Ở theo thời

Chương 2



            Ðến bữa khai trương thầy giáo Hà Tấn Phát được giáp mặt với các bạn đồng nghiệp. Ông Ðốc học tiến dẫn thầy đặng làm quen với mọi người, rồi ông định chia lớp mà dạy:

“Thầy Phát lãnh dạy lớp nhứt. Thầy Nguyên lãnh lớp nhì (năm thứ hai) như cũ. Thầy Hạp lãnh lớp nhì (năm thứ nhứt) như cũ. Ông Ðốc bổn thân lãnh dạy lớp ba đặng kiềm cho học trò cuối năm thi bằng tiểu học đậu cho nhiều. Thầy Sanh lãnh lớp tư như cũ. Thầy Thủ với thầy Hậu, hai thầy lãnh dạy hai lớp chót.”

            Mấy thầy vâng lời, ai đi lãnh lớp nấy, không ai dám kêu nài chi hết.Thầy Phát lãnh lớp nhứt có ba mươi hai trò, vừa cho thầy dạy. Thầy ở trường sư phạm xuất thân, mà kỳ thi ra trường thầy lại đậu thứ nhứt nữa, bởi vậy khi thầy nói khiêm nhượng với ông Ðốc, song bắt đầu dạy, thầy chẳng bợ ngợ chút nào hết.

            Vì thầy Phát mới đổi lại, nên chừng tan học, ông Ðốc dắt thầy lại quận mà trình diện với quan địa phương cho đủ lễ. Quan Chủ quận đương ngồi tại phòng văn, trong có lính hầu, ngoài có lính gác, coi bộ nghiêm nghị lắm. Thầy Phát bước vô, có ý sụt sè. Quan Chủ quận coi bộ thì oai nghiêm, mà ngài thì tiếp chào rất vui vẻ. Ngài mời ngồi, hỏi thăm thầy xứ sở ở đâu, có vợ con hay chưa, ra trường được mấy năm, rồi lấy lời hòa nhã mà khuyên thầy hãy cần lo dạy dỗ trẻ em, đặng cuối năm có số học trò thi đậu cho đông, trước rỡ ràng danh giá của nhà trường, sau khỏi phụ cái công của ngài với ông Ðốc hiệp nhau mà xin lập cho đủ lớp sơ học.

            Chừng ra về, ông Ðốc mới nói nhỏ với thầy Phát rằng: “Ðối với ty giáo huấn thì quan lớn tử tế lắm. Nhưng mà ngài làm việc gắt hẳn hòi, bởi vậy chẳng nên lôi thôi”.

            Thầy giáo Nguyên ở một cái nhà lá ba căn, gần đầu cầu sắt Tiểu Cần, nhà trở cửa xuống mé rạch. Trong nhà chỉ có vợ thầy với hai đứa con, một đứa bảy tuổi, năm nay mới vô học lớp chót, và một đứa mới dứt sữa, vừa biết đi lẫm đẫm. Tôi tớ thì chỉ có một bà già đi chợ nấu ăn, và một đứa con trai chừng mười ba mười bốn tuổi tên thằng Lục, lãnh bồng em đi chơi.

            Cô giáo Nguyên đen đúa, không chịu trang điểm, song cô bãi buôi vui vẻ, hay nói, hay cười, ưa làm cho vừa ý chồng, hay vui mà tiếp đãi khách.

            Thầy Phát mới làm quen, mà thấy thầy Nguyên thiệt tình, cô giáo Nguyên tử tế, nên thầy không sợ ké né cho lắm.

            Chiều bữa khai trường đó, thầy Phát mới cậy thầy Nguyên dắt đi thăm hết mấy thầy giáo cùng Hương chức ở trong châu thành.

            Trước hết lại nhà thầy nhì Hạp. Thầy nầy ở một căn phố nhỏ. Thầy có vợ mà vợ thầy ở bên Trà Vinh, thầy ở nhà có một mình ăn cơm quán nơi nhà cha mẹ của một đứa học trò ở gần đó. Nhà thầy dọn sơ sài lắm, chỉ có một cái giường, một cái bàn với vài cái ghế mà thôi. Trên bàn thì sách vở để lộn với tách uống nước, nón, vớ. Khi thầy Hạp thấy hai ông bạn đồng nghiệp bước vô, thầy lật đật lấy áo bận, mời khách ngồi rồi nói rằng: “Nhà tôi lôi thôi lắm. Bãi trường tôi khóa cửa mà về Trà Vinh. Tôi mới trở qua hồi hôm nên chưa dọn dẹp chi hết”.

            Kế đó lại nhà thầy Tư Sanh. Thầy nầy ở một cái nhà ngói cũ ba căn. Thầy trạc chừng bốn mươi tuổi, có tám đứa con. Khi bước vô nhà thì con nít chộn rộn đầy nhà, đứa ở trần, đứa ở truồng. Thầy Sanh nói con đem bình trà ra, rồi thầy rót hai tách nước mà mời khách… Thầy nói rằng: “Tôi bị con đông quá, hễ đi dạy về thì nó đeo, không đi chơi bời gì được hết”. Thầy Nguyên chúm chím cười mà nói rằng:

–         Tối tối tôi thấy thầy xách ba ton[1] đi miệt dưới chùa Thổ hoài! Thầy khéo dấu thì thôi.

–         Ðâu có.

–         Ờ không có. Ðể bữa nào tôi bắt cho thầy coi mà.

            Thầy Thủ cất nhà theo đường qua Rạch Lọp cách châu thành hơn hai ngàn thước, nên đi thăm không tiện. Thầy ở đó mà làm ruộng, mỗi bữa đạp xe máy ra trường mà dạy học. Thầy đã gần năm mươi tuổi rồi, nên lo làm ăn lắm; nhưng mà lo làm ăn là lo cho vợ thầy làm, chớ thầy hay ra chợ thường, ai rủ bài bạc thứ gì thầy cũng không từ, ai bày chơi cách nào thầy cũng có mặt.

            Còn thầy Hậu thì còn trẻ, mới hai mươi mốt tuổi. Thầy ở một căn phố. Trong nhà có một cô mỹ nữ, tối ngày ai cũng thấy đầu gỡ láng nhuốt, mặt dồi phấn trắng toát. Thầy kêu người ấy bằng “mình” nói vơí ai thầy cũng xưng hô là “ma femme” nhưng mà lối xóm thảy đều nói là “mèo” của thầy, chớ không phải vợ. Khi thầy Phát và thầy Nguyên bước vô, thì không có thầy Hậu ở nhà. Cô mỹ nữ ấy ra chào và mời ngồi, rồi hỏi thăm thầy Phát việc nầy việc kia một cách dạn dĩ lắm.

            Luôn dịp thầy Nguyên dắt thầy Phát ghé thăm ông Phán Liêu, chủ sự sở dây thép, thầy Ký Huy giúp việc cho quận, thầy ban biện Nghiệp và mấy vị Hương chức ở chung quanh chợ, đi đến bảy giờ mới về ăn cơm.

            Khai trường mới mấy bữa thì đã tới thứ bảy. Chiều bữa ấy, thầy Phát với thầy Nguyên về tới nhà thì thấy cơm đã dọn sẵn rồi. Khi ngồi lại ăn cơm thì cô giáo Nguyên nói rằng: “Thầy nhứt mới đổi lại, chưa quen với ai, chắc là thầy buồn. Ðể tôi cho bầy trẻ đi mời mấy thầy lại đánh bài đặng thầy đánh chơi cho vui”.

            Thầy Phát liền đáp rằng:

–         Thưa, tôi có biết đánh bài đâu.

–         Hứ! Bài tứ sắc mà sao lại không biết. Vậy chớ thầy biết đánh thứ gì?

–         Thưa cô, từ nhỏ tới lớn tôi không biết đánh thứ gì hết.

–         Trời ôi! Thầy nói sao nghe quê mùa quá vậy? Thầy không biết đánh tứ sắc, sa hỏ, cẩu hấu, tam hường hay là thiên cửu gì hết sao?

–         Thưa cô, việc bài bạc tôi xin chịu dốt ngay. Thuở nay họ đánh tôi không chịu coi nữa, chẳng luận là tôi đánh.

–         Ở đời phải theo đời, người ta làm sao mình phải làm như vậy mới vui chớ. Hồi nhỏ thầy mắc lo ăn học nên chẳng nói làm chi, bây giờ thầy đã có chức phận với người ta rồi, nay mai đây đầu nầy có mời đám giỗ, đầu nọ mời đám cưới. Nếu tới đám tiệc mà thầy không chịu chơi một thứ gì hết, thì anh em người ta cười chớ.

–         Thưa, ai cười tôi chịu, chớ thiệt tôi không biết bài bạc mà tôi lại không ưa nữa.

Thầy Nguyên thấy thầy Phát cãi lẽ với vợ thầy, thầy bèn chen vô mà nói rằng:

–         Thầy nhứt không ưa bài bạc là phải lắm. Trong sách nho có câu: “Ðổ bác môn trung học khứ thân, năng sử anh hùng vi hạ tiện”. Mà tôi tưởng người ta nói đổ bác đó là như đánh me, đánh phé, đánh bài cào kìa. Chớ còn mình chơi thứ tứ sắc, thiên cửu, tam hường là chơi cho vui có hại gì đâu.

Thầy Phát cười mà đáp rằng:

–         Vui mà cũng thua tiền, chớ phải vui mà không tốn hao hay sao?

–         Anh em chơi nho nhỏ với nhau, ăn thua bao nhiêu mà sợ. Vợ chồng tui thuở nay ưa đánh tứ sắc lắm, thứ năm, chúa nhựt nào cũng chơi, mà có hại gì đâu. Mình đánh có sòng thua mà cũng có sòng ăn, chớ không lẽ mỗi sòng đều thua hết.

–         Theo tôi tưởng ở đời tự nhiên phải chơi. Mà chơi chẳng thiếu cách, mình phải lựa cách chơi nào cho thanh cao mà chơi mới phải. Hoặc thừa lúc rảnh tụ hội anh em mà bàn luận việc phải quấy; hoặc làm việc nhọc thân mệt trí, mình đi ra ngoài đồng trống đứng ngó mông đặng hấp thanh khí, dưỡng tinh thần, hoặc tập thể thao luyện cho gân dẻo xương cứng đặng khỏi bạc nhược hoặc kiếm sách hay mà đọc đặng cho rộng thêm chỗ nghe thấy của mình. Chơi như vậy đã khỏi tốn tiền mà lại có ích lắm. Chớ còn chơi bài bạc, đã không bổ cho trí não, mà lại còn mệt mỏi cho thân thể mình nữa.

–         Thầy nói theo sách quá! Hồi tôi mới ra trường tôi luận việc đời, tôi cũng nói như thầy vậy đó. Nội một năm thì tôi tỉnh ngộ, tôi tính tôi đi sái đường. Ðể một ít lâu đây, rồi thầy sẽ thấy phong hoá ở trường khác, còn phong hoá ở đời khác, nếu mình lấy cái phong hoá ở trường mà cư xử với đời, thì việc mình làm không thích hiệp với ai hết.

–         Có lý nào mà kỳ vậy; phong hoá là phong hoá, luận lý là luận lý, dầu ở đâu, dầu đời nào, cũng vậy hoài, có thế nào mà dời đổi được.

–         Ừ, thì để rồi coi mà. Có nhiều việc trong sách vở người ta cho là tồi phong bại tục, người ta ố lắm, nhưng mà ở thế gian thiên hạ họ làm thường hoài, có ai cười chê, có ai cho là làm bậy đâu.

–         Nếu mình làm việc chi sái phong hoá, dầu người ta không chê cười trước mặt mình, mà trong trí người ta cũng khinh bỉ mình chớ.

–         Ối! Ai cũng vậy hết, có ai mà khinh bỉ ai.

–         Thầy nói, tôi xin lỗi thầy, thiệt tôi làm thinh không được. Ở đời có kẻ quấy người phải, có kẻ dại người khôn, chớ có lý nào ngu xuẩn hết thảy, đến nỗi ai làm trái luân lý không biết giận, ai làm trúng phong hoá không biết khen; nếu lời thầy nói đó mà quả thiệt như vậy, thì té ra xứ mình dã man rồi còn gì! Tôi xin kêu nài việc đó, tôi kêu nài hẵn hòi.

–         Tại văn minh quá rồi nó ra như vậy đó a thầy, chớ không phải dã man đâu. Thôi, mà việc đời hơi đâu mà cãi. Người ta làm sao, mình cũng làm vậy cho xong.

            Thầy Nguyên nói dứt lời liền bỏ đi xuống nhà sau. Thầy Phát uống nước rồi ra lộ đi hóng mát.

            Trời tối lần lần, mấy nhà ở dựa lộ đều lo đốt đèn. Thầy Phát chấp tay sau đít, thủng thẳng trở về nhà. Khi thầy bước vô cửa thì thầy thấy thầy nhì Hạp với thầy Ký Huy đương ngồi nói chuyện với chủ nhà. Thầy chào hỏi rồi cũng ngồi đó mà chơi.

            Thầy Ký Huy rủ thầy Phát đánh bài tứ sắc, thầy Nguyên rước mà trả lời rằng: “Thầy nhứt nói thầy không biết đánh. Chớ chi thầy biết đánh, thì bốn anh em mình chơi với nhau tiện quá. Tôi có cho đi mời anh Hương hào Phúc rồi. Chờ một chút ảnh lại”.

            Cô giáo Nguyên trải chiếu, đốt đèn, và bỏ sẵn một bộ bài trên ván. Cách chẳng bao lâu thiệt quả Hương hào Phúc lại tới, rồi đồng với chủ nhà, thầy Ký Huy, thầy nhì Hạp leo lên ván ráp đánh tứ sắc.

            Thầy Phát bơ vơ, thầy bèn lại bàn viết đốt đèn lên, tính viết mấy câu tục ngữ có ảnh hưởng về phong hoá để dán trong lớp học cho học trò ngó thấy hằng ngày đặng nhớ mà tập tánh sửa mình. Thầy đương ngồi suy nghĩ, thình lình thầy Ký Huy kêu mà nói rằng:

–         Không đánh thì lại đây coi, thầy nhứt. Coi có thua khiếm gì đâu mà sợ, thầy.

–         Cám ơn, tôi mắc làm việc.

–         Tối thứ bảy thì chơi, chớ làm việc gì.

–         Tôi cũng chơi đây chớ.

–         Chơi giống gì ngồi bàn viết mà chơi. Thầy chưa biết đánh thì lại đây tôi dạy cho. Tôi không biết dạy học trò, chớ dạy tứ sắc thì tôi nghề lắm. Tôi dạy thầy hai sòng, thì thầy đánh rành như chơi.

–         Cám ơn thầy, học thứ gì, chớ học đánh bài, thiệt tôi không dám.

–         Ðánh bài vui lắm đa thầy. Ông Ðốc học, bà Ðốc học cũng đánh luôn luôn đó sao. Tôi chắc bây giờ đây trên nhà ông Ðốc cũng có một sòng bài ở trển. Ai lên đó mà không có tôi chịu thua.

Cô giáo Nguyên ngồi dựa một bên chồng mà coi bài, cô chận mà nói rằng: “Trên ông Ðốc thì tự nhiên có một sòng rồi, mà ở trển đánh tới hai cắc hoặc một cắc chớ phải đánh năm xu như mình hay sao; ở xứ nầy ai cũng đánh bài hết, duy có một mình thầy nhứt thẩy khác hơn người ta”.

            Thầy giáo Phát không trả lời. Thầy cứ ngồi gạch giấy mà viết chữ lớn, viết theo điệu chữ in, những câu nầy:

            “Hoạnh tài bất phú”

            “Tiền tài như phấn thổ”

            “Nhơn nghĩa thắng thiên kim”

            “Ðổ bác môn trung mạc khứ thân”

            “Nghèo cho sạch rách cho thơm”

            “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn”

            “Một câu nhịn chín câu lành”

            Thầy viết mấy câu đó rồi thầy nghĩ họ đánh bài cười giỡn om sòm, nếu mình đi ngủ, chắc ngủ không được; thầy bèn lấy giấy viết một bức thơ cho người anh nhà bác là Hà Tấn Tài, ở Sài Gòn. Thầy viết như vầy:

            “Kính anh chị.

 Em kính gởi lời thưa cho anh Hai chị Hai hay rằng em xuống Trà Vinh trình diện với quan giám đốc Học chánh, ngài bổ em qua Tiểu Cần mà dạy, ông Ðốc học trường sơ học Tiểu Cần cắt cho em dạy lớp nhứt.

 Em đã khởi dạy từ hôm khai trường đến nay. Em ở đậu tại nhà một thầy giáo cũng dạy học một trường với em.

 Em chậm viết thơ cho anh chị là vì mới khai trường, em phải lo sắp đặt nhiều việc, phần em mới đổi lại, bề ăn ở chưa yên. Vậy em xin anh chị tha cái lỗi bê trễ của em đó.

 Ngày nay em được thành thân, được no cơm ấm áo, khỏi phải trôi sông lạc chợ như con nhà mồ côi khác. Ấy là nhờ anh chị lấy lòng từ thiện cứu vớt em trong lúc em chơi vơi một mình ngoài biển cả. Cái ơn tế độ của anh chị, đã làm cho em no ấm, mà còn lại giúp cho em học thành thân nữa, ơn ấy em ghi tạc trong trí, dẫu ngàn năm em cũng không quên đặng. Em tự quyết nếu kiếp nầy mà em không đền ơn đáp nghĩa cho anh chị đặng, thì em cũng nguyền kiếp sau làm thân trâu ngựa mà đền bồi.

 Hôm nay em lìa anh chị, em thầm nghĩ cái công anh chị làm nên cho em đây, em phải hết lòng trọng cái công ấy mà giữ gìn cái thân danh của em. Em hứa chắc chắn với anh chị rằng kể từ ngày nay, là ngày em bước chơn vào đường đời, cho tới ngày em nhắm mắt từ biệt dương trần, em sẽ cứ ngó một đường chơn chánh mà đi hoài, em thề chẳng làm một việc gì hổ với lương tâm, em chẳng chơi thứ gì mà phạm đến danh dự. Em quyết trau tánh dồi lòng để đặng khỏi phụ cái công ơn của anh chị làm nên cho em.

 Giấy vắn mà chuyện còn dài. Em xin viết sơ mấy hàng làm tin, và em chúc cho anh chị bình an, cầu cho cháu nhỏ mau lớn.

 HÀ TẤN PHÁT

 Cẩn ký”

 Thầy Phát viết bức thơ cho anh xong rồi, thầy ngồi suy nghĩ, nhớ chuyện cũ việc xưa, thầy bèn lấy giấy viết thêm một bức thơ nữa mà gởi cho ông Lý Kỳ Phùng là thầy giáo dạy lớp nhứt trường tỉnh Vĩnh Long, cách năm năm trước có công dạy dỗ thầy học thi đậu vào trường sư phạm.

 Thơ như vầy:

 “Kính thầy.

 Em lấy làm vui mừng mà báo tin cho thầy hay rằng quan trên đã cấp bằng cho em làm giáo sư, và bổ em xuống dạy trường sơ học Tiểu Cần.

 Em đã bắt đầu dạy học kể từ ngày khai trường. Ông Ðốc học Tiểu Cần lại cắt phần em dạy lớp nhứt. Em được thành thân và mới tựu chức, em liền được trọng dụng, thiệt em vinh hạnh không biết chừng nào. Nhưng mà cái vai của em có lộn cái lo, em lo là vì em mang cái lốt giáo sư vào mình, em mới thấy rõ bực sư phạm có cái trách nhiệm nặng nề to tác. Em nghĩ mình làm một thầy giáo dạy học, chẳng những mình lo mở mang học thức, trau giồi trí não cho trẻ em mà thôi, mà mình còn phải sửa tánh tình, un đúc đức hạnh cho trẻ em nữa mới được. Giáo thì phải dục; nếu mình chuyên dạy cho trẻ em học cho giỏi, còn lễ nghĩa không cần chỉ bảo, dường ấy sợ e ngày sau trẻ em khôn lớn làm ông nầy ông kia, mà không biết làm người, thành ra cái mà mình dạy đây là cái họa to cho xã hội.

 Em nghĩ như vậy, cho nên em ngần ngại hết sức. Tài học và đức hạnh của em có xứng với chức giáo sư của em chăng?

 Em lại đây mấy ngày rày, em dòm thấy ông Ðốc học có ý thương em, còn các bạn đồng nghiệp có ý trọng em, ai cũng khuyên em về giáo dục, ai cũng dạy em về cách cư xử, nhưng mà dầu lời khuyên nào cũng chẳng bằng những lời thầy dạy dỗ chỉ bảo cho em ngày xưa. Những lời quý báu của thầy vẫn vẳng vẳng bên tai em hoài. Em nguyện em sẽ dùng những lời chơn thành, những lẽ chánh trực của thầy dạy em ngày xưa mà đem dạy cho trẻ em bây giờ, đặng ngày sau trẻ em thành nhơn, có đủ lễ nghĩa, ngõ hầu khỏi gây tai họa cho xã hội. Em chắc thầy sẽ vui lòng mà được thấy em kế trí thầy.

 Em chúc thầy cùng quý quyến được bình an và luôn dịp em xin tỏ lời cảm tạ thầy một lần nữa, về cái công ơn thầy dạy dỗ em, nên ngày nay em mới có học thức, biết lễ nghĩa chút đỉnh.

HÀ TẤN PHÁT Cẩn ký”

            Thầy Phát viết bài thơ xong rồi thầy tắt đèn đi ngủ, mấy thầy kêu hết sức mà thầy không chịu lại coi.

            Thầy Phát mới dạy trong vài tuần lễ, mà cái lớp học của thầy đâu đó đều đúng đắn, ông Ðốc học không thế đút miệng vô chê chỗ nào được. Dưới gạch thì sạch trơn, không có bụi cát, không có giấy xé bỏ bậy. Trên vách thì treo đủ đồ khí cụ để dạy học, lại có treo những tấm bảng có biên mấy câu phương ngôn ngạn ngữ về phong hoá để cho học trò coi mỗi bữa để mà sửa mình. Sách vở để có thứ tự, bài học thầy ra thảy đều đúng phép, hễ tới giờ học thì trong lớp lặng trang, học trò ngồi chỉnh tề, chẳng có một trò nào dám cười giỡn hay là dám chạy bậy, coi ra có vẻ nghiêm nghị lạ lùng.

            Hễ thầy có dịp nói chuyện với ông Ðốc học thì thầy dùng những lời cung kỉnh, đứng hay ngồi thầy đều giữ lễ luôn luôn. Còn đối với mấy thầy giáo khác thì thầy giữ cái thái độ mềm mỏng, song chẳng dua bợ, lại chẳng kiêu căng, mà cũng chẳng lơ lẳng.

            Ban đêm và ngày nghỉ thì thầy lo kiếm bài mà dạy học, hoặc lo sửa bài cho học trò làm. Hễ có rảnh thì thầy lo đọc sách, đọc hoài không biết nhàm. Mỗi bữa, ăn cơm chiều rồi, thường thầy đi chơi chừng một giờ đồng hồ, mà đi chơi thầy không chịu ghé nhà ai, cứ đi lên đi xuống trên lộ mà hứng gió mát. Có người hỏi thầy vậy chớ đi chơi sao thầy không ghé nhà mấy thầy giáo, hoặc nhà Hương chức, mà lại cứ thơ thẩn một mình ngoài lộ hoài. Thầy trả lời rằng: “Tôi làm việc mệt trí mỏi mỏi xác, tối cần phải đi một hồi đặng giải cái mệt mõi đó. Nếu tôi ghé nhà anh em ngồi mà nói chuyện, thì tôi càng thêm mệt mõi nữa. Huống chi mỗi người hễ tối rồi thì cần phải nghỉ ngơi, hoặc mắc lo tính việc nhà. Nếu không có chuyện cần ích mà mình tới làm khách cho người ta, thì sợ e phải làm nhọc trí hoặc cực lòng người ta nữa”.

            Thầy lo làm phận sự thì đúng đắn, thầy giữ bề cư xử thì hẳn hòi, bởi vậy trong một tháng đầu không nghe ai dám chê thầy, nhưng mà cũng không nghe ai khen thầy một tiếng nào hết, chỉ có nghe một hai người xầm xì rằng: “Thầy giáo mới tuổi còn nhỏ mà bộ nghiêm dữ!”

 


[1] (bâton), gậy


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.