Thôi Miên Nhìn Từ Góc Độ Tâm Lý Học
Chương 2. THUẬT ÁM THỊ
I. LỰC KHỐNG CHẾ VÔ HÌNH
Đứa con gái nhỏ của tôi đang chơi bên cạnh tôi, bỗng khóc rấm rức, tôi hỏi tại sao, bé nói: “Con đau bụng?”. Tôi nói: “Đến đây ba xoa cho con!”. Bé chạy đến, tôi lấy tay xoa xoa trên bụng bé, bé cười nói: “Không còn đau nữa”. Sau đó, chạy đi chơi, không kêu đau cũng không khóc nữa. Bất kỳ cha mẹ nào cũng biết cách trị đau như thế. Đối với trẻ con, lực ám thị của cha mẹ có tác động rất lớn đến cảm giác của chúng.
Trong chữa trị bệnh tật, việc ám thị của bác sĩ đối với bệnh nhân cũng có lắm điều thú vị và đáng được nghiên cứu. Nếu bác sĩ khám qua loa thì bệnh nhân sẽ không tin vào toa thuốc của bác sĩ, bệnh sẽ chậm khỏi. Nếu bác sĩ khám kỹ lưỡng, tận tình thì bệnh nhân có cảm giác bác sĩ đã hiểu rõ bệnh tình, kê toa chính xác, uống thuốc với lòng tin tuyệt đối tất nhiên bệnh sẽ khỏi rất nhanh, chính vì thế bệnh nhân thường có tâm lý tìm đến các bác sĩ giàu kinh nghiệm, khám chữa bệnh tận tình. Trong cuộc sống của mình, chúng ta thường bị người khác dùng thuật ám thị.
Vậy ám thị là gì? Nó có sức mạnh thế nào? “ám” có nghĩa là không tỉnh táo, “thị” là sự chỉ thị có ý đồ. Vậy “ám thị” tức là làm cho đối phương làm theo ý của người chỉ thị mà không hề biết mình đang làm theo ý người đó. Cứ tưởng mình làm là vì mình nên làm, muốn làm. Ám thị không phải là ra lệnh cho đối phương thực hiện chỉ thị của mình mà khiến họ thực hiện mệnh lệnh ấy một cách tự nhiên, xem mệnh lệnh ấy như xuất phát từ trong tư tưởng của chính họ.
Có một vị phu nhân nọ luôn cho mình thông minh tài trí hơn người, lúc nào cũng sống trong trạng thái hưng phấn. Một hôm, bà bỗng bị mất ngủ. Đến nhiều thầy thuốc để chữa trị nhưng vẫn không khỏi. Cuối cùng, bà tìm đến chỗ của tôi. Sau khi tìm hiểu, tôi biết rằng chỉ cần bà ta thay đổi cá tính háo thắng của mình một chút thì sẽ hết bệnh ngay. Tôi tùy tiện hỏi bà một câu:
– Bà bị chứng hôi miệng lâu chưa?
Bà ta kinh ngạc, tự nhiên xê dịch ra khỏi chỗ của tôi một chút, nói:
– Hôi miệng? Tôi đâu có bị bệnh này!
Với một người tự tôn như bà ta, một câu hỏi mất lịch sự như vậy đả kích rất lớn vào tâm lý, nhưng không dùng biện pháp mạnh thì khó khống chế được tâm lý hưng phấn của bà, tức không thể giúp bà sửa đổi tính tình. Qua một thời gian uống thuốc, trị liệu, bệnh tình của bà dần dần khỏi hắn, tính tình cũng trầm tĩnh hơn, khi nói chuyện không còn hoa chân múa tay, không còn lớn tiếng nữa.
Trước khi trị bệnh cho bà, tôi khẳng định là sẽ trị cả chứng mất ngủ lẫn hôi miệng, bà rất vui mừng. Tuy bà không bị chứng hôi miệng nhưng tôi phải mượn cớ để thay đổi tính tình của bà và đã thành công.
Các loại thuốc trị đau, trị mất ngủ, thuốc an thần, kính cận thị, viễn thị,… đều thuộc phạm trù ám thị ở diện rộng.
Mỗi bệnh tật của con người đều liên quan đến tâm lý, có bệnh hoàn toàn phát sinh từ yếu tố tâm lý. Não người là một hệ thống phức tạp nên hoạt động tâm lý là sự biến hóa phức tạp của hệ thống ấy. Bệnh mất ngủ, đau đầu cũng do yếu tố tâm lý tác động lên thân thể. Nếu không chữa trị sớm sẽ tạo gánh nặng cho cả thân tâm, bệnh càng thêm bệnh, tạo thành bệnh mạn tính khó chữa trị. Phương pháp ám thị ở diện rộng luôn bắt đầu từ tâm lý của người bệnh làm cho tâm trạng họ tốt hơn, tinh thần cân bằng, ổn định hơn. Người dùng ám thị cũng phải tự ám thị mình rằng: “Ta dùng phương pháp này để trị bệnh, bệnh nhất định sẽ khỏi”, bởi khi bạn có lòng tin với chính bạn mới làm cho người khác tin bạn được.
Có vị hiệu trưởng của một trường chuyên nọ vừa nhận chức, chế định một loạt nội quy mới cho trường bao gồm ở tất cả các mặt như: thưởng, phạt, giờ giấc làm việc… ông còn “giết gà dọa khỉ” (phạt người này cho người kia sợ) đã xử phạt một lúc nhiều em học sinh cá biệt. Sau việc ấy, nề nếp của nhà trường quả nhiên có quy củ hơn một thời gian. Nhưng sau đó, giáo viên bắt đầu đình công, học sinh bắt đầu nổi loạn không chịu học hành. Hiệu trưởng càng siết chặt kỷ cương hơn, nhưng càng siết chặt trường càng loạn, cuối cùng ông cảm thấy thật sự bất lực. Khi ấy, một giáo sư tâm lý học đặt lên bàn hiệu trưởng một tập tài liệu về tâm lý học giáo dục. Hiệu trưởng tiện tay lật xem, càng xem càng thấy có ý nghĩa, cuối cùng hiểu được rằng khích lệ sẽ có tác dụng nhiều hơn những hình phạt cứng nhắc, làm việc trong không khí hòa hợp, phát huy tính năng động của mọi người sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Xử phạt chẳng qua chỉ là biện pháp, có tác dụng tạm thời, vì thế hiệu trưởng quyết định thay đổi cách làm việc, tình hình trường lớp dần ổn định lại. Dùng hình phạt tức ám thị rằng: “Các ngươi không ai tốt cả, chỉ có trừng phạt mới thích đáng!”. Người bị trừng phạt sẽ nghĩ: “Lãnh đạo chẳng xem chúng ta ra gì, thì chúng ta cứ làm loạn lên vậy! Quan niệm này luôn tồn tại tiềm ẩn trong mỗi con người và sau đó là chi phối hành vi của họ. Vì thế, cách tốt nhất là nên khuyến khích, động viên, không nên lạm dụng hình phạt.
Ám thị có tác dụng rất lớn trong mọi mặt của cuộc sống. Nắm rõ được quy luật ám thị, ám thị người khác một cách thông minh để đạt thành ý nguyện của mình mà không làm tổn hại người khác, ấy mới là người học ám thi một cách chân chính.
II. BẢN CHẤT CỦA ÁM THỊ
Khi tôi còn là sinh viên, một lần, sinh viên trường chúng tôi bị ngộ độc thức ăn. Có khoảng 200 người vừa nôn mửa, vừa tiêu chảy. Qua vài ngày điều trị thì bệnh khỏi nhưng không ngờ lần bệnh ấy đã ảnh hưởng tới thói quen ăn uống của tôi đến tận 10 năm sau. Chỉ cần ngồi vào bàn tiệc uống rượu với bạn bè, ăn vài gắp thức ăn thì chưa đầy nửa tiếng đồng hồ sau, hệ tiêu hóa của tôi lại có vấn đề. Xem ra, tiềm thức của tôi đã bị sức mạnh vô hình ám thị mà chính tôi cũng không biết. Đây là một điển hình của tự thân ám thị.
Trên phương diện hình thức, người bị ám thị là người bị chỉ huy. Nhưng nếu phân tích chi li hơn, sẽ phát hiện bất cứ người nào cũng vậy, đều do đại não chi phối hành vi. Khi người khác ám thị chúng ta, đầu tiên tín hiệu ám thị đó phải được chúng ta tiếp nhận thì việc ám thị mới có tác dụng.
Mỗi con người điều có ý thức chủ quan. Khi bạn kích thích vào người khác một lực nào đó thì chính bạn cũng nhận một kích thích tương ứng, còn người ám thị chỉ có tác dụng khi nào người bị ám thị đồng ý tiếp nhận tín hiệu ám thị. Vì thế trên một góc độ nhất định nào đó thì bản chất của ám thị chính là “tự ngã ám thị”(tự mình ám thị).
Quá trình ám thị chia làm hai giai đoạn:
– Thông qua ngôn ngữ hay hành vi, làm cho người bị ám thị sản sinh ý niệm để tiếp nhận ám thị.
– Dưới sự chi phối của tín hiệu ám thị, tiến hành thực thi động tác theo hiệu lệnh ám thị.
Sự khác nhau trong nhận thức của hai giai đoạn trên hình thành hai định nghĩa cho ám thị.
Một định nghĩa đặt trọng tâm vào giai đoạn một: “Ám thị là hiện tượng chi phối hành vi của người khác”.
Một định nghĩa đặt trọng tâm vào giai đoạn hai: “Ám thị là hiện tượng từ quan niệm thể hiện thành hành vi”.
Có những loại ám thị do ngoại giới kích thích, không phải do con người kích thích. Ví dụ như người ruột yếu, lần đầu ăn thức ăn tươi sống vào thì tiêu chảy, hay ăn thức ăn lạnh, hàn vào thì viêm dạ dày cấp tỉnh, thế là luôn tâm niệm rằng: “bụng mình yếu, ăn thức ăn tươi sống hay lạnh, hàn thì sẽ bị đau”. Ý tưởng này dần dần ghi khắc vào đại não, sau đó hễ ăn thức ăn tươi sống hay lạnh vào thì bị đau, khiến cho người bệnh không dám ăn thức ăn ấy nữa. Trường hợp này y khoa gọi là “Vị trường thần kinh quang năng chứng” (bệnh thần kinh quang năng của vị trường) đây là trường hợp ám thị xảy ra từ đầu đến cuối, đều do thể nghiệm chủ quan, gọi là “tự ngã ám thị”. “Tự ngã ám thị” chỉ có giai đoạn hai, tức giai đoạn từ quan niệm thể hiện thành hành vi, loại ám thị này hình thành từ sự kích thích của ngoại giới, nhưng không phải do con người mà là do các điều kiện về môi trường, vật chất…
Cuối thế kỷ XIX, ở phương Tây xuất hiện trường phái dùng ám thị để trị bệnh và rèn luyện ý chí, chú trọng đến “tự ngã ám thị”, thậm chí những người theo trường phái này còn cho rằng không có ám thị nào khác ngoài “tự ngã ám thị”. Có người cho rằng, trong trạng thái thôi miên không có tự ngã ám thị, bởi người bị ám thị đã ở trong trạng thái mơ hồ, mất hết nhận thức, tất cả ám thị đều do người khác thực thi lên mình. Nếu nghĩ như vậy là chưa thật sự hiểu về quá trình hình thành vận động của người bị ám thị trong giai đoạn bị thực thi ám thị, hoặc đã quá nghiêng về giai đoạn một của ám thị là hình thành quan niệm ám thị.
Nêu một ví dụ thực tế. Có một người nghiện rượu muốn tự mình cai rượu, tôi giúp anh ta bằng ám thị thôi miên. Đầu tiên, làm cho anh ta rơi vào trạng thái bị thôi miên, sau đó đưa một hũ rượu đến trước mũi anh ta bảo: “Hãy ngửi mùi rượu này”. Anh ta cẩn thận ngửi vài hơi. Tôi lại nói: “Trong rượu có mùi thối anh hãy ngửi lại thử xem”, anh ta hít thêm vài cái nữa rồi nhăn mặt khó chịu như đang ngửi phải thứ gì đó rất hôi thối. Tôi tiếp tục ám thị rằng: “Uống đi, chẳng khác nào uống nhầm nước tiểu vậy!” rồi rót cho anh ta một ly đưa đến miệng, anh ta vội quay mặt tránh qua một bên. Tôi bảo: “Không phải anh thích rượu sao, hãy uống đi”. Nhưng anh ta cắn chặt răng lại không chịu uống, chỉ có đôi môi là mấp máy mà thôi.
Xét từ góc độ thực nghiệm thì đã thất bại, nhưng nếu nhìn theo nghĩa tích cực có thể thấy, dù trong trạng thái bị thôi miên, anh ta vẫn có ý thức chủ động của mình, nhất định không chịu uống dù tôi cố hết sức ám thị như thế nào. Từ đó, cũng có thể thấy, khi kích thích bằng biện pháp mạnh hay trái với quy luật sinh hoạt thường ngày (bình thường không ai uống nước tiểu cả) thì sẽ phát sinh những phản ứng miễn cưỡng từ người bị ám thị, từ chối tiếp nhận ám thị. Vì vậy, đối tượng bị ám thị đang ở trong trạng thái nào thì đầu tiên cũng phải làm cho họ tiếp nhận tín hiệu ám thị. Đấy là tiền đề của ám thị. Bản chất của ám thị không bao giờ thay đổi, chỉ khác nhau ở phương pháp ám thị và trạng thái tinh thần của người bị ám thị mà thôi.
Có thể nói, sự sản sinh ra tự ngã ám thị đều chịu ảnh hưởng từ điều kiện khách quan, hình thành trong vô thức. Vì thế muốn ám thị người, thì phải làm cho người rơi vào tình trạng “vô ý thức”. Nếu không, một khi người nhận ám thị nhận thức được thì tín hiệu ám thị trở thành mệnh lệnh không còn là ám thị nữa.
Con người luôn có ý thức độc lập, tự chủ, không thích bị người khác sai khiến. Muốn làm cho người vô ý thức thì phải tạo lòng tin ở người, làm cho người tin tuyệt đối vào bạn. Có lòng tin của họ là đã thành công được bước đầu. Ám thị không thuộc lý tính mà mang tính cưỡng bách, làm cho người bị ám thị tiếp nhận tín hiệu ám thị mà không có suy xét, nhận định gì cả. Vì thế, làm cho đối tượng tin vào bạn là điều vô cùng quan trọng. Con người có xu hướng tin vào quỷ thần, vì thế lợi dụng quỷ thần ám thị chữa bệnh sẽ có hiệu quả rất cao. Đây là dùng tín ngưỡng làm điều kiện tiên quyết để ám thị. Ví dụ anh trúng phong là do chạm phải luồng gió của quỷ thần, lúc tỉnh lúc mê là do bị quỷ thần quở trách… nhưng với người không tin vào quỷ thần thì cách ám thị này không có tác dụng gì với họ cả.
Còn một loại tự ngã ám thị khác nữa, tức là cố ý ám thị bản thân mình. Ám thị, như đã trình bày ở trên, là người bị ám thị không ý thức được rằng mình đang nhận ám thị, mới đích thực là ám thị, nhưng còn chuyện tự cố ý ám thị mình thì sao? (tức ý thức được mình đang bị ám thị). Kỳ thật, mỗi con người đều có kinh nghiệm tự ngã ám thị như thế. Ví dụ, sáng mai phải đến ga xe lửa lúc 5 giờ Trước khi đi ngủ, tự mình nhắc đi nhắc lại rằng phải dậy trước 5 giờ, sáng hôm sau quả nhiên giật mình thức dậy trước 5 giờ, dù đấy không phải thời gian thức dậy hàng ngày. Đấy là trước khi ngủ bạn đã tự ám thị cho mình, khi bạn ngủ say, đại não vẫn làm việc nên giúp bạn thức dậy trước 5 giờ như đã định.
Anh C và anh D quan hệ rất tốt, nhưng không hiểu sao gần đây cả khoa đều ghét anh C, nói xấu anh C trước mắt anh D nhiều lần. Ban đầu anh D rất khó chịu, nhưng lâu dần anh cũng phát hiện ra anh C quả nhiên có các điểm xấu nói trên, càng nghĩ càng thấy anh C quả là người xấu từ đó bắt đầu ghét anh C, tham gia vào những cuộc trò chuyện sau lưng C, vạch lỗi xấu của C như bao người khác. Đây là trường hợp không hiếm trong cuộc sống hàng ngày, đó chính là tự ngã ám thị trong tình trạng vô ý thức hóa.
Nguyên lý luyện khí công cũng giống như vậy. Người luyện “xích dương công” (mặt trời đỏ) khi luyện công tập trung quán tưởng rằng cả thân thể mình phát nhiệt, phát hồng quang, lâu ngày trí tường tượng biến thành sự thật không những toàn thân phát đỏ mà thân nhiệt cũng tăng lên.
Những vật thuộc lĩnh vực ý thức làm sao có thể biến thành vô ý thức, sau đó chi phối hành vi con người?
III. Ý THÚC VÀ TIỀM THÚC
Cuối thế kỷ XIX, khoa học đã vượt qua quan niệm “lý tình chi phối hành vi” để tiếp cận với tiềm thức, khẳng định sự tồn tại của tiềm thức, có những thứ trong con người mà lý tính không thể khống chế được, đó là những thứ xuất sinh từ tiềm thức, mà đa phần thuộc bản năng. Bản năng từ tiềm thức này thao túng cuộc sống của mỗi người chúng ta, làm cho chúng ta biết được rằng không phải lúc nào mình cũng có thể làm chủ bản thân mình. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, các kinh nghiệm tuổi ấu niên sẽ ảnh hưởng đến tinh thần khi chúng ta trưởng thành. Chúng tạo ra một lực lượng vô cùng mạnh mẽ và tiềm tàng trong tiềm thức rồi đột nhiên chi phối tâm lý, tình cảm, hành vi của chúng ta.
Tiềm thức, còn được gọi là “thâm tầng tâm lý học” (tâm lý học ở tầng sâu), có các mặt chủ yếu sau:
– Cho rằng hành vi và tâm lý của con người có quan hệ nhân quả với nhau.
– Hoạt động của ý thức có thể phân thành: ý thức, tiền ý thức, tiềm thức.
– Nhân cách con người tạo thành từ ba ngã là: nguyên ngã, tự ngã, siêu ngã. Đa số hành vi con người xuất phát từ dục vọng của nguyên ngã. Trong sự quan sát, lựa chọn, phê phán của siêu ngã, tự ngã chấp hành những gì thích ứng với hiện thực cuộc sống. Để thích ứng với sự tranh đấu của nội tâm và trắc trở của ngoại cảnh, tự ngã có sự phòng ngự tâm lý đặc thù gọi là cơ chế tâm lý tự vệ.
– Cho rằng dục vọng của con người là nguồn gốc, động lực cho hành vi. Dục vọng có thể tiềm ẩn dưới nhiều hình thức và nó liên tục thay đổi diện mạo để được thể hiện ra ngoài. Trong quá trình phát triển nhân cách, dục vọng nguyên ngã phát triển tuần tự, mỗi giai đoạn đều có những dục vọng đặc thù, phương thức thỏa mãn và thích ứng với nó cũng tuần tự phát triển. Trong quá trình phát triển nhân cách, mỗi giai đoạn gặp trắc trở sẽ phát sinh những nhược điểm và phương pháp phòng ngự đặc thù, hình thành những bệnh thái tâm lý đặc thù, được thể hiện bằng những hành động, hành vi bất thường hoặc những triệu chứng bệnh tật khác thường của thân thể, của tinh thần. Muốn trị được những bệnh này phải căn cứ vào từng thời kỳ trưởng thành, phát triển của bệnh nhân để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Các nhà y học hiện đại khi phát hiện sự tồn tại của tiềm thức đã lợi dựng thuật thôi miên để chữa bệnh cho người. Trong quá trình trị liệu, các nhà khoa học phát hiện rằng, người bị thôi miên sẽ nói ra một số sự việc mà họ đã từng trải qua trong quá khứ. Những sự việc này tác động rất lớn đến họ và vẫn còn tiềm ẩn bên trong họ, dù đã trải qua thời gian khá lâu, nó vẫn còn sức mạnh chi phối rất lớn lên tâm tư, tình cảm, hành vi của con người. Dùng thuật thôi miên có thể tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh tật và quá trình phát triển của nó. Bệnh nhân được khỏi bệnh cũng nhờ vào sự chi phối của tầng sâu tâm lý, tức sức mạnh từ tiềm thức.
Vậy ý thức là gì? Tiềm thức là gì? Nghiên cứu ý thức, tiềm thức giúp ích gì cho chúng ta.
Chúng ta thường nói đến từ “tâm lý”, và chúng ta có thể tìm hiểu nghĩa của nó trong các cuốn từ điển. Nhưng khi nói đến tâm lý, chúng ta thường nghĩ đến các ý kiến, cảm giác hoặc năng lực cảm giác v.v… Không thể dùng sơ đồ giải phẫu để thể hiện tâm lý. Tâm lý thuộc lĩnh vực trừu tượng, không có giới hạn, không có định nghĩa chính xác tuyệt đối, các nhà tâm lý học cũng không thống nhất với nhau về định nghĩa tâm lý. Nhưng có một định nghĩa đáng chú ý: “tâm lý là quá trình bao hàm các loại cảm giác tư tưởng và nguyện vọng”. Định nghĩa này bao hàm cả tư tưởng và nguyện vọng của tiềm thức, là một phần của hành động tâm lý.
Ý thức giúp chúng ta ghi nhớ từ mới của tiếng Anh, cho chúng ta biết đau, biết nóng, biết lạnh, biết đặt thái độ của mình trong từng sự việc, biết xử lý các vấn đề trong cuộc sống, nó cũng làm cho chúng ta biết mình đang muốn gì hoặc cảm thấy như thế nào. Chính vì thế đôi lúc tâm lý bị nhầm với ý thức. Sự thực thì ý thức chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong toàn bộ nhân cách của con người. Trong ý thức cũng ẩn tàng những tâm lý rất quan trọng.
Ý thức là một bộ phận tâm lý mà chúng ta có thể nhận biết được, hiểu được. Nó không giống như tim, thận… có một vị trí, chiếm một không gian nhất định trong cơ thể, mà nó thuộc về nhân cách. Chúng ta biết được nó và có thể khống chế nó. Nó là bộ phận tâm lý giúp chúng ta duy trì cuộc sống được bình thường.
Chúng tôi tin rằng tâm lý bao hàm cả tiềm thức, liên quan mật thiết đến cuộc sống của chúng ta. Tiềm thức là một bộ phận vô cùng quan trọng để cấu thành cái gọi là con người này, nó là nguồn gốc tâm lý cố định nhưng vô cùng linh hoạt, bình thường chúng ta không thấy được sự tồn tại của nó, nhưng nó chính là sức mạnh thúc giục bạn hành động để thỏa mãn các nhu cầu của bản thân.
Tiềm thức chứa đựng rất nhiều các ký ức tuổi ấu thơ của chúng ta. Có những việc chúng ta tưởng đã quên lãng theo thời gian, nhưng thực tế nó không mất mà khởi nguồn cho mọi cảm xúc, tình cảm của chúng ta trong hiện tại. Những cảm xúc đa phần làm cho chúng ta không thoải mái, không được người khác tiếp nhận được ẩn tàng trong tiềm ức (tiềm ức là một phương pháp tự vệ của cá nhân trong cuộc sống, nó ngăn cản chúng ta đối diện với một số cảm giác trầm trọng. Những tiềm ức này được quy nạp vào tiềm thức nhưng vẫn hoạt động rất linh hoạt trong tầm sâu tâm lý. Tiềm ức là một loại giám sát của tự ngã, nó ẩn tàng những dục niệm không được xã hội chấp nhận, giúp chúng ta giữ gìn hình tượng của mình trong cuộc sống).
Những cảm giác không thoải mái ấy tách ly khỏi phạm trù ý thức nó bị chôn sâu trong tiềm thức vì thế đôi lúc con người không biết rằng, trong bản thân mình vốn có sẵn những dục vọng và quan niệm phi đạo đức như vậy. Nếu một ai đó chỉ thẳng cho họ thấy thì hoặc là họ không tin hoặc là nổi giận, phản đối.
Khi chúng ta tỉnh giấc, ký ức tiềm thức ảnh hưởng đến hành vi thường ngày của chúng ta, nó ảnh hưởng đến tư duy, cảm giác và cách thức hành động. Khi chúng ta ngủ, nó xuất hiện trong giấc mộng. Nó cũng ảnh hưởng đến việc chọn lựa nghề nghiệp, chọn lựa bạn đời, tình trạng sức khỏe của chúng ta. Tiềm thức của mỗi con người đều có một bí mật lớn: “Tại sao ta lại là ta của hiện nay?”.
Ví dụ với người bình thường, tâm lý ý thức bao hàm tất cả cảm giác và tư tưởng của họ. Chúng ta xem các cảm giác, tư tưởng này là sự khởi đầu cho một sự nghiệp kinh doanh của cơ quan nào đó, tình hình nội bộ đều được các nhân viên hiểu thấu đáo. Còn tiềm thức là bộ phận mà nhân viên không thể biết được, nó giống như những tổ chức thượng tầng có thể khống chế, chi phối đường hướng kinh doanh của công ty nhưng người trong công ty không hiểu điều đó, cứ tưởng mọi kế hoạch kinh doanh của mình đều do mình quyết định.
Tiềm thức không để ý đến các giá trị đạo đức, không quan tâm đến các quy định xã hội, nhưng lại mang một sức mạnh phi thường, có thể thao túng con người trong mọi tư tưởng, cảm xúc. Có những việc chúng ta nhầm tưởng rằng do ý thức quyết định nhưng thực ra nó đang chịu tác động của tiềm thức. Các nhà thôi miên nếu nắm rõ cơ chế tâm lý này của đối tượng thì hiệu quả việc thôi miên, ám thị sẽ được như ý muốn.
IV. PHÂN LOẠI ÁM THỊ
Ám thị được phân loại từ nhiều góc độ khác nhau. Căn cứ vào ý nghĩa, tính chất có thể phân ám thị thành các loại ám thị tích cực và ám thị tiêu cực. Căn cứ vào hình thức có thể phân thành “tự ngã ám thị” và “tha nhân ám thị” (bị người khác ám thị). Căn cứ vào trạng thái tinh thần của người bị ám thị thì có thể phân thành tỉnh giác ám thị (nhận ám thị trong trạng thái vẫn còn nhận thức) và thôi miên ám thị (mất hết nhận thức). Căn cứ vào hành động của người bị ám thị có thể phân thành dương tính ám thị và âm tính ám thị.
Mỗi loại ám thị có phương pháp thực hiện và tác dụng khác nhau.
Anh C hiếu khách, nhiệt tình, đặc biệt rất chu đáo với phụ nữ. Đây là một đức tính tốt, thế nhưng vợ của C lại hẹp hòi, ích kỷ, không thích C chiêu đãi bạn bè nữ giới sau đó lại hoài nghi chồng mình tư tình với người phụ nữ khác. Anh C lại không thay đổi được cá tính của mình, nhưng rất yêu vợ, rất khổ tâm vì sự hoài nghi của vợ. Xem ra chỉ còn cách nhường vợ một bước để giữ hạnh phúc gia đình. Để có thể nhường vợ, anh C phải tự ám thị. Một hôm anh C nói với tôi:
– Đúng là có gia đình có thêm nhiều chuyện ràng buộc. Nhìn những đứa con thì có muốn ly hôn cũng không được.
Xem ra, anh C rất yêu con. Tôi lập tức mượn con cái của anh làm tiền đề để ám thị. Tôi nói:
– Đúng là có con rồi thật khó giải quyết, nhưng trên phương diện tình cảm, thích người khác giới là bản năng của con người. Tôi nghĩ rằng quan hệ trên mức bình thường với phụ nữ là chuyện bình thường thôi.
Anh C nói:
– Thật ra tôi cũng rất cẩn thận với các nữ đồng nghiệp từ trước đến nay chưa bao giờ nghĩ đến những chuyện vượt quá giới hạn, chỉ tại vợ tôi hay ghen thôi?
Tôi đáp:
– Điều này cũng không thể trách chị ấy. Dù sao thì vợ ghen vẫn tốt hơn không ghen. Chị ấy còn ghen là còn yêu anh!
Anh gật đầu đáp:
– Tôi biết vợ tôi rất tốt, nhưng không hiểu cho tôi, thật là khổ tâm!
Xem ra anh C đã bắt đầu nhận ra chỗ sai của mình, có ý muốn được vợ tha thứ.
Tôi bèn tiếp lời:
– Làm gì có chuyện đó! Nếu chị ấy đi tìm một người đàn ông khác, chẳng lẽ anh có thể không nổi giận sao? Tôi nghĩ tốt nhất là anh về nhận lỗi với chị ấy. Phụ nữ mà, ai không muốn tiếp cận họ chứ? Nhưng nếu vì tiếp cận họ mà làm mất hạnh phúc gia đình thì thật không đáng.
Đấy là tôi đã dùng ám thị để dẫn dắt đối phương nhận ra sai lầm của mình. Ám thị này là vì lợi ích của người, là ám thị tích cực. Cho đến hôm nay, tôi chỉ có một lần dùng ám thị tiêu cực, đó là lúc chúng tôi còn là sinh viên ở khoa Y, giáo sư bảo thi nhưng không giới hạn phạm vi ôn tập nên chúng tôi rất lo. Nếu thi không đạt tiêu chuẩn thì thật phiền hà. Chúng tôi dẫn nhau đến nhà giáo sư bày tỏ sự lo lắng của mình, tôi thưa:
– Thưa thầy, chúng em nghe nói lần này thầy ra đề thi rất khó, phạm vi lại rộng. Chúng em đang rất lo lắng không biết có làm bài tốt được không.
Giáo sư trả lời:
– Khó thì có khó đó, nhưng chỉ cần các em nắm vững kiến thức cơ bản thì đủ điểm đậu thôi!
Chúng tôi tiếp tục thăm dò:
– Lúc trước các thầy ra đề cho lớp trên thường tập trung vào lý thuyết. Nghe nói năm nay chuyển sang tiêu chuẩn hóa, nếu thật như thế thì quá tốt ạ!
Nói như thế là để cho thầy nói ra quan điểm của thầy về cách ra đề thi, tức giới hạn đề tài.
Giáo sư đáp:
– Tiêu chuẩn hóa đề thi có ưu điểm là kiểm tra kiến thức sinh viên ở bề rộng, nhưng không giúp sinh viên đào sâu chuyên môn và nâng cao khả năng lý luận. Ra đề như thế nào thì phải chờ các thầy họp bàn lại rồi mới quyết định.
Rõ ràng giáo sư không thích ra đề dạng tiêu chuẩn hóa. Phạm vi ôn tập đã thu hẹp được một nửa. Chúng tôi quyết định tiếp tục “tấn công”:
– Chúng em sợ nhất là bệnh ở hệ thống thần kinh và tâm khí quản. Chúng thật phức tạp.
Thầy dẫn giải:
– Quan trọng là các em nắm vững kiến thức cơ bản và thực tập nhiều với bệnh nhân. Có rất nhiều chứng bệnh, nguyên nhân bệnh mà hiện nay vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các thầy sẽ không làm khó các em đâu.
Có thể đoán rằng “không làm khó” tức là không ra đề về lĩnh vực này. Như vậy là đề thi nghiêng về hô hấp, tiêu hóa, tiểu đường… Chúng tôi quyết định đi sâu hơn vào mục tiêu:
– Viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường ruột… là những bệnh có triệu chứng khá phức tạp, chúng em lại ít có dịp tiếp xúc với các bệnh nhân này.
Thầy bảo:
– Nếu ngay những bệnh này mà các em còn không nắm vững thì học y để làm gì? Đừng nghĩ rằng mình thông minh, phải chăm chỉ học tập một cách toàn diện.
Như thế là đã rõ sinh viên muốn làm tốt bài thi kỳ này phải nắm vững kiến thức cơ bản; về chuyên sâu thì có một số bệnh trạng như đã nói ở trên; về hình thức thì đề thi tiêu chuẩn hóa chiếm 30%, phần còn lại đều là vấn đáp.
Trong tình huống này, tôi cho rằng mình đã dùng ám thị tiêu cực nhưng lúc ấy chúng tôi đã thực sự rất lo lắng cho kỳ thi của mình. Còn ám thị tích cực thì rất nhiều, như thôi miên để chữa bệnh, ám thị để giúp người cai rượu, cai thuốc v.v…
Như phần trên chúng tôi đã nói, bản chất của ám thị là làm cho người bị ám thị tự nguyện đi vào trạng thái tự ngã ám thị. Nếu người bị ám thị vẫn còn tỉnh táo thì ám thị sư có thể dễ dàng khiến họ làm theo ý mình. Nhưng thuật ám thị thì ở trong 99% trường hợp phải ám thị với những đối tượng vẫn còn tỉnh táo, thậm chí với những người điên, người ngốc cũng khó ám thị được họ.
Khi tinh thần của người bị ám thị ở trạng thái thôi miên thì dễ dàng khiến họ hành động theo lời của ám thị sư. Như bảo họ là chim, họ sẽ hót tiếng chim, bảo họ là chó, họ sẽ sủa như chó.
Với những người tinh thần đang trong trạng thái hoang mang, dao động, lo lắng, bất an… cũng dễ dàng bị khống chế bởi thuật thôi miên. Trạng thái này như người bị say sau khi hút heroin. Lúc đó họ không còn khả năng ý thức hay phân biệt nữa, cũng không khống chế được hành vi của bản thân, từ đó phát sinh ảo giác dương tính (vật không có nói có) và âm tính ảo giác (vật có nói không) và đánh mất cảm giác như không còn biết đau.
Người ám thị khi muốn dùng thuật ám thị với ai đó mà có lý do xác đáng, được gọi là chủ quan ám thị. Cũng có khi trong quá trình ám thị xảy ra những hiệu quả ngoài dự đoán.
Ví dụ anh E quyết định mua cho người yêu một món quà sinh nhật. Anh định mua một chiếc váy rất xinh và đưa bạn gái theo để cô ấy tự chọn. Hai người qua nhiều gian hàng, cuối cùng cô gái cũng nhìn thấy chiếc váy mà mình yêu thích và mua ngay chiếc váy ấy sau khi đã mặc thử.
Anh E cũng thấy chiếc váy ấy đẹp, bèn hỏi giá cả. Sau khi suy nghĩ, anh cho là không đắt, quyết định mua. Nhưng anh lại là người cẩn thận, sợ mua nhằm hàng giả nên cầm chiếc váy xem xét cẩn thận và hỏi thêm nhiều chi tiết… Bạn gái của anh ban đầu chỉ nhìn, nhưng sau đó có cảm giác khó chịu, không hiểu sao anh cứ chọn đi chọn lại mãi thế, bèn kẻo tay anh, nói:
– Chúng ta hãy đến cửa hàng khác vậy!
Anh E ngạc nhiên hỏi:
– Không phải là em rất thích chiếc váy này sao? Cô gái bảo:
– Nó đắt quá! Không cần thiết phải mua một chiếc ấy đắt như vậy!
Anh E không hiểu, lẩm bẩm:
– Cô này, thật không hiểu ra sao cả, đang vui vẻ thế này, nổi giận chuyện gì chứ?
Thế là váy không mua được, sinh nhật cũng không vui vẻ.
Đấy là trường hợp khách quan ám thị và thường xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Anh E đã cẩn thận quá sức nên đã tạo thành hiệu ứng ám thị: “Đắt quá! Với giá tiền này phải xem thật kỹ trước khi mua!” khiến cho bạn gái của anh không vui.
Cũng có khi ban đầu là chủ quan ám thị nhưng sau là hiện thành một kết quả trái ngược.
Cô B không được xinh lắm nhưng lại rất thích trang điểm và ăn mặc lòe loẹt. Có anh chàng nọ nhìn thấy bộ váy hồng đậm của cô B không vừa mắt, nhưng không tiện nói thắng, bèn ám thị rằng:
– Quần áo của cô bộ nào cũng đẹp, nhưng bộ này hình như không đúng kích cỡ và màu sắc không hợp với cô. Nếu chị của cô mặc vào thì rất xinh..
Ý anh chàng là muốn cô B nên tùy theo cơ thể của mình mà chọn quần áo. Cô B nghe xong, không vui, bảo:
– Tôi mặc đẹp hay xấu đâu phải để cho anh xem. Sao anh lắm lời thế?
Ý tốt của anh chàng bị hiểu thành ý tò mò tọc mạch. Từ những ví dụ trên có thể hiểu rằng khách quan ám thị là những ám thị của điều kiện khách quan. Loại ám thị này xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, khéo đàm phán kinh doanh là vấn đề cần thiết để gặt hái thành công, vì thế phải hết sức chú ý đến khách quan ám thi này để tránh những hiểu lầm đáng tiếc của hai bên.
Có người xem khách quan ám thị như một loại phản xạ có điều kiện. Ví dụ trong sân khấu, điện ảnh, nhìn cách ăn mặc, hành vi của ai đó thì có thể đoán biết họ thuộc loại nhân vật nào, như gian thần có cách hóa thân đặc thù của gian thần, trung lương có cách ăn mặc của trung lương v.v…
Cuối cùng chúng tôi xin nói một chút nữa về âm tính ám thị và dương tính ám thị.
Người bị ám thị có thể nhận tín hiệu ám thị để chấm dứt một hành động, một thói quen nào đó gọi là âm tính ám thị. Còn nhận tín hiệu để hành động thì gọi là dương tính ám thị. Trên nghĩa rộng, người ám thị luôn tác động lên người bị ám thị để họ có những phản ứng nào đó, bất luận là trên phương diện tâm lý, sinh lý, hay hành vi… nghĩa là đều thuộc một quá trình vận động nào đó nên có thể nói mọi ám thị đều thuộc dương tính nhưng có phân ra âm dương là đứng từ góc độ tương đối để đặt tên mà thôi. Cũng có người cho rằng ám thị lên người nam gọi là dương tính, ám thị lên người nữ gọi là âm tính ám thị. Tuy nhiên mọi sự phân loại đều ở mức độ tương đối.
V. KHỐNG CHẾ ĐỐI TƯỢNG MỘT CÁCH TỰ NHIÊN – KỸ XẢO ÁM THỊ
Một nữ doanh nhân gọi một chiếc taxi đúng vào giờ cao điểm, xe cộ chật như nêm, bà lại phải đến ga xe lửa cho kịp giờ nên đề nghị tài xế taxi chạy con đường khác ít kẹt xe hơn. Thế nhưng tài xế taxi nổi giận nói:
– Tôi lái xe đã 15 năm nay, bà nghĩ rằng tôi không biết chạy con đường nào là tiện hơn sao?
Nữ doanh nhân phân trần là bà không có ý gì, nhưng tài xế vẫn nổi nóng, bà biết là có nói thêm cũng vô ích, bèn thay đổi giọng điệu bảo:
– Anh đúng là rất rành đường, tôi thật hồ đồ, còn cho rằng anh không biết phải đi tắt qua con đường này để đi đến ga xe lửa nhanh nhất.
Tài xế ngạc nhiên, anh ta khẽ tiếc qua kính chiếu hậu để nhìn vị hành khách của mình rồi lái xe rẽ con đường tắt. Nếu nữ doanh nhân kia không khéo ám thị thì tài xế không những không hạ hỏa mà bà cũng trễ chuyến xe lửa quan trọng của mình. Đấy cũng là kỷ xảo, là sự khéo léo trong giao tiếp, điều động người khác một cách tự nhiên, không hề khiến cho người bị ám thị cảm thấy có chút áp lực nào.
Có rất nhiều kỹ xảo ám thị. Ngoài ví dụ trên chúng ta có thể dùng các cách sau đây:
Phóng niệm pháp:
Khi gặp những đối tượng có tâm lý phản kháng mạnh thì nên chuyển mục tiêu chú ý của họ sang hướng khác, tạm thời đừng “xuất đầu lộ diện” để đối phương không có mục tiêu phản ứng, rồi nương theo lập luận của đối tượng bảo rằng “anh nói đúng đấy!”, “có lẽ là như vậy!”… để làm cho tình hình dịu đi, sau đó dẫn dắt đề tài sang hướng khác. Khi đang thảo luận những vấn đề khác, bạn nên nắm bắt thời cơ, chầm chậm chen vào các quan điểm ban đầu của mình. Tục ngữ có câu “Dục tốc bất đạt”, bạn nên lùi một bước để rộng đường tiến lên.
Lợi dụng pháp:
Lấy việc tán thành ý kiến của đối phương làm tiền đề hết lòng khen ngợi ý kiến họ để thoả mãn tâm háo thắng của những người quá tự tôn. Trong lúc đối phương đang phiêu diêu trên mây, nhẹ nhàng dẫn họ vào lộ trình mà chúng ta định sẵn.
Tôi gặp một người bạn cũ, đang có việc định nhờ anh ấy giúp bèn chào hỏi:
– Dạo này anh sống thế nào?
Anh bạn tôi bắt đầu kể ra đủ chuyện rắc rối của anh ấy, nào vợ phải đi công tác xa, gia đình không ai chăm nom, nào giá cả leo thang, khó tìm công ăn việc làm…
Tôi chỉ còn cách đẩy thuyền theo nước:
– Ôi con người ở thế gian là như vậy đấy! chúng ta phải đối phó với bao chuyện rắc rối! Làm người thật không dễ.
Anh bạn tôi dịu lại hỏi:
– Dạo này anh ra sao?
Ngay từ đầu tôi đã thể hiện thành ý lắng nghe hết những lời phàn nàn, bực bội quanh cuộc sống của anh ấy, nên anh ấy cũng tỏ ý quan tâm đến tôi, vì thế nếu tôi khéo léo gợi ý thì anh ấy sẵn sàng giúp tôi những việc mà tôi nhờ.
Khai đạo pháp (phương pháp mở đường):
Tránh đi trực diện vào vấn đề vì như thế dễ làm cho đối phương phản đối.
Tiểu Trần năm nay 28 tuổi đã tốt nghiệp đại học 5 năm trước, nay đã có công ăn việc làm, nhân cách cũng tốt thế nhưng vẫn chưa có bạn gái vì anh ta rất kén chọn. Tôi có quen một cô gái 24 tuổi, tính tình tốt lại xinh đẹp, bèn giới thiệu cho anh. Tiểu Trần vui vẻ đồng ý gặp mặt. Sau lần gặp mặt đó, Tiểu Trần nói muốn tiếp tục làm quen với cô gái ấy, và cô gái cũng đồng ý làm quen với anh ta. Nhưng ngay tối hôm sau, Tiểu Trần bảo tôi:
– Tôi đã phân tích tình hình rồi, không thể tiếp tục làm quen với cô ấy. Cá tính của cô ấy quá nghiêm khắc, sau này nếu có con, tôi phải chăm lo hết mọi việc trong nhà sao?
Tôi nghe xong lập tức nổi giận. Tôi phải nói sao với cô gái ấy đây?
Tiểu Trần phân trần với tôi:
– Trước đây tôi cũng đã hẹn với một cô gái như thế. Cô ấy rất tốt nhưng luôn bận công việc, cuối cùng tôi không chịu nổi trước nhiệt tình của cô ấy dành cho công việc. Dường như ngoài công việc ra cô ấy không quan tâm gì kể cả tôi.
Xem ra Tiểu Trần có lý. Anh ta đã ám thị tôi thành công, chỉ với một ví dụ đơn giản anh ấy đã làm cho tôi nhận ra rằng nếu tiếp xúc thêm một thời gian nữa rồi mới chia tay, như vậy cả hai càng tổn thương hơn.
Trắc trở pháp:
Đầu tiên kiên quyết ngăn chặn sự phản kháng của dối phương. Người khó đối phó không phải là người dễ nỗi nóng hay dễ hờn giận. Đôi khi người khó đối phó lại là người luôn ôm một mối hoài nghi, không tin ai, không tin việc gì cả. Cũng có người dương dương tự đắc, luôn luôn cho mình là đúng. Khi gặp những người ấy phải làm sao để ám thị họ?
Có một triết gia đã nói rằng, nếu có ai đó phê bình bạn thì nên lập tức tiếp nhận ý kiến của anh ta. Nếu người đó là người quen thân của bạn thì bạn cần phải bày tỏ rằng mình còn rất nhiều thiếu sót, cần được chỉ bảo. Đây chính là cầu thắng trong bại. Đầu tiên thỏa mãn lòng tự tôn của người khác, sau đó làm cho họ dốc sức vì mình. Triết gia kia đã nắm chắc nhược điểm của con người, là dù có chết cũng phải giữ thể diện.
Ngày xưa có một quân tử nọ định tự sát, anh quyết định dùng dây thừng treo cổ. Khi không tìm được dây thừng đột nhiên anh nhớ lại mình có sợi dây lưng đang thắt trên người. Anh lập tức tháo dây lưng ra cột lên cành cây đang định đưa cổ vào anh chợt nghĩ, nếu đang lúc treo lơ lửng mà quần tuột xuống thì sao? Thật không ra sao cả khi phơi bày thân thể như vậy. Anh ta kiên quyết nắm chặt lưng quần rồi mới đưa cổ vào thòng lọng.
Dùng biện pháp thoả mãn lòng tự tôn của đối phương là cách tốt nhất để ám thị những kẻ tự cao tự đại, luôn cho rằng mình đúng, mình hơn người.
Tóm lại, có rất nhiều cách để tiến hành ám thị, dùng cách thức nào là phải tùy vào tình hình cụ thể và tố chất của đối tượng được ám thị. Người thực hành ám thị phải biết uyển chuyển thay đổi phương thức để không rơi vào những tình huống đáng tiếc làm kết quả ngược lại với những gì mình mong muốn.
VI. ĐIỀU KIỆN TẤT YẾU ĐỂ ÁM THỊ THÀNH CÔNG
Muốn biến ám thị của mình thành hành động của đối phương, trước tiên phải tranh thủ sự tín nhiệm của họ.
Nhân tố thứ hai là phải có lòng tự tin.
Tự tin là bước đầu tiên để thực hiện bất cứ việc gì. Có nhiều người mà cách nghĩ của họ bị người khác xem là hoang đường, cuồng vọng, đấy là vì mọi người không nhìn nhận sự việc từ một góc độ, không cùng trình độ tiếp nhận sự việc.
Có sinh viên hỏi tôi:
– Thưa thầy, thầy có thể thôi miên bất kỳ ai phải không?
Tôi đáp:
– Đúng vậyl
Thực ra có 20% số người tôi đã thôi miên cho tôi cảm giác đầu tiên là tôi không thể khống chế được họ!. Thế nhưng tôi một mực tin tưởng rằng khi tôi quyết tâm thì sẽ làm được. Kết quả là tôi đã làm được.
Có lòng tự tin sẽ tạo thành lực hấp dẫn rất cao, có thể mê hoặc lòng người. Có người nói với tôi:
– Tôi muốn học thôi miên nhưng lại sợ học không thành.
Tôi bảo:
– Chỉ cần muốn học là đủ rồi, còn học thành hay không là việc về sau.
Ám thị người khác, nếu có chút thiếu tự tin sẽ bị đối tượng phát hiện ra ngay, ám thị sẽ bị thất bại. Khi muốn khống chế đối phương, trước hết bạn phải khống chế chính mình. Trong trạng thái tập trung cao độ nếu trong tâm bạn có chút dao động thì hai bên sẽ không cảm ứng được với nhau nói chi đến việc khống chế đối phương vào trạng thái vô ý thức.
Tuy nhiên, vững lòng tự tin thì rất tốt, nhưng nếu tự tin thái quá sẽ thành tự cao tự đại. Tự cao tự đại hoàn toàn không có lợi cho thôi miên vì bạn không phải vì đang muốn giúp ích gì đó cho đối phương mà là đang muốn chế phục họ, dễ dàng làm họ phản cảm.
Đôi lúc thôi miên cũng cần có chút chứng tỏ uy quyền, đó là quyền uy ám thị. Lời nói của quyền uy bất cứ trong trường hợp nào cũng hiệu lực hơn người bình thường.
Đây là thứ quyền uy áp đảo: “chưa ra trận đã giết được giặc” như người xưa đã nói.
Khi đối phương đang tập trung chú ý vào một vấn đề, một việc nào đó càng dễ thực hành ám thị với họ. Đầu tiên bạn nên đề xuất một vấn đề họ cảm thấy lý thú, làm cho tư duy của họ hướng vào đó. Một khi có một trạng thái tâm lý nào đó đang hoạt động cực kỳ hưng phấn thì các tâm lý khác sẽ bị ức chế, dừng hoạt động. Khi tâm lý ấy càng hưng phấn, phạm vi bị ức chế càng rộng, càng triệt để.
Ăn mặc tươm tất, cử chỉ ung dung lịch thiệp của nhà ám thị cũng ảnh hưởng đến hiệu quả ám thị, vì nó tạo ra uy thế và làm cho đối phương chú ý đến bạn. Một người áo quần xốc xếch, dơ bẩn có thể làm tăng hiệu quả ám thị không? Không, chỉ có phản tác dụng thôi.
Cũng có một loại trang phục làm tăng hiệu quả ám thị đó là trang phục đầy màu sắc thần bí. Đối tượng vừa nhìn thấy các trang phục này đã lập tức chú ý và bị vẻ thần bí mê hoặc.
Thái độ cách ăn nói… cũng làm cho đối phương chú ý. Thái độ hòa nhã làm cho đối phương có cảm giác dễ gần, lời nói dịu dàng vui vẻ tạo nên sức cuốn hút êm dịu. Ngày nay muốn thành công trong cuộc sống, dù đang làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta đều phải có thái độ hòa nhã, lời nói ôn hòa.. để tạo mối quan hệ tốt trong xã hội, mới có thể thành công với sự nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có những người làm cho đối phương run sợ để tiến hành ám thị. Họ thường dùng không khí vừa bí ẩn, vừa trang nghiêm trầm mặc để áp chế tâm lý đối tượng. Tuy một người trong trạng thái cực kỳ hưng phấn hoặc cực kỳ khiếp sợ rất dễ dàng bị thôi miên, nhưng làm cho người khác hoảng sợ thì không tốt chút nào. Với các bác sĩ thì càng không được làm cách này.
Khi nhà ám thị có những sáng tạo độc đáo trong kiến giải của mình cũng tạo hiệu quả tốt cho ám thị. Kiến giải độc đáo này phải phù hợp với thực tế, phải có lợi ích thiết thực, không được chỉ để phô trương lừa bịp người khác.
Quan hệ qua lại giữa nhà ám thị và đối tượng quá thân mật sẽ làm cho việc ám thị khó khăn hơn, bởi khi hai bên đã hiểu nhau quá rõ, đối tượng không dễ dàng tuân phục các tín hiệu ám thị của nhà ám thị.
Sau khi đã thực hành xong ám thị, bạn cần giải thích hợp lý cho đối tượng hiểu, nhưng không được nói ra hết mọi việc, vì nếu đối tượng hiểu hết mọi việc của bạn thì lần sau bạn không thể nào ám thị họ được nữa.
VII. ÁM THỊ BẰNG VĂN CHƯƠNG
Ám thị bằng văn chương là một nghệ thuật ám thị rất cao, rất thú vị.
Viết văn, viết thư, sáng tác văn chương v.v… đều là phương tiện để tác giả thổ lộ tâm tư nguyện vọng của mình. Có người viết văn thích bày tỏ thẳng mọi tâm tình, có người lại thích hàm ẩn, theo dạng “ngôn tại ý ngoại”.Các tạp văn trào phúng, những tác phẩm của triết gia v v… là những áng văn chương làm cho con người phải tưởng tượng nhiều nhất nên nó thuộc loại văn chương mang tính ám thị cao nhất. Tính ám thị của cách ngôn rất rộng, chỉ một câu cách ngôn nhưng ngàn người đọc sẽ được hiểu theo ngàn cách khác nhau. Ví dụ câu: “Khi chưa kết hôn, mở to cả hai mắt. Sau khi kết hôn, nhắm một bên mắt” nên hiểu theo cách nào? Chắc chắn mỗi người sẽ hiểu mỗi cách khác nhau theo cảm nhận và hoàn cảnh sống của mình. Chính vì thế mới cho rằng, nếu từ góc độ ám thị mà phân tích văn chương hoặc văn cú thì tính ám thị của cách ngôn là rộng nhất.
Truyện cười, trào phúng v.v… khiến người đọc phải bật cười cũng mang tính ám thị rất cao vì nó khiến cho trí tường tượng của con người hoạt động rất mạnh.
Ở đây chúng tôi xin nói về nghệ thuật ám thị trong văn chương giúp ích cho cuộc sống hiện đại của chúng ta.
Từ nhỏ đến lớn, không biết chúng ta đã phải viết bao nhiêu lần bản lý lịch trích ngang như đi xin việc, xin nhập học, làm hồ sơ v.v… Khi viết, chúng ta đều muốn thể hiện các mặt tốt, các năng lực đặc biệt của mình để ám thị rằng chúng ta có thể phát huy tốt khả năng của mình để gây sự chú ý cho người xét tuyển.
Vậy chúng ta nên ám thị cách nào là tốt nhất?
Chị Y tốt nghiệp trung cấp ngành kế toán, đến một công ty lớn xin việc. Chị hỏi thăm và biết công ty chỉ tuyển người có trình độ đại học trở lên. Chị phải viết gì vào lý lịch của mình? Chị biết mình không có bằng đại học nhưng lại có những ưu điểm khác, chị ghi “giỏi giao tiếp, nhạy bén, nhiệt tình với mọi người, biết giữ chừng mực, ôn hòa, có thể giao tiếp rộng v.v…”, cuối cùng chị được tuyển.
Chị Y hiểu rằng với xã hội hiện đại, các ưu điểm của chị là những gì mà một công ty lớn rất cần ở thư ký, kế toán của họ. Chính vì vậy chị đã thành công ngay từ lá đơn đầu tiên đi xin việc.
Có nhiều người suốt ngày than thở mình bất tài. Kỳ thực không phải họ không có tài mà là vì họ chưa nhận ra ưu điểm của bản thân. Có người lại than mình không gặp vận may, kỳ thực là họ không tìm đến vận may, chỉ ngồi một chỗ chờ sung rụng. Hãy chủ động tìm vận may, hãy ám thị vào đơn xin việc của mình những điều sau đây:
– Nói rõ sức khoẻ tốt, thân thể cường tráng.
– Biết tuân lệnh cấp trên nhưng cũng có tư duy độc lập, có năng lực và sáng kiến riêng.
– Có phương pháp làm việc riêng nhưng không có ý tách rời phương pháp làm việc của tập thể.
Đơn xin việc nếu hội đủ những điều kiện này thì rất dễ được xét tuyển. Trong đơn xin việc đừng viết những gì quá lố, đừng ra vẻ ta hơn người thái quá dễ gây phản cảm. Nhưng cũng không nên thể hiện thái độ thiếu tự tin hoặc khiêm tốn quá mức vì chẳng ai muốn tuyển người kém năng lực cả.
Khi tiếp thị sản phẩm, lời lẽ trên quảng cáo luôn mang sức hấp dẫn, thuyết phục người tiêu dùng. Chỉ trong vài câu ngắn vừa giới thiệu công dụng đặc biệt của sản phẩm, vừa thuyết phục người tiêu dùng, quả không phải là việc dễ. Trong các quảng cáo, dường như quảng cáo nào cũng có hàm ý ám thị, lợi dụng triệt để sức tưởng tượng của mọi người để đưa sản phẩm của mình vào tâm trí người tiêu dùng. Nhịp sống càng hối hả thì điều này càng được áp dụng nhiều hơn.
Một thương nhân người Nhật có lần đã đăng quảng cáo trên báo chí với hình thức quảng cáo rất đặc biệt: phía trên là vài dấu chấm hỏi to tướng, phía dưới là một khoảng màu đen, không có chữ nghĩa, hình ảnh gì cả. Quảng cáo liên tục như thế mấy ngày, người xem báo không biết là họ đang quảng cáo cái gì. Đến khi nghi vấn của người đọc lên đến mức cao độ thì họ mới tung ra hình ảnh về sản phẩm của họ.
Thư bày tỏ tình cảm giữa nam và nữ nên viết như thế nào để đối phương cảm động? Điều này cũng cần phải có kiến thức.
Nếu quan hệ giữa hai người đã thật sự thân thiết thì dùng nhiều ám thị sẽ không tốt, lúc ấy nên dùng các lời nói chân tình, thẳng thắn sẽ hay hơn, bởi ám thị là để đối phương hiểu được mình lúc hai người mới quen nhau, để có thể công khai hóa mối quan hệ, còn khi đã công khai rồi thì không cần dùng nữa.
Nhờ người giúp đỡ là việc thường xuyên và cần thiết trong cuộc sống hiện đại. Nếu là giữa những người bạn tốt với nhau thì chỉ cần nói thẳng, nhưng nếu muốn nhờ người không thân lắm hoặc phải nhờ cấp trên thì phải dùng đến ám thị.
Quế Châu (Trung Quốc) là vùng nhiều đồi núi. Đường đi chính cũng quanh co trên các dãy núi. Hành khách khi đi trên những con đường ấy chỉ có biết giao sinh mạng mình cho tài xế. Ở một khúc quanh nguy hiểm, tôi bất ngờ đọc được câu này: “Người thân đang chờ bạn trở về!”. Nếu để câu cảnh báo “đoạn đường nguy hiểm, cẩn thận tay lái” v.v… thì quá nhàm chán. Chính câu “người thân đang chờ bạn trở về!” này có sức mạnh rất lớn tác động đến các tài xế, bởi hơn ai hết họ là thững người xa nhà thường xuyên và rất muốn đoàn tụ cùng gia đình.
Trào phúng, đả kích cũng là một phương cách ám thị rất tốt. Có một nữ bác sĩ dạy đứa con vừa tốt nghiệp đại học Y khoa rằng:
– Con phải cố gắng nâng cao năng lực quan sát mới có thể tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh tật.
Đứa con nghe lời. Một hôm anh ta cùng mẹ mình đến nhà người quen để thăm bệnh. Khi đẩy cửa vào thì thấy bà chủ nhà đang nằm trên giường với vẻ gần như ngất đi. Anh hoảng hốt lay dậy, sau đó rút nhiệt kế ra chuẩn bị đo thân nhiệt cho bà, không may nhiệt kế rơi xuống đất, liền khom người nhặt lên. Sau khi khám xong, anh nói với chủ nhà:
– Cô nên nghỉ ngơi nhiều, không nên tham gia quá sâu vào công việc chính trị. Nếu cô còn hoạt động chính trị sâu hơn nữa thì bệnh sẽ nặng hơn!
Vị bác sĩ kia nghe con nói vậy nên trên đường về nhà, hỏi:
– Sao con biết bà ấy tham gia chính trị?
Đứa con thưa:
– Thì con làm theo lời mẹ, nâng cao năng lực quan sát. Khi con làm rớt nhiệt kế, cúi xuống nhặt, đã thấy thị trưởng của chúng ta đang nằm dưới gầm giường!
Anh chàng bác sĩ trẻ này đã dùng ám thị để khuyên chủ nhà hãy bớt chuyện phong lưu đi và cũng ám thị rằng anh dường như đã phát hiện ra chuyện xấu của bà ta. Câu chuyện vừa có tính trào phúng, vừa mang tính đả kích. Ám thị như thế này cũng là một cách hay.
Cuộc sống hàng ngày luôn buộc chúng ta phải khéo ứng xử, nên thường xuyên phải dùng ám thị. Nhưng không phải bất cứ trường hợp nào cũng dùng ám thị được mà phải tùy theo trường hợp cụ thể, nếu dùng ám thị sai sẽ phản tác dụng, đôi khi làm quan hệ của chúng ta với đối tượng càng thêm xấu. Vì thế học ám thị không đơn thuần là học để khống chế người khác, mà học làm sao để biết cách làm người sao cho tốt hơn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.