Nói Sao Cho Trẻ Chịu Nghe
Chương 7 – Phối Hợp Tất Cả Những Kỹ Năng
NHIỀU PHỤ HUYNH bày tỏ với chúng tôi rằng quy trình giải phóng trẻ khỏi một vai trò là một quy trình phức tạp. Nó không chỉ liên quan đến sự thay đổi thái độ tổng thể đối với đứa trẻ mà còn đòi hỏi sự vận dụng nhuần nhuyễn nhiều kỹ năng khác nhau. Một người cha nói với chúng tôi: “Để thay đổi vai trò của con cái, chúng ta thật sự phải có khả năng áp dụng kết hợp tất cả những kỹ năng với nhau – xử lý cảm xúc, tính tự chủ, lời khen, giải pháp thay thế trừng phạt.
Để minh họa cho sự tương phản giữa cha mẹ có thiện ý và cha mẹ biết kết hợp những kỹ năng vào tình yêu của mình, chúng tôi viết thành hai hoạt cảnh dưới đây (dựa trên những nhân vật trong cuốn Giải phóng cha mẹ/Giải phóng con cái ). Trong mỗi kịch bản, cô bé Susie 7 tuổi sẽ đóng vai “Nàng Công Chúa”. Khi bạn quan sát người mẹ đối phó với con gái như thế nào trong kịch bản thứ nhất, bạn có thể tự hỏi mình “Bà ấy còn có thể làm cách gì khác nữa?”
Nàng công chúa – hoạt cảnh 1
MẸ: Mẹ về rồi đây mọi người ơi!… Chào con, Susie!… Con không chào mẹ à? ( Susie đột ngột ngước lên rồi lại tiếp tục tô màu, phớt lờ mẹ ).
MẸ: ( bỏ giỏ xách xuống) Ố, mẹ nghĩ mẹ sắp chuẩn bị xong cho khách tới nhà mình tối nay rồi. Mẹ có bánh mì nhỏ, trái cây và ( đung đưa một cái túi giấy trước mặt con gái, cố dụ lấy một nụ cười từ cô bé ) một ngạc nhiên cho Susie đây.
SUSIE: ( giật lấy cái túi ) Mẹ có gì cho con vậy? ( lôi từng món một ra ) Sáp màu?… Tốt… hộp bút chì… (bực mình ) một quyển sổ màu xanh da trời! Mẹ biết con ghét màu xanh da trời mà. Sao mẹ không mua cho con cuốn màu đỏ?
MẸ: ( tự vệ ) Cô nương à, ngẫu nhiên là mẹ đã đi những hai cửa hàng để tìm mua cho con nhưng không cửa hàng nào có quyển sổ màu đỏ. Cả siêu thị cũng hết sổ màu đỏ, rồi cả cửa hàng văn phòng phẩm cũng hết luôn.
SUSIE: Sao mẹ không thử vào cửa hàng ở gần ngân hàng?
MẸ: Mẹ không có thời gian.
SUSIE: Ứ ừ, mẹ trở lại đó đi. Con không muốn quyển sổ màu xanh da trời.
MẸ: Susie, mẹ sẽ không vòng lại đi một lần nữa chỉ để mua một quyển sổ nhỏ. Hôm nay mẹ có rất nhiều việc phải làm.
SUSIE: Con sẽ không dùng quyển sổ màu xanh da trời. Mẹ chỉ làm phí tiền của mẹ thôi.
MẸ: ( thở dài) Trời ơi, con hư quá! Luôn đòi phải có mọi thứ đúng như ý của con sao?
SUSIE: ( chuyển qua dễ thương ) Không phải, nhưng màu đỏ là màu yêu thích của con. Màu xanh da trời thấy mà ghê. Đi mà mẹ, làm ơn đi mẹ.
MẸ: Ừ… để sau mẹ sẽ đi.
SUSIE: Thô-ôi được. ( trở lại tô màu ) Mẹ?
MẸ: Gì?
SUSIE: Con muốn Betsy qua nhà mình ngủ đêm nay.
MẸ: Việc đó không bàn tới. Con biết là hôm nay ba mẹ có mời khách ăn tối mà.
SUSIE: Nhưng bạn ấy phải ngủ ở nhà mình đêm nay. Con đã bảo với bạn ấy rồi.
Mẹ: Thì con gọi lại và bảo bạn ấy là không thể đến được.
SUSIE: Mẹ ác quá!
MẸ: Mẹ không ác. Chỉ tại mẹ không muốn con nít quẩn chân khi mẹ có khách. Con có nhớ hai đứa con đã làm gì trong lần trước không?
SUSIE: Tụi con sẽ không làm phiền mẹ đâu.
MẸ: ( lớn tiếng ) Câu trả lời là không!
SUSIE: Mẹ không yêu con! ( bắt đầu khóc )
MẸ: ( đau khổ ) Nào Susie, con biết quá rõ là mẹ thật sự yêu con mà. ( âu yếm nựng cằm bé ) Đi nhé. Ai là công chúa nhỏ của mẹ nào?
SUSIE: Đi mà mẹ, làm ơn đi? Tụi con sẽ rất ngoan cho mẹ coi.
MẸ: ( xìu xuống một thoáng ) Hừ… ( lắc đầu ) Susie, không thể được đâu. Tại sao con luôn làm khó cho mẹ vậy? Khi mẹ bảo “không” có nghĩa là “không”!
SUSIE: ( quẳng quyển sách tô màu xuống sàn ). Con ghét mẹ!
MẸ: ( Nhăn nhó ) Con quẳng sách từ khi nào vậy? Nhặt lên.
SUSIE: Không.
MẸ: Nhặt lên ngay lập tức!
SUSIE: ( hét hết cỡ buồng phổi, và ném từng cây bút màu sáp xuống sàn ) Không! Không! Không! Không!
MẸ: Sao con dám quẳng bút màu sáp đó!
SUSIE: ( quẳng thêm một cây bút màu sáp nữa ) Con quẳng nếu con muốn.
MẸ: ( đánh vào cánh tay Susie ) Tao đã bảo mày thôi rồi mà, đồ hư đốn!
SUSIE: ( rống lên ) Mẹ đánh con! Mẹ đánh con!
MẸ: Mày làm gãy bút màu sáp tao vừa mới mua cho mày.
SUSIE: ( khóc điên cuồng ) Coi này! Mẹ làm lằn tay con.
MẸ: ( rất đau khổ, xoa cánh tay Susie ) Ôi mẹ xin lỗi, cưng. Chỉ là một vết xước nhỏ thôi. Chắc là do móng tay của mẹ. Sẽ khỏi mau thôi.
SUSIE: Mẹ làm con đau !
MẸ: Con biết là mẹ không cố ý mà. Không đời nào mẹ lại làm con đau… con biết không? Chúng ta hãy gọi Betsy qua nhà mình ngủ đêm nay. Như vậy có làm con dễ chịu hơn không?
SUSIE: ( vẫn khóc lóc ). Được.
Như bạn thấy đấy, có nhiều khi tình yêu, tính tự phát và những dự định tốt đơn thuần là chưa đủ. Những lúc lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, cha mẹ còn cần phải có những kỹ năng nữa.
Khi bạn đọc hoạt cảnh tiếp theo bạn vẫn sẽ gặp bà mẹ ấy với đứa trẻ ấy. Chỉ có điều lần này bà áp dụng tất cả những kỹ năng để giúp con gái cư xử khác đi.
Nàng công chúa – Hoạt cảnh 2
MẸ: Mẹ về rồi đây mọi người ơi!… Chào con, Susie!… Mẹ thấy con đang bận rộn tô màu quá nhỉ.
SUSIE: ( không nhìn lên ) Dạ.
MẸ: ( bỏ giỏ xách xuống ) Nè, tối nay mẹ phải chuẩn bị đón khách tới nhà mình. Tiện thể khi ra ngoài mua đồ mẹ đã mua mấy món đồ dùng học tập cho con luôn.
SUSIE: ( giật lấy cái túi ) Mẹ mua gì cho con vậy? ( lôi từng món một ra ) Sáp màu?… Hay đó… hộp bút chì… ( nổi giận ) một quyển sách màu xanh da trời! Mẹ biết con ghét màu xanh da trời mà. Sao mẹ không mua cho con cuốn màu đỏ?
MẸ: Con nghĩ tại sao mẹ không mua nào?
SUSIE: ( chần chừ ) Vì cửa hàng không bán quyển sổ màu đỏ phải không mẹ?
MẸ: ( khen Susie ) Con đoán ra rồi đó.
SUSIE: Thế thì mẹ phải đi cửa hàng khác chứ.
MẸ: Susie, khi tự nhiên mà mẹ mua một món đồ gì đó đặc biệt cho con gái của mẹ thì điều mẹ muốn nghe là: “Cảm ơn mẹ… cảm ơn mẹ về bút màu sáp… cảm ơn mẹ về hộp đựng bút chì… cảm ơn mẹ đã mua cho con quyển sổ cho dù nó không phải là màu con thích.
SUSIE: ( miễn cưỡng ) Cảm ơn mẹ… nhưng con vẫn nghĩ màu xanh da trời thấy mà ghê.
MẸ: Phải con ạ, khi nói đến màu sắc thì con là người có gu rõ ràng!
SUSIE: Dạ… con đang tô tất cả những bông hoa toàn màu đỏ… Mẹ, đêm nay Betsy qua nhà mình ngủ được không mẹ?
MẸ: ( xem xét lời thỉnh cầu) Tối nay ba và mẹ có khách. Nhưng bạn ấy đến vào ngày khác thì hay biết mấy. Ngày mai được không? Hay là thứ bảy tuần sau?
SUSIE: Nhưng bạn ấy phải qua nhà mình ngủ đêm nay. Con đã bảo với bạn ấy rồi.
MẸ: ( dứt khoát ) Mẹ biết vậy Susie, lựa chọn là ngày mai hoặc thứ bảy tuần tới. Tùy con chọn.
SUSIE: ( môi run run bắt đầu mếu ) Mẹ không yêu con.
MẸ: ( kéo ghế ngồi sát vào bé ) Nào Susie, bây giờ không phải là lúc nói về tình yêu. Bây giờ chúng ta đang cố quyết định xem hôm nào là tốt nhất cho bạn của con tới ngủ chung.
SUSIE: Đêm tốt nhất là đêm nay.
MẸ: ( cương quyết ) Chúng ta cần tìm ra một thời gian mà thỏa mãn cả nhu cầu của con lẫn những nhu cầu của mẹ.
SUSIE: Con không quan tâm đến nhu cầu của mẹ! Mẹ ác với con lắm ( quẳng quyển sách tô màu xuống sàn và khóc òa ).
MẸ: Hừm, mẹ không thích thế. Sách không phải để quẳng! ( nhặt quyển sách từ dưới sàn lên, phủi bụi cho nó ). Susie, khi con cảm thấy mãnh liệt về cái gì đó thì hãy bày tỏ cảm xúc của con bằng lời cho mẹ nghe. Hãy nói với mẹ là “Mẹ, con tức giận!… Con bực mình!… Con đang hy vọng Betsy sẽ qua nhà mình ngủ đêm nay.”
SUSIE: ( Ấm ức ) Tụi con định sẽ cùng làm bánh sô-cô-la với nhau và xem tivi!
MẸ: Vậy à.
SUSIE: Betsy sẽ mang túi ngủ của bạn ấy qua nhà mình và con sẽ trải đệm xuống đất nằm kế bên bạn ấy.
MẸ: Các con đã lên kế hoạch cho cả buổi tối rồi!
SUSIE: Đúng vậy! Suốt ngày hôm nay ở trường tụi con đã bàn bạc dự định với nhau.
MẸ: Đã dự tính gì rồi mà buộc phải thay đổi kế hoạch thì buồn lắm.
SUSIE: Đúng đó mẹ! Vậy bạn ấy qua nhà mình tối nay nhe mẹ. Làm ơn đi mà, mẹ… làm ơn đi… đi?
MẸ: Mẹ ước gì tối nay thuận tiện cho mẹ bởi vì con muốn quá chừng. Nhưng không được ( đứng lên ) Susie, giờ mẹ phải vào bếp đây.
SUSIE: Nhưng mà mẹ…
MẸ: ( vừa đi vừa nói ) Và trong khi mẹ bận làm bữa tối, mẹ sẽ cảm nhận là con đang thất vọng biết chừng nào.
SUSIE: Nhưng mà mẹ…
MẸ: ( nói từ trong nhà bếp ra ) Ngay khi con quyết định xong con muốn Betsy qua nhà mình ngủ vào hôm nào thì cho mẹ biết!
SUSIE: ( Ra bàn gọi điện thoại cho bạn ) Chào Betsy. Bồ không thể tới nhà mình tối nay được dâu… ba mẹ mình sắp có khách tới rồi. Bồ sẽ tới vào ngày mai hay thứ bảy tuần sau nha.
Trong hoạt cảnh thứ hai, bà mẹ đã có những kỹ năng cần thiết để gạt Susie khỏi vai trò “Nàng Công Chúa”. Không tuyệt vời sao nếu như trong cuộc sống thực chúng ta cũng có khả năng luôn nghĩ ra kiểu phản hồi hữu hiệu cho con cái chúng ta và hữu ích cho chính chúng ta?
Nhưng cuộc sống không phải là một kịch bản chỉn chu để có thể ghi nhớ và biểu diễn được. Những vở kịch cuộc sống thật mà bọn trẻ dính líu tới chúng ta hàng ngày không cho chúng ta thời gian để diễn tập hoặc để suy nghĩ cẩn thận. Tuy nhiên, với những sự chỉ dẫn mới mà chúng ta có, cho dù chúng ta có làm hoặc nói những điều khiến chúng ta hối hận, chúng ta vẫn biết phương hướng rõ ràng để mà quay trở lại. Có những nguyên tắc cơ bản chúng ta có thể dựa vào. Chúng ta biết rằng chúng ta không thể sai lầm quá xa nếu chúng ta dành thời gian lắng nghe những cảm xúc của trẻ; hoặc nói về những cảm xúc của chúng ta; hoặc hành xử thiên về giải pháp trong tương lai hơn là đổ thừa cho những lỗi lầm quá khứ. Có thể chúng ta tạm thời đi chệch tuyến đường nhưng chúng ta có cơ hội không bao giờ bị lạc hoàn toàn khỏi con đường.
Một ý nghĩ cuối cùng: chính chúng ta cũng đừng tự quàng vào mình những vai trò kiểu như: ông bố bà mẹ tốt, cha mẹ xấu, cha mẹ quyền lực, cha mẹ nhu nhược. Trước hết chúng ta hãy bắt đầu nghĩ về chính mình như là những con người với tiềm năng phát triển và thay đổi. Quy trình sống hoặc thông tin liên lạc với trẻ luôn đòi hỏi sức lực và khiến chúng ta kiệt quệ. Nó đòi hỏi trái tim, trí tuệ, và khả năng chịu đựng của chúng ta. Khi chúng ta sống không đúng với những mong chờ của chính mình – mà chúng ta luôn luôn là như vậy – hãy tử tế với chính chúng ta cũng như tử tế với con cái. Nếu con cái chúng ta xứng đáng hàng ngàn cơ hội cộng một, thì chúng ta hãy cho mình một ngàn cơ hội cộng hai.
RỐT CUỘC LÀ QUYỂN SÁCH NÀY NÓI VỀ CÁI GÌ?
CHỈ BẰNG ĐỌC QUYỂN SÁCH NÀY, quý vị đã tự chất vấn mình rất nhiều. Có những nguyên tắc mới để hấp thụ; có những kỹ năng mới để đưa vào áp dụng trong thực tế; có những khuôn mẫu mới để học hỏi và những khuôn mẫu cũ để gạt bỏ đi. Với rất nhiều thứ để phân loại và để biến thành kỹ năng của mình, đôi khi chúng ta khó mà không đánh mất tầm nhìn cả bức tranh lớn. Vì vậy một lần nữa, cũng là lần cuối cùng, chúng ta hãy rà soát lại xem những phương pháp thông tin liên lạc này rốt cuộc nói về cái gì.
Chúng ta muốn tìm ra một cách sống chung với nhau sao cho chúng ta cảm thấy dễ chịu về chính mình, đồng thời giúp những người thân yêu của chúng ta cảm thấy tốt về họ.
Chúng ta muốn tìm ra một cách sống không buộc tội, đổ thừa hay tố cáo lẫn nhau.
Chúng ta muốn tìm ra một cách sống với nhau nhạy cảm hơn với cảm xúc của nhau.
Chúng ta muốn tìm ra cách bộc lộ sự giận dữ và tức giận của mình mà không gây thiệt hại, hay đổ vỡ.
Chúng ta muốn tìm ra cách tôn trọng những nhu cầu của con cái chúng ta và tôn trọng nhu cầu của chính chúng ta.
Chúng ta muốn tìm ra một cách dạy cho con cái chúng ta biết sống thương yêu và có trách nhiệm.
Chúng ta muốn phá vỡ chu kỳ nói chuyện vô bổ đã truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác, và sẽ truyền lại những di sản khác nhau cho con cái chúng ta – một cách thức thông tin liên lạc mà con cái chúng ta sẽ ứng dụng được trong suốt cuộc đời của chúng, với bạn bè của chúng, với đồng nghiệp, với cha mẹ, với vợ (chồng) của chúng, và một ngày nào đó, với chính con cái của chúng.
LỜI BẠT
HAI MƯƠI NĂM SAU
QUÝ ĐỘC GIẢ THÂN MẾN,
Khi quyển sách How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1980, chúng tôi đã cầu mong cho mọi việc tốt đẹp. Khi đó chúng tôi không biết chắc mọi người sẽ phản ứng như thế nào. Khổ sách thời ấy rất khác với quyển sách gần đây nhất của chúng tôi vừa in mới tái bản. Liberated Parents/Liberated Children là câu chuyện về những kinh nghiệm cá nhân của chính chúng tôi. Quyển sách này cơ bản là phiên bản của những buổi hội thảo chúng tôi tổ chức khắp đất nước. Phụ huynh có thể thấy nó hữu ích?
Chúng tôi biết mọi người phản ứng như thế nào khi chúng tôi làm việc trực tiếp với họ. Bất cứ khi nào chúng tôi đưa ra một chương trình hai phần (diễn thuyết vào buổi tối theo sau là hội thảo vào buổi sáng) chúng tôi nhận thấy trước cả khi buổi thảo luận buổi sáng bắt đầu, những phụ huynh đã chờ chúng tôi – háo hức, nôn nóng kể lại họ đã lập tức áp dụng những kỹ năng mới như thế nào và họ vui mừng với những kết quả ra sao.
Nhưng điều đó xảy ra là bởi vì chúng tôi trực tiếp có mặt tại đấy, cùng đóng vai trò với những khán thính giả, trả lời những câu hỏi của họ, nêu ví dụ minh họa cho từng nguyên lý, vận dụng tất cả năng lượng của mình nhằm thuyết phục họ. Liệu bạn đọc có thể “thấm” từ những trang sách này?
Họ đã thấm. Với số lượng khiến chúng tôi kinh ngạc. Nhà xuất bản của chúng tôi thông báo cho chúng tôi biết họ đang tái bản nhiều thêm nữa để đáp ứng nhu cầu. Một bài báo ở New York Times tuyên bốHow to talk so kids will listen…(Nói sao cho trẻ chịu nghe…) là một trong những “top ten sellers” trong hàng trăm đầu sách dành cho cha mẹ tràn ngập thị trường. PBS [1] sản xuất một chương trình 6 tập dựa theo từng chương của quyển sách này. Nhưng ngạc nhiên lớn nhất là số lượng thư khổng lồ đổ về những hộp thư của chúng tôi. Những lá thư đổ về như suối không chỉ từ Mỹ và Canada mà còn từ những quốc gia trên khắp thế giới, có cả những nước và lãnh thổ nhỏ và không được biết tới đến nỗi chúng tôi không tìm thấy trên bản đồ.
Hầu hết mọi người viết thư để bày tỏ sự công nhận của họ. Nhiều người mô tả, có khi rất chi tiết, quyển sách của chúng tôi đã làm thay đổi cuộc sống của họ như thế nào. Họ muốn chúng tôi biết chính xác bây giờ họ đã hành xử khác xưa như thế nào – những gì có tác dụng với con cái của họ và những gì không. Dường như phụ huynh ở khắp mọi nơi trên thế giới, dù thuộc những nền văn hóa khác nhau chăng nữa nhưng đều phải đương đầu với những vấn đề như nhau và đều đi lùng tìm câu trả lời.
Còn một đề tài khác xuất hiện trong những lá thư. Mọi người đề cập đến việc thay đổi thói quen thì khó khăn như thế nào. “Khi tôi nhớ sử dụng những kỹ năng mới thì mọi thứ tốt hơn, nhưng bình thường, nhất là khi bị rơi vào áp lực, tôi hay trở về thói quen cũ.” Họ cũng bày tỏ muốn được trợ giúp thêm. “Tôi muốn phương pháp này trở thành bản tính tự nhiên trong tôi. Tôi cần tập luyện và cần được ủng hộ. Tiến sĩ có tài liệu nào để cho tôi và bạn bè có thể cùng nhau nghiên cứu những phương pháp này?”
Chúng tôi hiểu nhu cầu của họ. Là những bà mẹ trẻ, chúng tôi đã ngồi chung trong phòng cùng với những cha mẹ khác để thảo luận từng kỹ năng, và cùng nhau mày mò tìm ra những cách hữu hiệu nhất, tôn trọng nhất để đối phó với những thách thức bất tận mà con cái luôn “bày” ra cho chúng ta. Chính vì chúng tôi biết kinh nghiệm thảo luận nhóm có giá trị như thế nào, cho nên chúng tôi nung nấu ý tưởng viết một loạt tài liệu về những hội thảo do-it-yourself (hãy tự làm lấy) mà dựa trên quyển sách của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy tin chắc rằng nếu cha mẹ được cung cấp những chương trình dễ theo dõi, từng-bước-một, thì họ có thể học và tập luyện những kỹ năng này cùng nhau, hoặc một mình mà không cần sự trợ giúp của huấn luyện viên được đào tạo.
“Kế hoạch quán triệt” của chúng tôi có hiệu quả. Phụ huynh tổ chức thành nhóm, đặt mua tài liệu cho chúng tôi, và thật sự họ đã sử dụng những tài liệu đó một cách hữu hiệu. Nhưng điều chúng tôi không lường trước được đó là số lượng chuyên gia yêu cầu và sử dụng chương trình How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) . Chúng tôi nghe được những thông tin từ những nhân viên công tác xã hội, những nhà tâm lý học, chuyên gia tâm thần học, mục sư, linh mục, giáo trưởng (Do Thái Giáo).
Chúng tôi cũng ngạc nhiên về việc nhiều tổ chức khác nhau sử dụng tài liệu của chúng tôi – những trung tâm giải quyết khủng hoảng bạo hành gia đình, những trung tâm cai nghiện ma túy và rượu, trại cải tạo trẻ phạm pháp vị thành niên, những tổ chức Hướng Đạo Sinh, nhà tù liên bang, trường dành cho trẻ câm điếc, giáo trình Head Start, những căn cứ quân sự ở Mỹ và ở nước ngoài. Cuối cùng trên 150.000 nhóm trên khắp thế giới đã hoặc đang sử dụng những chương trình audio và video của chúng tôi.
Trong suốt thời gian này, chúng tôi nhận được một yêu cầu khẩn thiết từ những cơ quan dịch vụ xã hội: “Phụ huynh cấp thiết cần những kỹ năng thông tin liên lạc. Tiến sĩ có tài liệu nào có thể giúp chúng tôi huấn luyện những tình nguyện viên thâm nhập vào những cộng đồng và phổ biến chương trình How to talk so kids will listen … (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) ?”
Một cú điện thoại từ trường Đại Học Wisconsin Cooperative Extension. Họ đã làm chương trình này rồi! Mà chúng tôi không hay biết! Và trong quan hệ hợp tác với Ủy Ban Wisconsin nhằm thực hiện chương trình Ngăn chặn Sự Lạm dụng Trẻ em, họ đã nhận một gói trợ cấp của liên bang để soạn thảo một cẩm nang huấn luyện dành cho những thủ lĩnh phụ trách chương trình hội thảo nhóm về quyển sách này của chúng tôi. Dường như họ đã sử dụng cẩm nang này để dạy hàng trăm tình nguyện viên cách điều hành chương trình hội thảo của chúng tôi cho hơn 7.000 phụ huynh thuộc 13 hạt. Gặp chúng tôi, rất nhiệt tình, họ mô tả thành công của dự án và ước mơ nhân rộng ra tất cả các bang khác. Họ đề nghị chúng tôi có thể xem cẩm nang của họ, thay đổi những nội dung cần thiết, và tham gia cùng với họ vào cuộc phiêu lưu xuất bản rộng rãi hơn được không?
Sau khi bớt sốc vì sự việc “quá tốt đẹp để thành sự thật” này, chúng tôi lập kế hoạch gặp họ và cùng làm việc với họ. Và thế là cẩm nang huấn luyện đó đã được xuất bản.
Vậy là hôm nay, trong ngày kỷ niệm quyển sách của mình được phát hành, chúng tôi vẫn giữ y nguyên nỗi rung động như cách đây hai mươi năm. Lúc đó không ai, chắc chắn chúng tôi lại càng không, có thể đoán được nó có uy lực lắng đọng trong lòng mọi người hoặc sống cuộc sống của riêng nó và đúc kết thành nhiều phiên bản và dạng thức khác nhau đến vậy.
Tuy nhiên, một lần nữa, chúng tôi lại nảy ra những câu hỏi cho chính mình. Liệu How to talk so kids will listen … (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) có tiếp tục chịu đựng được cuộc kiểm tra gắt gao của thời gian? Rốt cuộc thì hai thập niên đã trôi qua. Biết bao tiến bộ khoa học kỹ thuật gây lo ngại đã diễn ra, toàn bộ bức tranh gia đình đã và đang thay đổi. Có nhiều người mẹ đơn thân, ly dị, cha mẹ kế, cha mẹ nuôi, những gia đình phi truyền thống, nhiều gia đình cả cha lẫn mẹ phải đi làm, nhiều đứa trẻ phải đi học mẫu giáo, nhà trẻ. Liệu những phương pháp thông tin liên lạc này có còn theo kịp với thế giới nhanh hơn, khó nhọc hơn và tất bật hơn ngày nay như cách đây một thế hệ?
Khi đọc lại quyển sách của mình dưới con mắt của thiên niên kỷ mới, cả hai chúng tôi cùng đi đến một kết luận: những nguyên lý ở đây vẫn thích hợp hơn bao giờ hết. Bởi vì những bậc phụ huynh, bất chấp địa vị xã hội, vẫn bị stress và có cảm giác tội lỗi hơn bao giờ hết, vẫn bị giằng xé giữa những đòi hỏi phải chu toàn sự nghiệp việc và gia đình; họ tự bắt ép mình phải hoàn thành khối lượng công việc của 48 giờ trong 24 giờ; họ cố làm tất cả mọi thứ giùm cho, và cố là mọi thứ cho tất cả những người quan trọng trong đời họ. Thêm nữa là văn hóa tiêu thụ đổ bom oanh kích xuống con cái chúng ta những giá trị vật chất ngồn ngộn: tivi chỉ cho chúng những hình ảnh tình dục cụ thể; vi tính cung cấp cho chúng những mối quan hệ trái đạo đức, chóng vánh, chớp nhoáng; video game gây tê liệt chúng vào bạo lực; phim ảnh kích thích chúng những vụ giết người hàng loạt dưới những cái tên đậm màu sắc bông đùa và giải trí. Do vậy, thật không khó hiểu tại sao nhiều cha mẹ ngày nay cảm thấy lung lay và bất lực vì lo sợ.
Chúng tôi biết rõ quyển sách này không phải là một câu trả lời đầy đủ cho tất cả. Có những vấn đề không thể giải quyết được chỉ bằng những kỹ năng thông tin liên lạc. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng trong phạm vi những trang sách này, phụ huynh sẽ tìm thấy sự hậu thuẫn vững chắc – những chiến lược giúp họ đối phó với những thất vọng tích tụ của việc nuôi dạy con cái; những phương pháp dễ hiểu mà có thể giúp họ đặt ra những giới hạn và truyền đạt những giá trị của họ; những kỹ năng cụ thể nhằm giữ cho gia đình xích lại gần nhau và gắn bó với nhau, bất chấp sự nhiễm độc từ những lực lượng bên ngoài; ngôn ngữ mà tăng uy lực cho cha mẹ để họ kiên định và yêu thương chăm sóc – chăm sóc chính họ cũng như chăm sóc con cái họ.
Chúng tôi vô cùng hạnh phúc vào thời điểm kỷ niệm lần tái bản hiện tại. Nó cho chúng tôi cơ hội chia sẻ với quý vị những dòng suy nghĩ và phản hồi mà chúng tôi nhận được trong những năm qua – những lá thư, những câu hỏi, những câu chuyện, và cái nhìn trong cuộc của những phụ huynh khác.
Chúng tôi hy vọng ở đâu đó trong những lá thư này, quý vị sẽ tìm thấy những thông tin cốt lõi, bổ sung hoặc những nguồn cảm hứng giúp quý vị thực hiện công việc quan trọng nhất trần đời của quý vị.
– Adele Faber
Elaine Mazlish
NHỮNG LÁ THƯ
CHÚNG TÔI LUÔN HẠNH PHÚC khi nhận được phản hồi từ độc giả, tuy nhiên những lá thư đáng hài lòng nhất là những lá thư mà người viết chia sẻ với chúng tôi: họ đã thật sự sử dụng những nguyên tắc trong How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) như thế nào, và họ ứng dụng chúng vào những phức tạp trong cuộc sống của họ ra sao.
* * *
Quyển sách của tiến sĩ cho tôi công cụ thực hành mà tôi đã ráo riết tìm kiếm bấy lâu. Tôi không biết mình sẽ xử lý tất cả nỗi đau và tức giận mà thằng con trai 9 tuổi của tôi cảm thấy về việc cha nó và tôi ly dị như thế nào nếu tôi không đọc How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…)
Ví dụ gần đây nhất: Tommy trở về nhà sau vài ngày đến ở với bố nó, cứ ỉu xìu chán nản vì bố nó cứ gọi nó là “kẻ bất tài”.
Tôi phải vận dụng hết nghị lực để đừng nói xấu “chồng” cũ mà bảo với Tommy rằng chính bố nó mới là “kẻ bất tài”. Thay vì thế tôi nói: “Ồ, vậy thì đau đớn lắm nhỉ. Chả ai thích bị chửi mắng bao giờ. Chắc là con đang ước gì bố cứ nói điều bố muốn mà không hạ thấp con.”
Theo dõi phản ứng của Tommy thì tôi có thể thấy những gì mình vừa nói đã giúp cháu. Nhưng tôi không để việc này trôi qua. Tôi sẽ nói chuyện với bố của nó. Tôi cần phải chỉ ra cách làm sao để không làm cho tình hình xấu tệ đi.
Cảm ơn sự tự tin mà tôi mới phát hiện được.
* * *
Tôi mua quyển sách của tiến sĩ với giá 4 đô la tại một hiệu sách cũ và bây giờ thành thật mà nói, nó là sự đầu tư tuyệt vời nhất mà tôi từng thực hiện. Một trong những kỹ năng đầu tiên tôi thử áp dụng là “Mô tả những gì bạn thấy”. Khi tôi đạt được kết quả tích cực, tôi mừng đến suýt té khỏi ghế. Con trai tôi, Alex (4 tuổi) là đứa trẻ cứng đầu cứng cổ (cha mẹ tôi hay gọi nó là “thằng đầu bò”), sự việc này cho tôi có nhiều cơ hội áp dụng những ý kiến trong quyển sách của tiến sĩ.
Rồi đến chương “Giải phóng vai trò”, “Giải quyết vấn đề” cũng giúp tôi: bất cứ khi nào tôi tham dự chương trình sinh hoạt chung tại trường mẫu giáo của Alex, tôi đều nhận thấy giáo viên càng ngày càng tức giận với nó, nhất là khi nó không chịu hòa nhập vào nhóm ca hát hay bất cứ nhóm gì không cuốn hút nó. Nếu Alex chán nản hay bất an, thật khó cho nó ngồi im. Nó sẽ ngọ nguậy, quay qua quay lại, chạy quanh, đi xà quần. Cô giáo nó liên tục phải gọi tên nhắc nhở, “Alex, ngồi xuống… Alex, ngưng ngay!… Alex!!!” Tôi thấy nó bị quàng vào vai trò “Kẻ gây rối”.
Một ngày nọ, sau khi tan trường tôi trò chuyện với nó xem nó không thích gì và thích gì về chương trình đó. Hóa ra là nó phát mệt vì phải hát bài “ Old McDonald ” và phải nghe đi nghe lại mấy câu chuyện. Nhưng nó rất khoái làm đồ thủ công và chơi trò chơi vận động.
Sau đó tôi bảo nó thật khó cho cô giáo dạy hát hoặc kể chuyện cho tất cả học sinh khi một đứa trẻ chạy quanh và phá rối lớp. Tôi đang định bảo nó lập danh sách một số giải pháp thì, bất thình lình, nó nói: “Được rồi mẹ, con sẽ quậy tưng ở sân chơi sau giờ học!”
Tôi nuốt ực nước miếng “Mẹ thấy hay đấy”. Và từ đó trở đi, cô giáo không còn có gì phàn nàn nữa. Càng áp dụng những kỹ năng mới này với con trai, thì tôi càng thấy những thay đổi ở nó. Cứ như thể một cậu bé mới vừa bước ra vậy.
* * *
Chuyên gia tư vấn trường tiểu học đề cử cuốn How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) khi chúng tôi đang gặp những vấn đề về hành vi với thằng con trai 6 tuổi của mình.
Sau khi tôi đọc quyển sách, mượn băng video ở văn phòng Mở của đại học Michigan gần đó, và tự học những kỹ năng làm cha mẹ, nhiều người bạn của tôi nhận thấy có sự thay đổi ở con trai chúng tôi rõ đến nỗi họ hỏi tôi đã làm gì mà tạo nên được sự khác biệt trong hành vi của nó và trong mối quan hệ của tôi với nó. (Nó đã chuyển từ việc hay nói “Con ghét mẹ. Con ước gì không phải là con của mẹ” sang “Mẹ, mẹ là người bạn tốt nhất của con.”)
Sau khi kể cho những người bạn nghe về quyển sách, họ bảo tôi dạy họ. Tôi có thể tìm tất cả những tài liệu cần thiết từ văn phòng Mở của đại học Michigan – băng video và sách bài tập – và dạy một khóa sáu tuần cho một lớp gồm 12 phụ huynh (có cả chồng tôi!). Thỉnh thoảng, sau đó, văn phòng Mở của đại học Michigan đề nghị tôi mở rộng lớp học cho công chúng lần nữa, và tôi đồng ý. Tôi dạy loạt chương trình đó đến nay đã nhiều năm và đã chứng kiến những thay đổi thần kỳ theo chiều tốt đẹp trong cuộc sống của những đứa trẻ có cha mẹ tham dự những buổi hội thảo.
Gần đây tôi để ý thấy một số phụ huynh phải mất thời gian lâu hơn mới quán triệt được tinh thần của chương trình. Họ chịu rất nhiều áp lực và họ muốn có câu hỏi nhanh. Có lẽ họ bị ảnh hưởng bởi những lời khuyên gần đây rằng nếu họ không nghiêm khắc (đòn roi, trừng phạt) để làm cho con họ thay đổi, tức là họ không có trách nhiệm, không làm tròn bổn phận làm cha mẹ của họ. Nhưng một khi họ bắt đầu thật sự dùng phương pháp của tiến sĩ và tự họ thấy nó hiệu quả như thế nào và con cái họ về lâu về dài đã hợp tác ra sao, họ trở nên hăng hái với chương trình.
Còn đối với tôi, khi nhìn lại, tôi thấy con trai mình đang trở thành một thằng bé nổi loạn và hay cáu bẳn. Tìm được tài liệu của tiến sĩ, học và áp dụng những kỹ năng trong How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) , thật sự đã cứu gia đình tôi và cải thiện mối quan hệ với con trai tôi một trăm phần trăm. Tôi tin chắc rằng chừng nào mà những kỹ năng này ứng dụng nhuần nhuyễn trong cuộc sống của chúng tôi thì chúng tôi giúp ngăn ngừa con em mình trở thành kiểu thanh thiếu niên có những lựa chọn điên cuồng và nổi loạn.
Cảm ơn đã trình bày những gì tiến sĩ đã học hỏi theo một cách tự học rất mạch lạc rõ ràng.
* * *
Tôi tìm thấy quyển How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) trong thư viện chỗ tôi ở – đó là một quyển sách rách nát nhất tôi từng thấy. Thật ra điều duy nhất khiến tôi cầm nó lên chỉ vì thấy nội dung có vẻ hay hay.
Không ngờ nó lại cực kỳ hữu ích cho tôi đến thế trong việc đương đầu với con gái 10 tuổi của mình. Dạo gần đây nó đang hình thành và phát triển một thái độ khó chấp nhận được. Tôi không biết nó học thói đó từ đâu, từ bạn bè hay từ tivi, nhưng nó cứ hay nói với tôi kiểu, “Mẹ không bao giờ mua thứ gì ngon mà ăn” hoặc “Sao mẹ mua cho con cuộn video game dở ẹc vậy? Cái đó dành cho con nít mà.”
Nhờ quyển sách của tiến sĩ mà tôi không còn tự vệ hay phải ráng vắt óc để hiểu vấn đề nữa. Giờ đây, mỗi khi nó trở nên “lắm mồm” là tôi chặn nó lại ngay. Tôi bảo, “Lisa, mẹ không thích bị buộc tội. Nếu có gì con muốn hoặc không muốn, con cần nói với mẹ theo cách khác.”
Lần đầu tiên tôi nói vậy, tôi thấy nó sửng sốt. Nhưng giờ tôi để ý thấy khi nó bắt đầu sực tỉnh lại tôi thậm chí không cần phải nói gì nữa. Đôi khi tôi chỉ cần “nhìn nó một cái” là nó dừng ngay và cố gắng cư xử cho văn minh.
* * *
Quyển sách của tiến sĩ làm thứ tuyệt vời nhất xuất hiện kể từ sau khi phát minh ra máy rửa chén và lò vi sóng! Chỉ mới sáng nay tôi vừa vội vã chuẩn bị đưa đứa bé đi nhà trẻ vừa dặn Julie (4 tuổi) hãy hít thở máy Nebulizer [2] trước khi mặc đồ đi học (do bé bị hen suyễn). Con bé phớt lờ tôi và bắt đầu lấy búp bê Barbie của nó ra chơi. Thông thường hẳn là tôi đã hét toáng lên và giật con búp bê đi rồi, và con bé sẽ giãy giụa khóc la khiến tôi điên tiết, rồi bảo đảm là tôi sẽ đi làm trễ.
Thay vì ứng xử như cũ, tôi hít một hơi thật sâu và nói “Mẹ thấy con thích chơi với búp bê Barbie quá, mẹ chắc chắn là búp bê cũng muốn chơi với con. Vậy con sẽ bật máy Nebulizer lên hay con nghĩ Barbie sẽ muốn bật lên?” Bé nói “Barbie muốn bật” rồi bước tới máy, để cho búp bê “bật máy”, hít thở xong cữ trị liệu và thay đồ đi học.
Từng sợi thần kinh kiệt quệ của tôi vô cùng cảm ơn điều này.
Phụ huynh của trẻ vị thành niên
Quý độc giả thường hay hỏi chúng tôi lứa tuổi nào là “tốt nhất” để bắt đầu áp dụng những kỹ năng trong quyển sách này. Chuẩn mực của chúng tôi là “không bao giờ quá sớm cũng không bao giờ quá trễ để áp dụng”. Sau đây là những câu chuyện do những phụ huynh của trẻ vị thành niên kể với chúng tôi.
* * *
Mọi người luôn luôn hỏi tôi làm thế nào mà đám con tôi quá tuyệt vời như vậy. Tôi chuyển lời khen ngợi của họ tới vợ tôi, nhưng tôi cũng nói cho họ biết về quyển How to talk so kids will listen…(Nói sao cho trẻ chịu nghe…) , bởi vì nó thật sự giúp tôi “sống” với những gì tôi tin tưởng. Tôi giải thích rằng vấn đề không phải là nói hay làm một điều cụ thể gì, mà là về cách sống với nhau bằng sự tôn trọng thật sự. Và khi bạn hành xử tôn trọng thì cách hành xử vđó mang lại cho bạn uy lực hoặc tầm ảnh hưởng mà bạn có thể tác động đến con cái tuổi vị thành niên của bạn.
Tôi biết không có sự đảm bảo nào cả, và tôi không nói là mọi sự đều dễ dàng. Mới đây con trai Jason của tôi, 14 tuổi, hỏi xin tiền tôi đi xem phim. Hóa ra nó muốn coi phim loại “R” mà tôi đã đọc trên báo và nghĩ là loại phim đó không thích hợp với tuổi của nó. Tôi nói với cháu những lý do phản đối của mình, kể cả lý do nó chưa đủ tuổi. Nó nói tất cả bạn bè nó đều đi xem và nó không muốn bỏ lỡ. Tôi lặp lại quan điểm của mình. Nó bảo tôi không thể ngăn nó được bởi vì nó đã lớn cao và người ta sẽ ngỡ nó 17 tuổi, hoặc nếu không, ai đó ở trong nhóm xếp hàng sẽ kèm nó vào.
Tôi nói “Ba biết ba không thể ngăn con, nhưng ba hy vọng con sẽ không đi. Bởi vì theo tất cả những gì ba đã đọc thấy thì bộ phim này là về mối liên hệ giữa tình dục và bạo lực và ba nghĩ đó là một mối liên hệ bệnh hoạn. Tình dục không nên dính dáng gì đến việc người này làm tổn thương hoặc lợi dụng người kia, mà đó phải liên quan đến hai người thật sự yêu thương nhau.”
Ừm, tôi không cho nó tiền và tôi hy vọng nó không đi. Nhưng cho dù nó đi thì tôi có cảm giác là nó sẽ ngồi trong rạp với lời tôi văng vẳng trong đầu. Bởi vì mối quan hệ của cha con chúng tôi có cơ hội cho thấy ít nhất nó sẽ cân nhắc đến quan điểm của tôi. Và đó là cách bảo vệ duy nhất tôi có thể mang lại cho con hầu chống lại tất cả những rác rưởi của thế giới ngoài kia.
* * *
Tôi muốn tiến sĩ biết rằng quyển sách của tiến sĩ đã thay đổi cuộc đời tôi và cách suy nghĩ của tôi. Nó cũng làm…
… thay đổi cuộc sống của các con tôi.
… thay đổi mối quan hệ của tôi với chồng.
… thay đổi mối quan hệ của chồng tôi với các con.
… và đặc biệt nhất, thay đổi mối quan hệ của vợ chồng tôi với con gái 13 tuổi của chúng tôi, Jodie.
Một trong những điều chúng tôi từng hay xung đột với nhau là lệnh giới nghiêm. Cho dù thời gian chúng tôi đặt ra là thế nào chăng nữa, con bé luôn luôn xoay xở để về nhà trễ và chúng tôi không thể nói hoặc làm gì khiến nó sửa đổi được. Làm sao mà yên tâm cho được khi mà trong thành phố của chúng tôi có rất nhiều trẻ đi dự tiệc tùng ở những nơi không có sự giám sát. Có lần cảnh sát được gọi tới một bữa tiệc thu hút rất nhiều đứa trẻ không được mời và hàng xóm phàn nàn về tiếng ồn và chai bia quẳng xuống bãi cỏ nhà họ. Thậm chí cả khi có phụ huynh ở nhà thì thường đến nửa chừng bữa tiệc họ sẽ lên lầu xem tivi hoặc ngủ, không biết cái gì đang diễn ra ở dưới lầu. Một sáng thứ bảy, vợ chồng tôi ngồi lại với Jodie xem chúng tôi có thể cùng nhau giải quyết vấn đề hay không. Chồng tôi bảo anh ấy định chuyển cả gia đình tới một hoang đảo để sống trong vòng hai năm cho đến khi nó vào đại học. Nhưng vì điều đó không thực tế, chúng tôi cần phải nghĩ đến cách gì khác.
Tôi thì bảo, “Nghiêm túc mà nói, Jodie à, con có quyền vui chơi một đêm bên ngoài với bạn bè. Còn ba mẹ thì có quyền một đêm không lo lắng. Chúng ta cần tìm ra cách gì đó để thỏa mãn tất cả.”
Và chúng tôi cùng nhau tìm. Đây là những biểu quyết cuối cùng: chúng tôi sẽ có trách nhiệm kiểm tra để bảo đảm có một người lớn ở nhà. Jodie sẽ có trách nhiệm về nhà giữa khoảng 11:30 và nửa đêm. Kể từ đó chúng tôi đi ngủ sớm, tôi đặt đồng hồ báo thức lúc 12 giờ 15 phút – chỉ để đề phòng có diễn biến không như mong đợi. Ngay giây phút Jodie về tới nhà thì nó sẽ tắt báo thức đi. Cứ theo cách đó thì nó sẽ được hưởng niềm vui của nó còn cha mẹ sẽ có một đêm ngủ yên lành. Nhưng nếu đồng hồ reng thì tất cả đồng hồ báo động của chúng tôi cũng reng, và chúng tôi cần phải bắt đầu truy tìm dấu vết của nó.
Thỏa thuận của chúng tôi được thông qua. Jodie lo liệu phần thỏa thuận của mình và lần nào cũng hoàn tất việc “dập tắt đồng hồ”.
Cảm ơn vì cuộc đời chúng tôi được cứu vãn bởi một quyển sách!
Không chỉ dành cho phụ huynh với con cái
Mục địch chúng tôi viết How to talk so kids will listen … (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) là nhằm giúp phụ huynh có mối quan hệ tốt hơn với con cái. Chúng tôi không bao giờ mong chờ ai đó dùng quyển sách này để thay đổi mối quan hệ của họ với cha mẹ của họ hoặc với chính họ.
* * *
Tôi được nuôi dạy với rất ít lời khen mà chỉ toàn những lời chửi mắng. Sau nhiều năm trốn tránh cuộc đời trong ma túy và rượu, tôi đi tìm liệu pháp khả dĩ có thể thay đổi hành vi hủy hoại của mình. Chuyên gia trị liệu giới thiệu cho tôi quyển sách của tiến sĩ và nó giúp tôi thật đắc lực – không chỉ về cách nói chuyện với con trai 18 tháng tuổi của tôi, mà còn ở cách tôi nói chuyện với chính mình.
Tôi cố không tự làm giảm giá trị của mình nữa. Tôi bắt đầu đề cao và tự khen mình về tất cả những gì tôi làm cho cuộc đời của tôi và cuộc đời con trai tôi. Tôi là một bà mẹ nuôi con đơn độc và kinh hoàng trước ý nghĩ phải lặp lại sự nuôi dạy mà mình đã trải qua, nhưng giờ tôi biết mình sẽ không như vậy. Cảm ơn quyển sách đã giúp tôi tin vào bản thân mình.
* * *
How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) , “Kinh Thánh” của tôi, đã giúp tôi phá vỡ chu kỳ năm thế hệ những con người đầy những cảm xúc tiêu cực. Phải mất thời gian rất lâu nhưng cuối cùng tôi đã học được rằng tôi không cần phải đè nén cảm xúc của mình – kể cả những cảm xúc xấu. Tôi cảm thấy dễ chịu khi tôi là mình. Tôi hy vọng 4 đứa con tôi (17, 14, 12, 10 tuổi) có thể công nhận, ở mức độ nào đó, hiệu quả mà nó đã tác động lên tôi (sau nhiều năm tham dự những lớp bồi dưỡng phụ huynh của tiến sĩ), để có thể nuôi dạy thế hệ những con người kế tiếp trở thành những người sẵn sàng và có khả năng thông tin liên lạc, thay vì những con người chỉ biết phủ định, phủ định, và phủ định.
Tái bút: Tôi đọc sách của tiến sĩ khi đứa con 17 tuổi của tôi mới 1 tuổi. Quyển sách là đấng cứu rỗi của tôi!
* * *
Tôi 40 tuổi, bà mẹ của hai cậu con trai. Điều ảnh hưởng tới tôi nhất sâu sắc ở quyển sách của tiến sĩ là sự nhận thức rằng tôi đã bị tàn phá kinh khủng bởi thái độ của cha mẹ tôi đối với tôi. Cha tôi hay nói những điều làm tổn thương tôi mỗi lần chúng tôi gặp nhau. Kể từ khi tôi có con, những lời nhận xét cay độc của cha tôi lại xoay qua tập trung chỉ trích tôi là một bà mẹ vô vọng như thế nào, và tôi đang nuôi dạy hai thằng con của mình một cách cẩu thả, lùi xùi ra sao. Tôi nhận ra rằng dù giờ tôi đã lớn, nhưng trong tôi vẫn có phần đứa trẻ phải chịu đựng vết thương dai dẳng của sự nghi ngờ và căm ghét bản thân.
Có điều trớ trêu rằng tôi là một người cần mẫn, tận tâm và chu đáo, có thành công tương đối trong hội họa. Ấy thế mà cha tôi luôn vẽ một bức tranh hoàn toàn đối nghịch về con người tôi.
Sau khi đọc quyển sách của tiến sĩ, tôi tìm thấy lòng can đảm để bắt đầu chống lại cha mình. Mới đây khi ông xỉ vả tôi là đứa lười nhác, tôi đáp lại rằng có thể ông thấy tôi như thế nhưng tôi lại thấy một bức tranh khác về mình. (Ông bối rối vì nghe tôi nói vậy). Tôi đã có được niềm hy vọng mới là mình có thể chữa lành đứa trẻ bên trong mình bằng cách cho nó cái điều mà cha mẹ nó đã không bao giờ cho nó.
* * *
Thư từ giáo viên
Hầu như tại mỗi buổi hội thảo đều có một hay hai giáo viên kéo chúng tôi qua một bên để bày tỏ quyển sách đã ảnh hưởng đến họ không chỉ về mặt cá nhân mà còn về mặt nghề nghiệp như thế nào. Có giáo viên còn viết thư kể về kinh nghiệm của họ.
* * *
Tôi đã đọc How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) cách đây 9 năm, khi tôi bắt đầu đi dạy học. Lúc đó tôi chưa có con của riêng mình và chỉ quen làm việc với người lớn. Quyển sách của tiến sĩ đã cứu cuộc đời tôi. Chắc chắn nó giúp tôi trở thành một giáo viên giỏi hơn đối với lũ học trò lớp bảy và lớp tám mà tôi dạy, đồng thời nó giúp tôi trở thành một người hạnh phúc hơn.
Biến chuyển hữu ích nhất trong suy nghĩ của tôi xuất phát từ việc tôi không còn tự hỏi làm thế nào để “bắt” học trò mình học hành hoặc cư xử đúng mực. Bây giờ tôi luôn tự hỏi mình làm thế nào để khuyến khích học trò thể hiện quyền tự chủ trong những vấn đề của chúng. Thành công gần đây nhất của tôi là với Marco, một chú hề tự phong của lớp, luôn làm gián đoạn các học trò khác và thường ăn zero cho bài kiểm tra. Một ngày nọ sau giờ học, tôi giữ em lại và bảo, “Marco thầy cần nói chuyện với em. Em nghĩ coi điều gì có thể giúp em học tốt?”
Câu hỏi của tôi khiến nó sững sờ. Tôi nghĩ nó đã đinh ninh là sẽ bị gửi lên văn phòng thầy hiệu trưởng. Sau một hồi im lặng nó bảo, “Có lẽ em nên ghi chú bài giảng.”
Ngày hôm sau Marco không chỉ bắt đầu ghi chú bài giảng mà còn giơ tay phát biểu và thảo luận trong lớp. Một đứa học sinh khác thốt lên “Trời đất, Marco! Cậu mà cũng biết gì đó à!”
Nhiều năm qua tôi đã giới thiệu, cho mượn, và thảo luận về quyển sách của tiến sĩ với hàng trăm phụ huynh và giáo viên. Tôi thường giữ một bản trên đầu giường của mình. Ý thức rõ ràng rằng những khái niệm trong đó đã giúp tôi làm người cha, người chồng, người bạn đúng như tôi muốn hơn.
* * *
Học sinh của tôi đều được hưởng lợi từ chương lời khen trong quyển sách của tiến sĩ. Tôi có một cậu học sinh bị ADD [3] . Trong 9 tháng em chật vật làm được có 3 bài toán. Sau khi đọc How to talk so kids will listen … (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) tôi bắt đầu dùng phương pháp mô tả để chỉ ra những điểm tích cực của em. Tôi bắt đầu nói những điều đại loại “Em cương quyết cho tới khi tìm ra câu trả lời đúng”. Tuần tiếp sau đó em nộp hết không thiếu bài tập về nhà nào. Em cũng tự hào về công việc của mình đến nỗi em muốn tôi báo cho mẹ em biết tại cuộc họp phụ huynh lần tới.
Tôi có một học sinh khác viết chữ như gà bới đến nỗi chính em cũng không đọc được chữ viết của mình. Điểm chính tả của em chỉ loanh quanh mức năm mươi phần trăm. Em tới gặp giáo viên khác để phụ đạo. Tôi chia sẻ quyển sách với giáo viên đó và cùng nhau chúng tôi khen em không ngừng. Chúng tôi cùng nhau mô tả bất kỳ từ nào đúng đắn về chữ viết và chính tả của em (“Em đã nhớ viết “t” sau chữ ‘often’, mặc dù nó là âm câm [4] ). Hôm nay em chạy ùa vào phòng tôi và thông báo em viết đúng 19 trong 20 từ. Đó là điểm A đầu tiên của em về môn chính tả.
* * *
Tôi là một chuyên gia giáo dục [5] tại một hạt lớn ở Texas. Sau nhiều năm huấn luyện giáo viên và trải nghiệm vô số những phương pháp khác nhau – điều chỉnh hành vi, học thuyết gia cố, cấm túc, câu lưu, trừng phạt, không được ra chơi – tôi và những đồng nghiệp đi đến một kết luận giống nhau: những nguyên tắc và kỹ năng tiến sĩ viết trong tất cả những quyển sách của tiến sĩ là những kỹ năng chúng tôi cần để huấn luyện cho những giáo viên của chúng tôi sử dụng. Chúng tôi tin rằng khi những lớp học của chúng tôi thật sự hiệu quả thì đó là do những mối quan hệ đang công hiệu. Và mối quan hệ hiệu quả khi sự thông tin liên lạc mang tính nhân văn và chăm sóc lẫn nhau.
Những phản hồi từ nước ngoài
Chúng tôi vui mừng trước những phản hồi chúng tôi nhận được từ nhiều quốc gia khác. Điều đó thật sự khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi vì tác phẩm của chúng tôi có ý nghĩa với cả những người thuộc các nền văn hóa khác nhau.
* * *
Một phụ nữ từ Trung Quốc viết:
Tôi là một giáo viên tiếng Anh tại Quảng Châu, Trung Quốc. Trong khi là du học sinh đại học ở New York, tôi cũng làm chân giữ trẻ, giữ cô bé Jennifer, 5 tuổi. Trước tôi, bé đã có một người giữ trẻ người nước ngoài, người này không hiền dịu tử tế với bé. Cô bé thỉnh thoảng bị đánh và bị nhốt vào phòng tối vì hư. Kết quả, Jennifer lớn lên trở thành người lập dị và không chan hòa. Hơn nữa, cô bé hay bùng phát cơn khùng và khóc ngất.
Trong những tuần đầu tiên bắt tay vào việc, tôi ứng dụng những phương pháp giáo dục truyền thống của Trung Quốc với Jennifer, theo đó có khuynh hướng dạy và áp đặt trẻ nên phải cư xử như thế nào. Tuy nhiên phương pháp này không có hiệu quả lắm. Cô bé hay khóc bù lu bù loa hơn, và thậm chí còn đánh tôi.
Mẹ của Jennifer rất thông cảm cho tôi, đến nỗi bà đi tới gặp bác sĩ tư vấn. Ông giới thiệu cho bà quyểnHow to talk so kids will listen … (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) Mẹ của Jennifer và tôi hăm hở đọc và cố hết sức áp dụng những kiến thức chúng tôi học được ở đó. Và thực tế chứng minh là chúng tôi đã thành công. Jennifer bắt đầu nói nhiều hơn, chúng tôi từ từ trở thành những người bạn. “Xing Ying, cô thật là tốt trong việc đối phó với Jennifer,” cha mẹ của cô bé nói với tôi một cách biết ơn như vậy.
Bây giờ tôi đã trở về Trung Quốc và đã làm mẹ của một cậu bé. Tôi ứng dụng những phương pháp tôi đã học được từ quyển sách của tiến sĩ để hành xử với cháu và chúng tỏ ra hữu hiệu. Giờ khát khao của tôi là hỗ trợ những phụ huynh Trung Quốc khác trở nên hữu hiệu hơn và hạnh phúc trong mối quan hệ với con cái họ.
* * *
Một bà mẹ từ Victoria, Úc, viết:
Tôi đã sử dụng những đề xuất của tiến sĩ với các con tôi và thấy rằng chúng, đặc biệt là hai thằng lớn lầm lì của tôi, đã nói chuyện với tôi nhiều hơn. Khi chúng đi học về (đứa thì học đại học, đứa thì học phổ thông), tôi chào các con bằng câu “Nghe tiếng các con ngoài cửa là mẹ mừng quá” hoặc những câu đại loại rồi mỉm cười, chứ tôi không hỏi chúng “Hôm nay con đi học ở trường thế nào?”. Đứa con gái đầu của tôi tự khơi mào nói chuyện với tôi thật sự chứ không né tránh tôi như trước.
* * *
Một nhân viên làm công tác xã hội, một người điều hành chương trình How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) ở Montreal, Quebec, viết thư cho chúng tôi và kể lại cuộc viếng thăm trung tâm “thông gia” của bà ở Capetown, Nam Phi.
Tôi đã gặp giám đốc trung tâm giáo dục phụ huynh tại khu vực đó để tham quan cách thức làm việc của họ. Trung tâm thường mở lớp dạy cho cả những người thuộc tầng lớp trung lưu sống gần đó lẫn những cư dân của khu ổ chuột Kayelisha, ở ngoại ô thành phố. Ở Kayelisha, những gia đình sống trong những căn nhà chật chội, mỗi nhà chừng bằng cái buồng ngủ – không điện, không có nước máy, không có hệ thống vệ sinh. Các thầy cô của trung tâm ở đó dùng How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) làm nền tảng. Họ dịch những hình minh họa sang tiếng châu Phi cho cư dân tới lớp học có thể hiểu được. Họ nói trong thư viện của họ có mười quyển sách đã sờn tướp và quăn góc để phục vụ cho mọi người.
Tôi cũng sẽ gửi quyển sách mới nhất của tiến sĩ – “ How to talk so kids will learn” (Nói sao cho trẻ chịu học) – cho một người bạn ở Johannesburg. Anh bạn này đang điều hành những chương trình huấn luyện cho giáo viên dạy học xa thành phố, trong những cộng đồng dân cư thiểu số.
Tôi nghĩ tiến sĩ sẽ vui khi biết phạm vi ảnh hưởng của tiến sĩ!
Những cha mẹ trong nghịch cảnh
Hầu hết những ví dụ tôi nêu ra trong How to talk so kids will listen … (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) đều chỉ ra cách mọi người hành xử, giải quyết những vấn đề bình thường hàng ngày. Một lần sau khi chúng tôi diễn thuyết, một phụ nữ nước mắt giàn giụa tới gặp chúng tôi. Bà mô tả mối quan hệ giữa bà với con trai bị hội chứng Tourette [6] đã chuyển biến từ thù hằn, vô vọng thành yêu thương là kết quả của quyển sách này. Chúng tôi sướng run người. Kể từ đó chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về những ông bố bà mẹ sử dụng tác phẩm của chúng tôi để đối phó với những vấn đề căng thẳng, trầm uất nghiêm trọng trong cuộc sống của họ.
Hầu như những người viết thư luôn khen ngợi chúng tôi vì những thay đổi họ thực hiện được. Nhưng khi nhìn nhận thì chúng tôi thấy lời khen phải dành cho họ mới đúng. Bất cứ ai cũng có thể đọc sách. Nhưng cần phải là người có nghị lực và quyết tâm mới nghiên cứu từng trang, từng câu và sử dụng chúng nhằm chiến thắng những cơn đau tim. Như một số phụ huynh đã kể sau đây:
* * *
Trong nhà tôi đôi lúc cứ như đang lâm vào Thế Chiến thứ III vậy. Con gái tôi (7 tuổi) bị ADHD. Khi bé có dùng thuốc thì phần lớn có thể quản lý được. Nhưng khi thuốc tan, chúng tôi có một đứa trẻ ngoài tầm kiểm soát (tôi biết nhiều cha mẹ có con bị ADHD đã buộc phải là cha mẹ “hắc ám”).
Khi tôi đọc quyển sách của tiến sĩ, tôi tự hỏi liệu những kỹ năng này có giúp trẻ bị ADHD được gì hay không. Và, câu trả lời là “có”. Bây giờ tôi để ý nếu tôi nói chuyện với cháu theo cách mới này khi cháu đã uống thuốc thì nó sẽ kéo dài tác dụng và giúp cháu suốt cả ngày, nhất là trong những kỹ năng giao tiếp xã hội của cháu. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng nếu tôi cứ giữ đúng cách này thì sau này nó sẽ giúp cho cháu trên đường đời. Cảm ơn quyển sách của tiến sĩ.
* * *
Cả hai vợ chồng tôi đều là những chuyên gia tâm lý học. Con trai chúng tôi, 8 tuổi, mới đây bị chẩn đoán là mắc hội chứng ADHD. Chúng tôi đã trải qua nhiều phen điêu đứng với nó. Một người bạn giới thiệu cho chúng tôi những quyển sách của tiến sĩ Liberated Parents/Liberated Children (Giải phóng cha mẹ / Giải phóng con cái) và How to talk so kids will listen … (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) và trong đó chúng tôi đã tìm thấy những phương pháp hữu hiệu nhất mà chúng tôi tình cờ cập nhật được.
Hai vợ chồng tôi vốn được đào tạo chuyên môn về việc sử dụng những phương pháp hành vi – phương pháp mà có tác dụng ngược hoàn toàn đối với con trai tôi. Trong khi phương pháp của tiến sĩ lại dựa vào nền tảng là sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Theo đó, nó từ từ giúp chúng tôi được những gì chúng tôi muốn từ con trai mình mà không phải cố kiểm soát tất cả những gì diễn ra. Đó là một sự giải thoát được đón nhận nồng nhiệt nhất!
Tôi cảm thấy kiến thức của mình về những khuôn mẫu tương tác hiệu quả này chỉ mới ở mức sơ khai, nhưng từ bấy đến nay tôi luôn chia sẻ những gì tôi đã học từ quyển sách của tiến sĩ vào công việc của mình tại trung tâm điều dưỡng. Những phương thức của tiến sĩ rất hữu hiệu trong những bối cảnh khác nhau và hữu hiệu trên bình diện dân cư rộng lớn.
Cảm ơn tiến sĩ đã có thiện chí chia sẻ tất cả những kinh nghiệm của mình. Xin cảm ơn tiến sĩ đã thừa nhận những điểm yếu của tiến sĩ. Việc này giúp cho độc giả cũng thừa nhận những khiếm khuyết của họ.
* * *
Lúc con trai tôi, Peter, mới 6 tuổi, cháu được phát hiện là bị chứng suy giảm thị giác. Bác sĩ của cháu nhấn mạnh chúng tôi có 6 tháng để cho cháu đeo băng kính trị liệu, bằng không thì Peter sẽ có nguy cơ bị tổn thương thị giác nghiêm trọng bên mắt phải của cháu. Bác sĩ yêu cầu cháu phải đeo băng kính ít nhất 4 giờ một ngày, kể cả khi ở trường.
Khỏi nói cũng biết Peter thấy ngượng nghịu và khó chịu đến thế nào. Hàng ngày nó cứ cố tháo băng kính ra khiến tôi phải phát điên lên. Nó than thở là băng kính khiến nó bị nhức đầu và nó thấy mắt nó bị mờ hơn bao giờ hết và lại “rất đau”. Tôi công nhận những cảm xúc của cháu và khẳng định tất cả, nhưng thái độ của cháu không cải thiện.
Cuối cùng, sau năm hoặc sáu ngày như vậy, tôi kiệt sức. Tôi nói “Coi đó, Peter, mẹ cũng sẽ đeo kính như con 4 tiếng liền để biết xem nó như thế nào, rồi sau đó chúng ta có thể tìm ra cách làm sao cho nó tốt hơn”. Tôi chỉ nói thế vì tội nghiệp cháu chứ tôi không nhận ra nó lại có hiệu quả đến vậy khi tôi thực hiện.
Đeo được 20 phút tôi bị nhức đầu kinh khủng. Tôi bị mất khả năng nhận biết đến nỗi để làm những điều bình thường như là mở cửa tủ, lấy quần áo ra khỏi máy giặt, thả con mèo ra ngoài, hay thậm chí bước lên cầu thang cũng là khó khăn kinh khủng. Đến hết 4 tiếng, tôi đau khổ, mệt phờ và thấu hiểu sâu sắccon mình đang phải trải qua những gì.
Chúng tôi nói chuyện với nhau. Mặc dù tôi không thể thay đổi những yêu cầu của mình, nhưng Peter và tôi nhận ra rằng chúng tôi đã cùng trải qua những khó nhọc giống như nhau. Sự xác nhận của tôi rằng việc này khó như thế nào và rằng việc tôi không có khả năng chịu đựng giỏi như cháu rõ ràng là tất cả những gì cháu cần. Từ đó trở đi, cháu có thể kiên trì đeo băng kính mỗi ngày 4 tiếng đồng hồ, kể cả trong giờ học. Thị lực của cháu được cứu vãn và cháu thậm chí không cần phải đeo băng kính nữa.
Bài học tôi học được là đôi khi nói miệng không vẫn chưa đủ thông cảm cho những cảm xúc của trẻ. Có khi chúng ta phải thực hiện thêm một bước bổ sung để “nhìn sự vật bằng chính con mắt của trẻ”.
* * *
Tôi đã điều hành nhóm How to talk so kids will listen … (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) của tiến sĩ trong nhiều năm rồi. Kể từ khi tôi đọc quyển sách đầu tiên của tiến sĩ vào năm 1976, tôi đã ủng hộ công trình của tiến sĩ. Năm đó cũng là năm con trai tôi, Alan, mới sinh. Giờ cháu đã 22 tuổi và bị bệnh tâm thần. Căn bệnh này là bệnh rối loạn thần kinh do di truyền bên dòng họ tôi. Nhờ những kỹ năng tôi học được và giảng dạy, mà tiên lượng bệnh của Alan khá hơn rất nhiều so với những bệnh nhân khác và tôi cũng có thể giúp cháu chịu đựng nỗi đau và công nhận tật bệnh của mình. Bằng cách sử dụng những kỹ năng mình có mà tôi quản lý được cảm xúc lên xuống bất thần như xe lửa cao tốc trong công viên giải trí của cháu.
Khi tôi tham dự nhóm nâng đỡ những phụ huynh có con bị thiểu năng, tôi nhận ra những phương pháp của tiến sĩ đã giúp cho tình cảnh của tôi tích cực hơn nhiều về quan điểm cũng như về khả năng kiểm soát. Tràn trề hy vọng, chúng tôi sẽ có thể giúp Alan tiếp tục tiến bộ trong cuộc đời của cháu, ngăn cháu khỏi sụp đổ và khỏi phải vào bệnh viện tâm thần như vẫn thường xảy ra.
Tôi rất biết ơn kinh nghiệm 17 năm tôi đã ứng dụng những nguyên tắc này. Anh chị em của Alan cũng phải chịu đựng nỗi lo sợ sẽ mắc phải căn bệnh này, khiến cho nguồn lực của gia đình tôi bị mất cân bằng trầm trọng trong việc đối phó với tật bệnh. Những kỹ năng giúp tôi và chồng tôi thông cảm và nhận biết cảnh ngộ khốn khổ của chúng. Quyển sách của tiến sĩ là một món quà lớn cho gia đình chúng tôi.
VÂNG, NHƯNG… NGỘ NHỠ… THẾ CÒN…?
KHÔNG PHẢI TẤT CẢ những tín hiệu phản hồi chúng tôi nhận được đều tích cực. Một số người thất vọng vì không thấy hữu hiệu cho con cái họ, những đứa trẻ gặp vấn đề nghiêm trọng hoặc phức tạp. Nhiều người khác lại không vui vì những câu hỏi cụ thể của họ không được trả lời. Cũng có những người thất vọng vì họ đã nỗ lực thật sự để nói và làm khác đi nhưng hầu như không thành công. Họ cố kìm nén nhưng vẫn phải than thở “Tôi đã cố nhưng nó không có tác dụng.”
Khi chúng tôi yêu cầu họ nêu chính xác những gì đã xảy ra và nghe tường tận những kinh nghiệm của họ, thì chúng tôi dễ dàng nhận ra những gì sai và tại sao. Rõ ràng có những ý kiến chúng ta cần phát triển toàn hảo hơn nữa. Sau đây là những nhận xét và câu hỏi mà chúng tôi nghe được, cùng với những phản hồi của chúng tôi:
Về sự lựa chọn
Tôi để thằng con tuổi vị thành niên của tôi được lựa chọn nhưng lại có tác dụng ngược. Tôi bảo cháu hoặc là cắt tóc và đi dự lễ Tạ Ơn bằng không thì nó hãy ăn lễ Tạ Ơn ở trong phòng nó. Tùy nó chọn.
Và cháu nó nói liền, “Tốt, con ăn trong phòng con” và tôi bị sốc. Tôi nói “Cái gì?! Con dám làm thế với mẹ à! Còn cả với gia đình nữa?” Nó chỉ quay lưng lại tôi và bước đi khỏi. Có lẽ phương pháp lựa chọn là không hữu hiệu đối với tuổi teen.
Trước khi bạn đưa ra cho trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào sự lựa chọn, sẽ hữu ích khi bạn tự hỏi trước rằng: “Cả hai lựa chọn này có chấp nhận được đối với mình và có vẻ chấp nhận được đối với con hay không?”Hoặc bạn có thể hỏi những lựa chọn này có thật sự ẩn chứa mối đe dọa? Liệu con nó có cảm nhận như mình đang dùng kỹ thuật để khống chế, lôi kéo nó? Tốt nhất, lựa chọn cần toát lên nội dung phụ là “Mẹ ở bên phía con. Có những điều mà mẹ muốn con làm (hoặc không muốn con làm) hơn là ra lệnh bắt buộc con, mẹ muốn để cho con có tiếng nói về vấn đề.”
Lựa chọn mà bạn đưa ra cho con trai vị thành niên của bạn chọn là về đầu tóc của nó? Cơ hội bằng không. Hầu hết trẻ tuổi teen đều bị cha mẹ phàn nàn về đầu tóc – kiểu tóc, màu tóc, chiều dài, quá bẩn thỉu hay quá sạch sẽ… – đều coi đó như là sự xâm phạm không gian riêng tư của chúng.
Nhưng giả sử bạn không thể kiềm chế được mình? Nếu bạn sẵn lòng chịu rủi ro tiến vào vùng nhạy cảm này, thì hãy tiến vào một cách cẩn thận: “Mẹ biết không phải việc của mẹ, tuy nhiên, nếu con có thể cân nhắc đến khả năng cho thợ cắt tóc dời bớt một số tóc đủ để ba mẹ có thể trông thấy mắt con, thì con sẽ có một bà mẹ biết ơn vô cùng trong lễ Tạ Ơn.”
Nói thế xong là rút lui gấp.
Tiến sĩ làm gì nếu tiến sĩ cho con mình hai lựa chọn và chúng từ chối cả hai? Bác sĩ kê đơn cho con gái tôi và nó chúa ghét uống thuốc. Tôi đã làm chính xác điều tiến sĩ đề xuất, tôi bảo cháu uống với nước gừng hay với nước táo, cháu nói “Con không muốn uống với nước nào cả” rồi ngậm chặt mồm lại.
Khi trẻ em có những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ về việc phải làm gì đó, chúng không thích tiếp thu bất kỳ lựa chọn nào. Nếu bạn muốn con gái mở lòng với những lựa chọn bạn đưa ra, bạn cần bắt đầu bằng cách bày tỏ sự tôn trọng hoàn toàn cảm xúc tiêu cực của trẻ: “Trời, mẹ thấy cái kiểu con nhăn mũi thì biết con ghét uống thuốc như thế nào.” Những câu khẳng định kiểu như thế sẽ làm trẻ nhẹ nhõm. Nói như thế hàm ý: “Mẹ hiểu và đứng về phía mình”, bấy giờ con gái bạn sẽ sẵn sàng có tâm trạng để cân nhắc những lời nói của bạn hơn. “Này cưng, thế cái gì làm con đỡ ghê hơn – uống với nước trái cây hay nước gừng? Hay con nghĩ đến cách nào thì đỡ hơn – dù một chút thôi.” Rõ ràng sự lựa chọn là vô tận:
Con muốn uống nhanh hay chậm?
Con muốn nhắm mắt hay mở mắt khi uống?
Con muốn uống với thìa to hay thìa nhỏ?
Giữ ngón chân hay là giữ mũi của con?
Trong khi mẹ hát hay trong khi mẹ im lặng?
Để mẹ cho con uống hay là con uống tự mình?
Cái chính là sẽ dễ nuốt thuốc hơn nếu ai đó hiểu cho trẻ rằng việc đó khó khăn như thế nào, và nếu bạn giải thích một chút về đường đi của thuốc xuống bụng trẻ như thế nào thì càng hay.
Về những hậu quả
Lại một sự thất bại thông tin liên lạc khác nữa xảy ra khi lồng những hậu quả vào quy trình giải quyết vấn đề. Một phụ huynh cho chúng tôi biết bà thất vọng như thế nào khi có lần bà cố giải quyết vấn đề với các con, cuối cùng chúng lại xoay ra cãi nhau to.
Tôi triệu tập cuộc họp gia đình và nhắc cho bọn trẻ nhớ lời bác sĩ thú y đã nói gì về con chó nhà mình bị thừa cân nghiêm trọng và không được tập thể dục đều đặn. Chúng tôi đã đi qua hết những bước giải quyết vấn đề cùng với nhau và có tiến triển tốt, đã quyết định được ai chịu trách nhiệm việc gì và thời gian nào thì thằng con giữa yêu cầu nêu những hậu quả nếu ai đó không làm phần việc của mình. Thằng cả thì bảo là không xem tivi một tối. Hai thằng kia bảo vậy là không công bằng. Tóm lại, chúng đã cãi vã ỏm tỏi về việc thế nào là những hậu quả công bằng, đến nỗi tất cả nổi nóng với nhau và lơ luôn kế hoạch phải làm gì với con chó. Tôi chỉ còn biết kết luận là đám con tôi không đủ trưởng thành để giải quyết vấn đề.
Đưa ra kết quả khi giải quyết vấn đề không phải ý hay. Toàn bộ quy trình được gài số hướng về phía có thiện chí và tin cậy lẫn nhau. Ngay khi ý kiến về hậu quả cho sự thất bại được đề xuất, bầu không khí sẽ bị nhiễm độc liền. Nghi ngờ phát sinh, động cơ bị giết và lòng tin cậy bị phá hủy.
Khi một đứa trẻ hỏi hậu quả có thể là gì nếu nó không làm phần việc của nó, cha mẹ có thể trả lời, “Mẹ không muốn chúng ta nghĩ đến hậu quả. Ngay bây giờ chúng ta cần tính làm sao con chó của chúng ta mạnh khỏe lên và lúc nào cũng mạnh khỏe cả. Phải cần đến tất cả chúng ta góp sức lại mới làm được việc đó.”
“Ba mẹ hiểu là sẽ có lúc chúng ta cảm thấy không muốn làm phần việc của mình. Nhưng chúng ta sẽ làm bởi vì chúng ta không muốn để những người khác và để con chó thất vọng. Và nếu ai đó bị ốm hoặc trong trường hợp khẩn cấp chúng ta sẽ thay phiên nhau làm thế. Trong gia đình này tất cả chúng ta sẽ làm vì nhau.”
Những giải pháp thay thế cho “nhưng”
Rất nhiều phụ huynh phàn nàn khi họ công nhận cảm xúc của con cái họ, bọn trẻ trở nên tức giận hơn. Khi tôi hỏi chính xác họ đã nói gì, thì vấn đề trở nên rõ ràng. Đó là do mỗi câu khẳng định thông cảm của họ thường có chứa từ “nhưng ”. Chúng tôi chỉ ra rằng từ “nhưng” có khuynh hướng phủi bỏ, làm nhỏ hóa, hoặc tẩy xóa đi tất cả những lời đã nói trước đó. Sau đây là những câu khẳng định nguyên gốc của phụ huynh và phiên bản điều chỉnh mà chúng tôi tiến cử, đã được bỏ đi từ “nhưng” .
Câu khẳng định nguyên gốc: “Trông con có vẻ thất vọng vì lỡ mất buổi tiệc sinh nhật của bạn Julie. Nhưng thực tế là con bị cảm lạnh. Ngoài ra đó chỉ là một bữa tiệc thôi. Sẽ có nhiều bữa tiệc khác trong cuộc đời con mà.”
Đứa trẻ nghĩ: “Ba không hiểu gì hết.”
Câu khẳng định được điều chỉnh: (thay vì dùng từ “nhưng” gây xóa bỏ cảm xúc, hãy nêu toàn bộ giá trị của sự việc) “Con rất thất vọng vô cùng vì lỡ mất buổi tiệc sinh nhật Julie. Con đang mong ngóng tới đó để chúc mừng sinh nhật bạn. Nơi cuối cùng trên trái đất con muốn ở vào hôm nay là trên giường với một cơn sốt.”
Nếu ông bố cảm thấy chan hòa, ông có thể diễn đạt con gái ước gì: “Chẳng phải con đang ước ai đó khám phá ra cách chữa trị cảm lạnh thường đó sao?”
Câu khẳng định nguyên gốc: “Mẹ biết con ghét cái ý nghĩ lại phải ở nhà với cô giữ trẻ lần nữa, nhưng mẹ cần đi nha sĩ.”
Đứa trẻ nghĩ: “Mẹ luôn có lý do để bỏ con ở nhà một mình.”
Câu khẳng định được điều chỉnh: (Hãy xóa “nhưng” đi, thay thế bằng “V ấn đề là …”) “Mẹ biết con ghét cái ý nghĩ lại phải ở nhà với cô giữ trẻ lần nữa. V ấn đề là mẹ cần đi nha sĩ.”
Sự khác nhau là gì? Như một người cha nhận xét: Từ “nhưng” nghe giống như một cánh cửa đóng sầm vào mặt bạn. “ Vấn đề là ” mở cánh cửa và mời gọi bạn cân nhắc đến một giải pháp khả thi. Trẻ có thể nói, “Có lẽ trong khi mẹ đi nha sĩ, con chơi ở nhà Gary.” Người mẹ có thể bảo “Có lẽ con đi cùng với mẹ và ngồi đọc sách ở ngoài phòng đợi.” Một lần nữa, không có giải pháp nào thỏa mãn đứa trẻ tuyệt đối cả. Tuy nhiên bằng cách công nhận rằng có vấn đề, chúng ta làm cho trẻ dễ đối phó với nó hơn.
Câu khẳng định nguyên gốc: “Holly, mẹ thấy con buồn về mái tóc của con quá đi. Nhưng rồi con xem, nó sẽ mọc lại ấy mà. Trong vài tuần nữa con sẽ thậm chí còn không nhận ra nữa.”
Đứa trẻ nghĩ: “Mẹ đùa. Mẹ làm như một mình con không thể nghĩ ra được điều đó vậy.”
Câu khẳng định được điều chỉnh: (Xóa “ nhưng” đi. Hãy thay thế bằng “ cho dù con đã biết ”) “Holly, mẹ thấy con buồn về mái tóc của con. V à cho dù con đã biết là nó sẽ mọc ra, con vẫn ao ước ai đó chịu nghe con khi con nói con chỉ muốn cắt đi hai phân thôi.”
Bằng cách mở đầu câu khẳng định của bạn bằng cho dù con đã bi ế t , bạn khen ngợi sự thông minh của con gái bạn, đồng thời bày tỏ ý kiến của bạn mà không hạ thấp cháu.
“T ạ i sao con…?” “T ạ i sao con không…?”
Một số phụ huynh phàn nàn rằng họ cảm thấy khi họ cố gắng để hiểu về con cái họ thì chỉ nhận được phản hồi chống đối ở trẻ.
Là một người mẹ kế mới về nhà chồng, tôi nhận thức rõ việc không được la mắng chỉ trích các con chồng là quan trọng đến thế nào. Tôi để việc kỷ luật cho cha của chúng đảm trách. Nhưng khi ông ấy đi công tác xa và giáo viên gửi thư nhắn về báo rằng con trai chồng tôi đã quá hạn nộp bản thu hoạch thì tôi biết mình cần phải xử lý vụ này. Rất bình tĩnh, và với thái độ thân thiện, tôi hỏi cháu tại sao cháu không nộp bản báo cáo đúng hạn, bất thần cháu đùng đùng nổi giận với tôi. Tại sao lại vậy?
Bất kỳ câu nói nào bắt đầu bằng “ tại sao con thế này hoặc tại sao con không thế kia” có thể được hiểu như một lời buộc tội. Câu hỏi này ép buộc đứa trẻ phải nghĩ đến những khuyết điểm của nó. Ẩn bên dưới câu hỏi “Tại sao con không” rất thân thiện của bạn, đứa trẻ sẽ nghe thành “Đó chẳng phải là tại vì con là một đứa trẻ lười nhác, vô tổ chức, vô trách nhiệm, vô vọng, hay trì hoãn sao?”
Giả sử lúc này đứa trẻ đó đang đứng ngay trước mặt bạn. Nó sẽ trả lời bạn như thế nào? Nó đã bị đặt ra hai lựa chọn không thể nào thỏa mãn được. Hoặc là nó nói ra khiếm khuyết của nó, hoặc là nó cố tự vệ và kiếm cớ bào chữa: “Bởi vì đề bài không rõ ràng… bởi vì thư viện đóng cửa, v.v…” Dù là trả lời thế nào thì nó đều trở nên giận dữ với chính nó, và càng giận dữ hơn với bạn, nó rất ít có khuynh hướng nghĩ đến cách làm thế nào để cứu vãn tình huống này.
Bạn có thể thay thế bằng câu gì để có thể dẫn dắt trẻ phản hồi không tự vệ? Bạn có thể chuyển giao vấn đề cho con trai chồng của bạn tự giải quyết và bày tỏ cho nó sự ủng hộ của bạn. Khi đưa cho nó đọc mẩu thư nhắn của cô giáo, bạn có thể nói:
“Cái thư này ghi là gửi cho mẹ và ba, nhưng con là người sẽ biết cách xử lý nó như thế nào. Nếu có gì ngăn cản con bắt đầu và kết thúc bài thu hoạch, hoặc nếu con muốn ai đóng góp ý kiến gì thì có mẹ ở đây.”
Vì việc cách ly
Nhiều phụ huynh thất vọng khi đọc quyển sách này từ đầu đến cuối mà không thấy đề cập đến việc “cách ly”. Ban dầu chúng tôi rất lúng túng vì nhận xét này. Chúng tôi đã nuôi dạy 6 đứa con của mình mà không bắt đứa nào phải cách ly cả. Dần dần chúng tôi mới nhận ra rằng: có một làn sóng ngầm những quyển sách, những bài báo trên tạp chí ủng hộ cách ly như là một phương pháp kỷ luật, một giải pháp nhân đạo thay thế cho roi vọt, và giới thiệu cho phụ huynh cách thực hiện thủ tục đó như thế nào thì thành công.
Làm sao mà chúng tôi lại không để ý đến phương pháp đó? Lời giải thích xác đáng nhất về cách ly là thế này: Bằng cách đem đứa trẻ cư xử không đúng đắn vào một không gian hay một nơi khác, một nơi không có gì để làm xao nhãng tâm trí nó – không sách, không đồ chơi, hoặc không game – và nhất quyết bắt nó ngồi đó trong một khoảng thời gian cụ thể (một phút trong mỗi năm cuộc đời nó chẳng hạn), đứa trẻ chẳng bao lâu sẽ nghiệm ra lỗi của nó và trở lại cư xử tốt như đã được uốn nắn.
Nhưng càng suy nghĩ về điều đó, càng đọc tất cả những khác biệt về nó, thì chúng tôi càng ít có cảm tình với nó. Với chúng tôi, cách ly không phải là đổi mới hay cách tân gì, mà là một phiên bản lỗi thời của một lề thói cổ hủ, bắt đứa trẻ “hư” ra đứng ở góc nhà.
Chúng tôi tự hỏi, giả sử Billy đánh em gái nó bởi vì nhỏ em cứ níu cánh tay nó trong khi nó đang vẽ và mẹ nó, trong cơn tức giận, đã đẩy nó tới ngồi “đếm thời gian” trên cái ghế cách ly. Bà mẹ tuyên bố rằng như thế thì tốt hơn là đánh đòn Billy vì tội đánh em. Nhưng cái gì có thể sẽ diễn ra trong đầu Billy khi nó ngồi đó? Nó có nghĩ “Giờ thì mình đã học được bài học của mình rồi. Mình cấm không bao giờ được đánh em nữa, cho dù con bé có làm gì mình”, hay cảm xúc của nó có thể là “Thật bất công! Mẹ không để ý đến mình. Mẹ chỉ quan tâm đến con em ngu ngốc thôi. Mình sẽ đấm nó khi mẹ không nhìn thấy.” Hoặc nó sẽ kết luận: “Mình thật xấu xa, mình xứng đáng ngồi đây một mình.”
Chúng tôi bị thuyết phục rằng đứa trẻ cư xử sai không nhất thiết phải bị phạt tách rời khỏi những thành viên gia đình của nó, dù chỉ tạm thời. Tuy nhiên, nó cần bị ngăn chặn và cần được uốn nắn: “Billy, không được đánh em! Con có thể nói với em bằng lời là con phát điên ra sao khi em cứ níu tay con trong khi con đang vẽ.”
Nhưng giả sử Billy nói em và em vẫn cứ níu tay anh? Và giả sử Billy đánh em lần nữa? Như thế không đáng để bị cách ly sao?
Đẩy Billy tới một nơi “tách biệt” có thể ngăn chặn hành vi của nó một lúc, nhưng không chạm được đến vấn đề nằm bên dưới. Cái Billy cần không phải là sự cách ly mà là thời gian riêng tư cùng với một người lớn biết quan tâm giúp nó đối phó với những cảm xúc của nó và tìm ra những cách tốt hơn để xử lý những cảm xúc đó. Bà mẹ có thể nói “Không dễ gì con tập trung được khi em cứ níu tay con hoài. Hôm nay em làm con tức đến nỗi con đã đánh em. Billy, mẹ không cho phép đứa con này của mẹ đánh đứa con kia. Chúng ta cần lập ra một danh sách những điều có thể làm để thay thế nếu em chọc phá con một lần nữa khi con đang vẽ.”
Một số giải pháp thay thế cho đánh em?
- Billy có thể quát “Thôi đi!” vào mặt bé thật to.
- Billy có thể gạt tay em đi… nhẹ nhàng thôi.
- Billy có thể cho em một tờ giấy và một cây bút sáp màu.
- Billy có thể kiếm cái gì đó đưa cho em chơi.
- Billy có thể vẽ khi em ngủ trưa.
- Billy có thể vẽ trong phòng riêng đóng cửa lại.
- Nếu không có gì có tác dụng thì Billy có thể gọi mẹ giúp.
Billy có thể dán danh sách những giải pháp này ở bất kỳ chỗ nào cháu thích và tra cứu khi cần. Billy không còn thấy mình là đứa hành xử xấu tệ khi tức giận mà là người có trách nhiệm, biết nhiều cách xử lý nỗi tức giận của mình.
Về chồng (vợ) và những người thân yêu khác
Một số độc giả chia sẻ nỗi thất vọng. Vì họ thấy trong quyển sách này không có phần nào nói về người bạn đời của họ.
Tôi đang cố thay đổi cách tôi nói chuyện với các con, nhưng lại bị chồng/vợ/ bạn đời cản trở vì không tán đồng phương pháp mới của tôi. Tiến sĩ có đề xuất gì cho trường hợp của tôi không?
Khi câu hỏi tương tự được nêu ra trong một lần diễn thuyết, chúng tôi hỏi mọi người trong khán phòng xem họ đã làm gì. Sau đây là một số phản hồi của họ:
- Tôi nói chuyện với chồng tôi về những thay đổi mà tôi đang cố thực hiện. Cái cách anh ấy cảm thấy cũng được tính đến trong quy trình thay đổi đó, nhưng anh ấy không cảm thấy áp lực cần phải thay đổi chính mình.
- Chúng tôi giữ quyển sách trong xe hơi. Ai không lái xe thì sẽ đọc to lên và rồi chúng tôi cùng thảo luận về nó.
- Chồng tôi chả bao giờ chịu đọc sách về giáo dục phụ huynh. Anh ấy thuộc trường phái “Lời nói thì khác biệt, miễn con cái biết chúng ta yêu chúng là được rồi”. Cuối cùng tôi bảo anh ấy, “Này anh, khi chúng ta quyết định có con, chúng ta đã biết mình muốn làm điều đúng cho chúng mà. Chúng ta không nghĩ đến việc cho chúng mặc rách rưới hay cho chúng ăn thức ăn nhanh. Thì đây cũng vậy thôi, hà cớ gì chúng ta phải nói chuyện với chúng theo cách không lành mạnh – nhất là nếu có sự lựa chọn ở đâu đó? Con cái chúng ta xứng đáng điều tốt nhất từ cả hai chúng ta.”
- Tôi cố lôi kéo chồng bằng cách hỏi anh ấy cho lời khuyên về cách tốt nhất để xử lý những tình huống nhất định với hai thằng con của chúng tôi. Tôi nói đại loại, “Anh, em cần bàn cái này với anh. Đây là lĩnh vực em không có kinh nghiệm, vì em không bao giờ là cậu bé cả. Điều gì khiến anh thấy muốn hợp tác hơn – nếu mẹ anh nói thế này với anh hay nếu bà ấy nói thế kia?” Thường thường anh ấy trả lời ngay lập tức, nhưng đôi khi anh ấy suy nghĩ và đưa ra những đề nghị mà tôi không bao giờ nghĩ ra.
- Vợ tôi rất ghét khi tôi bảo cô ấy nên nói gì và nên nói như thế nào. Tốt nhất tôi cứ việc dùng những kỹ năng một mình và không nói gì hết. Chắc chắn cũng có gì đó ảnh hưởng sâu sắc đến cô, bởi vì có một buổi sáng khi chúng tôi vội vã chuẩn bị đi làm thì con gái tôi không chịu mặc áo khoác của nó. Thay vì tranh luận thì vợ tôi cho nó lựa chọn. Vợ tôi bảo nó muốn mặc thường hay muốn mặc ngược . Con gái tôi bật cười khúc khích vì cái từ mặc ngược và sau đó chúng tôi êm thấm đi ra khỏi nhà.
Uy lực của sự vui đùa
Nhiều phụ huynh trách cứ chúng tôi sao không có một chương nói về sự khôi hài. Để biện hộ, chúng tôi giải thích rằng khi chúng tôi viết chương Khuyến Khích Sự Hợp tác chúng tôi thật sự tranh luận “thuận và chống” về việc có nên bao gồm sự khôi hài vào quyển sách này không. Chúng tôi biết rằng hành xử cách gì đó khác lạ và bất ngờ có thể làm thay đổi tâm trạng người khác từ phát điên đến vui vẻ chỉ trong vài giây. Nhưng làm sao chúng tôi yêu cầu phụ huynh phải “khôi hài” cho được trong khi còn bao nhiêu việc khác cần phải làm. Vì vậy chúng tôi đã tự giới hạn sự khôi hài trong hai đoạn ngắn mà thôi. Đó là sai lầm lớn của chúng tôi. Chúng tôi nhận ra phụ huynh rất có óc hài hước. Kể cả những người không tin là mình có thể khôi hài.
Bất cứ khi nào chúng tôi tổ chức hội thảo, ở bất cứ nơi đâu trên đất nước, khi chúng tôi yêu cầu những phụ huynh trưởng thành, nghiêm nghị hãy liên hệ với đứa trẻ hài hước, ngô nghê, hay vui đùa trong họ, thì họ đều làm được. Họ nghĩ ra những ví dụ vui nhất về việc họ đã làm gì hoặc có thể sẽ làm gì để nâng cao tinh thần cho con cái và làm tan chảy sự đối kháng ở chúng.
* * *
Thỉnh thoảng thằng con 3 tuổi của tôi không chịu thay đồ vì nó muốn tôi mặc đồ cho nó. Khi nó nằng nặc đòi như vậy thì tôi tròng quần lót lên đầu nó và cố đút vớ vào tay nó. Dĩ nhiên nó bảo tôi đang làm sai rồi, và tự mình lấy quần mặc và đi vớ vào cho đúng. Sau đó nó nói “Thấy không mẹ, đây mới là mặc đúng.” Tôi ngạc nhiên và lại đút quần vào tay và xỏ chân vào áo sơmi. Trò chơi này luôn kết thúc bằng một trận cười và những cái ôm đầy thương yêu.
* * *
Để bắt con trai tôi đánh răng tôi nghĩ ra những con vi trùng đang lẩn trốn trong miệng bé – tên chúng là Geraldine và Joe. Vì vậy chúng tôi phải lùng sục từng ngõ ngách trong khi chúng nó hát “Tụi mình bày tiệc trong miệng của Benjamin.” Và rồi chúng nó thét lên khi bé chà bàn chải vào chúng và thét lên nữa khi bé nhổ chúng xuống cống. Chúng còn dọa với trở lại. “Bọn tao sẽ quay lại cho coi!”
* * *
Thách thức duy trì một vẻ ngoài trật tự trong bất kỳ gia đình nào có trẻ em thuộc nhiều lứa tuổi dường như khởi phát những giải pháp khôi hài sáng tạo nhất. Sau đây là cách một bà mẹ cổ súy đám con phụ giúp dọn dẹp nhà cửa.
Chúng tôi đang cố thiết lập truyền thống để cổ động cho gia đình “mới pha trộn” của mình – gồm 3 đứa con riêng của vợ tôi (7, 9, 11 tuổi) và 2 đứa con riêng của tôi (10 và 13 tuổi) – sống hòa thuận hơn. Việc tranh cãi để phân chia coi đứa nào làm việc vặt gì luôn là nỗi ám ảnh. Giờ thì mỗi sáng thứ bảy chúng tôi viết hết tất cả những công việc cần được làm ra mấy tờ giấy. Xong chúng tôi gấp giấy lại, đút từng tờ vào một quả bong bóng màu, thổi lên và thảy bong bóng lên không. Mỗi đứa con sẽ bắt lấy một quả, đập ra và làm công việc đó, làm xong thì trở lại lấy quả khác. Cho đến khi công việc được làm xong thì chúng tôi chúc mừng lẫn nhau vì chúng tôi là một đội nhóm vĩ đại.
* * *
Tôi là một ông bố ở nhà. Mới đây tôi đã tìm ra một cách mới để xử lý tất cả những thứ bừa bộn do bọn trẻ gây ra. Tôi lấy một bộ bài tây đặc biệt của mình với những con số ở hai đầu đã được xóa đi. Rồi mỗi thằng con tôi chọn một lá và đếm xem trong đó có bao nhiêu “nút” thì nó phải dọn bấy nhiêu món đồ đi. Phải nói là chúng thích thú và phấn khích quá trời trong khi đếm những số món đồ được chúng dọn đi xong rồi háo hức chọn tiếp những lá bài khác. Lần gần đây nhất tôi làm như vậy, cả nhà được dọn sạch trong hai mươi phút và bọn trẻ buồn vì trò chơi kết thúc.
* * *
Bối cảnh: Một căn phòng có hai bé gái. Những mảnh tranh ghép vương vãi khắp sàn nhà.
Mẹ: “Này các con, cái này được gọi là trò Bạn có theo kịp bài hát không ? Mẹ sẽ bật máy lên rồi coi các con có nhặt những mảnh ghép trở lại hộp đựng trước khi bài hát kết thúc không nào.”
Chúng lao vào dọn dẹp thật nhanh và xong việc trong hai bài hát rưỡi.
* * *
Tôi có 4 thằng con trai. Ít nhất 50 lần một ngày tôi phải thét quát chúng cất giày đi. Điều đầu tiên chúng làm khi đi học về là tháo giày thảy ra giữa nhà và tôi luôn vấp phải 8 chiếc giày.
Kích thích cảm hứng : Tôi viết chữ GIÀY lên một mảnh giấy, đục lỗ và xâu dây treo lên lối vào nhà bếp, đủ thấp để khi đi học về chúng sẽ chạy vào và đụng trúng đầu.
Kevin, 8 tuổi, là đứa đầu tiên đi học về. Mảnh giấy quết vào tóc nó khi nó đi qua cửa bếp.
KEVIN: Cái gì thế này?
TÔI: Con đọc đi.
KEVIN: Giày? Có nghĩa là gì?
TÔI: Con nghĩ là gì?
KEVIN: Tụi con sẽ có giày mới hôm nay?
TÔI: Không.
KEVIN: ( suy nghĩ nhanh) Mẹ muốn tụi con cất giày đi?
TÔI: Con đoán ra rồi.
Kevin cất giày! Rồi trở lại giải thích mẩu giấy cho 3 đứa về tiếp theo hãy cất giày đi!!!
KEVIN: Mẹ phải làm một cái bảng giống vậy để nhắc rửa tay đi mẹ.
* * *
Lũ con tuổi teen của tôi rất ghét dọn phòng tắm. (“Mẹ, thấy gớm quá à!”) Tôi không tranh cãi với chúng. Chỉ dựng một tấm biển trên bồn rửa. Trên đó có ghi một bài thơ con cóc như sau:
Tóm lấy chổi cọ và một miếng giẻ
Chà-chà-chà – Ố, miếng giẻ!
Cạnh này, gờ này, góc này, xó xỉnh này
Đừng quên ngồi khoái chí
Đúng, đúng, chỉ ít phút thôi
Nhưng công việc làm được thật phi thường
Cảm ơn
Thương yêu,
Mẹ
* * *
Một người mẹ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nhan đề: “Không Gì Kéo Dài Mãi Mãi”.
Tôi muốn tất cả giày thể thao và đĩa hát phải được dọn sạch khỏi phòng học, cho nên tôi bước vào phòng ngủ của con trai và giả bộ gọi điện thoại cho nó. Reng. Reng.
Nó giả bộ nhấc máy lên “A-lô.”
Tôi nói “Đây có phải là công ty Xây Dựng Reilly không?”
Nó đáp, “Phải.”
Tôi nói, “Có một việc rất lớn là phải dọn giày và đĩa hát nặng ơi là nặng ra tới một địa điểm khác và tôi nghe nói công ty của quý cậu là công ty tốt nhất.”
Nó đi vào phòng học và nhặt cất đi hết cả. Tôi cố lần thứ hai, thì cũng có tác dụng. Rồi một ngày, tôi gọi điện thoại cho nó và hỏi “Đây có phải là công ty Xây Dựng Reilly không?”
Nó đáp “Cậu ấy dẹp công ty rồi.”
TIẾNG MẸ ĐẺ CỦA BỌN TRẺ
CỐ VẤN CỦA CHÚNG TÔI, tiến sĩ Haim Ginott không sinh ra ở Mỹ. Ông từ Israel đến Mỹ từ lúc còn trẻ tuổi. Chính nơi đây là nơi ông đã lấy bằng tiến sĩ, xuất bản sách và điều hành những nhóm huấn luyện phụ huynh. Khi lần đầu tiên chúng tôi gia nhập một trong những nhóm của ông, chúng tôi nhớ mình đã phàn nàn với ông về việc thay đổi thói quen thì khó ra sao: “Chúng tôi thấy mình bắt đầu định nói gì đó với con cái, ngừng lại, thế rồi lại rơi vào những câu cửa miệng của mình”. Ông lắng nghe chăm chú rồi đáp, “Để học một ngôn ngữ mới không phải dễ. Trước hết, các bạn sẽ luôn nói bằng một phương ngữ nào đó… Nhưng với con cái của bạn, đó sẽ là tiếng mẹ đẻ của chúng!”
Lời ông nói tựa như lời tiên tri khi được ứng dụng không chỉ cho con cái chúng tôi mà còn cả cho con cái của những độc giả của chúng tôi nữa. Chúng tôi nghe nhiều phụ huynh nói rằng con của họ đã sử dụng ngôn ngữ mới mà họ học được từ quyển sách này một cách tự nhiên nhất. Sau đây là những kinh nghiệm họ viết thư hoặc kể trực tiếp cho chúng tôi.
* * *
Tôi là bà mẹ đi làm, có lịch trình rất sít sao. Con trai 3 tuổi của tôi ghét phải thức dậy và thường hay cáu bẳn rất khó chịu. Vì vậy tôi thường nói “Sáng hôm nay con đang cảm thấy cáu kỉnh hả?” Nó đáp “Dạ” rồi cảm thấy khỏe hơn và tỏ ra hợp tác hơn.
Một sáng tôi thức dậy trong tâm trạng bực mình vì bị trễ giờ. Bé nhìn tôi với vẻ quan tâm và nói, “Mẹ đang cảm thấy cáu kỉnh phải không mẹ? Con vẫn yêu mẹ lắm.” Tôi sửng sốt vì cháu lại nhận thức được như thế. Cháu làm tôi khỏe khoắn hơn và có cả một ngày tuyệt diệu!
* * *
Con gái 4 tuổi của tôi, Megan, nói với anh trai bé: “Justin, em không thích khi anh đá em” (thường thì con bé đã đá lại anh nó rồi). Thằng anh đáp lại “Ờ, Megs à”. Thế đó! Sau đó Megan tới khoe với tôi là bé đã dùng kỹ năng mới và nó rất hiệu quả. Bé ngạc nhiên và tự hào về mình.
* * *
Chắc hẳn giờ này tôi đã phải sống nhờ vào lòng từ bi rồi nếu không có những bùa chú của tiến sĩ. Tôi kể chuyện này để cho tiến sĩ biết tôi đã dùng phương pháp này nhiều đến thế nào. Con gái tôi (gần 5 tuổi) mới đây đã nói trong lúc đi ngủ “Nhưng mà mẹ này, những lựa chọn của con là gì? (Bé vốn rất thích khi tôi hỏi bé muốn bước lên giường hay muốn nhảy cóc lên giường.)
Một lần khác chúng tôi chơi với nhau, bé đóng giả làm mẹ và nói với tôi, “Cưng, đây là lựa chọn: con có thể có xe Jeep hay xe thể thao, chọn một đi!”
* * *
Con trai 4 tuổi của tôi, Danny, đang ngồi dưới sàn nhà chơi với bạn nó, Christopher. Chúng chơi thú đồ chơi và giả bộ đánh nhau. Thình lình trận giả bị biến thành trận thật.
CHRISTOPHER: Danny, dừng lại, cậu đánh tay tớ đau!
DANNY: Cậu làm đau tớ thì có!
CHRISTOPHER: Tớ buộc phải vậy! Cậu ấn tay tớ xuống.
DANNY: Tớ cũng buộc phải vậy vì cậu đang ấn tay tớ.
TÔI: (Nghĩ bụng sẽ can thiệp nhưng không biết phải nói gì).
DANNY: Chờ chút (ngồi trở lại trên gót chân và suy nghĩ). Christopher, đây là lựa chọn của tụi mình. Tụi mình chơi với thú và không đè tay nhau… hay là tụi mình không chơi với thú nữa mà chơi trò khác. Cậu lựa cái gì?
CHRISTOPHER: Tụi mình chơi trò khác đi.
Và chúng chạy ra ngoài! Tôi biết thật khó mà tin nổi, nhưng thật sự là việc đó đã xảy ra.
* * *
Một ngày nọ sau bữa sáng tôi vừa bước về phía phòng con gái tôi vừa nghĩ mình sẽ làm gì khác đây thay cho bài diễn thuyết dài thượt về việc không được để sữa bên ngoài ở bệ bếp. Nhưng con trai 8 tuổi của tôi đã vượt qua tôi, đến đứng ở bên ngoài phòng em nó rồi nói: “Sữa sẽ chua khi để ra khỏi tủ lạnh”.
Tôi ngạc nhiên quá sức. Cánh cửa bật mở và cô con gái 6 tuổi xổ ra ngay lập tức và chạy vào bếp cất sữa đi.
* * *
Tôi đang ở trong phòng khách thì nghe cuộc nói chuyện giữa con gái tôi, Liz, 10 tuổi, và bạn nó, Sharon. Cả hai đứa đang lục tìm các tủ bếp.
SHARON: ( giọng rên rỉ ) Tớ đói bụng quá. Tại sao mẹ bạn cất bánh cao quá vậy? Mẹ bạn không bao giờ để đồ ăn cho bạn với tới được à?
LIZ: Sharon, trong nhà tớ không ai đổ lỗi cho ai cả. Cứ nói cho tớ biết bạn cần gì thì tớ sẽ làm cho bạn.
Tôi đứng đó, nghĩ bụng, ta cứ cố gắng, cố gắng và không bao giờ biết mình có gặt hái được kết quả hay không. Và rồi một ngày nào đó. Sự việc cứ thế diễn ra!
* * *
Điều lớn lao ở quyển sách của tiến sĩ là ta được quyền giận dữ, miễn là ta đừng nói gì làm tổn thương ai. Tôi đã từng cố bình tĩnh và giữ cho mọi việc êm thấm để rồi cuối cùng lại hét toáng lên và sau đó thì hối hận. Thực tế, dạo gần đây tôi hay cho bọn trẻ biết trước khi nào tôi bắt đầu nổi cáu hoặc hết kiên nhẫn hoặc khi nào tôi cần có thời gian ở một mình.
Hôm qua tôi nhận được phần thưởng cho mình.
Tôi đang đi mua hàng với Ryan, 13 tuổi – cháu đã lớn phổng lên trong mùa hè và cần một cái áo mùa đông mới. Khi chúng tôi đã đi 2 cửa hàng rồi mà không tìm thấy chiếc áo nào cháu ưng ý và chúng tôi trên đường tới cửa hàng thứ ba, thì cháu nói “Chúng ta về nhà đi, mẹ”.
TÔI: Ryan, khi đợt lạnh đầu tiên ập đến thì con không có gì mặc đó.
RYAN: Mẹ, con muốn về nhà.
TÔI: Nhưng mà, Ryan…
RYAN: Mẹ, con đang cố nói cho mẹ hiểu! Rằng con thấy khó chịu và con không muốn đổ lây vào mẹ.
Trên đường về nhà, tôi cảm thấy tự hào và cảm thấy mình được con quan tâm chăm sóc đến. Cảm ơn quyển sách đã cho tôi và con trai tôi một phương pháp bảo vệ lẫn nhau khi chúng tôi sắp sửa “mất kiềm chế”.
* * *
Tôi đã tham dự những lớp How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) trong tháng vừa qua. Mới đây tôi nói chuyện với con trai 8 tuổi của mình và tôi muốn chia sẻ với tiến sĩ:
ERIC: ( cháu vừa mới xuống xe buýt ) Mẹ đoán coi trong giờ chơi hôm nay có gì xảy ra?
TÔI: Mẹ nghe đây.
ERIC: Michael gặp rắc rối vì bạn ấy đã đánh ai đó và cô M. mắng bạn ấy. Bạn ấy òa khóc thì cô quát bạn ấy im đi và bảo bạn ấy là đồ hay khóc nhè.
TÔI: Chắc con cảm thấy khó chịu khi thấy việc đó xảy ra với Michael.
ERIC: Vâng! Con quàng tay quanh người bạn ấy như thế này này ( cháu quàng tay vào một cậu bé vô hình và vỗ vỗ cái vai tưởng tượng ).
TÔI: Mẹ cá là sẽ làm Michael thấy đỡ hơn.
ERIC: À, ừm. Cô M. nên đi học cái lớp mà mẹ theo học đó, mẹ.
Tôi tin rằng phương pháp mới mà tôi đang nói và lắng nghe con trai mình sẽ giúp cháu trở thành người nhạy cảm, không đứng im nhìn khi thấy bất công.
* * *
Những lá thư trước cho chúng ta thấy những kỹ năng mới đã ngấm vào bọn trẻ một cách tự nhiên như thế nào – nhờ chứng kiến phụ huynh sử dụng những phương pháp ấy hàng ngày. Trong lá thư cuối cùng này, một phụ nữ mô tả cuộc hành trình hòa nhập “ngôn ngữ quốc tế mới” này của bà.
Khi tôi ngồi đây, rơm rớm nước mắt sung sướng và tự hào, tôi chỉ biết viết và nói lời cảm ơn tới tiến sĩ. Một ngàn lần cảm ơn quyển sách của tiến sĩ. Đến hôm nay tôi nhận ra mình đã thay đổi nhiều như thế nào, và mình đã sử dụng những kỹ năng mới trong thực tế một cách tự nhiên ra sao. Dù chỉ trong những sự việc nhỏ thôi. Anh họ của thằng con trai 3 tuổi của tôi đến chơi (nhóc này 9 tuổi). Nó chỉ cho con trai tôi cách xếp chồng những hộp bìa giấy lên nhau để có thể leo qua hàng rào. Tôi nhìn ra và nói, với giọng điềm tĩnh, thân thiện, “Ối, cô thấy đống hộp xộc xệch đó không an toàn. Hàng rào không phải để leo. Làm ơn đi, bàn chân là phải để trên mặt đất.”
Nói xong tôi vào nhà. Vài phút sau tôi nhìn ra cửa sổ và thấy chúng đã dẹp đống thùng đi và đang chơi trò khác, an toàn hơn ! Bất giác tôi chợt nhận ra là mình đã đạt được một kết quả còn hơn cả mong đợi (dẹp đống thùng đi) mà tôi không cần phải:
1. Suy nghĩ trước xem phải dùng kỹ năng gì. Lời nói cứ thế tuôn ra trơn tru, rất tự nhiên khỏi miệng tôi.
2. La mắng rầm rĩ – kết quả tất yếu của nỗi sợ hãi do hình dung về những tai hại có thể sẽ xảy đến với con tôi.
3. Vận động thân thể để chỉnh sửa. Ngay sau khi nói xong phần mình, một cách tự nhiên tôi đã rời khỏi hiện trường – đó không hề là một quyết định có ý thức. Việc cứ thế xảy ra. Tôi cứ thế bước đi khỏi và để chúng tự quyết định làm gì. Lúc thực hiện xong hành động vô thức rời đi ấy tôi vẫn chưa nhận thức được nó. Chỉ sau đấy, và cho tới khi tôi ngồi xuống viết lá thư này tôi mới nhận thức được! Tôi đang học! Tôi đang học thật sự! Hoan hô!
Sau sự việc đó tôi cứ nghiền ngẫm hoài, nhưng sẽ không viết ra đây, nếu cách đây một năm thì hẳn là mình đã xử lý tình huống này đó tệ như thế nào. Bỗng thấy mềm lòng đi. Và rồi tôi bật khóc khi nghĩ tới việc không biết cuộc đời của con cái tôi sẽ ra sao nếu không có những quyển sách của tiến sĩ. Tiến sĩ đã trao cho những người như tôi – kẻ cầu toàn, tham công tiếc việc, con của người nghiện rượu – món quà vô giá về phương thức giao tiếp, thông tin liên lạc với những đứa con quý giá của mình theo cách yêu thương, không chỉ trích.
Mới đây tôi và mẹ tôi cùng trào nước mắt khi bà hồi tưởng lại hồi chúng tôi còn nhỏ bà đã nói với chúng tôi như thế nào: “Khi mẹ nghe con nói chuyện với con trai của con mẹ thấy xấu hổ về cách mẹ đã nói chuyện với con hồi xưa.” Trong tôi bỗng dấy lên niềm tha thứ ngay cho mẹ. Bà học thật nhanh. Tôi sung sướng trong lòng bởi những cảm giác ấm áp mà một người mẹ hoặc một người bà có thể đắm mình cảm nhận được sau một thành công.
Em gái tôi – cô ấy vừa mới chia tay ông chồng vũ phu – hay nói với các con của cô ấy bằng giọng trịch thượng mà tôi không thể đồng tình. Tôi cảm thấy đau đớn thay cho con cái của cô ấy đến nỗi tôi không thể nghe được nữa. Sau đó tôi mua cho cô ấy quyển How to talk so kids will listen… (Nói sao cho trẻ chịu nghe…) và quyển Siblings Without Rivalry (Không cần phải tuyên chiến) , đề nghị cô ấy nhảy cóc tới xem những hình minh họa để nắm được nội dung tổng thể, hy vọng cô ấy sẽ dành thời gian đọc kỹ hơn. Chính mẹ tôi là người ghi nhận sự thay đổi ở cách em gái tôi giao tiếp với các con của cô ấy. Thêm lòng tự trọng của hai đứa trẻ khác đã được cứu bởi những quyển sách của tiến sĩ.
Tôi thật sự không làm sao truyền tải cho hết lòng biết ơn sâu sắc tới tiến sĩ vì đã chia sẻ những kỹ năng của tiến sĩ.
Jane
Tái bút: Thói nghiện rượu trong gia đình tôi thật kinh khủng đến mức chúng tôi không thể ngẩng đầu lên được vì nó. Vì vậy tôi không thể ghi họ của mình trong lá thư này.
Cảm ơn Jane. Cảm ơn tất cả các độc giả đã dành thời gian để viết ra những suy nghĩ và trải nghiệm của quý vị. Mỗi lần chúng tôi đọc những lá thư như thế này, từ trong nước hay từ nước ngoài, là mỗi lần chúng tôi tự cho phép mình ngây ngất. Tất cả chúng ta – những phụ huynh, giáo viên, những chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, những người chủ trì hội thảo – truyền bá những nguyên tắc thông tin liên lạc chăm sóc nhau đi xa và đi khắp nơi, đến nỗi mà, nay đã đến lúc trẻ em trên khắp thế giới được lớn lên trở thành những con người mạnh khỏe, nhạy cảm, tự tin vào bản thân và tận lòng sống trong hòa bình cùng nhau.
[1] PBS (Public Broadcasting Service): “Dịch vụ Truyền thông Công cộng” – mạng truyền thông công cộng bất vụ lợi gồm 349 đài truyền hình thành viên ở Hoa Kì, cùng một số đài truyền hình cáp ở Canada. Trụ sở chính của PBS ở Thành phố Crystal, Virginia – (ND).
[2] Máy nebulizer là một dụng cụ dùng phun thuốc thành hơi sương, người bị hen suyễn dùng mặt nạ hoặc ống tẩu hút thuốc để hít sâu vào phổi chất sương thuốc do máy nebulizer đẩy ra – (ND).
[3] ADD (attention deficit disorder) = ADHD (Attention-deficit/hyperactivity disorder): hội chứng mất tập trung hành vi. Thường xuất hiện ở trẻ lúc 2-3 tuổi. Trẻ có thời lượng tập trung ngắn, dễ chán trước nhiệm vụ, liên tục quay ngang quay dọc, chạy nhảy, leo trèo, nhưng lại vụng về trong vận động thân thể – (ND)
[4] Silent sound: âm câm trong cách phát âm tiếng Anh. Ví dụ như ‘t’ trong ‘often’ hoặc ‘h’ trong ‘hour’, tuy có viết nhưng không đọc – (ND)
[5] Chuyên gia giáo dục (educational diagnostician) ở Mỹ làm việc lưu động giữa các tiểu bang hoặc giữa các trường trong một tiểu bang. Nhiệm vụ chung của họ là huấn luyện sư phạm, tư vấn, đánh giá và chẩn trị những vấn đề về học tập của học sinh phổ thông – (ND)
[6] Hội chứng Tourette là tình trạng thần kinh biểu hiện một số chứng như co mặt nhăn mày, hay lầm bầm, càu nhàu. Bệnh thường ảnh hưởng tới nam giới gấp bốn lần nữ giới, không rõ nguyên nhân và thường kháng lại việc điều trị – (ND).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.