xuống hồ được đâu! Nó không biết bơi!” Mindy lập tức dừng lại, nhìn quyển sách trong tay và vội quay vào nhà. Lát sau, tôi thấy con bé đi tay không trở ra và lội xuống hồ.
✳ ✳ ✳
Hai câu chuyện tiếp theo minh họa cho sức mạnh của những mẩu giấy ghi lời nhắn.
Andy, đứa con trai mười tuổi, cứ nài nỉ tôi cho nó mượn cái nồi hầm mà tôi thích nhất để mang đến hội chợ ẩm thực quốc tế ở trường. Nhưng khi hội chợ kết thúc, thằng bé quên béng mất, chẳng nhớ gì tới việc phải mang cái nồi về. Suốt cả tuần lễ, ngày nào tôi cũng nhắc, nhưng Andy vẫn chẳng chịu nhớ. Cuối cùng, tôi dùng cây bút dạ viết chữ “NỒI!” lên vỏ quả chuối mà tôi gói cho nó mang theo ăn trưa. Buổi chiều về nhà, thằng con đãng trí cằn nhằn với tôi là bọn bạn trong lớp cười lăn lộn khi nó lấy quả chuối ra. Nhưng nó vẫn quên đem cái nồi về!
Tôi nói, “Andy, thế này thì phải dùng đến biện pháp mạnh thôi. Chính con phải tự tay viết một mẩu ghi nhớ cho mình, để nhắc mình làm cho xong việc đó đi.” Thằng bé ngồi xuống và viết như thế này:
Andy thương yêu,
Ngày mai nhớ mang cái lồi kỳ cục, hôi rình, ngốc nghếch đó về… nếu không thì!!!
Tôi không sửa lỗi chính tả cho con. Thằng bé đính mảnh giấy vào cặp đi học, và chiều hôm sau, tôi đã được thấy lại cái nồi yêu quý của mình.
✳ ✳ ✳
Con chó nhà tôi bỗng chồm lên cửa sổ, sủa inh ỏi. Tôi nhìn ra thì thấy lũ con mình và con hàng xóm đang đánh nhau ở trạm xe buýt – chúng la hét, đấm đá kịch liệt. Vì đang mặc áo choàng tắm, không thể ra can ngăn chúng được, thế là tôi bèn viết “ĐỪNG ĐÁNH NHAU NỮA!!” lên một tờ giấy lớn, xỏ một sợi dây vào tờ giấy và cột vào vòng cổ của con chó. Xong, tôi xùy con chó ra, hy vọng nó sẽ tới chỗ bọn trẻ. Và thật may là con chó đã làm thế, nó sủa ầm ĩ. Khi bọn trẻ nhìn thấy con chó và đọc được tờ giấy, chúng sững sờ, nhìn quanh với vẻ hết sức kinh ngạc, và ngưng luôn trận ẩu đả.
? Những băn khoăn của giáo viên
1. Nếu tôi mô tả vấn đề nhưng học sinh không hưởng ứng thì sao? Có hôm tôi bảo với một học sinh lớp Một của mình rằng, “Jim, chân em thò ra lối đi kìa.” Nó ngước đầu lên, nói “Ố!” rồi thôi, vẫn không chịu rụt chân vào cho gọn. Tôi không biết sau đó phải làm gì nữa.
Bạn có thể lặp lại câu nói ban đầu của bạn một lần nữa. Nếu lời nói mềm mỏng không có kết quả thì hãy tiếp tục cung cấp thông tin cho trẻ, “Bạn nào mà vấp phải chân em thì sẽ ngã đấy.” Có trẻ cần nghe nhắc nhiều lần mới chịu, và cũng có trẻ phải áp dụng nhiều cách chúng mới nghe.
2. Tôi tự hỏi kỹ năng cung cấp thông tin có tác dụng với bọn trẻ tuổi mới lớn hay không. Cả lớp đang thực hành nghệ thuật cắt dán giấy, tôi bảo một em nữ, “Sheila, em không đậy nắp vào thì hồ sẽ khô đấy.” Cô học trò tròn mắt lên và bảo, “Thầy cứ đùa!” Tại sao em ấy lại xử sự như thế?
Cung cấp thông tin phải tùy thuộc vào độ tuổi. Nếu bạn nói với trẻ mới lớn điều gì mà nó đã biết rồi, nó thường xem đó như một sự sỉ nhục, hạ thấp trí thông minh của nó. Sheila chỉ cần lời nhắc ngắn gọn và nhẹ nhàng nhất, “Sheila, nắp hộp hồ kìa!”
3. Trong cách nói ngắn gọn, câu tường thuật và câu mệnh lệnh khác nhau thế nào? Nếu tôi nói “Ngồi đi!” thì có giống như ra lệnh không?
Nếu bạn dùng một động từ (“Dừng lại!” “Đứng đó!” “Xê ra!” “Ngồi đi!”), thì đúng là nghe rất giống một câu mệnh lệnh. Để tránh hiểu nhầm, tốt nhất bạn hãy dùng danh từ thay cho động từ. Ví dụ, “Lori, chỗ ngồi của em!” sẽ khiến Lori nghĩ, “Chỗ ngồi của mình thì sao?… À, có yêu cầu mình phải ngồi ở đó… Vậy, tốt nhất mình hãy ngồi xuống.” [3] Bạn không ra lệnh cho Lori phải làm gì, mà là hướng sự chú ý của Lori tới một vấn đề, rồi ngữ cảnh sẽ giúp em ấy tự biết phải làm gì.
4. Tôi cứ nghĩ mãi về phương án lựa chọn trong kĩ năng “khuyến khích sự hợp tác”. Lớp tôi có hai em học sinh nữ lúc nào cũng nói chuyện riêng. Tôi đã từng bảo chúng, “Các em có một chọn lựa: hoặc là ngừng nói chuyện, hoặc là cô sẽ đổi chỗ các em.” Nhưng, chúng vẫn cứ nói. Cuối cùng, tôi đành phải đổi chỗ hai đứa, và chúng than thở là tôi “không công bằng”. Tôi có làm gì sai không?
“Sự lựa chọn” của bạn thiên về đe dọa quá, nghe cứ như là bạn đang ra tối hậu thư ấy. Khi chúng ta nói, “Em phải làm thế này cho cô, nếu không, cô sẽ làm thế kia với em”, thì bọn trẻ sẽ cảm thấy mình bị dồn ép, chúng sẽ phản ứng lại bằng cách chống đối.
Trước khi đưa ra một lựa chọn không hấp dẫn, hãy thừa nhận cảm xúc của học sinh. Bạn có thể nói, “Ngồi gần bạn thân mà không nói chuyện thì chán chết. Có hàng tá chuyện để nói với nhau mà.”
Sau đó, khi bạn đề xuất lựa chọn, hãy đưa ra những lựa chọn khiến các em cảm thấy rằng bạn đang đứng về phía chúng. “Vậy thì, thử nghĩ coi điều gì làm các em dễ chịu hơn? Hoặc là vẫn ngồi kế nhau và cố kiềm chế nói chuyện?… Hay là đổi chỗ ngồi để các em không bị con ma nói chuyện dụ dỗ nữa? Các em hãy bàn với nhau chuyện này thật kỹ sau giờ học, rồi ngày mai cho cô biết các em quyết định chọn cách nào nhé.”
5. Tôi nghĩ mình dễ dàng diễn đạt cảm xúc chân thật với hầu hết các học sinh, và đa số đều phản hồi tích cực. Thế nhưng, trong lớp tôi có vài em cực kỳ cứng đầu. Giả sử tôi bảo, “Cứ nhìn thấy sách vương vãi trên sàn là cô lại bực mình,” thì một đứa trong đám đó gào lên, “Ai mà quan tâm chứ!” Những lúc như vậy, tôi phải làm gì?
Vấn đề sẽ dễ giải quyết hơn khi tự nhủ rằng, những lời lẽ mà đám học sinh nói ra không hẳn là cố ý nhằm vào cá nhân bạn. Có thể nghĩ xa hơn là em học sinh đó đang dùng bạn làm chỗ xả cơn stress của nó, hoặc đơn giản là nó chỉ lặp lại những lời đã quen nghe ở nhà.
Bạn có thể nghiêm khắc nói với “đối tác” của bạn rằng, “Nhưng cô thì quan tâm đấy. Cô quan tâm chuyện mình cảm thấy thế nào. Và cô cũng quan tâm em cảm thấy ra sao. Cô mong rằng trong lớp mình, tất cả chúng ta đều quan tâm đến cảm xúc của nhau.”
• Chuyện kể của giáo viên
Một giáo viên dạy lớp ba kể lại trường hợp cung cấp thông tin, thay vì la mắng trẻ, đã có hiệu quả như thế nào.
Max bước vào lớp trước khi hết giờ ra chơi, thấy bộ dạng hớt hơ hớt hải của nó, tôi liền bảo, “Max, em làm gì hoảng hốt vậy?”
Nó nói, “ Khích-hợp là gì ạ?”
Tôi hỏi lại, “ Khích hợp á?”
“Dạ, phải,” nó nói rồi đưa tôi mẩu giấy của giám thị giờ chơi gửi cho giáo viên chủ nhiệm. “Cô ấy quát mắng em vì em không khích hợp .”
Tôi mở tờ giấy ra và đọc to lên: “ Tôi đã bắt quả tang em học sinh này khạc nhổ xuống sân chơi. Tôi không cho em ra chơi hôm nay, bởi vì hành vi của em không thích hợp.”
Max nói, “Cô thấy đó, giám thị bảo em không khích hợp . Vậy có nghĩa là gì ạ?”
“Ừ cô ấy muốn em biết rằng,” tôi giảng giải, “hành động của em không thích hợp . Bởi vì, khạc nhổ không đúng chỗ là hành vi không đúng đắn.”
Max có vẻ lúng túng.
Tôi nói tiếp, “Max à, khạc nhổ làm lây lan vi trùng đó, em biết không?”
“Ồ,” nó buột miệng.
Thế đấy. Từ đó về sau, cậu bé không bao giờ khạc nhổ bừa bãi nữa.
✳ ✳ ✳
Thầy hiệu trưởng một trường dân lập kể lại những gì đã xảy ra, khi thầy thừa nhận cảm xúc của một học sinh bướng bỉnh, và đưa ra cho nó sự lựa chọn.
Là hiệu trưởng, tôi thường được gọi tới để phân xử những “trường hợp nặng ký”. Hôm qua, một giáo viên gửi giấy lên văn phòng tôi, khẩn cầu tôi hãy tới “làm gì đó” với Tommy – vì thằng bé này nhất định không chịu vào lớp khi đã hết giờ ra chơi. Tôi vừa đi vừa nghĩ không biết mình có cách gì nhanh nhất để lôi nó vào lớp đây. Ra đến sân, tôi thấy Tommy đang ngồi chồm hổm, và một giáo viên mặt đỏ bừng đang đứng quát cu cậu, “Cô đã bảo là cô sẽ gọi thầy hiệu trưởng mà.”
Tôi hít một hơi thật sâu rồi nói, “Chào Tommy. Thầy thấy em có vẻ luyến tiếc không nỡ rời khỏi sân chơi này quá hả! Chẳng có gì ngạc nhiên cả, hôm nay là một ngày xuân đẹp trời mà!” Tommy không nói gì, vẫn tiếp tục cúi gằm xuống sân.
Tôi nói, “Chắc là em ao ước được ngoài này hết cả buổi sáng luôn… Nhưng mà nhóc à, đã đến giờ vào lớp rồi. Vậy em muốn vào lớp nào? Cửa này hay cửa kia?” Tommy chỉ cánh cửa lớp ở xa nhất và nói, “Cửa kia ạ!”
Tôi xòe tay ra. Tommy nắm lấy và cả hai cùng đi về phía lớp học. Tôi không biết ai ngạc nhiên hơn – tôi hay là cô giáo kia.
✳ ✳ ✳
Một giáo viên dạy cấp hai kể lại việc cô đã khơi gợi được tinh thần vui chơi của học sinh như thế nào, để giờ học khô khan trở nên thú vị hơn.
Giờ ngữ pháp của lớp tôi đang vô cùng uể oải với bài về động từ nối, thành thật mà nói, ngay cả tôi cũng cảm thấy oải nữa là. Khi về nhà, tôi biết mình cần phải tìm cách nào đó để làm cho bài giảng sinh động hơn, bằng không, tôi sẽ phải mất toi một ngày nữa để quát tháo học sinh phải giữ im lặng, không được quay qua quay lại. Tôi nảy ra ý sáng tác một bài hát theo điệu rap. Nhưng nghĩ mãi cũng chỉ được hai dòng mở đầu rồi tịt mít.
Sáng hôm sau, tôi nói cho các em biết ý định của mình, và đọc hai câu tôi làm lên. Cả lớp bỗng hào hứng hẳn lên. Chúng chăm chú tập trung vào bài học, và đến lúc chuông reng thì cả lớp đã có một bài hát hoàn chỉnh. Đám học trò cứ hát váng lên khi ra khỏi lớp; chúng còn dạy cho bạn bè lớp khác; chúng hát trên xe buýt đến trường ngày hôm sau; và bài kiểm tra được điểm cao đến ngạc nhiên. Dưới đây là bài nhạc ráp “Động Từ Nối”, do các em học sinh trường phổ thông cơ sở Welsh-Roanoke ở Louisiana sáng tác:
Hây, tôi có chiêu độc này
Muốn chỉ mánh cho bạn
Cái vụ động từ nối ấy mà
Dễ ẹc à, bạn ơi!
Động từ nối dùng để nối
một chủ ngữ với một danh từ
Nếu bạn làm đúng
Bạn có thể hoán đổi vị trí của chúng
Tính từ có thể dùng
Ở phần vị ngữ
Biết mình đang làm gì
là bạn thông minh hết biết!
Yo! Hãy chú ý một tí
Bạn sẽ thấy
Hầu hết động từ nối
Là những hình thức của “be”
“Am, is, are, was, were,”
Tụi nó là quá khứ
Và hiện tại của động từ
Hãy học thuộc luôn “seem”, “appear”
Và cả “become” nữa
Nhiêu đó coi như bạn
Học xong hết rồi đó! Yeah!
✳ ✳ ✳
Câu chuyện cuối cùng là của một giáo viên lớp sáu kể cho tôi nghe, cô đã viết thư để giúp một em học sinh khỏi bị bạn bè đồng trang lứa trêu chọc.
Ngày Sara được chuyển tới lớp này, tôi biết chắc là sẽ có rắc rối xảy ra. Ngay lúc cô bé bước qua cửa, với gương mặt tròn như mặt trăng, phảng phất nét âu sầu, và thân hình ngoại cỡ, thì Margie – thủ lĩnh của “nhóm sành điệu” trong lớp – liền cười ré lên và trợn tròn mắt, nháy nhó với đám bạn “đàn em” trung thành của nó. Cả bọn cười khúc khích. Mặt Sara đỏ bừng.
Nhưng đó mới chỉ là khúc dạo đầu. Rồi trong tuần ấy, tôi nghe giáo viên thể dục báo cáo, rằng Margie không muốn Sara ở trong đội của mình bởi vì Sara “quá béo”. Tôi nghe Margie hét tướng lên trong phòng ăn, “Ê mọi người, đến xem cái thùng rác di động này!” khi Sara bưng khay đồ ăn trưa đi ngang qua. Còn giáo viên môn nấu ăn thì bảo với tôi rằng có đứa gọi Sara là “viên thịt biết đi”.
Tôi giận kinh khủng. Tôi biết Margie không chỉ là kẻ chủ mưu mà còn xúi giục những đứa “tay chân” của nó. Tôi nghĩ đến việc nói thẳng ra với Margie, nhưng sợ sẽ nói điều gì đó khiến mình hối tiếc. Cuối cùng, tôi quyết định viết cho Margie một thông điệp.
Tôi phải viết nháp nhiều lần mới ra được giọng thư mà mình muốn (mấy tờ trước, tôi cứ viết với giọng bực bội và giận phừng phừng vì thói chơi ác của Margie). Sau đây là bản cuối cùng tôi đánh máy ra và đưa cho Margie:
Margie thương,
Cô cần sự giúp đỡ của em. Em biết rồi đấy, Sara đang “bị bêu xấu” và ngày nào cũng bị chọc ghẹo kể từ khi bạn ấy chuyển đến lớp chúng ta. Có lẽ hiện, trường học là nơi rất khủng khiếp với bạn ấy.
Chắc là em đang tự hỏi tại sao cô lại viết thư cho em. Bởi vì em có những phẩm chất của người lãnh đạo, và em được bạn bè nể nang. Cô nghĩ, nếu em giải thích cho các bạn hiểu rõ “trọng lượng của một người không phải là thước đo giá trị của người ấy” thì những trò trêu chọc, đùa cợt làm tổn thương Sara sẽ chấm dứt ngay.
Cô biết lá thư này đặt ra một yêu cầu rất khó đối với em, nhưng cô tin rằng bằng cách này hay cách khác, em sẽ làm cho việc đến trường mỗi ngày của Sara được vui vẻ hơn.
Thân mến,
Cô G.
Margie không bao giờ trả lời lá thư đó của tôi, nhưng vài ngày sau, những tiếng cười châm chọc, những lời nhận xét đầy ác ý của đám con gái đã giảm đi rồi dứt hẳn. Một đứa còn hỏi Sara có muốn tham gia vào dựng vở kịch của lớp không, còn Margie thì rủ Sara vào đội bóng chuyền. Sara vui quá chừng. Và tôi cũng vậy.
[1] . Do các phụ huynh ban ngày phải đi làm, lo mưu sinh nên những buổi họp phụ huynh học sinh, những buổi gặp gỡ ngoại khóa thường diễn ra vào buổi chiều tối – ND.
[2] . Tiếng Pháp: Cám ơn!
[3] . Nguyên văn – động từ: “Stop!” “Stand!” “Move!” “Sit!”; danh từ: “Lori, your seat!” Từ vựng tiếng Anh thường gồm một từ đơn mang nghĩa, không như tiếng Việt là cụm từ mang nghĩa – ND.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.