Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận

Chương 8: Tìm hiểu người khác trong một phút



PHẦN 2: LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC GHI NHẬN

Bài 1: Làm người có lòng, học cách thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt

Trong phim trinh thám thường xuất hiện cảnh tượng như sau: Khi người thân của người bị hại đang đau thương buồn khổ, khóe miệng vô tình hé nụ cười. Nụ cười đó bị thám tử phát hiện, từ đó nảy sinh nghi ngờ. Biểu cảm khuôn mặt thể hiện hoạt động nội tâm của con người, nó sẽ khiến kẻ gian vô tình để lộ bí mật trong lòng. Thám tử không phải là nhà ảo thuật, họ chỉ là những người tinh tế và giỏi quan sát trong cuộc sống. Ví dụ dưới đây nói với chúng ta rằng, thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong khi làm việc.

Anh Tú đến ứng tuyển một doanh nghiệp. Trong quá trình phỏng vấn, anh ta phát hiện quản lý nhân sự của doanh nghiệp này không ngừng xoay chiếc bút trên tay, đồng thời cứ nói được vài câu là lại uống một ngụm trà, bộ complet cũng mở phanh ra, không đóng khuy. Qua đó Anh Tú phán đoán, tính cách của quản lý nhân sự này khá cởi mở, làm việc chắc cũng khá tùy ý. Người như thế này sẽ không thích những người giới thiệu bản thân một cách cứng nhắc và tự tin thái quá.

Thế là Anh Tú quyết định dùng phương thức mở để giới thiệu bản thân chứ không đọc theo sơ yếu lý lịch. Lúc ra khỏi phòng, Anh Tú còn ca tụng người quản lý ấy: “Tài quay bút của anh thật cao siêu!” Cuối cùng Anh Tú là người đầu tiên được tuyển dụng vì sự xuất sắc trong cách thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt.

Nhà tâm lý xã hội học nghiên cứu cho thấy: Khi con người giao lưu với nhau, 7% hiệu quả phụ thuộc vào nội dung nói chuyện, 38% phụ thuộc vào giọng nói, còn 55% phụ thuộc vào ngôn ngữ cơ thể. Có thể thấy, khi thử tìm hiểu ý đồ và tâm lý của đối phương, không chỉ cần nghe xem anh ta nói gì mà quan trọng hơn là nghe anh ta nói thế nào. Có thể thấy trong giao tiếp, biết cách “thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt” là một kỹ năng vô cùng quan trọng.

Thiết nghĩ, nếu bạn nói chuyện với đối phương bịt kín mặt thì sẽ thế nào. Nhất định bạn sẽ cảm thấy căng thẳng, thậm chí có cảm giác sợ hãi, bởi vì bạn hoàn toàn không thể biết được biểu cảm khuôn mặt của đối phương, những lời truyền đến tai bạn dường như là thanh sắt không có hơi ấm, khiến bạn không biết đó là thật lòng hay giả tạo.

Có nhà tâm lý học đã từng miêu tả thú vị như sau: Nếu mắt của khách hàng nhìn xuống dưới, đồng thời mặt quay sang trái thì chứng tỏ bạn bị từ chối; nếu miệng anh ta thả lỏng, không có nụ cười lịch sự cứng nhắc, hàm hướng lên trên, chứng tỏ anh ta đang suy nghĩ đề nghị của bạn; nếu anh ta chú ý vào mắt của bạn, khóe miệng nở nụ cười thoải mái, thậm chí lan tới mũi thì chứng tỏ anh ta rất hứng thú với lời nói của bạn, cuộc trao đổi này rất có hy vọng.

Trong tâm lý học, nguyên tắc Mehrabian là chỉ việc một người luôn cố gắng để lại ấn tượng tốt với người khác. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung nói chuyện, động tác cơ thể và những tư thế, ngữ khí của đối phương khi nói chuyện. Khi chúng ta trò chuyện với người khác, có thể thông qua nguyên tắc Mehrabian để tiến hành thăm dò ý tứ qua lời nói, sắc mặt.

Khi bạn đối diện với khách hàng, nếu ánh mắt của anh ta không thay đổi, đồng thời không chú tâm thì chứng tỏ anh ta không hứng thú lắm với cách chào hàng của bạn, bạn nên thử chuyển sang chủ đề mới mẻ. Khi bạn muốn nhờ người khác làm việc, anh ta bảo được nhưng khuôn mặt lộ vẻ khó coi, thì bạn nên biết rằng chuyện này khó với anh ta, có thể thử nhờ người khác, đồng thời cảm ơn ý tốt của anh ta, nhất định anh ta sẽ thở phào và cảm kích sự thông cảm của bạn.

Thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt cũng phát huy tác dụng rất quan trọng trong công việc. Có nhà tâm lý xã hội học đã nói: “Thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt là một trong những khả năng EQ (EQ: chỉ số cảm xúc) quan trọng nhất.” Khi bạn đối diện với lãnh đạo, lãnh đạo bảo bạn nói tiếp nhưng lông mày lại nhíu lại, chứng tỏ lãnh đạo đã không còn nhiều hứng thú với chủ đề nói chuyện của bạn, bạn nên dừng lại đúng lúc; còn nếu anh ta bảo bạn nói nhiều nhưng khóe miệng lại nở nụ cười thì chứng tỏ trong lòng anh ta nghĩ rằng bạn đã nói ra tiếng lòng của anh ta, tâm trạng lo lắng của bạn có thể được thả lỏng.

Trong cuộc sống, chúng ta nhìn thấy các anh chàng tỏ tình với các bạn gái đều căng thẳng cúi đầu nhưng lại không kìm được hồi hộp lén nhìn sắc mặt của cô gái; khi chúng ta chọc giận bạn bè, chúng ta thường nói rất nhiều chuyện cười dỗ dành đối phương, nhưng đối phương lạnh mặt nói “không sao”, thực tế như vậy là có “vấn đề”. Biểu cảm khuôn mặt giống như đám mây trên trời, có thể dự báo được “tâm trạng”.

Tóm lại, biết cách “thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt” là một phép lịch sự, là một sự tôn trọng đối với người khác, càng là cơ hội cho bản thân.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Trong cuộc sống, người biết thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt, biết nhìn gió mà giương buồm sẽ luôn được mọi người yêu mến, vậy chúng ta phải làm thế nào để khiến người khác yêu quý bản thân mình?

(1) Quan sát và thỏa mãn nhu cầu của đối phương

Trong cuộc sống hàng ngày, tốt nhất chúng ta cần chú ý một chút, biết nghĩ cho đối phương một chút. Chúng ta cần nhạy cảm ngay cả với chi tiết nhỏ, nhìn rõ nhu cầu của đối phương, đồng thời thỏa mãn nhu cầu này của đối phương.

(2) Nghe chủ đề nói chuyện mà đối phương đề cập

Qua chủ đề mà đối phương nói chúng ta có thể nhìn ra con người họ như thế nào. Con người trong lúc nói chuyện rất dễ vô tình thể hiện cảm xúc thật của mình, như thế, chúng ta có thể căn cứ vào đó để nhanh chóng nhìn thấu tính cách, khí chất, suy nghĩ của đối phương.

Bài 2: Thông qua trò chuyện đơn giản, nhìn thấu tâm lý đối phương

Anh Vương đi trên quảng trường ở ga tàu, đột nhiên nhìn thấy một ví tiền, vừa cúi người nhặt lên thì có một người đi đến trước mặt và nói: “Người anh em, phát tài rồi, chia đôi nhé!” Anh Vương bất giác nghĩ, có thể đây chính là một kẻ lừa đảo chính hãng. Anh đang định mở ví ra xem tiền trong đó là thật hay giả thì người kia lại nói: “Cẩn thận, đừng xem ở đây!” Anh Vương lại càng tin vào phán đoán của mình, anh nói: “Chia cái gì? Đi tìm cảnh sát, nộp cho họ.” Anh Vương nhìn chằm chằm vào người kia, xem phản ứng của hắn. Ánh mắt người đó láo liên, hắn lại nói: “Không biết chừng bên trong có tiền thật, chẳng phải là cho không cảnh sát sao.” Anh Vương nói: “Thế thì cho cảnh sát thôi.” Người kia tiếp tục nói: “Dù sao thì cũng có một nửa của tôi, anh không thể sở hữu một mình được. Bây giờ đông người, cũng không tiện xem có bao nhiêu, anh cho tôi một chút là được.” Anh Vương thấy người đó nói như vậy, không suy nghĩ lâu liền lập tức ném ví tiền vừa nhặt được cho đối phương rồi quay người bỏ đi.

Trong cuộc sống, có rất nhiều hiện tượng tương tự. Kẻ lừa đảo thường nghĩ mọi cách để lừa tiền trong túi của bạn. Sự cảnh giác của anh Vương khiến anh bước qua được cái bẫy này. Xét từ lời nói của đối phương, anh Vương đoán ngay được đối phương đang chờ lấy tiền trong ví của mình, cộng thêm với ánh mắt láo liên của anh ta, anh Vương đã xác định được thân phận của đối phương, vậy là nhanh trí thoát ra khỏi cái bẫy đó.

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp chủ yếu nhất trong cuộc sống, thông qua ngôn ngữ có thể phản ánh được suy nghĩ nội tâm chân thực, đạo đức, văn hóa, tu dưỡng, thân phận của một người…

Albert Mehrabian – nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ chỉ ra rằng, trong giao tiếp, con người truyền đạt một thông tin hoàn chỉnh cho đối phương thì 55% dựa vào biểu cảm khuôn mặt, 38% dựa vào biểu cảm của giọng nói, chỉ có 7% dựa vào câu chữ. Kết luận thí nghiệm của Mehrabian chứng minh, lời nói cử chỉ của con người có thể phản ánh tính cách, khí chất và trạng thái tâm lý của một người trong việc truyền đạt thông tin.

Chúng ta đi trên đường, một người đi tới, tươi cười nói với chúng ta: “Thưa anh, xin lỗi làm phiền một chút.” Ngữ khí chân thành, cung kính, cử chỉ lễ phép, thoạt nhìn giống như người đã được đào tạo chuyên nghiệp hoặc là thói quen đã được hình thành lâu dài. Chúng ta có thể bước đầu xác định, tám mươi phần trăm người này đang muốn giới thiệu sản phẩm với chúng ta. Nếu chúng ta dừng chân nghe đối phương nói, đối phương sẽ thao thao bất tuyệt nói sản phẩm của họ tốt thế nào. Cho dù trò chuyện rất ngắn, thậm chí mười mấy giây, chúng ta cũng có thể biết được dụng ý của họ.

Tiếp xúc với một người, chúng ta có thể thấy từng lời nói, từng hành vi, thậm chí cả thần thái của họ đều có thể bộc lộ được suy nghĩ chân thực bên trong, đặc biệt là người đã làm một nghề gì đó trong thời gian dài. Chúng ta có thể phán đoán nghề nghiệp của một người qua dáng đứng, thần thái, cử chỉ của họ; chúng ta cũng có thể nhận ra địa vị xã hội hoặc môi trường mà một người nào đó thể hiện qua cử chỉ thận trọng, lời nói đúng mực, thần thái cao quý.

Ví dụ, có người khi trò chuyện với người khác thích xưng hô là “tôi”, đặc biệt là lần đầu nói chuyện, luôn dùng ngữ khí như vậy: “Tôi nói…”, “Tôi cho rằng…” Những người này mở miệng là nhấn mạnh bản thân, thì có thể thấy họ là người rất tự tin, tham vọng cũng khá lớn.

Trên tivi hay trên báo, một số nhân vật lớn khi nói chuyện, trong mỗi câu họ đều dùng rất nhiều từ “tôi”. Khi chúng ta giao lưu với người khác, có thể thông qua việc quan sát người nói sử dụng đại từ nhân xưng để phát hiện ra cá tính thật sự của họ.

Có người khi trò chuyện với người khác, thường dùng “chúng ta…” “chúng tôi…” Qua ngữ khí ôn hòa và cách xưng hô, chúng ta có thể hiểu đối phương đang có ý rút ngắn khoảng cách giữa hai bên.

Khi chúng ta trò chuyện với lãnh đạo doanh nghiệp hoặc một số quan chức, đối phương nói thao thao bất tuyệt, qua đó, chúng ta có thể phán đoán được trạng thái tâm lý lo lắng của họ. Có người khi giao lưu với người khác, mở miệng ra là nói hàng tá những từ ngữ khó hiểu hoặc tiếng nước ngoài, chúng ta có thể phán đoán đối phương đang dùng ngôn ngữ che đậy nhược điểm của mình. Sở dĩ anh ta nói như vậy, mục đích chính là để tăng cường sức mạnh của lời nói, đồng thời để thể hiện bản thân hiểu biết rộng, cố tình nâng cao thân phận của mình, mở rộng tầm ảnh hưởng của bản thân.

Ngoài nội dung nói chuyện có thể nhìn ra suy nghĩ bên trong của một người, chúng ta còn có thể thông qua tốc độ và ngữ khí khi nói chuyện của đối phương để phán đoán suy nghĩ bên trong của họ. Một người bình thường im lặng ít nói, đột nhiên trở nên giỏi ăn nói, vậy thì nhất định trong lòng anh ta có bí mật gì đó, anh ta đang cố gắng giấu giếm điều gì đó. Người tự tin khi nói chuyện thường dùng khẳng định, còn người thiếu tự tin hoặc tính cách mềm yếu, khi nói tiết tấu khá chậm, uể oải, giọng thấp. Có người  nói chuyện thích dùng ngữ khí, từ ngữ không xác định, điều đó có thể chứng tỏ anh ta sợ gánh trách nhiệm. Họ thường dùng những câu như “đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi”, “xét về một mặt nào đó”, “đại khái là như vậy…”…

Chúng ta có thể thông qua âm điệu của đối phương để hiểu được suy nghĩ bên trong của họ. Chopin đã từng nói: “Khi một người muốn phản bác ý kiến của đối phương, phương pháp đơn giản nhất chính là cất cao giọng – nâng cao âm điệu.” Thực tế cũng như vậy, rất nhiều người dựa vào việc điều chỉnh cao độ của giọng nói để khoa trương thanh thế, muốn áp đảo đối phương.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể thông qua cách nói chuyện, câu cửa miệng, tiết tấu nói chuyện để nhìn thấu tâm lý của người khác.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Con người giao tiếp với nhau cần ngôn ngữ, ngôn ngữ nói chính là “cây bút” để vẽ chân dung cho bản thân. Ngôn ngữ có thể biểu thị nghề nghiệp, thân phận, mức độ hiểu biết của một người, vì thế, thông qua giao tiếp đơn giản, chúng ta có thể hiểu được tâm lý của người khác.

Vậy thì, khi giao tiếp với người khác, chúng ta phải dựa vào lời nói giữa hai bên như thế nào để tìm hiểu tâm lý của họ? Có thể suy nghĩ từ mấy điểm dưới đây:

1) Trong cách nói thường chú trọng bản thân, gia đình, công việc, kiểu người này có ý thức cái tôi khá lớn.

2) Thích bàn luận thông tin, tin đồn của người khác, kiểu người này có cảm giác cô độc trong lòng.

3) Thích nghe ngóng về người khác, đa phần do họ muốn nắm được thật nhiều khuyết điểm của đối phương để tiện khống chế đối phương.

4) Không ngừng khiển trách sai lầm của người khác, thể hiện rằng trong lòng họ thường có những ý tưởng hơn người nhưng lại thiếu thực tế.

5) Khi đang nói, bàn luận thì thường không thích người khác nói xen vào, kiểu người này không muốn ở dưới người khác.

6) Khi một người tránh né một chủ đề nào đó một cách cực đoan thì chứng tỏ người đó có cảm hứng sâu sắc với chủ đề này.

Bài 3: Cần đề phòng “mũi tên” phía sau nụ cười

Cổ nhân có câu: “Không được có ý nghĩ hại người nhưng không thể không đề phòng người khác.” Phía sau nụ cười chưa chắc là thiện ý, người mở miệng ra nói là “bạn bè” thì chưa chắc đã là bạn bè thật sự. Bởi vậy, chúng ta cần thận trọng khi kết bạn, không được nhìn hiện tượng bên ngoài, mà phải nhìn nhận từ bên trong. Nếu không, rất có thể chúng ta sẽ bị kẻ “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm” làm hại, Thanh Hằng đã gặp cảnh ngộ như vậy.

Gần đây, tâm trạng của Thanh Hằng rất tệ, cô không thể ngờ rằng Thu An – người chị em tốt của mình lại đối xử với mình như vậy.

Lúc Thu An mới đến công ty, Thanh Hằng đã làm việc ở đây hai năm, đảm nhiệm chức vụ quản lý bộ phận. Bản thân Thanh Hằng là người nhiệt tình tốt bụng, với người mới là Thu An, cô luôn hướng dẫn và giúp đỡ rất nhiều, nhanh chóng giúp Thu An làm quen với công việc ở công ty. Thu An cũng vô cùng cảm kích, luôn gọi Thanh Hằng là “chị”. Mặc dù gọi như vậy nhưng thực chất hai người chỉ cách nhau một tuổi, cả hai đều có cảm giác rất hợp nhau. Nhiều lúc hai chị em đi chơi vui vẻ, Thu An thường ngạc nhiên thốt lên: “Oa! Chúng ta có thật nhiều điểm giống nhau!”

Tình bạn của hai người trong mắt mọi người chẳng khác nào như hai chị em ruột. Hai người cùng dạo phố, cùng ăn cơm, không có chuyện gì là không nói với nhau. Thu An kể cho Thanh Hằng nghe những bí mật nhỏ trong cuộc sống, điều đó càng khiến Thanh Hằng cảm thấy mình được tin tưởng. Khi hai người nói chuyện, Thu An cũng làm như vô tình hữu ý hỏi Thanh Hằng về một vài bí mật trong công việc. Thanh Hằng cũng không đề phòng, chỉ coi như là Thu An muốn học hỏi nên nói hết với cô ta những gì mình biết.

Một năm sau, một nghiệp vụ của công ty bị công ty đối tác lấy mất. Trong công ty có thông tin nói rằng việc tiết lộ cơ mật với đối thủ cạnh tranh lần này là do người thuộc bộ phận mà Thanh Hằng quản lý phụ trách. Giám đốc tức giận tìm Thanh Hằng khiển trách, cô cảm thấy rất oan uổng. Về nhà cô nhớ kỹ lại, những bí mật này cô chỉ nói với một mình Thu An, vì thế cô tìm Thu An định hỏi cho rõ ràng. Nào ngờ Thu An đã nộp đơn xin thôi việc, đến làm cho công ty đối tác. Thì ra cô ta chính là gián điệp mà đối phương phái tới. Tổn thất của công ty rất lớn, Thanh Hằng cũng không còn mặt mũi nào tiếp tục ở lại công ty, nên đành chủ động nộp đơn thôi việc.

Chuyện này là cú sốc rất lớn tới Thanh Hằng, chủ yếu là tổn thương về mặt tình cảm. Cô cảm thấy tình bạn mà mình thật lòng vun đắp bị người khác coi là công cụ lợi dụng. Thu An không phải là “bạn tri kỷ” của Thanh Hằng, chỉ là Thanh Hằng đã xử trí theo cảm tính, lẫn lộn quan hệ bạn bè và đồng nghiệp, nên mới trúng bẫy của người khác. Đáng lẽ ngay từ khi Thu An lừa cô để lấy “thông tin mật”, cô đã phải đề cao cảnh giác mới phải.

“Hiệu ứng định hình” (Stereotype effect) nghĩa là: Khi chúng ta nhìn thấy một người, chúng ta thường căn cứ vào vẻ ngoài và đặc điểm hành vi của đối phương để phán đoán họ, đồng thời dùng trực giác của mình đánh giá người đó, phán đoán như vậy rất dễ không chính xác.

Một số người trẻ tuổi mới đi làm, thường dựa vào nguyên tắc kết bạn thật lòng để đối nhân xử thế, quá ngây thơ, không có tâm lý cảnh giác, đặc biệt là trước “sự tấn công của tình bạn”, sẵn sàng cởi hết gan ruột để tâm sự với đối phương. Người này một khi bị bạn bè phản bội tâm hồn sẽ thấy đau đớn, chẳng khác nào như bị hàng vạn mũi tên xuyên vào tim, nhớ lại sự ngây thơ tốt bụng trước đó, cảm thấy nuối tiếc và ân hận.

Duy Nghĩa là nhân viên mới trong phòng, do vừa đến công ty, muốn để lại ấn tượng tốt nên cố gắng thỏa mãn yêu cầu của mọi người. Cậu làm chân lon ton, sai vặt, nào là phô tô, dọn dẹp bàn ghế…Nói chung là ai nhờ gì cậu làm nấy. Các nhân viên cũ cũng coi việc này là bình thường và rất hay làm phiền cậu, những việc làm lặt vặt trước kia giờ đều “chuyển giao” cho cậu. Duy Nghĩa cũng không thấy vất vả, nếu nhân tiện có ai dạy cậu chút kinh nghiệm, kỹ thuật thì cậu lại càng thấy phấn khởi.

Có một hôm, Duy Nghĩa là người về muộn nhất. Đúng lúc Duy Nghĩa vô cùng mệt mỏi thì Mạnh Thắng bước tới, thân thiết nói: “Duy Nghĩa, cậu vất vả quá, sao vẫn chưa làm xong?”

Duy Nghĩa gượng cười nói: “Chẳng có cách nào, em dốt, lại không có kinh nghiệm, rất nhiều việc về mặt kỹ thuật vẫn chưa hiểu lắm.”

Mạnh Thắng nhiệt tình hướng dẫn cho Duy Nghĩa, Duy Nghĩa vui vẻ giải quyết xong vấn đề và cảm động coi Mạnh Thắng làm “sư phụ”. Mạnh Thắng cũng tươi cười nhận “đồ đệ” này, đồng thời trong khoảng thời gian sau đó, Mạnh Thắng thường xuyên hướng dẫn Duy Nghĩa những vấn đề về kỹ thuật. Duy Nghĩa vô cùng cảm động, luôn nghĩ phải làm điều gì đó để báo đáp lại “sư phụ” của mình.

Không lâu sau, Duy Nghĩa đã có cơ hội báo đáp. Một hôm, Mạnh Thắng đột nhiên than phiền nói nhà mình gặp khó khăn về kinh tế, sau đó do dự muốn nhờ Duy Nghĩa giúp chút việc. Thì ra, Mạnh Thắng muốn Duy Nghĩa ký thay một bản hợp đồng, nói là một khách hàng vốn đã từ chối mình lại đồng ý, nay thấy ngại, bây giờ kinh tế trong nhà lại khó khăn, đành phải nhờ Duy Nghĩa ra mặt giúp.

Duy Nghĩa cũng không nghĩ nhiều, nhận lời không chút nề hà. Kết quả, bản hợp đồng này bị công ty biết được, thì ra “khách hàng” ở đây chính là người của công ty cạnh tranh, họ cho Mạnh Thắng một khoản tiền, bảo anh ta làm việc riêng. Mạnh Thắng sợ bị phát hiện, liền tìm Duy Nghĩa để làm con tốt thí mạng. Kết quả, khi Duy Nghĩa bị công ty đuổi việc, Mạnh Thắng tỏ vẻ lạnh lùng không liên quan, điều đó khiến Duy Nghĩa vô cùng chua xót, liền vạch tội Mạnh Thắng. Nào ngờ Mạnh Thắng tỏ ra vô tội, một mực phủ nhận, Duy Nghĩa cũng không có chứng cứ, đành tức giận bỏ đi.

Trong công việc, những người như Duy Nghĩa rất dễ bị lợi dụng, những người lợi dụng đó bỏ ra một chút ân huệ nhỏ, sau đó khi có cơ hội là tận dụng triệt để, hành vi này quả thực rất vô liêm sỉ. Có điều, nếu việc gì chúng ta cũng cẩn thận, nhìn người nhìn việc một cách kỹ càng, thấu đáo, hoặc đặt ra một vài câu hỏi: “Vì sao đột nhiên anh ta lại đối xử tốt với mình như vậy? Liệu có phải sau khi ban ân huệ, anh ta sẽ nhanh chóng yêu cầu báo đáp không, sự báo đáp mang tính chất gì, liệu có ảnh hưởng tới lợi ích của mình không?” Như thế sẽ không gặp phải những sai lầm đáng tiếc xảy ra.

“Mặt người dạ thú” là đáng sợ nhất, bạn bị ăn thịt rồi mới biết thế nào là đau. Đối phó với loại người hai mặt, bắn tên sau lưng, mưu đồ bất chính này, chúng ta nhất định phải chú ý: Công tư phải phân minh, không được cái gì cũng tiết lộ với đối phương; khi đối phương nhiệt tình một cách vô cớ hoặc thái quá, bản thân phải giữ bình tĩnh; trong trường hợp chưa hoàn toàn hiểu hết phẩm chất của đối phương, chúng ta nhất định không được đồng ý yêu cầu của họ, bởi đó rất có thể là cái bẫy.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Không thể không đề phòng người khác. Khi giao lưu với người khác chúng ta phải chú ý chừng mực, không được thân mật quá mức, tiết lộ chuyện riêng tư, đề phòng kẻ khác hãm hại. Vậy, chúng ta nên làm thế nào?

(1) Tùy cơ ứng biến, nhanh chóng biến vấn đề thành vô hình

Khi chúng ta gặp phải mũi tên của kẻ “mặt người dạ thú” thì không được hành động một cách cứng nhắc mà phải tùy cơ ứng biến, nhanh chóng làm cho vấn đề biến mất.

(2) Luyện thuật phòng thân

Chúng ta phải học cách bảo vệ bản thân, phát hiện sớm, phòng ngừa sớm.

Bài 4: Làm thế nào để nghe lời nói, hiểu ý nghĩa

Con người khi mới giao tiếp với nhau, thường chú trọng đến sự khách khí. Người ta bó buộc ý đồ chân thực của bản thân lại, dựa vào bản thân để tự làm rõ ý tứ. Nhà tâm lý học nói, con người nói chuyện không nói thẳng, thông thường chỉ để biểu thị khách khí và lễ phép, bởi nói quá thật sẽ khiến cả hai mất hòa khí, trở nên khó xử.

Trong cuộc sống, người có quan hệ xã giao tốt đều là người biết nắm bắt “ý tứ bên ngoài lời nói”. Họ có thể hiểu chính xác ý tứ, khéo nắm bắt được tâm tư của đối phương, khiến đối phương cảm thấy vô cùng ân cần, chu đáo và muốn giao lưu với họ. Những người không hiểu “ý ngầm” của người khác, thường sẽ bị người khác nói: “Tôi đã ngầm nói rõ ràng như vậy rồi mà anh ta còn không hiểu, đúng là đồ ngốc!”

“Hiệu ứng thấu xạ” chỉ việc chúng ta thường xuyên căn cứ vào lời nói hành vi và tâm lý của mình để suy đoán người khác, cho rằng bản thân như vậy thì chắc chắn đối phương cũng có đặc tính hoặc ý tứ tương tự như vậy, thế là thấu xạ tình cảm, ý chí, đặc tính của bản thân với người khác.

Khi đang nói chuyện, nếu đối phương nói “mình thấy hơi mệt rồi”, thì bạn cần xem lại xem có chủ đề nói chuyện nào đó của mình quá tẻ nhạt hay không, sau đó nên kịp thời dừng lại; khi đến nhà người khác chơi, nếu chủ nhà nói “Bạn về nhà muộn thế này, người nhà có lo lắng không” thì bạn nên biết rằng ý của người ta là muốn nghỉ ngơi, đã đến lúc bạn cần cáo từ. Nếu lúc ấy bạn vui vẻ nói một câu: “Không sao, cả đêm mình không về cũng chẳng có ai lo lắng cả.” Vậy thì chắc chắn chủ nhân sẽ toát mồ hôi lạnh, lần sau cũng không dám mời bạn tới chơi nữa.

Giữa bạn bè, nếu trong khi nói chuyện, bạn vẫn quả thực không hiểu, thì sau cuộc nói chuyện có thể hỏi thăm và giải thích. Tuy nhiên trong công việc, nếu bạn hiểu nhầm ý của lãnh đạo thì sẽ vì sự hiểu nhầm đó mà gây phiền phức và ảnh hưởng tới tiền đồ của bản thân.

Duy Bình mới làm việc ở một công ty nhỏ chẳng bao lâu đã có được thành tích làm việc rất tốt. Chuẩn bị đánh giá cuối kỳ, giám đốc gọi anh ta tới phòng làm việc nói chuyện.

Giám đốc cười khà khà và nói: “Duy Bình à, nửa năm nay, cậu làm việc rất cố gắng, điều này tôi hiểu.”

Duy Bình ngại ngùng nói: “Cảm ơn giám đốc đã khen.”

Giám đốc bảo Duy Bình ngồi xuống và nói: “Tôi thấy cậu là một thanh niên rất có năng lực. Quy mô của công ty chúng ta cũng không lớn lắm, liệu cậu có dự định gì xa vời hơn không?” Thấy Duy Bình không nói, giám đốc lại nói: “Đừng căng thẳng, cậu cứ coi tôi như một người bạn.”

Duy Bình cảm thấy giám đốc rất bình dị dễ gần, bỗng chốc tâm trạng cũng thoải mái hơn nhiều, thầm nghĩ giám đốc bảo mình nói về dự định sau này, chắc chắn là thích người có lý tưởng và hoài bão, thế là anh ta bắt đầu nói về lý tưởng, bày tỏ bản thân, hy vọng sẽ có không gian phát triển lớn hơn, thậm chí nói tới cả việc làm việc cho công ty xuyên quốc gia.

Sắc mặt của giám đốc dần dần thay đổi, đến cuối cùng khẽ ngắt lời Duy Bình: “Thôi, cậu ra ngoài đi!”

Duy Bình vốn tưởng rằng lần trò chuyện thân mật này là tiêu chí bầu chọn anh ta làm “nhân viên tiên tiến” trong lần đánh giá cuối kỳ, nào ngờ giám đốc lại chọn người khác, mặc dù người này không có bất kỳ biểu hiện xuất sắc nào. Thực ra, vốn dĩ giám đốc có dự định chọn Duy Bình, nhưng vấn đề nằm ở chỗ sau lần nói chuyện ấy, giám đốc nhận ra rằng Duy Bình là một người ấu trĩ, không thực tế, đặc biệt là anh ta đã bày tỏ “hy vọng có không gian phát triển lớn hơn”, “nếu anh ta đã bày tỏ ý muốn nhảy việc thì hà cớ gì mình phải đào tạo thay cho người khác”, giám đốc đã nghĩ vậy.

Nếu Duy Bình là một người thông minh thì không đến nỗi không nắm bắt được ý tứ của giám đốc. Giám đốc bảo bạn nói về “lý tưởng” chỉ là muốn để bạn bày tỏ thái độ nhiệt tình với công việc. Giám đốc bảo bạn nói “dự định sau này” đồng thời nói với ý dò hỏi: “Quy mô công ty nhỏ, e rằng không giữ chân được người như bạn”, đó là để dò hỏi mức độ trung thành với công ty, bạn chỉ nên nói như thế này: “Tôi cảm thấy tiềm lực phát triển của công ty vô cùng lớn, bao nhiêu công ty mời gọi nhưng chỉ có nơi đây là chốn dừng chân mà tôi mong muốn thôi.”

Rất nhiều người trẻ tuổi không quen với những người “nói vòng vo”, cảm thấy chiêu đó của họ quá giả tạo, thế là trong tình huống sơ sểnh, họ đã phạm phải sai lầm “thật thà quá mức, hỏi cái gì trả lời cái ấy” giống như Duy Bình. Sau khi mắc lỗi, một số người cảm thấy nuối tiếc, đồng thời không khỏi trách móc: “Đây là công ty cơ mà, có phải là chương trình Đuổi hình bắt chữ đâu mà phải dò đoán như vậy, quả thực là vòng vo tam quốc.” Điều này chứng tỏ kinh nghiệm xã hội của những người này còn chưa đủ, không biết lĩnh hội ý tứ của lãnh đạo, mà đây lại là bước đầu tiên để bảo vệ bản thân trong một xã hội phức tạp.

Bạn hỏi người khác: “Phương án này có được không?” Anh ta nói: “Tôi không chắc nó có thể được thực thi.” Ẩn ý chính là “Tôi cảm thấy nó hoàn toàn không được.” Bạn hỏi người khác: “Hôm nay có thể làm xong được không?” Anh ta nói: “Có thể, nếu như làm thêm.” Ẩn ý chính là “Nhiệm vụ quá nhiều, không làm xong được.” Khi đối phương nói với bạn: “Tôi thấy anh nên đi hỏi ý kiến của người khác” chính là nói “Anh đừng làm phiền tôi nữa.”

Người làm việc tốt nhất trong phòng chính là người biết cách nắm bắt ý tứ của người khác: Lĩnh hội yêu cầu của lãnh đạo, hiểu được ý kiến của đồng nghiệp, biết được nhu cầu của khách hàng. Trong đó, hiểu được nhu cầu của khách hàng là kỹ năng cần có của người bán hàng. Có một câu cửa miệng của khách hàng mà người bán hàng nên hiểu rõ: “Thôi được, để tôi suy nghĩ.” Đây là “kế hoãn binh” của phần lớn khách hàng, cũng là lời từ chối khéo léo trước sự bám riết của người bán hàng. Lúc này, người bán hàng đừng tưởng rằng khách hàng đang suy nghĩ tới việc bỏ tiền thật mà nên nghĩ xem chỗ nào mình làm chưa tốt.

Có khách hàng thích nói ngược, anh ta chê giá sản phẩm của bạn đắt đỏ nhưng lại nói: “Sản phẩm của bạn thật đúng là vừa đẹp vừa rẻ.” Lúc ấy bạn nên giải thích: “Chi phí sản xuất khá cao”, đồng thời xem có thể cho giá ưu đãi được không. Nếu bạn tưởng khách hàng hài lòng thật sự, tỏ vẻ rất tự hào, thậm chí còn chuẩn bị tâm lý để chờ khách hàng bỏ tiền ra mua, như thế có thể nói là bạn quá chậm hiểu.

Câu nói “chim sợ cành cong” là để miêu tả sự sợ hãi, nhút nhát của con người. Bởi vậy, trong cuộc sống, chúng ta luôn cần lắng nghe thật kỹ, tìm ra ẩn ý trong mỗi lời nói của đối phương, nắm bắt được suy nghĩ của đối phương, từ đó có được quyết định đúng đắn.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Cổ nhân có câu “ý tại ngôn ngoại”, có nghĩa là ý ở ngoài lời; chỉ những điều hàm ý, không nói ra trực tiếp, người nghe phải tự suy ra mà hiểu lấy. Vậy thì, trong cuộc sống, chúng ta phải làm thế nào để phán đoán ẩn ý của đối phương?

(1) Thông qua ngữ điệu phán đoán ẩn ý

Nếu một người cao giọng khi nói chuyện, chúng ta có thể phán đoán anh ta đang ở trong trạng thái phấn khích, tình cảm rất kích động, có khi còn thể hiện sự kinh ngạc. Ngược lại nếu âm vực giọng thấp, chúng ta sẽ nghĩ rằng người này đang ở trong trạng thái bực tức.

(2) Căn cứ vào kinh nghiệm sống và hoàn cảnh để phán đoán ẩn ý

Trong cuộc sống hàng ngày, khi người khác nói chuyện, chúng ta phải chú ý quan sát phản ứng của người xung quanh, xem hiệu quả phản ứng của lời nói nào tốt hơn. Sau này, gặp tình huống tương tự, chúng ta có thể mượn phương thức của người khác để một lời nói có thể thu được nhiều kết quả.

Bài 5: Đừng để người khác nhận ra bạn đã hiểu được tâm tư của họ

Không để người khác phát hiện ra bạn đã hiểu được tâm tư của họ, cố tình vờ ra vẻ ngốc mà không phải là ngốc nghếch thật sự, đó mới là trí tuệ. Dùng vẻ ngốc nghếch mê hoặc đối phương, như thế vừa có thể khiến đối phương tìm ra được lối thoát, vừa có thể khiến đối phương quý mến mình, đồng thời còn có thể đạt được mục đích của bản thân.

Chắc chắn mỗi người bán hàng đều đã gặp một khách hàng như thế này. Anh ta đến cửa hàng không dưới ba lần, rõ ràng là rất thích sản phẩm, nhưng vẫn tỏ thái độ kén chọn nói chỗ này chỗ kia không tốt, cuối cùng đưa ra kết luận: “Thế này nhé, nếu sản phẩm có khuyết điểm, thì hãy tính rẻ cho tôi một chút!”

Lúc ấy, nếu bạn nói: “Đây là giá thấp nhất rồi!”, khách hàng lập tức bĩu môi tỏ vẻ rất hiểu biết: “Không phải chứ, anh đừng có tưởng tôi không hiểu biết. Tôi đã đến mấy cửa hàng rồi, đồ của người khác chất lượng còn tốt hơn, giá cả cũng rẻ hơn. Nếu các anh không bán được thì tôi sang cửa hàng khác mua!”

Có người bán hàng vừa nghe thấy những lời này liền tức giận, mở miệng châm biếm: “Thế thì mời anh sang cửa hàng khác mua đi ạ, nếu có thể mua được cái giống hệt mà rẻ hơn thì mua giúp tôi một chiếc!” Khách hàng tức giận bỏ đi, còn người bán hàng thì than phiền với đồng nghiệp: “Loại người gì vậy, anh ta sắp giẫm nát bậc cửa của cửa hàng chúng ta rồi, lại còn cứ tỏ ra là khách mới. Nếu anh ta thấy đồ tốt như thế thật thì vì sao không mua ở cửa hàng đó đi?”

Thực ra chút tâm ý đó của khách hàng rất rõ rệt. Chẳng qua là so sánh nhiều rồi, tìm được món đồ tốt nhất rồi nhưng vì muốn được giảm chút tiền, nên đã cố tìm lỗi trên sản phẩm của bạn, sau đó lại làm ra vẻ người trong nghề: “Đang có lựa chọn tốt hơn.” Nếu người bán hàng cứ nhất định phải vạch trần “mánh khóe” này của khách hàng thì khách hàng sẽ bị mất mặt, cho dù có thích đồ ở cửa hàng bạn tới mức nào thì cũng tức giận bỏ đi. Làm như vậy đối với người bán hàng mà nói là được một mất mười. Người ta nói khách hàng là thượng đế, bạn thuận theo ý của thượng đế, âm thầm hóa giải mục đích của thượng đế, như thế mới là người khôn ngoan.

Vì thế, khi gặp khách hàng giống như trên, người bán hàng thông minh hãy thử nói như sau: “Ồ, vậy sao, cảm ơn anh đã đặc biệt ghé tới cửa hàng của chúng tôi. Nhưng cái giá này thật sự đã rất thấp rồi, giám đốc nói là giá gốc, tôi chỉ là người bán hàng, không thể tự quyết định được. Hay là để tôi giúp anh đi hỏi giám đốc được không?” Như thế, vừa giữ thể diện cho khách hàng lại khiến anh ta thầm đắc trí vì “mánh khóe” của mình. Sau đó, bạn có thể vờ đi thương lượng vấn đề giảm giá với giám đốc, dĩ nhiên, nếu có thể ưu đãi thì hãy ưu đãi thích hợp, còn nếu quả thực không được thì khách hàng cũng hiểu. Thực ra đây đã là giá thấp nhất trong các cửa hàng rồi, nên họ có thể vì muốn tìm đường lùi cho mình sẽ nói: “Thôi được, thái độ phục vụ của cửa hàng rất tốt, vậy tôi mua luôn ở đây vậy. Hy vọng sau này các bạn vẫn làm tốt như thế này.”

Trong tâm lý học có “hiệu ứng bể cá vàng” (Goldfishbow effect). Thuật ngữ này xuất phát từ việc bể cá vàng được làm bằng thủy tinh với độ trong suốt rất cao, nhìn từ mọi góc độ, đều có thể nhìn thấy rất rõ bên trong.

Trong cuộc sống, mỗi người đều giống như khách hàng kể trên, hy vọng có thể tỏ ra thông minh và hiểu biết trước mặt người khác, giống như nhà ảo thuật có thể dùng chút kỹ xảo trước mặt khán giả. Nhưng nếu một số mánh khóe nhỏ mà đối phương tự cho là đúng bị bạn vạch trần một cách dễ dàng, thì anh ta sẽ cảm thấy mình giống như chú hề trên sân khấu, ngô nghê và mất thể diện, dĩ nhiên cũng sẽ không có cảm tình với bạn.

Thử nghĩ xem, khi bạn kể về một cuốn tiểu thuyết, vẫn chưa đến hồi kết thúc, đối phương đã ngáp và nói: “Tôi xem từ lâu rồi, hung thủ chính là anh ta.” Bạn chuẩn bị tặng quà cho người khác để tạo bất ngờ, bạn nói với vẻ thần bí: “Đoán xem, mình mua cho cậu cái gì?” Người được tặng quà lại bóc quà ngay và nói: “Biết ngay là cái này, chẳng phải mình đã đòi cậu ba lần rồi sao.” Có phải điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy bị tổn thương, trong lòng có cảm giác hụt hẫng không?

Điều này giống như việc nữ giới có xu hướng chơi cùng với những cô bạn gái có ngoại hình kém hơn mình, qua đó để tô thêm vẻ xinh đẹp của bản thân. Con người có xu hướng chơi cùng người “ngốc” hơn mình, qua đó thể hiện sự thông minh của bản thân, hơn nữa cảm thấy sẽ không bị uy hiếp. Cho dù là lãnh đạo, khách hàng hay người khác, họ đều không hy vọng bạn thông minh hơn họ. Nếu bạn thông minh tới mức vừa nhìn đã hiểu được tâm tư của đối phương, thì đối phương sẽ cảm thấy bản thân dễ bị xâm phạm.

Trong giao tiếp, vờ ra vẻ ngốc nghếch là một môn nghệ thuật. Đối tượng trọng tâm mà bạn cần vờ ra vẻ ngốc nghếch là lãnh đạo của bạn, bạn nhất định không được tỏ ra thông minh hơn ông ta. Vì sao năm xưa Tào Tháo lại giết Dương Tu? Chính là bởi vì Dương Tu cậy tài khinh người. Lúc đánh trận, Tào Tháo do dự không biết có nên từ bỏ một vùng lãnh địa mà mình đã tấn công rất lâu mà không giành được hay không, đồng thời trong lúc ăn cơm đã hô một tiếng “lườn gà” đầy ẩn ý khiến các binh sĩ đều ngạc nhiên không hiểu. Dương Tu cười đắc trí, giải thích cho mọi người: “Ý của tể tướng là, vùng lãnh địa này giống như lườn gà, ăn thì không ngon, bỏ thì tiếc.” Câu nói này của Dương Tu khiến lòng quân rối loạn, các binh sĩ đều chuẩn bị bỏ mũ giáp. Lời này truyền đến tai Tào Tháo, ông ta thầm nghĩ: “Dương Tu, ngươi đúng là đi guốc trong bụng ta”, từ đó có động cơ giết hại. Không phải Tào Tháo đố kỵ hiền tài mà là bởi Dương Tu thông minh quá mức, vừa có thể hiểu được lòng người, lại tung thông tin không chút che đậy, loại người này thường gây họa từ bên trong. Hơn nữa, một nhân viên tự cho rằng mình thông minh hơn lãnh đạo, hiểu được mọi suy nghĩ của lãnh đạo, lại còn nói ra suy nghĩ của mình, sẽ khiến lãnh đạo cảm thấy rất mất thể diện.

Ngoài việc vờ ra vẻ ngốc nghếch với lãnh đạo, với đồng nghiệp thì với đối thủ bạn cũng nên như vậy. Có câu “Cây to hút gió”, luôn có những người ghen ăn tức ở đứng sau lưng hãm hại bạn, bạn hãy thử thu bớt cành cây rậm rạp, đừng bộc lộ tài năng trong cách ăn nói, làm tổn thương lòng tự tôn của người khác, hãy tỏ ra chậm chạp hồn hậu một chút, dĩ nhiên mọi người sẽ không hướng mũi công kích bạn.

Còn khi đối đầu với đối thủ, bạn hãy giả vờ ngu ngốc, ngoài mặt ra vẻ thuận chịu, lúc nào cũng cười, lúc nào cũng cung kính để cho địch khỏi nghi ngờ rồi chờ thời cơ chín, tìm điểm yếu của kẻ thù mà đập đòn sấm sét.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Nếu chúng ta nhìn thấu tâm ý của đối phương nhưng không chỉ ra, mà lại vờ ra vẻ ngốc nghếch, thì như thế càng dễ làm được việc. Vậy, khi làm việc, chúng ta nên vờ ngốc nghếch như thế nào?

(1) Nhìn thấu tâm tư của đối phương, không khoe khoang

Rõ ràng chúng ta biết tâm ý của đối phương nhưng không phản bác lời đối phương, không khoe khoang sự thông minh của mình. Ngược lại, phải dùng kỹ thuật biểu diễn để giấu giếm một cách thích hợp.

(2) Vờ ra vẻ không biết

Chúng ta không được thể hiện sự sắc sảo của mình, có thể vờ như không nghe thấy hoặc không nghe rõ lời đối phương, thông qua việc chuyển chủ đề để tránh cục diện khó xử, như thế cả hai đều không cảm thấy ức chế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.