Thuyết phục bằng tâm lý
Chương 4: Nguyên Tắc Bằng Chứng Xã Hội
Chân lý là chúng ta
Khi mọi thứ đều na ná như nhau,
chẳng ai đắn đo nhiều.
–WALTER LIPPMANN
Không ai thích những tiếng cười được thu sẵn. Trên thực tế, khi tôi khảo sát những người đến văn phòng của tôi trong một ngày – vài sinh viên, hai người sửa điện thoại, rất nhiều giáo sư đại học và một người trông nom nhà cửa – phản ứng của họ là luôn phê phán. Các chuỗi tiếng cười không dứt và những tiếng tranh cãi vui vẻ được tạo ra nhờ kỹ thuật trên truyền hình gây nhiều bức xúc nhất. Những người tôi hỏi đều ghét tiếng cười được thu sẵn. Họ gọi đó là sự ngu ngốc, dỏm và lộ liễu. Mẫu khảo sát này tuy nhỏ nhưng là sự phản ánh ác cảm của hầu hết cộng đồng dân Mỹ với kiểu tiếng cười này.
Vậy thì tại sao những tiếng cười thu sẵn lại phổ biến trong giới quản lý chương trình truyền hình? Các nhà quản lý truyền hình có được vị trí cao với số lượng ngất ngưởng vì biết cung cấp cho cộng đồng những gì họ muốn. Nhưng họ đã quá lạm dụng những đoạn tiếng cười khiến khán giả phát chán và rất nhiều nghệ sĩ tài năng bất bình. Các đạo diễn, các nhà biên kịch hay diễn viên nổi tiếng thường yêu cầu xóa bỏ những đoạn tiếng cười thu sẵn từ các chương trình truyền hình mà mình tham gia nhưng ít khi thành công.
Điều gì ở kiểu tiếng cười này đã thu hút các nhà quản lý truyền hình? Tại sao những ông vua kinh doanh sắc sảo đã trải qua nhiều thử thách này lại làm một việc khiến những người xem tiềm năng cảm thấy bất bình và ngay bản thân nghệ sĩ sáng tạo nhất của họ cũng cảm thấy bị lăng mạ? Câu trả lời rất đơn giản và thú vị: họ biết các nghiên cứu nói gì. Các thí nghiệm đã chứng minh rằng việc sử dụng những đoạn cười thu sẵn khiến khán giả cười lâu hơn và thường xuyên hơn mỗi khi xuất hiện chất liệu hài và còn đánh giá chất liệu đó như một người gây cười.
Dưới ánh sáng của thông tin này, hành động của các nhà quản lý truyền hình hoàn toàn hợp lý. Việc đưa đoạn tiếng cười vào chương trình hài sẽ làm tăng tính hài hước và phản hồi tán thưởng của khán giả, thậm chí – và đặc biệt – khi chất liệu hài không hấp dẫn. Do đó, truyền hình bị nhồi nhét quá nhiều tình huống kịch thiếu nghệ thuật cần được bão hòa bằng những tiếng cười thu sẵn. Những người quản lý biết chính xác mình đang làm gì.
Nhưng khi khám phá ra bí ẩn của việc sử dụng rộng rãi những đoạn tiếng cười, chúng ta lại thấy nảy sinh một câu hỏi còn phức tạp hơn: Tại sao tiếng cười thu sản lại có tác động lên mình như vậy? Các nhà quản lý truyền hình không hề lập di; họ hành động logic vì lợi ích của mình. Mà chính là thái độ của khán giả, của bạn và của tôi, lại dường như lạ lùng. Tại sao chúng ta phải cười nhiều hơn với một chất liệu hài hời hợt trên một biển những tiếng vui đùa được làm giả? Và tại sao chúng ta phải nghĩ rằng vở kịch tạp nham lại có thể gây cười? Các nhà quản lý truyền hình không thật sự lừa phỉnh chúng ta. Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra những tiếng cười được lồng vào đó. Chúng giả rõ ràng đến mức không thể bị nhầm lẫn với tiếng cười thật. Chúng ta biết rõ rằng, tiếng cười mà ta nghe thấy không thích hợp với chất lượng hài hước của trò đùa mà nó phụ họa, rằng nó không bộc phát từ một khán giả thực, mà từ một kỹ thuật viên đứng sau bảng điều khiển. Thế nhưng, sự giả mạo rành rành này lại vẫn có tác dụng lên chúng ta!
Để khám phá ra tại sao những tiếng cười thu sẵn lại hiệu quả đầu tiên chúng ta cần hiểu bản chất của một loại vũ khí gây ảnh hưởng hữu hiệu khác: nguyên tắc bằng chứng xã hội. Nguyên tắc này phát biểu: chúng ta có thể xác định điều gì đúng bằng cách tìm ra điều mà những người khác cũng cho là đúng. Nguyên tắc này đặc biệt được áp dụng vào cách ta quyết định điều gì tạo nên hành vi đúng đắn. Chúng ta quan niệm một hành vi trở nên đúng đắn hơn trong một tình huống cụ thể sẵn có nào đó khi thấy người khác cũng thực hiện như vậy.
Bình thường, khuynh hướng coi một hành động phù hợp hơn khi những người khác cũng hành động như thế hoạt động khá tốt. Theo lẽ thường, chúng ta sẽ ít mắc lỗi khi cư xử phù hợp với bằng chứng xã hội hơn là chống lại nó. Khi rất nhiều người cùng làm một điều gì đó, điều đó là đúng đắn. Đặc trưng này của nguyên tắc chuẩn mực xã hội là sức mạnh chủ yếu nhưng đồng thời cũng là điểm yếu của nó. Giống như các vũ khí gây ảnh hưởng khác, nguyên tắc bằng chứng xã hội cũng tạo ra một lối rất thuận tiện quyết định cách cư xử, nhưng đồng thời cũng khiến người sử dụng rất dễ bị tổn thương trước sự tấn công của những kẻ trục lợi.
Trong trường hợp những tiếng cười thu sẵn, vấn đề nảy sinh khi chúng ta bắt đầu phản ứng với bằng chứng xã hội theo cách không suy xét và mang tính phản xạ khiến ta có thể bị lừa vì bằng chứng giả một phần hay hoàn toàn. Sự dại dột không nằm ở chỗ chúng ta dùng tiếng cười của người khác để quyết định xem điều đó có hài hước hay không và khi nào cười là thích hợp; đó là bắt kịp với nguyên tắc bằng chứng xã hội đáng tin cậy. Sự dại dột nằm ở chỗ chúng ta làm như vậy để phản ứng với những tiếng cười giả. Dù thế nào thì một đặc trưng quái đản của tính hài hước – một âm thanh – cũng hoạt động giống như bản chất của tính hài hước. Ví dụ về gà tây và chồn hôi trong Chương 1 rất có ý nghĩa ở đây. Bạn còn nhớ nhờ tiếng kêu “chíp–chíp” rất đặc trưng của gà con, gà mẹ sẽ thể hiện hay từ chối sự chăm sóc mẫu tử chỉ dựa vào âm thanh này? Và bạn còn nhớ cách thức người ta lừa con gà tây mái thực hiện bản năng làm mẹ với một con chồn hôi mô hình miễn – là nó được gắn đoạn thu tiếng “chíp–chíp” của gà con không? Chỉ tiếng kêu kích thích của gà con cũng đủ để khởi động cuộn băng làm mẹ.
Bài học về gà tây và chồn hôi là bằng chứng tuyệt vời cho mối quan hệ giữa số lượng người xem trung bình và việc nhà quản lý truyền hình bật những đoạn tiếng cười. Chúng ta đã quá quen với việc lấy phản ứng hài hước của người khác để làm bằng chứng cho điều đáng cười đến mức chúng ta phản ứng với âm thanh đó, chứ không phải với tính chất của điều có thực. Cũng giống như tiếng “chíp–chíp” được thu từ một con gà con thật có thể kích thích bản năng làm mẹ của con gà tây mái, một tiếng thu “ha–ha” từ một khán giả thật sự cũng có thể kích thích chúng ta cười. Các nhà quản lý truyền hình chỉ đang khai thác sở thích những lối tắt đó của chúng ta và khuynh hướng tự động phản ứng lại dựa trên bằng chứng một phần. Họ biết rằng cuộn băng của họ sẽ dẫn dắt cuộn băng của chúng ta. Bấm vào, kêu ro ro.
Tuy nhiên, không chỉ có các nhà quản lý truyền hình sử dụng bằng chứng xã hội cho lợi ích của mình. Khuynh hướng coi một hành động đúng đắn hơn nếu những người khác cũng hành động tương tự được khai thác trong vô vàn hoàn cảnh. Những người phục vụ ở quầy rượu thường “bỏ thêm” vào bình trên boa một vài đô–la vào đầu mỗi buổi tối để kích thích khách hàng đầu tiên bỏ tiền boa vào và tạo ấn tượng rằng việc bỏ tiền vào đó là hành động thích hội ở quán rượu. Những người gác cửa nhà thờ cũng thường làm vậy với các thùng tiền quyên góp vì mục đích tương tự và cũng thu được hiệu quả rất tốt.
Những nhà quảng cáo muốn thông báo với chúng ta một sản phẩm “phát triển nhanh nhất” hay “bán được nhiều nhất” vì họ sẽ không phải trực tiếp thuyết phục chúng ta rằng sản phẩm đó tốt, chỉ cần nói rằng rất nhiều người cũng cho là như vậy, coi như đã đủ dẫn chứng. Các nhà tổ chức chương trình từ thiện thường dành một khoảng thời gian nhiều quá mức bình thường vào việc liệt kê danh sách tên những người đã đóng góp. Thông điệp đưa ra với những người đóng góp là: “Hãy nhìn vào tất cả những người đã quyết định đóng góp. Đó hẳn phải là một điều đúng đắn”. Khi mốt nhảy disco lên cao trào, chủ các sàn disco gây dựng một thương hiệu bằng chứng xã hội dễ thấy cho chất lượng của câu lạc bộ bằng cách tạo ra hàng dài người chờ đợi bên ngoài trong khi còn rất nhiều phòng trống bên trong. Những người bán hàng cũng biết cách thêm vào lời chào hàng danh sách những khách hàng đã mua sản phẩm trước đó. Nhà tư vấn bán hàng Cavett Robert cũng đưa nguyên tắc này vào những lời khuyên cho các nhân viên bán hàng thực tập, “Vì có tới 95% người bắt chước và chỉ 5% người khởi đầu, người ta thường bị hành động của những người khác thuyết phục hơn bất kỳ bằng chứng nào”.
Các nhà nghiên cứu cũng áp dụng những phương pháp dựa trên nguyên tắc chuẩn mực xã hội và thường thu được kết quả đáng kinh ngạc, như nhà tâm lý học Albert Bandura, người tiên phong phát triển những phương pháp này trong việc loại bỏ hành vi không mong muốn. Bandura và các đồng nghiệp chỉ ra rằng, những người chịu đựng nỗi ám ảnh có thể dễ dàng thoát khỏi sợ hãi. Ví dụ, trong một nghiên cứu ban đầu, đối tượng là nhóm trẻ em tuổi mẫu giáo vì chúng rất sợ chó, được xem cảnh một cậu bé chơi đùa vui vẻ với một chú chó 20 phút mỗi ngày. Việc này đã làm thay đổi phản ứng của các em đến mức chỉ sau bốn ngày, 67% em sẵn sàng leo vào chuồng chó và vẫn tiếp tục ở đó, vuốt ve, chơi đùa với chú chó khi tất cả mọi người đã rời khỏi phòng. Một tuần sau, các nhà nghiên cứu kiểm tra độ sợ hãi của bọn trẻ một lần nữa, họ thấy rằng sự cải thiện đã không bị mất đi trong suốt khoảng thời gian đó và các em đã sẵn sàng chơi đùa với chó.
Nghiên cứu thứ hai về nhóm trẻ cực kỳ sợ chó đã mang đến một khám phá thực tiễn quan trọng. Để làm giảm nỗi sợ hãi của chúng, không nhất thiết phải đưa ra một hình ảnh minh họa sống động và có thực về một đứa trẻ đang chơi đùa với chó, một đoạn phim cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự. Và đoạn phim hiệu quả nhất chính là đoạn phim chiếu hình ảnh một nhóm trẻ đang vui đùa với chó. Rõ ràng là nguyên tắc bằng chứng xã hội hoạt động tốt nhất khi bằng chứng đó là hành động của rất nhiều người.
Ảnh hưởng mạnh mẽ của cuốn phim trong việc làm thay đổi thái độ của các em cũng có thể được dùng làm liệu pháp cho nhiều vấn đề khác. Nghiên cứu của nhà tâm lý học Robert O’connor về tính khép kín của trẻ em trước tuổi đi học đã đưa ra một số dẫn chứng rất nổi bật. Chúng ta đều thấy trẻ em ở lứa tuổi này rất hay ngượng ngùng, thường đứng ngoài các trò chơi và các nhóm bạn. O’connor lo ngại lối cư xử tách biệt lâu dài được hình thành ngay khi trẻ còn rất nhỏ sẽ tạo ra những khó khăn trong việc điều chỉnh và động viên trẻ suốt thời thơ ấu. Nhằm cố gắng thay đổi lối cư xử này, O’connor đã thực hiện một đoạn phim có 11 cảnh khác nhau trong môi trường mẫu giáo. Mỗi cảnh bắt đầu bằng hình ảnh những đứa trẻ khác nhau đang đứng một mình nhìn các hoạt động xã hội diễn ra và sau đó tham gia sôi nổi cùng mọi người. O’connor đã chọn ra một nhóm những đứa trẻ khép kín nhất từ bốn trường mẫu giáo và cho chúng xem những đoạn phim này. Ảnh hưởng tạo ra vô cùng ấn tượng. Những đứa trẻ sống tách biệt ngay lập tức bắt đầu tiếp xúc bình thường với những đứa trẻ cùng tuổi như mọi trẻ mẫu giáo khác. Và khi quay lại đó quan sát sau sáu tuần, O’connor còn ngạc nhiên hơn là, trong khi những đứa trẻ không được xem đoạn băng đó vẫn khép kín thì những đứa trẻ đã từng xem giờ trở thành người dẫn đầu trong rất nhiều hoạt động. Dường như việc xem băng chỉ một lần đã đủ để đảo ngược lối cư xử kém hòa hợp có nguy cơ kéo dài suốt đời. Đó chính là uy lực của nguyên tắc bằng chứng xã hội”.
Còn đây là một minh họa cho sức mạnh của bằng chứng xã hội. Một vài đặc trưng lý giải tính hấp dẫn của ví dụ này là: nó đưa ra một minh chứng tuyệt vời cho phương pháp quan sát người tham gia chưa được tận dụng hiệu quả, trong đó, một nhà khoa học nghiên cứu một quá trình bằng cách đi sâu vào diễn tiến tự nhiên của nó; nó cung cấp thông tin đáng quan tâm cho rất nhiều nhóm khác nhau như các nhà sử học, tâm lý học, thần học và quan trọng nhất, nó cho thấy cách thức bằng chứng xã hội được áp dụng lên chúng ta – không phải do những người khác mà do chính bản thân chúng ta – để đảm bảo những điều chúng ta cho là đúng dường như sẽ trở thành chân lý.
Đó là một câu chuyện cũ, cần có một cuộc rà soát các dữ liệu có xưa. Rất nhiều giáo phái và các nhóm sung tín đã tiên đoán rằng, một ngày cụ thể nào đó sẽ bắt đầu thời kỳ chuộc tội của loài người và niềm hạnh phúc ngập tràn sẽ đến với những người tin tưởng vào lời giáo huấn của giáo phái. Các giáo phái dự đoán thời điểm bắt đầu giai đoạn cứu rỗi được đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng, thường là cơn đại hồng thủy tận thế. Tất nhiên, những dự đoán này luôn được chứng minh là sai. Ngày tận thế không bao giờ xảy ra như dự tính.
Nhưng ngay sau thất bại rõ ràng của lời tiên tri, thay vì giải tán trong sự vỡ mộng, những người sùng bái lại có niềm tin mạnh mẽ hơn. Chịu sự nhạo báng của quần chúng, họ xuống đường, công khai khẳng định tín điều và tìm kiếm người cải đạo với một tinh thần hăng hái mãnh liệt và không hề suy giảm khi niềm tin đó không được công nhận rộng rãi. Đó chính là trường hợp xảy ra với phái Montanists, thế kỷ II ở Thổ Nhĩ Kỳ, giáo phái Anabaptist, thế kỷ XVI ở Hà Lan, giáo phái Sabbataist, thế kỷ XVII ở Izmir và giáo phái Millerites, thế kỷ XIX ở Mỹ. Và theo ba nhà khoa học xã hội quan tâm đến vấn đề này, Leon Festinger, Henry Riecken và Stanley Schachter, có thể là cả nhóm sùng bái ngày tận thế đóng tại Chicago ngày nay. Họ đã nghe nói về nhóm Chicago và cảm thấy đáng để nghiên cứu sâu hơn. Họ tham gia vào nhóm, giấu tên, như một tín đồ mới và họ còn đặt những người quan sát trong hàng ngũ quan chức. Và kết quả mà họ thu được là bản tường thuật chi tiết, đầy đủ và trực tiếp diễn biến trước và sau ngày tận thế tiên tri.
Tổ chức sùng bái của các tín đồ thường rất nhỏ, không bao giờ vượt quá 30 thành viên. Lãnh đạo thường là một người trung niên, đã được các nhà nghiên cứu đổi tên, vì mục đích công bố, là Tiến sĩ Thomas Armstrong và bà Marian Keech. Tiến sĩ Armstrong, một bác sĩ, là người có niềm đam mê suốt đời về chủ nghĩa thần bí, những điều thần kỳ, những chiếc đĩa bay và làm việc như một quan chức đáng kính trong nhóm với sự trợ giúp của một phụ tá. Trong khi đó, bà Keech là trung tâm của mọi hoạt động và mọi sự chú ý. Đầu năm, bà bắt đầu nhận được những bức thông điệp từ những nhân vật linh thiêng, những người mà bà gọi là Người giám hộ, ở trên một hành tinh khác. Những bức thư này được truyền qua tay bà Marian Keech thông qua phương tiện “bài viết tự động” để hình thành niềm tin cho hệ thống tín ngưỡng sùng bái. Những lời giáo huấn của Người giám hộ liên hệ chặt chẽ với tư tưởng của đạo Thiên Chúa truyền thống Một trong những thành viên của Người giám hộ cuối cùng “để lộ”, ra mình là biểu tượng đương thời của Chúa Jêsu.
Nhóm Người giám hộ bắt đầu tiên đoán một thảm họa treo lơ lửng – một cơn lũ sẽ bắt đầu ở Tây Bán cầu và cuối cùng nhấn chìm cả thế giới. Những tín đồ sùng bái được cảnh báo đầu tiên và những thông điệp tiếp theo đảm bảo họ và tất cả những người tin tưởng vào những Bài giáo huấn được gửi qua bà Keech sẽ sống sót. Khi tai ương xảy ra, các nhà du hành vũ trụ sẽ đến, đưa các tín đồ lên một chiếc đĩa bay để bay tới một nơi an toàn, một hành tinh khác. Điều quan trọng là các tín đồ phải sẵn sàng cho chuyến đi bằng cách nhẩm đi khám lại câu thần chú (“Tôi để mũ ở nhà”. “Câu hỏi của bạn là gì?” “Tôi là người khuân vác của riêng mình”) và bỏ tất cả kim loại ra khỏi quần áo – vì kim loại sẽ khiến cho chuyến đi trên chiếc đĩa bay “cực kỳ nguy hiểm”.
Theo những gì Festinger, Riecken và Schachter quan sát được về sự chuẩn bị của các giáo phái trong suốt những tuần trước ngày xảy ra cơn lũ, họ đặc biệt quan tâm tới hai khía cạnh trong thái độ của các tín đồ. Đầu tiên, mức độ cam kết của họ với hệ thống tín ngưỡng sùng bái là rất cao. Trong quá trình chuẩn bị khởi hành ra khỏi Trái đất đen tối, các thành viên trong nhóm thực hiện những bước không thể bỏ qua. Hầu hết họ phải chịu sự phản đối của gia đình, bạn bè nhưng vẫn theo đuổi niềm tin đó, điều đó có nghĩa là họ sẽ mất đi sự quan tâm của người thân. Trên thực tế, một vài thành viên bị hàng xóm hay gia đình đe dọa sẽ áp dụng cưỡng chế pháp luật bắt họ phải tự nhận là mất trí. Trong trường hợp của Tiến sĩ Armstrong, chị gái ông đã phải tách hai đứa con của ông tránh xa bố. Rất nhiều tín đồ đã bỏ việc hay lơ là việc học để dành toàn bộ thời gian cho cuộc cách mạng vĩ đại. Một số người thậm chí còn quẳng đồ đạc cá nhân đi, vì chúng sẽ trở nên vô dụng. Cũng có những người chắc chắn rằng sự thật mà họ đang nắm giữ sẽ cho phép họ đứng vững bước những áp lực nặng nề của luật pháp, kinh tế, xã hội và lời thề với tín điều của họ càng mạnh mẽ hơn khi chống lại được những áp lực này.
Điểm quan trọng thứ hai trong những hành động chuẩn bị trước cơn đại hồng thủy của các tín đồ là trạng thái trì trệ rất kỳ quặc của họ. Điều ngạc nhiên là những người đã bị thuyết phục về giá trị của tín điều lại dường như không truyền bá nó. Họ không nỗ lực tìm kiếm những người hăng hái cải đạo theo thình. Họ chỉ sẵn sàng cảnh báo và khuyên những người đáp lại những gì họ nói. Tất cả chỉ có vậy.
Thái độ không nỗ lực thu nạp thành viên của các nhóm sùng bái này còn được biểu hiện qua nhiều việc khác. Bí mật được giữ gìn bằng nhiều cách – đốt cháy các bản sao của những bài Giáo huấn, thiết lập mật mã và các dấu hiệu bí mật, không được phép thảo luận nội dung của những cuộn băng ghi âm (bí mật đến mức ngay cả những tín đồ lâu năm cũng bị cấm ghi chép lại). Luôn phải tránh công khai. Khi ngày tận thế gần kể, phóng viên các báo, tạp chí, phát thanh và truyền hình đổ về trụ sở chính của nhóm là nhà bà Keech. Phần lớn các thành viên trong nhóm quay đi hay lờ đi. Câu trả lời thường xuyên nhất cho câu hỏi của các phóng viên là: “Miễn bình luận”. Mặc dù thoái chí, phóng viên của các phương tiện thông tin đại chúng vẫn quay trở lại khi Tiến sĩ Amstrong tiến hành các nghi thức tôn giáo khiến mình bốc cháy; một nhà báo đặc biệt bám dai đã bị đe doạ kiện ra tòa. Một cuộc bao vây tương tự cũng bị đẩy lùi trước cơn đại hồng thủy, khi đám phóng viên xô đẩy và tiếp cận các tín đồ nhằm moi thông tin. Sau này, các nhà nghiên cứu đã ghi lại thái độ của nhóm sùng bái trước cơn đại hồng thủy đối với sự thu nạp và công khai rộng rãi bằng một giọng rất kính nể: “Phô bày trước đám đông quần chúng đang vỡ tung, họ đã phải thực hiện mọi nỗ lực để né tránh danh tiếng; sẵn có hàng chục cơ hội thu nạp thành viên, họ vẫn giữ nguyên sự lần tránh, tính bí mật và cư xử với một thái độ lãnh đạm bề trên”.
Cuối cùng, khi tất cả các phóng viên và những người–sẽ–cải– đạo đã ra khỏi ngôi nhà, các tín đồ bắt đầu thực hiện sự chuẩn bị cuối cùng cho chuyến hạ cánh của chiếc tàu vũ trụ theo dự kiến sẽ xuất hiện vào nửa đêm. Khung cảnh theo quan sát của Festinger, Riecken và Schachter, giống như là vở kịch lố bịch nhất. Mặt khác, những người dân thường – từ các bà nội trợ, sinh viên đại học, học sinh cấp ba đến chủ báo, tiến sĩ dược, thủ quỹ cửa hàng… – đều sốt sắng tham gia vào vở bị hài kịch đó. Họ làm theo sự chỉ đạo của hai thành viên có liên hệ với Người giám hộ; các thông điệp viết tay của Marian Keech từ Sananda được Bertha – trước đây là chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ – bổ sung vào tối hôm đó và thông qua bà, “Đấng tạo hóa” đưa ra những chỉ thị. Họ chăm chỉ nhẩm đi nhẩm lại những câu thần chú đồng thanh hô to câu phụ họa “tôi là người khuân vác của mình”, “tôi là người chỉ huy của mình” trước khi bước lên chiếc tàu cứu nạn. Họ bàn bạc nghiêm túc về thông điệp từ người đến thăm tự nhận là Thuyền trưởng Video – một nhân vật vũ trụ trên ti vi trong thời gian đó – là một trò tinh quái hay là một cách giao tiếp được mã hóa của những người cứu trụ. Và họ tiến hành nghi lễ trong những bộ y phục. Để hưởng ứng lời huấn thị không mang theo kim loại lên tàu, các tín đồ mặc những bộ trang phục không kín do bị cắt bỏ hết kim loại. Những lỗ xâu bằng kim loại trong những đôi giày của họ cũng bị cắt bỏ. Phụ nữ không mặc áo lót hoặc mặc áo lót đã bỏ gọng kim loại. Đàn ông thì cắt bỏ phec–mơ–tuya khỏi quần và chiếc quần được đỡ bằng những sợi dây thừng.
Sự cuồng tín của nhóm về việc loại bỏ tất cả kim loại đã được một nhà nghiên cứu trải nghiệm, 20 phút trước nửa đêm ông quên chưa vứt bỏ khóa quần. Như các nhà quan sát kể lại: “Điều này tạo ra một phản ứng gần như hoảng loạn. Ông bị kéo vào phòng ngủ, nơi Tiến sĩ Armstrong với đôi tay run rẩy và đôi mắt chăm chú nhìn từng giây đồng hồ, rạch chiếc khóa quần bằng lưỡi dao cạo, vặn mạnh cái móc ra bằng một cái kìm cắt dây điện”. Sau khi quá trình vội vã này kết thúc, nhà nghiên cứu được đưa trở lại phòng khách, không còn chút kim loại nào trên người, nhưng mặt tái nhợt đi.
Khi thời gian chỉ định cho chuyến khởi hành tới gần, các tín đồ tạm lắng xuống tạo nên một không gian yên tĩnh. Các nhà khoa học được cài vào nhóm cuồng tín đã kể lại chi tiết các sự kiện trong khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời các tín đồ:
Mười phút cuối cùng là những giây phút căng thẳng với cả nhóm trong phòng khách. Họ không làm gì ngoài ngồi và chờ đợi, ôm áo khoác trong lòng. Trong sự im lặng hồi hộp, chỉ còn tiếng tíc tắc của hai chiếc đồng hồ, một chiếc chạy nhanh hơn chiếc kia 10 phút. Khi chiếc đồng hồ chạy nhanh chỉ 12 giờ 5 phút, một nhà quan sát nói to điều này. Mọi người đồng thanh đáp lại là vấn chưa đến đúng nửa đêm. Bob Eastman khẳng định chiếc đồng hồ chạy chậm hơn là chiếc đồng hồ chạy đúng; chính ông đã đặt lại vào chiều hôm đó. Nó chỉ 4 phút trước nửa đêm.
Bốn phút trôi qua trong im lặng tuyệt đối ngoại trừ một âm thanh duy nhất. Khi chiếc đồng hồ (chậm hơn) trên mặt lò sưởi cho biết chỉ còn lại 1 phút trước chuyến đi. Marian căng thằng kêu lên với chất giọng cao vút: “Vậy là kế hoạch đã đi chệch hướng!”. Chiếc đồng hồ điểm 12 tiếng, mỗi tiếng đánh lên đau đớn vào sự im lặng của những người mong ngóng. Các tín đồ ngồi bất động.
Ai đó có thể mong chờ một vài phản ứng. Nửa đêm đã trôi qua và không có điều gì xảy ra. Cơn đại hồng thủy đã đi qua gần bảy tiếng đồng hồ. Nhưng những người trong phòng hầu như không phản ứng gì. Không tiếng nói, không tiếng động. Mọi người ngồi bất động, khuôn mặt như hóa đá, không một cảm xúc. Mark Post là người duy nhất di chuyển. Anh ta nằm dài trên ghế sô–pha và nhắm mắt lại nhưng không ngủ. Sau đó, khi được hỏi, anh ta phát ra một vài âm tiết nhưng vẫn nằm bất động. Những người khác không biểu hiện gì trên nét mặt, mặc dù rõ ràng họ như bị đấm mạnh một cú vào mặt.
Dần dần, sự đau khổ, không khí thất vọng và hoang mang lắng lại trong nhóm tín đồ. Họ kiểm tra lại lời tiên đoán và các thông điệp kèm theo. Tiến sĩ Amstrong và bà Keech nhắc lại niềm tin của họ. Các tín đồ nghiền ngẫm lại điều đã được dự đoán và loại bỏ hết giải thích này đến giải thích khác vì chúng không thỏa đáng. Trước bốn giờ sáng, bà Keech sụp đổ và bật khóc cay đắng. Bà nức nở rằng có vài người nào đó bắt đầu nghi ngờ nhưng cả nhóm phải cùng sát cánh bên nhau. Những tín đồ còn lại của nhóm cũng mất bình tĩnh. Họ bắt đầu run rẩy và nhiều người rưng rưng. Bây giờ đã gần 4 giờ 30 phút sáng và vẫn không có cách nào để xử lý tình huống. Giờ thì hầu hết các thành viên đã bắt đầu nói về việc chiếc đĩa bay đã không đến đúng giờ. Cả nhóm gần như đã tan rã.
Giữa những nghi ngờ, niềm tin bị đổ vỡ của các tín đồ, các nhà nghiên cứu được chứng kiến hai tình tiết rất đáng chú ý theo sát nhau. Tình tiết đầu tiên xảy ra vào khoảng 4 giờ 45 phút sáng, khi đột nhiên bàn tay của Marian Keech sao chép lại “bài viết tự động” của một đoạn thông điệp thiêng liêng. Khi đọc to lên, nội dung đoạn văn đó lại là một lời giải thích cho các sự kiện xảy ra tối hôm đó. “Một nhóm nhỏ, ngồi một mình suốt đêm dài, đã tỏa ra quá nhiều sinh khí đến nỗi Chúa đã phải cứu thế giới từ đống đổ nát”. Khá ngắn gọn và hiệu quả song lời giải thích này không hoàn toàn thỏa đáng. Ví dụ, sau khi nghe những lời này, một người tự nhiên đứng lên, đội mũ, mặc áo và bỏ đi. Cần có thêm một điều gì đó để khôi phục niềm tin của các tín đồ.
Chính thời điểm này, một tình tiết đáng chú ý thứ hai đã xảy ra đáp ứng yêu cầu đó. Một lần nữa, những người có mặt đã miêu tả thật sống động:
Không khí trong nhóm đột nhiên thay đổi và kéo theo là thái độ của những thành viên. Chỉ vài phút sau khi đọc thông điệp giải thích cho sự nhầm lẫn đó, bà Keech nhận được một thông điệp khác chỉ thị bà phải công khai lời giải thích đó. Bà với lấy điện thoại và bắt đầu bấm số gọi cho một tòa soạn báo. Trong khi đợi kết nối, một người hỏi: “Bà Marian này, đây là lần đầu bà gọi cho một tòa báo à?” Bà đáp lại ngay: “Ồ vâng, đây là lần đầu tôi gọi cho họ. Tôi chưa từng có điều gì phải nói với họ trước đó, nhưng bây giờ tôi cảm thấy rất cần”. Cả nhóm cộng hưởng cảm xúc của bà, vì tất cả họ đều cảm thấy rất khẩn cấp. Ngay sau khi bà Marian kết thúc cuộc gọi, những người khác cũng bắt đầu quay số gọi cho các tòa soạn báo, các đài phát thanh và các tạp chí toàn quốc để loan báo lời giải thích cho vụ lũ lụt “hụt”. Với mong muốn lan truyền những lời này nhanh chóng và gây tiếng vang lớn, các tín đồ bây giờ đã “mở” để có được sự quan tâm của quần chúng với những vấn đề mà mới đây còn tuyệt đối bí mật. Chỉ vài giờ trước, họ tránh xa các nhà báo và cảm thấy sự chú ý của báo chí thật đáng ghét, nay họ trở thành những người khao khát kiếm tìm sự công khai.
Không chỉ các chiến lược lâu dài về sự bí mật và công khai mà cả thái độ của nhóm sùng bái đối với những người cải đạo tiềm năng cũng thay đổi. Trước đây, những hội viên tiềm năng tới thăm trụ sở thường bị giáo phái phớt lờ, quay đi hay nhận được sự quan tâm rất hững hờ, thì những ngày sau thất bại, thái độ của giáo phái lại hoàn toàn ngược lại. Tất cả những người đến thăm đều được chấp nhận, tất cả các câu hỏi đều được trả lời, tất cả nỗ hức đều được thực hiện nhằm cải đạo cho những người đến thăm. Sự sốt sắng chưa từng thấy của các thành viên trong việc tiếp nhận thành viên mới được chứng minh rõ nét nhất khi chín học sinh trung học tới vào đêm hôm sau thất bại để nói chuyện với bà Keech.
Họ thấy bà bên chiếc điện thoại chăm chú vào cuộc thảo luận về chiếc đĩa bay với một người đến thăm, mà về sau bà ta tin người này là người vũ trụ. Vừa háo hức tiếp tục cuộc nói chuyện với anh ta vừa muốn giữ những người khách mới tới, Marian kéo họ vào cuộc trò chuyện và trong hơn một tiếng đồng hồ, lần lượt nói chuyên với từng người khách và “người vũ trụ” đang ở đầu dây kia. Bà chăm chú cải đạo cho các vị khách tới mức dường như bà không thể bỏ lỡ một cơ hội nào.
Tại sao thái độ của các tín đồ lại thay đổi như vậy? Trong vài tiếng đồng hồ, họ từ những kẻ gìn giữ bí mật lời giáo huấn lầm lì và trung thành trở thành những người truyền bá nhiệt tình và cởi mở. Và điều gì đã khiến họ chọn chính thời điểm đó, một thời điểm không thích hợp – khi sự thất bại của lời tiên tri chắc chắn khiến những người không tin coi nhóm sùng bái và tín điều thật nực cười?
Sự kiện mang tính quyết định ấy xảy ra vào một thời điểm nào đó trong “đêm hồng thủy”, khi việc cải đạo trở nên ngày càng không có khả năng hoàn thành. Điều kỳ lạ là không phải niềm tin từ trước đã khiến các thành viên truyền bá niềm tin của mình; mà chính là cảm giác ngờ vực xâm lấn. Khi họ bắt đầu nhận ra nếu lời tiên tri về cơn đại hồng thủy và chiếc tàu vũ trụ không đúng, thì toàn bộ hệ thống mà họ tin tưởng cũng sai lầm. Với những người tụ tập ở phòng khách của bà Keech, nguy cơ đang lớn dần đó dường như đã cực kỳ khủng khiếp.
Các thành viên đã đi quá xa, đã từ bỏ quá nhiều thứ để rồi thấy niềm tin của mình bị đổ vỡ; sự xấu hổ, chi phí bỏ ra, sự giễu cợt sẽ trở thành điều không thể chịu nổi đối với họ. Nhu cầu bám lấy niềm tin của những thành viên sùng bái được thể hiện cay đắng trong từng lời nói của họ. Đây là lời của một người phụ nữ đã có một đứa con ba tuổi:
Tôi phải tin trận hồng thủy sẽ tới vào ngày 21 vì tôi đã tiêu toàn bộ số tiền của mình vào đó. Tôi đã bỏ việc, tôi đã bỏ trường học… Tôi phải tin.
Và những lời mà Tiến sĩ Armstrong nói với một nhà nghiên cứu trước thất bại của sự xuất hiện chuyến cứu hộ:
Tôi đã đi qua cả một chặng đường dài. Tôi đã từ bỏ tất cả một thứ Tôi đã cắt đút mọi mối quan hệ. Tôi đã đốt cháy mọi cầu nối. Tôi đã quay lưng với cả thế giới. Tôi không còn đủ khả năng đề nghị ngờ. Tôi phải tin. Và không có bất kỳ một sự thật nào khác.
Hãy tưởng tượng ngõ cụt mà Tiến sĩ Armstrong cùng các môn đồ nhận ra khi bình minh gần kề. Sự ràng buộc của các tín đồ với niềm tin đã lớn tới mức họ không thể chấp nhận một sự thật nào khác. Nhưng, niềm tin đó đã phải nhận một “cú đấm nhẫn tâm” từ hiện thực: không có chiếc tàu vũ trụ nào hạ cánh, không có người vũ trụ nào xuất hiện, không có cơn lũ nào tới, không có điều gì đã xảy ra như dự đoán. Vì bằng chứng xác thực đã loại bỏ hình thức tồn tại được chấp nhận duy nhất của chân lý chỉ còn một lựa chọn duy nhất để các tín đồ thoát khỏi ngõ cụt. Họ phải thiết lập một bằng chứng khác cho niềm tin của mình: bằng chứng xã hội.
Chính điều này đã giải thích cho sự chuyển đổi đột ngột của họ từ những người âm mưu bí mật sang những nhà truyền giáo tâm huyết. Và điều này cũng giải thích thời điểm chuyển đổi kỳ lạ của họ – chính xác ngay sau khi niềm tin của họ bị đổ vỡ, thời điểm khiến họ ít có khả năng thuyết phục người ngoài nhất. Họ cần phải liều chịu sự khinh bỉ và chế nhạo của những người không tin bằng những nỗ lực công khai và việc thu nạp thành viên mới mang đến hy vọng duy nhất còn lại cho họ. Nếu họ có thể tuyên truyền những Lời giáo huấn, có thể thông báo những điều bí mật, có thể thuyết phục những người còn hoài nghi và nhờ vậy, họ có thể thu nạp được thành viên mới, niềm tin đang bị đe dọa nhưng quý báu này sẽ trở nên đúng đắn hơn bao giờ hết. Nguyên tắc bằng chứng xã hội nói: Càng nhiều người thừa nhận một ý tưởng, nó càng đúng đắn. Nhiệm vụ của nhóm rất rõ ràng, vì một bằng chứng tự nhiên, xác thực sẽ không thể bị thay đổi, nên bằng chứng xã hội cũng phải như thế. Thuyết phục và bạn sẽ bị thuyết phục!
Tất cả các vũ khí gây ảnh hưởng được nhắc tới trong cuốn sách này sẽ làm việc tốt hơn dưới một vài điều kiện này hơn là một vài điều kiện khác. Nếu chúng ta định bảo vệ bản thân khỏi bất kỳ một vũ khí nào, điều tối quan trọng là ta cần biết các điều kiện hoạt động tối ưu của chúng, nhờ đó có thể nhận ra khi nào ta bị tổn thương nhiều nhất do ảnh hưởng của chúng. Đối với nguyên tắc bằng chứng xã hội, chúng ta đã có một gợi ý về một thời điểm nó hoạt động tốt nhất. Với nhóm các tín đồ Chicago, chính niềm tin tưởng bị lung lay đã khiến họ khao khát có thêm thành viên mới. Nói chung, khi chúng ta không chắc chắn về mình, khi tình huống không rõ ràng hay vẫn còn mơ hồ, khi sự không chắc chắn ngự trị, chắc chắn chúng ta sẽ mong đợi và coi hành động của nhiều người khác là đúng đắn.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra phản ứng của những người khác để giải quyết sự không chắc chắn của bản thân, chắc chắn chúng ta sẽ xem xét kỹ một sự kiện còn mơ hồ nhưng quan trọng. Đặc biệt trong tình huống còn nhập nhằng, khuynh hướng nhìn xem những người khác làm gì có thể dẫn tới một hiện tượng rất thú vị được gọi là “ngu dốt đa nguyên”. Hiểu biết thông suốt về hiện tượng này sẽ giúp giải thích những sự kiện thường xảy ra trong nước mà chúng ta mà vẫn gọi bằng những cái tên bí ẩn hay sự thất thế quốc gia: đó là sự thất bại của toàn bộ nhóm người đứng ngoài việc hỗ trợ các nạn nhân đang trong tình trạng vô cùng khẩn cấp.
Ví dụ điển hình về tính ỳ trệ của những người ngoài cuộc và gây ra rất nhiều cuộc tranh luận trong giới báo chí, chính trị, khoa học bắt đầu bằng một vụ giết người bình thường ở khu Nữ hoàng (Queens), thành phố New York. Một phụ nữ gần 30 tuổi, Catherine Genovese, bị giết hại trong một vụ tấn công đêm khuya trên đường đi làm về nhà. Giết người là hành động không dễ dàng bị lãng quên, nhưng trong một thành phố với quy mô và những lề lối như New York, vụ giết Genovese không chiếm được nhiều sự quan tâm, nó chỉ chiếm một phần cột báo trong tờ New York Times. Câu chuyện của Catherine Genovese cũng sẽ chết cùng vào ngày đó trong tháng ba năm 1964 nếu không có một sự nhầm lẫn.
Tổng biên tập của tờ Times, A. M. Rosenthal, đã tình cờ ăn trưa với quyền cảnh sát thành phố một tuần sau đó. Rosenthal hỏi vị cảnh sát về một vụ giết người khác trên địa bàn khu Nữ hoàng, nhưng ông này lại nghĩ đó là vụ của Genovese nên đã kể lại một chi tiết thật sự gây choáng váng mà cảnh sát điều tra đã khám phá. Điều đó khiến tất cả những người nghe, trong đó có cả vị quyền cảnh sát, đều kinh hoàng và muốn có một lời giải thích. Catherine không bị bóp cổ và chết nhanh chóng. Cái chết của cô kéo dài, đau đớn, ồn ào và công khai. Kẻ tấn công đuổi theo và tấn công cô trên đường ba lần trong 35 Phút trước khi con dao của hắn khiến cô im bặt tiếng kêu cầu cứu. Không thể tưởng tượng nổi, ba–mươi–tám người hàng xóm đã cùng chứng kiến cái chết của cô qua khung cửa sổ an toàn của họ mà không có ai nhón tay bấm điện thoại gọi cho cảnh sát.
Rosenthal, phóng viên đã từng đoạt giải thưởng Pulitzer, biết mình phải làm gì khi nghe xong câu chuyện. Vào ngày ăn trưa với vị quyền cảnh sát đó, anh giao cho một phóng viên điều tra về “góc nhìn người ngoài cuộc” vụ Genovese. Trong vòng một tuần, tờ Times đăng lên trang nhất bài báo dài xung quanh vấn đề này và đã gây một cơn lốc tranh luận, dự đoán. Những đoạn đầu tiên của bài viết đã cho thấy quan điểm cũng như nội dung chính của câu chuyện mới nổi này:
Trong hơn 30 phút, ba–mươi–tám công dân đáng kính, tôn trọng pháp luật của khu Nữ hoàng theo dõi một kẻ giết người săn đuổi và đâm chết một người phụ nữ trong ba cuộc tấn công tại Vườn Kew.
Hai lần, tiếng nói và ánh sáng đột ngột từ phòng ngủ của họ rọi ra khiến tên giết người ngừng tay và giật mình sợ hãi. Mỗi lần quay lại, hắn lại kiếm tìm nạn nhân và đâm thêm một lần nữa. Không một ai gọi cho cảnh sát khi vụ tấn công dã man đang diễn ra; chỉ có một nhân chứng gọi cảnh sát khi người phụ nữ đã chết.
Đó là sự việc xảy ra cách đây hai tuần. Nhưng trợ lý thanh tra trưởng Frederick M. Lussen, phụ trách điều tra khu vực Nữ hoàng và là cựu binh với 25 năm kinh nghiệm điều tra án mạng bị sốc.
Ông có thể kể rất nhiều câu chuyện có thật về những vụ giết người. Nhưng ông khó có thể kể về vụ sát nhân hung bạo tại Vườn Kew – không phải bởi đó là một vụ giết người dã man mà vì không “người tốt” nào gọi cho cảnh sát.
Cũng như vị trợ lý thanh tra trưởng, cảm giác sốc và thất bại là phản ứng chung của hầu hết mọi người khi biết chi tiết vụ việc này. Cảm giác đến đầu tiên là sốc. Theo sau đó là cảm giác thất bại. Tại sao ba–mươi–tám “người tốt” lại không biết làm gì trong tình huống đó? Không ai có thể hiểu nổi. Ngay cả bản thân những người chứng kiến cũng ngơ ngác: “Tôi không biết”. Một vài người đưa ra những lý do yếu ớt giải thích cho phản ứng của mình, ví dụ, họ “e sợ” hay “không muốn tham gia vào sự vụ”. Nhưng những lý do này không thể đứng vững. Chỉ cần một người nào đó giấu tên gọi cho cảnh sát là đã có thể cứu sống Catherine Genovese mà không phải gặp nguy hiểm trong tương lai. Sự lo sợ những rắc rối có thể xảy ra với cuộc sống của họ cũng không phải là lý do thuyết phục giải thích cho sự im lặng đáng sợ đó; một điều gì đó đã xảy ra mà ngay cả bản thân họ cũng không thể giải thích được.
Tuy thế, vẫn không có lời giải thích hợp lý nào được đưa ra. Bởi vậy, báo chí cũng như các phương tiện thông tin khác nhấn mạnh lời giải thích duy nhất có giá trị trong thời điểm đó: các nhân chứng, cũng giống như phần lớn chúng ta, không quan tâm đến mức sẵn sàng tham gia vào vụ việc. Chúng ta đang dần trở thành những người ích kỷ, vô tình. Tính khắc nghiệt của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là cuộc sống nơi đô thị đã làm cho cảm xúc chúng ta chai cứng. Chúng ta đang trở thành “xã hội lạnh lùng”, không cảm giác và thờ ơ trước cảnh ngộ khốn cùng của những người xung quanh.
Lời giải thích này ngày càng được khẳng định bằng sự xuất hiện thường xuyên của những câu chuyện thời sự kể về sự thờ ơ cộng đồng. Tờ Times đã phát động “cuộc chiến” chống lại sự thờ ơ cộng đồng ngay sau vụ Genovese. Một người có thể cho rằng đó là hệ quả của bạo lực truyền hình, người khác có thể đổ lỗi cho tính hiếu thắng, nhưng phần lớn đều cho rằng do “tính cá nhân hóa” trong cuộc sống đô thành với “các tầng lớp thành thị” và “sự xa lánh của cá nhân với cộng đồng”. Ngay cả Rosenthal, ký giả đầu tiên khám phá câu chuyện này và là người cuối cùng đưa câu chuyện trò thành chủ đề của một cuốn sách, cũng tán thành lý thuyết thờ ơ do cuộc sống thị thành gây nên.
Không ai có thể nói tại sao ba–mươi–tám người không gọi cho cảnh sát khi cô Genovese bị tấn công. Tuy nhiên, có thể coi sự thờ ơ của họ thực ra chỉ là một trong muôn vàn yếu tố của thành phố lớn. Đó là vấn đề của tồn tại tâm lý khi một người bị hàng triệu người bao vây và dồn ép, để ngăn họ không chạm vào ta, cách duy nhất là càng lờ họ đi càng tốt. Sự thờ ơ trước một người hàng xóm cũng như vấn đề của người đó đã trở thành một phản xạ có điều kiện trong lối sống của người New York cũng như người dân nhiều thành phố lớn khác.
Khi câu chuyện của Genovese được nhiều người biết tới – bên cạnh cuốn sách của Rosenthal, nó trở thành tâm điểm của vô số các bài báo, tư liệu cho các chương trình thời sự và chủ đề cho các vở kịch – thu hút sự quan tâm của hai giáo sư tâm lý học New York là Bibb Latane và John Darley. Họ xem xét kỹ các bản báo cáo về tình tiết trong vụ Genovese, và dựa trên kiến thức tâm lý xã hội để tìm ra đâu là lý giải không chắc chắn nhất của ba–mươi–tám nhân chứng có mặt tại đó. Những bản tường thuật câu chuyện trước đó luôn nhấn mạnh không một hành động nào xảy ra mặc dù có ba–mươi–tám người cùng theo dõi trực tiếp vụ việc. Latane và Darley đưa ra một giả thuyết là không có ai giúp đỡ vì có quá nhiều người cùng quan sát. Các nhà tâm lý học biện luận rằng, vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất, một người đứng ngoài quan sát một tình huống khẩn cấp chắc chắn sẽ không giúp khi có rất nhiều người cùng quan sát. Lý do này khá thẳng thắn. Nếu có vài người có thể giúp đỡ xung quanh, trách nhiệm cá nhân của mỗi người sẽ giảm: “Có lẽ một người nào đó sẽ giúp hay gọi cứu trợ, có lẽ một người nào đó đã có thể làm như vậy”. Bởi mọi người đều nghĩ rằng có ai khác đã hoặc sẽ giúp nên không ai làm gì cả.
Lý do thứ hai kích thích sự tò mò về mặt tâm lý học, nó được thiết lập dựa trên nguyên tắc bằng chứng xã hội và bao gồm cả hiệu ứng ngu dốt đa nguyên. Một việc khẩn cấp xảy ra rất thường xuyên và rõ ràng sẽ không còn khẩn cấp. Một người đàn ông nằm trên đường đi là nạn nhân của một vụ tấn công hay chi là một gã đàn ông say xỉn? Một âm thanh chói tai từ ngoài đường vọng lại là tiếng súng hay một vụ nổ xe tải? Những tiếng động bên nhà hàng xóm là một vụ tấn công cần gọi cảnh sát hay là tiếng đập vỡ đồ đạc mà người xen vào sẽ cực kỳ vô duyên? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Vì sự không chắc chắn này, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là nhìn quanh, tìm kiếm xem người khác làm gì. Chúng ta có thể học, từ cách những người chứng kiến khác phản ứng, để quyết định xem một vụ việc có khẩn cấp hay không.
Nhưng mọi người lại quên là những người đang quan sát khác cũng đang tìm kiếm một bằng chứng xã hội. Và bởi vì chúng ta đều thích tự chủ và không bị bấn loạn giữa những người khác, chắc chắn ta sẽ lẳng lặng tìm kiếm bằng chứng đó, với cái nhìn ngụy trang lướt nhanh qua những người xung quanh. Do đó, tất cả mọi người đều thấy những người khác điềm tĩnh và không hành động gì cả. Hậu quả là, và bởi nguyên tắc bằng chứng xã hội, sự kiện này sẽ đồng thời được hiểu là không có gì khẩn cấp. Điều này, theo Latane và Darley là trạng thái ngu dốt đa nguyên “trong đó, mỗi người quyết định rằng, vì không có ai lo lắng, nên không có gì thật sự khẩn cấp đang diễn ra. Trong khi đó, nguy hiểm có thể đang xảy ra với một cá nhân”.
Kết luận thú vị của Latane và Darley là: với nạn nhân trong tình trạng khẩn cấp, ý tưởng “an toàn trong số đông” có thể hoàn toàn sai lầm. Một người đang trong tình trạng cần trợ giúp khẩn cấp sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn nếu chỉ có một người chứng kiến so với sự có mặt của một đám đông. Để kiểm tra lý thuyết khác lạ này, Darley, Latane, cùng các đồng nghiệp đã thực hiện một chương trình nghiên cứu ấn tượng, hệ thống và thu được một nhóm các kết quả rất rõ ràng. Phương pháp thực hiện của họ là dàn dựng một vụ việc cho một người hoặc một nhóm người chứng kiến. Sau đó, họ ghi lại số lần nạn nhân khốn cùng này nhận được sự giúp đỡ trong mỗi tình huống. Trong thí nghiệm thứ nhất, một sinh viên đại học New York giả vờ bị hội chứng động kinh đã nhận được sự giúp đỡ của 85% khi chỉ có một người đi đường chứng kiến, nhưng khi có năm người chứng kiến thì tỷ lệ này chỉ là 31%. Với kết quả đó, khó có thể nói rằng chúng ta đang sống trong một “xã hội lạnh lùng” thiếu sự quan tâm giữa người với người. Rõ ràng sự có mặt của những người đứng ngoài quan sát đã làm giảm tỷ lệ giúp đỡ xuống mức đáng xấu hổ.
Rất nhiều nghiên cứu khác cũng đã chứng minh tầm quan trọng của bằng chứng xã hội trong việc tạo ra sự “thờ ơ” lan rộng của những người chứng kiến.
Sau hơn một thập kỷ nghiên cứu, các nhà xã hội học đã có một ý tưởng tuyệt vời về thời điểm một người chứng kiến sẽ thực hiện sự trợ giúp khẩn cấp. Đầu tiên và trái với quan điểm rằng xã hội chúng ta đang biến thành một xã hội chai lì, thiếu quan tâm, là khi những người chứng kiến bị thuyết phục rằng tình huống đó rất khẩn cấp, chắc chắn họ sẽ trợ giúp. Với những điều kiện này, con số những người đứng ngoài tự can thiệp hay kêu gọi sự trợ giúp là khá cao. Ví dụ, trong bốn thí nghiệm riêng biệt được thực hiện tại Florida, người ta dàn dựng những cảnh tai nạn của một công nhân bảo dưỡng. Trong cả hai thí nghiệm, khi rõ ràng là người đàn ông bị thương và cần giúp đỡ sự trợ giúp của những người đứng ngoài chứng kiến là 100%. Trong hai thí nghiệm còn lại, khi sự trợ giúp liên quan tới việc phải tiếp xúc với một đường dây điện nguy hiểm, nạn nhân vẫn nhận được 90% sự giúp đỡ. Tỷ lệ trợ giúp cao như thế này cũng xảy ra bất kể nhân chứng quan sát sự kiện với tư cách cá nhân hay trong nhóm.
Tình huống sẽ rất khác khi, như trong nhiều trường hợp, những người đứng ngoài quan sát không thể chắc chắn về tính khẩn cấp của vụ việc mình đang chứng kiến. Trong tình huống như vậy, một nạn nhân sẽ có nhiều khả năng nhận được sự giúp đỡ của một người hơn là một nhóm người, đặc biệt nếu nhóm người đó không quen biết nhau. Dường như hiệu ứng ngu dốt đa nguyên có tác dụng mạnh nhất giữa những người xa lạ: bởi vì chúng ta thích được trông có vẻ tự chủ và thạo đời trước đám đông và vì chúng ta không quen với phản ứng của những người mà mình không biết, chúng ta chắc chắn sẽ không thể hiện hoặc đọc được chính xác cảm xúc lo lắng trong một đám đông xa lạ. Do đó, một tình huống có thể rất khẩn cấp sẽ bị coi là không khẩn cấp, và nạn nhân là người hứng chịu đau khổ.
Xem xét kỹ hơn nhóm kết quả nghiên cứu sẽ hé lộ một mô hình sáng tỏ. Tất cả các điều kiện làm giảm cơ hội được trợ giúp từ bên ngoài của một nạn nhân đang nguy cấp tồn tại bình thường và tự nhiên trong thành phố: (1) Khác với các vùng nông thôn, thành phố ồn ào, nhộn nhịp, thay đổi nhanh chóng, do đó rất khó để nắm bắt bản chất của một sự việc; (2) Vê bản chất, môi trường thành thị rất đông đúc. Kết quả là, khả năng có nhiều người cũng chứng kiến một tình huống khẩn cấp cũng cao hơn; (3) Những người dân thành phố ít biết những người sống xung quanh mình hơn so với những người sống trong một thị trấn nhỏ, do đó khả năng dân thành phố ở trong một nhóm xa lạ cao hơn khi chứng kiến một vụ việc khẩn cấp.
Ba đặc điểm tự nhiên này của môi trường thành thị – sự lẫn lộn, đông đúc, độ thân quen thấp – rất phù hợp với các yếu tố được đưa ra nhằm lý giải cho tỷ lệ trợ giúp bên ngoài giảm. Không cần phải sử dụng đến những khái niệm nghiệt ngã như “mất nhân tính thành thị” và “xa lánh đô thị”, đến đây chúng ta có thể giải thích tại sao có rất nhiều trường hợp người đứng ngoài chứng kiến không làm gì cả.
NẠN NHÂN HÓA BẢN THÂN
Nhưng việc giải thích các mối nguy trong cuộc sống thành thị hiện đại bằng những từ ít nghiệt ngã hơn không thể giúp xua đi những mối nguy đó. Và khi người dân thế giới ngày càng dịch chuyển về khu vực thành thị – một nửa dân số thế giới sẽ trở thành dân thành thị trong 10 năm tới – nhu cầu giảm mối nguy này lại càng lớn. Tuy nhiên, những hiểu biết mới của chúng tôi về quá trình “thờ ơ” của những người đứng ngoài đã mở ra một niềm hy vọng mới. Khi được trang bị kiến thức khoa học này, trong tình trạng khẩn cấp, khả năng nạn nhân nhận được sự hỗ trợ của những người đứng ngoài sẽ tăng đáng kể. Điều then chốt là hiểu rằng các nhóm đứng ngoài không hỗ trợ do họ không chắc chắn chứ không phải là không tử tế. Họ không giúp đỡ vì không chắc chắn tình huống khẩn cấp có thật sự tồn tại hay không và họ không biết có phải chịu trách nhiệm cho hành động hay không. Khi họ chắc chắn về trách nhiệm của mình trong việc can thiệp vào một tình huống khẩn cấp rõ ràng, chắc chắn họ sẽ phản ứng!
Khi đã biết được nguyên nhân không phải là những điều kiện xã hội không thể kiểm soát được như kiểu “mất nhân tính thành thị” mà chỉ là trạng thái không chắc chắn, trong những tình huống khẩn cấp nạn nhân có thể thực hiện những việc làm cần thiết để tự bảo vệ mình bằng cách làm giảm sự không chắc chắn của những người chứng kiến. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang dành một buổi chiều mùa hè nghe hòa nhạc trong công viên. Khi buổi hòa nhạc kết thúc và mọi người chuẩn bị ra về, bạn thấy tê nhẹ ở cánh tay nhưng cho rằng không có gì nghiêm trọng. Nhưng khi cùng đám đông đi tới khu vực đỗ xe ở phía xa, bạn cảm thấy chân cũng bị tê và lan cả lên mặt. Cảm thấy mất phương hướng, bạn dựa vào thân cây để nghỉ một chút. Ngay sau đó, bạn nhận ra một điều gì đó cực kỳ nghiêm trọng đang xảy ra. Thực tế, sự kết hợp và điều khiển các cơ của bạn tệ đến mức bạn bắt đầu thấy khó mở miệng để nói. Bạn cố gắng đứng dậy nhưng không thể. Một thoáng ý nghĩ kinh hoàng lướt qua tâm trí bạn: “Trời ơi, mình đang bị đột quỵ”. Nhiều nhóm người đi qua bạn và không ai để ý gì đến bạn. Một vài người chú ý hành động dựa vào thân cây và nét mặt kỳ lạ của bạn, họ kiểm tra bằng chứng xã hội xung quanh mình và thấy không ai có phản ứng lo lắng, họ đi qua và tự thuyết phục mình rằng không có gì nghiêm trọng xảy ra.
Nếu ở trong tình thế này, bạn sẽ làm gì để vượt qua sự hiểu lầm đang cản trở sự trợ giúp của người khác? Vì khả năng thể chất của bạn đang giảm dần, điều quan trọng lúc này là thời gian. Nếu, trước khi bạn có thể kêu cứu, bạn không thể nói, di chuyển hay bất tỉnh, khả năng bạn nhận được trợ giúp và phục hồi gần như vô vọng. Điều quan trọng với bạn lúc này là cố gắng nhanh chóng nhờ trợ giúp. Nhưng kiểu đề nghị giúp đỡ nào hiệu quả nhất? Kêu, rên rỉ hay thậm chí khóc không phải là cách tốt nhất. Các cách này có thể khiến người khác chú ý đến bạn nhưng không cung cấp đủ thông tin để đảm bảo cho họ coi đó là một tình huống thật sự khẩn cấp.
Nếu khóc không đủ để khiến đám đông qua lại giúp đỡ, bạn cần làm một điều gì đó cụ thể hơn. Thật ra, bạn cần làm nhiều hơn là cố thu hút sự chú ý, bạn phải kêu to rằng mình đang cần giúp đỡ. Bạn không được phép để người đi qua xác định trường hợp của bạn không khẩn cấp. Hãy thét lên “Cứu tôi với!” để thể hiện là bạn cần trợ giúp khẩn cấp. Và bạn đừng lo mình sẽ làm điều gì đó sai. Không có chỗ cho sự ngượng ngùng ở đây. Trong tình huống có thể bị một cơn đột quỵ, bạn không phải lo lắng về việc hèn nhát hay cường điệu hóa mối nguy hiểm của bạn. Một phút ngượng ngùng có thể khiến bạn sẽ phải trả bằng tính mạng hay nguy cơ bị liệt suốt đời.
Nhưng có thể ngay cả một tiếng kêu cứu lớn cũng không phải là giải pháp hiệu quả nhất. Mặc dù bạn có thể làm giảm sự nghi ngờ của những người xung quanh về tính khẩn cấp thật sự của tình huống, giải pháp này không đủ xóa đi một vài điểm không chắc chắn quan trọng khác trong tâm trí mỗi người chứng kiến: Cần loại trợ giúp nào? Mình có nên giúp đỡ hay để một ai đó giỏi hơn làm, đó có phải là trách nhiệm của mình không? Trong khi những người đứng ngoài chứng kiến trố mắt nhìn bạn và băn khoăn với những câu hỏi đó, nguy cơ cái chết ngày càng đến gần với bạn.
Rõ ràng ngay lúc đó, là nạn nhân, bạn phải làm nhiều hơn là chỉ báo cho những người đứng ngoài rằng bạn cần một sự trợ giúp khẩn cấp, bạn phải loại bỏ cảm giác không chắc chắn của họ về việc sẽ giúp như thế nào và ai là người giúp. Nhưng cách nào hiệu quả và đáng tin cậy nhất?
Dựa trên các kết quả của nghiên cứu đó, lời khuyên của tôi là chọn một cá nhân trong đám đông: nhìn chăm chú, nói và chỉ chính xác một người: “Ông, người mặc chiếc áo khoác màu xanh đấy ạ. Tôi cần giúp đỡ. Làm ơn gọi xe cứu thương”. Với câu nói đó, bạn sẽ xóa đi mọi sự không chắc chắn có thể ngăn cản hoặc trì hoãn sự giúp đỡ. Với câu nói đó, bạn sẽ đặt người đàn ông mặc chiếc áo khoác màu xanh vào vai trò “người cứu trợ”. Người đàn ông đó sẽ hiểu rằng đây là tình xuống rất nguy cấp cần sự trợ giúp; ông ta cũng hiểu rằng mình chứ không ai khác, là người chịu trách nhiệm hỗ trợ; và cuối cùng ông ta cũng biết mình phải giúp như thế nào. Kết quả sẽ là một sự trợ giúp nhanh chóng, hiệu quả.
Nói chung, chiến lược tốt nhất khi bạn cần một sự trợ giúp khẩn cấp là làm giảm sự không chắc chắn cũng như trách nhiệm của những người chứng kiến đang lo lắng về tình trạng của bạn. Càng thể hiện chính xác nhu cầu trợ giúp của bạn càng tốt. Đừng để những người xung quanh có kết luận của riêng họ bởi vì đặc biệt trong một đám đông, nguyên tắc bằng chứng xã hội và hiệu ứng ngu dốt đa nguyên rất có thể khiến họ kết luận tình huống của bạn không khẩn cấp.
Và hãy đề nghị sự giúp đỡ của một cá nhân trong đám đông người chứng kiến. Hãy làm ngược lại khuynh hướng tự nhiên là chỉ đề nghị một điều gì đó chung chung. Hãy chọn một người và trao nhiệm vụ cho anh ta. Nếu không, mọi người trong đám đông dễ dàng cho rằng một người nào đó phải giúp, sẽ giúp và đã giúp. Các kỹ thuật trong cuốn sách này nhằm tạo ra một sự chấp thuận cho một lời đề nghị, và đây có thể là điều quan trọng cần nhớ nhất. Sau cùng, một lời đề nghị hỗ trợ khẩn cấp thất bại có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp cho chính bạn.
Tôi từng nhận được một vài bằng chứng trực tiếp về điểm này. Tôi bị tai nạn ôtô khá nghiêm trọng. Cả tôi và người lái xe kia đều bị thương khá nặng: Anh ta bị ngã xuống, bất tỉnh, trên vô–lăng trong khi tôi choáng váng, người đầy máu ở đằng sau chiếc xe của mình. Tai nạn xảy ra tại một điểm giao nhau trong tầm quan sát của một vài chiếc xe dừng chờ đèn đỏ. Khi tôi quỳ xuống đường bên cạnh cửa xe, cố giũ sạch đầu, đèn chuyển màu và dòng xe bắt đầu chầm chậm lăn bánh qua ngã ba, các lái xe đều trố mắt nhìn nhưng không ai dừng lại.
Tôi đã nghĩ: “Ôi không, tất cả họ đang vượt qua mình!”. Là một nhà tâm lý học, tôi hiểu điều này. Nhớ về các kết quả nghiên cứu tôi biết chính xác mình phải làm gì. Tự kéo mình lên để nhìn rõ hơn, tôi chỉ vào một người lái xe: “Gọi cảnh sát”. Với người lái xe thứ hai và thứ ba, tôi chỉ trực tiếp vào mỗi người: “Lái xe vào lề đường. Chúng tôi cần sự giúp đỡ”. Họ phản ứng lại ngay lập tức. Ngay lập tức, họ gọi cảnh sát và cứu thương, dùng khăn tay lau máu trên mặt tôi, đưa một chiếc áo khoác xuống dưới đầu tôi và tình nguyện làm nhân chứng cho vụ tai nạn, thậm chí một người còn đề nghị đi cùng tôi tới bệnh viện.
Sự trợ giúp này không chỉ nhanh chóng, đầy quan tâm mà nó còn lan sang những người khác. Các lái xe khác cũng dừng lại vì tôi họ cũng dừng lại và bắt đầu chăm sóc nạn nhân kia. Lúc này nguyên tắc bằng chứng xã hội đã giúp cho chúng tôi. Thủ thuật này đã khiến quả bóng lăn theo hướng trợ giúp. Khi việc này được hoàn thành, tôi có thể nghỉ ngơi và để sự quan tâm thật sự của những người qua đường và các động cơ tự nhiên của bằng chứng xã hội làm những việc còn lại.
BẮT CHƯỚC TÔI, BẮT CHƯỚC…
Ở phần trên, chúng tôi đã phát biểu rằng nguyên tắc bằng chứng xã hội cũng giống như các vũ khí gây ảnh hưởng khác sẽ làm việc tốt hơn dưới một vài điều kiện này hơn một vài điều kiện khác. Chúng ta cũng đã khám phá ra một điều kiện: sự không chắc chắn. Không còn nghi ngờ gì nữa, khi không chắc chắn, người ta rất dễ nhìn hành động của những người khác để quyết định mình nên làm thế nào. Nhưng ngoài ra, còn một điều kiện hoạt động quan trọng khác: sự tương đồng. Nguyên tắc bằng chứng xã hội hoạt động hiệu quả nhất khi chúng ta đang quan sát thái độ của những người giống mình. Chính cách cư xử của những người này sẽ cho ta một cái nhìn sâu sắc nhất vào những điều cấu thành nên thái độ đúng đắn cho bản thân. Do đó, chúng ta sẵn sàng hành động theo sự dẫn dắt của một cá nhân có quan điểm tương đồng chứ không phải là cá nhân không có cùng quan điểm.
Đó là lý do tại sao tôi tin rằng chúng ta đang thấy loại quảng cáo kiểm chứng của người–bình–thường–trên–đường xuất hiện ngày càng nhiều trên truyền hình hiên nay. Các nhà quảng cáo này biết rằng một phương pháp thành công để bán sản phẩm cho những người xem bình thường (nhưng chiếm tỷ lệ lớn nhất trên thị trường) là chứng minh rằng những người “bình thường” khác cũng thích và sử dụng chúng. Bởi vậy, bất kể sản phẩm là một nhãn hiệu nước ngọt, một loại thuốc giảm đau hay chai thuốc tây, chúng ta nghe thấy hàng loạt những tiếng khen ngợi từ một John hay Mary bình thường.
Một dẫn chứng thuyết phục khác về tầm quan trọng của sự tương đồng trong việc quyết định ta có bắt chước hành động của người khác hay không xuất phát từ một nghiên cứu khoa học do các nhà tâm lý học trường Đại học Columbia thực hiện cách đây vài năm. Các nhà nghiên cứu đặt những chiếc ví trên nền ở rất nhiều địa điểm xung quanh khu vực thị trấn Manhattan và quan sát điều gì sẽ xảy ra khi người ta thấy chúng. Trong mỗi chiếc ví đều có 2 đô–la tiền mặt và 26,30 đô-la séc và rất nhiều thông tin như tên tuổi, địa chỉ của “chủ nhân” chiếc ví. Ngoài ra, trong ví còn có một lá thư chứng tỏ nó không chỉ tưng bị mất một lần mà hai lần. Một người đàn ông thấy nó trước đó và có ý định mang trả lại đã viết lá thư gửi cho chủ nhân chiếc ví. Người này viết rằng mình rất vui được giúp đỡ và đây là một cơ hội giúp ích người khác khiến ông cảm thấy mình tốt hơn.
Sau đó, người đàn ông đầy thiện ý này cũng lại làm mất chiếc ví trên đường tới thùng thư – chiếc ví được để trong một phong bì thư đề tên chủ nhân. Các nhà nghiên cứu muốn biết có bao nhiêu người nhặt được chiếc ví sẽ làm theo người đã nhặt được trước đó và gửi thư liên lạc với chủ nhân. Tuy nhiên, trong mỗi chiếc ví, các nhà nghiên cứu đã thay đổi một số đặc điểm trong bức thư. Một số lá thư được viết bằng tiếng Anh chuẩn giống như của một người Mỹ bình thường, trong khi một số lá thư khác được viết bằng tiếng Anh cố giống như của một người nước ngoài. Mặt khác, người đầu tiên thấy ví và cố gắng mang trả lại được miêu tả trong những bức thư theo hai cách: một người giống và một người không giống với phần lớn dân Mỹ.
Câu hỏi thú vị được đặt ra là, liệu những người Manhattan thấy chiếc ví và bức thư bên trong có bị ảnh hưởng nhiều khi quyết định liên lạc với chủ nhân chiếc ví nếu người thấy ví đầu tiên khá giống với họ không? Câu trả lời rất rõ ràng: Chỉ 33% những chiếc ví được đem trả lại trong trường hợp người thấy đầu tiên không giống họ, nhưng tỷ lệ này lên tới 70% khi người thấy đầu tiên được coi là giống họ. Kết quả này đưa ra một tính chất quan trọng của nguyên tắc bằng chứng xã hội. Chúng ta sẽ dùng hành động của người khác để quyết định một hành động đúng đắn cho bản thân, khi chúng ta coi người này giống mình.
Khuynh hướng này còn được áp dụng cả với trẻ con. Ví dụ, các nhà nghiên cứu về sức khỏe thấy rằng, chương trình chống hút thuốc trong trường học có ảnh hưởng lâu dài chỉ khi người hướng dẫn là học sinh cùng tuổi. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, những trẻ được xem đoạn phim miêu tả những lần đi khám bác sĩ nha khoa của một em khác thì nguy cơ mắc bệnh răng miệng giảm nhiều khi chúng bằng tuổi với đứa trẻ trong phim. Tôi ước mình biết nghiên cứu thứ hai này từ vài năm trước, khi tôi cố gắng giúp đỡ cho con trai mình, Chris.
Tôi sống ở Arizona, nơi có rất nhiều hồ bơi ở sân sau. Một việc rất đau lòng là mỗi năm có vài đứa trẻ chết đuối khi bị ngã xuống một hồ bơi không có người trông nom. Do đó, tôi quyết tâm dạy Chris bơi ngay từ khi còn nhỏ. Vấn đề không phải là bé sợ nước. Bé rất thích nước. Nhưng bé không thể xuống hồ mà không quàng theo chiếc phao bơi bằng nhựa, bất kể tôi cố gắng dỗ dành, nói và chê bai bé về điều đó. Sau hai tuần không có kết quả tôi nhờ một vài sự trợ giúp: một sinh viên đã tốt nghiệp của tôi – từng là người cứu hộ hồ bơi khỏe mạnh, vạm vỡ và cũng từng là giáo viên dạy bơi. Anh cũng hoàn toàn thất bại như tôi. Tôi không thể thuyết phục Chris cố gắng, thậm chí chỉ một cú nhảy, mà không cần cái phao.
Cũng trong thời gian đó, Chris tham gia một buổi cắm trại với rất nhiều hoạt động trong đó có cả việc bơi trong một hồ bơi rộng mà cậu luôn thận trọng tránh xa. Một ngày, ngay sau thất bại của cậu sinh viên mà tôi nhờ, tôi tới chỗ Chris để đón bé về sớm một chút và kinh ngạc khi thấy bé chạy trên ván nhún và lao xuống phần sâu nhất của bể bơi. Kinh hoàng, tôi nhanh chóng tháo giày và nhảy xuống cứu thì thấy bé nổi lên mặt hồ và bơi gần vào thành bể – nơi tôi đang chạy bbổ tới, với đôi giày trên tay, để đón bé.
“Chris, con bơi được rồi”, tôi xúc động nói, “Con bơi được rồi!”
“Vâng”, bé nói vẻ bình thản, “hôm nay con đã học được”.
“Thật tuyệt vời! Quả thật tuyệt vời!”, tôi lầm bầm, và vô cùng hứng khởi, “Nhưng làm thế nào mà hôm nay con không cần cái phao nhựa đó?”
Có vẻ hơi ngượng vì bố mình quá hào hứng trong khi nhúng đôi tất xuống nước và vẫy đôi giày xung quanh, Chris giải thích: “Vâng, con ba tuổi và Tommy cũng ba tuổi. Tommy có thể bơi mà không cần phao, vậy có nghĩa là con cũng có thể bơi”.
Đáng lẽ tôi phải nghĩ ra điều đó. Tất nhiên, Chris sẽ tìm kiếm thông tin thích hợp nhất về điều mà bé có thể hay nên làm chính từ Tommy bé nhỏ, chứ không phải là cậu sinh viên 1m70. Đáng lẽ tôi phải dùng ví dụ về Tommy trước đó và có thể điều đó đã giúp tôi không phải lãng phí hai tuần vô ích. Đáng lẽ tôi nên chú ý rằng Tommy đã biết bơi và sau đó sắp xếp với bố cậu bé cho phép cậu bé tới bơi ở hồ bơi của nhà tôi. Tôi đoán rằng chiếc phao nhựa của Chris đã bị lãng quên cho đến cuối ngày đó.
Bất kỳ yếu tố nào khuyến khích 70% người New York mang trả lại ví (hoặc giảm khả năng những đứa trẻ nghiện thuốc lá hoặc sợ phải tới nha sĩ) cũng đáng được coi là vô cùng ấn tượng. Nhưng những kết quả nghiên cứu thuộc loại này đưa ra một gợi ý về ảnh hưởng sâu rộng về cách cư xử của những người tương đồng tới thái độ của con người. Minh họa tốt nhất cho ảnh hưởng này là một con số dường như vô nghĩa: sau khi trang nhất các báo đăng tin một vụ tự tử thì các loại máy bay – máy bay riêng, máy bay tập thể, hãng bay – cũng bắt đầu rơi từ bầu trời xuống với một tỷ lệ đáng báo động.
Người ta chỉ ra rằng, theo ngay sau những câu chuyện tự tử được công khai rộng rãi, số người chết trong những vụ rơi máy bay tăng lên 1.000%. Thậm chí con số này còn đáng báo động hơn: Sự gia tăng không giới hạn số người chết do máy bay. Con số người chết do ôtô cũng tăng lên tương ứng. Vậy nguyên nhân của sự gia tăng này là gì?
Người ta nhanh chóng đưa ra một lời giải thích: Các điều kiện xã hội giống nhau khiến một số người tự tử làm những người khác cũng tình cờ chết theo. Chẳng hạn, một cá nhân nhất định, có thể dùng biện pháp tự tử để phản ứng lại các sự kiện xã hội bức xúc (suy sụp kinh tế, tỷ lệ tội phạm gia tăng, các vấn đề quốc tế căng thẳng). Nhưng những người khác có thể phản ứng lại những sự kiện này theo một cách khác như tức giận, mất kiên nhẫn, căng thẳng hay mất trí. Khi ở trong tình trạng đó, những người này điều khiển (hoặc sử dụng dịch vụ) ôtô hay máy bay sẽ ít an toàn hơn, và hậu quả là tỷ lệ gia tăng khủng khiếp những người chết vì tai nạn ôtô hay máy bay.
Theo lý giải “các điều kiện xã hội” này thì một vài yếu tố xã hội giống nhau gây nên cái chết cố ý cũng gây nên cái chết tình cờ, và đó là lý do tại sao chúng ta thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa những câu chuyên tự tử và các tai nạn chết người. Nhưng một thống kê thú vị khác chứng minh lời giải thích đó không đúng: Các vụ tai nạn chết người tăng đột biến chỉ ở trong những vùng mà câu chuyện tự tử được biết tới rộng rãi. Ở những nơi khác, cũng có các điều kiện xã hội tương đồng nhưng báo chí không công bố rộng rãi các câu chuyện này thì không có sự gia tăng tương ứng các vụ tai nạn chết người. Hơn nữa, ở những vùng phát hành báo chí rộng rãi, các vụ tự tử được công bố càng rộng rãi, tỷ lệ tai nạn gia tăng càng cao. Như vậy không phải bản thân các sự kiện xã hội thông thường một mặt kích thích các vụ tự tử, mặt khác kích thích các vụ tai nạn chết người mà chính tính công khai rộng rãi những vụ tự tử đã gây ra điều đó.
Để giải thích mối quan hệ mật thiết giữa tính công khai rộng rãi các vụ tự tử và các vụ tai nạn, người ta nêu ra ý kiến sử dụng một bản thống kê “những mất mát”. Bởi vì các vụ tự tử trên trang nhất thường có cả những nhân vật đáng kính và nổi tiếng và có lẽ cái chết được biết đến quá nhiều của họ khiến nhiều người rơi vào trạng thái sốc, buồn thảm. Sững sờ, choáng váng, những người này trở nên bất cần khi đi ôtô, máy bay. Hậu quả là sự gia tăng đột biến những tai nạn chết người liên quan tới các phương tiện này mà chúng ta đã thấy ngay sau những câu chuyện tự tử ở trang nhất các báo. Mặc dù lý thuyết mất mát này có thể được coi là lý do cho mối liên hệ giữa mức độ công khai các câu chuyện tự tử và các vụ va chạm ngay sau đó – càng nhiều người biết về vụ tự tử, con số người chết hay những nạn nhân bất cần càng lớn – nhưng nó không thể giải thích cho một thực tế đáng ngạc nhiên khác: những câu chuyện trên báo về các nạn nhân tự tử một mình chỉ làm gia tăng các vụ tai nạn chỉ có một nạn nhân, trong khi những câu chuyện về các vụ tự–tử–cộng–giết–người lại làm tăng các rủi ro tập thể. Sự mất mát không thể tạo nên một mô hình kiểu này.
Ảnh hưởng của các câu chuyện tự tử lên các vụ tai nạn ôtô, máy bay đến đây hoàn toàn rõ ràng. Những câu chuyện tự tử thuần túy – trong đó chỉ có một người chết, gây ra vụ tai nạn chỉ có một người chết; những câu chuyện gồm cả giết người và tự tử có nhiều người chết, gây ra các vụ tai nạn nhiều người chết. Nếu không phải “điều kiện xã hội”, cũng không phải “sự mất mát” là nguyên nhân cho một loạt sự kiện đáng ngạc nhiên này, thì là điều gì? Nhà tâm lý học David Phillips thuộc trường Đại học California tại San Diego đã đưa ra câu trả lời. Ông chỉ ra một điểm rất thuyết phục của cái gọi là “hiệu ứng Werther”.
Câu chuyện về hiệu ứng Werther vừa thú vị lại vừa cay đắng. Cách đây hơn hai thế kỷ, nhà văn vĩ đại của nền văn học Đức, Johann von Goethe đã xuất bản cuốn tiếu thuyết Die Leiden des jungen Werthers (Nỗi buồn của chàng Werther). Cuốn tiểu thuyết kể về một anh hùng tên Werther tự tử đã tạo ra một ảnh hưởng lớn. Tác phẩm không chỉ mang lại danh tiếng nhanh chóng cho Goethe mà nó còn tạo nên một làn sóng tự tử khắp châu Âu. Hiệu ứng này mạnh mẽ kinh hoàng đến độ chính quyền các nước đã phải cấm xuất bản cuốn tiểu thuyết.
Công trình nghiên cứu của giáo sư Phillips đã theo đuổi hiệu ứng Werther thời hiện đại. Nghiên cứu của ông chứng minh rằng, ngay sau khi một vụ tự tử được đăng trên trang nhất, tỷ lệ tự tử tăng đột biến ở những vùng có mức độ công khai câu chuyện rộng nhất. Lập luận của giáo sư Phillips là, những người đang có vấn đề khi đọc về những cái–chết–tự–giáng đã bắt chước tự tử theo. Như một minh họa không lành mạnh của nguyên tắc bằng chứng xã hội, những người này quyết định làm theo điều mà những người đang gặp vấn đề khác đã thục hiện.
Phillips cũng thu được dẫn chứng về hiệu ứng Werther thời hiện đại bằng cách kiểm tra con số thống kê các vụ tự tử khắp nước Mỹ suốt những năm 1947–1968. Ông thấy trong vòng hai tuần sau mỗi vụ tự tử được đăng trang nhất, trung bình có hơn 58 người tự tử. Hiểu theo một góc độ nào đó, mỗi câu chuyện tự tử giết chết 58 người lẽ ra đã tiếp tục sống. Phillips cũng thấy khuynh hướng tự tử sinh tự tử xảy ra chủ yếu ở những vùng có vụ tự tử đầu tiên được công bố rộng rãi và tính công khai càng rộng thì số lượng người tự tử theo sau càng nhiều.
Tính tương đồng cũng xuất hiện trong nghiên cứu của giáo sư Phillips. Trên thực tế, giáo sư Phillips đám chắc rằng tất cả những cái chết nối tiếp sau mỗi vụ tự tử đăng trang nhất có thể được giải thích bằng một thứ: những vụ tự tử bắt chước. Khi biết đến những vụ tự tử của người khác, một số lượng lớn người cho rằng tự tử cũng là một giải pháp thích hợp cho mình. Sau đó một số người thực hiện hành động ngay, không–chút–do–dự về việc làm của mình và khiến cho tỷ lệ tự tử tăng vọt.
Tuy nhiên, những người khác lại thực hiện nó theo cách gián tiếp. Vì một vài lý do nào đó – để bảo vệ danh tiếng cho mình, tránh tổn thương và tiếng xấu cho gia đình, để những người thân có thể lấy tiền bảo hiểm – họ không muốn cái chết của mình giống như tự tử. Họ muốn làm như mình chết do tai nạn. Bởi vậy, có chủ ý nhưng ngấm ngầm, họ tạo nên những vụ tai nạn ôtô hay máy bay khi đang điều khiển hoặc đang ngồi trên đó. Và thế là tất cả sẽ kết thúc theo một cách quá–quen–thuộc–và–hợp–lý. Phi công một hãng bay thương mại nào đó có thể đâm đầu máy bay xuống ở thời điểm quan trọng như cất cánh hay hạ cánh trên một đường băng đã có chiếc máy bay khác, không theo hướng dẫn của trung tâm điều khiển; lái xe ôm có thể đột ngột lái ngoặt vào trúng thân cây hay làn xe đang đi; một hành khách trên ôtô hay máy bay có thể tấn công người điều khiển, gây ra vụ va chạm; phi công máy bay riêng có thể rẽ sang và đâm vào một chiếc máy bay khác, bất chấp lời cảnh báo qua rađiô. Theo giáo sư Phillips, con số tăng vọt đáng báo động các vụ va chạm chết người nối liền những vụ tự tử đăng trang nhất chủ yếu là do hiệu ứng Werther được áp dụng bí mật.
Cách lý giải này rất thông minh. Thứ nhất, nó có thể giải thích thỏa đáng tất cả các sự kiện. Nếu những vụ tai nạn này thật sự là do bắt chước tự tử, thì việc chúng ta thấy các vụ tai nạn gia tăng cứ sau mỗi lần xuất hiện câu chuyện tự tử là hoàn toàn hợp lý. Cách lý giải này cũng làm sáng tỏ hiện tượng tỷ lệ các vụ tai nạn tăng cao nhất ngay sau khi các câu chuyện tự tử được công bố rộng rãi. Và nó cũng làm sáng tỏ lý do số lượng các vụ tai nạn chỉ tăng trong những vùng địa lý công khai câu chuyện rộng rãi. Và ý tưởng này thậm chí còn có thể giải thích tại sao các vụ tự tử một người chỉ gây nên vụ tai nạn một nạn nhân và các vụ tự tử nhiều người lại gây nên vụ tai nạn nhiều nạn nhân. Bắt chước chính là chìa khóa của vấn đề.
Trong lý giải của Phillips còn có một điểm giá trị thứ hai. Lý thuyết của ông không chỉ giúp ta giải thích các thực tế đã tồn tại mà còn cho phép dự đoán những sự kiện mới chưa được khám phá trước đây. Ví dụ, nếu những vụ tai nạn xảy ra nhiều bất thường sau những vụ tự tử được công khai hoàn toàn là do bắt chước hơn là tai nạn, thì kết quả phải đáng sợ hơn. Đó là, những người cố giết mình chắc chắn sẽ sắp xếp (với bàn chân đã đặt lên chân ga thay vì má phanh, đưa mũi máy bay xuống chứ không phải hướng lên) để gây nên hậu quả càng khủng khiếp càng tốt. Kết quả sẽ là một cái chết nhanh chóng và chắc chắn. Khi Phillips xem xét bản ghi chép để kiểm tra dự đoán, ông nhận thấy con số trung bình những người chết trong những vụ tai nạn chết người của một hãng hàng không thương mại một tuần sau mỗi vụ tự tử đăng trên trang nhất nhiều hơn ba lần so với một tuần. Một hiện tượng tương tự trong các thống kê đường bộ với bằng chứng về tỷ lệ chết người trong các vụ tai nạn thô sau những câu chuyện tự tử. Nạn nhân của các vụ tai nạn thô sau các câu chuyện tự tử đăng trang nhất tăng gấp bốn lầnn.
Từ ý tưởng của Phillips, còn một dự đoán thú vị khác. Nếu sự gia tăng các vụ tai nạn sau các bài báo kể câu chuyện tự tử thật sự đại diện cho những cái chết bắt chước, những người bắt chước phải chắc chắn sẽ bắt chước vụ tự tử của những người giống với mình. Nguyên tắc bằng chứng xã hội phát biểu rằng, chúng ta sử dụng thông tin về cách người khác xử sự để quyết định thái độ thích hợp cho bản thân. Và như thí nghiệm đánh rơi ví chỉ ra, chúng ta bị ảnh hưởng nhất tử những người giống mình.
Do đó, Phillips biện luận, nếu nguyên tắc bằng chứng xã hội nằm phía sau hiện tượng này, thì phải có một đặc điểm tương đồng rõ ràng nào đó giữa nạn nhân vụ tự tử nổi tiếng và những người gây nên các vụ tai nạn theo sau. Ông kiểm tra bản ghi chép các vụ tai nạn ôtô gồm có một xe và một người lái, so sánh tuổi của nạn nhân trong câu chuyện tự tử và tuổi của các lái xe trong các vụ tai nạn một người. Và một lần nữa, những dự đoán này lại chính xác đến bất ngờ: khi một tờ báo đăng tin chi tiết về vụ tự tử của một người trẻ tuổi thì chính những lái xe trẻ tuổi sau đó sẽ đâm vào những cây, cọc, đường chắn gây ra chết người; nhưng khi bản tường thuật tin tức đề cập tới vụ tự tử của một người lớn tuổi, thì nạn nhân của những vụ tai nạn lại là những người lớn tuổi.
Thống kê cuối cùng này là một minh chứng hùng hồn đối với tôi. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục đồng thời cũng hoàn toàn kinh ngạc. Rõ ràng, nguyên tắc bằng chứng xã hội lan truyền rộng rãi và mạnh mẽ tới mức vùng bao phủ của nó đã vươn tới chỗ quyết định sự sống còn của con người. Những kết quả của giáo sư Phillips đã thuyết phục tôi về một khuynh hướng đau lòng trong việc công khai rộng rãi các vụ tự tử, khuyến khích những người tương đồng nhất định đi tìm cái chết – bởi họ thấy ý tưởng tự tử lúc này chính đáng hơn. Điều thật sự kinh hoàng là dữ liệu chỉ ra rằng nhiều người vô tội phải chết trong sự quy ước đó. Nhìn lướt qua đồ thị minh chứng sự gia tăng không thể phủ nhận của các vụ tai nạn đường bộ và hàng không nguy hiểm theo sau những vụ tự tử được đăng rộng rãi, đặc biệt là những vụ gồm cả giết người, là đủ để phải lo lắng cho sự an toàn của một ai đó. Những thống kê này độ tác động mạnh mẽ đến tôi, tôi bắt đầu ghi chú những vụ tự tử đăng trên trang nhất và thay đổi quan điểm trong giai đoạn sau những vụ tự tử đó. Tôi cố gắng đặc biệt cần trọng khi ngồi sau bánh lái. Tôi thấy ngần ngại khi phải thực hiện những chuyến đi xa bằng máy bay. Nếu phải đi máy bay trong thời gian đó, tôi luôn mua bảo hiểm chuyến bay nhiều hơn bình thường.
Nghiên cứu sau đó của Phillips là lý do cho việc báo động: hành động giết người ớ Mỹ mang đặc điểm kích thích và bắt chước mù quáng những hành động bạo lực công khai rộng rãi. Giải vô địch hạng nặng phát trên thời sự buổi tối dường như khiến tỷ lệ giết người ở Mỹ tăng đáng kể. Những phân tích về giải này (1973–1978) là minh chứng thuyết phục nhất cho bản chất cụ thể khác thường của việc nảy sinh tính hiếu thắng. Khi người thua cuộc trong những trận đấu này là người da đen, tỷ lệ giết người trong suốt 10 ngày với nạn nhân là thanh niên da đen tăng đột biến. Ngược lại, khi người da trắng thua cuộc, thì chính những người da trắng, chứ không phải da đen, bị giết nhiều hơn trong 10 ngày sau đó. Khi kết hợp những kết quả này với những khám phá trong dữ liệu về tự tử của Phillips, rõ ràng là những hình ảnh bạo lực đó có khuynh hướng lan tràn khủng khiếp sang những nạn nhân tương tự, bất kể điều đó giáng lên bản thân họ hay người khác.
Công trình của Giáo sư Phillips giúp chúng ta đánh giá tầm ảnh hưởng của những hành vi và thái độ của những người giống nhau. Khi nhận ra sức mạnh thật sự đó, ta có thể hiệu được một hành động có lẽ là ngoạn mục nhất của nghệ thuật gây ảnh hưởng trong thời đại chúng ta – vụ tự tử tập thể tại thị trấn Jollestown, Guyana. Những đặc trưng quan trọng nhất định của sự kiện này rất đáng được xem xét lại.
Đền Người là một tổ chức thờ cúng bắt nguồn ở San Francisco và lôi kéo tín đồ là những người dân nghèo của thành phố. Năm 1977, Reverend Jim Jones, lãnh đạo tinh thần, chính trị, xã hội độc nhất của tổ chức, đã đưa các thành viên tới một địa điểm của khu rừng nhiệt đới tại Guyana, Nam Mỹ. Tại đây, tổ chức Đền Người tồn tại khá tách biệt và âm thầm cho đến ngày 18–11–1978, khi bốn người đàn ông trong phái đoàn tìm hiểu thực tế mà dẫn đầu là đại biểu Quốc hội Leo J. Ryan bị giết hại khi cố rời Jonestown bằng máy bay. Khi biết mình sẽ bị bắt giữ và kết tội dính líu vào vụ giết người và tổ chức Đền Người cũng sẽ chết theo, Jones mưu toan sắp đặt kết cục của tổ chức theo cách riêng của mình. Ông ta tập hợp những người còn lại quanh mình và kêu gọi mọi người hy sinh trong một hành động tự hủy hoại thống nhất.
Người đầu tiên đáp lại lời kêu gọi là một phụ nữ trẻ, bình tĩnh bước tới thùng nước độc khổng lồ có vị dâu tây, lấy một ít nước độc cho con, một ít cho mình và sau đó ngồi xuống một cánh đồng, tại đó, cô cùng đứa con chết trong cơn co giật trong vòng 4 phút. Những người khác lần lượt chậm rãi làm theo. Mặc dù có rất nhiều người dân thị trấn đã trốn đi thay vì thuận theo và một vài người phản kháng, nhưng những người còn sống khẳng định có tới 910 người đã lần lượt ra đi, một cách ngoan cố.
Tin tức về sự kiện này khiến chúng ta choáng váng. Các phương tiện phát thanh truyền hình và báo chí đã cùng lúc đưa ra hàng loạt các bài tường thuật, các bài đưa tin cập nhật, phân tích. Ngày này qua ngày khác, các cuộc tranh luận của chúng ta về những chủ đề: “Đến nay có bao nhiêu người chết?” hay “Một người đàn ông thoát chết nói rằng họ uống chất độc như thể bị thôi miên, họ đã làm gì ở Nam Mỹ?”, “Thật không thể tin nổi, cái gì đã gây ra điều đó?”
Vâng, một câu hỏi then chốt “Cái gì đã gây ra điều đó?”. Nguyên nhân của hành động thuận theo đáng ngạc nhiên nhất này là gì? Rất nhiều lời lý giải đã được đưa ra. Một số ý kiến tập trung vào uy tín và quyền lực của Jim Jones, một người đàn ông có những phẩm chất khiến người ta yêu mến như một vị cứu tinh, tin tưởng như người cha già và đối xử như một vị hoàng đế. Những lời giải thích khác lại hướng đến đối tượng mà tổ chức Đền Người thu nạp. Phần lớn họ là những người nghèo, không được giáo dục và sản sàng hy sinh mình vì sự an toàn của một nơi mà tất cả các quyết định được đưa ra đều vì họ. Ngoài ra còn có những lý giải khác tập trung vào bản chất tín ngưỡng của nhóm Đền Người, ở đó sự trung thành của các thành viên đối với vị lãnh tụ được thể hiện ở mức độ cao nhất là không chút ngờ vực.
Nhưng tôi thấy những lời giải thích đó chưa đầy đủ. Thế giới cũng đầy rẫy các tổ chức sùng bái với các tín đồ tuân theo sự lãnh đạo của một nhân vật quyền uy nhưng chưa từng xuất hiện sự việc như thế này trong quá khứ. Chúng tôi không thấy một bằng chứng nào cho một việc, dù chỉ gần giống với vụ Jonestown, trong các tổ chức tín ngưỡng khác. Phải có một điều gì đó ở đây.
Câu hỏi gợi mở này đưa tới một gợi ý: “Nếu cộng đồng đó vẫn ở San Francisco thì liệu các tín đồ có tuân theo lời yêu cầu tự tử của Jim Jones?”. Câu hỏi này mang tính suy đoán, nhưng các chuyên gia về nhóm Đền Người biết chắc chắn câu trả lời. Tiến sĩ Louis Jolyon West, Chủ tịch Ban khoa học hành vi sinh lý và tâm lý học tại UCLA và Chủ tịch Ban tâm lý học thần kinh, một chuyên gia nghiên cứu về các hệ thống sùng bái, đã quan sát tổ chức Đền Người tám năm trước cái chết của cộng đồng Jonestown. Ông khiến tôi ngạc nhiên với lời khẳng định mang đầy thông tin về hậu quả của vụ việc: “Vụ việc này sẽ không xảy ra ở California. Chỉ vì họ sống ở vùng hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài tại một địa điểm trong cánh rừng nhiệt đới của một đất nước xa lạ”.
Những quan sát của ông cộng với những điều chúng ta đã biết về bằng chứng xã hội mang đến cho tôi một lý giải tương đối thỏa đáng cho hành động tự tử mang tính phục tùng này. Theo tôi, hành động đơn lẻ của tổ chức Đền Người góp phần rất lớn vào việc mang lại sự phục tùng vô thức của các thành viên là cái ngày trước vụ tự tử một năm khi họ rời địa bàn tới một đất nước rừng rậm nhiệt đới với những phong tục và con người xa lạ. Nếu chúng ta muốn tin vào câu chuyện về tài năng phi thường của Jim Jones, thì tài năng đó chính là nhận thức tuyệt vời của ông về ảnh hưởng tâm lý mạnh mẽ của cuộc chuyển dời này lên các tín đồ. Đột nhiên, họ thấy mình ở một nơi mà mình hoàn toàn không biết gì về nó. Nam Mỹ, rừng nhiệt đới Guyana và đặc biệt không giống bất kỳ điều gì ở San Francisco. Một đất nước – cả tự nhiên và xã hội – xa lạ đến đáng sợ.
Lại là tính không chắc chắn – cánh tay phải của nguyên tắc bằng chứng xã hội. Như chúng ta đã biết, khi không chắc chắn một điều gì đó, người ta thường nhìn hành động của những người khác để định hướng cho hành động của bản thân. Trong một môi trường Guyana hoàn toàn xa lạ, thì các thành viên tổ chức Đền Người sẵn sàng lấy hành động của lãnh tụ làm gương. Nhưng cũng như chúng ta đã thấy. Chính những người đặc biệt mà hành vi của họ được người khác làm theo một cách không nghi ngờ nhất – là người tương đồng với nhiều người khác. Và một lần nữa, ta lại thấy sự tài tình trong chiến lược di dời của Reverend Jim Jones. Ở Guyana, không có người nào giống dân Jownstown, ngoại trừ chính họ.
Hành động đúng đắn cho một thành viên cộng đồng Jonestown lúc này được quyết định bằng một mức độ tuân thủ vô hạn theo hành động của những thành viên khác – những người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ Jones – làm theo và tin tưởng. Khi được soi rọi dưới ánh sáng này, ta hoàn toàn có thể hiểu được cái trật tự khủng khiếp, cảm giác bình tĩnh và không chút hoảng sợ của những người khi lại gần thùng thuốc độc khổng lồ và thần chết. Họ không bị Jones thôi miên mà bị thuyết phục – một phần từ ông ta, nhưng quan trọng hơn nhiều là từ nguyên tắc bằng chứng xã hội – rằng tự tử là một hành động đúng đắn. Sự ngờ vực của họ khi lần đầu nghe thấy lời kêu gọi tự tử đã khiến họ nhìn sang những người xung quanh nhằm xác định phản ứng thích hợp. Và điều đáng chú ý là họ đã tìm thấy hai bằng chứng xã hội và cả hai đều chỉ về một hướng.
Bằng chứng đầu tiên là những đồng bào của họ tình nguyện, sẵn sàng và nhanh chóng uống thuốc độc. Luôn có một vài cá nhân hăng hái như vậy trong bất kỳ nhóm nào. Trong trường hợp này, rất khó biết được họ nhận được chỉ thị đặc biệt để làm mẫu hay chỉ đơn giản tuân theo mong muốn của Jones. Bất kể thế nào thì những người khác cũng bị ảnh hưởng tâm lý vô cùng mạnh mẽ từ hành động đó. Nếu việc tự tử của những người tương đồng trên bản tin thời sự có thể khiến những người hoàn toàn xa lạ tự tử, thì bạn hãy tưởng tượng con số những người thực hiện hành động không chút đắn đo này sau cái chết của những người hàng xóm ở Jonestown sẽ lớn đến mức nào.
Nguồn bằng chứng xã hội thứ hai đến từ phản ứng của chính đám đông. Với những điều kiện cho trước, tôi ngờ rằng điều xảy ra là một ví dụ quy mô lớn của hiện tượng ngu dốt đa nguyên thường tiêm nhiễm vào những người quan sát trong những trường hợp khẩn cấp. Mỗi người dân Jownstown nhìn hành động của những người xung quanh để đánh giá tình huống và – cảm thấy yên tâm vì những người khác, cũng đang lén lút đánh giá hơn là phản ứng lại – “học được” rằng kiên nhẫn là việc nên làm. Điều đó bị hiểu sai nhưng dù sao cũng là bằng chứng xã hội dẫn tới một thái độ bình tĩnh lạ thường của đám đông đang đứng đợi cái chết tới gần ở vùng nhiệt đới Guyana.
Theo quan điểm của tôi, hầu hết những nỗ lực phân tích vụ việc Jonestown đều tập trung quá nhiều vào cá nhân Jim Jones. Mặc dù không cho rằng ông ta có khả năng khuyến dụ hiếm thấy nhưng quyền lực mà ông ta sử dụng, khiến tôi ngạc nhiên, không xuất phát từ phẩm chất cá nhân nổi bật mà chủ yếu là do những hiểu biết của ông ta về các nguyên tắc tâm lý cơ bản. Tài năng thật sự với tư cách là một lãnh tụ của Jones chính là khả năng nhận thức được hạn chế của mỗi tín đồ. Không một lãnh đạo nào có thể thuyết phục được tất cả các thành viên trong nhóm dù chỉ một lần. Một lãnh đạo giỏi chỉ có thể mong đợi ở một mức độ nào đó, dù chỉ là thuyết phục được một tỷ lệ lớn các thành viên. Khi đó với thông tin ban đầu, những thành viên trọng yếu đã bị thuyết phục, thì thông tin đó có thể thuyết phục được tất cả số còn lại. Quả thật, những người đứng đầu có sức ảnh hưởng lớn nhất là những người biết cách sắp xếp các điều kiện nhóm để nguyên tắc bằng chứng xã hội phát huy tác dụng tối đa cho lợi ích của họ.
Dường như Jones đã được khơi nguồn cảm hứng chính trong điều này. Nước đi tài tình của ông ta chính là quyết định di dời cộng đồng Đền Người từ nội thành San Francisco tới một vùng xa xôi héo lánh gần Nam Mỹ, nơi những điều kiện về sự không chắc chắn và tính tương đồng duy nhất khiến cho nguyên tắc bằng chứng xã hội có thể phát huy sức mạnh tối đa. Tại đây, nơi trú ngụ của hàng nghìn người, họ bị thống trị mãi mãi bằng sức mạnh của chỉ một người đàn ông, và như thế nhóm sẽ trở thành bầy đàn (bè lũ ngang hàng nhau). Tinh thần bầy đàn khiến mọi việc càng dễ điều khiển. Rết dễ dàng lái một vài thành viên vào một hướng mong muốn và những người khác – có khả năng dẫn đầu những người quanh mình – sẽ lặng lẽ và tự động làm theo. Đến đây ta có thể hiểu được sức mạnh kỳ diệu của Reverend Jim Jones không phải là phẩm chất cá nhân mà chính là hiểu biết sâu rộng về nghệ thuật Judo hóa xã hội.
ỨNG PHÓ VỚI NGUYÊN TẮC BẰNG CHỨNG XÃ HỘI
THUYẾT PHỤC BẰNG TÂM LÝ CHƯƠNG 4. NGUYÊN TẮC BẰNG CHỨNG XÃ HỘI
Tôi mở đầu chương này bằng câu chuyện về những đoạn tiếng cười thu sẵn gần như vô hại rồi chuyển sang những câu chuyện giết người và tự tử – tất cả đều được giải thích bằng nguyên tắc bằng chứng xã hội. Làm thế nào chúng ta có thể ta bảo vệ bản thân khỏi các vũ khí gây ảnh hưởng đã ăn sâu vào thái độ hành vi của mình? Khó khăn càng nhân lên khi trong phần lớn thời gian, chúng ta không muốn đề phòng những thông tin mà bằng chứng xã hội cung cấp. Dẫn chứng về cách ta nên cư xử mà bằng chứng xã hội đưa ra thường rất hợp lý và có giá trị. Với dẫn chứng đó, ta có thể đưa ra hàng nghìn quyết định mà không phải mất công phân tích mặt lợi hại của chúng.
Theo cách hiệu này, nguyên tắc bằng chứng xã hội trang bị cho chúng ta một loại thiết bị định hướng tự động tuyệt vời không giống như của các loại máy bay.
Tuy nhiên, đôi khi vẫn có vài vấn đề xảy ra nhưng khá nghiêm trọng đối với phương tiện định hướng tự động. Những vấn đề này xuất hiện mỗi khi thông tin chuyến bay khóa vào hệ thống điều khiển bị sai. Trong trường hợp đó, tất nhiên chúng ta sẽ bị loại khỏi đường đi. Tùy vào lỗi này lớn hay nhỏ, hậu quả để lại có thể rất đau đớn. Nhưng, bởi vì phương tiện định hướng tự động này được nguyên tắc bằng chứng xã hội đưa ra với tư cách là đồng minh chứ không phải là kẻ thù, chúng ta không thể thoát ra khỏi nó. Do đó, chúng ta phải đối mặt với một vấn đề cũ: làm thế nào để sử dụng một thiết bị vừa nguy hiểm vừa mang lại lợi ích cho mình.
Nhưng vẫn có cách để thoát khỏi tình thế này. Vì phương tiện định hướng tự động chủ yếu nảy sinh vấn đề khi nhập vào hệ thống điều khiển những dữ liệu sai, vì vậy cách bảo vệ tốt nhất là nhận ra thông tin sai. Nếu chúng ta nhạy cảm với tình huống khi bằng chứng xã hội đang làm việc với thông tin thiếu chính xác, chúng ta có thể tháo rời cơ cấu và nắm được nguyên tắc điều khiển của nó.
Có hai loại tình huống trong đó dữ liệu sai có thể khiến nguyên tắc bằng chứng xã hội cho ta lời khuyên sai lầm. Tình huống thứ nhất xảy ra khi bằng chứng xã hội cố tình bị bóp méo đi. Những kẻ lợi dụng luôn dựng lên những tình huống như vậy nhằm tạo ấn tượng rằng đám đông đang thể hiện theo cách họ mong muốn. Tiếng cười thu sẵn trong các vở hài kịch truyền hình mà chúng ta đã thảo luận ở trước cũng là một trong những dữ kiện giả mạo thuộc thể loại này. Nhưng cái lý mà những dữ kiện này tạo ra vô cùng to lớn, và kiểu giả mạo này rõ ràng là cực kỳ ấn tượng.
Chẳng hạn, trên trước tế, người ta có thể dễ dàng lần ra sự khai thác vụng về các nguyên lý bằng chứng xã hội trong lịch sử của một loại hình nghệ thuật được tôn kính nhất, opera. Hiện tượng đó được gọi là claque (nhóm người vỗ tay thuê), xuất hiện vào những năm 1800, do hai khách hàng quen thuộc của nhà hát opera là Sauton và Porcher sáng tạo. Tuy nhiên, họ không chỉ đơn thuần là những người đi xem opera mà là những thương nhân với hàng hóa là những tràng pháo tay.
Được tổ chức dưới cái tên L’Assurance des Succes Dramatiques, họ mang đến cho các ca sĩ và các nhà quản lý một sự ủng hộ nhiệt thành từ khán giả thuê. Họ đã đạt được hiệu quả lớn trong việc kích thích phản ứng của khán giả thật với những phản ứng mang tính lừa đảo trước khi những claque dài (thường bao gồm một người đầu trò – chef de claque – và một vài claque riêng lẻ khác) đã trở thành một truyền thống lâu đời trong giới opera. Theo nhà lịch sử âm nhạc học Robert Sabin: “Trước năm 1830, claque đã phát triển nở rộ, tập hợp vào ban ngày, vỗ tay vào ban đêm và được tổ chức công khai… Nhưng chắc chắn là cả Sauton lẫn Porcher đều không thể ngờ được sáng kiến của họ phát triển đến mức những tràng pháo tay thuê được áp dụng khắp nơi trên thế giới mỗi khi opera được cất lên”.
Khi claque ngày càng phát triển, nó được phân ra thành nhiều phong cách và cường độ. Tương tự, các nhà sản xuất những đoạn tiếng cười thuê những người có thể tạo ra những tiếng cười khúc khích, tiếng cười thầm hay những tiếng cười vang, và claque thì sinh ra những pleureuse có khả năng bật ra tiếng khóc nức nở và bisseur, người kêu to lên những tiếng “bis” (nhắc lại lần nữa) và “hát lại, múa lại” với giọng nói say mê; và liên quan trực tiếp với những người tạo ra những đoạn tiếng cười ngày nay, những rieur có khả năng lan truyền tiếng cười của mình.
Hình thức song song nhiều thông tin nhất với các dạng phản hồi giả hiện đại rất lộ tính “làm giả”. Không một ai mong muốn phát hiện sự nguỵ trang hoặc thay đổi của các claque bởi họ luôn chỉ ngồi một chỗ, hết chương trình biểu diễn này đến chương trình biểu diện khác, năm này qua năm khác, dưới sự chỉ đạo của chef de claque. Và ngay cả những cuộc giao dịch tiền bạc của họ cũng không che giấu cộng đồng xã hội. Thật vậy, hàng trăm năm sau sự ra đời của claque, một độc giả của tờ London Musical Times (Thông tin âm nhạc London) có thể đọc lướt qua các mẩu quảng cáo về những claque. Bất kể trong thế giới nào, người sử dụng bằng chứng xã hội có thể dễ dàng điều khiển khán giả ngay cả khi những bằng chứng đó rõ ràng giả dối.
Điều mà Sauton và Porcher nhận ra về cách thức máy móc mà chúng ta mà phải chịu đựng từ nguyên tắc bằng chứng xã hội cũng được rất nhiều những kẻ khai thác ngày nay hiểu rõ. Họ thấy không cần phải che giấu bản chất bịa đặt của bằng chứng xã hội mà mình cung cấp – chứng kiến chất lượng của những đoạn tiếng cười trên truyền hình: Dường như họ tự mãn khi thấy chúng ta rơi vào tình trạng khó xử: chúng ta vừa phải cho phép họ lừa phỉnh vừa phải từ bỏ sự dẫn dắt vô thức quý giá khiến chúng ta dễ tổn thương trước những trò bịp của họ. Nhưng nếu họ tưởng chúng ta đã ra vào bẫy, họ đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Tình trạng lỏng lẻo mà họ dựng lên cùng bằng chứng giả lại cho ta cơ hội chống lại.
Cho những tràng pháo tay khi nghệ sĩ bước lên sân khấu, với quý ông là 25 lia.
Cho những tràng pháo tay khi nghệ sĩ bước lên sân khấu, với quý bà là 15 lia.
Cho những tràng pháo tay thông thường trong buổi diễn, mỗi tràng là 10 lia.
Cho những tràng pháo tay kéo dài trong buổi diễn, mỗi tràng 15 lia.
Và kéo dài hơn nữa là 17 lia.
Với những lời hò reo như “Bevel” hay “Bravo!”, giá 5 lia.
“Bis” giá 50 lia.
Cổ vũ cuồng nhiệt điên dại, giá thỏa thuận sau.
Từ những “tiếng vỗ tay thông thường” đến “sự cuồng nhiệt điên dại”, những người vỗ tay tuê thường giới thiệu dịch vụ của mình trong một buổi trình diễn công cộng, trên những tờ tạp chí mà người đọc là những người mà họ rất mong muốn gây ảnh hưởng.
Claque, kêu ro ro.
Bởi vì phương tiện định hướng tự động có thể được khớp nối hay tháo rời nên chúng ta có thể tin tưởng đi qua cuộc hành trình do nguyên tắc bằng chứng xã hội lái cho đến khi nhận ra có một dữ liệu không chính xác. Khi đó, chúng ta có thể điều khiển, sửa lại thông tin sai và khởi động lại phương tiện định hướng. Sự rõ ràng của bằng chứng xã hội gian lận mang đến cho ta một gợi ý chính xác để biết khi nào nên thực hiện quá trình đó. Chỉ cần một chút thận trọng trước những bằng chứng xã hội giả mạo, chúng ta hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình.
Hãy lấy một ví dụ. Ở phía trên, chúng tôi đã chú ý rằng việc gia tăng những quảng cáo có sự kiểm chứng của người–bình– thường–trên–đường, trong đó một số lượng lớn người dân thường hào hứng nói về một sản phẩm mà không biết lời nói của mình đã được thu lại. Như những gì được mong đợi theo nguyên tắc bằng chứng xã hội, sự chứng thực này từ “những người bình thường giống bạn và tôi” đã làm nên những chiến dịch quảng cáo vô cùng hiệu quả. Thông thường, những chiến dịch này bao gồm một dạng xuyên tạc khá tinh vi: chúng tôi chỉ nghe từ những người thích sản phẩm này; như thế, chúng tôi chỉ có một hình ảnh phiến diện về sự ủng hộ của xã hội cho sản phẩm đó. Gần đây, thậm chí người ta còn đưa ra một dạng xuyên tạc trắng trợn và thô thiển hơn thế. Các nhà sản xuất không ngại để có được sự chứng thục thật sự. Họ chỉ cần thuê diễn viên đóng vai một người dân thường kiểm nghiệm sản phẩm ngẫu nhiên và bất ngờ trước một người phỏng vấn. Những tình huống như thế rõ ràng đã được dàn dựng, những người tham gia là diễn viên và những đoạn hội thoại hiển nhiên đã được soạn trước.
Tôi biết rằng mỗi khi mình gặp phải một nỗ lực gây ảnh hưởng thuộc loại này, một loại hồi chuông cảnh báo bắt đầu rung lên trong tôi: Cẩn thận! Cẩn thận! Đang có bằng chứng xã hội tệ hại trong tình huống này. Tạm thời hãy tháo rời chiếc phi cơ tự động. Chúng ta chỉ cần đưa ra một quyết định tỉnh táo để báo động về bằng chứng xã hội giả và sự quá tự tin đến ngạo mạn của những kẻ lợi dụng. Chúng ta có thể nghỉ ngơi cho đến khi bằng chứng giả bị phát hiện.
Và chúng ta có thể tóm lấy nó và báo thù. Chúng ta không nên phản ứng đơn giản là lờ đi thông tin sai. Tôi đang nói tới phản ứng tấn công mạnh mẽ trở lại. Bất cứ khi nào có thể, chúng ta nên chọc tức những kẻ chịu trách nhiệm cho việc giả mạo bằng chứng xã hội này. Chúng ta không nên mua bất cứ một sản phẩm nào thuộc loại quảng cáo “phỏng vấn ngẫu nhiên”. Hơn thế, mỗi nhà sản xuất những sản phẩm này phải nhận được một lá thư giải thích thái độ của chúng ta và lời yêu cầu họ nên ngừng sử dụng loại quảng cáo tạo ra một sự giới thiệu giả dối cho sản phẩm.
Tất nhiên, chúng ta không muốn tin rằng hành động của những người khác sẽ điều khiển hành vi của mình – đặc biệt trong tình huống quan trọng đến mức cần đảm bảo sự điều tra cá nhân về những thuận lợi và khó khăn, hay ở đó chúng ta là những chuyên gia – nhưng chúng ta thật sự mong muốn có thể tin tưởng vào thái độ của những người khác và có thể coi đó là nguồn thông tin chắc chắn trong rất nhiều hoàn cảnh. Nhưng, nếu trong những trường hợp đó, chúng ta không thể tin tưởng vào độ chắc chắn của thông tin vì ai đó đã bóp méo bằng chứng, chúng ta nên sẵn sàng phản ứng lại. Trong những trường hợp như vậy, lôi luôn cảm thấy mình bị điều khiển. Tôi vô cùng phẫn nộ với ý nghĩ mình bị đẩy vào một cái góc không thể chấp nhận được từ những người có ý định hủy hoại một trong những hàng rào của tôi chống lại sự quá tải của cuộc sống hiện đại. Và tôi thật sự cảm thấy chính đáng khi xỉ vả những cố gắng của họ. Nếu bạn rơi vào trường hợp giống tôi, bạn cũng nên làm vậy.
Ngoài trường hợp những lần các bằng chứng xã hội bị bóp méo có chủ ý, cũng có những trường hợp nguyên tắc bằng chứng xã hội đều đặn lái chúng ta đi sai hướng. Trong những trường hợp như vậy, một sai lầm tự nhiên, ngây thơ cũng sẽ tạo ra một bằng chứng xã hội lan nhanh và có thể đẩy chúng ta tới những quyết định sai lầm. Hiện tượng ngu dốt đa nguyên mà trong đó một người đang trong tình trạng khẩn cấp không cảm thấy bất kỳ lý do cảnh báo nào cũng là một ví dụ của quá trình này. Tuy nhiên, một minh họa tốt nhất mà tôi biết lại có được từ câu chuyện của một sinh viên của tôi, một cảnh sát tuần tra trên đường quốc lộ.
Sau buổi thảo luận trên lớp với chủ đề là nguyên tắc bằng chứng xã hội, cậu ở lại và nói chuyện với tôi. Cậu nói rằng bây giờ mình đã hiểu nguyên nhân của một loại tai nạn giao thông đã gây không ít khó khăn cho mình trước đó. Tai nạn này thường xảy ra trên đường dành cho ôtô trong thành phố trong giờ cao điểm khi những chiếc xe trên đường dành cho xe đi hàng một di chuyển từ từ chậm rãi. Những sự kiện dẫn tới tai nạn thường bắt đầu khi hai chiếc ôtô liền nhau cùng bắt đầu tín hiệu xin ra khỏi luồng xe hàng một và lái sang luồng xe khác. Trong vòng vài giây, một hàng dài các lái xe đằng sau hai chiếc xe đầu tiên cũng làm y như vậy và nghĩ rằng một điều gì đó đã xảy ra – một chiếc xe chết máy hay có một thanh chắn ở phía trước đang chặn dòng xe. Và trong đám đông chen chúc đi vào khoảng trống phía trước của luồng xe bên cạnh, sự va chạm giữa các xe xảy ra.
Tuy nhiên, theo cậu, điều kỳ lạ nhất là thường không có chướng ngại vật ở phía trước và trước khi tai nạn xảy ra mọi người đều biết rõ điều đó. Cậu nói đã hơn một lần chứng kiến tai nạn kiểu như vậy khi trước mặt những chiếc xe hàng một xấu số là đường thông hè thoáng.
Câu chuyện của cậu cảnh sát tuần tra đã mang đến một cái nhìn sâu sắc về cách mà chúng ta phản ứng lại bằng chứng xã hội. Thứ nhất, có vẻ chúng ta cho rằng nếu nhiều người làm một điều giống nhau, họ hẳn phải biết điều gì đó mà ta không biết. Đặc biệt là khi chúng ta không chắc chắn, ta sẵn sàng đặt niềm tin sâu sắc vào kiến thức của đám đông. Thứ hai, đám đông thường xuyên mắc sai lầm khi họ không hành động dựa trên nền tảng của bất kỳ thông tin chắc chắn nào mà chính bản thân họ phản ứng lại nguyên lý của bằng chứng xã hội.
Bởi vậy, nếu hai lái xe trên đường cao tốc tình cờ cùng lúc muốn thay đổi làn đường, người lái xe kế tiếp hai chiếc xe đó rất có thể sẽ làm điều tương tự như vậy, cho rằng lái xe phía trước vừa phát hiện ra một chướng ngại vật. Tác động của các bằng chứng xã hội lên những người lái xe phía sau sẽ có hiệu lực – bốn chiếc xe tiếp theo, tất cả sẽ cùng bật tín hiệu xi nhan xin sang làn đường bên cạnh. Và tiếp theo đó còn có rất nhiều tín hiệu đèn. Rõ ràng là bằng chứng xã hội ở đây không thể phủ nhận được. Với những lái xe ở phía sau, có lẽ họ cũng không hỏi tại sao lại chuyển sang làn đường khác: “Tất cả những lái xe phía trước chắc hẳn phải biết điều gì đó”. Thế là họ cố lái sang làn đường bên cạnh mà thậm chí không để ý rằng đoạn đường trước mặt họ chẳng chướng ngại gì và gây ra một chuỗi va chạm. Các xe đâm sầm vào nhau.
Bài học là: Phương tiện định hướng tự động cũng giống như bằng chứng xã hội, không phải lúc nào cũng hoàn toàn đáng tin cậy ngay cả khi không có kẻ phá hoại tung tin xấu nào, đôi khi nó tự làm cho mình mất bình tĩnh. Chúng ta cần kiểm tra guồng máy đều đặn để đảm bảo nó không tách rời khỏi các nguồn bằng chứng khác trong tình huống – những sự kiện khách quan, những kinh nghiệm trước tiên và đánh giá của chính chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không phải tốn nhiều thời gian và nỗ lực để làm được điều này. Tất cả việc cần làm là nhìn lướt qua một lần. Và chỉ cần một chút cẩn thận cũng có thể mang lại cho ta những giá trị lớn. Hậu quả của việc phụ thuộc duy nhất và hoàn toàn vào các bằng chứng xã hội có thể sẽ vô cùng đáng sợ.
Chính khía cạnh này của hiện tượng bằng chứng xã hội luôn luôn nhắc nhở tôi cách thức mà một vài bộ tộc da đỏ như Blackfeet, Cree, Snake và Crow đã sử dụng để săn bắt trâu Bắc Mỹ. Có hai đặc điểm khiến trâu rất dễ bị mắc vào bằng chứng xã hội. Thứ nhất, mắt của chúng ở phía trên đầu vì vậy nhìn sang hai bên dễ hơn nhìn về phía trước. Thứ hai, khi chúng chạy, cả đàn chạy tán loạn, đầu chúng sẽ thấp dần vì thế chúng không thấy những gì phía trên đàn. Kết quả là người Da đỏ nhận thấy có thể giết một số lượng trâu khống lồ bằng cách phát lệnh cho cả đàn trâu chạy về phía vách đá. Động vật phản ứng lại những bằng chứng xã hội vang vọng quanh chúng và không bao giờ tìm kiếm xem điều gì xảy ra phía trước – mà luôn làm theo đám đông. Một người quan sát ngạc nhiên với hiện tượng này đã miêu tả sự tin tưởng thường trực (đến ám ảnh) của những con trâu vào kiến thức tập thể là những hậu quả chết người:
Bằng cách này, người da đỏ có thể dụ được cả bầy trâu dồn về phía vách đá và khiến chúng rơi xuống chồng đống lên nhau, những con đi đầu bị những con phía sau xô đẩy và tất cả những con còn lại sẽ làm theo.
Và như vậy, những người đi máy bay bị phụ thuộc vào phi công nên khôn ngoan lướt nhìn qua những ô cửa sổ thường xuyên. Tương tự như vậy, chúng ta cần thường xuyên nhìn quanh khi bị “khóa” vào các bằng chứng của đám đông. Nếu thiếu sự bảo vệ đơn giản này khỏi những bằng chứng xã hội sai lầm, khả năng thành công của chúng ta cũng sẽ giống những người lái xe trên đường một hàng và những con trâu Bắc Mỹ: đâm sầm vào nhau.
CÂU CHUYỆN BẠN ĐỌC
Từ một người từng làm việc ở trường đua
“Tôi nhận ra cách làm giả bằng chứng xã hội vì lợi ích cá nhân khi đang làm việc tại một trường đua ngựa. Để giảm tỷ lệ may rủi và kiếm được nhiều tiền hơn, một số người đánh cược giỏi có thể “thống trị” cộng đồng bằng cách đánh cược vào những con ngựa kém hơn.
“Tỷ lệ tại cuộc đua ngựa được tính dựa trên lượng tiền được đánh cược vào đâu. Càng nhiều tiền được đặt vào một con ngựa, tỷ lệ càng thấp (càng tốt). Điều ngạc nhiên là rất nhiều người chơi cá ngựa lại không có chút kiến thức nào về tính toán cá cược. Đặc biệt là họ không biết nhiều về những con ngựa trong một cuộc đua cụ thể, họ đánh cược chỉ vì ưa thích. Vì bảng ghi số tiền cược vào các con nghỉ (bảng điện tử) hiển thị các tỷ lệ theo từng phút, mọi người đều có thể biết con ngựa nào được ai ưa thích. Hệ thống mà người có thể lực lớn có thể sử dụng để làm thay đổi tỷ lệ thực ra rất đơn giản. Trước khi đánh cược, trong đầu anh đã chọn sẵn một con ngựa có nhiều cơ hội chiến thắng. Sau đó, anh chọn con ngựa có tỷ lệ cao (chẳng hạn, 15 ăn 1) và cơ hội chiến thắng gần như không có. Thời điểm các cửa sổ cá cược cùng mở, người này đặt 100 đô–la vào con ngựa kém hơn khiến cho con ngựa của anh được ưa thích ngay lập tức và tỷ lệ của nó trên bảng giảm xuống chỉ còn khoảng 2 ăn 1.
“Đến đây, các nhân tố của bằng chứng xã hội mới bắt đầu phát huy tác dụng. Những người chưa biết nên đặt cược vào con nào sẽ nhìn lên bảng tiền cược và nhìn xem con ngựa nào đang được một nhân vật có thế lực lựa chọn, và họ sẽ cược theo. Hiệu quả lan truyền sẽ diễn ra khi những người khác cũng bắt đầu cược con ngựa được yêu thích. Tại thời điểm đó, nhân vật này mới quay ngược trở lại cửa sổ và đánh cược đậm vào con ngựa ưa thích thật sự của mình – con ngựa hiện thời có tỷ lệ tốt hơn vì con ngựa “mới được ưa thích” đã đẩy bảng tiền cược xuống. Nếu người này thắng, số tiền đầu tư 100 đô–la ban đầu đã mang lại giá trị cao gấp nhiều lần.
“Tôi đã tận mắt chứng kiến việc này. Tôi còn nhớ một lần, một người đã đặt 100 đô–la vào con ngựa có tỷ lệ 10 ăn 1, khiến nó bỗng nhiên trở thành con ngựa mới được ưa thích. Những lời đồn đại bắt đầu lan ra những người đang dò la tin tức. Điều tiếp theo là tất cả mọi người (trong đó có cả tôi) đều đặt cược cho con ngựa này. Rất nhiều người mất nhiều tiền, một vài người mất trắng. Chúng ta không bao giờ biết ai đã gây ra điều này, còn ông ta ra về với toàn bộ số tiền. Bởi đơn giản ông ta hiểu lý thuyết bằng chứng xã hội”.
Một lần nữa, chúng ta có thể thấy bằng chứng xã hội phát huy quyền năng nhất đốt với những người cảm thấy giống hay không chắc chắn trong một tình huống có thế nào đó, và kết quả là họ phải nhìn vào các biểu hiện bên ngoài để tìm kiếm bằng chứng cho cách xử sự tốt nhất.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.