Sáu Chiếc Mũ Tư Duy

5. Chiếc mũ xanh lá cây



Chiếc mũ xanh lá cây là chiếc mũ của năng lượng. Hãy nghĩ về màu xanh của cây cối. Hãy nghĩ về sự sinh trưởng. Hãy nghĩ tới những cành non và lộc mới. Chiếc mũ xanh lá cây là chiếc mũ sáng tạo.

Khi sử dụng chiếc mũ xanh lá cây, chúng ta tìm kiếm và đưa ra những ý tưởng mới, đưa ra những phương án và những sự lựa chọn. Đó có thể là một sự lựa chọn có sẵn hoặc sự lựa chọn mới. Sử dụng chiếc mũ xanh tư duy, chúng ta gắng sức để sửa đổi và hoàn thiện những ý tưởng đã được nêu ra.

Giá trị của chiếc mũ xanh lá cây tư duy chính là cơ hội để tất cả mọi người nỗ lực một cách sáng tạo. Không phải chỉ người chủ trì, hoặc người đưa ra ý tưởng mới cần tư duy sáng tạo, tất cả các thành viên đều chờ đợi để đưa ra những ý tưởng mới. Khi sử dụng chiếc mũ xanh, mọi người được chờ đợi để thể hiện những nỗ lực sáng tạo, hoặc là giữ yên lặng. Con người không thích ngồi yên lặng, do đó, ai cũng nỗ lực tìm kiếm sự sáng tạo.

Sự phân bổ thời gian có chủ tâm để mọi người phát huy nỗ lực sáng tạo là rất quan trọng. Sự sáng tạo chính là chìa khoá của lối tư duy này. Khía cạnh “kỳ vọng” cũng rất quan trọng đối với chiếc mũ xanh tư duy. Mọi người thường thể hiện rất tốt những gì mà người khác kỳ vọng vào họ. Mọi người thường là những người “chơi” tuyệt vời trong “một trò chơi” khi họ nhận thức được rằng họ đang tạo ra những sự tiến triển. Kết quả là có những người chưa bao giờ nghĩ mình là một người sáng tạo lại có thể bắt đầu một nỗ lực sáng tạo. Họ có thêm sự tự tin và họ sớm nhận ra rằng họ cũng là những người sáng tạo như tất cả những người khác

Sử dụng chiếc mũ xanh lá cây, bạn được phép nêu ra những ý tưởng chỉ là “những khả năng”. Những khả năng này giữ một vai trò quan trọng trong lối tư duy hơn là mọi người nghĩ. Không có “những khả năng” bạn chẳng thể nào có thể tiến lên. Hai ngàn năm trước, Trung Quốc là một quốc gia có nền công nghệ phát triển hơn cả công nghệ của phương Tây. Nhưng sau đó, sự tiến triển dường như chấm dứt. Mọi người cho rằng đó là do người Trung Quốc đã không phát triển được những học thuyết.. Nếu không phải là người đủ sức đưa những khả năng phát triển thành thực tế, chúng ta sẽ không thể đạt được sự tiến bộ.

Thật sai lầm khi chúng ta cho rằng sự tiến bộ được nảy sinh dựa trên sự phân tích thông tin và sự suy luận lôgíc. Nếu chúng ta không có bộ khung của những khả năng, chúng ta thậm chí không có những cái nhìn mới để nhìn nhận thông tin. Khi sử dụng chiếc mũ xanh, mọi người được khuyến khích đưa ra những ý kiến, dạng như: “Chúng ta có thể làm điều này, hoặc điều này, hoặc điều này”. Chiếc mũ xanh tư duy cũng được sử dụng để hoàn thiện những thiếu sót được chỉ ra bởi chiếc mũ đen tư duy. Sử dụng mũ xanh tư duy, mọi người gợi ý để sửa đổi một ý tưởng nhằm tránh những thiếu sót. Chiếc mũ xanh cũng là chiếc mũ gợi ý cho những ý tưởng mới.

Chiếc mũ xanh tư duy bao gồm cả sự sáng tạo đột phá và sự sáng tạo cẩn trọng.

Nếu sử dụng chiếc mũ xanh tư duy, có quá nhiều ý tưởng và khả năng được đưa ra, mọi người sẽ không có đủ thời gian để xem xét hết chúng ngay trong cuộc họp. Khi đó, chiếc mũ đỏ tư duy được sử dụng để chọn ra những ý tưởng phù hợp với một tiêu chí khung. Ví dụ, tiêu chí khung ở đây có thể là những “Ý tưởng với mức chi phí thấp” hoặc “những ý tưởng dễ thử nghiệm”. Những ý tưởng khác sẽ được xem xét sau. Theo cách này khả năng tiềm tàng của chiếc mũ xanh vẫn có thể được sử dụng theo một cách riêng.

LỐI TƯ DUY SÁNG TẠO

Những ý tưởng mới, những khái niệm mới và những cách nhìn nhận mới

Những ý tưởng mới với sự sáng tạo được cân nhắc kỹ càng.

Những lựa chọn nối tiếp những lựa chọn.

Sự thay đổi.

Những cách tiếp cận mới đối với sự việc.

Chiếc mũ xanh tư duy liên quan đến những ý tưởng mới và những cách thức mới để xem xét sự việc. Chiếc mũ xanh tư duy là cơ hội để mọi người vượt lên những ý tưởng cũ để tìm những ý tưởng mới tốt hơn. Chiếc mũ xanh tư duy liên quan đến sự thay đổi. Lối tư duy chiếc mũ xanh là một lối tư duy của những nỗ lực trọng tâm và cẩn trọng hướng đến sự thay đổi.

Hãy sử dụng chiếc mũ xanh để đưa ra những ý tưởng mới về vấn đề này.

Chúng ta đang bị sa lầy. Chúng ta cứ giữ những ý tưởng cũ và xem xét chúng Đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn để có một cách tiếp cận mới. Đây là thời gian để chúng ta sử dụng chiếc mũ xanh. Chúng ta hãy bắt đầu thôi.

Anh vừa đưa ra những cách tiếp cận vấn đề theo cách truyền thống. Chúng ta sẽ xem xét những ý tưởng đó sau. Nhưng trước hết chúng ta hãy dành mười phút để sử dụng chiếc mũ xanh tư duy và xem xem liệu chúng ta có thể có một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ.

Khi sử dụng chiếc mũ xanh, chúng ta cần sáng tạo, bởi đó là phần việc của chiếc mũ xanh. Chúng ta cần sự sáng tạo bởi vì chúng ta nhận thấy sự việc có thể được tiến hành theo cách dễ đàng và đơn giản hơn.

Sự hối thúc tiến hành công việc theo một cách tốt hơn nên được xem là nền tảng của tất cả những suy nghĩ của chúng ta. Tuy nhiên, có nhiều khi chúng ta cần vận dụng sự sáng tạo một cách chủ đích và có cân nhắc cẩn trọng.

Chiếc mũ xanh chính là công cụ chuyển hướng tư duy hướng tới sự sáng tạo, cũng như chiếc mũ đỏ là công cụ để chúng ta hướng tư duy đến những cảm nhận và đối với chiếc mũ đen là sự cẩn trọng.

Trên thực tế, mọi người cần thực hành sử dụng chiếc mũ xanh tư duy nhiều hơn những chiếc mũ tư duy khác. Để học lối tư duy sáng tạo, đôi khi cần đến cả những ý tưởng mang tính chất khiêu khích, mà những ý tưởng này dường như đi ngược lại với lôgíc. Và khi chúng ta làm điều này, chúng ta cần có cách để mọi người xung quanh hiểu rõ rằng chúng ta đang đóng vai trò của một anh hề khuấy động một cách có cân nhắc khi chúng ta khích động những khái niệm mới. Ngay cả khi không cần đến sự khích động, thì những ý tưởng mới chính là những hạt giống mới được nảy mầm và cần chiếc mũ xanh để bảo vệ chúng khỏi đám sương mù của thói quen tư duy theo kiểu mũ đen.

Với mỗi chiếc mũ tư duy, tôi đều trình bày chúng với nhiều khía cạnh khác nhau, và do vậy giá trị nổi bật của sáu chiếc mũ tư duy cũng có nhiều khía cạnh khác nhau. Bạn có thể yêu cầu một ai đó sử dụng một chiếc mũ cụ thể và sau đó hãy thử tư duy theo cách đó. Bạn có thể chỉ ra lối tư duy nhất định mà bạn đang mong muốn. Bạn cũng có thể làm hiệu cho những người khác rằng bạn đang cố gắng để tư duy theo một cách riêng và do đó mọi người nên xem xét những đóng góp của bạn theo một cách phù hợp. Nhưng khía cạnh quan trọng nhất chính là việc bạn có thể ra hiệu cho chính bản thân bạn. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với chiếc mũ xanh. Bạn cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng chiếc mũ xanh, và điều này có nghĩa là xác định dành thời gian để tư duy sáng tạo. Điều này khác hẳn với việc bạn ngồi chờ ý tưởng tự đến với bạn. Bạn có thể không đưa ra được ý tưởng mới nào vào thời gian sử dụng chiếc mũ xanh tư duy, nhưng bạn đã nỗ lực để làm điều này. Và bởi vì bạn đã chủ tâm để nỗ lực tư duy sáng tạo, hạn sẽ thấy rằng hiệu suất của những ý tưởng đã tăng lên. Theo cách này, lối tư duy chiếc mũ xanh làm cho sự sáng tạo trở thành một phần của hệ thống tư duy, chứ không phải là một lối tư duy quá cao siêu.

Đối với hầu hết mọi người thì lối tư duy sáng tạo là một điều khó khăn bởi vì nó trái ngược với thói quen tư duy chấp nhận phán xét và chỉ trích. Bộ não được thiết kế như là một “cỗ máy chấp nhận”. Bộ não được thiết kế để sắp xếp theo những khuôn mẫu, để sử dụng chúng và để phủ nhận tất cả những gì không phù hợp với những khuôn mẫu đó. Hầu hết mọi người đều thích được an toàn. Họ thích là những người nắm giữ phần phải. Sự sáng tạo bao gồm sự khích động sự khám phá và cả những rủi ro. Sự sáng tạo liên quan đến những “sự thử nghiệm tư duy”. Và bạn chẳng thể nào nói trước được sự thử nghiệm đó sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng bạn muốn là một người có thể thực hiện sự thử nghiệm đó.

Mọi người lưu ý rằng tôi đang sử dụng chiếc mũ xanh tư duy do đó tôi được phép trình bày những ý tưởng như trên. Chiếc mũ xanh cho phép tôi làm điều này.

Tôi cho rằng chúng ta đang sử dụng chiếc mũ xanh tư duy. Tuy nhiên những suy nghĩ của chúng ta lại quá thận trọng. Liệu đó có phải là lối tư duy chiếc mũ đen?

Với chiếc mũ xanh, tôi đề xuất chúng ta nên trợ cấp một khoản tiền phù hợp cho những tù nhân chịu án dài khi họ hết án. Hành động này có thế giúp họ quay trở lại với cộng đồng, giúp họ hoà nhập và ngăn ngừa họ qua lại con đường phạm tội cũ. Mọi người có thể coi đây là một đề xuất kích động nếu mọi người muốn.

Dưới sự bảo hộ của chiếc mũ xanh, tôi có đề xuất chúng ta sa thải bộ phận bán hàng.

Bản thân chiếc mũ xanh không thế làm cho mọi người có thêm sáng tạo. Tuy nhiên, chiếc mũ xanh có thể dành ra một thời gian và sự trọng tâm để mọi người cố gắng là những người sáng tạo hơn. Nếu bạn dành càng nhiều thời gian để lựa chọn, bạn có thể càng có nhiều lựa chọn hơn. Thường thì những người trở thành người sáng tạo chính là những người dành nhiều thời gian để cố gắng là một người sáng tạo bởi vì họ có động lực thúc đẩy chính là sự sáng tạo. Chiếc mũ xanh tư duy là công cụ thúc đẩy mọi người một cách nhân tạo. Thật khó để thúc đẩy một người nào đó là một người sáng tạo, nhưng bạn có thể dễ dàng yêu cầu người đó sử dụng chiếc mũ xanh và để chiếc mũ xanh chỉ lối cho họ.

Sự sáng tạo đòi hỏi nhiều hơn sự tích cực và sự lạc quan. Cảm giác tích cực và lạc quan phù hợp với lối tư duy chiếc mũ đỏ. Sự đánh giá tích cực phù hợp với lối tư duy chiếc mũ vàng. Với lối tư duy mũ xanh, nó đòi hỏi những ý tưởng thực sự mới mẻ, những cách tiếp cận mới và những lựa chọn mới.

Với chiếc mũ trắng tư duy, chúng ta đưa ra những thông tin một cách chủ đích và trung lập. Với chiếc mũ đen tư duy, chúng ta đưa ra những suy nghĩ phê phán. Với chiếc mũ vàng tư duy, chúng ta muốn có được những nhận xét tích cực, nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể làm được. Với chiếc mũ đỏ tư duy, chúng ta chờ đợi mọi người nêu lên những cảm giác liên quan đến vấn đề, ngay cả khi đó là những tình cảm chung chung. Tuy nhiên, Chúng ta yêu cầu mọi người sự nỗ lực. Chúng ta yêu cầu cần có thời gian đề nay sinh nhưng ý tưởng mới. Ngay cả khi có ai đó không đưa ra được ý tưởng mới nào, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta đã đành thời gian để nỗ lực.

Bạn không thể ra lệnh cho bản thân bạn (và những người khác) phải có được ý tưởng mới, nhưng bạn có thể yêu cầu chính bạn (và những người khác) dành thời gian để cố gắng có ý tưởng mới. Sử dụng chiếc mũ xanh giúp bạn thực hiện điều này.

TƯ DUY MỚI LẠ

Lối tư duy mới lạ và mối liên hệ của nó với sự sáng tạo.

Sự hài hước và tư duy khác lạ.

Khuôn mẫu chuyển đổi trong hệ thống thông tin được tổ chức của từng cá nhân…

Để viết về lối tư duy chiếc mũ xanh, tôi đã sử dụng từ “sáng tạo” bởi vì đây là một từ thường dùng. Nhiều độc giả khi đọc cuốn sách này có lẽ chưa từng được nghe đến tên tôi hoặc khái niệm lối tư duy mới lạ của tôi. Tôi cũng muốn chỉ ra rằng lối tư duy mũ xanh bao chùm sự cố gắng sáng tạo với phạm vi rộng lớn và lốii tư duy mới lạ là một bộ phận của nó.

Tôi phát minh ra thuật ngữ “tư duy mới lạ” năm 1967, thuật ngữ này nay là một từ chính thức trong tiếng Anh, trong các cuốn từ điển Anh ngữ Oxford đều in từ này trong danh mục từ vựng.

Tôi phát minh ra thuật ngữ “tư duy mới lạ” bởi hai lý do.

Lý do đầu tiên đó chính là do từ sáng tạo có nghĩa quá rộng và mơ hồ, như tôi đã nêu trong phần chiếc mũ vàng. Sự sáng tạo dường như bao trùm tất cả mọi thứ, từ việc tạo ra sự lộn xộn tới việc tạo nên một sự tổng hòa.

Tư duy mới lạ liên quan một cách chính xác tới sự thay đổi khái niệm và cách nhìn nhận; Đó chính là nguồn gốc hình thành các khuôn mẫu tư duy.

Lý do thứ hai là do tư duy mới lạ chủ yếu dựa trên lỗi ứng xử với thông tin trong hệ thống thông tin được tổ chức của từng cá nhân. Tư duy mới lạ là khuôn mẫu chuyển đổi trong một hệ thống khuôn mẫu không đối xứng. Tôi biết điều này nghe như một thuật ngữ kỹ thuật, là chẳng cần phải hiểu được đặc tính chuyên môn của thuật ngữ tư duy mới lạ thì mới có thể vận dụng nó. Tuy nhiên, tôi vẫn trình bày bởi vì sẽ có những người muốn biết về nó. Cũng như tư duy lôgic dựa trên ngôn ngữ biểu tượng của cách cư xử (một thế giới riêng), tư duy mới lạ dựa trên những hệ thống khuôn mẫu của cách cư xử (cũng là một thế giới riêng).

Trên thực tế có mỗi liên hệ mật thiết giữa cơ chế của sự hài hước và cơ chế của tư duy mới lạ. Cả hai đều phụ thuộc vào sự nhìn nhận khuôn mẫu tự nhiên theo cách bất đối xứng. Đó có thể là sự chuyển đổi bất ngờ hoặc một sự nhận biết kỹ lưỡng sau khi xem xét những điều sẵn có.

Các kỹ xảo yêu cầu của lối tư duy mới lạ (những dạng khác nhau của sự công kích và sự chuyển dịch) dựa trực tiếp trên hệ thống khuôn mẫu cư xử. Các kỹ xảo được thiết kế để giúp chúng ta “đi tắt” so với khuôn mẫu thay vì phải tuân theo một cách tuần tự. Và khi chúng ta thực hiện những bước đi tắt như vậy, chúng ta có thể tạo nên một khuôn mẫu cư xử mới hợp lý, và nó kích thích chúng ta giống như chúng ta vừa tạo ra một phát minh.

Văn hóa tư duy của chúng ta thường tuân theo “một quy trình tư duy”. Chúng ta đã phát triển những hệ thống tuyệt vời, đó là hệ thống toán học, thống kê học, hệ thống xử lý thông tin, hệ thống ngôn ngữ và lôgíc. Nhưng tất cả hệ thống theo qui trình này được vận dụng khi chúng ta nhận thức được tất cả những biểu tượng, sự liên quan của chúng. Sự nhận thức làm giảm sự phức tạp của thế giới xung quanh ta. Và tư duy mới lạ chính là một cách nhận thức theo hướng cố gắng làm thay đổi những khuôn mẫu tư duy sẵn có.

Tư duy mới lạ bao gồm thái độ nhìn nhận, cách biểu đạt, các bước và các kỹ xảo. Trong cuốn “Lối tư duy mới lạ” và cuốn “Tư duy mới lạ dành cho các nhà quản trị” tôi đã đề cập kỹ đến điều này. Tôi không nhắc lại ở cuốn sách này nữa.

Tuy nhiên, tôi sẽ điểm lại những điểm cơ bản của lối tư duy mới lạ ở những phần tiếp theo của cuốn sách này, bời vì những điểm này cũng là những điểm cơ bản của lối tư duy mũ xanh.

HÀNH ĐỘNG THAY CHO PHÁN XÉT

Vận dụng một ý tưởng giống như một tảng đá tựa.

Điều này sẽ dẫn bạn đi đến đâu? Hiệu quả tiến bộ của một ý tưởng.

Thông thường, tất cả chúng ta đều tư duy theo cách xét đoán. Liệu ý tưởng này có gì giống và khác so với những ý tưởng mình đã biết? Liệu ý tưởng này so với kinh nghiệm khuôn mẫu có sẵn của mình có gì giống và khác? Chúng ta xét đoán để chỉ ra những điều giống và những điều khác so với những điều chúng ta biết trước. Lối tư duy phê phán và lối tư duy chiếc mũ đen liên quan trực tiếp tới việc nhìn nhận một đề xuất xem nó phù hợp với những gì chúng ta đã biết.

Chúng ta có thể gọi đây là “hiệu quả thụt lùi” của một ý tưởng. Chúng ta nhìn lại những gì đã có trong quá khứ để đánh giá một ý tưởng. Nó giống như việc miêu tả một sự việc đã biết, chúng ta chờ đợi ý tưởng phù hợp với sự hiểu hiết của chúng ta. Chúng ta có thể làm thế nào khác để biết được rằng những ý tưởng đó là đúng?

Rõ ràng sự xét đoán (lối tư duy mũ vàng và mũ đen) là cần thiết đối với quá trình tư duy. Chúng ta không thể làm điều gì mà thiếu đi sự xét đoán. Tuy nhiên, khi sử dụng chiếc mũ xanh, chúng ta phải có cách nhìn nhận. Lúc này sự xét đoán nhường chỗ cho sự tiến triển.

Sự tiền triển là nhân tố quan trọng của tư duy mới lạ. Đó cũng là một thành ngữ khác mà tôi tạo ra. Tôi muốn mọi người hiểu rõ rằng sự tiến triển không chỉ đơn thuần là sự bỏ qua việc xét đoán. Tiếp cận lối tư duy sáng tạo, những quan điểm trước đây thường nói về việc trì hoãn, tạm hoãn hoặc cản trở sự xét đoán. Tôi nghĩ điều này là chưa đủ, bởi vì họ chỉ chỉ ra cho chúng ta những điều chúng ta không được làm, mà không nói rõ chúng ta phải làm gì.

Sự tiến triển là một cách biểu đạt sinh động. Chúng ta sử dụng một ý tưởng để đạt được giá trị tiến triển. Có nhiều cách khác nhau để có được sự tiến triển dựa trên một ý tưởng, đó là sự chắt lọc phần chính và dựa vào sự khác biệt.

Nhờ vào sự tiến triển, chúng ta sử dụng một ý trưởng để nhằm đạt được hiệu quả tiến lên. Chúng ta sử dụng một ý tưởng để xem xem nó sẽ mang lại cho chúng ta điều gì, dẫn chúng ta tới đâu, và làm cho chúng ta tiến về phía trước. Cũng giống như việc chúng ta sử dụng một tảng đá bậc để nhảy tắt từ bờ song này sang bờ song khác, chúng ta sử dụng sự kính động như một tảng đá bước để nhảy vọt từ khuôn mẫu này sang khuôn mẫu khác.

Tôi muốn sử dụng ý tưởng này để đạt được giá trị tiến triển chứ không phải giá trị xét đoán. Hãy coi rằng tất cả mọi người đều trở thành cảnh sát.

Cũng chính nhờ sự kích động như vậy mà tôi đã phát minh ra khái niệm mới “sự canh chừng khu vực”, tôi đã trình bày điều này chi tiết trong loạt truyện được đăng trên tạp chí Newyork tháng 4 năm 1971. Ngày nay, khái niệm này đã được hơn 20 nghìn cộng đồng dân cư ở Mỹ sử dụng. Nội dung của ý tưởng là mỗi người dân chính là tai mắt của cảnh sát với mục đích để ngăn ngừa và khám phá tội phạm trong khu vực mình ở. Mọi người nói rằng áp dụng khái niệm mới này, tình trạng phạm tội trong khu vực họ ở đã giảm đáng kể.

Giả sử chúng ta sẽ làm những chiếc bánh Hăm-bơ-gơ hình vuông. Bạn nghĩ gì từ ý tưởng đó?

Giả sử rằng cam kết bảo hiểm có thể chuyển đổi được, tức là người này có thể bán trực tiếp cho người khác, bạn hãy sử dụng chiếc mũ xanh để nói về điều này.

Điều này có thể dẫn đến ý tưởng rằng nên có dịch vụ bảo hiểm có thể chuyển đổi được. Như vây, tự mọi người sẽ định tỷ lệ mạo hiểm của họ. Nếu bạn là tuýp người mạo hiểm kiểu 3A, bạn có thể thu được lợi nhờ chỉ tham gia một cam kết bảo hiểm duy nhất. Nhưng nếu bạn là tuýp người mạo hiểm kiểu 2A, bạn sẽ thu được ít lợi nhuận hơn.

Có nhiều khi chúng ta bắt đầu với một ý tưởng và sử dụng nó như một tảng đá bước nhưng khi kết thúc chúng ta lại có một ý tưởng hoàn toàn khác. Chúng ta chỉ chặt lọc những điều căn bản từ tảng đá bước và sử dụng những điều căn bản đó. Cũng có khi chúng ta bắt đầu với một ý tưởng hạt giống và chúng ta nuôi dưỡng chúng đến tận khi nó phát triển thành một cây cứng cáp. Cũng có khi chúng ta bắt đầu với một ý tưởng mơ hồ, sau đó chúng ta định hình và đưa nó gắn với thực tế. Tất cả đều là các khía cạnh của sự tiến triển. Điều quan trọng nhất cần nhớ là chúng ta tiến về phía trước với một ý tưởng, xuất phát từ một ý tưởng ban đầu.

Xuất phát từ đề xuất những ai muốn được thăng chức nên mặc áo sơ mi màu vàng. Bạn hãy sử dụng chiếc mũ xanh và nói cho tôi biết bạn nghĩ gì về ý tưởng này.

Nó khiến tôi nghĩ về một người tự chọn cách đó để tự huyễn hoặc bản thân và chọn cho mình chiếc sơ mi màu vàng. Anh ta sống trong ảo tưởng của mình.

Nó khiến tôi nghĩ về cách để nhận ra những người tham vọng nhưng lại không xuất phát từ năng lực bản thân. Nhưng nó cũng có thể có ý nghĩa huấn luyện đối với những người này và khiến cho họ có thêm các kỹ năng.

Nó khiến tôi nghĩ về các luật lệ của trò chơi. Chiếc áo sơ mi vàng là luật bắt buộc của những người muốn chơi trò được thăng chức và mọi người đều biết điều này. Nhưng liệu có bao nhiêu nhân viêtn biết được rằng họ thực sự cần làm gì để được đề bạt.

Nó khiến tôi nghĩ về những người không muốn thăng chứ. Họ có thể tỏ rõ điều này bằng cách không bao giờ mặc áo sơ mi màu vàng. Họ chỉ muốn ở yên vị trí công tác của họ.

Nó khiến tôi nghĩ về cách để đề bạt lãnh đạo. Một người cần phải chắc chắn về vị trí của mình với những người xung quanh trước khi anh ta mạo hiểm mặc chiếc áo sơ mi màu vàng.

Chính nhờ sự tiến triển, chúng ta có những ý tưởng hữu ích mới. Và chẳng ý tưởng nào trong đó xuất phát từ quan niệm đơn giản là màu áo sơ mi vàng của ý tưởng ban đầu.

Có đề xuất rằng chúng ta nên làm việc vào thứ bảy và nghỉ vào ngày thứ tư giữa tuần. Anh hãy sử dụng chiếc mũ xanh và nói về điều này.

Bởi vì không ai muốn làm việc vào ngày nghỉ nên có gợi ý rằng chúng ta nên thuê những công nhân chỉ làm cố định vào thứ bảy và chủ nhật. Tôi gợi ý điều này mặc dầu dường như nó khó áp dụng bởi vì chiếc mũ xanh cho phép tôi làm điều này.

Trên thực tế, ý tưởng trên đã được thử nghiệm và thành công rực rỡ. Sử dụng chiếc mũ xanh xem xét một ý tưởng khiến cho ý tưởng dường như trở nên đủ hấp dẫn để chúng ta thử nghiệm ( chiếc mũ vàng tư duy cũng cho phép chúng ta làm điều này).

Sự tiến triển vượt lên hẳn sự đánh giá tích cực một ý tưởng. Sự tiến triển là một quá trình năng động, chứ không phải là một quá trình xét đoán.

Ý tưởng này có điều gì thú vị? Có điều gì khác biệt ở ý tưởng này? Ý tưởng này gợi ý điều gì? Ý tưởng này dẫn chúng ta tới đâu? Tất cả những câu hỏi như vậy đều giúp chúng ta xem xét vấn đề một cách tiến bộ.

Điểm mấu chốt cần nhớ là khi sử dụng chiếc mũ xanh tư duy, chúng ta thay đổi tư duy xét đoán bằng tư duy tiến bộ.

SỰ CẦN THIẾT PHẢI KHÍCH ĐỘNG

Sử dụng khái niệm khích động.

Sự lôgíc của những tư duy vô lý.

Sự khích động ngẫu nhiên.

Các khám phá khoa học luôn được đề cập đến như thể chúng được hoàn thiện từng bước theo một khuôn mẫu lôgíc. Đôi khi, thực tế xảy ra đúng như vậy. Nhưng cũng có khi sự tuần tự lôgíc chỉ là lập luận theo sau để bao trùm những điều thực tế đã xảy ra. Một lỗi lầm chưa hề được dự tính hoặc một tai nạn xảy ra và điều này tạo điều kiện để khích động những ý tưởng mới.

Thuốc kháng sinh được tìm ra nhờ sự tình cờ khi người ta làm vương vào đồ ăn chất Penicillium. Mọi người cũng nói rằng Cô-lôm-bô dám chèo thuyền băng qua Đại Tây Dương cũng chỉ vì ông ta dựa theo cách tính toán cũ và tính toán sai lầm một cách nghiêm trọng khoảng cách vòng quanh trái đất.

Sự khích động đến một cách tự nhiên. Nhưng chỉ vì tư duy hiện thời của chúng ta chưa dành chỗ cho sự khích động cho nên chúng ta chưa biết đến chúng. Sự kích động có vai trò như một cú huých chúng ta thoát khỏi mẫu tư duy hiện thời.

Lôgíc của sự khích động nảy sinh trực tiếp từ lôgíc của hệ thống khuôn mẫu tư duy bất đối xứng.

Chúng ta có thể ngồi yên và chờ đợi sự kích động, hoặc chúng ta có thể bắt đầu để làm nên chúng một cách cẩn trọng. Đây chính là điều mà mọi người làm với lối tư duy mới lạ. Khả năng sử dụng sự khích động chính là một phần quan trọng của tư duy mới lạ.

Ở phần trươc, chúng ta đã xem xét thành ngữ sự tiến triển. Đây chính là mục đích sử dụng sự khích động. Chúng ta sử dụng chúng để có được giá trị tiến triển. Giờ chúng ta sẽ xem xem làm thế nào để chúng ta đạt được điều này.

Nhiều năm trước, tôi phát minh ra từ “sự kích động” – Po- như là một dấu hiệu tượng trưng cho một ý tưởng được tiến triển theo một cách khích động và có giá trị tiến triển. Nếu bạn muốn, bạn có thể dùng từ thay thế “sự hoạt động kích động”.

Po có vai trò như một lá cờ trắng xin đầu hàng trong các trận đánh. Khi một người tiến lại bức thành của tòa lâu đài và giơ cờ trắng, người khác có thể phá vỡ luật chơi bằng cách bắn người này. Tương tự như vậy nếu mọi ý tưởng được đặt dưới sự bảo hộ của Po, thì việc sử dụng xét đoán với lối tu duy mũ đen “bắn hạ” nó là một điều không được áp dụng trong cuộc chơi.

Trong phần trước tôi đã đề cập đến từ Po có vai trò giống như công cụ tư duy mũ xanh. Một người sử dụng chiếc mũ xanh tư duy có thể đưa ra những ý tưởng “điên rồ” vì chiếc mũ xanh cho phép họ làm điều đó. Nhưng chiếc mũ xanh tư duy có phạm vi rộng hơn Po, nhưng Po lại cụ thể hơn chiếc mũ xanh. Cách tốt nhất là chúng ta xem xét cả hai.

Những chiếc ô tô Po nên có tay lái hình vuông.

Những chiếc máy bay Po nên hạ cánh ngược.

Những người đi chợ Po nên được trả tiền để mua hàng.

Những doanh nhân Po nên tự bổ nhiệm họ.

Một công ty gây ô nhiễm Po nên thải nước thải ngay ra sông.

Chính ý tưởng khích động cuối cùng đã dẫn đến một ý tưởng cho các nhà lập pháp là quy định bất cứ nhà máy nào xây dựng dọc theo sông phải có hệ thống cung cấp nước và hệ thống thoát nước riêng. Theo cách này, nhà máy chính là cơ quan đầu tiên phải chịu sự ô nhiễm do nó gây ra.

Từ Po có thể được xem là xuất phát từ những giả thuyết, giả sử, khả năng và thậm chí là từ thơ ca. Bởi vì tất cả những điều này đều khiến chúng ta xem xét ý tưởng theo hướng tiến triển, theo hướng khích động điều gì đó.

Việc xác định một ý tưởng là hợp lý hay bất hợp lý có thể không tồn tại đối với những kinh nghiệm sẵn có của chúng ta. Bởi vì ý tưởng đó nằm ngoài bất kỳ khuôn mẫu có sẵn nào. Theo cách này, sự khích động buộc chúng ta thoát ra ngoài sự nhìn nhận vấn đề một cách thông thường. Và bởi vì chúng ta tiến lên phía trước nhờ vào sự khích động, ba khả năng có thể xảy ra. Chúng ta có thể chẳng thể có được bước tiến triển nào. Chúng ta lại trôi giạt trở lại các khuôn mẫu tư duy cũ. Chúng ta có thể chuyển hướng sang một lối tư duy mới.

Và bởi vì có những phương pháp thông thường để có được sự tiến triển xuất phát từ một ý tưởng, cũng có những cách thông thường để bắt đầu sự khích động.

Ví dụ, một cách đơn giản để có được sự khích động là sử dụng sự thủ pháp đảo ngược. Bạn chỉ ra một cách thông thường mà sự việc thường xảy ra, sau đó bạn lật ngược vấn đề hoặc nhìn nhận nó từ trái tới thuận.

Những người mua hàng thường trả tiền cho hàng hóa mà họ mua. Chúng ta hãy đảo ngược vấn đề. Po, cửa hàng sẽ trả tiền cho người mua hàng.

Điều này gợi ý tới một ý tưởng cung cấp tem thưởng hàng, có nghĩa là cửa hàng sẽ tặng cho khách hàng một lượng nhỏ đối với mỗi món hàng họ mua.

Điều này có thể dẫn tới ý tưởng rằng chúng ta nên sắp xếp những người mua hàng theo danh sách ứng với số tiền họ mua để có thể có chính sách phù hợp với khách hàng.

Sự khích động không phải là những tư duy ngớ ngẩn hoặc trái với lôgíc. Những ý tưởng khích động đưa ra cũng có thể là những ý tưởng hết sức nghiêm túc. Nếu có ai đó trình bày với bạn một ý tưởng mà bạn không thích và bạn muốn hủy bỏ nó ngay với lối tư duy chiếc mũ đen, thì thay vào đó bạn hãy sử dụng chiếc mũ xanh tư duy và chọn lựa, chọn cách xem xét ý tưởng đó như một sự khích động. Bạn luôn có thể lựa chọn để làm như vậy.

Tôi không biết bằng cách nào để ý tưởng về một cửa hàng có hệ thống tôn trọng khách hàng có thể hoạt động được bởi vì nó có thể dễ dàng bị lợi dụng. Nhưng tôi sẽ sử dụng chiếc mũ xanh và xem xét nó như một sự khích động. Điều này gợi ý cho tôi về ý tưởng để khách hàng tự cộng hóa đơn của họ và chúng ta sẽ kiểm tra lại một cách ngẫu nhiên. Những nhầm lẫn có thể dự đoán được ngay cả theo mỗi hướng.

Một cách đơn giản để có sự khích động là sử dụng từ ngẫu nhiên. Bạn có thể nghĩ về một trang trong một cuốn từ điển và sau đó mở từ điển ra đúng số trang đó. Số thứ hai bạn cần nghĩ về đó là vị trí của từ trong trang vừa mở. Ví dụ, bạn nghĩ về trang số 92, từ số 8 tính từ dưới lên. Danh từ thường dễ sử dụng hơn động từ và các từ loại khác. Một danh sách các danh từ thường dùng lại dễ sử dụng hơn so với mục từ trong một cuốn từ điển.

Giả sử chúng ta muốn có một vài ý tưởng mới đối với thuốc lá. Từ ngẫu nhiên ta chọn là từ con ếch.

Như vậy chúng ta có thuốc là và từ đối của nó là con ếch. Con ếch khiến chúng ta liên tưởng đến sự dịch chuyển vì thế chúng ta có thể có sự liên tưởng đến sự vắng mặt của điếu thuốc trong chốc lát. Điều này mang lại ích lợi trong việc phòng chống chay. Nó cũng cho phép một người hút thuốc chỉ hút thuốc trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó mới hút lại. Điều này lại dẫn đến một loại thuốc lá mới với cái tên “khoảng ngắn”, nó được sản xuất theo kiểu điếu thuốc cực ngắn để mọi người chỉ hút từ hai đến ba phút là xong một điếu thuốc.

Tôi muốn có những ý tưởng mới đối với tivi. Từ chọn lựa ngẫu nhiên ở đây là pho mát, như vậy tivi đối với phomát. Trên miếng phomat có những lỗ nhỏ và cũng có những lỗ trên màn hình tivi. Điều này có nghĩa gì? Tất nhiên đó có thể là những “cửa sổ” chỉ ra những khả năng để lựa chọn các kênh khác.

Dựa trên lôgíc, sẽ có lý do để nói vài điều trước khi từ được nêu ra. Nhưng dựa trên sự khích động, chẳng có lý do để nói điều gì đến tận sau khi từ được nói ra. Sự khích động mang lại một kết quả và giá trị của kết quả đó được chứng minh chính bằng sự khích động.

Đối với nhiều người, dường như họ không thể nghĩ rằng một từ ngẫu nhiên lại có giá trị để giải quyết vấn đề. Định nghĩa của từ ngẫu nhiên chỉ ra rằng từ đó không có mối liên hệ gì đặc biệt. Nhưng theo lôgíc của hệ thống khuôn mẫu bất đối xứng, thật dễ dàng để nhận thấy tại sao một từ ngẫu nhiên lại phát huy tác dụng. Nó cung cấp cho chúng ta một điểm khởi đầu mới. Và bởi vì chúng ta lần theo mặt trái của vấn đề từ điểm khới đầu mới, chúng ta tăng cơ hội lật ngược vấn đề theo một hướng mới mà chúng ta chưa từng nghĩ trước đó.

Và bởi vì sự tiến triển cũng là một phần quan trọng của lối tư duy mũ xanh, do đó sự khích động chỉ nên thể hiện ở mức độ hợp lý. Khi ở Pháp, bạn sẽ nói tiếng Pháp. Khi sử dụng chiếc mũ xanh bạn vận dụng sự khích động và sự tiến triển như là trật tự của sự sáng tạo.

SỰ LỰA CHỌN

Sự thỏa mãn quá dễ dàng.

Những con đường, những quyền lựa chọn và những sự lựa chọn.

Các cấp độ lựa chọn.

Khi học toán ở trường học, bạn tiến hành một phép cộng và có được câu trả lời. Sau đó bạn tiếp tục với phép cộng tiếp theo. Bạn chẳng cần gì phải tốn thời gian xem lại phép cộng đầu tiên bởi vì nếu bạn đã làm đúng rồi, bạn chẳng thể nào có được kết quả tốt hơn thế.

Nhiều người đã mang thói quen tư duy đó vào trong lối tư duy của họ trong cuộc sống. Ngay sau khi họ có một câu trả lời để đối với một vấn đề, họ ngừng suy nghĩ về nó. Họ thỏa mãn ngay với câu trả lời đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, cuộc đời lại khác xa với những phép cộng ở trường học. Và thường có nhiều hơn một câu trả lời cho mỗi vấn đề.

Có những câu trả lời này tốt hơn so với những câu trả lời khác: chúng tốn kém ít hơn, thực tế hơn và dễ thực hiện hơn. Do đó chẳng có lý do gì để cho rằng câu trả lời đầu tiên là câu trả lời tốt nhất. Nếu chúng ta có quá ít thời gian và có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong trường hợp này, chúng ta có thể chấp nhận câu trả lời đầu tiên, ngoài ra chúng ta cần tiếp tục xem xét các câu trả lời khác. Liệu bạn có muốn bác sỹ của bạn khi đến thăm bệnh cho bạn tin vào ý nghĩ đầu tiên nảy sinh trong đầu ông ta và ngừng ngay suy nghĩ về bệnh tật của bạn?

Chúng ta ghi nhận câu trả lời đầu tiên và lưu ý rằng chúng ta luôn có thể quay trở lại ý tưởng đó. Sau đó chúng ta bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi. Chúng ta bắt đầu đi tìm những giải pháp khác. Khi chúng ta có được nhiều lựa chọn, chúng ta có thể chọn phương án tốt nhất bằng cách xem xem phương án nào là phù hợp với nhu cầu và điều kiện của chúng ta.

Chúng ta có thể có một cách rất phù hợp tuyệt đối để làm gì đó, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể có cách nào tốt hơn. Vì thế, chúng ta bắt đầu tìm kiếm cách lựa chọn mới. Điều này là nền tảng cho bất kỳ sự tiến triển nào, chứ không phải dành riêng cho sự sửa lỗi hay giải quyết vấn đề.

Trong phần trước của chiếc mũ này, tôi đã đưa ra những thí dụ dẫn chứng chúng ta làm điều này như thế nào. Sự tìm kiếm sự lựa chọn của chúng ta chính là tìm kiếm một cách tốt hơn. Nhưng cũng có nhiều khi chúng ta không biết phải làm như thế nào.

Đối với việc lên kế hoạch cho mỗi chuyến đi, chúng ta đều nêu ra những con đường thay thế. Khi chúng ta đã hoàn tất bản đồ tư duy của tình huống, chúng ta tìm kiếm những con đường thay thế để đi tới đích.

Khái niệm về sự thay thế chỉ ra rằng thường có nhiều hơn một cách để giải quyết sự việc, có nhiều hơn một cách để xem xét mọi việc.

Khả năng nhận biết rằng có các sự thay thế và tìm kiếm những sự thay thế này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lối tư duy sáng tạo. Trên thực tế, các kỹ xảo khác nhau của lối tư duy mới lạ cũng được đề cập trực tiếp tới việc tìm ra những chọn lựa mới.

Sự sẵn sàng tìm kiếm sự thay thế (của nhận thức, của sự giải thích, của hành động) là một phần quan trọng của lối tư duy mũ xanh.

Tờ báo đối thủ cạnh tranh với chúng ta đã tăng giá. Hãy sử dụng chiếc mũ xanh và liệt kê tất cả những lựa chọn của chúng ta.

Chúng ta nhận được yêu cầu rằng nếu chúng ta không trả một khoản tiền lớn, sản phẩm của chúng ta trong các cửa hàng sẽ bị đầu độc. Hãy bắt đầu bằng cách đưa ra những ý tưởng đã được áp dụng và sau đó sử dụng chiếc mũ xanh để có những ý tưởng mới.

Tìm kiếm sự thay thế chính là dấu hiệu của thái độ sáng tạo: sự chấp nhận rằng có những cách tiếp cận khác. Tìm kiếm sự thay thế không đòi hỏi sự sáng tạo đặc biệt nào, cho đến tận khi bạn tìm ra chúng. Điều này nhiều khi được hiểu một cách đơn giản là sự chú ý có chủ đích vào một chủ đề và liệt kê tất cả những cách đã biết và để giải quyết chúng. Cách hiểu như vậy là chưa đầy đủ. Bởi vì chúng ta cần thể hiện sự nỗ lực để đi xa hơn so với giải pháp đầu tiền, cho nên chúng ta cần nỗ lực sáng tạo để vượt lên những sự thay thế hiển nhiên. Nói một cách chính xác là chúng ta có thể chỉ cần sử dụng chiếc mũ xanh để tìm kiếm những sự thay thế thêm đó. Giai đoạn đầu tiên của sự tìm kiếm, chúng ta có thể sử dụng chiếc mũ trắng tư duy: “hãy xem xét kỹ lưỡng những cách tiếp cận thường sử dụng để giải quyết những tình huống tương tự như vậy”.

Khi áp dụng thực tế, tốt hơn là chúng ta chỉ nên sử dụng chiếc mũ xanh để tìm kiếm sự thay thế.

Trong lĩnh vực đào tạo các doanh nhân, người ta chú trọng đến khả năng đưa ra quyết định. Nhưng chất lượng của bất kỳ một quyết định nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc những người quyết định có thể đưa ra những phương án thay thế như thế nào.

Chúng ta sẽ phải quyết định nơi để tổ chứ buổi cắm trại. Hãy sử dụng chiếc mũ xanh và nói cho tôi biết tất cả các phương án thay thế. Sau đó chúng ta sẽ lựa chọn phương án cụ thể.

Làm thế nào để chúng ta có thể phân phối những chiếc máy tính này. Chiến lược thay thế ở đây là gì?

Nhiều người tin rằng sử dụng tư duy lôgíc, chúng ta sẽ xem xét được mọi phương án có thể. Trong một hệ thống đóng, điều này là có thể. Nhưng trong cuộc đời thực, điều này hiếm khi xảy ra đúng như vậy.

Chúng ta chỉ có ba phương án có thể. Chúng ta có thể bán cùng giá với họ. Hoặc chúng ta bán giá cao hơn, hoặc thấp hơn. Ngoài ra chúng ta không còn lựa chọn nào khác.

Rõ ràng nếu chúng ta bàn về các phương án tiến hành điều chỉnh giá bán báo thì chỉ có ba sự lựa chọn trên. Nhưng ngoài ra còn có rất nhiều các khả năng khác. Chúng ta có thể hạ giá sau đó. (sau bao lâu?) chúng ta có thể hạ giá một vài sản phẩm. Chúng ta cúng có thể thay đổi phương thức sản xuất và chế tạo ra những bản báo với giá rẻ hơn. Chúng ta cũng có thể thay đổi cách thức khuyến mại sản phẩm để khách hàng nhận ra mức giá cao của sản phẩm của đối thủ. Chúng ta cũng có thể hạ giá báo trong một gian ngắn và sau đó sẽ tăng giá. Chúng ta cũng có thể giữ nguyên giá sản phẩm nhưng dành cho khách hàng sự chiết khấu đặc biệt. Chúng ta cũng có thể hạ giá sản phẩm chính trong khi đó sẽ tính tiền những dịch vụ phụ. Một khi chúng ta có thể đưa ra những phương án như vậy, chúng ta sẽ phân loại chúng theo một trong ba lựa chọn đầu tiên. Nhưng nếu chúng ta chỉ liệt kê vẻn vẹn ba sự lựa chọn, chúng ta sẽ không thể làm nảy sinh những sự lựa chọn khác.

Những người có lối tư duy cứng nhắc thường mắc lỗi là chỉ ra những hạng mục phương án chính và dừng lại tại đó.

Điều mà tôi thực sự muốn làm là vừa tăng giá, lại vừa hạ giá. Chúng ta sẽ tạo ra những dòng sản phẩm giá thấp riêng và những dòng sản phẩm giá cao riêng.

Có các cấp độ khác nhau của sự lựa chọn. Nếu tôi có thời gian rỗi, tôi sẽ làm gì ư? Tôi có thể đi nghỉ, tham gia một khóa học, chăm sóc cây cối trong vườn, tôi có thể hoàn thành một công việc khác.

Nếu tôi quyết định đi nghỉ, chúng ta sẽ tiến đến một mức độ kế tiếp. Đó là tôi muốn nghỉ ngơi kiểu nào? Tôi có thể đi tắm nắng, đi nghỉ ở biển. Tôi cũng có thể đi chơi bằng tàu thủy. Nó có thể là một môn thể thao dành cho dịp đi nghỉ. Nếu tôi quyết định đi nghỉ ở biển, chúng ta lại tiếp tục có những việc tiếp theo cần xem xét: tôi sẽ tới vùng biển nào? Có thể là vùng biển Địa Trung Hải, có thể là vùng biển Caribê. Đó cũng có thể là đảo Thái Bình Dương. Những việc tiếp theo cần bàn là chọn phương tiện để đi đến đó và chọn nơi để nghỉ lại.

Khi chúng ta tìm kiếm sự thay thế, chúng ta thường chỉ đưa ra những lựa chọn theo khung được chấp nhận, với những cấp độ sẵn có.

Tôi yêu cầu anh những mẫu thiết kế thay thế để chế tạo cán ô và anh lại đưa cho tôi một mẫu thiết kế áo đi mưa!

Đôi khi chúng ta cần phủ nhận khuôn mẫu sẵn có và tiến tới một cấp độ cao hơn.

Anh yêu cầu tôi đưa ra những cách lựa chọn để chuyên chở hàng bằng xe tải. Nhưng tôi sẽ đưa ra phương án thay thế rằng sẽ có lợi nhuận hơn nếu chúng ta chở hàng bằng tàu.

Anh yêu cầu tôi đề xuất phương tiện truyền thông cho chiến dịch quảng cáo.

Tôi lại cho rằng chúng ta nên dành số tiền đó cho quan hệ xã hội.

Tất nhiên là việc luôn phủ nhận khuôn mẫu mang đến sự thay đổi các mức độ. Nhưng chúng ta cũng nên chuẩn bị sẵn sàng để làm nảy sinh những phương án thay thế chỉ trong khung cấp độ cụ thể mà thôi.

Sự sáng tạo sẽ trở thành mất ý nghĩa khi những người sáng tạo ngồi đó và luôn đưa ra những cách giải quyết vấn đề từ một phương án có sẵn. Tuy nhiên, điều khó nghĩ ở đây là: khi nào thì chúng ta tuân theo khuôn mẫu cũ và khi nào chúng ta thoát ra khỏi khuôn mẫu đó.

Và khía cạnh được coi là khó nhất đối với tất cả sự sáng tạo đó là: điểm dừng sáng tạo. Sẽ chẳng có điểm dừng sáng tạo trừ khi bạn chọn lựa để đưa ra chúng.

Mọi việc đang tiến triển rất suôn sẻ. Chúng ta đã tìm kiếm các sự lựa chọn tại những điểm cụ thể. Chúng ta đã đề xuất những cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Liệu chúng ta có thể ứng dụng sáng tạo để làm gì được thêm nữa đây?

Có một lần tôi đã mất bốn phút để tắt tiếng kêu của một chiếc đồng hồ trong phòng tôi trong khi nó không hề kêu. Tôi đã không dừng lại để nhận ra rằng đó là những âm thanh của chiếc đồng hồ khác.

Điểm dừng sáng tạo xuất hiện khi chúng ta nói: “Không có lý do rõ ràng tại sao tôi sẽ dừng tại điểm này để cân nhắc các lựa chọn. Nhưng tôi sẽ làm như vậy”.

Nói chung, chúng ta thường là những người có xu hướng vấn đề hoá sự việc và khi chẳng còn vấn đề gì nữa chúng ta thích tiến lên một cách suôn sẻ hơn là dừng lại để bản thân chúng ta suy nghĩ thêm về công việc.

Tôi không muốn nghĩ rằng chúng ta có vấn đề ở đây bởi vì chúng ta không có. Nhưng tôi muốn bạn sử dụng chiếc mũ xanh và có chút ít thời gian ngừng sáng tạo để nói về mẫu mã màu ô tô theo cách làm truyền thống của chúng ta trước khi chúng ta bán chúng.

Hãy tạm ngưng sử dụng chiếc mũ xanh ở đây: những người bán hàng phải được trả tiền cho hàng hoá họ cung cấp.

Xem xét tay lái của chiếc ô tô, tôi thấy rằng đó đang hoạt động rất tốt. Chúng ta nên dừng chiếc mũ xanh ở đây.

KỸ NĂNG VÀ TÍNH CÁCH

Sự sáng tạo là dựa vào kỹ năng, tài năng hay cá tính.

Thay đổi những chiếc mặt nạ dễ dàng hơn thay đổi những gương mặt thật.

Các cấp độ lựa chọn.

Sự tự hào về các bài tập kỹ năng.

Mọi người thường hỏi tôi liệu sự sáng tạo là nhờ vào kỹ năng, tài năng hay cá tính. Câu trả lời chính xác có thể là bao gồm cả ba. Nhưng tôi thì không đưa ra câu trả lời như vậy. Nếu chúng ta chẳng cố gắng làm gì để phát triển kỹ năng sáng tạo, thì có thể chỉ còn lại hai nhân tố là tài năng và cá tính. Mọi người thường dễ dàng chấp nhận rằng sáng tạo là nhờ vào tài năng hoặc cá tính, và bởi vì họ không có hai nhân tố này, họ cho rằng tốt hơn là họ nhường phần tư duy sáng tạo đó cho người khác. Vì vậy tôi muốn nhấn mạnh tới sự phát triển cụ thể kỹ năng tư duy sáng tạo (ví dụ, thông qua các kỹ năng tư duy mới lạ). Tôi muốn chỉ ra rằng không chỉ vì có ai đó chơi tennis hoặc trượt tuyết tốt hơn bạn mà bạn không chơi các môn đó. Bạn cũng có thể là một vận động viên cừ để cạnh tranh với họ.

Tôi cũng không thích xem ý tưởng sáng tạo như một món quà đặc biệt. Tôi thích nghĩ rằng sáng tạo cũng là một phần bình thường và cần thiết trong tư duy của tất cả mọi người. Chúng ta không phải ai rồi cũng trở thành thiên tài, nhưng ai là người trong số những người chơi Tennis chuyên nghiệp không mơ tới một trận thắng trong giải Winbledon?

Những người có lối tư duy chiếc mũ đen tự nhiên thường chỉ trích những quan điểm của tôi. Họ dường như thích thú với việc phá hủy bất kỳ một ý tưởng hoặc một đề xuất nào về sự thay đổi. Mọi người hỏi tôi liệu có thể làm cho những người có cá tính như vậy cư xử mềm dẻo hơn. Và liệu họ có thể chấp nhận chịu đựng được sự sáng tạo ngay cả khi bản thân họ không muốn sử dụng nó.

Tôi không nghĩ rằng chúgn ta có thể thay đổi tính cách.

Nhưng tôi thật sự tin rằng nếu một người nào đó được chỉ cho thấy “sự lôgíc” của sáng tạo, thì nó sẽ có tác dụng lâu dài tới thái độ của người đó đối với sự sáng tạo. Tôi đã biết những minh chứng cụ thể về điều này. Và cách tiếp cận thực tế nhất là áp dụng chiếc mũ xanh tư duy.

Khi bạn áp dụng chiếc mũ xanh tư duy, bạn thể hiện là một người tuyệt vời. Tôi không muốn bạn từ bỏ hiệu quả phê bình sắc sảo của bạn.Nhưng bạn nghĩ thế nào về chiếc mũ xanh? Bạn hãy xem xem bạn có thể làm được điều gì khi sử dụng nó.

Có thể bạn yêu thích hơn với việc là một nhà tư duy tài ba với một chiếc mũ nhất định. Có thể bạn không phải là một con người toàn năng. Có thể bạn là người chỉ hát được một giọng. Có thể bạn sẽ vẫn là một chuyên gia phê phán. Và chúng tôi sẽ yêu cầu anh tham gia cuộc thảo luận chỉ khi chúng tôi cần đến lối tư duy mũ đen.

Chẳng ai lại thích bị xem là người chỉ tư duy một phía.

Một nhà tư duy mũ đen tài ba cũng có thể được xem là một người có thể khá tốt khi mọi người sử dụng chiếc mũ xanh, ít nhất là vậy.

Sự tách biệt hoàn toàn của lối tư duy mũ đen và mũ xanh có ý nghĩ là một chuyên gia mũ đen không cảm thấy rằng mình phải từ bỏ sự phê phán của mình để trở thành một người sáng tạo. Khi anh ta là một nhà phê bình, anh ta hãy là một người thể hiện hết khả năng phê phán của mình.

Chiếc mặt nạ bi kịch và chiếc mặt nạ hài kịch là hai chiếc mặt nạ tách biệt. Nhưng bản chất của diễn viên là thứ không đổi. Anh ta thể hiện tốt nhất vai diễn của mình tùy thuộc vào chiếc mặt nạ mà anh ta mang. Thực ra anh ta rất tự hào về việc anh ta diễn tốt được vai hài kịch cũng như bi kịch. Sự tự hào của anh ta, có được là nhờ vào các kỹ năng tập luyện của một diễn viên.

Y như vậy, một nhà tư duy nên tự hào về các kỹ năng tư duy của anh ta. Điều này có nghĩ là anh ta nên tự hào về khả năng anh ta có thể có tư duy phù hợp với mỗi chiếc mũ trong cả sáu chiếc mũ tư duy. Trong phần trước, tôi đã đề cập đến điều nay. Tôi lặp lại điều này ở đây bởi vì nó liên quan đến việc xem xét tính cách thích phủ nhận.

Lúc này chúng ta đang tư duy theo lối tư duy chiếc mũ xanh. Nếu bạn không thể làm điều này, bạn hãy giữ yên lặng.

Ít nhất bạn cũng nên thử sử dụng chiếc mũ xanh. Bạn không thể có được bất cứ sự tự tin nào nếu bạn không thử làm điều này.

Tư duy sáng tạo thường ít được mọi người chú ý đến bởi vì mọi người không coi nó là phần cần thiết của quá trình tư duy. Sử dụng thường xuyên chiếc mũ xanh tư duy góp phần thúc đẩy đưa tư duy sáng tạo vào lối tư duy thường lệ của mọi người.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA ĐỐI VỚI CÁC Ý TƯỞNG

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Định hình và gắn kết các ý tưởng.

Khái niệm người chỉ đạo.

Một trong những yếu điểm của sự sáng tạo là sự “bội thu” những ý tưởng. Tôi đã tham dự những cuộc họp mà ở đó mọi người đưa ra quá nhiều ý tưởng. Nhưng vào lúc phải quyết định vấn đề thì hầu như những ý kiến đó không được chính họ xem xét và lựa chọn.

Chúng ta thường có xu hướng chỉ nhìn vào giải pháp thông minh sau chót. Chúng ta lờ đi tất cả những ý tưởng khác. Nhưng thật ra ngoài giải pháp thông minh đó, vẫn còn nhiều ý tưởng khác có giá trị hơn. Đó có thể là những hướng khái niệm mới, và thậm chí chúng ta còn chưa có được những con đường cụ thể đi theo những hướng đó. Đó có thể là những ý tưởng chưa hoàn chỉnh, những ý tưởng chưa thể ứng dụng được bởi vì chúng cần được hoàn chỉnh tiếp.

Những nguyên tắc mới có thể được thiết lập ngay cả khi thực tế chưa đủ sức bao bọc chúng. Đó có thể là một sự chuyển địch trong “hương vị của ý tưởng” (một kiểu ý tưởng được nảy sinh). Đó cũng có thể là một sự chuyển dịch trong phạm vi giải pháp có thể nhận thức (vùng mà mọi người tìm kiếm các giải pháp). Có cũng có thể là phạm vi nhạy cảm với ý tưởng mới được thiết lập (vùng mà một khái niệm mới có thế đem lại những sự khác biệt lớn).
Chúng ta nên lưu tâm đến tất cả những khía cạnh đó.

Sự định hình và chắp nối một ý tưởng cũng là một phần của quá trình sáng tạo sao cho ý tưởng đó sát với hai nhu cầu thực tế đòi hỏi về một ý tưởng.

Nhu cầu đầu tiên đó là cần dựa vào tình huống. Chúng ta cần cố gắng để gọt dũa ý tưởng để biến nó thành một ý tưởng có thể sử dụng được. Chúng ta nên có sự ép buộc để gọt dũa ý tưởng.

Đó là một ý tưởng tuyệt vời nhưng mô hình hiện tại của nó đòi hỏi chi phí quá cao. Liệu chúng ta có thể định hình lại nó sao cho chi phí giảm đi?

Hiện tại thì những qui định của toà nhà không cho phép chúng ta làm điều đó. Liệu chúng ta có thể định hình lại ý tưởng sao cho nó không trái với những qui định hiện thời? Liệu điều đó là có thể?

Sản phẩm đó là phù hợp đối với những công ty lớn. Nhưng công ty chúng ta lại là một công ty nhỏ. Liệu có cách nào để chúng ta vẫn áp dụng được ý tưởng đó?

Nên nhớ rằng mục đích của sự ép buộc ý tưởng là làm cho ý tưởng sắc bén hơn và không trái với những điều kiện thực tế.

Nhu cầu thứ hai đó là cần làm cho mọi người tham dự tán thành với ý tưởng đó. Thật đáng buồn là thường thì chẳng có gì là hoàn hảo. Thật là tuyệt vời nếu tất cả một người đều nhận thấy đó là một ý tưởng đầy tiềm năng và sáng giá giống như người đề xuất ý tưởng. Nhưng thường thì không dễ dàng có được điều này. Việc gọt dũa ý tưởng sao cho nó trở thành phù hợp hơn với nhu cầu của mọi người để mọi người sẵn sàng “mua” ý tưởng đó chính là một phần của quá trình sáng tạo.

Hiện nay chỉ có những ý tưởng giúp tiết kiệm tiền thì mới là những ý tưởng đáng quan tâm. Liệu có cách nào khác để ý tưởng này cũng giúp chúng ta tiết kiệm như vậy? Chúng ta sẽ xem xét bây giờ hay để sau?

Một ý tưởng sẽ được chấp nhận khi ý tưởng đó không quá mới mẻ. Nó phải được coi như tương tự với một tưởng đã có và một ý tưởng đã được thử nghiệm thành công. Chúng ta có được sự so sánh gì ở đây?

Mọi người đang đặt trọng tâm vào những ý tưởng có thể được thử nghiêm trong thời trang của các phi công. Liệu chúng ta làm thế nào để thử nghiệm được ý tưởng này.

Sử dụng công nghệ cao là một xu hướng mới. Nhưng liệu chúng ta có thể dựa vào công nghệ điện tử để hoàn thiện ý tưởng này?

Đôi khi quá trình này dường như giống với việc thực hiện một hành động không trung thực. Nhưng thực ra chẳng có điều gì là không chân thực khi chúng ta thiết kế một sản phẩm phù hợp với người mua. Cũng như vậy, những ý tưởng cần được thiết kế để phù hợp với nhu cầu của những người mua nó (xét trong một tổ chức).

Trong một số bài viết của tôi, tôi cũng đề cập với vai trò của khái niệm người chỉ đạo. Đó là người chịu trách nhiệm khuyến khích, tập hợp và dẫn dắt các ý tưởng. Đó cũng là người khởi đầu cho việc nêu ra những ý tưởng trong các cuộc họp. Đó cũng là người có thể nêu ra vấn đề và được mọi người hưởng ứng tìm các giải pháp cho vấn đề đó. Có cũng là người có khả năng xem xét các ý tưởng giống với cách một giám đốc tài chính xem xét các vấn đề về tài chính.

Nếu chúng ta có được một người chỉ đạo- chủ trì- như vậy, người này sẽ tập hợp các ý tưởng đưa ra bởi lối tư duy mũ xanh. Trong trường hợp ngược lại ý tưởng sẽ vẫn chỉ thuộc riêng về những người đề xuất ra chúng.

Giai đoạn kế tiếp là thời gian sử dụng chiếc mũ vàng tư duy: chúng ta cần có cái nhìn tích cực và phát triển đối với ý tưởng đã được chọn lựa; chúng ta cần có những đánh giá tích cực và tìm kiếm những giá trị và lợi ích ủng hộ ý tưởng đó. Tất cả những vấn đề đó đều được thảo luận khi mọi người sử dụng tư duy mũ vàng.

Tiếp theo là thời điểm của chiếc mũ đen. Và vào bất cứ thời điểm nào của quá trình tư duy, chúng ta đểu có thể sử dụng chiếc mũ trắng để kêu gọi những dữ liệu cần thiết để đánh giá xem ý tưởng đó khả thỉ hay không khả thi.

Và giai đoạn cuối cùng là thời gian sử dụng tư duy mũ đỏ: chúng ta có thích ý tưởng này đến mức chúng ta tiếp tục xem xét nó? Có thể mọi người sẽ thấy lạ khi giai đoạn cuối cùng để thực hiện một ý tưởng lại dành cho những xét đoán tình cảm.

Sau khi chúng ta đã xem xét kỹ lưỡng ý tưởng nhờ áp dụng mũ đen và mũ vàng tư duy, tiếp theo chúng ta nên sử dụng chiếc mũ đỏ. Bởi rốt cuộc, nếu mọi người không có sự nhiệt tình với ý tưởng, thì cho dù ý tưởng đó có tốt đến đâu, nó cũng khó có thể thành công.

TỔNG KẾT KIỂU TƯ DUY MŨ XANH LÁ CÂY

Chiếc mũ xanh dành cho lối tư duy sáng tạo. Những người sử dụng chiếc mũ xanh sẽ sử dụng nó để tư duy một cách sáng tạo. Những người xung quanh cần xem xét những ý tưởng chiếc mũ xanh như là những ý tưởng sáng tạo. Cách lý tưởng nhất là cả người tư duy lẫn người nghe đều áp dụng cùng lúc chiếc mũ xanh.

Màu xanh tượng trưng cho sự phì nhiêu, sự tăng trưởng và giá trị ươm trồi.

Tìm kiếm những sự thay thế cũng là một khía cạnh cơ bản của chiếc mũ xanh tư duy. Chúng ta cần thoát khỏi những điều đã biết cụ thể và sự thỏa mãn.

Người sử dụng chiếc mũ xanh sử dụng điểm dừng sáng tạo để cân nhắc, vào bất cứ thời điểm nào, ngay cả khi có thể vẫn còn những lựa chọn khác. Chẳng cần lý do để có điểm ngừng này.

Chiếc mũ xanh tư duy thay lối tư duy xét đoán bằng lối tư duy tiến triển, và biểu tượng của nó là từ “hoạt động khích động”. Sự khích động được sử dụng để đẩy chúng ta thoát khỏi mấu tư duy thông thường thường. Có nhiều cách khác nhau để tạo nên sự khích động, trong đó sử dụng từ ngẫu nhiên là một cách.

Tư duy mới lạ tạo nên một thái độ, một cái nhìn, kỹ thuật (bao gồm sự tiến triển, sự khích động và hoạt động khích động) khiến chúng ta đi tắt nhanh khỏi lối tư duy thông thường nhờ vào hệ thống khuôn mẫu bất đối xứng đối với mỗi cá nhân. Nó được sử dụng để tạo ra những khái niệm mới và những cách nhận thức mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.