Thế Giới Phẳng
Chương 11
Xây dựng có thể là công việc chậm chạp và cần cù của nhiều năm trời.
Phá hoại có thể là hành động thiếu suy nghĩ của một ngày.
– Sir Winston Churchill
Trong một chuyến về quê Minnesota mùa đông năm 2004, tôi ăn trưa với hai người bạn Ken và Jill Greer ở quán bánh ngọt Perkins, trong bữa ăn Jill nói gần đây bang vừa thông qua một đạo luật mới về súng. Luật giấu và mang, được thông qua ngày 28 tháng Năm 2003, xác lập rằng cảnh sát trưởng các địa phương phải cấp phép cho bất kì ai yêu cầu – trừ những người có tiền sự hoặc có bệnh tâm thần – được mang súng đã giấu kín đến chỗ làm (trừ khi chủ của người đó công khai cấm quyền đó). Luật đó có mục đích giảm bớt các vụ tội phạm, bởi vì khi bọn kẻ cướp định chặn bạn, chúng sẽ không thể chắc bạn có vũ khí trên người hay không. Dù vậy, đạo luật đó vẫn dành cho chủ doanh nghiệp quyền cấm người không phải là nhân viên mang vũ khí đến một địa điểm kinh doanh, chẳng hạn nhà ăn hay câu lạc bộ sức khoẻ. Luật nói rằng bất cứ doanh nghiệp nào có quyền cấm mang súng ngắn được giấu ở cơ ngơi của mình nếu nó gắn bảng ở cửa ra vào chỉ rõ là ở đây cấm súng. (Theo tin đưa quy định này dẫn đến một số biểu tượng rất sáng tạo, chẳng hạn một nhà thờ kiện bang về quyền sử dụng một câu trích trong kinh thánh như biểu tượng cấm súng và một nhà hàng sử dụng hình ảnh một người phụ nữ mặc tạp dề đeo một súng máy.) Lí do khiến tất cả những vấn đề đó đến với chúng tôi trong bữa trưa là vì Jill nói rằng ở các câu lạc bộ sức khoẻ khắp thành phố, nơi cô chơi tennis, cô nhận ra hai dấu hiệu thường xuyên xuất hiện, cái này ngay sau cái kia. Tại câu lạc bộ tennis ở Bloomington, thí dụ, có một bảng thông báo ngay ở cửa ra vào nói rằng, “Cấm Súng.” Và ngay gần đó, bên ngoài phòng thay quần áo, một bảng khác ghi: “Cấm Điện thoại Di động.”
Hmmm. Cấm súng và điện thoại di động? Cấm súng thì tôi hiểu, tôi nói, nhưng tại sao lại cấm điện thoại di động?
Tôi ngớ ngẩn thật. Lí do là vì một số người mang theo điện thoại di động gắn máy ảnh vào phòng thay quần áo, lén lút chụp ảnh đàn ông và đàn bà trần truồng rồi e-mail chúng đi khắp thế giới. Tiếp theo họ sẽ nghĩ ra điều gì? Dù cái mới là gì đi chăng nữa, bao giờ người ta cũng sẽ tìm ra cách sử dụng và lạm dụng nó.
Khi phỏng vấn Promod Haque tại Norwest Venture Partners ở Palo Alto, tôi được giám đốc quan hệ công chúng của công ti, Katie Belding, giúp đỡ, sau đó cô gửi cho tôi e-mail sau: “Tôi vừa chat với chồng tôi về cuộc gặp của ông với Promod hôm trước… Anh ấy là giáo viên lịch sử ở một trường trung học ở San Mateo. Tôi hỏi anh ấy, ‘Khi nào thì anh thấy thế giới là phẳng?’ Anh ấy nói việc đó vừa mới xảy ra ở trường, khi anh đi dự cuộc họp giáo viên. Một học sinh bị đuổi học tạm thời vì giúp một học sinh khác quay cóp trong một bài kiểm tra – chúng tôi không nói đến kiểu viết câu trả lời dưới đế giầy hoặc truyền tay nhau một mảnh giấy theo kiểu truyền thống, mà…” Ngạc nhiên, tôi gọi điện cho chồng cô, Brian, và anh kể tiếp câu chuyện: “Cuối giờ thi, khi tất cả các bài thi đang được tập trung về phía đầu lớp, học sinh đó rất nhanh và ranh mãnh rút điện thoại di động ra và bằng cách nào đó chụp các câu hỏi trong bài thi, rồi ngay lập tức gửi cho người bạn cũng đang phải làm cùng bài thi đó vào buổi sau. Bạn nó cũng có một chiếc điện thoại di động gắn máy ảnh số và khả năng gửi được e-mail và rõ ràng có khả năng xem các câu hỏi trước đợt tiếp. Cậu học sinh bị một giáo viên khác bắt khi đang rút điện thoại di động ra giữa hai đợt. Mang điện thoại di động vào trường là trái nội quy – mặc dù chúng tôi đều biết bọn trẻ vẫn mang vào – cho nên người giáo viên tịch thu máy điện thoại và phát hiện thằng bé đã có ảnh bài thi trong đó. Nên ông chủ nhiệm kỉ luật, ở buổi họp thường kì của trường, mở đầu bằng câu, ‘Chúng ta lại có cái gì mới để lo.’ Về bản chất ông nói, ‘Cẩn thận, hãy để mắt, bởi vì bọn trẻ vượt quá xa chúng ta về mặt công nghệ mất rồi’.”
Nhưng với công nghệ mới không phải tất cả mọi việc đều trở nên tồi tệ, Brian nhận xét: “Tôi đến một buổi hòa nhạc của Jimmy e-mail của chúng tôi. Chúng tôi thật sự không nghĩ sẽ nhận được ảnh, nhưng ngày hôm sau anh ta e-mail cho chúng tôi cả một đống.” Buffett hồi đầu năm. Máy ảnh không được phép, nhưng điện thoại di động thì được. Thế là khi buổi hòa nhạc bắt đầu mọi người đều đột nhiên rút điện thoại di động ra để chụp ảnh Jimmy Buffett. Tôi có một bức treo ngay trên tường kia. Chúng tôi ngồi ở hàng thứ hai và anh chàng ngồi bên cạnh giơ điện thoại lên, tôi bèn nói với anh ta, ‘Này, anh có thể gửi cho chúng tôi vài cái ảnh được không? Sẽ không ai tin chúng ta ngồi gần nhau thế này đâu.’ Anh ta nói, ‘Chắc được,’ và chúng tôi đưa cho anh ta một danh thiếp với [địa chỉ]
Chuyến đi Bắc Kinh mà tôi đã miêu tả ở trên rơi vào đúng dịp kỉ niệm mười lăm năm vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn, diễn ra ngày 4 tháng Sáu, 1989, nghĩa là 4/6/89. Các đồng nghiệp của tôi ở văn phòng Times thông báo cho tôi rằng vào ngày đó các nhân viên kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc sẽ chặn các tin nhắn SMS trên điện thoại di động với bất kì dẫn chiếu nào đến quảng trường Thiên An Môn hay thậm chí các số 6 và 4. Thế nên nếu bạn tình cờ quay số máy 664-6464, hoặc gửi một tin nhắn trong đó bạn hẹn gặp ai vào lúc 6 giờ chiều ở tầng 4, các kiểm duyệt viên Trung Quốc chặn nó dùng công nghệ gây nhiễu.
Mark Steyn, viết trên National Review ( 25-10-2004), thuật lại một câu chuyện từ tờ báo Arập Al-Quds al-Arabi ở London về một sự hoảng loạn nổ ra ở Khartoum, Sudan, sau một tin đồn điên rồ lan khắp thành phố, cho rằng nếu một người không theo đạo bắt tay một người, thì người đó có thể mất nam tính của mình. “Cái gây ấn tượng cho tôi về câu chuyện,” Steyn viết, “là một chi tiết: sự cuồng loạn lan truyền bởi các điện thoại di động và nhắn tin văn tự. Hãy nghĩ về điều đó: Bạn có thể có một điện thoại di động thế mà vẫn tin cái bắt tay của một người nước ngoài có thể làm dương vật bạn tan mất. Cái gì sẽ xảy ra khi loại tính cách nguyên thuỷ cao cấp về công nghệ đó tiến quá nhắn tin văn tự?”
Đây không phải là một chương về điện thoại di động, vậy vì sao tôi lại nêu các chuyện này ra? Bởi vì suốt từ khi viết về toàn cầu hóa, tôi đã bị các nhà phê bình thách thức theo một đường lối cá biệt: “Liệu trong lí luận của ông có chứa đựng một thứ quyết định luận công nghệ không? Friedman, nếu nghe theo ông, thì có mười lực làm phẳng này, chúng hội tụ và làm phẳng thế giới, và con người không thể làm gì khác ngoài việc cúi đầu trước nó và tham gia cuộc diễu hành. Và sau một thời kì quá độ, ai cũng sẽ trở nên giàu có hơn và thông minh hơn, và tất cả sẽ ổn. Nhưng ông sai rồi, bởi vì lịch sử thế giới cho thấy rằng các lựa chọn về ý thức hệ, và những lựa chọn quyền lực, thường xuyên nảy sinh đối với mọi hệ thống, và quá trình toàn cầu hóa sẽ không khác.”
Đây là câu hỏi xác đáng, nên hãy để tôi trả lời trực tiếp: Tôi là một người theo quyết định luận công nghệ! Nhận tội như bị buộc..
Tôi tin rằng các năng lực tạo ra các ý định. Nếu chúng ta tạo ra một mạng Internet nơi mọi người có thể mở cửa hàng trực tuyến và có được các nhà cung cấp toàn cầu, khách hàng toàn cầu, và đối thủ cạnh tranh toàn cầu, họ sẽ mở cửa hàng, hoặc ngân hàng, hoặc hiệu sách trực tuyến. Nếu chúng ta tạo ra các nền work flow cho phép các công ti chẻ nhỏ bất cứ công việc nào và source nó cho trung tâm tri thức ở bất kì đâu trên thế giới có thể thực hiện công việc đó một cách hiệu quả hơn và với giá thấp hơn, các công ti sẽ thực hiện loại outsoucing đó. Nếu chúng ta tạo ra các điện thoại di động với máy ảnh ở trong, mọi người sẽ dùng chúng cho mọi thứ việc, từ quay bài khi thi cho đến gọi điện cho bà đang ở viện dưỡng lão để chúc sinh nhật lần thứ chín mươi từ đỉnh một ngọn núi ở New Zealand. Lịch sử phát triển kinh tế dạy đi dạy lại điều này: Nếu bạn có thể làm, thì bạn phải làm, nếu không các đối thủ cạnh tranh của bạn sẽ làm – và như cuốn sách này đã cố giải thích, có một vũ trụ hoàn toàn mới của các thứ mà các công ti, đất nước, và cá nhân có thể và phải làm để phát đạt trong một thế giới phẳng.
Nhưng dù tôi có là một người theo quyết định luận công nghệ, tôi không phải là người theo quyết định luận lịch sử. Hoàn toàn không có đảm bảo nào rằng mọi người sẽ sử dụng các công nghệ mới này, hoặc ba sự hội tụ, cho lợi ích của bản thân mình, đất nước mình, hay nhân loại. Đây chỉ là các công nghệ. Sử dụng chúng không làm bạn trở nên hiện đại, thông minh, đạo đức, khôn ngoan, công bằng, hay tử tế hơn. Nó chỉ giúp bạn có khả năng liên lạc, cạnh tranh, và cộng tác xa hơn và nhanh hơn. Khi không có chiến tranh làm thế giới bất ổn, mỗi các công nghệ này sẽ trở nên rẻ hơn, nhẹ hơn, nhỏ hơn và cá nhân, di động, số, và ảo hơn. Do đó, ngày càng nhiều người sẽ tìm ra càng nhiều cách để dùng chúng. Chúng ta chỉ có thể hi vọng là nhiều người hơn ở nhiều nơi hơn sẽ dùng chúng để sáng tạo, cộng tác, và nâng mức sống của họ lên, chứ không phải ngược lại. Song nó không nhất thiết phải xảy ra. Diễn đạt theo cách khác, tôi không biết sự làm phẳng thế giới sẽ dẫn đến đâu.
Thực ra, đây là điểm trong cuốn sách tôi buộc phải thú nhận rằng: Tôi biết là thế giới không phẳng.
Đúng, bạn hiểu đúng tôi: tôi biết là thế giới không phẳng. Đừng lo. Tôi biết.
Dù vậy, tôi chắc chắn là từ bấy lâu nay thế giới đang co lại và phẳng ra, và tiến trình được đẩy nhanh đầy kịch tính trong các năm vừa qua. Hiện nay một nửa thế giới đang tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình làm phẳng hoặc cảm thấy các tác động của nó. Tôi đã làm cho cuốn sách này mang tít Thế giới phẳng một cách phóng túng để thu hút sự chú ý vào sự làm phẳng này và nhịp độ tăng nhanh của nó bởi vì tôi nghĩ đó là xu hướng quan trọng duy nhất trên thế giới ngày nay.
Nhưng tôi cũng chắc chắn ngang thế rằng không phải là không thể tránh khỏi về mặt lịch sử là phần còn lại của thế giới sẽ trở nên phẳng, hay các phần đã phẳng của thế giới không bị chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, hoặc chính trị làm cho không phẳng. Có hàng trăm triệu người trên hành tinh này đã bị quá trình làm phẳng bỏ lại đằng sau hay cảm thấy bị ngợp trước nó, và một số trong số họ có đủ sự tiếp cận đến các công cụ làm phẳng để dùng chúng chống lại hệ thống, chứ không phải nhân danh nó. Sự làm phẳng có thể đi sai đường ra sao là chủ đề của chương này, và tôi tiếp cận nó bằng cách thử trả lời các câu hỏi sau: Các nhóm người, lực lượng, hay vấn đề lớn nhất nào cản trở quá trình phẳng hóa này, và bằng cách nào chúng ta có thể cộng tác tốt hơn để vượt qua chúng?
QUÁ ỐM YẾU
Một lần tôi nghe Jerry Yang, đồng sáng lập Yahoo!, trích câu nói của một quan chức cấp cao chính phủ Trung Quốc, “Nơi nào con người có hi vọng, bạn sẽ có một tầng lớp trung lưu.” Tôi nghĩ đây là sự thấu hiểu rất hữu ích. Sự tồn tại của các tầng lớp trung lưu lớn, ổn định khắp thế giới là quyết định đối với sự ổn định địa chính trị, nhưng tầng lớp trung lưu là một trạng thái tinh thần, chứ không phải một trạng thái thu nhập. Đó là vì sao phần lớn người Mĩ luôn luôn tự miêu tả mình là “tầng lớp trung lưu,” cho dù theo thống kê thu nhập một số người trong số họ không thể được coi như vậy. “Tầng lớp trung lưu” là một cách khác để miêu tả những người tin rằng họ có lối thoát khỏi nghèo nàn hay địa vị thu nhập thấp để hướng tới mức sống cao hơn và một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái họ. Bạn có thể ở tầng lớp trung lưu trong đầu mình dù cho bạn kiếm được 2 $ hay 200 $ một ngày, nếu bạn tin vào độ linh động của xã hội – rằng con cái bạn có cơ hội sống khá hơn bạn – và lao động chăm chỉ và chơi theo các quy tắc của xã hội sẽ khiến bạn đến được nơi nào bạn muốn.
Theo nhiều cách, đường phân cách giữa những người ở trong thế giới phẳng và những người không ở trong đó là đường hi vọng này. Tin tốt lành từ Ấn Độ và Trung Quốc, và các nước của Đế chế Soviet trước đây là, với tất cả các thiếu sót và mâu thuẫn nội tại, các nước này bây giờ là tổ ấm cho hàng trăm triệu người có đủ hi vọng để là tầng lớp trung lưu. Tin buồn từ châu Phi, cũng như nông thôn Ấn Độ, Trung Quốc và Mĩ Latin, và nhiều góc tối của thế giới phát triển, là có hàng trăm triệu người không có hi vọng và do đó không có cơ may để vào tầng lớp trung lưu. Họ không có hi vọng vì hai lí do: hoặc họ quá ốm yếu, hay các chính phủ địa phương quá thất thường đối với họ để tin họ có một lối về phía trước.
Nhóm đầu tiên, những người quá ốm yếu, là những người hàng ngày bị HIV-AIDS, sốt rét, lao, và bại liệt hành hạ, và những người thậm chí không có điện và nước sạch đều đặn. Nhiều trong những người này sống gần thế giới phẳng đến đáng kinh hoàng. Khi ở Bangalore tôi đến thăm một trường thực nghiệm, Shanti Bhavan, hay “Thiên đường hòa bình.” Nó nằm gần làng Baliganapalli, ở tỉnh Tamil Nadu, cách khoảng một giờ xe từ các trung tâm công nghệ cao bằng kính và thép của nội đô Bangalore – một trong những trung tâm đó có tên là “Miền đất Vàng son.” Trên đường đi đến đó, hiệu trưởng ngôi trường, Lalita Law, một người Thiên chúa giáo Ấn Độ nhiệt tình và sắc sảo, giải thích cho tôi, với một sự căm giận ít kiềm chế trong giọng nói, rằng trường có 160 trẻ em, mà bố mẹ đều là các tiện dân sống ở ngôi làng bên cạnh.
“Những đứa trẻ này, bố mẹ chúng làm nghề nhặt rác, bốc vác, và khai thác đá,” bà nói khi chúng tôi nhảy tưng tưng trên chiếc xe jeep trên con đường lồi lõm dẫn đến trường. “Họ sống dưới mức nghèo khổ, thuộc đẳng cấp thấp nhất, các tiện nhân, những người được cho là đang hoàn tất số phận của mình và bị bỏ ở nơi họ sống.
Chúng tôi nhận các đứa trẻ này ở bốn hay năm tuổi. Chúng không biết có nước uống sạch là gì. Chúng quen uống nước rãnh bẩn, nếu chúng may mắn sống gần một cái rãnh. Chúng chưa bao giờ thấy nhà vệ sinh, chúng không tắm… Thậm chí chúng không có mảnh quần áo tử tế. Chúng tôi phải bắt đầu bằng hoà nhập chúng vào xã hội. Khi lần đầu tiên chúng tôi nhận chúng về chúng chạy ra, đái và ỉa bất kì đâu chúng muốn. [Thoạt tiên] chúng tôi không cho chúng ngủ giường, vì với chúng đó là một cú sốc văn hóa.”
Tôi gõ điên rồ ở sau xe jeep trên chiếc laptop của mình để theo kịp lời độc thoại cay độc của bà về cuộc sống ở làng.
“Cái ‘Ấn Độ Sáng ngời’ này [khẩu hiệu của đảng BJP cầm quyền, trong cuộc bầu cử năm 2004] chọc tức những người như chúng tôi,” bà nói thêm. “Ông phải đến các làng thôn quê để thấy Ấn Độ sáng ngời thế nào, và nhìn vào mặt trẻ con để thấy Ấn Độ sáng ngời hay không. Ấn Độ tỏa sáng tốt cho các tạp chí bóng láng, nhưng nếu ông chỉ đi ra ngoài Bangalore ông sẽ thấy mọi thứ về Ấn Độ sáng ngời bị bác bỏ… [Trong các làng] nạn nghiện rượu lan tràn, nạn giết con gái sơ sinh và tội phạm tăng lên. Ông phải đút lót để có điện, nước; ông phải đút lót cho người định thuế để hắn ta định mức thuế nhà chính xác cho ông. Đúng, các tầng lớp trung lưu và cao đang cất cánh, nhưng 700 triệu người còn bị bỏ lại đằng sau, tất cả những gì họ thấy là u ám, tối tăm và tuyệt vọng. Họ sinh ra để tuân theo số mệnh và phải sống theo cách này, chết theo cách này. Cái duy nhất tỏa sáng với họ là mặt trời, mà nó thì nóng, không thể chịu nổi và có quá nhiều người chết vì trúng nóng.” “Con chuột” duy nhất mà những đứa trẻ này từng gặp, bà nói thêm, không phải con chuột bên cạnh máy tính, mà là chuột thật.
Có hàng nghìn làng như thế ở nông thôn Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi, và Mĩ Latin. Và đó là vì sao không ngạc nhiên là trẻ em ở thế giới đang phát triển – thế giới không phẳng – có nguy cơ chết lớn gấp mười lần vì các bệnh có thể phòng chống bằng vaccin hơn là trẻ con trong thế giới phẳng phát triển. Ở các vùng bị nhiễm nhất của nông thôn miền Nam châu Phi, một phần ba phụ nữ có thai được nói là nhiễm HIV. Chỉ riêng dịch AIDS là đủ để làm sụp đổ cả một xã hội: hiện nay nhiều giáo viên ở các nước châu Phi này bị nhiễm AIDS, nên họ không thể dạy học được, và trẻ nhỏ, đặc biệt là con gái, phải bỏ học hoặc vì phải săn sóc bố mẹ ốm yếu sắp chết, hoặc vì bị mồ côi do AIDS và không thể trả tiền học phí. Và không có giáo dục, thanh niên không thể học được cách tự bảo vệ mình khỏi HIV-AIDS hay các bệnh khác, chưa nói đến chuyện học được các kĩ năng nâng cao cuộc sống cho phép phụ nữ kiểm soát tốt hơn cơ thể mình và bạn tình. Viễn cảnh về một đại dịch AIDS tràn lan ở Ấn Độ và Trung Quốc, loại đã làm suy yếu toàn bộ vùng Nam châu Phi, vẫn rất thực, chủ yếu bởi vì chỉ một phần năm số người có nguy cơ nhiễm HIV trên toàn thế giới có được các dịch vụ phòng chống. Hàng chục triệu phụ nữ muốn và có thể hưởng lợi từ nguồn kế hoạch hóa gia đình không có được điều đó vì thiếu tài trợ địa phương. Bạn không thể đẩy tăng trưởng kinh tế ở một nơi 50% người dân bị mắc bệnh sốt rét hoặc một nửa số trẻ con bị suy dinh dưỡng, hoặc một phần ba số bà mẹ sắp chết vì bệnh AIDS.
Không nghi ngờ gì là Trung Quốc và Ấn Độ khấm khá hơn vì chí ít có một phần dân số của họ ở trong thế giới phẳng. Khi các xã hội bắt đầu phồn vinh, bạn sẽ có một vòng thiện: Họ bắt đầu sản xuất đủ thực phẩm để người dân có thể rời khỏi đất đai, nhân công thừa được đào tạo và giáo dục để bắt đầu làm về công nghiệp và dịch vụ; điều đó dẫn đến đổi mới, giáo dục tốt hơn và các trường đại học, các thị trường tự do hơn, tăng trưởng và phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở tốt hơn, ít bệnh tật hơn, và tốc độ tăng dân số thấp hơn. Chính sự năng động đó đang diễn ra ở nhiều phần đô thị Ấn Độ và đô thị Trung Quốc, cho phép người dân cạnh tranh trên một sân chơi bằng phẳng và thu hút hàng tỉ đôla tiền đầu tư.
Nhưng còn có nhiều, rất nhiều người sống ở bên ngoài cái vòng này. Họ sống ở các làng hay vùng nông thôn nơi chỉ có bọn tội phạm mới muốn đầu tư, các vùng nơi bạo lực, nội chiến, và bệnh tật cạnh tranh với nhau để xem cái nào có thể tàn phá dân thường nhiều nhất. Thế giới sẽ chỉ hoàn toàn phẳng khi tất cả những người này được đưa vào đó. Một trong những người hiếm hoi có đủ tiền để tạo ra sự khác biệt dám đứng ra đương đầu là chủ tịch hãng Microsoft Bill Gates, mà quỹ Bill and Melinda Gates Foundation 27 tỉ đôla đã tập trung vào khối dân cư khổng lồ, bị bệnh tật tàn phá, bị tước mất cơ hội này. Nhiều năm tôi đã phê phán một số tập quán kinh doanh của Microsoft, và tôi không hề hối tiếc một từ nào tôi đã viết về một số chiến thuật chống cạnh tranh của nó. Nhưng cam kết cá nhân của Gates dành tiền và nghị lực để đề cập đến thế giới không phẳng làm tôi rất cảm kích. Cả hai lần tôi nói chuyện với Gates, đây là chủ đề ông muốn nói nhất, và nói say mê nhất.
“Không ai tài trợ các thứ cho 3 tỉ người kia cả,” Gates nói. “Ai đó đánh giá chi phí cứu một mạng sống ở Mĩ là 5 hay 6 triệu $ – xã hội chúng ta sẵn sàng tiêu ngần ấy. Bạn có thể cứu được một mạng người bên ngoài Mĩ với ít hơn 100 đôla. Nhưng có bao nhiêu người muốn thực hiện khoản đầu tư đó?
“Nếu chỉ là vấn đề thời gian,” Gates nói tiếp, “anh cũng biết đấy, cứ cho là hai mươi hay ba mươi năm nữa những người kia sẽ đến được đây, và lúc đó sẽ thật tuyệt để tuyên bố rằng toàn bộ thế giới đã phẳng. Nhưng sự thực là, 3 tỉ con người kia đã bị mắc vào một cái bẫy, và họ sẽ không bao giờ lọt vào được cái vòng thiện về giáo dục tốt hơn, sức khỏe tốt hơn, nhiều chủ nghĩa tư bản hơn, nhiều pháp trị hơn, của cải nhiều hơn… Tôi lo rằng sẽ chỉ có một nửa thế giới trở nên phẳng và sẽ vẫn mãi như thế.”
Thử xem bệnh sốt rét, một bệnh do kí sinh trùng mà muỗi mang theo gây ra. Đó là kẻ giết nhiều bà mẹ nhất trên thế giới vào thời điểm hiện nay. Trong khi hầu như bây giờ không còn ai chết vì sốt rét trong thế giới phẳng, vẫn có hơn 1 triệu người chết vì bệnh này mỗi năm trong thế giới không phẳng, trong số đó khoảng bảy trăm nghìn là trẻ em, phần lớn ở châu Phi. Số người chết vì sốt rét đã thực sự tăng gấp đôi trong hai mươi năm qua vì muỗi đã nhờn với nhiều loại thuốc chống sốt rét, và các công ti dược phẩm thương mại đã không đầu tư nhiều vào các loại vaccin chống sốt rét mới vì họ nghĩ là không có thị trường sinh lợi cho họ. Giả như nếu cuộc khủng hoảng này xảy ra tại một đất nước phẳng, Gates nhận xét, hệ thống sẽ hoạt động: Chính phủ sẽ làm những gì cần thiết để khống chế bệnh, các hãng dược phẩm sẽ làm những gì cần để đưa thuốc ra thị trường, trường học sẽ dạy học sinh các biện pháp phòng ngừa, và vấn đề sẽ được loại bỏ. “Nhưng câu trả lời hay ho này hoạt động chỉ khi những người gặp vấn đề cũng có một chút tiền,” Gates nói. Khi quỹ Gates Foundation tặng 50 triệu đôla để chống bệnh sốt rét, ông nói thêm, “người ta nói là chúng tôi vừa đã nhân đôi số tiền [trên toàn thế giới] dành cho việc chống sốt rét… Khi những người có nhu cầu lại không có tiền, thì các nhóm bên ngoài và các quỹ từ thiện phải đưa họ đến điểm nơi hệ thống có thể đóng góp cho họ.”
Tuy vậy, cho đến giờ, Gates lí luận, “chúng ta chưa hề cho những người này một cơ hội [để đi vào thế giới phẳng]. Đứa trẻ được kết nối vào Internet ngày nay, nếu nó tò mò và có một kết nối Internet, cũng [được trao quyền] như tôi. Nhưng nếu nó không có đủ dinh dưỡng, nó sẽ không bao giờ chơi trò đó. Đúng, thế giới đã nhỏ hơn, nhưng chúng ta có thực sự thấy các điều kiện mà người dân sống không? Có phải thế giới vẫn còn khá lớn nên chúng ta không thấy các điều kiện sống thật của người dân, của đứa trẻ mà mạng sống của nó có thể được cứu với 80 đôla?”
Hãy dừng ở đây một lúc và hình dung sẽ có lợi đến thế nào cho thế giới, và cho Mĩ, nếu nông thôn Trung Quốc, Ấn Độ, và châu Phi có thể phát triển thành các nước Mĩ hoặc Liên minh châu Âu nho nhỏ về mặt kinh tế và cơ hội. Nhưng cơ may để họ bước vào được cái vòng thiện như vậy là rất nhỏ nếu không có một sự thúc đẩy nhân đạo thật sự của các doanh nghiệp, các nhà từ thiện và chính phủ của thế giới phẳng để dành nhiều nguồn lực hơn vào các vấn đề của họ. Cách duy nhất để thoát ra là thông qua những cách cộng tác mới giữa các phần phẳng và không phẳng của thế giới.
Năm 2003, quỹ Gates Foundation tung ra một dự án tên là Những Thách thức Lớn về Sức khỏe Toàn cầu. Cái mà tôi thích là cách tiếp cận giải quyết vấn đề của Gates Foundation. Họ không nói, “Chúng tôi, quỹ phương Tây giàu có, sẽ chuyển cho các bạn giải pháp,” và sau đó đưa ra các hướng dẫn và viết vài tấm séc. Họ nói, “Hãy cộng tác theo chiều ngang để định rõ cả vấn đề và giải pháp – hãy tạo ra giá trị theo cách đó – và sau đó [quỹ] sẽ đầu tư tiền vào các giải pháp mà cả hai chúng ta vạch ra.” Do đó Gates Foundation đăng quảng cáo trên Web và các kênh truyền thống hơn khắp thế giới phát triển và đang phát triển, mời các nhà khoa học trả lời cho một câu hỏi lớn: Đâu là những vấn đề lớn nhất mà, nếu khoa học quan tâm và giải quyết được, có thể thay đổi một cách đầy kịch tính nhất số phận của nhiều tỉ người bị sa lầy trong cái vòng luẩn quẩn của trẻ sơ sinh chết, tuổi thọ thấp, và bệnh tật? Quỹ nhận được khoảng tám ngàn trang ý kiến từ hàng trăm nhà khoa học khắp thế giới, kể cả những người được giải Nobel. Sau đó họ chọn lọc trong số chúng và tinh luyện chúng vào một danh sách mười bốn Thách thức Lớn – các thách thức mà một đổi mới công nghệ có thể loại bỏ một rào cản cơ bản đối với việc giải quyết một vấn đề sức khỏe quan trọng ở thế giới đang phát triển. Mùa thu 2003, quỹ công bố mười bốn Thách thức Lớn này khắp thế giới. Chúng gồm như sau: Làm cách nào để tạo ra các vaccin một liều hiệu quả có thể được dùng ngay sau khi sinh, điều chế thế nào các vaccin không đòi hỏi bảo quản lạnh, làm sao để phát triển hệ thống dẫn vaccin không dùng kim [tiêm], làm sao để hiểu kĩ hơn các phản ứng miễn dịch học nào cung cấp sự miễn dịch bảo vệ, làm sao để kiểm soát tốt hơn các côn trùng mang các tác nhân gây bệnh, làm sao để phát triển một chiến lược genetic hay hóa học để làm bất lực số lượng loài côn trùng truyền bệnh, làm sao để tạo ra một dải đầy đủ các chất dinh dưỡng dễ hấp thụ một cách tối ưu trong một loại thực vật chính duy nhất, và làm sao để tạo ra các phương pháp miễn dịch có thể chữa được các bệnh lây nhiễm mãn tính. Trong vòng một năm, quỹ nhận được một nghìn sáu trăm đề xuất các cách giải quyết các thách thức này từ các nhà khoa học ở bảy mươi lăm nước, và giờ đây quỹ đang tài trợ cho các đề xuất tốt nhất với 250 triệu đôla.
“Chúng tôi cố gắng làm được hai điều với chương trình này,” Rick Klausner, trước là người đứng đầu Viện Ung thư Quốc gia, nay điều hành các chương trình sức khỏe cho Gates Foundation, giải thích. “Đầu tiên là [đưa ra] một lời kêu gọi đạo đức cho sự tưởng tượng khoa học, [chỉ ra] rằng có các vấn đề to lớn cần giải quyết mà chúng ta, cộng đồng khoa học, đã bỏ qua, cho dù chúng ta kiêu hãnh về chúng ta mang tính quốc tế đến thế nào. Chúng ta đã không nhận trách nhiệm của mình với tư cách những người giải quyết các vấn đề của toàn thế giới một cách nghiêm túc như bản sắc riêng của chúng ta với tư cách một cộng đồng quốc tế. Chúng tôi muốn các Thách thức Lớn nói rằng những cái này là những thứ kích thích, khêu gợi, khoa học nhất mà bất kì ai trên thế giới cũng có thể làm ngay bây giờ… Ý tưởng là thổi bùng trí tưởng tượng. Điều thứ hai là thực sự hướng một số nguồn lực của quỹ để xem liệu chúng ta có làm được điều đó hay không.”
Căn cứ vào những tiến bộ phi thường về công nghệ trong hai mươi năm qua, rất dễ để nói rằng chúng ta đã có tất cả các công cụ để đối mặt với những thách thức đó và điều duy nhất còn thiếu là tiền. Tôi mong điều đó đúng. Nhưng không phải vậy. Trong trường hợp bệnh sốt rét chẳng hạn, không chỉ có vấn đề thiếu thuốc. Bất kì ai từng đến châu Phi hay vùng nông thôn Ấn Độ đều biết các hệ thống y tế ở các vùng này thường bị đổ vỡ hay hoạt động ở mức rất thấp. Vì vậy Gates Foundation đang cố kích thích việc phát triển thuốc và hệ thống chuyển giao giả sử một hệ thống y tế bị đổ vỡ và do đó có thể được dân thường tại hiện trường tự quản trị một cách an toàn. Đó có thể là thách thức lớn nhất: dùng các công cụ của thế giới phẳng để thiết kế ra các công cụ hoạt động được ở một thế giới không phẳng. “Hệ thống y tế quan trọng nhất trên thế giới là bà mẹ,” Klausner nói. “Làm thế nào bạn đưa được mọi thứ vào tay người mẹ mà bà ta hiểu và có thể có đủ sức [mua] và có thể dùng?”
Bi kịch của tất cả những người này thực sự là một bi kịch kép, Klausner nói thêm. Có bi kịch cá nhân về đối mặt với án tử hình do bệnh tật hay một án chung thân do gia đình tan vỡ và triển vọng hạn chế. Và còn có một bi kịch cho thế giới bởi vì sự đóng góp tuyệt vời bị mất mà tất cả những người vẫn ở ngoài thế giới phẳng này có thể tạo ra. Trong một thế giới phẳng, nơi chúng ta kết nối được mọi nguồn tri thức với nhau, hãy tưởng tượng những người đó có thể mang lại tri thức gì cho khoa học và giáo dục. Trong một thế giới phẳng, nơi sáng tạo có thể đến từ khắp nơi, chúng ta đang để một nguồn khổng lồ những người đóng góp và cộng tác tiềm năng tuột chìm dưới những đợt sóng. Không nghi ngờ gì rằng đói nghèo làm cho sức khỏe đau yếu, nhưng sức khỏe đau yếu cũng nhốt người ta trong nghèo khổ, và đến lượt nó lại làm yếu họ và ngăn họ nắm lấy cái thanh ngang đầu tiên của chiếc thang dẫn tới hi vọng trung lưu. Cho đến khi và trừ khi chúng ta đương đầu được với các thách thức đó, hơn 50% thế giới chưa phẳng đó vẫn tiếp tục vậy – không cần biết 50% còn lại trở nên phẳng ra sao.
QUÁ THIẾU QUYỀN
Không chỉ có thế giới phẳng và thế giới không phẳng. Nhiều người sống ở vùng giáp ranh giữa hai bên. Trong số đó có những người mà tôi gọi là quá thiếu quyền. Họ là một nhóm lớn người dân không bị sự làm phẳng thế giới bao vây hoàn toàn. Không giống người quá ốm yếu, người vẫn còn phải kiếm cơ may để bước vào thế giới phẳng, người quá thiếu quyền là những người mà bạn có thể nói là phẳng một nửa. Họ là những người khỏe mạnh sống ở các nước có các khu vực lớn đã phẳng song không có các công cụ hoặc kĩ năng hoặc cơ sở hạ tầng để tham gia vào một cách có ý nghĩa hoặc bền vững. Họ chỉ có đủ thông tin để biết là thế giới xung quanh mình đang phẳng ra và họ thật sự không thu được bất cứ lợi lộc nào. Trở nên phẳng là tốt nhưng đầy áp lực, là không phẳng thật khủng khiếp và đầy đau đớn, nhưng trở nên nửa phẳng lại có mối lo âu đặc biệt riêng. Dẫu lĩnh vực công nghệ cao phẳng của Ấn Độ là hấp dẫn và nổi bật, đừng có ảo tưởng: Nó chiếm 0,2% việc làm ở Ấn Độ. Cộng thêm những người Ấn Độ dính đến chế tác cho xuất khẩu, bạn có tổng 2% việc làm ở Ấn Độ.
Những người nửa phẳng là hàng trăm triệu người, đặc biệt ở nông thôn Ấn Độ, nông thôn Trung Quốc và nông thôn Đông Âu, những người sống đủ gần để thấy được, chạm được, và đôi khi hưởng lợi từ thế giới phẳng, nhưng bản thân họ không thực sự sống ở trong đó. Chúng ta thấy nhóm người này có thể lớn thế nào và giận dữ ra sao trong các cuộc bầu cử quốc gia Ấn Độ xuân năm 2004, khi đảng cầm quyền BJP bị thất bại một cách đáng ngạc nhiên – dù đã giúp Ấn Độ có được tỉ lệ tăng trưởng cao – chủ yếu vì sự bất mãn của các cử tri nông thôn Ấn Độ đối với nhịp độ toàn cầu hoá chậm chạp ở bên ngoài các thành phố khổng lồ. Những cử tri này không nói, “Ngừng đoàn tàu toàn cầu hóa lại, chúng tôi muốn xuống,” mà nói, “Ngừng đoàn tàu toàn cầu hóa lại, chúng tôi muốn lên, nhưng ai đó phải giúp chúng tôi làm cái bậc lên xuống tốt hơn mới được.”
Các cử tri nông thôn này – nông dân và chủ trang trại, từ đám đông dân cư Ấn Độ – chỉ cần bỏ một ngày vào bất cứ thành phố lớn ở gần nào để thấy các lợi ích của thế giới phẳng: ôtô, nhà cửa, cơ hội học hành. “Mỗi khi một người trong làng xem TV cộng đồng và thấy một quảng cáo xà phòng hay dầu gội đầu, cái mà họ nhận thấy không phải xà phòng hay dầu gội mà là lối sống của những người dùng chúng – kiểu xe gắn máy họ đi, quần áo của họ, và nhà cửa của họ,” Nayan Chanda, biên tập tờ YaleGlobal Online, một người gốc Ấn, giải thích. “Họ thấy một thế giới mà họ muốn vào. Cuộc bầu cử này là về ghen tị và giận dữ. Đó là một trường hợp kinh điển về việc cách mạng bùng nổ khi mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn nhưng không đủ nhanh cho nhiều người.”
Cùng lúc đó, các nông dân Ấn Độ này hiểu được, từ trong lòng, chính xác tại sao cái đó không đến với mình: vì các chính quyền địa phương ở Ấn Độ ăn đút lót quá nhiều, quản lí quá kém, đến mức không thể mang lại trường học và cơ sở hạ tầng mà người nghèo cần để có được phần công bằng của chiếc bánh. Khi một số trong hàng triệu người Ấn Độ ở bên ngoài các cộng đồng đóng cửa nhìn vào hi vọng tiêu tan, “họ trở thành sùng đạo hơn, gắn chặt hơn với đẳng cấp/đẳng cấp dưới của mình, cực đoan hơn trong lối nghĩ của họ, sẵn sàng chụp giật hơn là xây dựng, [và] coi chính trị bẩn thỉu là cách duy nhất để có được sự linh động, vì sự linh động kinh tế đã bị ngăn trở,” Vivek Paul của hãng Wipro nói. Ấn Độ có thể có đội tiên phong công nghệ cao thông minh nhất thế giới, nhưng nếu nó không tìm được cách để đưa những người bất lực, tàn tật, ít giáo dục, và thua thiệt đó đi cùng, thì nó sẽ giống một tên lửa bay lên nhưng mau chóng rơi xuống đất vì thiếu lực đẩy bền vững.
Đảng Quốc đại nắm được thông điệp đó, cho nên ngay khi nắm quyền đã bổ nhiệm thủ tướng không phải là ai đó chống toàn cầu hóa mà là Manmohan Singh, cựu bộ trưởng tài chính Ấn Độ, người đầu tiên năm 1991 đã mở cửa thị trường Ấn Độ cho toàn cầu hóa, chú trọng xuất khẩu, thương mại và cải tổ bán buôn. Và Singh, đến lượt, hứa sẽ tăng rất nhiều đầu tư chính phủ cho hạ tầng cơ sở nông thôn và đem lại nhiều cải tổ bán lẻ hơn cho chính quyền nông thôn.
Những người bên ngoài có thể cộng tác thế nào trong quá trình này? Tôi nghĩ, đầu tiên và trên hết, họ có thể định nghĩa lại chủ nghĩa dân túy toàn cầu. Nếu các nhà dân túy thực sự muốn giúp đỡ dân nghèo nông thôn, cách thức để làm điều đó không phải là đốt các cửa hàng McDonald’s và đóng cửa IMF và cố dựng lên các rào cản bảo hộ, những cái sẽ làm thế giới gồ ghề. Những cái đó không giúp một chút nào cho người nghèo nông thôn. Cần phải tái tập trung sức lực của phong trào dân túy toàn cầu vào làm sao để cải thiện chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng, và giáo dục ở những nơi như nông thôn Ấn Độ và Trung Quốc, để dân chúng ở đó có thể nhận được các công cụ để cộng tác và tham gia trong thế giới phẳng. Phong trào dân túy toàn cầu, được biết đến nhiều hơn như phong trào chống toàn cầu hóa, có rất nhiều năng lực, nhưng cho đến giờ nó quá bị xé lẻ và quá hỗn độn để có thể giúp người nghèo một cách có hiệu quả theo cách có ý nghĩa và bền vững. Nó cần một chính sách phẫu thuật thuỳ não. Người nghèo trên thế giới không căm ghét người giàu đến mức như các đảng cánh tả ở thế giới phát triển tưởng tượng. Cái họ căm ghét là không có bất cứ lối nào để trở nên giàu có và tham gia vào thế giới phẳng và vượt qua đường ngăn để bước vào giới trung lưu mà Jerry Yang nói đến.
Hãy dừng lại một phút ở đây và chỉ ra phong trào chống toàn cầu hóa đã mất tiếp xúc với khát vọng thực của người nghèo trên thế giới ra sao. Phong trào chống toàn cầu hóa nổi lên từ hội nghị của WTO ở Seattle năm 1999 và sau đó lan ra khắp thế giới trong các năm tiếp theo, thường tập hợp để tấn công các cuộc họp của Ngân hàng Thế giới, IMF, và các nước công nghiệp G-8. Từ khởi đầu, phong trào nổi lên ở Seattle chủ yếu là một hiện tượng do phương Tây thúc đẩy, chính vì thế bạn thấy rất ít người da màu trong các đám này. Nó được thúc đẩy bởi năm lực hoàn toàn khác nhau. Một là cánh tự do trung lưu trên của Mĩ có mặc cảm tội lỗi vì sự giàu có và quyền lực khó tin mà Mĩ tích luỹ được sau sự sụp đổ của tường Berlin và cơn sốt dot-com. Ở đỉnh cao của sự bùng nổ thị trường chứng khoán, rất nhiều sinh viên trẻ Mĩ được nuông chiều, mặc quần áo hàng hiệu, bắt đầu quan tâm đến các xưởng mồ hôi [xí nghiệp bóc lột nhân công tàn tệ] như một cách chuộc tội của chúng. Động lực thứ hai là sự thúc đẩy tập hậu của Cánh tả Cũ – những người xã hội chủ nghĩa, vô chính phủ, và Trotskyt – liên minh với các nghiệp đoàn chủ trương bảo hộ. Chiến lược của họ là lợi dụng những lo ngại tăng lên về toàn cầu hóa để đưa trở lại dạng nào đó của chủ nghĩa xã hội, cho dù các tư tưởng này đã bị vứt bỏ, coi như phá sản bởi chính người dân ở Đế chế Soviet trước đây, và ở Trung Quốc, những người đã sống lâu nhất dưới chế độ đó. (Bây giờ bạn biết là không có phong trào chống toàn cầu hóa nào đáng nói đến ở Nga, Trung Quốc, hay Đông Âu.) Các lực lượng Cánh tả Cũ này muốn gây ra một cuộc tranh luận về chúng ta có toàn cầu hóa hay không. Họ đòi được phát biểu nhân danh những người nghèo Thế giới Thứ ba, nhưng các chính sách kinh tế bị phá sản mà họ chủ trương đã biến họ, theo cách nhìn của tôi, thành Liên minh để Giữ Người Nghèo Nghèo mãi. Lực lượng thứ ba là một nhóm vô định hình hơn. Nó gồm nhiều người ủng hộ thụ động phong trào chống toàn cầu hóa từ nhiều nước, bởi vì họ thấy ở nó một kiểu phản đối chống lại tốc độ mà thế giới cũ biến mất và trở nên phẳng.
Lực lượng thứ tư dẫn dắt phong trào, đặt biệt mạnh ở châu Âu và ở thế giới Hồi giáo, là chủ nghĩa bài Mĩ. Sự chênh lệch giữa quyền lực kinh tế và chính trị của Mĩ và của tất cả những người khác sau khi Đế chế Soviet sụp đổ đã lớn đến mức Mĩ bắt đầu – hay cảm thấy – đụng chạm đến cuộc sống của tất cả mọi người trên thế giới, trực tiếp hay gián tiếp, nhiều hơn bản thân chính phủ của họ. Khi mọi người trên thế giới bắt đầu trực cảm điều này, một phong trào nổi lên, mà Seattle vừa phản ánh vừa giúp gây xúc tác, nơi người ta nói, “Nếu bây giờ Mĩ chạm đến cuộc sống của tôi gián tiếp hay trực tiếp nhiều hơn chính phủ tôi, thì tôi cũng muốn có một lá phiếu trong quyền lực Mĩ.” Vào thời ở Seattle, sự “động chạm” mà người ta lo nhất là sức mạnh kinh tế và văn hóa của Mĩ, và do đó đòi hỏi có một phiếu đã có xu hướng tập trung xung quanh các định chế đặt ra quy tắc kinh tế như WTO. Nước Mĩ trong các năm 1990, dưới thời Tổng thống Clinton, được coi như một con rồng to đầu ngu ngốc, bắt nạt người ta trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa, dù có chủ tâm hay không. Chúng ta là bài Phì phò Con Rồng Thần kì*, và người ta muốn có một lá phiếu trong cái chúng ta phì phò.
Rồi ngày 11/9 đến. Và Mĩ tự biến mình từ Hà hơi con Rồng Thần kì, động đến người dân trên toàn thế giới về kinh tế và văn hóa, thành con [quái vật] Godzilla với một cái vòng trên vai, khạc ra lửa và ngoáy đuôi loạn lên, động chạm vào cuộc sống của mọi người về mặt quân sự và an ninh, chứ không chỉ còn là kinh tế và văn hóa. Khi điều đó xảy ra, người dân trên thế giới bắt đầu nói, “Giờ đây chúng tôi thực sự muốn có một lá phiếu cho việc Mĩ sử dụng quyền lực của nó thế nào” – và theo nhiều cách toàn bộ tranh luận về chiến tranh Iraq đã là một cuộc tranh luận thay thế về điều đó.
Cuối cùng, lực lượng thứ năm trong phong trào này là một liên minh của các nhóm hết sức nghiêm túc, có thiện ý, và có tính xây dựng – từ các nhà hoạt động môi trường, các nhà hoạt động thương mại cho đến các NGO quan tâm đến quản trị – những người trở thành bộ phận của phong trào chống toàn cầu hóa mang tính dân túy trong các năm 1990 với hi vọng họ có thể xúc tác một cuộc thảo luận toàn cầu về chúng ta toàn cầu hóa thế nào. Tôi rất kính trọng và cảm tình nhóm cuối cùng này. Nhưng cuối cùng họ đã bị đám có-nên-toàn-cầu-hóa-hay-không lấn át, đám đã bắt đầu biến phong trào thành dữ dội hơn ở cuộc họp thượng đỉnh G-8 tại Genoa tháng Bảy 2001, khi một người phản đối toàn cầu hóa bị giết khi tấn công một chiếc xe jeep của cảnh sát Ý với một bình chữa cháy.
Sự kết hợp ba sự hội tụ, bạo lực ở Genoa, 11/9, và các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn đã làm gãy phong trào chống toàn cầu hóa. Các nhóm toàn-cầu-hóa-thế-nào nghiêm túc hơn không muốn ở cùng [chiến] hào với những kẻ vô chính phủ khiêu khích một sự đụng độ công khai với cảnh sát, và sau 11/9, nhiều nhóm lao động Mĩ không muốn gắn với phong trào có vẻ bị các phần tử chống Mĩ tiếp quản. Điều đó còn trở nên nổi bật hơn khi vào cuối tháng Chín 2001, ba tuần sau 11/9, các nhà lãnh đạo chống toàn cầu hóa tìm cách tái diễn Genoa trên các đường phố Washington, để phản đối các cuộc họp của IMF và World Bank ở đó. Tuy nhiên, sau 11/9, IMF và World Bank đã hủy các cuộc họp của họ, và nhiều người phản đối Mĩ đã lảng đi. Những người xuất hiện trên đường phố Washington đã biến sự kiện thành một cuộc tuần hành chống cuộc xâm lăng Afghnistan sắp tới của Mĩ để truy quét Osama bin Laden và al-Qaeda. Cùng lúc đó, với ba sự hội tụ đã khiến Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Âu trở thành những người hưởng lợi lớn nhất của toàn cầu hóa, không còn có thể cho rằng hiện tượng này tàn phá người nghèo trên thế giới. Hoàn toàn ngược lại: hàng triệu người Trung Quốc và Ấn Độ đã bước vào tầng lớp trung lưu của thế giới nhờ sự làm phẳng thế giới và toàn cầu hóa.
Như thế khi các lực lượng toàn-cầu-hóa-thế-nào trôi dạt đi, và khi số dân Thế giới Thứ ba hưởng lợi từ toàn cầu hóa bắt đầu tăng lên, và khi nước Mĩ dưới chính quyền Bush bắt đầu sử dụng sức mạnh quân sự đơn phương hơn, nhân tố chống Mĩ trong phong trào chống toàn cầu hóa bắt đầu có được một tiếng nói và vai trò to hơn nhiều. Kết quả là bản thân phong trào vừa trở nên chống Mĩ hơn vừa không thể và không sẵn sàng đóng một vai trò xây dựng nào trong việc hình thành cuộc tranh luận toàn cầu về chúng ta toàn cầu hóa thế nào, chính vào lúc vai trò đó thậm chí còn trở nên quan trọng hơn khi thế giới đã phẳng hơn. Như nhà lí luận chính trị học của Đại học Hebrew, Yaron Ezrahi, đã nhận xét rất khéo, “Nhiệm vụ quan trọng về tranh thủ sức mạnh của nhân dân để ảnh hưởng đến chủ nghĩa toàn cầu – làm cho nó từ bi, công bằng, hợp với phẩm giá con người hơn – là quá quan trọng để bị bỏ phí cho chủ nghĩa bài Mĩ ngu đần hay để rơi vào tay của chỉ những kẻ bài Mĩ.”
Có một khoảng trống chính trị mênh mông đang đợi được lấp đầy. Ngày nay có một vai trò thực tế cho một phong trào có thể thúc đẩy chương trình nghị sự về chúng ta toàn cầu hóa thế nào – chứ không phải có nên toàn cầu hóa hay không. Vị trí tốt nhất một phong trào như thế có thể khởi động là nông thôn Ấn Độ.
“Cả [Đảng] Quốc đại và các đồng minh cánh tả của nó sẽ gây rủi ro cho tương lai Ấn Độ nếu rút ra kết luận sai từ cuộc bầu cử [năm 2004] này,” Pratap Bhanu Mehta, đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị ở Delhi, viết trên tờ The Hindu. “Đây không phải là một cuộc nổi loạn chống thị trường, đó là sự phản đối chống nhà nước; đây không phải một sự bực bội chống các lợi ích của tự do hóa, mà là một lời kêu gọi nhà nước dọn nhà mình trật tự thông qua thậm chí nhiều cải cách hơn… Cuộc nổi loạn chống những kẻ cầm quyền không phải là cuộc nổi loạn của người nghèo chống người giàu: người bình thường ít có thiên hướng tức tối thành công của người khác hơn mức các trí thức vẫn tưởng rất nhiều. Đúng hơn đó là một biểu hiện của sự thực rằng cải cách của nhà nước đã chưa đủ xa.”
Chính vì vậy các lực lượng quan trọng nhất đấu tranh chống đói nghèo ở Ấn Độ ngày nay, theo tôi, là các NGO đấu tranh cho sự quản trị địa phương tốt hơn, dùng Internet và các công cụ hiện đại khác của thế giới phẳng để chống tham nhũng, quản lí yếu kém, và trốn thuế. Các nhà dân túy quan trọng, hiệu quả và có ý nghĩa nhất trên thế giới hiện nay không phải là những người bỏ tiền ra. Họ là những người có một chương trình để thúc đẩy cải tổ bán lẻ ở cấp địa phương tại nước mình – khiến cho người bình thường đăng kí đất của mình dễ dàng hơn, cho dù họ là người chiếm đất; mở một công ti, dù nhỏ đến đâu; và có được công lí tối thiểu từ hệ thống pháp lí. Chủ nghĩa dân túy hiện đại, để trở nên hiệu quả và có ý nghĩa, phải là về cải tổ bán lẻ – làm cho toàn cầu hóa khả thi, bền vững, và công bằng cho nhiều người hơn bằng cải thiện sự quản trị địa phương của họ, sao cho tiền đã được đánh dấu cho người nghèo thực sự đến tay họ và sao cho tinh thần kinh doanh tự nhiên của họ có thể được giải phóng. Chính thông qua chính quyền địa phương mà người dân nhập vào hệ thống và hưởng được các lợi ích của thế giới đang phẳng, hơn là chỉ quan sát chúng. Những người dân làng Ấn Độ trung bình không thể như các công ti công nghệ cao và đơn thuần né chính phủ bằng cách [tự] cung cấp điện riêng, nước riêng, an ninh riêng, hệ thống xe bus riêng, và đĩa thu phát vệ tinh riêng của mình. Họ cần nhà nước vì điều đó. Không thể tính đến thị trường bù cho sự thất bại của nhà nước về cung cấp sự quản trị tử tế. Nhà nước phải trở nên tốt hơn. Chính xác bởi vì nhà nước Ấn Độ đã lựa chọn chiến lược toàn cầu hóa năm 1991 và từ bỏ năm mươi năm theo chủ nghĩa xã hội – đã đưa dự trữ ngoại tệ của nó đến gần bằng không – New Delhi năm 2004 đã có dự trữ 100 tỉ $, cho nó nguồn lực để giúp nhiều người dân vào đấu trường phẳng.
Ramesh Ramanathan, một nhà điều hành Citibank gốc Ấn, đã về Ấn Độ để lãnh đạo một NGO tên là Janaagraha, chuyên để cải thiện sự quản trị địa phương, chính xác là loại nhà dân túy chủ nghĩa mà tôi nghĩ đến. “Ở Ấn Độ,” ông nói, “khách hàng của giáo dục công cộng đã gửi đi một tín hiệu về chất lượng giao dịch vụ: bất kì ai có đủ sức để chọn [không tham gia] đều làm vậy. Cũng thế cho chăm sóc sức khoẻ. Căn cứ vào chi phí y tế leo thang, nếu chúng tôi có một hệ thống y tế công cộng vững chắc, phần lớn công dân sẽ chọn dùng nó, chứ không chỉ người nghèo. Cũng vậy đối với đường sá, đường cao tốc, cấp nước, vệ sinh, khai sinh khai tử, thiêu xác, giấy phép lái xe, v.v. Nơi nào chính phủ cung cấp các dịch vụ này, nó [phải là] cho lợi ích của tất cả các công dân. [Nhưng] thực ra, ở một số lĩnh này, như cấp nước và vệ sinh, người nghèo thực tế còn không có được các dịch vụ cơ bản như giới trung lưu và tầng lớp giàu. Thách thức ở đây vì thế là tiếp cận phổ quát.” Kéo các NGO, các tổ chức có thể hợp tác ở mức địa phương, vào để đảm bảo rằng người nghèo có được cơ sở hạ tầng và ngân sách mà họ có quyền được hưởng, có thể có một tác động sâu rộng đến xóa nghèo đói.
Cho nên dù điều này nghe có vẻ kì cục từ tôi, nó hoàn toàn nhất quán với toàn bộ cuốn sách này: Điều thế giới không cần hiện này là để phong trào chống toàn cầu hóa biến mất. Chúng ta đúng cần nó phát triển lên. Phong trào này đã có rất nhiều năng lực và khả năng huy động. Cái nó thiếu là một chương trình mạch lạc để giúp người nghèo bằng cộng tác với họ theo cách có thể thực sự giúp được họ. Các nhóm hoạt động giúp giảm đói nghèo nhiều nhất là các nhóm làm việc mức làng xã địa phương ở các nơi như nông thôn Ấn Độ, châu Phi, và Trung Quốc, để phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng và thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, giáo dục, và quyền sở hữu. Bạn không giúp người nghèo của thế giới bằng mặc đồ hóa trang kiểu rùa và ném đá vào cửa sổ nhà hàng McDonald’s. Bạn giúp họ bằng đưa cho họ các công cụ và thể chế để họ tự giúp mình. Điều đó có thể không hấp dẫn bằng phản đối chống lại các nhà lãnh đạo thế giới trên đường phố Washington hay Genoa, và rất được nhiều chú ý trên kênh CNN, nhưng nó quan trọng hơn rất nhiều. Hãy chỉ hỏi bất kì dân làng Ấn Độ nào thì biết.
Cộng tác chống đói nghèo không chỉ là công việc của các NGO. Nó cũng là của các công ti đa quốc gia. Người nghèo ở vùng nông thôn Ấn Độ, châu Phi, và Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, và có thể kiếm tiền ở đó và phục vụ họ – nếu các công ti sẵn sàng cộng tác theo chiều ngang với người nghèo. Một trong các ví dụ thú vị nhất mà tôi bắt gặp về hình thức cộng tác này là một chương trình do Hewlett-Packard tiến hành. HP không phải là một NGO. HP bắt đầu với một câu hỏi đơn giản: Người nghèo cần gì nhất mà chúng ta có thể bán cho họ? Bạn không thể thiết kế cái này ở Palo Alto; bạn phải cùng sáng tạo với người dùng-khách hàng hưởng lợi. Để trả lời cho câu hỏi đó, HP tạo ra một liên danh công cộng – tư nhân với chính phủ Ấn Độ và chính quyền địa phương ở Andhra Pradesh. Sau đó một nhóm kĩ sư công nhệ của HP tổ chức một loạt đối thoại ở làng Kuppam. Nhóm hỏi người dân ở đó hai điều: Các bạn có hi vọng gì cho 3 và 5 năm tới? và những thay đổi Nào có thể thật sự làm cho cuộc sống các bạn tốt đẹp hơn? Để giúp những người làng (nhiều người mù chữ) trình bày ý kiến, HP sử dụng một khái niệm gọi là trợ giúp đồ hoạ, nhờ đó khi người dân bày tỏ các ước mơ và khát vọng, một hoạ sĩ thị giác mà HP dẫn theo từ Mĩ sẽ vẽ các hình ảnh lên giấy đính trên tường quanh phòng.
“Khi người dân, đặc biệt là những người mù chữ, nói điều gì đó và điều đó được hiển thị ngay lên tường, họ cảm thấy thật sự được xác nhận, và do đó họ hoạt bát hẳn lên và tham gia nhiều hơn,” Maureen Conway, phó chủ tịch HP phụ trách các giải pháp cho thị trường mới nổi, phụ trách dự án này, nói. “Cách đó làm tăng sự tự tin.” Một khi các nông dân nghèo sống ở làng xa xôi được xổ lồng, họ sẽ thật sự bắt đầu khao khát. “Một người nói, ‘Cái chúng tôi thật sự cần ở đây là một sân bay,’” Conway kể lại.
Sau khi hoàn tất các phiên có hình ảnh đó, nhân viên HP dành nhiều thời gian hơn ở trong làng chỉ để xem người dân sống thế nào. Một thứ công nghệ còn thiếu ở đây là nghề ảnh. Conway giải thích: “Chúng tôi nhận ra có một nhu cầu chụp ảnh rất lớn cho mục đích nhận dạng, cho các chứng chỉ, cho các đơn và giấy phép chính phủ, và chúng tôi tự nhủ, ‘Có lẽ có một cơ hội làm ăn nào đó ở đây nếu chúng ta có thể biến người dân ở đây thành thợ chụp ảnh làng.’ Có một hiệu ảnh ở trung tâm Kuppam. Mọi người xung quanh đều [là] nông dân. Chúng tôi nhận ra những người đó có thể đi xe bus từ làng, bỏ ra hai giờ, chụp ảnh, một tuần sau quay lại để lấy ảnh và thấy chúng vẫn chưa xong hay bị hỏng. Thời gian là quan trọng với họ như với chúng ta. Cho nên chúng tôi nói, ‘Đợi đã, chúng ta làm được máy ảnh số và máy in xách tay. Thế thì có vấn đề gì đâu?’ Tại sao HP không bán cho họ một mớ máy ảnh và máy in số? Người dân làng quay trở lại với một câu trả lời hết sức ngắn gọn: ‘Điện.’ Họ không có điện ổn định và có ít tiền để trả.
“Cho nên chúng tôi nói, ‘Chúng ta là nhà công nghệ. Chúng ta sẽ lấy một tấm pin mặt trời, đặt nó lên một cái túi gắn bánh xe và xem liệu có cơ hội kinh doanh cho người dân ở đây, và cho HP không, nếu chúng làm ra một hiệu ảnh di động.’ Đó là cách tiếp cận của chúng tôi. Pin mặt trời có thể nạp điện cho cả máy ảnh và máy in. Sau đó chúng tôi đến một nhóm phụ nữ tự-lực. Chúng tôi lựa ra năm người và nói, ‘Chúng tôi sẽ huấn luyện các chị sử dụng thiết bị này.’ Chúng tôi huấn luyện họ hai tuần. Và bảo, ‘Chúng tôi sẽ cấp cho các chị máy ảnh và các thứ, và chúng tôi sẽ chia thu nhập với các chị trên mỗi tấm ảnh’.” Đây không phải là việc từ thiện. Ngay cả sau khi mua mọi thứ từ HP và chia một phần thu nhập với HP, các phụ nữ trong nhóm nhiếp ảnh đã nhân đôi thu nhập gia đình họ. “Và thực ra mà nói, cái chúng tôi phát hiện ra là chưa đến 50% số ảnh họ chụp là cho mục đích nhận dạng và còn lại là người dân đơn giản muốn chụp ảnh con cái, đám cưới, và chính họ,” Conway nói. Người nghèo cũng thích các album ảnh gia đình như người giàu và sẵn sàng trả tiền cho nó. Chính quyền địa phương cũng lấy các phụ nữ này làm người chụp ảnh chính thức cho các dự án công trình công cộng, khiến cho thu nhập của họ tăng thêm.
Hết chuyện rồi ư? Không hoàn toàn. Như tôi đã nói, HP không phải là một NGO. “Sau bốn tháng chúng tôi nói, ‘Ok, thời gian thử nghiệm đã hết, chúng tôi lấy lại máy ảnh’,” Conway nói. “Và họ nói, ‘Bà điên rồi’.” Thế là HP nói với các phụ nữ rằng nếu họ muốn giữ lại máy ảnh, máy in, và tấm pin mặt trời, họ phải có kế hoạch để trả tiền cho hãng. Cuối cùng họ đề nghị trả 9 $ mỗi tháng, và HP đồng ý. Và giờ đây họ đang mở rộng sang các làng khác. Trong lúc đó, HP đã bắt đầu làm việc với một NGO để đào tạo nhiều nhóm phụ nữ với cùng studio ảnh di động, và ở đây có tiềm năng cho HP bán studio cho các NGO khắp Ấn Độ, tất cả đều dùng mực in và các thứ đi kèm của HP. Và từ Ấn Độ, ai biết sẽ còn ở đâu nữa?
“Họ phản hồi cho chúng tôi về máy ảnh và sự dễ sử dụng,” Conway nói. “Cái nó đã làm để biến đổi niềm tin của phụ nữ là hết sức đáng kinh ngạc.”
QUÁ THẤT VỌNG
M ột trong những hậu quả không lường trước của thế giới phẳng là nó đặt các xã hội và nền văn hóa khác nhau tiếp xúc trực tiếp hơn nhiều với nhau. Nó kết nối người với người nhanh hơn nhiều so với sự chuẩn bị của người dân và các nền văn hóa thường có. Một số nền văn hóa phát triển lên với những cơ hội cộng tác đột nhiên đến mà sự gần gũi toàn cầu làm cho có thể. Các nền văn hóa khác bị đe dọa, thất vọng, và thậm chí bị làm nhục bởi quan hệ gần gũi này, điều, giữa các thứ khác, khiến người dân rất dễ thấy mình đứng ở đâu trên thế giới so với mọi người khác. Tất cả những cái này giúp giải thích sự nổi lên của một trong những lực lượng phi phẳng nguy hiểm nhất ngày nay – những kẻ đánh bom tự sát của Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác, những kẻ đến từ thế giới Hồi giáo và các cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu.
Thế giới Hồi giáo-Arập là một nền văn minh bao la, đa dạng gồm hơn một tỉ người và trải rộng từ Morocco đến Indonesia, từ Nigeria đến ngoại ô London. Thật nguy hiểm khi khái quát hóa về một cộng đồng tôn giáo phức tạp như vậy, được cấu thành từ rất nhiều sắc tộc và quốc tịch đến thế. Nhưng chỉ cần nhìn vào các dòng tin chính trên báo chí mỗi ngày để nhận ra rất nhiều giận dữ và thất vọng dường như đang sôi sục từ thế giới Hồi giáo nói chung và đặc biệt từ thế giới Hồi giáo Arập, nơi nhiều thanh niên dường như bị kích động bởi một sự kết hợp của các vấn đề. Một trong những điều rõ ràng nhất là cuộc xung đột Arập-Israel mưng mủ, và việc Israel chiếm đóng đất đai Palestine và Đông Jerusalem – một nỗi bất bình có ảnh hưởng xúc cảm rất mạnh lên trí tưởng tượng Hồi giáo-Arập và từ lâu làm quan hệ với Mĩ và phương Tây trở nên tồi tệ.
Song đó không phải là lí do duy nhất ấp ủ sự giận dữ ở các cộng đồng này. Sự giận dữ này liên quan đến nỗi thất vọng của người Arập và Hồi giáo vì phải sống, trong rất, rất nhiều trường hợp, dưới các chính phủ chuyên quyền, không chỉ tước mất tiếng nói của người dân đối với tương lai riêng của họ, mà còn tước mất các cơ hội của hàng chục triệu người, đặc biệt là thanh niên, để đạt được đầy đủ tiềm năng của họ thông qua các việc làm tốt và trường học hiện đại. Sự thực rằng thế giới phẳng cho phép người dân so sánh rất dễ dàng hoàn cảnh của họ với người khác chỉ làm cho các nỗi thất của họ vọng sâu sắc thêm.
Một số thanh niên Arập-Hồi giáo này, nam và nữ, đã chọn di cư để tìm các cơ hội ở phương Tây; những người khác chọn cách im lìm chịu đựng ở nhà, hi vọng một loại thay đổi nào đó. Những kinh nghiệm báo chí mạnh nhất mà tôi có từ 11/9 là các cuộc gặp gỡ ở thế giới Arập với một vài trong số những thanh niên này. Vì cột báo với hình của tôi được in bằng tiếng Arập trên tờ liên-Arập hàng đầu, tờ Al-Sharq Al-Awsat có trụ sở ở London, và vì tôi thường xuất hiện trên các chương trình thời sự truyền hình vệ tinh Arập, nhiều người ở phần đó của thế giới biết mặt tôi. Tôi rất kinh ngạc vì số thanh niên Arập và Hồi giáo – nam và nữ – đến bắt chuyện với tôi trên đường phố Cairo hay Vịnh Arập từ 11/9, và nói với tôi đúng điều một thanh niên ở nhà thờ Al-Azhar nói vào thứ Sáu, sau buổi cầu kinh trưa: “Ông là Friedman, phải không?”
Tôi gật đầu bảo đúng.
“Tiếp tục viết những gì mà ông đang viết đi,” anh ta nói. Anh ta muốn nói là viết về tầm quan trọng của việc mang lại nhiều tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và cơ hội hơn cho thế giới Arập-Hồi giáo, để thanh niên có thể phát triển được tiềm năng của họ.
Đáng tiếc, tuy vậy, các thanh niên tiến bộ này không phải là người quyết định mối quan hệ giữa cộng đồng Arập-Hồi giáo và thế giới nói chung hiện nay. Càng ngày mối quan hệ đó càng bị thống trị, bị định đoạt bởi các chiến binh tôn giáo và bọn cực đoan, những kẻ trút nỗi thất vọng trong phần đó của thế giới bằng đơn giản tấn công bất ngờ. Câu hỏi mà tôi muốn khảo sát tỉ mỉ ở đây là: Cái gì đã tạo ra nhóm cực đoan Hồi giáo dữ dội này, và tại sao nó tìm được nhiều sự ủng hộ thụ động đến vậy ở thế giới Arập-Hồi giáo hiện nay – cho dù, tôi tin, đại đa số ở đó không chia sẻ chương trình dữ tợn của các nhóm này hay tầm nhìn tận thế của họ?
Câu hỏi là thích hợp cho một cuốn sách về thế giới phẳng vì một lí do rất đơn giản: Liệu sẽ có một cuộc tấn công mới vào Mĩ cỡ 11/9, hay tệ hại hơn không, các bức tường sẽ mọc lên ở khắp mọi nơi và sự làm phẳng thế giới sẽ bị lùi lại rất, rất lâu.
Đó, tất nhiên, chính xác là cái mà những người Hồi giáo muốn.
Khi những người Hồi giáo cực đoan nhìn sang phương Tây, họ chỉ nhìn thấy sự mở cửa đã khiến chúng ta, trong mắt họ, trở nên suy đồi và bừa bãi. Họ chỉ nhìn thấy sự mở cửa đã tạo nên Britney Spears và Janet Jackson. Họ không nhìn thấy, và không muốn nhìn thấy, sự mở cửa – tự do tư duy và sự thẩm vấn – đã khiến chúng ta trở nên hùng mạnh, sự mở cửa đã tạo ra Bill Gates và Sally Ride. Họ cố tình định nghĩa nó tất cả là suy đồi. Bởi vì nếu sự mở cửa, sự trao quyền cho phụ nữ, và tự do tư duy và sự thẩm vấn là những nguồn thật sự của sức mạnh kinh tế phương Tây, thì thế giới Arập-Hồi giáo không có cơ hội nào. Và những người chính thống và những kẻ cực đoan không muốn thay đổi.
Để đẩy lùi mối đe doạ của sự mở cửa, những kẻ Hồi giáo cực đoan đã, một cách khá chủ ý, chọn tấn công chính cái giữ cho các xã hội mở là mở, đó là đổi mới, và sự làm phẳng, và đó là lòng tin. Khi bọn khủng bố sử dụng các công cụ của cuộc sống bình thường – ôtô, máy bay, giày tennis, điện thoại di động – và biến chúng thành vũ khí của bạo lực không phân biệt, bọn chúng đang làm giảm bớt lòng tin. Chúng ta tin khi chúng ta đỗ xe ở trung tâm thành phố vào buổi sáng bởi vì chiếc ôtô bên cạnh sẽ không phát nổ; chúng ta tin khi chúng ta đến Disney World mà người đàn ông mặc trang phục chuột Mickey không mang một quả bom dưới áo choàng; chúng ta tin khi chúng ta đi máy bay từ Boston đến New York mà người sinh viên ngoại quốc ngồi bên cạnh không định cho nổ đôi giày tennis của anh ta. Không có lòng tin, không có xã hội mở, vì không có đủ cảnh sát để tuần tra mỗi lần mở cửa trong một xã hội mở. Không có lòng tin, sẽ cũng không có thế giới phẳng, bởi vì chính lòng tin cho phép chúng ta phá bỏ những bức tường, hạ hàng rào ngăn, và loại bỏ ma sát ở biên giới. Lòng tin là điều cốt tử đối với một thế giới phẳng, nơi bạn có các chuỗi cung dính đến mười, một trăm, hoặc một nghìn người, đa số họ chưa bao giờ gặp tận mặt nhau. Các xã hội mở càng bị phơi ra cho chủ nghĩa khủng bố không phân biệt, lòng tin càng bị mất đi, và các xã hội mở sẽ càng dựng thêm nhiều bức tường và đào thêm hào sâu thay vào đó.
Những kẻ lập ra Al-Qaeda tự chúng không phải là những người theo tôn giáo chính thống. Tức là bọn họ không chú trọng đơn giản vào mối quan hệ giữa họ và Chúa, và vào các giá trị và chuẩn văn hóa của cộng đồng tôn giáo. Bọn họ là một hiện tượng chính trị nhiều hơn là một hiện tượng tôn giáo. Tôi thích gọi bọn họ là các Islamo-Leninist. Tôi dùng từ “Leninist” để chuyển tầm nhìn không tưởng-toàn trị của al-Qaeda cũng như hình ảnh nó tự có về mình. Như nhà lí luận chính của al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri, diễn đạt, al-Qaeda là một đội tiên phong ý thức hệ, mà các cuộc tấn công của họ vào Mĩ và các mục tiêu khác ở phương Tây được nghĩ ra để huy động và tiếp sinh lực cho quần chúng nhân dân Hồi giáo đứng lên chống lại bọn cai trị thối nát của chính họ, những kẻ được Mĩ hỗ trợ. Giống tất cả các nhà Leninist triệt để, các Islamo-Leninist chắc chắn rằng quần chúng nhân dân Hồi giáo bất mãn sâu sắc với số phận của họ và rằng một hay hai hành động ngoạn mục của jihad chống lại “các cột trụ của chế độ bạo chúa” ở phương Tây sẽ dẫn họ lật đổ các chế độ Arập-Hồi giáo thế tục, phi đạo đức, và bất công đã làm ô uế đạo Hồi. Ở địa vị của họ, các Islamo-Leninist, tuy vậy, không muốn xây dựng thiên đường cho người lao động, mà là một thiên đường tôn giáo. Họ muốn thiết lập một nhà nước Hồi giáo trên cùng lãnh thổ mà đạo Hồi ngự trị ở đỉnh cao nhất, do một caliph, do một lãnh tụ tôn giáo-chính trị tối cao lãnh đạo, người có thể tập hợp toàn bộ người Hồi giáo vào một cộng đồng duy nhất.
Chủ nghĩa Islamo-Leninism, theo nhiều cách, nổi lên từ cùng bối cảnh lịch sử như các ý thức hệ cực đoan châu Âu trong thế kỉ XIX và XX. Chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Marx-Lenin thoát thai từ quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhanh chóng của Đức và Trung Âu, nơi các cộng đồng sống trong các làng liên kết chặt với nhau và trong các đại gia đình, đột nhiên bị tan vỡ, con trai và người cha đi ra thành phố để làm việc cho các công ti công nghiệp lớn. Vào thời quá độ này, thanh niên đặc biệt mất đi ý thức về bản sắc, gốc gác, và phẩm giá cá nhân, được cung cấp bởi các cấu trúc xã hội truyền thống. Trong sự trống vắng đó, xuất hiện Hitler, Lenin, và Mussolini, những người nói với các thanh niên này rằng họ có một câu trả lời cho các cảm giác về sự trục trặc và nhục nhã: Bạn có thể không còn sống ở làng hay thị trấn nhỏ nữa, nhưng bạn vẫn kiêu hãnh, vẫn là những thành viên có phẩm giá của một cộng đồng lớn hơn – giai cấp công nhân, hay dân tộc Aryan.
Bin Laden cũng đề xuất cùng loại câu trả lời ý thức hệ cho thanh niên Arập và Hồi giáo. Người đầu tiên nhận ra tính chất Islamo-Leninist của bọn cướp máy bay 11/9 này – rằng chúng không phải là người theo tôn giáo chính thống mà là các tín đồ của một giáo phái chính trị cực đoan và bạo lực – là Adrian Karatnycky, chủ tịch Freedom House. Trong một bài báo 5-11-2001 của tờ National Review, với tiêu đề “Ngay trước mũi chúng ta”, Karatnycky đưa ra lập luận sau: “Bọn kẻ cướp máy bay chủ chốt… là những đứa trẻ được giáo dục tốt có đặc quyền. Chẳng ai trong số chúng phải chịu thiếu thốn kinh tế trực tiếp hay áp bức chính trị.” Và có vẻ như không ai trong số chúng được nuôi dạy ở một gia đình cá biệt theo tôn giáo chính thống. Quả thực, các thợ máy và phi công hàng đầu của 11/9, như Mohammed Atta và Marwan al-Shehhi, chung nhau một căn hộ ở Hamburg, cả hai đều đi học ở Đại học Kĩ thuật Hamburg-Harburg, có vẻ như cả hai đều được tuyển vào al-Qaeda qua các chi bộ và nhóm cầu kinh – sau khi chúng đã sang châu Âu.
Không ai trong những kẻ âm mưu này được bin Laden tuyển ở Trung Đông rồi cắm vào châu Âu từ nhiều năm trước, Karatnycky nhận xét. Ngược lại, hầu như tất cả bọn họ đều đã tự mình sống ở châu Âu, đã lớn lên xa lạ với xã hội châu Âu xung quanh, bị hút vào một nhóm cầu kinh hay nhà thờ địa phương để tìm sự ấm áp và đoàn kết, trải qua một sự cải biến “tái sinh”, được cực đoan hóa bởi các phần tử Hồi giáo, đi Afghanistan để đào tạo, và rất nhanh, một tên khủng bố đã ra đời. Việc họ phát hiện ra tôn giáo không chỉ là một phần của cuộc tìm kiếm ý nghĩa của cá nhân họ. Nó đi xa hơn trào lưu tôn giáo chính thống nhiều. Bọn họ đã biến đạo Hồi thành một ý thức hệ chính trị, một thứ chủ nghĩa toàn trị tôn giáo. Nếu giả như những kẻ cướp máy bay 11/9 là sinh viên Berkeley vào đầu các năm 1970, chúng có thể trở thành những tay Trotskyt cực đoan. “Để hiểu được những kẻ khủng bố 11 tháng Chín, chúng ta phải ghi nhớ đến hình bóng của nhà cách mạng cổ điển: bị bật khỏi gốc rễ, thuộc tầng lớp trung lưu, một phần được tạo hình bởi cảnh tha hương. Nói một cách khác, đó là hình ảnh Lenin ở Zurich; hay Pol Pot hoặc Hồ Chí Minh ở Paris… Với chúng chủ nghĩa Hồi giáo là một hạt giống cách mạng phổ quát mới, và bin Laden là Sheikh Guevara,” Karatnycky viết. “Cũng giống như những kẻ đứng đầu [tổ chức] Thời tiết Dưới Đất của Mĩ, Bọn Baader-Meinhof của Đức, Lữ Đoàn Đỏ của Ý, và Phái Hồng Quân của Nhật, những kẻ khủng bố Hồi giáo là những kẻ cải đạo từng học đại học, chuyển sang một ý thức hệ tân toàn trị bao quát tất cả mọi thứ.”
Bạn tôi, Abdallah Schleifer, một giáo sư báo chí ở Cairo, thực sự biết Ayman al-Zawahiri, nhân vật số hai của bin Laden và là nhà lí luận chính, khi al-Zawahiri còn là một bác sĩ trẻ trên con đường trở thành một nhà cách mạng Hồi giáo tân Leninist. “Ayman khi còn ở tuổi dậy thì đã bị hấp dẫn bởi một viễn cảnh không tưởng về một nhà nước Hồi giáo,” Schleifer nói với tôi trong một lần thăm Cairo. Nhưng thay vì bị lôi cuốn đến mối quan tâm truyền thống về tôn giáo – quan hệ giữa bản thân và Chúa – al-Zawahiri lại bị cuốn hút đến tôn giáo như một ý thức hệ chính trị. Giống một nhà Marxist hay Leninist triệt để, al-Zawahiri quan tâm đến việc “xây dựng Vương quốc của Chúa trên trái đất,” Schleifer nói, và chủ nghĩa Hồi giáo trở thành chủ nghĩa Marx của hắn – “ý thức hệ không tưởng” của hắn. Và điểm Mohammed Atta gặp al-Zawahira là giao điểm nơi giận dữ và sự tủi nhục gặp ý thức hệ sẽ làm cho nó tốt. “Ayman nói với một người như Mohammed Atta, ‘Anh thấy bất công chưa? Chúng tôi có một hệ thống – một hệ thống, hãy lưu ý, một hệ thống – sẽ cho anh [công bằng], không phải một tôn giáo, vì tôn giáo chỉ mang lại bình yên bên trong.’ Nó không nhất thiết giải quyết được vấn đề xã hội nào. Nhưng [al-Zawahiri] nói chúng tôi có một hệ thống sẽ cho anh sự công bằng. Anh có thấy tuyệt vọng không? Chúng tôi có một hệ thống sẽ giúp anh nở rộ. Hệ thống là cái chúng tôi gọi là chủ nghĩa Hồi giáo – một thứ Hồi giáo ý thức hệ, chính trị hóa cao độ, trong đó nội dung tinh thần – quan hệ cá nhân [với Chúa] – được bỏ khỏi Hồi giáo và thay vào đó, nó được biến thành một ý thức hệ tôn giáo giống như phát xít hay chủ nghĩa cộng sản.” Song không giống các nhà Leninist, muốn dựng triều đại của giai cấp hoàn hảo, giai cấp lao động, và không giống Nazi, muốn dựng triều đại của nòi giống hoàn hảo, nòi giống Aryan, bin Laden và al-Zawahiri muốn dựng triều đại của tôn giáo hoàn hảo.
Không may, bin Laden và các đồng sự của mình thấy việc tuyển mộ lính mới trong thế giới Arập-Hồi giáo là quá dễ. Tôi nghĩ điều đó liên quan, một phần, đến tình trạng nửa phẳng mà nhiều thanh niên Arập-Hồi giáo đang sống, đặc biệt những người ở châu Âu. Họ đã được nuôi dạy để tin rằng đạo Hồi là cách thể hiện hoàn hảo nhất và đầy đủ nhất thông điệp của Chúa và Tiên tri Muhammed là sứ giả cuối cùng và hoàn hảo nhất của Chúa. Đấy không phải là một lời phê phán. Đấy là bản sắc của đạo Hồi. Thế mà, trong một thế giới phẳng, quả là các thanh niên này, đặc biệt những người ở châu Âu, có thể và có nhìn quanh và thấy rằng thế giới Arập-Hồi giáo, trong quá nhiều trường hợp, đã bị rớt lại quá xa so với phần còn lại của thế giới. Nó không sống thịnh vượng hay dân chủ như các nền văn minh khác. Sao lại có thể như thế? các thanh niên Arập và Hồi giáo này phải tự hỏi chính mình. Nếu chúng ta có lòng tin cao hơn, và nếu lòng tin của chúng ta bao hàm cả tôn giáo, chính trị và kinh tế, vì sao những người khác sống sung sướng hơn nhiều?
Đó là một nguồn của sự bất hoà nhận thức thật sự của rất nhiều thanh niên Arập-Hồi giáo – loại bất hoà, và mất lòng tự tôn, thổi bùng sự giận dữ, và dẫn một số trong số họ gia nhập các nhóm bạo lực và bất ngờ đá vào thế giới. Nó cũng là loại bất hoà dẫn nhiều người khác, những người trung bình, thụ động ủng hộ các nhóm cực đoan như al-Qaeda. Lần nữa, sự làm phẳng thế giới chỉ làm sâu sắc thêm sự bất hoà này bằng làm cho sự lạc hậu của vùng Arập-Hồi giáo, so với các nơi khác, là không thể bỏ qua. Không thể bỏ qua đến mức một số trí thức Arập-Hồi giáo đã bắt đầu chỉ ra sự lạc hậu này với sự chân thực tàn bạo và đòi các giải pháp. Họ làm điều này bất chấp các chính phủ toàn trị của họ, thích dùng các phương tiện thông tin đại chúng không để khuyến khích tranh luận thẳng thắn, mà để đổ tất cả vấn đề của họ cho người khác – Mĩ, Israel, hay cho di sản của chủ nghĩa thực dân phương Tây – cho mọi thứ và bất kì ai, trừ ảnh hưởng nặng nề của các chế độ toàn trị này.
Theo Báo cáo Phát triển Con người Arập thứ hai, được viết năm 2003 cho UNDP bởi một nhóm nhà khoa học xã hội Arập dũng cảm, giữa 1980 và 1999, các nước Arập tạo ra 171 bằng sáng chế quốc tế. Chỉ riêng Hàn Quốc trong cùng khoảng thời gian đã đăng kí 16.328 bằng. Hewlett-Packard trung bình đăng kí 11 sáng chế mỗi ngày. Số lượng trung bình các nhà khoa học và kĩ sư làm việc trong ngành nghiên cứu và phát triển tại các nước Arập là 371 trên một triệu người, trong khi mức trung bình thế giới, bao gồm cả các nước ở châu Phi, châu Á và Mĩ Latin, là 979, báo cáo viết. Điều này giúp giải thích vì sao dù cho rất nhiều công nghệ nước ngoài mới được nhập vào thế giới Arập, rất ít được nội hoá hay thay thế bởi các đổi mới Arập. Giữa 1995 và 1996, có đến 25% sinh viên đại học tốt nghiệp tại các nước Arập di cư sang nước phương Tây nào đó. Ngày nay chỉ có 18 máy tính trên 1.000 người dân ở khu vực Arập, so với mức trung bình toàn cầu là 78.3 trên 1.000, và chỉ 1,6% dân cư Arập có truy cập Internet. Trong khi Arập chiếm 5% dân số thế giới, báo cáo viết, họ chỉ tạo ra 1% số sách được xuất bản, mà trong đó tỉ lệ sách tôn giáo cao bất thường – hơn ba lần trung bình thế giới. Trong 88 triệu đàn ông thất nghiệp giữa mười lăm và hai mươi tư tuổi trên toàn thế giới, gần 26% ở vùng Trung Đông và Bắc Phi, theo nghiên cứu của ILO (AP, 26-12-2004).
Cũng nghiên cứu đó cho biết tổng dân số của các nước Arập tăng gấp bốn lần trong vòng năm mươi năm qua, lên gần 300 triệu người, trong đó 37,5% dưới mười lăm tuổi, và 3 triệu người bước vào thị trường lao động mỗi năm. Nhưng ở trong nước không có những công việc tốt, vì môi trường mở cửa, cái bắt buộc phải có để hấp dẫn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy đổi mới tại địa phương đều rất hiếm ở thế giới Arập ngày nay. Cái vòng thiện đó của các trường đại học tạo ra con người và ý tưởng, rồi những con người và ý tưởng đó [kiếm] được tài trợ và tạo ra công việc làm mới, vòng thiện đó đơn giản không tồn tại ở đây. Theodore Dalrymple là một bác sĩ và nhà tâm thần học làm việc ở Anh và phụ trách một mục trên tờ London Spectator. Ông viết một tiểu luận trên City Journal, tờ tạp chí về chính sách đô thị (xuân 2004) về những gì ông học được từ những tiếp xúc của ông với thanh niên Hồi giáo tại các nhà tù Anh. Dalrymple lưu ý rằng hầu hết các trường Hồi giáo ngày nay coi kinh Qu’ran như một văn bản do thần thánh truyền, không để mở cho bất kì phê phán văn học nào hay tái diễn giải sáng tạo nào. Đó là cuốn sách thiêng cần phải thuộc lòng, chứ không phải được thích nghi với các đòi hỏi và cơ hội của cuộc sống hiện đại. Nhưng nếu không có một văn hóa khuyến khích, và tạo không gian cho, sự tái diễn giải sáng tạo như vậy, thì tư duy phê phán và tư duy độc đáo sẽ trở nên khô héo. Điều đó có thể giải thích tại sao rất ít bài báo khoa học ở tầm thế giới được các học giả trích dẫn có xuất xứ từ các trường đại học Arập-Hồi giáo.
Nếu giả như phương Tây biến Shakespeare thành “đối tượng nghiên cứu duy nhất của chúng ta và người chỉ đường duy nhất cho cuộc sống chúng ta,” Dalrymple viết, “thì chúng ta sẽ rơi vào lạc hậu và trì trệ khá nhanh. Và vấn đề là rất nhiều người Hồi giáo muốn cả trì trệ lẫn quyền lực: họ muốn quay trở về với sự hoàn mĩ của thế kỉ XVII và thống trị thế kỉ XXI, như thể họ tin là quyền thừa kế của học thuyết của họ, lời di chúc cuối cùng của Chúa đối với con người. Nếu giả như họ hài lòng ở trong vũng nước đọng thế kỉ XVII, an toàn trong thứ triết học ẩn dật, thì không có vấn đề gì cả cho họ lẫn cho chúng ta; vấn đề của họ, và của chúng ta, là họ muốn thứ quyền lực mà tự do truy vấn ban cho, mà không hề có tự do truy vấn hay triết học và các thể chế để đảm bảo cho sự tự do truy vấn đó. Họ đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc họ từ bỏ thứ tôn giáo yêu dấu của mình, hoặc mãi mãi ở đằng sau tiến bộ kĩ thuật của con người. Cả hai lựa chọn đều không rất hấp dẫn, và sự căng thẳng giữa một bên là sự khát khao quyền lực và thành công trong thế giới hiện đại, với bên kia là mong muốn không từ bỏ tôn giáo, là một căng thẳng có thể được giải toả đối với một số người chỉ bằng cách cho nổ tung mình như các quả bom. Người ta trở nên tức giận khi đối mặt với một tình trạng tiến thoái lưỡng nan khó giải quyết; họ tấn công bất ngờ.”
Quả thực, hãy nói chuyện với giới trẻ Arập và Hồi giáo khắp nơi, sự bất hoà nhận thức này và từ “nhục nhã” luôn luôn xuất hiện rất nhanh trong cuộc trò chuyện. Đã lộ ra khi Mahathir Mohammed đọc diễn văn từ biệt với tư cách thủ tướng Malaysia ngày 16-10-2003 tại cuộc họp thượng đỉnh Hồi giáo do ông chủ trì tại nước mình, ông đưa ra các nhận xét cho các nhà lãnh đạo Hồi giáo xung quanh vấn đề vì sao nền văn minh của họ lại bị làm nhục đến thế – ông dùng từ này năm lần. “Tôi sẽ không liệt kê các trường hợp chúng ta bị nhục,” Mahathir nói. “Phản ứng duy nhất của chúng ta là càng ngày càng tức giận. Những người tức giận không thể suy nghĩ đúng đắn. Có một cảm giác tuyệt vọng giữa các nước Hồi giáo và người dân của họ. Họ cảm thấy không làm được gì đúng cả…”
Sự làm nhục này là mấu chốt. Quan điểm của tôi luôn là chủ nghĩa khủng bố không sinh ra từ sự nghèo tiền bạc. Nó sinh ra từ sự nghèo nàn về phẩm giá. Sự làm nhục là lực ít được coi trọng nhất trong các quan hệ quốc tế và quan hệ giữa con người. Khi người dân hay các quốc gia bị làm nhục, họ sẽ thực sự bùng nổ và tiến hành bạo lực cực đoan. Khi bạn lấy sự lạc hậu kinh tế và chính trị của phần lớn thế giới Arập-Hồi giáo ngày nay, cho thêm sự vĩ đại quá khứ và sự tự ý thức về tính ưu việt tôn giáo, rồi trộn với sự phân biệt đối xử và xa lánh mà các đàn ông Arập-Hồi giáo này đối mặt khi rời quê hương sang châu Âu, hay khi họ lớn lên ở châu Âu, bạn có một li cocktail thù hận mạnh. Như bạn tôi, nhà viết kịch Ai Cập Ali Salem, nói về bọn cướp máy bay 11/9, chúng “đi trên các đường phố cuộc đời, tìm các tòa nhà cao – tìm các tòa tháp để hạ đổ, bởi vì bọn chúng không có khả năng cao như thế.”
Tôi e rằng cảm giác thất vọng này, cái nuôi dưỡng các lính mới của bin Laden, có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn. Ngày xưa, các lãnh tụ có thể tính đến các bức tường, núi non và thung lũng để cản cái nhìn của người dân, giữ họ dốt nát và thụ động về họ đứng ở đâu so với những người khác. Hồi đó bạn chỉ có thể nhìn đến làng bên cạnh. Nhưng khi thế giới trở nên phẳng hơn, người ta có thể nhìn xa hàng dặm và hàng dặm.
Trong thế giới phẳng sự làm nhục được dọn lên [bàn ăn] cho bạn bằng cáp quang. Tôi tình cờ gặp một thí dụ về sự dính líu này đến bản thân bin Laden. Ngày 4-1-2004, bin Laden phát hành thông điệp ghi âm của hắn qua al-Jazeera, mạng truyền hình vệ tinh đóng ở Qatar. Ngày 7 tháng Ba, trang web của Trung tâm Học tập và Nghiên cứu Hồi giáo cho đăng toàn văn. Một đoạn văn đập vào mắt tôi. Nó ở giữa một đoạn trong đó bin Laden nói đến các tội lỗi khác nhau của bọn thống trị Arập, đặc biệt là hoàng gia Saudi.
“Như thế, mọi nước Arập đều chịu sự xuống cấp ở mọi lĩnh vực, trong các vấn đề tôn giáo và thế tục,” bin Laden nói. “Là đủ để biết rằng nền kinh tế của tất cả các nước Arâp yếu hơn nền kinh tế của một nước từng là phần của thế giới [Hồi giáo] chúng ta, khi chúng ta thực sự gắn bó với đạo Hồi. Đất nước đó là Andalusia đã mất. Tây Ban Nha là nước ngoại đạo, song nền kinh tế của nó mạnh hơn kinh tế của chúng ta bởi vì nhà cai trị ở đó chịu trách nhiệm. Ở các nước chúng ta, không có trách nhiệm giải trình hay sự trừng phạt nào, chỉ có tuân lệnh bọn thống trị và cầu nguyện cho họ sống lâu.”
Tóc tôi dựng lên khi đọc đến đó. Tại sao? Bởi vì điều mà bin Laden đang dẫn chiếu đến là Báo cáo Phát triển Con người Arập thứ nhất, công bố vào tháng Bảy 2002, khá lâu sau khi hắn đã trốn khỏi Afghanistan và có khả năng là đi trốn ở trong một hang đá nào đó. Các tác giả Arập của bản báo cáo muốn thu hút sự chú ý của thế giới Arập vào chuyện họ tụt hậu xa đến đâu. Vì vậy họ tìm một nước có GDP hơi nhỉnh hơn so với toàn bộ hai mươi hai nước Arập cộng lại. Khi xem các bảng biểu, nước thích hợp hơn cả là Tây Ban Nha. Có thể là Nauy hay Ý, nhưng Tây Ban Nha có GDP thực sự cao hơn một chút so với toàn bộ các nước Arập cộng lại. Bằng cách nào đó, bin Laden đã nghe hay đọc về Báo cáo Phát triển Con người Arập thứ nhất này, từ hang của hắn. Tất cả những gì tôi biết, hắn có thể đã đọc cột báo của tôi về nó, đó là bài đầu tiên nêu bật bản báo cáo và nhấn mạnh đến so sánh với Tây Ban Nha. Hoặc hắn lấy từ Internet. Bản báo cáo được tải từ Internet khoảng một triệu lần. Vì thế dù hắn ở trong hang đá đâu đó, hắn vẫn lấy được báo cáo này, và kết luận đầy tủi nhục của nó xô thẳng vào mặt hắn – cách so sánh đầy tiêu cực các nước Arập với Tây Ban Nha! Và khi nghe so sánh đó, ở bất kì đâu mà hắn ẩn nấp, bin Laden coi đó như một lời lăng mạ, một sự làm nhục – ý niệm rằng Tây Ban Nha Thiên chúa giáo, một nước từng có thời do người Hồi giáo kiểm soát, nay lại có GDP lớn hơn toàn bộ các nước Arập cộng lại. Các tác giả của báo cáo này đều là người Arập và Hồi giáo; họ không định làm nhục bất kì ai – nhưng đó là cách bin Laden diễn giải nó. Và tôi chắc rằng hắn thu nhận được liều làm nhục đó qua một modem 56K. Bây giờ thậm chí chúng có băng rộng ở Tora Bora.
Và sau khi nhận được liều làm nhục theo cách này, bin Laden và những kẻ mô phỏng hắn đã học cách trả đũa. Muốn hiểu tại sao những kẻ Islamo-Leninist chặt đầu người Mĩ ở Iraq và Arập Saudi rồi tung ảnh lên Internet với cái đầu rỏ máu và thân người không đầu? Đó là vì không có hình thức xử tử nào nhục hơn là chặt đầu. Đó là cách thể hiện sự khinh bỉ nhất với con người đó, với bản thể anh ta hay cô ta. Không phải tình cờ mà các nhóm chặt đầu người Mĩ ở Iraq lại đầu tiên bắt họ mặc cùng loại áo liền quần màu da cam mà các tù nhân al-Qaeda ở Vịnh Guantánamo buộc phải mặc. Họ đã biết các bộ áo liền quần đó qua Internet hoặc truyền hình vệ tinh. Nhưng điều làm tôi sửng sốt là ngay giữa chiến tranh Iraq họ vẫn tìm được chính xác cùng loại áo liền quần sản xuất tại Iraq để bắt tù nhân của họ mặc. Mày làm nhục tao, tao làm nhục mày. Và bạn nghĩ gì về lời nói của lãnh tụ khủng bố Abu Musab al-Zarqawi ở cuộn băng ghi âm được tung ra ngày 11 tháng Chín, 2004, nhân kỉ niệm ba năm 11/9? Hắn nói, “Các chiến binh thần thánh khiến cho liên minh quốc tế phải nếm mùi nhục nhã… các bài học mà từ đó chúng vẫn đang cháy.” Cuộn băng có tên “Danh dự Ở Đâu?”
Như tôi đã nói, tuy vậy, sự thất vọng và sự làm nhục này không hạn chế ở các cánh cực đoan Hồi giáo. Nguyên nhân vì sao những kẻ Islamo-Leninist trở thành những kẻ phản đối hăng hái nhất và to mồm nhất đối với toàn cầu hóa/Mĩ hóa và là mối đe doạ lớn nhất đối với sự làm phẳng thế giới ngày nay không đơn giản là sự hung hăng đặc biệt của họ, mà cũng vì bọn họ có được sự ủng hộ thụ động nào đó khắp thế giới Arập-Hồi giáo.
Một phần, đấy là vì hầu hết các chính phủ trong thế giới Arập-Hồi giáo từ chối không đặt bọn cực đoan này vào một cuộc chiến tư tưởng. Trong khi các chế độ Arập rất tích cực bỏ tù các Islamo-Leninist này khi có thể tìm và bắt được chúng, họ lại rất thụ động trong chống lại chúng bằng một sự diễn giải hiện đại, tiến bộ về Hồi giáo. Điều này là vì hầu hết các nhà lãnh đạo Arập-Hồi giáo này đều không chính đáng. Lên nắm quyền bằng vũ lực, họ không hề có sự tín nhiệm với tư cách những người mang đạo Hồi ôn hoà, tiến bộ, và họ luôn cảm thấy dễ bị tổn thương đối với các giáo sĩ Hồi giáo cứng rắn, tố cáo họ không phải là các tín đồ Hồi giáo tốt. Cho nên thay vì nhận đấu với những kẻ Hồi giáo cực đoan, các chế độ Arập hoặc ném họ vào tù hay tìm cách mua chuộc họ. Điều này để lại một khoảng trống tinh thần và chính trị khủng khiếp.
Nhưng lí do khác cho sự ủng hộ thụ động mà các Islamo-Leninist có được – và sự thực rằng họ có thể huy động được rất nhiều tiền qua các hội từ thiện và nhà thờ trong thế giới Arập-Hồi giáo – là có quá nhiều người tử tế ở đó cảm thấy cùng sự thất vọng và chút tủi nhục mà phần lớn thanh niên nổi giận của họ cảm thấy. Và có tồn tại một sự kính trọng nhất định cho cách những kẻ trẻ tuổi dữ tợn này sẵn sàng đứng lên đương đầu với thế giới, với chính các lãnh tụ của mình và bảo vệ danh dự của nền văn minh của họ. Khi tôi thăm Qatar vài tháng sau 11/9, một bạn của tôi ở đó – một người dịu dàng, sâu sắc, tự do, làm việc cho chính phủ Qatar – thì thầm tâm sự với tôi điều gì đó làm anh lo lắng sấu sắc: “Thằng con trai mười một tuổi của tôi nghĩ bin Laden là một người tốt.”
Tôi tin hầu hết giới trung lưu Arập và Hồi giáo không vui mừng với cái chết của ba nghìn người Mĩ vô tội ngày 11/9. Tôi biết các bạn Arập và Hồi giáo của tôi không. Nhưng nhiều người Arập và Hồi giáo vui mừng với ý nghĩ đã đấm vào mặt Mĩ một cú – và họ ngầm vỗ tay hoan hô người đã làm được điều đó. Họ sung sướng khi thấy ai đó hạ nhục người dân và đất nước mà họ thấy đang làm nhục mình và ủng hộ những gì họ thấy là bất công trong thế giới của mình – bất kể đó là việc Mĩ hậu thuẫn các ông vua và nhà độc tài Arập để họ xuất khẩu dầu sang đó hay việc Mĩ hậu thuẫn Israel bất luận nó làm các việc đúng hay sai.
Phần lớn người da đen Mĩ, tôi chắc, không nghi ngờ gì việc O. J. Simpson đã giết vợ cũ, nhưng họ vỗ tay khi anh ta được trắng án, như một cái gai trong mắt Sở cảnh sát Los Angeles và cả một hệ thống pháp lí mà họ nghĩ là thường xuyên làm nhục và đối xử không công bằng với họ. Sự làm nhục khiến người ta nghĩ vậy. Bin Laden với đám đông người Arập là cái O. J. là đối với nhiều người Mĩ da đen – cái gai họ chọc vào mắt của một nước Mĩ “bất công” và các nhà lãnh đạo của họ. Một lần tôi đã phỏng vấn Dyad Abou Jahjah, thường được gọi là Malcolm X của giới trẻ Morocco bị xa lánh của nước Bỉ. Tôi hỏi anh ta và các bạn anh nghĩ gì khi họ thấy Trung tâm Thương mại Thế giới đổ. Anh ta nói, “Tôi nghĩ nếu chúng tôi trung thực với mình, hầu hết người Hồi giáo trên thế giới đều cảm thấy… Mĩ bị đánh vào mặt và điều ấy không thể là tồi được. Tôi không muốn có một câu trả lời trí tuệ nào cho điều đó cả. Tôi nghĩ rất đơn giản. Mĩ đã đá đít chúng tôi suốt năm mươi năm. Và thực rất tệ. Hậu thuẫn những kẻ hay bắt nạt ở khu vực, cho dù là Israel hay các chế độ của riêng chúng tôi, [Mĩ] không chỉ đấm chảy máu mũi chúng tôi, mà còn vặn gãy không ít cổ của chúng tôi.”
Hệt như suy thoái kinh tế Mĩ trong các năm 1920 và 1930 đã làm cho nhiều người Mĩ bình thường, thông minh, có suy nghĩ trở thành người ủng hộ thụ động hoặc chủ động của chủ nghĩa cộng sản, cũng thế suy thoái kinh tế, quân sự, và cảm xúc gây nhục nhã của thế giới Arập-Hồi giáo đã làm cho quá nhiều người Arập và Hồi giáo bình thường, thông minh, có suy nghĩ, trở thành người ủng hộ thụ động của chủ nghĩa bin Laden.
Cựu bộ trưởng thông tin Kuwait, tiến sĩ Sa’d Bin Tefla, một nhà báo, viết một tiểu luận trên tờ báo tiếng Arập tại London Al-Sharq Al-Awsat nhân dịp kỉ niệm ba năm ngày 11 tháng Chín với tít “Tất cả Chúng ta Đều là bin Laden,” đi thẳng vào điểm này. Ông hỏi tại sao các học giả và giáo sĩ Hồi giáo lại nhiệt tình ủng hộ án fatwa kết tội chết Salman Rushdie vì đã viết một cuốn tiểu thuyết được cho là báng bổ, cuốn Những vần thơ của quỷ Satan, thêu dệt các chủ đề về Tiên tri Muhammed, nhưng ngày nay không giáo sĩ Hồi giáo nào ra án fatwa kết tội Osama bin Laden vì tội giết ba nghìn người dân thường vô tội. Sau án fatwa chống Salman Rushdie, người Hồi giáo đã tụ tập phản đối chống cuốn sách trước cửa đại sứ quán Anh khắp nơi trong thế giới Hồi giáo và đốt hình nộm Salman Rushdie cùng với sách của ông. Chín người đã bị giết trong một cuộc phản đối Rusdhie ở Pakistan.
“Các quyết định pháp lí tôn giáo thay nhau được phổ biến cấm sách của Salman Rushdie và kêu gọi giết ông,” Bin Tefla viết. “Iran đặt giải 1 triệu đôla cho bất kì ai thực hiện được fatwa của Iman Khomeini và giết Salman Rushdie.” Thế còn bin Laden? Không gì hết – không có kết án. “Dù cho bin Laden quả là đã giết hàng nghìn người vô tội nhân danh tôn giáo của chúng ta và dù cho thiệt hại mà hắn gây cho người Hồi giáo ở khắp mọi nơi, và đặc biệt đối với những người Hồi giáo vô tội ở phương Tây, những người có cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều so với cuộc sống của người Hồi giáo ở các vùng đất đạo Hồi, cho đến giờ vẫn chưa có án fatwa nào được đưa ra để kêu gọi giết bin Laden, viện cớ rằng bin Laden vẫn tuyên bố ‘không có Chúa nào khác ngoài Allah’,” Tefla viết. Tồi tệ hơn, ông viết thêm, các kênh truyền hình vệ tinh Arập và Hồi giáo đã “cạnh tranh nhau để phát các bài thuyết giáo và fatwa [của bin Laden], thay cho ngăn chặn sự truyền bá chúng như ở họ đã làm trong trường hợp sách của Salman Rushdie… Với lập trường lập lờ của chúng ta về bin Laden, ngay từ đầu chúng ta đã để cho thế giới ấn tượng rằng tất cả chúng ta đều là bin Laden.”
Đức bị nhục nhã sau Thế chiến I, nhưng nó có nền tảng kinh tế hiện đại để sản xuất và đáp lại sự làm nhục đó – ở dạng của Đế chế Thứ Ba. Ngược lại, thế giới Arập không thể tạo ra được một câu trả lời trọng thể cho sự tủi nhục của mình. Thay vào đó, nó đã làm sân khấu thế giới bối rối trong năm mươi năm qua, với hai nhân vật khoác lác, hơn là các nhà nước, lí thuyết gia chính trị Yaron Ezrahi nhận xét: Một là bộ trưởng dầu khí Saudi, Ahmed Zaki Yamani, người kia là Osama bin Laden. Mỗi người đã đạt sự khét tiếng toàn cầu, mỗi người trong thời gian ngắn đã nắm được thế giới trong lòng bàn tay mình – một người bằng sử dụng dầu mỏ như một vũ khí, kẻ kia sử dụng thứ bạo lực tự sát phi truyền thống có thể tưởng tượng được. Mỗi người đều tạo ra một “đỉnh cao” tạm thời cho thế giới Arập-Hồi giáo, cảm giác đang hành xử quyền lực trên vũ đài thế giới. Nhưng bin Laden và Yamani chỉ là những ảo tưởng về quyền lực, Ezrahi lưu ý: vũ khí dầu mỏ của Saudi là quyền lực kinh tế không có năng suất, và vũ khí chủ nghĩa khủng bố của bin Laden là một lực lượng quân sự không có một quân đội, nhà nước, nền kinh tế, và động lực đổi mới thật sự để hỗ trợ.
Cái làm cho chủ nghĩa Yamani và chủ nghĩa bin Laden rất không may với tư cách các chiến lược cho ảnh hưởng Arập lên thế giới là, chúng bỏ qua các tấm gương bên trong nền văn hóa và văn minh Arập – khi còn ở đỉnh cao – về kỉ luật, lao động chăm chỉ, tri thức, thành tựu, truy vấn khoa học, và chủ nghĩa đa nguyên. Như Nayan Chanda, biên tập tờ YaleGlobal Online, đã chỉ ra cho tôi, chính thế giới Arập-Hồi giáo đã sinh ra đại số và số học, cả hai thuật ngữ đều xuất phát từ các từ Arập. Nói cách khác, Chanda lưu ý, “Toàn bộ cuộc cách mạng thông tin hiện đại, được xây dựng dựa rất nhiều vào các thuật toán, có thể truy gốc rễ của nó về văn minh Arập-Hồi giáo và các trung tâm học tập lớn của Baghdad và Alexandia,” các nơi đầu tiên đưa ra các khái niệm này, rồi chuyển chúng sang châu Âu qua Tây Ban Nha Hồi giáo. Người Arập-Hồi giáo có một truyền thống văn hóa và văn minh phong phú đến khó tin, với các giai đoạn thành công và đổi mới dài dẫn đến cảm hứng và tấm gương cho giới trẻ. Họ có đầy đủ những tài nguyên cần thiết cho hiện đại hóa về mặt văn hoá riêng của họ, nếu họ muốn kêu gọi chúng.
Đáng tiếc, có sự kháng cự to lớn đối với sự hiện đại hóa như vậy từ các lực lượng ngu dân độc đoán và tôn giáo bên trong thế giới Arập-Hồi giáo. Chính vì thế khu vực này sẽ được giải phóng, và cảm thấy được trao quyền thực sự, chỉ nếu nó hoàn tất cuộc chiến tư tưởng của riêng nó – và những người ôn hòa ở đó chiến thắng. Chúng ta đã có một cuộc nội chiến tư tưởng ở Mĩ khoảng 150 năm trước – các tư tưởng về khoan dung, đa nguyên, phẩm giá con người, và công bằng. Điều tốt nhất mà những người ngoài có thể làm cho thế giới Arập-Hồi giáo hiện nay là cố cộng tác với các lực lượng tiến bộ của nó theo mọi cách có thể – từ thử giải quyết xung đột Arập-Israel, ổn định Iraq, cho đến kí các hiệp định tự do thương mại với càng nhiều nước Arập càng tốt – để thúc đẩy một cuộc chiến tư tưởng tương tự bên trong nền văn minh của họ. Không có con đường nào khác. Nếu không thì khu vực này có thể trở thành một lực gây không phẳng khổng lồ. Chúng ta phải mong cho những người tốt ở đó sung túc. Nhưng cuộc chiến sẽ là cuộc chiến cho họ để đấu tranh và chiến thắng. Không ai có thể làm việc đó thay họ.
Không ai đã bày tỏ những gì cần thiết hay hơn Abdel Rahman al-Rashed, tổng giám đốc kênh tin tức al-Arabiya đóng ở London. Là một trong những nhà báo Arập nổi tiếng nhất và được kính trọng nhất ngày nay, ông từng viết như sau, trên tờ Al-Sharq Al-Awsat (6-9-2004), sau một loạt sự kiện dữ dội dính đến các nhóm Hồi giáo cực đoan từ Chechnya đến Arập Saudi đến Iraq: “Sự tự chữa bệnh bắt đầu với sự tự thực hiện tiềm năng và thú nhận. Do đó chúng ta nên chạy theo các đứa con trai khủng bố của chúng ta, với hiểu biết đầy đủ rằng chúng là những quả nho chua của một nền văn hóa bị biến dạng… Nhà thờ thường là một nơi trú, và tiếng nói tôn giáo thường là tiếng nói của hòa bình và hòa giải. Các bài thuyết giáo đã là các mệnh lệnh nồng ấm cho một trật tự đạo đức và một cuộc sống đạo lí. Rồi xuất hiện tân Hồi giáo. Một tôn giáo trong trắng và nhân từ, với những câu thơ cấm chặt cây trừ trường hợp khẩn cấp, gọi giết người là tội ác ghê tởm nhất, công khai tuyên bố nếu giết một người là đã giết toàn bộ nhân loại, tôn giáo đó đã biến thành một thông điệp toàn cầu về hận thù và một lời kêu gọi chiến tranh phổ biến… Chúng ta không thể làm sạch tên mình đi trừ khi thú nhận sự thật đáng xấu hổ rằng chủ nghĩa khủng bố đã trở thành một công việc Hồi giáo; một độc quyền hầu như độc nhất, được đàn ông và phụ nữ Hồi giáo thực hiện. Chúng ta không thể chuộc lỗi cho giới trẻ cực đoan của chúng ta, đã phạm phải tất cả các tội ác đáng ghê tởm này, mà không đối đầu với các Sheikh nghĩ là cao quý để tái hư cấu mình như các nhà lí luận cách mạng, sai con trai và con gái người khác đến cái chết chắc chắn, trong khi gửi con cái của riêng mình sang các trường đại học và phổ thông châu Âu và Mĩ.”
QUÁ NHIỀU XE TOYOTA
Các vấn đề của những người quá ốm yếu, quá thiếu quyền, và quá bị làm nhục, tất cả theo cách riêng của mình đều cản trở thế giới trở nên phẳng hoàn toàn. Chúng thậm chí còn có thể như vậy nhiều hơn trong tương lai, nếu không được đề cập một cách thích hợp. Nhưng một rào cản khác đối với sự làm phẳng thế giới đang nổi lên, một rào cản không phải là một ràng buộc con người mà là một ràng buộc tài nguyên thiên nhiên. Nếu hàng triệu người từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mĩ Latin, và Đế chế Soviet trước đây, từng sống hoàn toàn bên ngoài thế giới phẳng, tất cả bắt đầu bước vào sân chơi thế giới phẳng cùng một lúc – và tất cả đến cùng với giấc mơ của mình về ôtô, nhà ở, tủ lạnh, lò vi sóng và máy nướng bánh mì – chúng ta sẽ phải trải qua hoặc một sự thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng hoặc, tồi tệ hơn, các cuộc chiến tranh về năng lượng, cái có thể có một tác động không làm phẳng sâu sắc lên thế giới.
Như tôi đã nói ở trước, tôi đến Bắc Kinh vào mùa hè 2004 cùng vợ và con gái còn ở tuổi vị thành niên của tôi, Natalie. Trước khi chúng tôi rời khỏi nhà, tôi nói với Natalie, “Con sẽ thật sự thích thành phố đó. Ở đấy có đường đi xe đạp rất to ở các tuyến phố chính. Có thể khi đến đó chúng ta sẽ thuê xe đạp để đi vòng quanh Bắc Kinh. Lần trước bố đã làm như vậy, vui lắm.”
Tội nghiệp Tom. Tôi đã không đến Bắc Kinh trong ba năm, và chỉ trong khoảng thời gian ngắn đó sự tăng trưởng bùng nổ ở đây đã xoá sạch nhiều đường cho xe đạp quyến rũ đó. Chúng đã bị teo lại hay bị bỏ đi để thêm một làn cho ôtô và xe bus. Lần duy nhất tôi đạp xe ở đó là trên chiếc xe đạp tập thể lực ở khách sạn, do phải ngồi quá nhiều trên ôtô mắc kẹt trong những lần tắc xe ở Bắc Kinh. Tôi ở Bắc Kinh để dự một hội nghị kinh doanh quốc tế, và khi ở đó tôi phát hiện tại sao tất cả xe đạp đã biến mất. Theo một diễn giả ở hội nghị, khoảng ba mươi ngàn ôtô mới thêm vào đường phố Bắc Kinh mỗi tháng – một ngàn ôtô mới một ngày! Tôi thấy con số đó khó tin đến mức tôi phải nhờ Michael Zhao, một nghiên cứu viên trẻ ở văn phòng Bắc Kinh của báo Times, để kiểm tra lại thông tin, và anh viết e-mail trả lời tôi như sau:
Chào Tom, hi vọng là anh khỏe. Về câu hỏi của anh về mỗi ngày có thêm bao nhiêu ôtô mới ở Bắc Kinh, tôi đã tìm kiếm trên Internet và thấy rằng… số xe bán ra tháng Tư 2004 [ở Bắc Kinh] là 43.000 ôtô – tăng 24,1% so với cùng kì năm ngoài. Như thế có thêm 1.433 xe [mỗi ngày] ở Bắc Kinh, nhưng kể cả bán xe cũ. Số lượng xe mới bán ra tháng này là 30.000 chiếc, hoặc mỗi ngày thành phố có thêm 1.000 chiếc. Tổng số xe bán được từ tháng Giêng đến tháng Tư là 165.000 chiếc, tức là thêm khoảng 1.375 chiếc mỗi ngày cho Bắc Kinh trong giai đoạn này. Số liệu này lấy từ Sở Thương mại Thành phố Bắc Kinh. Số thống kê của sở cho biết tổng số ôtô bán được năm 2003 là 407.649 chiếc, hay 1.117 xe mỗi ngày. Số xe mới bán ra năm vừa rồi là 292.858 chiếc, hay 802 xe mới mỗi ngày… Tổng số ôtô của Bắc Kinh là 2,1 triệu chiếc… Nhưng các tháng gần đây dường như doanh số bán ra tăng hẳn lên. Cũng đáng chú ý là trong đợt nổ ra bệnh SARS năm ngoái, rất nhiều gia đình mua ôtô trong thời kì đó, do sự hốt hoảng về sự tiếp xúc công cộng và một loại tâm tính hưởng thụ cuộc sống do ngày tận thế khơi dậy. Và nhiều người chủ xe mới tha hồ hưởng thụ thú lái xe, vì giao thông thành phố được cải thiện đáng kể do rất nhiều người tự nhốt mình ở nhà, không dám ra ngoài. Kể từ đó, đi đôi với việc giảm giá ôtô do Trung Quốc cam kết cắt giảm thuế quan sau khi gia nhập WTO, một số lượng lớn các gia đình đã đẩy sớm kế hoạch mua xe của mình, cho dù một số khác quyết định đợi đến khi giá xe giảm nữa. Chúc mọi sự tốt lành, Michael.
Như ghi chép của Michael cho biết, bạn có thể thấy tầng lớp trung lưu Trung Quốc nổi lên ngay trước mắt bạn, và nó sẽ có hiệu ứng lan toả to lớn về năng lượng và môi trường. Giấc mơ Lớn Trung Quốc, giống như Giấc mơ Lớn Ấn Độ, Giấc mơ Lớn Nga, và Giấc mơ Lớn Mĩ, được xây dựng quanh một lối sống năng lượng ở mức cao, điện ở mức cao, thiên hướng tinh thần cao. Diễn đạt theo cách khác, ba mươi nghìn chiếc ôtô mới mỗi tháng ở Bắc Kinh, và đám mây khói bụi bao trùm thành phố rất nhiều ngày, và sự thực rằng trang Web chính thức của thành phố theo dõi những ngày “trời xanh”, tất cả đều chứng tỏ sự tàn phá môi trường có thể nảy sinh từ ba sự hội tụ – nếu các loại năng lượng sạch thay thế có thể tái tạo không sớm được phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới, mười sáu trong hai mươi thành phố ô nhiễm nhất thế giới là ở Trung Quốc rồi, và sự ô nhiễm và xuống cấp môi trường đó cùng nhau mỗi năm gây tổn thất cho Trung Quốc 170 tỉ $ (The Economist, 21-8-2004).
Và chúng ta còn chưa thấy gì. Trung Quốc, với trữ lượng dầu và khí của mình, đã từng là một nhà xuất khẩu ròng. Không còn thế nữa. Năm 2003 Trung Quốc vươn lên trước Nhật để trở thành nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, sau Mĩ. Hiện nay khoảng 700 đến 800 triệu người trong 1,3 tỉ dân Trung Quốc còn sống ở nông thôn, song họ đang hướng đến thế giới phẳng, và dự kiến khoảng một nửa cố di cư vào các thành phố trong hai thập kỉ tới, nếu tìm được việc làm. Điều này sẽ dẫn tới sự trào dâng cầu khổng lồ về ôtô, nhà, sắt thép, nhà máy điện, trường học, nhà máy xử lí nước thải, lưới điện – hệ luỵ lượng năng lượng của nó là vô tiền khoáng hậu trong suốt lịch sử Hành tinh Trái đất, dù tròn hay phẳng.
Tại hội nghị kinh doanh mà tôi tham gia ở Bắc Kinh, tôi nghe nhiều người nói về Eo biển Malacca – eo biển hẹp nối Malaysia và Indonesia, do hải quân Mĩ tuần tra, kiểm soát toàn bộ lưu lượng các tàu chở dầu từ Trung Đông đến Trung Quốc và Nhật. Tôi chưa nghe bất kì ai nói về Eo biển Malacca kể từ các cuộc khủng hoảng dầu các năm 1970. Nhưng rõ ràng các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc đã ngày càng quan tâm đến việc Mĩ có thể bóp cổ nền kinh tế Trung Quốc bất kì lúc nào bằng đơn giản đóng cửa Eo biển Malacca, và mối đe dọa này giờ đây ngày càng được tranh luận nhiều và công khai trong giới quân sự Trung Quốc. Nó chỉ là một ám chỉ nhỏ về cuộc đấu tranh vì quyền lực – quyền lực năng lượng – cái có thể xảy ra nếu Giấc mơ Lớn Mĩ, Giấc mơ Lớn Trung Quốc, Giấc mơ Lớn Ấn Độ và Giấc mơ Lớn Nga được cho là loại trừ nhau về mặt năng lượng.
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay gồm hai thứ: ngăn chặn Đài Loan trở thành độc lập và tìm kiếm dầu mỏ. Hiện tại Trung Quốc bị ám ảnh bởi việc tìm nguồn cung cấp dầu độc lập từ các nước không thể trả đũa Trung Quốc nếu nó xâm lấn Đài Loan, và điều này dẫn Trung Quốc đến thân thiện với một số chế độ tồi tệ nhất thế giới. Chính phủ Hồi giáo chính thống Sudan hiện cung cấp cho Trung Quốc 7% cung dầu của nó và Trung Quốc đã đầu tư 3 tỉ $ vào hạ tầng khai thác dầu ở đó.
Tháng Chín 2004, Trung Quốc dọa phủ quyết một biện pháp của Liên Hợp Quốc áp đặt trừng phạt lên Sudan vì nạn diệt chủng do nó gây ra ở tỉnh Darfur. Tiếp theo Trung Quốc chống lại mọi biện pháp nói đến các mưu đồ hiển nhiên của Iran trong việc phát triển nhiên liệu loại vũ khí hạt nhân ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Iran cung cấp 13% cung dầu của Trung Quốc. Cùng lúc, như tờ Daily Telegraph đưa tin (19-11-2004), Trung Quốc bắt đầu khoan thăm dò khí đốt ở Biển Đông, ngay phía Tây đường mà Nhật Bản coi là biên giới của mình: “Nhật Bản phản đối, không có kết quả, dự án đó phải là một dự án chung. Hai bên bắt đầu đụng độ về trữ lượng lớn dầu của Nga. Trung Quốc tức tối vì Nhật vượt trội hơn trong trận chiến để xác định đường dẫn dầu mà Nga định xây đến Viễn Đông.” Cùng lúc được tường thuật rằng một tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc đã tình cờ đi lạc vào lãnh hải Nhật. Chính phủ Trung Quốc xin lỗi vì “lỗi kĩ thuật.” Nếu bạn tin điều đó, thì tôi có một giếng dầu ở Hawaii muốn bán cho bạn…
Năm 2004, Trung Quốc bắt đầu cạnh tranh với Mĩ về các cơ hội thăm dò dầu mỏ ở Canada và Venezuela. Nếu Trung Quốc có cách của mình, nó sẽ cắm một cái vòi vào Canada và Venezuela để hút đi từng giọt dầu một, việc đó sẽ có một hiệu ứng phụ khiến Mĩ càng phụ thuộc hơn vào Arập Saudi.
Tôi đã phỏng vấn một nhà quản lí Nhật của một công ti đa quốc gia lớn của Mĩ có trụ sở ở Đại Liên, Đông Bắc Trung Quốc. “Trung Quốc đang đi theo con đường của Nhật Bản và Hàn Quốc,” người giám đốc nói, với điều kiện không nêu tên anh và tên công ti anh, “và câu hỏi lớn là, thế giới Có Thể đủ sức để có 1,3 tỉ người đi theo con đường đó, lái cùng các xe ôtô và dùng cùng một lượng năng lượng? Cho nên tôi nhìn thấy sự phẳng hóa, nhưng thách thức của thế kỉ XXI là, chúng ta có Sẽ vấp phải một cuộc khủng hoảng dầu mỏ nữa hay không? Khủng hoảng dầu mỏ các năm 1970 trùng với sự vươn lên của Nhật Bản và châu Âu. [Đã có lúc] Mĩ là nhà tiêu thụ dầu lớn duy nhất, nhưng khi Nhật Bản và châu Âu xuất hiện, OPEC liền có quyền lực. Nhưng khi Trung Quốc và Ấn Độ cũng trở thành nhà tiêu thụ, sẽ có một thách thức vô cùng lớn ở tầm vóc khác. Đó là chính trị lớn. Các giới hạn tăng trưởng ở các năm 1970 được khắc phục bằng công nghệ. Chúng ta đã thông minh hơn trước, các thiết bị hiệu quả hơn, và tiêu thụ năng lượng đầu người giảm xuống. Nhưng bây giờ [với Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đồng loạt trở nên mạnh] nó tăng lên theo hệ số mười. Có điều gì đó mà chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc. Chúng ta không thể hạn chế Trung Quốc, [Nga], và Ấn Độ. Họ sẽ phát triển và phải phát triển.”
Một điều mà chúng ta không có khả năng làm là nói với giới trẻ Ấn Độ, Nga, Ba Lan, hay Trung Quốc rằng khi họ bước vào sân chơi được làm phẳng, họ phải kìm lại và tiêu thụ ít hơn vì lợi ích toàn cầu lớn hơn. Khi nói chuyện với sinh viên ở Trường Ngoại giao Bắc Kinh, tôi nói về các vấn đề quan trọng nhất có thể đe dọa sự ổn định toàn cầu, kể cả cạnh tranh vì dầu mỏ và các nguồn năng lượng khác xảy ra một cách tự nhiên khi Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước thuộc Liên Xô trước đây tiêu thụ nhiều dầu hơn. Tôi chưa kịp nói xong thì một nữ sinh viên Trung Quốc giơ tay và đặt câu hỏi cơ bản như sau: “Vì sao Trung Quốc buộc phải hạn chế tiêu thụ năng lượng và lo lắng cho môi trường, khi mà Mĩ và châu Âu tiêu thụ tất cả năng lượng mà họ muốn khi họ đang phát triển?” Tôi đã không có câu trả lời hay. Trung Quốc là một đất nước đầy kiêu hãnh. Bảo Trung Quốc, Ấn Độ và Nga tiêu thụ ít đi có thể có cùng tác động địa chính trị mà thế giới đã bất lực để tính đến Nhật Bản và Đức đang nổi lên sau Thế chiến I.
Nếu các xu thế hiện nay giữ vững, Trung Quốc sẽ đi từ nhập khẩu 7 triệu thùng dầu hiện nay lên 14 triệu thùng một ngày năm 2012. Để thế giới cung cấp cho sự tăng lên đó cần tìm ra một Arập Saudi nữa. Điều đó không chắc, không còn nhiều lựa chọn tốt. “Vì các lí do địa chính trị, chúng ta không thể nói không với họ, chúng ta không thể bảo Trung Quốc và Ấn Độ, chưa đến lượt các bạn,” Philip K. Verleger Jr., một nhà kinh tế học dầu mỏ hàng đầu, nói. “Và vì các lí do đạo đức, chúng ta đã mất khả năng lên lớp bất kì ai.” Nhưng nếu chúng ta không làm gì, nhiều thứ chắc sẽ xảy ra. Đầu tiên, giá xăng sẽ tiếp tục tăng cao mãi. Thứ hai, chúng ta sẽ củng cố sức mạnh cho các chế độ chính trị tồi tệ nhất trên thế giới – như Sudan, Iran, và Arập Saudi. Và thứ ba, môi trường sẽ ngày càng bị tàn phá. Giờ đây, báo chí Trung Quốc đã hàng ngày đăng những hàng tít lớn về thiếu năng lượng, mất điện, và cắt giảm điện.
Các quan chức Mĩ ước lượng rằng hai mươi tư trên tổng số ba mốt tỉnh của Trung Quốc ngày nay phải chịu cảnh thiếu điện.
Chúng ta đều là những người phục vụ hành tinh, và bài sát hạch dành cho thế hệ của chúng ta là liệu chúng ta có để lại một hành tinh có hình thù tốt đẹp bằng hoặc hơn khi chúng ta nhận được nó. Quá trình làm phẳng sẽ thách thức trách nhiệm đó. “Aldo Leopold, cha đẻ của sinh thái đời sống hoang dã, một lần đã nói: ‘Quy tắc đầu tiên của việc chắp vá thông minh là giữ lại mọi miếng,’” Glenn Prickett, phó chủ tịch Conservation International [Bảo tồn Quốc tế], nhận xét. “Nếu chúng ta không làm thì sao? Nếu 3 tỉ người mới đến bắt đầu ngấu nghiến mọi nguồn tài nguyên thì sao? Các loài và hệ thống sinh thái không thể thích ứng nhanh như vậy, và chúng ta sẽ mất đi một số lượng rất lớn đa dạng sinh học còn lại của trái đất.” Prickett lưu ý, nếu bạn ngó đến cái gì đang xảy ra ở Lòng chảo Congo, ở Amazon, ở rừng nhiệt đới Indonesia – những khu vực hoang dã lớn cuối cùng – bạn sẽ thấy chúng đang bị lòng ham muốn tăng lên của Trung Quốc tàn phá. Dầu cọ ngày càng bị lấy đi nhiều hơn từ Indonesia và Malaysia, đậu nành từ Brazil, gỗ từ Trung Phi, và khí đốt tự nhiên từ khắp mọi nơi để phục vụ cho Trung Quốc – và, kết quả là, đe dọa mọi loại môi trường tự nhiên.
Nếu các xu thế này vẫn tiếp tục không bị ngăn cản, với tất cả môi trường tự nhiên bị biến thành đất trang trại và đô thị, và trái đất nóng lên, nhiều loài đang bị đe dọa ngày nay sẽ bị kết án diệt vong.
Biện pháp giảm tiêu thụ năng lượng triệt để phải đến từ bên trong Trung Quốc, khi người Trung Quốc đối mặt với cái mà nhu cầu nhiên liệu đang gây ra cho môi trường và khát vọng tăng trưởng của chính họ. Điều duy nhất – và cũng là điều tốt nhất – mà chúng ta, Mĩ và Tây Âu, có thể làm để thúc Trung Quốc đi đến hiểu điều đó là, thay đổi chính thói quen tiêu thụ của chúng ta. Điều đó sẽ cho chúng ta uy tín nào đó để lên lớp những người khác. “Khôi phục danh tiếng đạo đức của chúng ta về năng lượng giờ đây là một giải pháp cốt tử cho an ninh quốc gia và vấn đề môi trường,” Verleger nói. Điều đó đòi hỏi làm mọi việc nghiêm túc hơn – tài trợ của chính phủ nhiều hơn cho các nhiên liệu thay thế khả dĩ, chính phủ liên bang thúc đẩy thực sự để khuyến khích bảo tồn, đánh thuế xăng sẽ buộc nhiều người tiêu dùng hơn chuyển sang mua các loại xe lai tiêu thụ ít năng lượng và xe nhỏ hơn, quy định pháp lí buộc Detroit phải làm ra nhiều xe đỡ tốn nhiên liệu hơn, và, đúng, thăm dò trong nước nhiều hơn. Tất cả cùng nhau, Verleger nói, có thể giúp ổn định giá dầu quanh mức 25 $ một thùng, “đó có vẻ là mức lí tưởng để duy trì tăng trưởng toàn cầu bền vững.”
Tóm lại, chúng ta ở phương Tây có lợi ích căn bản để giữ cho giấc mộng Mĩ sinh động ở Bắc Kinh, Boise và Bangalore. Nhưng chúng ta phải ngừng lừa dối chính mình rằng điều đó có thể thực hiện được trong một thế giới phẳng với 3 tỉ người tiêu dùng tiềm năng mới – nếu chúng ta không tìm ra được một cách tiếp cận hoàn toàn mới cho việc sử dụng năng lượng và bảo tồn. Nếu không làm được như vậy, chúng ta sẽ rơi vào một cơn lốc xoáy cả về môi trường lẫn địa chính trị. Nếu có thời điểm cho một sự cộng tác lớn, thì là bây giờ, và chủ đề là năng lượng. Tôi thích được thấy một Dự án Manhattan vĩ đại Trung Quốc – Mĩ, một chương trình vang dội để cùng nhau phát triển các loại năng lượng thay thế sạch, kéo các nhà khoa học giỏi nhất của Trung Quốc và khả năng chính trị của nó để tiến hành các dự án pilot, với các bộ óc giỏi nhất, công nghệ, và tiền của Mĩ. Đó có lẽ là mô hình lí tưởng và dự án lí tưởng để tạo giá trị theo chiều ngang, mỗi bên đóng góp thế mạnh của mình. Scott Roberts, nhà phân tích của Cambridge Energy Research Associates tại Trung Quốc, nói, “Khi cần đến công nghệ tái tạo và năng lượng bền vững, Trung Quốc có thể trở thành phòng thí nghiệm của thế giới – chứ không chỉ là công xưởng của thế giới.”
Tại sao không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.