thám tử HERCULE POIROT

KẺ BUÔN BÁN MA TÚY



Chuông máy điện thoại reo vang.
– A lô! Ông đấy ư, Poirot?
Hercule Poirot nhận ra giọng nói của Stoddard, người bác sĩ trẻ tuổi. Anh rất quí Michael Stoddart. Nụ cười thân thiện tuy hơi rụt rè, thái độ vô tư khi nghiên cứu những vấn đề về tội phạm và nhất là lương tâm nghê nghiệp của anh ta.
– Tôi có làm phiền ông không? – Chàng trai ngập ngừng hỏi.
– Anh đang lo ngại về vấn đề gì?
– Đúng hế. Ông đã hỏi đúng chỗ – Michael Stoddart nói như được an ủi.
– Tôi có thể giúp anh được việc gì?
– Ông có phiền lòng khi tôi mời ông tới đây vào lúc này không… Nhưng… nhưng… tôi đang rất bối rối…
– Được rồi, tôi đến! Tại nhà anh ư?
– Không… Tôi đang ở số nhà 17, phố Conningley Mews. Ông sẽ tới chứ? Tôi rất cám ơn ông.
°
Lúc này đã một giờ sáng và hầu hết mọi người đang ngủ sâu. Phố xá tối om trừ một hai cửa sổ còn ánh đèn.
Lúc nhà thám tử đến số nhà 17 thì anh đã thấy Stoddart đang đứng đón ở bậc thềm.
– Ông rất đáng mến! – Người bác sĩ nói – Mời ông lên.
Một cầu thang chật hẹp như một chiếc thang dẫn lên lầu một rồi lầu hai. Đây là một căn phòng lớn, trang bị đồ gỗ, có đi-văng, thảm trải, chăn gối và rất nhiều chai rượu, cốc nằm rải rác và một số đã vỡ. Đầu mẩu thuốc lá nằm rải rác khắp nơi.
– Stoddart thân mến – Poirot nói – tôi cho rằng đây là một phòng tiếp khách..
– Phải – Người thày thuốc thừa nhận – Và là một phòng tiếp khách dữ dội.
– Anh có dự buổi tiếp ấy không?
– Không. Tôi tới đây chỉ vì nghề nghiệp của mình thôi.
– Đã có chuyện gì xảy ra?
– Đây là nhà của bà Patience Grace.
– Một cái tên rất thú vị.
– Tại nhà bà Grace này thì chẳng có gì là thú vị cả! Bà ta không xấu… Bà ta đã có hai hoặc ba đời chồng và bây giờ bà ta đang nghi ông chồng hiện tại là không trung thành. Họ bắt đầu bằng việc uống rượu và sau đó là dùng ma túy. Nói chính xác là dùng cô-ca-in. Lúc đầu cô-ca-in cho người ta cái cảm giác mình như là một vị anh hùng có thể làm những việc gây ấn tượng mạnh. Nhưng dùng nhiều quá thì con người sẽ trở thành dễ cáu giận và hung bạo. Bà Grace đã cãi nhau với chồng, ông Hawker. Kết quả: ông ta bỏ đi. Bà vợ ra cửa sổ nhìn theo và bắn ông ta bằng một khẩu súng lục mới tinh mà một người nào đó đã cho bà.
– Bà ấy có bắn trúng không? – Poirot hỏi.
– Không trúng người chồng! Viên đạn cách xa ông này một vài mét và trúng vào một người bới rác khốn khổ. Anh ta đã bị thương ở cánh tay. Cả hàng phố kéo đến và người ta đã khiêng anh ta lên đây. Vết thương chảy rất nhiều máu… Và người ta đã gọi tôi…
– Rồi sao nữa?
– Tôi đã băng bó cho anh ta. Vết thương không nặng. Người ta đã an ủi anh. Anh ta đã nhận được mười hoặc hai mươi li-vrơ và anh ta đã im lặng. Điều đó dường như là sự may mắn cho anh ta, con người khốn khổ.
– Còn anh.
– Tôi đã làm công việc của mình. Bà Grace bị khủng hoảng tinh thần. Tôi tiêm một mũi thuốc an thần và đặt bà lên giường. Tôi cũng phải chữa chạy cho một cô gái nữa. Cô ta mê man, không biết gì nữa. Những người khác thì bỏ chạy hết.
– Anh có thời gian để nghĩ đến tình huống này không?
– Đây không phải là sự say sưa nói chung… Mà là ma túy, một loại bệnh khác hẳn.
– Anh có cho rằng mình đã chẩn bệnh đúng không?
– Tuyệt đối đúng. Không thể sai lầm. Chắc chắn đây là cô-ca-in. Tôi đã thấy thứ này trong một chiếc hộp… Nhưng chất độc này ở đâu tới?
– Cảnh sát có chú ý đến cuộc tiếp khách này không? – Poirot hỏi.
– Có… – Người bác sĩ trẻ trả lời nhưng không mấy vui vẻ.
Poirot chăm chú nhìn người bạn.
– Vậy thì anh lo ngại cái gì?
– Có những người vô tội dính líu vào chuyện này. Cái đó sẽ có ảnh hưởng rất ghê gớm đối với họ.
– Anh có lo ngại cho bà Grace không?
– Trời, không! Bà ta đã tái phạm!
– Thế còn cô gái thì sao? – Poirot nhẹ nhàng gợi ý.
– Theo một nghĩa nào đó thì đúng, cả cô ấy nữa, một tiết mục kỳ cục. Cô ta muốn mình là người số một. Nhưng cô ta còn rất trẻ, có phần nào cuồng nhiệt… như là một con ngựa tuột cương. Cô ta ở trong nhóm người này vì cô ta hình dung là mình sẽ được nổi tiếng.
Poirot mỉm cười:
– Anh đã gặp cô ấy rồi chứ?
Michael Stoddart gật đầu. Có thể nói anh ta đã trở thành một đứa trẻ.
– Tôi đã gặp cô ta ở Metonshire trong một buổi khiêu vũ của những người thợ săn. Cha cô ta là một vị tướng trong đội quân đã từng ở Ấn Độ. Ông tướng có bốn cô con gái, tất cả đều kỳ cục như vậy. Xung quanh họ toàn là những người điên rồ. Trong vùng, những kẻ giàu có thường tìm đến những cuộc vui “quái gở” nhất.
Hercule Poirot suy nghĩ và nhìn người đối thoại.
– Bây giờ thì tôi hiểu tại sao anh lại gọi tôi. Anh muốn giúp tôi giúp anh giải quyết vụ này ư?
– Ông có nhận không? Bổn phận của tôi không phải là như vậy, nhưng tôi muốn Sheila Grant tránh được mọi lời chê trách công khai.
– Cái đó có thể thu xếp được. Tôi có thể gặp cô ấy được không?
– Xin ông đi theo tôi.
Khi hai người rời khỏi phòng khách thì có tiếng kêu ở phòng bên cạnh.
– Bác sĩ! Hãy thương lấy tôi. Bác sĩ, tôi phát điên lên rồi!
Poirot đi theo người thày thuốc vào một phòng ngủ bừa bộn không thể tả nổi. Một phụ nữ tóc vàng do thuốc nhuộm, cặp mắt có lúc lờ đờ, có lúc tinh nhanh đang quằn quại trên chiếc giường chăn gối lộn xộn.
– Ông hãy nhìn những con vật đang bò lúc nhúc kia! Tôi thề là đúng như vậy. Tôi điên rồi. Trời ơi. Hãy tiêm cho tôi một mũi. Bất cứ thuốc gì!
Để mặc người bác sĩ chăm sóc con bệnh, Poirot đi vào một phòng khác xa hơn.
Một phụ nữ khác nằm trong một căn phòng nhỏ trang bị một cách sơ sài.
Đi rón rén, Hercule Poirot đến bên giường và nhìn người đang nằm trên đó. Tóc đen, mặt dài và xanh nhợt và rất trẻ… phải, rất trẻ.
Chiếc chăn màu trắng kéo lên tận mặt và cô gái mở to cặp mắt sợ hãi. Cô ta ngồi lên, hất mớ tóc nặng nề ra phía sau. Có thể nói đây là một cô ngựa non hoảng hốt, sợ hãi khi thấy người lạ.
– Ông là ai?
Giọng nói trẻ con trái ngược với vẻ gay gắt của câu hỏi.
– Cô đừng sợ, thưa cô.
– Bác sĩ Stoddart đâu?
Cùng lúc ấy người thày thuốc trẻ tuổi bước vào trong phòng.
– A! Ông đây rồi! – Cô gái kêu lên như được an ủi – Người này là ai?
Đó là một trong những người bạn của tôi, cô Sheila. Lúc này thì cô ra sao?
– Hãy còn đau đớn lắm… Tại sao tôi lại dùng cái thứ bẩn thỉu ấy?
– Nếu là cô thì tôi không bao giờ mắc lại nữa! – Stoddart nói giọng nghiêm nghị.
– Tôi… tôi… sẽ không dùng nữa.
– Ai đã đưa nó cho cô? – Poirot hỏi.
Cặp mắt mở to, đôi môi run run:
– Ngay tại đây… Mọi người đều dùng thử, tất cả. Thoạt tiên thì rất kỳ diệu.
– Nhưng ai mang nó tới đây? – Poirot căn vặn.
Cô ta lắc đầu:
– Tôi không biết… Có thể là Tony. Tony Hawker. Tôi không biết ai khác.
– Đây có phải là lần đầu cô dùng cô-ca-in không, thưa cô? – Poirot nhẹ nhàng hỏi.
Cô gái gật đầu xác nhận.
– Nhưng đây cũng là lần cuối cùng! – Stoddart nhấn mạnh.
– Vâng… Chắc chắn là như vậy… Nhưng thật là kỳ diệu.
– Nghe rõ đây, Sheila – Người thày thuốc trẻ nói bằng giọng cương quyết – Tôi là bác sĩ và tôi biết điều mình nói. Tôi đã thấy nhiều người nghiện ma túy và thề với cô, họ chẳng đẹp đẽ chút nào. Ma túy tàn phá tất cả. Không bao giờ được đụng đến nó! Hãy tin tôi, việc này chẳng có gì là kỳ cục cả. Cha cô sẽ ra sao khi biết chuyện này?
– Cha tôi ư? – Sheila nhắc lại bằng một giọng the thé – Cha tôi ư? – Rồi cô ta lại cười – Ô! Tôi như trông thấy ông ấy ở đây! Tốt nhất là cha tôi không biết gì cả. Ông ấy sẽ bị một cơn cấp phát mới.
– Và rất chính đáng.
Ở phòng bên có tiếng kêu.
– Bác sĩ… bác sĩ… – Tiếng bà Grace rên rỉ.
Stoddart đi ra miệng làu bàu.
– Đúng ra thì ông là ai? – Sheila hỏi Poirot – Ông không dự buổi tiếp đón tối hôm qua chứ?
– Không. Tôi là bạn của bác sỹ Stoddart.
– Ông cũng là thày thuốc ư? Nhưng trông ông không giống như vậy.
– Tôi là Hercule Poirot – Thám tử trả lời, như người ta nói màn một của vở kịch
Có ngay hiệu quả mong muốn. Poirot cảm thấy buồn vì thế hệ trẻ không biết anh là ai.
Nhưng dù sao Sheila Grant cũng đã nghe nói về anh. Ngạc nhiên và chán ngán cô ta không rời mắt khỏi anh…
°
Người ta nói mọi người đều có một bà cô ở Torquay.
Người ta cũng nói ai cũng có một người anh em họ ở Mertonshire. Cách Londres quá xa, ở đây người ta làm nghề săn bắn và đánh cá. Chỉ một vài làng có đường bộ, đường sắt. Những người lao động không chịu tới đây. Kết quả: người ta không thể tới đây để lập nghiệp được.
Hercule Poirot không phải là người Anh, không có bà con họ hàng ở đây, nhưng anh có quan hệ tốt với những người ở đây và được họ mời tới. Chủ nhà của anh là một bà già hiếu khách hay nói chuyện về những người hàng xóm xung quanh.
– Nhà Grant ư? Phải, phải! Có bốn đứa con. Bốn con gái. Tôi không nghi ngờ gì khi ông tướng giữ được chúng. Một người đàn ông có bốn đứa con gái thì có thể làm gì hơn!
Bà Carmichael giơ hai tay lên trời.
– Phải, làm gì hơn? – Poirot xác nhận.
– Tuy nhiên, ở trung đoàn, theo ông ta nói với tôi, ông ấy duy trì một kỷ luật sắt. Nhưng những đứa con gái lại mạnh hơn ông. A! Thời tôi còn trẻ thì không có chuyện này. Ông đại tá Sandys rất nghiêm khắc với các con gái của mình…
Bà kể về những chuyện trong quá khứ:
“Không phải các cô gái nhà Grant không thể dạy bảo được – bà già nói tiếp – Đơn giản là chúng có cái đầu nóng nảy… và chúng không muốn sống ở đây. A! Mảnh đất này đã thay đổi rồi. Những người xa lại tới sinh sống ở đây. Bây giờ chỉ có một thứ đáng kể, đó là tiền. Và những câu chuyện người ta kể lại! Là ai? Anthony Hawker ư? Phải tôi biết anh ta. Một người trẻ tuổi khó gần. Nhưng anh ta nằm lăn trên đống vàng. Anh ta thiết tiệc… tiệc rất đặc biết khiến người ta khó tin. Nhưng con người lại rất ác khẩu. Ông biết đấy, để tỏ ra thông thạo, người ta cam đoan là trong bữa tiệc mọi người đều đã uống rượu và dùng ma túy. Người ta nói bà Larkin, một người bạn của Anthony Hawker, lại nhắm vào những cô gái nhà Grant. Tôi không ưa bà này. Nghe nói đây là bọn ve vãn đàn ông. Tuy nhiên họ rất xinh đẹp.
Chút nữa thì Poirot đã cắt ngang câu chuyện.
– Anh muốn hỏi thêm về bà Larkin ư? Anh bạn, thời nay liệu người ta có thể nói ai là ai không? Bà ta cưỡi ngựa, hình như thế, và lấy làm thích thú. Người chồng ở ngoài thành phố. Ông ta chết chứ không phải ly hôn. Bà ta ở vùng này một thời gian. Bà ta làm quen với nhà Grant. Tôi cho rằng…
Bà già bất chợt ngừng nói. Miệng mở to, mắt trợn chừng. Bà ta cúi xuống và chém mạnh vào bàn tay Poirot. Bà không thấy anh suýt xoa kêu đau.
– Tôi hiểu! – Bà già kêu lên – Tôi hiểu tại sao anh lại tới đây. Anh là một kẻ đạo đức giả. Hãy nói hết với tôi!
– Nhưng nói gì chứ?
Bà Carmichael giơ tay, Poirot tránh sang một bên.
– Hercule Poirot, tôi thấy bộ ria của anh run rẩy. Không nên câm như hến mãi. Chắc hẳn là đã có một tội ác nên anh mới tới đây… Và anh đã không xấu hổ khi làm cho tôi phải nói chuyện! Xem nào, có phải là một vụ giết người không? Gần đây, ai chết? Chỉ có bà Louisa Gilmore, nhưng bà ấy đã chín mươi nhăm tuổi và mắc bệnh phù thũng. Ông Leo Staverton chết vì bị ngã ngựa… Không… Có lẽ không phải là một vụ giết người. Thật đáng tiếc. Tôi nhớ đến một vụ trộm cướp gần đây… Beryl Larkin ư? Bà ta đã đầu độc ông chồng ư? Vẻ đờ đẫn có thể là do hối hận.
– Thưa bà, thưa bà – Poirot kêu lên – Bà đã đi quá xa.
– Đừng nói những lời ngu ngốc ấy. Anh đã có một mục tiêu, Hercule Poirot.
– Bà có biết chuyện thần thoại không, thưa bà?
– Cái đó thì có liên quan gì ở đây?
– Với nghĩa là tôi làm theo Hercule nổi tiếng của tôi. Một trong những công việc của Hercule là thuần hóa đàn ngựa hoang dã của Diomède(1).
– Anh không nói mình tới đây để chăn dắt ngựa với tuổi tác và đôi giày bóng lộn thế kia. Có thể là chưa bao giờ anh đứng bên một con ngựa nữa kia.
– Thưa bà, những con ngựa chỉ là tượng trưng thôi. Chúng đều hung dữ và ăn thịt người.
– Thói quen mới nhơ bẩn làm sao. Tôi vẫn nghĩ rằng những người Hy Lạp và La Mã cổ đại đều là những người khó coi. Tượng của họ đều không có quần áo… Tôi nói đến đâu rồi nhỉ? A, phải rồi! Anh muốn nói có phải là bà Larkin đã giết chồng không?… Anthony Hawker có phải là “kẻ giết người trong hòm” không? Đúng thế chứ?
Bà già nhìn anh với cặp mắt đầy hy vọng. Nhưng Poirot vẫn yên lặng.
– Hercule Poirot, nếu anh ở đây mà không nói với tôi điều gì, nhìn tôi như một con cú vọ thì tôi sẽ ném một cái gì đó vào đầu anh.
– Xin bà hãy kiên tâm – Thám tử khuyên giải.
°
Ashley Lodge, nhà của ông tướng Grant, không lớn lắm. Xây dựng trên sườn đồi, khu nhà có những chuồng ngựa rất đẹp còn vườn thì bỏ hoang.
Một nhân viên của hãng địa ốc đã đánh giá ngôi nhà có trang bị nội thất tốt. Những bức tượng Phật bằng gỗ ngồi trong hốc tường; đồ đồng chất trên mặt những chiếc bàn thấp; trên giá có một đàn voi và trên tường treo những bức họa của người bản xứ.
Một chân bị băng bó đang gác trên chiếc ghế đẩu, tướng Grant ngồi trên chiếc ghế bành có lò-xo đặt giữa khung cảnh Anh – Ấn ấy.
– Bệnh gút – Ông giải thích – Không nên mắc chứng bệnh này… ông Poirot. Bệnh tật làm tính nết con người thay đổi! Đây là lỗi của ông thân sinh ra tôi! Ông cụ suốt đời uống rượu Pooc-tô… Ông nội tôi cũng thế… tôi là người chịu hậu quả. Ông muốn dùng gì? Xin ông hãy bấm chuông.
Một người hầu, tên là Abdul, đầu quấn khăn bước vào. Ông tướng ra lệnh cho anh ta mang uých-ky và sô-đa lên. Lệnh của ông được chấp hành…
– Than ôi! Tôi không thể nâng cốc cùng ông được! Ông bác sĩ nói đây là thuốc độc đối với tôi. Tôi tự hỏi ông ta đã biết những gì! Hẳn ông ta rất hài lòng khi thấy tôi chỉ được ăn canh cá mà thôi!
Trong lúc bực mình, ông tướng đã cựa mình khá mạnh khiến chiếc chân băng bó lại đau nhức. Ông ta xin lỗi Poirot về những lời nguyền rủa của mình.
– Khi bệnh kịch phát tôi thường tỏ ra cáu kỉnh, thế là các con gái tôi bỏ đi. Tôi không thể chiều ý chúng được. Tôi nghe nói ông đã biết một trong những đứa con gái của tôi, đúng không?
– Đúng và tôi rất hài lòng. Ông có nhiều con gái chứ?
– Bốn – Ông tướng trả lời không mấy vui vẻ – Không một đứa con trai nào. Bốn con gái!
– Các cô đều xinh đẹp, người ta bảo tôi như vậy.
– Không xấu… không xấu. Nhưng tôi không biết chúng nó đang ở đâu. Chúng đi mọi nơi. Tôi không thể nhốt chúng lại được.
– Các cô ấy đều quen biết dân trong vùng này, tôi nghe nói như vậy.
– Ô! Có rất nhiều con quạ khoang già nua không ưa chúng nó. Có một “bà góa đáng mến” thường đến gặp tôi và gù gù như con mèo: “Ôi! Tướng quân, ông có một cuộc sống rất thú vị!”
Ông tướng nháy mắt, tay đưa lên mũi.
– Rất rõ ràng. Tôi không nghĩ làng này tồi hơn so với các làng khác. Tuy hơi ồn ào đối với tôi. Tôi chỉ thích nông thôn khi còn là nông thôn… Không có xe máy, không có máy thu thanh!
Poirot dần dà đưa câu chuyện đến Anthony Hawker.
– Hawker ư? Hawker… Tôi không biết… A! Có đấy… Một anh chàng có đôi mắt rất gần nhau. Không nên tin những người đang nói chuyện mà không nhìn thẳng vào mắt mình.
– Đây là một người bạn của cô Sheila, đúng không?
– Của Sheila ư? Tôi không biết. Các con gái tôi không nói gì cả.
Ông cau mày nhìn nhà thám tử với vẻ thăm dò.
– Nói xem, ông Poirot, tại sao ông lại đến thăm tôi.
– Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ nói với ông thế này: cô Sheila và có thể các cô khác nữa có những người bạn không đáng tin cậy.
– Tôi thấy sợ. Tôi cũng được nghe điều đó lúc này, lúc khác.
Ông ta nhìn Poirot với vẻ đau đớn:
– Nhưng tôi không thể làm được gì! Ông nói xem, tôi phải giải quyết việc này như thế nào?
Poirot ngẩng đầu bối rối và trả lời bẳng một câu hỏi khác:
– Ông có nhận thấy một trong các cô ấy gần đây thường mơ mộng, bồn chồn, ủ ê… không?
– Nhưng, mẹ kiếp, ông thân mến, ông nói như một thầy thuốc ấy. Không, tôi không thấy gì cả.
– Thật là sung sướng – Poirot nói một cách nghiêm trang.
– Nhưng chúng đã đi tới đâu?
– Tới chỗ nghiện ma túy.
– Cái gì?
Một tiếng rú chứ không phải tiếng kêu vì ngạc nhiên.
– Người ta muốn làm cho cô Sheila nghiện ma túy. Rất dễ mắc nghiện khi dùng cô-ca-in. Một hoặc hai tuần lễ là đủ. Khi nghiện rồi thì người ta có thể làm bất cứ việc gì để có được ma túy. Ông cũng biết buôn bán chất độc này có thể kiếm được rất nhiều lãi.
Nhà thám tử yên lặng trong lúc những lời xúc phạm tuôn ra hàng tràng trên miệng ông già. Cuối cùng ông ta nói mình sẽ giành lại đứa con khi tên đểu giả ấy rơi vào tay ông. Hercule Poirot lên tiếng:
– Khi chúng tôi tóm được gã, tôi sẽ rất hài lòng điệu gã đến trước mặt ông.
Anh đứng lên nhưng vướng phải một chiếc bàn thấp, để tránh ngã quỵ tay anh đã bám vào vai ông tướng.
– Ôi! Xin lỗi ông! – anh bối rối nói – Nhưng liệu tôi có thể yêu cầu ông, xin ông đừng nói gì với các cô gái không?
– Sao? Tôi sẽ bắt chúng phải nói lên sự thật!
– Và ông chỉ thu được điều ngược lại thôi. Họ sẽ nói dối ông.
– Nhưng, mẹ kiếp, thưa ông…
– Ông phải yên lặng, tôi cam đoan là phải như vậy. Đây là vấn đề sống chết. Ông hãy tin tôi.
– A! Được… tôi sẽ làm như ông nói.
°
Phòng khách của bà Larkin đã đông người.
Bà chủ nhà đang pha rượu cốc-tai trước một chiếc bàn nhỏ có vách ngăn. Đây là một phụ nữ to béo. Tóc màu nâu. Đồng tử mắt màu đen đang giãn ra. Bà ta đi đi lại lại với vẻ ngập ngừng. Chỉ cần chú ý thì biết bà ta hơn mười năm so với số ba mươi tuổi mà bà ta tuyên bố.
Hercule Poirot đi theo một bà bạn của bà Carmichael để tới đây. bất chợt anh thấy một cốc cốc- tai trên tay và tay kia nằm trong tay của cô gái ngồi bên cửa sổ.
Cô gái tóc vàng và nhỏ nhắn. Da cô trắng hồng, Poirot thấy trong mắt cô đầy sinh khí.
– Xin chúc cho sức khỏe của cô, thưa cô – Anh nói.
Cô gái gật đầu, nhấp một ngụm rượu rồi đột nhiên hỏi:
– Ông biết chị tôi, đúng không?
– Chị cô ư? A! Cô là một trong các cô gái của ông Grant?
– Tôi là Pam Grant.
– Chị cô hiện giờ ở đâu?
– Đang đi săn. Chị ấy sắp về đây.
– Tôi gặp chị cô ở Londres.
– Tôi biết.
– Cô ta đã kể chuyện với cô ư?
Pam Grant gật đầu.
– Tony Hawker có mặt ở đấy không?
Poirot chưa kịp trả lời thì cánh cửa phòng khách bật mở. Hawker và Sheila bước vào. Họ mặc quần áo thợ săn và má của Sheila có vết bùn.
– Xin chào mọi người. Chúng tôi đến để uống một cốc rượu đây. Chiếc vò rượu của Tony đã cạn khô rồi.
Beryl Larkins bước lại.
– A! Anh đây rồi, Tony. Đã xảy ra chuyện gì?
Bà ta kéo Tony tới ngồi trên một chiếc tràng kỷ gần lò sưởi. Poirot thấy anh ta đưa mắt nhìn Sheila trước khi đi theo bà chủ nhà.
Sheila đã nhìn thấy Poirot. Ngập ngừng một giây rồi cô ta tới bên cửa sổ.
– Hôm qua chính ông đã đến nhà tôi, đúng không?
– Cha cô đã nói như vậy ư?
Cô gái lắc đầu.
– Người hầu Abdul đã mô tả vị khách tới thăm. Tôi… tôi tự hỏi…
– Chị đã gặp cha chưa? – Pam hỏi.
– A… Có… Chúng tôi có người bạn chung.
– Tôi không tin – Pam cãi lại.
– Tại sao cô lại không tin? Tại sao cha và tôi lại không thể có một người bạn chung?
Cô gái đỏ mặt.
– Đừng có kỳ cục như vậy. Tôi muốn nói… không phải vỉ thế mà chj đi gặp cha.
Cô ta quay về phía Sheila.
– Tại sao chị không nói gì, Sheila?
Sheila giật mình.
– Cái đó chẳng liên quan gì đến Tony Hawker cả.
– Tại sao?
Sheila đỏ mặt và đi về phía những người khác.
– Tôi không thích Tony Hawker – Pam nói với giọng giận dữ – Có một cái gì độc ác trong con người anh ta, cả bà Larkins cũng vậy. Ông nhìn xem…
Poirot nhìn theo.
Đầu của Hawker gục lên vai bà chủ nhà. Anh ta muốn tán tỉnh bà, nhưng người phụ nữ lên tiếng:
– … Nhưng tôi không thể chờ đợi được. Tôi muốn có ngay lúc này!
– Đàn bà – Poirot mỉm cười nói – thường không muốn chờ đợi.
Nhưng Pam Gran không trả lời. Đầu cúi thấp, tay vân vê nếp váy.
– Ông Poirot, Tony đã cho Sheila cái gì khiến chị ấy thay đổi nhanh đến như vậy?
Anh nhìn thẳng vào mắt cô gái:
– Đã bao giờ cô dùng cô-ca-in chưa, thưa cô?
– Ô! Không! Chưa bao giờ. Cô-ca-in ư? Rất nguy hiểm.
Tay cầm một cốc rượu, Sheila tới bên hai người.
– Cái gì nguy hiểm? – Cô ta hỏi.
– Chúng tôi đang nói về hậu quả của việc dùng ma túy – Poirot trả lời – Cái chết chậm về thể xác và tinh thần, phá hoại tất cả những cái tốt đẹp của nhân loại.
Sheila Grant kêu lên một tiếng. Một phần rượu trong cốc đổ cả ra ngoài.
– … Bác sĩ Stoddart đã giải thích cho cô… Tất cả những cái đó đều dẫn đến cái chết, trong khi đang sống. Người ta thu lợi trong sự suy sụp và đau đớn của người khác; đây là con quỷ hút máu người.
Nói xong Poirot bỏ đi để mặc hai cô gái đứng lại.
Sau lưng mình, Poirot nghe thấy tiếng của Pam thúc giục “Sheila” rồi tiếp đó một tiếng thì thào “chiếc vò rượu”.
Poirot tới chào bà Larkin.
Ở tiền sảnh, Poirot thấy trên mặt bàn có một chiếc mũ đi săn, một roi ngựa và một vò rượu có đánh dấu bằng hai chữ A.H.
“Chiếc vò rượu của Tony đã cạn khô rồi”.
Poirot cầm lấy chiếc vò và lắc nhẹ. Không có tiếng động của nước. Anh mở nắp vò.
Chiếc vò đựng đầy chất bột trắng…
°
Ở tầng trệt nhà bà Carmichael, Hercule Poirot đang ngồi bên cô gái. Anh nói bằng giọng nhiệt thành:
– Cô còn trẻ, thưa cô. Tôi tin rằng cô chưa biết rõ việc mình làm, cô và các chị em cô. Các cô được nuôi dưỡng bằng thịt của đồng loại như những con ngựa của Diomède.
Sheila rùng mình.
– Thật kinh tởm khi nói như vậy – Cô ta nức nở và nói – Tuy nhiên, điều đó rất đúng! Tôi không biết cho đến tối hôm ấy, ở Londres, ông Stoddart đã nói. Ông ấy rất nghiêm khắc và rất… chân thành. Tôi thấy ghê rợn về việc tôi đã làm… Trước đó, đối với tôi, thì như người ta uống rượu trước giờ đóng cửa tiệm…
– Còn bây giờ thì sao? – Poirot hỏi.
– Tôi sẽ làm mọi việc mà ông muốn. Tôi… tôi sẽ nói lại với những người khác. Tôi cho rằng ông Stoddart không thèm nói chuyện với tôi nữa…
– Ngược lại. Cả hai chúng tôi đều muốn giúp đỡ cô khi chúng tôi tìm được một điểm xuất phát. Nhưng có một việc rất cần thiết. Không có tội nào là không được miễn giảm hình phạt. Chỉ có cô và chị em cô mới có thể làm được việc này. Chỉ có những người làm chứng mới có thể nêu lên sự phạm tội.
– Ông muốn nói… cha tôi ư?
– Không phải là cha cô, thưa cô. Tôi đã chẳng nói với cô rằng Hercule Poirot là người biết mọi chuyện đấy ư? Có thể nhận diện cô bằng một tấm ảnh. Cô là Sheila Kelly, chứ không phải là Sheila Grant. Trước đây vài năm cô được gửi đến trại cải tạo vì tội trộm cắp. Khi ra trại, một người đàn ông đã đưa cô đến gặp ông Grant và cô trở thành “con gái ông tướng”. Nhiều tiền, nhiều thú vui. Chỉ có một việc phải làm là đưa chất “bột trắng” cho các bạn bè cô và nói rằng một người nào đó ngoài các cô đã cho cô. Các chị em cô cũng hành động như vậy. Thưa cô, người ấy phải được bắt giữ và xét xử. Sau đó…
– Sau đó thì sao?
– Thượng đế sẽ dắt dẫn các cô…
°
Michael Stoddart ngạc nhiên nhìn Poirot.
– Ông tướng Grant ư?
– Đúng, bạn thân mến. Mọi sự dàn cảnh đều là trò trẻ con. Tượng Phật, đồ đồng, người đầy tớ Ấn Độ! Bệnh gút! Mốt cũ rồi. Cụ già sinh ra người cha của các cô gái mười tám, đôi mươi bị bệnh này chứ không phải bản thân ông ta.
“Vì muốn kiểm tra nên khi ra về tôi giả vờ vấp ngã vào chân ông ta. Ông già hoảng hốt vì điều tôi khám phá ra mà ông ta không lường trước được.
“Suy nghĩ của tôi là đúng… tướng quân đội đóng ở Ấn Độ… đau ốm… tính tình khó chịu, cuối cùng là mọi đặc điểm thường thấy ở nhân vật này… nhưng ở vào một nơi giá cả đắt đỏ đối với một sĩ quan nghỉ hưu. Những người giàu có ở kế bên, rừng để đi săn. Ai lại đi nghi ngờ bốn cô con gái đầy sức sống. Đã có nhiều người nhập cuộc, có thể nói đây là những nạn nhân”.
– Ý kiến nào khiến ông đến gặp kẻ đại bất lương ấy? Có phải ông muốn thức tỉnh ông ta không?
– Phải. Tôi muốn biết đã có chuyện gì xảy ra. Tôi không phải chờ đợi lâu. Những cô gái thi hành mệnh lệnh của ông ta. Anthony Hawker là một trong những nạn nhân của ông tướng được dùng như một vật tế thần. Đáng lẽ Sheila phải nói với tôi về cái vò rượu để ngoài tiền sảnh. Nhưng đã không quả quyết. Một cô khác đã làm cho cô ta nhớ lại thân phận mình bằng một tiếng “Sheila” như một mệnh lệnh.
Michael Stoddart đứng lên đi đi, lại lại trong phòng.
– Tôi vẫn để mắt đến cô gái ấy – Anh ta nói – Tôi muốn biết những lý do phạm tội của những người trẻ tuổi. Khi người ta nghiên cứu cuộc đời của gia đình của các cô gái ấy, người ta bao giờ cũng phát hiện ra rằng…
Poirot ngắt lời người thày thuốc trẻ:
– Bạn thân mến, tôi rất khâm phục môn học mà anh đang theo đuổi. Tôi không nghi ngờ gì đến một ngày nào đó anh sẽ có những bằng chứng của lý thuyết của anh liên quan đến Sheila Kelly.
– Và cả những người khác nữa.
– Có thể. Nhưng mà người mà tôi tin chắc đó là Sheila… Anh thuần hóa cô ta không chút nghi ngờ! Thực ra cô ta đã nắm được anh rồi…
Michael Stoddart đỏ mặt.
– Ông Poirot, xin đừng nói những điều vô lý ấy…
Chú thích:
(1) Trong thần thoại Hy Lạp, Hercule là con của thần Zeus và Alemene trở nên anh hùng nhờ vào sức mạnh và lòng can đảm, đã gây được nhiều kỳ tích huyền thoại; Diomède là một trong những anh hùng của Hy Lạp đã tham gia cuộc đánh chiếm thành Troie – ND


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.