Tay không gây dựng cơ đồ
Chương 7: Bài học kinh nghiệm Paul Krampe
Mặc dù tin vào các câu châm ngôn “Ở hiền gặp lành” và “Ác giả ác báo” và luôn cố gắng làm điều tốt, nhưng trong suốt cuộc đời mình, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi ra đời làm kinh doanh sau này, nhiều phen tôi bị người ta phản bội, tráo trở, kể cả bị ăn chặn trắng trợn ngay trước mũi mình.
Tuy nhiên, tôi xem tất cả những điều này là thử thách và nhắc nhở mình đừng làm những điều tương tự với người khác vì tôi hiểu rõ nỗi đau đớn mà nạn nhân phải gánh chịu. Tôi tin rằng những kẻ gây ác trước sau cũng không tìm thấy sự bình yên thanh thản đích thực lâu dài.
Hàng ngày chúng ta có thể nhìn thấy không ít người trong xã hội làm điều ác mà không bị trừng phạt, bất kể họ là nhà chính trị, nhà kinh doanh hay các quan chức tham nhũng, ăn cắp của công và ức hiếp dân chúng. Hiện thời họ có thể giàu có, địa vị xã hội cao, nhưng cuối cùng thì sự thật cũng sẽ lộ ra và đến ngày đó họ sẽ bị báo oán bởi những tội lỗi mà họ gây ra cho người khác. Bạn thử đọc câu chuyện tôi kể dưới đây.
Bước vào năm thứ năm hoạt động kinh doanh của Công ty V&K, mọi việc diễn ra trôi chảy theo cơ chế thị trường và kết quả kinh doanh của công ty ngày một khá hơn, một phần cũng vì tôi là người biết “nắm bắt cơ hội”, bất kể nó từ đâu đến. Vì thế tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi ý kiến với rất nhiều người. Bất kể hiệp hội, câu lạc bộ nghề nghiệp nào tôi thấy có ích là tôi tham gia. Những cơ hội làm ăn qua đó cũng tăng lên.
Đồng thời, việc tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều người, xuất thân từ những thành phần khác nhau, với nhận thức và trình độ học vấn khác nhau, môi trường sống và giáo dục khác nhau nên điều không tránh khỏi là tôi sẽ gặp cả những người tốt lẫn người không tốt. Đó là điều thường tình trong cuộc sống.
Vấn đề là làm thế nào để phân tích, cân nhắc xem ai là người chúng ta nên quan hệ, ai là người nên tránh. Câu tục ngữ Thái Lan: “Chơi với tiểu nhân, tiểu nhân dẫn đến cái xấu; Chơi với quân tử, quân tử dẫn đến cái tốt” vẫn luôn luôn đúng, bất kể trong thời đại nào, kể cả thời đại kỹ thuật số ngày nay.
Khi cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh cá hộp ngày càng tăng, tôi phải tìm kiếm thêm từ 3-5 nhà cung cấp mới – nhà máy chế biến – để xem sản phẩm của họ phù hợp với loại khách hàng nào. Các nhà máy chế biến – không giới hạn trong phạm vi cá ngừ đóng hộp – đều rất nhiệt tình hợp tác, vì họ cũng muốn tăng doanh số và lợi nhuận, vốn là mục đích chung của mọi ngành kinh doanh. (Không ai muốn dẫm chân tại chỗ, hay ngày càng đi xuống, ai cũng muốn thành công ngày càng lớn hơn).
Tôi cố gắng khảo sát nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của các nhà máy chế biến mà tôi quen biết, xem họ có thể làm những mặt hàng khác mà tôi thấy có cơ hội thâm nhập thị trường hay không. Lúc này tôi đã mở rộng sang các loại trái cây đóng hộp, như dứa chẳng hạn.
Điều đáng mừng là Thái Lan có nền sản xuất nông nghiệp khá, lại là nước xuất khẩu gạo và thực phẩm đứng hàng thứ 6-7 của thế giới từ trước đến nay. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Thái Lan ngày càng phát triển và hiện đại với lực lượng lao động Thái Lan có tay nghề cao.
Sau khi tôi hợp tác với anh George Lin xuất khẩu cá ngừ đóng hộp và trái cây đóng hộp sang thị trường Mỹ, tôi thấy thị trường Mỹ là thị trường có tiềm năng lớn, nhiều cơ hội kinh doanh cả về khối lượng và giá cả. Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan và Bộ Thương mại Thái Lan lúc đó, số liệu xuất khẩu thực phẩm đóng hộp sang thị trường Mỹ trước năm 1978 là con số không.
Nhưng trong giới kinh doanh cá ngừ đóng hộp, chúng tôi biết rất rõ cá ngừ đóng hộp là một trong những món ăn hàng ngày của dân Mỹ, tính trung bình một người Mỹ tiêu thụ 6 hộp/ một năm. Nếu nhân với dân số gần 300 triệu người, thì chắc chắn Mỹ là nước nhập khẩu cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới.
Để thực hiện chiếc lược có hiệu quả, tôi vạch ra kế hoạch sẽ đến Mỹ gõ cửa từng khách hàng một. Thông thường việc trao đổi thư từ qua lại với mỗi khách hàng mất rất nhiều thời gian, từ 1-2 tháng (thời đó chưa có internet và máy fax). Nhờ có khách hàng tại chỗ là anh George Lin, ở San Francisco, tôi có thể mở rộng mạng lưới đến các khách hàng khác tại Mỹ.
Do vậy, tôi làm thủ tục xin visa vào Mỹ. Tôi rất hồi hợp với chuyến đi Mỹ đầu tiên này, vì từ lâu tôi mong ước được sang Mỹ để học tiếp, một đất nước mà tôi và các bạn học cùng lớp vẫn nghĩ rằng mặt trăng ở đó to và sáng hơn các nơi khác trên thế giới. Nhưng cuối cùng giấc mơ du học Mỹ đó đành phải gác lại vì không có trường đại học danh tiếng nào ở Mỹ trả lời đơn xin học bổng của tôi.
Tôi còn nhớ chuyến đi đó là vào tháng 7 năm 1979, thời tiết rất đẹp, suốt hành trình bay, tôi cảm thấy trong lòng rất phấn khích, dù đây là thời gian bay dài nhất mà tôi từng trải qua. Anh George Lin đến đón tôi tại sân bay San Franciso và dẫn tôi đến một khách sạn nhỏ tại khu vực có nhiều người Nhật sinh sống.
Do quen tính tằn tiện nên tôi không dám đến các hiệu ăn sang trọng mà chỉ mua thức ăn nhanh Mc Donald mang về phòng ăn qua bữa.
Do chưa quen sự chênh lệch múi giờ (buổi tối ở Mỹ là ban ngày ở Thái Lan), nên cứ đến nửa đêm bụng tôi lại đói cồn cào, tôi lại phải thức dậy ăn bữa khuya mà tôi đã chuẩn bị sẵn, đúng thời gian bữa cơm trưa tại Thái Lan.
Anh George Lin rất tử tế và tốt bụng, đã dẫn tôi đến ăn cơm tối tại một cửa hàng Nhật với các món hải sản rất ngon, có cả bia tươi. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn món ăn Nhật. Anh George giới thiệu với tôi tình hình chung và đặc điểm của thị trường Mỹ.
Ngày hôm sau, tôi đến văn phòng của anh và làm quen với những người thân trong dòng họ Lin của anh. Họ là những người Đài Loan định cư tại Mỹ, thuộc những gia đình khá giả. Do tôi nói thạo tiếng Hoa và thông hiểu văn hóa Trung Quốc nhờ có thời gian dài học tại Đài Loan nên cuộc gặp diễn ra rất vui vẻ và thân mật.
Tôi có dịp gặp một khách hàng mới là ông Terry Fitzgerald, Công ty Inter Ocean, có trụ sở tại trung tâm San Franciso. Ông là người Mỹ, trên 40 tuổi, ăn nói mạch lạc, tư duy phóng khoáng, giỏi kinh doanh. Chúng tôi nói chuyện rất hợp ý nhau và cùng quan tâm tìm cơ hội kinh doanh xuất nhập khẩu giữa hai bên, một lĩnh vực mà cả hai đều quen thuộc.
Terry đã hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm đóng hộp nhiều năm nên có nhiều kinh nghiệm và cũng có nhiều khách hàng, đúng là những thứ tôi đang cần. Nếu có khách hàng ở Mỹ, tôi sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường sang cả khu vực Bắc Mỹ và Canada. Vì vậy, chúng tôi thỏa thuận ông Terry sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm thị trường tại Mỹ, còn tôi sẽ chịu trách nhiệm nguồn hàng và xuất khẩu từ Thái Lan, bắt đầu với những đơn hàng nhỏ để thử nghiệm. Sau này, việc hợp tác kinh doanh giữa tôi và Terry phát triển nhanh hơn dự kiến, đến mức tôi trở thành một trong các nhà xuất khẩu thực phẩm đóng hộp hàng đầu của Thái Lan.
Sau khi kết thúc công việc tại San Francisco, tôi đến thành phố San Diego để gặp ông Bill Peres, Giám đốc nhà máy Van Kemp Seafood, thuộc Tập đoàn Rallstone Purina, doanh nghiệp lớn thứ ba nước Mỹ trong lĩnh vực hải sản đóng hộp.
Trong cuộc gặp lần đó tôi đưa ra các mẫu hàng cá ngừ và cá mòi đóng hộp và giới thiệu với ông Bill về ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đóng hộp tại Thái Lan. Lúc đó dân Mỹ cũng như giới kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn chưa hề biết Thái Lan đã sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này.
Theo thống kê lúc bấy giờ, khối lượng cá ngừ đóng hộp của Thái Lan xuất sang Mỹ chỉ chiếm 0,2 – 0,3% mặt hàng này tại thị trường Mỹ. Nhà xuất khẩu chính là Công ty Sarfco, một nhà đầu tư Úc, và công ty Kietfa của người Thái. Ông Bill tỏ ý rất quan tâm muốn trực tiếp sang Thái Lan để tìm hiểu và nhận lời mời của tôi sẽ sớm sang thăm các nhà máy chế biến.
Nghe thế, tôi như mở cờ trong bụng, mường tượng ra các cơ hội nhận được những hợp đồng lớn và có triển vọng trở thành đối tác của công ty tầm cỡ này.
Như vậy cuộc gặp với ông Bill đã kết thúc tốt đẹp, dù tôi chưa đạt được gì trong tay, ngoại trừ lời hứa sẽ sang thăm Thái Lan. Tôi cũng cảm thấy rất phấn khởi, tự nhủ rằng mình đang đi đúng hướng, nhất định sẽ đi đến thành công, trở thành một nhà xuất khẩu cá ngừ đóng hộp lớn vào thị trường Mỹ.
Việc lập kế hoạch kỹ càng cho chuyến đi tìm hiểu thị trường Mỹ là rất quan trọng, vì đây là thị trường khổng lồ, một đất nước rất rộng lớn và giàu có. Nếu không biết trước địa điểm cần đến mà phải đi mày mò thì sẽ mất rất nhiều thời gian đi lại và rất tốn kém vì giá thuê khách sạn ở Mỹ rất đắt. Mỗi khi phải vào khách sạn, tôi có cảm giác bất an khi thử tính tiền thuê phòng ở Mỹ mỗi đêm bằng bao nhiêu đồng bạt Thái.
Dù công việc kinh doanh bắt đầu cất cánh nhưng tôi vẫn phải hết sức tiết kiệm. Sang Mỹ, tôi chỉ mang theo người hơn 2.000 USD, nếu chẳng may tiêu hết tiền giữa chừng thì tình hình sẽ rất gay go vì tôi không thể vay mượn ai.
Trên đường trở về Thái Lan, tôi ngồi trên máy bay nhưng đầu óc không ngừng suy nghĩ. Tôi tưởng tượng ra các đơn đặt hàng lớn trong tương lai và vạch ra kế hoạch chuẩn bị đón tiếp ông Bill thật chu đáo, để ông thấy tôi là một tay “chuyên nghiệp”, mặc dù mặt mũi hãy còn non nớt. Tôi sơ bộ chia các nhà máy chế biến nơi sẽ bố trí cho ông Bill đến thăm thành ba loại: Loại A (tốt nhất); Loại B (Khá); và Loại C (bình thường).
Khi về đến nhà, tôi lao ngay vào việc trao đổi thư từ bằng telex với các khách hàng ở Mỹ suốt đêm ngày. Ai liên hệ đến là tôi trả lời ngay, bất kể giờ nào, vì nhà tôi ở và văn phòng vẫn là một.
Sau khi chờ đợi đến ba tháng, tôi mới nhận được telex của ông Bill Perez thông báo ông sắp sang Thai Lan. Khi nhận được telex này, tôi rất hồ hởi, phấn chấn chẳng khác lần nhận được điện thoại của ông Chau đặt mua 50 tấn bột sắn, lô hàng lớn đầu tiên trong đời tôi.
Tôi nghĩ rằng hạt giống mà mình gieo ngày nào giờ đây bắt đầu ra hoa kết trái, vì nghĩ rằng nếu ký được hợp đồng với Van Kemp Seafood, thì giá trị của nó sẽ lớn gấp nhiều lần công việc kinh doanh hiện tại của tôi.
Tôi lập tức liên hệ lên lịch làm việc trước với các nhà máy Loại A. Mọi người rất nhiệt tình hưởng ứng và chuẩn bị đón tiếp vì chưa bao giờ có khách hàng lớn như vậy đến thăm Thái Lan.
Tôi đến sân bay Don Muong đón ông Bill Perez bằng chiếc Mercedes màu xanh nước biển của mình, có tài xế riêng. Tôi để ý thấy nét mặt ông Bill thể hiện sự hài lòng. Có lẽ ông nghĩ rằng tôi thuộc loại khá giả và là một tay kinh doanh chuyên nghiệp, nên mọi thứ sẽ đâu vào đấy kể từ lúc rời khỏi sân bay Don Muong.
Tôi lên kế hoạch đưa ông Bill đi thăm một số nhà máy chế biến cá hộp trong vòng 3-4 ngày, tùy theo thời gian cho phép của ông, bắt đầu từ nhà máy Thai Union. Khi đó, nhà máy này đang tăng thêm dây chuyền sản xuất cá hộp. Khi đến nơi, ông Seng Nirutanond, chủ nhà máy, dẫn chúng tôi đi tham quan. Đây là một nhà máy nhỏ và thời gian đó họ chỉ sản xuất cá ngừ với số lượng hạn chế, nhưng sự nhiệt tình đón tiếp chu đáo của chủ nhà máy, cộng với triển vọng phát triển hợp tác trong tương lai làm cho ông Bill rất hài lòng.
Sau đó tôi đưa ông Bill đến thăm nhà máy B&M của một người Đài Loan mới sang Thái Lan đầu tư không lâu. Nhà máy thứ ba là Unicord, là một nhà máy lớn mới xây dựng xong, do ông Damri làm chủ. Cuối cùng là nhà máy Kiêng Huat tại tỉnh Hat yai, có ông Vorasak và bà Charoensri đón tiếp. Chuyến viếng thăm các nhà máy này giúp ông Bill hiểu được tình hình sản xuất và thị trường cá hộp tại Thái Lan một cách đáng kể.
Dù là nước mới bước chân vào ngành sản xuất cá ngừ đóng hộp xuất khẩu nhưng Thái Lan có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất với quy mô lớn nhờ nhân công giá rẻ nhưng tay nghề khá, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
Tôi tiễn ông Bill trở về Mỹ với lòng hân hoan trước lời hứa của ông rằng ông rất quan tâm đến các cơ sở sản xuất cá hộp tại Thái Lan vì sản phẩm đạt chất lượng tốt, giá rẻ và các nhà máy rất nhiệt tình muốn hợp tác, nên tương lai ngành cá ngừ đóng hộp của Thái Lan sẽ rất có triển vọng. Sau khi trở về Mỹ xem xét lại tình hình ông sẽ báo cho tôi biết kế hoạch hợp tác tiếp theo.
Nhân đây tôi nói thêm về tình hình khai thác và chế biến cá ngừ của Thái Lan lúc đó. Lúc đầu, Thái Lan dùng loại cá ngừ đánh bắt ngay trong Vịnh Thái Lan làm nguyên liệu chính để đóng hộp xuất khẩu, nhưng sau một vài năm sản lượng đánh bắt không đủ đáp ứng nhu cầu tăng rất nhanh của thế giới.
Do vậy, tôi bắt đầu nhập cá ngư tươi từ Indonesia với số lượng 300 tấn làm nguyên liệu cho nhà máy Thai Union. Kể từ năm 1982 trở đi, cá ngừ tươi từ các nơi trên thế giới được nhập khẩu ồ ạt vào Thái Lan để làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cá ngừ. Chỉ trong vòng 10 năm, Thái Lan đã trở thành nước sản xuất cá ngừ hộp lớn nhất thế giới.
Trong khi chờ đợi ông Bill trả lời, tôi tranh thủ viết thư hỏi thăm sức khỏe ông như một người bạn, vì trong thời gian ông ở thăm Thái Lan, tôi và ông đã thiết lập được mối quan hệ khá thân tình với nhau.
Đến tháng thứ tư, tôi nhận được tin ông Bill thông báo ông sắp sangThái Lan cùng với ông chủ tên là Paul Krampe cùng một nhóm chuyên viên phân tích, nhưng lần này chỉ đến thăm hai nhà máy Thai Union và Unicord mà thôi. Khi nhận được tin này, tôi như đánh hơi thấy một gã khổng lồ trong lĩnh vực cá hộp đang bắt đầu thâm nhập vào Thái Lan như dự đoán ban đầu của tôi khi đến khảo sát thị trường Mỹ.
Vào lúc đó, tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ hộp từ Thái Lan sang Mỹ đã tăng lên, nhưng vẫn chưa đầy 0,3% so với khối lượng nhập khẩu của mặt hàng này tại Mỹ. Cho nên, tôi chỉ nhìn thấy cơ hội rất lớn mà không hề ngờ tới điều xảy ra sau đó làm tôi phải vỡ mộng.
Tôi vội vàng liên hệ với ông Seng, chủ nhà máy Thai Union và ông Damri, chủ nhà máy Unicord để chuẩn bị đón tiếp đoàn. Cả hai nhà máy đều nhiệt tình hợp tác với tôi như lần trước.
Tôi bố trí hai xe, chiếc Mercedes của tôi dành đưa đón ông Paul và ông Bill, tôi ngồi phía trước cùng lái xe; và một chiếc khác tôi thuê dành cho những người còn lại. Chúng tôi đưa khách đi tham quan hai nhà máy rất kỹ lưỡng, mỗi nơi mất vài ngày để khách tìm hiểu kỹ càng các công đoạn sản xuất.
Có thể nói họ đi vào mọi ngóc ngách dùng các biểu đồ điều tra theo tiêu chuẩn quốc tế mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Có thể nói đây là bước đầu tiên của việc học hỏi để đưa Thái Lan sau đó trở thành nước sản xuất cá ngừ hộp hàng đầu trên thế giới.
Thậm chí cả nhà vệ sinh của công nhân họ cũng đến kiểm tra. Nhìn cách họ làm việc, tôi phải thừa nhận họ là những “tay chuyên nghiệp” đích thực trong ngành. Tôi còn phải học hỏi rất nhiều từ họ. Trong khi đó Thai Union mới bắt đầu sản xuất cá ngừ hộp không lâu, với công suất vào khoảng 5 tấn/ngày.
Hôm sau, tôi đưa đoàn đi thăm nhà máy Unicord, khi đó mới bắt đầu sản xuất chế biến hải sản, riêng cá ngừ mới ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng dây chuyền đã lắp đặt sẵn. Ông chủ nhà máy rất hồ hởi, sẵn sàng nhận hợp đồng sản xuất.
Sau khi kết thúc chuyến tham quan các nhà máy, tôi đưa họ về Bangkok ăn tối và hai bên trao đổi ý kiến đánh giá điểm yếu, điểm mạnh của từng nhà máy, và để đạt được chất lượng theo yêu cầu của Van Kemp Seafood, thì các nhà máy cần phải có sự hỗ trợ về kỹ thuật và tư vấn nhằm cải thiện chất lượng, ít ra là trong giai đoạn đầu.
Tối hôm đó tôi trở về nhà ngủ sớm vì mệt rã rời, nhưng trong lòng tràn ngập niềm vui và hy vọng. Phen này tôi sẽ thành công trong việc chinh phục thị trường Mỹ. Tôi không hề mường tượng được một kết cục không như mong đợi.
Sáng hôm sau tôi đến để tiễn đoàn khách trở về Mỹ tại sân bay Don Muong. Buổi sáng hôm đó trời đẹp, trong xanh, lòng tôi thì hớn hở hân hoan nên linh tính dường như cũng ngủ quên nên không thể mách bảo tôi tin dữ sắp ập đến. Thế rồi thình lình như sét đánh ngang tai, ông Bill gọi tôi ra để nói chuyện riêng cùng với ông Paul.
Tôi chẳng muốn nhớ lại lời mào đầu câu chuyện của ông Bill, nhưng tôi nhớ rất rõ nét mặt căng thẳng của ông ấy khi nói với tôi rằng Van Kemp Seafood muốn nhập hàng từ Thái Lan với khối lượng lớn, hàng trăm hàng ngàn con-ten-nơ một năm, nhưng giá thành phải thấp, do đó công ty không muốn mua qua trung gian… mà sẽ mua trực tiếp của nhà sản xuất.
Nghe họ nói thế, tôi choáng váng như một võ sĩ quyền anh vừa lãnh cú đấm đo ván. Tôi hoang mang, lúng túng như gà mắc tóc không hiểu chuyện gì xảy ra. Sau những ngày gặp gỡ, hợp tác làm việc với nhau rất vui vẻ thân tình và đầy hứa hẹn, đùng một cái tôi nhận một kết cục như thế này đây. Tôi băn khoăn suy nghĩ, phải chăng các doanh nhân quốc tế hành xử như vậy, chẳng lẽ họ nhẫn tâm đến thế, đặc biệt khi họ là những công ty có tầm cỡ thế giới.
Chính tôi là người đã cất công sang Mỹ để tìm đến họ và sau đó dẫn dắt họ sang Thái Lan để tham quan tìm hiểu tình hình thực tế ngay từ khi họ còn chưa biết gì về Thái Lan. Họ cư xử như vậy là bất công đối với tôi. Đã thế, Paul còn mở miệng nói rằng: “Dù việc hợp tác bất thành, nhưng chúng ta vẫn là bạn của nhau.”
Ông ta còn giải thích rõ rằng ông ta chỉ muốn làm bạn với tôi thôi, còn làm ăn thì ông ta sẽ đặt hàng trực tiếp với nhà máy Thai Union, vì trong kinh doanh đòi hỏi phải kiểm soát giá thành xuống mức thấp nhất. Điều này thì tôi hiểu rõ, nhưng cách làm ăn thiếu trung thực kiểu này chính là ăn quịt một cách trắng trợn đối tác của mình, chẳng khác hành vi của bọn cướp của, hại người vô lương tâm.
Tôi nhìn vào mặt Bill cố gắng giải thích, nhưng mọi chuyện không xoay chuyển. Bill tỏ ra khó xử, nhưng không làm được gì, vì anh ta chỉ là cấp dưới của Paul. Tôi nghĩ Bill hiểu rõ suy nghĩ của tôi, vì anh ta là người cùng với tôi hợp tác trong chuyện này ngay từ ngày đầu tiên khi tôi đi San Diego để gặp anh ta. Đúng là qua cầu rút ván
Tôi không hiểu nổi vì sao một công ty lớn như thế lại đối xử tệ bạc với một công ty thương mại nhỏ bé như công ty của tôi, chẳng lẽ họ thiếu đạo đức kinh doanh đến thế? Theo thông lệ trên thương trường, các công ty thương mại làm môi giới thường được hưởng hoa hồng 2-3% môi giới. Nhưng tôi đã sẵn sàng giảm xuống mức 1% vì thấy khối lượng hàng lớn, hoặc thậm chí nếu rút xuống 0,5 % tôi cũng đồng ý.
Tôi nói với hai người rằng tôi sẵn sàng giảm mức hoa hồng và bảo đảm cho công việc kinh doanh của họ thành công về lâu dài, nhưng họ từ chối thẳng thừng. Lúc đó tôi tức giận đến mức nghĩ rằng nếu có súng trong tay, tôi sẽ bắn gục lão Paul ngay lập tức vì hắn là kẻ vô liêm sỉ.
Tôi trở về nhà trong tình trạng suy sụp hoàn toàn, một phần vì nhiều ngày qua tôi làm việc vất vả để đón tiếp họ, nhưng cái chính là do bị cú sốc bất ngờ trong cuộc nói chuyện buổi sáng tại sân bay. Tôi vẫn còn trong tình trạng choáng váng, bần thần thêm mấy ngày sau đó. Tôi cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực nhưng vẫn không có kết quả.
Trong tâm trạng băn khoăn thắc mắc khôn nguôi, tôi chợt hiểu ra rằng: trên đời này đầy rẫy những kẻ kinh doanh bất nhẫn, chỉ chạy theo lợi nhuận cao nhất mà không thèm đếm xỉa đến sự công bằng hay chính trực… Họ thật bất công đối với những công ty nhỏ bé, mới ra đời như công ty của tôi. Chính tôi là người đã khởi xướng, dẫn dắt họ sang Thái Lan làm ăn, mà nhờ đó sau 5 năm Thái Lan trở thành cơ sở sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất của Tập đoàn Van Kemp Seafood.
Điều trước tiên tôi suy nghĩ là làm sao vạch ra kế hoạch tiếp tục chiến đấu từ đây… và điều thứ hai là cách xử lý với Paul, kẻ đã làm tôi mất thăng bằng trong cuộc sống… Mối hận này chắc chắn tôi sẽ ôm trong lòng nhiều năm tới… Tuy vậy, tôi không bao giờ quên bài học cay đắng này và không ngừng theo dõi tin tức hoạt động của Paul.
Sau này tôi được biết kết cục Paul gặp chuyện chẳng lành. Sau đó vài năm, ông ta bị đuổi khỏi Tập đoàn Van Kemp Seafood… Bạn thấy đấy, đúng là “ác giả ác báo” diễn ra ngay ở kiếp đời này chứ chẳng phải chờ đến kiếp sau. Ai gieo gió ắt sẽ gặt bão, ai gây oán sẽ bị báo oán , chỉ có điều nó đến sớm hay muộn mà thôi.
Sau đó ông Seng, từ Thai Union, báo cho tôi biết rằng ông đã nhận được đơn đặt hàng của công ty Chicken of the Sea, và ông trả tiền hoa hồng cho tôi 200.000 bạt do công sức và chi phí tôi đã bỏ ra tìm kiếm khách hàng cho ông, dù nó không thấm gì so với lợi nhuận mà ông thu được do công suất đã tăng từ 5 tấn/ngày lên 50 tấn và sau đó lên 700-800 tấn/ngày, nhưng dù sao nó cũng cho thấy ông là người có lòng tốt.
Có thể nói đây là điểm xuất phát để Thái Lan trở thành một trong những nước sản xuất cá ngừ đóng hộp hàng đầu trên thế giới, chỉ sau Mỹ, vì sau đó không lâu nhiều tập đoàn cá ngừ khổng lồ trên thế giới đã lũ lượt kéo vào Thái Lan, biến Thái Lan thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của thế giới.
Sau khi Thai Union làm ăn với Van Kemp Seafood được trên 10 năm, kể từ ngày tôi cùng hợp tác tham gia, công ty này không ngừng phát triển và trở thành một nhà sản xuất cá ngừ hộp hàng đầu thế giới. Khi Van Kemp Seafood đặt mua sản phẩm của Thai Union, họ đã giúp Thai Union nâng cấp trang thiết bị, cử chuyên gia sang giúp cải tiến quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm… nên chẳng mấy chốc Thai Union đã sản xuất được sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Cuối cùng,Thai Union đã mua lại toàn bộ thương hiệu của Van KempSeafood, nghĩa là chuyển đổi quốc tịch từ công ty của Mỹ thành công ty của Thái Lan.
Về phần cá nhân tôi, dù bị cướp mất khoản hoa hồng lớn trong thương vụ đó, tính ra phải hàng tỷ bạt trong nhiều năm sau đó, nhưng khi nghĩ đến sự thành công to lớn của ngành công nghiệp cá ngừ đóng hộp Thái Lan, từ con số không đã trở thành trung tâm sản xuất cá ngừ và xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ, chiếm tới 80% lượng cá ngừ đóng hộp nhập khẩu vào Mỹ, thì tôi không còn thấy tức tối và oán hận nữa.
Ngược lại, tôi cảm thấy tự hào vì dù sao mình cũng có phần đóng góp vào sự thành công này của đất nước. Dù tôi không nhận được tiền hoa hồng xứng đáng, nhưng nhiều người Thái Lan khác đã được hưởng lợi từ chuyến đi San Diego năm ấy của tôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.