Tâm Lý Đạo Đức

TẬN TỤY



1. KHÔNG AI CÓ ĐẠO ĐỨC MÀ LƯỜI BIẾNG
Hai chữ Tận tuỵ gợi cho chúng ta hình ảnh cặm cụi, chịu khó, siêng năng. Nhưng khác với tinh tấn tu dưỡng nội tâm, khác với phấn đấu cho sự nghiệp riêng mình, Tận tụy hàm ý rất rõ là siêng năng vì mọi người.

Ví dụ, sự nỗ lực học tập của chúng ta hoặc sự cần cù chịu khó cày sâu cuốc bẫm, dầm mưa dãi nắng của người nông dân cũng gọi là siêng năng tinh tấn. Nhưng trước hết, đó là sự siêng năng vì bản thân, vì gia đình mình. Những tinh tấn siêng năng đó chưa được gọi là tận tụy. Tận tụy là sự chịu khó, siêng năng có ý nghĩa vì người khác chứ không vì bản thân mình. Như vậy, sự tận tụy cũng có ý nghĩa gần với cuộc sống vị tha. Tuy nhiên, giữa hai khái niệm này vẫn có những điểm khác biệt. Khác với vị tha, tận tụy gợi cho chúng ta hình ảnh một người cặm cụi, hết lòng làm lợi cho người khác trong sự thầm kín, lặng lẽ.

Tận tụy có tính chất Đạo đức. Điều này đã quá rõ ràng, chúng ta không cần phải chứng minh mà chỉ khẳng định một điều: không ai có Đạo đức mà lười biếng, chỉ thích ở không, thích hưởng nhàn. Những người thích ở không, thích hưởng nhàn chắc chắn là người kém Đạo đức.

Trong cuộc sống, nhiều công việc cần thiết cho các nhu cầu căn bản của chúng ta luôn luôn xuất hiện như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… Chỉ riêng bản thân mỗi người đã có rất nhiều công việc đòi hỏi phải làm. Khi nhiều người sống chung với nhau, nhu cầu lại phát sinh thêm và trở thành nhu cầu chung. Ví dụ, khi nấu ăn, chúng ta không phải chỉ nấu cho mình; khi dọn dẹp nhà cửa, chúng ta cũng ý thức đó không phải là nhà của riêng mình mà là ngôi nhà chung. Nghĩa là những công việc liên quan đến nhu cầu của chúng ta tự nó bày ra, tự nó xuất hiện rất nhiều, và khi sống chung với mọi người, nhu cầu của mình cũng là nhu cầu chung của mọi người. Nếu không làm là chúng ta đã dành công việc đó cho người khác. Như vậy, có thể khẳng định người làm biếng là người không có Đạo đức. Thậm chí có người còn cho rằng: “người làm biếng là người ác”. Nói như vậy cũng hơi quá nhưng không phải là không đúng. Khi đã sống chung trong một môi trường có nhiều nhu cầu phải làm chung với nhau, nếu lười biếng bỏ mặc công việc cũng có nghĩa là chúng ta bắt người khác phải làm. Điều này cũng đồng nghĩa với sự ích kỷ. Người có Đạo đức không bao giờ chấp nhận lối sống đó. Họ sẽ hăng hái, sốt sắng làm thay cho người khác. Đó là lối sống vị tha, sống vì người khác.

Khi Đạo đức tăng trưởng, nhiều công việc khác sẽ phát sinh để chúng ta giúp đỡ mọi người. Những công việc đó hoàn toàn không liên quan gì đến chúng ta. Ví dụ, ra ngoài, thấy con đường hư hỏng, chúng ta rủ mọi người cùng nhau sửa lại mặc dù mình chẳng đi lại trên con đường đó. Hoặc thấy nhà hàng xóm bị dột nhưng neo người không ai sửa, chúng ta đi xin ván, xin lá lợp lại cho họ… Sống trên đời là vậy, chúng ta phải biết chịu đựng cực khổ. Đừng bao giờ nghĩ rằng bước vào con đường tu hành là chúng ta đi tìm sự nhàn nhã, thảnh thơi. Hạnh phúc chỉ đến khi chúng ta đem lại được niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác, làm được điều lợi cho người khác. Hạnh phúc không phải là sự hưởng thụ. Nhạc sĩ Thế Hiển đã sáng tác một bài hát rất hay, rất có ý nghĩa: Chuyện đời nay đời xưa. Bài hát mở đầu bằng câu chuyện đời xưa, chuyện một nàng Công chúa, sống trong giàu sang nhung lụa nhưng tâm hồn vấn vương bao nỗi buồn vì nàng Công chúa ấy cần hạnh phúc. Sự giàu sang sung sướng trong hoàng cung không đem lại cho nàng hạnh phúc đích thực. Ngay cả khi được Hoàng tử cầu hôn với muôn ngàn châu báu nhưng nàng vẫn không màng đến, trái tim ấy luôn buồn rầu, khắc khoải một niềm hạnh phúc. Bài hát được tiếp tục với câu chuyện đời nay, chuyện những chàng trai, những cô gái trẻ đi vào chốn rừng hoang xây dựng cuộc sống, mà bài nhạc tập trung cho công trình thủy điện Trị An. Họ sống với núi xanh cây rừng trong niềm vui bất tận, trên môi luôn nở nụ cười tươi. Kết thúc bài hát là lời khẳng định: Cuộc đời là hạnh phúc không ai sống riêng ai, cuộc đời là hạnh phúc, phải sống vì mọi người. Thật vậy, con người chỉ cảm nhận được hạnh phúc đích thực khi biết sống vì mọi người.

Hạnh phúc thế gian có nhiều loại. Có những hạnh phúc tạm bợ do cuộc sống hưởng thụ ích kỷ đem lại. Thấy người khác mặc bộ quần áo đẹp, chúng ta cũng may một bộ như thế. Đạt được điều đó, trong lòng chúng ta cũng cảm thấy thích thú, hạnh phúc. Nhưng thứ hạnh phúc đó không bền, chỉ làm tăng trưởng sự ích kỷ, rồi đau khổ sẽ đến sau đó. Hạnh phúc thế gian là như vậy. Sự hạnh phúc do thỏa mãn nhu cầu được hưởng thụ chỉ là tạm bợ, ngắn ngủi, một lúc nào đó sẽ làm chúng ta chán chường. Tác giả bài hát cũng cho chúng ta thấy được hạnh phúc không phải là sự hưởng thụ, hạnh phúc không ngự trị ở những nơi có đời sống vật chất dư thừa. Hạnh phúc chỉ đến với những người biết yêu lao động, biết sống vì người khác, đem lại lợi ích cho người khác.

Chính vì vậy, khi xuất gia, chúng ta không đi tìm cuộc sống nhàn rỗi mà lại tìm một cuộc sống cực khổ. Nghĩa là khi xin phép gia đình vào chùa tu hành, chúng ta phải có tâm nguyện là từ bỏ quá khứ nhàn rỗi và hiểu rằng, con đường trước mắt chúng ta nhiều chông gai, gian khổ hơn lúc còn ở thế gian. Hiểu được điều đó, chúng ta phải hy sinh nhiều hơn, chịu cực khổ nhiều hơn và không bao giờ chấp nhận hưởng thụ bất cứ hạnh phúc nào.

Những người có đạo đức tăng trưởng, ngoài việc siêng năng giải quyết nhu cầu chung của mình với mọi người còn nghĩ ra việc để làm lợi cho người khác. Những người có tâm và có duyên còn tổ chức được những công việc thiện nguyện lớn lao hơn như : cứu trợ, vệ sinh đường phố, chăm sóc người già, trồng cây ven đường, đắp sửa đường sá, giáo dục trẻ em đường phố vv…

Vì sao muốn làm việc từ thiện, ngoài cái tâm chúng ta còn phải có duyên? Vì nếu tâm thúc đẩy chúng ta làm việc thiện nhưng không có duyên, không có điều kiện, chúng ta rất khó thực hiện được. Ví dụ, chúng ta có tâm muốn cứu giúp tất cả các trẻ em tàn tật trên thế giới, muốn đem lại cho các em niềm vui để bù đắp những thiệt thòi mà các em phải chịu đựng, nhưng làm sao có đủ điều kiện ra khỏi đất nước để thực hiện điều đó? Chúng ta chỉ làm được khi có đủ duyên. Vì vậy, người ta thường phát tâm để kiếp sau thực hiện. Hoặc thấy người già yếu, chúng ta muốn nâng đỡ, muốn giúp họ sống những ngày tháng cuối đời được thanh thản nhưng điều ấy cũng không dễ dàng làm được. Hoặc khi có một địa phương nào đó bị thiên tai, lũ lụt, chúng ta muốn kêu gọi nhiều người góp phẩm vật để tổ chức một chuyến cứu trợ cũng phải có duyên mới làm được. Tuy nhiên, chúng ta cứ nuôi dưỡng tâm thiện, khi duyên đến tự nhiên, thuận tiện, chúng ta sẽ làm được những điều mình mong muốn. Đó là Nhân- Quả. Ý nghĩ của chúng ta là Nhân, hành động sẽ là Quả. Muốn làm điều gì tốt đẹp, trước hết chúng ta phải nuôi dưỡng trong tâm mình những ý tưởng, những nhân lành. Thực ra, những người làm được việc thiện không phải họ mới nảy sinh ý nghĩ gần đây mà đã nghĩ từ những kiếp trước.

Những người già không làm được những việc thiện lớn, chiều chiều đi quét rác, nhặt rác trên đường cũng là một việc thiện. Việc làm này không có nghĩa là làm thay cho những công nhân vệ sinh mà mang ý nghĩa giáo dục. Nhiều người không có ý thức thường vứt rác bừa bãi ngoài đường vì nghĩ rằng đã có người ăn lương của nhà nước để chuyên làm việc quét dọn. Nếu không phải là công nhân vệ sinh mà chúng ta vẫn chịu khó quét rác, nhặt rác ngoài đường sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Dần dần họ sẽ hiểu chúng ta làm như vậy là vì vẻ đẹp của đường phố và không vứt rác ra đường nữa. Ý nghĩa giáo dục của việc làm ấy rất lớn.

Chăm sóc người già cũng là một việc thiện lớn. Trong thời đại mới, người già thường cô độc vì ít con cháu do sinh đẻ có kế hoạch. Con cái lại bận đi học, đi làm ăn xa, ít có dịp chăm sóc. Thấy vậy, năm bảy người có thể tập hợp lại với nhau đến thăm hỏi, chuyện trò, giặt quần áo, nấu cơm… giúp họ.

Chúng ta cũng có thể mời y tá đến chăm sóc sức khoẻ cho những người già yếu. Những việc làm ấy góp phần an ủi những người già trong buổi xế chiều. Khi họ đã quý mến mình, chúng ta có thể khuyên họ tu hành, niệm Phật để đời sống được thanh thản. Như vậy gọi là việc thiện đi trước, việc đạo theo sau.
Hoặc trồng cây xanh ven đường cũng là việc thiện có ý nghĩa. Trong bài Yêu thiên nhiên, chúng ta đã hiểu được vai trò của cây xanh đối với đời sống con người. Bởi vậy, chúng ta phải tích cực trồng cây. Những đoạn đường nào chưa có cây xanh, chúng ta có thể mang cây đến trồng vừa tạo bóng mát, vừa giúp điều hòa không khí.

Hiện nay, tình trạng trẻ em sống lang thang, cơ nhỡ đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Phần lớn các em không nhận được sự quan tâm, giáo dục của gia đình ngay từ nhỏ nên hư hỏng. Các em có thể làm bất cứ việc gì để sống: khi cướp giật, khi ăn xin… để rồi trở thành tội phạm. Chúng ta có thể tìm cách gần gũi, khuyên lơn, giáo dục các em trở thành người tốt. Đây cũng là một việc thiện mà phải có duyên chúng ta mới có thể làm được. Vì công việc này không đơn giản, nhiều khi còn rất nguy hiểm. Muốn giáo dục đạo đức cho những đối tượng ấy, chúng ta phải tập hợp nhiều người, phải có sức khỏe, có lòng kiên nhẫn.

Những việc thiện ấy làm cho chúng ta bận rộn hơn, nhọc nhằn hơn nhưng chúng ta vẫn cố gắng làm để giúp đỡ người khác. Sự chấp nhận cực khổ đó gọi là tận tụy, hy sinh, vị tha.

2. TĂNG SĨ SỐNG NHÀN RỖI, PHẬT PHÁP SẼ SUY TÀN

Nếu là đệ tử Phật, chúng ta không được sống nhàn rỗi. Vì sống nhàn rỗi, dựa vào người khác là biểu hiện của người không có Đạo đức. Đó là người ác, người tàn nhẫn. Không ít người cho rằng sống ngoài đời quá khổ nên tìm đến cuộc sống tu hành để được nhàn rỗi. Đó là quan niệm sai lầm. Chúng ta phải xác định, đi tu là khép lại cuộc đời nhàn rỗi ở thế gian để dấn thân vào con đường gian khổ, hy sinh, phụng sự … nhiều hơn trước.

Tăng sĩ là biểu tượng của Đạo đức nên không được quyền sống một cách nhàn rỗi. Tăng sĩ sống nhàn rỗi là Phật pháp suy tàn. Đối với Phật pháp, đối với chúng sinh, chúng ta còn bao nhiêu việc chưa làm được. Mỗi người phải cố gắng thực hiện. Ví dụ, hiện nay, Phật pháp còn tình trạng phân chia thành nhiều hệ phái, nhiều tông phái. Như chúng ta biết, chân lý chỉ có một, có thể ví như đầu chấm bút chì, chỉ cần nhích một chút là sẽ lệch ngay. Chính vì mỗi người có cái nhìn chưa đúng nên chúng ta không đến được chân lý chung. Vì vậy, điều chúng ta cần đi tìm là chân lý chung để sự khác biệt trong Phật pháp không còn nữa, tất cả đều thống nhất với nhau, hòa hợp với nhau. Khi đã tìm ra chân lý chung, chúng ta mới có đủ sức mạnh thuyết phục người khác. Chẳng hạn, khi chúng ta đưa chân lý này đến Nam tông, người Nam tông từ bỏ bớt kiến chấp của mình để phát triển. Khi chúng ta đưa chân lý chung này đến với Bắc tông, người Bắc tông sẽ từ bỏ những gì khiến họ bị rơi vào ngoại đạo, lui trở về trong chánh pháp. Chúng ta đến với Khất sĩ, đến với Phật giáo Hòa Hảo, đến với Cao Đài… sẽ làm cho tất cả trở nên sáng tỏ. Người ta sẽ từ bỏ những sai biệt cố hữu của mình để có thể nắm tay nhau trong tình hòa hợp. Tìm ra chân lý chung ấy là việc quan trọng, gian khổ mà chúng ta cần phải làm.

Đó là trong phạm vi một tôn giáo. Hiện nay, trên thế giới còn tồn tại bao nhiêu tôn giáo, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu thành kiến, bao nhiêu triết thuyết… đầy rẫy sự khác biệt. Chúng ta phải làm thế nào để một ngày nào đó trên trái đất này, cả nhân loại chỉ còn một chân lý chung. Tư tưởng ấy thật quá lớn, không phải ai cũng có thể nhìn thấy được. Chỉ những người có trí tuệ mới nhìn thấy những việc cần phải làm cho thế giới này, cho nhân loại này. Những cái cần làm đó gọi là chí nguyện. Như vậy, khi có trí tuệ, chúng ta sẽ có chí nguyện, sẽ biết mình phải làm thêm điều gì cho con người, cho Phật pháp mai sau. Người không có trí tuệ, học bao nhiêu, nghe giảng bao nhiêu chỉ biết bấy nhiêu, không nghĩ thêm được điều gì. Đó là những người khó có chí nguyện lớn.

Là Tăng sĩ, chúng ta cố gắng tu học, vì còn quá nhiều điều chưa hoàn hảo, còn quá nhiều điều phải làm cho chúng sinh, cho thế giới này. Con người còn phân hóa, còn thù hận, còn ganh ghét nhau bởi những sự khác biệt. Chân lý vẫn còn ẩn khuất đâu đây và con người chưa được thuyết phục để có thể nắm tay nhau, thương yêu nhau. Thấy được điều này, chúng ta phát tâm nguyện đi tìm chân lý ấy. Sự quyết tâm ấy gọi là chí. Chính cái chí này làm cho chúng ta có Trí tuệ. Nghĩa là khi nuôi nấng một hoài bão nào đó, hoài bão sẽ tạo thành nhân quả, thành phước khiến chúng ta tập trung tu hành và nhìn thấy được nhiều vấn đề. Như vậy, chí nguyện cũng làm mở mang trí tuệ.

Vừa qua, ở Mỹ xảy ra nạn những đứa học trò cầm súng bắn xả vào bạn học. Chúng bắn giết không vì động cơ ích kỷ hay trả thù, cũng không muốn cướp tài sản của ai, chỉ thích bắn giết cho vui rồi lại kê súng bắn vào đầu mình. Những kiểu văn hóa như vậy thực chất là một sự đổ vỡ lớn. Văn hóa của Tây phương, cái gọi là tự do của Tây phương không phải là chỗ dựa cho nhân loại vì dần dần nó đã tạo nên những “con bệnh” nguy hiểm. Nó tiêu diệt lại chính nhân loại, làm hủy diệt nhân cách và gây tai họa cho cộng đồng.

Thế giới còn nhiều điều suy đồi, còn nhiều việc chưa tốt như thế, chúng ta không được phép chỉ nghe cho biết, nghe cho vui mà phải tự hỏi mình sẽ làm được điều gì cho con người. Chính những băn khoăn đó làm cho chúng ta có chí nguyện. Từ nay, chúng ta luôn ý thức rằng mình không được sống cuộc đời nhàn rỗi. Tăng sĩ sống nhàn rỗi là có lỗi lớn với chúng sinh. Ngoài những chí nguyện, những đạo đức, chúng ta còn phải cố gắng tu tập. Thời gian tu tập là giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho chúng ta một bản lĩnh, một đạo lực để làm được những việc lớn lao mà mình hằng mong ước. Người không có bản lĩnh khó làm nên việc lớn. Với chúng ta, bản lĩnh ấy có được nhờ sự tu tập chuyên cần trong suốt một thời gian dài.

Theo dòng lịch sử, chúng ta thấy cả một thời gian dài từ cuối đời Trần cho đến thời Pháp thuộc, Phật giáo Việt Nam trở nên thụ động, kém sinh khí và suy yếu. Dĩ nhiên, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đó nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là do Tăng sĩ thích nhàn rỗi, thích đánh cờ tướng, tiêu dao, dạo chơi, chăm sóc cây cảnh non bộ, đối đáp thơ ca vv… Ngày trước, khi phương tiện đi lại còn khó khăn nhưng nghe ở đâu có cảnh đẹp, quý Thầy cũng vác tay nải đi bộ đến đó chơi, thăm Thầy, thăm huynh đệ. Việc ấy rất mất thời gian của người tu. Nghĩ sâu xa hơn, tu sĩ sống đời nhàn nhã, thích tiêu dao:“nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du”, cứ ôm bình bát đi chơi như vậy là thiếu trách nhiệm với cuộc đời, với Phật pháp.

Hiện nay, ở một số chùa, các Tăng sĩ thỉnh thoảng cũng tổ chức đi chơi, đi hành hương nơi này nơi khác. Điều này hoàn toàn không nên. Chúng ta chỉ đi khi có việc cần thiết cho chùa, cho Giáo hội, còn những cuộc đi chơi vô bổ phải hạn chế. Làm bất cứ việc gì, trước hết chúng ta phải nghĩ đến lợi ích chung, đừng bao giờ thỏa mãn sự ham thích của mình. Mặc dù vẫn biết đi du lịch là một nhu cầu thật sự của con người nhưng chúng ta đừng phí thời gian và tiền bạc vào việc đó.

Đối đáp thơ ca cũng vậy. Trong chúng ta, có nhiều người rất thích làm thơ và làm thơ rất hay. Tất nhiên, đó cũng chỉ là những bài thơ nói về đạo, ca ngợi thiên nhiên, non nước… nhưng việc làm ấy vừa không thiết thực vừa rất mất thời gian. Chúng ta chỉ làm thơ khi nào có nhu cầu phục vụ cho mục đích chung hoặc chỉ viết những bài tụng bằng thơ để Phật tử dễ nhớ, dễ tụng. Nghĩa là làm việc gì, chúng ta cũng phải nghĩ đến lợi ích của người khác, đừng bao giờ nghĩ làm để giải trí cho vui.

Nói đến việc quý thời gian, sống vì người khác, chúng ta vẫn quý câu chuyện về ngài Dương Kỳ. Chúng ta biết, Tông Lâm Tế truyền đến ngài Từ Minh thì tách ra làm hai nhánh. Ngài Từ Minh truyền được hai đệ tử xuất sắc là ngài Hoàng Long Huệ Nam và ngài Dương Kỳ Phương Hội. Nhưng ngài Dương Kỳ là sự truyền thừa chính, còn ngài Hoàng Long là nhánh rẽ mặc dù sự chứng đắc của hai vị bằng nhau. Đọc câu chuyện, chúng ta mới hiểu vì sao ngài Từ Minh truyền cho ngài Dương Kỳ.

Ngài Dương Kỳ đắc đạo nổi tiếng nhưng nơi ở cực kỳ đơn sơ, mái lá dột nát đến nổi mùa đông tuyết bay vào phủ đầy giường, Ngài phải chịu lạnh lẽo. Cảm thán trước cảnh này, Ngài đã làm một bài thơ:

Dương Kỳ xạ trú ốc bích sơ

Mãn sàng tận tản tuyết trân châu

Xúc khước hạgn ám ta hu

Phiên ức cổ nhân thọ hạ cư.

Dịch nghĩa: Dương Kỳ ở tạm mái nhà tranh đơn sơ. Tuyết phủ đầy giường lấp lánh như ngọc châu. Co gối gục đầu thầm than thở. Nhung nhớ người xưa dưới cội cây. (Người xưa ở cội cây là Đức Phật). Một cư sĩ thấy vậy đến xin cất lại ngôi thất đang dột nát cho Ngài, Ngài hỏi:

– Ông đã ngộ đạo chưa? Cư sĩ trả lời:

– Dạ thưa Hòa Thượng, chưa.

– Chưa thì đâu có thời giờ cất thất cho ta.

Một vị Hòa Thượng nổi danh, phước lớn vô kể mà không chịu cất lại nơi ở của mình cho đàng hoàng vì quý thì giờ tu tập của người khác mặc dù người đó chỉ là cư sĩ (chưa phải là tu sĩ). Ngài quý sự tu hành của người khác như vậy. Đó là tâm hy sinh, là thái độ tận tụy vì người rất đáng trân trọng.

Người xưa sống như vậy đó. Họ rất quý thời gian tu hành. Họ không sống vì mình mà lúc nào cũng muốn làm việc gì đó cho người khác. Không những bản thân mình không phí thời gian, họ cũng không cho phép người khác phí thời gian mà muốn cho mọi người xung quanh mình thiết tha tinh tấn tu hành để được ngộ đạo, để được giải thoát.

Trong Thánh kinh của Do Thái giáo (kinh Cựu ước) có một ngày nghỉ gọi là ngày sabbath. Theo truyền thuyết của Thánh kinh, lúc đó Đức Chúa Trời tạo dựng ra thế giới loài người trong sáu ngày, nghĩa là từ lúc tạo nên trời đất cho đến khi hoàn chỉnh ông Adam và bà Eva là sáu ngày, ngày thứ bảy là ngày nghỉ. Ngày đó, người Do Thái gọi là ngày sabbath, ngày nghỉ của Chúa. Theo ý nghĩa thiêng liêng đó, mọi người theo Do Thái giáo đều phải nghỉ ngày sabbath, ngày thứ bảy trong tuần. Bây giờ, người Do Thái vẫn tranh thủ nghỉ ngày thứ bảy, không ai được đi làm trong ngày này. Chúa Jésus hôm đó bận chữa bệnh cho người khác, những người theo đạo Do Thái đến làm khó dễ Ngài. Ngài nói :“Cha của ta là Thiên Chúa trên trời không bao giờ nghỉ ngơi, cho nên ta cũng không bao giờ được nghỉ ngơi”.

Chúng ta không đủ đạo nhãn để nhìn suốt ba ngàn thế giới, nhìn suốt các tầng trời để xem Thiên Chúa có ý nghĩa gì mà không bao giờ được nghỉ ngơi. Chúng ta chỉ hiểu rằng, Thiên Chúa mà Chúa Jésus nói cũng như những vị Thiên Tử giáo hóa cho các Bồ Tát và không chỉ giáo hóa ở cõi trời Đẩu Xuất mà Ngài còn hóa hiện trong vô lượng cõi nước khác để làm lợi ích cho chúng sinh. Những hóa thân như vậy đúng là không bao giờ được nghỉ ngơi. Còn Vua cõi trời như Trời Đế Thích hay Trời Phạm Thiên cũng không bao giờ nghỉ ngơi. Thần lực và lòng từ bi của các Ngài phủ trùm chúng sinh, lúc nào cũng lo toan bận rộn, sắp xếp công việc. Điều này hoàn toàn không giống như hình ảnh mà Tề Thiên Đại Thánh đã nói : “Ông trời ngồi nhìn các tiên nữ múa hát”. Các Ngài đều là những Bồ Tát luôn luôn siêng năng, luôn luôn bận rộn và giàu lòng tận tụy. Chúng ta chưa đủ đạo nhãn để biết được công hạnh của một đại Bồ Tát vĩ đại như thế nào, liên tục như thế nào, chỉ tạm hiểu câu nói của Chúa Jésus như vậy. Nhưng rõ ràng, Ngài đã phá cái chấp của người Do Thái giáo, không chấp nhận ngày sabbath họ đặt ra. Vì người có Đạo đức là người tận tụy, không bao giờ nghỉ ngơi. Chúa Jésus cũng là người như vậy.

3. TU NGHĨA LÀ LÀM VIỆC, LÀM VIỆC NGHĨA LÀ TU
Tại sao lại nói tu nghĩa là làm việc, làm việc nghĩa là tu?

Chúng ta biết rằng, làm việc là hành động tượng trưng cho những gì nhọc nhằn cực khổ. Tu là việc của nội tâm. Đó cũng là những công việc nhọc nhằn như tọa thiền, quán từ bi, niệm Phật, tìm lỗi trong tâm…Nhìn bên ngoài, chúng ta thấy có vẻ nhàn rỗi nhưng bên trong lại rất vất vả, khác với cái nhàn rỗi của người không biết tu. Chẳng hạn, những người tu ngồi thiền bất động tưởng như không làm gì nhưng sự thật họ rất cực khổ. Ai đã từng ngồi thiền sẽ hiểu được nỗi vất vả, cực khổ ấy. Từng giờ, từng phút người tu phải vất vả chiến đấu với vọng tưởng, lúc tâm vào được định, khi tâm lại bị loạn.

Hoặc khi tu tập quán Từ bi, người tu không những quán trải lòng thương yêu tất cả chúng sinh khi ngồi thiền mà trong đời sống cũng quán như vậy. Những điều đó chỉ diễn ra âm thầm trong tâm, không ai nhìn thấy nhưng rất cao cả, rất vất vả. Sự cực khổ, nhọc nhằn đó chúng ta cũng gọi là làm việc. Hoặc một người niệm Phật, từng giờ từng phút đều giữ câu niệm Phật trong tâm mình cho vững với một lòng tôn kính. Những điều đó cũng rất vất vả. Chỉ có những người đã từng tu tập cực khổ vất vả mới biết kính trọng người tu. Những người chưa tu thường nhìn người tu với ánh mắt khinh thường vì nghĩ rằng họ không làm việc gì cả, suốt ngày chỉ tụng kinh gõ mõ chờ Phật tử đến cúng dường.

Tương tự như vậy, chiến đấu với lầm lỗi của bản thân mình cũng là việc rất ghê gớm. Như đã biết, mỗi người chúng ta ai cũng mang đầy lầm lỗi và vượt qua những lầm lỗi ấy trong cuộc đời không phải là điều đơn giản. Vậy mà những người tu phải từng bước đi sâu vào tâm linh, tìm cách vượt qua những lỗi lầm của chính mình. Vì vậy, chúng ta phải biết kính trọng người tu. Sự vất vả tu tập đó của người tu chúng ta gọi là làm việc.

Người tu không được lãng phí thời gian. Chính những giây phút chiến đấu trong tâm là sự chuẩn bị cho những bài pháp tuyệt vời về sau. Khi lớn lên, chúng ta có thể đem giáo pháp của Phật rao giảng, giáo hóa khắp nơi. Nhưng đừng nghĩ rằng đó là kết quả do chúng ta học được từ sách vở. Thực ra, để nói lên những giáo pháp vi diệu của Phật, chúng ta phải trải qua quá trình tu tập, tích lũy, chiến đấu với nội tâm của mình, thấy được những lỗi lầm của mình trong từng giờ, từng phút ngày hôm nay.

Có những người kém duyên phước, không được học nhiều vì hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn tự đọc sách và tu. Họ luôn cố gắng tìm lỗi của mình. Mỗi bước tu, họ nhìn thêm được một số lỗi và trong tâm luôn mong người khác đừng vướng phải lỗi của mình, mong cho người khác vượt qua được lỗi lầm như mình đã vượt qua. Khi vượt qua lỗi gì đó, họ có kinh nghiệm và có thể giúp được người khác thoát được lỗi lầm như mình. Chỉ với một tấm lòng chân thành thương yêu và biết lỗi như vậy mà họ đã thành công, có thể đem giáo pháp đến cho nhiều người khác.

Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, bên cạnh học để bồi bổ kiến thức, chúng ta phải hết sức nỗ lực tu hành trong tâm, từng giờ từng phút chiến đấu để nội tâm tăng trưởng từ bi, khiêm hạ. Sau này, những lời chúng ta nói ra sẽ trở thành bài pháp vi diệu, có sức thuyết phục người khác phải tu hành theo mình. Chính vì thế, chúng ta gọi tu nghĩa là làm việc. Sự vất vả bên trong của người tu không ai thấy nhưng sẽ tạo thành cái Quả, sau này có thể chuyển hóa được thế gian.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong một bài thơ tặng Thầy mình nhân dịp cùng Thầy về thăm quê cũ, một đệ tử đã xúc động viết:

Người đứng đó bình an và thanh thản Dưới bóng cây từng che mát tuổi thơ Mảnh đất xưa thời bé nhỏ dại khờ Người đã sống suốt quãng đời niên thiếu Ôi đáng quý mảnh đất này kỳ diệu

Đã nâng niu thời hoa mộng của Người Để hôm nay vang mãi khắp nơi nơi Thành bất tuyệt pháp âm trần nhân thế.

(Chơn Quang)

Lời thơ cũng nhắc nhở chúng ta phải quý những giờ phút tu hành vất vả trong tâm để sau này thành “bất tuyệt pháp âm tràn nhân thế”.

Còn làm việc tức là tu là chúng ta làm việc vì người khác chứ không phải vì bản thân mình. Những việc làm ấy cũng nhọc nhằn vất vả. Khi làm việc, người nhỏ có thể làm công quả trong chùa, làm với lòng vị tha hy sinh. Người lớn có thể làm công quả cho Giáo hội, cho lợi ích của chúng sinh. Tất cả đều làm việc không mệt mỏi, đều chịu cực khổ, tận tụy vì người khác.

Động cơ để mỗi người làm việc luôn luôn là động cơ vị tha, hy sinh cúng dường. Đó chính là hạnh phúc chân thật. Nếu tu là làm việc, là chịu cực khổ để sau này biến thành những bài pháp chuyển hóa thế gian thì làm với động cơ vị tha (nghĩa là tu) cũng có quả báo của nó. Sau này, chính đời sống vị tha sẽ làm tâm mình vào định. Chúng ta biết, sức định ở trong tâm là do phước tạo thành, mà phước có được là do đời sống vị tha. Trên thế gian này không có một phương pháp nào có thể giúp người tu đạt được điều vi diệu: tâm lúc nào cũng tỉnh giác, cũng sáng tỏ. Chỉ có một yếu tố duy nhất có thể làm được điều đó là phước. Nghĩa là chúng ta phải sống như thế nào để tạo phước cho đủ. Khi đã đủ phước thì bất cứ pháp môn nào cũng có thể làm cho chúng ta tỉnh giác thường xuyên, không bị mất đi. Khi đủ phước, chúng ta niệm Phật, tâm sẽ vào trong định; hoặc nếu nhiếp tâm trong hơi thở, tâm cũng sẽ định trong hơi thở.

Chúng ta phải hiểu, gốc ở đằng sau là phước nhưng nói đến phước là phải nói đến tội. (điều này đã được nói đến trong bài Hối hận). Cho nên, người hết tội, tăng được phước thì tâm sẽ dễ dàng vào định. Nhưng làm thế nào để hết tội? Sám hối là cách tốt nhất giúp chúng ta hết tội. Nhiều người tu chỉ để ý các pháp môn cao siêu, coi thường việc sám hối. Thực ra, sám hối rất quan trọng, nhất là sám hối đúng lỗi của mình. Mọi người đều có lỗi và lỗi thường không giống nhau. Vì vậy, người nào thấy mình bị sân, cứ sám hối sân; người nào có tội tham, cứ nhắm đến tham mà sám hối; người kiêu mạn, cứ nhân sự kiêu mạn mà sám hối… Cứ như thế, khi hết lỗi, tâm sẽ dần dần vào định.

Song song với việc sám hối lỗi lầm, chúng ta vẫn tạo phước. Chính đời sống vị tha, làm việc tận tụy, vất vả vì người khác, đem lại lợi ích an vui cho người khác sẽ biến thành một kết quả giúp chúng ta xuất hiện định ở trong tâm. Như vậy gọi là làm tức là tu.

4. LÀM MÀ KHÔNG LÀM

Đây là ý rất cao siêu. Làm mà không làm nghĩa là tuy làm lụng cực khổ nhưng chúng ta vẫn thấy như không làm gì cả. Chúng ta phải tránh tư tưởng cậy công hay chấp công. Có thể chúng ta rất siêng năng, tận tụy làm việc cho người khác nhưng làm rồi cứ nhớ mãi và nói cho mọi người biết công lao của mình, tâm chấp công sẽ dần dần tăng lên. Càng làm được nhiều bao nhiêu, sự chấp công của chúng ta càng tăng lên bấy nhiêu. Chấp công sẽ tạo ra kiêu mạn và qua kiếp sau xuất hiện hai quả báo: Điều làm lợi cho người khác sẽ đem lại vinh quang, nhưng kiêu mạn đem đến cho chúng ta sự hống hách, kiêu ngạo, tự cao, coi thường người khác…Tất cả những điều ấy chuẩn bị cho một sự đổ vỡ ở nhiều kiếp sau. Điều này rất nguy hiểm.

Như vậy, làm mà thấy mình có làm là một cái họa. Tuy có phước trước mắt nhưng đổ vỡ, đau khổ, hèn kém sẽ chờ đợi mình ở nhiều kiếp sau. Thực ra, không cần đến nhiều kiếp sau, ngay trong kiếp này, nếu cứ chấp công, làm gì cũng nhớ công, tâm cứ khoe công mình thì quả báo cũng xảy ra ngay. Chúng ta sẽ bị rơi vào một hoàn cảnh nào đó: hoặc bị đau ốm, hoặc bị một tai nạn bất ngờ…để không thể làm việc được nữa. Lúc ấy, chúng ta chỉ có thể nhờ vào người khác để trả lại tư tưởng chấp công của mình.

Tư tưởng cậy công nguy hiểm như vậy nên chúng ta cần phải tránh. Có hai cách giúp chúng ta tránh tư tưởng cậy công, làm mà vẫn không thấy mình làm gì. Cách thứ nhất là làm mọi việc nhưng lúc nào chúng ta cũng giữ chánh niệm trong công việc. Nếu lúc nào cũng giữ tâm trong chánh niệm, trong chánh định thì tự nhiên chúng ta làm mà không thấy mình làm. Điều này rất vi diệu, lạ lùng không thể giải thích được.

Ví dụ, một ngày nào đó, trong chùa có việc, quý Phật tử vào làm công quả: nấu cơm, chẻ củi, dọn dẹp… nhưng khi làm việc lúc nào cũng giữ câu niệm Phật trong tâm. Những người như vậy có phước sẽ vào định luôn. Hoặc có khi cả ngày chúng ta làm việc vất vả nhưng khi có người hỏi ngày nay làm được việc gì, ngẫm nghĩ mãi cũng thấy mình làm gì đó nhưng tự nhiên không thấy mình có làm nữa. Đây không phải là đạo lý gì cao siêu mà do định đã đạt được nên tự nhiên như vậy. Cái định thật vi diệu! Chính Đức Phật chúng ta từng thuyết pháp suốt cuộc đời 45 năm, cuối cùng cũng tự nhận: “45 năm ta chưa hề nói một lời”. Nói như vậy vì Ngài đã thuyết pháp trong chánh định.

Vì vậy, người giữ tâm trong chánh niệm, chánh định khi làm việc, nói năng sẽ không có tư tưởng chấp công. Hiểu được điều này, chúng ta cố gắng tận tụy làm lụng cho mọi người nhưng phải giữ tâm tu hành, lúc nào cũng giữ tâm trong thiền định, tùy theo pháp môn mình đang tu tập.

Cách thứ hai để diệt trừ tâm cậy công, chấp công là chúng ta phải tác ý suy nghĩ. Dù làm được việc, chúng ta cũng nghĩ những điều mình làm được trong những năm tháng qua chưa đáng gì so với chư Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát. Các Ngài trong vô lượng kiếp đã làm biết bao nhiêu điều đem lại lợi ích cho chúng sinh. Nhờ suy nghĩ như vậy, chúng ta không rơi vào tư tưởng chấp công, tránh được quả báo về sau. Đó là hai cách giúp chúng ta tuy làm rất nhiều mà vẫn không thấy mình làm điều gì hết.

Để giữ được ý nghĩa của tận tụy, chúng ta cũng cần lưu ý một điều là nên làm mọi điều một cách thầm lặng, tránh tâm niệm muốn mọi người biết đến việc làm tốt của mình. Có như vậy, công việc chúng ta làm mới được bền bỉ. Nếu chấp công, lại không kín đáo, khoe khoang công của mình cho người khác biết thì về lâu dài, chúng ta sẽ không duy trì được việc làm phước của mình, tất cả sẽ bị đổ vỡ. Vì thế, Tận tụy hàm nghĩa siêng năng nhưng là sự siêng năng trong thầm lặng.

5. VIỆC LÀM PHẢI ĐEM LẠI LỢI ÍCH THIẾT THỰC

Tuy tận tụy làm việc nhưng chúng ta phải xét xem việc làm đó có đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người hay không. Có những việc làm cũng rất vất vả nhưng vô bổ, không mang ý nghĩa, không đem lại lợi ích cho ai. Trên thực tế, một số chùa còn mắc phải điều này. Xét cho kỹ, chúng ta thấy trong chùa hiện nay còn tồn tại một số nghi lễ rất vô nghĩa. Nói ra điều này có thể đụng chạm đến một số chùa, một số Thầy nhưng chúng ta cũng không nên tránh né. Nhất là thế hệ đi sau, chúng ta phải nhìn vào thực tế để có ý thức sửa đổi.

Thử xét qua ý nghĩa của một số nghi lễ trong đạo Phật, chúng ta sẽ thấy nghi lễ nào cần thiết và nghi lễ nào không cần thiết. Trước hết là lễ khánh thành chùa. Lễ được tổ chức sau khi chùa đã xây cất hoàn chỉnh. Thông thường, các chùa tổ chức lễ khánh thành với ý nghĩa tạ ơn sự giúp đỡ của mọi người. Đây là nghi lễ có ý nghĩa, các chùa nên tổ chức. Cất được một ngôi chùa là nhờ sự đóng góp của rất nhiều người. Khi chùa đã cất xong, đây là dịp quý Thầy mời mọi người gặp mặt như là một sự tạ ơn.

Thứ hai là lễ đặt viên đá đầu tiên. Một số chùa tổ chức lễ này khi chùa mới bắt đầu đặt viên đá đầu tiên. Đây là lễ cầu nguyện chư Phật gia hộ cho công trình sẽ được viên mãn, đồng thời cũng có ý thông báo rộng rãi cho mọi người biết để góp phần ủng hộ.

Nhiều chùa tổ chức hết lễ này đến lễ khác khiến Tăng Ni chúng trong chùa chuẩn bị, lo toan quá cực khổ. Chỉ riêng việc dọn dẹp, mượn bàn ghế, chuẩn bị chén đũa, đi chợ nấu ăn… cũng đủ làm mọi người quay đến chóng mặt. Lễ quả thật có đông vui nhưng quá vất vả. Nếu chùa cứ tổ chức hết lễ này đến lễ kia, cực khổ mất thời gian như vậy, trong nhân quả, người Trụ trì sẽ bị tổn phước rất nặng. Vì chính người Trụ trì đã làm cho chúng trong chùa mình mất thời gian tu học, chạy theo nghi lễ hình thức, không có chiều sâu. Người thế gian cũng bị những tục lệ, những lễ lộc rất tốn kém chi phối, nhất là trong việc tổ chức đám cưới. Họ thường thích làm đám cưới rình rang để rồi đôi bạn trẻ phải trả nợ ba, bốn năm chưa hết. Họ đâu biết rằng, đám cưới linh đình không phải là điều kiện để bảo đảm trăm năm hạnh phúc cho lứa đôi. Hạnh phúc trăm năm có được là do đạo đức, tình thương yêu cùng với duyên nợ nhiều kiếp đem lại.

Hiện nay, việc đi cứu trợ, làm từ thiện ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức. Một số người tổ chức đi cứu trợ mà tiền vật dụng ít hơn tiền xe. Như vậy là không thực tế, có tính phô trương, khoe khoang. Việc đi cứu trợ nặng về hình thức như thế chưa biết có tạo được phước hay không nhưng trước mắt chỉ thấy đó là sự phí phạm. Vì vậy, làm việc gì, chúng ta cũng phải suy nghĩ, cân nhắc. Phải hiểu rằng, chúng ta tận tụy, siêng năng là vì lợi ích thiết thực cho con người chứ không vì hình thức.

Tóm lại, chúng ta tận tụy làm lợi ích cho người khác phải xét trên hai phương diện chính: nâng cao Đạo đức cho con người hoặc giúp con người đạt sâu vào trong Thiền định. Chẳng hạn, giáo dục trẻ em đường phố chúng ta cũng nhằm tăng trưởng được Đạo đức cho các em. Hoặc đến giúp đỡ người già chúng ta cũng kết hợp khuyên các cụ niệm Phật tu hành để được yên ổn cho đời này, đời sau. Đó mới là những việc làm thiết thực trong cái nhìn của đạo Phật. Nếu đi xa quá hai mục đích đó, chúng ta phải xét lại. Không cẩn thận, sự siêng năng tận tụy của chúng ta sẽ đi xa Phật pháp, trở thành những việc làm hình thức, vô nghĩa.

6. QUÝ THỜI GIỜ

Ngạn ngữ phương Tây có một câu rất hay :
Mất tiền bạc là mất ít

Mất thời gian là mất nhiều

Mất sức khoẻ là mất tất cả.

Thời gian đối với con người và vạn vật quý giá vô cùng. Vì thời gian đã qua đi, không bao giờ trở lại. Qua câu chuyện của ngài Dương Kỳ, chúng ta thấy Ngài rất quý thời gian, luôn dành thời gian cho sự tu học. Vì vậy, chúng ta cũng phải biết quý thời gian. Trong mọi lúc, mọi nơi, chúng ta phải tận dụng thời gian để tu học, để làm việc, đừng bao giờ để thời gian trôi qua trong lãng phí. Chúng ta phải luôn luôn ý thức được nhiệm vụ của mình. Ngay cả những lúc mệt mỏi, không thể làm việc tay chân được nữa, chúng ta nằm nghỉ ngơi nhưng vẫn giữ câu niệm Phật, không để phí phạm thời gian. Đã là người tu, chúng ta không bao giờ chấp nhận tình trạng bên trong tâm không tu, bên ngoài lại không có việc gì làm. Có thể lúc nào đó, bên ngoài không làm gì nhưng bên trong chúng ta vẫn kiểm soát tâm, không được để giây phút nào trống trải. Điều cấm kỵ đối với người tu là để rơi vào tình trạng trống trải, chán chường phải tìm đến đối tượng nào đó để tâm sự. Nếu để cho lòng cảm thấy trống trải, không biết phải làm gì là chúng ta đã có sai lầm trong bổn phận của một tu sĩ.
Để tận dụng mọi thời gian cho việc tu học, chúng ta cố gắng tránh những nghi thức rườm rà, mất thì giờ. Đạo Phật thường có lễ trai Tăng. Thực ra, nghi lễ này không cần thiết. Vì quý Phật tử cúng dường trai Tăng làm mất rất nhiều thì giờ của quý Thầy. Có khi ở rất xa nhưng được Phật tử mời, quý Thầy cũng phải về dự lễ trai Tăng. Nếu dành thời gian đi lại đó cho việc khác, chúng ta sẽ làm được nhiều việc có ý nghĩa. Ông bà ta chẳng nói: “Ăn một bữa giỗ lỗ ba bữa cày”đó hay sao? Sở dĩ đạo Phật thích làm lễ trai Tăng vì cho rằng trai Tăng cúng dường là có phước. Thực ra, phước chưa thấy nhưng e rằng có tội vì đã làm quý Thầy nhọc nhằn, mất thời gian tu học. Trong hoàn cảnh bây giờ, thực tế nhất là quý Phật tử nên đem đến chùa cúng. Tiền gạo dù ít, dù nhiều cũng quý lại không làm mất thì giờ quý Thầy. Làm như vậy sẽ có phước hơn.

Tất nhiên, đối với những nghi lễ cần sự trang trọng để in sâu vào lòng người những ấn tượng, ý niệm tốt lành nào đó, chúng ta phải tổ chức đàng hoàng, không được sơ sài. Vì nếu tổ chức sơ sài, chúng ta sẽ mang tội. Ví dụ, lễ quy y cho Phật tử là lễ quan trọng, các chùa không được tổ chức sơ sài. Vì giờ phút quy y là giờ phút người ta bước vào cuộc sống mới, trở thành đệ tử Phật. Buổi lễ quy y phải có một ý nghĩa trang trọng, thiêng liêng; phải đem lại một ấn tượng tốt đẹp để họ ghi nhớ suốt đời. Tuy nhiên, nhiều chùa lại tổ chức lễ quy y rất sơ sài. Điều này sẽ khiến không ít người có cảm giác những chùa ấy muốn ghi danh sách Phật tử vào chùa cho đông. Vậy thôi. Vì có trường hợp, Phật tử quy y rồi nhưng hỏi Pháp danh gì lại không nhớ. Hỏi ra mới biết, người ấy có người quen vào chùa ghi tên quy y hộ, hôm sau lại gửi cho lá phái nên họ chẳng có chút ấn tượng gì về việc quy y.

Hoặc buổi lễ xuất gia cũng vậy. Đây là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời một con người. Quyết định xuất gia là người ta từ giã gia đình, bạn bè, người thân; từ bỏ những mơ ước của một thời tuổi trẻ để bước vào cuộc sống tu hành. Bổn phận của họ là phải tu hành cho tốt, đem lại lợi ích cho chúng sinh. Từ giây phút này, họ không còn là một người thế gian vất va vất vưởng nữa, không còn là đứa con hoang lang thang trong luân hồi vô tận nữa. Từ đây, họ có được vị Cha lành – một bậc Thầy vĩ đại, có chư Tăng để nương tựa, có Giáo pháp để học hỏi. Vì vậy, các chùa phải tổ chức sao cho không quá rườm rà nhưng thật có ý nghĩa để người ta phải nhớ bổn phận của mình suốt đời.

Vì thời gian là vốn quý nhất của con người nên chúng ta phải biết tiết kiệm, biết tận dụng thời gian. Người phí thời gian sẽ không sống thọ (mặc dù biết rằng thọ mạng còn do nhiều nguyên nhân khác). Điều này cũng dễ hiểu. Vì theo quy luật Nhân Quả, chúng ta “phí cái gì sẽ mất cái đó”. Ví dụ, những người thường quen nấu cơm thừa mứa rồi đổ bỏ sẽ bị quả báo. Nhiều khi phước còn đó nhưng có lúc rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn phải bị đói. Còn khi đã hết phước thì sẽ rơi vào cảnh nghèo đói, không làm ra tiền bạc, thậm chí đi xin cũng không ai cho. Vì vậy, nếu ăn cơm còn dư, không có ai để cho, xung quanh cũng chẳng có chó, mèo, heo, gà, chúng ta cũng phải tìm cách đem cho chim, chuột ăn. Mặc dù hành động cũng giống như đem đổ nhưng bên trong, chúng ta không có tâm đổ bỏ, luôn nghĩ là đem cho chim, chuột ăn. Tâm như vậy là tâm bố thí, sẽ không có tội và không mắc quả báo.

Trong thời đại ngày nay, nhiều người khi có chức có quyền, làm ra tiền như nước đã không ngại vung tiền qua cửa sổ. Họ đắm chìm trong những cuộc nhậu thâu đêm, những cuộc chơi bời trác táng. Có khi họ uống một chai rượu Tây bằng cả gia tài của một người lao động nghèo khổ. Có khi tàn một cuộc vui, họ đã lãng phí hàng mấy chục triệu đồng. Trong khi đó, số tiền này là giấc mơ cả một đời của những người nghèo khổ. Chỉ cần có nó, một người nghèo có thể gầy vốn làm ăn để thay đổi cuộc đời mình. Chưa kể, trong lúc hào hứng, những tay Giám đốc giàu có ấy có thể boa cho những cô tiếp viên hàng trăm dolla. Những việc làm đó quá sức phí phạm. Và quả báo đã xảy ra ngay trong hiện tại. Không ít những vị đã có kết cục là “tay trắng trắng tay” hoặc được nghỉ ngơi trong tù để có dịp hồi tưởng lại những tháng ngày qua đã từng vẫy vùng trong thiên hạ. Trong khi đó, người biết Đạo không bao giờ phí phạm. Họ rất tiết kiệm nhưng lại rất rộng rãi. Khi cần thiết, họ sẵn sàng bỏ tiền của ra để giúp người mà không hề tính toán thiệt hơn. Có như vậy, họ mới giữ được phước lâu dài.

Tương tự như vậy, nếu ai phí thời gian thì sẽ bị quả báo là thời gian không còn nữa. Không còn thời gian nữa có nghĩa là không còn cơ hội tồn tại trên cõi đời này nữa. Những người như vậy thường hay chết yểu. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chết yểu (trong đó có nguyên nhân do đời trước sát sanh nhiều) nhưng nguyên nhân không kém phần quan trọng là do phí thời gian nhiều quá nên những người này không đáng sống nữa, thọ mạng chấm dứt sớm. Đây cũng là điều rất lạ. Nói như vậy nhưng chúng ta cần hiểu rằng, vấn đề không phải là sống lâu hay sống ngắn ngủi. Điều cốt yếu là chúng ta chỉ mong được sống để làm lợi ích cho người khác. Có những công việc cần thiết phải làm để đem lại lợi ích cho Phật pháp, cho chúng sinh mà chưa làm được thì chúng ta phải sống. Và để được phước sống lâu, chúng ta đừng bao giờ phí thời gian, phải sống cho hợp lý.

Trong cuộc sống, chúng ta phải siêng năng làm việc, tận tụy vì người khác. Tuy nhiên, phải khéo léo, đừng làm quần quật để rồi kiệt sức, về sau không làm gì được nữa. Là người hiểu Đạo, chúng ta biết thân này không phải của mình. Khi đã chọn con đường tu hành thì thân này là của Phật pháp, của chúng sinh. Trước đây, vì nghĩ thân này là của mình nên chúng ta hoặc cung phụng nó quá đáng, hoặc đày đọa nó quá đáng bằng cách làm quần quật để kiếm tiền. Bây giờ, khi đã hiểu Đạo, có lý tưởng tu hành, biết thương yêu tất cả chúng sinh, biết trân trọng gần gũi Phật pháp, chúng ta cũng biết thân giả tạm này không phải của mình nữa mà là của chư Phật. Cuộc đời chúng ta từ đây đã đặt vào bàn tay của Phật, chúng ta chỉ là tôi tớ của Phật. Do đó, chúng ta không được quyền cung phụng hay đày đọa nó. Chúng ta phải đối xử với thân mình một cách khéo léo để nó là một công cụ, phương tiện giúp mình làm việc Phật pháp được lâu dài. Có như vậy, chúng ta mới có thể làm những việc Đạo đức, những điều lợi ích, đem lại hạnh phúc cho chúng sinh. Nghĩa là chúng ta cũng làm việc, cũng hy sinh vì mọi người. Nhưng mọi việc phải khéo léo, không quá đáng để giữ gìn công việc lâu dài. Tất nhiên, công việc lâu dài đó không phải cho mình mà vì Phật pháp, vì chúng sinh. Chúng ta luôn nhớ một điều, động cơ sâu thẳm cũng là vì người khác nhưng biện pháp xử lý đối với công lao, đối với sức khỏe như thế nào cho hợp lý là một biểu hiện của sự khôn ngoan, của trí thông minh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.