Thôi Miên Nhìn Từ Góc Độ Tâm Lý Học

Chương 4. CHÚC DO THUẬT



I. VU THUẬT CỔ ĐẠI

Mấy ngàn năm qua, trong dân gian đã hình thành và lưu truyền rất nhiều “pháp thuật”, có loại dùng để khống chế con người, có loại dùng để khống chế thiên nhiên, và những loại này thường được sử dụng bởi các “vu sư” (thầy mo). Người hiện đại gọi đó là “vu thuật”, rất nhiều vu thuật bị xem là mê tín, nhưng cũng rất nhiều loại được xem là có tính khoa học, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học, mà thôi miên là một trong các loại đó, và được gọi chung là “chúc do thuật”

Chúng ta thường nghiên cứu vu thuật cổ đại từ góc độ “thôi miên”. Trong thời cổ đại, không có chữ “thuật” mà chỉ có tên là “chúc do”. Hiện nay tên gọi “chúc do thuật” làm cho ý nghĩa và tượng trưng của nó càng rõ ràng hơn.

Rất nhiều y học gia cổ đại đã giải thích chữ “chúc do” này đều cho rằng “chúc” là tụng đọc thần chú, là giải thích, còn “do” là nguyên nhân. Hợp hai từ lại có nghĩa là “giải thích nguyên nhân”. Ví dụ nói tâm tình bất thường, u uất là do “trầm tà” vào cửa, nếu người bị bệnh thận, da bị vàng là do “hoàng hộ quỷ” xâm phạm (quỷ da vàng). Tất cả mọi chứng bệnh đều được hiểu thông qua lời nói của vu sư nhờ vu sư giải thích, nên được gọi là “chúc do”, và mọi người tin tưởng rằng vu sư hoàn toàn có khả năng trị hết bệnh cho họ. Điều này có tác đụng như một loại tâm lý trị liệu. Nhưng cách trị bệnh ngày nay dĩ nhiên là khoa học hơn xưa rất nhiều.

Tác phẩm sớm nhất có nói về “chúc do” là quyển y học đồ sộ của Trung Quốc: “Hoàng Đế nội kinh”. Nội dung giới thiệu người Trung Quốc cổ đại trị bệnh không cần châm cứu, không cần uống thuốc mà dựa hoàn toàn vào “chúc do”, trị bệnh bằng liệu pháp tinh thần, dùng tinh thần để điều phối nội tạng. Đấy là thời nhân loại còn sống đơn sơ, tinh thần thuần phác nên nó có sức mạnh nội tại rất lớn.

Trương Giới Tân, tác gia, y học gia đời Minh đã nói trong “Loại kinh” rằng: “Chúc do” là pháp dùng phù chú để trị bệnh. Tức thông qua đọc phù chú, vẽ bùa, dùng các phương pháp thần bí để trị bệnh, nên người xưa còn gọi phương pháp này là “vu y”. Như vậy “chúc do” là phương pháp các thầy thuốc dùng để trị bệnh cho người, thông qua việc “trừ quỷ ở trong tâm” làm cho thân thể khỏe mạnh, tức là phương pháp điều trị tâm lý.

Căn cứ vào các giải thích này, có thể thấy các vu sư ngày xưa cho rằng thân thể, tinh thần và quỷ thần có quan hệ mật thiết với nhau. Họ còn cho rằng thất tình (bảy trạng thái tâm lý của con người) xuất sinh nơi tâm, ác tâm ác làm cho khí lưu thông không điều hòa, bên thịnh bên suy, khiến cho thần trí tán loạn, làm tiền đề sinh ra các loại bệnh.

Các loại trạng thái tinh thần của một người liên quan mật thiết đến sự yêu ghét của người đó, vì yêu hoặc ghét quá mức đều làm cho tâm lý mất ổn định, ngoại tà xâm nhập. “Quỷ tà” là bệnh sinh ra từ tâm.

Vì thế nên nói những gì mình ghét thì mình không muốn nhìn thấy, những gì mình ưa thích thì cứ muốn thấy mãi… tất cả đều ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của mỗi con người, làm khí huyết tán loạn, và người cổ xưa cho rằng do quỷ tà nhập vào thân thể, phải dùng thần chú để trừ diệt, xua đuổi ra.

“Chúc do thuật” được dùng để trị bệnh, được phổ biến rộng rãi trong dân gian cổ xưa, có người cho rằng nó là một loại hình mê tín sớm nhất của nhân loại, và hiện nay vẫn còn tồn tại ở một số nơi.

II. THỰC CHẤT CỦA CHÚ NGỮ VÀ NIỆM CHÚ

Điều mà dân gian cảm thấy thần kỳ nhất, bí ẩn nhất trong cách điều trị bệnh của các vu sư chính là “chú ngữ” (những lời chú thuật).

Chú ngữ và niệm chú có nhiều cách khác nhau tùy theo từng tông phái, từng vu sư và họ thực hiện rất có trình tự, hệ thống theo cách của họ. Sau đó, chúc do thuật được ứng dụng vào trong y học, được liệt vào danh sinh “tam thập khoa” của các triều đại. (Trong tam thập khoa có đại phương mạch, tiểu phương mạch, phụ khoa, châm cứu nhãn khoa, nha khoa v.v…).

Chúc do được vua chúa các triều đại xem trọng, nó đặc biệt có công hiệu trong việc trị đau đớn trên thân thể.

Vậy chúc do thuật được thực hiện như thế nào? Chú ngữ là gì?

Chú ngữ là những lời nói, câu khấn mang nội dung cầu khẩn với thần linh hoặc sai khiến quỷ thần, hoặc là một chuỗi ngôn từ không ai hiểu được, song theo các vu sư, nó có năng lực linh thiêng đặc biệt.

Có nhiều loại chú ngữ như chú tịnh thủy, chú trừ tà, chú thỉnh thần tiên, chú cầu mưa, chú chữa bệnh, chú cầu mạnh khỏe v.v… Nói chung là trong cuộc sống sinh hoạt, con người có nhu cầu về điều gì thì sẽ có chú ngữ tương ứng để đáp ứng nhu cầu đó.

Trong quá trình trị liệu, sử dụng chú ngữ nào là do vu sư chữa trị quyết định; địa điểm, môi trường trị liệu cũng được lựa chọn kỹ càng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chữa trị.

Tuy mỗi vu sư đều có những chú ngữ khác nhau trong việc trị liệu nhưng trên đại thể vẫn giống nhau, tức tất cả các chú ngữ này giống nhau trên căn bản, chỉ khác nhau ở các tiểu tiết.

Vậy những chú ngữ và thuật đọc chú ấy có liên quan, ảnh hưởng gì đến thân thể của con người không? Nó có liên quan gì đến vấn đề “thôi miên” mà chúng ta đang bàn luận đến không?

Phần đầu chúng tôi đã từng nói rằng, chúc do thuật là một trong những phương pháp thôi miên tối cổ của Trung Quốc, nếu xét từ góc độ khoa học thì nó mang tính ám thị đặc thù.

Các vu sư ngày xưa cũng “sáng tạo” ra hình thức quỷ thần nhập thân, linh hồn người chết nhập vào người sống v.v… đây là hiện tượng khó giải thích. Tuy nhiên, các vu sư cũng lợi dụng niềm tin này giả làm quỷ thần, lên đồng lên bóng để bệnh nhân tin tưởng, có lợi cho việc chữa trị. Đây chính là liệu pháp tâm lý, nằm trong phạm trù ám thị, đạt đến mục đích ám thị. Những ghi chép còn lại của vu thuật cổ xưa đều thừa nhận liệu pháp trị liệu tâm lý này.

Ví dụ với bệnh nổi mụn nước là một bệnh ngoài da, nguyên nhân phát bệnh không liên quan gì đến yếu tố tâm lý, nhưng theo cách trị bệnh đã trình bày ở trên thì vu sư ám thị với bệnh nhân thế này: “bệnh mụn nước của anh đã bị thần tiên lấy đi rồi, sẽ giảm dần rồi hết hẳn”.

Dùng liệu pháp tâm lý này quả nhiên chữa khỏi, y học hiện đại cũng chứng minh điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học của nó.

Nhìn chúc do thuật từ phương diện lịch sử, trong bối cảnh văn hóa mà con người vẫn còn tin vào ma quỷ, thần thánh thì con người sẽ tuyệt đối tin tưởng vào đó, cũng giống như nhân loại hiện nay hoàn toàn tin tưởng vào khoa học vậy. Các cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng, Ngô Quảng (Trung Quốc) sở dĩ thắng lợi là nhờ dùng biện pháp ám thị này, họ xem mình là hóa thân của thần thánh nên đã thu phục được lòng dân. Chúc do thuật đã triển khai bằng phương diện thần thánh hóa và gặt hái những thành tựu đáng nể phục. Chúng ta không thể không tán thán tài trí của các vu thuật gia. Họ đã thu phục được lòng người bằng cách của họ và đã khẳng định được giá trị tồn tại của mình.

Tiếp theo, chúng ta hãy tìm hiểu sự thực về chú ngữ. Chú ngữ có tính ám thị rất lớn, những chú ngữ dùng chúc do thuật đều mang tính ám thị. Đối với vu sư, thần thánh, ma quỷ là những thế lực tồn tại thực sự trên thế gian này và họ đã dựa vào đó để giải thích mọi may rủi của con người. Điều quan trọng là khi người gặp tai nạn, rủi ro… phải nhờ vào vu sư, chỉ có vu sư mới thông linh với quỷ thần để giải trừ tai nạn. Theo sử sách còn ghi lại thì chúc do thuật đã có từ thời nhà Châu, và thời ấy còn có chức quan cho lĩnh vực này. Nội dung của chú ngữ bao gồm nhiều vấn đề như trừ bệnh, trừ tai nạn, cầu ban phước, cầu hồn, chú biến hóa hình dạng (như biến thành hổ, thành sư tử) chú giáng long, thú cầu mưa, chú gọi gió, chú cầu an bình, cầu trời trong trăng sáng v.v… Dường như mọi nhu cầu của con người trong cuộc sống mà tự mình cảm thấy bất lực, họ đều nhờ đến thần chú, nhờ đến quỷ thần. Nhưng có điều không thể phủ nhận là những thần chú này thông qua tài năng của vu sư đã mang đến những hiệu quả nhất định, đáp ứng được nhu cầu của người dân, chính vì thế mà nó mới có thể tồn tại vững vàng suốt mấy ngàn năm.

Ở vùng núi Quế Châu có một phong tục “thỉnh thần” như sau: Một gia đình nọ có người con dâu bị bệnh. Chủ nhà khấn rằng: “Gia đình tôi, đầu tiên là mất một ít tài sản, sau đó tôi đau đầu. Càng đau lòng hơn, con dâu chúng tôi lại bị trúng phong. Có một lần con dâu ở nhà giữ con, đang ôm con trong lòng, ngồi nấu cơm bên bếp lửa, bỗng nhiên nó trúng phong, ngã ra sau, miệng sùi nước bọt, đứa con chưa đầy 4 tháng tuổi bị hất văng vào lò lửa, bị thiêu thết. Vì thế người trong làng cho rằng con dâu tôi đã xúc phạm đến quỷ thần nên mới bị quỷ thần trừng phạt. Chúng tôi hiện đang thỉnh vu sư để làm phép thuật, cầu thỉnh vị thần mà con dâu tôi vô tình xúc phạm đến, đồng thời tìm xem tà ma nào đã vào nhà, chúng tôi đồng lòng tế thần cúng quỷ, xin được bày biện pháp đàn nghiêm cẩn!”.

Vu sư căn cứ vào cách thức tế quỷ thần thường làm, cẩn thận chuẩn bị đèn, nhang, cúng phẩm và chọn thời gian thích hợp để mở pháp đàn.

Khi cúng tế, vu sư sẽ đọc rõ tên họ người bệnh, tên họ những người trong gia đình, nơi chốn họ đang sống rồi thỉnh thần thánh của năm phương đông, nam, tây, bắc và trung tâm.

Lời khấn thường dài khoảng 2 trang giấy, viết trên giấy sạch, khi tế đàn thì trải trên bàn tế. Vu sư sẽ dùng máu của mào gà cho lễ tế, nhỏ máu mào gà vào một cái chén nhỏ. Sau đó sai người thân của bệnh nhân mang đến trước đàn tràng. Vì đứa con nhỏ của bệnh nhân đã chết nên mọi người cho rằng cô con dâu này đã bị quỷ ám rất nặng nề, vu sư cho rằng dưới sự chỉ dẫn của thần linh, có thể biết được loại quỷ nào đã nhập thân bệnh nhân. Vu sư sẽ tụng một đoạn chú ngắn để cầu thần linh bảo vệ cho bệnh nhân, sau đó đưa bệnh nhân đến quỳ trước đàn tràng. Vu sư niệm chú tĩnh tâm cầu xin cho bệnh nhân thân thể khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt minh mẫn, không bị tà ma nhập thân.

Bệnh nhân quỳ trước đàn tràng, tự động nhắm mắt lại. Vu sư đất tiền giấy, khua linh, niệm thần chú thỉnh thần linh phóng linh quang trừ tà đuổi quỷ cho bệnh nhân. Sau đó, vu sư bước đến sau lưng bệnh nhân múa may tay chân, tiếp đó chuyển đến trước mặt bệnh nhân, nhìn chăm chú vào mặt bệnh nhân một lúc, đột nhiên hét to lên một tiếng, bắt đầu nói rõ nguyên nhân bệnh tình rằng bệnh nhân đã bị tà ma gì nhập thân, đã phạm lỗi gì với quỷ thần v.v… sau đó đọc chú thỉnh thần linh trừ tà đuổi quỷ bảo hộ bệnh nhân.

Đấy là đại khái những nghi thức trị bệnh tà ma của vu sư trong dân gian. Ở phần trước chúng tôi đã giới thiệu thuật ám thị và thôi miên, dùng tri thức về ám thị, thôi miên để tìm hiểu chúc do thuật, chúng ta sẽ thấy rằng chú ngữ ngoài những nội dung nói về thần và quỷ, chúng còn mang tính ám thị đặc thù.

Khi vu sư mời thỉnh thần thánh là ông đang ám thị với mọi người rằng mình có pháp thuật cao minh, xác lập niềm tin với mọi người.

Khi niệm chú tĩnh tâm là làm cho bệnh nhân hoàn toàn bị nhiếp phục vào quá trình chúc do.

Niệm chú, khua linh, nhảy múa là những trạng thái đặc thù của vu sư, làm cho tâm lý của bệnh nhân cũng rơi vào trạng thái thôi miên.

Mọi người nhất định sẽ hỏi: “Vu sư không hiểu thuật thôi miên hiện đại, trong toàn bộ quá trình chúc do cũng không sử dụng bất kỳ tín hiệu ám thị nào để dẫn dắt đối tượng vào trạng thái thôi miên. Vậy tại sao nói bệnh nhân ấy đã rơi vào trạng thái thôi miên?”.

Quả thật, chính điểm đặc thù này đã giúp chúc do tồn tại lâu dài ở nhân gian.

Trong thuật ám thị, chúng tôi đã giới thiệu về việc “khách quan ám thị” có thể tạo ra những phản ứng của hành vi tâm lý. Chú ngữ, động tác của vu sư trong chúc dò thuật cũng tạo ra khách quan ám thị, nhưng vu sư không hề biết mình đang thực hiện khách quan ám thị, mà nghĩ rằng mình có năng lực thông thiên địa, có thể mời thần, thỉnh thánh, trừ tà, diệt ma.. Những nơi khoa học kém phát triển, chúc do thuật còn có sức sống rất mạnh mẽ.

Ở nơi văn hóa thần linh chiếm ưu thế, con người ngay từ thuở nhỏ đã bị ảnh hưởng rất nhiều, hình thành một loại tự ngã ám thị trong tâm linh. Dưới tác động chi phối của tâm lý này, họ sẽ giải thích sự vật hiện tượng bằng niềm tin vào thần thánh.

Với người tin tưởng quỷ thần thì việc dùng quỷ thần khống chế tâm lý, hành vi của họ, tôi nghĩ không có cách nào “tuyệt diệu” hơn chúc do thuật. Chính vì nữ bệnh nhân ấy đã bị thôi miên nên mới có nhiều hành động khác thường. Chú ngữ chẳng qua là những từ ngữ chuyển đạt ý muốn của vu sư. Ý nghĩa thật sự của chú ngữ chỉ có thế mà thôi!

III. CÁC LOẠI CHÚC DO THUẬT THÔI MIÊN

Chúc do có khả năng nhiếp phục tâm người, chủ yếu là ở một số phương diện sau:

– Ảnh hưởng của văn hóa thần linh.

– Chú ngữ có tính ám thị rất cao.

– Hành động, ngôn ngữ của vu sư làm cho mọi người cảm thấy thần bí, e sợ.

– Vu sư nắm vững nghệ thuật nhiếp phục tâm người. Tất cả những điều đó đã biến đàn tràng thành nơi trang nghiêm, thần bí, khiến cho mọi người bị cuốn hút, bị nhiếp phục.

Trong quá trình hình thành và truyền bá đã sản sinh ra vô số phương pháp thôi miên, tuy đại đa số thuộc lĩnh vực mê tín, nhưng ở đây chúng tôi cũng lược dịch một vài phương pháp để giới thiệu với mọi người, một mặt có thể nâng cao kiến thức, mặt khác hiểu được phần nào “nguồn gốc” của hoạt động mê tín.

Thuật khai khẩu

Dân gian có câu “họa tùng khẩu xuất”, tức người luôn giữ được yên lặng trước mọi vấn đề của cuộc sống là người thật sự đủ “bản lĩnh” khống chế mình, là bậc “cao minh”. Nếu muốn họ nói ra những suy nghĩ, tri thức của mình, các vu sư thường dùng chúc do thuật, hoặc để khai thác phạm nhân họ cũng dùng chúc do thuật.

Họ để đối tượng quỳ trước tượng thần, lễ bái bài vị thần linh. Sau đó vu sư nhảy múa, đọc chú ngữ thỉnh thần đại loại như sau: “Thiên chi tinh quang, địa chi tinh quang, nhị thập bát tú tinh quang nguyên thủy đại quang chiếu diệu thập phương lâm quang…”.

Đọc chú xong, vu sư bắt đầu hỏi trên tư cách của một hóa thần:

– Ta là tiểu thần hầu bên cạnh Thái Thượng Lão Quân. Lão quân mắt nhìn khắp bốn phương tám hướng, biết rõ họa phúc của thế gian. Hôm nay Lão Quân ngự tại thiên đường, ra lệnh cho ngươi hãy nói thật, nếu có lời nào dối trá, Ngài sẽ trị tội..

Sau khi đã “hăm dọa” như vậy xong, vu sư bắt đầu hỏi vào các vấn đề mà họ cần biết và đối tượng cũng thành thật trả lời, phương pháp này hiện nay vẫn được dùng trong chúc do thuật. Thần phụ chẳng phải tự nhận mình là con của Thượng Đế sao. Vì vậy bất kỳ đối tượng nào đứng trước họ đều không dám giấu giếm điều gì.

Ngày nay các bác sĩ tâm lý học cũng thường dùng những cách như vậy để trị bệnh cho người. Họ thường ám thị cho bệnh nhân biết rằng chỉ có họ mới chữa trị được bệnh cho bệnh nhân, vì thế bệnh nhân cần phải nói ra tất cả mọi thứ liên quan đến bệnh tình, có như vậy hiệu quả trị liệu mới cao. Khi ấy bác sĩ trong mắt bệnh nhân chẳng khác gì “đấng cứu thế”, có nhiều bệnh nhân nói với bác sĩ cả những chuyện riêng tư của mình, và cho rằng điều đó vô cùng cần thiết, không hề hối hận.

Phương pháp Nhân bất giác

Tục ngữ có câu: “Nếu muốn người khác không biết thì mình đừng làm”. Thế nhưng trong chúc do thuật, đối tượng có khi làm rất nhiều việc nhưng không biết mình đã làm, đồng thời cũng không nhớ được mình đã làm gì khi ra khỏi trạng thái của chúc do.

“Nhân bất giác” còn được gọi là “mê pháp”, tức là làm cho đối tượng nhập vào trạng thái ý thức bị mê muội. Trong quá trình này, đối tượng bị vu sư dẫn dắt, nhiếp phục. Vu sư nói rằng đã thỉnh thần nào thánh nào giáng lâm, đối tượng lúc ấy đã xem vu sư trước mặt mình là hóa thân của vị thần ấy, tiềm thức của đối tượng đã công nhận điều đó.

Lời nói, hành động của vu sư được xem là của thần thánh thì đối tượng dĩ nhiên phục tùng vu sư một cách tuyệt đối không còn ý thức chủ quan nữa, làm theo lời sai bảo của vu sư một cách vô ý thức, vô điều kiện. Cuối cùng, vu sư bảo: “việc đã xong, thần đã về trời”, đối tượng sẽ trở về hiện thực, có người hiếu kỳ hỏi mình lúc nãy đã nói những gì làm những gì, đối tượng hoàn toàn không tự nhớ ra được gì cả!

Vì đã hiểu thuật thôi miên nên khi chúng tôi thuật lại những điều này, mọi người sẽ hiểu được ngay.

Trong quá trình thực hiện chúc do thuật, vu sư tượng trưng cho thần thánh, lời nói việc làm của họ hàm chứa tính ám thị rất cao. Tuy vu sư không cố ý thực hiện thuật thôi miên, nhưng đối tượng tự nhiên bị lời nói, cử chỉ của vu sư nhiếp phục, tự nhiên đi vào cảnh giới bị thôi miên. Câu cuối cùng gọi đối tượng trở về hiện thực cũng giống như cách các nhà thôi miên áp dụng để gọi đối tượng của họ thoát khỏi trạng thái thôi miên. Nếu vu sư muốn thực hiện “hậu thôi miên” cũng chẳng khó khăn gì.

Thuật thông linh

Tục ngữ có câu: “Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Nếu chúng ta hiểu được lòng nhau thì thế giới này đã sớm trở thành thiên đường rồi. Vì không thể “tri tâm” nên cuộc sống mới xảy ra nhiều chuyện đau lòng, phức tạp, rối ren. “Thông linh thuật” là phương pháp để hiểu được lòng người.

Theo truyền thống, vu sư niệm xong một đoạn chú ngữ thì sẽ biết được suy nghĩ của đối tượng (lúc ấy đang quỳ trước tượng thần). Ông đặt một tay lên đầu đối tượng để biết rằng đối tượng nói thật hay nói dối v.v… đấy là một loại thông linh thuật.

Còn một loại thông linh khác là làm cho đối tượng hiểu được tâm tư của người bên cạnh mình. Vu sư sẽ dùng chú ngữ, múa thần v.v…để khiến cho đối tượng có được năng lực đó. Có khi vu sư muốn nâng cao năng lực của mình đã làm cho chính mình đi vào trạng thái chúc do thuật. Thông linh thuật không có gì khác biệt với cảm ứng tâm linh, là chức năng được sản sinh ra khi lớp vỏ đại não bị ức chế hoặc hưng phấn cao độ, chứ không phải do thần thánh làm thành như các vu sư đã nghĩ.

Nếu không thỉnh thần thánh thì vu sư có thể thông linh được không? Hoàn toàn có thể, ví dụ như dùng thuật thôi miên.

Ngoài ra, hai người song sinh cũng có thể thấu hiểu tâm linh của nhau.

Tự mình luyện tập cũng có khả năng nâng cao được năng lực thông linh của mình.

Cũng có những người có khả năng thông linh bẩm sinh.

Dân gian tin tưởng rằng có thuật làm cho âm hồn hoàn dương, tức vu sư có thể làm cho linh hồn của người chết trở về nhân gian, nhập vào thân xác của một người đang sống, nói ra những gì mà người thân họ muốn biết.

Những đứa con khi mất cha, muốn linh hồn cha trở về để di huấn điều gì hoặc muốn biết cha sống ở âm gian thế nào, bèn thỉnh vu sư đến mở đàn tràng thỉnh hồn hoàn dương. Những đứa con muốn được hồn cha nhập thân sẽ phải khấu đầu quỳ lạy trước đàn tràng. Với tình trạng ấy, đến chiều tối thì những đứa con ấy dường như đã tự mình đi vào trạng thái mơ hồ, mất ý thức. Thế nhưng đến 12 giờ đêm, vu sư vẫn còn đang làm phép hoàn dương, những đứa con đã mệt càng mệt thêm. Vu sư sẽ đưa thêm nhiều đệ tử đến tụng đọc chú ngữ, những đứa con vẫn còn quỳ đó. Đột nhiên tiếng chuông, tiếng linh khua lên một hồi dồn dập, gấp rút, làm cho những đứa con càng hoang mang. Vu sư một bên niệm chú, một bên đưa mắt nhìn quanh, xem trong số những người đang quỳ kia ai là người thích hợp để âm hồn nhập thân. Niệm xong ba lần chú ngữ, vu sư xác định xem hồn đã nhập vào người nào đó. Khi hồn đã nhập vào ai thì người đó lúc ấy không còn là chính mình nữa, mà là người cha của họ đang nói chuyện bằng miệng của mình mà thôi. Sau đó những người thân còn lại sẽ hỏi cha họ những vấn đề họ muốn biết. Lời nói của linh hồn được xác chứng là đúng sự thật với tỉ lệ rất cao.

Hiện tượng “âm hồn hoàn dương” liên quan mật thiết đến cảm ứng tâm linh, là người có những phản ứng đặc thù của linh hồn khi con người đang hoang mang cực độ.

Còn rất nhiều “pháp thuật” khác của chúc do thuật như thuật ẩn thân, thuật an thần, thuật hộ thân, thuật giữ tiền v.v… Từ phương diện nghiên cứu hiện đại thì những thuật ấy cũng có ý nghĩa nhất định của nó, có nghĩa rằng tuy việc làm của vu sư là mê tín nhưng vì đáp ứng nhu cầu của cuộc sống nên nó đã tồn tại rất lâu, và có thể giải thích được các việc ấy trên lập trường khoa học của mình.

IV. TÍN NGƯỠNG VÀ THÔI MIÊN

Chúc do thuật cổ đại chủ yếu dùng để trị bệnh nhưng có người nghi ngờ về cách trị của các vu sư, ví dụ như họ tụng chú ngữ vào hòn đá, để hòn đá vào túi người bệnh, tụng chú vào nước cho người bệnh uống v.v… người bệnh quả nhiên hết bệnh, tại sao? Bệnh nhân làm theo lời chỉ dẫn của vu sư, niệm chú ngữ theo vu sư, bệnh khỏi, như vậy có phải là ám thị không?

Như chúng ta đã biết, tuy lời nói của vu sư không mang bất kỳ ám thị nào, nhưng hành vi của vu sư cộng với tâm lý cầu trị bệnh của vu sư đã tạo thành ám thị. Ví dụ bệnh nhân đau nhức chân phải, vu sư dán cỏ lên mí trên của mắt phải. Cỏ không có tác dụng trị bệnh gì cả thế nhưng tâm lý muốn khỏi bệnh của bệnh nhân và cỏ đã được dán lên mí mắt đã tạo thành tự ngã ám thị cho bệnh nhân: “mình đang được dùng thuốc”, chính vì thế mà bệnh mới khỏi. Tuy nhiên, không phải bệnh đau chân nào cũng trị khỏi được. Chỉ có thể trị được những loại đau nhức do tâm lý tạo thành. Trung y hiện đại dùng phương pháp “dán cao dược” để trị đau nhức, đây là chịu ảnh hưởng từ phương pháp trị liệu của các vu sư thời cổ đại.

Có người đau khớp đến không chịu nổi, nhưng vừa dán cao lên, chưa đến 10 phút đã thấy giảm rất nhiều. Các bác sĩ đều biết, cao dược hoàn toàn không phải là tiên dược, nhưng nó có tác dụng rất lớn lên tâm lý vì thế mà hiệu nghiệm.

Ở đây, tôi xin nói rõ một vấn đề, chú ngữ có công hiệu thần thánh đối với người cổ đại, nhưng tại sao lại không có công hiệu với người hiện đại? Nếu cho rằng vu thuật có thể nhiếp phục tâm linh người cổ đại, vậy tại sao không nhiếp phục được tâm linh của người hiện đại?

Đây là vấn đề về tín ngưỡng.

Người cổ đại ảnh hưởng văn hóa thần linh, tin tưởng thần linh, cho rằng thần linh thống trị loài người. Thần linh với chính trị, cũng như tôn giáo với chính trị, không hề tánh ly nhau. Lợi dụng tín ngưỡng là một trong những yếu tố để thực hiện pháp thôi miên của vu sư. Ngày nay, nhân loại đã thức tính khỏi giấc mơ về thần thánh, nhưng lại hình thành một thế hệ “vu sư hiện đại” mới.

Người hiện đại không tin vào quỷ thần nhưng vẫn có tín ngưỡng của riêng mình. Tuy sống trong thời đại văn minh khoa học, không hẳn tin vào quỷ thần, nhưng người hiện đại vẫn giữ niềm tin vào tín ngưỡng truyền thống ở một mức độ nhất định nào đó, các nhà thôi miên đã lợi dụng tâm lý này để áp dụng vào việc trị bệnh cho họ. Các bác sĩ tâm lý, các nhà tâm lý học chính là những vu sư của thời hiện đại.

Một số nhạc sĩ đã sáng tác ra những bài ca yêu nước, khơi dậy tinh thần đấu tranh của dân tộc, lời ca của họ thúc giục mọi người đứng lên bất chấp gian khổ, bất chấp hy sinh, tất cả vì non sông độc lập, đất nước hòa bình… đấy cũng là những vu sư của thời hiện đại, là những người nắm vững thuật thu phục nhân tâm. Có thể nói thúc do thuật đã được người hiện đại tiếp thu và sử dụng theo cách của họ. Trong nhà Phật có câu: “tâm thành tất linh”, tức có cảm thì sẽ có ứng. Quy luật cảm ứng này là phạm vi nghiên cứu của tâm lý học. Chúc do thuật và tâm lý học hiện đại đã gặp nhau ở không ít vấn đề.

Trong thời kỳ công xã nguyên thủy, chúc do thuật nằm trong tay các nhà lãnh đạo. Đến thời nhà Thương, nhà Châu mới trở thành một khoa độc lập của y học. Đến đời Minh, đời Thanh mới được lưu hành rộng rãi trong nhân gian. Cho đến ngày nay, nó vẫn còn được vận dụng vào trong cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau, bởi tất cả mọi người đều hiểu rằng: “Đắc nhân tâm giả, đắc thiên hạ” (người được lòng người là người được thiên hạ).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.