Tình nhân
02. Chu trình kín (phần 2)
Cậu bắt đầu nhớ con tàu. Hàng tối cậu ngồi trước màn hình trong căn phòng trống trải, nghe những người mà mình không hề biết và những câu chuyện chẳng liên quan gì đến mình, bởi chúng chỉ dành cho những người ở trên bờ, uống rượu và nghĩ về chuyện mà có lần Bosman đầu tiên của cậu đã kể cho cậu nghe khi họ trực ca đêm. Đó là tàu của trường, họ đánh cá dọc biển Chile. Bosman nói rằng người đánh cá luôn nhớ. Không ngưng nghỉ. Nhớ trong một chu trình kín. Ông gọi vậy. Ở trên tàu thì nhớ nhà, nhớ người yêu hay con cái, lên bờ lại nhớ tàu, mà với một người đánh cá đích thực thì đó “là nơi duy nhất mà ở đó anh ta thấy mình còn có một ý nghĩa nào đấy”.
Bosman đó mất đã lâu rồi, nhưng Jacek vẫn hay nhớ mình lắng nghe ông như thế nào những khi ông đứng quay lưng về phía cái máy đo siêu âm hắt ánh sáng xanh nâu lên khuôn mặt gầy guộc đầy nếp nhăn của ông.
– Vì con thấy đấy, con trai ạ – ông nói dịu dàng – sau hàng tháng trời, người ta trở về nhà và trong vòng một tuần, ngày nào cũng như Giáng sinh. Chỉ không có cây Noel và thánh ca. Rất trang trọng, ai cũng tốt với anh, mọi người đều muốn tạo cho anh một niềm vui nào đó và coi anh như một tặng phẩm mà họ tìm thấy dưới cây Noel. Nhưng sau đó Giáng sinh kết thúc và mấy ngày lễ qua đi, những ngày thường lại đến. Với họ đó là bình thường. Nhưng với anh thì không. Anh có những món nợ cực lớn từ cái gọi là cuộc sống bình thường, vậy là anh bắt đầu làm bù một cách tham lam, vội vã. Chẳng ai yêu cầu, nhưng anh vẫn kiểm tra bài vở của lũ trẻ, anh lôi sách vở của chúng từ cặp ra mà không hỏi một lời, anh đến trường gặp cô giáo cho dù chẳng có ai ở đó muốn nhìn thấy anh, nói chuyện với anh lại càng không, và anh nhất thiết muốn đá bóng dưới sân với cậu con trai cho dù có đang là cuối tháng Giêng đi nữa. Ngoài ra anh còn muốn tối nào cũng cùng vợ đi phố hoặc lên giường. Anh không thể hiểu, rằng cô ấy đang bị đau bụng vì đang bẩn mình, rằng cô ấy mệt mỏi sau một ngày làm việc, rằng cô ấy đang trong đợt ăn kiêng, đã quen với cốc trà xanh với chanh và yaourt không béo thay vì một bữa tối thịnh soạn, phim truyền hình nhiều tập và một giấc ngủ yên tĩnh không có tiếng ngáy trên chiếc giường rộng rãi với cửa sổ mở rộng trong phòng ngủ có cái tủ mà ở đó không có bất cứ một ngăn nào để anh có thể cất pizama và quần áo của mình.
Họ mở anh ra, con trai ạ, như mở một gói quà dưới cây Noel, vui được chốc lát rồi cất anh vào một góc nào đó bởi họ còn có những việc quan trọng hơn phải lo. Họ yêu anh, nhưng là anh của những ngày đi vắng. Cái người thỉnh thoảng gọi điện về, về nhà với những món quà, gửi những bưu ảnh sặc sỡ từ Macao gần Hongkong và có mặt trong cuộc sống của họ như một cuộc đến thăm ngắn ngày. Khi cuộc thăm viếng kéo dài, anh bắt đầu đơn giản là làm phiền họ. Nhưng bởi vì anh, con trai ơi, anh không phải là vị khách bình thường để người ta có thể vì tiện lợi hay tính toán mà quên đi được, và anh ở lại quá lâu, anh lại là bố, là chồng hoặc là người yêu nên họ rất khó nói thẳng điều đó với anh. Song anh nhìn thấy điều đó và cũng như họ kín đáo chờ ngày anh ra khơi, anh cũng kín đáo chờ ngày trở lại con tàu. Và anh nhớ. Lần này thì nhớ cabin của anh, nhớ người cấp dưỡng đã làm cháy món trứng chưng trong ngày thứ hai mươi mốt của chuyến đi, khi theo thống kê thì buổi nhiều người lên mạn tàu nhất, vì căng thẳng và tò mò, xem tời sẽ kéo được gì từ biển lên và cũng vì niềm vui được xé lịch vào mỗi tối. Và khi anh nghĩ về cái tờ lịch ấy khi anh đã ở đó, trong ngôi nhà của mình, lúc vẫn còn được ở trên bờ hoặc nằm trên giường bên cạnh người đàn bà đang ngủ thì anh khép lại chu trình vào thời điểm đó.
– Nhưng cậu vẫn còn trẻ, con trai ạ. Cậu hoàn toàn không bắt buộc phải đánh cá. Cậu có thể ra khỏi cái chu trình ấy, chưa phải là quá muộn.
Song Jacek không từ bỏ chu trình ấy. Cũng giống như ông thôi. Bởi bất cứ ai sớm muộn gì thì cũng gặp được một Bosman giỏi về lý thuyết chu trình kín. Nhưng dẫu vậy, phải nhiều năm sau cậu mới tin vào nó. Nhưng khi đó thường là đã quá muộn để dừng chu trình đó lại.
Jacek luôn yêu những phụ nữ chẳng ra gì.
Người tập sự phải bỏ một chuyến đi vì gãy chân. Anh ta phải chờ trên bờ và bao giờ cái chân ấy phục hồi, anh ta sẽ đi trên các tàu hoa tiêu dẫn tàu vào cảng. Sau đó sẽ quay lại tàu và được biên chế có thể không còn là một người tập sự, mà như một thợ đánh cá trẻ. Anh ta gặp cô người yêu của Jacek vào một tối nào đó, khi đã say họ gọi điện đến một trung tâm môi giới tìm bạn ở Swinoujscie. Có hai cô gái đi taxi đến. Anh ta nhớ khuôn mặt cô ta từ bức ảnh được đính trên tường ở chỗ giường của Jacek. Anh ta nhớ cả những bài thơ mà thỉnh thoảng Jacek vẫn đọc, khi đã say. Và anh ta nhớ là thỉnh thoảng Jacek còn khóc nữa. Bởi trên tàu đánh cá, người tập sự ít quan trọng tới mức không chỉ không có số chờ lên bờ mà những người đánh cá lâu năm hơn còn có thể khóc trước mặt anh ta.
Anh ta nói dối là không được khỏe. Cả hai cô gái đều lên giường của anh bạn. Anh ta uống nốt ly rượu của mình và để lại phần tiền phải thanh toán rồi đi ra.
– Bos, cô ấy bỏ cháu… Bos!!!
Họ ra khơi từ Halifax ngay sau ba giờ sáng. Sau sáu giờ mười lăm phút dừng lại.
Anh thức dậy vào khoảng tám giờ. Kể từ lúc trực thăng của trạm trực ven biển Canadađưa Jacek đến bệnh viện ở Halifax sau vụ tai nạn thì chỉ còn lại mình anh trong cabin. Anh dậy, lấy chăn của mình, chăn trên giường Jacek, xỏ đôi tất ấm màu xanh tím than của Alicja đan cho, đút bao thuốc lá vào túi và đi ra mũi tàu. Đã rõ, họ không đến ngư trường và không thả lưới trước buổi chiều.
Anh ngồi trên boong, sau cái máy thả neo cho đỡ gió. Ở chỗ này thì mọi người trên cầu tàu không thể nhìn thấy anh. Anh nhìn đường chân trời. Toàn bộ một màu xám. Anh châm thuốc. Biển đen bàng bạc, ánh lên màu kim loại xỉn, như thủy ngân. Một bóng mây khổng lồ lơ lửng bên trên. Tối và u ám. Tất cả các sắc thái của sự u ám. Gió như xui người ta tự vẫn. Chỉ có cái động cơ là quấy rầy. Vẫn có những khoảnh khắc như vậy, thường là sau một cơn bão và ở vùng Atlantic, khi sóng lặng. Vào buổi chiều. Bóng mây che khuất mặt trời. Màu xám của nước chuyển thành màu xám của không khí lúc nào không rõ. Nếu nghiêng người xuống mạn tàu, thả tay khỏi lan can, cho người rơi và chìm xuống làn sóng im lìm và không nghe thấy tiếng động cơ, thì có thể có cảm giác không trọng lượng trong cái màu xám ấy. Như thể thời gian ngưng lại và không gian không có điểm gốc. Nhiều người đã đến với cái trống rỗng ấy qua mạn tàu và chìm trong màu xám ấy. Họ đặc biệt sẵn lòng làm việc đó khi nỗi đau của cuộc đời giết chết niềm vui của cuộc đời. Dường như ngẫu nhiên, bởi đó là thất bại của người đánh cá, ra đi như vậy, cúi xuống hơi quá một chút và rơi vào cái màu xám ấy để lại đám nước bắn tung tóe. Vĩnh biệt. Con người chưa biết gọi sự kỳ lạ ấy và cả trạng thái tinh thần ấy của con người khi sau làn sóng im lìm kia là một màu xám, là gì. Kể cả trong môn tâm lý học cũng như bên bàn rượu trong các cabin trên tàu. Mãi sau đó, vào buổi tối, lúc ăn tối trong phòng ăn mọi người mới nhận ra là thiếu mất một ai đó. Họ thậm chí không biết phải tìm ở đâu. Do đó không để tâm đặc biệt mà chỉ ghi vào nhật ký tàu, rằng “số nhân viên bị giảm” và gửi fax cho chủ tàu đề nghị thông báo cho gia đình.
Thỉnh thoảng anh cũng nghĩ đến chuyện tự vẫn. Nhưng anh không bao giờ chỉ đơn giản nhảy qua mạn tàu. Có thể gần Kapsztad, Mauretania hay đảo Canada. Nhưng không phải ở đây. Ở Funlandia này. Ở đây nước mặn hơn và nhiệt độ thường dưới không, mà anh thì đơn giản là không chịu được lạnh. Alicja thức giấc vào ban đêm và đắp lại chăn cho anh, để anh không bị lạnh. Thỉnh thoảng anh tỉnh dậy, mở mắt, ôm hôn cô. Và sau đó cầm hai bàn chân lúc nào cũng lạnh ngắt của cô. Và họ rất hay ngủ như vậy. Bởi họ rất chú ý sao cho không ai bị lạnh. Cả trên giường, cả trong tim. Cho nên anh chắc chắn không khoái cái nước lạnh ở Fundlandia. Nếu đã chết thì phải khi nào thấy dễ chịu và nói chung là phải theo kiểu mà mình thích nhất. Biết đâu, đó sẽ chẳng là kỷ niệm cuối cùng.
Anh nghĩ đến tự vẫn thường là khi họ trở về đất liền. Tất cả mọi người đều chờ đợi, hưng phấn một cách long trọng, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, cạo râu đến lần thứ hai hay thứ ba trong vòng hai giờ cuối, kiểm tra xem quà cáp đã được gói ghém chưa, mặc dù chúng đã được gói và nằm ngay ngắn trong tủ ngay từ lúc tàu qua eo biển Đan Mạch vào đến Baltic – còn anh lại cảm thấy buồn vì chuyến đi đã kết thúc.
Bốn năm trước đây anh cũng cạo râu hai lần trong vòng hai giờ đồng hồ. Và cũng sờ vào những món quà đã được gói từ lâu. Và nhai bốn cái kẹo cao su, để khi hôn Alicja không nhận thấy mùi rượu mà anh đã uống với Jacek sau bữa sáng. Họ cập bến nhưng không thấy cô. Anh gọi điện cho mẹ cô ở Poznan. Không có ai nhấc máy. Sáu tiếng sau, anh trai cô đi taxi đến. Cô đã mượn ôtô của anh ấy. Cô muốn làm anh bất ngờ và sẽ đón anh lên ôtô rồi đi thẳng đến Gdansk để ra mắt bố. Họ định cưới ở Gdansk. Đến Pila, một chiếc xe tải kéo rơmooc vì không muốn đâm vào một chiếc xe không đèn do một gã say rượu lái nên đã phanh gấp. Rơmooc xoay kéo trên đường, nhưng trước khi dừng lại nó đã thúc xe của Alicja vào cầu cạn. Cảnh sát nói rằng tất cả đều bị nghiền nát, thậm chí cả hai cái biển số, cho nên chắc chắn Alicja đã không phải chịu đau đớn.
Họ quen nhau được năm năm thì anh cầu hôn cô. Sau một năm họ đã cùng sống ở Poznan. Một tháng sau, lần đầu tiên anh nhìn thấy cô khỏa thân. Cô đưa anh đến triển lãm của Warhol ở Vacsava. Họ thuê khách sạn. Cô vào phòng tắm trong bóng tối hoàn toàn, khi cô quay ra, vì muốn tìm đồng hồ để xem giờ nên anh đã bật đèn ngủ. Cô đứng trước anh mặt đỏ bừng vì xấu hổ, còn anh không giấu nổi sự lúng túng, đã cúi đầu không nhìn. Từ tối hôm ấy, anh thực sự cảm thấy cô là người đàn bà của mình.
Không ai có thể chờ đợi được như cô. Không một ai. Anh đi biển hàng tháng dài, còn cô thì đợi. Họ cùng bóc những tờ lịch. Họ đã hẹn nhau cả giờ. Cô, buổi tối trong phòng ngủ ở căn hộ áp mái bé tí đi thuê, còn anh ở gần Island, Labrador hay Đảo Cừu. Cho nên ngày của anh chủ yếu kết thúc ngay đầu giờ chiều.
Ngoài những đoạn trích ngắn giống hệt nhau phía sau tờ lịch, họ còn đọc cùng những cuốn sách. Cô dạy anh đọc chúng. Sau đó dạy anh yêu chúng. Cô nói về toàn bộ quãng thời gian mà anh có ở trên tàu với lòng ghen tị, và tính ngày tháng bằng những cuốn sách mà cô đã đọc xong. Cô lên cả một danh sách những cuốn sách mà “những người đàn ông đích thực phải đọc ít nhất một lần trong đời”. Cô nói gần như đùa với anh rằng những người đánh cá có rất nhiều điểm chung với những người làm văn chương. Cũng hay rượu chè như những nhà văn, cũng hay tự sát như những nhà thơ. Cô sôi nổi kể về những giấc mơ của mình, cô đã sống trong những giấc mơ ấy trong ngôi nhà nhỏ với cái phôtơi xù lông và cái lò sưởi nhỏ, với những cuốn sách của Marquez, Kafka, Camus và Dostojevski trên giá sách. Bởi Alicja muốn người đàn ông của mình phải là một người tốt và hiểu biết. Và cô có thể tự hào về người ấy. Và cô tin rằng một người đánh cá cũng có thể hiểu biết. Bởi chẳng phải “tốt, đó chính là anh” đấy sao.
Cô mua sách, bí mật cho vào vali, vào túi và vào bao thủy thủ của anh. Sau đấy anh thấy chúng giữa những cái quần được gấp lại, giữa đám tất và đồ lót, ngập trong cái túi nylon dưới hàng cân kẹo sữa, loại kẹo mà anh cực thích, hoặc trong các hộp cáctông đựng giày, những đôi giày cô mua cho anh. Ở cảng hoặc khi họ áp mạn tàu hậu cần để lấy đá, nước ngọt, đổi lưới hay sửa chữa các sự cố, bao giờ cũng có thư và những gói sách đang chờ anh. Anh không còn chỗ để cất sách trong cái cabin chật hẹp chung với Jacek. Có lần anh hỏi người quản lý xem có thể để chúng trên cái giá trống trên vô tuyến ngay lối vào phòng ăn sĩ quan được không.
– Tất nhiên là có thể. Sách thì đám này không đọc đâu, nên họ sẽ không cuỗm của cậu. Họ thích mấy cái tạp chí khỏa thân ở chỗ tay thợ điện hơn.
Viên quản lý đã nhầm. Rất nhầm. Chỉ sau một tuần, sách bắt đầu biến khỏi giá sách. Mấy ngày sau lại quay lại. Trong các câu chuyện bên bàn ăn, trong cabin hay lúc uống rượu, hoặc khi làm việc trên boong, chẳng có ai công khai thừa nhận là đã đọc những cuốn sách để trên giá trong phòng ăn. Sau một tháng thì giá sách lúc nào cũng trống trơn. Hễ có ai để quyển nào lên đấy là nó lại biến mất liền. Vấn đề được đẩy lên, khi mọi người biết rằng tay thợ máy ba giữ sách hàng tuần trong cabin của hắn và thêm vào đó anh ta còn lấy bút bi gạch chân nhiều đoạn trong sách. Khi anh ta ký tên bằng đúng cái bút ấy vào biên lai nhận tủ thuốc cho buồng máy, bác sĩ đã phát hiện ra.
Đã có lần trong bữa tối, bác sĩ, bị kích động như thường lệ – một số người khẳng định rằng anh ta đều đều xoáy moócphin ở tủ kính trong cabin và chỉ để không ai nhận ra, uống cạn nửa chai bia có mùi cồn – bắt đầu tranh luận với người trực tổng đài về chính trị. Bao giờ cũng thế, cứ đến đề tài này là ồn ào như chợ vỡ. Đến một thời điểm nào đó, thợ máy ba, ngồi đối diện, ủng hộ người trực tổng đài. Thế là tay bác sĩ gào lên:
– Còn mày thì muốn gì nào, đồ chó chết? Mày nghĩ rằng sách là chứng chỉ cho việc đọc của mày, để mày gạch lên đó từng đoạn, để thấy rằng mày chưa hề làm tình? Hơn nữa, mày đã giữ cuốn Cái trống thiếc của Grass dưới cái gối đầy nước dãi của mày hai tuần nay rồi. Thế nào, mày định thủ dâm với cái ông Grass ấy chắc?! Sách báo khiêu dâm ở chỗ tay thợ điện vẫn chưa đủ hay sao?
Đấy, bằng cách ấy mới thấy rằng lúc rỗi rãi, những người đánh cá cũng đọc Grass, Hemingway, Dostjevski, Remarque rồi cả Anka Kowalska và Chmielewska, cho dù họ không thích thừa nhận điều này. Alicja cười khi anh kể chuyện này cho cô nghe sau chuyến đi.
Cô cười thật tuyệt. Gần đây anh nghĩ rằng anh thèm cô mãnh liệt nhất chính là khi cô cười. Có lẽ cô phát hiện ra cơ chế ấy, có thể một cách có ý thức, nên hay khiêu khích trước, để anh trêu chọc cô, và ngay sau đó họ lên giường.
Chưa bao giờ cô nghi ngờ về lòng chung thủy của anh. Bao giờ cô cũng bảo vệ quyền của mình đối với niềm tin ấy. Không bao giờ anh quên được có lần trong lúc uống rượu, ông anh trai cô đã tự hào kể lại Alicja đã trả lời khi bị một cô bạn đố kỵ đốp chát hỏi liệu cô có thực sự tin là anh chàng đánh cá của cô chung thủy với cô trong suốt những tháng dài xa nhau: “Bạn thân mến ơi, đương nhiên là anh ấy chung thủy với mình. Nhưng cho dù thế thì mình vẫn lo. Bởi nếu cứ nghĩ rằng sẽ có một đứa lẳng lơ nào đó hôn anh ấy rồi làm không như anh ấy thích, thì đơn giản là như một phụ nữ bình thường, mình rất tức”.
Sau đấy ông anh còn kể rằng cái cô bạn đưa ra câu hỏi ấy đã bị nghẹn bánh khi nghe câu trả lời, còn cô bạn “như một phụ nữ bình thường” của cô ta chẳng bao lâu sau đó chuyển đến Poznan và trong các cuộc liên hoan, câu nói ấy được kể lại như một giai thoại.
Bởi Alicja là thế. Không bị lệ thuộc. Thông minh. Đẹp. Yêu cuộc sống. Và yêu anh. Và vì vậy anh sẽ không bao giờ tự sát. Cả ở đây, cả ở bên bờ Mauretania ấm áp, cả ở bất cứ nơi nào khác. Bởi nếu thế thì với anh, những kỷ niệm sẽ chấm dứt. Những kỷ niệm ví dụ như có lần cô nói: “Bởi khi anh ở đây, thời gian trôi nhanh như thể những hạt vừng chảy khỏi cái xô thủng. Còn sau đấy, khi anh đi rồi thì cái xô bỗng được hàn kín lại, và em có cảm giác như có ai đó cứ đêm đến lại bí mật đến đây và đổ thêm vừng vào đó”.
Cho những kỷ niệm như vậy cần phải sống, thậm chí nếu không có ai để khép lại chu trình. Và rằng, những kỷ niệm sẽ mãi mãi mới. Sự thực thì không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể thay đổi những kỷ niệm.
“Bởi khi anh ở đây, thời gian trôi nhanh như thể những hạt vừng…”
Anh nghe thấy tiếng chân bước đằng sau. Có ai đó leo lên boong mũi tàu theo những bậc thang kim loại. Anh vội dùng mu bàn tay đang cầm điếu thuốc lá lau nước mắt. Khói thuốc bay vào mắt làm cho chúng càng đỏ. Bosman đến chỗ xuồng cứu sinh. Bác ta không để ý thấy anh. Bác đi về phía mũi tàu, ngồi trên cái cọc buộc neo đã bong sơn và nhìn ra biển. Bác mặc chiếc quần lao động màu tím than có hai dây chun bắt chéo nhau qua lưng. Ngoài cái áo đông xuân đã tả, bác không mặc gì hơn. Lúc ấy là âm mười độ và gió thổi mạnh.
Khuất sau xuồng cứu sinh, anh quan sát Bosman. Nếu phải mô tả bác bằng một từ, thì anh sẽ nói rằng Bosman đơn giản là một người khổng lồ. Cho tới lúc này anh chưa gặp – mà anh đã làm việc trên bao nhiêu con tàu rồi – một người đàn ông vạm vỡ và mạnh mẽ đến thế. Hai cánh tay bác thật vĩ đại. Chúng to tới mức bác không thể đeo đồng hồ, vì quai đồng hồ nào cũng quá ngắn, không một cái nào có thể vừa cho dù bác có cài ở lỗ cuối cùng. Cái lần họ dừng lại một ngày ở Plymouth ở Anh, Jacek đã đặt mua cho bác một chiếc quai đặc biệt trong một cửa hàng bán đồ trang sức và tặng bác một chiếc đồng hồ nhân dịp sinh nhật bác. Bosman xúc động vì lại có người nhớ đến sinh nhật của mình đến nỗi rơm rớm nước mắt khi nhận chiếc đồng hồ của Jacek; sau đó ở đâu và lúc nào bác cũng đeo nó. Khi moi ruột cá tay dính đầy máu, lúc đi tắm, khi kéo lưới bác đều có nó. Rồi một hôm, đơn giản là quai bị đứt, thế là Bosman đánh mất chiếc đồng hồ. Bác tìm suốt hai ngày. Bác quỳ xuống sàn tàu mà chuyển dịch từng mét một từ mũi đến đuôi rồi lại từ đuôi lên mũi, và tìm. Thậm chí bác còn xuống cả buồng máy, nơi mà bác chưa từng đặt chân tới. Một lần khi đã say, bác mới đủ can đảm để đến cabin của Jacek để xin lỗi, rằng “cậu, mẹ kiếp, tốt với bác như vậy, đã tặng bác đồng hồ, còn bác thì như một con chó con lại đi đánh mất”. Bởi Bos cảm thấy cần phải biết ơn lòng tốt.
Anh nhìn Bosman ngồi im lìm như tượng và phân vân, không biết ngồi trên cái cọc buộc neo kia, bác ấy có đang phiền muộn về một người đàn bà nào đó không? Khi anh phân vân như vậy, thì trong cái nhà tù lưu động này, nơi mà những người ngụ cư có hợp đồng lao động, có quyền đình công và ngủ ít nhất bốn tiếng mỗi ngày, có đầu bếp và người quản lý, có vô tuyến, có thợ điện có chức năng cung cấp cho họ băng và máy nghe băng, phụ nữ lại sinh ra nhiều ức chế và nỗi buồn nhất. Những người phụ nữ hoàn toàn không có mặt ở đây. Như anh nhớ thì chính phụ nữ bắt những người đánh cá phải chịu nhiều điều tồi tệ nhất. Những người đàn bà vắng mặt.
Lần đầu tiên anh có cảm giác ấy là hồi còn học trung cấp. Lâu lắm rồi, khi vận may trong nghề đánh cá không phải do việc bán cá tuyết hay cá meluc đem lại, mà do bán ô tự động cho những người hoảng loạn ở Ba Lan và ma túy ở Rotterdam cho những người thích “tới bến”. Đó là vào mùa Giáng Sinh. Anh mười bảy tuổi. Thậm chí còn chưa được tập sự. Họ chạy đến xưởng chế tạo mỏ neo trên biển Barent để dỡ hàng. Anh đứng trên cầu tàu và giữ bánh lái. Suốt tám tiếng của đêm Giáng Snh, từ lúc nhìn thấy ngôi sao đầu tiên đến lễ cầu nguyện lúc nửa đêm, anh chăm chú nhìn vào la bàn hồi chuyển, để không trượt ra ngoài hành trình cộng trừ bốn độ. Những người đánh cá lên cầu tàu từ lúc ca trực bắt đầu. Từ hồi tháng Tám, ngay sau khi rời cảng ở Gdynia, mọi người đã đăng ký đàm thoại với Ba Lan vào đêm Noel. Mỗi người không quá ba phút. Kết nối không được đảm bảo, bởi còn “phụ thuộc vào địa điểm của tàu khi đó”. Họ đã gặp may vì tàu đang ở đúng vùng được phủ sóng. Trạm thu phát ở ngay cạnh rađa, gần như chính trung tâm cầu. Trên cầu là Sĩ quan Một, Thuyền trưởng, vì là Noel, thông tin viên và “con chó con ở cạnh bánh lái ấy”. Tín hiệu thu xấu tới mức làm cho người ta nhớ lại tín hiệu thu được từ Đài châu Âu tự do vào cái thời mà châu Âu còn chưa được tự do.
Một người đánh cá đến cầu tàu. Anh ta hơi bực. Anh ta có ba phút đã chờ từ Zaduszka và trước sự có mặt của thuyền trưởng, của thông tin viên và “con chó con ở cạnh bánh lái ấy”, giữa những tiếng sột soạt của máy thu, anh ta nói rằng đang nhớ, rằng anh ta rất khổ sở, rằng đây sẽ là Noel cuối cùng thiếu mọi người hoặc thiếu cô ấy, rằng anh ta đã chán ngấy tất cả, rằng anh ta muốn ôm cô ấy và rất lo vì lâu lắm rồi không thấy cô ấy viết gì. Nhưng cái mà anh ta muốn nhất là nói với họ hoặc cô ấy rằng họ hay cô ấy là quan trọng nhất đối với anh ta. Và anh ta muốn nghe, rằng anh ta cũng là quan trọng nhất. Và hoàn toàn không nhất thiết phải nói toạc móng heo ra như vậy. Thế mà trong vòng ba phút của anh ta, ba phút mà anh ta chờ đợi từ Zaduszka, anh ta được biết rằng “mẹ không muốn cái váy lót mà mẹ đã nhờ con mua nữa”, rằng “không phải mua loại kem ấy nữa, vì ở Ba Lan cũng có rồi” và rằng “nếu gửi cam qua Baltona thì bọn con trai sẽ thích lắm đấy”. Sau ba phút của mình, người đánh cá đi ra đón gió trong buổi tối Giáng Sinh với tâm hồn bị thương tổn tới mức cả etanol, cả giấc ngủ cũng không giúp được gì. Và để chắc chắn anh ta ở lại cabin và không quay lại với gió, để tránh những ý nghĩ ngu xuẩn nào đó. Bởi sau khi rời khỏi cầu tàu, anh ta thực sự muốn ra tận đuôi tàu. Hoặc xa hơn nữa.
Chuyện đó xảy ra lâu lắm rồi. Giờ đây thật may mắn vì mọi chuyện đã khác xa, để nói chuyện với những người đàn bà của mình về cam và kem dưỡng da trước “những con chó con” đứng cạnh la bàn hồi chuyển. Bây giờ người ta quan tâm đến tính riêng tư và quan hệ giữa mọi người. Bởi trên tàu họ còn có cả công đoàn nữa. Ngoài ra, thế giới đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Gần đây anh còn nhìn thấy viên Sĩ quan Một mua một chiếc điện thoại di động với GPS vệ tinh ở Bremerhaven và anh ta có thể nói với bất kỳ ai và bao lâu tùy thích ngay trên boong mũi. Chỉ có điều viên Sĩ quan Một lại chẳng biết nói chuyện với ai.
Nếu như anh không nhầm thì người đàn bà cuối cùng mà Bosman nói chuyện với, là thẩm phán của tòa án quận Elblag. Đó là một cuộc nói chuyện không dài. Trong phòng xử án chật kín người, bà ta hỏi bác có nhận tội không. Bác trả lời rất khẽ: “Đương nhiên” và lần ấy bà ta đã tuyên phạt bác năm năm tù vì tội “gây thương tật vĩnh viễn”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.