Tại tôi
Chương 3
Ông Huyện Khoan làm quan tại Sài Gòn, ông ở một cái nhà bánh ếch nơi đầu đường Mayer, nhà tuy nhỏ song có nhà bếp, nhà xe kèm hai bên, lại trước nhà có vài cây xoài lớn che làn mát mẻ, chính giữa sân có xây bồn trồng nhiều thứ bông. Ông còn trẻ, mới bước chân vào hoạn lộ, mà được một ngôi nhà đẹp đẽ như vậy, là vì năm trước ông cưới vợ, rồi cha mẹ vợ của ông muốn cho bề ăn ở của con rể xứng với địa vị thượng lưu nên mua cái nhà ấy để cho ông ở.
Gần 12 giờ trưa, xe hơi xuống sở làm rước ông về, xe vô sân vừa ngừng, thì ông mở cửa nhảy xuống gọn gàng, rồi xăm xăm đi riết vô nhà. Ông thấy bà ngồi một mình tại phòng khách, đương xem nhựt trình thì ông bước vô, hai tay ôm mặt bà mà nựng.
Bà Huyện tuổi vừa mới đôi mươi, vóc lớn, môi dày, trán thấp, bà buông nhựt trình đứng dậy, xô chồng nhẹ nhẹ và nói: “Làm giống gì kỳ cục vậy nà”.
Ông cười hịt hạt, rồi cất nón đi vô buồng thay đồ. Bà bước ra cửa sau, kêu bồi bếp biểu dọn cơm, bà nói tiếng rộn ràng, lại đứng tay chống nạnh, nên coi oai nghiêm lắm.
Cơm dọn rồi thì ông thay đồ cũng rồi, nên vợ chồng ngồi lại bàn ăn, một tên ngồi khoanh tay đứng sau lưng bà mà chờ lịnh.
Ông vui vẻ hỏi bà:
– Hồi sớm mơi mình có xuống Bến Thành không?
– Có. Tôi có đi một lát.
– Đi chơi vui hôn?
– Sớm mơi thiên hạ lo mua bán, chớ có gì mà vui.
– Tối nay mình muốn đi đâu chơi đặng tôi dắt đi?
– Vậy chớ mình không đi hội nữa hay sao?
– Không, mình muốn đi Thủ Đức chơi, hay là muốn đi coi hát bóng?
– Để tối rồi sẽ hay. Tôi muốn đi Chợ Lớn kiếm đồ mua.
– Muốn đi Chợ Lớn thì đi.
Bỗng ông Huyện dòm ra cửa thì thấy có hai cái xe kéo chạy vô sân. Ông nói lớn:
– ”Ủa! Vợ chồng anh Đốc Thạch mới mượn xe về Ô Môn hôm qua, sao bữa nay lại trở lên kia kìa?’
– Thiệt quả Như Thạch với cô Nhung bước vô cửa. Cô Nhung chắp tay xá và nói: ”Em chào quan, em chào bà”.
Ông Huyện hỏi: ”Sao mau lên như vậy?”
Như Thạch cười đáp: ”Ừ, trở lên”. Chàng kêu xa phu bảo vác rương với va-ly đem vô để trước hàng ba rồi móc túi lấy bạc cắc mà trả tiền xe.
Bà Huyện nói: ”Gặp bữa tôi xin mời hai ông bà ngồi lại ăn cơm luôn thể. Vợ chồng tôi mới ăn đây”.
Cô Nhung vui vẻ đáp:
– Mời bà với quan ăn. Vợ chồng em đã dùng cơm rồi.
– Ăn ở đâu?
– Xe ghé chỗ gì đó nghỉ lâu. Hành khách ai cũng xơi cơm. Vợ chồng tôi vừa đói bụng, nên cũng làm như họ cho vui.
– A! Ghé Cai Lậy phải hôn?
– Thưa phải, Cai Lậy ạ.
– Té ra đi xe đò hay sao?
– Vâng, đi xe đò.
– Hèn chi lên trưa dữ. Thôi, hai ông bà ăn cơm rồi thì ngồi đó uống nước. Bồi, lau vài cái tách rồi rót nước trà bưng ra đây.
Như Thạch cứ đi qua lại, chớ không ngồi.
Ông Huyện thấy vậy mới hỏi:
– Mà sao toa mới về hôm qua, rồi bữa nay lại trở lên? Có việc gì hay sao?
– Ôi! Việc nhà của moa rối lắm toa ôi! Để thủng thẳng rồi moa sẽ thuật hết cho toa nghe.
– Moa chắc toa bị bà già tán toa rồi chớ gì. Phải như vậy hay không?
– Toa đoán trúng lắm, bà già rầy quá.
– Mấy bà già gắt lắm. “Bất cáo nhi thú kỳ tội chi trọng”, mấy bả có chịu đâu. Hôm qua toa dắt madame đi về Ô Môn, moa muốn cản mà moa không dám. Chớ chi toa về trước một mình, toa òn ỷ cho êm, rồi toa sẽ đem madame về sau, có lẽ khỏi bị rầy.
– Cái đời của moa dầu làm việc gì cũng vậy, lấy lòng thành thật làm gốc. Mưu sự giả dối moa làm không được.
– Ở đời có kinh mà cũng có quyền. Mình phải tùy thời mà làm, thì mới nên việc chớ. Bà già rầy thì toa phải ráng mà chịu, sao lại bỏ đi?
Moa đã ráng hết sức rồi ráng không nổi nữa, nên moa phải đi đây. Mới đút đầu vô nhà, vợ moa lạy mà làm lễ ra mắt. Bà già giẫy dựng đứng, la om sòm. Moa năn nỉ hết sức mà cũng không hết giận. Hồi khuya nầy lại đánh chửi xô đuổi vợ moa nữa, từ rày sắp lên không biết moa là con. Bà già moa không thương thì moa đi, chớ ở làm gì.
– Toa bậy quá. Giận nên nói vậy, chớ mẹ con sao lại không thương. Bà già mắng chửi toa phải nhịn, toa chịu lỳ ở đó mới phải. Giận hoài hay sao? Bất quá bà già giận năm mười bữa, nguôi ngoai rồi thôi, chớ không lẽ giận trọn đời.
– Toa làm Huyện moa làm giáo sư, mà toa trở lại toa dạy moa về tâm lý thì trái đời quá. Moa vẫn biết tánh ý bà già moa, bởi vậy trước khi về moa đă sắp đặt cách hành động thế nào cho xuôi thuận chớ moa làm con, lại lấy theo cái thành kiến gia đình thì moa có lỗi thiệt, ấy vậy có lẽ nào moa không chịu nhục. Ngại vi bà già gắt quá đánh đuổi không cho vô nhà thì làm sao mà ở được. Nếu toa ngồi cái địa vị của moa, thì toa mới biết giảng tâm lý.
Vợ chồng ông Huyện ăn cơm rồi, bèn mời khách ra salon ngồi uống nước. Ông
Huyện hỏi Như Thạch ”Toa không ở dưới Ô Môn được, bây giờ toa tính đi đâu?”
Như Thạch châu mày ngẫm nghĩ một hồi rồi thở dài mà đáp: ”Moa đương bối rối quá, nên chưa biết đi đâu… Tôi xin hai ông bà làm ơn cho vợ chồng tôi ở đậu đây ít bữa rồi tôi sẽ tính”.
Ông Huyện ngó vợ. Bà Huyện cười mà đáp: ”Anh Đốc đương bối rối việc nhà. Anh chị muốn ở đây bao lâu, vợ chồng tôi cũng vui lòng mà tiếp đãi. Tôi lo có một điều là nhà không được rộng rãi cho lắm, sợ anh chị bực bội bất tiện chớ”.
Ông Huyện tiếp mà nói: – “Toa lên đây thì ở đây chớ đi đâu. Chật hẹp cũng ở đỡ với nhau ít bữa rồi sẽ tính. Toa đã từ chức rồi mà toa lại nghịch với bà già nữa, bây giờ toa phải lo tổ chức cái đời tương lai của toa, việc đó là một việc khó”.
Cô Nhung nói:
– Từ hồi sớm mai cho tới bây giờ em theo năn nỉ với anh Đốc, em xin anh trở ra Bắc. Em làm Nữ giáo sư, em được phép nghỉ sáu tháng chớ em không có từ chức. Về Bắc em xin vào Sở Giáo huấn mà dạy học lại, em làm để nuôi sự sống của vợ chồng em được, em tính như vậy mà anh Đốc không chịu. Em xin quan với bà làm ơn nói hộ đặng anh Đốc xiêu lòng mà trở ra Bắc với em.
– Madame tính nghe phải quá, sao toa không chịu nghe. Toa về ở dưới Ô Môn không được, thì toa còn có một đường đi, là trở ra Bắc, chớ toa ở Sài Gòn làm cái gì. Ra Bắc rồi toa làm đơn xin phục chức đặng làm việc đỡ mà nuốt sự sống.
Như Thạch lắc đầu đáp rằng:
– Moa nghĩ trở ra ngoài Bắc không tiện. Hôm trước moa xin nghỉ một năm. Quan trên không cho. Moa giận moa làm đơn từ chức. Thì Quan trên đòi moa quở trách, nói nếu từ chức sau đừng có xin trở vô nữa. Moa giận moa nói moa không màng cái lớp giáo sư, cởi bỏ được thì moa mừng lắm, moa không thèm mang lại đâu mà sợ. Đã có cái ác cảm trước như vậy, bây giờ còn mặt mũi nào xin phục chức lại.
– Ở đời lắm lúc mình phải chịu lòn một chút cho được việc của mình có hại gì.
– Sao lại không hại? Hại lắm chứ. Ai cũng có cái nhơn phẩm riêng, nếu mình để mất nhơn phầm của mình, thì còn gì mà làm người cho được. Thà moa chịu chết đói chớ không bao giờ moa chịu lòn cúi.
– Có lòn cúi gì đâu. Mình chịu khó năn nỉ một chút cho người ta vui lòng người ta giúp mình nên việc, có gì đâu mà sợ xấu hổ.
– Cám ơn mấy lời toa khuyên. Tiếc vì moa không quen năn nỉ, nên moa không thể làm theo lời toa khuyên đó được.
– Toa cứ ôm ấp mấy cái thói hủ lậu, nên toa nói hơi nghe cũ xì. Đời nầy là đời vật chất có ai còn những “cử chỉ cao thượng”, những “tánh tình chánh trực”. Những đồ ấy là đồ trái mùa không hợp với thời thế nữa, nên người ta đã đem bỏ dẹp hết ngoài xó hè. Cái căn cứ để hành vi của người đời nay chỉ có một tiếng “được”, mà thôi. Toa phải ở theo đời, chớ toa ở theo sách, moa chắc toa không “được” gì hết.
– Cám ơn toa vạch giùm con mắt cho moa đặng moa thấy thế thái. Nhưng mà thấy thì thấy, thấy thế tình cũng như đi coi hát thấy hề giễu trên sân khấu, moa thấy đặng cười chơi vậy thôi, chớ moa không thể xen vô đó mà làm như vậy được.
– Tánh ý toa kỳ quá, hèn chi bà già toa rầy toa chịu không được toa bỏ toa đi. Bây giờ toa không chịu trở ra Bắc, vậy toa ở đây toa làm việc gì, toa nói cho moa nghe thử coi.
– Năm moa được cấp bằng làm giáo sư ngoài Bắc moa muốn bỏ không thèm đi. Moa có ghé trường Tư thục Vân Thế ở Tân Định mà hỏi thử ông Cai Trường coi chịu cho moa dạy hay không. Ông lấy làm vui lòng cho moa dạy. Vậy để sáng mai moa xuống trường moa hỏi lại, nếu bây giờ đối với moa còn cái hảo ý ấy, thì moa sẽ đi dạy học để lấy tiền lương mà nuôi vợ moa.
Bà Huyện cười mà nói:
– Anh Đốc tính như vậy tôi coi không tiện. Dạy trường tư anh lãnh mỗi tháng có năm bảy chục đồng bạc, mà lại không có danh vọng gì hết. Anh học giỏi mà bác dưới nhà lại giàu lớn, anh đi làm như vậy coi sao được.
– Tôi xin phép trả lời theo mỗi ý của chị. Lương nhiều hay là ít không quan hệ gì, như nhiều thì xài nhiều như ít thì xài ít, nhiều ít gì cũng được, miễn đời được sung sướng, trí được thong thả thì thôi. Còn danh vọng… Danh vọng là gì? Có phải được ngồi ở cái địa vị giàu sang, bầy thù phụng theo ngợi khen đó mà gọi là danh vọng hay không? Theo tôi tưởng thì chí mình cao, lòng trong sạch không bợ đỡ trên, không khinh ở dưới, biết xét mình biết coi đời, không cầu ai trọng, vì cái trọng của kẻ ngu không quí gì, không màng ai chê vì cái chê của kẻ dại không mấy hại, làm người được như vậy thì đủ rồi, cần gì thứ danh vọng giả, nó đã không làm cao cho giá trị của mình, mà nó còn làm giảm cái chí hướng của mình nữa.
– Anh nói giống gì thì nói, mà bác dưới nhà mỗi năm thâu lúa huê lợi trên hai chục ngàn giạ lúa, bây giờ anh phải xuất thân đi làm mướn thì tức quá.
– Chị nói lời ấy tôi kính phục chị lắm. Tôi ái ngại một chút, là ái ngại chỗ đó. Mà nếu xét cho kỹ, thì cũng không nên buồn. Tuy cha mẹ mình giàu, song tài sản là tài sản của cha mẹ, chớ không phải của mình làm ra, bởi vậy dầu mình không được hưởng, mình cũng không nên phiền trách. Ví như cha mẹ mình nghèo thì mình lấy gì mà trông mong.
– Mà cha mẹ giàu thì con hưởng nhờ chớ. Nếu tôi gặp cảnh như anh, chắc tôi không làm như anh vậy đâu.
– Chớ chị làm sao?.
– Nếu bà giận mà đuổi thì tôi đến nhà bà con tôi ở đậu, hay là mướn phố tôi ở riêng, song cũng ở gần đó. Mình ở đó mình kiếm thế làm ăn. Trong làng trong xóm ai cũng biết mình là con nhà giàu, bề nào ngày sau mình cũng có gia tài, bời vậy mlnh cậy họ giúp vốn cho mình làm ăn thì chắc ai cũng sẵn lòng hết thảy. Mình nương náu một ít lâu nguôi ngoai, bà già hết giận, rồi mình trở về nhà. Nếu mình phiền, mình bỏ nhà mà đi thì gia tài của cha mẹ, chị em mình họ hưởng cũng uổng lắm chớ.
Như Thạch ngồi ngẫm nghĩ không nói nữa.
Cô Nhung thấy vậy cô mới nói với bà Huyện:
– Vợ chồng em buồn là buồn về sự má em giận, chớ gia tài vợ chồng em không sá gì.
– Sao mà không sá? Có của sẵn, khỏi làm cực khổ, ấy là cái phước riêng của mình. Mình được phước thì mình hưởng, sao mà chê. Gia tài lớn quá, chớ phải ít ỏi gì sao.
Ông Huyện đứng dậy vỗ vai Như Thạch mà nói:
– Madame nói phải lắm. Toa phiền bà già, toa bỏ nhà mà đi, thì hại cho quyền lợi của toa nhiều.
– Moa lo là lo về tình nghĩa, chớ quyền lợi có nghĩa lý gì đâu mà toa nói quyền lợi.
– Ở đời phải coi quyền lợi trọng hơn hết mới được. Tình nghĩa hay là giống gì nữa cũng đều đứng sau hết.
– Lý thuyết kim tiền.
– Phải, sanh nhằm cái đời người ta xem trọng con bò vàng, thì mình phải theo cái lý thuyết kim tiền chớ sao.
– Chớ chi toa làm giáo sư thì có ích cho dân chúng nhiều lắm, bởi vì toa lấy cái lý thuyết đó toa dạy, thì chắc học trò của toa ngày sau giàu hết.
– Moa làm quan, moa dạy dân cũng được vậy.
– Ý! Được đâu. Toa làm quan nếu toa thi hành cái thuyết đó, moa sợ dân nghèo hết chớ.
Ai nấy đều cười rộ, ông Huyện cũng cười.
Ông Huyện ngồi lại rồi nói tiếp:
– Thôi đừng có giễu cợt nữa. Phải tính việc của toa lại cho kỹ coi phải làm thế nào bây giờ. Theo ý moa thì toa nên làm như vầy: toa phải đưa madame về ngoài Bắc mà ở tạm… –
– Moa đã nói moa không thể trở ra Bắc được.
– Toa đưa madame về Bắc rồi toa trở vô liền.
– Không được. Moa không thể rời vợ moa được.
– Thôi thì toa kiếm chỗ trong nầy mà để cho madame ở yên, rồi toa trở về Ô Môn mà ở với bà già.
– Toa muốn nói cái gì vậy?
– Theo ý moa thì thế nào toa cũng phải thuận với bà già mới được, chớ nếu toa nghịch thì hại cho toa lắm. Toa cho madame về Bắc, hoặc toa gởi ở đâu đó rồi toa trở về một mình mà ở với bà già. Toa nói dối rằng toa sợ bà già buồn rầu nên toa đã bỏ madame rồi. Bà già nghe như vậy chắc bà hết giận, rồi trở thương toa lại. Toa là trưởng nam, được bà già thương thì tự nhiên toa có quyền trong nhà, có quyền rồi mới có tiền mà nuôi madame chớ. Toa ở đó, lâu lâu toa kiếm chuyện mà đi chơi, rồi toa tới lui với madame cũng được vậy. Làm thế ấy thì toa trọn đạo với mẹ, mà cũng trọn nghĩa với vợ nữa.
– Giả dối! Đạo nghĩa như vậy là đạo nghĩa giả dối, sao toa lại bày cho moa?
Ông Huyện rùn vai mà nói: “Làm như vậy thì hay quá, mà toa không chịu thì thôi, chớ moa biết tính thế nào nữa được. Thôi, toa thay đồ nghỉ trưa một chút, rồi thủng thẳng sẽ tính lại. Hai ông bà ở cái phòng phía trước đó. Cái phòng đó rất mát mẻ”.
Vợ chồng ông Huyện vô buồng phía sau mà nghỉ.
Vợ chồng Như Thạch qua cái phòng phía trước.
Tối, ăn cơm rồi vợ chồng ông Huyện mời khách đi Chợ Lớn chơi. Như Thạch nói: “Cám ơn, hai ông bà cho phép vợ chồng tôi ở nhà đặng sắp đồ trong rương lại và viết thơ về nhà”.
Xe hơi đi rồi, vợ chồng Như Thạch mới dắt nhau ra trước sân đi qua đi lại mà hứng mát. Đi một hồi Như Thạch mới hỏi vợ.
– Em có ăn năn chút nào không?
– Ăn năn thế nào?
– Ăn năn về sự đôi ta phối hiệp đó.
– Ồ! Sao anh hỏi thế? Sao mà ăn năn? Em được gần anh thì bao giờ em cũng sung sướng lắm ạ.
– Hồi anh cưới em, thì anh chắc anh sẽ đem hạnh phúc mà dưng cho em hưởng trọn đời, anh sẽ làm cho em vui vẻ sung sướng luôn luôn. Anh không dè hôm nay xảy ra việc bối rối trong gia đình khiến cho vợ chồng ta phải vất vả như vầy, bởi vậy anh sợ em buồn quá.
– Không ạ. Em có buồn là buồn vì thấy má giận anh mà thôi, chớ làm vợ anh mà thân em phải khổ cực đến thế nào em cũng không buồn.
– Theo công việc em đã thấy đó, thì rõ ràng từ nay cái đời của anh là đời vất vả không gia đình, không thân tộc. Anh muốn biết coi em thấy như vậy em có giựt mình mà hối hận chút nào hay không.
– Anh thương yêu em thì đủ cho em sung sướng lắm rồi. Nếu cái đời của vợ chồng ta mà phải bị vất vả nghèo nàn thì cái sung sướng ấy càng thắm nồng nàn, em vui lắm, chớ sao lại hối hận.
– Cám ơn em. Mấy lời em nói đó làm cho anh phấn chí mà đương đầu với mọi sự khó khăn của chúng ta trong lúc nầy. Em nghe vợ chồng ông Huyện nói chuyện hồi trưa, thì em đã thấy trí lý của vợ chồng ông không hạp với trí ý của anh chút nào hết. Anh không muốn ở đây lâu vì ở đây lâu sợ cái lẽ rồi sanh mích lòng. Vậy sáng mai anh sẽ đi kiếm chỗ mà dạy học liền. Hễ có chỗ làm thì mình mướn phố dọn ở riêng cho thong thả.
– Vâng. Ở yên chỗ rồi, em cũng sẽ kiếm công việc em làm đặng em giúp anh.
– Thôi em có thai nghén mệt nhọc, phải lo dưỡng sức, không nên làm việc, một mình anh làm có lẽ cũng đủ tiền nuôi nhau sống được. Em vô nhà mở rương sắp đồ đạc cho tử tế, để anh viết một bức thơ mà cáo lỗi với cậu Năm.
– Em sắp nhắc anh chuyện ấy. Anh viết thơ, anh chẳng nên tỏ ý phiền má, bởi vì làm con chẳng nên phiền cha mẹ, dầu cha mẹ không thương cũng vậy.
– Anh có phiền đâu.
Vợ chồng dắt nhau trở vô nhà, vợ lo mở rương sắp áo quần, còn chồng ngồi lại bàn viết mà viết thơ.
Chừng Như Thạch viết thơ rồi thì vợ sắp đồ cũng rồi, chàng kêu vợ lại ngồi một Bên rồi đọc thơ lại cho vợ nghe, đọc thư vầy:
Thưa cậu
”Khi cậu tiếp được thơ nầy thì chắc cậu đã hay biết công việc của cháu rồi, cháu phải bỏ mẹ lìa nhà mà đi, chẳng phải ý cháu muốn như vậy. Ấy là tại má cháu đánh đuổi không cho cháu ở.
Cậu đã hiểu vì ngọn lửa ái tình nó đốt lòng cháu, nên cháu tự chuyên mà cưới vợ không chờ mạng lịnh của cha mẹ. Cháu lỡ phạm đến gia pháp, thì cháu đã lạy lục năn nỉ hết lời mà khẩn cầu má cháu tha lỗi cho cháu. Cháu thành tâm chịu lỗi, có trước mặt cậu nghe thấy rõ ràng.
Tiếc vì má cháu thưộc về lớp lớn, cố chấp những thành kiến cũ của gia đình xã hội thái quá, không muốn thấu hiểu tâm hồn chủ hướng của lớp nhỏ, nên má cháu đành đoạn tình mẫu tử, đành đuổi vợ chồng cháu ra khỏi nhà.
Cậu hiểu cái óc của lớp nhỏ, nên cậu đã không quở trách cháu mà cậu lại còn can gián giùm cho má cháu bớt giận.
Thái độ của cậu đối với vợ chồng cháu thiệt là đáng kính đáng phục, nó khắc ghi trong đầu vợ chồng cháu dầu trăm ngàn năm cũng chẳng phai chẳng lợt.
Hồi khuya hôm qua, lúc cháu đau lòng rơi lụy mà vác rương bước ra cửa ngõ, sắp lìa khỏi cái nhà của tổ phụ là chỗ ngày xưa cháu mở mắt lần đầu mà thấy đời là chỗ cháu đau đớn ôm cha cháu mà khóc khi cha cháu thở hơi cuối cùng, là chỗ chất chứa những kỷ niệm đầm ấm về đời thơ ngây của cháu, mà cũng là chỗ hiện nay đương ra vô châu mày một mẹ già mà vợ chồng cháu thương yêu kính trọng chẳng có chi bằng, thì vợ cháu có khuyên cháu nên ra nhà cậu mà trình cho cậu hay rồi sẽ di. Lúc ấy trí cháu bối rối, lòng cháu lạnh tanh, cháu chẳng còn biết quấy phải chẳng còn kể thân tộc, nên cháu lắc đầu rồi đi luôn, dường như cháu lật đật tránh xa cái luồng không khí nặng nề của đất Thới An vậy.
Nay trí cháu bình tĩnh nên cháu vội vã viết bức thơ nầy mà cáo lỗi với cậu và xin cậu tin chắc rằng bắt đầu từ nay thân cháu bơ vơ vất vả, phận cháu trở ra một đứa vô gia dình, vô thân tộc mà chẳng bao giờ cháu quên được cái đời cháu vẫn còn một bà mẹ banh da xẻ thịt đẻ cháu ra, vẫn còn một người chị thuở nay cháu vẫn hết lòng yêu mến, vẫn còn một ông cậu thấu hiểu tâm hồn cháu nên biết thương cháu.
Thưa cậu, từ nay cháu bước chân vào một cảnh đời mới, tuy còn lờ mờ song cõi thế rộng rãi. Cháu chưa biết được cảnh đời ấy vui hay buồn hay hay dở thế nào, nhưng mà cháu vẫn hăng hái mà bước tới, không ngần ngại một chút nào hết. Ví dầu cảnh đời ấy chứa dầy những khe sâu hố hiểm. Ví dầu cháu với người bạn đồng tâm đồng chí của cháu nắm tay nhau đi trong cảnh đời ấy mà phải sụp té từng bước, phải đuối sức dọc dường, thì cháu cũng cam tâm vâng chịu chẳng dám phiền trách ai hết.
Cháu bạo gan dám trái thế tục, dám phạm gia pháp, ấy là vì cháu muốn tìm hạnh phúc phi thường cao thượng, khác hơn các hạnh phúc của các bạn đồng thời, nếu rủi hạnh phúc ấy là cái bóng không có hình, hoặc đổi ra hoạn họa, thì tức cười mà thôi, tức cười cái óc lãng mạn của cháu không hạp với ý người, mà cũng không thuận với lòng trời.
Hai cháu đồng cúi đầu chào cậu và kinh gởi lại má cháu mỗi đứa hai lạy mà xin má cháu quên cái tội bất hiếu của con và dâu”.
LÝ NHƯ THẠCH
Bái thơ.
Như Thạch đọc thơ lại, rồi hỏi vợ có câu nào không vừa ý vợ chăng.
Cô Nhung cười và đáp: “Anh tỏ cho cậu Hội đồng biết tâm hồn của chúng ta một cách rõ rệt như thế, mà nhứt là trong thơ anh chẳng có viết câu nào phiền má, thì em vừa lòng lắm. Anh cứ bỏ vào bì rồi sáng mai em dán tem em gởi cho”.
Vợ chồng ông Huyện đi Chợ Lớn về, chủ khách đàm luận chơi một chút rồi từ nhau mà nghỉ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.