Ở theo thời

Chương 7



          Năm nầy lúa gạo mới bắt đầu hạ giá, cuộc kinh tế vừa mới đình trệ chút đỉnh, nhưng nông công thương nghiệp chủ không dè phải mang một cái nguy lớn, nên ai nấy cứ hăng hái, thậm chí những hạng người cho vay cũng không dè thiên hạ trả nợ cũng không nổi, nên không đề phòng, không ốp bộ đất điền của người thiếu nợ.

            Thầy Hội đồng Lợi nhờ cái cơ hội ấy mà thầy sang bộ điền sản cho thầy Hà Tấn Phát đứng được khỏi bị ngăn trở. Nhưng mà hai người Chà Và chủ nợ của thầy, tên là Annouchetty và Ibrahamachetty, nhờ ai tọc mạch cho chúng nó hay không biết, mà sang bộ đất mới được vài ngày, thì nó tới nhà thầy Hội đồng Lợi làm rầy, chúng nó mắng thầy là đồ ăn cướp và hăm sẽ nạp đơn cho quan Biện lý mà cáo thầy về tội sang đạt[1] đặng cho thầy ở tù. Chúng nó lại vào tại trường học mà kiếm thầy nhứt Phát. Ông Ðốc học ngó thấy, ông giận quá, nên đuổi hai người Chà ra khỏi cửa lập tức rồi ông kêu thầy giáo nhứt vào mà quở rằng: “Thầy làm việc tồi bại quá! Thầy rước tới khách như vậy vô trường, thoảng như quan Giám đốc hay là quan Chủ quận gặp, có phải là người ta quở tới tôi nữa hay không?”

 Thầy nhứt Phát biết lỗi nên ú ớ nói rằng:

 – Tôi xin lỗi ông, tôi không có quen biết chi hai người Chà đó. Tôi cũng không hiểu họ kiếm tôi để làm chi.

 – Thầy có vay tiền, vay bạc của chúng nó hay không?

 – Thưa, không.

 – Ờ, tôi biết rồi. Hai người Chà nầy là chủ nợ của Hội đồng Lợi. Tôi nghe thầy giáo nhì nói thầy Hội đồng Lợi sang hết điền thổ cho thầy đứng bộ, thiệt có như vậy hay không?

 – Thưa, có.

 – Nếu vậy thì hai người Chà nầy đi kiếm thầy đặng nói chuyện đó chớ gì. Thầy làm cái đó bậy lắm. Thầy với Hội đồng Lợi làm cái đó ấy là lật nợ của người ta. Nếu người ta vô đơn kiện hai người về tội sang đoạt, thì chắc hai người bị kết án hết thảy. Làm thầy giáo thì lo dạy học trò, sao lại mưu sự chi vậy? Ðố thầy khỏi mang họa!

 – Tôi làm phải, không lẽ trời đất để cho tôi bị hại.

 – Trời ơi, thầy làm việc gian dối bằng trời, mà thầy còn gọi là làm phải chớ! Thôi thầy để rồi coi.

 Thầy nhứt Phát vì thương Hội đồng Lợi nên chịu giúp cho thầy mà không suy nghĩ cho kỹ. Ðã biết hồi ban đầu thầy cũng hiểu là việc không ngay thẳng mà bị thầy Hội đồng Lợi năn nỉ quá, lại thẩy không thân thiết với ai, không ai chỉ giùm chỗ lợi hại bởi vậy thầy không dè làm như vậy phải mắc tội hình. Nay thầy nghe ông Ðốc học nói mấy lời thì thầy Phát lo, tính để tan học về rồi thầy sẽ qua kiếm thầy Hội đồng Lợi mà thương nghị.

 Chẳng dè về tới nhà thì thấy hai ngườu Chà Và đã ngồi sẵn tại nhà mà chờ thầy. Hai người Chà hỏi thầy vậy chớ làm cái gì có tiền bạc mà mua hết gia tài của Hội đồng Lợi. Thầy thấy làm bối rối, không biết sao mà trả lời. Thầy chỉ nói là thầy không biết, và biểu muốn nói gì thì nói với Hội đồng Lợi chớ thầy không thiếu nợ mà tới nhà thầy. Hai người Chà ra cửa và nói rằng: “Anh lập thế sang đoạt của tôi mà. Tôi kiện anh ở tù”.

 Thầy nhứt Phát ăn ba hột cơm rồi bỏ ngủ trưa, tuốt qua nhà Hội đồng Lợi. Thầy thuật lại những lời ông Ðốc học nói và mấy tiếng Chà Và hăm cho thầy Hội đồng nghe, và nói rằng:

–         Vì tôi thương thầy, tôi giúp thầy mà tôi không xét kỹ. Nếu Chà Và nó kiện, Tòa hỏi tôi làm cái gì có tới bảy chục ngàn đồng bạc mà mua hết ruộng đất của thầy thì tôi trả lời sao được. Mà hễ mình trả lời không được, thì tức thị mình gian, rồi Tòa buộc mình về tội sang đoạt. Tôi giúp cho thầy mà tôi phải bị án thiệt là đau lắm!

–         Có sao đâu mà lo. Tiền bạc mình có bao nhiêu, mình cần gì phải khai cho ai biết. Có lý nào Tòa hỏi kỳ như vậy. Nói cùng mà nghe, ví như nó kiện mà mình thất, thì bất quá Tòa hủy bỏ tờ mua của thầy rồi đem ruộng đất ra phát mãi, chớ chuyện gì thì phải ở tù. Thầy đừng lo. Tôi có quen bên Tòa nhiều. Ðể chiều nay tôi qua tôi hỏi mấy thầy ở bển coi phải lập thế làm sao mà chống cự với nó. Chuyện nầy để tôi lo cho. Thầy giúp giùm cho tôi, có lý nào tôi để cho thầy bị hại hay sao mà thầy sợ.

–         Phải lo làm sao, chớ đừng có để lôi thôi chết tôi đa nghé.

–         Ðể cho tôi lo cho mà.

            Tuy thầy Hội đồng Lợi nói cứng cỏi như vậy, nhưng thầy nhứt Phát cũng không an tâm. Thầy đi dạy học mà trong trí thầy lo, trong bụng thầy buồn lung lắm. Vô đến trường thầy thấy mấy thầy giáo hễ ngó thấy thầy thì họ nói nhỏ xầm xì với nhau. Thầy thấy làm phiền cho thói đời, sao người ta có chuyện buồn rầu đã không biết thương xót, hoặc giúp đỡ lời nói, mà lại còn dị nghị cười chê.

            Cách chừng nữa tháng, thầy nhứt Phát được trát của quan Thẩm án Tòa Trà Vinh đòi hầu. Thầy biết chắc Chà Và đã nạp đơn đầu cáo rồi, nên lật đật chạy qua nhà thầy hội đồng Lợi cho hay, thầy hội đồng Lợi nói: “Phải Chà Và kiện rồi, tôi hay trước hổm nay, song tôi sợ thầy buồn, nên tôi không dám nói. Tôi cũng có được trát Tòa đòi hầu như thầy vậy. Ðể bữa đó rồi hai anh em mình đi hầu một lượt với nhau. Tôi có hỏi thăm mấy thầy bên Tòa thì họ nói bên Chà Và kiện không đủ chứng cớ. Chúng nó cho người ta vay, chúng nó dại không buộc người ta treo đất, mà rồi cũng không chụp bộ trước, để cho người ta bán đất thì chúng nó chịu, chớ kiện cái gì. Tuy nói vậy, mà để bữa hầu coi Tòa định thế nào; nếu có mòi trắc trở thì tôi tuốt lên Vĩnh Long mời trạng sư xuống bào chữa luôn cho hai anh em mình, không có sao đâu mà thầy sợ”.

            Gần tới ngày hầu, thầy nhứt trình cho ông Ðốc mà xin phép đi hầu Tòa. Ông Ðốc chắt lưỡi lắc đầu mà nói rằng: “Thầy coi hôm trước tôi nói đó trúng hay không hử? Chuyện nầy khó lắm, chớ không phải chơi đâu. Trong trường có tôi làm đầu. Thầy muốn làm việc gì sao không hỏi tôi. Chớ phải thầy cho tôi hay thì tôi cản, tôi có để cho thầy làm bậy như vậy đâu. Thầy nói thầy thương Hội đồng Lợi nên thầy cho mượn tên đặng sang bộ đất thầy đứng giùm cho va[2]. Bây giờ đổ bể ra thầy nói như vậy ai mà tin. Tôi chắc bề nào Tòa cũng nói thầy a ý với Hội đồng Lợi mà lật nợ của Chà Và rồi Tòa buộc hết hai người về tội sang đoạt. Thầy làm chuyện đó thiệt là kỳ quá! Thằng cha Hội đồng Lợi là bợm hút xách, hồi trước có tiền nên lo làm Hội đồng, chớ có ra gì đâu. Thầy coi trong làng nầy có ai mà ưa va. Không biết tại sao mà thầy nghe lời va, đi làm chuyện như vậy. Thôi, thầy cứ đi hầu coi Tòa dạy lẽ nào”.

            Thiệt đến bữa hầu, Hội đồng Lợi qua kêu thầy nhứt Phát đi, mà lại có dắt vợ theo nữa.

            Quan Thẩm án kêu Hội đồng vô trước rồi mới kêu tới thầy nhứt. Ngài hỏi mỗi người và lấy khai. Vì lúc đi dọc đường vợ chồng Hội đồng Lợi cứ theo năn nỉ xin thầy nhứt phải khai quả quyết thầy mua ruộng đất đó, chớ không phải cho mượn tên đứng bộ giùm, mà thầy nhứt cũng sợ nếu nói mình cho mượn tên đặng sang bộ, té ra mình gian, bởi vậy Tòa hỏi thì thầy khai quyết rằng mua gia sản của Hội đồng Lợi. Tòa hỏi thầy làm thầy giáo mỗi tháng lãnh lương có mấy chục đồng bạc, lại mới làm thầy giáo vừa hơn một năm, thầy làm sao có tới số bạc bảy chục ngàn mà mua nhà cửa ruộng đất. Thầy ú ớ một hồi rồi khai rằng ấy là bạc của anh thầy là Hà Tấn Tài ở Sài Gòn, cho thầy vay mà mua đó.

            Quan Thẩm án lấy khai xong rồi ngài mới phán rằng Bành Ðại Lợi với Hà Tấn Phát bị phạm tội sang đoạt người thứ nhứt là chánh phạm, người thứ nhì là đồng lõa. Lẽ thì ngài phải giam hết hai người nhưng xét vì một người là điền chủ lớn, còn một người là viên dịch của nhà nước, cả hai đều có gia trụ, vậy ngài cho tại ngoại hầu tra, song không được phép đi đâu xa, hễ có trát đòi thì phải đi hầu.

            Thầy Hội đồng với thầy nhứt bước ra khỏi Tòa đều đổ mồ hôi. Thầy Hội đồng thuật các lời của Tòa hỏi lại cho vợ nghe, thì bà vợ nhứt định phải đi mướn trạng sư. Vợ chồng Hội đồng đi luôn lên Vĩnh Long, còn thầy nhứt thì phải trở về Tiểu Cần, mặt buồn hiu.

            Cách ít ngày, có trát Tòa qua làng mà hỏi tánh hạnh và tài sản của thầy nhứt Phát. Làng lấy sự thiệt mà trả lời, làng nói thầy Hà Tấn Phát làm thầy giáo thì mẫn cán, song ít kiêng nể tổng làng, còn tài sản của thầy thì ngoại trừ số ruộng đất nhà cửa thầy mua của Bành Ðại Lợi, thầy mỗi tháng có lãnh mấy chục đồng bạc lương, chớ chẳng có huê lợi chi khác.

            Thầy nhứt Phát lo sợ, ăn ngủ không được. Thầy tính viết thơ mà tỏ công việc nầy cho anh là Hà Tấn Tài hay, mà vì vợ chồng ông Hội đồng Lợi đi Vĩnh Long về nói đã mướn trạng sư tám trăm đồng và trạng sư đã hứa sẽ làm cho hai người khỏi tội gì hết. Ðã vậy mà thầy nghĩ việc mình làm mình chẳng cố tâm làm quấy, không lẽ nào Tòa phạt mình, nếu mình cho anh hay thì mình làm bận lòng anh chớ không ích chi, bởi vậy thầy tính viết thơ mà rồi thầy không viết.

            Cách mười ngày sau, có nghị định của quan trên gởi cho ông Ðốc học trường Tiểu Cần dạy phải truyền rao cho thầy giáo Hà Tấn Phát hay rằng vì thầy bị Tòa buộc về tội sang đoạt, nên quan trên định ngưng chức thầy, đợi chừng nào Tòa xử xong rồi sẽ định đạt. Ông Ðốc học truyền rao rồi ông nói thêm rằng: “Tôi nói quả hôn hả? Chuyện thầy làm đó khó lắm mà. Thôi bây giờ thầy phải giao đồ mà về ở nhà, chớ kể từ ngày nay còn lương bỗng nữa gì đâu mà dạy. Thầy báo quá, bây giờ tôi phải lên dạy lớp nhứt, chớ biết làm sao”.

            Thầy giáo Phát nghe được tin nầy chẳng khác nào thầy bị sét đánh ngay mình, mắt đổ hào quang, lỗ tai lùng bùng. Thầy giao sách vở lại cho ông Ðốc, không nói được một tiếng. Giao việc vừa xong, kế tới giờ cho học trò ra chơi. Thầy nhơn dịp ấy bắt tay từ giã mấy thầy giáo mà về liền.

            Thầy bước ra đường thầy lấy làm hổ thẹn, lầm lũi đi riết về nhà, không dám ngó ai hết. Về đến nhà thầy nằm dài trên ghế bố, nước mắt tuôn dầm dề. Bây giờ biết tính làm sao? Chắc là phải bị án, mà hễ bị án, thì mất chức chẳng nói làm chi, lại còn bị ở tù nữa mới khổ! Trời ôi! Bước chơn vào đường đời, chí dốc làm việc phải, đi đường ngay. Cái phải, cái ngay đó, tự nhiên kết quả như vậy hay sao? Phải viết thơ cho anh hay mới được. Cha chả! Mà viết thơ bây giờ nói làm sao? Hồi nào mình hứa mình sẽ gìn giữ thân danh, mình chẳng để hổ lương tâm đặng đền bồi cái công nuôi dưỡng ăn học. Bây giờ mình làm đến nỗi bị Tòa buộc tội sang đoạt, đến nỗi bị quan trên ngưng chức, mình đã phụ lòng anh chị, mình đã làm nhục tông môn, lẽ thì mình chết phức cho rồi, còn mặt mũi nào mà viết thơ cho anh nữa. Thôi, khoan viết thơ cho anh, để qua cho vợ chồng Hội đồng Lợi hay coi thầy tính lẽ nào đã.

            Thầy giáo Phát rửa mặt rồi qua nhà thầy Hội đồng Lợi. Thầy tỏ việc thầy mới được giấy ngưng chức. Thầy Hội đồng nghe nói thì chắt lưỡi mắt rưng rưng mà nói rằng: “Thầy muốn cứu tôi mà thầy phải bị hại, thiệt tôi buồn quá. Tôi không dè chuyện trở ra lại khó như vậy, phải mà tôi biết, tôi có dám đâu”.

            Vợ chồng Hội đồng Lợi tiếp nói rằng: “Thầy nhứt nè, ông trạng sư ổng nói chắc lắm. Trước mặt hai vợ chồng tôi, ổng nói việc chẳng khó, hễ ổng cãi thì Tòa tha bổng hết. Thiệt thầy bị ngưng chức, thì vợ chồng tôi hết sức buồn. Song tôi xin thầy chớ phiền, để cho vợ chồng tôi lo. Thầy làm ơn lẽ nào vợ chồng tôi để cho thầy bị án hay sao. Ðể tôi nói cái nầy cho thầy nghe: nếu Tòa mà kêu án thầy với nhà tôi về tội sang đoạt thì tự nhiên mấy cái tờ mua bán đất ấy đều giả hết. Mà hễ tờ ấy giả, thì Tòa phải hủy bỏ, rồi đem bộ ruộng đất lại cho ở nhà tôi đứng cho Chà Và nó thi hành phát mãi còn gì. Vậy vợ chồng tôi phải lo lắm, chớ dám buông đâu mà thầy sợ. Ðể sáng mai vợ chồng tôi qua Trà Vinh mà hỏi dọ lại coi, nếu việc không xong thì tôi mướn thêm một ông trạng sư nữa. Bề nào tôi cũng hết nhà cửa hết ruộng đất. Vậy tốn hao bao nhiêu vợ chồng tôi cũng phải lo, chớ đâu dám lôi thôi”.

            Thầy giáo Phát nghe vợ Hội đồng Lợi nói có lý, nên thầy an tâm mà về. Thầy ở nhà mấy bữa mà chờ trát Tòa đòi hầu. Những người quen biết chẳng có một ai tới thăm, mà có bữa thầy ra đường gặp họ thì họ day mặt đi chỗ khác, không thèm chào hỏi. Thầy đã buồn việc nhà của thầy, mà thầy thấy nhơn tình đen bạc dường ấy thầy càng buồn hơn nữa. Thầy viết thơ cho anh hai ba lần, mà lần nào cũng vậy, hễ tối viết rồi sáng thầy xé, không dám gởi.

            Thầy buồn rầu quá, mà đợi hoài không thấy Tòa đòi hầu. Thầy bèn nhứt định trở về Sài Gòn tỏ thiệt đầu đuôi mọi việc cho anh chị hay, thà là nói trước đặng sau anh chị khỏi phiền trách.

            Thầy mới tính như vậy kế tiếp được thơ của Hà Tấn Tài nói rằng, người có nghe một thầy giáo tùng sự ở Học chánh cho hay Hà Tấn Phát, vì có Tòa buộc tội sang đoạt sao đó, nên bị ngưng chức, vậy người biểu Phát nếu thiệt có như vậy, thì phải về lập tức đặng tỏ hết công chuyện cho người hiểu.

            Thầy giáo Phát được thơ thì thấy không còn dụ dự gì nữa. Thầy qua nhà Hội đồng Lợi mà cho hay rằng thầy phải đi Sài Gòn, và dặn dò hễ có trát Tòa đòi thì phải đánh dây thép cho thầy hay đặng thầy xuống cho kịp hầu. Thầy có viết địa chỉ của thầy trên Sài Gòn rõ ràng mà để lại đặng biết chỗ mà đánh dây thép.

            Vợ chồng Hội đồng Lợi nói cho thầy hay rằng đã có mướn thêm một ông trạng sư nữa rồi, mướn tới một ngàn rưỡi mà mới chồng bạc một ngàn, đặng ổng cãi giúp việc hình rồi cãi luôn việc hộ nữa, vì Chà Và đã vô đơn tại Tòa Hộ mà xin hủy tờ mua bán tài sản của vợ chồng Hội đồng Lợi ký tên.

            Thầy giáo Phát về Sài Gòn, đi dọc đường thầy buồn hiu, thầm tính nếu bị Tòa kêu án và bị mất chức, thì thầy phải tự vận mà chết cho rồi, vì sống như vầy càng nhục càng buồn, chớ không ích gì.

            Xe hơi lên tới Sài Gòn hồi hai giờ rưỡi chiều. Thầy giáo Phát biết giờ ấy anh đã đi làm việc, nên thả chơi ngoài chợ đến sáu giờ tối mới về nhà anh. Thầy chắc về sẽ bị quở trách nặng; té ra bước vô nhà anh thì anh chị đều mừng rỡ, hối bồi bếp lo dọn cơm, chớ không hỏi tới chuyện Tòa buộc tội và chuyện ngưng chức. Cơm nước xong rồi, vợ chồng Hà Tấn Tài nhắc ghế ra ngồi trước hàng ba mà hứng mát, chừng ấy mới kêu thầy giáo Phát mà biểu thuật chuyện dưới Tiểu Cần cho mình nghe.

            Thầy giáo Phát mới khóc mà kể hết đầu đuôi mọi việc, kể chuyện mình không chịu chơi bời, thành ra không hiệp ý thiên hạ, nên thiên hạ ghét, kể chuyện thầy Cai tổng binh con làm bẽ mặt mình tại lớp học, mà ông đốc lại vì thầy Cai mà cho mình quấy, kể chuyện mình lân la chơi với Hội đồng Lợi, sau bị Hội đồng Lợi năn nỉ quá, cầm lòng không đậu, nên chịu ký tên mua giùm hết thảy ruộng đất nhà cửa của Hội đồng Lợi giá là bảy chục ngàn, mới bị Chà Và kiện, rồi Tòa buộc tội ăn ý với Lợi mà sang đoạt điền thổ. Còn việc mình bị ngưng chức, ấy là tại mình làm việc nhà nước mà bị Tòa buộc tội, nên nhà nước phải làm như vậy đặng mình thong thả mà đi hầu Tòa, nếu Tòa xử mình trắng án thì nhà nước sẽ cho phục chức lại, còn nếu mình bị án thì nhà nước sẽ cách chức.

            Thầy giáo Phát kể đủ mọi việc rồi thầy khóc mà nói rằng: “Công chuyện như vậy đó mà em không cho anh chị hay, ấy là em sợ anh chị buồn, chớ không phải làm việc chi quấy nên em giấu. Em nghĩ thiệt cái mạng em vô phước lắm, ở đời em giữ gìn từ chút, không dám làm một mảy nào quấy, mà thiên hạ lại không ưa, em làm ơn cho người ta mà em phải mang họa. Cái công ơn anh chị nuôi em ăn học ngày nay trở ra vô ích, em nghĩ tới em hổ thẹn với anh chị không biết chừng nào”.

            Thầy Hà Tấn Tài ngồi hút thuốc mà suy nghĩ một lát mà thầy nói rằng:

–         Người ta không ưa em đó, nghĩ chẳng lạ gì. Ðời nầy thiên hạ xảo quyệt lắm, tại em ăn ở thiệt thà quá, làm sao mà người ưa được. Mà dầu người ta thương hay là ghét, việc đó chẳng quan hệ gì, họ thương họ cũng không sớt của cho em, mà họ ghét họ cũng không làm chi em được. Bây giờ chỉ lo cái vụ Tòa buộc em đây, phải làm sao vẫy vùng cho khỏi án. Hễ Tòa xử em trắng án, thì tự nhiên em được phục chức, mà còn được làm chủ những tài sản của người ta bán cho em nữa. Ðể anh hỏi thăm việc ấy cho rành, rồi anh sẽ lập thế mà cứu em. Em phải nói cho thiệt, thầy Hội đồng Lợi làm tờ bán cho em những vật gì giá bao nhiêu?

–         Thưa, thẩy bán cho em năm trăm mẫu ruộng ở Phước Long giá bốn chục ngàn đồng, một trăm năm mươi mẫu ruộng giá hai bảy ngàn đồng, nhà cửa tài vật ở Tiểu Cần giá ba ngàn đồng cộng chung bảy chục ngàn đồng

–         Giấy làm tờ cách nào? Có làng thị nhận, có đóng bách phần, có cải bộ rồi hay chưa?

–         Tờ làm theo kiểu tờ duyệt mãi điền sản thuở nay, ruộng Phước Long làm riêng một tờ, ruộng và nhà đất làm riêng một tờ khác. Hai tờ đều có làng thị nhận, có đóng bách phần và có trát dạy làng cải bộ cho nên tên họ em đứng rành rẽ.

–         Em có đem tờ về, thì đưa cho qua xem thử coi.

–         Thưa em đứng bộ giùm cho người ta, nên tờ người ta giữ, em có lấy làm chi.

–         Không hại gì, để qua gởi đơn xin sao lục cũng được. Vậy mà em có làm tờ riêng cho Hội đồng Lợi cầm, nói rằng đứng bộ đó là đứng giùm hay không?

–         Thưa em tính làm mà chưa kịp làm, kế Chà Và kiện.

–         Chắc như vậy hay không? Phải nói cho thiệt.

–         Thưa, chắc. Thầy hội đồng Lợi không có buộc, nên em không có làm tờ gì cho thầy cầm hết.

–         Vậy thì tốt lắm. Từ rày sắp lên em đừng có viết thơ mà cũng đừng có làm tờ gì cho Hội đồng Lợi mà nói đứng bộ giùm đa, nghe hôn.

–         Dạ.

–         Tòa đã có đòi hỏi em hầu rồi, vậy Tòa hỏi, em trả lời làm sao?

–         Tòa hỏi thiệt em mua tài sản ấy hay là đứng bộ giùm. Em khai em mua thiệt. Tòa hỏi em làm gì có tới bảy chục ngàn đồng bạc mà mua ruộng đất đó. Em túng quá, nên khai bướng rằng em vay bạc của anh mà mua.

–         Em khai như vậy sao?

–         Thưa, phải.

–         Tốt lắm, tốt lắm. Em cứ khai như vậy hoài đi. Ðể rồi em làm cho qua cầm một cái giấy vay bạc của qua tám chục ngàn đồng. Giấy phải đề ngày theo lúc em mua ruộng đất đó. Nếu Tòa có đòi thì qua làm chứng cho và qua trình giấy vay cho Tòa xét. Vậy mà em có mướn trạng sư cãi giúp hay không?

–         Thưa, phận em thì em không có mướn, nhưng mà thầy Hội đồng Lợi sợ mắc án rồi ở tù, lại còn bị Chà Và lấy ruộng đất lại mà thi hành phát mãi, bởi vật thẩy mướn tới hai ông trạng sư cãi giúp, tốn tới mấy ngàn đồng bạc.

–         Ðược lắm. Trong vụ nầy, chỗ bí yếu là em làm gì có bảy chục ngàn đồng bạc mà mua ruộng đất. Trạng sư tự nhiên họ thấy chỗ đó, thế nào họ cũng nài nỉ anh làm chứng. Anh thấy em có chỗ giãy khỏi được rồi.

–         Em sợ Tòa nghi anh em mình a ý làm chứng vị, làm tờ giả, rồi Tòa không tin chớ.

–         Mình có bằng cớ rõ ràng, dầu có nghi cũng không bỏ bằng cớ ấy được. Em đừng lo đừng buồn chi hết. Em làm giấy nợ sẵn cho anh cầm, chừng Tòa đòi hầu cứ khai vay bạc của anh. Anh làm chứng trình giấy nợ rành rẽ thì Tòa cũng khó mà làm án em được.

            Thầy giáo Phát thấy anh không quở phạt mà lại còn dạy khôn dại cho mình nữa, thì thầy bớt lo sợ bèn làm giấy vay tám chục ngàn đồng mà giao cho anh cầm. Thầy nghĩ ở Tiểu Cần thiên hạ không ai thương mình, trở xuống đó càng buồn chớ không có ích gì, bởi vậy thầy viết thơ cậy Hội đồng Lợi trả giùm phố của thầy mướn, và dặn hãy có trát đòi hầu thì phải đánh dây thép cho thầy hay, rồi thầy ở luôn trên Sài Gòn, không xuống Tiểu Cần nữa.

 


[1] đọat

[2] đại danh từ ngôi thứ ba, chỉ người vắng mặt ngang vai hoặc lớn tuổi hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.