Sức mạnh của tĩnh lặng

CHƯƠNG V: BẢN CHẤT CHÂN THẬT CỦA BẠN



Ở cấp độ sâu xa nhất, bạn chính là Phút Giây Hiện Tại, hai điều này không thể phân cách nhau.
Có nhiều thứ trong cuộc đời bạn rất quan trọng, nhưng chỉ có một thứ quan trọng một cách tuyệt đối.
Bạn thành công hay thất bại trong cuộc đời là một điều quan trọng. Bạn khỏe mạnh hay ốm đau cũng là điều quan trọng, có học thức hay không học thức; bạn giàu hay nghèo là một điều quan trọng, – điều này chắc chắn giúp bạn thay đổi cuộc đời mình. Vâng, tất cả những điều ta nêu ra ở trên đều quan trọng, trong cách nhìn tương đối, nhưng những thứ đó không có tầm quan trọng một cách tuyệt đối.
Nhưng có một thứ quan trọng hơn hết: đó là tìm cho ra đượcbản chất chân thực của chính bạn, vượt lên trên thân phận bọt bèo ngắn ngủi của một kiếp người, vượt lên trên cảm nhận về tự thân như một cá thể biệt lập,đợi ngày chết.
Bạn tìm ra được niềm an bình không phải nhờ vun tém, xếp đặt lại những tình huống trong đời sống của bạn, nhưng bằngnhận thức đượcbản chất chân thực của mìnhở một cấp độ sâu xa nhất.
Tái sinh sang một kiếp khác cũng không giúp được gì cho bạn, nếu trong đơi kiếp tới, bạn vẫn không biếtbản chất chân thực của mình là gì!
Tất cả những khổ đau trên hành tinh này đều phát sinh từ một cảm nhận rất sai lầm rằng “có một cái Tôi, một cá thể biệt lập với người khác và với thế giới chung quanh.” Cách nhìn này che lấp đi bản chất chân thực của chính bạn. Khi bạn không còn nhận ra được bản chất cao quý ở trong mình, thì bất kì điều gì bạn làm, cuối cũng sẽ tạo thêm khổ đau, cho chính mình và cho kẻ khác. Chỉ đơn thuần như thế! Khi bạn không nhận thức được bản chất chân thực của bạn là ai, ban sẽ cố tạo cho mình một cá tính, một nhân cách(39) do sự sáng tạo vô vọng của trí năng để thay thế cho con người thần thánh, chân thật, sáng chói, tuyệt vời vẫn luôn sẵn có ở trong mình. Từ đó bạn chỉ còn biết bám víu vào cái bản ngã nhỏ bé, đầy sợ hãi và tội nghiệp ở trong đầu bạn.
Lúc đó, bảo vệ và chăm sóc cho cái Tôi nhỏ bé, giả tạo đó sẽ trở thành một động lực thúc đẩy phía sau tất cả những việc bạn làm.
(39) Tạo cho mình một cá tính, một nhân cách: Có những điều chúng ta biết được lặp đi lặp lại nhiều lần nên lâu ngày đã trở thành một thói quen ở trong ta. Ngay cả những thói quen như hút thuốc, uống rượu, nói phét, bài bạc… là những thói quen không hữu ích gì cho chúng ta, chúng ta vẫn không muốn từ bỏ, có thể vì yếu đuối thoặc khi bạn nghĩ đến chuyện bỏ đi những thói quen này thì bạn sợ phải đối diện với câu hỏi “Tôi thực sự là gì?” cho nên trong vô thức, bạn cố bám vào những thói quen này để tạo cho mình một cá tính, một nhân cách, dù đó là cá tính hay nhân cách rất tiêu cực.
Tự thân cấu trúc của ngôn từ đã cho thấy rằng con người không thực sự nhận thức được bản chất chân thực của chính mình. Cái nói quen thuộc: “Cuộc đời của tôi/anh ấy/cố ấy” khiến chúng ta dễ hiểu lầm rằng sự sống là một cái gì mà bạn, hay một ai đó, có thể sởhữu hay đánh mất. Sự thật là bạn không thể có một đời sống riêng lẻ, nhỏ bé; vì bạn chính là Sự sống thênh thang. Một Sự Sống Duy Nhất từ xưa đến nay, trong giây phút này đang biểu hiện ở khắp mọi nơi trong vũ trụ, chưa bao giờ từng sinh, chưa bao giờ từng diệt. Bạn chính là khả năng nhận biết, đang bàng bạc khắp cả vũ trụ, và tạm thời biểu hiện qua hình tướng, để kinh nghiệm tự thân của chính mình qua một viên sỏi, cọng cỏ, con thú hay một con người, một ngôi sao, một thiên tài…
Bạn có thể cảm nhận sâu lắng ở bên trong rằng bạn thực đã biết rõ điều này? Bạn có thể cảm nhận rằng mình thực đã là Cái Đó?
Đa số mọi chuyện trên cuộc đời đều cần có thói quen để hoàn tất: học một kĩ thuật mới, xây một căn nhà, trở thành một chuyên gia, pha một tách trà… Nhưng thời gian là điều không cần thiết cho một chuyện chủ yếu, chuyện quan trọng nhất trong đời sống: Đó là nhận thức được bản chất chân thật bạn là ai, đó là nhận thức được cái chân thật nhất, vượt lên trên nhân cách bề ngoài của mình, vượt lên trên tên họ của mình, hình dáng, thể chất, tiểu sở về chính mình.
Bạn không thể tìm ra được mình trong quá khứ hoặc tương lai. Nơi duy nhất mà bạn có thể tìm ra được chính mình là trong Phút Giây Hiện Tại.
Những người đang dấn thân vào con đường tâm linh, đi tìm giác ngộ ở một tiêu điểm ở tương lai – là một người dấn thân, điều này ám chỉ rằng bạn rất cần đến tương lai. Nếu đây là điều bạn tin chắc thì điều đó sẽ xảy ra đúng như bạn nghĩ: bạn sẽ cần thời gian cho đến khi bạn nhận ra rằng bạn không cần thời gian để nhận ra bản chất chân thực của mình.
Khi bạn nhìn vào một thân cây, bạn có ý thức về thân cây. Khi bạn có một ý nghĩ hay một cảm xúc, bạn có ý thức về ý nghĩ hay cảm xúc đó. Khi bạn có một kinh nghiệm khoái lạc hay đớn đau, bạn có ý thức về kinh nghiệm đó.
Những mệnh đề này thoạt nghe có vẻ hợp lí và hiển nhiên, nhưng khi bạn nhìn kĩ lại, bạn sẽ nhận ra rằng trong tự thân cấu trúc của ngôn ngữ đã chứa đựng một ảo tưởng, một ảo tưởng không thể tránh được khi ta sử dụng ngôn từ. Ý nghĩ và ngôn từ tạo ra một đối cực nhị nguyên, một cá thể biệt lập cảm nhận một đối tượng: một thân cây, một ý nghĩ, một cảm xúc, mà trong thực tế không thể có. Sự thực là: Bạn không phải là một con người có ý thức về một thân cây, một ý nghĩ, một cảm xúc hay một kinh nghiệm. Màbạn chính là ý thức hay sự nhận biết, trong đó tất cả những thứ đó được biểu hiện.
Trong đời sống hằng ngày, bạn có thể thực tập để nhận thức chính mình như là một trường nhận thức trong đó toàn thể những tình huống trong đời sống của bạn được phơi bày?
Khi bạn nói: “Tôi muốn hiểu thêm về mình.” Bạn chính là chủ thể “Tôi.” Bạn chính là Cái Biết. Bạn chính là Tâm(40) qua đó mọi vật được nhận ra.Và cái đó không thể biết về nó; vì nó đã chính thực là nó rồi.
Không còn điều gì đáng biết hơn điều này, vì từ cái Tâm đó mọi hiểu biết được phát sinh. Chủ thể “Tôi” không thể tự biến nó thành một đối tượng của tri thức, của Tâm.
Do đó bạn không thể trở thành một đối tượng cho chính mình. Đó chính là cái lí do ảo tưởng về bản ngã ở trong bạn được phát sinh – vì trong đầu bạn, bạn vô tình xem mình là một đối tượng. Cho nên bạn mới nói “Nhìn kìa, Tôi đó”(41). Rồi bạn tự tạo ra một quan hệ với chính mình, và rao truyền với mọi người và với chính bạn huyền thoại về mình.
(40) Tâm: Khả năng nhận biết, không hình tướng ở trong ta. Đây là bản chất chân thật của mình.
(41) Nhìn kìa, Tôi đó: Đó là khi bạn chỉ vào một công xưởng, một cao ốc, một chiếc xe hơi lộng lẫy,… và nói với người đối diện rằng bạn là người sở hữu những tài sản này. Hoặc khi bạn khoe với người khác về chức vụ, những điều bạn đã thành công… trong đời. Tất cả đều là một nỗ lực để xác định rằng có một “cái Tôi” hiện hữu.
Bằng nhận thức sâu sắc rằng bạn chính là ý thức, là sự nhận biết trong đó mọi hiện tượng trong đời sống được phát sinh, thì bạn sẽ thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào mọi hiện tượng của đời sống và thoát ra khỏi nỗ lực đi tìm một nhân cách cho chính mình qua những tình huống sống, nơi chốn và hoàn cảnh sống của bạn. Nói một cách khác: Những gì xảy ra, hay không xảy ra, không còn quan trọng đối với bạn. Mọi chuyện sẽ bớt đi sự nặng nề và nghiêm túc. Có một cảm giác thư thái, vui tươi trong những việc bạn làm. Bạn bỗng nhận rằng: thế giới này như là một cuộc khiêu vũ của vũ trụ, một cuộc khiêu vũ của muôn vàn những hình tướng – không hơn không kém.
Khi bạn nhận biết bản chất chân thực của mình, bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác an bình sống động, và không hề bị gián đoạn. Bạn có thể gọi đó là niềm vui, vì đó chính thực là cảm giác sống động của niềm an bình. Đó là niềm vui của một con người nhận thức được rằngmình chính là tinh hoa của sự sống, trước khi sự sống ấy trở thành hữu hình. Đó là niềm vui của an nhiên tự tại – an nhiên tự tại vì đã biết được bản chất chân thực của mình.
Cũng như nước, có khi được biểu hiện dưới thể rắn, thể lỏng, thể hơi, Tâm cũng có thể được biểu hiện dưới dạng “đông đặc” khi trở thành vật chất, trở thành những sinh vật…; hoặc ở “thể lỏng” khi biểu hiện ra dưới dạng những ý nghĩ, tâm tư: hay không biểu hiện ra, không mang hình tướng gì cả, khi Tâm ở trong trạng thái thuần khiết, tinh chất của nó.
Trong trạng thái thuần khiết của Tâm: Tâm chính là Sự Sống trước khi nó được biểu hiện thành hình tướng, và Tâm kinh nghiệm thế giới qua “đôi mắt” của bạn vì bạn chính là Tâm. Khi bạn nhận thức rằng mình chính là cái Tâm đó, thì bạn sẽ nhận ra mình trong tất cả. Đó là một trạng thái ý thức tỉnh táo, hoàn toàn sáng tỏ. Lúc đó bạn sẽ không còn là một thực thể nhỏ bé với một quá khứ nặng nề, kinh nghiệm và diễn dịch đời sống qua một tấm màn giới hạn của khái niệm, với một quá khứ đầy thương tích.
Khi bạn cảm nhận, mà không đi qua quá trình diễn dịch của trí năng ở bên trong, thì lúc đó bạn mới có thể cảm nhận được cái phần sáng suốt ở trong bạn đang ý thức và cảm nhận những gì bạn đang cảm nhận. Điều mà chúng ta có thể diễn tả qua ngôn từ là có một chiều không gian rất yên tĩnh nhưng tràn đầy sự tỉnh táo và cảnh giác ở trong bạn, trong đó, những suy tư và khái niệm của bạn được hình thành.
Qua “bạn,” cái Tâm vô hình tướng(42) đã tự ý thức được chính nó.
(42) Cái Tâm vô hình tướng: Khả năng nhận biết bản chất chân thật của bạn.
Đa số mọi người ai cũng bị chi phối bởi lòng tham đắm và sợ hãi.
Lòng tham đắm(43) là nhu yếu để thâu gặt thêm một cái gì đó cho chính mình để cho mình cảm thấy toàn vẹn hơn. Sợ hãi(44) là sợ đánh mất một cái gì, từ đó tự cảm thấy mình trở nên mất giá trị hoặc thiếu thốn.
Cả hai thái cực này đều che mờ một sự thực là: an nhiên tự tại, là một thứ bạn không thể thâu tóm hoặc đánh mất được (45). Vì an nhiên tự tại, trong trạng thái toàn vẹn nhất, đang hiện diện ở trong bạn, ngay trong giây phút này.
(43) Lòng tham đắm: Vì cảm nhận sai lầm rằng có một “Cái Tôi biệt lập với người khác và thế giới chung quanh,” nhận thức này làm phát sinh trong ta một khoảng trống cô đơn ở trong tâm hồn. Nhưng vì không ý thức được cảm giác hụt hẫng, cô đơn này nên chúng ta dễ rơi vào cạm bẫy của sự tham đắm qua chuyện khát chung đụng xác thịt, nghiện ngập rược chè, ma túy, bài bạc,… để lấp đầy khoảng trống, cảm giác cô đơn này. Nhu yếu tích lũy của cải, tiền bạc cũng là để bảo đảm một tương lai cho “cái Tôi” này.
(44) Sợ hãi: Tương tự như thế, vì nghĩ rằng bạn có một “cái Tôi biệt lập với người khác và thế giới chung quanh” nên bạn đâm ra sợ chết, sợ bệnh tật, sợ đánh mất tiếng tăm, đánh mất tài sản… của mình.
(45) An nhiên tự tại là thứ bạn không thể thâu tóm hoặc đánh mất được: Vì an nhiên tự tại chính là bản chất chân thực của bạn, là một cái gì bạn đã luôn sẵn có ở bên trọng, nên bạn không thể thâu tóm hoặc đánh mất như là một vật gì ở bên ngoài bạn như tiền bạc, tài sản, địa vị xã hội…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.