Thầy Chung trúng số
Trở về lối cũ
Vì hồi hôm ngủ sớm, bởi vậy bữa sau đồng-hồ gõ 5 giờ, trời còn mờ-mờ mà Chung đã thức dậy rửa mặt chải đầu. Thầy mở tủ kiếm bộ đồ tây cũ, bộ đồ bận hồi còn làm ở nhà in đó, mà mặc.
Thầy kêu bồi mà dặn: “Có ai tới hỏi tôi, thì em nói tôi có chuyện đi Lục-tỉnh ít ngày. Dẫu ai hỏi em cũng nói như vậy. Em cũng dặn anh bếp đừng đi chợ nấu ăn. Chừng nào tôi về rồi sẽ hay”. Bồi hỏi phải bắt kế xe hay không. Chung lắc đầu, lấy bóp bạc bỏ vào túi, rồi đội nón cũ hồi trước mà đi, đi bộ xuống ga Sài-Gòn mua giấy xe lửa mà vô Gò-Vấp.
Bữa nay nhằm thứ năm, bởi vậy thầy giáo Thanh có ở nhà. Thầy thấy Chung vô, y như lời Chung nói hôm qua, thì thầy mừng rỡ, hối vợ đi chợ mua bánh hỏi thịt quay về đãi khách. Chung từ chối hết sức cũng không được. Ăn uống xong rồi, Thanh với Chung dắt nhau đi viếng mộ cha mẹ Chung, đặng bàn tính sự mướn thợ xây mả. Thầy giáo Thanh hứa sẽ lo việc ấy. Chung mừng-rỡ, đưa trước cho thầy 50 đồng bạc, chừng nào định chắc giá rồi Chung sẽ đưa thêm. Tính xong việc làm mả rồi, Chung muốn về. Thầy giáo không cho, cầm Chung ở lại ăn cơm với thầy rồi nằm nghỉ trưa đến 2 giờ rưỡi mới về được. Ngồi trên xe lửa trở về Sài-Gòn, Chung thầm nghĩ xây mồ-mả cho cha mẹ tốn năm bảy trăm hoặc một ngàn, mà tốn ấy là tốn về ân-nghĩa chớ không phải tốn về tửu sắc như mấy tháng nay vậy, nên trong lòng thơ thới vô cùng.
Về tới Sài-Gòn đi lại nhà in thăm ông chủ và mấy thầy trong sở. Ai cũng niềm-nở mừng Chung, nhứt là ông chủ ân-cần giảng dạy điều hơn sự thiệt cho Chung hiểu thói đời đặng khỏi lầm-lạc mà sa-ngã. Chung ở chơi đến 6 giờ, nhà in đóng cửa, Chung mới ra.
Chung muốn xem lại cảnh đời hồi trước, nên ra khỏi nhà in rồi, Chung qua đường d’Ormay đặng lại dì hai Phì-Lũ mà ăn cơm tối. Dì thấy Chung bước vô thì lật-đật đứng dậy mừng: “Thầy hai, cha chả, lâu gặp thầy quá! Trúng số độc đắc mà thầy giấu tôi chớ! Có nhờ Phước nói tôi mới hay. Thầy có phước quá … ở chơi thầy Hai. Tôi muốn mời thầy ăn cơm, mà giờ chắc thầy ăn nhà hàng chớ thầy đâu thèm ăn cơm tôi, nên tôi không dám mời”.
Chung kéo ghế mà ngồi và đáp:
– Không. Tôi lại đây thăm dì và ở ăn cơm.
– Thiệt hôn?
– Thiệt chớ.
– Như vậy thì tôi mừng lắm.
– Thầy Phước còn ăn cơm ở đây hay không dì hai?
– Còn.
– Thầy còn uống rượu hay không?
– Làm sao mà bỏ được.
Hai người nói chuyện với nhau tới đó thì thầy Phước hâm-hở bước vô. Thầy thấy Chung thì thầy la lớn: “Mơn-xừ Chung!” và đưa tay ôm Chung chặt cứng.
Chung nhẹ nhẹ gỡ ra mà nói:
– Tôi mới hỏi thăm thầy đây. Nghe dì Hai nói thầy cũng còn ăn cơm tháng nên tôi chờ.
– Vây hả? Cám ơn thầy được giàu có sang trọng mà còn nhớ bạn nghèo.
– Bộ râu của thầy sao cứ chỉ xuống hoài, vuốt cho nó ngoảnh lên coi mới được
– Thây kệ nó! Mình nghèo thì nó phải xụi chớ sao. Để chừng tôi khá rồi thầy sẽ coi mà. Nó cũng biết ngoảnh như người ta vậy chớ.
Phước cười ngất, kéo ghế ngồi ngay mặt Chung và nói tiếp:
– Nói phách đặng cười chơi, chớ Phước nầy cũng như Chung, dầu giàu có mấy muôn đi nữa cũng không đổi tánh đâu. Giàu mà giữ nhơn-nghĩa người ta mới kính phục chớ, phải hôn?
– Phải. Thầy còn uống rượu hôn?
– Còn chớ. Có rượu tôi mới vui, dại gì mà bỏ.
– Vậy biểu con Én lấy rượu đi, uống rồi ăn cơm.
– Thầy uống với tôi nghe.
– Không, không, tôi không biết uống. Để tôi ăn cơm mà thôi.
– Thầy ăn cơm ở đây?
– Ừ, tôi lại thăm dì hai với thầy và ở ăn cơm nói chuyện chơi.
– Ồ! Mơ-xừ Chung! Tốt quá! Vậy thì bữa nay tôi uống bằng hai. Tôi vui lắm. Én, đong cho qua một cắc rượu, một cắc nghe hôn, chớ không phải năm xu như mọi bữa. Mơ-xừ Chung, thầy không quen uống rượu trắng, vậy để tôi đi mua rượu chát hay la-ve cho thầy uống.
– Cám ơn, tôi đã nhứt định không uống rượu gì hết.
– Tửu, sắc, tài, khí là 4 cái hại người. Thầy bỏ bớt được một cái cũng đỡ lắm.
Dì hai đi vô trong, có lẽ dạy đầu bếp mua đồ thêm đặng dọn cho Chung một bữa cơm xứng đáng. Phước nhậu rồi ngó Chung mà nói nhỏ: “Anh em gặp nhau lại, tôi mừng quá. Nhưng tôi nói thiệt, thầy trở về cái quán lao-động nầy ăn cơm, tôi lấy làm lạ một chút. Xin lỗi thầy, tôi nghe người ta nói bọn thằng Lợi, thằng Điểu đeo theo thầy thì tôi lo quá. Mèo-chó hay ăn uống tuy tốn hao song chưa mấy hại, chớ bài-bạc chắc phải nguy mau. Họ nói bọn nó hay dắt thầy vô Chợ-Lớn, vậy thầy có thua hôn?”
Chung cảm-động mà thấy Phước không nhờ-nhõi mình mà lại lo cho mình, chớ không phải như các bạn chí thân kia, ngày đêm cứ bày cách cho mình phá-sản. Chung càng thêm hối-hận, đưa tay ra nắm tay Phước mà đáp:
– Tôi cám ơn thầy có lòng lo cho tôi. Thiệt người ta thấy tôi có tiền nhiều thì đeo theo bợ-đỡ, quyết xô tôi vô đường không tốt. Họ có rủ tôi đánh bạc, song nhờ trời phật phò-hộ khiến cho tôi chống cự nên tôi khỏi nguy. Mấy tháng nay tôi đi sái đường nên tốn-hao nhiều, lại tốn-hao vô-ích.
Nhưng hao tiền mà tôi được biết lòng người giả-dối, tình đời thấp-hèn, thì tôi không tiếc chi hết. Tôi lấy làm vui mà được thấy cái rực-rỡ ở ngoài thì chứa cái hôi-thúi ở trong, còn cái chơn-chánh lại ẩn nơi chỗ thầm tối.
– Phải lắm, phải lắm.
– Thôi, bỏ chuyện tôi đi. Thầy nói thử chuyện thầy cho tôi nghe coi.
– Tôi có chuyện gì đâu mà nói.
– Thầy không tính lập tiệm bán rượu nữa sao?
– Phải có vốn mới tính được chớ.
– Ta kiếm người đàn-bà có vốn ta cưới, rồi lấy vốn ấy mà làm công chuyện.
– Ồ “ Thực thê chi lộc”, người ta cười chết.
– Tôi nhớ in như là Mạnh-Tử có nói: “Sỉ phi vi bần nhi hữu thời hồ vị dưỡng”. Không phải vì sự nuôi sống nên cưới vợ, nhưng có khi cũng phải vì đó.
– Nếu vậy thì mấy ông “đào mỏ” là môn sanh của Mạnh-Tử sao? Hứ! Tôi không dè!
Phước uống rượu rồi vuốt râu trợn mắt hỏi: “Thầy coi bộ tôi đây làm học trò Mạnh-Tử được hôn?”
Chung cười ngất. Dì hai trở ra, con Én bưng một mâm cơm theo sau, thịt cá dỉ-dèo, lại có canh, có nem nữa. Phước với Chung tỏ lời cảm tình dì hai rồi cầm đũa mà ăn, câu chuyện bây giờ có dì hai xen vô nên càng thêm thân-yêu vui-vẻ. Ăn cơm rồi, Chung móc bóp trả tiền mâm cơm. Dì hai nhảy dựng và la lớn:
– Trời ơi! Thầy hai đừng làm vậy chớ. Tôi đãi thầy mà.
– Tôi còn trở lại đây ăn nữa. Dì đãi hoài sao?
– Không hại gì đâu. Đãi hoài cũng được.
Chung bỏ bóp vô túi mà nói: “Tôi biết bụng dì hai tử-tế, tử-tế từ lúc tôi mất sở làm kia, chớ không phải đợi bây giờ. Lâu quá mà tôi không đến thăm dì, thiệt tôi quấy lắm. Xin dì tha lỗi”.
Phước hỏi: “Thầy làm ở đâu mà mất sở?” Chung ngó dì hai mà cười rồi đứng dậy nói: “Chuyện ấy duy có tôi và dì hai biết mà thôi. Chuyện bí-mật, xin thầy đừng hỏi. Bây giờ tôi mời thầy qua Chợ Cũ ăn hột gà chưng rồi uống cà-phê với tôi. Tôi đãi”. Phước đưa tay đáp: “Không được. Dì hai đãi cơm, thì tôi phải đãi cà-phê chớ. Thầy đãi sao được”. Chung nói: “Tự ý, ai đãi cũng được. Thôi đi”.
Hai thầy từ giã dì hai, dắt nhau qua Chợ Cũ. Câu chuyện vui-vẻ kéo dài thêm gần một giờ nữa rồi Chung, Phước mới phân rẽ.
Xe kéo nghễu-nghện không thiếu gì, nhưng cũng như trước, Chung thủng-thẳng đi bộ lên đường Lagrandière, tính về ngủ nơi căn phố cũ mình mướn để dành đó, thử sống lại một vài ngày trong cảnh đời nghèo-hèn mà an-ổn, tại lợi-danh làm cho mình xa-lánh mấy tháng nay.
Mới 8 giờ rưỡi tối, gió chướng lao-rao mát-mẻ, bầu trời sao gắn tứ giăng, lại thêm mặt trăng 14 tháng 3 long-lanh chói ánh sáng xuống cỏ cây, làm cho đêm ở Sài-Gòn giống như đêm xuân, không nóng hầm, không mệt nhọc.
Vợ chồng anh thợ Tư nhắc ghế ra để trước cái sân nhỏ ngồi xem trăng hứng gió, trí thảnh-thơi, lòng vui-vẻ dường như người khỏi vương-vấn nợ trần. Chung nhẹ bước vô sân, vợ chồng anh thợ không hay. Chung đứng xa-xa ngắm cặp vợ chồng ti-tiện mà êm ấm, chồng làm nuôi vợ, vợ giúp sức chồng, vợ chồng nương nhau, yêu nhau, tin nhau, chiều nhau. Đứng ngó một hồi, Chung cảm-xúc nên bước tới và hỏi lớn: To nhỏ việc gì đó? Anh chị mạnh giỏi há?”
Vợ chồng thợ Tư day lại thấy Chung thì mừng-rỡ đứng dậy. Anh thợ nói: “Dữ hôn! Thầy đi đâu lâu quá vậy thầy hai? Bà con lối xóm họ nhắc thầy hoài”. Anh đẩy ghế mời Chung ngồi. Chung cứ đứng mà đáp:
– Tôi mắc công việc nên không về được.
– Vậy mà mướn phố bỏ trống cả năm, uổng tiền quá.
Chị thợ tiếp nói:
– Thầy nói lâu lâu thầy về ở, làm tôi không biết thầy về bữa nào; hễ thứ bảy là tôi mở cửa quét giùm một lần, quét bụi trên giường, trên bàn, tôi cũng phơi chiếu nữa. Hôm thứ bảy rồi tôi mắc về Bình-Chánh, tôi mới lên hôm qua. Sớm mơi nầy tôi mới quét dọn được.
– Tôi làm nhọc chị thợ quá, xin chị tha lỗi.
– Có nhọc gì đâu. Thầy về chơi rồi đi hay là về ở?
– … Không biết chừng … Có lẽ ở ít bữa … Mà tôi định hôm nay tôi ngủ ở đây.
– Vậy để tôi lấy chìa khóa đặng mở cửa. Sạch trơn, để vô rồi thầy coi.
– Chị làm cho tôi phải mang ơn nặng quá.
Vợ chồng anh thợ vô nhà, chị lấy chìa khóa mở cửa, còn anh thì đốt một cây đèn bưng qua.
Thiệt căn nhà đóng cửa đó gần mãn năm, nhưng mà trong ngoài đều sạch-sẽ, bàn ghế không có một chút bụi. Chung bưng cái rương để dựa vách, lấy chiếu trải trên giường rồi mở rương lấy mùng mền ra. Anh thợ biểu vợ về nấu nước, chế trà uống chơi, để anh phụ giăng mùng cho thầy hai. Chung ngó qua căn nhà bà Phán thì thấy có ánh đèn, lại nghe tiếng máy may đương chạy re-re.
Chung thay đồ mát mà mặc thì chị thợ chế trà rồi. Anh thợ mời Chung ra sân uống trà chơi cho mát. Chung nhắc thêm một cái ghế đem ra, ba người ngồi chung quanh cái bàn nhỏ, trên trăng dưới gió, thú-vị nồng-nàn.
Chung uống một hớp trà rồi hỏi chị thợ:
– Bà Phán đã mướn phố lầu mà dọn, hay là còn ở đây?
– Hứ! Dọn ở lầu làm chi? Trời ơi, làm sao trả tiền phố cho nổi. Hai mẹ con ở đó. Tội nghiệp quá, mấy tháng nay bà Phán bịnh, một mình cô hai lo tảo lo tần lớp thuốc men, lớp ăn uống, coi bộ cô mệt đuối.
– Bà Phán bịnh chi vậy? Phải nhức mỏi hôn?
– Không, bà đau con mắt, bây giờ mắt bà mờ, không thấy đường mà đi.
– Tội nghiệp dữ hôn! Bây giờ khuya rồi, nhà đóng cửa, để sáng mai tôi sẽ qua thăm bà một chút.
– Tội nghiệp thiệt. Nghèo mà lại đau, khổ hết sức. Coi thế túng lắm. Cô hai ngồi thêu tối ngày sáng đêm, bây giờ lãnh tới đồ vải mà may nữa. Cô cực quá, coi cô muốn bịnh.
– Để sáng mai thầy coi, cô ốm xanh. Cô lo hết sức mà không đủ tiền cho mẹ uống thuốc. Đồ-đạc trong nhà bán lần hết bộn, lâu-lâu thấy bán một món. Cô hai Thiên-Hương thiệt là gái gồm đủ hiếu-hạnh. Nghèo cực như vậy mà không nghe cô than một tiếng.
Chung nghe chị thợ nói chuyện lòng thầy lạnh ngắt, mặt-mày buồn hiu. Thầy thở dài mà nói: “Thiệt tôi không dè nhà bà Phán khổ đến thế”.
Ba người uống trà nói chuyện tới 10 giờ mới phân tay nhau mà nghỉ.
Chung nằm trên giường nghe tiếng máy may re-re hoài, biết Thiên-Hương đang khum lưng chằn mắt mà làm việc đặng có tiền nuôi mẹ già ương-yếu, trong lúc những gái một trang với cô họ dồi phấn thoa son để chưng diện hình-hài. Chung nghĩ mấy tháng nay mình vãi bạc trăm mà cho những gái thiếu liêm-sỉ, mất nết-na, đặng mua một cuộc vui tạm thời hay một trận cười vô đạo, chớ chi mình để tiền ấy mà giúp đỡ hạng người như vầy thì cái vui mới bền dai, cái cười mới trong sạch. Mình phải giúp cô Thiên-Hương, mình phải cứu bà Phán, mặc dầu tánh bà khó chịu, mặc dầu bà ưa nói cao-kỳ. Mà cứu-giúp bằng cách nào? Với dì hai Phì-Lũ hay là thầy Phước thì dễ, mình hỏi ngay coi hai người cần dùng bao nhiêu, rồi mình giúp tiền cho dì hai sắm đồ mở tiệm cơm ra lớn, cho thầy Phước mướn phố bán đủ thứ rượu, chắc hai người chịu.
Còn cô Thiên-Hương với bà phán đây, mình phải nói thế nào mà giúp. Cho tiền đặng bà Phán uống thuốc? Ai xin mà mình cho? Làm như vậy mình khinh rẻ người ta quá. Người ta có thể mắng mình ỷ tiền làm phách. Không được. Thôi để sáng mai mình qua thăm, rồi mình sẽ liệu, hoặc cậy chị Tư lập thế đưa tiền giùm, bây giờ giúp liền chừng vài trăm rồi lâu-lâu sẽ giúp thêm nữa.
Chung quyết định rồi nhắm mắt tính ngủ, nhưng mà tai cứ nghe tiếng máy may, nên mắt cứ thấy hình-dạng cô Thiên-Hương, bị ngồi may quá rồi lưng khum, má cóp, cổ teo nhách, mắt có khoen, thì thầy xót dạ, lạnh lòng, nằm trăn-trở hoài, muốn ngủ mà ngủ không được.
Tại thức khuya nên sáng bữa sau Chung dậy trễ. Thầy nghe bên nhà thợ Tư có tiếng hai người đàn-bà nói chuyện:
– Anh Tư đi làm rồi hả chị Tư?
– Mới ra đó.
– Bữa nay chị đi chợ hôn?
– Đi. Tôi quét nhà rồi đi.
– Chị làm ơn mua giùm một con cá lóc nhỏ nhỏ với ít xu rau dền được hôn? Má tôi thèm canh rau, ngặc tôi mắc đồ may gắp quá nên đi chợ không được. Chị làm ơn giùm tôi nghe hôn chị Tư. Đây, tôi gới cho chị vài cắc đây.
– Được mà. Để tôi mua giùm cho cô.
Chung mở cửa thì cô Thiên-Hương ở bên nhà thợ Tư đương đi về ngang, cô mặc áo bà-ba lụa trắng cũ có vá cánh chõ với quần vải đen cũng cũ, chưn cô mang guốc. Cô thấy Chung thì cô đứng lại cúi đầu chào:
– Chào thầy hai. Thưa thầy mạnh giỏi?
– Cám ơn cô. Tôi về hồi hôm, nghe nói bà Phán bịnh tôi muốn qua thăm, nhưng thấy nhà đóng cửa, nên tôi tính sáng nay sẽ thăm bà.
– Cám ơn thầy có lòng chiếu cố. Má tôi bịnh nhưng mấy bữa rày bịnh đã bớt, ăn ngủ được. Kính chào thầy.
Cô Thiên-Hương đi về. Chung ngó theo, thấy cô ốm, nước da mét, mắt có khoen y như lời chị thợ nói hồi hôm. Chung rửa mặt thay đồ, nghe có tiếng bà Phán nói chuyện với con, biết bà đã thức rồi, nên bước qua gõ cửa. Cô Thiên-Hương đương lăng-xăng chỗ máy may, cô thấy Chung thì vui-vẻ mời vô, rồi bước lại bộ ván chỗ bà Phán nằm mà nói:
– Thưa má, có thầy hai qua thăm má.
– Thầy hai nào vậy con?
– Thưa, thầy hai hồi trước ở khít một bên mình đây.
– Vậy hay sao? Té ra có thầy về. Con nhắc ghế mời thầy ngồi con. Tôi chào thầy hai. Nghe tôi đau thầy qua thăm thiệt tôi đội ơn hết sức. Tôi ngồi không được, hễ động thì hai con mắt nhức lắm. Xin thầy miễn lễ cho tôi.
Chung kéo ghế ngồi một bên chỗ bà nắm và nói: “Không, không, xin bà cứ nằm yên. Có bịnh thì nằm. giữ lễ sao được”.
Chung thấy bà Phán cũng mặc đồ lụa trắng tinh nhưng bà ốm lung lắm, lại có cái khăn lụa trắng xếp đậy ngang hai con mắt. Chung hỏi:
– Thưa bà, nghe nói bà đau con mắt?
– Phải. Thuở nay tôi có bịnh nhức mỏi. Bịnh đó cũng còn, nhưng không hành lắm. Cách ba tháng nay, hai con mắt lại phát lên đau, ban đầu nó đỏ rồi lần-lần nó sưng lên, nhức-nhối chịu không nổi, mới bớt nhức mấy bữa rày, chớ hôm trước tôi rên tối ngày sáng đêm.
– Thưa bà, bịnh con mắt phải đốc-tơ chuyên-môn trị mới mau mạnh. Bà cho rước đốc-tơ nào trị đó?
Bà Phám nằm êm một lát rồi bệu-bạo đáp: “Không lẽ nói dối với thầy được, tiền bạc đâu có mà dám rước đốc-tơ, thầy hai. Thiệt con Thiên-Hương cứ theo biểu tôi để cho nó kêu xe đem tôi đi đốc-tơ. Tôi không chịu. Thầy nghĩ coi, đi đốc-tơ mỗi lần phải tốn năm mười đồng bạc chớ ít sao.
“Mà có lẽ phải đi nhiều lần, thì làm sao mà chịu nổi. Tôi biểu nó ra tiệm thuốc bắc hỏi các thứ nhãn-dược[1] coi thứ nào hay nó mua về nhỏ con mắt cho tôi. Họ bán hai thứ trước, thứ nào nhỏ vô con mắt nó cũng phát lên nhức-nhối dữ quá. Mới kiếm được thứ thuốc nầy hôm nay nhỏ vô êm khỏe lắm, thầy hai. Chắc thứ thuốc nầy hợp với chứng bịnh của tôi rồi. Nghèo thì phải dùng thuốc như vậy cho đỡ tốn”.
Chung lấy làm lạ mà nghe cái giọng bà Phán bây giờ không còn cao-kỳ như trước nữa, lại liếc thấy mất cái đồng hồ treo và cái bàn rửa mặt, thì động lòng thương nên thở dài mà hỏi:
– Bây giờ nếu lấy cái khăn, bà còn thấy rõ hôn?
– Thấy mờ mờ; mà hễ lấy cái khăn thì nó xốn lung lắm.
– Vậy thì bà làm sao mà ăn cơm?
– Hễ ăn cơm thì tôi phải rán ngồi dậy, lấy tay đè cái khăn, rồi con Thiên-Hương chan canh hoặc gắp cá, gắp thịt sẵn cho tôi ăn. Phải rán chớ biết làm sao.
– Thưa bà, không được. Phải đến đốc-tơ chuyên-môn cậy họ coi rồi họ trị mới hết bịnh. Nếu bà để lâu sợ hư hết hai con mắt.
– Không nên thầy hai à. Con Thiên-Hương ngồi tối ngày mà thêu giày may áo; từ hôm tôi đau tới nay nó ngồi thâm tới ban đêm nữa. Nó mệt nhọc lung lắm mới đủ tiền mướn phố và mua cơm gạo mà ăn. Nói cho thầy thương, tôi nằm xuống, con Thiên-Hương săn-sóc tôi, đồ may phải bê-trễ. Đã vậy mà còn phải mua thuốc men tốn hao thêm nữa. May trong nhà có đồ-đạc chút-đỉnh mà bán, nên mới chịu đựng được mấy tháng nay. Bây giờ trong nhà có còn vật chi đáng mà bán nữa đâu, nên không dám tính đi đốc-tơ, thầy hai …
Bà Phán ngập-ngừng. Chung động lòng châu mày, buồn hiu.
Bà Phán nói tiếp: “Không biết chừng mạng số tôi trở về già phải đuôi mù. Mà dầu tôi đui, tôi cũng không dám phiền trời phật, chỉ thương thân con tôi mà thôi. Tôi nghĩ thiệt tôi là tội báo của con tôi. Tôi đau xưa rày, tôi thường van-vái trời phật cho tôi chết phứt cho rồi, đặng con tôi nó bớt cực khổ”.
Thiên-Hương bước lại can mẹ: “Con xin má đừng nghĩ như vậy. Má đừng buồn chớ. Con có cực khổ chi lắm đâu. Con có dầm mưa trãi nắng đâu mà má nói con cực”.
Chung tiếp khuyên: “Hễ đau nằm một chỗ tự nhiên buồn, rồi nghĩ việc đời mà thối chí. Ai cũng vậy. Cháu xin bà đừng buồn. Bà có phước lắm, nên bà có cô hai săn-sóc cho bà. Má cháu hồi trước đau nằm có một mình, không ai lo cơm thuốc mới đáng buồn chớ.
“Má cháu có một mình cháu, mà lúc ấy cháu mắc ở trong nhà trường. Bà nghĩ coi phải bà có phước hơn má cháu hồi trước hôn? Bà nằm nên thối chí. Cháu chắc cô hai nuôi bà, cô vui lòng lắm, cô có phiền đâu”.
Bà Phán chận đáp: “Không, thầy hai. Tôi biết hễ tôi sống lâu thì con tôi nó chết gấp. Tôi già lại có bịnh hoài. Con tôi còn trẻ tuổi lại có nghề thêu, không có tôi thì một mình nó không bao giờ đến nỗi đói rách.
“Vậy tôi chết để cho con tôi sống là phải hơn chớ …
“Hồi nãy tôi nói tôi là tội báo của con tôi, lời ấy trúng lắm chớ không phải nói lẩy đâu. Thầy mới quen nên thầy không biết rõ gia-đạo của tôi. Để tôi nói cho thầy nghe.
“Ông Phán tôi hồi sanh tiền, ổng khôn-ngoan nên làm ra tiền bạc không biết bao nhiêu. Tôi thấy đồng tiền dễ kiếm, tôi không biết tiện-tặn cứ xài phí ngỏa nguê, đã ăn mặc sung-sướng, đánh bạc đánh bài, lại còn đút nhét đầu nầy đầu kia nữa. Ông Phán tôi vì thương nên ổng đánh chữ làm thinh, không muốn khuyên lơn hay phiền trách. Thấy chồng như vậy, tôi cứ làm tới hoài, không biết quấy mà ăn-năn, không biết lo về hậu-nhựt, bởi vậy ngày ông Phán tôi nhắm mắt, thì trong nhà không còn một đồng tiền dư. Thầy hai nghĩ coi có phải tại tôi báo hại, nên ngày nay con tôi nó mới khổ-cực như vậy đó hay không? Nếu ngày trước tôi biết thương con, tôi biết lo hậu, thì dầu ngày nay không giàu, chớ không đến nỗi thiếu hụt. Chừng tôi chết xuống âm phủ, tôi không biết làm sao dám ngó mặt ông Phán tôi”.
Bà nói dứt rồi bà khóc tức-tửi.
Thiên-Hương lật đật leo lên ván, lấy khăn chặm mắt mẹ, cô chảy nước mắt ròng-ròng. Cô năn nỉ: “Con xin má nằm nghỉ, đừng buồn chi hết. Má buồn má khóc, cặp mắt má sưng lên rồi con biết làm sao, má?”.
Ngồi ngó cảnh tình bi-thảm như vầy, má thành-thiệt nhận tội, con ủ-dột khuyên can, mẹ thương thân con, con tận-tụy với mẹ, Chung cảm-động cực-điểm không thể dằn lòng làm lơ được, nên đứng dậy nói: “Để tôi đi rước đốc-tơ”.
Thiên-Hương ngước mắt ngó Chung, cặp mắt chứa-chan lo ngại. Chung hiểu ý nên nói tiếp: “Xin bà với cô đừng ngại chi hết. Tôi có quen với một ông đốc-tơ chuyên-môn về bịnh con mắt, để tôi cậy vô coi mà trị bịnh giùm cho bà. Không tốn tiền bạc chi đâu mà ngại”.
Chung không dám nói dài, nên từ-giã đi liền.
Ra ngoài đường Chung gặp chị thợ Tư đi chợ về. Chị hỏi Chung:
– Thầy đi chơi phải hôn thầy hai?
– Tôi đi rước đốc-tơ cho bà Phán.
– Ạ! Thầy lãnh săn-sóc bà Phán hay sao?
– Tội nghiệp quá, tôi thấy vậy tôi chịu không được.
– Tội nghiệp ai? Tội nghiệp cô hai phải hôn? Tôi đã nói trước như vậy còn! Cô là gái có hiếu-hạnh, đáng thương lắm, thầy hai. Thầy nói mà cưới cô hai đi. Thầy có tiền cần gì phải kiếm vợ giàu. Tôi dám nói chắc, thầy cưới cô hai làm vợ thầy sẽ có phước lắm.
– Để trị bịnh cho bà Phán rồi sẽ hay.
– Vậy hả? Tôi làm mai tay trong cho. Mà thầy lãnh săn sóc bà Phán thì thầy phải ở đây chớ.
– Tôi sẽ ở luôn đây.
– Đưọc lắm. Tôi nói thiệt, thầy cưới cô hai thì cô có phước, mà thầy cũng có phước nữa, hai người có phước hết. Tôi vui lắm, tôi mừng lắm.
Chung cười rồi kêu xe kép mà đi.
Chị thợ Tư bưng rổ đồ ăn đi thẳng lại nhà bà Phán, bộ xung-xăng hớn-hở.
IV. – Một năm sau
Dựa bên đường Gồ-Vấp qua xóm thơm, cách trường học ít trăm thước, chúng ta thấy phía tay trái một cái nhà ngói nhỏ mà cao-ráo sạch-sẽ, nóc đỏ tươi, tường vàng-vàng, cửa xám-xám, ngồi êm trong một khoản đất rộng chừng nửa mẫu, ở trước hoa thơm đua nở, ở sau xoài mít sum-sê, bên nầy nhãn đương đơm bông, bên kia ớt cà trổ nụ. Cuộc ở vừa tươi cười, vừa thanh-tịnh nầy là cuộc ở của thầy Chung mua sắm gần mồ-mả cha mẹ, để an-hưởng thú gia-đình, sau mấy tháng say-sưa mùi tục lụy.
Trong lúc hai đốc-tơ chuyên-môn, một ông chữa bịnh con mắt, một ông trị bịnh nhức mỏi cho bà Phán, thì Chung trả cái nhà mướn ở đường Bạc-Hà, làm mồ-mả mẹ cha và mua đất nhà nầy mà sửa soạn. Không đầy một tháng, bà Phán khỏe khoắn đi đứng như thường, còn cặp mắt tuy giảm bớt nhãn-quang song cũng thấy đường đi được, thì Chung cậy vợ chồng thợ Tư làm mai nói mà cưới Thiên-Hương rồi rước vợ với mẹ vợ về ở cái nhà trong xóm Thơm đó, đặng vợ chồng hiệp nhau săn-sóc bà mẹ già và bồi bổ miếng vườn đẹp.
Trót một năm đã qua, bao giờ mùi hạnh phước cũng nực nồng từ trong nhà ra ngoài vườn. Ban ngày người ta thấy có khi bà Phán xách nước tưới hoa, có khi thấy Chung đánh vòng cho Thiên-Hương trồng rau gieo cải. Ban đêm chung quanh ánh đèn êm đềm mà tỏ rõ người ta thường thấy Chung nằm trên ghế xích đu đọc chuyện. Thiên-Hương cậm-cụi ngồi thêu khăn hoặc thắt vớ cho chồng, còn bà Phán cũng vẫn mặc đồ lụa trắng, bà nằm trên ván ngó rể ngó rể ngó con mặt mày bà tươi rói.
Mà hạnh-phước được hoàn-toàn, lên cực điểm, kể từ tháng trước đây, bởi vì Thiên-Hương sanh một đứa con trai giống hịch Chung, vợ chồng đồng lòng đặt tên là Thiên-Tứ, để ghi nhớ ơn trời phật ban phước cho mình.
Ngày cúng đầy tháng cho Thiên-Tứ, lại trúng nhằm ngày chúa-nhựt.
Vợ chồng thầy giáo Thanh vô chúc mừng, khí sắc hân-hoan, vì tự nghĩ mình đã làm được câu “thành nhơn chi mỹ”.
Vợ chồng anh thợ Tư cũng vô đủ, y-phục mới tinh, chị thợ lại có xách theo một cặp cá lóc thiệt to, chớ không phải cá nhỏ nhỏ như cá chị thường mua giùm cho Thiên-Hương hồi trước.
Dì hai Phì-Lũ, nhờ có Chung hùn vốn nên đã mở tiệm cơm lớn ở đường chánh d’Ormay, bây giờ dì mập thêm nữa, dì chở vô một con heo quay vàng tươi với bánh hỏi, bánh bao đủ hết.
Thầy Phước cũng lãnh hai ngàn đồng của Chung mà lập tiệm bán đủ thứ rượu ở Đất-Hộ, thầy xe vô một thùng rượu, mặt mày hớn-hở, quần áo đàng hoàng, bộ râu bây giờ ngoảnh lên, chớ không phải xụi xuống nữa.
Bà Phán bồng cháu ngoại ngồi giữa phòng khách, ai tới bà cũng đưa Thien-Tứ mà khoe: “Coi phải nó giống hịch cha nó hôn?”
Thầy Phước vuốt râu hỏi Chung:
– Có mời ông chủ nhà in hay không?
– Có chớ. Song hồi chiều hôm qua, hai ông bà vô trước mà chúc mừng rồi xin kiếu, vì bữa nay mắc đi thăm vườn trên Thủ.
– Còn mấy bạn “chí thân” như Điểu và Lợi?
Chung rùn vài mà đáp: “Tôi không dám mời, nghĩ vì đời sống của tôi bây giờ không hạp với con mắt của mấy ông “bạn chí thân” đó, mời mấy ông đến đây sợ e trái tai gai mắt mấy ông”.
Thầy Phước cười lớn và nói: “Thôi để tôi mở thùng lấy rượu ra mời bà con uống chơi, bữa nay uống cho say vùi mà mừng cho cháu Thiên-Tứ”.
Thật quả mấy ngày sau, cậu Điểu với cậu Lợi hay việc nầy thì cho thầy Chung làm chuyện trái đời.
Vĩnh-Hội, 14 Août 1944
— HẾT —
Nguồn: NXB Sông Kiên, 1961
[1] thuốc trị bịnh đau mắt.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.