Câu chuyện của cô phụ sản khiến mẹ vô cùng buồn phiền. Nhưng tiếng quát khiến mẹ phải nhớ ra chính thân phận mình.
– Cái chị kia! Về buồng của mình đi!
Mẹ ngẩng lên và nhìn thấy một bà hộ lý to béo đứng chống nạnh chờ ở cửa ra vào.
– Lang thang vào chỗ người ta lau rửa làm gì cơ chứ. Chị định bắt tôi thành con hầu của riêng chị chắc.
Mẹ cười phân trần.
– Em tranh thủ thăm cô em họ.
– Ai là em họ nhà chị?
Mẹ chỉ vào cô thiếu phụ đang ngủ như một đứa trẻ.
– Thế à! – Bà hộ lý vụt thay đổi nét mặt – Chị với cô ta là chỗ bà con? Ô, sao không nói ngay – bà hạ giọng: Này, chú ấy tốt tính đáo để.
– Cô chú ấy vất vả quá…
– Chị nói sao? Cô chú ấy mà vất vả ư? Tôi xem cung cách ăn tiêu của chú ấy thì ngược lại mới phải chứ.
Mẹ buồn bã thở dài.
– Giầu có đâu đã sướng.
Bà hộ lý, như nghĩ ra điều gì hệ trọng, hỏi mẹ:
– Con cô ấy chết, đúng không?
– Lần thứ ba.
– Này, tôi thấy chú ấy cũng có nét không bình thường. Nhưng mà tôi không thể biết nó khác người ở chỗ nào.
Đúng lúc ấy có ba, bốn người ăn mặc sang trọng ngó ngó nghiêng nghiêng. họ chun mũi, nhăn mặt:
– Xì, đây mà là phòng đẻ ư? Nhà trọ bến xe thì có. Không trách trẻ con Annamít đứa nào cũng mặc cảm về thân phận. Không đẻ ở đây. Không đẻ ở đây.
Mọi người nhìn họ khó chịu nhưng kính nể và thèm thuồng. Bà hộ lý thì chống nạnh, mặt vác lên. Thừa cơ, mẹ lách ra ngoài, đi dọc hành lang, bỏ lại câu chuyện thì thầm phía sau lưng.
Những người ăn mặc sang trọng cũng trở ra theo lối hành lang. Họ đều đưa khăn mùi xoa lên bịt mồm, bịt mũi. Họ đi về phía chiếc ôtô sang trọng vẫn nổ máy ình ình. Phía trong xe có một bà già tay và cổ đeo đầy vàng đang đấm đấm vai một thiếu phụ trẻ. Cô vừa trẻ vừa xinh. Cô đang cau có yêu cầu bà già cái gì đó. Nhìn thấy những người thân nhân trở ra, cô mệt mỏi ngả hẳn vào vai bà già.
– Kinh sợ! – Một người trong số họ kêu lên – phòng đẻ y như nhà trọ. Đã thế đám bác sĩ, hộ lý ai cũng vênh váo. Bọn trẻ phải vía họ thì thành người làm sao được. Sang bệnh viện Quốc tế, đăng ký đẻ sạch tuyệt đối.
Cửa đóng êm ru. Chiếc xe cũng êm ru quay đầu lướt đi. Nó đi được một lát thì chiếc xe y hệt như thế nhưng khác mầu, đỗ xịch vào đúng chỗ của nó. Từ trên xe bước xuống là một gã con trai đầu đinh đi bốt cao, giắt quanh mình những vật bằng kim khí sáng loáng. Một bà già bẩn thỉu dắt theo đứa bé quãng bốn tuổi, ghét cáu bẩn từ cổ xuống chân, ruồi bu hai bên mép, như từ dưới vũng bùn cạnh đó chui lên, chìa ngay chiếc nón mê ra. Gã con trai kinh tởm nhổ nước bọt đồng thời bước lên và để không bị cản lối, gã gạt chiếc nón ra, hất cả tay vào người thằng bé khiến nó ngã lăn xuống đất. Bà già vội cúi xuống ôm cháu, bất lực nhìn ra xung quanh. Thằng bé vập răng vào hòn đá, máu tứa ra mồm và mép. Bà già rút khăn lau cho nó, giọng than thở:
– Không bố thí thì thôi, nó là trẻ con…
Gã con trai quay ngoắt lại:
– Đừng có giơ trẻ con ra với thằng này. Đang chết dở vì trẻ con đây. Chúng nó chỉ chờ mình sơ suất một tẹo là chui ra rông rổng rồi ngoác miệng đòi cuộc sống, tương lai.
Gã thấy mình nói được một câu có mùi vị triết lý, mắt đảo sang bốn phía tìm hưởng ứng. Nhưng mọi người chỉ lộ vẻ kinh ngạc nên gã chửi tục:
– Tiên sư bọn chó!
Gã sục ngay vào buồng đẻ, nơi đang diễn ra ca đẻ khó. Chỉ thấy tiếng bà mẹ trẻ nào đó kêu gào, thở hổn hển, vật vã, cuống cuồng. Gã thanh niên ngây người nhìn một lát rồi quay ra nhổ nước bọt:
– Tởm quá!
Gã dùng hai tay làm động tác khoanh một vòng:
– Trông không còn ra hình thù gì nữa.
Gã tựa lưng vào thành xe, bấm điện thoại di động, nói oang oang những lời thô tục.
Trong khi đó từ phòng đẻ vang lên tiếng khóc của một anh bạn đồng niên sau khi bị ông bác sĩ túm chân cho đầu chúc xuống và phát liền mấy cái vào mông. Chà, sẽ đến lúc họ cũng “chơi” mình như thế nhỉ. Mẹ nghển lên để được nhìn rõ mặt anh bạn.
– Kháu quá đi mất!
Tiếng ai đó thì thầm:
– Suýt nữa bên nhà trai lừa phá thai để chạy làng.
– Bà biết cô ta à?
– Nó là hàng xóm, lạ quái gì. Bố chồng nó làm to ra phết, giàu có phải biết. Nhưng ông bố nặn hầu nặn cổ mọi người chỉ để cho thằng con…bà đưa mắt về phía gã thanh niên lúc này đang bồn chồn đi đi lại lại… chỉ để cho thằng con phá tán– bà thì thầm.
Chợt có tiếng gọi:
– Ai là bố cháu bé vào giúp làm thủ tục nhé.
Gã thanh niên cười khẩy:
– Thế là hết mẹ nó đời rồi – gã đập tay vào cửa xe. Một cô gái chân quê vụng về chui ra.
– Mày vào dúi cho con mụ đang làm phiếu chứng sinh chỗ tiền này. Bảo mụ đặt thằng bé là Khốn Nạn, mục người bố thì khai: Hy sinh.
Cô bé chân quê ra chiều ngại ngùng.
– Mày cứ làm theo lời tao dặn, nhìn gì – gã cười đểu- Hay mày thích nó thì để hôm nào giải xui cậu mày đây tặng cho một đứa. Gì chứ trẻ con thì tao sẵn lắm.
Cô chân quê khép nép bước vào. Bà y sĩ chăm chăm nhìn cô, không một chút cảm xúc:
– Có việc gì cứ ở ngoài – bà gõ bút nhắc lại: Ai là bố cháu bé…?
– Dạ…em…em…
– Cô là người nhà à? – bà bĩu môi – cô nhanh nhẹn lên một chút không được à?
– Dạ…cậu cháu bảo…- Cô chìa ra cuộn giấy bạc.
– Thôi, được! – Bà ta cầm số tiền quẳng vào ngăn kéo – Tên nó là gì?
– Khốn…Nạn ạ!
– Cô nói cái gì thế! Ai làm gì cô?
Cô chân quê cười chữa thẹn:
– Cậu cháu đặt tên nó là Khốn Nạn.
– Cậu cô điên à? – Nhưng chợt nhớ ra cuộn tiền, bà y sĩ bảo:
– Thôi được. Cũng là một cái tên…- bà lia bút – Đổi tên là mất tiền đấy nhé. Xong. Cô ra được rồi.
Bà y sĩ nói vọng vào bên trong, nơi cô sản phụ đang nằm hồi sức:
– Chế độ hoàng hậu nhé.
Cô chân quê đã trở ra chỗ chiếc xe con. Gã thanh niên đang sốt ruột, xẵng giọng:
– Có đặt tên thôi mà lâu thế. Mày ở lại trông nom mẹ con nó hộ tao nhé. Bảo tao có việc đại sự phải đi gấp.
Gã ghếch một chân vào trong xe chợt thấy môi cô chân quê mấp máy, vội dừng lại hỏi:
– Mày còn muốn nói gì?
– Cháu…xin hết tháng này về quê ạ.
– Mẹ khỉ! Về quê có việc gì?
– Cháu về hẳn…
Gã cười to:
– Mày mót chồng rồi phải không? Mày thấy người ta đẻ cũng muốn đẻ chứ gì? Khốn nạn thân mày, báu gì cái trò ấy. Tao đang chán ớn trẻ con đây.
Sập cửa xe, gã quay kính xuống thò cổ ra:
– Được, tao sẽ cho mày thôi việc, Để thằng Khốn Nạn về nhà đã. Cả mày nữa, cũng đổi tên là Khốn Nạn đi. Cả tao nữa…
Gã cười như điên:
– Trần Văn Khốn Nạn, cái tên được đấy chứ. Đi thôi mày!
Lần này thì gã bảo người lái xe.
” Lại thêm một người nói ra miệng là gã không thích trẻ con” – ý nghĩ của mẹ thấm qua tôi. Thực ra còn một trường hợp nữa nhưng có thể mẹ không để ý. Không những cái câu “Ta không thích trẻ con” chỉ được buột miệng nói ra, mà nó thành điệp khúc, nghe như nỉ non về cái điều sâu kín cần được chia sẻ ” Anh không thích có trẻ con đâu; anh không thích có trẻ con đâu em ạ; anh không thích trẻ con đâu em có hiểu không?”. Nó như một giai điệu tha thiết rót vào tai một cô còn rất trẻ mà tôi đã có nhắc tới khi trước.
Lúc đó trời đã rất khuya, chỉ còn lại mẹ tôi và mấy người mới đến đang ngồi xem vô tuyến. Một trận đấu bóng đá quốc tế đang làm không khí sôi lên. Nhưng có hai người không bị lôi kéo bởi vô số lời hò hét. Họ đứng phía ngoài hành lang, cách một lần cửa kính và một bức rèm. Từ chỗ họ có thể nhìn thẳng ra khu nhà xác, leo lét một đốm sáng lạnh lẽo. Từ hôm mẹ tôi vào đây, tôi thấy ít nhất là ba cô cậu đồng niên cùng quãng mười cái thai ba tháng bị tống vào túi ni lông đem xuống đó. Nghe mọi người thì thầm vào tai nhau rằng ở đó luôn luôn có lũ chuột khổng lồ rình sẵn để đón những món béo bở. Chúng mới thực sự là chủ nhân của nhà chứa xác. Hàng trăm câu chuyện được các sản phụ chờ đẻ truyền vào tai nhau trong đó tôi chỉ xin kể lại câu chuyện sau:
Một cô sinh viên vừa ra trường đồng thời đem theo cái thai hai tháng tuổi với một anh sinh viên đi thực tập sinh ở Úc. Cô xin vào làm việc ở một cơ quan có thu nhập khá cao. Trước đó bạn cô, tức là bố đứa bé hứa sẽ cưới cô sau khi từ Úc trở về. Anh nhẩm tính khi anh có thể cưới cô cho danh chính ngôn thuận, cái thai mới bốn tháng. Và thế là anh truyền cho cô kinh nghiệm mẹ anh truyền cho chị anh: Dùng khăn voan quấn bụng thật chặt rồi mặc áo rộng ra ngoài. Cô lo lắng hỏi lại: “Thế nếu sau này con bị dị dạng thì làm thế nào?” Anh đáp bằng giọng của người lọc lõi: “Nếu có cái chuyện kinh khủng ấy thì tống cổ nó ra rồi làm đứa khác. Chuyện ấy quá đơn giản”. Để làm cô vui, anh dí dỏm nói đùa: “Nó có khác gì trứng vịt lộn đâu. Nếu cần anh sẽ chén luôn, thế là chẳng bỏ đi đâu tí nào. Của Sê- da trả cho Sê- da”.
Cô vững tâm tin anh, thản nhiên dùng khăn voan thít bụng mình lại. Sau đó thỉnh thoảng cô nới nó ra một chút. Cô nới đến lần thứ hai anh vẫn tít mít ở xứ sở thiên đường chuột túi. Sau đó thì ngay cả thư từ, điện thoại cũng mất hút. Cô bắt đầu hoang mang nhưng chưa đến mức ngờ vực. Đúng lúc ấy cô gặp một thanh niên rất hào hoa phong nhã. Chẳng hiểu sao anh lại xuất hiện đúng vào khi cô hỏng xe giữa đoạn đường vắng vẻ. Anh sửa xe cho cô chu đáo, còn mời cô ăn kem. Trông anh thật đàn ông đến nỗi cô buột ra một tiếng thở dài. Cô lén nhìn xuống bụng và sau đó bực dọc rất vô cớ. So với anh thì chồng chưa cưới của cô thua kém mọi mặt: phong độ, thần thái, sức quyến rũ, đặc biệt là các khí chất mạnh mẽ. Thêm nữa chồng chưa cưới của cô thiếu khả năng nói những câu hài hước là dấu hiệu của một tài năng thực sự. Và sao bỗng dưng cô lại cứ nhớ đến những chuyện anh làm cô hẫng hụt cảm hứng. Cuối cùng cô thấy điểm nổi trội nhất ở anh là tẻ nhạt. Cô nén thở dài. Nhưng mà anh thanh niên nghe được hết đọc được hết. Anh vô tư khía dao vào tâm hồn cô khi họ đã trong một quá n kem:
– Cô là người luôn luôn hài lòng với cuộc sống chứ?
– Có..lẽ thế – Cô đáp một cách chán nản, mặt mũi bơ phờ.
– Tôi thấy điều đó trên mặt cô mà.
– Thật thế ư? – Cô ngậm chiếc thìa nhìn anh một cách đắm đuối – Anh đã kịp nhìn kỹ em đến mức ấy sao? Nó xấu lắm phải không?…Chợt cô lại đưa mắt xuống chiếc bụng, mặt lạnh ngay lại với thoáng một ý nghĩ nguyền rủa.
– Tôi nói thế nào để cô không nghĩ là tên nịnh đầm nhỉ? – Anh mỉm cười bí ẩn, nu cười trở nên mê hồn trước mặt cô.
– Em tin là anh nói thật. Nào, nói đi anh.
– Vậy thì – anh ghé sát tai cô, hơi thở của anh và cô cùng nóng rực – em đẹp một cách chết người.
Cô vội ngả người ra ghế, múc một thìa kem cho vào miệng. “Gã có bao giờ nói được một câu hàm súc và sâu sắc đến thế. Thay cho khen mặt mình, gã chỉ khen cặp giò. Thật là tởm”.
– Em nghĩ gì thế?
– Còn anh? – Cô hỏi lại, thực chất cô đang rất thích nghe anh nói.
– Anh nghĩ rằng anh chẳng còn gì để hy vọng cả.
Mặt anh thoắt sâu thẳm một nỗi buồn.
– Không ngờ anh lại là một người bi quan – cô cười long lanh.
– Cảm ơn em, tôi biết chứ. Có phụ nữ xinh đẹp nào trên đời này chịu một mình đâu. Trong khi những người tài giỏi thì đều quý trọng nhan sắc.
Cô sướng mê tơi cả người. Có thể cô đẹp thế thật cũng nên. Cô muốn có ngay chiếc gương để tự chiêm ngưỡng mình. Cô từng luôn luôn khổ đau với ý nghĩ mình không xinh đẹp như những cô gái khác. Mỗi lần soi gương cô vẫn nghi ngờ cái mũi củ tỏi, cái miệng hơi loe, vầng trán hơi bị móp. Cũng có người từng khen cô xinh nhưng họ nói theo lối xã giao. Còn anh, từ âm điệu cho đến sắc thái đã toát lên niềm đam mê mãnh liệt, niềm đam mê của sự ngưỡng vọng. Nó khác xa với niềm đam mê vụ lợi của gã đang ở bên Úc. Gã làm xong cái việc chiếm đoạt khi cô còn bừng cảm hứng yêu đương. Bị cô đòi hỏi gã mới hôn một cách qua quýt khiến có lúc cô cay đắng tin rằng: ” Chỉ có mặt mình là xấu thôi”. Còn anh nhất định anh sẽ biế t đưa cô đến những bến bờ xa tít tắp.
– Thôi nhé – Anh thanh niên dường như biết chia tay một cách đúng lúc – Hy vọng sẽ còn gặp lại em.
Cô giật mình, hốt hoảng:
– Anh đi đâu? Sao lại có thể vội vã thế – cô thấy toàn thân nóng ran.
– Anh có hẹn…anh thanh niên nhẹ nhàng đáp – với lại em cũng phải về kẻo muộn.
– Không phải với một người phụ nữ chứ? Cô lo sợ thật sự.
Anh bạn đường mỉm cười nửa phủ nhận nửa thú nhận khiến cô càng cuống lên.
– Không phải chứ? – Cô nhắc lại.
– Nếu em thực sự muốn thế – Anh lại nửa úp nửa mở.
Cô thả chùng người xuống khiến cô lại nhớ tới cái vật ngày một lớn trong bụng cô. Cô cảm thấy tủi thân và căm tức số phận. Giữ nét mặt lạnh lùng nhưng buồn thê thảm cô bảo:
– Cảm ơn anh!
Cô cả quyết đứng dậy. Làm như chợt nhớ ra điều gì vô cùng quan trọng, anh đặt tay lên vai cô:
– Em ngồi xuống đã. Tôi muốn em và tôi cùng ghi nhớ một điều, rằng từ nay trong đời mỗi người có thêm một chỗ dựa tin cậy cho những khi hoạn nạn.
Cô không ngồi, chỉ cắn môi nhìn anh, khẽ gật đầu.
Nhưng ở phút chót, đáng lẽ họ chia tay nhau thì cả hai cứ sóng đôi nhau đi bộ. Trời khá mát mẻ. Đoạn đường họ đang đi ở giữa cánh đồng nhuốm hoàng hôn không một bóng người. Họ tới một khu chợ tạm họp ở ven đường, vào giờ này trơ lại những chiếc quán lụp xụp. Anh chủ động dừng lại. Mắt anh hết nhìn trời xanh lại xục xạo tìm kiếm gì đó trong những căn lều. Bầy chuột thấy động báo cho nhau chạy trốn. Bỗng dưng anh quay lại nhìn đắm đuối vào bộ ngực cô, lúc này cũng đang phập phồng. Họ không nói với nhau thêm một lời nào cho đến khi cô kêu lên: em chết ngạt mất ngay trên bàn một sạp thịt.
– Em thật chả ra sao cả – cô bật khóc, đẩy anh ra – Một người vừa mới quen biết…
– Em nghĩ thế ư? – Anh vung tay như trên sân khấu các diễn viên vẫn làm – Ngược lại, anh biết em từ rất lâu, từng lẽo đẽo theo em… Anh kịp dừng lại để không lộ liễu quá. Trong khi đó mắt cô sáng rực, long lanh ngấn lệ, cười một cách sung sướng.
Câu chuyện bị ngắt quãng bởi người kể phải đi kiểm tra thai. Khi bà quay lại thì trận đấu bóng vừa hết. Tỉ số 2 – 1 nghiêng về phía đội của mẹ, khiến mẹ hưng phấn lắm. Ti vi chuyển sang chiếu cảnh trẻ em đen gầy giơ xương, ruồi bu kín mép đang cầm bát chờ đến lượt mình vào lấy cháo. Ở một khu rừng người ta khai quật được một hố chôn tập thể toàn xác đàn bà chửa và trẻ con. Cảnh tiếp theo là lời hô hào sẵn sàng nướng cả một dân tộc vì danh dự của một viên tướng thọt chân. Tiếp đó cảnh từng chùm bom laze sáng như pháo hoa.
Không thấy tiếng nổ mà chỉ thấy từng ngôi nhà cao vút bị sụp xuống, vỡ vụn, người chết la liệt. Cái thế giới mà tôi sắp nhập bọn xem ra không an toàn tí nào cả. Hay vì buồn chán mà họ bày trò ra như vậy?
Đúng lúc ấy người kể chuyện quay lại, mặt nhăn nhó. Mẹ lo lắng đỡ bà ngồi xuống hỏi:
– Có chuyện gì không?
– Thai vẫn đạp mạnh. Khiếp quá cái con mụ to béo. Nó ấn đến vỡ cả bụng chị rồi đây này. Cứ làm như nó đang gõ trống không bằng. Mụ hỏi chị những gì em có biết không? Bà mải chơi những đâu mà sắp bốn mươi mới nhớ tới việc đẻ đái?
– Còn em thì sao rồi?
– Cứ im như khoai ấy. Nó gan cóc tía chị ạ.
– Chắc chưa được ngày. Khổ, mình thì mong đỏ mắt một tí con trong khi có đứa nó ác nghiệt thế, vứt cả con ruột của mình cho chó.
Tôi thấy ớn lạnh cả người khẽ rùng mình khiến mẹ vội đưa tay đỡ bụng.
– Thôi chết, chị sơ ý quá. Thôi, chả kể tiếp nữa. nghe mà phát tởm.
– Không, con em nó trở mình thôi. chị cứ kể nốt đoạn cuối đi.
– Nhưng mà kinh lắm.
– Thì cũng đến mức như thằng bố cho con uống thuốc sâu là cùng chứ gì.
– Lại có chuyện ấy nữa. Ở đâu thế?
– Em đọc báo.
– Còn đây thì – bà rùng mình – Để tôi kể nốt cho có đầu có đuôi vậy. Con ác phụ kia nhận lời yêu gã thanh niên sau khi từ trong lều ra. Ngày nào họ cũng gặp nhau. Nhưng mà còn cái thai trong bụng, làm thế nào bây giờ. Thế là nó kiếm một liều thuốc tẩy gia truyền của một người dân tộc Mường trên Hoà Bình. Một hôm ở cơ quan, cô thấy khó chịu vội chạy vào nhà xí. Cái thai sảo ra đã rõ hình một đứa con trai. Nó không chờ được lâu bèn dùng tay kéo. Chả biết thế nào mà cái thai đứt đôi…
– Thôi, thôi trời ơi – Mẹ ôm bụng van xin – kinh quá. Em không chịu được nữa.
– Thì tôi nói rồi còn gì!
Bà đỡ mẹ tôi nằm xuống. Mẹ tôi thở hổn hển, nước mắt chảy ra từng dòng, miệng rên rỉ: “Sao lại có kẻ độc thế?” Mẹ gần như ngất lịm đi. Bà kể chuyện vội gọi bác sĩ – ông này nhẹ nhàng đến bên mẹ, hỏi han thăm khám gì đó. Ông nhỏ nhẹ bảo bà kể chuyện:
– Cứ để cho cô ấy ngủ một lát. Thần kinh căng thẳng quá đấy mà. Có gì nhờ chị gọi giúp nhé. Đêm nay là phiên trực của tôi.
– Vâng! – bà kể chuyện khẽ đáp. Khi ông bác sĩ đi khỏi, bà lẩm bẩm: Thế là đêm nay ông nhân từ trực. Giá mình đẻ được thì tốt biết mấy.
Mẹ đang nhắm nghiền mắt, mấp máy môi:
– Sao lại để ông ấy đi. Có đúng là ông có vẻ mặt nhân từ không?
– Đúng cô ạ. Làm sao mà lẫn được. Các sản phụ đều gọi ông ta là ông nhân từ. Mà em ngủ đi chứ!
Mẹ đã lại chìm vào giấc ngủ, không cần bà kể chuyện phải giục. Mẹ thở không đều mà cứ lúc nông lúc sâu. Bà kể chuyện cũng sửa soạn đi nằm. Trước khi tất cả chìm vào im lặng, tôi thấy bà lẩm bẩm ” May mà mình chưa kịp nói kết cục của câu chuyện. Cô ấy mà nghe được rằng, một nửa chiếc tay rơi tõm xuống hố phân và bị một con chó trực sẵn tha đi, khéo cô ấy chết mất”.
– Nam –mô –a – di – đà – Phật – bà nói như hát điều gì đó rồi kéo tấm ga che đến tận cổ.
Nhưng còn lâu mới đến đoạn kết của câu chuyện như hôm sau, khi bà kể chuyện đã “mẹ tròn con vuông” và ra khỏi bệnh viện, tôi được nghe từ miệng một cô còn trẻ lời cầu xin đứa con bị chó tha xá tội cho. Liệu có phải chính là người trong chuyện không? Điều này chả ai dám chắc. Chỉ biết rằng giữa họ có một liên quan khá bí ẩn. Cô đến phòng sản phụ đề nghị được tư vấn về việc thụ tinh nhân tạo. Cô bảo cô không muốn lấy chồng. Bác sĩ bảo do một biến cố sinh lý mà cổ tử cung của cô bị teo, khả năng có con là vô cùng hiếm.
– Liệu có cách nào không? – Cô van nài.
– Khả năng thì còn nhưng vô cùng mạo hiểm.
– Tôi muốn chuộc lại tội lỗi – cô nói gần như mê sảng – chính tôi đã giết con tôi khi nó chưa thành người.
– Đừng ám ảnh về những chuyện đã qua, chính là ông bác sĩ nhân từ khuyên cô.
– Có lẽ tôi không còn cơ hội nữa bác sĩ ạ. Có những điều càng sống càng phải nhớ.
– Nhưng cô còn trẻ. Mọi chuyện đều chưa muộn mà.
– Tại sao bác sĩ không hỏi về quá khứ của tôi, để tôi có cơ hội thú tội – mắt cô long lanh nhưng mọng nước.
– Tôi không được phép – Bác sĩ đáp nhẹ nhàng – Dù sao cũng cảm ơn cô đã tin cậy. Đáp lại điều đó tôi sẽ cố gắng hết mức.
Hôm sau, thay vì đến theo lời hẹn, cô gửi cho ông bác sĩ một lá thư dài hai trang. Câu chuyện về cái thai hình người bị chó tha một nửa được kể lại có vài tiểu tiết sai lệch với câu chuyện tôi được nghe trước đó. Đoạn cuối của nó cho tôi rõ ra rằng, chính bố của đứa bé không muốn sự có mặt của nó như ràng buộc, đã nhờ anh bạn điển trai bày trò tán tỉnh ngươi yêu của mình, cốt để cô phản bội anh mà bỏ cái thai đi. Điều này cô phát hiện ra một cách tình cờ khi một hôm cô gặp “anh chàng đang ở Úc” bị cô cho rớt, ngồi lù lù trong một nhà hàng tại Hà Nội cùng với người yêu mới của cô. Họ đang nói về cô như một “kẻ hám tiền đáng thương”. Quả nhiên sau đó gã thanh niên quyết định số phận cô trên sạp bán thịt cũng biến mất như chưa bao giờ gã có mặt trên đời.
Nhiều người, cả mẹ tôi, cùng xuýt xoa thương xót. Ông bác sĩ thì cứ bị dằn vặt, thỉnh thoảng lại đấm ngực “Trong cái chết của cô ta, có một phần lỗi của tôi”.
° ° °
Hình như tôi đã bỏ đôi tình nhân ở hành lang quá lâu. Câu chuyện tôi vừa kể không khiến họ mảy may chú ý. Bở i họ cũng đang có chuyện rắc rối. Suốt thời gian đứng với nhau, chỉ thấy anh con trai nói bằng đủ sắc thái duy nhất một câu như tôi đã kể: “Anh không thích có trẻ con đâu. Nó làm cho tình yêu mất hết cả tính lãng mạn”.
Rất lâu, chừng như không chịu nổi cái giọng điệu dai nhách ấy, cô gái mới lên tiếng:
– Vậy thì hôn nhân có nghĩa gì?
Cô mới nhập viện lúc chập tối, thuộc số người có thai lần đầu đang phải theo dõi. Người đàn ông, bố của đứa bé đến sau đó ít phút và ra sức thuyết phục cô nạo béng cái thai đi. Từ năn nỉ anh chuyển sang doạ nạt nhưng cô vẫn một mực giữ ý kiến của mình vì cô bảo đang thích có một đứa con, muốn ra sao cũng được.
– Hay là thế này, ba năm nữa chúng mình có con được không em? Chỉ ba năm thôi. Em cứ suy tính đi. Một đằng nó được nuôi nấng chu đáo, một đằng mọi thứ còn rất tạm bợ. Em thương nó hay là em hại nó?
– Anh cứ làm như trẻ con là một thứ nặn được ấy. Số của con em là phải ra đời vào lúc này. Ba năm sau, nếu muốn sẽ là đứa khác.
Anh có vẻ đã hết kiên nhẫn:
– Em đùa anh đấy à? Chỉ có một đứa và ba năm nữa mới đến thời hạn nó ra đời.
– Vậy thì đứa này là của riêng em…Cô định quay vào liền bị anh giữ lại.
– Anh không định từ chối đứa con trong bụng em. Nhưng có con ra nó ỉa đái, đau ốm suốt ngày, làm sao anh thảnh thơi dồn tâm sức cho con đường công danh được. Mà lạ nhỉ, cần gì phải có con kia chứ. Xã hội hiện đại, già có nhà nước nuôi dưỡng. Cả một thời gian dài son rỗi hưởng tình yêu luôn luôn như tuần trăng mật, chả sướng hơn ư? Trẻ con là cái họa của các vĩ nhân đấy. Em có nghe người ta nói thế không?
– Em đang nghe chồng em nói.
– Có nghĩa là em đồng ý với anh?
– Em đồng ý một nửa. Quả là bọn trẻ suốt ngày ỉa đái đau ốm…nhưng chúng cũng là sự cứu rỗi cái án cô đơn của người lớn…
– Lý thuyết! Lý thuyết! Không cần bọn mình đẻ thì thế giới đã thừa nhận mứa trẻ con rồi. Anh sẽ cho em thấy ngay một sự thật: Nếu một con chó lang thang ra đường lập tức có hàng trăm, hàng ngàn người tìm cách bắt đưa về nhà. Nhưng có cả trăm cả ngàn đứa trẻ lang thang thì có ai muốn chìa tay ra đón chúng đâu. Thậm chí mới thấy chúng đã phải tránh xa vì đủ thứ sợ; sợ chúng ăn cắp, ăn vạ, đổ bệnh cho…Em không thấy cảnh đứa trẻ nào đó chẳng may làm xước sơn chiếc xe máy đắt tiền của ai đó và bị đánh cho hộc máu mồm đó sao!
Trên lý thuyết thì đứa bé là vô giá. Không gì trên đời có thể sánh với nó. Nó là tương lai, là niềm an ủi, là mục đích sống, là v.v…của người lớn, của các học thuyết, của các thể chế nhà nước (nghe những lời này thật khoái tai và hãnh diện. Chà, rồi thì mình cũng thuộc số đó). Nhưng trên thực tế thì em thấy đấy, nó thua xa một con chó, một vết sơn bị xước. Nó bị xua đuổi, săn lùng, bắn giết ở khắp nơi. Nó là chủ nhân của những bãi rác, mồi ngon của bọn buôn người, là nguồn lợi nhuận của các nhà chứa. Tệ hơn, nó là chiếc bia tập bắn của đám cảnh sát như thường thấy trên ti vi. Nếu biết trước rằng cho ra đời thêm một đứa bé để biến nó thành mồi, thành bia…liệu em có đồng ý với đề nghị sáng suốt của anh không? Có thể anh diễn đạt không thật chuẩn khiến em hiểu lầm. Anh xin nói lại là: Anh không thích thấy cái tương lai nhơ bẩn và tàn khốc sẽ chụp lên con chúng ta. Hãy để nó mãi mãi là linh hồn trên thiên đường, suốt ngày ca hát bay lượn trong tiếng thánh ca mát lành như nước suối, dưới bàn tay che chở toàn năng và vô biên của Chúa. Đừng để mắc lừa bọn quỷ em ạ.
Im lặng giây lát, tiếng người đàn ông lại cất lên, lần này vô cùng thống thiết:
– Em hãy suy xét và nghe lời khẩn cầu của anh. Thế giới này thuộc về quỷ dữ, độc ác, lạnh lùng và tàn khốc lắm. Chúng ta trót được sinh ra thì phải cố mà chịu đựng. Nhưng đừng bắt cuộc sống của chúng ta gửi nơi đứa trẻ cứ tiếp tục kéo dài lê thê trong muôn vàn tai ương. Anh không hiểu tại sao chỉ một cái gật đầu với em lại khó khăn đến thế.
– Anh nói đúng – tiếng người đàn bà – Nó vô cùng khó khăn anh ạ. Anh hãy nhớ lại giây phút chúng ta đưa nhau lên đỉnh của hạnh phúc. tất cả đều như mới tinh: Thế giới này, cuộc đời này, những âm thanh, ánh sáng và cả anh với em…tất thảy đều như vừa được sinh lại. Bầu trời chỉ có mây trắng, nắng vàng, không còn thực tại, không cả quá khứ mà chỉ có tương lai và những ước mơ thôi. Anh và em như những linh hồn lưu lạc từ muôn kiếp, nhờ chiếc cầu tình yêu mà gặp được nhau trong một vũ điệu sinh thành khiến như vừa bước ra từ trong nôi. Da thịt anh uốn lượn như sóng biển, cho em một cảm nhận mới lạ về vẻ đẹp. Em hào hứng dâng đầy trong đam mê khởi từ anh. Chúng ta ngập tràn trong nhau và thử hỏi lúc ấy cái chết có ý nghĩa gì. Nó như một trò nực cười. Nhưng em không nói về điều sâu xa đó. Em chỉ đơn giản hỏi anh, chúng ta làm thế để làm gì? Để chứng minh rằng con người sinh ra bằng ân sủng. Nó không thể bị huỷ diệt cho dù súng đạn, vũ khí giết người hàng loạt nhiều hơn bánh mì! Nhưng có vẻ điều đó cũng cao xa quá. Em chỉ muốn anh nhớ lại những gì anh đã nói với em trong giây phút rực rỡ ấy.
– Em đòi hỏi mới phi lý làm sao! Anh chỉ nhớ rằng anh không thể nói một điều gì thành lời được.
– Vậy thì vị thần hạnh phúc đã nói thay anh rằng, cảm ơn Chúa lòng lành bởi Ngài đã tạo ra cái thế giới tươi đẹp này, đã ban cho ân huệ lớn là tình yêu. Vâng, em không thể quên được những lời ấy bởi nó quan trọng với em lắm. Nếu anh cũng nghĩ rằng, khi Chúa tạo ra anh chính bằng cái cảm hứng bất tận ấy, thì anh sẽ hiểu đứa trẻ quan trọng như thế nào? Nó không chỉ là bằng chứng về sự bất diệt, mà còn biện hộ cho cái hành động không thể hiểu nổi ấy bằng cách cho nó một mục đích tuyệt đẹp. Không có nó thì cái hành động yêu đương kia có khác gì một trò ma quỷ.
– Em cũng có lý lẽ lắm nhỉ! Anh hỏi thật, khi hiến thân cho anh, điều em lo sợ nhất là cái gì? Chắc chắn là một đứa trẻ con nào đó có nguy cơ làm mất đi niềm kiêu hãnh về phẩm hạnh. Chính em chả từng van xin anh tránh cho em phải có một đứa trẻ trước khi cưới đó sao? Trước và sau khi cưới thì khác nhau ở chỗ nào? Nó chỉ chứng tỏ tính vụ lợi như một bản chất sâu xa của con người thôi em ạ.
– Anh nói rất đúng. Cần thêm cả điều này nữa:
Đứa trẻ ngoài ý muốn cả với chính nó. Nhưng nếu anh chưa nghĩ ra thì để em nói vậy: Đứa trẻ là sự sám hối toàn tâm của thói ích kỷ. Anh không có nhu cầu phải sám hối ư?
– Sám hối, nó là cái gì vậy? Em hãy hỏi ngay chính Giáo hoàng xem có thật sự con người cần sám hối không? Cứ gây ra tội ác rồi lại sám hối. Vậy thì sám hối đem lại siêu lợi nhuận đấy.
– Thật đáng tiếc là anh có tất cả nhưng chỉ thiếu duy nhất một thứ, đó là cảm giác về tội lỗi. Nó có thể cho phép anh làm được một việc, trừ làm một con người đúng nghĩa. Từ phút này em giải thoát cho anh khỏi cái gánh nặng mà anh đang tìm cách chối bỏ. Nó sẽ chỉ duy nhất là con của em thôi.
Thế là không có ca nạo hút nào như kế hoạch của bà trưởng khoa trong đêm hôm ấy. Họ chia tay nhau ra sao không ai biết bởi vì trước khi họ trở lại phòng chờ để từ đó ra lối hành lang, mẹ tôi phải đi khám theo yêu cầu của ông bác sĩ Nhân Từ. Cả ông cũng không đoán ra trò láu của tôi.
– Chị không thấy nó cựa quậy gì ư?
– Tự dưng…nó cứ im như thóc ấy.
– Không có lẽ…giọng ông rõ ràng là lo lắng- Thôi được cầu cho đừng có chuyện gì. Cứ tiếp tục theo dõi xem đã.
Ở ngoài cửa có tiếng huyên náo. Người ta đưa vào một sản phụ chỉ nghe giọng đã biết là nông dân, chắc từ một tỉnh xa đến. Bà được vực ngay lên chiếc giường bên cạnh và tôi lại có chuyện để kể tiếp đây.