Tâm Lý Đạo Đức

SỰ HÒA HỢP



1. SỐNG TRONG CỘNG ĐỒNG LÀ MỘT ĐẶC TÍNH CHUNG
Chúng ta biết rằng, trong vũ trụ không có một sự vật, hiện tượng nào có thể tồn tại độc lập mà không có mối quan hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Một chiếc lá vàng rơi, một con kiến bé nhỏ bò trên mặt đất, một hạt cát giữa sa mạc mênh mông…tưởng rằng sẽ không liên quan gì đến nhau, không liên quan gì đến con người. Nhưng thực ra, tất cả đều có một sự tương tác với môi trường sống chung quanh. Có thể sự tương tác đó quá nhỏ chúng ta không nhìn thấy được. Đó là cách nói theo vật lý. Theo lý thuyết của kinh Hoa Nghiêm thì vạn vật là “trùng trùng duyên khởi”, một hạt bụi có thể chứa đầy cả mười phương Chư Phật. Lý thuyết đó vô cùng cao siêu khi nói đến sự tương quan chặt chẽ giữa một cá thể với toàn thể Pháp giới. Đó là cách nói trên lý Bát Nhã. Trong bài này, chúng ta không nói về lý Bát Nhã. Sau này, khi đã có duyên, chúng ta sẽ đề cập vấn đề này.

Như vậy, dù nói theo lý Đạo hay trên vật lý, chúng ta cũng thừa nhận rằng, không ai có thể tồn tại độc lập giữa thế gian này mà tất cả đều phải có sự tương quan. Trong cuộc sống, chúng ta không thể tách mình ra khỏi môi trường chung quanh. Ngay cả trường hợp người nhập thất cũng vậy. Người nhập thất không tiếp xúc với người chung quanh. Nhưng trên thực tế, ít nhất họ cũng còn một người hộ thất, lo vấn đề cơm nước. Qua đó, họ còn có sợi dây liên lạc với thế giới bên ngoài, chứ không hoàn toàn tách biệt. Tất nhiên, lúc đó mối tương quan giữa người nhập thất và mọi người chung quanh giảm đi rất nhiều vì họ phải xoay vào nội tâm để tu hành. Hoặc trường hợp người tội phạm bị biệt giam. Vì phạm tội quá nặng, thuộc vào loại tội phạm nguy hiểm, họ bị giam riêng, gần như bị cắt đứt mọi mối quan hệ với người chung quanh. Tuy nhiên, người biệt giam vẫn có sự quan hệ với người cán bộ canh giữ tù, vẫn còn một chút quan hệ chứ không hoàn toàn mất hẳn.

Người ta hay truyền tụng câu chuyện về Robinson Crusoe để nêu bài học quý báu về trí thông minh, tinh thần dũng cảm, vượt khó cho con người. Bị đắm tàu, lạc vào trong một hoang đảo, đối mặt với biết bao khó khăn nguy hiểm nhưng Robinson vẫn kiên trì, tự sáng chế ra mọi cách để sống giữa thiên nhiên hoang dã bằng vốn kiến thức của thời đại mình. Tuy nhiên, nhà văn đã đưa vào tác phẩm nhân vật người da đen để làm bạn với Rôbinsơn. Điều này có ý nghĩa gì? Phải chăng nhà văn muốn khẳng định, nhu cầu tiếp xúc, quan hệ giữa con người với con người là một nhu cầu không thể thiếu.

Chúng ta không thể nào sống cô độc, tách khỏi mối dây liên hệ với mọi người chung quanh. Chúng ta không thể sống mà không có mối tương quan với cộng đồng loài người được. Vì sống như vậy, con người sẽ buồn đến chết, thậm chí có thể hoá điên. Nhất là những người bị lạc vào rừng, sống lâu trong rừng vắng, cuối cùng đã trở thành những “người rừng” trông thật đáng sợ.

Hằng ngày, trong mọi sinh hoạt, chúng ta đều có quan hệ gần gũi với người khác nên cảm thấy rất bình thường. Nhưng một lúc nào đó, nếu chỉ một mình ta sống trong một thành phố hoang, không một bóng người, bên này bên kia đều là những cánh cửa mở toang, những ngôi nhà đã sụp đổ … tưởng tượng chúng ta sẽ sống như thế nào? Chúng ta sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, khủng hoảng về tinh thần đến không chịu đựng nổi. Và có thể, nếu kéo dài tình trạng đó, chúng ta sẽ chết trong cô độc vì đau khổ, buồn chán. Như vậy, tương quan giữa người và người là nhu cầu có thật trong đời sống của chúng ta.

Trong truyện “Lặng lẽ Sapa”, nhà văn Nguyễn Thành Long đã xây dựng một nhân vật rất đáng để chúng ta cảm phục. Đó là anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn ở Sapa. Suốt ngày, một mình thui thủi trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m với công việc đo mưa, đo gió.. Anh ta sống gần như cách biệt với con người. Bởi vậy, một lần vì thèm nghe tiếng nói của con người quá, người thanh niên đã tìm cách lăn cây ra đường, chặn một chuyến xe khách đi ngang và mời mọi người lên tham quan nơi ở, nơi làm việc của mình khiến ai cũng xúc động. Thế mới biết nhu cầu được giao cảm, giao hòa với ngưòi khác trong mỗi người mãnh liệt biết chừng nào.

Chúng ta cũng đã từng nghe câu chuyện về vị Thánh Sư Milarepas. Ông sống ẩn tu mười một năm trên núi hoang, không tiếp xúc với một ai. Khi tuyết rơi xuống trắng xóa, ông vẫn ngồi thiền lặng lẽ chịu đựng cái lạnh buốt giá ấy. Phải thừa nhận rằng, ông thành tựu Định lực rất vững khiến ai cũng cảm phục. Sau mười một năm sống cách biệt với cộng đồng để tu tập, ông trở ra giáo hóa và rất thành công. Người Tây Tạng tôn thờ ông như tôn thờ một vị Thánh. Đó là trường hợp rất hiếm hoi và cá biệt. Khi đã có được cái Định ở trong tâm, người ta cảm thấy nhu cầu về mối tương quan với con người không còn là điều bức xức nữa. Còn đa số chúng ta đều sống trong sự tương quan và phải có bổn phận với người khác.

Không ai có thể sống cô độc mãi trên cuộc đời này. Bây giờ sống với nhau trong một tập thể, một cộng đồng, có khi chúng ta cảm thấy không cần phải thương nhau, có khi chúng ta coi thường tình cảm của người khác. Nhưng những người hay phụ bạc tình nghĩa đó sau này sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Hãy nhớ rằng, hễ phụ bạc điều gì, chúng ta sẽ mất nó mãi mãi.

Đó là Nhân Quả.

Ví dụ, một người còn phước, sống trong giàu có sung sướng và thường đến ăn uống ở những nhà hàng lớn. Bao nhiêu lần họ gọi thức ăn thừa mứa để rồi phải đổ đi. Cuối cùng, quả báo cũng xảy ra. Một lần nọ, trong một chuyến xe đang đi vào đường rừng, băng qua một cái đèo, nửa chừng xe bị chết máy, phải nằm lại ba, bốn ngày. Khi đó, vì không mang theo thức ăn dự trữ nên họ đành phải nhịn đói suốt mấy ngày liền. Mặc dù tài sản, tiền bạc vẫn còn đầy ắp nhưng họ cũng phải rơi vào một hoàn cảnh éo le, phải nhịn đói, nhịn khát để trả cái quả báo những lúc phí phạm thức ăn. Bởi vậy, ngày xưa ông bà chúng ta thường khuyên con cháu phải biết quí trọng từng hạt gạo, hạt cơm. Đó là những “hạt ngọc”. Khi ăn, một hạt cơm rơi xuống chúng ta cũng phải nhặt lên. Đạo lý ấy tưởng như đơn giản nhưng thực ra sâu sắc vô cùng. Mỗi người không bao giờ được coi thường điều đó.

Thực tế đã cho chúng ta nhiều bài học về vấn đề Nhân Quả. Không ít vị giám đốc khi còn đương nhiệm đã không ngần ngại quăng tiền qua cửa sổ, lao vào những cuộc chơi, sống sa đọa, trác táng. Họ có thể tiêu hàng chục triệu đồng chỉ trong một đêm. Vì lúc đó, tài sản trong tay họ tính bằng tỉ, số tiền vài chục triệu đồng ấy có nghĩa lý gì. Như vậy, coi thường, phung phí đồng tiền, quả báo xảy ra với họ là gì? Đến một lúc nào đó làm ăn phá sản, họ trở thành những kẻ trắng tay. Từ một vị giám đốc sang trọng “lên xe xuống ngựa”, có khi họ trở thành một người nghèo khổ, nợ nần bao vây, thậm chí phải ngồi tù.

Điều dễ thấy nhất là khi sống trong tình thương yêu của cha mẹ, con cái thường coi thường, phụ bạc. Một ngày nào đó lớn lên thành gia thất, được làm cha làm mẹ mới chợt hiểu ngày xưa cha mẹ mình đã thương mình biết chừng nào. Khi nhận ra, biết thương yêu cha mẹ thì mọi cái đã muộn mất rồi, có khi không còn gặp lại nữa.

Hiểu như vậy, chúng ta phải biết quí trọng những gì mình có hôm nay để không phải chịu quả báo. Cùng sống bên nhau trong một mái trường, cùng đi một con đường, chung một lý tưởng mà chúng ta không tôn trọng mối quan hệ gắn bó, không tôn trọng tình nghĩa huynh đệ đồng học với nhau, sau này chúng ta cũng sẽ bị quả báo. Đó chính là sự cô độc, không bạn bè, không người sẻ chia những nỗi niềm trong cuộc sống. Có thể chúng ta cũng thành đạt, ra ngoài làm việc sẽ được làm Trụ trì hoặc sẽ đi thuyết giảng. Nhưng dù làm gì, quanh đi quẩn lại chúng ta vẫn một mình, vẫn thấm thía sự cô độc.

Trong cuộc sống, mối quan hệ tốt đẹp, hòa hợp là một nhu cầu cũng là một yếu tố của hạnh phúc. Nghĩa là, nếu đó là mối quan hệ xấu, chúng ta sẽ đau khổ. Ngược lại, đó là mối tương quan tốt, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc. Về tương quan xấu khiến con người đau khổ, chúng ta đã được biết đến trong giáo lý: “Tứ Diệu Đế”. Trong bát khổ, có một nỗi đau khổ mà con người khó tránh khỏi là oán tắng hội, ghét mà gặp nhau. Quả thật, ghét mà gặp nhau cũng là một nỗi khổ lớn của con người.

Chẳng hạn, chúng ta, nhất là người đời, thường có cái thương ghét phàm tình. Nhưng dân gian thường nói :“Ghét của nào trời trao của đó”. Thường những người mình ghét, trời xui đất khiến lại cho gặp nhau, thậm chí còn phải ở chung phòng, làm chung công việc. Bởi vậy, đi ra đi vào chúng ta hay cảm thấy bực mình, khổ sở. Đó là đau khổ, gọi là oán tắng hội. Nghĩa là mối tương quan không tốt đã làm cho mình đau khổ. Để vượt qua điều đó, chúng ta chỉ có một cách là đừng ghét người ta nữa. Khi không ghét nữa, tự nhiên chúng ta thấy mọi cái bình thường, không có gì phải khổ sở. Tuy nhiên, không phải điều gì cũng đơn giản như chúng ta nghĩ, điều ấy còn phụ thuộc vào sức mạnh của nghiệp quá khứ.

Nếu oán tắng hội là một trong những điều khổ của con người thì thương nhau mà gặp nhau, ở bên nhau là điều hạnh phúc, là niềm vui.

Là đệ tử Phật, chúng ta phải cố gắng xây dựng mối tương quan tốt đẹp với cộng đồng. Khi còn là Tăng Ni sinh, không có gì để cho nhau, chúng ta hãy cho nhau cái tương quan tốt đẹp, cách cư xử tốt đẹp. Đó cũng là cách giúp nhau được hạnh phúc. Chúng ta phải sống làm sao để thương được tất cả mọi người và mọi người cũng thương mình. Khi nói điều này, có người cho rằng chúng ta lý tưởng quá, thậm chí thành ảo tưởng. Vì người ta nghĩ rằng, con người sống với nhau luôn luôn có thương, có ghét, không bao giờ có tình thương trọn vẹn. Hay nói cách khác, chúng ta không thể thương yêu tất cả mọi người và không phải mọi người ai cũng thương mình. Đó là thực tế.

Trong cuộc sống, có rất nhiều lý do để người ta ghét nhau. Có những lý do rất vô lý, rất vặt vãnh cũng khiến cho họ ghét nhau, không thể thương nhau. Bởi vậy, khi nói chúng ta thương tất cả mọi người, điều ấy có vẻ như ảo tưởng. Nhưng đó là những suy nghĩ của thế gian. Người thế gian thường dựa vào thực tế để đối xử. Nghĩa là, sống trong trong cuộc đời này, họ biết có người thương mình và cũng có người ghét mình. Vậy, ai thương họ sẽ được họ thương lại, ai ghét họ cũng sẽ bị họ ghét lại. Đó là cuộc sống thường tình. Còn những người tu theo đạo Phật phải vượt lên thường tình và phải tìm đến sự hoàn hảo. Nói đến tình thương và sự hòa hợp trong Đại chúng, mỗi người phải sống làm sao để thương được tất cả mọi người và cũng để mọi người thương mình. Chúng ta không đòi hỏi điều đó, nhưng được mọi người thương lại là dấu hiệu tốt của tâm mình. Tuy điều đó khó có thể thực hiện nhưng chúng ta vẫn phải tìm đến, vẫn phải thực hiện cho bằng được.

Tuy nhiên, đạt được đạo lý về sự hòa hợp của đạo Phật trong Đại chúng vẫn chưa đủ. Cái tâm của chúng ta là phải đi tìm được sự hòa hợp với tất cả mọi người trên thế giới này. Làm sao dưới mắt chúng ta mọi người ai cũng là người để mình thương yêu, trìu mến. Đó là ước mơ, là lý tưởng của người đệ tử Phật. Đó là lý tưởng rất cao mà có người cho là “không tưởng”, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm đạt đến lý tưởng đó, nhất định không dừng lại. Trước mắt, chúng ta phải phấn đấu sống một đời tốt đẹp, hòa thuận trọn vẹn với những người xung quanh. Còn Tâm phải trải rộng đến tất cả mọi người trên thế giới này.

2. TINH THẦN LỤC HÒA

Nhắc đến đạo lý về sự hòa hợp, trong đạo Phật có giáo lý Lục Hòa. Lục Hòa là sáu điều hòa hợp. Ý nghĩa lục Hòa thường được Phật chỉ dạy cho Tăng chúng trong một trú xứ để sống một đời hòa hợp với nhau. Học bài Hòa hợp, chúng ta không thể không tìm hiểu, phân tích giáo lý này.

a. Thân hòa đồng trú:

Đây là sự hòa thuận khởi đầu nơi việc ở chung với nhau trong một trú xứ.

Sự hòa thuận này là khởi điểm để có năm sự hòa hợp tiếp theo.

Chúng ta từ muôn phương có mặt ở đây, trong một tập thể, thì thân xác này, hình hài này (gọi theo bây giờ là hộ khẩu) phải bước vào một cuộc sống hòa thuận. Cuộc sống hòa thuận này dựa vào những điểm nào? Tuy có nhiều lớp người khác nhau nhưng chúng ta phải có sự nương tựa, tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Đó là tinh thần hòa thuận trong một môi trường sống. Trong một ngôi chùa, có thể chúng ta có nhiều điều khác biệt về nơi xuất thân: người đến từ “vùng nước mặn đồng chua”, người về từ vùng quê “đất cày lên sỏi đá”…Điều quan trọng là chúng ta vẫn từ bỏ hết những khác biệt đó để sống chung với nhau trong một trú xứ và hòa thuận được với nhau. Nhưng điều này không phải bắt đầu từ chúng ta mà từ các vị Thầy lớn: Thầy Trụ Trì, Thầy Giám viện, Giám hiệu, Thầy Thư ký…Trước hết, trong chùa, Thầy Trụ trì phải là người vượt qua mọi sự sai biệt, thương yêu, đối xử bình đẳng, không phân biệt với tất cả mọi người. Chính tinh thần ấy của Thầy sẽ là tấm gương cho những đệ tử trong chúng noi theo. Đối với chúng ta, khi còn trong chúng, phải biết quan sát cách làm việc của quý Thầy lớn để học tập, rút ra ưu khuyết điểm về sau. Có người khi còn ở trong chúng đã được Thầy mình nhờ viết tài liệu dạy cho một khóa Trụ trì và viết rất thành công. Sở dĩ làm được như vậy là do người ấy thường xuyên quan sát sự làm việc, quản lý của quý Thầy lớn và rút ra được những kinh nghiệm, những kết luận.

Quý Thầy lớn đã nêu tấm gương, tạo sự hòa hợp cho chúng ta- sự hòa hợp trải rộng không có một chút phân biệt nào. Bản thân chúng ta cũng phải vượt qua mọi sai biệt để thân hòa đồng trú, thương yêu nhau, nương tựa, tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Sống như vậy, một ngày nào đó gặp lại sau bao nhiêu năm xa cách, chúng ta vẫn vui, vẫn tình cảm tràn đầy. Nếu đã từng trải qua những năm tháng gắn bó, sẻ chia những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhận ra rằng, tình Đạo còn thiêng liêng hơn cả tình ruột thịt. Đó không phải là sự cường điệu hay ảo tưởng. Đó là sự cảm nhận sâu sắc khi chúng ta trải qua bao nhiêu năm tu hành gian khó. Chúng ta ai cũng có gia đình, cha mẹ, anh chị em…, vẫn sống trong tình yêu thương trìu mến của gia đình nhưng ngẫm lại, chúng ta vẫn thấy tình máu mủ không thiêng liêng bằng tình Đạo. Điều này thật khó giải thích cặn kẽ. Chỉ khi nào thương được những người huynh đệ chung quanh mình, khi nào nhắc đến họ, lòng mình trào dâng bao tình cảm thương yêu, khi đó chúng ta sẽ thấy đúng là tình Đạo vượt lên trên tình của thế gian. Tình gia đình cũng không bằng được. Thật ra, gia đình, máu mủ là duyên nghiệp của nhiều đời. Đôi lúc người ta cũng chẳng còn coi đó là vấn đề thiêng liêng nữa. Không ít gia đình, anh em đã giết nhau để tranh giành gia tài. Chỉ có Đạo đức mới có thể chuyển cái không thành cái có. Ví dụ, chúng ta là những con người xa lạ, từ khắp nơi về đây, không một chút ràng buộc nào cả. Nhưng nếu ai cũng có Đạo đức, cũng thương nhau trên tình Đạo trong lý tưởng của Phật pháp, chúng ta sẽ thấy mình sống với nhau vui hơn, hạnh phúc hơn là sống trong gia đình, nhất là gia đình không có Đạo đức. Nếu đem Đạo đức đối xử với nhau, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn bất cứ điều gì khác trên đời này.

Tóm lại, hòa thuận chỉ là bước đầu, điều quan trọng là chúng ta phải đạt đến được sự đối xử với nhau như ruột thịt. Muốn đối xử với nhau như ruột thịt, chúng ta phải sống như thế nào? Mỗi người tự cân nhắc lại thái độ của mình, cách cư xử của mình trong quá trình sống với huynh đệ sẽ thấy rõ hơn.

Nếu còn ở trong chúng, sống được như vậy, chúng ta sẽ là tấm gương Đạo đức tuyệt vời cho mọi người noi theo. Nếu thờ ơ, dửng dưng với mọi người xung quanh, khi bước ra làm Phật sự, Tâm chúng ta sẽ còn khô khan lạnh lùng nhiều hơn nữa. Lúc ấy, chúng ta không thể là hình ảnh Đạo đức cho mọi người noi theo, cũng không thể là một tàng cây che mát cho mọi người được. Chúng ta phải nhớ rằng, người ta nương tựa vào người tu là nhờ lòng thương yêu, một lòng thương yêu chúng sinh mênh mông và không phân biệt. Điều này chúng ta đã được học trong bài Tâm từ. Để phát huy điều đó, chúng ta phải xem môi trường huynh đệ là môi trường tốt nhất để mình thực hành.

b. Khẩu hòa vô tránh:

Là sự hòa thuận bộc lộ nhiều ở lời nói. Trước hết, sự hòa thuận này được biểu hiện ở việc không tranh cãi nặng lời. Trong một ngày, chúng ta thường làm ít hơn nói. Chỉ có một vài người đặc biệt, làm nhiều hơn nói. Dĩ nhiên, những người ấy làm chuyện tốt chứ không phải chuyện xấu. Khi đi học, họ cứ lặng lẽ không nói gì. Những người đó rất tốt, tâm khá an định. Còn bình thường, đa phần chúng ta nói nhiều hơn làm. Trong việc thiết lập tương quan với mọi người, lời nói là đường dây quan trọng. Theo kinh Phật, lời nói phải êm dịu, tao nhã, khả ái đẹp lòng người. Đó là lời nói tốt để tạo thành tương quan tốt. Chúng ta phải cố gắng tập luyện, phải học nói lời hay, phải cố gắng giữ gìn lời nói của mình. Vì nếu không tập, không sửa được chúng ta sẽ nói lời thô bạo, làm mất lòng người khác. Tất nhiên, lời nói xuất phát từ Tâm. Nếu để ý lời nói một chút, chúng ta sẽ nhận xét được cái Tâm của mình.

Chẳng hạn, khi có một huynh đệ sẵng giọng với mình, chúng ta cũng bực bội phản ứng lại bằng lời nói sẵng. Chính lời nói không đẹp ấy khiến chúng ta không thiết lập được mối tương quan tốt. Chúng ta sống không phải vì mình mà vì chùa mình, vì Phật pháp. Nếu lỡ nói nặng lời, chúng ta phải nhìn Tâm của mình ngay, tập sửa Tâm mình để lời nói phát ra trở thành ái ngữ , làm đẹp lòng người. Trong cách xưng hô của người Việt Nam, chúng ta cần tránh năm từ tiêu biểu cho sự kém văn hóa là thằng, con, mày, tao, nó. Đó cũng là một trong những yếu tố khiến người Việt Nam chúng ta tổn phước so với các nước khác trên thế giới. Những cách xưng hô như vậy, người đời có thể dùng nhưng người tu chúng ta hoàn toàn không nên. Khi nói về người thứ ba, chúng ta chỉ nên gọi bằng tên, không cần dùng đại từ. Trong Đạo, khi nói chuyện, xưng hô với nhau, chúng ta nên dùng Pháp danh.

Một biểu hiện nữa của khẩu hòa vô tránh là không nói xấu sau lưng. Nói xấu người khác sau lưng là một việc không tốt. Nếu nghe được, người ta sẽ rất giận và dẫn đến mất hòa khí, mất đoàn kết. Mối tương quan hòa hợp vì thế cũng không còn. Nói xấu sau lưng thường có hai trường hợp: ác ý và không ác ý. Người nói xấu sau lưng người khác có ác ý là người thực sự muốn hạ nhục người kia, muốn hạ uy tín người kia. Trường hợp còn lại, người nói không có ác ý nhưng do vô tình mà trở thành nói xấu người khác. Có khi chỉ là một câu nói đùa, không có ác ý nhưng sự thật vẫn làm cho người nghe đánh giá thấp về người được nói đến. Cho nên, dù có ác ý hay không ác ý, chúng ta cũng không nên nói sau lưng người khác. Khi nghe được, họ sẽ buồn lòng và mối tương quan giữa chúng ta với họ sẽ không còn tốt đẹp nữa. Nếu không đồng ý với người ta ở điểm nào đó, chúng ta cũng không được phát ngôn một cách tuỳ tiện, nhất là khi có người hỏi đến người đó. Vì nhiều khi do sự bất đồng, chúng ta không kìm chế được buộc miệng nói ra những điều không hay. Như vậy, vô tình chúng ta trở thành kẻ nói xấu sau lưng người khác. Tốt hơn hết, khi có sự bất đồng, chúng ta nên trực tiếp góp ý với họ. Nếu thấy không có duyên hay không tiện, chúng ta cũng im lặng, đừng nói qua người thứ ba làm mất uy tín của họ.

Một điều cần lưu ý nữa là chúng ta đừng gây gổ với nhau. Thực ra, điều này cũng đã từng xảy ra trong giới tu sĩ ở một vài chùa. Để xảy ra gây gổ nặng nề như vậy chứng tỏ việc kiểm soát ngôn hạnh và cái tâm của người tu còn kém. Nếu không đồng ý với nhau, lòng mình vẫn điềm tĩnh, tìm xem lỗi từ ai. Nếu lỗi thuộc về mình, chúng ta phải thành thật nhận lỗi và quyết tâm sửa chữa. Nếu lỗi thuộc về người, chúng ta cố gắng góp ý để giúp họ vượt qua.

c. Giới hòa đồng tu: Là cùng nhau giữ được giới pháp, Đạo đức thì sự hòa thuận dễ đạt được.

Những oai nghi giới luật mà chúng ta cùng nhau giữ được, cuộc sống sẽ vui hơn. Ví dụ: Chùa có luật là bước ra khỏi giới tràng(khuôn viên của chùa) phải xin phép. Chúng ta phải tuân thủ điều đó. Dù có đi bách bộ buổi chiều, chúng ta cũng chỉ ra đến cửa rồi lại quay vào. Như vậy, mọi người sẽ nhìn nhau bằng niềm vui vì ai cũng giữ giới. Hoặc chúng ta cùng nhau thực hành những vấn đề về Đạo đức như Từ bi, Khiêm hạ thì cuộc sống sẽ rất vui và hạnh phúc. Khi tu tâm Từ bi, chúng ta thương yêu những người huynh đệ xung quanh mình. Khi có huynh đệ bị bệnh, chúng ta sẽ chăm sóc trong tình yêu thương. Khi chúng ta đau ốm, lại có người khác chăm sóc cho mình. Cứ như thế, cuộc sống này sẽ đẹp hơn. Nếu ngược lại, vấn đề tu tập, rèn luyện Đạo đức không đồng với nhau, cuộc sống sẽ mất đi niềm vui, không còn tương quan hòa thuận nữa.

d. Kiến hòa đồng giải: Là chia sẻ sự hiểu biết với nhau, nhất là trong giáo pháp.

Sự hiểu biết của con người vốn không đồng đều. Khi biết điều gì hay, chúng ta không cố ý giữ lại cho riêng mình mà muốn cho người khác, muốn cho chúng sinh đều biết. Những người sống được như vậy, đời sau sẽ có trí tuệ vượt bậc và sẽ được nhiều phước. Trong giáo lý cũng vậy. Khi nghe Thầy giảng, nếu hiểu vấn đề một cách sâu sắc, chúng ta không nên giấu điều mình hiểu được mà cố gắng phân tích thêm để huynh đệ cũng hiểu sâu sắc như mình. Và nhờ thế, bài học càng được mở rộng thêm. Điều đó sẽ làm cho huynh đệ phấn chấn, cùng nhau tu hành ngày một tiến bộ.

Trong dụng công tu Thiền, nói ra những điều mình đạt được sẽ mất công phu, nhưng nếu thấy cách dụng công nào hay, chúng ta cũng tìm cách chỉ cho huynh đệ biết để cùng đạt được trạng thái an lạc. Ví dụ, thấy điều hòa hơi thở là cách dụng công có kết quả tốt, chúng ta hướng dẫn huynh đệ cách hít thở để đạt được trạng thái khinh an, hỷ lạc…Nhưng chúng ta không nói với huynh đệ là mình tu được như vậy mà chỉ nói là nghe người khác hướng dẫn. Đó cũng là cách giảng giải cho nhau, không muốn giữ gìn cái hay cho bản thân mình.

Không chỉ riêng về giáo lý, trong cuộc sống, có những điều vặt vãnh chúng ta cũng có thể chia sớt kinh nghiệm cho người khác. Chẳng hạn, khi phạm lỗi lầm gì, chúng ta mong người khác đừng bao giờ phạm lỗi như mình. Hoặc trong sự lầm lỗi đó, nếu đã cố gắng vượt qua, chúng ta cũng nên phân tích và đưa ra kinh nghiệm để người khác có cách vượt qua lỗi lầm. Tấm lòng mình lúc nào cũng chan hòa, khám phá ra được điều gì hay đều muốn san sẻ cho người khác để ai cũng được ích lợi, tiến bộ trong sự tu hành cũng như trong đời sống. Như thế chính là kiến hòa đồng giải. Người tu chúng ta chẳng có gì để cho nhau. Bởi vậy, cho nhau vốn hiểu biết chính là món quà vô giá, đừng bao giờ giữ một chút gì cho riêng mình.

Sau này, nếu có duyên đi giảng pháp nhiều nơi, được Phật tử khen ngợi, chúng đừng vội tự hào. Trong bài Khiêm hạ, chúng ta đã nói đến tâm tự hào bí mật. Đó là điều rất nguy hiểm, chúng ta cần dập tắt ngay bằng những suy nghĩ rất đơn giản. Chúng ta có thể nghĩ rằng, người nghe băng mình giảng phần lớn là những người bình dân, trình độ còn thấp nên thấy hay. Nếu người có trình độ cao, nghe những điều mình giảng sẽ cảm thấy bình thường, không có gì phải khen cả. Hoặc chúng ta có thể nghĩ mình giảng hay thật, sâu sắc thật nhưng xin nguyện cho tất cả những vị Giáo Thọ, Giảng Sư đều giảng hay hơn mình. Và lúc nào, ở đâu trên mọi nẻo đường của Phật pháp, chúng ta đều mong gặp được những vị giảng sư giỏi, giảng pháp hay. Khi đến bất cứ môi trường nào, dù là Phật tử hay Tu sĩ cũng đều được nghe những bài pháp tuyệt vời và tăng được tín tâm với Phật pháp. Cao hơn nữa, chúng ta luôn cầu nguyện cho thế giới này ai ai cũng là những vị Thánh, không còn ai muốn hơn ai nữa. Đó là một Thế giới tuyệt vời tốt đẹp. Khi có tâm nguyện mong điều tốt đến được với mọi người, chúng ta sẽ thấy mình vô cùng bình thường, chẳng có gì đặc biệt và sẽ dập tắt niềm tự hào có thể trỗi dậy trong lòng mình.

e. Ý hòa đồng duyệt: Là trong tâm nghĩ tốt về nhau, tự nhiên niềm vui phát sinh giữa mọi người.

Sở dĩ khi nhìn huynh đệ tâm chúng ta cảm thấy vui vì chúng ta biết nghĩ tốt về huynh đệ mình. Nghĩa là chúng ta thường nhìn thấy ưu điểm của huynh đệ. Điều này rất sâu sắc. Sống trong một môi trường mà nhìn thấy ai cũng là người tốt: người học rất giỏi, có trí tuệ sâu sắc; người rất siêng tu, lạy Phật, sám hối, ngồi thiền đều đặn; người có hạnh thích công quả; người hay dùng lời nói để khuyên giải, giúp người khác vượt qua lỗi lầm vv…, tự nhiên chúng ta sẽ thấy niềm vui tràn ngập trong lòng. Một khi tâm ý mình luôn luôn vui vẻ với mọi người, không nhìn điểm xấu, không soi mói, ác cảm, luôn bao dung tha thứ, chỉ dựa vào điều tốt để sống, chúng ta sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm sống và nhiều niềm vui. Đó là Ý hòa đồng duyệt.

g. Lợi hòa đồng quân: Là chia sẻ đồng đều các quyền lợi như quần áo, thức ăn, thuốc men, giường chiếu, tập viết, giờ nghỉ ngơi, phiên nhập thất v.v…

Những sự hòa hợp thuộc về tâm ý thường đơn giản hơn những vấn đề liên quan đến quyền lợi. Nếu quyền lợi gì cũng chia đều không cẩn thận sẽ dẫn đến bất công. Chẳng hạn, quyền lợi, chế độ của người ốm sẽ khác với ngườì bình thường, mọi người không thể đòi hỏi được hưởng như nhau. Hoặc người làm việc nhiều, làm những công việc nặng nhọc phải được ưu tiên hơn về quyền lợi…Vì vậy, Lợi hòa đồng quân phải dựa trên tình thương yêu.

3. TÌNH THUƠNG LÀ GỐC CỦA SỰ HOÀ HỢP

Như đã nói ở trên, không phải chia sẻ quyền lợi đồng đều một cách răm rắp mới gọi là Hòa hợp. Chính tình thương mới là gốc của sự hòa hợp. Quyền lợi chia sẻ xuất phát từ tình thương yêu sẽ thành lợi hòa đồng quân một cách hợp lý. Có những trường hợp đặc biệt chúng ta không thể xử lý đồng đều. Ví dụ, theo tiêu chuẩn, mỗi người trong một năm được may một bộ quần áo. Trong đó, một Thầy rất siêng năng làm lụng, gặp chuyện gì bất kể là mưa hay gió cũng xông xáo nên quần áo bị rách trước. Nếu cứ theo nguyên tắc cứng nhắc, chưa đến kỳ may đồng loạt, người ấy phải chờ đợi với bộ quần áo rách trên mình thì sẽ bất công và vô lý. Như vậy, chia đồng đều có thể ngược với ý nghĩa công bình.

Sự nhường nhịn chính là biểu hiện của sự hòa hợp vì xuất phát từ tình thương yêu. Bởi vậy, trong những trường hợp cần thiết, chúng ta có thể hy sinh quyền lợi của mình, nhường nhịn cho người khác. Chẳng hạn, thấy mùa lạnh đến, Phật tử mang đến cúng cho mỗi Thầy trong chùa một cái áo ấm. Nhưng do nhầm lẫn nên họ cúng thiếu một cái. Trên nguyên tắc, nếu chia từ quý Thầy lớn trở xuống, tính ra tuổi hạ chúng ta vẫn nhận được một phần, chỉ có người nhỏ nhất là bị mất quyền lợi. Điều đó cũng hợp lý nhưng trên Đạo đức, điều ấy hoàn toàn sai vì thiếu đi tình thương yêu, sự nhường nhịn. Nếu là người đầu tiên biết sẽ thiếu một chiếc áo, chúng ta phải chấp nhận không có áo mặc để nhường cho người khác cần hơn. Trong trường hợp này, nhường nhịn mới là lục hòa chứ không phải theo nguyên tắc chia từ trên xuống dưới, người chức lớn thế nào cũng được phần, người nhỏ phải chịu thiệt thòi là lục hòa. Được lục hòa mà mất đạo lý là hoàn toàn không nên. Bởi vậy, mọi khía cạnh khác của lục hoà đều cần cái gốc tình thương.

4. BỎ QUA SỰ KHÁC BIỆT ĐỂ HƯỚNG ĐẾN CÁI TƯƠNG ĐỒNG

Muốn tìm đến sự Hòa hợp với mọi người, chúng ta phải bỏ qua sự khác biệt để tìm đến cái tương đồng. Nếu cố tìm sự khác biệt, chúng ta sẽ thấy giữa người và người sống với nhau đầy rẫy sự khác biệt.

Trước hết, đó là sự khác biệt về ngoại hình: người cao, người thấp; người mập, người ốm; người có gương mặt đẹp, người trông lại khó coi…Trong cuộc sống, không ít người vì quá coi trọng ngoại hình mà gây phân biệt, chia rẽ. Tiếp theo là khác nhau về giọng nói. Mỗi địa phương có một giọng nói riêng, có vùng nói giọng rất dễ nghe, có nơi giọng nặng nề không nghe được. Từ đó, dựa vào giọng nói, người ta có cảm tình với người nơi này, lại có ác cảm với người nơi khác. Vì giọng nói, con người cũng có thể xa cách nhau. Hiện nay, ở một vài chùa xảy ra tình trạng phân biệt địa phương, quê quán rất gay gắt. Đây là điều trái với đạo lý của dân tộc ta :“Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tất nhiên, lúc đầu chỉ do một vài người có sự phân biệt, sau đó người khác hùa theo rồi trở thành phong trào. Khi gặp trường hợp như vậy, chúng ta phải tìm cách hoá giải, phải giúp nhau vượt qua tư tưởng kỳ thị địa phương để sống hòa hợp. Vì theo đạo Phật, mười phương chúng sinh đều cùng một Phật tánh.

Quá trình tu tập cũng là điểm khác biệt có thể làm cho con người phân biệt, chia rẽ nhau. Người này tự hào mình vào chùa tu lâu hơn người kia nên thấy có sự khác biệt, thấy người đó không bằng mình và không có sự hòa hợp với mình. Ngoài ra, giữa con người còn có sự khác biệt về địa vị , dòng dõi , trí tuệ, thể chất… Nếu cứ dựa vào những khác biệt đó, chúng ta sẽ kỳ thị, chia rẽ, ác cảm với nhau và dần dần xa cách nhau.

Vì vậy, chúng ta cố gắng tìm kiếm sự tương đồng và sẽ thấy giữa con người đâu chỉ có sự khác biệt, mà còn có vô số điểm tương đồng. Sự tương đồng lớn nhất là nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ. Chúng ta nhớ rằng, thời Đức Phật, xã hội Ấn Độ chia ra nhiều giai cấp. (Tất nhiên, thời đó sự phân chia giai cấp không gay gắt như xã hội Ấn Độ vào khoảng thế kỷ XVIII- XIX). Vậy mà, Đức Phật không chấp nhận sự phân biệt giai cấp và đã lên án quyết liệt. Khi thấy một người thuộc đẳng cấp Tăng lữ Bàlamôn có vẻ tự thị bởi dòng họ của mình, bởi giai cấp của mình, Phật phản đối ngay. Ngài từng nói :“Không có giai cấp khi mà máu cùng đỏ, không có giai cấp khi mà nước mắt cùng mặn”. Lời khẳng định ấy tuyệt vời trên cả hai phương diện: Đạo đức và Nghệ thuật.

Về phương diện Đạo đức, Triết học, đó là một tư tưởng tuyệt vời. Về phương diện nghệ thuật, đó cũng là một câu văn tuyệt vời, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Máu tượng trưng cho sự sống. Trên đời này, ai cũng quý sự sống. Và nơi sự sống đáng quý này, tất cả mọi người đều bình đẳng, không có sự hơn kém. Không phải vì người này giàu, người kia nghèo mà sự sống người này quý hơn người kia. Nước mắt tượng trưng cho sự đau khổ. Sống trong cuộc đời này, con người chúng ta đều phải chịu đựng những nỗi khổ rất giống nhau. Ai cũng phải già, phải bệnh, phải chết, phải chia ly với người thân yêu của mình, phải gặp mặt người mình ghét, có những điều mong cầu không đạt được … Nghĩa là những nỗi khổ trong cuộc sống này rất giống nhau. Và chính những nỗi khổ ấy đay nghiến chúng ta, dằn vặt chúng ta một cách bình đẳng. Những giọt nước mắt chảy ra từ những nỗi đau khổ ấy của người giàu sang hay người nghèo khổ đều như nhau. Đó là điểm tương đồng trước hết chúng ta phải ghi nhận để thương yêu hoà hợp với nhau trong cuộc sống.

Một điểm tương đồng nữa là lý tưởng. Khi đến với đạo Phật, trong lòng chúng ta ai cũng có lý tưởng về sự giác ngộ, giải thoát. Đây là điểm để chúng ta có thể thương yêu nhau. Vì có những người không cùng chung lý tưởng nhưng trên lòng từ bi của đạo Phật, chúng ta còn phải thương họ huống hồ là những huynh đệ cùng chung câu niệm Phật, cùng sống trong một bầu không khí thanh tịnh của đạo Phật, cùng hướng về sự giác ngộ giải thoát.

Chưa hết, chúng ta còn một điểm tương đồng nữa là cùng chung một loài người. Chúng ta giống nhau về lý tuởng, giống nhau trong nỗi đau khổ và giống nhau cả trong sự lầm lỗi nữa. Có thể người này đã vượt qua, người kia chưa vượt qua được nhưng những lầm lỗi trong cuộc đời này từ ngàn xưa đến bây giờ mà con người mắc phải đều rất giống nhau. Đó là những lầm lỗi hơn thua, tham lam, kiêu mạn, chấp ngã, oán hờn, vị kỷ … Rồi chúng ta còn cùng một Tôn giáo, cùng Thầy Tổ, cùng trường lớp nữa. Bởi vậy, khi thấy mọi người chung quanh có quá nhiều điểm giống mình, chúng ta phải thương nhau, không còn xa cách, không còn phân biệt nữa.

Đó là tình thương yêu trong Đại chúng. Nhưng như vậy cũng chưa đủ. Vì đạo Phật không có biên giới. Giữa nhân loại bao la, chúng ta phải thường xuyên đi tìm cái tương đồng để đạt đến sự hòa hợp. Đó là lý tưởng, là con đường của đạo Phật. Ví dụ, giữa đạo Phật với đạo Thiên Chúa có nhiều điểm khác nhau nhưng chúng ta vẫn tìm ra những điểm tương đồng, thậm chí rất giống nhau. Đọc kinh Tân ước (kinh Phúc âm), những lời dạy của Chúa Jêsu, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điểm giống với đạo Phật. Chúng ta có thể kết luận: “Chúa Jêsu là một vị Bồ Tát thị hiện” để cải cách đạo Do Thái. Đạo Do Thái dựa vào Cựu ước, mà Cựu ước quả là có nhiều điểm sai lầm. Chúa Jêsu xuất hiện và cải cách lại. Những lời dạy của Chúa tập hợp lại thành một cuốn gọi là Phúc Âm. Năm người viết về cuộc đời Chúa (Bộ kinh gọi là Phúc Âm có đến năm quyển) có điểm giống, có điểm khác nhau nhưng chúng ta phát hiện trong đó rất nhiều điểm giống đạo Phật. Nếu nghiên cứu sâu, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Hoặc điều mà chúng ta lo sợ nhất hiện nay là vấn đề Hồi giáo. Họ chỉ nói chuyện với nhau bằng bom đạn, rất đáng sợ. Hiện nay, chúng ta chưa tìm được nhiều tài liệu về Hồi giáo để nghiên cứu, để có thể bắt đầu từ một điểm tương đồng nào đó chuyển hóa được họ, khiến họ từ bỏ con đường bạo lực, sống hòa bình với nhân loại, trước hết là trên lý luận. Hiện tại, họ chỉ muốn tiêu diệt tất cả những đạo khác để trên thế giới chỉ còn lại một đạo Hồi. Họ thực hiện điều đó bằng bạo lực và với một quyết tâm rất cao. Nếu không ý thức được điều này là chúng ta có tội với nhân loại. Bởi vậy, mỗi người trong quá trình tu phải nhìn thấy những vấn đề lớn lao trên thế giới đang chờ rất nhiều người góp tay xây dựng, không được tu một cách thụ động.

Là Đạo của hòa bình, của khoan dung hòa hợp, của từ bi, chúng ta phải nhìn thấy điều đó để chuyển hóa họ. Bây giờ, chúng ta chưa tìm được cách có thể hóa giải tư tưởng bạo lực của họ nhưng tin rằng, trong tương lai chúng ta sẽ có cách giúp người anh em đạo Hồi của mình đang chìm trong sai lầm, tà kiến, chìm trong sự hung dữ của bạo lực sống trở lại trong sự hòa thuận với thế giới, với nhân loại. Đối với những nhà chính trị, Hồi giáo cũng là một mối lo ngại lớn. Họ đang tìm mọi cách, lập đủ âm mưu để triệt hạ lẫn nhau. Trên quan điểm đạo Phật, chúng ta cũng thấy Hồi giáo là một nỗi lo lắng của mình. Nhưng khác với họ, chúng ta dựa trên đạo lý, đạo đức và sự khoan dung mà chuyển hóa chứ không phải bằng sự đấu tranh tiêu diệt lẫn nhau.

Là người tu theo đạo Phật, chúng ta phải thấy vấn đề Hồi giáo là vấn đề lớn. Và còn nhiều vấn đề lớn khác nữa của thế giới loài người, chúng ta phải tự mình nhận lấy trách nhiệm để giải quyết. Hãy nhớ rằng, mơ ước tu hành tiến bộ để được làm Giảng sư, Giáo thọ, Trụ trì… chỉ là những mơ ước tầm thường. Là người tu chân chính, chúng ta phải vượt lên những cái tầm thường ấy để hướng đến mục đích, lý tưởng cao cả hơn.

5. NƠI VÔ NGÃ, MỌI CÁI TRỞ THÀNH ĐỒNG NHẤT

Trong đạo Phật có một Trí tuệ cao tột, đó là Trí tuệ Vô ngã. Chúng ta tu tập rất nhiều nhưng cuối cùng cũng hướng tới Vô ngã. Có thể đang nhiếp tâm trong Thiền định, Tâm chúng ta sẽ được Định. Nhưng phải nhớ một điều, chúng ta dùng cái Định này để đi đến Vô ngã, không còn thấy mình nữa. Càng hướng về Vô ngã bằng Thiền định, Tâm tự nhiên sẽ chan hòa với mọi người, mọi vật. Chúng ta đừng bao giờ tự nhận mình đã Giác ngộ, đã có Trí tuệ, đã thành tựu, đã có sở đắc. Đây là điều nguy hiểm của một người tu Thiền.

Thông thường, khi dụng công có kết quả, chúng ta hay nghĩ đến trí tuệ, thần thông, năng lực …và thấy giá trị của mình tăng lên. Khi đã nhiếp Tâm vào Định, hàng loạt những ý niệm bí mật ấy nảy sinh. Và chính những điều này đã làm cho Định mất, hoặc làm cho ngã chấp tăng lên. Bởi vậy, một điều quan trọng chúng ta phải nhớ là khi Tâm vừa vào được Định, chúng ta vẫn nghĩ mình chưa đạt đến cái cần đến và nguyện buông bỏ hết mọi điều khác để hướng đến cái Vô ngã. Phải tâm nguyện như vậy, chúng ta mới không bị cảm giác của cái Định lừa mị.

Khi đi đến Vô ngã như vậy, Tâm chúng ta tự nhiên sẽ chan hòa với mọi người, mọi vật. Đây là một điều không có lý luận, không cần giải thích. Từ đầu, chúng ta đi tìm sự hòa hợp trên lý luận, giải thích vì sao chúng ta phải sống hòa hợp thương yêu nhau. Nhưng nếu một người vào được Định và hướng về Vô ngã thì không cần nói một lời nào, Tâm vẫn tự nhiên chan hòa với mọi người. Trước khi chưa có Định, chúng ta thấy Tâm mình chỉ ở trong đầu mình thôi. Nhưng khi đã có Định, chúng ta lại thấy mọi người ở ngay trong Tâm mình và lòng thương yêu, sự hòa thuận tự nhiên lan tỏa. Đó chính là giá trị của Định, mà phải là Định hướng về Vô ngã.

Ngược lại, người có Định mà chỉ nghĩ đến những sự sai biệt với người khác, chấp ngã sẽ tăng lên, lại cách biệt với mọi người và càng rời xa Vô ngã. Vì Vô ngã làm cho chúng ta tìm thấy được sự tương đồng, còn chấp ngã khiến chúng ta tìm thấy sự sai biệt. Hiểu như vậy, mỗi người chúng ta cố gắng tu tập Thiền định, siêng năng Tinh tấn đến khi nào Tâm chan hòa với mọi người, mọi vật. Dù không nói nhưng sự hòa hợp thương yêu trong chúng ta vẫn lan tỏa, vẫn tràn đầy với mọi người.

Trong Tiểu Kinh Rừng Sừng Bò, câu chuyện ba Tôn giả Anuruddha, Nadiya và Kimbila sống đời sống thanh tịnh hòa hợp được giới thiệu và tán thán. Đức Phật ấn chứng rằng, ai nghe đến tên của ba Tôn giả Alahán sống hòa hợp này sẽ được nhiều công đức lành. Khi Đức Phật đến thăm ba vị Tôn giả, Ngài hỏi:

– Các ông có thể sống hòa thuận với nhau được hay chăng? Các Tôn giả trả lời:

– Chúng con sống với nhau hòa thuận như nước hòa với sữa. Đức Phật lại hỏi:

– Làm thế nào các ông sống được như vậy?

– Kính Bạch Đức Thế Tôn! Vì con không sống bằng tâm của con mà con sống bằng tâm của huynh đệ con.

Câu trả lời thật tuyệt vời! Trước thời Đức Phật chưa có câu trả lời này và vĩnh viễn đời sau không có câu trả lời hay hơn nữa. “Con không sống bằng tâm con mà con sống bằng Tâm của huynh đệ con”. Sở dĩ các Tôn giả ấy sống hòa hợp một cách tuyệt vời như vậy vì họ sống bằng Tâm của huynh đệ mình. Một khi thân khác nhau nhưng Tâm vẫn tương đồng, họ sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt thiện cảm, sống vui vẻ bên nhau, không tranh cãi hơn thua. Đó là một điều tuyệt đẹp trong cuộc sống. Chỉ trong Đạo Phật, những vị chứng được cái Vô ngã của Alahán mới có thể nói được như vậy, mới có thể sống được cuộc đời như vậy.

Là đệ tử Phật, chúng ta cần phải hướng đến điều này để sống hòa hợp với mọi người. Nghĩa là dù chưa đạt được Alahán, chưa đạt được Vô ngã nhưng nếu cố gắng bỏ ý riêng của mình để sống theo tâm ý của huynh đệ, chúng ta cũng gieo được Nhân để đạt được Vô ngã, đạt được Thánh vị Alahán. Hằng ngày, huynh đệ muốn làm việc gì có ích, chúng ta nên cùng làm với họ. Nghĩa là chúng ta sống hòa thuận theo huynh đệ, không còn cái gì của riêng mình nữa, nhất là về ý kiến, về tư tưởng. Tất nhiên, đạo lý phải thống nhất, không thể sai. Khi huynh đệ đi sai đạo lý, chúng ta kiên quyết không theo. Đạt được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có một cuộc sống hòa thuận tuyệt đẹp với mọi người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.