Thiên Thần Sám Hối

CHƯƠNG 7



Vào cái ngày cuối cùng đáng nhớ so với thời hạn tôi cần phải đưa ra quyết định có nên ra đời hay không, mẹ tôi phải tiếp chuyện hai vị khách không hề quen biết.Tôi sẽ lần lượt kể về họ cũng như câu chuyện của họ với mẹ. Lúc đầu mẹ tôi tỏ ra không sẵn sàng. Dù điềm tĩnh và sống bằng niềm tin, mẹ cũng không giấu giếm nổi nỗi lo lắng ngày càng hiện rõ. Nguyên nhân vẫn là việc tôi tiếp tục trò láu cá mà giờ đây có nguy cơ trở thành vấn đề quan trọng. Có biết bao chuyện không giống trò đùa tí nào. Chẳng hạn việc ngâm cồn những đứa bé dị dạng, ngâm rượu những cái thai dưới ba tháng tuổi. Hay như việc mới xảy ra cách đây vài giờ đồng hồ: Người ta cô- vắc chiếc thai bảy tháng tuổi của một cô gái vừa đủ tuổi thành niên mà bố nó là cậu ruột cô gái. Chiếc thai đã đủ tư cách làm người nhưng không có tư cách công dân và từ kiếp trước đã bất hợp pháp. Người ta không cảm thấy có nghĩa vụ phải chăm sóc nó. Nó là hiện thân của điều đáng tởm nhất mà con người phạm phải. Việc cần phải làm là hãy để cho nó chết. Chỉ khi đó lương tâm mới thanh thản và không còn ai vì nó mà bị ám ảnh về tội lỗi. Lại một lần nữa tôi thấy người ta trao cho nhau những tờ giấy xanh, đỏ, dính theo cả máu. Khi còn là thiên thần ở trên trời, tôi và những linh hồn khác đều thuộc những bài hát ca ngợi tình yêu và sự mầu nhiệm. Tình yêu tạo ra sự mầu nhiệm và được tạo bởi sự mầu nhiệm. Trong niềm ngây ngất, một mầu nhiệm.Trong niềm ngây ngất, một mầu nhiệm lớn lao nhất được tạo ra, ấy là sự có mặt của chúng tôi, như một sự gia ân của đấng tối linh không hiện hình nhưng hiện hữu ở khắp nơi. Ngài đã nghe thấy lời cầu xin nhưng không phán xét xem nó thành thật vô tư hay giả dối vụ lợi. Ngài cũng có chỗ đáng nguyền rủa như vậy.
Tôi xin trở lại với những vị khách không quen của mẹ. Người thứ nhất là một bà mẹ đã luống tuổi. Tóc bà có nhiều sợi bạc còn cặp mắt thì chứa đầy nỗi khổ đau. Bà đến để cầu xin mẹ tôi điều mà bà không nói được với bố: Hãy giúp con bà từ án tử hình xuống còn chung thân. Mẹ chẳng can hệ gì nhưng cũng tỏ ra sẵn sàng nghe bà nói.
– Hãy nói với anh ấy giúp tôi. Tôi chỉ có duy nh ất một mình nó. Tôi nuôi nó khốn khổ để mong có ngày nhờ cậy. Vậy mà rồi nó sẽ bị giết. Tôi sẽ chẳng còn ai thân thích ở trên đời.
– Anh ấy làm được. Tôi tin là anh ấy làm được.
Bà trả lời một cách ngoan cố cái điều bà áp đặt hơn là khẳng định, cuối cùng mẹ tôi đành bảo:
– Thôi được! Nhưng rốt cục thì chuyện gì khiến con bà đến mức phải nhận án khắc nghiệt ấy?
Bà già lùi ra rồi quỳ thụp xuống:
– Nếu chị nhận của già này một lạy thì già sẽ từ từ kể.
Mẹ tôi xua tay:
– Đừng. Bà đừng làm khó cho tôi. Bà ngồi xuống đây và kể đi xem nào.
Bà già gạt nước mắt, giọng mếu máo và bắt đầu kể:
Cách đây ba mươi năm có một câu chuyện mà nhiều người ở làng Đồng, một xóm nhỏ heo hút thuộc đất Hà Tây, còn nhớ: Ông chủ tịch xã Hoàng, người làng Đồng, bị một lá đơn kiện. Ngay lập tức có bốn, năm người được phái từ trên xuống, đến ở nhờ một gia đình nông dân nghèo. Họ đều còn trẻ nhưng tính tình lạnh lùng, hỏi nhiều hơn nghe người khác nói. Tội của ông chủ tịch xã chỉ là tự tiện thịt một con lợn, tổ chức cho con cháu chè chén một bữa. Thực ra thì con lợn bị ốm, không kịp đưa vào cửa hàng thực phẩm. Nhưng ông chủ tịch không có ai làm chứng cho điều đó. Những cán bộ cử từ trên xuống đã làm hơn cả phần việc được giao. Họ phát hiện ra ông chủ tịch biết cả chữ Nho, bập bẹ tiếng Pháp, tiếp khách từ Hà Nội về, ăn mặc theo lối tư sản, có dấu hiệu đáng ngờ. Tiện thể họ gộp cho ông thêm vài tội và cách tuột chức chủ tịch của ông.
Hôm họp dân, trong số năm vị cán bộ thì chỉ có bốn vị dự để nghe luận tội ông chủ tịch. Còn một vị nói dối là đau bụng nằm ở nhà. Gia đình ông nông dân nghèo có một cô gái, tuy mới ngoài hai mươi nhưng đã bị xem là lỡ làng. Cũng bởi nhan sắc cô không được sắc sảo cho lắm. Từ hôm có người lạ, cô đều không ăn cơm cùng. Chờ khi khách đi vắng hoặc đi ngủ cô mới lén về nhà lục nồi ăn thầm dưới bếp. Hôm ấy, tin rằng các cán bộ đã đi họp hết, cô lẻn từ nhà bạn về, chui xuống bếp. Đang lú.ºi húi ăn thì cô thấy có tiếng động nhẹ như mèo. Khi cô ngẩng lên thì đã thấy một bóng đen choán hết cửa bếp. Cô chưa kịp nhả miếng cơm ra để kêu thì bóng đen đã lướt tới. Anh ta đè nghiến cô xuống bằng một sức mạnh khủng khiếp. Cô không dám kêu. Đàn bà nhà quê sợ dân làng biết mình bị hiếp hơn là sợ kẻ hiếp mình – chỉ cố gồng mình thoát ra. Nhưng chỉ một lát sau cô đã bị lột truồng, mặc dù trong đêm tối nhưng cô vẫn vô cùng xấu hổ. Cô thì thầm van xin nhưng gã đàn ông doạ:
– Nếu cô cứ quyết cưỡng lại thì tôi sẽ giết chết cả nhà cô. Cứ trông gương lão chủ tịch đấy.
– Nhưng tôi làm gì nên tội chứ- cô lào thào, hai tay vẫn bịt chặt vào háng.
Bất ngờ cô bị bẻ quặt hai tay ra đằng sau, một chân bị gã kẹp chặt. Gã loay hoay làm gì đó rồi cô chỉ thấy như có một chiếc gậy sắt nung đỏ cứ cố sức khoan sâu vào cơ thể mình. Cô gồng lên dữ dội để đẩy nó ra nhưng đó là hành động của người thiếu kinh nghiệm. Bởi chính cô đã giúp hắn toại nguyện. một khi điều đó xảy ra thì mọi sức mạnh của cô đều vô ích. Cô chỉ còn nằm thở như một con cá bị ném lên cạn. Những mảng tối đen thẫm chuyển động không ngớt. Khi gã đã xong việc, đóng lại bộ, bỏ cô nằm lại để đến cuộc họp lúc này đang sôi sục tinh thần luận tội, thì cô vẫn còn đang lơ mơ như hồn phách chưa kịp tụ về. Hôm ấy, bố cô đã bịa thêm cho ông chủ tịch được hai tội đủ cho sau đó ông bị đi cải tạo. Đêm khuya trở về, cô thấy ông sai mẹ cô đi thịt gà để đãi mấy ông cán bộ trẻ. Cô phải sang tận xóm bên mua rượu. Cô vừa đi, vừa khóc, cửa mình bỏng rát. Khi cô về thì gặp hắn chờ sẵn ở ngõ. Hắn bảo: “Tôi đi, xong công việc bỏ tù lão chủ tịch, sẽ quay lại cưới em. Cố chờ nhé”. Cô lách qua hắn, im thin thít. Hắn cầm tay kéo lại: “Đừng có dại dột cô bé nhé. Ban nãy tôi chỉ đùa cô một tí thôi”. Không hiểu sao đúng lúc ấy cô thấy có cái gì “ục” một cái. Nước từ cơ thể cô tháo ra, dính nhớp nháp. Cô nghĩ thầm: “Chắc chẳng xảy ra chuyện ấy đâu”. Hắn sốt ruột hỏi: ” Cô nghe rõ chứ?”. Cô đáp: “Vâng, tôi sẽ không nói. Nhưng nước ở đâu mà ra nhiều thế?”. Hắn cười: “Lúc ấy cô sợ quá đái như mưa, phun cả vào mặt tôi đây này”.
Cô gái ấy chính là tôi đây – bà luống tuổi chỉ vào mình. Sau khi đoàn công tác đi một thời gian thì tôi thấy mình khang khác. Mẹ tôi tra hỏi nhưng tôi một mực giấu tên hắn. Tôi rất tin vào lời hắn hứa nên cố chờ. Nhưng rồi hết mùa hè không thấy tăm hơi hắn đâu. Tôi dò la hỏi địa chỉ và quyết định đi tìm. Ai ngờ đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bố mẹ tôi. Bởi vì hơn mười năm sau khi tôi đưa đứa con hoang mười tuổi trở về thì cả hai cụ đều đã mất. Mọi người bảo do các cụ quá đau buồn về việc tôi bỏ đi mất tích. Tôi khóc ròng rã hàng tháng trời rồi thấy không thể để con mình bị tổn thương, tôi lại đưa nó đi. Hồi ấy sau khi tìm đến cơ quan của anh ta và biết anh ta xin đi công tác biệt phái ở khu Bốn, tôi lang thang vào một nông trường chè. Ở đấy có sẵn hàng chục chị từ thanh niên xung phong bị thương trở về, đều cảnh một mẹ một con. Các chị cưu mang tôi, xin cho tôi làm cùng và giúp tôi sinh nở mẹ tròn con vuông. Tôi đặt tên con là Hối. Từ bé nó đã có những tính khí khác thường. Tóc nó xoăn tít trong khi mắt như một con thú hoang dưới ánh đèn săn. Nó cục cằn hung bạo và dễ bị kích động. Nó thích chơi một mình hơn là với lũ bạn cùng lứa và thường tìm giết những con vật. Nó đặc biệt không sợ bóng tối như các đứa trẻ khác. Thậm chí nó thích được ngập trong đêm tối để nghĩ ra vô số trò tai quái. Đến lớp nó thường gây nên những chuyện náo loạn. Nhưng khi bị cô giáo phạt thì nó lì lợm như một cục đá. Nó rất thích làm cho những con chó mà nhà nào ở nông trường cũng nuôi sủa lên như hoá dại. Trò nó thích nhất là nướng mướp để nhổ hết răng của những con chó ấy.
Sau đợt theo tôi về quê trở ra, một hôm nó hỏi tôi về người bố mà nó chưa bao giờ nghe nói đến. Tôi bảo, cũng như bố các bạn khác trong khu nhà mình, bố con đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường. Ngoài một chút nghi kị lạnh lùng, nó không mấy quan tâm tới điều đó nữa. Khi cháu lớn, đi thoát ly về thành phố, tôi cảm thấy vô cùng trống trải. Cạnh đó có một ông đội trưởng góa vợ, con cái cũng đã lớn. Ông ngỏ ý muốn cùng tôi…gá nghĩa để nương tựa nhau lúc về già. Tôi hỏi ý kiến cháu thì nó nhất định can ngăn. Nó bảo tôi làm thế là xúc phạm đến vong linh bố nó vì dân vì nước mà hy sinh. Tôi tìm cách thuyết phục nó nhưng vô ích. Tôi không muốn nó bị cảm thấy mất nốt mẹ vì thế nói tất cả với ông đội trưởng để ông ấy thông cảm. Nhưng ông ấy là người không dễ bỏ cuộc. Ông chủ động gặp nó và thật bất hạnh là ông ấy không kìm được khi bị nó xúc phạm khiến hai người to tiếng. Bảo vệ nông trường phải can thiệp. Chẳng biết ai bóng gió gì nó mà hôm ấy về nó hỏi tôi có thật bố nó hy sinh không. Tôi khẳng định với nó thì nó cười khẩy bảo:
– Chính con mới là kẻ ngu ngốc, đến bố mình là ai cũng không biết. Bố con là liệt sĩ tại sao con không được hưởng một tí chế độ nào.
Cuối cùng tôi đành kể cho nó một phần sự thật. Tôi không dám nói nó là kết quả của một cuộc cưỡng hiếp, mà nói thác sang rằng tôi đã đi tìm bố nó nhưng chiến tranh nên cứ lạc nhau mãi. Nó là kết quả của một phút tôi không tự chủ được. Rằng, chắc bố con cũng nhớ mẹ và khổ tâm lắm. nghe thế nó hỏi lại: “Tại sao ông ấy không về quê mẹ? Có phải mẹ bị bỏ rơi không?”. Trước khi đi, nó dặn tôi: “Chừng nào con chưa biết rõ về bố, chừng đó mẹ không được bước chân vào nhà ông đội trưởng”. Lần ấy khá lâu nó không về thăm tôi. Trong khi đó ông đội trưởng thì đêm nào cũng mò tới. Tôi vừa van xin ông buông tha, vừa muốn níu ông ở lại. Nhiều lần tôi không đành lòng và thực sự chúng tôi đều cần nhau. Rồi một hôm con trai tôi trở về vào nửa đêm. Mặc dù may cho tôi hôm ấy ông đội trưởng không đến nhưng vừa ngồi xuống nó đã hỏi ngay: “Ông ta vẫn đến đây phải không?”. Tôi bảo ông ta có quyền làm điều đó khi không bị mẹ phản đối. Nghe tôi nói vậy nó tức tối đến nhà ông đội trưởng, làm náo loạn cả nông trường. Lần này nó bị mời lên đồn công an. Ở đó người ta không khách khí, mắng nó một trận thậm tệ. Và điều nguy hiểm là ai đó đã cho nó biết vì sao tôi phiêu bạt lên đây. Chị không thể tưởng tượng được con trai tôi đau khổ như thế nào. Nó đổi tính đổi nết đến phát sợ. Nó quỳ xuống xin lỗi tôi nhưng trong ánh mắt nó loé lên những ý nghĩ man dại. Tôi rất biết tính nó. Chuyện đã đến thế, tôi nói ra tất cả, không giấu nó bất cứ điều gì. Tôi mô tả cả bề ngoài bố nó, cơ quan trước đây bố nó làm việc, nơi mà tôi đã từng mò đến. Nó hỏi khá kỹ về cái đêm kinh hoàng của đời tôi và chỉ khẽ nói: “Ra là thế. Tôi đã ra đời trong sự nguyền rủa của các người”.
Bà luống tuổi lấy khăn tay hỉ mũi. Mẹ tôi đưa thêm cho bà một gói giấy vệ sinh.
– Chuyện xảy ra sau đó tôi đâu có lường được. Thực sự cho đến giờ tôi không biết làm cách nào nó lại tìm được bố nó. Họ đã nói với nhau những gì khiến nó đâm chết ông ta. Mỗi người nói lại một phách. Chỉ có bài báo của chồng cô là có lý hơn cả. Nó phù hợp với tính cách của con trai tôi.
– Bài báo của chồng tôi? – Mẹ thảng thốt hỏi. Sao anh ấy không kể gì cho tôi cả – Chợt mẹ lật gối lên – Có lẽ đây cũng nên – mẹ lôi ra một tờ báo.
– Đúng, chính là tờ báo ấy…Bà luống tuổi lại lấy khăn hỉ mũi – Nếu quan toà xét theo cách nhìn nhận như của chồng cô thì có thể con trai tôi không đáng nhận án tử hình.
– Vậy họ nhìn nhận theo cách nào?
– Họ kết luận nó giết người bằng hành vi côn đồ để trả thù.
Mẹ thở dài:
– Toà đã tuyên thế, chồng tôi còn có thể làm gì được?
Bà già lùi ra và quỳ xuống:
– Tôi lạy cô! Hãy nói với chú ấy vẫn còn có khả năng cứu được con tôi khi chú ấy tiếp tục lên tiếng bảo vệ lập luận của mình. Về phần tôi, tôi sẽ chống án. Tôi sẽ ra toà gỡ tội cho con tôi.
– Thôi được, bà đứng lên đi.
Đúng lúc ấy cả bố và ông bác sĩ Nhân Từ bước vào. Bố rất ngạc nhiên nhưng ông bác sĩ còn ngạc nhiên hơn.
– Ở đây có chuyện gì thế này? – Ông bác sĩ hỏi, hết nhìn bà luống tuổi, nhìn mẹ sang nhìn bố. Chà chà, thế ra anh là…vậy thì chúng ta từng là kẻ thù của nhau đấy.
Bà luống tuổi quay sang lạy tứ tung rồi đứng dậy đi giật lùi trở ra:
– Cô là người nhân hậu – bà ta nói với mẹ – Hãy cứu con tôi như người ta đang cứu con cô.
Mẹ xúc động đến mức lặng đi. Lát sau mẹ hờ hững lật tờ báo ra. Bài viết của bố ngay ở trang thứ hai. Mẹ xem lướt qua rồi gục đầu xuống, khóc nức nở. Bố đỡ lấy tờ báo chỉ bài của mình cho ông bác sĩ.
– Một vụ giết người kỳ lạ không thể phán xét bằng những lý lẽ về tội phạm thông thường.
– Vậy thì biết dựa vào cái gì? – Ông bác sĩ vặn lại.
– Phải tạo ra một cái gì đó để mà dựa, nếu muốn vì sự công bằng. Bộ luật nào cũng có những hạn chế của nó.
– Đó không phải là chuyện mà tôi với anh có thể bàn được. Nhưng xem nào, anh nhìn nhận ra sao về kẻ giết người.
Ông bác sĩ căng tờ báo ra và bắt đầu đọc.
“Hồi mười lăm giờ ngày…những người làm chứng ở quán cafê Thiên đàng thấy có một người đàn ông trung niên và một thanh niên bước vào quán. Họ chọn một chiếc bàn ở góc khuất nhất. Họ giống nhau một cách kỳ lạ. Cả hai đều to lớn. tóc đen và xoăn, mặt to ngang, cằm hơi bạnh. Lát sau họ đôi co về chuyện gì đó. Rồi mọi người thấy gã trẻ tuổi rút dao ra chọc thẳng vào ngực ông già. Ông ta gục xuống chết ngay còn gã trẻ tuổi lau dao bằng giấy ăn, đưa lên ngắm nghía rồi ném mạnh xuống đất. Cảnh sát ập đến. Anh ta không hề có ý định chống cự hay chạy trốn. Ở cơ quan điều tra anh ta khai nhận việc giết ông già kia là có chủ ý, vì một vấn đề cao cả hơn cả công bằng, cao hơn cả chân lý, cao hơn cả danh dự bởi anh ta thực thi một sự trừng phạt không phải của con người.
Mọi bằng chứng đều chống lại anh ta, đều góp phần đưa anh ta ra bãi bắn. Nhưng anh ta không hề hối tiếc hay cầu xin. Chỉ khi mẹ của phạm nhân đến gặp cơ quan điều tra, mọi người mới hướng vấn đề sang một khía cạnh mới. Bố đẻ anh ta là kẻ đã hiếp mẹ anh ta, một sự cưỡng hiếp đáng tởm, khi bà còn là cô thôn nữ trinh trắng. Bà đã chịu đựng nỗi nhục nhã đó suốt ba mươi năm nay và chỉ vì một sơ suất mà câu chuyện lộ ra với con trai bà.
Theo hắn nói thì hắn đã suy nghĩ về điều đó suốt nhiều đêm ròng, Hắn cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Điều lạ lùng là chưa có nổi một giây hắn nghĩ kẻ cưỡng hiếp mẹ hắn cũng là kẻ đã cho hắn cuộc sống. Cả khi cầm dao giết ông ta hắn cũng bị chi phối bởi ý nghĩ đang rửa nhục cho mẹ, lập lại công bằng. Trước toà hắn lớn tiếng hỏi: “Tất cả các vị ngồi đây sẽ làm gì với một tên đàn ông hiếp mẹ mình?”. Chủ tọa lưu ý hắn đó là chuyện của quá khứ và nhắc hắn rằng, trong trường hợp này, nhờ kẻ cưỡng hiếp mẹ hắn mà hắn mới có mặt trên đời thì hắn trừng mắt: Tôi không có quá khứ. Quỷ sứ đã tạo ra tôi chứ không phải ông ta.”
Hết đoạn tường thuật, ông bác sĩ hơi giễu cợt khi đọc những chủ kiến của bố tôi, trong đó bố cho rằng kẻ giết người còn có chỗ đáng châm chước. Chính điều đó mở ra hy vọng cho mẹ của tên tử tù. Giờ đây bà ta đã lui ra chờ ở ngoài cửa.
Cây chuyện tiếp theo tôi không bao giờ được biết vì sau đó mẹ tôi bỗng dưng nằm lịm đi và căn phòng trở lại tĩnh lặng. Chính khi đó vị khách thứ hai xuất hiện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.