Tâm Lý Đạo Đức

GIỮ LỜI HỨA



1. TRONG CUỘC SỐNG, RẤT NHIỀU GIAO ƯỚC CHO TƯƠNG LAI ĐƯỢC THIẾT LẬP BỞI LỜI HỨA

Giữ lời hứa là bài học thứ ba nói về Đạo đức của ngôn ngữ (sau hai bài: Hạnh chân thật và Làm chủ lời nói). Chúng ta đã biết, hứa hẹn là việc hướng về tương lai, nhưng người tu theo đạo Phật thường sống theo quan niệm:

“Không truy tìm quá khứ

Không ước vọng tương lai

Quá khứ đã qua rồi

Tương lai lại chưa đến

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính là đây

Bất động chẳng lung lay

Hãy thực hành như thế”

Người biết tu theo Phật pháp không bận tâm về những việc đã xảy ra trong quá khứ, cũng không ước mơ hướng đến cuộc sống vị lai. Họ chỉ thanh thản sống trong đời sống của hiện tại. Sự thật, khi đi tìm đến tận cùng của cái gọi là hiện tại để mình có thể an trú, chúng ta lại không thấy cái gì gọi là hiện tại nữa. Trên thực tế cuộc sống, hiện tại không bao giờ là một khoảnh khắc độc lập với quá khứ và vị lai. Hiện tại vẫn là một mắc xích trong sự diễn tiến của thời gian không bao giờ dừng trụ. Vì vậy, từ bỏ quá khứ hay vị lai để an trú trong hiện tại cũng không phải là điều có thật mặc dù trên sự dụng công tu tập, chúng ta tưởng là như thế.

Vì hiện tại là kết quả của quá khứ nên bao nhiêu việc chúng ta làm trong quá khứ đều tạo thành đời sống trong hiện tại. Và con người đang sống ngày hôm nay có muôn ngàn tiếng vọng của ngày hôm qua.

Ví dụ, ngày hôm nay có thiện căn được thanh thản tu tập, không bị bao nhiêu điều gia duyên ràng buộc làm lụy phiền đau khổ để một mai đem trí tuệ, đạo hạnh ra giữ gìn Phật pháp, làm lợi ích cho chúng sinh, chúng ta đã phải tạo biết bao công hạnh từ những kiếp trước. Nghĩa là chúng ta đã thường xuyên cúng dường Tam Bảo, tu tập thiền định, làm rất nhiều điều lành. Với mái đầu còn xanh tóc, chúng ta đã khước từ được cuộc sống thế gian để bước vào con đường đạo là kết quả của việc tích lũy từ của quá khứ. Không nói đâu xa, bây giờ được ngồi đây tu tập, chúng ta cũng trải qua biết bao ngày tháng phấn đấu tu hành. Từ lúc còn sống với gia đình đến khi gặp Phật pháp, tập ăn chay, đi chùa, rồi xin cha mẹ xuất gia…, chặng đường ấy vô cùng khó khăn, không đơn giản chút nào. Khi được vào chùa, chúng ta cũng phải nỗ lực học tập, phấn đấu để được Thầy Tổ cho đi học lớp Cơ bản Phật học và nhiều chương trình cao hơn nữa. Nếu bây giờ chúng ta phá vỡ kết quả ấy thì vị lai sẽ đi qua một hướng khác. Chúng ta không còn bình yên để tu tập nữa.

Như vậy, quá khứù đã tạo nên hiện tại và hiện tại sẽ tạo nên cuộc sống vị lai cho con người. Nếu trong hiện tại chúng ta học giỏi, tu tập tiến bộ thì tương lai sẽ gặt hái được những điều tốt đẹp. Chẳng hạn, một người học hành giỏi, có uy tín sẽ được quý Thầy trong trường sắp xếp cho đi học lớp Cao cấp Phật học. Hoặc người nào phát tâm tu hành, quý Thầy sẽ trợ duyên cho nhập thất. Hoặc người có hạnh tốt, đối với chúng luôn từ bi thương yêu, hy sinh nhường nhịn thì lớn lên quý Thầy sẽ đề nghị cho trụ trì hay làm Giáo thọ ở một ngôi chùa nào đó. Hoặc trong hiện tại, nhờ biết siêng năng tinh tấn tu tập, biết hy sinh, nhường nhịn mọi điều cho huynh đệ nên sau này phước lành sẽ đến với chúng ta một cách tự nhiên. Chúng ta sẽ được người khác đem đến biết bao điều tốt đẹp. Rõ ràng, quá khứ đã làm nên hiện tại và quá khứ cùng với hiện tại làm thành vị lai. Đó là một tiến trình tự nhiên.

Vậy, vị lai có ảnh hưởng ngược lại hiện tại không?

Vị lai là cái chưa xuất hiện nhưng sự thật lại có ảnh hưởng đến đời sống hiện tại của chúng ta. Những dự định, những toan tính cho tương lai đã tạo cho mình một thái độ ứng xử trong hiện tại. Ví dụ, khi còn học lớp Cơ bản, có người đã dự định sau này sẽ học lên Cao cấp, quyết tâm thi vào Học viện Phật giáo. Người có hướng như vậy sẽ rất siêng năng, ngày đêm nghiên cứu sách vở, trau dồi Anh Văn để thi vào cho đạt. Trong khi đó, người khác lại dự định học xong Cơ bản sẽ nhập thất ba năm nên không học một cách miệt mài, cuồng nhiệt. Họ chỉ cần học vừa đủ để đối phó và thời gian còn lại chuyên dành cho việc ngồi thiền, đọc sách thiền. Người khác được Thầy hứa sẽ cho trụ trì một ngôi chùa sau khi học xong nên việc quan trọng với họ lúc này là tìm hiểu “nghệ thuật” trụ trì. Suốt ngày người ấy cứ băn khoăn không biết khi trụ trì làm sao để nhiều Phật tử nghe theo, muốn cất chùa phải như thế nào, làm sao nuôi được chúng? Nghĩa là người ấy chỉ lo toàn chuyện trụ trì, không lo nhiều đến việc học cũng như việc tu. Như vậy, dự định cho vị lai đã ảnh hưởng rất lớn đến thái độ sống, tu học của chúng ta trong hiện tại.

Ngoài ra, còn một điều nữa cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiện tại. Đó là lời hứa hẹn. Trong cuộc sống, rất nhiều kế hoạch của người này dựa vào lời hứa của người kia. Chẳng hạn, có người hứa cho mình một điều gì đó. Thế là chúng ta đã đặt hy vọng và vạch kế hoạch cho đời sống của mình dựa vào lời hứa của họ. Nếu người ta hứa với mình một điều nhỏ, chúng ta sẽ đặt một phần nhỏ cuộc đời mình vào đó. Nhưng nếu họ hứa điều lớn lao hơn, chúng ta sẽ đặt vào đó phần lớn cuộc đời mình.
Thử lấy một ví dụ trong cuộc sống của người thế gian, chúng ta sẽ hiểu điều đó: Người A có ngôi nhà trị giá khoảng bốn chục cây vàng. Người ấy muốn mua ngôi nhà khác khoảng sáu chục cây để tiện việc buôn bán nhưng không đủ tiền nên chưa tiến hành được. Người B thấy vậy bèn hứa: “Bây giờ anh bán nhà đi, tôi sẽ cho anh mượn hai mươi cây vàng nữa để mua ngôi nhà đó”. Người A mừng quá vội bán ngôi nhà của mình và vạch ra kế hoạch làm ăn khi mua ngôi nhà mới. Như vậy, kế hoạch của người A đã dựa vào lời hứa của người B.

Tuy nhiên, nếu lời hứa không được giữ thì kế hoạch có thể thất bại. Ví dụ, ông A bán xong ngôi nhà nhưng ông B lại nuốt lời vì lý do có nhiều việc xảy ra bất ngờ nên không có tiền cho mượn nữa. Vì vậy, ông A không thực hiện được kế hoạch của mình và rơi vào một hoàn cảnh éo le, phải sống vất va vất vưởng một thời gian khi chưa mua lại được căn nhà khác. Nếu cứ đặt cuộc đời mình vào lời hứa của người khác mà người ấy không giữ lời hứa, chúng ta sẽ bị thất bại. Đây mới chỉ là một trường hợp rất đơn giản. Vì dù sao ông A vẫn có một số tiền có thể xoay xở theo cách khác.

Hoặc có người hứa nếu chúng ta cố gắng học, xong lớp Cơ bản và đậu lớp Cao cấp họ sẽ cho một chiếc xe máy để đi học. Chúng ta đã hết sức cố gắng, ngày đêm miệt mài học tập và kết quả đã được như ý nguyện. Nhưng lúc bấy giờ người kia không giữ lời hứa. Khi đi học, chúng ta phải đạp xe mấy chục cây số. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta vì lời hứa của họ chỉ là một phần trong cuộc sống và chúng ta cũng chỉ đặt vào đó một phần niềm tin mà thôi.

Trong cuộc sống của người thế gian, có những trường hợp vì người này thất hứa với người kia mà xảy ra những bi kịch đau lòng. Ví dụ, một chàng trai hứa với một cô gái sẽ lấy cô ta làm vợ và yêu thương cô ấy suốt đời. Nhưng anh ta lại không giữ lời hứa. Hoàn cảnh sống thay đổi, gặp người mới, anh ta vội quên cảnh cũ người xưa. Còn cô gái, vì đã đặt hết niềm hy vọng của cuộc đời mình vào lời hứa ấy nên vô cùng đau khổ. Trong cơn tuyệt vọng, cô ta đã hành động mù quáng là tìm đến cái chết để mong thoát khỏi nỗi đau khổ tột cùng ấy. Hoặc thấy một cô gái nghèo khổ đang cần tiền để thay đổi cuộc đời mình, người ông nọ liền gieo niềm hy vọng là hứa giúp vốn để cô gái làm ăn. Như người chết đuối vớ được chiếc phao, cô gái từ bỏ tất cả để theo người đàn ông với hy vọng được ông ta giúp đỡ. Nhưng không ngờ, những lời hứa của ông ta chỉ là những lời nói dối. Cô gái quá thất vọng vì rơi vào bước đường cùng nên đã quyên sinh.

Như vậy, hứa một lời quan trọng khiến người ta đặt hết cuộc đời vào đó nhưng chúng ta lại không giữ lời hứa làm họ thất vọng là một bất thiện nghiệp. Chúng ta sẽ mang tội rất nặng. Tuỳ theo lời hứa lớn hay nhỏ mà tội sẽ nhiều hay ít. Lời hứa tuy thuộc về vị lai nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống trong hiện tại của con người. Do đó, chúng ta phải cẩn thận trong lời hứa, không được hứa bừa cho qua chuyện. Một khi đã hứa với ai điều gì, chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Có hai trường hợp vi phạm lời hứa:

Có khi lúc đầu người ta hứa thật lòng nhưng sau đó đổi ý. Đây là tội bội tín. Nghĩa là không giữ lời hứa, làm ngược lại với uy tín, với lời hứa của mình. Có thể lúc ấy, do sự bồng bột hoặc do thích thú điều gì đó một cách nhất thời, người ta đã hứa rất nồng nhiệt, chân thành. Nhưng khi suy nghĩ lại, thấy lời hứa của mình thật vô lý, dại dột, người ấy đã đổi ý. Ví dụ, trong lúc cao hứng, muốn chứng tỏ mình là người rộng rãi, hào phóng, nguời này đã hứa với người kia: “Bao giờ anh cất nhà, tôi sẽ giúp anh mười bao xi măng”. Nhưng khi về nhà tính lại, thấy mười bao xi- măng không phải là món quà nhỏ, người hứa đâm ra tiếc. Vì thế, khi người kia đến báo là mình bắt đầu cất nhà và nhắc chuyện mười bao xi- măng, người này đã tìm cách thoái thác. Đó là bội tín, hứa thật lòng nhưng không giữ được lời hứa.

Trường hợp thứ hai là khi hứa, người hứa biết rõ rằng mình chỉ hứa suông, biết rõ rằng mình sẽ không thực hiện nhưng vẫn hứa. Đây là tội nói dối kèm với bội tín. Vì vậy, tội nặng hơn. Nếu sự thất hứa đem lại hậu quả nghiêm trọng, người hứa có thể bị kết tội lừa đảo, có thể bị truy tố về hình sự….Trong việc làm ăn, trường hợp này thường xảy ra. Những người chuyên lừa đảo thường hứa hẹn những điều tốt đẹp để người khác tin. Biết bao nhiêu người bị mắc lừa nên tiền của mất sạch. Càng ngày, việc lừa đảo càng diễn ra tinh vi hơn. Nhiều người đã làm giấy tờ giả đóng vai những cán bộ cao cấp trong bộ máy Nhà nước đi lừa những công ty, xí nghiệp. Họ hứa sẽ “chạy” giấy tờ để được phê duyệt những dự án lớn hoặc vay vốn đầu tư vv…Trước khi lời hứa trở thành hiện thực, các công ty ấy phải chi tiền cho họ nhiều lần để “ngoại giao”. Cuối cùng, khi đã ôm được món tiền kha khá, những tay ấy đã tìm cách “đánh bài chuồn”. Những người này, khi hứa thừa biết là mình nói dối để lừa người khác nên tội rất nặng.

Trong cuộc sống, cũng có những lời hứa suông như vậy nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, khi vui miệng, người này nói với người kia: “Anh cứ yên tâm đi học đi, để việc này tôi làm cho”. Nói như vậy, nhưng khi người kia trở về, mọi việc vẫn đâu còn đấy. Vì người người nói biết chắc sẽ không làm nhưng vẫn nói dối để người kia tin. Tuy không có hậu quả nghiêm trọng nhưng hứa như vậy vừa phạm tội bội tín vừa nói dối, chúng ta không nên để điều này xảy ra.

2. CÁC LOẠI LỜI HỨA

Chúng ta có thể phân ra nhiều loại lời hứa:
Thứ nhất là hứa giúp đỡ. Hứa giúp đỡ thường xuất phát từ lòng tốt. Chúng ta gặp rất nhiều những lời hứa giúp đỡ như: “Anh cứ lo công việc đó, còn phần việc này tôi sẽ giúp anh” hoặc :“Anh cứ cất nhà đi, tôi sẽ sang anh cho đỡ bớt tiền công”… Có khi đó là lời hứa bố thí: “Anh cứ tập trung học đi, tôi sẽ lo cho anh từ giấy viết đến học phí”. Đó là những lời hứa giúp đỡ do xuất phát từ lòng tốt, lòng vị tha, lòng thương người. Đó không phải là những lời hứa suông mà là hứa thành thật và chắc chắn sẽ được người hứa thực hiện.

Thứ hai là hứa cất giùm tài sản. Ví dụ, một người có việc phải đi xa một thời gian nên gửi lại khối tài sản lớn của mình cho người bạn giữ giùm. Người ấy dặn dò: “Đây là tất cả tài sản của tôi. Tôi phải đi xa nhưng không thể mang theo được, nhờ bạn giữ giúp. Khi nào trở về, tôi sẽ nhận lại. Nếu tôi không về, phiền anh giao lại cho người thân của tôi hiện đang ở tại…. ”.

Giao lại một tài sản lớn cho bạn, rõ ràng người gửi phải có độ tin cậy nhất định vào uy tín của bạn mình. Và người hứa giữ giúp tài sản phải là người không tham lam mới thực hiện được lời hứa của mình. Điều này không phải đơn giản. Bản chất người ấy phải là không tham lam, không màng đến của cải của người khác nên mới có uy tín. Nhưng trong trường hợp này, giữ tài sản là việc khó hơn nhều. Thử so sánh hai tình huống chúng ta sẽ thấy rõ hơn.

Ví dụ, khi đi đường, chúng ta thấy ai đánh rơi một sợi dây chuyền trị giá mười lượng vàng. Là đệ tử Phật, biết lấy cái không phải của mình là điều sai lầm nên chúng ta không lấy mà đem nộp cho chính quyền địa phương nhờ họ tìm và trả lại cho người đánh mất. Việc làm đó tuy khó (vì đây là một số tiền lớn) nhưng vì đạo đức, vì vâng lời Phật dạy nên chúng ta vượt qua được. Hơn nữa, thời gian từ lúc nhặt được sợi dây chuyền đến khi giao cho chính quyền không dài nên chúng ta vượt qua sự tham lam một cách dễ dàng. Nhưng trong trường hợp người khác giao cho chúng ta hai trăm lượng vàng nhờ cất giữ từ năm này qua năm khác thì mọi cái không còn đơn giản nữa. Đây là lúc mà Đạo đức của chúng ta bị thử thách gay gắt nhất. Nếu người kia trở về, chúng ta sẵn sàng giao lại mà không cần phải suy nghĩ điều gì. Đằng này, người thì đi biền bịệt, của vẫn nằm ngay trong nhà mình. Đây quả là một thử thách lớn đối với người có “sứ mệnh” cất giữ tài sản cho người khác.

Trong trường hợp này, người nào vẫn giữ được lời hứa của mình, vẫn tìm cách trao lại cho thân nhân người gửi tất cả tài sản ấy, không chiếm đoạt một lượng nhỏ nào dù thời gian có đằng đẳng đến mười năm, người đó quả là có đạo đức đặc biệt. Người này có công đức trong tâm rất lớn mặc dù có thể bên ngoài, công đức của họ không lớn. Vì việc chịu đựng được sự quyến rũ của tài sản trong mười năm trời, không tơ hào một đồng nào của ông ta cũng không đem lại lợi ích nhiều cho người khác. Có khi bản thân người gửi không còn sống để hưởng số tiền ấy và người thân của ông ta cũng không biết mà hy vọng. Vì thế cũng chẳng có ai phải đau khổ vì thất vọng. Chính vì vậy, việc giữ số tài sản ấy cả mười năm rồi giao lại cho người ta không đem lại nhiều phước cho người giữ. Nhưng cái đức ở trong tâm được khẳng định, không gì có thể so sánh được.

Chúng ta phải thừa nhận một điều, nói đến đạo đức, ai cũng có thể nói được. Nhưng chỉ khi đối diện với nghịch cảnh, đối diện với những cám dỗ, chúng ta mới khẳng định được đạo đức của mình. Ngay cả người chuyên đi giảng về đạo đức cho người khác cũng thú nhận nếu ai đó giao cho mình một trăm cây vàng có lẽ mình cũng ăn ngủ không yên. Hoặc khi có người nào nói nặng lời, lòng cũng thấy giận… Việc cất giùm tài sản trong bao nhiêu năm để thử lòng không tham của mình cũng vậy. Nếu giữ được điều đó, phước không nhiều nhưng công đức của chúng ta rất lớn. Khi chết, có thể chúng ta còn được lên cõi trời nữa.

Thứ ba là hứa từ bỏ sự sai lầm. Trong cuộc sống, con người không ai không mắc phải sai lầm. Điều quan trọng là khi biết mình phạm lỗi lầm, con người có quyết tâm từ bỏ hay không. Để từ bỏ được lỗi lầm, người phạm lỗi thường hứa với một đối tượng nào đó, có khi tự hứa với lòng mình. Ví dụ, một người lúc đầu do tham lam, thích lấy của người khác làm của riêng cho mình dần dần trở thành một căn bệnh – bệnh ăn cắp. Người xưa thường nói: “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Điều đó quả không sai.

Có người sống trong gia đình tương đối khá giả nhưng hễ thấy người khác sơ hở là lấy cắp ngay. Khi bị người xung quanh phát hiện và được gia đình phân tích cho thấy nếu ăn cắp, sau này sẽ mắc quả báo nghèo khổ, mất mát, hư hao, đau khổ, thất vọng… , người ấy đã hiểu ra và hứa sẽ không ăn cắp nữa. Đó là lời hứa từ bỏ tính xấu. Hoặc có người mắc sai lầm là hay giao du với kẻ xấu.

Một cô gái sống trong gia đình danh giá lại giao du với một người con trai thuộc loại du côn chẳng hạn. Khi được gia đình khuyên bảo ân cần, cô gái hối hận, hứa với gia đình sẽ cắt đứt quan hệ với người ấy. Đó cũng là hứa từ bỏ sai lầm.

Hoặc có người mắc sai lầm là nghiện ngập. Hiện nay, sống giữa bao nhiêu sự cám dỗ: ma túy, rượu chè, bài bạc, quan hệ nam nữ bừa bãi … nếu không có bản lĩnh, con người sẽ bị những thú vui đó làm cho đam mê, trở nên nghiện ngập. Chúng ta biết rằng, những cái làm cho con người nghiện ngập thường tạo ra cảm giác nội tại. Cũng như tất cả hạnh phúc trên thế gian này sự thật không phải do hoàn cảnh mà chỉ là cảm giác nội tại mà thôi. Những người nghiện rượu, có thể uống từ ly này qua chai kia, không có rượu không chịu nổi là do rượu khi vào cơ thể đã đem lại cho họ cảm giác nội tại gì đó khiến họ thích thú. Với họ, lúc bấy giờ hạnh phúc chỉ có thể nằm ở đáy ly. Chính cảm giác thích thú đó khiến họ muốn uống rượu thường xuyên và sinh ra nghiện. Tùy theo cảm giác mạnh hay yếu mà sự nghiện đó sẽ khó bỏ hay dễ bỏ.

Người nghiện bài bạc cũng vậy. Điều gì đã làm cho họ trở thành người nghiện? Ngoài việc bị lôi cuốn vì thắng thua, được mất, có thể cảm giác nội tại làm cho họ thích thú còn nằm ở chỗ hồi hộp khi nặn từng con bài. Chính cái hồi hộp ấy tạo nên cảm giác nội tại khiến người ta thích thú, say mê. Nhưng trong tất cả những cái làm con người nghiện ngập, đáng sợ nhất là ma túy. Sự xuất hiện của ma túy là một tai họa cho nhân loại. Nhưng nhiều người chưa ý thức được điều đó nên vẫn chạy theo. Không ít người vì đồng tiền mà buôn bán chất ma túy, đẩy người khác vào chỗ chết. Theo nhận xét của nhiều người, một trăm người nghiện ma túy, chưa có người nào thắng được nó. Vì cảm giác nội tại mà ma túy đem lại rất mạnh. Đến nỗi, khi đã nghiện ma túy, người ta sẽ bỏ tất cả những thứ khác trước đây từng làm họ say mê. Người nghiện ma túy khi đã hiểu ra, đã tỉnh ngộ, hứa với mọi người sẽ từ bỏ nó. Đó cũng là lời hứa thoát khỏi sự sai lầm trong cuộc đời mình.

Những lời hứa ấy không dễ dàng thực hiện được vì khoái cảm nội tại do những thứ ấy đem lại quá mạnh, thôi thúc họ muốn mãi mãi có được cảm giác đó. Vì vậy, phải có công đức rất lớn người bị nghiện mới từ bỏ được những cái xấu đã từng lôi cuốn mình.

Một trường hợp khác cũng được coi là hứa từ bỏ sai lầm. Đó là hứa bỏ tính hay thù hận. Có người từ nhỏ thường có tính hay thù vặt. Bị ai làm điều gì xúc phạm, họ cứ để trong bụng và tìm cách hại lại người ta để trả thù. Chẳng hạn, khi còn đi học, bị bạn đánh mà không dám đánh trả nên cứ phá lặt vặt sau lưng như lén đổ mực vào sách vở bạn, hái trái “mắt mèo” chà lên ghế ngay chỗ ngồi của bạn hoặc tìm cách nói xấu sau lưng… Đó là lối trả thù vặt. Khi trở thành người lớn, nếu không sửa chữa, tật xấu đó trở thành điều nguy hiểm. Nếu hận ai, ghét ai, họ sẽ nghĩ cách trả thù. Nhưng khi hiểu đạo, biết đó là tật xấu, người mắc bệnh thù vặt hứa sẽ từ bỏ nó.

Tất nhiên, đối với con người, loại lời hứa nào cũng khó giữ, nhất là hứa từ bỏ sự sai lầm. Khi bị mọi người phát hiện và chỉ ra lỗi lầm, ai cũng cảm thấy xấu hổ nên hứa sẽ từ bỏ. Nhưng từ lúc hứa đến khi từ bỏ hẳn sai lầm, chúng ta phải trải qua nhiều lần vấp ngã. Những lúc xung quanh không còn ai, chúng ta dễ bị thói quen thúc đẩy, lôi kéo trở lại con đường cũ. Chỉ có lòng quyết tâm và ý chí mạnh mẽ, chúng ta mới có thể từ bỏ được sai lầm. Nếu biết lạy Phật thường xuyên, chúng ta cũng có thể bỏ được những tật xấu đó.
Đó là ba loại lời hứa thường gặp trong cuộc sống. Tùy theo mỗi loại lời hứa, muốn thực hiện được, chúng ta phải có lòng tốt, lòng vị tha, không tham lam ích kỷ và phải có ý chí rất lớn.

Ngoài ba loại lời hứa trên, chúng ta còn gặp một loại lời nói cũng thể hiện đạo đức của ngôn ngữ nhưng ở mức độ nhẹ hơn lời hứa, đó là…hẹn. Hẹn là lời giao ước làm việc gì đó hay gặp gỡ ai vào một thời điểm nào đó. Hứa bao gồm cả hẹn nhưng hẹn thường nhấn mạnh ý nghĩa về thời điểm, thời gian. Nếu hẹn vào một giờ giấc nhất định mà chúng ta không thực hiện được gọi là lỡ hẹn. Khi lỡ hẹn, chúng ta thường làm ảnh hưởng đến công việc và kế hoạch của người khác. Bởi vậy, khi đã hẹn với ai điều gì, chúng ta nên đúng hẹn. Nhất là trong công việc, chúng ta cần nghiêm chỉnh giờ giấc. Mỗi người cần phải sống theo nguyên tắc: “Hẹn gặp ai phải đến trước người đó, thà chờ người khác chứ đừng bao giờ để người khác chờ mình”. Trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta nên nhận phần thiệt thòi về mình. Cứ sống theo quan niệm: “Thà để người phụ mình chứ mình không phụ người”, chúng ta sẽ cảm thấy lương tâm thanh thản hơn vì không phải sống trong mặc cảm có lỗi với người khác. Trong việc hẹn, nghiêm chỉnh giờ giấc cũng là một biểu hiện của tư tưởng lớn. Người Việt Nam chúng ta còn một nhược điểm là không nghiêm túc về giờ giấc mà mọi người quen gọi là “giờ cao su”. Đó là biểu hiện của sự kém tư cách và yếu về đời sống tinh thần. Những người hay trễ hẹn thường khó làm được việc lớn. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy những người làm việc lớn rất nghiêm túc về giờ giấc.

Cao hơn lời hứa là lời thề. Lời thề có tính chất quyết liệt hơn. Đôi khi người ta còn lấy một hình phạt nào đó ra bảo chứng cho lời thề nếu vi phạm. Trong tình yêu, người thế gian thường hay sử dụng những lời thề. Để đảm bảo cho lời thề thủy chung son sắt của mình, họ còn mượn những hình tượng kỳ vĩ, vĩnh hằng trong vũ trụ:

Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non còn nước hãy còn thề xưa.

(Tản Đà)

Với họ, những lời “thề non hẹn biển” ấy thật có ý nghĩa. Dù núi có dời, biển có cạn, lòng này vẫn không bao giờ thay đổi. Mà biển cả có bao giờ cạn, núi non ngàn năm vẫn còn đó nên tình này vẫn vĩnh viễn thủy chung.

Hoặc có khi người đời còn mượn ánh trăng để chứng giám cho lời thề của mình:

Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song.

(Nguyễn Du)

Thậm chí, có người còn đem cả tính mạng của mình đặt vào lời thề. Chúng ta hay nghe những câu thề độc: “Nếu tôi gian dối, ra đường sẽ bị xe cán”, hoặc: “Nếu tôi nói không thật sẽ bị chết hộc máu”. Những lời thề như vậy chính là cái Nhân và sẽ có quả báo ra nếu làm sai lời thề. Chúng ta đừng nghĩ những chuyện đó không bao giờ xảy ra. Khi chúng ta thốt ra lời thề, nhiều người trong thế giới vô hình đã chứng minh điều đó. Lời thề có tính quyết liệt như vậy nên trước khi thề thốt điều gì, chúng ta phải hết sức cẩn thận.

Trong đạo Phật, có một loại lời thề rất quan trọng. Đó là lời thề lúc thọ giới. Đây chính là lúc chúng ta phát lên một lời thề thiêng liêng, lớn lao trước trời đất. Tuy thường hay ca ngợi nhưng nhiều người vẫn không hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của việc thọ giới. Vì nếu hiểu một cách chính xác theo từ ngữ thì thọ là nhận, thọ giới là nhận giới cấm để gìn giữ. Hiểu như vậy rất đơn giản. Đúng ra, phải hiểu đó là một lời thề trước trời đất, trước Tam Bảo, trước mười phương chúng sinh, chúng ta mới thấy hết sự thiêng liêng của nó và buộc mình phải giữ suốt đời, phải thực hiện điều đó suốt đời. Nhiều khi vì khung cảnh của giới đàn, chúng ta không hiểu hết. Vì theo luật, khi thọ giới chúng ta không thọ trước Phật mà thọ trước Giới Sư, là nơi hình Phật được che ngang bởi một tấm vải, không còn thấy Phật chỉ có Tam Sư thất chứng. Và chúng ta nhận giới từ các vị đó. Trong các giới đàn, người được chọn là Tam Sư thất chứng thường là những người có uy đức, có giới đức trong sạch để giới tử nhìn vào, lấy đó làm gương mà phát tâm. Chúng ta không ngờ rằng, lúc nhận giới là lúc mình phát lời thề thiêng liêng trước trời đất. Khi đã thọ giới, chúng ta phải cố gắng giữ, không được coi thường. Vì vậy, trước khi thọ giới, chúng ta phải cân nhắc xem mình đã đủ sức giữ giới hay chưa. Ở các đạo khác, thọ giới được gọi là vow (lời thề / nguyền). Khi một tu sĩ không giữ được lời thề gọi là break the vow (sự tan vỡ lời thề). Nói chung, trong trường hợp nào chúng ta phải cố gắng đừng để phạm lời thề.

Tuy nhiên, việc giữ giới không đơn giản. Vì những Giới điều trong đạo Phật cũng có những điểm không còn phù hợp, cần nghiên cứu lại. Theo một số sách để lại thì trước lúc nhập Niết Bàn, Phật có dặn ngài A Nan:

– Sau khi Như Lai diệt độ, những giới nào xét ra không còn cần thiết và phù hợp, có thể bỏ bớt.

Nhưng lúc đó, ngài A Nan buồn quá nên không hỏi kỹ Phật là giới nào. Đến khi họp đại hội chư vị Alahán, ngài Ca Diếp mới hỏi ngài A Nan. Ngài A Nan thưa rằng:

– Thưa chư Tôn giả, tôi có nghe Đức Thế Tôn nói như vậy, giới nào không còn cần thiết nữa thì có thể bỏ.

Ngài Ca Diếp hỏi:

– Hiền giả có hỏi Thế Tôn là giới nào hay không? Có hỏi cụ thể hay không?

Ngài A Nan trả lời:

– Bạch thưa Tôn giả, tôi không hỏi.

Thế là ngài Ca Diếp trách phạt ngài A Nan vì đó là một lỗi lớn. Một người làm thị giả cho Phật, một người có ký ức cực kỳ mạnh để giữ gìn giới pháp, giữ gìn giáo pháp lại không hỏi cho cặn kẽ một chi tiết quan trọng liên quan đến vận mệnh, đến đời sống của Tăng đoàn.

Thực ra, Ngài A Nan cũng đáng thương. Đặt vào hoàn cảnh đó, Ngài chỉ nghe và hiểu ý tổng quát của lời dặn chứ không hỏi lại. Nhưng ngài Ca Diếp sâu sắc quá, đời sống của Ngài tinh tế quá nên nhận ra điều đó. Nếu không hỏi cho cặn kẽ, chỉ nghe một cách tổng quát làm sao biết được giới nào nên giữ, giới nào nên bỏ? Bởi vậy, Ngài quyết định tạm thời giữ lại toàn bộ các giới. Theo Nam Tông, Tỳ kheo Tăng có hai trăm hai mươi bảy giới, theo Bắc Tông là hai trăm năm mươi giới; Tỳ kheo Ni là ba trăm bốn mươi tám giới.

Những giới căn bản, quan trọng, chúng ta phải giữ. Nhưng những giới phụ, bây giờ xét lại có nhiều điều không còn phù hợp nữa, chúng ta có thể vận dụng một cách linh hoạt. Ví dụ giới về y bát. Có lẽ lúc ấy bát ăn cơm còn khan hiếm nên Phật dặn phải giữ bát ăn cơm rất kỹ, không được để vỡ. Thời đó, vải vóc cũng thiếu nên phải giữ y bát cho kỹ để giữ tư cách. Nếu để rách, mất y bát người thầy tu ra đường có vẻ luộm thuộm, không có tư cách. Trong thời đại ngày nay, điều này không còn phù hợp vì đi đến đâu, chúng ta cũng có chén bát ăn đầy đủ. Chưa kể đến nhà Phật tử, thôi thì đủ kiểu chén sang trọng, đẹp mắt. Vì vậy, vấn đề này không còn quan trọng nữa. Nếu đi ăn cơm, lúc nào người tu cũng mang theo cái bát thì cồng kềnh quá. Cái y cũng vậy. Thời đó, ngoài ý nghĩa thiêng liêng, cái y của người tu còn có ý nghĩa thực dụng. Còn bây giờ, quý Thầy đi dạy chỉ cần mặc chiếc áo tràng; các Thầy ngồi học Pháp cũng chỉ mặc áo tràng, không ai quấn y nữa. Chúng ta giữ lại cái y như giữ lại một biểu tượng của Phật pháp, mang ý nghĩa nghi lễ thiêng liêng. Lúc bấy giờ, nói Tỳ kheo ba y, nghĩa là ba cái y quấn từng vòng. Y năm điều là cái y để lao động; y bảy điều là để ăn cơm, tụng kinh, lễ Phật, tọa thiền v.v… Còn y chín điều mới có tính nghi lễ. Khi truyền giới, thuyết giảng, quý Thầy mới đắp y chín điều. Như vậy, chỉ riêng y bát đã chiếm đến mấy chục giới.

Vấn đề y bát ngày xưa rất quan trọng. Vì vậy, có chuyện kể rằng: Khi có một người ngộ đạo đến xin Phật truyền giới Tỳ kheo, Phật hỏi:

– Ông đã có đủ y bát chưa? Người ấy trả lời:

– Bạch Thế Tôn! Chưa. Phật nói:

– Như Lai không truyền giới cho người chưa đủ y bát.

Mặc dù tâm người ấy đã chứng đạo đến mức A Na Hàm (so với bây giờ là cả một trời một vực) nhưng Phật vẫn không truyền giới Tỳ kheo. Ngài bảo ông ta đi kiếm y bát. Chừng nào xin đủ y bát, Ngài mới cho thọ Tỳ kheo. Để làm một Tỳ kheo, người tu phải có hình thức, tư cách chuẩn mực. Ngày nay, vấn đề y bát không còn quá quan trong như trước nữa.

Những giới khác, chúng ta phải cố gắng giữ nhưng tùy từng trường hợp mà có sự linh hoạt, không cố chấp. Vì giới không phải là khuôn mẫu cố định mà thuộc về trí tuệ. Chính Phật đã dựa vào trí tuệ, đạo đức của mình mà chế thành giới. Ngày nay, muốn giữ được giới, chúng ta cũng phải có trí tuệ, có định lực, có đạo đức. Nếu cứ giữ giới một cách rập khuôn, cứng nhắc, không khéo chúng ta bị rơi vào giới cấm thủ. Đó là sự cố chấp về giới luật. Sự cố chấp đó đi ngược lại với tinh thần giải thoát của đạo Phật, có thể coi là một chướng đạo giải thoát. Vì vậy, tùy từng trường hợp mà chúng ta có sự linh hoạt khi giữ giới. Điều quan trọng là khi học về việc giữ lời hứa, chúng ta phải nhớ thọ giới là một lời thề lớn, cần phải giữ suốt cuộc đời mình.

3. NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT PHẢI LUÔN CỐ GẮNG GIỮ LỜI HỨA

Người đệ tử Phật phải luôn cố gắng giữ lời hứa. Vì nếu thất hứa, chúng ta sẽ làm mất uy tín với người khác. Mất uy tín có nghĩa là mất tư cách, làm mất niềm tin của mọi người. Vì khi đã hứa mà không thực hiện, người ta sẽ nghĩ rằng chúng ta là người không có quyết tâm, không có ý chí, và đạo đức cũng có vấn đề. Người không có đạo đức, không có tư cách chắc chắn không được người khác tin. Điều này ảnh hưởng đến danh dự chung của đạo Phật. Nếu gặp những Phật tử thuần thành, họ hiểu y pháp bất y nhân nên không dựa vào cá nhân một người tu mà đánh giá cả đạo Phật. Họ sẽ hiểu cá nhân có thể sai lầm nhưng đạo tuyệt đối không bao giờ sai. Nhưng với những người không có niềm tin vững chắc vào đạo, chỉ đánh giá đạo dựa vào những người tu theo đạo đó, nếu chúng ta cứ hứa suông mà không thực hiện thì họ sẽ không tin vào đạo. Vì vậy, việc giữ lời hứa cho mình kỳ thực là giữ danh dự cho đạo, giữ được niềm tin của người khác đối với đạo. Đó là việc nhỏ nhưng công đức rất lớn.

Mặt khác, giữ được lời hứa còn làm tăng sức mạnh tinh thần, làm lớn thêm uy đức, khiến lời nói của chúng ta có sức mạnh vô hình có thể thuyết phục người khác vì đằng sau việc giữ lời hứa là một quyết tâm lớn. Thử quan sát một vài người xung quanh, chúng ta sẽ thấy được điều này. Nếu người nào nói điều gì, làm điều đó, sau một thời gian, người ấy sẽ trở nên phương phi, rắn rỏi, mạnh mẽ. Người hứa mà làm được phải là người có quyết tâm rất lớn. Sự quyết tâm ấy cứ thôi thúc ngấm ngầm trong lòng họ và dần dần biến thành năng lực tinh thần mạnh mẽ. Năng lực tinh thần đó phát ra bên ngoài, hiện lên trên khuôn mặt khiến họ trở nên phương phi, có uy đức và có tinh thần mạnh mẽ, vững vàng. Nhìn vào những người có khuôn mặt như vậy, tự nhiên chúng ta cũng cảm thấy nể phục. Đó là công đức được tạo thành do quyết tâm giữ lời hứa, thực hiện lời hứa. Ngược lại, người nào cứ “nói để mà nói”, nói mà không cần thực hiện, chỉ vài năm sau khuôn mặt sẽ xuống sắc, xuống tinh thần, trở thành người yếu đuối, tầm thường. Nhìn những người như vậy, ít ai tỏ ra kính trọng. Tất nhiên, không phải người ta không kính trọng vì biết người đó hay thất hứa mà do họ không còn năng lực tinh thần, không còn uy đức để người khác cảm mến.

Thật ra, giữ lời hứa là một việc rất khó khăn. Vì từ lúc hứa đến lúc thực hiện có nhiều việc xảy ra dễ làm chúng ta quên hoặc đổi ý. Nhiều người đã mắc phải điều này. Có khi hứa rồi nhưng vì nhiều việc quá nên chúng ta quên bẵng đi. Đến khi được nhắc lại, chúng ta mới giật mình nhớ ra và cảm thấy mình có lỗi. Cũng có trường hợp không phải quên nhưng vì một lý do nào đó cảm thấy không thực hiện được nên chúng ta thay đổi ý định, rút lại lời hứa. Ví dụ, một lần nọ, thấy người bạn gặp khó khăn đang cần vốn làm ăn, trong lúc cao hứng, chúng ta hứa sẽ giúp họ số tiền ba triệu đồng để mở quán bán hàng tạp hóa. Nhưng khi về nhà, nghĩ lại thấy số tiền đó lớn quá, lại bị những người trong gia đình nói ra, nói vào nên chúng ta đã thay đổi ý định, không giúp nữa. Đó là trường hợp thất hứa do ngoại cảnh tác động, do không giữ được lập trường. Khi đã hứa giúp người khác, chúng ta phải chấp nhận sự thiệt thòi. Trong trường hợp sự vị kỷ lớn hơn vị tha, nếu không có quyết tâm chúng ta sẽ không giữ được lời hứa.

Về Nhân Quả của việc giữ lời hứa, trong một bài kinh, Đức Phật có nói: Một gia chủ cư sĩ đến với một Sa môn Bàlamôn và thưa rằng: “Thưa Tôn giả! Con sẽ cúng dường Tôn giả thế này thế kia”. Sau đó, người này không thực hiện như đã hứa. Khi đi ra làm ăn buôn bán, người ấy luôn bị thất bại vì hứa mà không thực hiện làm người khác thất vọng. Như vậy, quả báo của việc thất hứa là chúng ta sẽ thất bại, không đạt được điều gì cả.

Đoạn thứ hai, Phật nói: Một cư sĩ đến với một Sa môn Bàlamôn và thưa rằng: “Thưa Tôn giả1 Con sẽ cúng dường Tôn giả thế này thế kia”. Rồi người đó thực hiện sự cúng dường như đã hứa. Sau đó, khi đi ra làm ăn, buôn bán, người này đều thành công như kế hoạch mình đã định. Nghĩa là khi đã hứa với ai điều gì, nếu thực hiện đúng, chúng ta sẽ gặp quả báo là đạt được những gì mình đã định.
Trường hợp thứ ba, Phật nói: Một gia chủ cư sĩ đến với một Sa môn Bàlamôn và thưa rằng: “Thưa Tôn giả! Con sẽ cúng dường Tôn giả cái này, cái kia”. Sau đó, người này thực hiện vượt hơn lời đã hứa. Khi ra làm ăn buôn bán, người đó đều thành công vượt hơn kế hoạch đã dự định. Như vậy, kiếp nào hay kiếp này, nếu hứa một mà làm được hai, ba thì chúng ta sẽ thành công lớn. Đó là những lời Phật dạy về vấn đề giữ lời hứa đối với người cư sĩ.

Trong đạo Phật, việc giữ lời hứa có khả năng hỗ trợ thiền định. Vì chính quyết tâm giữ gìn, thực hiện những lời hứa tốt đẹp sẽ tạo thành sức mạnh tinh thần, tạo thành sức mạnh nhiếp tâm trong Thiền định. Chúng ta đã biết, việc nhiếp tâm trong Thiền định đòi hỏi sức mạnh tinh thần rất lớn. Những người có tinh thần yếu đuối không thể nhiếp tâm vào định. Như vậy, trong nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh tinh thần cho con người, giữ lời hứa cũng là một trong những yếu tố quan trọng.

4. TÂM NGUYỆN

Khi đến với Phật pháp, chúng ta thường phát nguyện mỗi ngày. Lời phát nguyện sẽ định hướng cho chúng ta trong việc tu hành ở kiếp này và trong những kiếp sau. Đến với Phật pháp mà mỗi ngày không phát nguyện là một thiếu sót lớn. Lời nguyện có hai điều: tâm nguyện và cầu nguyện.

Cầu nguyện là xin thần lực của Phật gia hộ cho chúng ta đạt được những điều mình muốn. Việc cầu xin đó thường vượt ra ngoài khả năng của chúng ta. Trong bài này, chúng ta không bàn đến việc cầu nguyện, chỉ bàn đến tâm nguyện.

Tâm nguyện là phát nguyện, là điều chúng ta hứa để thực hiện. Tuy nhiên, giữa lời hứa và phát nguyện vẫn có sự khác nhau. Những điều chúng ta hứa thường là những việc nhỏ nhưng cụ thể, rõ ràng. Đó có thể là lời hứa ba năm nữa chúng ta sẽ bắt đầu nhập thất; có thể là lời hứa xin Ban Giám hiệu giúp huynh đệ nào đó để họ được vào học… Trong khi đó, tâm nguyện thường rất lớn và trừu tượng. Chẳng hạn, chúng ta nguyện với Phật sẽ độ hết chúng sinh. Lời nguyện đó lớn mênh mông và vô cùng trừu tượng vì biết đến bao giờ chúng ta mới độ được tất cả chúng sinh. Nhưng chúng ta vẫn cứ nguyện để tạo thành cái Nhân cho kiếp sau và cho nhiều kiếp về sau.

Lời nguyện và lời hứa có sự khác nhau như vậy. Tuy lời nguyện có vẻ mạnh mẽ nhưng thực ra không chắc chắn bởi nó mơ hồ, trừu tượng, không có thời hạn để con người thực hiện. Ngược lại, lời hứa tuy nhỏ hơn nhưng cụ thể, chắc chắn hơn. Tuy nhiên, dù sao chúng ta cũng phát nguyện đều đặn mỗi ngày vì đó cũng là cái Nhân đưa đến hành động mạnh mẽ ở những kiếp về sau.
Ví dụ, hằng ngày, chúng ta luôn nguyện “đem Phật pháp hoằng hóa nơi nơi”, nghĩa là nguyện làm Giảng sư. Nếu có Nhân chắc chắn sẽ có Quả. Nếu có tâm nguyện như vậy, cuối cùng chúng ta sẽ làm được điều đó. Hiện nay, trên đất nước ta cũng như trên thế giới có rất nhiều Giảng sư. Có thể những người này trong một kiếp nào đó cũng đã có lời nguyện “đem Phật pháp hoằng hóa nơi nơi” nên đạt được như vậy.

Tuy nhiên, trở thành Giảng sư chưa đủ. Điều quan trọng là chúng ta sẽ giảng như thế nào? Lời giảng của chúng ta có chứa đựng chân lý sâu xa trong đó hay không? Chúng ta chỉ tìm cách nói cho hấp dẫn người nghe hay giảng từ nội tâm tu tập của mình? Rồi việc giáo hóa của chúng ta có bền vững hay không, chúng ta có duyên với chúng sinh hay không? vv… Người Giảng sư phải hội đủ những yếu tố này. Bởi vậy, ngoài những lời nguyện ở kiếp trước, chúng ta phải tu tập nhiều công hạnh khác. Có như vậy, chúng ta mới trở thành một Giảng sư tuyệt vời. Nếu chỉ giảng một cách bình thường, công đức của chúng ta sẽ không lớn. Sau này, khi nào có điều kiện, chúng ta sẽ nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Xưa nay, các vĩ nhân trên thế giới, những người có ảnh hưởng đến nhân loại đều có cái tâm gì đó ở kiếp trước. Có thể đó là cái tâm nghĩ đến loài người, đến nhân loại. Vì vậy, bây giờ hành động của họ tự nhiên có ảnh hưởng đến cả nhân loại. Điều này gọi là cái tâm đi trước hành động theo sau. Nếu bây giờ chúng ta không nghĩ đến nhân loại, chỉ nghĩ đến bản thân hoặc những người xung quanh thì kiếp sau, hành động của chúng ta cũng chỉ ảnh hưởng đến một phạm vi nhỏ hẹp mà thôi. Hiểu điều này, chúng ta phải cố gắng khởi tâm nghĩ đến tất cả chúng sinh, không nên nghĩ đến những điều nhỏ nhặt, tầm thường.

Bài Khấn nguyện mà chúng ta thường tụng vừa là tâm nguyện vừa là cầu nguyện. Vì trong đó có những đoạn chúng ta chỉ xin Đức Phật:

Xin cho khắp muôn loài

Sống yên lành bên nhau

Không ganh ghét oán thù

Không chiến tranh giết chóc.

Hoặc có đoạn:

Xin cho nơi địa ngục

Chúng sinh đang đọa đày

Khởi được tâm từ bi

Để xa lìa cảnh khổ.

Những điều này chúng ta xin Phật chứ không thể làm được. Nhưng khi cầu cho thiên hạ, cho chúng sinh, trong chúng ta lại phát sinh tâm vị tha một cách bí mật. Bởi vậy, bài Khấn nguyện có vai trò rất quan trọng trong việc tu tập đạo hạnh. Những đoạn khác là những đoạn phát nguyện:

Cho tay con rộng mở

Biết san sẻ cúng dường

Biết giúp đỡ yêu thương

Đến những người khốn khó.

Hoặc tâm tùy hỷ, tự chúng ta phát nguyện nhưng vẫn phải xin Phật:

Xin tâm con sung sướng

Khi thấy người thành công

Hoặc gây tạo phước lành

Như chính con làm được.

Có người khi đọc Lời khấn nguyện tỏ ra không đồng ý với tác giả. Vì người ấy cho rằng trong đạo Phật không có chuyện xin xỏ như thế. Thực ra, viết như vậy là tác giả có dụng ý của mình. Mặc dù đó là lời phát nguyện nhưng chúng ta vẫn dùng từ xin, cho ở đầu mỗi lời nguyện vì những từ đó rất có lợi cho người đọc. Chẳng hạn, khiêm hạ là tự mỗi người tu nhưng chúng ta phải xin Phật:

Cho con biết khiêm hạ

Biết tôn trọng mọi người

Tự thấy mình nhỏ thôi

Việc tu còn kém cỏi.

Tại sao như vậy? Nếu để ý chúng ta sẽ thấy lời cầu nguyện cho mình được khiêm hạ có thể làm chúng ta nhu nhược. Trong khi đó, lời phát nguyện khởi động ý chí, làm chúng ta mạnh mẽ nhưng dễ phát sinh kiêu mạn. Hòa hai điều đó lại có thể tiêu diệt sự kiêu mạn đang ẩn trong lời phát nguyện. Dù phát nguyện những điều tốt nhưng chúng ta vẫn nghĩ rằng nhờ sự gia hộ của chư Phật mà chúng ta đạt được. Đó chính là thâm ý mà tác giả muốn gửi trong lời khấn nguyện.

5. RÚT LẠI LỜI HỨA

Theo nguyên tắc, đã hứa thì phải giữ lời hứa. Nhưng trong cuộc sống, có những trường hợp hứa rồi mà không giữ được vì khi hứa, chúng ta không đủ trí tuệ để thấy sự sai lầm của lời hứa. Sau này khi có trí tuệ, hiểu ra được vấn đề, chúng ta muốn rút lại, không giữ lời hứa nữa. Ví dụ, trong lúc nói chuyện, chúng ta hứa sẽ cho bạn mượn một cuốn sách trước kia mình đã đọc vì cuốn sách cũng hay hay. Nhưng trước khi cho mượn, chúng ta phát hiện ra trong đó có nhiều điểm sai lầm, không tốt cho người đọc nên quyết định không cho mượn nữa. Như vậy, chúng ta không giữ lời hứa nhưng xuất phát từ thiện tâm, vì lợi ích cho người khác chứ không vì lợi ích cho bản thân mình. Nghĩa là chúng ta không vì lòng ích kỷ mà bội tín, mà vì lòng thương tưởng đến chúng sinh. Trước đây, lời hứa đó đã được thốt ra bởi sự thiếu sáng suốt, chưa đủ chín chắn, chưa nhận định thấu suốt vấn đề. Lúc này, khi đã tu tập, đã có trí tuệ, chúng ta mới nhìn thấy được những điểm sai lầm. Vì vậy, trong trường hợp này, chúng ta phải rút lại lời hứa. Tuy nhiên, khi muốn rút lại lời hứa, chúng ta phải nói sớm cho người ta biết để không bị lỗi bội tín hoàn toàn, không bị coi là một người mất tư cách. Nhưng nếu báo sớm vì lý do chính đáng, chúng ta chỉ phạm một phần lỗi bội tín, lại được phước lớn.

Có những trường hợp do hoàn cảnh, chúng ta không thể nào giữ được lời hứa. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta không có lỗi. Ví dụ, Chúng ta hứa cho người khác một món quà, chiếc xe Dream chẳng hạn. Nhưng hôm sau, ăn trộm vào lấy sạch sẽ đồ của, tiền bạc nên chúng ta không thể thực hiện được lời hứa. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không ai trách chúng ta là bội tín cả. Vì chúng ta không thực hiện lời hứa không phải do tâm mà do hoàn cảnh.

Nếu không thực hiện được lời hứa, chúng ta phải xin lỗi và đền bù bằng cách khác. Ví dụ, một người cư sĩ cùng em đi ngang một shop thời trang. Thấy em thích chiếc áo đầm màu xanh ấy quá, chị liền hứa: “Hôm nào lãnh lương, chị sẽ mua cho em chiếc áo đầm ấy”. Nhưng sau này khi đến cửa hàng đó, người chị mới phát hiện ra kiểu áo mà em thích có vẻ hở hang quá, không phù hợp với em nên không mua nữa. Người chị nói rõ với em điều đó và hứa sẽ mua cho em một chiếc đầm khác đẹp hơn. Như vậy, tuy không giữ lời hứa hoàn toàn nhưng đã đền bù bằng cách khác nên người chị cũng không mắc lỗi bội tín.

Đức Phật là một biểu tượng toàn vẹn của Đạo đức và đạo Phật là một đường lối hoàn thiện của Đạo đức. Là người đệ tử Phật, đi theo con đường Phật dạy, chúng ta phải giữ Đạo đức rất kỹ lưỡng. Một trong các tiêu chuẩn quan trọng của Đạo đức là giữ lời hứa. Vì vậy, trước khi hứa với ai điều gì, chúng ta phải cân nhắc kỹ. Và khi đã buông lời hứa, chúng ta phải quyết tâm thực hiện, dù lâu dài. Nếu hứa rồi bỏ qua, không quyết tâm thực hiện, không những chúng ta là người có Đạo đức kém mà còn làm mất niềm tin của người khác với Đạo. Như vậy, chúng ta sẽ mang tội rất lớn.

6. Ý NGHĨA NGƯỜI QUÂN TỬ TRONG ĐẠO NHO

Nói đến đạo Khổng, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh nhập thế. Người theo đạo Khổng là người hay dấn thân, xông xáo, gánh vác mọi việc trong cuộc đời. Điều này ngược lại với người theo đạo Lão, là người xuất thế, luôn tìm cách thoát ra khỏi cuộc đời. Vì những kinh điển của Lão Tử để lại trong Đạo đức kinh luôn luôn nói về những gì vượt ra ngoài thế gian. Trong khi đó, những lời dạy của Khổng Tử đối với học trò còn để lại trong các Kinh điển, trong sách Luận ngữ v.v… lại luôn luôn nói về vai trò, trách nhiệm của một người đối với xã hội. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta sẽ thấy hình ảnh người quân tử mà Khổng Tử dựng lên rất đẹp. Đó là mẫu người rất chuẩn, có đạo đức, sống ở đời có nhân nghĩa, có tính cách thẳng thắn, lời nói chân thật, biết giữ chữ tín và lễ độ với mọi người. Họ không phải là người xuất thế, nhưng là người vừa tiêu sái, thung dung vừa nhập thế. Hình ảnh ấy rất tuyệt vời, rất trung dung, phù hợp với đạo Bồ Tát của Phật. Ngày xưa, trong văn học, người ta thường mượn hình ảnh cây tùng, cây trúc để ngợi ca người quân tử. Vì đó là những loài cây thân mọc thẳng, cứng cỏi, chịu đựng được mưa nắng, tuyết sương.

Một lần, Khổng Tử hỏi về sở thích của đệ tử mình. Từng người lần lượt trình bày sở thích của mình với Thầy. Có người thích làm quan lớn để dạy dân, giáo hóa dân cho tốt đẹp hơn. Trong đó, học trò tên là Nhan Hồi lại thích đi hát, được tắm lội trên dòng sông trong một ngày mùa hạ, được ngả người dưới bóng cây râm mát đánh đàn, ca hát, tiêu dao; sống cuộc đời ung dung tự tại, không bận tâm đến cuộc đời. Nghe trả lời như vậy, Khổng Tử khen nức nở. Chúng ta vẫn thấy, đạo của Khổng Tử có tính chất tiêu sái, thoát tục. Vì theo định nghĩa của Khổng Tử, người quân tử là người sống đơn giản nhưng sâu sắc trong đạo lý. Tuy sống cuộc đời đơn giản nhưng họ không bao giờ biết chán bởi những đạo lý thâm sâu trong đó. Những lời dạy của khổng Tử thật độc đáo, không khác đạo Phật bao nhiêu.

Người quân tử còn là người dám chịu trách nhiệm và biết nhận lỗi. Khi làm điều gì sai, họ sẵn sàng nhận lỗi về mình, dám chịu trách nhiệm về hậu quả việc mình làm chứ không tránh né, không đổ lỗi cho người khác. Đó còn là người biết sử dụng lý trí. Nghĩa là biết phân biệt đúng- sai, thiện- ác rõ ràng, không mơ hồ. Tuy việc phân biệt thiện- ác quá mức có thể trở thành cố chấp nhưng biết giữ điều thiện, vứt bỏ cái ác cũng là một điều tốt giữa cuộc đời vốn có không ít người chạy theo cái ác.

Chính vì có những tiêu chuẩn sống đẹp đẽ như vậy nên nhiều người theo đạo Nho có cái chết khá an lành tự tại. Chúng ta biết rằng, cái chết an lành là dấu hiệu của một đời sống thánh thiện. Vì vậy, nếu chúng ta tu theo đạo Phật là muốn làm Thánh thì người tu theo đạo Nho chỉ muốn làm một người quân tử. Trong xã hội, giá trị của một người quân tử được đánh giá thấp hơn so với một vị Thánh. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, tính cách của người quân tử là nền tảng của một bậc Thánh. Muốn làm Thánh theo tiêu chuẩn đạo Phật, trước hết chúng ta phải có chất quân tử của đạo Nho. Nghĩa là chúng ta phải sống một đời trong sạch, quang minh chính đại, không quanh co, dối trá, luồn lách, thủ đoạn theo kiểu tiểu nhân. Trong thực tế, có những người tu theo đạo Phật, đi tìm con đường siêu thoát thế gian, vượt khỏi tam giới nhưng trong cuộc sống đời thường đã có những việc làm dối trá, quanh co, thủ đoạn, luồn lách của một kẻ tiểu nhân. Đây là điều rất đáng buồn.

Bởi vậy, dù bây giờ chưa phải là một vị Thánh, chưa đắc đạo nhưng chúng ta hãy sống như một người quân tử của đạo Nho. Chúng ta phải làm sao để khi đến với đạo Phật, người ta tin tưởng ở tiết tháo, tư cách, đạo đức của chúng ta, xem chúng ta là con người nhân ái giữa đời, biết lễ độ khiêm cung, biết nhận lỗi, dám có trách nhiệm, sống có lý trí… Chỉ cần người đệ tử Phật giữ được những đạo đức căn bản như đạo Nho như vậy, đạo Phật chúng ta sẽ hưng thịnh. Ngoài những điều đó, nếu có thêm những điều siêu thoát hơn, có trí tuệ của giáo lý Bát nhã, có những công phu Thiền định thì thật sự, chúng ta đang trên đường trở thành một vị Thánh. Tóm lại, đối với người đệ tử Phật nói riêng và người đời nói chung, giữ lời hứa là một Đạo đức quan trọng mà chúng ta không thể coi thường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.