Tình nhân
17. Mãn kinh (phần 2) (Hết)
Tôi đã phân vân trước tất cả những chuyện đó, khi vị tiến sĩ y học của tôi, chuyên ngành phụ khoa, đã làm nghiên cứu sinh ở Heidelberg, đi đến cái tủ kính đặt sát tường có treo tất cả các chứng chỉ của ông được đóng khung, đẩy những cái hộp cáctông đựng thuốc và những tấm quảng cáo kinh khủng về vòng tránh thai và lôi ra một chai nữa.
– Remy Martin – ông nói có vẻ tự hào và cười giả tạo.
Ông thả cái kính gọng vàng xuống mũi (nó luôn gợi cho tôi hình ảnh một bác sĩ người Đức đeo kính gọng vàng trong những phim về các trại tập chung), đi ra cái ghế mà lúc nãy ông ngồi để “quan sát vi khuẩn của tôi”, cài cúc áo và đẩy chai rượu dưới cái đèn halogen giống như một cái đèn pha.
– Màu vàng sẫm tuyệt đẹp. Chai cuối cùng của hạng này đấy. Đây là VSOP, có mười lăm năm tuổi, và nằm ở chỗ tôi sáu năm nữa, như vậy là hơn hai mươi mốt năm. Chúa ơi, thời gian trôi mới nhanh làm sao… ông thở dài.
Đúng vậy. Mới chỉ cách đấy không lâu. Vào cái năm khi ông nhận chai rượi này, tôi sinh Maciej. Thế mà chỉ như vừa mới tuần trước. Sau đấy thì không bao giờ Andrei còn yêu tôi như cái hồi tôi chuẩn bị sinh Maciej cho anh nữa. Và giữa chúng tôi mới tuyệt vời làm sao. Lúc nào cũng như lễ hội và ở đâu cũng có tình ái. Anh đặt tay lên má tôi trong thư viện của đại học tổng hợp và cái đó còn mê li hơn cả phần lớn những đỉnh điểm mà tôi có với anh trong thời gian gần đây.
Thời gian ấy lâu lắm rồi.
Có một lần vào tháng Ba, anh từ viện về. Bật tất cả các đèn trong nhà, mở nhạc Pink Floyd và kéo tôi ra khỏi giường, mời nhảy. Vào hai giờ sáng. Và sau đó, khi tôi vừa nhảy vừa ngủ trên vai anh, anh thì thầm vào tai tôi rằng anh nhận được học bổng đi Mỹ và rằng “Maciej sẽ ra đời bên bờ Pacific”. Thậm chí anh không thèm hỏi, liệu tôi có thích con gái hay tôi chỉ cần hỏi xem tôi có thích đặt tên con là Maciej không. Anh không cả hỏi tôi xem tôi có muốn đẻ ở đây, ở Krakow, nơi có mẹ tôi, có Marta và các nữ hộ lý nói tiếng Ba Lan không. Anh không hỏi gì hết, chỉ nhảy với tôi và thông báo thế. Anh thì thầm những quyết định của anh vào tai tôi, còn tôi áp vào người anh trong điệu nhảy, nửa thức nửa ngủ và nghĩ rằng tôi có người đàn ông tốt nhất dưới gầm trời này, và rằng chẳng gì thì cũng ít ai được sinh con bên bờ Pacific thay vì ở đây, trong cảnh nghèo nàn, nơi thậm chí bệnh viện cũng không có ống tiêm. Và tôi khi đó, phản xạ nhiều lần từ cái tấm gương huyền bí đó và biến mình ngày càng trở nên nhỏ nhoi hơn. Và cả bây giờ anh vẫn nhìn tôi như vậy.
Anh đưa tôi từ Ba Lan đến tận cùng của thế giới ở San Diego khi tôi đang mang thai ở tháng thứ năm. Xa hơn chỉ còn Hawaii và Galapagos. Anh bắt tôi phải mặc một cái áo khoác thật rộng, để ở sân bay họ không phát hiện ra tôi đang mang thai, vì trong đơn xin visa, anh nói dối rằng tôi không có. San Diego rất nóng, vì hầu như ở đấy bao giờ cũng nóng, còn tôi thì sợ hãi như thể trong bụng mình, bên dưới cái áo khoác đông là hai cân cocain chứ không phải là Maciej, khi đưa hộ chiếu của mình cho người phụ nữ to béo mặc quân phục gắn phù hiệu cảnh sát trưởng và đeo súng lục.
Bốn tháng sau thì tôi đẻ. Trong một bệnh viện ở ngoại thành San Diego. Bị bỏ một mình trong căn hộ mà mỗi ngày cảnh sát phải đến mười mấy lần vì tôi chuyên quên ngắt còi báo động mỗi khi ra ngoài, tôi luôn luôn chờ đợi Andrei. Anh đi từ sáng đến nửa đêm mới về. Tôi cô đơn đến nỗi cảm thấy như trong người mình có cây xương rồng khô đang tức tối, nó có thể làm đứa con gái chưa ra đời của tôi bị thương. Bởi từ đầu, tôi vẫn bí mật mơ ước có một đứa con gái. Sau này, ngay trước kỳ sinh, vì hận Andrei mà tôi muốn đứa bé này là con gái. Hận vì nỗi cô đơn khiến tôi có cảm giác như mình chia sẻ toàn bộ nỗi buồn của thế giới với cái vô tuyến được bật lên ngay khi tôi vừa thức dậy. Tôi không biết tiếng Anh cũng chẳng sao.
Cả chuyện “anh làm việc cho cả ba chúng tôi” cũng chẳng là gì, “anh đã làm bằng tiến sĩ và nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế” chẳng là gì, còn ngoài giờ anh đi đến từng nhà phát những tờ quảng cáo để kiếm thêm tiền nộp cho Hội Chữ Thập Đỏ. Những cái đó chẳng là cái quái gì hết. Anh phải dù chỉ là chút ít cùng với tôi, chứ không phải với cái “khoa học tầm cỡ quốc tế”. Anh phải sờ vào bụng tôi và nghe xem nó có đạp không, anh phải lo lắng mỗi khi tôi bị ra huyết và chạy ra hiệu thuốc để mua băng vệ sinh, phải đi cùng tôi đi chọn những cái áo màu xanh da trời, những đôi giầy sơ sinh trắng nhỏ xíu, chúng làm tôi cảm động đến phát khóc, anh phải nắm tay tay những khi tôi nhớ đến se sắt ngôi nhà ở Krakow và dù chỉ một lần thôi, có mặt ở nhà khi cảnh sát đến, vũ khí sẵn sàng nhả đạn vì tôi quên ngắt còi báo động những lần ra ngoài đi lấy quần áo, silíp và tất của anh ở hiệu giặt.
Sau đó tôi đã đẻ ở gần xưởng giặt và gần Pacific Macius. Và anh biến đi đâu đó, cây xương rồng khô vỡ ra trong tôi, và tôi không còn bật vô tuyến ngay khi vừa thức dậy nữa.
Chúa ơi, thế mà đã hai mươi mốt năm rồi. Thời gian trôi nhanh biết bao…
VSOP từ hơn hai mươi năm nay! Chúa ơi, cái này thì không thể trộn với danielse (một loại rượi) vô vị mà chúng tôi đã nhấm nháp trong hai tiếng đầu tiên mãn kinh của tôi được. Cả bác sĩ phụ khoa của tôi cũng cảm thấy thế. Ông đứng dậy và lấy từ cái tủ cạnh ghế ra hai cốc nhựa mới. Hay quá đấy! Đó chắc chắn là những cái cốc mà cô trợ lý của ông đã đưa cho các bà để lấy mẫu nước tiểu. Remy Martin hơn hai mươi năm tuổi với giá ít nhất là 100 đô trong những chiếc cốc nhựa như một khoản phụ trong giấy giới thiệu đến bác sĩ tiết niệu! Liệu ông có thực sự ưu tiên tôi như vậy không? Liệu có đúng là trước đây ông chưa bao giờ uống với ai trong phòng khám không?!
Ông ngồi đối diện với tôi, nới lỏng cái cravat, cởi cúc áo và cởi chiếc áo choàng trắng có thêu họ tên bằng chỉ xanh ra. Không mặc áo choàng, nhìn ông bỗng khác hẳn. Hoàn toàn không giống một bác sĩ. Mà giống một người một người đàn ông thì đúng hơn.
Tôi vốn không ưa các bác sĩ. Họ giống hệt nhau trong sự tự mãn và khâm phục truyền thống của mình về những cái họ làm. Họ làm bằng thạc sĩ y học và bắt mọi người phải gọi mình bằng tiến sĩ. Một người bình thường để được như thế thì phải làm bằng tiến sĩ. Sau mươi phút chuyện trò về bất cứ cái gì khác, bao giờ họ cũng quay về y học bằng cửa sau. Bên cạnh họ, người ta có cảm giác – kể cả đối với các nhà phẫu thuật hàm – rằng họ sống trên trái đất này với một sứ mệnh quan trọng nào đó, trong khi những người như luật sư, bưu tá hay thu ngân thì đơn giản là kiếm tiền để trả những khoản nợ.
Về nguyên tắc thì tôi chưa có quyền nghĩ như vậy về bác sĩ phụ khoa của mình. Chưa bao giờ tôi nói chuyện với ông quá mười phút và luôn luôn về y học. Như có lần vô tình ông đã là một người bạn của tôi, và trong một thời gian nhất định – như Andrei nói –“thậm chí là một người bạn cần thiết” (liệu có thể là những người bạn không cần thiết không nhỉ?!) của chồng tôi. Hồi mới biết được điều này tôi đã hơi buồn. Có sổ khám bệnh và dạng chân trước “người bạn cần thiết” của chồng, để rồi xin lời khuyên về việc ra nhiều khí hư chẳng hạn và biết chắc rằng mấy ngày nữa lại gặp ông ta trong lễ sinh nhật một cô bạn hoặc cùng chơi bridge tại nhà mình, quả là một cảm giác chẳng dễ chịu gì. Nhưng đã chẳng có gì giống thế xảy ra. Địa điểm duy nhất mà tôi gặp bác sĩ phụ khoa của mình, ngoài phòng khám của ông ra là nhà tang lễ.
– Một người bạn thân từ thời sinh viên của Andrei đã chết ở Himalaya. Báo chí toàn Ba Lan đã viết về sự kiện này. Chúng tôi đi đưa tang ở Nowy Targ. Trong nhà tang lễ ở bên cạnh một nhà thờ nhỏ ở nghĩa trang nhìn ra Tatry, vào một ngày nắng, một phụ nữ trẻ vận đồ đen quỳ bên quan tài từ lúc chúng tôi đến. Sau đó cửa nhà tang lễ cót két mở ra và bác sĩ phụ khoa của tôi bước vào. Ông đến bên người chết, hôn rồi quỳ xuống bên cạnh người phụ nữ kia. Và cầu nguyện. Và khóc. Rồi lại cầu nguyện. Và sau lần đó tôi lại đến phòng khám của ông chỉ để xin đơn thuốc. Tôi muốn gặp và cùng ông trong chốc lát trong căn phòng đó, để biết liệu tôi luôn có thể cởi đồ trước mặt ông và ngồi vào cái ghế sau cái lần ờ nhà tang lễ ở Nowy Targ. Ông cười giả tạo giống y như những cô gái ở phòng thử đồ kia. Ông là một bác sĩ.
Tôi đã có thể.
Conag trong cái chai có từ hai mươi mốt năm nay đã xuống gần đến bên cạnh dưới của miếng nhăn, chỗ mà công ty Remy Martin quyết định in năm ngôi sao đáng tự hào của mình. Trời đã muộn. Tôi đưa cốc lên miệng, uống và không biết tại sao bỗng dưng lại hỏi:
– Vợ ông đã có nếp nhăn chưa?
Mặc dù đúng ra là tôi muốn hỏi vợ ông ấy đã mãn kinh chưa.
Ông nhìn vào tôi với một nỗi đau trong mắt, như thể vừa bị tôi thọc dao vào má.
– Nếp nhăn…?
Ông chậm chạp đẩy cái ghế gỗ sồi ra xa bàn. Đứng dậy. Đưa cái cốc nhựa lên miệng và uống lấy uống để.
– Nếp nhăn… Nếp nhăn, chị biết không, thì ngay cả vũ trụ cũng có. Sóng hấp dẫn làm cho vũ trụ bị nhăn giống y như giọt mưa rơi từ trên trời xuống làm nhăn vũng nước hay mặt hồ. Chỉ có điều rất khó ghi lại được. Cái sóng hấp dẫn ấy. Nhưng nó có đấy, chắc chắn thế. Einstein đã tiên đoán và tính toán được hiện tượng này. Nhà tôi đã nói với tôi như vậy. Và còn cho tôi xem công bố của ông ta có hai lỗi. Ai cũng biết rằng sóng hấp dẫn tồn tại trong vũ trụ. Và tất cả đều nhất trí điều đó, và ai cũng muốn mình là người đầu tiên phát hiện ra nó, ghi lại, mô tả và nhờ đó mà đoạt giải Nobel hay được ghi tên trong bách khoa toàn thư… Và nhà tôi cũng muốn thế… Đôi khi cô ấy cảm nhận được sóng đó trong người mình. Cô ấy kể với tôi về chuyện đó. Đầu tiên cô ấy mở nhạc của Gershwin mà cô ấy yêu thích, sau đó thì viết phương trình toán học gì đó hết nửa trang giấy rồi giải thích, rằng từ phương trình ấy rút ra kết luận là chắc chắn có sóng hấp dẫn và rằng cô ấy cảm nhận nó như những rung động nhẹ bên trong. Và với ly rượu trong tay cô ấy thuyết phục tôi đầy phấn khích, rằng phát hiện ra sóng hấp dẫn, đó gần như là sự phát hiện của Chúa khi tạo ra thế giới và rằng điều đó…thì…thì thật đẹp và tuyệt vời. Và mãi mãi như thế… Lạy Chúa tôi, cô ấy mới đẹp làm sao mỗi khi hài lòng về một điều gì đấy… Cùng với một giáo sư của mình ở trường đại học, ông này quen với Taylor, cái ông đoạt giải Nobel ấy, cô ấy đã giải quyết được, sau hai năm, mọi thủ tục để được vào trạm quan sát sóng hấp dẫn lớn nhất tại Livingston ở Luizana. Họ là những người Ba Lan đầu tiên được phép tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm này. Họ bay vào ngày Chủ nhật Phục sinh. Ở sân bay, cô ấy vui như một đứa trẻ đang chờ ở cửa vào Disneyland. “Bao giờ mang được sóng ấy về, em sẽ đẻ ngay cho anh một thằng con trai…”- cô ấy cười nói, mặt ửng đỏ và hôn tạm biệt tôi. Nhưng cô ấy đã không về. Giống hệt như anh cô ấy đã không trở về từ Himalaya. Họ hạ cánh ở Nowy Orlean, nơi họ cùng với bốn người Pháp nữa từ Đại học Tổng hợp Bordeux phải chuyển sang một máy bay nhỏ và bay đến Baton Rouge, rồi từ đó đi xe buýt của trạm quan sát về Livingston. Chiếc máy bay bị rơi xuống hồ Ponchartrain ngay năm phút sau khi cất cánh.
Ông bỏ kính, chuyển từ tay này sang tay khác.
– Khi nghĩ đến vợ tôi và ông anh đã leo lên trời của cô ấy, đôi khi tôi thấy hình như Chúa đã dứ ngón tay đe họ vì tội tò mò. Mà khi Chúa đã giơ ngón tay ra dọa, thì đôi khi con người phải chết. Nhưng mà cô ấy có lấy mất của Chúa bí mật nào đâu. Và tôi – ông quay lại bàn, rót đầy vào cốc mình, có mấy giọt bị rớt ra chỗ giấy tờ để cạnh chai rượu, uống lấy uống để và cầm chai rượu đi ra phía cửa sổ, quay lưng lại phía tôi – chị biết không, tôi mong sao vợ tôi có thể có được tất cả mọi nếp nhăn và tôi có thể dẫu chỉ một lần thôi nhìn thấy chúng. Thậm chí chị không thể hình dung ra vợ tôi là một phụ nữ đẹp như thế nào đâu.
Ông quay lại bàn làm việc. Lau trộm nước mắt và chậm chạp đeo kính.
– Bởi thời gian, chị biết không, như lực hấp dẫn, làm nhăn vũ trụ, hay như giọt nước rơi xuống làm nhăn vũng nước hay mặt hồ. Chỉ có điều một số người đã ra đi trước khi nó rơi xuống.
Hôm qua tôi từ chỗ bác sĩ phụ khoa về, say và khóc. Người lái xe taxi hỏi, liệu có phải “đưa chị về tận cửa hàng không?” Tôi cố hết sức và lầu bầu: Chắc chắn là không!
Tôi đưa ví để anh ta tự lấy tiền. Tôi cho rằng như vậy sẽ tốt hơn.
Ô tô của tôi đỗ ở điểm đỗ này. Tôi vẫn định sẽ về bằng xe của mình. Nhưng mọi chuyện diễn ra như vậy. Điều đó không hợp với tôi. “Bởi lẽ em là một người công thức kinh khủng” – Andrei vẫn bảo.
Hôm qua tôi đã uống với bác sĩ phụ khoa của tôi. Rất ít ai lại uống khi xưng tội. Mọi người đều nghĩ tới sự trừng phạt. Nhưng tôi đã uống, bởi tôi nghĩ chủ yếu đến những tội lỗi. Và sau đó ông ta kể với tôi về vợ ông và khóc, sau đó thì tôi khóc. Và thêm vào đó, tôi đã mãn kinh.
Và ngày hôm nay có vẻ như khác hơn. Tôi không đi làm. Tôi gọi điện nói là bị mệt. thậm chí tôi đã không nói dối. Vì hôm nay tôi cảm thấy như vừa được lôi lên từ đống gạch vỡ sau một trận động đất.
Tất cả là do ông bác sĩ ấy và bức ảnh mà tôi tình cờ tìm thấy trong tráp. Tôi và Andrei với Maciej mới sinh trên tay. Ảnh cỡ 7×11. Lúc đó chúng tôi mới có ba người, nhưng thực ra hồi ấy chúng tôi luôn chỉ có hai. Đã lâu rồi chúng tôi không là ba người nữa. Vĩnh viễn không. Chúng tôi đã phân tán như thế nào đấy. Cùng với việc kiếm tiền, việc nâng cao mức sống, việc đảm bảo cho mình lúc tuổi già. Một ngôi nhà bình yên của những bậc cha mẹ có trách nhiệm. Khi tốt nghiệp trung học và lên Vacsava học đại học, Maciej đã cười với chúng tôi và nói: “Bây giờ thì bố mẹ có một túp lều tranh tự do rồi nhé!”.
Chúng tôi có.
Tự do, trống rỗng, to và lạnh như một cái lều tuyết.
Ở đây không còn tiếng cười, sự ồn ào, niềm vui. Tôi cứ nghĩ rằng đó là của gia đình, nhưng hóa ra chỉ là của Maciej thôi. Chúng tôi thậm chí chẳng nói gì nhiều mỗi khi Andrei đi làm về. Và khi ấy, khi có cả anh trong căn nhà trống rỗng vắng tiếng ồn ấy, thì…thì khi đó…khi đó tôi nhớ anh nhiều nhất.
Andrei…
Anh gọi đó – cái thời gian ở phía sau chúng tôi – là cuộc sống toại nguyện. Một ngôi nhà ven rừng, con trai học ở một trường đại học tốt nhất, một căn nhà nghỉ bên bờ biển. Khi đã có cuộc sống toại nguyện, người ta không còn gì để chờ đợi.
Nhưng tôi thì có!
Tôi ước lại được cùng anh đi Paris, được cùng anh ăn bánh sừng bò ngay trên giường vào sáng chủ nhật và cười vì bất kể chuyện gì. Nhưng anh lại có cuộc sống đã toại nguyện, và những vụn bánh trên giường làm anh khó chịu.
Không!
Tuổi già không chỉ là những vết nhăn.
Tối nay tôi đã cho anh xem những tấm ảnh ấy.
Một gia đình hạnh phúc – anh nói.
– Một đôi hạnh phúc – tôi trả lời, hai tay nâng khuôn mặt anh và hôn nhẹ lên mũi. Có vẻ như anh đỏ mặt.
Hôm qua thì tôi biết rằng đó hoàn toàn không phải là rối loạn, mà kỳ kinh cách đây sáu tuần là kỳ cuối cùng. Giọng ông ta thậm chí không hề run khi nói điều đó. Cho dù chỉ là một mili giây. Ông ta ngồi bên cài bàn cũ khủng khiếp, đắt khủng khiếp và cũng mốc khủng khiếp, viết những điều ngu ngốc ấy bằng tiếng Latin vào sổ khám bệnh của tôi và dửng dưng nói với tôi đang mặc lại tất ở phía sau tấm màn gió như vậy:
– Đó là kỳ kinh cuối cùng của chị.
Giọng ông ta thậm chí không run một mảy may.
Tôi đờ người ra như những hình ảnh trong phim khi ta ấn nút “pause” ở đầu video. Không thể cựa quậy.
Thế là thế nào? Hết rồi sao?
Không kèn không trống như vậy, không thể tin được như vậy và không hề có dấu hiệu gì là tôi đã không còn ở tuổi sinh nở.
Vậy mà mới chỉ ngày nào ở nhà ông bà, tôi còn kéo chị gái lên cái gác xép đầy mạng nhện, nói bằng giọng tự hào và bí mật: “Hôm nay em bị…chị biết đấy!”.
Mới chỉ ngày nào …
“Cuộc sống toại nguyện”
Có thể Andrei có lý.
Mà cũng có thể ông bác sĩ phụ khoa của tôi có lý.
“Bởi thời gian như là, chị biết không, như là lực hấp dẫn hay giọt mưa rơi làm nhăn vũng nước hay mặt hồ”.
Buổi chiều tôi sẽ đến bãi đỗ xe để lấy xe.
Nếu như tôi không uống say.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.