Thần Thoại Bắc Âu
Cái chết của Baldur
Baldur, con út của thần Odin và nữ thần Frigga, là thần của ánh sáng và hòa bình; là thần của trẻ đẹp và khôn ngoan. Vào dạo đó, Baldur chợt lo lắng vô cùng vì mấy đêm liền thần có những ác mộng dị kỳ. Thoạt Baldur bỗng thấy có một đám mây lớn bay tới che ánh mặt trời, và cả thiên đình Asgard chìm trong đêm tối. Baldur ngẩng chờ cho đám mây đen bay đi và mặt trời chiếu rọi những tia sáng như cũ. Nhưng không, mây đen vẫn ngưng đọng dầy đặc và thần nghĩ thôi thế là mặt trời ra đi vĩnh viễn mất rồi. Thần sực tỉnh, lòng buồn vô hạn. Đêm hôm sau, lại một cơn ác mộng khác. Lần này thần thấy vạn vật vẫn chìm trong bóng tối như đêm hôm trước, thêm vào đấy thần nhận thấy những bông hoa đều héo rũ và chư thần trở thành già nua hẳn đi, những trái táo của nàng Iduna cũng không làm chư thần trẻ lại được nữa. Đâu đâu cũng thấy tiếng khóc than và những bàn tay vặn vẹo, tựa như vừa có việc gì ghê gớm lắm xảy ra. Baldur sực thức giấc và cũng như đêm trước cảm thấy lòng buồn rầu vô hạn. Tuy nhiên thần cũng không hề thổ lộ với vợ là Nanna một lời nào, chỉ một mình mình biết một mình mình hay thôi.
Sang đêm thứ ba ác mộng mới giữ dằn làm sao. Baldur vẫn thấy mặt trời bị che khuất, mây sầu vần vụ, vạn vật héo tàn, còn vẳng tiếng kêu than não nề thảm đạm : “Mặt trời
không còn, mùa xuân ra đi, niềm vui khuất bóng, vì vị thần trẻ đẹp Baldur đã qua đời!” Lần này thì Baldur vùng thét lên một tiếng kinh hoàng rồi sực tỉnh. Vợ thần, nàng Nanna hỏi duyên cớ. Thần kể hết những ác mộng của ba đêm liền. Nanna cũng ôm mặt khóc lo lắng và chạy sang phòng nữ hoàng Frigga – mẹ Baldur – kể lể sự tình. Nữ hoàng nghe dứt mộng báo điềm gỡ càng hốt hoảng âu lo đến cùng tột : Baldur vốn là đứa con mà nữ hoàng cưng nhất. Thực ra thì vì Baldur là vị thần trẻ trung, của ánh sáng, vừa khôn ngoan, vừa đáng yêu, thần xuất hiện ở đâu, đem lại hạnh phúc tới đó, nên có thể nói chẳng cứ gì chư thần mà cả muôn vật trên thế gian đều quý mến thần. Chính vì vậy nữ hoàng Frigga mới thốt lên: “Không thể được, Baldur, con ta đáng yêu như vậy làm sao mà chết cho được. Ta sẽ đi khắp hoàn vũ, để yêu cầu muôn loài muôn vật hãy hứa cùng ta là sẽ không làm điều gì thương tổn đến sinh mạng con ta!”. Thế là hôm sau nữ hoàng hội họp khắp mặt chư thần ở cánh đồng Ida. Sau khi kể rõ cho chư thần nghe ba đêm ác mộng của Baldur, nữ hoàng chỉ yêu cầu chư thần có một điều là hãy hứa không làm gì tổn thương đến Baldur. Nghe vậy chư thần cùng kêu lên: “Làm thương tổn Baldur, vị thần của tuổi trẻ trong sáng, tươi vui? Không bao giờ! Ai mà làm vậy? Và những ác mộng kia nữa, đều là láo khoét hết!”
Ấy tuy hét lớn lên như vậy mà trong thâm tâm chư thần cũng cảm thấy ngài ngại. Có lẽ chư thần chỉ thật yên lòng khi nữ hoàng Frigga đã đi gặp khắp muôn vật và nghe được đủ lời hứa. Quả nhiên nữ hoàng Frigga đã không quên một vật nào trên thế gian. Nữ hoàng đã gặp gió, mưa, lửa, nước, sắt, cùng các kim loại khác; nữ hoàng đã gặp đá, cây, bệnh tật, thú vật, chim muông; các chất thuốc độc, các loài bò sát …; tất cả đều thề là quyết không làm bất kỳ một cái gì thương tổn đến sức khỏe của Baldur. Nữ hoàng Frigga yên lòng trở về. Chư thần hay tin đều reo mừng như thể vừa thắng một trận lớn với giống Khổng Lồ Băng Giá. Chư thần lại tụ tập tại đồng bằng Ida. Và để minh chứng lòng thương yêu của vạn vật với Baldur, chư thần tìm ra một trò chơi thật kỳ thú. Baldur được mời đứng giữa, gương mặt tươi vui và rạng rỡ như mặt trời, tay không hề cầm một tấc sắt. Trong khi đó chư thần thay phiên nhau kẻ dùng gậy gỗ, kẻ dùng cung tên gỗ, kẻ dùng lao sắt, kẻ dùng đá … liên tiêp tấn công Baldur. Đúng như lời muôn vật đã hứa, không vật nào đụng tới làn da Baldur. Gậy gỗ vừa chạm vào vai thần bèn tự gãy làm đôi; những mũi tên bắn tới đều tự động vượt cao lên đầu; đá ném tới tự hết trớn rớt hiền lành dưới chân thần, những lao phóng tới rơi chệch sang bên. Trò chơi hào hứng kéo dài, chỉ một lát sau các thứ khí giới nguy hiểm trên được ném, được lao, được bắn vun vút tới đã rơi xuống chồng chất thành đống cao đống thấp quanh Baldur. Thật là tuyệt diệu!
Nhưng trong đám chư thần đương hò reo kia chỉ có một kẻ đứng lặng, miệng không cười, không hò la. Đó là Loki. Loki ghen tức, sao chư thần và muôn vật lại yêu thương trọng vọng thần Baldur đến thế, và hay ghét bỏ mình đến thế. Loki nảy sinh ác tâm làm cho Baldur phải chết, mặc dầu Baldur không hề một lần tỏ vẻ thù ghét Loki.
Thế là trong khi chư thần tiếp tục trò chơi vô hại quanh Baldur, Loki lẩn đi, tự hóa trang thành một mụ già bước khập khiểng đến lâu đài nữ hoàng Frigga, lân la gợi chuyện rồi khéo léo hỏi khích: “Có chắc là nữ hoàng đạt được lời hứa của mọi vật không? Tôi e rằng khó có thể. Đã đành thần Baldur tuyệt diệu lắm rồi, vật nào mà nỡ hại, nhưng biết đâu đấy, phải thật chu đáo mới khỏi ân hận về sau”.
Nữ hoàng Frigga thấy mụ già hết lời ca ngợi con mình thì hài lòng lắm, vô tình mắc mưu, bèn nói:
“Bà già ơi, quả thật ta đã gặp khắp muôn vật và được muôn vật hứa, trừ một vật nhỏ yếu lắm, vô hại lắm nên ta bỏ qua!”
Mụ già nhỏ nhẹ hỏi : “Chẳng hay vật nhỏ nhoi vô hại đó là vật gì vậy, thưa nữ hoàng?”
Nữ hoàng Frigga thực thà nói: “Đó là cây tầm gửi mềm yếu mọc trên một cành cây sồi cổ thụ phía đông Valhalla”.
Nghe xong, mụ già cáo lui, vội vã tới cây sồi phía đông, nhận ra ngay cây tầm gửi, bèn cắt xuống, vót nhọn thành hình một mũi tên xanh. Mụ già cất tiếng cười nham hiểm mà rằng: “Hô hô, thì ra trong muôn vật chỉ còn nhánh tầm gửi này, vì quá nhỏ nhoi mà khỏi cần cho lời hứa.Vậy hỡi nhánh tầm gửi, hôm nay ngươi hãy theo lệnh ta mà chuyển đạt một “thông điệp yêu thương” của ta tới Baldur nghe!”
Mụ già về tới đồng bằng Ida, cuộc vui còn tiếp diễn ồn ào, duy có Hodur, người anh mù lòa của Baldur là đứng riêng một góc như bị bỏ quên. Mụ già tới bên cất giọng khàn khàn hỏi vì sao Hodur không gia nhập cuộc vui. Hodur buồn rầu nói: “Tôi mù lòa từ thuở mới sinh ra nên tuy sức lực có thừa mà chẳng bao giờ dùng đến vũ khí. Trong cuộc vui hiện giờ tôi có nhìn thấy Baldur đâu mà ném, và cũng chẳng có cái gì trong tay để ném cả”.
Loki làm giọng khàn khàn nói: “Tôi cũng chỉ là một mụ già đến xem cuộc vui chẳng có gì trong tay. À đây, tôi có một nhánh tầm gửi mềm xinh này, xin cầm lấy và hãy theo tay dắt của tôi.”
Thế là cả hai gia nhập vòng tròn chạy quanh Baldur. Khi đến lượt Hodur ném mũi tên tầm gửi mềm, mụ già giữ phía sau khuỷu tay chàng để điều khiển giúp. Bà bàn tay phù thủy của mụ đã khiến mũ tên nhỏ nhọn hoắt vút tới đích nhanh như ánh sáng qua làn áo ngoài, qua làn áo trong để sau cùng xuyên thẳng vào tim. Baldur gục chết tức khắc. Loki lẩn mất. Tiếng gầm thét nộ khí sung thiên của chư thần trước thảm cảnh. Hodur bàng hoàng run lẩy bẩy hỏi: “Sao vậy, sao vậy, tôi có làm gì lầm lẫn không?”
Tiếng chư thần thét vang: “Ngươi đã giết chết em ngươi rồi! Baldur đã chết!”
Hodur nghẹn ngào nói: “Tôi giết chết em tôi ư? Có một mụ già cho tôi một cành cây nhỏ vô hại và điều khiển khuỷu tay tôi hướng về Baldur để tôi ném giỡn. Mụ đó đích thị là một mụ phù thủy rồi!”
Chư thần nghe vậy vội tản đi tứ phía tìm mụ phù thủy, nhưng mụ đã biến tăm mất
dạng rồi. Chỉ có thần Heimdall sáng suốt là nghi và đoán ngay hành vi ác độc đó không thể do ai ngoài Loki.
Nữ hoàng Frigga khóc than khôn xiết và hỏi chư thần xem có ai đi ngay xuống miền âm phủ xin Hela cho phép Baldur trở về Asgard. Thần Hermod nhanh nhảu xung phong liền để đi tìm em (Thần Hermod cũng là con thần Odin). Hermod được phép dùng con ngựa Sleipnir của cha. Ngựa này có tám chân và chạy nhanh hơn gió. Thần đi chín ngày đêm xuống miền vực sâu, đường tối đến nỗi thần chẳng thể phân biệt được vật gì với vật gì! Rồi Hermod tới sông Gyoll, phóng ngựa qua chiếc cầu mạ vàng. Nàng con gái giữ cầu hỏi tên thần, rồi phàn nàn rằng hôm trước có tới năm toán người chết qua cầu này, vậy mà cầu không chuyển bằng một mình thần đi. Rồi nàng ta hỏi : “Nhưng người chưa chết kia mà, sao lại tới địa ngục làm gì?”
Hermod trả lời: “Tôi tới đây để tìm em tôi là Baldur. Thế nàng có gặp em tôi đi qua đây không?”
Nàng con gái đáp: “Có, Baldur có qua cầu này và đi theo đường kia để tới cõi âm”. Hermod tiếp tục đi tới cổng Địa ngục có song sắt chắn ngang. Hermod bấy giờ mới cầm cương cho chặt rồi thúc con ngựa nhảy vọt qua cổng. Hermod thẳng tiến tới tòa lâu đài gặp Baldur. Baldur ngồi trên một chiếc ghế bành đặc biệt. Hai anh em ngủ qua đêm với nhau. Sáng hôm sau Hermod xin phép Hela cho Baldur trở về, vì khắp vạn vật không trừ một loài gì đều thương khóc Baldur. Hela trả lời : “Phải thử xem Baldur có thật được toàn thể thương mến như thế không? Nếu quả thật tất cả đều thương và khóc thì Baldur sẽ được sống lại. Nhưng chỉ một vật không thương khóc, Baldur sẽ phải ở lại âm phủ mãi mãi.”
Hermod trở về Asgard thuật lại tất cả cho chư thần nghe. Các thần mới gửi sứ giả đi khắp nơi, xin mọi vật hãy khóc cho Baldur được trở về. Người, vật, đất, đá, kim loại
… đều khóc như bị đem từ nơi lạnh tới xứ nóng. Trên đường về, các sứ giả gặp mụ phù thủy già tự xưng tên là Thaukt ngồi trong hang, mới xin mụ khóc cho Baldur. Nhưng mụ trả lời: “Thaukt sẽ khóc Baldur với những giọt nước mắt khô. Hãy để Hela giữ hắn!”
Ai nấy nghi ngờ mụ phù thủy này chính là Loki, người luôn luôn quấy phá chư thần.
Thế là Baldur không được trở về Asgard.
Tất cả những vị thần bào huynh của Baldur bèn xúm lại ghé vai khiêng chiếc tầu Hringhorni lớn nhất thế giới của Baldur xuống bờ biển. Xác thần sẽ được đặt trên giàn hỏa thiết lập giữa tầu. Nhưng tới lúc đó, tất cả chư thần xúm lại mà không sao đẩy được tầu xuống nước.
Odin nói: “Cả những người khổng lồ cũng tỏ ra thương tiếc Baldur. Ta nghe thấy tiếng sấm khóc than của họ. Vậy xin chư thần hãy dẹp mọi thù hận với giống người đó và nhờ họ giúp chúng ta một tay đẩy chiếc thuyền này ra biển.”
Một sứ giả được cử đi Jotunheim, và một nàng khổng lồ khỏe nhất xứ đó tên là
Hyrrockin tình nguyện xin tới giúp liền. Nàng cưỡi một con sói khổng lồ, dây cương là một con rắn. Tới nơi, nàng nhảy vội xuống và ra nắm lấy mũi tầu gò lưng kéo mạnh ra biển. Chiếc tầu nặng là vậy bỗng chuyển mình trôi phăng phăng, đáy tàu xiết mạnh trên đá, lửa tóe ra bốn phía, và khi tầu đã xuống nước thuận đà trôi phăng ra khơi khiến chư thần hốt hoảng tưởng phen này mất tầu. May sao Hyrrockin đã lội nhanh xuống biển, nhoài người ra tóm được đuôi tầu. Thế rồi xác Baldur được đưa lên tầu đặt trên dàn hỏa gồm những cuộn lụa và len đẹp muôn màu lấp lánh chỉ vàng do chính những tên thợ lùn khéo léo dệt nên. Nàng Nanna được chư thần đặt nằm xuống bên cạnh chồng. Cả con ngựa trận của Baldur cũng được giắt lên buộc trên đó với đầy đủ yên cương bạc nạm kim cương để nó sẽ dẫn chủ trên con đường về thế giới âm u của Hela. Thần Thor rút búa ra, một tia lửa từ lưỡi búa chiếu xuống đốt bén đống lụa là quý giá; phút chốc lửa bừng lên cao ngất chiếu sáng đôi khuôn mặt rạng rỡ của Baldur và Nanna. Sau cùng thần Odin đặt lên giàn hỏa tặng vật của thần. Đó là chiếc vòng vàng Draupnir, cứ sau chín đêm lại có tám cái vòng khác rơi ra cũng bằng vàng ròng, đẹp và sáng như vậy”.
Khi đặt vòng Draupnir xuống, thần Odin nói: “Con hãy giữ bảo vật này mang theo xuống thế giới của Hela. Con đừng bao giờ quên những người thân quý mà con để lại trên thiên đình Asgard.”
Sau đó Hyrrockin đẩy chiếc tầu. Chiếc tầu lấp lánh muôn vàn báu vật dưới ánh lửa bốc cháy huy hoàng lừng lững ra khơi chiếu sáng rực cả vòm trời. Trên bờ biển đứng
ở hàng đầu là chư thần: thần Odin và nữ hoàng Frigga; thần Valkyrio cùng hai con quạ; thần Frey với cỗ xe do con lợn rừng bờm vàng kéo; thần Heimdall cưỡi con ngựa Gulltopp; nữ thần Freya với cỗ xe mèo kéo. Sau chư thần là đám người lùn và đám người Khổng Lồ miền Băng Giá. Tất cả đều quên hết những xích mích hận thù truyền kiếp, chỉ thấy đôi mắt ai nấy ứa lệ nhìn theo chiếc tầu lửa chở xác Baldur đương từ từ mất hút dần dưới đường chân trời và mặt nước gặp nhau. Chẳng bao lâu bóng tầu hoàn toàn khuất hẳn, chỉ để lại đằng sau một vùng hồng ánh lên đỉnh trời.
Đó quả thực là cảnh hoàng hôn của thiên đình. Baldur trẻ đẹp chết đi, thiên đình Asgard chìm trong bóng đêm dằng dặc của niềm tiếc thương sầu hận thiên thu.
PHỤ CHÚ
Trong thần thoại thế giới hiếm có truyện tả cái chết vừa huy hoàng vừa khốc liệt như truyện cái chết của thần Baldur trên. Tính chất vừa huy hoàng vừa khốc liệt đó đã phản ánh quá sức trung thành nếp sống kiêu hùng hồ hải của dân tộc Bắc Âu (quê hương của đám hải tặc Viking đã đi vào lịch sử).
Đứng về phương diện biểu trưng, có thể truyện trên giống như truyện nàng Persephone (biểu tượng mùa xuân) của Hy Lạp: khoảng thời gian bốn tháng Persephone xuống âm cung với chồng thì trên dương thế là mùa đông tuyết phủ, cây cỏ tàn lụi. Nhưng cũng có thể truyện trên là để tượng trưng cho cảnh cả thần và người
và vạn vật cùng bị hủy diệt khi tới thời băng giá sau này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.