Tiền bạc bạc tiền

Chương 3



Hiếu Liêm làm thầy giáo dạy tại trường Chợ Ðũi, tuy lương bổng ít nhưng mà anh ta ăn ở cần kiệm, không ưa chơi bời, ban đêm thì đọc sách hoặc nói chuyện với mẹ mà thôi, chớ không coi hát, mà cũng không ngồi nhà hàng, bởi vậy tháng nào cũng còn dư được năm mười đồng bạc.

     Cao Thị thấy con tánh nết như vậy thì bà mừng thầm, mà Hiếu Liêm làm cho mẹ hết cực khổ, khỏi mua gánh bán bưng nữa, thì anh ta cũng toại chí.

     Chuyến tàu nào ở ngoài Bắc Kỳ chạy vô cũng đều có thơ của Bá Kỳ gởi thăm, mà Hiếu Liêm được bức thơ nào cũng đều có hồi âm hết thảy. Hai anh em tuy cách mặt nhau song thơ tín vô ra hoài, nên tâm sự đều biết nhau hết cũng như ở gần. Mà trong thơ hai người nói chẳng sót một việc nào, duy có việc Thanh Kiều thì chẳng hề nói tới nữa.

     Lúc đầu tháng Novembre, Hiếu Liêm đương ngồi dạy học, bỗng tiếp được một bức thơ, coi chữ đề ngoài bao thì biết là thơ của Bá Kỳ nên lật đật giở ra mà đọc. Thơ nói như vầy:

      “Hà Nội, le 25 Octobre 192…

      “Bạn rất yêu mến ôi,

      “Tôi mới tiếp được thơ của ba tôi cho tôi hay rằng Ba với Má tôi đã gả em tôi, là con Thanh Kiều, cho thầy thuốc Hà Thái Thường ở nhà thương Chợ Rẫy… Ngày 11 Novembre tới đây sẽ cho đi lễ hỏi, rồi đợi Ba tôi tranh cử Hội đồng xong rồi, nghĩa là qua tháng Giêng hoặc tháng Hai, sẽ cho cưới.

      “Tôi hay tin ấy tôi lấy làm buồn hết sức. Ðã biết sự gả em tôi lấy chồng về quyền Ba Má tôi định, Ba Má tôi liệu chỗ nào nên thì gả, tôi không phép ngăn cản. Nhưng tôi buồn vì Ba Má tôi gả em tôi cứ chủ tâm về tiền bạc nhiều, về danh dự giả mà thôi, chớ không chịu lựa kẻ trung hậu, hiền lương, không chịu hiểu người tốt quý hơn chức lớn.

      “Bạn ôi! Tôi vẫn biết tánh bạn cứng, chí bạn cao, dầu bạn không được vào làm rể nhà tôi thì bạn cũng không tiếc gì; nhưng mà theo phận tôi, thì tôi tiếc lắm, tiếc tình thân ái của hai ta không được khắng khít thêm, tiếc lòng tri nh bạch của em tôi không được hiệp với lòng khẳng khái của bạn.

      “Thôi, nhơn duyên tại trời định, vậy xin bạn chớ khá buồn. Dầu nhơn tình ấm lạnh, thế cuộc đổi dời, miễn hai ta đừng bội nghĩa vong tình thì thôi.

      “Sau nầy tôi gởi lời chúc bạn bình an và xin bạn thưa giùm với bác rằng tôi kính dưng cho bác đôi chữ phúc thọ.

      Trần Bá Kỳ

      bái thơ

     Hiếu Liêm đọc thơ mà nước mắt chảy rưng rưng, trong lòng đau đớn vô cùng. Anh ta không muốn cho học trò thấy sắc buồn của anh ta, nên lật đật xếp thơ bỏ vào túi rồi lấy sách ra cắt nghĩa bài cho học trò đặng khuây lãng.

     Tan học rồi, Hiếu Liêm về nhà, ngó thấy mặt mẹ, sực nhớ mấy lời của Ðỗ Thị khinh khi hồi trước, thì càng thương càng kính mẹ nhiều hơn nữa, mà kính thương mẹ bao nhiêu cũng hờn giận vợ chồng Bá Vạn bấy nhiêu. Anh ta thầm nghĩ, nếu mẹ hay việc Thanh Kiều thì mẹ buồn chớ không ích gì, nên anh ta không dám nói việc ấy ra, mà lại sợ mẹ biết mình buồn, rồi mẹ hỏi nên phải ráng làm vui như thường.

     Ðêm ấy, Hiếu Liêm nằm coi sách, tính chờ cho mẹ ngủ rồi sẽ lấy bức thơ của Bá Kỳ ra mà đọc lại. Anh ta cầm cuốn sách, tuy mắt ngó theo hàng chữ, song trí vẩn vơ nơi khác, nên đọc hoài mà không hiểu chi hết.

     Khi Hiếu Liêm thấy mẹ vô mùng rồi, anh ta mới lén lại bàn mà ngồi và móc thơ trong túi ra mà đọc. Anh ta đọc đi đọc lại hai lần, châu mầy nhăn mặt thắt ruột chạnh lòng. Anh ta nhớ lời kiêu căng của Ðỗ Thị thì giận, nên dầu không được làm chồng Thanh Kiều không tiếc gì, song nhớ tới sự chồng cưới Thanh Kiều thì uất ức xốn xang như ai đấm ngực bầm gan không thể chịu được. Anh ta đọc thơ tới câu: “Thôi nhơn duyên tại trời định, vậy xin bạn chớ buồn” thì anh ta lại càng buồn hơn nữa. Biết đâu là nhơn duyên? Ai dám chắc mình không có duyên nợ với Thanh Kiều. Nếu không có duyên nợ thì lẽ nào trời lại xui cho Bá Kỳ bày chuyện như vậy. Nếu không có duyên nợ thì sao mình nghe Thanh Kiều có chồng mình lại tức giận. Ðừng buồn sao đặng mà bảo đừng buồn! Thôi, trong ít ngày nữa đây, Thanh Kiều sẽ làm vợ ông thầy thuốc sang trọng hơn mình biết dường nào! Thanh Kiều ôi, em không có lòng thương qua chút nào hay sao? Em đành lấy chồng hay sao? Em là em ruột của Bá Kỳ, mà Bá Kỳ thương qua, sao em không thương?

     Hiếu Liêm nghĩ tới đó thì đớn đau quá, chịu không nổi, nên hai tay chống trên bàn rồi ngồi ôm đầu mà khóc.

     Cao Thị nằm mơ màng chớ chưa ngủ, bỗng nghe tiếng khóc thút thít không rõ ai khóc ở đâu, nên giở mùng chui ra, chừng ngó thấy con nước mắt chàm ngoàm, bà kinh hãi, lật đật hỏi con coi có việc gì quan hệ đến nỗi thảm sầu như vậy.

     Hiếu Liêm lỡ cấp không thể giấu diếm việc riêng của mình nữa được, đã vậy mà tình uất ức chất chứa tràn trề trong khi cần phải tỏ ra để giảm bớt thảm sầu, nên ngồi và khóc và thuật rõ đầu đuôi mọi việc lại cho mẹ nghe, thuật chuyện Bá Kỳ tính với mình trên xe, thuật lời kiêu căng của Ðỗ Thị trong lúc đêm vắng, rồi cũng đọc bức thơ mới tiếp hồi chiều nữa, chẳng giấu một chỗ nào hết.

     Cao Thị ngồi chăm chú nghe, sắc mặt như thường, không buồn mà cũng không giận. Chừng Hiếu Liêm nói dứt bà mới nói rằng:

–       Phận người ta giàu sang, còn phận mẹ con mình nghèo hèn, tự nhiên người ta khinh thị mình, ấy là tình thường, con giận làm chi. Con hãy nghe lời mẹ, cứ nắm giữ nhơn nghĩa mà ở đời, ai giàu sang mặc họ, con đừng thèm đua bợ ganh ghét ai, tự nhiên con vui vẻ. Vợ chồng ông Bá Vạn chê con hèn hạ không chịu gả con gái cho con thì thôi, người giàu sang mà tánh tình như vậy con cũng chẳng nên tiếc làm gì. Mà sao con nghe cô Thanh Kiều lấy chồng con lại tức, thế khi con có tình riêng với cô Thanh Kiều hay sao?

Hiếu Liêm cúi mặt xuống bàn nói nhỏ nhỏ rằng:

–       Con thương cô lắm.

Cao Thị nghe mấy lời thì biến sắc, ngồi suy nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:

–       Vậy mà cô có thương con hay không?

–       Thưa, con không biết lòng cô được. Thuở nay con tới lui chơi với Bá Kỳ thì cô vui vẻ tử tế vậy thôi, chớ cô không tỏ ý chi khác.

–       Nếu vậy thì cô có tình gì với con đâu mà con thương. Hay là con thấy cô giàu có nên con thương, phải hôn?

–       Thưa, má nói như vậy thì hèn cái tình của con quá. Con thương Thanh Kiều là vì nết vì hạnh, chớ tiền bạc mà sá gì.

–       Người ta đã khinh thị con, mà con còn thương người ta làm chi?

–       Khinh thị con là mẹ của cô, chớ cô có nói tiếng chi đâu.

–       Nếu cô có lòng thương con thì có lẽ nào cô lại chịu ưng chỗ khác.

     Hiếu Liêm nghe câu ấy thì châu mầy, ngồi gãi đầu một hồi rồi đứng dậy, bộ giận lắm nên nói rằng:

–       Rau nào sâu nấy, mẹ như vậy thì con cũng chẳng khác gì.

     Anh ta quày quả dẹp đèn đi ngủ, không thèm tưởng tới Thanh Kiều nữa, mà có nhớ tới thì là giận, chớ không phải buồn như trước vậy.

     Cách năm ngày sau, nhằm chúa nhựt, sớm mai thức dậy, Hiếu Liêm thay áo đổi quần rồi đi ra chợ Bến Thành cũ mà chơi. Vừa quẹo qua dãy phố chà-và[1] bán vải, anh ta dòm thấy xe hơi của Bá Vạn đậu dựa lề đường, trên xe có một mình Thanh Kiều ngồi mà thôi, mà mặt mầy buồn xo chớ không phải tươi tắn sáng sủa như khi trước vậy. Anh ta ngó cô trân trân, chừng đi lại gần cô day qua ngó thấy, cô vùng la lên một tiếng rồi lật đật mở cửa xe tính leo xuống. Hiếu Liêm ngó cô hoài, có ý làm cho cô biết mình đã thấy cô, rồi day mặt chỗ khác mà đi tuốt, dường như người thuở nay không quen biết chi hết vậy.

     Hiếu Liêm đi khỏi rồi trong bụng nói thầm rằng: “Nó đi mua đồ về sửa soạn dọn đám hỏi đa”. Về đến nhà, anh ta cũng thuật việc ấy cho mẹ nghe, mà trong lời nói của anh ta thì nghe có hơi oán hận, chớ không phải sầu thảm như trước nữa.

     Còn Thanh Kiều tình cờ gặp Hiếu Liêm, cô lật đật xuống xe chắc là ý cô muốn tỏ chuyện chi đó, bởi vì cô thấy Hiếu Liêm làm lơ bỏ đi tuốt rồi, thì cô ngồi lại, mặt mầy tái lét, cặp mắt nháy lia, quày đầu ngó theo Hiếu Liêm rồi lại lấy khăn nhỏ ra lau nước mắt.

     Ðến ngày thầy thuốc Thái Thường đi lễ hỏi thì nhà Bá Vạn khách đông dày dày, lại cũng có rước bà Phủ Khánh Long ra thị sự nữa. Trong tiệc chủ khách chẳng nói chuyện chi khác hơn là chuyện tranh cử Hội đồng, mà nói chuyện tranh cử thì ai cũng ngợi khen tài đức của Bá Vạn và ai cũng chắc Bá Vạn sẽ đắc cử.

     Tuy Bá Vạn là người ở trong bực hàn vi mà xuất thân vốn đã nếm đủ mùi đời cay đắng, vốn đã từng quen đen bạc nhơn tình, nhưng vì lời khen tiếng chúc vấn vít bên tai hoài, rồi đắc ý phỉ tình, trong trí tưởng có một mình anh ta đáng làm Nghị viên Hội đồng Quản hạt mà thôi, chớ không còn ai nữa hết, nên sốt sắng quyết lo cho được, thường nói với vợ con cùng người thân thích rằng dầu hết nhà anh ta cũng vui lòng.

     Ðỗ Thị có ý ham làm “bà Hội đồng” nên thấy chồng như vậy bà càng vui mừng, vợ chồng hiệp ý đồng lòng, nay tiếp khách, mai đi làm quen, xài phí luôn mấy tháng, đến chừng quan định ngày cử thì tốn hao đã hơn ba ngàn đồng bạc.

     Rủi cho Bá Vạn, kỳ tuyển cử nầy có hai người đối đầu, một là Lý Thiên Thành ở Chợ Lớn, tuy nhà không giàu lớn song có tài học rộng lại có danh nhiều, hai là Lê Văn Bính ở Khánh Hội, sự nghiệp đến hai ba chục muôn, nên cũng quyết thí năm bảy muôn ra mà mua chức.

     Tuy Bá Vạn biết tài của mình không bằng Lý Thiên Thành, còn thế của mình không bằng Lê Văn Bính, nhưng vì lòng ham muốn đã tràn trề không thể dằn lại được, lại lỡ tốn hao đã nhiều rồi không lẽ nhịn thua, bởi vậy anh ta nhắm mắt đánh liều, xuất tiền bạc mà mua thăm, họ mua bao nhiêu mình cũng mua bao nhiêu, lại hứa đến ngày chót sẽ trao thêm cho cử tri mỗi vị vài ba đồng bạc đặng đi xe nữa.

     Ðến kỳ tuyển cử, Bá Vạn lớp mướn xe hơi để đi rước cử tri , lớp mướn tiệm cơm để đãi cử tri ăn uống, tiền bạc tuôn ra như nước chảy, mấy người lãnh đi lo hễ hỏi bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu. Té ra chừng khai thùng thăm rồi thì Bá Vạn tuy thắng số thăm hơn hai người kia, song chẳng được phân nửa số người có đi bỏ thăm, nên quan trên định hai tuần lễ sau sẽ bỏ thăm mà cử lại.

     Vợ chồng Bá Vạn về đến nhà tính lại thì tốn hao trong mấy ngày sau đây đã gần mười một ngàn đồng. Bá Vạn biến sắc, thấy tốn hao quá thì giựt mình, nên nằm xụi lơ, cứ nhắm mắt mà thở dài, không nói chi hết.

     Mấy người lãnh đi lo giùm, mỗi người đều có một cái xe hơi, lục đục đều tựu về nhà đủ mặt, kẻ đấm ngực than tức, người châu mầy làm giận, ai cũng nói kỳ thứ nhì hễ ai nhiều thăm hơn hết thì được, chẳng luận số bao nhiêu, và ai cũng khuyên Bá Vạn đừng thối chí, bởi vì mình đã nhiều thăm hơn hết, lại Lê Văn Bính có tiền nhiều mà anh ta đứng chót, thế thì kỳ thứ nhì chẳng sợ gì.

     Ðỗ Thị và Bá Vạn nghe lời hữu lý thì bớt buồn, nên tính tranh nữa, chớ không chịu nhịn thua.

     Khách ăn uống rồi tản lạc về nghỉ. Vợ chồng Bá Vạn tính sổ lại thì tiền tốn hao từ cuộc tuyển cử từ khi mới khởi ra cho đến ngày ấy, kể hơn mười bốn ngàn đồng. Bá Vạn suy nghĩ nếu ra tranh cử lần thứ nhì, chắc là còn phải tốn trên một muôn nữa, mà trong nhà bạc mặt chỉ còn có vài ba ngàn mà thôi, thì làm sao mà lo cho đặng. Bá Vạn tính đi vay bạc xã- tri , thêm một muôn. Ðỗ Thị nghe nói đi vay thì giựt mình, vì sợ nếu trật cử rồi lấy bạc đâu mà trả nợ, nên khuyên chồng vô năn nỉ với bà Phủ Khánh Long mà mượn, chừng nào bà không cho mượn rồi sẽ hay.

     Bá Vạn nghe lời vợ đi mượn bạc của chị. Bà Phủ lắc đầu mắng Bá Vạn tính chuyện bá láp uổng tiền nên bà nhứt định không cho. Bá Vạn mượn bạc không được mà lại còn bị mắng thì giận nên về ghé nhà xã- tri thế bằng khoán nhà đất mà xin vay mười ngàn đồng, quyết tranh cử cho được rồi nhiếc chị lại cho đã nư giận.

     Ðỗ Thị sợ nửa chừng mà hụt tiền thì khó nên lén đem hột xoàn thế cho bà Ðội Thinh rồi vay thêm ba ngàn nữa mà để sẵn trong nhà.

     Cuộc tuyển cử lần thứ nhì tranh với nhau còn kịch liệt hơn lần trước nhiều nữa. Lê Văn Bính sai người đi rảo khắp các làng các tổng mà đưa trước cho cử tri mỗi vị hai mươi đồng. Bá Vạn hay tin ấy thì kinh tâm, song không lẽ nhịn thua, nên phải tăng số đưa cho mỗi người hai mươi lăm đồng.

     Lý Thiên Thành thấy thái độ của cử tri hèn hạ, ai cũng quyết đem quyền bỏ thăm ra đấu giá mà bán, chớ không biết dùng quyền ấy mà lựa người xứng đáng đặng bầu cử để thay mặt lo những việc ích quốc lợi dân, bởi vậy anh ta thối chí ngã lòng, còn vài ngày nữa tới bỏ thăm, anh ta cáo thối không thèm tranh nữa.

     Bá Vạn nghe Thiên Thành thối rồi thì mừng thầm, chắc rằng những người bỏ thăm cử Thiên Thành kỳ trước, thế nào kỳ nầy họ cũng về theo mình, chẳng dè đến ngày chót, Lê Văn Bính sai người đi rảo trong các làng mà đưa thêm cho mỗi cử tri mười lăm đồng bạc nữa nên đến chừng khai thăm rồi thì Bá Vạn thua Lê Văn Bính mười hai thăm.

     Bá Vạn trật cử, tối tăm mầy mặt muốn té xỉu. Mấy người quen áp lại đỡ rồi dắt ra xe hơi. Ðỗ Thị đã nghe tin rồi, nên ngồi trong xe mà chết điếng trong lòng, nước mắt tuôn ra hoài lau không ráo.

     Vợ chồng Bá Vạn đi về dọc đường cứ lặng thinh không nói một tiếng. Chừng về tới nhà, Bá Vạn đi thẳng lên lầu rồi vô mùng mà nằm không kịp thay áo đổi quần, còn vợ thì nằm tại bộ ván để từng dưới, khăn đậy mặt, tay vắt ngang qua trán cũng như người ngủ.

     Mấy ngày trước thiên hạ lui tới đầy nhà, ăn uống vui cười nói chuyện inh ỏi. Bữa nay tiu hiu không thấy ai tới nữa, mà một lát có một người ghé, ấy là ghé xin tiền đặng trả tiền xe mà thôi, song thấy Ðỗ Thị nằm dàu dàu không dám hỏi rồi bước nhẹ nhẹ trở ra đi mất.

     Ðêm ấy Bá Vạn nằm nóng vùi, nên mê man không biết chi hết. Rể là Như Bình kiếm dầu mà thoa đỡ, còn Thanh Huê với Thanh Kiều thì lăng xăng trong nhà mặt mà buồn xo. Sáng bữa sau, Bá Vạn hết mê, song trán sờ cũng còn nóng hực. Ðỗ Thị ép chồng ráng uống một chén sữa, rồi sai Như Bình vô nhà thương Chợ Rẫy kiếm thầy thuốc Thái Thường đặng biểu ra chẩn mạch rồi điều trị giùm cho đắc ý. Ðến trưa, Thái Thường mới ra chẩn mạch rồi viết toa biểu kẻ gia dịch ra Sài Gòn mà mua thuốc.

     Ðỗ Thị trong lòng sầu não hết sức, phần thì trật cử hổ thẹn, phần thì tiền bạc hết, mà lại còn thêm mang nợ nữa. Bà muốn tỏ thiệt việc nhà cho Thái Thường nghe, song bà sợ Thái Thường biết rồi khinh khi nên bà ngại ngùng không nỡ nói. Còn Thái Thường thì ngồi chim bỉm chẳng hề hỏi thăm việc tuyển cử Hội đồng.

     Trẻ ở mua thuốc đem về. Thái Thường dặn thứ nào uống giờ nào rồi từ mà về Chợ Lớn, nói rằng để trưa mai sẽ ra mà tuần mạch lại.

     Bịnh Bá Vạn coi càng ngày càng nặng, mà Ðỗ Thị trông Thái Thường không thấy ra. Ðến chiều bữa sau mới sai Như Bình đi kêu. Tối lại Thái Thường ra tới nói rằng mình mắc gác nhà thương nên không ra thường được và khuyên Ðỗ Thị rước thầy thuốc Tây ngoài Sài Gòn đặng gần gũi cho tiện.

     Ðỗ Thị nghe lời, sáng bữa sau rước thầy thuốc Tây trị bịnh cho chồng. Bá Vạn uống thuốc gần nửa tháng mà bịnh cũng chưa giảm, lại cũng không thấy mặt Thái Thường ra thăm viếng. Khách đến thăm ai hỏi vì sao Thái Thường không trị bịnh cho cha vợ, thì Ðỗ Thị nói rằng:

–       Nó mắc coi nhà thương, làm sao bỏ mà đi cho đặng.

      Bữa nọ, bịnh Bá Vạn trở nặng quá, vợ con đều khóc hết thảy. Lý Như Bình thấy vậy mới viết thơ rồi sai đứa ở đi vô Chợ Lớn mà cho Thái Thường hay. Thái Thường ra tới liền nắm tay chẩn mạch rồi lắc đầu nói rằng:

–       Sợ không xong.

     Ðỗ Thị nghe mấy lời ấy thì nhào lăn mà khóc, nghe rất thảm thiết. Thanh Kiều và Thanh Huê cũng khóc rống lên, làm cho Thái Thường với Như Bình động lòng dắt nhau bước ra ngoài.

     Ðêm ấy đúng bốn giờ khuya thì Bá Vạn tắt hơi.

     Bà Phủ Khánh Long nghe tin em chết lật đật ra thăm. Bà thấy em dâu với mấy đứa cháu níu bà mà khóc thì bà động lòng nên cũng khóc theo, song khóc một hồi rồi bà mắng nhiếc Bá Vạn dại dột không nghe lời bà, bày tranh cử Hội đồng làm chi cho tốn hao tiền bạc rồi buồn rầu đến nỗi bỏ mạng.

     Hiếu Liêm hay tin chẳng lành ấy thì lật đật lên Tân Ðịnh mà tỏ lời phân ưu cùng Ðỗ Thị và bữa tống táng Bá Vạn anh ta cũng xin phép nghỉ dạy học đặng đi đưa. Anh ta ngó thấy thầy thuốc Thái Thường thì trong lòng không vui mà lại hổ thẹn, bởi vậy hễ Thái Thường lại gần thì anh ta day mặt chỗ khác.

     Còn Thái Thường tuy trên nón có quấn một miếng nỉ đen, nhưng mà từ khi động quan phát hành cho tới hồi hạ khoán, mặt mày hớn hở luôn luôn chẳng hề có sắc bi ai, bởi vậy người không quen biết thì chẳng ai dè là rể của Bá Vạn.

 


[1] (Java), chỉ người  Ấn, Mã Lai


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.