Thông tin truyện

Siddhartha

Tác giả:

Hermann Hesse

Nhóm dịch:

Đang cập nhật

Trạng thái:

Hoàn thành

Lượt xem:

1328

Siddhartha

Lấy bối cảnh Ấn Độ những năm Đức Phật còn tại thế, “Siddhartha” dẫn tôi vào cuộc hành trình đi tìm chân lý của hai chàng trai trẻ Siddhartha và Govinda. Cả hai đều được sinh ra trong một gia đình Bà La Môn giáo, đều ấp ủ một khát khao tìm ra chân lí: “Nhưng nó ở đâu, cái ngã ấy, cái linh hồn ấy, cái thâm sâu ấy, cái tột cùng ấy ở đâu?”. Cả hai cùng từ biệt gia đình đi theo những sa môn khổ hạnh vào ẩn thất trong rừng sâu. Cùng từ bỏ những tu sĩ Sa môn già để tìm nghe những lời giảng của Đức Cồ Đàm. Chính tại lúc này thì con đường của cả hai mới rẽ sang hai hướng. Govinda gia nhập tăng đoàn còn Siddhartha tiếp tục con đường của mình. Có cùng một mục đích nhưng cách thực hiện mục đích của họ không giống nhau. Govinda thường căn cứ, tuân theo những lời giảng của các vị thầy, còn Siddhartha thì: “Ta muốn học từ chính ta, muốn là học trò của chính ta, ta muốn biết chính ta, muốn biết điều bí ẩn tên là Siddhartha.” Đoạn tiếp theo khi kể về cuộc hành trình của Siddhartha ở ngoài cuộc sống thực tế. Đầu tiên anh gặp ông lái đò người cho anh qua sông mà không một đòi hỏi vì ông tin rằng “mọi sự đều trở lại”. Tiếp theo đó là gặp kĩ nữ Kamala người dạy cho anh biết về tình yêu nam nữ , và Kamaswami người dạy cho anh biết về buôn bán. Hai mươi năm sau đó Siddhartha đắm chìm vào dục vọng và vui thú ở chốn nhân gian. Người thanh niên khoan thai và hiền hậu ấy đã biết nổi giận và cau có. Cho đến khi anh mơ một giấc mơ về con chim xinh đẹp của Kamala chết ở trong lồng, Siddhartha bừng tỉnh, chàng bỏ hết mọi thứ và lại một lần nữa ra đi. Chàng trở về dòng sông nơi mình đã có lần chào từ biệt và gặp lại ông lái đò xưa. Chàng quyết định ở lại với ông lái đò già, Vasudeva. Chính tại nơi đây chàng gặp lại Kamala, người kỹ nữ xinh đẹp xưa kia trong hình dáng một thiếu phụ già nua. Kamala bị rắn cắn chết và để lại cho chàng đứa con của mình. Lần đầu tiên chàng hiểu thế nào là tình yêu thương và cố gắng níu kéo nó ở bên mình, nhưng sự cách biệt về cuộc sống và suy nghĩ khiến nó từ bỏ chàng đi. Chàng đã rất đau khổ và chính lúc này chàng đã giác ngộ nhờ việc lắng nghe dòng sông. Kết thúc truyện là sự tái ngộ giữa Govinda và Siddhartha khi cả hai đã quá già tuy nhiên cuối cùng họ cũng tìm ra sự giác ngộ cho riêng bản thân mình.Ở “Siddhartha” tôi bắt gặp những trang văn đầy tính triết lí qua những đoạn đối thoại giữa Siddhartha và Govinda giữa Siddhartha và Vasudeva, hay giữa Siddhartha và Đức Cồ Đàm: “ Nhưng khuyên anh, hỡi kẻ khát khao hiểu biết, hãy tránh xa rừng quan niệm và sự tranh cãi về từ ngữ. Quan niệm chẳng có nghĩa lý gì, chúng có thể đẹp hay xấu, khôn hay dại, ai cũng có thể theo hay gạt bỏ. Nhưng giáo lý của ta, mà anh đã nghe, không phải là quan niệm và mục đích của nó không phải là giải thích thế giới cho kẻ khát khao hiểu biết. Mục đích của nó khác hẳn, mục đích của nó là giải thoát khỏi khổ đau.”Ở “Siddhartha” tôi nhận ra vẻ đẹp và bí mật của dòng sông. Chính tại dòng sông ấy mà Vasudeva, một ông lái đò đã học về cuộc sống. Và từ dòng sông ấy Siddhartha đã ngộ ra chân lí: “ Và khi Siddhartha chăm chú lắng nghe dòng sông này, lắng nghe bài ca muôn điệu này, khi anh không nghe riêng nỗi khổ đau hay tiếng cười vui, khi anh không ràng buộc hồn mình vào một thứ tiếng riêng lẻ nào thâm nhập vào đó với tiểu ngã của mình, mà nghe tất cả, thấu triệt cái toàn diện, cái nhất thể, thì lúc ấy ca khúc vĩ đại muôn điệu kia chỉ bao hàm một từ duy nhất, đó là “Om” – nghĩa là toàn thiện.”Ở “Siddhartha” tôi bắt gặp niềm cô đơn mong manh và tuyệt đẹp. Đó là nỗi cô đơn của nàng kỹ nữ Kamala, dẫu vây quanh là vô số người tình. Đó là nỗi cô đơn của lái thương Kamaswami, cả cuộc đời với những lo toan, bộn bề công việc. Đó là nỗi cô đơn của ông lái đò Vasudeva, ngày ngày chở khách sang sông. Đó là nỗi cô đơn của chàng Siddhartha, đơn thân qua những nẻo đườngỞ “Siddhartha” tôi bắt gặp tình yêu thương vô hạn. Đó là tình cha con của cha Siddhartha cho chàng Bà La Môn trẻ Siddhartha, và sau này là của Siddhartha cho chính đứa con của mình. Lòng bao dung của Đức Cồ Đàm với tất cả những người đến tầm đạo, dù ở lại hay ra đi. Tình bạn thân ái giữa Siddhartha với Vasudeva. Vasudeva vì lo sợ cho bạn mình mà ngầm theo dõi Siddhartha khi chàng lên thành phố tìm con. Tình bạn yêu thương chung thủy giữa Govinda và Siddhartha. Bởi chỉ xuất phát từ yêu thương Govinda mới canh cho một người lạ nằm ngủ ở bến sông. Bởi yêu thương nên khi hôn lên trán của Siddhartha, Govinda mới thấu hiểu bạn mình và ngộ ra lẽ thường tình của cuộc đời. Tình yêu thương cũng là điều mà Siddhartha ngộ ra sau bao nhiêu năm kiếm tìm “Còn tôi chỉ thiết tha một điều duy nhất thôi: có thể yêu thương thế giới, không coi thường nó, không thù ghét nó và tôi, có thể nhìn ngắm nó và tôi cùng mọi tạo vật với lòng thương yêu, ngưỡng mộ và kính trọng.”Ở “Siddhartha” tôi bắt gặp chính bản thân mình. Một con người trẻ với những khao khát, ao ước, thắc mắc về bản thân và cuộc sống. Một con người trẻ đang loay hoay với sự lựa chọn, kiếm tìm con đường cho riêng mình. Và “Siddhartha” đã giúp tôi hiểu ra rằng chỉ khi tôi thực sự trải nghiệm cuộc sống của mình, sống chân thực với nó thì sẽ đạt được mục đích cuối cùng của mình. Bởi chân lí sẽ không nằm trong ngôn ngữ mà nằm trong chân nhận thức của mình.Ngày trước tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đọc “Siddhartha” do Sư cô Phùng Khánh dịch dưới cái tên “Câu chuyện dòng sông” ngày đó tôi không suy nghĩ gì nhưng vẫn thích thú với câu chuyện của chàng Tất Đạt Đa, Thiện Hữu, Kiều Lan, Vệ Sử….(**) Mười năm, hai mươi năm nữa khi đọc lại tiểu thuyết này tôi sẽ mang một tâm thế khác và những suy nghĩ khác. Nhưng chắc chắn tôi vẫn sẽ thầm cảm ơn Hermann Hesse đã đem lại cho tôi một chút trầm tư, một niềm thỏa thích, một con đường gợi mở….(*) Câu trích từ Phật giáo Việt Nam và thế giới, thiền sư Đinh Lực & cư sĩ Nhất Tâm, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2003(**) Tên của Siddhartha, Govinda, Kamala, Vasudeva ở bản dịch “Câu chuyện dòng sông”, Phùng Khánh dịch, nxb Hội Nhà Văn, 1996.Những câu trong ngoặc kép là những câu, đoạn trích từ tiểu thuyết “Siddhartha” của Hermann Hesse, Lê Chu Cầu dịch từ nguyên bản tiếng Đức, nxb Văn Học, 2009.

Danh sách chương

Bình luận