SỰ THẬT ĐẰNG SAU CÁI CHẾT

Sự Thật Đằng Sau Cái Chết ( truyện ngắn )



Một ngày đẹp trời, thám tử Poirot theo người bạn già Boniton đến ăn tối tại tiệm Galon trên đường Kinh Đô thuộc khu Trenci.
Boniton là một người rất sành ăn. Ông thường đến tiệm này vì bầu không khí ấm cúng và món ăn ở đây nấu theo kiểu Anh đơn giản nhưng rất hợp khẩu vị. Họ chọn bàn góc phòng, cạnh chậu cây cảnh có hoa lấm tấm màu hồng tươi. Boniton nói với bạn:
– Anh biết không! Đây là chỗ ngồi đặc biệt danh dự đấy.
-…
– Nghệ sỹ lừng danh Augertus John thường dùng bữa tại chỗ này đấy.
Thám tử Poirot mỉm cười trước vẻ huênh hoang của Boniton. Ông bạn này chẳng nghệ sỹ chút nào nhưng lại rất khoái nhắc đến lĩnh vực này. Cô hầu bàn Molie tươi cười bước đến:
– Chào hai ông. Các ông muốn khai vị món canh hay cá? Hôm nay còn có món gà tây nấu đậu và phômai đặc biệt. Mời hai ông dùng thử.
Boniton nói:
– Poirot à, hôm nay chúng ta dùng toàn món Anh thôi nhé.
– Tùy ý anh.
Boniton chọn món ăn nhanh chóng, rồi nhìn theo Molie đang đi về phía nhà bếp:
– Cô bé này khá lắm. Đã có một thời đi làm người mẫu thời trang đấy. Cô ta phục vụ rất tốt, biết chiều khách, đón ý từng người. Chả bù với những cô gái khác, khi đi ăn với bạn trai chỉ biết chọn những món mình thích, chả quan tâm đến ai hết. Cũng may, đàn ông chúng ta thì khác.
Poirot nheo mắt:
– Có chắc không đó?
– Tôi không có ý khen tất cả đàn ông. Nhất là những chàng trai trẻ. Họ thường nông cạn, thiếu kiên nhẫn và tôi không chịu được lý luận đáng ghét của họ.
– Lý luận thế nào?
– Những người quá 60 tuổi chẳng có quyền tồn tại trên đời, bọn trẻ thật chả xem cha mẹ mình ra gì!
Poirot mỉm cười:
– Vậy thì chúng ta nên chú ý đến những vụ chết đột ngột của những người trên 60 tuổi.
– Thôi anh đừng méo mó nghề nghiệp nữa. Hãy để cho tội ác tự tìm đến anh thì hay hơn.
– Đừng nói lung tung nữa. Sao? Dạo này công việc làm ăn của anh có tiến triển tốt chứ?
– Chán lắm! Đi đâu cũng gặp những “thùng rỗng kêu to”. Giống như cá ươn được chan nước xốt để đánh lừa mùi tanh đấy. Tôi chỉ thích ăn một lát cá tươi thôi, khỏi cần ướp gia vị.
Molie mang đến đĩa cá thu tươi:
– Mời hai ông.
Boniton gật đầu hài lòng:
– Cô thật biết ý tôi. Cô có nghĩ là tôi sẽ đổi món không?
– Các ông thường trung thành với những món ăn quen thuộc, còn các bà thì không. Họ thay đổi thức ăn đến chóng mặt.
Boniton vỗ vai Poirot:
– Tôi nói đúng chưa? Phụ nữ luôn luôn rắc rối – Ông chỉ tay về phía góc đối diện – Anh hãy nhìn cái ông râu xia xồm xoàm kia kìa. Molie nói rằng, từ 10 năm nay, ông cụ luôn luôn đến đây dùng bữa vào tối thứ ba và thứ năm. Không ai biết tên, chỗ ở và nghề nghiệp của ông cụ.
Molie đem món ăn khác đến, Boniton hỏi:
– Ông cụ ấy vẫn đều đều đến đây dùng bữa phải không?
– Vâng. Đúng vào mỗi tối thứ ba và thứ năm. Nhưng có một ngoại lệ. Tuần rồi, cụ bất ngờ đến vào tối thứ hai làm cháu cứ tưởng hôm đó là thứ ba. Nhưng ngày hôm sau cụ vẫn đến, nghĩa là tuần đó, cụ đến thêm một ngày.
– Cụ vẫn gọi món ăn như thường lệ chứ?
– Rất lạ là không. Buổi tối thứ hai ngoại lệ ấy, cụ đã gọi hai món mà cụ ghét nhất. Đó là xúp cà chua thịt nạc và bánh ngọt nhân dâu tây. Cháu thấy kỳ nhưng đâu dám thắc mắc.
Poirot xoa hai tay vào nhau:
– Câu chuyện hấp dẫn quá.
Boniton hỏi:
– Anh nghĩ sao? Tôi đoán là ông cụ đã đi bác sĩ và bác sĩ đã khuyên ông cụ thay đổi thực đơn.
– Bác sĩ nào mà điên thế. Toàn là món ăn nặng bụng không thích hợp với tuổi già chút nào.
– Đã là bác sĩ thì làm gì chả được.
– Anh không còn cách phán đoán khác sao?
– À, có thể là ông cụ đang bị một cảm xúc nào đó, cảm xúc mạnh đến nỗi cụ không biết mình đã gọi món ăn gì. Anh nghĩ có đúng không. Có thể cụ đang suy tính một chuyện gì rất quan trọng…
Poirot không trả lời.
° ° °
Ba tuần lễ trôi qua. Tình cờ, thám tử Poirot gặp Boniton trong một chuyến xe điện ngầm. Boniton nói:
– Có tin sốt dẻo cho anh đấy. Anh còn nhớ ông cụ đặc biệt ở quán Galon không? Molie cho biết cả tuần nay không thấy ông cụ đến ăn. Cô ta lo lắm. Tôi nghĩ là ông cụ đã thay đổi các món ăn uống, cụ bị sốc và ngã bệnh trầm trọng hơn. Điều này giải thích được sự đãng trí của cụ khi gọi các món ăn. Theo tôi, bác sĩ cần phải tế nhị với bệnh nhân mới được.
Về đến nhà, Poirot bỗng có ý định thử xem có bao nhiêu người chết được đưa tin trên báo. Ông lật tất cả nhật báo trong tuần xem mục “tin buồn”. Ngón tay ông dò tìm và dừng lại ở hàng chữ: “Henri Gatko, 69 tuổi, ở số nhà… đường Kinh Đô”. Ông quyết định, thử bắt đầu từ ông cụ này xem sao.
Chiều hôm đó, thám tử Poirot đến phòng khám bệnh của bác sĩ Mac ở đường Kinh Đô, hỏi thăm về cụ Henri Gatkọ Bác sĩ trả lời rất nhiệt tình:
– Người này tôi biết. Đó là một cụ già kỳ quặc, ít tiếp xúc với ai. Cụ nghèo, sống trong một căn phố cũ kỹ. Tôi không phải là bác sĩ của cụ nhưng là người khám nghiệm tử thi. Cụ Ở một mình nên gặp nạn chả ai haỵ Nhờ anh chàng giao sữa thấy mấy chai sữa để y nguyên nơi cửa nhà ông cụ nên hô hoán lên, hàng xóm mới đi báo cảnh sát. Người ta tìm thấy xác cụ Ở chân cầu thang, xương cổ bị gãy. Chắc là cụ té vì vướng chân vào vạt áo ngủ.
– Ông cụ có họ hàng bà con gì không?
– Cụ có một người cháu ruột, mỗi tháng anh ta đến thăm cụ một lần. Đó là George Lorimer, anh ta cũng là bác sĩ, nhà ở khu Wilberdon.
– Từ 48 đến 72 giờ trước đó, không thể lâu hơn. Người ta thấy xác cụ ngày mồng 6, nhưng trong túi áo ngủ lại có một lá thư viết ngày mồng 3 được gửi từ Wilberdon chiều hôm đó và đến nhà ông cụ vào 9 giờ tối cùng ngày. Chi tiết này giúp cảnh sát xác định tai nạn xảy ra sau 9 giờ tối và ông cụ đã dùng bữa hai giờ trước khi chết.
– Bác sĩ có biết, ai là người thấy cụ lần cuối cùng? Vào lúc nào?
– Tối hôm cụ mất, ngày mồng 3 và cũng là ngày thứ ba. Cụ vẫn đến quán Galon như thường lệ. Nhiều người đã thấy cụ.
– Ngoài người cháu, cụ còn ai thân thích nữa không?
– Có. Một người anh sinh đôi. Người này tên Antoni Gatko là một nghệ sĩ lớn, nhưng từ ngày lấy một bà vợ rất giàu, ông từ bỏ nghệ thuật luôn. Vì chuyện này mà hai anh em cãi nhau dữ dội đến nỗi từ bỏ nhau, không thèm nhìn mặt nhau nữa. Lạ một điều, hai người lại chết cùng một ngày. Cụ Antoni mất lúc 3 giờ chiều, còn cụ Henri thì 3 giờ tối.
– Bà Antoni còn sống không?
– Bà ta mất lâu rồi. Toàn bộ tài sản nằm trong tay ông chồng. Tiếc rằng họ không có con.
– Bác sĩ biết nhà của cụ Antoni không?
– Tôi sẽ cho ông địa chỉ.
Thám tử Poirot chợt trầm ngâm:
– Theo tôi, cụ Henri đã bị… đẩy xuống cầu thang.
– Một vụ án mạng ư? – Bác sĩ Mac cười nhẹ – Ông đã bị méo mó nghề nghiệp rồi. Nếu ông nghi người cháu là thủ phạm thì ông đã lầm. Bác sĩ Lorimer đã đánh bài cùng mấy người bạn tại nhà mình từ 8 giờ tối cho đến nửa đêm. Cảnh sát đã chứng thực điều này. Ông có biết điều gì liên quan đến người cháu sao?
– Thật ra, tôi đâu có biết ông cụ có cháu.
– Vậy, ông nghi một người nào khác chăng?
– Không, nhưng tôi thấy cái chết của cụ có điều gì không ổn. Có quá nhiều nước sốt để che mùi tanh của cá.
– Ông nói gì?
– Xin lỗi, tôi đã làm mất thì giờ của bác sĩ.
Bác sĩ Mac tiễn thám tử Poirot ra cửa:
– Theo tôi, cái chết của cụ Henri không có gì đáng nghi cả.
– Vâng, có thể là tôi cố chấp. À, tôi xin hỏi thêm một câu nữa, cụ Henri có mang răng giả không?
– Không, răng cụ rất tốt.
– Răng cụ trắng hay vàng? Có dính gì không, như khói thuốc lá chẳng hạn?
– Lạ một điều là răng của cụ trắng lắm. Không có một bợn khói thuốc lá. Chắc là cụ thường chải răng rất kỹ.
– Cảm ơn bác sĩ.
Rời phòng mạch, thám tử Poirot ghé lại quán Galon. Một cô hầu bàn lạ bước đến:
– Hôm nay cháu thay chị Molie vừa nghỉ phép. Ông dùng gì ạ?
– Nè cô, cô có biết ông cụ có râu nhiều, thường đến đây dùng bữa không?
– Dạ biết. Cụ thường đến vào tối thứ ba và thứ năm. Nhưng mới đây cụ không đến nữa. Cháu đã thấy hình cụ đăng trên báo. Thật tội nghiệp.
– Tối hôm đó là thứ ba, cụ vẫn đến như thường lệ.
– Cô có nhớ hôm đó, cụ gọi món gì không?
– Dạ, để cháu nhớ xem… hình như là xúp cà chua thịt nạc, bánh ngọt nhân dâu và phômai.
– Cảm ơn cô. Giờ cô cho tôi món cá thu chan nước xốt và một ít bánh mì.
Vừa ăn thám tử Poirot vừa suy nghĩ. Chà, anh chàng khôn ngoan vậy mà lại mắc phải những sai lầm không đáng có. Lão Boniton biết chuyện này chắc là thích lắm.
° ° °
Ngày hôm sau, thám tử Poirot đến gặp ông trưởng ban điều tra vùng cụ Henri trú ngụ. Ông này nhận xét:
– Ông cụ này rất lập dị. Cụ sống khép kín, không ngao du với ai cả. Ông có điều gì thắc mắc sao?
– Ông có thể cho phép tôi được biết nội dung lá thư trong túi áo nạn nhân được không ạ?
– À, đó là bức thư của bác sĩ Lorimer, cháu của ông cụ. Lá thư giúp chúng tôi xác định ngày, giờ nạn nhân chết, rất phù hợp với báo cáo của bác sĩ pháp ỵ Tôi sẽ cho ông xem. Đợi một lát nhé.
– Rất cảm ơn ông.
Nguyên văn lá thư viết tay:
“Wilberdon, ngày 3 tháng 11 năm…
Chú Henri thân yêu,
Cháu rất buồn báo tin cho chú rõ, chú Antoni bệnh nặng lắm, sợ không qua khỏi. Tuy nhiên chú ấy vẫn không bỏ qua chuyện quá khứ như chú hy vọng và không muốn chú đến gặp, xem như trên đời này không có một người em ruột như chú. Thật đáng buồn.
Cháu đã hết sức cố gắng để giúp chú nhưng lực bất tòng tâm. Mong chú thông cảm cho cháu.
Cháu của chú: G. Lorimer.”
Con tem ngoài phong bì in dấu bưu điện 16 giờ 30 ngày 3-11. Poirot tự nhủ: “Mọi việc xếp đặt đâu ra đấy. Giỏi thật.”
Sau đó, thám tử Poirot tìm đến nhà ông anh sinh đôi của nạn nhân. Cụ Antoni cũng vừa mới mất. Chỉ còn một mình bà quản gia Marie ngồi rầu rĩ trong ngôi biệt thự khá lớn có vẻ lạnh lẽo. Bà cho biết, Antoni là một cụ già kỳ cục. Suốt 14 năm trời, bà tận tâm phục vụ, chăm sóc cho ông từng miếng ăn giấc ngủ, chịu đựng tính tình khó chịu của ông. Nhưng bà đã được gì ngoài hai bàn tay trắng? Đúng là con người vô lương tâm. Ông ta giàu vậy mà khi chết, chả để lại cho bà cái gì. Trong bản chúc thư làm từ đời nảo đời nào, ông ta để lại tất cả của cải cho vợ, nếu vợ chết trước thì người em sinh đôi tên Henri Gatko sẽ thừa hưởng. Thật là bất công!
Poirot an ủi:
– Bà yên tâm. Thế nào luật sư của cụ Antoni cũng chiếu cố đến trường hợp của bà. Tôi nghe nói cụ Antoni tuy giàu nhưng rất keo kiệt. Ngay đến người em ruột túng thiếu cũng không giúp đỡ cho nữa là.
– Hai anh em giận nhau từ lâu lắm rồi. Mới đây thôi, bác sĩ Lorimer có đến nói chuyện với cụ, trong câu chuyện cứ nhắc hoài đến tên Henri. Hình như cụ Henri nhờ người cháu đến hòa giải thì phải. Nhưng khi đó, ông cụ đã mệt lắm rồi.
Sau khi ăn tối, thám tử Poirot đến khu Wilberson tìm bác sĩ Lorimer. Đó là một chàng trai tầm thước, râu cạo nhẵn, cử chỉ nhanh nhẹn, tóc nâu nhưng lông mày lại có màu sáng khiến cho gương mặt trở nên nhợt nhạt. Poirot mở đầu câu chuyện:
– Tôi đến như thế này có hơi đường đột. Mong ông thông cảm.
Lorimer nhìn ông không mấy thiện cảm.
– Ông muốn gì đây?
Poirot đưa danh thiếp cho Lorimer, nói giọng thân mật:
– Thân chủ của tôi phần lớn là phụ nữ. Các bà thường không tin mấy ông cảnh sát, mà thích những cuộc điều tra riêng tư hơn. Cho nên họ thường tìm đến chúng tôi để giải bày tâm sự. Cách đây mấy hôm, có một bà già đến gặp tôi. Bà ta giận chồng nên sống riêng đã 3, 4 năm rồi. Chồng bà cụ chính là chú Gatko của ông, người vừa mới mất.
Lorimer lớn tiếng:
– Chú tôi. Ông nói sao? Thím tôi mất từ lâu lắm rồi!
– Không phải chú Antoni, mà là chú Henri cơ.
– Chú Henri? Ông lại càng lầm. Chú ấy không có vợ.
– Tôi chả biết, nhưng rõ ràng là cụ Ông có làm hôn thú với cụ bà. Chính mắt tôi thấy giấy tờ hoàn toàn hợp lệ.
Lorimer gầm lên vì tức giận:
– Láo toét. Tôi không tin. Hoàn toàn không tin.
– Thật đáng tiếc phải không ông? Ông đã gây ra một án mạng mà chẳng được lợi lộc gì cả. Cũng chỉ tại thói quen tệ hại của ông. Ông thích ăn bánh kem nhân dâu lắm phải không? Hèn gì răng ông vàng hết. Dâu ngon thật nhưng ăn nhiều quá cũng đi đến chết người. Chính món bánh kem nhân dâu sẽ đưa ông ra tòa đấy.
Lorimer hốt hoảng, mặt mày tái mét, cặp mắt mở to nhìn thám tử Poirot.
° ° °
Ba ngày sau, cũng tại tiệm ăn Galon, Poirot bảo Boniton:
– Lập luận của anh sai ngay từ căn bản. Một người tâm trí rối loạn không bao giờ làm những gì mà anh ta chưa hề làm. Anh ta chỉ làm theo thói quen mà thôi. Theo lời cô Molie kể, tối thứ hai ngoại lệ đó, cụ Henri đã gọi những món ăn mà xưa nay cụ rất ghét. Hành động này hoàn toàn phi lý và đã làm tôi nghĩ ngợi rất nhiều. Rồi sau đó, cụ không đến nữa. Cụ đã bỏ một thói quen mà cụ đã làm đều đặn suốt 10 năm qua. Tôi nghĩ đến một giả thiết xấu. Đó là ông cụ đã chết. Và quả vậy. Cụ đã chết, chết một cách rõ ràng, minh bạch. Giống như nước sốt thơm rưới lên món cá ươn.
– Anh nói rõ hơn đi.
– Người ta thấy cụ đến ăn tối ở tiệm này vào lúc bảy giờ rưỡi, hai tiếng đồng hồ trước khi chết. Tất cả đều logic. Bức thư phát cùng ngày lúc chín giờ tối, tình trạng thức ăn trong bao tử. Trong thời gian cụ bị nạn, người cháu đang có mặt ở một nơi khác. Ai cũng nghĩ đây là một tai nạn, nhưng tôi thì không. Anh cũng biết ai sẽ được hưởng gia tài khi cụ mất!
– Anh lầm rồi. Hưởng cái gì mới được chớ. Cụ Henri nghèo rớt mồng tơi.
– Anh lầm thì có. Cụ Henri có ông anh ruột giàu sụ.
– Thì có liên quan gì đâu?
– Anh chưa thấy rõ vấn đề sao? Bà vợ giàu để của lại cho ông chồng. Chồng để lại cho em. Em không có vợ con, tiền của sẽ lọt vào tay người cháu ruột. Vậy là hợp lý.
– Hay thật. Anh đã suy nghĩ như thế nào? Tôi rất muốn nghe.
– Cụ Henri chết hai giờ sau bữa ăn, không phải bữa ăn tối mà là bữa ăn trưa. Anh cứ đặt mình vào địa vị của Lorimer. Anh ta đang cần tiền một cách tuyệt vọng. Ông chú Antoni bệnh sắp chết, cái chết đem lại sự giàu sang cho ông chú Henri. Mà ông chú Henri thì còn khỏe mạnh quá. Vậy thì phải làm sao cho ông chú này chết càng sớm càng tốt, nhưng phải sau cái chết của ông chú giàu. Và Lorimer đã hành động. Anh ta biết mỗi tuần, cụ Henri có thói quen đến ăn tối hai lần ở tiệm Galon. Nên một buổi tối thứ hai, anh ta đeo râu tóc giả, cải trang thành cụ đến tiệm ăn. Nhờ anh ta có dáng dấp giống cụ, lông mày lại bạc nên càng giống hơn. Sự việc diễn tiến tốt đẹp, ai cũng tưởng anh ta là cụ Henri đã phá lệ đến ăn vào tối thứ hai hôm ấy. Thành công bước đầu, Lorimer yên chí, chỉ cần dò xem ngày nào cụ Antoni hấp hối (cụ này bệnh đã lâu rồi). Đến lúc phải hành động, anh ta viết một lá thư cho cụ Henri vào chiều mồng hai, nhưng lại đề là mồng 3. Khoảng 3, 4 giờ chiều mồng 3, anh ta tới thăm cụ Henri. Chỉ cần đẩy mạnh tay một tí là ông chú tội nghiệp ngã lăn xuống cầu thang. Anh ta lấy lá thư trên bàn bỏ vào túi áo ngủ của ông cụ. Đến bảy giờ rưỡi tối, anh cải trang thành ông cụ, có mặt tại tiệm ăn Galon như thường lệ. Điều này chứng tỏ cho mọi người biết, lúc bảy giờ rưỡi ngày mồng 3, cụ Henri vẫn còn sống. Ăn xong, anh ta vào nhà vệ sinh và khi trở ra, đã biến thành bác sĩ Lorimer. Chưa tới nửa giờ sau, anh đã có mặt bên bạn bè tại Wilberson. Một chứng cớ ngoại phạm hoàn hảo.
– Thế thì dấu bưu điện trên phong bì thì sao?
– Dấu bị bôi tèm lem. Số 2 được sửa thành số 3. Tôi đã quan sát kỹ bì thư và thấy rất rõ. Còn nữa, bằng chứng rõ rệt nhất là những trái dâu.
– Những trái dâu?
– Lorimer chưa phải là diễn viên giỏi. Anh ta bắt chước ông chú y hệt nhưng chỉ bề ngoài thôi, vì anh ta đã không tập ăn như ông chú. Anh ta đã gọi món mà anh ta thích nhưng ông chú lại rất ghét, đó là dâu tây. Dâu làm vàng răng, khi khám nghiệm, răng của nạn nhân rất trắng. Vậy không thể nào chính nạn nhân đã ăn ở nhà hàng tối hôm mồng ba được. Tôi đã hỏi bác sĩ pháp y, dạ dày nạn nhân không hề có chất dâu. Người ta còn tìm thấy trong nhà Lorimer bộ râu giả để hóa trang nữa. Thật ra, có rất nhiều chứng cớ buộc tội tên cháu bất nhân này. Tôi đã đến thăm hắn, kể cho hắn nghe một câu chuyện bịa đặt, và hắn đã lòi đuôi ra ngaỵ À, khi tiếp tôi, răng hắn vàng khè vì vừa ăn món bánh dâu xong. Đúng là một tên tham ăn.
Đúng lúc đó, cô hầu bàn mang đến hai đĩa bánh kem nhân dâu. Thám tử Poirot xua tay:
– Chúng tôi không dám gọi món này đâu. Cô mang đi cho…

HẾT


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.