Thôi Miên Nhìn Từ Góc Độ Tâm Lý Học

Chương 3. THUẬT THÔI MIÊN



Dưới hình thức ngủ này, các cảm tri về ngoại cảnh của con người bị giảm đến mức tối thiểu, tư duy cũng bị ngưng trệ, việc tác động của đại não lên tứ chi giảm xuống rất nhiều. Đấy chính là trạng thái của cơ thể quá độ giữa lúc con người tĩnh táo và ngủ.

Theo giấc ngủ ngày càng sâu, ý thức sẽ càng bị đình trệ, đến một mức độ nhất định ý thức bị ngưng trệ triệt để. Khi ấy được gọi là đã tiến vào trạng thái đặc thù của giấc ngủ – trạng thái thôi miên. Với một người đã thực sự bị thôi miên, khi bạn bảo anh ta giơ tay lên rồi nói:

– Này, tay của anh không thể hạ xuống được. Anh hãy thử hạ xuống thử xem!

Đối tượng lập tức thử hạ tay xuống nhưng không làm được, tay cứ phải giơ lên giữa không trung.

Sau đó bạn bảo:

– Giờ thì anh có thể hạ tay xuống rồi. Rất dễ, anh thử hạ tay xem sao?

Thế là đối tượng hạ tay xuống một cách nhẹ nhàng.

Khi bạn nói:

– Xe lửa đang đến gần, âm thanh ồn ào quá, chịu không được nữa rồi. Anh có nghe thấy tiếng xe lửa không?

Đối tượng sẽ trả lời:

– Đúng? Tiếng xe ồn quá, tôi không chịu được nữa, hãy bảo nó đi khỏi đây!

Trạng thái đặc biệt này, đối tượng sẽ làm theo lời bạn như cái máy, không hề có tư duy, ý thức gì cả! thậm chí bạn bảo họ kể ra những cảm nhận của họ khi ở trong bào thai của mẹ, nói về những chuyện kiếp trước họ đã làm, họ đều sẽ kể lại rành mạch.

Thật sự có kiếp trước không? Chúng ta không thể biết được. Nhưng rất có thể đối tượng đang lúc bị thôi miên đã kể ra một số chuyện mà họ đã từng trải trong cuộc sống rồi ngộ nhận đó là chuyện kiếp trước.

Đây là những hiện tượng thường gặp khi đối tượng bị thôi miên, họ chỉ tuân theo tín hiệu ám thị của nhà thôi miên, không hề có sự tham gia của ý thức, của tư duy phân biệt.

Từ đó có thể thấy, đưa đối tượng đi vào trạng thái thôi miên là một nghệ thuật và nghệ thuật này trở thành điều cốt yếu của thuật thôi miên. Một con người đang sống sờ sờ ra đấy với đầy đủ sự sáng suốt của tư duy, ý thức mà muốn họ rơi vào trạng thái thôi miên quả là không dễ dàng gì. Nếu đối tượng tự nguyện hợp tác với nhà thôi miên vì một mục đích nào đó mà họ chấp nhận được thì hiệu quả thôi miên mới có thể được nâng cao. Chính vì thế chúng ta cần phải học thôi miên, cả nghệ thuật và đạo đức làm người.

II. NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA VIỆC THÔI MIÊN

1. Thôi miên không giống với ngủ và thức

Để dỗ dành một đứa bé đang khóc để bé ngủ, chúng ta thường một tay vỗ nhè nhẹ lên lưng bé, miệng hát ầu ơ vài câu không đầu không đuôi, chẳng bao lâu bé sẽ ngủ. Có những ca khúc được gọi là “thôi miên khúc” được xem là những bài ca chuyên để ru bé ngủ và hỗ trợ giấc ngủ cho những người khó ngủ. Vì thế khi nói đến “thôi miên” người ta lại liên tưởng đến việc làm cho con người đi vào giấc ngủ.

Sự thật không phải như vậy. Tuy thôi miên có thể giúp chúng ta đi vào giấc ngủ nhưng “thuật thôi miên” là chỉ trạng thái thôi miên. Nghĩa thôi miên rất rộng, rất sâu sắc vì trong trạng thái thôi miên, đối tượng có nhiều hành vi vượt ra ngoài giới hạn bình thường. Vấn đề này đang được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu.

Thôi miên không giống với ngủ vì trạng thái thôi miên, tác dụng của đại não bị ức chế nhưng không hoàn toàn, ít nhất nó vẫn tiếp nhận những tín hiệu ám thị của nhà ám thị vẫn cảm thấy hứng thú với những ám thị và đáp lại bằng những hành động vượt ngoài hành vi thường nhật. Thôi miên chỉ là trạng thái ngủ cục bộ của đại não. Thật sự đại não không ngủ hoàn toàn.

Tuy nhiên khi con người thức đại não cũng có nhiều bộ phận bị ức chế nhưng phạm vi ức chế rất nhỏ so với lúc bị thôi miên. Độ sâu của ức chế cũng không bằng.

Có một vị tướng quân đội kể lại rằng, trong những năm chiến tranh ác liệt, chiến sĩ của ông phải hành quân trên tục, vừa đánh trận này xong phải đi hàng trăm cây số để đánh trận khác. Chiến sĩ vô cùng mệt mỏi nhưng không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ còn cách vừa đi vừa ngủ. Đôi lúc nhận được lệnh tạm đừng chân, thế là họ cứ đứng lại tại chỗ mà ngủ, có người còn ngáy khi đứng ngủ.

Chúng ta thường nghe nói ngủ là trạng thái thả lỏng toàn thân, cả thân thể đều đang căng thẳng làm sao ngủ. Chỉ có thôi miên mới đứng, ngồi… thôi. Vậy việc ngủ đứng và thôi miên này có giống nhau không?

Hoàn toàn không! Đứng ngủ chỉ là tình trạng quá mệt mỏi gây ra, sinh lý cân bằng, cần bổ sung cấp bách, là kết quả nhu cầu sinh tồn của nhân loại. Ngủ khi ấy là một giấc ngủ đơn thuần, không phải là thôi miên. Tuy ý thức đã bị ức chế nhưng trong tiềm thức của người chiến sĩ đều đang rung động lời kêu gọi giữ nước nên dù có ngủ, họ vẫn sẵn sàng chiến đấu. Nói cách khác, khi họ hành quân, ngủ tạm khi đứng là do tiềm thức chi phối chứ không phải là do ý thức nữa. Điều này thật dễ hiểu. Ví dụ trước khi đi ngủ, bạn thường cân nhắc mình nhiều lần rằng sáng mai bạn sẽ dậy lúc năm giờ để ra bến xe đón người thân. Thế là sáng mai bạn sẽ dậy đúng năm giờ mà không cần đồng hồ báo thức. Đấy là tác dụng của tiềm thức!

Năng lực ứng phó việc khẩn cấp của con người rất lớn. Vì sự sống còn bản thân, con người đôi khi xuất hiện những tiềm năng mà bình thường chúng ta không ngờ đến. Đôi lúc tính cách, tự trọng, đạo đức… đều bị thay đổi theo nhu cầu khẩn cấp để bảo tồn sinh mạng. Ví dụ một nhà đạo đức suốt đời tuyên giảng đạo đức cho người nhưng nếu bị đói suốt ba ngày thì sẽ dễ dàng biến thành tên trộm chỉ vì cái bánh bao.

Đối với một người đang ngủ say bạn dùng kim châm vào họ, họ sẽ giật mình đẩy tay bạn ra, nhưng với người bị thôi miên thì dù bạn có mang lửa đốt chân, họ cũng sẽ không cảm thấy nóng. Trong trạng thái thôi miên, họ chỉ nghe theo sự ám thị của nhà thôi miên, không hề có cảm giác về ý thức.

Sự tồn tại của ý thức khi ngủ và khi bị thôi miên khác nhau rất xa, khi ngủ ý thức bị thất tán, phản ứng đau chỉ là phản ứng bản năng. Khi bị thôi miên, ý thức đình trệ nhưng vẫn còn nghe hiểu được ám thị của nhà ám thị. Tín hiệu của ám thị có thể khống chế mọi cơ quan cảm giác của họ như thị giác, xúc giác, thính giác…

Tuy khi bị thôi miên đối tượng vẫn còn ý thức nhưng rất khác với ý thức khi người còn sáng suốt. Nếu với một người tỉnh táo bình thường, bạn chỉ ra trời đang nắng, bảo:

– Hôm nay trời mưa nhiều quá!

Lập tức bạn sẽ được xem như một người bệnh tâm thần, nhưng nếu bạn nói như thế với một người đang bị thôi miên, họ sẽ tin ngay. Trạng thái khi con người bị thôi miên là đã hoàn toàn bị mất ý thức chủ động trong phân biệt phán đoán. Khi bị thôi miên, nhà ám thị nói gì, đối tượng vẫn nghe hiểu nhưng vì ý chí hoạt động tự phát không còn nên họ chỉ biết làm theo lời ám thị. Còn khi ngủ thì đã không nghe hiểu nên cũng không làm theo.

Đôi khi không nhất thiết phải dìu dắt đối tượng vào trạng thái thôi miên. Mỗi người đều có những lúc không khống chế được mình, thường chỉ kéo dài trong vài phút, đa phần là do phải chịu ảnh hưởng từ sự kích thích đột xuất nào đó, đặc biệt là khi quá hoảng sợ. Có một người bệnh kể, một đêm nọ cô đang ngủ thì giật mình tỉnh giấc vì vài tiếng động lạ. Khi mở mắt ra thì thấy tên trộm đang đứng bên cửa sổ, cô muốn hét to lên “ăn trộm” nhưng không thể nào phát ra âm thanh, chân tay cũng không thể cử động được. Khoảng ba giây sau mới hoàn hồn được. Hiện tượng tán thất ý chí đã được các nhà thôi miên chú ý đến và lợi dụng.

Khoảnh khắc mất ý chí ấy được gọi là khoảnh khắc trong trạng thái bị thôi miên tạm thời. Nhà thôi miên thường lợi dụng khoảnh khắc này để thực hiện mục đích của mình.

Người xưa còn ghi lại một kỹ thuật được gọi là “âm thân thuật”, đại khái có liên quan đến việc thất tán ý chí trong sát na vừa kể trên. Khi biểu diễn thuật thôi miên, chúng tôi cũng từng thử qua. Tôi nói với mọi người:

– Tôi duỗi cánh tay, mọi người nhìn rõ rồi nhé. Tôi ho lên một tiếng, tay tôi sẽ mất đi một ngón.

Thế là tôi đưa thẳng cánh tay ra cho mọi người nhìn rõ, sau đó ít lâu bỗng hét to lên một tiếng rồi hỏi:

– Các vị thấy ngón tay nào của tôi bị mất?

Có người nói là ngón cái, có người nói là ngón giữa, thậm chí có người còn nói là cả năm ngón đều mất. Nếu họ đang trong trạng thái bị thôi miên thì tôi có thể làm cho họ thấy cả thân hình tôi đều biến mất.

Không những khác nhau trên phương diện tâm lý mà thôi miên và ngủ còn khác nhau cả về phương diện sinh lý.

Sinh lý ở trạng thái thôi miên của số liệu theo sóng não thì giống như người vừa mới ngủ, không giống như người ngủ sâu. Người bị thôi miên, vỏ đại não bị ức chế không hoàn toàn, còn khi ngủ sâu thì thực sự đã bị ức chế ở tầng sâu. Khi bị thôi miên con người không thể chiêm bao, còn trao đổi chất, hô hấp, tim mạch.. đều hoạt động bình thường. Còn khi ngủ thì mọi việc lại khác.

Nói tóm lại, bị thôi miên và ngủ là hai trạng thái tâm sinh lý khác nhau.

2. Trạng thái thôi miên cạn

Thôi miên có hai trạng thái sâu, cạn khác nhau và sẽ nảy sinh những hiện tượng tâm lý khác nhau.

Ví dụ trong trạng thái thôi miên sơ kỳ chỉ nhìn thấy hành động tay chân của đối tượng tuân theo ám thị, khi bị thôi miên sâu mới tác động đến tri giác, ký ức của họ. Vì thế biết rõ đối tượng đã được thôi miên ở mức độ cạn hay sâu rất quan trọng với nhà thôi miên. Đây là lý luận cơ bản của thuật thôi miên.

Theo cách phân biệt hiện đại thì thôi miên được chia thành ba mức độ: cạn, trung bình, sâu.

Càng tiếp cận với giấc ngủ sâu, thôi miên càng tiến đến mức độ sâu.

Cũng có người phân thôi miên thành năm giai đoạn, tức chia từng giai đoạn cạn, sâu ra thành những giai đoạn nhỏ hơn.

Chúng ta sẽ nhìn thấy những hiện tượng nào trong giai đoạn thôi miên cạn?

Khi học sinh đang tập trung nghe giảng bài, thầy giáo vô tình quay người nhìn ra cửa sổ, học sinh cũng vô tình quay nhìn theo thầy giáo. Đấy là kết quả bị thôi miên bởi thầy giáo vì vậy có thể nói, khi sức chú ý tập trung cao độ là trạng thái cạn của thôi miên.

Mỗi người tùy theo quan niệm của mình về sự vật hiện tượng mà dẫn đến những hành động khác nhau. Trạng thái thôi miên cạn có một đặc trưng rất thú vị là do bị ám thị mà sản sinh ra những quán niệm hành động khác nhau. Thuật thôi miên và loại vận động này liên quan mật thiết với nhau. Phương pháp thiết thực của nó là lợi dụng quán niệm vận động để dẫn dắt đối tượng vào trạng thái thôi miên. Dùng một sợi dây dài 20-30cm, một đầu cột dính vào đồng tiền lơ lửng trên không trung, phía dưới để một cái ly trống không. Chỉ cần nghĩ thầm: “đồng xu nhất định sẽ dao động và chạm vào thành ly bốn lần” thì nó sẽ chuyển động y như vậy. Đây chính là kết quả của việc ám thị, làm dẫn khởi quán niệm vận động.

Quán niệm vận động còn thể hiện ở cảm giác của tự thân, nếu chỉ nhìn bên ngoài sẽ không biết được nhưng nó thật sự tồn tại, ví dụ như cảm giác đau đớn, buồn nôn, chán ăn…, các hiện tượng này được bác sĩ gọi là “tâm lý chứng”.

Cô Châu vốn rất sạch sẽ, một hôm đi dã ngoại bị vài con sâu rơi xuống cổ áo, cô nhờ người lấy xuống nhưng cảm giác sâu vẫn còn bám trên áo. Khi về đến nhà, cô tắm rửa sạch sẽ, song vẫn đôi lần lấy tay sờ lên cổ áo vì cảm giác lành lạnh, rờn rợn vẫn còn. Đây chính là tự thân cảm giác làm dẫn khởi quán niệm vận động. Chỉ cần lực chú ý của chúng ta tập trung vào một quán niệm, không cho tán thất sang quán niệm khác sẽ xuất hiện những hành động tương ứng với những quán niệm đó. Nếu dùng thôi miên để dẫn dắt thì quán niệm vận động sẽ càng tăng lên. Ví dụ thôi miên một người đang đứng, bảo anh ta giơ cánh tay lên khỏi đầu, hai mắt nhìn thẳng về phía trước, sau đó nói:

– Chốc lát tay anh hạ xuống nhưng hạ đến ngang tầm mắt của anh thì dừng lại.

Quả nhiên tay anh ta hạ xuống nhưng đến ngang tầm mắt thì không hạ được nữa. Tiếp tục ám thị cho anh ta giơ tay lên, hạ xuống nhiều lần như vậy, anh ta càng nghe lời nhanh hơn, tốc độ cũng nhanh hơn. Đấy là vì một lần đã nghe lời thì quán niệm vận động đã hình thành nên những lần sau dễ dàng thực hiện hơn. Và cũng trong trạng thái này, nếu bạn bảo họ giơ một tay, quay tay… họ đều dễ dàng nghe lời. Khi ấy đối tượng đang tiến vào trạng thái thôi miên cạn.

Quán niệm vận động là giai đoạn trung gian giữa lúc tỉnh thức và thôi miên. Trong trạng thái tỉnh thức, chúng ta luôn thông qua ám thị để dụ dẫn đối phương hành động (tâm lý cảm thọ biến hóa cũng là một loại vận động), còn quán niệm vận động một khi sản sinh thì thông qua sự chỉ dẫn của ám thị, nó sẽ càng mãnh liệt hơn, cuối cùng tiến vào trạng thái thôi miên. Các nhà thôi miên cho rằng một khi quán niệm vận động sản sinh, trong một trình độ nào đó là đã tiến nhập vào trạng thái thôi miên cạn. Sau đó không ngừng gia tăng ám thị thì quán niệm vận động càng dễ thực hiện, đối phương sẽ được dẫn dắt vào cảnh giới thôi miên ngày càng sâu. Các hiện tượng khi bị thôi miên cạn rất bình thường, và cũng thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Nhắm mắt lại, không nghĩ gì cả, tức “nhắm mắt dưỡng thần” là trạng thái thôi miên cạn nhất.

Người học khí công đứng thẳng, toàn thân thả lỏng, ý thủ đan điền, điều hòa hô hấp… cũng là đang tiến vào trạng thái thôi miên.

Trong trạng thái tỉnh thức, chỉ cần có thể nắm chắc được lực chú ý của đối phương trong mọi lúc thì lực ám thị của bạn lên đối phương càng cao.

Thôi miên cạn có đặc trưng đặc biệt là khiến cho đối tượng vận động bằng thân thể như đứng, ngồi, quơ tay… nhưng không gồm sự vận động trong nội tạng.

Còn có các đặc trưng khác của thôi miên cạn mà theo ý của mỗi người, nó sẽ khác nhau, tuy nhiên, về bản chất thì chúng chỉ là một. Ví dụ có người cho rằng, khi tập trung chú ý vào một việc gì đó thì được gọi là đang tiến nhập vào trạng thái thôi miên, nhưng cũng có người cho rằng tập trung chú ý cao độ vào sự việc nào đó là trạng thái tinh thần bình thường của con người, nếu cho đó là trạng thái thôi miên sẽ làm cho thôi miên không còn mang tính đặc trưng riêng nữa. Hai quan niệm này có vẻ chống đối nhau, nhưng thực chất không có gì sai biệt, vì trên phương diện sinh lý, hai trạng thái này không làm cho sinh lý thay đổi hoặc khác nhau gì cả.

Từ những ví dụ trên, chúng ta có thể thấy, thôi miên cạn là những hiện tượng phổ biến trong cuộc sống, và nó được nhìn nhận chủ yếu qua hai đặc trưng: quán niệm cuộc sống và thân thể vận động.

3. Thôi miên vừa

Với một đối tượng đã đi vào trạng thái thôi miên cạn, nếu nhà thôi thiên tiếp tục tăng cường độ thôi miên thì đối tượng dễ dàng đi vào trạng thái thôi miên vừa. Trong trạng thái thôi miên vừa, đối tượng sẽ xuất hiện khá nhiều hiện tượng tâm sinh lý được gọi là “thần kỳ”. Những hiện tượng này cũng là đặc trưng của trạng thái thôi miên vừa.

Khi đối tượng đã tiến vào giai đoạn bị thôi miên vừa, không cần phải ám thị gì cả, bạn vỗ tay thật lớn bên tai của họ và hỏi họ có nghe không, họ sẽ trả lời không nghe gì cả. Nếu dùng kim châm vào lưng bàn tay, họ cũng không biết đau. Như vậy tri giác trong giai đoạn này đã bị đình trệ đến mức nghiêm trọng.

Nhưng nếu nhà ám thị đưa ra tín hiệu ám thị thì tình hình sẽ khác. Nhà ám thị bảo: “tai anh rất thính, anh có thể nghe được âm thanh rất xa”, thế là họ có thể nghe được tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ tay cách đó hai mét. Như vậy tri giác của đối tượng hoàn toàn không bình thường. Và đây là hiện tượng thường thấy ở mức độ thôi niên vừa.

Trong trạng thái thôi miên vừa này, chúng tôi cũng đã thực nghiệm thị giác của đối tượng, họ có thể đọc rành mạch những bài văn có cỡ chữ rất nhỏ mà trên căn bản với mức bình thường không thể đọc được, hoặc cũng có đối tượng nhìn xuyên qua hai hay ba lớp giấy.

Có thể trong trạng thái tinh thần đặc biệt này, vật phẩm đã bị che lại nhưng đối tượng đã nhìn thấy bằng tiềm thức hay cảm giác. Hành vi của đối tượng được chi phối bằng tiềm thức chứ không còn bằng ý thức nữa.

Tuy nhiên, đặc trưng tính chất của thôi miên vừa cũng thay đổi theo cá tính của đối tượng.

Cá tính của con người hình thành từ nhiều phương diện, thường thì được chia thành hướng nội và hướng ngoại. Nếu một người có cá tính hướng nội từ nhỏ đến lớn thì dù có thôi miên cách nào họ cũng không thể biến thành hướng ngoại, và ngược lại. Nhưng nếu trước đây tinh thần họ rất phóng khoáng nhưng do một nguyên nhân nào đó làm họ trở nên khép kín thì sau nhiều lần thôi miên, ám thị họ sẽ tự tin hơn, sống phóng khoáng trở lại.

Thôi miên cũng có thể trị bệnh háo ăn, biếng ăn hoặc vực dậy tinh thần cho người luôn đau khổ, thất tình.

Một người khi nóng giận thì huyết áp tăng, tim đập nhanh, mồ hôi ra nhiều, thôi miên có thể giúp họ điều hoà tâm lý, làm cho tinh thần ổn định.

Thôi miên có những hiện tượng rất khó giải thích, ví dụ trong trạng thái bị thôi miên, đối tượng nghe nhà ám thị bảo:

– Sau này hễ anh thấy nước là mắc tiểu, quả thật sau khi thoát khỏi trạng thái bị thôi miên người kia hễ thấy nước là đi tiểu.

Hoặc nhà ám thị bảo:

– Tôi dùng dao khoét trên da anh một một lỗ nhỏ, nó sẽ không ngừng chảy máu.

Quả đúng như lời nhà ám thị nói.

Nhà ám thị đã khống chế hoạt động của huyết quản.. Như vậy ám thị đã tác động rất mạnh lên tâm sinh lý của đối phương.

4. Thôi miên ở mức độ sâu

Đặc điểm của thôi miên sâu là làm cho ký ức thay đổi, ký ức có thể được tăng cường hoặc có thể bị giảm đi.

Thôi miên có khi để đối tượng trở về trạng thái tinh thần khi họ còn thơ ấu, sau đó so sánh mối quan hệ tinh thần thời thơ ấu đến hiện tại. Từ đó giúp bệnh nhân nhận ra những gì mình cần phải thay đổi để trị liệu.

Sự trở về tuổi ấu thơ phải thực hiện từng bước, như giảm đi 5 năm rồi 10 năm, 20 năm… cho người bệnh tự nhớ lại những việc mà họ đã quên từ lâu theo một trật tự nhất định. Phương pháp này được gọi là “thôi miên phân tích”.

Khi bị thôi miên sâu, nhà ám thị không cần ra ám thị nào thì ký ức của đối tượng cũng đã bị đình trệ ở mức độ sâu. Thế nhưng nếu ám thị cho họ nhớ lại những việc quá khứ 10-20 năm thì họ sẽ nhớ được ngay. Thậm chí có người còn nhớ được cảm giác khi ở trong bào thai mẹ hoặc các việc đã làm trong kiếp trước.

Tuy nhiên đó là những việc không thể chứng thực được nên hiện nay vấn đề “kiếp trước” vẫn đang được nghiên cứu tìm hiểu.

Việc sau khi bị thôi miên sẽ nhớ lại các chuyện quá khứ có lẽ là do đối tượng khi ấy đang ở trạng thái tập trung cao độ, không hề bị bất cứ tư tưởng hay ngoại cảnh nào chi phối, đại não đang hưng phấn chỉ với một vấn đề vì thế hiệu quả hồi ức vô cùng cao.

Có người cho rằng giai đoạn đầu tiên dẫn dắt đối tượng vào trạng thái thôi miên là khó nhất, đối tượng có thể sẽ phản ứng lại, làm cho nhà thôi miên không thể nào thực hiện được các tín hiệu ám thị. Thế nhưng theo tôi, khó nhất lại là ở những trạng thái thôi miên sâu, bởi chúng ta khó nắm bắt được độ sâu của nó ở chừng mực nào. Muốn dẫn dắt một đối tượng từ trạng thái thôi miên sơ kỳ đến trạng thái mộng du cần phải có kỹ thuật cao, và muốn duy trì hiệu quả ám thị ngay cả khi đối tượng tỉnh dậy càng cần có trình độ cao hơn nữa.

Ngày xưa, thôi miên được xem là lĩnh vực thần bí. Nhưng thật ra nó không khó học và nếu giải thích theo khoa học thì mọi người vẫn có thể hiểu được.

III. NHŨNG ĐỐI TƯỢNG DỄ THÔI MIÊN

Cảm thọ của mỗi người về thôi miên sẽ khác nhau tùy theo tố chất của cơ thể và cá tính của từng người. Có thể cho rằng thôi miên là việc phát huy tác dụng từ ám thị. Người dễ bị ám thị là người dễ bị thôi miên.

Chọn đối tượng để thôi miên vô cùng quan trọng, phải nhìn vào hành vi, ngôn ngữ mà chọn đối tượng thích hợp. Có nhiều người hỏi tôi:

– Tôi có phải là người dễ dàng bị thôi miên không? Gặp những trường hợp như vậy, tôi nói:

– Anh hãy giơ thẳng tay phải lên khỏi đầu rồi nhìn vào mắt tôi, tay anh sẽ tự động hạ xuống và chỉ vào mắt tôi.

Anh ta giơ tay lên, nhìn vào mắt tôi, cố gắng không hạ tay xuống, nhưng chỉ duy trì được chưa đến một phút đã hạ tay xuống chỉ vào mắt tôi. Rất ít người duy trì đến mức cuối cùng.

Cảm thọ về thôi miên cũng thay đổi theo tuổi tác. Thường từ 7-10 tuổi là dễ thôi miên nhất, dễ bị dẫn dắt vào tầng thôi miên sâu nhất. Còn trẻ dưới 7 tuổi dường như không thể bị thôi miên VÌ trí lực của chúng còn quá hạn chế, không hiểu tín hiệu ám thị. Hơn nữa, chúng luôn hiếu kỳ với mọi vật xảy ra xung quanh nên lực chú ý không thể tập trung cao độ được. Đương nhiên, với những đứa trẻ thông minh lanh lợi thì vẫn có thể bị rơi vào trạng thái thôi miên sâu.

Trẻ dưới 10 tuổi khi bị thôi miên dễ sinh ảo giác hơn trẻ trên 10 tuổi. Tuổi càng lớn càng ít thấy hiện tượng khác lạ khi bị thôi miên. Trẻ đến 15 tuổi vì trí phán đoán đã cao nên cũng rất khó dẫn dắt chúng vào trạng thái thôi miên.

Trên 20 tuổi, sự hoài nghi của con người hình thành vững chắc, người đã trưởng thành, trí phán đoán rất cao, vì thế rất khó thôi miên. Nếu họ không phối hợp với chúng ta thì khó đưa họ vào trạng thái thôi miên.

Khi con người trên 5o tuổi, cơ thể đã có nhiều thay đổi. Là thời kỳ quá độ từ tuổi trung niên sang lão niên, tính cảm thọ đối với thôi miên của họ cũng cao hơn.

Từ 70 tuổi trở về sau, dường như không thể bị thôi miên nữa, bởi kinh nghiệm, tri thức của họ quá dày dặn và dường như họ cũng chẳng quan tâm gì đến mọi việc xung quanh, tư tưởng tự nhiên trở nên đơn giản hóa, không thể thôi miên được họ.

Về giới tính thì nữ dễ bị thôi miên hơn nam, đấy có lẽ vì nữ giới làm việc cảm tính hơn, không giống như nam giới khi làm việc gì cũng đặt câu hỏi: “Tại sao?”, hơn nữa, nữ giới dễ tin hơn, còn nam giới luôn tỏ thái độ hoài nghi. Nữ giới có tính phục tùng cao, đây cũng là lý do họ dễ bị thôi miên hơn.

Về cá tính, người hướng nội dễ bị thôi miên hơn người hường ngoại.

Người có tính thích dựa dẫm dễ bị thôi miên hơn người có tính tự lập.

Người có bệnh về thần kinh dễ bị thôi miên hơn người có thần kinh mạnh mẽ.

Người điên, người khùng đương nhiên không thể bị thôi miên.

Người bị bất cứ bệnh gì, nhưng nếu tinh thần của họ không thể tập trung được thì cũng không dễ bị thôi miên.

Người mê tín dễ bị thôi miên.

Người có trí phán đoán cao, tri thức rộng, nhưng nếu họ chịu hợp tác thì vẫn có thể thôi miên được.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp, bên ngoài là phối hợp nhưng bên trong luôn nghi ngờ, hiếu kỳ nên không dễ bị thôi miên. Một lần nọ, có ký giả nói với tôi:

– Tôi nghe nói về thôi miên đã lâu và cũng tin đây là một học thuật mang tính khoa học. Tôi muốn thử nghiệm trên chính bản thân mình, anh hãy thôi miên tôi xem sao?

Nghe nói thế, tôi bèn bảo anh ta ngồi xuống ghế, sau đó dùng ám thị: “tay anh không thể nhấc lên được”, quả nhiên tay anh ta không hề cử động. Tôi lại ra thêm vài ám thị quán niệm vận động, anh ta đều nhất nhất làm theo. Tôi tưởng rằng anh ta dường như đã bị dẫn dắt vào trạng thái thôi miên vừa. Thế nhưng khi tôi nói “Có một mùi hương rất thơm bay đến, anh hãy ngửi thử xem!” thì anh lắc đầu bảo: “Tôi chẳng ngửi được gì cả!”. Tôi lại bảo: “tay anh không thể cử động được!” thì tay anh ta bắt đầu cử động v v Thì ra ban đầu anh ta chẳng hề bị thôi miên, chỉ hành động theo ám thị một cách có ý thức, tinh thần anh ta hoạt động mạnh mẽ, linh hoạt, chứa đựng một mối hoài nghi và hiếu kỳ cao tột độ nên không bị thôi miên. Cuối cùng tôi phải dùng thôi miên cưỡng chế tính để thôi miên anh ta, từ đó anh ta mới bị đưa vào trạng thái thôi miên sâu.

Thông thường, mọi người đều có thể bị thôi miên nhưng mức độ sâu cạn khác nhau, chỉ khoảng 1/4 số người bị thôi miên tiến vào trạng thái thôi miên sâu. Sau đây là tỷ lệ người có thể hoặc không thể bị thôi miên:

a/ Người không thể bị thôi miên: 5%

b/ Người có thể bị thôi miên cạn: 35%

c/ Người có thể bị thôi miên vừa: 35%

d/ Người có thể bị thôi miên sâu: 25%

Con đường dẫn đến trạng thái bị thôi miên như thế nào? Khi mới bắt đầu, nhà thôi miên lấy niệm vận động làm ám thị thôi miên chính. Ví dụ ám thị sư nói:

– Hai tay của anh sẽ tự nhiên nắm lấy nhau.

Đối tượng sẽ tự nhiên hành động theo tín hiệu ám thị. Sau đó là dẫn dắt họ vào trạng thái cơ nhục vận động, tức hành động của thân thể. Trong giai đoạn này, đối tượng dễ dàng hành động theo nhà thôi miên một cách mù quáng. Đối tượng biểu hiện như kẻ ngu ngơ, không hề có ý thức tự chủ. Đối tượng đã tiến vào trạng thái thôi miên cạn.

Tiếp đến dẫn dắt đối tượng vào trạng thái thôi miên vừa. Đầu tiên là dẫn dắt tri giác, thường thông qua xúc giác, tức ám thị xúc giác của đối tượng cảm nhận sai. Nếu thành công thì tiếp tục ám thị đến thị giác. Tuy nhiên, cũng có những đối tượng không thể thực hiện trên cơ quan cảm giác này, lúc ấy nhà ám thị sẽ thực hiện trên cơ quan cảm giác khác. Nếu sau nhiều lần thử vẫn thất bại, rõ ràng đối tượng vẫn chưa được đưa vào trạng thái thôi miên vừa.

Muốn biết đối tượng đã tiến vào trạng thái thôi miên sâu chưa, có thể thử bằng cách xem họ đã bị tán thất ký ức hay chưa. Đầu tiên hỏi họ về tuổi tác, tên họ, nếu họ không nhớ được có thể tiến hành chi phối ký ức của họ, đưa họ trở về những sự việc xảy ra của quá khứ, tức họ đã chìm vào trạng thái thôi miên sâu.

Dĩ nhiên, thuật thôi miên không phải đơn giản. Qua mấy ngàn năm hình thành, phát triển và không ngừng hoàn thiện, ngày nay nó đã trở thành một học thuật mang tính khoa học rất cao.

Tình trạng cơ thể của từng cá nhân ảnh hưởng rất lớn đến việc thôi miên, thế nhưng nhà thôi miên có làm tốt việc thôi miên hay không điều quan trọng là phải xem kỹ năng thôi miên của họ có cao hay không. Dù cho đối tượng là một người có tính cảm thọ thôi miên cao nhưng nếu nhà thôi miên kỹ thuật thấp kém cũng không thể thôi miên được họ. Ngược lại, khi nhà thôi miên có kỹ thuật cao siêu thì có thể thôi miên những đối tượng ít có cảm tho thôi miên nhất.

IV. THÔI MIÊN GIA VÀ THUẬT THÔI MIÊN

Nhiều người mới học thôi miên lo lắng mình không thể trở thành một nhà thôi miên chân chính. Họ cho rằng nhà thôi miên phải có những tính chất đặc thù nào đó, ví dụ như ánh mắt, cử chỉ, lời nói v.v… đều thể hiện sự cao thâm khó lường, luôn làm tho người khác có cảm giác e sợ.

Quả thật đúng như vậy, nhà thôi miên luôn bảo rằng thôi miên rất đơn giản, nhưng khi mới học thì thất bại rất nhiều lần qua nhiều cuộc thử nghiệm. Một trong những lý do thất bại là ánh mắt và lời nói của họ không đủ sức mạnh để ám thị đối tượng.

Có lần tôi giảng về thôi miên, khi gọi một nữ sinh viên lên thực nghiệm, mắt tôi cứ nhìn chằm chằm vào mắt cô ấy. Thấy cô ấy có vẻ bất an, tôi bèn xòe bàn tay phải ra, nói:

– Khi em nhìn vào lòng bàn tay tôi, lúc nó đặt ngay tầm mắt em, nó sẽ trở nên to lớn hơn!

Tôi nói xong, cô ấy bỗng đứng trân nhìn vào lòng bàn tay tôi. Sau đó, cô nói:

– Ánh mắt của thầy khiến em lo sợ. Sau khi nghe thầy nói, trong đầu em như có một tiếng “bùng”, mọi việc xung quanh em không còn biết gì nữa.

Rõ ràng ánh mắt của nhà thôi miên phải có thần lực, thường được gọi là “thần nhãn” mới có thể nhiếp phục được đối tượng.

Điều này cũng không có nghĩa rằng nhà thôi miên có cấu tạo sinh lý khác với người thường: Có khác biệt chăng chỉ là họ luyện tập rất nhiều, ngay cả khi họ không thực hiện thôi miên, mọi người cũng xem họ như những nhân vật “khác người”. Bất cứ người bình thường nào cũng có thể trở thành một nhà thôi miên, chỉ cần thực lòng học hỏi, nắm vững quy luật ám thị để làm nền tảng tiếp tục học sâu vào thuật thôi miên.

Muốn khiến một người đồng ý làm việc gì đó không khó, ví dụ muốn họ giúp đỡ, muốn họ thay đổi một số tư tưởng, quan niệm v.v… những điều này dễ dàng thực hiện ngay khi đối tượng vẫn đang tỉnh giấc. Thế nhưng có những yêu cầu mà họ không thể chấp nhận lúc ý thức còn hoạt động đầy đủ, những họ sẽ làm theo tín hiệu khi bị thôi miên.

Điều cốt yếu của thôi miên là khống chế tâm lý của người khác, làm cho họ mất tự chủ, tuân hành theo tín hiệu ám thị của nhà thôi miên.

Thôi miên gia lợi dụng ám thị để làm cho đối tượng nảy sinh những ý thức khác thường. Ngay khi mới học, tôi cũng rất nghi ngờ về chuyện thôi miên này, luôn tự hỏi trạng thái ý thức thất tán, hoang mang là gì? Có thể duy trì được bao lâu?

Một số người đã từng bình luận về thôi miên, cho rằng:

– Từ phản ứng trắc nghiệm ám thị mà suy đoán trạng thái thôi miên. Tuy nhiên, cũng có lúc đối tượng không cảm thấy đau theo tín hiệu ám thị v.v… nhưng chưa hẳn là họ đã thâm nhập vào trạng thái thôi miên.

– Từ biểu hiện bên ngoài khi bị thôi miên như hốt hoảng, ngơ ngác, ngờ nghệch v.v… để suy đoán trạng thái thôi miên. Ví dụ như tinh thần mất hết vẻ linh hoạt tự chủ, to ra ngờ nghệch, hành động mất tự chủ v.v… Tuy nhiên điều này không hoàn toàn chuẩn xác, bởi đối tượng dù có tất cả những biểu hiện đó cũng chưa chắc là đã thâm nhập vào trạng thái thôi miên.

Sau nhiều năm thực nghiệm, tôi phát hiện, với những đối tượng khó dẫn dắt vào trạng thái thôi miên, nếu kiên trì lặp lại ám thị: “Đừng suy nghĩ gì cả, hãy ngủ đi!” thì hiệu quả ám thị sẽ tăng lên rõ rệt. Tôi nghĩ điều này có liên quan đến tâm lý và sinh lý học.

Sự thật là ngay đến cả hôm nay cũng có nhiều người chưa tin vào sự tồn tại của thôi miên, thế nhưng nếu nghiên cứu sâu thì thôi miên là một ngành khoa học thuộc lĩnh vực tâm sinh lý, hoàn toàn có thể tiếp cận và lý giải được.

Có một sinh viên học thôi miên với tôi. Anh ấy đã tìm được một đối tượng rất tốt để thôi miên. Khi chuẩn bị thôi miên, anh ấy nói với đối tượng:

– Hai mắt anh cảm thấy rất nặng, không muốn mở ra. Thế nhưng đối tượng cứ mở to hai mắt nhìn anh ấy chăm chú. Anh ấy hốt hoảng, bảo:

– Ý tôi muốn nói là anh hãy nhắm mắt lại.

Khi ấy đối tượng mới nhắm mắt lại. Anh ấy tiếp tục bảo:

– Tay anh không thể nhấc lên được!

Thế nhưng đối tượng vẫn nhấc tay lên.. gãi đầu!

Rõ ràng trong trường hợp này anh ấy không thể đưa ra bất kỳ ám thị nào nữa!

Những trường hợp như trên thường xuyên xảy ra, cho dù bạn là một chuyên gia thôi miên cũng không tránh khỏi. Nhưng với người nhiều kinh nghiệm, họ không lo lắng gì cả mà sẽ có cách để khống chế tình hình. Khi gặp trường hợp này, tôi hay dùng ánh mắt của mình để khống chế. Ví dụ, nhìn chăm thú vào ánh mắt đối tượng, chỉ vài giây sau, đối tượng sẽ tự động nhắm mắt lại. Thế nhưng, đối tượng có thật sự “mở mắt không ra” hay không thì phải xem họ mở mắt nhiều lần, mí mắt động đậy nhưng mắt vẫn không mở ra được. Khi ấy ám thị mới thật sự có hiệu quả.

Muốn trở thành một nhà thôi miên thì trước tiên phải là một “đại thiện nhân”, tức là phải đặt lương tâm lên hàng đầu. Tôi cho rằng giáo viên và bác sĩ là hai ngành phù hợp nhất để học thuật thôi miên. Giáo viên là người dạy kiến thức cho học sinh từ sách vở và từ kinh nghiệm làm người, luôn lấy mục tiêu đào tạo con người thành người tốt làm trung tâm sự nghiệp. Bác sĩ thì dùng lương tâm để trị bệnh cho người.

Trong cuộc sống, nhà thôi miên luôn làm cho người khác có cảm giác khác thường. Đó là do họ có các mối quan hệ xã hội đặc thù, có cách nhìn sự vật theo chiều hướng riêng. Họ muốn làm việc gì đó, muốn tạo mối quan hệ nào đó… thì tỷ lệ thành công rất cao. Có lẽ là khi đối diện với bất cứ trắc trở nào, họ đều có phương pháp ứng phó tốt nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên cũng không nên thần thánh hóa họ, bởi họ cũng là con người như bao người khác họ cần một cuộc sống bình thường trong những mối quan hệ bình thường.

Học thuật thôi miên không khó, khó là ở phương diện ứng dụng. Thực nghiệm thành công mới là mục đích sau cùng.

V. ĐIỀU KIỆN TẤT YẾU ĐỂ THÔI MIÊN THÀNH CÔNG

Có vài đồng nghiệp hỏi tôi:

– Mỗi lần anh thực hiện thôi miên đều thành công, còn chúng tôi thì không được như vậy, nhất định anh có kỹ xảo nào đó mà chúng tôi không biết.

Thật ra tôi không có kỹ xảo hay bí mật nào cả, chỉ là do thường xuyên thực nghiệm mà thôi. Kinh nghiệm là do mỗi người tự tích lũy. Cách thực hành của mỗi nhà thôi miên khác nhau nên sự thể hiện của họ về thôi miên cũng khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số điều kiện cơ bản để việc thôi miên thành công như sau:

a/ Nhà thôi miên phải có một uy thế nhất định nào đó với đối tượng được thôi miên.

Uy thế này được xác lập qua nhiều hình thức. Có người là quen thân lâu ngày tạo thành niềm tin, tín nhiệm, kính trọng với đối tượng. Có người do được đối tượng ngưỡng mộ qua các phương tiện truyền thông. Có người được tin tưởng do đối tượng được bạn bè giới thiệu. Có người được kính trọng do tác phong, hành vi, ngôn ngữ của mình v.v…

b/ Phải chú ý đến tính hợp lý khi đưa ra các tín hiệu ám thị. Không thể cho rằng một khi đã có uy thế, được đối phương tin tưởng thì có thể đưa ra bất kỳ tín hiệu ám thị nào. Trong giai đoạn bắt đầu, đối tượng sẽ từ chối những tín hiệu ám thị không hợp lý.

Một lần nọ, tôi thực nghiệm ám thị lên vài nam sinh. Họ cũng là những người theo học ám thị với tôi. Trong trạng thái thôi miên sơ kỳ, tôi bảo họ làm một số động tác họ đều làm theo. Khi tôi bảo họ cởi quần dài lên giường ngủ, có một nam sinh bỗng hỏi:

– Em không cần phải cởi chứ ạ?

Tôi nói:

– Nếu em cởi quần dài ra thì sẽ thoải mái hơn.

Thế nhưng người ấy nhất định không cởi quần dài, anh ta chỉ cởi áo ngoài ra thôi.

Có thể thấy tuy ý thức của đối tượng đã bị khống chế nhưng vẫn còn hoạt động và trong chừng mực nào đó đang tự bảo vệ mình khi các yêu cầu của ám thị trái với thói quen hàng ngày.

c/ Phải chú ý đến ngữ điệu, biểu cảm của gương mặt, cử chỉ của mình.

Đã từng có vài người học thôi miên, họ luyện tập ra ám thị cho nhau:

– Không nghĩ đến điều gì cả!

– Hãy nhắm mắt lại ngủ nhé!

– Hai mắt rất nặng, mở không ra nữa rồi?

– Tay không nhấc lên nổi nữa!

Khi đối phương tỉnh khỏi trạng thái bị thôi miên, họ nói:

– Các ám thị được đưa ra nhanh quá. Tín hiệu này chưa được tiếp nhận trọn vẹn thì tín hiệu kia đã đến.

Trong trường hợp này, đối tượng nhận và làm theo ám thị như thực hành theo mệnh lệnh chứ không thuộc phạm vi của quán niệm vận động. Và như thế trên căn bản, đối tượng không hề chìm vào trạng thái bị thôi miên.

Mặt khác, lời nói lãnh đạm có thể làm giảm hiệu quả ám thị. Ngữ điệu của nhà ám thị phải lúc bổng lúc trầm, phải chuyển tải tốt nhất những nội dung cần truyền đạt. Nếu cứ nói bằng giọng đều đều, không cảm xúc thì không khơi dậy cảm xúc của đối tượng, không có sự phối hợp nhịp nhàng đối tượng không dễ bị dẫn dắt vào trạng thái vô thức.

Với những nhà thôi miên cao mình, họ ít dùng lời nói mà chỉ dùng ánh mắt và biểu cảm của gương mặt.

Phục trang của nhà thôi miên cũng liên quan mật thiết đến hiệu quả ám thị, đặc biệt là lần đầu tiên gặp đối tượng, nhà ám thị không nên ăn mặc cẩu thả, tùy tiện. Quần áo nên tươm tất nhưng cũng đừng quá cầu kỳ, lòe loẹt. Tốt nhất là nên ăn mặc sao có lợi cho việc thôi miên, không để đối tượng phân tán sự chú ý.

d/ Chú ý đến môi trường xung quanh vì nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thôi miên.

Đầu tiên chọn nơi thích hợp để thôi miên, loại trừ tất cả mọi sự phiền nhiễu ngoại cảnh. Thường nên chọn nơi yên tĩnh, không có sự biến đổi (khách vãng lai, nơi ồn ào v v). Với những trường hợp thôi miên trước đám đông, tuy có nhiều người, không sao tránh khỏi ồn ào, nhưng lại có được một loại trạng thái tâm lý đặc biệt, khi đối tượng ở chỗ đông người bao giờ cũng có chút bất an, nhà thôi miên tranh thủ sự bất an ấy để dẫn dắt họ vào trạng thái thôi miên.

Có một trường hợp đặc biệt khác, không phải là không thể thôi miên nhưng sẽ khó khăn hơn với người mới học.

Bất kỳ người nào cũng có phản xạ tự nhiên. Ví dụ hai người đang đi, người đi trước bỗng quay đầu nhìn sang bên trái, người đi sau cũng quay đầu nhìn theo. Cũng như thế nếu đối tượng đang được dẫn dắt vào trạng thái thôi miên sơ kỳ, nhưng nếu hoàn cảnh xung quanh có gì đó thay đổi, đối tượng sẽ tự nhiên hỏi: “Cái gì thế?”. Có thể phản xạ này làm cho đối tượng tỉnh thức khỏi trạng thái thôi miên.

Để tránh sự quấy nhiễu của ngoại cảnh và hiệu ứng từ phản xạ, trước khi dẫn dắt đối tượng vào cảnh giới thôi miên, nhà thôi miên nên nói với họ: “Kể từ bây giờ, anh chỉ nghe theo ám thị của tôi, đừng để tâm đến bất kỳ việc gì xảy ra xung quanh” hoặc “Anh chỉ nghe được lời nói của tôi mà thôi” v.v…

Các phản ứng tự nhiên của cơ thể như ho, nấc cục, đau ngứa v.v… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thôi miên, có đôi lúc sẽ không thể nào tiến hành thôi miên được.

Tư thế của đối tượng cũng ảnh hưởng đến thôi miên. Ví dụ đối tượng không được ngồi trong tư thế thoải mái, tư thế dễ ngả ra trước hoặc sau, tư thế nguy hiểm v.v… rất có thể khi đang đi dần vào trạng thái thôi miên thì cơ thể đột nhiên có phản ứng từ tư thế ban đầu, thôi miên sẽ thất bại.

Tóm lại, có rất nhiều sự việc, hoàn cảnh ảnh hưởng đến hiệu quả thôi miên. Nhà thôi miên nên tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ có thể xảy ra để hiệu quả thôi miên được nâng cao.

VI. KỸ THUẬT THÔI MIÊN

Thuật thôi miên cổ xưa được triển khai trên phương diện thần bí, mượn “thần lực” để thể hiện sức mạnh của mình. Các nhà thôi miên chẳng khác nào thần thánh trong mắt người đời. Vì thế, lực khống chế của họ cũng rất mạnh.

Đến khi khoa học phát triển, thôi miên được nhìn nhận một cách khoa học hơn và nó trở thành một học thuật mang tính khoa học rất cao, hoàn toàn không có gì thần bí cả.

Từ góc độ nghiên cứu của khoa học hiện đại, trong nhiều phương pháp thôi miên thì quán niệm vận động là giai đoạn dễ lý giải nhất.

Có một phương pháp thôi miên cổ điển là để đối tượng nằm trên thường hoặc ngồi trên ghế dựa, sau đó nhà thôi miên lấy tay áp lên trán đối tượng, nói:

– Đừng suy nghĩ gì cả, hãy ngủ đi nhé!

Đối tượng lập tức đi dần vào trạng thái thôi miên. Phương pháp này rất hữu hiệu và trực tiếp, dường như không dùng đến quán niệm vận động. Thế nhưng, nếu muốn dẫn dắt họ vào trạng thái thôi miên sơ kỳ thì vẫn phải dùng đến quán niệm vận động.

Thông qua nhiều lần thực nghiệm, các nhà thôi miên kết luận rằng các phương pháp thôi miên đang được lưu hành đều thực tế, có thể thực hiện được. Đại khái có một số phương pháp tiêu biểu như sau:

1. Dẫn dắt vào quán niệm vận động

Phương pháp thôi miên phổ biến nhất hiện nay là bắt đầu dẫn dắt đối tượng vào trạng thái thôi miên bằng con đường quán niệm vận động. Tức là thông qua ám thị làm cho đối tượng sản sinh ra những quán niệm (tư tưởng) tương ứng cuối cùng dẫn đến vận động cơ thể. Một khi đối tượng thuần thục với những vận động này thì đối với các ám thị sau đó, đối tượng sẽ nghĩ: “dĩ nhiên phải như vậy!”, lập tức sẽ phản ứng theo ám thị như một chuỗi hành động hết sức logic.

Ví dụ nhà thôi miên bảo đối tượng: “Hãy ngồi yên, hai tay bắt chéo đặt trước ngực”, đối tượng thực hiện theo tín hiệu ám thị. Sau đó nhà ám thị tiếp tục nói: “hai mí mắt của anh rất nặng, tự nhiên muốn nhắm lại!”, đối tượng sẽ tự nhiên nhắm mắt lại… Từng ám thị cứ được đưa ra và đối tượng cùng tiếp nhận một cách tự nhiên, từng bước đưa đối tượng vào trạng thái thôi miên sâu.

Trong quá trình này, nhà thôi miên có thể ám thị cho đối tượng mở mắt ra, nhưng bảo:

– Bạn đang ở trạng thái thôi miên?

Nếu không nói vậy, đối tượng sẽ nghĩ rằng việc thôi miên đã kết thúc, lập tức sẽ thoát khỏi trạng thái bị thôi miên. Sau khi đối tượng mở mắt, sẽ nhìn thấy được mọi việc trước mắt, nhưng không nảy sinh ý muốn hoạt động, mà vẫn ở trạng thái ý thức bị ức chế. Có nhiều người bị chứng mất ngủ hysteria, tức chứng mất ngủ do tâm lý tạo thành. Người bệnh nhìn thấy rõ ràng tất cả cảnh vật trước mặt mình, nhưng tâm lý lại phản ứng bằng cách: “Không nhìn thấy gì cả!” khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi. Thông thường, ám thị thôi miên có thể trị dứt bệnh này: Trong trạng thái thôi miên nhưng vẫn mở mắt thấy được cảnh vật xung quanh thì đâu khác gì chứng mất ngủ hysteria. Khi ấy nhà thôi miên sẽ ám thị cho đối tượng khi nhìn thấy gì thì phản ứng tâm lý cũng là “nhìn thấy”, còn các sự việc khác không cần quan tâm đến khi thôi miên. Thôi miên gia nên hết sức thận trọng vì hành động, cử chỉ, lời nói của họ đều có thể bị đối tượng cho rằng đó là tín hiệu ám thị.

2. Phương pháp “ngã ra sau”

Từ trong phương pháp vận dụng quán niệm vận động để bắt đầu thực hành thôi miên, căn cứ vào kinh nghiệm thôi miên của mỗi nhà thôi miên và điều kiện tâm sinh lý của đối tượng, chúng ta có thể chọn lựa từ nhiều phương diện khác nhau. Phương pháp “ngã ra sau” cũng là một cách thức thôi miên được bắt đầu từ quán niệm vận động.

Đối tượng được yêu cầu đứng yên, hai bên có hai người trợ giúp đầu tiên được yêu cầu nhắm mắt lại, nhà thôi miên nói:

– Xin chú ý, khi tôi vỗ tay một tiếng, hãy ngã ra sau, cứ thế đi dần vào trạng thái thôi miên.

Có thể để đối tượng ngã nằm xuống đất nhờ vào sự giúp đỡ của hai trợ thủ (trước khi ám thị nên giải thích cho anh ta biết là có người trợ giúp, cứ yên tâm ngã ra sau). Thông thường, để tăng hiệu quả ám thị, trước khi bảo đối tượng ngã ra sau, nhà thôi miên thường thực hiện một số quán niệm vận động như giơ tay, hạ tay v.v… để khi ngã ra sau, đối tượng đã thâm nhập vào trạng thái thôi miên.

Sau khi đối tượng ngã xong, tùy theo yêu cầu trị liệu mà nhà thôi miên có thể yêu cầu đối tượng đứng lên hoặc dẫn dắt đối tượng vào trạng thái thôi miên sâu hơn. Cũng có đối tượng sau khi ngã lập tức đi vào trạng thái thôi miên sâu. Theo các nhà thôi miên thì phương pháp ngã ra sau sẽ khiến cho đối tượng dễ thâm nhập vào trạng thái thôi miên sâu nhất.

Để có hiệu quả trực tiếp, tôi thường xòe bàn tay để trước mặt đối tượng khoảng một mét, ám thị rằng:

– Hãy nhìn vào lòng bàn tay của tôi sẽ thấy nó đỏ lên. Khi tôi đẩy về phía trước, anh sẽ ngã ra sau.

Sau khi thấy đối tượng đã thăm chú đến mức có thể, tôi từ từ đẩy bàn tay về phía trước, đối tượng theo phản xạ tự nhiên sẽ nhắm mắt lại và ngã về phía sau. Quá trình này diễn ra khá nhanh, đối tượng cũng sẽ dễ dàng đi vào trạng thái thôi miên sâu.

3. Phương pháp ngưng thần

Trong vu thuật cổ đại có một phương pháp gọi là “thấu thị nhân thể linh hồn”. Vu sư đặt một quả cầu thủy tinh trước mặt đối tượng, cho rằng chỉ cần tập trung tinh thần nhìn chăm chú vào đó, thông qua tác dụng hội tụ ánh sáng, linh hồn của đối tượng sẽ xuất hiện trong quả cầu. Khi ấy, đối tượng sẽ nói ra những ước muốn, dục vọng mà anh ta chưa từng nói ra hoặc chính bản thân anh ta cũng không rõ.

Đấy là vu thuật cổ xưa. Chúng ta không bàn nhiều. Điều chúng ta quan tâm ở đây chính là dùng quả cầu thuỷ tinh để làm mục tiêu tập trung tinh thần, nhãn lực, dẫn dắt đối tượng vào trạng thái thôi miên.

Khi con người tập trung nhãn lực vào một vật nào đó lâu dài thì dần dần – một cách vô ý thức – sẽ tiến vào cảnh giới vong ngã (quên bản thân mình). Những trường hợp này vẫn thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, áp dụng vào thuật thôi miên quả là việc tiện lợi. Các nhà thôi miên ngày xưa cũng thường đặt quả cầu thuỷ tinh trước mặt đối tượng (khoảng 1 mét) rồi ám thị cho đối tượng tập trung tinh thần, nhãn lực nhìn vào quả cầu, từ đó dẫn dắt họ vào trạng thái thôi miên.

Đến thời hiện đại vẫn có người dùng quả cầu thủy tinh như thế trong việc thôi miên. Tuy nhiên đa số nhà thôi miên chỉ dùng những vật dễ tìm quanh mình, ví dụ như một hòn đá, một chiếc cúc áo, một ngón tay v.v… vật nào càng dễ hấp dẫn sức chú ý của đối tượng càng tốt. Chính vì vậy, quả cầu thủy tinh là vật tốt nhất trong trường hợp này. Để tăng hiệu quả ám thị, nhà ám thị có thể nói:

– Hãy nhìn vào quả cầu này, nó sẽ dần dần to ra! Hoặc:

– Hãy nhìn vào chấm đỏ này, nó sẽ dần dần biến thành màu đen!

Sau khi nhận thấy đối tượng đã dần dần bị khống chế bèn dẫn dắt họ tiến sâu hơn vào trạng thái thôi miên:

– Không nghĩ đến việc gì cả. Hãy cứ mở mắt như vậy không cần làm việc gì cả, chỉ cần nghe theo lời tôi.

– Mí mắt đã nặng trĩu rồi, hãy nhắm mắt lại thôi.v.v…

Đôi lúc nhà ám thị không cần ám thị gì cả, để cho đối tượng tự ám thị mình. Đối tượng khi hiểu mình cần được thôi miên nên đã tự ám thị mình. Khi đối tượng đã ngưng thần nhìn vào mục tiêu trước mắt được một lúc, nhà ám thị nhẹ nhàng đến bên cạnh đối tượng, dùng ngón tay mình khẽ nâng một ngón tay của đối tượng lên, sau đó thả nhè nhẹ xuống. Nếu đối tượng không có phản ứng nào cả, ngón tay được thả xuống thế nào vẫn giữ nguyên thế ấy, tức là đối tượng đã thâm nhập vào trạng thái thôi miên.

4. Phương pháp thôi miên trong chớp mắt

Có một loại trắc nghiệm được gọi là “não cân cấp chuyển biến” (gân não chuyển biến nhanh chóng). Ví dụ hỏi thật nhanh những câu như.

– Học “Đại học” nhanh nhất là bao lâu?

– Phía tây có con trâu, nó đi tới ba bước, sang nam hai bước, sang đông năm bước, đuôi hướng về đâu?

– Vật bị rơi thì thế nào?

v.v…

Những câu hỏi ấy tuy đơn giản nhưng rất ít người đáp chính xác, thường chúng được trả lời theo tư duy quán tính. Một khi quán tính đã hình thành rất khó thay đổi, dù đó là những tư duy sai lạc. Đáp án của những câu trên khiến cách suy nghĩ theo quán tính sẽ không đúng.

– Học “Đại học” chỉ trong một giây là thuộc.

– Đuôi của trâu hướng xuống đất.

– Vật bị rơi thì nhặt lên.

Nếu trả lời đúng phải thế này:

– Học Đại học phải mất 4 năm.

– Đuôi trâu hướng về phía Tây.

– Vật rơi mất thì đi tìm.

Phương pháp thôi miên trong nháy mắt là lợi dụng “tính đột nhiên” (bất ngờ) của việc suy nghĩ không đến được. Khi đối tượng ở trong tình trạng không thể chuyển hướng tư duy trong khoảng thời gian rất ngắn, cũng tức là trong khoảng tư duy bị ngưng lại, nhà ám thị lập tức phát đi tín hiệu ám thị để khống chế đối tượng.

Người mới học thường mơ ước chỉ trong thời gian ngắn có thể thực hiện việc thôi miên suôn sẻ, khống chế được người khác một cách dễ dàng. Điều này không dễ thực hiện, bởi rất nhiều yếu tố có thể làm cho việc thôi miên bị thất bại, mà yếu tố quan trọng nhất là đối tượng. Nếu chọn sai đối tượng thì thôi miên rất khó thành công.

Phương pháp này, đa phần là trước tiên làm cho đối tượng kinh ngạc, tinh thần bị đặt trong trạng thái rỗng không. Ví dụ đưa một ngón tay ra, đặt trước mặt đối tượng, cách hai mắt khoảng 50cm, bảo đối tượng nhìn chăm chú vào ngón tay, sau đó đột nhiên lấy ngón tay ấy đâm thẳng vào mắt đối tượng (tất nhiên là không phải đâm thật), khiến cho đối tượng kinh hoảng, sau đó nắm lấy cơ hội, ám thị:

– Hãy nhắm chặt hai mắt lại, không làm sao mở ra được!

Chờ một lát rồi lấy tay ra. Nếu nhìn thấy hai mí mắt của đối tượng vẫn nháy nhưng không mở được chứng tỏ đối tượng đã đi vào trạng thái thôi miên.

Có rất nhiều phương pháp làm cho người khác kinh ngạc hoặc hoảng sợ, nhưng điều quan trọng là nhà thôi miên có nắm bắt được thời cơ hay không. Với những đối tượng chưa quen biết, các nhà thôi miên thường hay chọn phương pháp này. Tuy nhiên, có thể khống chế đối phương bao lâu lại là chuyện khác. Phương pháp này có yêu cầu rất cao về phía nhà thôi miên, tôi chỉ thực hiện được vài lần với đối tượng là các học sinh trung học, bởi rất khó tìm được đối tượng thích hợp. Dù cho việc thôi miên thành công thì nhà thôi miên cũng mất không ít sức lực. Tôi luôn cho rằng nếu không vì thực nghiệm để kiểm chứng thì không cần thiết phải dùng đến phương pháp này. Trong thôi miên trị liệu hầu như không ai dùng đến nó cả!

5. Thôi miên sinh lý

Một số đối tượng rất khó thôi miên, vì thế nếu dùng nhiều cách khác nhau nhưng vẫn không thôi miên được thì nhà thôi miên nên áp dụng phương pháp thôi miên sinh lý. Đây là cách các nhà thôi miên người Mỹ rất thích dùng.

Thôi miên sinh lý trực tiếp tác động vào hệ tuần hoàn huyết mạch của bệnh nhân. Nhà thôi miên đặt tay lên động mạch chủ, làm cho máu tuần hoàn chậm lại, huyết áp hạ xuống, tim đập chậm hơn, lượng máu lên não giảm, hoạt động bị ức chế, từ đó đi vào trạng thái thôi miên dễ dàng.

Nếu nhà thôi miên can thiệp quá mạnh mẽ, huyết áp hạ quá thấp, sẽ làm cho não thiếu máu, đối tượng sẽ hôn mê. Vì thế khi nhìn thấy sắc mặt đối phương trở nên hơi trắng xanh phải lập tức buông tay.

Khi can thiệp vào huyết áp, nhà thôi miên cũng đồng thời đưa ra tín hiệu ám thị. Nếu chỉ can thiệp huyết mạch mà không ám thị, đối tượng rất khó đi vào trạng thái thôi miên.

Có một loại thôi miên sinh lý khác là sử dụng thuốc phiện. Đây là cách không được hoan nghênh, chỉ dùng với mục đích xấu với những nhà thôi miên thiếu lương tâm. Khi đối tượng bị tiêm một lượng lớn heroin vào máu sẽ không còn tự khống chế mình được, có thể nói ra bất cứ điều gì đối phương yêu cầu. Ngày xưa người ta hay dùng cách này trong hoạt động tình báo.

6. Phương pháp thôi miên ám ngữ

Thôi miên gia chỉ dùng một câu nói hoặc một tư thế của cánh tay (vung tay, chỉ tay v.v…), đối tượng lập tức rơi vào trạng thái thôi miên sâu. Phương pháp này giống như thần thánh hóa, nhưng thực chất nhà thôi miên trước khi thôi miên đã đưa ra những ám hiệu tác động đến đối tượng.

Đầu tiên là “thôi miên ám ngữ”, tức kiến lập trong tiềm thức của đối tượng những ám ngữ hoặc ám hiệu, sau đó dùng ám ngữ tương ứng thôi miên mới có tác dụng.

Nhà thôi miên nói với đối tượng khi đã được thôi miên rằng:

Tiếp theo tôi sẽ gọi tên anh, sau đó đếm 1, 2, 3 anh sẽ lập tức nhập vào trạng thái thôi miên sâu.

Có đối tượng chỉ cần ám ngữ hoặc ám hiệu một lần, nhưng cũng có đối tượng phải lặp lại nhiều lần mới thành công.

Trước khi thôi miên, tất nhiên phải kiến lập cho đối tượng những ám ngữ, ám thị tương ứng. Ví dụ, muốn đưa ra ám thị trên thì trước đó phải thiết lập các ám ngữ 1, 2, 3 v.v… cho đối tượng. Điều này rất cần thiết cho việc trị liệu tâm lý.

Có những đối tượng đã được thôi miên trị liệu nhiều lần, những lần sau, chỉ cần chúng tôi mời họ ngồi lên ghế, chưa kịp đưa ra ám thị nào họ đã tự động thâm nhập vào trạng thái thôi miên. Đấy là những người có mẫn cảm mạnh với hoàn cảnh, các khung cảnh quen thuộc như căn phòng, chiếc ghế, gương mặt của nhà thôi miên v.v… đã trở thành tín hiệu, ám hiệu để họ tự đi vào trạng thái thôi miên.

7. Phương pháp thôi miên xoa

Đây là một trong những cách được dùng lâu dài nhất trong lịch sử thôi miên. Thôi miên bằng cách xoa là dùng tay xoa vào đối tượng để họ cảm thấy dễ chịu, an toàn, tâm bình khí hòa, dần dần đi vào trạng thái thôi miên.

Để đối tượng nằm yên trên giường, người thôi miên đứng cạnh dùng tay xoa nhè nhẹ lên trán, lên cánh tay của anh ta, vừa xoa vừa ám thị:

– Không nghĩ đến việc gì cả, hãy ngủ thôi!

Cách này giống như ru trẻ em vào giấc ngủ. Thông qua xoa và ám thị, đối tượng dần dần buông lơi mọi tư tưởng, dục vọng, nhập vào trạng thái thôi miên. Phương pháp này cần chọn nơi thanh tịnh, chọn vị trí ngồi trích hợp cho người thôi miên và bệnh nhân. Có rất nhiều cách để nhận biết đối tượng đã đi vào trạng thái thôi miên chưa, cách đơn giản nhất là nhấc nhẹ một cánh tay của đối tượng lên, giữ lại vài giây sau đó buông ra, nếu tay rơi vào đâu vẫn ở nguyên nơi đó, chứng tỏ đối tượng đã được thôi miên tốt. Sau đó người ám thị tiếp tục đưa ra các tín hiệu ám thị khác để dẫn dắt đối tượng vào trạng thái thôi miên sâu hơn.

Khi xoa phải chú ý không nên xoa vào những nơi mẫn cảm vì sẽ gây ra những phản ứng không cần thiết nơi đối tượng, ảnh hưởng đến việc thôi miên. Đặc biệt là với đối tượng là người khác giới chỉ nên xoa ở đầu và trán.

Với người bệnh đau đớn nhiều, khi sử dụng các phương pháp thôi miên khác cũng nên đồng thời kết hợp với phương pháp xoa này. Khi xoa, người bệnh sẽ có cảm giác được an ủi giảm đau nhức, dễ dàng nhập vào trạng thái thôi miên. Với người bệnh nặng, cơ thể vô cùng suy nhược thì đây là phương pháp thôi miên tốt nhất, mặt khác nó còn giúp người bệnh kéo dài sự sống trong một thời gian nhất định khi bệnh tình của họ thật sự không thể cứu chữa được.

VII. PHƯƠNG PHÁP GỌI TỈNH LẠI SAU THÔI MIÊN

Người thôi miên chỉ cần nói:

– Khi tôi gọi tên anh, anh lập tức có thể tỉnh lại.

Đối tượng khi nghe gọi tên sẽ tỉnh dậy khỏi trạng thái thôi miên.

Có nhiều người lo lắng hỏi:

– Khi bị thôi miên rồi có thể tỉnh lại không? Tư duy, trí nhớ có bị thay đổi gì không?

Kỳ thực, thôi miên chỉ mang tính khống chế ý thức trong một khoảng thời gian ngắn, nếu không gọi dậy thì đối tượng cũng tự tỉnh dậy. Cũng có người khi tỉnh dậy nói: “Đầu óc vẫn còn mơ hồ”, chỉ là do tưởng tượng ra thôi. Những trạng thái tinh thần bị ngộ nhận như vậy, chỉ cần làm tốt tâm lý trị liệu thì đối tượng sẽ trở lại bình thường. Hoặc người thôi miên, khi gọi đối tượng tỉnh dậy, nói thêm: “Khi anh tỉnh dậy đầu óc vô cùng tỉnh táo, thân thể nhẹ nhàng khoan khoái”. Qua nhiên, khi đối tượng tỉnh dậy sẽ có cảm giác ấy.

Cũng có hiếm hoi những trường hợp sau khi được gọi dậy, đối tượng vẫn còn mơ màng trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Không có gì phải lo lắng, chỉ cần lớn tiếng gọi lại lần nữa: “Thôi miên đã kết thúc rồi, mau tỉnh lại!”, đối tượng sẽ lập tức tỉnh dậy.

Nên chú ý, thôi miên không phải là ngủ. Với một người đang ngủ, chỉ cần lay động thân thể thì họ sẽ tỉnh dậy, nhưng với người bị thôi miên, nếu bạn đến lay, họ sẽ cho đó là tín hiệu ám thị nên không tỉnh dậy. Không nên lo lắng việc được gọi mà vẫn không dậy, bởi đến nay vẫn chưa xảy ra trường hợp nào như vậy.

VIII. QUA TRÌNH THÔI MIÊN KHỐNG CHẾ HOÀN CHỈNH

Đối với một người tự nguyện phối hợp thôi miên nên để họ đứng vững vàng (nếu chọn phương pháp thôi miên ngã ra sau) rồi ám thị cho đối tượng ngã ra sau, tiếp theo nên thử xem thôi miên đã tác động lên thân thể họ như thế nào.

Người thôi miên sẽ hỏi:

– Đầu của anh có thể ngẩng lên, hãy ngẩng lên xem

Đối tượng sẽ lập tức ngẩng đầu lên.

– Đầu không lay động được nữa, anh thử lắc lắc xem!

Đầu đối tượng quả nhiên không cử động được, mà còn có xu hướng muốn nằm thẳng xuống.

– Hiện tại hai vai anh có thể nhắc lên được rồi.

Lập tức vai của đối tượng nhô lên.

– Hãy đứng dậy!

Đối tượng đứng dậy. Khi anh ta vừa đứng thẳng lập tức ám thị tiếp: – Hai bên hông không còn chút sức lực nào cả, không thể đứng được nữa.

Đối tượng lập tức khuỷu xuống ngay tại chỗ.

– Giờ thì có thể đứng lên được rồi, nhưng chân không cử động được Đối tượng lập tức muốn đứng lên, nhưng chân không cử động nên không thể đứng được.

– Hai mắt có thể mở ra được rồi, nhưng không thể thoát khỏi trạng thái thôi miên!

Đối tượng lập tức mở hai mắt ra, hai nhãn cầu nhìn xuống, không chuyển động.

– Hãy nhìn vào mắt tôi!

Thôi miên gia đến trước mặt đối tượng, nhìn chăm chú vào mắt đối tượng.

Người thôi miên đột nhiên đưa thẳng một cánh tay lên, đối tượng cũng lập tức làm y như vậy. Người thôi miên hạ tay xuống, xoay người v.v… đối tượng đều làm theo. Thậm chí bảo rằng anh ta đã mất vị giác, cho anh ta nếm thử các chất chua, cay, anh ta cũng không hề nhăn mặt, chứng tỏ anh ta đã hoàn toàn thâm nhập vào trạng thái thôi miên.

Trong trạng thái thôi miên sâu, có thể tiến hành các thực nghiệm sau: – Hiện nay anh có thể nhớ lại rất nhiều những sự việc thời thơ ấu: 10 tuổi, 9 tuổi, 8 tuổi…3 tuổi. Hiện nay anh đang ở trong tiệc sinh nhật lúc 3 tuổi, hãy nhớ lại những gì đã xảy ra khi ấy.

Đối tượng lập tức thuật lại những việc xảy ra trong tiệc sinh nhật ấy nhưng đúng hay sai không cần biết vì chúng ta không có nhu cầu để biết. Nếu cần biết thì có thể kiểm nghiệm qua người thân.

Trắc nghiệm cảm ứng tâm linh chúng ta có thể làm như sau: – Ở đây có quyển vở và cây bút, tôi sẽ cầm một trong hai thứ ấy, anh nhất định sẽ biết tôi cầm vật gì.

Người thôi miên cầm lên quyển vở, một tay nắm lấy tay đối tượng. Đối tượng lúc ấy vẫn đang nhắm mắt nhưng sẽ nói đúng người thôi miên đang cầm vật gì.

Thực nghiệm huyễn giác (ảo giác) bằng cách sau:

Đối tượng mở mắt, người thôi miên nói:

– Hãy nhìn xem, có rất nhiều hoa hồng dưới chân anh.

Đối tượng sẽ đáp:

– Đúng! Ở đâu ra nhiều hoa hồng thế?

Thực nghiệm thấu thị còn được gọi là âm tính huyễn giác làm như sau: Phía trước có một bức tường, ám thị rằng:

– Tôi hét to một tiếng, bức tường lập tức biến mất, anh có thể nhìn thấy những vật phía sau bức tường ấy.

Quả nhiên, sau khi nghe tiếng hét, đối tượng lập tức nhìn thấy những gì ở sau bức tường.

Cuối cùng là hậu thôi miên ám thị, người thôi miên nói với đối tượng rằng: – Sau này chỉ cần tôi vỗ tay thì anh sẽ lập tức thâm nhập vào trạng thái thôi miên, dù đó là ở đâu, vào lúc nào.

Nói xong thì gọi cho đối tượng tỉnh lại. Những việc xảy ra trong lúc bị thôi miên, đối tượng sẽ không nhớ gì cả.

Quá trình thôi miên hoàn chỉnh là như thế. Trong mỗi lần thực hiện, người thôi miên có thể thay đổi một vài cách thức. Mặt khác, cũng tùy từng đối tượng, từng loại bệnh lý mà có cách thôi miên đặc thù, không phải luôn rập khuôn, cứng nhắc. Phải chú ý một điều, nếu thôi miên không vì lợi ích của đối tượng hoặc không được đối tượng đồng ý thì việc thôi miên sẽ trở thành phi pháp, phi đạo đức.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.