Thánh giá rỗng
Chương 12
Nakahara hiếm hoi xin nghỉ làm một ngày đến gặp Hiyama Chizuko. Cô ấy làm việc tại một nhà xuất bản ở Akasaka, trong một tòa nhà văn phòng mới ngay phía sau đường Sotohori.
Anh nói tên với lễ tân rồi đứng chờ ở sảnh, một lúc sau Hiyama đi ra. Cô mặc áo vest công sở, trên tay xách một cái túi giấy, trông trẻ hơn so với lần anh gặp cô đầu tiên đêm trước tang lễ.
“Xin lỗi để anh đợi lâu. Mời anh vào đây.” Hiyama Chizuko cười nhã nhặn, chỉ về lối vào ngay bên cạnh. Bước qua lối vào, đập vào mắt anh là vài cái bàn lớn và ghế xếp xung quanh, có lẽ đây là chỗ để tiếp khách.
Cô Hiyama đứng trước máy bán hàng tự động chọn đồ uống, lên tiếng hỏi, “Anh uống gì?”
“Cho tôi cà phê… À, để tôi tự mua.”
“Anh đừng ngại, cũng chẳng phải cái gì đắt đỏ.”
“Vậy, tôi xin nhận.”
Hiyama Chizuko cũng chọn cà phê, trên tay cô cầm hai cốc giấy đặt lên một chiếc bàn trống.
“Xin lỗi vì tôi đường đột tìm đến cô như thế này.” Nakahara nói.
“Không đâu. Cảm ơn anh đã liên lạc với tôi. Thực ra bản thân tôi cũng rất quan tâm đến chuyện bản thảo của chị Sayoko sẽ ra sao.”
“Cô đã đọc rồi à?”
“Vâng,” Hiyama Chizuko gật đầu đáp, lấy từ trong túi giấy mang theo một tập bản thảo.
“Bản thảo viết rất chắc tay. Tôi đã đọc từ đầu đến cuối.”
Bản thảo cô có trong tay do Nakahara gửi trước đây ba ngày. Khi anh liên lạc với Hiyama, cô nói muốn được đọc bản thảo trước khi gặp mặt trao đổi. Với công việc và địa vị của cô, việc đó cũng là đương nhiên.
“Liệu bản thảo này có thể xuất bản được hay không?” Nakahara hỏi.
“Về chất lượng nội dung thì không có vấn đề gì. Bản thảo viết dễ hiểu, nội dung cũng không quá rắc rối. Thông điệp xóa bỏ án tử hình là vô lý, tất cả những kẻ giết người cần phải bị tử hình cũng rất rõ ràng. Nhưng, không phải là không có vấn đề.”
“Vấn đề ở điểm nào vậy?” Nakahara liếc nhìn tập bản thảo, trên đó một vài chỗ có dán giấy nhớ màu hồng. Có lẽ đó là những điểm người biên tập này lưu ý.
“Chị Sayoko đã cố gắng viết bản thảo này dưới góc nhìn khách quan nhất có thể. Tuy nhiên, vẫn có một số chỗ thấy được chị ấy có đưa vào đó cảm tính của bản thân. Nhưng chuyện đó cũng không sao. Đối với sách mà nói, suy nghĩ chủ quan của người viết lại giúp cho cuốn sách thêm sức thuyết phục. Vấn đề ở đây chính là, tôi cảm thấy cảm quan của chị ấy trong bản thảo không được vững.”
“Nói như vậy tức là…”
Hiyama Chizuko nhấp một ngụm cà phê, hơi nghiêng đầu.
“Tôi cảm thấy chính bản thân Sayoko vẫn chưa tìm ra được một câu trả lời thỏa đáng cho ý kiến giết người thì phải tử hình, nhưng liệu như vậy có thể giải quyết xong tất cả hay không.”
“À, về chuyện đó thì có thể đúng như cô nghĩ,” Nakahara nhìn thẳng vào người nữ biên tập đối diện, “Quả nhiên là biên tập viên chuyên nghiệp có khác.”
“Ý anh là sao?”
Nakahara kể lại câu chuyện của luật sư Hirai, chuyện Hirukawa dù nhận án tử nhưng vẫn không hề thực sự hối hận về tội ác của hắn cho đến phút cuối.
Hiyama Chizuko đồng tình, vừa nghe vừa gật gù:
“Tử hình chỉ là hình phạt vô nghĩa, à, quả là một nhận định sắc bén.”
“Có lẽ Sayoko cũng cảm thấy phân vân sau khi nghe xong câu chuyện của luật sư Hirai. Cô ấy nhấn mạnh ý nghĩa hạn chế tái phạm tội của hình phạt tử hình, nhưng tôi cũng cho rằng cô ấy cố che giấu sự phân vân bối rối của bản thân.”
“Cũng có thể”, dứt lời, Hiyama Chizuko mở to mắt, “Anh có thể viết lại nội dung câu chuyện trao đổi với ông luật sư kia không?”
“Tôi á?”
“Vẫn còn nhiều chỗ tôi băn khoăn, nhưng nếu anh Nakahara viết ra ý kiến và cách hiểu của bản thân thêm vào, cuốn sách sẽ hay hơn nhiều. Anh thấy sao nếu xuất bản cuốn sách này dưới tên đồng tác giả là anh và chị Sayoko.”
“Hả, không được đâu, tôi viết văn dở lắm.”
Hiyama Chizuko lắc đầu:
“Anh không cần phải văn hay chữ tốt đâu. Anh chỉ cần viết lại đúng suy nghĩ của anh thôi. Tôi sẽ giúp anh. Anh đồng ý nhé. Chắc chắn cuốn sách sẽ khuấy động dư luận. Nếu cứ để bản thảo của chị Sayoko thế này không xuất bản thì chẳng phải quá phí sao.”
Có vẻ chỉ với bản thảo hiện giờ thì khó xuất bản thành sách được, Nakahara bắt đầu phân vân. Anh không nghĩ buổi nói chuyện sẽ dẫn đến lời đề nghị này. Nhưng bản thân anh rất muốn bản thảo của Sayoko được xuất bản.
Nakahara đang cúi đầu suy nghĩ, thì Hiyama hạ thấp người, ngước lên nhìn anh, “Anh nghĩ sao?”
“Cho tôi suy nghĩ thêm được không? Tôi không tự tin lắm mình sẽ viết được.”
Nét mặt Hiyama dãn ra:
“Tôi hiểu. Chuyện cuốn sách không quá gấp, nên anh hãy suy nghĩ thật kĩ lời đề nghị của tôi. Vậy, tôi xin gửi lại anh cái này,” cô cất tập bản thảo lại vào túi giấy, đưa ra trước mặt Nakahara.
“Lời đề nghị của cô quả là bất ngờ,” anh nhận lại túi giấy, lắc đầu, “Có khi ở thế giới bên kia, Sayoko sẽ giận lắm nếu biết bản thảo của cô ấy có thêm những câu văn vừa dở vừa kém của tôi.”
“Tôi nói rồi, về chuyện lời văn anh không cần phải lo. Bản thân chị Sayoko cũng không phải ngay từ đầu đã viết tốt được như vậy đâu.”
“Vậy ư?”
“Vâng. Chị ấy có vốn từ tốt vì đã từng làm công việc viết lời quảng cáo thôi.”
“Ồ.” Nakahara hơi ngạc nhiên, liếc mắt nhìn túi giấy đựng bản thảo, “Tôi không hề biết chuyện này đấy.”
“Hành văn ấy mà, chỉ cần viết càng nhiều thì sẽ càng tiến bộ. Chị Sayoko cũng tiến bộ vì làm qua nhiều công việc khác nhau.”
“Nói mới nhớ,” Nakahara ngồi thẳng người lại, “Tôi quên không cảm ơn cô đã gửi tạp chí cho tôi. Cảm ơn cô đã mất công gửi đến tận nơi cho tôi như thế.”
“Là tạp chí có bài báo về bệnh nghiện ăn cắp vặt phải không? Đọc xong anh nghĩ sao?”
“Câu chuyện bài báo đề cập đến rất thú vị. Tôi không hề biết có những người mang trong mình nỗi ưu tư như thế.”
“Đó là bài báo tôi và chị Sayoko cùng lên ý tưởng. Có một cơ sở y tế điều trị bệnh nghiện rượu, ở đó có thực hiện một chương trình cải tạo thói ăn cắp móc túi, tôi thấy vấn đề này rất thú vị. Chúng tôi đã nhờ cơ sở đó tìm bệnh nhân đồng ý cho chúng tôi phỏng vấn, nhưng cũng khá vất vả.” Hiyama Chizuko cười khổ.
“Chỉ một cụm từ thói ăn cắp móc túi, nhưng mỗi người đều có một lý do khác nhau nhỉ.”
“Đúng thế. Tôi mạnh miệng vậy nhưng cũng mới nhận ra thôi. Bài báo đó tôi chỉ giúp sắp xếp phỏng vấn, còn lại là chị Sayoko làm hết. Anh Nakahara thấy ấn tượng nhất với câu chuyện của cô gái nào?”
“Ờ…” Nakahara nghiêng đầu nghĩ.
“Câu chuyện nào trong bài báo đó cũng sâu sắc, ở một mức độ nào đó thì tôi thấy họ thật đáng thương. Như chuyện vì mắc chứng rối loạn ăn uống dẫn đến nghiện ăn cắp vặt, chỉ có thể dùng một từ bi kịch để cảm nhận.”
“Tôi cũng nghĩ như anh.”
“Nhưng tôi ấn tượng nhất với cô gái thứ tư trong bài báo. Có những người tự dằn vặt bản thân đến mức độ đó nhỉ.”
“À à,” Hiyama gật gù, “Là cô gái tự cho rằng bản thân không đáng sống trên đời, vì thế coi việc ăn đồ ăn cắp là hình phạt thích đáng dành cho chính mình phải không?”
“Đúng là cô ta. Tôi tự hỏi tại sao cô ấy lại tự làm khổ bản thân đến thế.”
“Có thể cô ấy có nỗi khổ thầm kín nào đó. Anh Nakahara cũng đã gặp cô ta rồi đó, trong đêm trước tang lễ chị Sayoko.”
“À, quả nhiên là cô ấy.” Nakahara gật đầu, “Lúc đọc bài viết, tôi cũng đoán chắc là cô gái đó. Cô ấy tên là… Iguchi nhỉ?”
“Đúng vậy. Cô ấy tên là Iguchi Saori. Chị Sayoko cũng dành nhiều tâm huyết nhất với nhân vật này. Chị ấy chỉ phỏng vấn những người khác một lần, riêng với cô Iguchi này, chị ấy có nói lại với tôi rằng đã xin hẹn nhiều lần.”
“Cô nói tôi mới nhớ, trong đêm trước lễ tang, cô ấy cũng có nói Sayoko đã giúp đỡ cá nhân cô ấy nhiều. Cụ thể giữa cô ấy và Sayoko có mối quan hệ thế nào vậy?”
“Tôi cũng không rõ, chị Sayoko không nói cụ thể gì cho tôi biết. Chính tôi cũng không ngờ họ lại thân thiết đến như thế. Cô ấy liên lạc với tôi, nói rằng cô ấy xem tin tức nên biết chị Hamaoka gặp chuyện bất hạnh, rồi hỏi tôi có biết tang lễ và đêm trước lễ tang tổ chức ở đâu hay không. Thế nên hôm đó tôi mới đưa cô ấy cùng đến.”
“Ra vậy, tôi hiểu rồi.”
Nakahara tự nhủ, có lẽ trong lúc phỏng vấn tìm tư liệu viết bài, Sayoko đã kiêm thêm công việc tư vấn tâm lý cho đối tượng phỏng vấn. Nếu đối tượng không mở lòng với cô, thì có lẽ không kể lại sự tình tỉ mỉ đến thế.
“Cô Iguchi nhìn kĩ cũng khá xinh đẹp, khi trò chuyện cùng chúng tôi cô ấy cũng chỉ là một cô gái bình thường như bao cô gái khác,” Hiyama hướng mắt nhìn xa xăm, “Nhưng chỉ cần nhìn thấy giá bày hàng hóa, cô ấy bắt đầu tỏ ra bứt rứt khó chịu. Thậm chí tay còn run run.”
“Có vẻ như cô ấy bệnh khá nặng nhỉ.”
“Nhưng, cô Iguchi có chút khác biệt với các bệnh nhân khác. Tôi cũng có mặt trong lần gặp đầu tiên với cô ấy, tại căn hộ của cô Iguchi có điểm kì lạ khó có thể diễn tả.” Hiyama hơi nhíu mày, chỉnh lại tư thế ngồi.
“Lạ như thế nào?”
“Căn hộ sực mùi tinh dầu thơm. Nếu dùng một lượng tinh dầu vừa phải sẽ có tác dụng giúp thư giãn đầu óc, nhưng mùi tinh dầu trong phòng cô ấy quá nặng. Thêm vào đó là màu sắc nội thất. Từ đồ gia dụng cho đến đồ điện tử, rất nhiều đồ vật màu đỏ. Rèm cửa rồi thảm, ngay cả tủ lạnh cũng màu đỏ.”
“Nếu vậy sở thích của cô ấy cũng đặc biệt ghê.” Nakahara nói ra suy nghĩ vụt lên trong đầu, “Hay là cô ấy thích màu đỏ?”
“Không phải vậy đâu. Tôi cũng hỏi rằng cô ấy thích màu đỏ à. Nhưng cô Iguchi trả lời cô ấy cũng không hẳn đặc biệt thích màu đó, chỉ là lựa chọn trong vô thức thôi.”
“Ồ…” nếu anh là một nhà tâm lý học, có lẽ anh có thể đưa ra một lời nhận xét gì đó, nhưng rất tiếc anh không tìm được lời đáp nào phù hợp.
“Đặc biệt nhất là tấm ảnh chụp biển cây.”
“Biển cây?” Nakahara hỏi lại, “Ý cô là biển cây đó à, chỗ khu rừng cây cối um tùm ấy.”
“Đúng thế. Trên tủ kệ ở phòng cô ấy có đặt tấm ảnh đó. Bên cạnh là một bình hoa. Tôi hỏi cô ấy đó là khu rừng nào, thì cô ấy nói chính là rừng Aokigahara.”
“Tấm ảnh đó là ảnh bưu thiếp hay thế nào?”
“Không, chỉ là một tấm ảnh bình thường được lồng vào khung ảnh.”
“Tấm ảnh chỉ có khu rừng thôi, không có người à?”
Hiyama lắc đầu, “Không, không có người trong tấm ảnh.”
“Hay là cô ấy thích tấm ảnh đó nhỉ?”
“Cũng có thể. Nhưng tấm ảnh đó cũng không phải tấm ảnh nghệ thuật đặc biệt gì.” Hiyama tỏ vẻ băn khoăn, với tay cầm cốc cà phê lên uống cạn.
Nakahara nhớ lại trong đầu những tấm ảnh được lưu trong máy ảnh của Sayoko. Những tấm ảnh đó cũng chỉ ghi lại hình ảnh rừng cây rậm rạp âm u.
“Cô ấy tên là Iguchi Saori nhỉ. Tên cô ấy viết như thế nào?”
Hiyama đáp lại câu hỏi của anh bằng bốn chữ “Tỉnh Khẩu Sa Chức”.
“Cô ấy làm nghề gì?”
Hiyama ngập ngừng, một tay che miệng nói, “Có lẽ là tiếp viên tiếp khách.”
“À…”
“Tôi không hỏi rõ, nhưng chị Sayoko có nói lại với tôi như vậy.”
“Ra thế.”
Theo như bài báo thì cô gái này đã bị bắt giam hai lần, cũng khó tìm được một công việc bình thường.
Sau khi rời khỏi nhà xuất bản, Nakahara đứng trên vỉa hè bấm điện thoại gọi đi. Đầu dây bên kia bắt máy ngay lập tức, là bà Satoe. Sau câu chào hỏi và cảm ơn xã giao, anh nói luôn lý do gọi đến.
“Trong số ảnh được lưu trong máy ảnh của Sayoko, có một vài tấm chụp lại chỗ có rất nhiều cây, rừng rậm hay rừng thưa gì đó ạ. Mẹ có thể gửi những tấm ảnh đó vào hòm thư điện tử cho con được không ạ?”
“Ờ ờ, gửi ảnh vào hòm thư điện tử à, anh chờ tôi một chút nhé.”
Anh nghe vọng lại qua điện thoại tiếng bà Satoe nói chuyện với ai đó ở bên cạnh. Người kia chắc là ông Soichi.
“A lô, anh Michimasa à. Tôi đây.” Là tiếng ông Soichi, “Hôm trước anh đến tôi không gặp được, xin lỗi anh.”
“Con xin lỗi vì đến lúc ba không có nhà.”
“Không sao. Hôm nào anh lại đến nhé. Mấy tấm ảnh kia, tôi gửi vào hòm thư cho anh là được phải không? Tôi biết rồi, chuyện đơn giản ấy mà. Trông thế này thôi nhưng tôi cũng biết dùng máy tính đó.”
“Con cảm ơn ba.” Nakahara đọc cho ông địa chỉ hòm thư điện tử trên máy tính cá nhân. Điện thoại di động của anh là đời cũ, không nhận được dữ liệu nặng như hình ảnh.
Ông Soichi đọc lại địa chỉ hòm thư một lần rồi khẳng định, “Tôi ghi lại rồi.”
“À, sức khỏe ba thế nào rồi ạ?” Nakahara hỏi, “Con nghe mẹ nói có đợt ba ngã bệnh.”
“Đã không sao nữa rồi. Tôi phải khỏe chứ, để còn tham gia phiên tòa nữa.”
“Con cũng sẽ tham gia hết mức có thể, nếu có chuyện gì con giúp được ba mẹ cứ nói ạ.”
“Ừ, cảm ơn anh. À anh Michimasa này, bà Satoe chắc có nhụt chí, nhưng tôi chắc chắn không bỏ cuộc đâu.”
“Ý ba là…”
Khụ khụ, ông Soichi gằn giọng ho một tiếng, nói tiếp:
“Án tử hình ấy. Chỉ giết một người nên không bị tử hình, chuyện vô lý đó tôi không nhịn được. Tôi muốn thuyết phục bồi thẩm đoàn bằng bất cứ giá nào. Thế nên tôi cũng mong anh Michimasa giúp một tay.”
Những lời tâm huyết của người đàn ông lớn tuổi từng là ba vợ mình khiến Nakahara cảm thấy như có gì đó rạo rực trong lồng ngực.
“Vâng, con sẽ cùng ba mẹ cố gắng.”
“Ừ, cùng cố gắng nhé. Vậy, tôi sẽ gửi ảnh cho anh vào hòm thư nhé.”
“Con cảm ơn ba.”
Cúp máy xong, anh vừa rảo bước trên vỉa hè, vừa cất chiếc điện thoại di động vào túi áo ngực. Giọng nói khàn khàn của ông Soichi vẫn vang lên trong đầu Nakahara. Ông năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi, anh lo lắng không biết ông có thể chịu được căng thẳng trong suốt quá trình xét xử hay không.
Nakahara mua cơm hộp ăn tối ở cửa hàng tiện lợi rồi trở về nhà. Sau khi thay quần áo, anh thử kiểm tra hòm thư điện tử, quả nhiên ông Soichi đã gửi ảnh đến cho anh. Ông không nói khoác khi tự tin nói mình biết sử dụng máy tính.
Anh viết lại một lời cảm ơn, sau đó tìm kiếm trên mạng ảnh khu rừng Aokigahara. Trên mạng có rất nhiều ảnh, nhưng đa phần đều giới thiệu những chỗ đó là điểm tâm linh.
Thậm chí, có rất nhiều hình ảnh được giới thiệu như điểm thu hút du lịch. Nakahara thử so sánh những tấm ảnh trên mạng với hình ảnh có trong máy ảnh của Sayoko.
Quả nhiên đúng như anh nghĩ. Những tấm ảnh trong máy của Sayoko chính là chụp biển cây Aokigahara. Hình ảnh những cái cây thân dài mọc chen chúc, trên mặt đất rêu phong lan tràn giống hệt những hình ảnh về rừng Aokigahara trên mạng.
Tại sao Sayoko lại chụp những tấm ảnh này?
Lẽ nào có liên quan đến cô gái Iguchi Saori kia? Có thể trong lúc trò chuyện với cô gái kia, Sayoko cũng muốn chụp ảnh biển cây đó.
Cứ thế, anh tiếp tục tìm hiểu về rừng Aokigahara trên mạng, thử nghĩ thì anh cũng không biết gì nhiều về địa danh này. Anh chỉ biết nó được nhắc đến là địa điểm tự tử nổi tiếng trong tiểu thuyết của Matsumoto Seichou.
Thậm chí khu rừng này nằm chính xác ở đâu anh cũng không biết. Nakahara thử tìm trên bản đồ Google.
Ồ, hóa ra nó ở đây à.
Khu rừng này nằm ở phía Nam hồ Shoji, là một trong ngũ hồ dưới chân núi Phú Sĩ. Anh phóng to bản đồ, tìm hiểu xem đi từ Tokyo như thế nào, ga lớn gần nhất là ga gì.
Ngay giây phút đó, anh cảm thấy một cái gì đó gợn lên trong lòng. Anh không lý giải được nguyên nhân, nhưng đó chính xác là cảm giác nhận ra bản thân vừa tìm thấy một chi tiết gì đó quan trọng.
Nakahara nhìn qua một lượt bản đồ, ngay lập tức anh nhận ra tên địa danh hiện trên đó.
Chuyện này rút cục là thế nào? Là ngẫu nhiên, hay…
Thay vì ngồi suy nghĩ linh tinh, anh quyết định hành động. Nakahara tìm điện thoại di động, bấm số gọi cho người anh vừa gặp lúc ban ngày là Hiyama Chizuko.
“A lô, tôi là Hiyama đây. Có chuyện gì thế?” Cô lo lắng hỏi.
“Có một chuyện tôi muốn hỏi cô, về cô Iguchi Saori chúng ta có nói chuyện hồi nãy.”
“Anh muốn hỏi chuyện gì?”
“Cô ấy quê ở đâu vậy? Bài báo trên tạp chí có viết cô ấy lên thủ đô học làm chuyên viên thẩm mỹ sau khi tốt nghiệp cấp ba. Cô ấy không phải người Tokyo nhỉ.”
“Đúng thế. Cô ấy không phải người Tokyo, mà là người Shizuoka.”
“Shizuoka à, quê cô ấy ở chỗ nào của Shizuoka vậy?” tay anh siết chặt lấy chiếc điện thoại.
“Theo tôi nhớ,” Hiyama đáp, “thì là ở Fujinomiya.”
“Cô nhớ chắc chứ?”
“À… vâng. Tôi nhớ quê cô ấy là nơi nổi tiếng về món mì xào Yakisoba. Anh này, có chuyện gì không?”
“Không có gì đâu. Xin lỗi đã làm phiền cô lúc bận rộn.”
Cúp máy xong, Nakahara lại một lần nữa quay về với máy tính của mình. Anh hướng ánh mắt đến địa danh ngay dưới địa điểm Aokigahara trên bản đồ. Nơi đó là thành phố Fujinomiya. Là quê hương của cô gái tên Iguchi Saori.
Cũng là quê của một người nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.