Ping - Vượt Khỏi Ao TùPing

Chương 3: Khai Tâm Mở Trí



Sau lời khuyên đó, Cú bay đi, hướng theo con đường tràn ngập ánh trăng dẫn đến một nơi không ai biết là đâu, còn Ping thì hồ hởi theo sau, cố hết sức giữ im lặng, nhưng đầu óc nó cứ nghĩ mông lung.

Đối với Ping, tập trung suy nghĩ trong khi cái bao tử đang sôi sùng sục thật không dễ chút nào. Nó đã không ăn gì khá lâu rồi, và nó tự hỏi có nên nói điều này với Cú hay không. Nhưng nó quyết định không nói gì vì lo ngại điều đó có thể sẽ làm phật lòng Cú, khiến Cú lại bay lên một cành cây khác cao hơn, bởi Ping nhảy như vậy là quá đủ rồi.

Thế là nó lầm lũi bám sát Cú trong im lặng, cố tìm những con bọ bay, côn trùng, bò sát, hoặc bất cứ thứ gì có thể ăn được nhằm chống lại những cơn đau nửa đầu đang ập đến. Cứ thế cho đến hơn một giờ trôi qua và Ping đành cất tiếng hỏi Cú nơi họ sẽ đến là đâu.

Cú không trả lời.

Rồi Ping lại hỏi Cú liệu Cú có thể giải thích cho nó nghe mọi việc khi cả hai đã đến nơi không.

– Ta sẽ giải thích cho cháu ngay bây giờ bởi vì cháu không muốn tranh thủ vừa đi vừa suy nghĩ.

– Vâng ạ, vâng ạ. Cháu xin lỗi. – Ping nói.

Cú trừng mắt:

– Ta không cần những lời xin lỗi. Cháu nên để ý tới những suy nghĩ của riêng mình. Hãy dành thời gian để định tâm mà không màng đến những sự việc đang diễn ra xung quanh. Hãy kết nối nội tâm của cháu.

Vượt trên những lời nói, vượt trên những bình luận vô bổ về những khái niệm hay xét đoán là một nơi tối thượng – nơi mà tất cả những mâu thuẫn nội tâm đều phải lặng im trước tiếng gọi chân thành của con tim.

Cuối cùng, cháu sẽ biết rằng chuyến hành trình thật sự của cuộc sống chính là hành trình của con tim về với tổ ấm vốn có của nó.

Cú dừng lại trước một gốc cây bám đầy dây leo và nhắm mắt lại.

– Nghe xem nào. Cháu có nghe thấy gì không? Cháu có nghe thấy tiếng nói của con tim mình không?

Nếu không nghe được thì hãy đi sâu hơn nữa. Nó đang đợi cháu ở đó. Hãy đón chào sức mạnh của nó. Hãy học cách tin tưởng vào sức mạnh vô tận của nó. Khi nào cháu nghe được tiếng gọi đó, hãy đi theo nó, bởi nó luôn biết đưa cháu đến nơi cần đến.

Ping nhắm mắt và cố gắng tập trung. Thật không dễ dàng gì.

– Cháu vẫn còn phân tâm. – Cú giải thích.

– Hãy tập trung vào cái “không” và trút bỏ hết những gì cháu biết. Đầu óc cháu phải hoàn toàn trống rỗng để đón nhận cuộc sống của chính cháu. Chỉ khi nào đầu óc ta “trống rỗng” thì ta mới có thể được đổ đầy điều khác vào được. Lúc đó, cháu sẽ có “cái Tâm của kẻ bắt đầu giác ngộ”.

Nhưng ngay bây giờ, cháu phải rèn luyện khả năng tập trung hoàn toàn vào những việc cháu làm. Lúc đầu nó sẽ tiêu tốn khá nhiều năng lượng của cháu đấy. Dần dần, cũng như mọi sự rèn luyện khác, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.

Hãy học cách hợp nhất bản thân với sứ mệnh trước mắt, và rồi cháu sẽ trở nên hợp nhất với vũ trụ cùng vạn vật.

Ping trố mắt nhìn Cú. Không còn nghi ngờ gì về sự thông thái của Cú nữa.

Ngồi ngay ngắn trong yên lặng tuyệt đối, Ping bắt đầu lại với sự tập trung cao độ.

Cú dạy rằng chỉ trong vô thức, ta mới có thể nhận ra sự thức tỉnh của bản ngã.

Ping nhắm mắt lại và chìm sâu vào vô thức. Không chỉ tâm hồn mà cả tinh thần của nó cũng cần phải được soi xét. Và, cả con tim của nó cũng vậy.

Đầu óc Ping căng lên, và nó thở dài. Rõ ràng chuyện này cần thêm nhiều bài học từ Cú mới có thể tạo ra sự khác biệt được.

Cú thì không bận tâm. Cú biết rằng con đường đi vào sự tri ngộ về vũ trụ tùy thuộc vào chân lý rằng chính người học trò mới sống với những gì đã đúc kết được. Là người dìu dắt, Cú biết sứ mệnh của mình không chỉ đưa ra những lời chỉ dạy, mà cả sự khích lệ và lòng kiên nhẫn.

Và thế là những bài học bắt đầu.

Trong nhiều tuần liền, Cú dạy Ping rất nhiều điều, bắt đầu bằng ý nghĩa của việc chấp nhận mạo hiểm – không phải theo kiểu thiếu thận trọng khi mạo hiểm hành động để rồi chuốc lấy thất bại thảm hại, mà phải là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hành động có cân nhắc để đem lại khả năng thành công cao nhất.

Cú giải thích rằng để đạt được kỳ tích, Ping cần phải trải nghiệm việc chấp nhận mạo hiểm. Chỉ có mạo hiểm mới biến cơ hội thành hiện thực.

Tuy nhiên, Cú cũng thận trọng cảnh báo Ping về tầm quan trọng của việc hiểu rõ những hậu quả có thể đến cùng với việc dám chấp nhận mạo hiểm.

– Mạo hiểm khi được tính toán kỹ lưỡng thì rủi ro đã giảm đi một nửa. – Cú nói.

Hãy phân tích rõ mạo hiểm, xác định nó một cách chính xác và làm rõ những trở ngại và khó khăn phải vượt qua để cháu có thể thành công.

Và, hãy chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ, đồng thời tiên liệu rõ hậu quả xấu nhất có thể xảy đến và kế hoạch đối phó ra sao. Điều quan trọng là: Hãy suy nghĩ thật cẩn thận trước khi hành động!

Ping khắc sâu vào tâm khảm tất cả những gì Cú nói, nhất là câu mà Cú đã dừng lại để nhấn mạnh: “Né tránh mạo hiểm là đối đầu với mạo hiểm lớn nhất”.

Ngay lúc đó và ngay tại đó, Cú nói rằng chỉ những ai dám mạo hiểm mới có thể lập nên kỳ tích và đường đến thành công thường là con đường ít được chọn lựa nhất.

– Hãy là người tạo ra khả năng, – Cú thúc giục. – Hãy hiểu rằng sai lầm có thể khắc phục và không hành động thì tâm hồn sẽ bị giam cầm.

Hãy nhớ rằng, cháu sẽ thất vọng vì những việc cháu đã không làm nhiều hơn là vì những việc cháu đã làm. Bác nhắc lại một lần nữa, cháu phải hành động để tồn tại.

Và trong khi Ping cứ hỏi hết câu này đến câu khác thì Cú vẫn tập trung nhấn mạnh một điều rằng mạo hiểm là chất xúc tác cho sự biến chuyển và sự biến chuyển đó có thể đưa ta đến vị trí mà ta mong muốn.

Trưởng thành là quá trình đương đầu với mạo hiểm. Không dám mạo hiểm sẽ làm bạn mất đi cơ hội trải nghiệm vận mệnh của mình.

Nói tóm lại, Cú nhấn mạnh ý nghĩa của việc tìm hiểu sự mạo hiểm từ mọi góc độ, và nhấn giọng rằng: “Cách tốt nhất để rèn luyện tinh thần dám chấp nhận mạo hiểm là hãy thử bắt tay vào làm”.

Ping đã thấu hiểu lời dạy của Cú và tâm nguyện:

“Cháu hứa sẽ cố gắng hết sức để chấp nhận các thử thách của mạo hiểm.”

“Cháu sẽ cân nhắc thật kỹ việc chấp nhận mạo hiểm với việc không dám mạo hiểm.”

“Như những gì bác chỉ dạy, cháu sẽ xem việc mạo hiểm khôn ngoan là một phần cuộc sống của mình.”

“Cháu sẽ tạo dựng cho mình lòng tự tin dám mạo hiểm, bắt đầu từ những cuộc mạo hiểm nhỏ cho đến khi nào cháu thấy thoải mái và tự tin thực hiện những cuộc mạo hiểm lớn hơn.”

– Bác Cú ơi, bác quả là một thiên tài. Cháu hứa cháu sẽ không chịu thất bại.

– Còn ta cam đoan rằng cháu sẽ gặp thất bại, – Cú lập tức chỉnh lời Ping. – Thất bại thường xuyên và khủng khiếp hơn là cháu có thể tưởng tượng đấy. Mỗi thất bại sẽ đau đớn đến tận cùng và làm cháu rúm ró lại, khóc than và gục ngã ngay lập tức, bởi vì đó là những gì thất bại có thể làm.

Nhưng hơn cả sức tàn phá và hủy hoại của thất bại thì có một thứ còn ghê gớm và tồi tệ hơn nhiều: đó là việc chưa từng thất bại. Bởi vì nếu chưa từng thất bại thì cháu sẽ không có ý chí đi tới để thành công được.

Hãy tâm niệm rằng thất bại là một trong những người thầy giỏi nhất trên đời.

Nếu như nước không ngừng nuôi dưỡng vạn vật, thì thất bại làm cho cuộc sống phong phú hơn – nó đem lại chân lý và sự khôn ngoan, sự thấu hiểu và trải nghiệm giúp cháu trưởng thành hơn. Hãy xem thất bại là những bài học cần phải học để thành công, chỉ thế thôi.



Điều mà cháu phải tạc dạ ghi lòng là: Đừng để thất bại đánh bật cháu ra khỏi những gì cháu mong muốn và khát khao, hoặc ngăn cản cháu sống một cuộc sống tốt đẹp.

Thất bại có thể vượt qua – hoặc không thể vượt qua. Lạy trời, điều đó lại luôn tùy thuộc vào cháu đấy.

– Cháu không phải là kẻ dễ dàng đầu hàng đâu! – Ping nói.

– Để rồi xem. – Cú thầm nói với chính mình.



*


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.