Tấn Thảm Kịch Của Tàu Korosko
CHƯƠNG 3
“Đứng lại! Lui lại” viên hoa tiêu người bản xứ quát bảo anh thợ máy người Âu Châu.
Cái phần mũi phình ra của con tàu xẹp xuống trên vũng bùn trơn tuột màu nâu, và dòng nước đã đẩy con tàu đi song song với bờ sông. Ngay sau khi cái cầu phao dài được thả xuống, sáu người lính lực lưỡng của đoàn hộ tống người Soudan đã bắt tay vào công việc. Dưới ánh sáng trong trẻo của buổi ban mai, họ có dáng bộ rất đẹp, với những bộ đồng phục màu xanh nhạt viền vàng và những chiếc mũ ca rô màu đỏ và vàng. Trên bờ sông, những con lừa được sắp đứng thành hàng, và lũ trẻ con làm ngột ngạt không khí với những tiếng reo hò của chúng. Những lời reo hò này là dành cho người nào bằng một kiểu cách bén nhọn nhất biểu dương được các phẩm chất của con lừa của mình và dèm pha các phẩm chất của con bên cạnh.
Ðại tá Cochrane và ông Belmont cùng đứng trên mũi tàu, họ đội cái mũ trắng rộng vành cùng với cái khăn che mặt của khánh du lịch. Cô Adams và người cháu gái đứng tựa vào tấm lan can tàu bên cạnh họ.
Ông đại tá nói:
– Tôi lấy làm tiếc rằng quí phu nhân đã không cùng đi với chúng ta, ông Belmont ạ.
– Tôi nghĩ rằng hôm qua bà ấy đã bị ngã nắng qua loa; bà ấy nhức đầu lắm.
Ông ấy có giọng nói của cái bóng của ông ấy : mạnh mẽ và mập mạp.
“Tôi tình nguyện ở lại để bầu bạn với bà ấy, ông Belmont ạ” cô gái già người Mỹ nói. “Nhưng tôi nghe nói là bà Shlesinger thấy cuộc du ngoạn quá dài và bà ấy có nhiều thư từ phải viết để hôm nay gửi bưu điện, như vậy là bà Belmont sẽ không cảm thấy quá đơn độc nữa”.
– Cô rất khả ái, cô Adams ạ. Có lẽ chúng tói sẽ quay về vào lúc hai giờ đó.
– Chắc vậy không?
– Chắc chắn mà. Chúng tôi không mang theo bữa ăn sáng. Chúng tôi sẽ đói ngấu!
“Phải, tôi có cảm tưởng là chúng tôi sẽ chạy xô tới một cốc rượu vang Rhin và nước có hơi” ông đại tá phát biểu đồng tình. “Bụi ở sa mạc sẽ làm cho chúng tôi thấy thứ rượu vang tệ nhất cũng khoái khẩu rồi!”
“Bây giờ, thưa các quí bà và các quí ông!” Mansoor, anh thông ngôn đang đi tới và nói lớn (người ta có thể nói đó là một vị linh mục với cái áo dài của anh ta bay phất phới trước gió và bộ mặt cạo nhẵn nhụi của anh ta) “Chúng ta phải khởi hành sớm để tránh cái nóng buổi trưa…”.
Cái nhìn trìu mến của anh lướt qua nhóm du khách ít ỏi.
– Cô Adams, xin cô hãy đeo kính màu vào, vì trong sa mạc sự phản xạ rất mạnh. À, ông Stuart, tôi đã dành cho ông một con lừa! Một con lừa hảo hạng đấy, thưa ông, con lừa mà tôi thường vẫn để dành cho vị khách nào cường tráng nhất. Quí vị không cần đem theo vé. Bây giờ, thưa các quí bà và các quí ông, xin quí vị vui lòng!
Người này nối theo người nọ, các du khách đi qua cầu tàu. Ông Stephens đi đầu, người gầy gò, khô khỏng, nghiêm nghị, đầu đội một cái mũ rơm, quyển sách hướng dẫn cắp trong cánh tay, ông giúp cho cô Sadie và bà cô của nàng leo lên bờ và tiếng cười của cô thiếu nữ vang lên tươi mát và trong trẻo khi quyển sách hướng dẫn tuột ra và rơi xuống rìa vũng bùn. Ông Belmont và đại tá Cochrane đi theo sau, những cái vành mũ của họ chạm vào nhau vì họ tranh luận với nhau về các ưu điểm của các loại súng Mauser, Lebel và Lee-Metford. Ðằng sau họ Cecil Brown bước đi một cách lơ đãng, với cái nhìn châm chọc, lặng lẽ. Vị mục sư cao lớn dùng thì giờ để leo lên đỉnh cao của bờ dốc. Vừa leo vừa càu nhàu về thân hình phì nộn của ông.
“Tôi thuộc vào loại những người mang tất cả mọi thứ ở phía trước họ”, ông vừa rên rỉ vừa nhăn nhó nhìn thân thể tròn vo của ông. Những lời nói đùa của chính ông đã làm ông tươi tỉnh lại và ông cố nén một tiếng cười nhỏ.
Headingly, người cao và gầy, lưng hơi gù, và Fardet, người dân thành phố Paris, người thích lý luận, là hai người đi sau cùng.
Người đàn ông Pháp thì thầm với ông người Mỹ.
– Ông thấy đó, hôm nay chúng ta có một toán hộ tống!
– Vâng, tôi đã nhận ra việc này.
– Hừm! Tại sao lại không có một toán hộ tống giữa Paris và Versailles? Sự trang tri là một phần của căn phòng, ông Headingly ạ. Không ai bị lầm đâu, nhưng với căn phòng đó thì phải có sự trang trí này. Này, anh thông ngôn, tại sao chúng ta phải dẫn theo những anh lính kỳ cục đó?
Vai trò của người thông ngôn là làm vui lòng tất cả mọi người, do đó anh ta thận trọng nhìn quanh mình trước khi trả lời; anh muốn biết chắc rằng mấy người Anh không nghe thấy anh ta nói.
– Thưa ông, đúng là buồn cười đó! Nhưng ông muốn gì? Ðó là lệnh chính thức của giới chức Ai Cập.
Ông người Pháp kêu lên.
– Các giới chức Ai Cập à? Ý anh muốn nói các giới chức Anh hả! Lúc nào cũng là những người Anh đó!
Trong khi đó, các du khách đã chọn xong lừa, ngựa của họ, và những chiếc bóng của họ ngồi trên lưng ngựa nổi bật trên nền trời màu xanh xẫm. Belmont ngồi một cách ngay ngắn, vững vàng trên một con lừa trắng bé nhỏ, vung vẩy cái mũ với bà vợ ông ấy vừa đi ra trên boong con tàu Korosko. Cochrane giữ rất thẳng người, với một cách ngồi nghiêm ngặt của nhà binh: hai bàn tay thấp xuống, đầu ngẩng cao lên, hai gót chân chỉ xuống đất. Bên cạnh ông, nhà ngoại giao trẻ, người đã được đào tạo ở Oxford, đang quan sát phong cảnh với một cái nhìn nặng nề và cao ngạo, như thể ông ta nghi ngờ sự đáng kính của sa mạc nói riêng và của vũ trụ nói chung. Ở phía sau, các du khách khác tiến bước theo hàng dọc, dọc theo bờ dốc, khi thì vất vả ít nhiều, khi thì thoải mái đôi chút. Mỗi con lừa đều có một người dắt: những thằng nhỏ vừa ồn ào, vừa chai lì. Trên boong tàu màu chì, chiếc khăn mùi xoa của bà Belmont vẫn còn nhấp nhánh. Dòng sông nâu vẽ ra những vòng lớn tới tận tám cây số đằng xa; những đồn canh trắng, vuông ở trên những trái núi đen xì và lởm chởm chỉ rõ miền ven của Ouadi-Halfa, nơi mà các du khách đã ra đi buổi sáng.
Sadie kêu lên một cách vui thích:
– Không phải là kỳ diệu hả? Tôi có một con lừa chỉ thích phi nước đại thôi, và các vị nhìn đây, cái yên của tôi mới sang trọng làm sao! Các vị đã từng nhìn thấy cái gì tinh xảo hơn những các hột kết thành chuỗi này và những thứ nhỏ nhặt khác quấn quanh cổ nó không? Chắc ông phải làm một bản bị vong lục về con lừa đó, ông Stephens ạ! Tôi sử dụng từ ngữ pháp lý có đúng không đó?
Stephens quay lại phía khuôn mặt xinh đẹp, sinh động đang nhìn ông dưới cái nón rơm đỏm dáng và ông rất muốn nói chính nàng mới là kỳ diệu, nhưng ông rất sợ làm phật lòng nàng và làm tan vỡ sự thân mật vui vẻ của họ nên thay vì tất cả những lời khen ngợi, ông chỉ tặng nàng một nụ cười.
Ông nói:
– Cô có vẻ rất sung sướng!
– Xem kìa! Ai có thể không cảm thấy sung sướng với không khí khô ráo và lành mạnh này, bầu trời xanh này, bãi cát vàng lạo xạo này, và một con lừa tuyệt diệu để chở bạn đi? Tôi đã có đủ tất cả mọi thứ cần có để làm cho tôi sung sướng!
– Tất cả mọi thứ?
– Tóm lại, tất cả mọi thứ tôi cần có trong lúc này.
– Tôi nghĩ là cô không biết thế nào là buồn bã phải không?
– À, khi tôi cảm thấy buồn khổ, tôi buồn khổ quá đi, không thể nói sự buồn tủi nên lời! Trong bao nhiêu ngày, hết ngày này tới ngày khác, tôi đã không ngừng khóc ở Smith College; các cô con gái khác hỏi nhau tại sao tôi khóc và tại sao tôi không muốn nói với họ lý do mà tôi phải khóc. Lý do thật sự là chính tôi cũng không biết tại sao tôi khóc. Ông biết đó; đôi khi một bóng đen lớn tới lơ lửng bên trên người ông, ông không biết một chút gì về nó cả; nhưng ông chỉ còn có cách là tự xét lại mình và tự cảm thấy buồn khổ thôi.
– Nhưng cô đã không bao giờ có một lý do thật sự để buồn rầu mà?
– Không, ông Stephens ạ. Suốt cả đời tôi, tôi đã có rất nhiều thời kỳ tốt đẹp khiến cho khi tôi nhìn lại phía sau, tôi không tin là tôi đã từng có một lý do thật sự để buồn phiền.
– Ðược rồi, cô Sadie này, tôi hết lòng hy vọng rằng cô vẫn sẽ có thể nói điều này khi cô tới độ tuổi của bà cô của cô. Nhưng tôi nghe thấy tiếng bà ấy gọi chúng ta!
“Ông Stephens này, tôi muốn ông trừng trị tên dắt lừa của tôi bằng cái roi của ông nếu hắn còn đánh con vật khốn khổ của tôi!”, cô Adams nói lớn, vì cô đã vớ phải một con lừa cao lớn chỉ có da bọc xương. “Nè, anh thông ngôn! nói với thằng ranh con này là tôi sẽ không dung thứ việc nó hành hạ những con vật: nó phải biết hổ thẹn chứ! Nó trưng ra với tôi những nụ cười như là một tấm hình quảng cáo của thợ làm răng vậy. Ông Stephens, ông có tin rằng nếu tôi đan một đôi bít tất len cho anh lính da đen này, thì anh ấy sẽ được phép mang không? Tên quỷ khốn khổ này chỉ có những băng vải quấn quanh chân!”
“Ðó là những cái xà cạp, cô Adams ạ” đại tá Cochrane quay lại giải thích. “Ở Ấn Ðộ chúng tôi đã nhận thấy rằng không có thứ gì tốt hơn để làm cho việc đi bộ được dễ dàng. Ðối với một người lính thì những cái xà cạp đượ ưa thích hơn những bít tất len rất nhiều”.
– Vậy thì chúng ta không nói tới chuyện đó nữa! nhưng người ta nói một con ngựa bị thương. Tôi thấy chúng ta rất oai vệ với đoàn hộ tống có võ trang này. Nhưng ông Fardet khẳng định với tôi rằng chúng ta không có gì phải lo sợ cả.
“Ít nhất đó là ý kiến riêng của tôi, thưa cô!” người đàn ông Pháp vội vã đính chính. “Rất có thể là đại tá Cochrane lại có một ý kiến khác biệt”
“Ý kiến của ông Fardet trái ngược với ý kiến của những sĩ quan chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh ngoài biên giới”, vị đại tá lạnh lùng trả lời. “Nhưng tôi nghĩ là tất cả chúng ta đều đồng ý để thấy rằng sự hiện diện của những người lính này sẽ đóng góp thêm vào sự tráng lệ của khung cảnh”.
Bên phía tay phải của họ, sa mạc kéo dài những luống cát mềm mại mấp mô của nó, trông giống như những cồn cát bao quanh một cái biển cổ xưa đã bị quén lãng. Khi các du khách leo lên những cồn cát này, từ trên cao họ nhìn thấy những chóp đỉnh đen xì của những núi lửa kỳ quái đứng sững trên bờ sông về phía Libye. Những người lính tiến lên bằng những bước mau lẹ, khẩu súng lăm lăm trong tay, lúc thì những bóng của họ hiện lên trên các đỉnh cao, lúc thì chúng mất dạng trong các hang hõm.
“Họ được tuyển mộ ở đâu vậy?” Sadie hỏi. “Họ có cùng một màu da như những người gác thang máy ở Mỹ”.
“Tôi đã nghĩ là cô sẽ đặt với tôi một câu hỏi về họ”. Ông Stephens nói, ông là người không bao giờ hài lòng hơn là khi đoán trước được một ý nguyện của cô gái Mỹ xinh đẹp. “Sáng hôm nay tôi đã thực hiện một vài sự sưu khảo trong thư viện của con tàu. Ðây này… Ré.. Tôi muốn nói: Vấn đề những người lính da đen. Theo những điều ghi chép của tôi, họ thuộc về tiểu đoàn mười người Soudan trong quân đội Ai Cập. Họ được tuyển mộ trong các bộ lạc da đen Dinkas và Shilluks sinh sống ở miền Nam của xứ sở các thầy tu Hồi giáo, gần đường xích đạo”.
“Làm cách nào mà các tân binh có thể đi qua xứ sở của những thầy tu Hồi giáo?” Headingly hỏi.
“Tôi nghĩ họ đã không gặp quá nhiều khó khăn đâu”. Ông Fardet nói lẩm bẩm và nháy mắt với người đàn ông Mỹ.
– Những chiến binh lão luyện là những người sống sót của hai tiểu đoàn già nua lính da đen. Một vài người đã phục vụ dưới quyền của Gordon ở Khartoum và họ đã dành được một huy chương ở đó, những người khác thì phần lớn là các đào binh của đạo quân ở Mahdi.
Cô Adams nói:
– Thú thật là khi mà chúng ta không cần tới sự phục vụ của họ thì trông họ cũng khá dễ thương trong bộ đồng phục xanh dương này. Nhưng khi gặp sự bực bội, tôi tưởng rằng ta nên cầu chúc cho họ đỡ phần trang trí đi và trắng hơn lên một chút!”
“Tôi không tin chắc ở điều đó, thưa cô”, ông đại tá trả lời. “Tôi đã nhìn thấy những người này trên trận địa; người ta có thể tin ở sự dũng cảm của họ trong khói lửa”
“Nhưng này, tôi thích tin ở ông qua lời nói chứ không phải qua việc thực hiện một kinh nghiệm!” cô Adams tuyên bố với một giọng làm mọi người mỉm cười.
Con đường chảy dài theo bờ sông Nil, nước sông bị xao động bởi những xoáy nước dưới sâu, chảy theo sức mạnh của những thác nước ở thượng nguồn. Có chỗ đà chảy của dòng nước bị vỡ tung vì một tảng đá đen xì óng ánh ướt sũng những bọt nước. Ở trên cao hơn, các du khách nhìn thấy rõ ràng sự lấp lánh như bạc của những cái thác nước, những bờ sông đã bắt đầu hóa thành những bờ dốc thẳng đứng. Chẳng bao lâu một núi đá hình bán nguyệt hiện ra sừng sững. Người thông ngôn đã không cần phải nói rõ đó là ngôi đền có tên trong chương trình du ngoạn của họ. Một con đường bằng phẳng dẫn tới ngôi đền. Những con lừa đi vào con đường với nước kiệu nhỏ, ở giữa những tảng đá đen trên nền màu cam, những khúc cột chỉ thẳng lên trời, cũng như một quãng tường thành còn sót lại có mang những dòng chữ, cứ theo màu da xám xịt của nó và sự vững chãi của nó thì hình như nó đã được tạo ra bởi tạo hóa chứ không phải bởi con người. Chàng thông ngôn Mansoor đã xuống ngựa và đợi cho những người đi chậm bắt kịp anh ta.
“Thưa quí ông và quí bà ngôi đền này”, anh nói lớn với điệu bộ một nhân viên đấu giá đang chuẩn bị lần rao giá cuối cùng, “là một kiểu mẫu mỹ thuật rất đẹp dưới triều đại thứ mười tám. Ðây là khuôn ảnh của Hoàng đế Thotmes Ðệ Tam!” anh lấy cán roi ngựa chỉ vào những chữ tượng hình khắc sâu trong vách đá. “Ngài đã sống sáu trăm năm trước chúa cơ đốc, và tấm bia ký này là để kỷ niệm chuyến du ngoạn đắc thắng của ngài ở Mesopotamie. Trên những hình chạm nổi kia chúng ta có lịch sử của ngài, từ thuở ngài sống với mẹ cho tới khi ngài hồi cung với những tù nhân bị cột vào xe của ngài. Chỗ này quí vị trông thấy ngài được tấn phong bởi Ai Cập Hạ, và chỗ kia bởi Ai Cập Thượng, nước đã dâng một thánh lễ lên thần Ammon-Ra, để tôn vinh chiến thắng của ngài. Chỗ này những tù nhân đứng trước mặt ngài, và mỗi tên đều bị ngài cắt mất bàn tay phải. Trong góc kia, quí vị nhìn thấy một đống nhỏ, chỉ nguyên những bàn tay phải.
“Lạy chúa tôi, chắc tôi không muốn có mặt ở nơi này vào thời gian đó!” cô Adams nói.
“Này, không có gì thay đổi cả!” Cecil Brown đưa ra nhận xét. “Ðông phương bao giờ cũng là Ðông phương. Tôi không nghi ngờ chút nào rằng, cách chỗ mà hiện giờ cô đang đứng chừng một trăm năm mươi cây số hoặc có thể là ít hơn thế nữa… “
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.