Nói Sao Cho Trẻ Nghe Lời

Chương 3: Để Trẻ Tự Lực Tự Cường



Một đứa trẻ không thể tự lập ngay từ khi còn nhỏ, thì sau này lớn lên sẽ trở thành một người không có chủ kiến. Khi cha mẹ quá nuông chiều, nhượng bộ trẻ: đặt trẻ ở địa vị cao hơn cha mẹ, luôn đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, làm thay trẻ mọi việc… trẻ sẽ nghĩ mình là trung tâm, trở nên lệ thuộc và dựa dẫm. Những đứa trẻ như vậy thường yếu đuối, không biết suy nghĩ đến cảm nhận của người khác. Cha mẹ muốn rèn luyện tính độc lập cho con, thì buộc phải buông tay, vẽ ra thế giới riêng cho trẻ để chúng thoải mái hít thở không khí tự do của riêng mình.
 
Đổi cách nói 14 Con à, Con thử đi!
 
Cha mẹ thường nói: Con còn nhỏ, không làm được đâu, để mẹ làm cho!
 
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe thấy cha mẹ nói với con rằng: “Không được, khi nào lớn con mới làm được!”, “Đi chỗ khác chơi, người lớn nói chuyện, trẻ con xen vào làm gì!”, “Chuyện này mẹ nói sao thì nghe vậy, con không được cãi lại!”… Rất nhiều cha mẹ cho rằng con cái không thể làm được, không nên làm, nhưng trên thực tế, trẻ đã có khả năng tham dự rồi.
 
Cha mẹ cần khẳng định và cổ vũ những hành động và nguyện vọng đúng đắn của trẻ, dù chúng vẫn chưa thể làm tốt. Như vậy, trẻ mới có thể cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào khi hoàn thành một việc gì đó, hoặc cảm thấy bản thân mình có giá trị khi giúp đỡ được cha mẹ.
 
Ví dụ thực tế
 
Mẹ Lan đang dọn dẹp vệ sinh ở nhà. Bé Lan mới bốn tuổi liền chạy đến định giúp mẹ lau nhà. Mẹ liền đưa cây chổi lau nhà cho con gái, nói: “Được thôi, con thử làm đi!”. Cô bé dùng chổi lau nhà lau một lượt, sau đó ném cây chổi lau nhà sang một bên với vẻ hài lòng: “Xong rồi, lau sạch rồi mẹ ơi!”. Mẹ nói: “Đúng là sạch thật!”.
 
Mẹ đang xào rau, Vũ thích thú xán lại gần, mẹ vừa đặt đôi đũa xuống, Vũ đã cầm đôi đũa lên đảo lia lịa, mẹ nói: “Được rồi, con xào đi!”. Nói xong, mẹ liền tắt bếp ga, Vũ thích thú lấy đủa đảo loạn lên. Mặc dù lúc ăn vẫn còn hơi sống nhưng mẹ nói với bố Vũ: “Đây là món rau con xào đấy, bố thấy thế nào, con trai chúng ta thật là giỏi phải không!”.
 
Bố Cường vừa sửa sang lại giá sách, đang đặt sách lên giá. Cường cũng muốn làm nhưng không với tới giá sách. Bố liền phân loại sách rồi để Cường cầm, ôm Cường lên cho Cường đặt sách vào trong giá. Cường cảm thấy mình giống như một trợ thủ đắc lực của bố, trong lòng rất vui.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Để trẻ tham gia vào một số công việc có ý nghĩa hơn nhiều so với việc cha mẹ tự làm. Để trẻ làm một số việc lặt vặt không chỉ bồi dưỡng được ý thức độc lập mà còn có thể nâng cao khả năng xử lí và giải quyết vấn đề cho trẻ.
 
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra rằng, những người thành công thường là người có cá tính tương đối độc lập. Họ thường có suy nghĩ riêng, có cách nhìn nhận và lí giải độc đáo, không dễ dàng bị người khác chi phối. Những người như vậy thường có sáng kiến trong công việc, rất được mọi người tôn trọng. Tính độc lập ảnh hưởng đến sự thành công ra sao, chúng ta đều biết. Nhưng hiện nay, đại đa số các gia đình chỉ có một đến hai con, cả nhà đều chiều chuộng, trẻ chỉ cần há miệng là có người bón cơm cho ăn, chìa tay là có người mặc áo
 
vào cho, chuyện gì cũng có cha mẹ làm thay… Trẻ con lúc còn đi học mẫu giáo thường có tính phụ thuộc cao, khả năng độc lập kém. Do vậy, cha mẹ cần tạo không gian tự do và các tình huống để trẻ rèn luyện khả năng độc lập, giúp trẻ học được cách độc lập suy nghĩ, tự giải quyết vấn đề. Cha mẹ có thể bắt đầu từ những phương diện sau:
 
Thứ nhất: Để trẻ tự làm việc của mình
 
Thực ra, cha mẹ nên thường xuyên tạo điều kiện để trẻ làm một số việc vặt trong nhà, phải để trẻ hiểu việc của mình thì nên tự giải quyết, xây dựng tính tự tin và cầu tiến cho trẻ, trải nghiệm cảm giác thành công bằng chính sức của mình và niềm vui khi hoàn thành công việc. Ví dụ, mặc quần áo, buộc dây giày, chỉnh lại chăn đệm, tự ăn cơm, súc miệng… Có những cha mẹ sợ con mệt nên việc gì cũng làm thay con. Trên thực tế, làm vậy là cha mẹ đã cướp đi cơ hội rèn luyện sự độc lập của con.
 
Thứ hai: Cho phép trẻ tự lựa chọn
 
Trò chơi là một cách quan trọng để thúc đẩy sự phát triển cho trẻ, cũng là phương thức mà trẻ đặc biệt yêu thích. Do vậy, cha mẹ nên cho phép và cổ vũ trẻ tự lựa chọn trò chơi, phương thức chơi, bạn chơi cùng, tự đặt ra mục tiêu của trò chơi, độc lập tư duy, đóng các vai trò khác nhau trong trò chơi của mình. Đương nhiên, trong quá trình chơi trò chơi, nếu gặp khó khăn, cha mẹ cũng nên cổ vũ trẻ tự suy nghĩ tìm hướng giải quyết.
 
Thứ ba: Tạo không gian tự do cho trẻ
 
Hiện nay, việc giáo dục của cha mẹ đối với con cái còn tồn tại hai vấn đề tiêu cực. Hoặc là quá nuông chiều, hoặc là quản lí quá nghiêm khắc. Cả hai việc này đều không có lợi cho sự phát triển của trẻ. “Không gian tự do” ở đây không phải là sự dung túng hay bỏ mặc trẻ, mà là tạo điều kiện cho trẻ phát triển tính độc lập. Cha mẹ không thể lúc nào cũng hi vọng và ép trẻ phải làm theo ý của mình, như vậy sẽ không thể nào đạt được kết quả tốt nhất. Cha mẹ nên tạo ra không gian để trẻ phát triển thoải mái, như vậy mới có thể khơi gợi tiềm năng ở trẻ.
 
Thứ tư: Triển khai các hoạt động gia đình
 
Trong gia đình, hãy để trẻ chia sẻ việc nhà với cha mẹ, tự mình sắp xếp đồ chơi…. để trẻ được trải nghiệm cảm giác vui vẻ và hào hứng trong cuộc sống độc lập của mình. Đối với những trẻ không mấy tự tin hoặc không mấy tự lập, cha mẹ nên thường xuyên giao cho trẻ những công việc mà chắc chắn trẻ có thể hoàn thành – những việc có độ khó thấp, để trẻ cảm nhận được niềm vui khi thành công và tăng thêm sự tự tin cho trẻ.
 
Đổi cách nói 15 Mẹ biết con sẽ không chùn bước trước khó khăn mà!
 
Cha mẹ thường nói: “Chuyện này quá khó đối với con, để mẹ giúp con!”.
 
Thủ tướng Anh Churchill lớn lên trong sự cổ vũ và động viên thường xuyên của cha mẹ. Ông không bao giờ cho rằng sai lầm là thứ gì đó đáng sợ, nếu như làm sai, ông thường cẩn thận suy nghĩ lại vấn đề một lượt để có thể làm được tốt hơn. Ông từng nói rằng: “Nước Anh cần không phải là những người thông minh, tài trí mà là những người có thể dũng cảm đến cùng trong những thời điểm khó khăn”.
 
Là cha mẹ, khi con cái gặp khó khăn, bạn thường lựa chọn cách lao lên trước để che chắn cho chúng, hay là cố gắng kiềm chế để cho trẻ có cơ hội trải nghiệm sự thất bại và chờ xem trẻ sẽ vượt qua khó khăn như thế nào?
 
Ví dụ thực tế
 
Ăn cơm trưa xong, mẹ dắt Cường đi chơi. Mẹ đi phía sau, Cường đi trước thích thú nhảy nhót. Đúng lúc ấy, Cường vấp phải một hòn đá và ngã ra đất. Mẹ nhìn thấy, không chạy đến đỡ con dậy mà lớn tiếng nói: “Cường, là con trai phải biết tự đứng dậy!”. Cường ngã rất đau, không những không đứng dậy mà còn òa khóc nức nở.
 
Thế là mẹ chạy đến bên Cường, chỉ vào con kiến dưới đất và nói: “Cường, con nhìn xem đây là cái gì?”.
 
Cường lắc đầu: “Con không biết, là cái gì ạ?”.
 
“Đây là con kiến. Con à, con nhìn xem trên lưng con kiến đang cõng cái gì kìa, trước mặt nó còn có vũng nước, đá sỏi chắn đường nữa chứ. Con biết không, loài kiến rất dũng cảm, chúng không lo sợ khó khăn trước mặt, cũng không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn, cho dù có rơi xuống vũng nước chúng cũng sẽ tự bò lên. Con nói xem, có phải kiến rất dũng cảm không?”.
 
Cường lập tức nói: “Đúng ạ, đúng là rất dũng cảm!”.
 
“Mẹ tin con cũng là một đứa trẻ dũng cảm, con sẽ không bị những khó khăn trước mặt làm cho sợ hãi, đúng không nào?”.
 
Cường nghe mẹ nói vậy liền đứng dậy, lớn tiếng nói: “Mẹ ơi, mẹ nhìn này, con không bị khó khăn làm cho sợ đâu!”.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA:
 
Trong gia đình hiện nay, cha mẹ luôn lo lắng những chuyện không may xảy đến với con, vì vậy chuyện gì cũng làm thay chúng. Buổi sáng thì mặc quần áo, thắt dây giày… cho con. Buổi tối lại soạn sách vở cho con cái, ngồi cạnh con khi chúng làm bài tập. Chỉ cần con kêu mệt, kêu chán là cha mẹ lại lập tức đóng vai trò là thần hộ mệnh. Lâu dần, cứ gặp chuyện gì khó khăn là trẻ lại nhờ người lớn giúp, gặp phải vấn đề khó là thu mình lại, gặp bài khó là đi đường vòng… Điều này không có lợi cho sự hình thành thói quen tốt của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần có ý thức tạo cơ hội cho trẻ tự khắc phục khó khăn, để trẻ dần trưởng thành trong những lần đối mặt với khó khăn.
 
Có nhiều trẻ khi gặp phải vấn đề khó khăn là nảy sinh phản ứng tiêu cực, thường là ủ rũ, buồn rầu, lựa chọn phương pháp né tránh… Nếu muốn thay đổi tình trạng này ở trẻ thì cha mẹ phải dạy cho trẻ cách đối mặt với khó khăn, dạy trẻ biết tự đứng lên khi vấp ngã. Phương pháp giáo dục này có thể rèn luyện ý chí kiên cường cho trẻ, tăng cường niềm tin, xây dựng nền tảng để trẻ hướng đến xã hội, giành được thành công. Cha mẹ muốn hình thành thói quen tự giải quyết khó khăn cho trẻ, nhất định phải chú ý những điều sau đây:
 
Thứ nhất: Lời nói và hành động mẫu mực
 
Hiện thực cuộc sống chính là “giáo trình” tốt nhất cho trẻ học tập. Cha mẹ có thể nói cho con cái biết một số khó khăn mà mình gặp phải trong chuyện gia đình hoặc sự nghiệp, nêu gương tốt cho trẻ noi theo. Ý chí kiên cường, không sợ khó, sợ khổ của cha mẹ chính là chỗ dựa tinh thần cho trẻ khi đối mặt với khó khăn.
 
Thứ hai: bồi dưỡng tính cách tốt
 
Cha mẹ nên chú ý bồi dưỡng cho trẻ tinh thần đối mặt với hiện thực, có thái độ đúng đắn khi đối mặt với khó khăn. Khi gặp phải khó khăn, cần phân tích nguyên nhân để tìm cách đối phó chứ không phải thu mình, né tránh. Cha mẹ nên nói cho trẻ biết, trên đời chẳng có chuyện gì mà con người không làm được, có khó khăn thì nên cổ vũ trẻ tự giải quyết. Bồi dưỡng cho trẻ biết nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, thắng không kiêu bại không nản, không suy tính thiệt hơn mà luôn vui vẻ, lạc quan. Ngoài ra, có thể dạy trẻ cách giải tỏa tâm lí tiêu cực, duy trì trạng thái tâm lí tích cực; làm một đứa trẻ mạnh mẽ, tự tin, cởi mở, dũng cảm, không bị khuất phục bởi khó khăn.
 
Thứ ba: Dạy trẻ kiên trì đến cùng
 
Thực ra, thành công và thất bại đôi khi chỉ cách nhau một bước chân. Chỉ cần kiên trì đến cùng, thắng lợi sẽ chào đón bạn. Nhưng rất nhiều người chỉ vì chút khó khăn trước mắt mà bỏ cuộc, khiến cho công lao lúc trước đổ ra sông ra biển. Trẻ con cũng vậy, gặp phải khó khăn, ban đầu có thể chúng vẫn còn niềm tin để phấn đấu tiếp, nhưng trải qua nhiều trắc trở, trẻ thường có xu hướng thu mình lại. Lúc này, cha mẹ nên động viên trẻ tiếp tục phấn đấu.
 
Đổi cách nói 16 Mẹ muốn nghe ý kiến của con!
 
Cha mẹ thường nói: Mẹ đã nói như vậy thì cứ làm thế đi, con thì biết cái gì?
 
Có bao giờ bạn hỏi xem con có hài lòng với sự sắp đặt của mình không? Đáp án của rất nhiều bậc phụ huynh là: Chưa từng hỏi. Có lẽ bạn sẽ cho rằng: chưa từng hỏi thì đã làm sao, đó chẳng qua chỉ là chuyện vặt vãnh, chẳng có gì cần phải thương lượng hay bàn bạc cả. Sự thực có phải như vậy không? Có thể với bạn đây chỉ là chuyện vặt vãnh, nhưng đối với trẻ, chuyện này vô cùng quan trọng.
 
Nhiều lúc trẻ muốn mua một bộ quần áo hoặc một cái cặp sách mà mình thích từ lâu nhưng cha mẹ lại không cho. Đối với trẻ, chuyện này rất đáng buồn! Các nhà nghiên cứu tâm lí đã chỉ ra, trẻ 4 tuổi đã có suy nghĩ riêng, nếu thường xuyên phải nghe theo mệnh lệnh của cha mẹ, trẻ sẽ thiếu đi khả năng suy nghĩ độc lập, thiếu đi tố chất và năng lực phán đoán vấn đề, không có tính tích cực, cầu tiến… Độc lập suy nghĩ không chỉ là phẩm chất quan trọng của con người mà còn là nguồn gốc của sự sáng tạo. Cha mẹ nên chú ý lắng nghe suy nghĩ của con cái!
 
Ví dụ thực tế
 
Lúc Thanh 4 tuổi, làm gì cô bé cũng gọi mẹ giúp. Lúc ăn cơm Thanh đòi mẹ phải bón, lúc đi tiểu cũng bắt mẹ cởi quần ra và mặc quần vào; lúc ngủ trưa đòi cô giáo cởi giày, cởi quần áo cho mình… Mẹ Thanh muốn để con tự làm nhưng cô bé thường lấy lí do “Con không biết” để từ chối. Lúc ấy, mẹ Thanh nghĩ con còn bé nên không mấy để ý. Nhưng bây giờ Thanh đã 8 tuổi rồi, rất nhiều bạn nhỏ cùng tuổi đã có ý thức tự lập, nhưng Thanh thì không. Vì chuyện này mà cha mẹ Thanh rất buồn phiền. Cuối cùng, họ đành phải đi gặp chuyên gia tâm lí trẻ em. Qua phân tích của các chuyên gia, cha mẹ Thanh đã hiểu cần phải làm thế nào.
 
Sắp đến sinh nhật của bà nội Thanh. Mẹ muốn nhân cơ hội này khơi gợi ý thức tự lập của con gái. Ăn cơm xong, mẹ nói: “Sắp đến sinh nhật bà rồi, tối nay chúng ta sẽ bàn bạc xem nên mua quà gì tặng bà nội nhé!”. Mẹ vừa nói xong, bố liền bảo: “Hay đấy! Bây giờ chúng ta bàn bạc luôn đi, xong sớm càng có nhiều thời gian chuẩn bị, không có lại không kịp!”. Thanh không nói gì, cô bé cho rằng đó là chuyện của cha mẹ, không liên quan đến mình, vì vậy cô bé đứng dậy định đi. Lúc ấy, mẹ gọi Thanh lại: “Thanh, nếu không có việc gì thì ngồi xuống đây, chẳng phải mẹ đã bảo chúng ta cùng bàn bạc hay sao?”.
 
Sau đó, cả nhà ngồi xuống cùng bàn bạc, mẹ nói: “Bà nội rất muốn mua một cái vòng bạc, hay là chúng ta tặng bà một cái đi?”, bố nói: “Thôi tặng bà một cái lò vi sóng đi, như thế bà ở một mình, cần ăn gì cứ cho vào lò hâm nóng là được!”… Cha mẹ bàn bạc, còn Thanh ngồi im không lên tiếng. Mẹ liền ngồi xuống bên cạnh con gái, nói: “Thanh, bình thường bà nội thương con nhất, tặng cho bà một món quà vào ngày sinh nhật là dịp thể hiện tình cảm với bà, mẹ muốn nghe ý kiến của con!”.
 
Thanh nhìn mẹ rồi bảo: “Mẹ, con muốn tặng bà một cái bánh gato!”.
 
“Tặng bánh gato có ý nghĩa gì đặc biệt không?”.
 
“Mẹ à, con thấy bánh gato là tượng trưng của ngày sinh nhật, hơn nữa con muốn viết những lời chúc lên bánh cho bà, như thế chắc bà sẽ vui lắm!”.
 
“Ừ, ý kiến của con rất hay, bà nội chắc là rất phấn khởi đây, con thật là tâm lí!”.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Mẹ Thanh nói “Mẹ muốn nghe ý kiến của con”, ngầm thể hiện Thanh đã lớn rồi, có những chuyện nên có ý kiến riêng, câu nói này không chỉ dạy Thanh phải biết độc lập suy nghĩ mà còn dạy cô bé biết yêu thương, quan tâm đến người thân trong gia đình. Dưới sự kiên nhẫn cổ vũ của mẹ, cuối cùng Thanh cũng có ý kiến của mình. Khi mẹ thể hiện sự biểu dương, Thanh đã vô cùng vui mừng.
 
Vậy thì cha mẹ phải làm sao để con cái chịu độc lập suy nghĩ? Phương pháp rất nhiều. Có thể chơi một số trò chơi đòi hỏi tư duy, ví dụ: “Gạch có tác dụng gì?”, trả lời: “Có thể dùng để xây nhà, xây cầu thang, xây lò sưởi, xây đường…”, không những vậy, mà còn có thể cổ vũ con suy nghĩ thêm… Thông qua những bài luyện tập như vậy, sẽ khiến cho trẻ hình thành thói quen suy nghĩ độc lập, giúp trẻ mở mang tư duy, khả năng phản ứng ngày càng nhanh nhạy.
 
Ngoài ra, cha mẹ cần tránh làm mọi việc thay con. Cha mẹ không nên yêu cầu trẻ phải tuyệt đối nghe theo mình, điều này sẽ không có lợi cho sự phát triển của chúng, khiến chúng dần mất đi tính tự chủ. Câu nói “Nghe lời cha mẹ mới là trẻ ngoan” có hàm ý là mệnh lệnh của cha mẹ không được làm trái, chẳng khác nào nói với con cái: “Con không cần suy nghĩ gì hết, cứ làm theo lời mẹ dặn là được rồi!”. Như thế trẻ sẽ quen với việc lúc nào cũng có cha mẹ suy nghĩ và phân tích thay mình. Khi phải rời xa vòng tay cha mẹ rồi thì đến những chuyện vặt vãnh, trẻ cũng không tự giải quyết được. Vì thế, trong quá trình nói chuyện, cha mẹ nên dùng giọng điệu bàn bạc, thảo luận thay vì ra lệnh, tạo cho trẻ có cơ hội suy nghĩ, ví dụ: “Con cảm thấy làm thế nào thì tốt hơn?”, “Con nghĩ như vậy có căn cứ gì không?”…
 
Cha mẹ muốn đào tạo khả năng tư duy độc lập cho con có thể tiến hành từ các phương diện sau:
 
Thứ nhất: Để trẻ có nhiều cơ hội biểu đạt suy nghĩ của mình
 
Cha mẹ cần tạo nhiều cơ hội để con cái nói ra suy nghĩ của mình. Trong quá trình tranh luận, cha mẹ tuyệt đối không được dùng suy nghĩ của mình để áp đặt trẻ, hãy cho trẻ thoải mái thể hiện ý tưởng của mình.
 
Thứ hai: Lúc có thể thì hãy cố gắng buông tay
 
Để giúp trẻ hình thành thói quen tốt, cha mẹ không nên quán xuyến hết mọi việc, ví dụ: lúc trời mưa, cha mẹ không cần phải nói với trẻ rằng: “Mang theo ô nhé!”, nên để trẻ tự cảm thấy mình cần phải mang ô hoặc áo mưa.
 
Thứ ba: Để trẻ có tư tưởng độc lập
 
Hành vi độc lập xuất phát từ tư tưởng độc lập. Khi suy nghĩ của cha mẹ và con cái có sự khác biệt, cha mẹ đừng nôn nóng phủ định suy nghĩ của trẻ, mà nên hỏi trẻ vì sao lại nghĩ như vậy. Hãy lắng nghe cách trẻ lí giải vấn đề của con mình nhé!
 
Đổi cách nói 17 Con à, con có thể nghĩ cách khác mà!
 
Cha mẹ thường nói: Con đúng là đầu đất. không biết nghĩ cách khác sao?
 
Có những trẻ thiếu tính sáng tạo, không có sự biến hóa trong tư duy, không thể đưa ra những hành động thích hợp với hoàn cảnh. Để bồi dưỡng khả năng ứng biến của trẻ, cha mẹ cũng cần có những hành động chuẩn bị, nắm chắc cơ hội giải quyết vấn đề, giúp trẻ trở nên quả quyết hơn.
 
Ví dụ thực tế
 
Thứ sáu, sau khi tan học, Linh về nhà, bấm chuông mãi mà không thấy ai mở cửa, cô bé thầm nghĩ chắc cha mẹ vẫn chưa về. Ngồi ở ngoài cổng chờ đến khi tối mịt, Linh vừa đói vừa lạnh liền òa khóc. Đúng lúc ấy, nghe thấy tiếng khóc, cô Lí hàng xóm liền ra ngoài xem, thấy Linh đang ngồi co ro ngoài cửa, khóc nức nở. Cô hỏi Linh có chuyện gì, Linh mới nói cha mẹ không có nhà, không mở cửa được. Cô Lí đứng dậy nhìn, hóa ra trên cửa có dán một tờ giấy, trên đó có viết: “Linh à, hôm nay chúng ta phải qua nhà bà nội, cha mẹ tan làm sẽ về luôn nhà bà, con cũng qua đó luôn nhé!”, nhưng Linh không nhìn thấy mảnh giấy. Cô Lí liền cho Linh mượn điện thoại để gọi cho cha mẹ. Trong điện thoại, Linh ấm ức khóc mãi không thôi. Cha nói: “Con à, con có thể nghĩ cách khác mà, con nói xem giờ phải làm thế nào?”, Linh ngẫm nghĩ rồi nói: “Tối nay con ở lại nhà cô Lí, sáng mai con về nhà bà nội có được không ạ?”.
 
“Đương nhiên là được rồi, con ngoan, như thế là đúng đấy!”.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Linh về đến nhà, phát hiện cha mẹ không có nhà lại chỉ biết đứng ngoài cửa chờ. Nếu không phải cô hàng xóm phát hiện kịp thời, chắc Linh đã bị bỏ đói và chịu rét cả đêm ở ngoài cửa rồi. Lúc cô bé ấm ức trong điện thoại, bố đã không nói thẳng, cũng không nghĩ cách giải quyết tình hình thay cô bé, mà chỉ dùng một câu: “Con à, con có thể nghĩ cách khác mà!” để ngầm ra hiệu bảo con gái: bố không giúp được con đâu, con chỉ có thể tự nghĩ cách giải quyết thôi. Từ đó có thể thấy, cha mẹ có thể tận dụng mọi cơ hội để nâng cao khả năng ứng biến của trẻ.
 
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên có ý thức tăng cường khả năng ứng biến cho trẻ, bồi dưỡng khả năng ứng biến với sự thay đổi của tâm sinh lí, ví dụ trên người khó chịu ở chỗ nào thì nên nói với người lớn; khi cảm thấy buồn phiền trong lòng, biết tâm sự với bạn thân hoặc cha mẹ. Bên cạnh đó, cũng cần bồi dưỡng khả năng thích ứng của trẻ với sự biến đổi của môi trường xung quanh, biết được nhiệt độ cao thấp khác nhau nên giữ ấm ra sao, ra ngoài nên mang theo thứ gì… Chỉ cần khả năng ứng biến của trẻ mạnh lên, khi gặp phải chuyện gì đó, trẻ sẽ biết cách ứng phó tốt nhất mà không dễ dàng đầu hàng khó khăn.
 
Vậy cha mẹ nên bồi dưỡng khả năng ứng biến của trẻ như thế nào?
 
Thứ nhất: Phải cho trẻ biết kế hoạch có thể thay đổi
 
Ai cũng có thói quen sống của riêng mình, làm chuyện gì cũng có kế hoạch của chuyện đó, nhưng thói quen hay kế hoạch đều có thể bị gián đoạn hoặc thay đổi do sự biến đổi của tình hình thực tế. Do vậy, cha mẹ nên nói cho trẻ biết những khả năng có thể xảy ra, để trẻ có tâm lí chuẩn bị ứng phó với những tình huống bất ngờ.
 
Thứ hai: Cùng trẻ phân tích những khả năng có thể xảy ra
 
Rất nhiều tình huống bất ngờ có thể dự đoán được. Trước khi làm một việc gì đó, cha mẹ nói cho trẻ biết những tình huống có thể xảy ra. Ví dụ: nếu cha mẹ ra ngoài, buổi trưa sẽ không kịp về nấu cơm, vậy buổi sáng trước khi trẻ đi học, cha mẹ cần nói với trẻ: thức ăn ở trong tủ lạnh, chỉ cần cho vào lò vi sóng hâm nóng lên là được, lúc đi học cần khóa cửa cẩn thận… Cách giáo dục này có thể đào tạo khả năng tự xử lí những việc lặt vặt trong cuộc sống, tăng cường ý thức tự lập cho trẻ.
 
Thứ ba: Để trẻ nắm vững kĩ năng và phương pháp ứng biến
 
Ví dụ, nếu vừa tan học mà trời mưa thì trẻ có thể gọi điện cho cha mẹ người nhà mang ô đến, hoặc mượn ô của các bạn buổi trưa không về nhà, hoặc bắt taxi về nhà… Tan học về mà không tìm thấy chìa khóa, nếu trường ở gần nhà thì có thể quay lại trường tìm xem có để chìa khóa trong ngăn bàn không, nếu trường cách nhà xa quá thì có thể liên hệ với cha mẹ, nếu không liên hệ được với cha mẹ có thể đến nhà họ hàng ở gần đó….
 
Thứ tư: Cần tránh đào tạo trẻ thành một “người nói dối”
 
Bồi dưỡng khả năng ứng biến của trẻ là bồi dưỡng khả năng đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Trong quá trình đối phó, không yêu cầu trẻ phải nói dối, lừa gạt; chỉ là một số tình huống không nên nói cho người ngoài biết. Vì vậy, cha mẹ nên phân biệt rõ bồi dưỡng khả năng ứng biến với việc trẻ nói dối, lừa gạt người khác.
 
Đổi cách nói 18 Cha mẹ tin con có thể tự chăm sóc bản thân khi cha mẹ không có ở nhà!
 
Cha mẹ thường nói: Lúc bằng tuổi con cha (mẹ) đã có thể tự làm hết rồi, con xem, con vô dụng thế đấy!
 
Khi trẻ sống dưới sự bao bọc của cha mẹ, chúng sẽ trở nên dựa dẫm và ỷ lại. Sớm muộn gì cũng có ngày cha mẹ phải rời xa con cái. Cha mẹ có nghĩ đến cảm giác của con khi ngày đó đến không? Có thể chúng sẽ cảm thấy bàng hoàng, không nơi nương tựa… Bởi vậy, thà để trẻ “khổ trước sướng sau” còn hơn là để chúng phải hoang mang; cũng giống như việc ban đầu cho trẻ trải qua chông gai rồi buông tay để trẻ có thể vững bước trên con đường bằng phẳng về sau.
 
Ví dụ thực tế
 
Đồng năm nay 11 tuổi, từ nhỏ cậu đã được cha mẹ hết sức nuông chiều, bao bọc, không bao giờ phải vào làm bất cứ việc gì. Nhiệm vụ của cậu chỉ có học và học. Vì vậy mà đến giờ, Đồng vẫn không biết làm gì, cho dù mẹ có luôn miệng nhắc nhở, cậu cũng không bao giờ động tay vào làm. Quần áo của Đồng hàng ngày đều do mẹ giặt.
 
Một hôm, cha mẹ Đồng phải tăng ca. Trước khi đi, mẹ đã chuẩn bị một ít đồ ăn, đồng thời dặn Đồng đến trưa hâm nóng lên rồi ăn. Điều này quả là khó khăn với Đồng, nhưng cậu chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Nửa ngày đã trôi qua, Đồng chuẩn bị đi hâm nóng đồ ăn mà mẹ đã chuẩn bị cho. Cậu chưa bao giờ nấu nướng, cứ nghĩ phải tự tay làm đồ ăn là cậu lại thấy sợi hãi. Vào bếp, Đồng mới phát hiện mình không biết bật bếp gas. Vật vã suốt cả tiếng đồng hồ, khó khăn lắm Đồng mới bật được bếp lên.
 
Sau một hồi luống cuống, cuối cùng Đồng cũng hâm nóng được thức ăn, cậu tiện tay tắt bếp gas đi, vui vẻ đi ăn cơm. Mới ăn được một nửa thì đột nhiên cậu phát hiện trong bếp có tiếng ào ào, vào xem mới hay vòi nước quên chưa khóa, cả căn bếp lênh láng trong nước. Đồng sợ quá khóc òa lên. Đúng lúc ấy thì có tiếng chuông cửa, Đồng vội ra mở cửa thì thấy mẹ về. Mẹ nhìn căn bếp đầy nước, vội bảo Đồng đi lấy giẻ lau nhà. Hai mẹ con hì hục mất nửa tiếng đồng hồ mới lau sạch được nước ở bếp. Sau chuyện lần này, cha mẹ không còn chiều chuộng Đồng nữa, thường ngày không có việc gì, mẹ thường bảo Đồng làm một số việc nhà đơn giản, đồng thời dạy cho cậu một số kiến thức cuộc sống đơn giản.
 
Ba tháng đã trôi qua, lần này cha mẹ Đồng lại phải tăng ca. Lúc cha mẹ hỏi Đồng có thể tự chăm sóc bản thân không, cậu cúi đầu không nói gì. Cha liền nói: “Con à, con cũng không còn nhỏ nữa, nên học cách tự chăm sóc bản thân. Cha mẹ không thể ở cạnh con cả đời, con phải học cách tự lo liệu việc của mình đi, con hiểu không?”.
 
“Nhưng mà… Nhưng mà… con hơi sợ!”, Đồng ấp úng.
 
“Có gì đáng sợ đâu, cha tin con có thể chăm sóc bản thân mình, thậm chí có thể làm rất tốt, con có tự tin thử một lần không?”, cha cao giọng nói.
 
“Dạ được ạ, nhưng cha mẹ phải hứa với con một chuyện, buổi tối phải gọi điện cho con đấy!”, Đồng ngẩng đầu nói.
 
“Chuyện này đương nhiên không thành vấn đề, vậy nhé!”.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Tục ngữ có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đối với trẻ, yêu thương quá đáng chính là hại trẻ. Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình khôn lớn thành người, nhưng cha mẹ lại không bao giờ muốn con phải chịu đựng quá nhiều gian khổ, vất vả. Cũng giống như bé Đồng trong câu chuyện trên, 11 tuổi mà vẫn dựa dẫm vào cha mẹ, vừa mới rời cha mẹ ra một chút đã suýt nữa gây ra “họa”. Kì thực, đây chính là kết quả của việc nuông chiều thái quá. Trong cuộc sống hiện nay, có không ít trường hợp như thế này.
 
Dưới đây là một vài lời khuyên cho cha mẹ:
 
Thứ nhất: bồi dưỡng ý thức lao động cho trẻ
 
Lao động là con đường ngắn nhất để bồi dưỡng tính tự lập và tính cạnh tranh cho con người. Nên để trẻ hiểu rằng, chỉ có lao động mới có thu hoạch; chỉ có nỗ lực mới có thành công. Thông qua lao động (ví dụ: trẻ 3 tuổi có thể tự đi giày, thắt dây giày, rửa mặt, rửa tay…), cộng thêm với sự giáo dục kịp thời sẽ khiến trẻ hình thành ý thức lao động ngay từ nhỏ.
 
Thứ hai: Xây dựng niềm tin tất thắng cho trẻ
 
Một đặc điểm lớn của những nhân tài sáng tạo là sự tự tin. Điểm mấu chốt bồi dưỡng nên ý thức cạnh tranh cho trẻ là ở việc đào tạo niềm tin tất thắng cho chúng. Trong lao động hàng ngày hoặc trong các trò chơi, nên để trẻ cảm nhận niềm vui của sự thành công. Đối với những nhược điểm của trẻ, cha mẹ không nên phê bình, càng không được cười nhạo, tuyệt đối không được để trẻ thất vọng về bản thân. Vì như thế, trẻ sẽ rất dễ dàng nảy sinh sự tự ti và tâm lí chống đối cha mẹ.
 
Thứ ba: Để trẻ tự quyết định
 
Tự quyết định là một phương diện quan trọng để đào tạo nên tính độc lập cho trẻ. Việc của trẻ nên để trẻ tự suy nghĩ, tự quyết định. Đặt đồ chơi ở đâu? Chơi với ai? Chơi cái gì? Những chuyện này là của trẻ, cha mẹ không cần phải can thiệp, nên để trẻ tự suy nghĩ, tìm cách và đưa ra quyết định. Cha mẹ có thể phân tích, hướng dẫn trẻ nhưng không được can thiệp, không nên làm thay hoặc quyết định thay.
 
Đổi cách nói 19 Con à, suy nghĩ của con tuyệt lắm, cha mẹ ủng hộ con!
 
Cha mẹ thường nói: con lại phá phách cái gì đấy? mau thu dọn đi!
 
Cha mẹ nên cho phép trẻ tự do tìm hiểu và nghiên cứu, nếu bạn thường xuyên nói “không” hoặc “không được động vào”, thì trẻ sẽ mất đi dũng khí và nhiệt tình tìm hiểu, thậm chí trẻ còn nghĩ tò mò là một điều không tốt. Trái lại, nếu thay đổi không khí gia đình, để trẻ tự do tìm hiểu, như vậy tinh thần sáng tạo của trẻ sẽ được phát huy tối đa.
 
Ví dụ thực tế
 
Dương năm nay 12 tuổi, là học sinh lớp sáu. Cậu bé không bao giờ chủ động trong học hành, luôn phải có sự giám sát, đốc thúc của người khác. Thường ngày chơi đùa cùng bạn bè, cậu cũng là người đi theo sau các bạn khác. Cô giáo nhận xét về Dương là: “Không có hứng thú với mọi người, mọi việc, khá lạnh lùng, lúc được hỏi thì không bao giờ trả lời…”. Vì điều này mà cha mẹ Dương cảm thấy rất lo lắng, không biết nên làm thế nào để thay đổi con.
 
Một hôm, mẹ Dương về nhà, mở cửa ra thì nghe thấy trong bếp có tiếng cốc vỡ. Mẹ vội vàng chạy vào bếp, nhìn thấy Dương đang cầm chổi, luống cuống thu dọn, trên nền nhà toàn là mảnh vỡ, nước lênh láng khắp sàn nhà, quả trứng gà vỡ tan nằm dưới đất. Nhìn đống hỗn độn, mẹ liền hỏi: “Con đang làm gì thế? Đói rồi à?”. Nhìn thấy mẹ vào, Dương rụt rè nói: “Không ạ, con sợ bị mẹ mắng nên mới cuống quá làm vỡ…”.
 
Mẹ tỉ mỉ hỏi han, Dương mới thú nhận rằng, cậu vừa đọc một quyển sách có viết: Đổ đầy cốc nước, cầm một quả trứng gà cho vào trong cốc, sau đó cho một chút muối ăn vào trong cốc nước, dùng đũa quấy lên, ban đầu quả trứng sẽ chìm xuống đáy, nhưng sau đó sẽ từ từ nổi lên. Vì tò mò muốn xem sách viết có đúng không nên Dương đã làm theo. Nghe con nói xong, mẹ Dương cười xòa: “Mẹ hiểu rồi, hóa ra con đang làm thí nghiệm ‘trứng gà nổi’ chứ gì? Suy nghĩ của con rất tuyệt, mẹ ủng hộ con! Giờ chúng ta làm lại một lần nữa nhé!”.
 
Nghe mẹ nói vậy, Dương vui lắm. Cùng với lượng muối cho vào tăng lên, quả trứng gà nổi dần lên mặt nước, Dương vui vẻ reo lên: “Nổi lên rồi, nổi lên rồi mẹ ơi!”. Mẹ liền giảng cho Dương nghe nguyên lí sau khi cho muối vào nước, sức nổi sẽ tăng lên. Mẹ còn nói, khi cho bất cứ chất gì hoa tan vào nước đều khiến cho sức nổi tăng lên. Kể từ đó về sau, hai mẹ con Dương thường xuyên tự tay làm những cuộc thí nghiệm nhỏ như thế.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Cha mẹ thường cho rằng nhiệm vụ của con cái chỉ là học tập. Điều tồi tệ là: bạn đang tưởng con mình là một cái thùng rỗng, cho cái gì thì đựng cái nấy, trẻ là một tờ giấy trắng, vẽ cái gì thì hiện cái nấy. Vì vậy mà cha mẹ đã quên mất rằng trẻ là một cá thể có cá tính, có tư duy, có chủ kiến.
 
Edison chưa từng học trường đại học nào. Hồi tiểu học, ông cũng chỉ được đi học trong ba tháng. Cô giáo của Edison cũng chính là mẹ của ông – Nancy. Nancy thấy Edison thực sự yêu thích vật lí, hóa học liền mua cho con một cuốn “Khoa học của Parker”, đó là cuốn sách nổi tiếng thời ấy, trong đó giảng giải rất nhiều về các thí nghiệm vật lí và hóa học, có lời tóm tắt ngắn gọn và hình ảnh minh họa tường tận. Edison càng đọc càng say sưa, tất cả những thí nghiệm có thể làm được, ông đều làm thử, làm cho đến khi thành công mới thôi.
 
Sự miệt mài, không quản ngại gian khổ của Edison đã giúp ông đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, phát minh ra đèn điện, phát minh ra máy quay đĩa, máy chiếu phim… hoàn thành hơn 1.300 phát minh nổi tiếng khắp thế giới, khiến mọi người phải nể phục.
 
Cha mẹ nên cổ vũ và khen ngợi những suy nghĩ có tính sáng tạo của trẻ, cố gắng để trẻ cảm nhận niềm vui của sự thành công, nâng cao sự tự tin. Sự khích lệ của cha mẹ không chỉ giúp bồi dưỡng tinh thần sáng tạo mà còn có thể rèn luyện khả năng thực hành, tôi luyện tính nhẫn nại và khả năng đối mặt với khó khăn cho trẻ.
 
Từ đó có thể thấy, bồi dưỡng tính sáng tạo cho trẻ là cực kì quan trọng, dưới đây là một vài lời khuyên dành cho cha mẹ.
 
Thứ nhất: bảo vệ và khơi gợi sự hiếu kì của trẻ
 
Hiếu kì là một trong những đặc điểm ở trẻ, là động lực để tìm hiểu kiến thức kì bí. Trẻ càng tò mò thì sức tưởng tượng càng phong phú, tính sáng tạo càng cao. Trẻ con hiếu kì với rất nhiều sự vật, sự việc, chuyện gì cũng muốn tìm hiểu cho ra ngọn ngành: Tại sao đèn pin lại phát sáng? Tại sao con người lại dự báo được thời tiết? Vì muốn tìm hiểu cho rõ nên có thể trẻ sẽ tháo tung cái đèn pin ra, cha mẹ tuyệt đối đừng trách mắng hay ngăn cấm trẻ. Thường ngày trẻ hay nghịch cái nọ, phá cái kia, thực chất chỉ là chúng đang tìm hiểu mà thôi. Tò mò là động lực của sự tìm hiểu, tính sáng tạo.
 
Thứ hai: Để trẻ có tư duy sáng tạo
 
Cha mẹ khi dạy bảo trẻ nên khơi gợi hứng thú học hỏi và tìm hiểu cho trẻ. Cha mẹ phải buông tay để trẻ có thể làm những việc trong khả năng của chúng, cho trẻ cảm nhận sự tự do. Cho dù trẻ có làm sai cũng không nên mắng mỏ, để trẻ không cảm thấy sợ hãi sự thất bại, dũng cảm tiến lên phía trước.
 
Thứ ba: Thường xuyên giao lưu với con
 
Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện hay rồi cùng trẻ thảo luận về những tình tiết thú vị trong truyện. Não bộ của trẻ như một cái máy thu âm, nếu bạn chú ý dạy trẻ ngôn ngữ và tư duy, để trẻ lắng nghe câu chuyện, thảo luận về các tình tiết truyện… thì khả năng phân tích, tư duy và biểu đạt của trẻ sẽ tiến bộ rất nhanh.
 
Đổi cách nói 20 Cha mẹ tin con có thể tự giải quyết vấn đề này!
 
Cha mẹ thường nói: Để mẹ giúp con!
 
Khi bạn nhìn thấy đứa con hai tuổi vụng về bón thìa cháo lên tận mũi, chắc chắn bạn sẽ không nén được lòng mình và liền chạy đến bón cho con ăn. Khi bạn nhìn thấy đứa con 4 tuổi hì hục toát mồ hôi hột mà không xếp xong tòa lâu đài bằng gỗ, bạn lại chạy đến giúp con… Khi bạn biết con mình bị đứa trẻ khác bắt nạt, bạn lại lập tức lao đến bảo vệ cho con… Nhưng bạn có biết không? Những hành động đó của bạn chính là đang cướp đi cơ hội để trẻ tự giải quyết vấn đề đấy! Cha mẹ nên để trẻ nhận thức được khả năng của mình, để chúng thấy được chúng có thể làm gì, chúng không cần giúp đỡ, có thể tự giải quyết vấn đề. Lúc đó bạn sẽ nhận ra rằng, con mình hoàn toàn có thể đối phó được với những vấn đề chúng gặp phải, chúng có thể tự giải quyết tốt vấn đề.
 
Ví dụ thực tế
 
Hân năm nay vào lớp một, ngày đầu tiên đi học con đã bị bạn đánh ba lần. Mẹ Hân cũng là giáo viên ở trường tiểu học ấy, mỗi lần bị đánh, Hân đều chạy vào văn phòng mẹ khóc lóc. Mẹ nhìn con gái khóc lóc, trong lòng không khỏi xót xa, nhưng vì muốn
 
con gái tự giải quyết vấn đề nên mẹ nói: “Mặc dù mẹ và con ở cùng một trường, nhưng mẹ không thể ra mặt giúp con được, bởi vì mẹ và con không thể nào ở mãi cùng một trường, con phải tự mình giải quyết vấn đề này, con có thể nói với cô giáo hoặc tránh xa bạn ấy ra, hoặc ngăn chặn bạn ấy… nói chung là con phải nghĩ cách để bạn ấy không đánh con nữa!”. Vài ngày sau đó, mẹ nhìn thấy trên áo Hân toàn là vết mực do bị bạn học vẩy vào, mẹ vẫn cố gắng không can thiệp. Một hôm, Hân không chịu được nữa, đã lấy hết dũng cảm mách với cô giáo. Lúc Hân vui vẻ kể cho mẹ nghe chuyện cô giáo đã cảnh cáo và phạt các bạn đó như thế nào, mẹ cảm thấy mừng thầm vì con mình đã tự giải quyết được vấn đề. Mẹ ôm Hân vào lòng: “Mẹ đã tin con nhất định sẽ giải quyết được vấn đề mà!”.
 
Kể từ đó về sau, Hân bắt đầu hình thành thói quen tự giải quyết vấn đề của mình.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình sẽ khiến trẻ trở nên tích cực hơn. Do vậy, cha mẹ không nên sốt sắng giúp đỡ con giải quyết mỗi khi xảy ra vấn đề gì đó. Cha mẹ nên cổ vũ trẻ, để trẻ hiểu rõ xảy ra vấn đề gì thì phải tự mình giải quyết. Như vậy, mỗi khi gặp phải chuyện tương tự sau này, trẻ sẽ không đến nhờ cha mẹ giúp đỡ nữa, ngược lại sẽ chủ động tìm cách giải quyết. Cứ như vậy, dần dần trẻ sẽ cảm thấy hứng thú với việc tự giải quyết vấn đề và kiên trì đến cùng.
 
Trong quá trình tự giải quyết vấn đề, có thể thúc đẩy sự phát triển khả năng ngôn ngữ, tư duy, vận động, quan hệ xã hội… cho trẻ. Bên cạnh đó, còn có thể tăng cường sự tự tin, thông qua sự rèn luyện và giao lưu để thúc đẩy sự phát triển về mặt xã hội ở trẻ. Sớm muộn gì trẻ cũng phải tự đối mặt với những vấn đề của bản thân, đối mặt với cuộc đời, nếu không có khả năng thích ứng cao, không biết tư duy, không có dũng khí làm… thì trẻ không thể tiến bộ và thành công, sẽ bị xã hội đào thải. Hơn nữa, có rất nhiều vấn đề mà cha mẹ không thể làm thay con cái được.
 
Do vậy, đề nghị tất cả bậc cha mẹ nên tin tưởng con cái, tin rằng chúng có thể tự tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình. Ai cũng có quyền được quyết định cuộc sống của mình, nếu cha mẹ thật sự lo lắng cho trẻ, nên để trẻ có khoảng không gian riêng của, không nên can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của chúng, để trẻ có thể tự suy nghĩ, hưởng thụ, xây dựng nên thế giới của mình. Những trẻ không có cơ hội tư duy và thực tiễn thì không bao giờ có thể trưởng thành.
 
Nếu cha mẹ muốn con có thể tự giải quyết vấn đề của mình cần chú ý đến các mặt sau:
 
Thứ nhất: Dạy cho trẻ ngôn ngữ để giải quyết vấn đề
 
Với trẻ từ 4 tuổi trở lên, có thể dạy chúng một số từ cơ bản như: Đúng/sai; và/ hoặc; có một chút/ toàn bộ; trước/ sau; hiện tại/sau này; giống nhau/ không giống nhau… những từ này sẽ có ích rất nhiều cho trẻ. Chẳng hạn, một bà mẹ nói chuyện với con gái như sau:
 
Mẹ: Con định tập đàn trước hay sau khi ăn cơm? Con gái: Trước khi ăn cơm ạ.
 
Mẹ: Ờ, thế thì tốt!
 
Từ “trước” và “sau” ở đây đã tạo ra hai sự lựa chọn cho trẻ, để trẻ tự suy nghĩ, tự lựa chọn, tự quyết định. Vận dụng những từ này càng nhiều thì khả năng xử lí tình huống của trẻ càng cao, kĩ năng giải quyết vấn đề càng nhanh nhạy.
 
Thứ hai: huấn luyện khả năng tư duy giải quyết vấn đề cho trẻ
 
Một bà mẹ đã hỏi con trai của mình rằng: Ném một quả trứng gà từ tầng ba xuống, làm thế nào để trứng không bị vỡ? Câu hỏi này không quá khó, cũng không có câu trả lời cụ thể. Mục đích của người mẹ khi đưa ra câu hỏi này là kích thích tư duy giải quyết vấn đề của trẻ. Mỗi người mẹ đều có thể mô phỏng cách này, thường xuyên đặt ra những câu hỏi như thế để khơi gợi suy nghĩ của trẻ. Ví dụ: Bạn Nam rất thích nhảy nhưng vì béo nên không được chọn, bạn ấy phải làm sao? Bạn Dương bị bạn khác bắt nạt nên sợ đi học, phải làm thế nào?… Cổ vũ trẻ đưa ra ý kiến của mình, cho dù ý kiến ấy có ngốc nghếch đến đâu, cha mẹ cũng không nên cười nhạo bé. Sau đó, cùng trẻ thảo luận về một số ý kiến. Có thể để trẻ cùng thảo luận với bạn bè, chọn ra một ý hay nhất cho mọi người. Nếu lặp đi lặp lại kiểu huấn luyện này, khi phải đối mặt với vấn đề, trẻ sẽ cố gắng để tìm ra cách giải quyết, từ đó sẽ trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn và có tính sáng tạo hơn.
 
Thứ ba: Tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện khả năng tự giải quyết vấn đề
 
Nâng cao khả năng tự giải quyết vấn đề cho trẻ không chỉ bằng lời nói. Một chuyên gia nghiên cứu tâm lí người Mỹ đã cho biết, trẻ có thể giải quyết vấn đề thành công hay không phụ thuộc phần nhiều vào kinh nghiệm mà chúng có chứ không phải sự thông minh của chúng. Cha mẹ có thể tạo ra những cơ hội cho trẻ phát huy sức sáng tạo của mình, bao gồm đặt ra những thử thách để trẻ có cơ hội rèn luyện thường xuyên hơn và thu được nhiều kinh nghiệm hơn. Ví dụ: Bảo trẻ tự đi ra quầy sách báo mua báo, xem trẻ thể hiện như thế nào; cố ý đến đón trẻ muộn một chút xem trẻ làm thế nào? Có một phụ huynh đã làm điều này rất tốt. Người cha này giao cho con trai việc “liên hệ” của gia đình: gọi điện cho cửa hàng gas, gọi điện cho cửa hàng ăn, liên hệ với bên chuyển phát nhanh, tìm người sửa đường cống… Bạn đừng coi thường việc gọi điện thoại liên hệ như thế này. Qua những việc như thế, trẻ không những rèn luyện được khả năng giao tiếp với mọi người mà còn tăng cường khả năng ứng phó với các tình huống phức tạp.
 
Đổi cách nói 21 Con à, nhất định phải kiên cường!
 
Cha mẹ thường nói: Con à, thế này vất vả lắm, con không chịu nổi đâu, chúng ta bỏ cuộc thôi!
 
Phần lớn những đứa trẻ tự ti thường hay cô lập, hướng nội, không hòa đồng với đám đông, ít chơi với các bạn xung quanh. Bởi vì thiếu đi sự giao lưu, nên tâm lí trẻ dễ phát triển theo hướng lệch lạc. Hãy để trẻ tiếp xúc nhiều với những người xung quanh, kết giao bạn bè, cảm nhận niềm vui, nỗi buồn của người khác… từ đó làm phong phú thêm kinh nghiệm sống của bản thân, tăng cường lòng dũng cảm, vượt ra khỏi vực sâu của sự tự ti… Thông qua giao lưu tăng cường tình bạn, tình cảm… bản thân trẻ sẽ trở nên cởi mở, tự tin hơn…
 
Ví dụ thực tế
 
Indira là mẹ của thủ tướng Rajiv, cũng là nữ thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Cha của Indira cũng từng là thủ tướng của Ấn Độ. Có thể bởi vì công việc của cha quá bận rộn nên tuổi thơ của Indira chỉ toàn là sự cô độc và bất an. Vì vậy, sau khi có con, bà đã quyết tâm sẽ dành đủ thời gian để ở bên cạnh, chăm sóc và yêu thương con.
 
Sau khi Indira trở thành thủ tướng, dù bận đến đâu, bà vẫn bớt chút thời gian chơi đùa cùng hai con trai. Rajiv lúc nhỏ tính tình hướng nội, ít nói, rất rụt rè. Lúc Rajiv được ba tuổi, cả nhà Indira chuyển sang nơi ở mới. Điều này đáng ra phải vui mừng, nhưng Rajiv lại cảm thấy không thể thích nghi đươc với nơi ở mới, cậu khóc lóc ầm ĩ, tỏ ý muốn chống lại môi trường xa lạ này. Indira dẫn Rajiv ra một bể phun nước ở vườn hoa, dùng mọi sự vật ở trong vườn hoa để thu hút sự chú ý của cậu bé, giúp cậu quên đi những bực dọc và dần thích nghi với nơi ở mới.
 
Rajiv lớn dần, Indira luôn hi vọng con trai có thể kiên cường, và bà cũng luôn giáo dục con mình như vậy. Năm Rajiv được 12 tuổi, cậu bé bị ốm nên cần phải phẫu thuật. Bác sĩ của Rajive lo cậu bé sẽ cảm thấy sợ hãi, nên đã giả vờ an ủi cậu rằng cuộc phẫu thuật rất đơn giản, không hề đau đớn. Indira lại cho rằng Rajiv đã 12 tuổi rồi, đã hiểu chuyện, bà nói thẳng với con trai: “Con à, con sẽ trải qua một cuộc phẫu thuật hết sức đau đớn, nỗi đau sẽ kéo dài trong vài ngày sau phẫu thuật, cũng không ai có thể đau đớn thay con, con phải chuẩn bị sẵn sàng về tâm lí, phải kiên cường đối mặt. Là một người đàn ông, khi đối mặt với khó khăn và đau khổ, không nên khóc lóc hay than vãn, vì điều đó không có lợi cho bản thân, thậm chí còn khiến con càng đau khổ hơn. Con có muốn chấp nhận cuộc phẫu thuật để hồi phục sức khỏe như ban đầu không?”.
 
Rajiv nghe mẹ nói vậy liền gật đầu, dũng cảm vượt qua cuộc phẫu thuật này, không hề khóc, cũng không hề than thở, kiên cường chấp nhận mọi nỗi đau đớn.
 
Chính vì chuyện nhỏ này mà Rajiv đã hiểu ra, đối với bất cứ nỗi đau nào, dũng cảm chịu đựng là phương pháp duy nhất, khóc lóc hay oán thán không thể làm giảm bớt nỗi đau. Cậu dần trở nên kiên cường. Sau khi Indira bị mưu sát, Rakjiv đã phải chịu đựng nỗi đau vô cùng to lớn về tinh thần, nhưng vẫn cố gắng vượt qua, dũng cảm đứng ra, lấy lợi ích của quốc gia làm trọng, quyết đoán dập tắt cuộc phản loạn, ổn định tình hình trong nước, giành được sự tin tưởng của nhân dân. Ngày 31 tháng 12 năm 1984, Rajiv đã trở thành thủ tướng của Ấn Độ.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Rất nhiều phụ huynh cho rằng, mọi lỗi lầm của trẻ con đều có thể tha thứ, thế nên luôn thuận theo ý muốn của trẻ, bỏ qua những khuyết điểm của chúng, thay trẻ làm hết mọi việc… Thực ra, sự bảo vệ quá mức này khiến trẻ nảy sinh tâm lí dựa dẫm thái quá.
 
Là bậc cha mẹ mẫu mực nên bảo vệ và quan tâm con cái nhưng tuyệt đối không được nuông chiều và dung túng trẻ, không được để trẻ nảy sinh cảm giác phụ thuộc. Những đứa trẻ quá phụ thuộc vào cha mẹ thường không có tính kiên cường; sau khi trưởng thành, bước vào xã hội thường dễ dàng gục ngã trước những khó khăn hay trắc trở trước mắt. Vì vậy, cha mẹ cần ý thức được rằng, ý chí kiên cường vô cùng quan trọng với sự trưởng thành của trẻ.
 
Để bồi dưỡng ý chí kiên cường cho trẻ, cha mẹ cần chú ý những điểm sau:
 
Thứ nhất: Tạo cho trẻ nhiều cơ hội thử nghiệm
 
Cha mẹ cần cố gắng hết sức để trẻ có cơ hội hoạt động độc lập, khi trẻ gặp phải khó khăn, trở ngại, thử để trẻ tự giải quyết.
 
Khi trẻ đạt được mục tiêu, trẻ sẽ cảm thấy hài lòng với những gì mình khó khăn mới đạt được, vì điều này mà cảm thấy hãnh diện, từ đó tăng cường dũng cảm đối mặt với khó khăn và có quyết tâm không bỏ cuộc khi chưa đạt được mục tiêu.
 
Thứ hai: Để trẻ tiếp xúc với bạn bè, rèn luyện bản thân
 
Các nhà tâm lí đã chỉ ra rằng, tính cách của trẻ được biểu hiện rất rõ ràng trong trò chơi và cuộc sống hàng ngày, đây cũng là con đường ngắn nhất để uốn nắn tính cách cho trẻ. Bắt chước là một đặc điểm nổi bật của trẻ con, cha mẹ nên để những đứa trẻ nhút nhát chơi với những đứa trẻ mạnh dạn, để trẻ chơi những trò chơi mà bình thường trẻ không dám chơi.
 
Thứ ba: Tôn trọng con, không bóc mẽ con trước mặt nhiều người
 
Thông thường, những đứa trẻ yếu đuối luôn có tính cách hướng nội, tình cảm tương đối bi lụy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý bảo vệ sự tự tôn của trẻ, nếu cố tình bóc mẽ trẻ trước mặt đám đông vô tình đã đánh vào điểm yếu và làm trẻ bị tổn thương.
 
Thứ tư: Để trẻ mạnh dạn nói rằng: “Phải làm được việc này”
 
Trước tiên, cha mẹ không nên đánh mắng, ép trẻ phải nói. Thứ hai, có thể rủ một số trẻ cùng lứa tuổi với con mình để tiến hành trò chơi. Lúc này, cha mẹ có thể đứng ở ngoài hướng dẫn hoặc tránh đi nơi khác, để trẻ có không gian tự do phát huy khả năng. Nếu điều kiện cho phép, cha mẹ có thể thường xuyên dẫn bé đi dã ngoại, cổ vũ trẻ thoải mái hoạt động.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.