Tay không gây dựng cơ đồ

Chương 15: Người bán hàng xuất sắc



Hai câu nói “Sống là để phục vụ”, và “Không gì là không thể” chính là phương châm sống thể hiện tính cách của tôi trong hoạt động kinh doanh ngay từ đầu.

Theo tôi, nguyên nhân chính làm cho kinh doanh thành công không phải chỉ nhờ sản phẩm tốt, có thị trường tiêu thụ, mà còn do người quản lý giỏi, biết cách làm cho công ty của mình trở thành hình ảnh hay biểu tượng của một tổ chức “có tinh thần phục vụ”.

Người lãnh đạo phải có quyết tâm cao và kiên trì, không lùi bước trước khó khăn trở ngại, có tính quyết đoán… vì họ là người dẫn dắt và tạo niềm tin cho đồng nghiệp và cấp dưới. Nếu người lãnh đạo không vững vàng, không quyết đoán, dễ làm khó bỏ thì cấp dưới biết dựa vào ai để củng cố tinh thần?

Người lãnh đạo dù có gặp nghịch cảnh khốn đốn, thử thách nặng nề đến đâu cũng phải luôn tỏ ra lạc quan, không được để lộ sự yếu đuối trước mặt mọi người. Không vì tâm trạng nhất thời hay đưa những câu chuyện vặt vãnh ra để nói chuyện làm quà nhằm gây thiện cảm. Khi công việc kinh doanh thành công, tất nhiên nó sẽ đem lại thu nhập cho công ty, khi công ty có thu nhập hay có lãi lớn, nó sẽ dùng lãi đó để tiếp tục mở rộng kinh doanh lớn hơn và chu kỳ cứ như thế lặp đi lặp lại, bất kể quy mô công ty lớn hay nhỏ. Đó là công thức thành công của mọi tổ chức kinh doanh.

Không thể phủ nhận rằng sự lớn mạnh của Amata như ngày nay cũng bắt nguồn từ nhân tố cơ bản: đó là năng lực “bán hàng và phục vụ” mặc dù kể từ năm 2004 trở đi tôi không còn phụ trách kinh doanh bán hàng như trước, mà giao nhiệm vụ này cho em tôi là Viboon và nhóm nhân viên Amata. Kể từ đó, những người được tôi trao lại nhiệm vụ đã làm rất tốt công việc mà không cần sự có mặt của tôi, trừ trường hợp làm việc với Chủ tịch Hãng Hino, nhà sản xuất xe tải của Nhật. Họ muốn xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Amata Nakhorn, mà trong vòng sáu tháng nhà máy này phải đi vào sản xuất ngay, cho nên tôi phải đích thân làm việc với họ. Đó là khách hàng cuối cùng tôi trực tiếp làm việc.

Khi Khu Công nghiệp Amata Nakhorn bắt đầu mở rộng giai đoạn 5, thì chính lúc đó Khu Công nghiệp Amata City đang gặp khủng hoảng, vì sau khi chúng tôi xây dựng xong hạ tầng khu công nghiệp này không lâu thì nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực, dẫn đến khu công nghiệp này nợ tiền xây dựng của Công ty Italian –Thai gần 600 triệu bạt, trong khi chúng tôi không bán được một lô đất nào. Cả hai khu công nghiệp chỉ có chi ra mà không có thu vào, chẳng khác gì bị chảy máu mà không cầm lại được. Tôi lại bị đau đầu, mất ăn mất ngủ một thời gian dài cho đến khi tình hình được cải thiện.

Nhưng vào lúc đó tôi biết tin công ty BMW có ý định lập nhà máy sản xuất ôtô tại Thái Lan, và đã cử đoàn đến xem địa điểm tại Khu Công nghiệp Amata City cũng như một số khu công nghiệp khác. 90% nguồn tin mà tôi có được đều nói rằng BMW sẽ đầu tư vào các khu công nghiệp khác được thành lập trước Amata 3-4 năm, vì cơ sở hạ tầng mọi mặt của các khu đó hoàn thiện hơn Amata City. Điều này có nghĩa là tôi phải huy động mọi nguồn lực, thế mạnh mà mình có nếu muốn biến 10% khả năng còn lại thành 100%, dù mọi người trong công ty bắt đầu nản chí vì thấy hầu như không còn khả năng nào.

Riêng tôi thì vẫn bình tĩnh, chưa chịu đầu hàng vì nghĩ rằng còn nước còn tát, chưa ra trận thử sức sao lại phải đầu hàng sớm. Tôi cho rằng cần phải lập kế hoạch biến 10% khả năng thành sự thật, đem tất cả những điểm yếu và bất lợi của khu công nghiệp chúng tôi ra phân tích mổ xẻ và tìm mọi cách để khắc phục nhược điểm, bịt kín những lỗ hổng của mình.

Trong hoàn cảnh mờ mịt đó, mọi người đồng tâm hiệp lực cùng nhau vắt óc ra để suy nghĩ, phân tích nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục. Tôi ghi ra giấy thành hai cột điểm yếu và điểm mạnh, và điền vào đó các ý kiến phân tích của mọi người, rồi tất cả cùng thảo luận để tìm ra phương hướng, biện pháp và vạch ra kế hoạch hành động. Từ đó chúng tôi dần dần nhận ra hướng đi và niềm tin được củng cố, có tinh thần quyết tâm hơn, không còn bi quan chán nản nữa, mặc dù biết rằng cơ hội thành công chỉ là 1/10.

Do tình hình kinh tế nói chung bị sa sút nghiêm trọng, hoạt động kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn, thiếu cả tiền mặt để chi tiêu đến nỗi ông Chavalit phải dùng séc cá nhân để rút tiền mặt hỗ trợ công ty… Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm tìm mọi cách để làm cho khách hàng hài lòng từ đó quyết định đầu tư vào khu công nghiệp của chúng tôi.

Sau đó không lâu, tôi quyết định bay sang Đức đến thăm trụ sở Hãng BMW cùng với ông Tom Reese, nhằm gặp gỡ các cấp lãnh đạo của công ty và tham quan nhà máy. Việc tôi cất công bay sang Đức lần này đúng là làm theo lời dạy của các bậc tiền bối “Không vào hang hùm sao bắt được cọp?”.

Việc đến tận nơi làm quen với các nhà lãnh đạo và quản lý có liên quan đã giúp xây dựng mối quan hệ thân thiện, tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên, qua đó thấy rõ hơn phương hướng cần tiến hành sắp tới.

Sau khi trở về nước, tôi nói ông Tom Reese tiếp tục tấn công bằng cách gọi điện thoại sang Đức để hối thúc, hỏi thăm tình hình. Ngay khi tình hình có vẻ tiến triển, tôi vội triệu tập cuộc họp nhóm làm việc để vạch kế hoạch tiếp theo.

Ông Tom Reese, một người Mỹ gốc Đức, nhận nhiệm vụ làm trưởng nhóm đàm phán, với sự tham gia của một nhân viên người Pháp tên là Malee. Tôi bố trí nhân sự như vậy vì qua quan sát tôi thấy thông thường người Châu Âu thích nói chuyện với người Châu Âu hơn, vì họ có cùng văn hóa và nếp nghĩ. Trong các buổi tiệc tùng, lễ hội tôi để ý thấy họ thường tụ tập nói chuyện với nhau nhiều hơn là với người xứ khác.

Sau khi nắm được thông tin và yêu cầu của phía BMW, nhóm đàm phán của chúng tôi đã tiến hành điều chỉnh lại toàn bộ kế hoạch làm việc, lấy khách hàng làm mục tiêu chính, cố gắng thỏa mãn tối đa tất cả những gì khách hàng yêu cầu. Khi BMW cử đoàn kỹ thuật sang khảo sát tại Khu Công nghiệp, tôi trực tiếp dẫn họ đi xem lô đất có vị trí tốt nhất đã bố trí sẵn cho họ, bất cứ yêu cầu gì của họ cũng được đáp ứng tối đa, các thông tin số liệu đều được chuẩn bị kỹ càng và chính xác. Tóm lại, chúng tôi cố gắng chứng minh cho họ thấy mình là những tay “chuyên nghiệp”, có thể đáp ứng mọi yêu cầu của một tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như họ.

Sau đó một tháng, tình hình có dấu hiệu lạc quan hơn, khách hàng vẫn tiếp tục liên hệ để hỏi thêm các thông tin và số liệu, điều đó chứng tỏ họ đang quan tâm đến chúng tôi.

Vấn đề quan trọng lúc này là giá cả. Cần lưu ý rằng các tập đoàn đa quốc gia, thường không thích kỳ kèo mặc cả theo kiểu mua bán ở chợ, nên việc định giá phải chuyên nghiệp, hợp lý, và có chuẩn mựcvà linh động trong phạm vi chấp nhận được.

Trong tình hình khó khăn như lúc này thì việc bán được đất là ưu tiên chính, còn lãi nhiều hay ít là thứ yếu, miễn không lỗ vốn là được. Từ việc xác định rõ cách ấn định mức giá thành như vậy, chúng tôi có căn cứ để đàm phán với khách hàng một cách mạch lạc, vững vàng hơn.

Phía BMW thông báo, về lâu dài họ cần diện tích rộng 100 ha, điều đó có nghĩa là chúng tôi phải dành đất để sau này họ có thể mở rộng. . Do đó tôi đưa ra mức giá giai đoạn đầu thấp hơn giá hiện hành 30%, còn phần mở rộng sau này sẽ theo giá mới và trả bằng đồng mác Đức, để khi tính chung lại giá không quá thấp.

Đến khi ký kết hợp đồng thì họ chỉ mua trước 7,3 ha và yêu cầu dành sẵn cho họ 50 ha để mở rộng mà không nhắc gì đến con số 100 ha, ngoài ra còn kèm theo điều kiện chúng tôi phải san bằng khu đất cho họ. Tất nhiên làm như thế thì chi phí sẽ tăng thêm rất nhiều, trong khi tình hình kinh tế đang rất gay go. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn làm theo yêu cầu của khách hàng vì nghĩ đến triển vọng hợp tác lâu dài.

Tôi chấp nhận yêu cầu của khách hàng để họ vào xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp của chúng tôi, còn lợi nhuận sau hẵng tính vì nghĩ thế nào họ cũng sẽ mở rộng nhà máy. Tuy nhiên, cho đến nay họ vẫn chưa mở rộng, có lẽ vì thị trường tiêu thụ xe BMW cao cấp còn hạn chế. Nhưng tôi không thất vọng vì điều đó, ngược lại còn cảm thấy tự hào vì nhà máy sản xuất xe hơi BMW này đã sản xuất ra những chiếc xe chất lượng cao, như loại xe seri 7???, là dòng BMW đắt tiền nhất, chỉ sản xuất tại Thái Lan để xuất khẩu.

Trở lại câu chuyện ký hợp đồng với BMW, thủ tục đàm phán và ký kết giấy tờ với họ rất phức tạp và kéo dài. Ông Manfred, luật sư của BMW, có những đòi hỏi quá đáng, dù ông Tom Reese rất thiện chí, tận tình hợp tác. Hai bên phải tốn rất nhiều thời gian cho việc thảo luận, thương lượng đến nỗi chúng tôi coi đây là vụ đàm phán hợp đồng gay go nhất kể từ khi thành lập khu công nghiệp. Từ đó, tôi rút ra kinh nghiệm làm ăn với người Đức không hề đơn giản dễ dàng như tôi tưởng.

Người Đức làm việc rất có nguyên tắc, thẳng thắn, và rất cụ thể sâu sắc. Vì vậy, được làm việc với họ cũng là dịp tốt để tôi có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế, giúp tôi vững vàng hơn trong việc hội nhập quốc tế sau này.

Một trường hợp đàm phán kinh doanh không kém phần “gay cấn” so với BMW là Công ty Bridgestone, nhà sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới. Khi ấy, họ có yêu cầu mua một lô đất dài 1 km và rộng 600 mét tại Khu Công nghiệp Amata Nakhorn, với điều kiện không được làm đường hay tiện ích công cộng trong lô đất đó.

Nếu thương lượng thành công thì đây sẽ là khách hàng lớn nhất từ trước đến nay đối với khu công nghiệp của chúng tôi. Trong khi đó các lô đất hiện có trong khu công nghiệp không có lô nào đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng cả. Nếu không có lô đất đáp ứng đúng yêu cầu của họ thì cơ hội thương lượng thành công rất ít. Dù vậy, tôi vẫn cố tìm cách để có thể kéo cho được khách hàng này vào khu công nghiệp của mình.

Tôi đến gõ cửa gặp ông Fukumuri, CEO của Công ty Bridgestone tại Bangkok. Tôi thú thật với ông rằng diện tích mà ông cần hiện giờ chúng tôi chưa có đủ, tôi cần có thời gian để mua thêm đất đai nhằm tăng diện tích lô đất hiện có thêm 50% nữa. Ý tôi nói rằng chúng tôi mới có 50% diện tích mà ông ấy yêu cầu (nhưng thật ra lúc đó chúng tôi mới chỉ có sẵn 20% diện tích), vì lô đất Bridgestone yêu cầu phải liền một mảnh với diện tích 1.000 x 600 m mà không có đường hay công trình công cộng cắt ngang qua là điều không thể, do tại địa điểm đó có nhiều kênh rạch chằng chịt.

Trên thực tế, không một khu công nghiệp hay khu đất nào tại địa điểm đó có miếng đất đáp ứng yêu cầu của Bridgestone cả. Khu vực đó trũng, nhiều công trình công cộng của một khu dân cư. Mặc dù vậy, tôi vẫn cố gắng đáp ứng yêu cầu của Bridgestone, với điều kiện họ phải cho tôi thêm thời gian và đặt cọc 20%.

Ngoài ra còn một vấn đề nữa là tôi phải di dời đường ống dẫn khí của Cục Dầu khí Thái Lan nằm phía dưới khu đất . Đây là vấn đề lớn, vì đường ống thuộc hệ thống dẫn khí lên phía Bắc Thủ đô Bangkok. Hơn nữa, việc chuyển đường ống vào ngày thường trong khi các nhà máy đang sử dụng gas là không thực hiện được mà phải chọn 1 ngày duy nhất trong năm khi các nhà máy không dùng gas. Về chi phí di dời đường ống thì khỏi phải nói, ít ra cũng ngốn mất 40-50 triệu bạt. Chỉ mới hình dung bấy nhiêu trở ngại tôi đã thấy ớn lạnh, nhưng do tình hình kinh doanh lúc đó khó khăn, công ty có rất ít khách hàng, nên chúng tôi quyết tâm vượt qua mọi trở ngại.

Vừa nghe tôi nói, ông Fukumuri đã bác bỏ thẳng thừng, vì một công ty tầm cỡ thế giới như công ty của ông không thể mạo hiểm mua đất “trên giấy”… Tôi cố thuyết phục nếu không đầu tư vào Khu Công nghiệp Amata Nakhorn thì ông có thể chuyển đến Khu Công nghiệp Amata City tại tỉnh Rayong, nhưng ông từ chối và giải thích rằng chủ trương của công ty là đặt nhà máy tại địa điểm cạnh quốc lộ Bangna -Trat, vì hiện công ty còn có hai nhà máy khác đóng tại Răngsit và Saraburi, nếu chuyển đến tỉnh Rayong thì quá xa, không tiện cho việc quản lý.

Tôi giải thích thêm rằng theo điều kiện mà ông nêu ra thì không có khu công nghiệp nào nằm trên đường quốc lộ này có thể đáp ứng được, bởi vậy ông cần cho tôi thời gian để tôi đi khảo sát và đi “thu gom” các khu đất cho đủ diện tích còn thiếu, rồi sẽ đưa ra giá cả,thời hạn thực hiện và hẹn lần sau gặp nhau để bàn tiếp… Đến lúc đó ông Fukumuri mới xiêu lòng và đồng ý theo đề nghị của tôi, vì trong khi ông chưa xác định được địa điểm nào, việc cứ thử làm theo cách tôi nêu cũng chẳng mất gì. Như vậy kết quả cuộc gặp hôm đó ít ra là họ để ngỏ chờ đợi chúng tôi, chứ không phải đóng sập cửa lại.

Tôi trở về công ty triệu tập gấp một nhóm “tác chiến” để thực hiện kế hoạch này. Các nhân vật chủ chốt như anh Piếc Samosaman và anh Chairath sẽ phụ trách việc tìm mua đất, anh Paradon lo việc xây dựng và di dời đường ống dẫn khí ra khỏi khu đất dự kiến dành cho Bridgestone.

Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn vì đường ống này cung cấp khí 24/24 giờ và 365 ngày/năm cho nhà máy điện của EGAT (Cục Điện lực Thái Lan) và một số nhà máy khác. Nếu phải dừng cung cấp khí để di chuyển đường ống, chúng tôi sẽ phải giải quyết nhiều hậu quả nặng nề, trực tiếp và gián tiếp, cho các bên liên quan.

Nhưng tôi nghĩ rằng nếu có quyết tâm cao thì sẽ giải quyết được các khó khăn đó. Mỗi khi có cơ hội là tôi “chộp” lấy ngay để nghiên cứu xem xét khả năng mình có làm được không, nếu thấy khả thi thì tôi quyết tâm làm đến cùng dù gặp trở ngại đến đâu.

Tôi và nhóm làm việc dành phần lớn thời gian bàn bạc tìm biện pháp thực hiện kế hoạch, lấy việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng làm mục tiêu phấn đấu của công ty, giống như may đo quần áo hay “sản xuất theo đơn đặt hàng” vậy.

Chúng tôi đặt ra các chuẩn mực để làm khách hàng hài lòng nhất và có thể linh hoạt thay đổi theo yêu cầu của khách hàng, miễn là yêu cầu đó nằm trong khả năng của chúng tôi.

Sau đó một thời gian, có dấu hiệu cho thấy Bridgestone quan tâm nhiều hơn đến đề xuất của tôi. Họ liên tục cho người gọi điện đến hỏi tình hình và giá cả. Có lẽ họ đã thấy rõ dọc quốc lộ Bangna –Trat không có khu công nghiệp nào có lô đất đáp ứng điều kiện mà họ đã đặt ra.

Tôi không muốn đưa ra giá cả rồi sau đó hai bên cò kè mặc cả với nhau như kiểu mua bán ở chợ mà muốn lấy mục tiêu của khách hàng làm căn cứ, từ đó tính toán xem tôi có làm được hay không và làm được đến đâu, như thế nào. Vì vậy bên này cứ chờ bên kia đưa giá trước.

Nhóm làm việc của tôi, trong đó có cả người Nhật và người Mỹ, đều giục tôi chào giá trước theo yêu cầu của khách hàng, vì đó là thông lệ quốc tế và thị trường lúc này là thị trường của người mua. Nhưng tôi vẫn một mực muốn nghe ý kiến của khách hàng trước để làm việc dễ dàng hơn, vì đây không phải là trường hợp bình thường, mà là một khu đất có diện tích lớn nhất từ trước đến nay. Chúng tôi phải làm cầu vượt qua đường cao tốc và các công trình công cộng khác nên cần vốn đầu tư rất lớn, vì vậy không thể phạm sai lầm.

Cuối cùng tôi và ông Chavalit cùng đi gặp khách hàng là ông Fukumuri. Tôi kể hết cho ông Fukumuri nghe quá trình xây dựng và hình thành khu công nghiệp từ lúc nó chưa có gì cho đến lúc có trên 300 nhà máy hoạt động, phần lớn đều là công ty đa quốc gia. Rằng đó là vì Amata làm việc rất quy củ, có thiện chí và chăm sóc khách hàng rất tốt …

Tôi hiểu rõ các công ty Nhật thường tìm hiểu đối tác thông qua các công ty Nhật khác. Trong khi đó, tại Khu Công nghiệp Amata của chúng tôi, hơn một nửa các nhà máy là của người Nhật nên tôi tin rằng ông Fukumuri cũng đã nghe được những ý kiến tích cực từ các công ty Nhật ở đây đối với Amata, vì chúng tôi luôn phục vụ họ rất tốt.

Cuối cùng tôi gặp lãnh đạo cấp cao của Bridgestone bay từ Tokyo sang, ông Arakawa, từng làm tổng giám đốc một công ty con của Bridgestone tại Thái Lan. Tôi bố trí cho ông Arakawa đi máy bay trực thăng để quan sát địa điểm dự định đặt nhà máy cùng quang cảnh xung quanh, đồng thời chỉ cho ông thấy công trình nâng cấp đường cao tốc Bangna-Trat sắp hoàn thành trong vài tháng nữa. Sau đó, một cách rất chuyên nghiệp, tôi trình bày quy hoạch kèm theo các số liệu chi tiết và những dự án sẽ phát triển trong tương lai. Ông Arakawa tỏ ra rất hài lòng về kết quả chuyến đi thăm địa điểm, riêng vấn đề giá cả ông vẫn chưa nêu ra và cũng không hỏi lại tôi.

Sau một thời gian gặp gỡ, làm việc với nhau, quan hệ giữa tôi và lãnh đạo của Bridgestone trở nên thân mật, hiểu biết nhau hơn nên tôi chủ động “tấn công” họ trước. Tôi nói rằng Amata quyết định làm bằng được dự án này vì Bridgestone và sự hợp tác lâu dài giữa hai bên. Vì vậy xin Bridgestone cho biết dự kiến kinh phí cho dự án này là bao nhiêu, nếu thấy làm được, Amata sẽ bảo đảm dự án này nhất định thành công.

Đến nước này thì họ không thể lảng tránh mãi việc đưa ra giá, mà để lộ rằng họ dự kiến kinh phí cho việc mua đất không quá 2 triệu bạt/rai. Tôi không thất vọng dù mức giá này thấp hơn giá hiện hành 300.000 bạt/rai. Tính sơ bộ, với diện tích khu đất 400 rai (66,6 ha) thì giá đó có thể chấp nhận được nhưng còn phải tính toán chi tiết hơn. Dù sao, mức đó vẫn còn tốt hơn cái giá mà nhóm làm việc của tôi định đưa ra chào lúc đầu là 1,8 triệu bạt/rai.

Biết tình hình đã chín muồi sau khi qua nhiều giai đoạn chuẩn bị và thấy rằng khách hàng đã chấp nhận lý lẽ của mình, tôi kết luận sơ bộ rằng tôi sẽ thực hiện tất cả các yêu cầu của khách hàng, nhưng đề nghị mức giá 2,2 triệu bạt/rai, tăng 10% so với mức họ đưa ra. Tôi nêu lý do khoản chênh lệch 10% này là vì để có lô đất 1.000 x 600 m theo yêu cầu, tôi phải mua một khu đất rộng hơn rồi sau đó mới cắt bớt thành diện tích theo yêu cầu của họ, nên những miếng đất dư còn lại tôi không bán được cho ai.

Ngoài ra, chúng tôi phải mất thêm 40-50 triệu bạt để di dời đường ống dẫn khí, mất thêm 50 triệu bạt nữa để làm cầu vượt. Tóm lại, để phục vụ cho riêng Bridgestone, công ty tôi phải bỏ ra rất nhiều chi phí. Điều quan trọng khác là giá đất cạnh đường cao tốc rất cao. Sau khi tôi trình bày, họ không đòi hạ giá xuống nữa. Cuối cùng hai bên thỏa thuận mức giá 2,12 triệu bạt/rai.

Tất nhiên những điều không thể thiếu trong thỏa thuận là phải có tiền ứng trước vì lúc đó tôi không còn tiền để mua đất. và công việc nan giải – di dời đường ống dẫn khí phải làm vào những ngày nghỉ lễ, khi các nhà máy tạm ngưng sử dụng khí đốt trong vài tiếng đồng hồ.

Điều quan trọng nữa là khách hàng không được cho người đến sở quản lý đất đai để điều tra thông tin, nhằm tránh “đánh động” những kẻ đầu cơ nhào vô tranh mua. Việc dự kiến trước những tình huống này là không thừa vì trên thực tế, bạn rất khó tránh những tình huống phức tạp có thể xảy ra ngoài dự kiến.

Việc xây cầu vượt gặp phải trở ngại vì vướng một miếng đất làm đường dẫn mà chủ đất là một bà cụ nhất định không bán. Phải chờ sau khi cụ qua đời và thuyết phục mãi, con cháu cụ mới đồng ý bán cho chúng tôi.

Tóm lại chúng tôi bị chậm mất hai tháng mới xây xong nhà máy, và thêm bốn tháng nữa mới xây xong cầu vượt như đã thỏa thuận với khách hàng. Nghĩa là chúng tôi phải làm việc “bở cả hơi tai” thì công việc mới hoàn thành.

Có thể nói đây là một “công trình lịch sử” đáng tự hào của Khu Công nghiệp Amata Nakhorn. Nếu nhìn lại điểm xuất phát, khi chúng tôi gần như tay trắng, không đất đai, không tiền vốn và nhiều thứ khác nữa, thì chúng tôi đã vượt qua biết bao khó khăn để thu hút được một nhà máy sản xuất lốp xe tầm cỡ thế giới, có sản lượng hàng năm 3 triệu chiếc và vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la.

Sau đó, chúng tôi thu hút được thêm hai nhà máy sản xuất lốp xe hơi nữa, đó là Yokohama và Dunlop, quy mô ngang với Bridgestone, vào Khu Công nghiệp Amata City, tỉnh Rayong. Amaty City có diện tích rất rộng nên chúng tôi không gặp phải khó khăn như với trường hợp Bridgestone. Có thể nói ba trong bốn công ty sản xuất lốp xe lớn nhất Nhật Bản đã vào Amata lập nhà máy.

Một trường hợp điển hình khác là Công ty sản xuất xe tải Hino. Khi sang kiểm tra khu đất 200 rai mà chúng tôi dự định bán lại cho họ, chủ tịch công ty Hinonói với tôi, trong vòng sáu tháng kể từ hôm nay nhà máy Hino phải đi vào sản xuất. Tôi nghe mà không tin, vì lúc đó trên khu đất này chưa có cơ sở hạ tầng, và ngay cả chuyện mua bán đất đai vẫn chưa thỏa thuận xong, nhưng khi ông chỉ tay sang các nhóm kỹ sư cùng đi theo thì mọi người đồng thanh nói “không có vấn đề gì”. Sở dĩ Hino yêu cầu khẩn cấp như thế là vì họ phải di dời khỏi nhà máy cũ đặt tại Samrông, đã bán cho Toyota. Vì vậy, chúng tôi phải tìm mọi cách để giúp họ thực hiện được mục tiêu này.

Để đáp ứng yêu cầu của khách, chúng tôi lại phải lập kế hoạch đi tìm mua lô đất khác sát với khu công nghiệp đã có sẵn cơ sở hạ tầng. Đó là việc rất khó khăn và tốn kém, vì giá đất tại các khu này cao gấp bốn lần so với khu đất dự định ban đầu, nhưng vì đã nhận lời với khách hàng nên chúng tôi vẫn cứ làm, mặc dù dự án này không có lợi nhuận cao. Thế rồi nhà máy Hino được hoàn thành và đi vào vận hành chỉ trong vòng sáu tháng.

Đây là kỷ lục nhanh nhất trong lịch sử của Amata vì chúng tôi bắt đầu từ số không, từ việc đi tìm đất, thiết kế, xây dựng, lắp ráp nhà máy. Có thể nói nhờ quyết tâm thực hiện mục tiêu chung và sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các bên liên quan, chúng tôi đã biến điều không thể trở thành hiện thực.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.