Tay không gây dựng cơ đồ
Chương 10: Mùa bão tố
Con người ta trước khi biết đứng, biết đi, biết chạy đều phải trải qua giai đoạn “biết lẫy, biết bò” rồi mới “lò dò biết đi”. Chẳng ai sinh ra là đã biết chạy ngay. Điều đó cũng đúng với doanh nghiệp, nó cũng phải trải qua giai đoạn dò dẫm chập chững ban đầu trước khi đứng vững và phát triển.
Điều quan trọng là bạn phải có quyết tâm và lòng kiên trì, không bỏ cuộc dễ dàng trước khó khăn; nếu không, bạn cứ phải luôn luôn quay trở lại vạch xuất phát và như vậy cơ hội thành công sẽ ít đi, hoặc chỉ đến một cách muộn màng.
Từ tay không tôi đã xây dựng nên một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm đóng hộp hàng đầu Thái Lan chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là con đường kinh doanh của tôi chỉ trải bằng hoa hồng mà không có chông gai.
Ngược lại, tôi luôn gặp phải khó khăn trở ngại với nhiều hình thức khác nhau cứ như muốn thử thách bản lĩnh và ý chí của tôi. Song, tôi không bao giờ chùn bước trước khó khăn mà chỉ tập trung suy nghĩ tìm cách để vượt qua. Có những vấn đề giải quyết nhanh, nhưng cũng có những vấn đề tôi phải mất rất nhiều thời gian và nát óc suy nghĩ mới tìm được lối ra….
Dám đương đầu với khó khăn giúp tôi có một vốn sống khá phong phú cùng với những trải nghiệm đầy hương vị và màu sắc trong nhiều lĩnh vực và các mối quan hệ như gia đình, học tập, bạn bè, công việc, xã hội… Nhiều lúc tôi có cảm tưởng như mình đang đi trên một con đường quanh co khúc khuỷu, nhiều ổ gà và hố sâu, thậm chí vực thẳm chắn ngang trước mặt…
Những lúc như thế tôi cũng thấy nản lòng, không muốn nghĩ hay bước tiếp dù chỉ một bước. Nhưng nhờ cái tính bướng bỉnh không bỏ cuộc giữa chừng và một ý thức trách nhiệm cao đối với gia đình, tôi mới vượt qua khó khăn và có được thành công như ngày hôm nay.
Trong thời gian 7-8 năm đầu công việc kinh doanh xuất nhập khẩu tiến triển rất tốt, tôi làm việc hăng hái suốt ngày đêm không biết mệt mỏi, nhìn vào đâu cũng chỉ thấy toàn màu hồng. Tôi ngây ngất với bức tranh thắng lợi tưởng tượng ra từ bối cảnh xung quanh và những cải thiện về vật chất mới có được trong đời.
Khi đó tôi bắt đầu nghĩ đến việc tiếp tục học để lấy bằng thạc sĩ tại Canada nhằm nâng cao học vấn để bảo đảm một tương lai vững chắc hơn. Nếu có thể kết hợp vừa học vừa làm tiếp thị tại Canada thì càng tốt, và sau khi học xong tôi càng có điều kiện củng cố phát triển công ty ngày càng lớn mạnh.
Tôi dự định sẽ học tiếp ngành cơ khí chế tạo và kết hợp làm tiếp thị sản phẩm cá hộp. Lúc đó tôi đã có Thiếu tướng Chavalit cùng hợp tác nên có thể rảnh tay trong công việc quản lý công ty. Tuy vậy, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm thêm đồng minh để củng cố sức mạnh của công ty, vì hiểu rõ tương lai bấp bênh của công việc làm trung gian thương mại.
Đây là ngành kinh doanh có nhiều rủi ro, vì nhà sản xuất và người mua hàng sẵn sàng gạt bỏ người môi giới bất cứ lúc nào khi họ có thể buôn bán trực tiếp với nhau, như trường hợp Van Kemp Seafood đã từng làm với tôi, vì ai cũng muốn hạ giá thành xuống mức thấp nhất và tăng lợi nhuận đến mức cao nhất.
Tôi luôn nhắc nhở mình nhìn đời với con mắt thực tế. “Phi thương bất phú”, lợi nhuận vẫn luôn luôn là nhân tố quan trọng chi phối mọi việc. Dù cố gắng làm tốt bao nhiêu, nhưng nếu không giúp nhà sản xuất và người mua hàng kiếm được lợi nhuận, chắc chắn họ sẽ gạt vai trò trung gian của tôi tức khắc. Do đó, dù làm bất cứ công việc gì thì “lợi ích” cũng phải là yếu tố then chốt. .
Có lần tôi đặt mua bột sắn của ông Fu Choi, chủ nhà máy bột sắn tại tỉnh Kanchanaburi, là cơ sở sản xuất đã có quan hệ buôn bán với tôi nhiều lần trong việc xuất hàng sang Đài Loan, với khối lượng 300 tấn. Giá trung bình lúc đó vào khoảng 400 bạt/hạp (một hạp = 60kg). Hai bên làm hợp đồng mua bán theo đúng quy định. Sau đó không lâu thì bột sắn lên giá 500 bạt/hạp. Ông Fu Choi không giao hàng cho tôi như đã thỏa thuận.
Tôi gọi điện thoại nhiều lần nhưng ông ta không trả lời, cũng không chịu gặp mặt nói chuyện. Tôi đến tìm Fu Choi tại nhà và nhà máy đều được trả lời là ông ta đi vắng. Dù nản lòng, nhưng tôi vẫn phải cố tìm cách để thực hiện đơn đặt hàng đã nhận. Do đó tôi đã liên hệ với ông Suthep, chủ nhà máy bột sắn Asia, nằm cách nhà máy của ông Fu Choi 4-5 km, để mua hàng dù phải trả với giá 600 bạt/hạp.
Tôi đã từng mua hàng của ông Suthep hai ba lần nên nghĩ rằng có thể tin nhau được, nhưng đến khi nhân viên của tôi đến kiểm tra trọng lượng hàng trước khi chất lên tàu mới phát hiện các bao tải đáng lẽ phải có trọng lượng 50,3 kg thì thực tế chỉ cân nặng có 44-45 kg một bao. Lúc đó hàng đã được chất lên tàu đủ trọng tải nên không thể bổ sung thêm trọng lượng bị thiếu. Tôi rất sửng sốt trước sự gian lận của người bạn hàng và choáng váng trước tình cảnh họa vô đơn chí này.
Thực ra ông Suthep cũng là người cùng quê Kanchanaburi, tôi không ngờ ông ta lại cho tôi một vố đau như vậy. Chẳng khác nào “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, tôi vừa bị lỗ vốn do nhà cung cấp thất hứa vừa phải đi tìm nhà cung cấp mới với giá mua cao hơn để giao hàng đúng hạn, nhưng lại gặp phải kẻ buôn gian bán lận.
Sau vụ này tôi không làm ăn với hai nhà máy đó nữa. Về sau, nhà máy tại Kanchanaburi bị thua lỗ phải đóng cửa, còn nhà máy Asia thì dẫm chân tại chỗ không phát triển lên được, có thể đó là hậu quả của lối làm ăn chụp giật, thiếu chữ tín nên không thể tiến xa. Sau này tôi nghe tin nhà máy đó được bán cho chủ khác.
Điều quan trọng là bạn phải có quyết tâm và lòng kiên trì, không bỏ cuộc dễ dàng trước khó khăn; nếu không, bạn cứ phải luôn luôn quay trở lại vạch xuất phát và như vậy cơ hội thành công sẽ ít đi, hoặc chỉ đến một cách muộn màng.
Không lâu sau, ông Montri Silverman, bạn hàng lâu năm của tôi tại San Diego, Mỹ thông báo một tin không vui, rằng toàn bộ lô hàng cá ngừ hộp, gồm 2 con-ten-nơ trị giá 134.000 USD, mà tôi chuyển giao cho khách hàng Safer Hargas tại Halifax, Canada đã bị Cục Hải sản nước này bắt trả về vì có mùi không bình thường. Các nhân viên Canada không quen với mùi cá ngừ của Thái Lan chăng?
Tôi còn nhớ lô hàng đó tôi đặt mua của nhà máy cá hộp Yuco tại Paknam, nên vội liên hệ với nhà máy này để báo tin. Nhưng không hiểu vì họ sợ phải đền bù thiệt hại, hay do nhà máy đang bị khốn đốn không có tiền đền bù, nên họ đóng cửa luôn.
Nghe tin tôi giật mình, không biết phải bắt đền ai, lại còn phải tìm nguồn tài chính để đền bù thiệt hại cho khách hàng, cộng với cước phí chuyên chở hàng bị trả về, tiền lưu kho và nhiều chi phí khác nữa, tổng cộng lại thành một khoản chi phí khá lớn. Sự cố này làm cho tôi tối tăm mặt mũi như đang đi giữa cơn bão.
Khi hàng được chở về nước, tôi vội tìm biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách cho thêm dầu thực vật để khử mùi và thay vỏ hộp mới tại nhà máy Unicord, sau đó xuất sang Israel và các nước Trung Đông nhờ sự giúp đỡ của hai người bạn người Đài Loan là Rony Lee và Pang. Nhưng do phải mất thêm chi phí đóng hộp mới và vận chuyển nên việc bán lô hàng này vẫn bị lỗ nặng. Trong năm đó, cả hai mặt hàng cá hộp và bột sắn làm tôi lỗ đến 8 triệu bạt. Hậu quả là tôi phải tạm gác lại ước mơ đi học tiếp tại Canada.
Chuyện làm ăn thua lỗ kể ra cũng còn chịu đựng được, chứ chuyện trục trặc trong gia đình mới làm cho người ta nhức nhối, nhất là với vai trò anh cả trong gia đình như tôi. Không lâu sau khi tôi gặp trắc trở trong kinh doanh, gia đình tôi nổ ra một vụ xung đột đầy bi kịch giữa bố tôi và Vithit, em trai thứ tư của tôi.
Do sự tức giận bị dồn nén lâu ngày xuất phát từ mối bất hòa và cãi cọ triền miên giữa bố mẹ tôi, cộng thêm áp lực công việc đã khiến hai bố con cãi cọ gay gắt đến mức mất tự chủ dẫn đến việc hai người đánh nhau và kết thúc bằng việc bố tôi rút súng bắn thẳng vào đầu Vithit. Viên đạn xuyên vào trán chui qua gáy làm Vithit suýt chết, phải nằm điều trị lâu dài tại bệnh viện Paulo, Bangkok (chuyện này tôi đã kể tỉ mỉ trong cuốn “Hãy làm người tốt: Giấc mơ và tuổi thơ”).
Lúc này tôi như một người bị thất sủng, cả về công việc làm ăn lẫn gánh nặng gia đình, làm cho nguồn tài chính tích lũy qua nhiều năm của tôi không những bị cạn kiệt mà còn mang thêm nợ mới nữa.
Thế nhưng công việc kinh doanh vẫn cứ tiếp tục, còn việc gia đình thì đến lúc này mẹ tôi đành phải ly dị bố tôi và kéo các em tôi cùng gia đình chúng đến ở cùng với tôi tại Bangkok, tổng cộng 10 người. Ngôi nhà kiêm văn phòng công ty của tôi vốn đã nhỏ lại càng nhỏ hơn.
Mẹ tôi được chia tài sản sau ly hôn 800.000 bạt, trong đó bà dành 500.000 bạt trả viện phí cho Vithit, số còn lại bà đem sửa sang chiếc xe tải 10 bánh làm phương tiện chở nước khoáng bán để lấy tiền nuôi gia đình. Cũng may là tôi còn tiền vay của ngân hàng và các nguồn vay khác nên vẫn có thể dựa vào đó để cưu mang cả gia đình sống qua ngày, với mức chi tiêu hết sức dè xẻn.
Mặc dù trong tình cảnh khó khăn như vậy, tôi vẫn rất coi trọng việc giúp đỡ các em tôi học hành, vì tôi nghĩ rằng gieo trồng vào giáo dục sẽ đem lại thu hoạch cả đời. Nếu không đầu tư cho các em học hành đến nơi đến chốn thì chúng không thể tiến xa được. Khi có kiến thức, chúng sẽ tự lo cho bản thân mà không còn là gánh nặng của gia đình nữa. Do vậy, em nào đang tuổi học, tôi lo cho ăn học đến cùng, đứa nào đã lớn và ít học thì cho học bổ túc, vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình.
Lúc đó Công ty V&K của tôi cũng có nhiều việc có thể giao cho các em tôi làm. Chúng tích cực tham gia mỗi người một tay mà không kêu ca phàn nàn gì. Kể ra, sự cố “tan nhà nát cửa” do cha mẹ ly dị cũng có mặt tích cực là anh em chúng tôi đùm bọc gắn bó với nhau nhiều hơn dưới một mái nhà cùng với mẹ tôi tại Soi 20 Sukhumvit, Bangkok.
Do nhân khẩu trong nhà quá đông nên tôi đã thuê thêm phòng của chủ nhà ở phía sau là bà Nitvimôn để chuyển bớt các em tôi sang đó. Vợ chồng Vithit và con gái ở một phòng, phòng còn lại dành cho 3-4 đứa em khác của tôi ở.
Hai năm sau, tôi thuê thêm một căn nhà phố hai tầng, tầng trên cho các em tôi ở, tầng dưới dùng làm nhà kho và phòng thí nghiệm đồ hộp. Như vậy, cuộc sống của gia đình tôi tạm ổn.
Có thể nói thời gian kể trên là giai đoạn có nhiều bão tố dồn dập tấn công vào tôi một cách không thương tiếc, cứ như muốn thử thách xem quyết tâm và sự bền bỉ của tôi lớn đến đâu.
Lần đó, có hai chiếc tàu chở cá ngừ tươi mà ông Damri, chủ công ty Unicord, đã thỏa thuận mua với giá 800 USD một tấn, tổng cộng 4.000 tấn, cập bến sông Chaopraya. Nhưng chờ mãi ông Damri vẫn không chịu mở L/C. Khi đó giá cá ngừ tươi trên thị trường giảm xuống chỉ còn 600 USD/tấn nên ông Bernard, người Pháp, đại diện cho nhà cung cấp cá ngừ, phải bay sang Bangkok để giải quyết nhưng ông Damri vẫn không chịu đến nhận hàng.
Nếu không dỡ hàng mà cứ để cá trên tàu thêm ngày nào thì chi phí và tổn thất sẽ tăng lên ngày đó, do vậy cuối cùng ông Bernard đành chịu lỗ vốn, giảm giá bán xuống chỉ còn hơn 600 USD một tấn. Phần tôi là người làm trung gian môi giới, trước tình hình bạn hàng bị bắt chẹt như thế, tôi không nỡ lấy tiền hoa hồng của khách, ngoài ra cũng phải chịu một phần chi phí liên quan. May mà còn tiền dự trữ vay từ ngân hàng nên tôi trang trải được, nếu không sẽ rất gay go. Từ đó, tôi phải thận trọng hơn nhiều trong việc mua bán cá ngừ hộp.
Dạo đó đúng là tôi gặp hạn nặng, liên tục những chuyện không may xảy ra. Nếu là người yếu đuối, mê tín dị đoan, chắc tôi phải đi xem bói, hay ăn chay niệm phật để giải hạn, nhưng tôi chỉ nghĩ đến các nguyên nhân chủ quan như là “sự thiếu thận trọng” của mình trong làm ăn, hay chưa có phương pháp đúng đắn để giải quyết các vấn đề nảy sinh nên đã dẫn đến bị thua lỗ nặng nề như vậy.
Đối với tôi, vấn đề khó nhất trong đời là vấn đề “gia đình”. Tôi đã nhìn thấy trước sớm muộn cũng sẽ nổ ra xung đột giữa bố và các em tôi, thế mà tôi đã không làm được gì để ngăn chặn. Tôi thấy mình có lỗi trong việc để xảy ra tấn bi kịch trong gia đình. Tôi tự hỏi để đi đến đích cuộc đời, con đường phía trước còn dài đến đâu, phải mất thêm bao nhiêu thời gian và sức lực nữa vì tôi đã cảm thấy mệt mỏi, cạn kiệt sức lực. Mọi nỗ lực của tôi giống như đổ nước vào chum thủng đáy vậy. Nhưng rồi tôi lại nghĩ thua keo này bày keo khác, trong một cuộc chiến không chỉ có một bên bị thua mãi. Thua một trận không có nghĩa là thua cả cuộc chiến.
Thực ra trong giai đoạn khó khăn này, khi công ty bị thua lỗ nặng, nhiều người khuyên tôi nên giải thể công ty rồi tìm địa điểm khác để thành lập công ty mới, vì công nợ của công ty không hoàn toàn là trách nhiệm cá nhân, mà dựa trên “trách nhiệm hữu hạn” của công ty. Từ xưa đến nay đã có nhiều nhà quản lý vô trách nhiệm dùng cách này để trốn nợ, trốn trách nhiệm, rồi sau đó lập công ty mới, dùng tên mới, bình mới nhưng rượu cũ.
Tôi từ chối tất cả những lời khuyên đó, vì cho rằng làm như vậy là không đứng đắn. Khi gặp vấn đề chúng ta phải đương đầu với nó, phải dám chịu trách nhiệm, có bản lĩnh của người quân tử, trung thành với sự nghiệp mà chúng ta đã gây dựng nên, vì xét cho cùng sự nghiệp tốt xấu là do chính chúng ta tạo ra.
Tôi tin rằng tương lai của mỗi người do chính họ quyết định. Nếu nhìn lại từ thời cổ xưa hàng chục ngàn năm về trước, khi trái đất vẫn còn hoang sơ, chỉ có rừng rú bao phủ, tất cả những thứ văn minh hay suy tàn mà chúng ta nhìn thấy ngày nay đều do bàn tay con người dựng nên hay tàn phá mà ra. Vì vậy, mọi thứ trên đời dù là hiện tại hay tương lai, phần lớn đều do con người quyết định. Nếu chúng ta chỉ nghĩ và làm những điều tốt đẹp thì thế giới này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong cuộc sống, tôi luôn tin tưởng và làm theo lẽ phải, tin vào sự thật và công lý, vì đó là những điều tồn tại vĩnh viễn, dù chúng ta có từ giã cõi đời thì sự thật vẫn tồn tại mãi mãi. Mỗi chúng ta là người biết rõ nhất điều mình đã làm, dù thế nào đi nữa chúng ta cũng không thể trốn tránh được sự thật và lương tâm của mình. Do vậy, tôi quyết tâm làm việc để trả nợ và thể hiện trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của mình. Muốn được người khác tôn trọng, trước hết chúng ta phải biết tự trọng, và phải là người tốt đích thực.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.