Tơ hồng vương vấn

Chương 25



Lễ phản bái đã xong.

Cô Hưởng đã thành bà Phủ Vĩnh Xuân. Nhưng vì cô còn trẻ quá, nên trong vùng Bình Thủy người ta gọi cô là cô Phủ, chớ không gọi là bà Phủ. Ấy cũng tại vợ chồng Hương nhì Tồn khiêm nhượng, sợ thất đức cho con lên không muốn để người ta gọi là bà, nói rằng bà gì mới 18 tuổi.

Ăn cơm tối rồi, Vĩnh Tân rút lên lầu mà học bài. Bà Hương văn muốn để cho cặp vợ chồng mới thong thả nói chuyện đặng quen nhau rồi gây tình thân ái nên bà cũng lên lầu nằm nghỉ.

Vĩnh Xuân kêu thằng Ca biểu chế cho một bình trà nhỏ để trong thơ phòng. Ông quyết bữa nay thử gạy (gợi) cô Hưởng lại coi cô còn nhớ đủ kiếp trước của cô hay không, chớ sao bữa nhập phòng cô nhắc chuyện ông Tơ rồi cô hỏi qua bút tích, nghĩa là cô có ý làm cho ông biết cô là hậu kiếp của Cúc Hương, mà hai bữa rày cô không làm cho ra vẻ Cúc Hương nữa, lại ông nhắc tới việc trước thì cô sững sờ, dường như không hiểu chi hết.

Thấy thằng Ca đem bình trà để trong thơ phòng rồi, Vĩnh Xuân mời cô hưởng đi với ông vào đó uống nước nói chuyện chơi. Vợ chồng vào rồi, ông khép cửa phòng lại cho kín, dắt vợ đi ngay lại tủ sách. Ông mở bét hai cánh cửa tủ ra vừa chỉ vừa nói: “Tủ sách của qua có ba từng riêng biệt. Từng dưới qua để sách nho, từng giữa sách quốc ngữ, còn từng trên hết thì sách chữ Tây. Tủ qua không khóa. Vậy qua đi làm việc, em ở nhà thì lấy sách đó mà đọc, muốn đọc thứ nào tuỳ ý. Trong lớp sách nho, có bộ Mạnh Tử qua để lên trên đây”.

Ông vói lấy bộ sách Mạnh Tử đưa cho cô Hưởng mà cặp mắt ngó cô trân trân, có ý muốn biết coi cô còn nhớ chuyện học Manh Tử hồi trước hay không.

Cô Hưởng cười và nói: “Em có biết chữ nho đâu mà đọc. Em có đọc thì đọc sách quốc ngữ đây. Tủ sách mà anh để sách theo thứ tự như vậy thì có ý nghĩa nhiều lắm. Ai xem qua cũng biết được trí ý của anh về văn hoá”.

Vĩnh Xuân nghe như vậy thì lấy làm kỳ, vì sắp sách vào tủ thì ông sắp mỗi thứ một từng khác nhau cho khỏi lộn xộn, chớ không có ý chi hết. Ông bèn hỏi cô:

–         Tại sao người ta biết trí ý của qua về văn hoá ?

–         Anh sắp sách nho ở từng dưới hết, tức thị anh muốn chỉ nho học là căn bản văn hoá của nước mình, nhờ căn bản đó mới nảy sanh quốc văn ở từng kế còn Âu học là cái ngọn nên ở trên cao mới sanh bông sanh trái được. Văn hoá của mình phải có gốc, có nhánh, rồi có ngọn như vậy, mỗi lớp đều vững bền, chắc chắn, mới có hưởng hoa quả muôn đời được, chớ trồng cây mà không có gốc anh chặt nhánh mà cặm, thì làm sao nhánh được mát mẻ tốt tươi mà đơm lá đơm chồi, hoặc anh đốn ngọn mà trồng, không có gốc rễ chi hết, thì dầu ngọn ấy trổ bông đi nữa, bông cũng không tươi, dầu có sanh trái đi nữa, trái cũng không ngon ngọt.

Vĩnh Xuân ngạc nhiên mà nói: “Việc qua làm mà em hiểu ý được, thế thì vợ chồng ta là bạn đồng tâm, đồng chí rõ ràng. Qua mừng lắm. Tuy em nói em không có học chữ nho, song qua thấy em có nho học trong trí. Vậy cũng đủ hiệp hòa với nhau được”.

Vĩnh Xuân để bộ Mạnh Tử từng dưới, rút một tập ở từng giữa đưa cho cô Hưởng mà nói: “Tập nầy là tập thi của qua làm trong mười mấy năm nay. Xem đó thì rõ tâm hồn của qua. Vậy có rảnh em lấy mà đọc, rồi em cho qua biết trí ý của em đối với thi văn của qua thể nào. Thôi, lại đây uống trà nói chuyện chơi”.

Vĩnh Xuân khép tủ sách rồi đi lại cái bàn nhỏ ngồi, vợ chồng đối diện nhau. Ông trót trà mời cô uống với ông, rồi ông nhìn cô mà nói: “Hồi nhỏ qua ở Chợ Giồng Ông Huê bên Gò Công… Qua học chữ nho với ông Giáo Huân… Nhà ông Giáo Huân nằm dựa bên đường vô Vĩnh Hựu… Trường học ở phía sau nhà… Em nhớ hôn ? … Em biết ông Giáo Huân mà…“.

Cô Hưởng ngồi lóng tai nghe. Cô ngó vách tường, bộ suy nghĩ lung lắm. Có lúc cô nhếch miệng dường như muốn nói, mà rồi cô bình tĩnh lại, nhíu chưn mày suy nghĩ nữa.

Vĩnh Xuân tiếp nữa: “Ông Giáo Huân ở chợ Giồng…Ông dạy ba bốn mươi lọc trò, phân ra ngồi ba bàn. Có bộ ván lót ngay đầu bàn giữa. Ông nói sách rồi ông ngồi đó. Có lúc ông lại võng mà nằm…“

Cô Hưởng lơ lửng một hồi, rồi cô lắc đầu; sè bàn tay ra bụm mắt và trán mà nói: „Em không biết ông Giáo Huân… Em không hiểu gì hết“

Vĩnh Xuân thất vọng. Ông rót một chung trà mà uống. Ông thấy bộ cô Hưởng mệt. Ông nắm tay cô dắt lại bộ ván biểu cô nằm nghe đờn chơi. Ông lấy cây đờn kìm đem lại ngồi trước mặt cô, lên dây đờn một bản nam xuân qua nam ai. Ông ngừng lại mà hỏi cô:

–         Em thích nghe đờn hay không ?

–         Thuở nay em nghe đờn trong máy hát, chưa nghe ai ngồi đờn như vầy mà sao em nghe đờn em buồn quá, buồn muốn khóc.

–         Tại qua đờn dây nam nên buồn.

–         Dây nam sao lại buồn ? Có dây gì vui hay không ?

–         Âm nhạc của mình có ba giọng, người ta gọi là ba thứ dây: dây bắc lẹ làng, rột rạc nên nghe vui vui. Dây oán réo rắt giọng như thở than phiền trách còn dây nam thì sầu não giọng như đau khổ, như buồn rầu. Để qua đờn mỗi giọng một bản cho em thấy sự phân biệt khác nhau.

Vĩnh Xuân nói trước ông sắp đờn dây bắc, rồi ông đờn một bản Lưu Thủy. Ông ngừng một chút rồi ông đờn một bản Tứ đại. Ông nói đó là dây oán. Sau hết ông đờn một bản nam xuân rồi qua nam ai. Ông mới buông đờn mà hỏi cô:

–         Đờn đủ ba giọng rồi, theo ý em thì em ưa giọng nào ?

–         Giọng nào cũng yếu xịu, nghe buồn muốn chết nên em không ưa giọng nào hết.

Vĩnh Xuân nhăn mặt. Ông ngó cô mà hỏi thình lình: “À ! Em biết chị Hai Tỷ hay không? …Chị Hai Tỷ bán hàng ngoài chợ, vợ tài phú Sấm đó” Cô Hưởng lơ lững nói: “Chị Hai Tỷ…Chị Hai Tỷ … In là em có nghe tên người nầy… Để nhớ coi nghe hồi nào… Cha chả ! Nhớ không nổi rồi”.

Vĩnh Xuân lắc đầu, thất vọng cực điểm. Ông lấy đờn mà đờn nữa, ngồi đờn ở đây là trí tưởng ở đâu, đờn mà không hăng hái không vui vẻ chút nào hết.

Cách vài bữa sau, tan buổi hầu chiều rồi Vĩnh Xuân đi về nhà. Ông thấy cô Hưởng với Vĩnh Tân đương đứng ngoài sân coi thằng Ca trồng bông huệ. Ông vô nhà thấy mẹ ngồi một mình, ông mới lại gần mà nói: “Hổm nay con thử vợ con đủ cách hết. Kiếp trước nó là Cúc Hương, điều đó chắc chắn rồi không còn nghi ngại gì nữa. Hôm mới vô nhập phòng cúng bàn Tơ hồng rồi, thì nó sáng suốt, nó nhớ con hồi trước không tin có ông Tơ, cũng không tin có duyên nợ. Nó hỏi con bây giờ chịu tin hay chưa. Con mừng quá, con chắc kiếp nầy tuy nó đầu thai làm cô Hưởng, song nó cũng sẽ kể nỗi khổ tâm của Cúc Hương cho con nghe, nó sẽ tỏ tình nghĩa của nó đối với mẹ con mình. Té ra từ bữa cưới rồi tới nay nó không nói chuyện Cúc Hương chút nào hết. Nhiều lần con gạy ra mà nói, con nhắc ông Giáo Huân, con nhắc chị Hài Tỷ, thì nó lơ lững dường như nhớ mài mại nhưng rồi lại mờ mệt nói không được. Chắc là đầu thai đặng sống kiếp nầy nó không thể nhớ chuyện kiếp trước được. Nhưng con muốn làm sao cho nó nhớ chuyện kiếp truởc đặng nó làm Cúc Hương hoàn toàn thì con mới thiệt phỉ tình. Con tính con phải thử nó một cách nầy nữa. Bây giờ có đường giao thông khắp hết mọi nơi, xe hơi chạy được hết. Cần Thơ lên Sài gòn, Mỹ Tho qua Gò Công, mà Gò Công lên Sài gòn cũng được nữa, con muốn xin phép nghỉ ít bữa. Con mướn xe hơi đem vợ con về Chợ Giồng cho nó gặp ông Giáo Huân, gặp chị Hai Tỷ, nhứt là gặp cha mẹ hoặc anh em của Cúc Hương coi nó nhớ lại người xưa hay không. Con sẽ dắt nó lại chỗ nó ở, chỗ nó ngồi học, chỗ nó dọn bán hàng hồi trước, đặng mở trí coi nó biết hay không. Nhơn dịp ấy con thăm mộ cha luôn thể. Má muốn đi với con hay không ?

Bà Hương văn nói:

–         Má muốn đi lắm chớ, về Chợ Giồng thăm người quen hồi trước chơi, ngặt từ hôm đi Mỹ Tho về đến nay má nghe trong mình không được khỏe, ngồi xe đi đường xa quá má sợ bịnh. Thôi hai vợ chồng con đi, để má ở nhà với thằng Tân.

–         Con muốn đem Tân theo mà còn mấy tháng nữa tới thi, nó phải học rút. Vậy nếu má ở nhà, thì con để nó ở lại với má đặng nó đi học.

–         Con coi tánh nết vợ con giống Cúc Hương hay không ?

–         Giống, mà Hưởng lại thông minh hoạt bát hơn Cúc Hương nhiều. Cúc Hương học nho nên thiệt thà, Hưởng có tân học nên lanh lợi, tráo trở hơn. Hai người đều ham cãi lẽ, ưa tìm hiểu như nhau, nhưng Hưởng khôn ngoan hơn, nên cãi có lý lắm.

–         Con muốn đi Chợ Giồng thì xin phép nghỉ mà đi ít bữa, về thăm mộ của cha con luôn thể. Mà đi ngang Mỹ Tho, con phải ghé thăm vợ chồng ông Kinh và thăm bà Chủ với Ba Khai một chút.

–         Vợ chồng con phải thăm chớ. Nếu không thăm thì thất lễ.

Sáng bữa sau thầy Cai tổng sở tại có việc vào Tòa Bố, rồi ghé phòng quan Phủ mà thăm ông. Vĩnh Xuân nói ông tính mướn xe hơi đi về thăm mộ bên Gò Công ít bữa. Mà qua Mỹ Tho phải thăm anh em, chắc phải ở đó một ngày. Rồi xuống Gò Công, có lẽ phải ở vài ba ngày. Bận về không biết chừng đi ngã Sài gòn, đặng lên đó mua đồ chút đỉnh rồi mới về. Mắc đi không nhứt định mấy ngày được, lại không chắc nên lên Sài gòn hay không, bởi vậy không biết mướn xe cách nào. Ông cậy thầy Cai Tổng hỏi giùm mấy chủ có xe cho mướn coi họ có chịu cho nướn ngày hay không. Họ cho mướn xe vớỉ tài xế, mình đổ săng mà đi. Ngày nào xe đậu, vì mình không đi đâu, mình cũng trả tiền. Hỏi thử coi họ tính mỗi ngày mình phải trả tiền bao nhiêu.

Thầy Cai Tổng chịu lãnh đi mướn xe giùm.

Đến 4 giờ chiều, thầy Hội Đồng Đạo, là em của thầy Cai Tổng, vô Tòa Bố thăm quan Phủ Vĩnh Xuân. Thầy nói: “Tôi mới gặp anh tôi mướn xe giùm cho quan lớn đi chơi ít bữa. Không được đâu quan lớn. Xe cho mướn bọ mua xe cũ, máy móc lôi thôi lắm. Chạy cà rịt cà tang, gần gần như đây qua Vĩnh Long hoặc lên Long Xuyên, hoặc xuống Phụng Hiệp, Sóc Trăng thì được, chớ quan lớn đi xa quá, sợ nó ăn banh nó bỏ quan lớn nằm dọc đường bất tiện lắm. Tôi cản anh tôi đừng thèm mướn, để tôi cho quan lớn mượn xe tôi quan lớn đi, vậy cho vững bụng, lại ở chơi bao nhiêu cũng được. Xe tôi còn mới, vỏ ruột tốt, máy mới rà, tài xế giỏi, quan lớn khỏi lo gì hết. Quan lớn nhứt định chừng nào đi thì tôi đem xe lại cho quan lớn đi, đừng ngại chi hết”.

Vĩnh Xuân dụ dự không muốn mượn xe mà phải mang ơn. Hội Đồng Đạo thiệt tình muốn cho mượn, cứ theo nài ép, nói rằng lúc nầy xe nằm nhà thầy không cần dùng đi đâu hết, quan lớn đi mấy bữa cũng được, mỗi ngày quan lớn cho tài xế tiền ăn cơm, hết săng quan lớn đưa tiền cho tài xế đi đổ. Không mấy khi quan lớn về thăm quê quán, em út giúp xe đặng quan lớn đi cho tiện, chớ không có ơn gì lắm mà phải ngại. Vĩnh Xuân thấy nài nỉ quá, lại nghe đi xe mướn hay nằm đường, nên ông chịu mượn xe và nói để sắp đặt xong rồi sẽ cho thầy Hội Đồng biết đi ngày nào, giờ nào. Vĩnh Xuân xin nghỉ một tuần lễ, định sáng chúa nhựt đúng 7 giờ đi, mới cho thầy Hội Đồng hay. Thiệt đến bữa đó mới 6 giờ rưỡi, Hội Đồng Đạo ngồi xe lên giao cho quan Phủ mượn, thầy nói săng đổ đầy rồi, đi xuống tới Gò Công cũng còn dư nhiều. Thầy dặn tài xế đi với quan lớn phải chạy kỹ lưỡng, quan lớn muốn đi đâu và ở bao lâu cứ vâng lời, không được cãi.

Thằng Ca xách hoa ly áo quần ra xe. Vợ chồng Vĩnh Xuân từ giã mẹ với Vĩnh Tân, cám ơn thầy Hội Đồng rồi lên xe đi.

Vì phải qua tới hai cái đò nên gần 10 giờ xe mới tới Mỹ Tho. Vĩnh Xuân chỉ đường cho tài xế đậu trước nhà ông Kinh Lương. Vợ chồng ông Kinh Lương mừng quá, cầm vợ chồng quan Phủ ở ăn cơm trưa. Vĩnh Xuân muốn đi thăm cụ Huấn Trai thì ông Kinh nói cụ đi Sài gòn không có ở nhà. Vĩnh Xuân đưa tiền cho tài xế đi ăn cơm rồi đổ thêm săng cho đầy đặng xế đi Chợ Giồng, vì sợ chợ nhỏ không có bán săng.

Bà Kỉnh lo tiếp đãi cô Phủ, sai chị nấu ăn đi mua đồ thêm đặng đãi khách.

Ông Kinh mừng bạn tri âm thì lo chế trà ngon uống với nhau rồi hòa đờn chơi một chập. Vĩnh Xuân tỏ mục đích đi Gò Công cho ông Kinh nghe, nói rằng cô Hưởng chắc chắn là hậu kiếp của Cúc Hương, nhưng cô không nhớ chuyện kiếp trước được, nên phải đem cô xuống Chợ Giồng Ông Huê đặng cô thấy cảnh cũ người xưa coi cô có hồi tâm định trí mà nhớ lại chuyện cũ hay không.

Vĩnh Xuân cắt nghĩa cho vợ hiểu lúc mới xuất thân làm ký lục, lãnh lương mỗi tháng 19$00, vợ chông ông Kinh nuôi trong nhà hơn một tháng, không chịu lấy tiền cơm. Chừng mẹ ở Chợ Giồng lên thì mướn phố ở cách đây một căn, ông học đờn, học làm thi với ông Kinh, còn mẹ gói bánh ú, bánh chưng, bán kiếm lời mà phụ với lương mới đủ nuôi sống. Khi ly dị với mẹ thằng Tân rồi mướn thêm một căn nữa mà ở cho rộng, ở dãy phố nầy gần 18 năm.

Cô Hưởng nói: “Phải cực trước rồi sau mới sướng, phải có buồn thì mới biết vui”.

Ông Kinh cười mà nói: “Cô Phủ nói theo thuyết của Đạo giáo. Họa hề phúc sở ý”.

Ăn cơm rồi nói chuyện chơi đến 2 giờ. Vĩnh Xuân từ giã vợ chồng ông Kinh đặng qua thăm bà Chủ Thiệu với Ba Khai một chút rồi đi luôn xuống Chợ Giồng. Ông Kinh mời bận về ghé chơi. Vĩnh Xúấn nói như về ngả nầy thì ghé, còn như lên Sài gòn thì chắc về luôn.

Vợ chồng Vĩnh Xuân qua thăm bà con bên vợ cũ thì bà chủ Thiệu với Ba Khai mừng lắm, có vậy mới thấy rõ lòng thực thà của quan Phủ trước sao, sau vậy, tuy đã có vợ song tình nghĩa không phai.

Ba Khai muốn cầm ở chơi tới sáng bữa sau sẽ đi, nhưng nghĩ Xuân ở đây Cẩm Nhung phải đau khồ, mà sợ cô Hưởng cũng không vui, nên không dám cầm.

Đến 3 giờ rưởi, Vĩnh Xuân cáo từ rồi cùng cô Hưởng lên xe về thăm quê quán.

Gần 5 giờ chiều, xe đã xuống tới Chợ Giồng. Vĩnh Xuân muốn thử vợ liền, nên dặn tài xế chạy thiệt chậm để ông chỉ đường cho mà đi, xe lên cầu sắt ông dặn quanh qua tay mặt, có ý chạy ngang nhà Hia Mỹ. Chừng xe tới đó, Vĩnh Xuân một tay vỗ vai cô Hưởng, một tay chỉ nhà Hia Mỹ.

Cô Hưởng ngó trân rồi nói: “Ý ! In là em biết nhà nầy. Phải em có ở đây hay không ?”.

Vĩnh Xuân mừng nên cười mà đáp: “Phải, phải hồi trước em ở đó”.

Xe chạy luôn rồi quẹo qua mặt chợ, vẫn chạy chậm chậm. Tới nhà lồng chợ, Vĩnh Xuân chỉ chỗ cúc Hương với Hai Tỷ ngồi bán hàng hồi trước mà hỏi vợ: “Em biết chỗ nầy hay không ?”.

Cô Hưởng cười mà đáp: “Biết em nhớ rồi”.

Vĩnh Xuân nói: “Để rồi sẽ trở lại đó”.

Xe vô tới nhà việc làng. Vĩnh Xuân dặn tài xế hễ tới ngã ba chỗ góc nhà việc thì đi phía tay mặt. Xe vừa quanh thì cô Hưởng đưa tay chỉ và nói: “Nhà việc đây… Chùa ông bên nây đây… Em biết mà…”.

Vĩnh Xuân mừng nói: „Em giỏi quá !… qua vui lắm…Để qua đem em thăm thầy mình hồi trước. Ông Giáo Huân…Em biết chớ ?…“.

Cô Hưởng nói: „ÔNG Giáo Huân ?…“.

Ông giáo Huân đã 70 tuổi rồi, tóc bạc trắng, răng rụng hết, mà nhờ có bà vợ lo tiếp dưỡng mấy năm nay, sợ ông mệt không cho ông dạy học nữa, nên sức khỏe của ông chưa suy lắm. Còn bà vợ, là thím Hằng, tuổi chưa tới lục tuần nên chưa thiệt già.

Buổi chiều nầy bà Giáo lo cơm nước trong nhà sau, còn ông Giáo một mình thơ thẩn trước sân, săm soi hai chậu môn còn tốt tươi, với hàng bông trồng dài theo hàng rào dựa tường.

Thình lình nghe xe hơi chạy rồi tới ngừng ngay trước cửa, ông Giáo Huân ngó ra thấy một người đàn ông với một người đàn bà đương mở cửa xe leo xuống, rồi cùng nhau song song đi vô cửa ngõ.

Ông Giáo ngó rồi la lớn: „Ai đó vậy ? Phải cháu Vĩnh Xuân hay không ?“

Vĩnh Xuân đáp: „Thưa phải. Con là Vĩnh Xuân đây“.

Ông Giáo nói: „Dữ quả. Gần 20 năm thầy trò mới gặp nhau được. Cháu đi với ai đây ? Ủa ! Con Cúc Hương mà… phải hôn ?”.

Vĩnh Xuân đáp: “Thưa phải. Trót 18 năm nay con đi tìm Cúc Hương hết sức. Con mới tìm được nên dắt nhau về thăm thầy thím”.

Bà Giáo ở phía sau, nghe nói lộn xộn trước sân, bà đi ra coi ông Giáo nói chuyện với ai. Bà vừa thấy vợ chồng Vĩnh Xuân thì bà biết liền, nên nói: “Cháu Xuân mà. Về bao giờ ? Ủa ! Mà có Cúc Hương nửa ! Sao mà kỳ vậy ? Sống lại hay sao ?”.

Vĩnh Xuân không trả lời với bà, xô lưng cô Hưởng bước đi và nói: “Thầy với thím của mình hồi trước đây. Em nhớ hôn ? Ông giáo dạy mình học chữ nho đó“.

Bây giờ Hưởng mới chắp tay xá vợ chồng ông Giáo nói: „Thưa thầy, con nhớ thầy rồi. Thầy già quá, tóc bạc hết. Thím chưa già lắm“.

Bà Giáo nói: “Mà từ đó tới giờ lâu quá, gần vài mươi năm, sao Cúc Hương còn nhỏ hoài vầy nè ?”.

Ông Giáo nói: “Thôi, vô nhà chớ, vô rồi sẽ nói chuyện. Cái gì mà quái lạ như vầy ? Chết rồi sao mà sống lại !”

Ông Giáo đi trước, vợ chồng Vĩnh Xuân bước lên thềm, thấy bà Giáo còn đứng đó mà ngó cô Hưởng trân trân, Vĩnh Xuân mới nói: “Hai con về đây thăm thầy với thím cho con ở đây vài bữa”.

Bà Giáo nói: “Về thì ở đây chớ sao. Hồi cháu đi làm việc thím có đặn như vậy. Mà năm chị Hương văn về thăm, thím cũng có dặn nữa. Nhà thầy thím rộng. Về thì ở đây chơi. Chị Hương văn mạnh hả cháu ? Có xe sao chị không về với cháu ?”

Vĩnh Xuân vừa vô nhà vừa nói: “Má con năm nay yếu, sợ đi xa mệt, nên con mời đi má con không chịu đi”.

Ông Giáo biểu:

–         Ngồi cháu, ngồi cho thầy hỏi một chút. Cháu không còn ở Mỹ Tho nữa hay sao mà đi xa?

–         Thưa, con đổi qua Cần Thơ mấy tháng nay, thăng chức Tri Phủ rồi đổi đi.

–         Té ra cháu là Phủ rồi. Sướng quá. Năm trước có thầy thông ở dưới Gò Công lên chơi. Thẩy nói cháu làm ông Huyện ở trên Mỹ Tho, thanh liêm, ngay thẳng, nên được lòng dân lắm. Thầy nghe như vậy thầy mừng cho cháu. Cháu thăng Tri Phủ thầy không hay. Được vậy càng vinh vang cho thầy nhiều hơn nữa.

–         Nếu con được người ta yêu, thì thiệt nhờ thầy dạy dỗ, bởi vậy con không bao giờ quên ơn thầy thím.

Ông Giáo biểu bà kêu người nhà bắt gà làm thịt đặng dọn cơm khách ăn.

Vĩnh Xuân kêu tài xế mượn xách giùm hoa ly đem vô nhà. Ông đắt cô Hưởng đi vô trong, ý muốn chỉ chỗ ngồi học hồi trước cho cô thấy. Ông Giáo nói mấy năm nay ông nghỉ dạy, nhưng cái nhà vẫn còn.

Bước vô nhà sau, cô Hưởng nhớ liền. Cô chỉ chỗ để bàn cô ngồi, chỗ lót bộ ván của thầy, chỗ giăng võng để thầy nằm nghỉ lưng, chỉ trúng hết.

Vợ chồng ông Giáo lấy làm lạ, hỏi Cúc Hương chết mà sao sống lại được và tại sao lại còn trẻ như hồi tự vận.

Vĩnh Xuân thuật sơ sự ông cặp cô Hưởng tại chợ Bình Thủy, thấy cô giống tạc Cúc Hương mới xin coi khai sanh, dọ chắc Cúc Hương đầu thai nên sanh cô Hưởng nhưng cô Hưởng cứ mờ mờ, không rõ chuyện kiếp trước, nên ông đem vô đây cho cô thấy lại cảnh cũ người xưa coi trí có sáng lại hay không. Hồi nãy đi ngang nhà Cúc Hương cô biết, tới chỗ Cúc Hương ngồi chợ bán hàng, tới nhà việc và chùa ông, cô cũng nhớ nữa. Bây giờ tới nhà ông Giáo, cô cũng nhớ lại việc xưa rồi. Vậy thì chắc chắn cô Hưởng là hậu kiếp của Cúc Hương rõ ràng, không còn nghi gì nữa.

Vĩnh Xuân hỏi thăm vợ chồng Hia Mỹ với Hai Tỷ thì bà giáo nói vợ chồng Hia Mỹ đều còn sống, nhưng thôi mua bán lúa gạo, vì đã già rồi. Còn Hai tỷ thì chồng là Tài phú Sấm về Tàu vài năm nay, không thấy trở qua, chị ta vẫn còn ở căn nhà hồi trước và vẫn bán hàng ngoài chợ.

Vĩnh Xuân nói riêng vơi bà giáo rằng sáng mai cần phải cho cô Hưởng thình lình găp Hai Tỷ tại chỗ bán hàng hồi trước coi cô còn nhớ chị ta hay không. Trời chưa tối lại còn làm thịt gà lâu, vậy Vĩnh Xuân tính để cô Hưởng ở đây, ông đi thăm chị Hai Tỷ đặng dặn trước chị Hai mà sắp đặt cuộc gặp gỡ sáng mai.

Vợ chồng ông Giáo biểu đi một chút rồi trở về ăn cơm.

Vĩnh Xuân biểu vợ thay đồ ở nhà chơi. Ông lên xe đi ra nhà Hai Tỷ.

Hai Tỷ nghe xe hơi ngừng trước cửa thì chị lật đật bước ra coi. Chị thấy Vĩnh Xuân trên xe bước xuống chị mừng quá, chị la lớn, chạy ra nắm tay ông mà dắt vô nhà.

Vĩnh Xuân đưa tiền cho anh tài xế biểu ra chợ ăn mì, cháo cho no, sợ chợ nhỏ không có bán cơm buổi chiều. Ông dặn ăn rồi đem xe lại đây đặng rước ông trở về nhà ông Giáo ăn cơm.

Vĩnh Xuân ngồi kể tất cả đầu đuôi mọi việc của ông trong 18 năm nay cho Hai Tỷ nghe, vì mẹ buồn nên 27 tuổi ông phải vâng lời mẹ mà cưới vợ; sanh được con trai 3 tuổi rồi vợ chồng không đồng tâm chí, nên phải để bỏ. Đầu năm nay được thăng chức Tri Phủ rồi đổi qua Cần Thơ, tình cờ ông gặp một thiếu nữ giống tạc Cúc Hương. Hỏi ra thì cô nầy tên Hưởng, sanh đúng ngày giờ cúc Hương hiện hình trong giấc chiêm bao mà từ giã ông đặng đi đầu thai. Vì nhớ lời Cúc Hương nói duyên nợ vẫn còn, kiếp sau sẽ sum hiệp, nên ông cưới cô Hưởng. Tiếc vì cô Hưởng khôn lanh mà trí nhớ lại mù mịt, hỏi chuyện kiếp trước, cô không nhớ được, bởi vậv đem cô về đây cho cô gặp người cũ, thấy cảnh xưa, hoặc may trí cô bựt lên sáng suốt thì nhớ lại việc kiếp trước. Vĩnh Xuân nghe Hai Tỷ còn bán hàng ngoài chợ nên ông đến cho chị hay trước đặng sáng bữa sau, lúc chợ nhóm đông, ông dắt cô Hưởng lại gian hàng coi cô nhìn chị được hay không ?

Hai Tỷ nghe rõ như vậy thì chị mừng quá, chị hẹn sáng mai dọn hàng và mặc đồ cũng như hồi trước. Chị vái cho cô Hưởng nhìn được, chỉ cho thiên hạ biết nhơn duyên trời định không nên phá rối, vì chỉ tơ vương vấn, dầu bứt đi nó cũng nối lại như xưa.

Xe hơi trở lại. Vĩnh Xuân từ mà về kẻo vợ chồng ông Giáo chờ ăn cơm. Hai Tỷ hỏi chừng nào mới về Cần Thơ. Vĩnh Xuân nói sáng mai thí nghiệm rồi đi thăm mộ cha, có lẽ còn đi Vàm Láng kiếm thăm ông cậu rồi mới về. Hai Tỷ ân cần mời chiều mai vợ chồng ăn một bữa cơm với chị cho chị vui mừng cuộc tái hiệp hôm nay.

Vĩnh Xuân không nỡ từ chối nên phải hứa chiều mai lại ăn cơm với chị.

Vĩnh Xuân mừng thấy vợ nhìn cảnh cũ mở trí được rồi, đã nhớ vợ chồng ông Giáo Huân thì chắc sáng mai cũng sẽ nhớ chị Hai Tỷ. Trở về nhà ông Giáo ăn cơm. Ông vui vẻ hết sức, vui nối lại duyên đưa, vui trả được nghĩa năng.

Ông Giáo kêu anh tài xế biểu đem xe vô sân đậu, rồi ở trong nhà mà chơi, lát nữa ăn cơm. Tài xế nói quan lớn có cho tiền ăn mì no rồi, và ngủ ngoài xe được. Ông Giáo không cho, nói chợ nhỏ không có tiệm cơm, mà quan lớn ở chơi tới năm ba ngày, anh ăn mì hoài chịu sao nổi. Xe đậu trong sân, không ai dám phá đâu mà phải ngủ giữ xe.

Bà Giáo nói có biểu trẻ dọn cơm ở trong. Vô chơi rồi ăn. Quan Phủ kêu biểu nữa, rên anh tài xế hết dám cãi, đem xc vô đậu dựa vách xong rồi vô nhà trong mà chơi.

Ăn cơm rồi vợ chồng ông Giáo với vợ chồng ông Phủ ngồi chung một bàn và nói chuyên.

Nhơn dịp nầy Vĩnh Xuân mới đem chuyện ông kết tình và thề thốt với Cúc Hương mà thuật rõ lại cho cô Hưởng với vợ chồng ông Giáo nghe, vì từ ngày cưới đến nay ông chưa hề nói chuyện đó cho vợ biết, mà trước kia ông cũng không nói rõ vợ chồng ông Giáo. Ông kể chuyện Cúc Hương lãnh bao tiền cho ông ăn học bốn năm, chuyện ở nhà cô mua áo cậy người cho mẹ, chuyện vợ chồng Hia Mỹ ham giàu ép Cúc Hương gả cho con Thôn Khoa, cô thú thiệt đã có thề nguyền với ông nên không thể ưng người khác được. Cha mẹ cô cho ông nghèo, cứ ép gả lấy chồng. Cô không dám chống cự. Gần ngày cưới cô gởi cho chị Hai Tỷ một gói, dặn chừng bãi trường thì giao lại cho ông. Hai Tỷ đem về cất trong tủ, tưởng cô gởi đồ cho lần chót đặng về nhà chồng nên không nghĩ chi.

Chẳng dè nhóm họ đặng sáng đưa dâu, đến khuya Cúc Hương uống dấm với á phiện mà chết. Đúng giờ cô tắt hơi thì ở trong trường Trung học Mỹ Tho ông chiêm bao thấy có cô kêu cho hay cô đã chết rồi, biểu về hỏi hai Tỷ sẽ biết tại sao cô chết và căn dặn đừng buồn rầu, phải học tiếp ba năm nữa cho thành thân, cô đã có gởi tiền lại cho ông ăn học theo lời cô đã hứa. Ông không tin điềm chiêm bao cho lắm, song trông mau bãi trường đặng về coi. Thiệt quả mười mấy bữa sau ông về nghe chết thiệt. Ông ra nhà Hai Tỷ hỏi thăm thì Hai Tỷ thuật rõ mọi việc cho ông nghe, nói ngày giờ chết thì đúng với ngày giờ chiêm bao. Hai Tỷ đưa gói của Cúc Hương gởi, Trong gói có một vóc xuyến với một vóc lãnh gởi cho mẹ, 50$00 để cho ông ăn học ba năm nữa, lại có mmột miếng lụa trắng chánh tay cô viết năm chữ: “Xả sanh nhi thủ nghĩa” rồi ký tên “Cúc Hương”.

Cô Hưởng hỏi phải tấm lụa ông lộng kiếng ông đọc cho cô nghe cách mấy tháng trước rồi bây gìờ ông treo trong phòng đó hay không ? Ông nói phải. Cô cười.

Ông Giáo nói: “Cúc Hương chết cho tròn nghĩa, đáng thương ! Sở hành phù hạp với sở học, vậy là phải”.

Vĩnh Xuân nói: “Mới có một chuyện làm cho con bối rối từ hồi chiều tới giờ. Hồì tới đây con chỉ cho tài xế chạy chậm chậm trước nhà Hia Mỹ. Con chỉ nhà cho vợ con thấy thì vợ con nhớ hồi trước có ở đó. Con không biết sáng mai con có nên đem vợ con đến thăm cha mẹ Cúc Hương hay không, vì vợ chồng Hia Mỹ là đấng sanh thành của vợ con kiếp trước”.

Cô Hưởng nói cứng cỏi: “Thưa anh, vợ chồng ta không nên đến thăm vì lẽ người ta đã khỉnh rẻ anh thì anh có tình nghĩa gì mà lui tới. Còn phận em, nếu em nhìn biết ông bà ấy thì em lỗi với cha mẹ em. Tốt hơn hết là anh đừng để cho em gặp. Vợ chồng người ấy không phải là đấng sanh thành dưỡng dục em”.

Ông Giáo Huân đã sẵn lòng không ưa vợ chồng Hia Mỹ, thuở nay thường trách tụi đó là trược phú, ham giàu giết chết Cúc Hương, uổng công ông dạy dỗ mấy năm trường, làrn cho cặp môn đệ cao quí của ông đau khổ không được phối hiệp. Hôm nay nghe cô Hưởng nói như vậy thì ông lấy làm hài lòng nên ông liền phụ theo mà nói: “Lời cô Phủ nói đó đúng lắm. Dầu Cúc Hương là tiền kiếp của cô, vợ chồng Hia Mỹ không phải là đấng sanh thành cô. Nếu cô gặp vợ chồng Hia Mỹ mà cô làm lơ, thì té ra cô phụ bạc nghĩa xưa, nếu cô nhìn biết thì cô lỗi với cha mẹ cô trong kiếp nầy. Vậy đừng cho cô Phủ gặp vợ chồng Hia Mỹ là phải”.

Bà Giáo tiếp nói: “Ối ! Sang kiếp nào thì biết cha mẹ về kiếp đó mà thôi. Nêu phải kể tới kiếp trước, ví như mình sống cả như mười kiếp rồi, mình phải có cả chục cha, cả chục mẹ hay sao. Huống chi vợ chồng Hia Mỹ đã không biết thương con, rúng ép làm cho Cúc Hương chết rồi thì thôi, đạo làm con đã chấm dứt, còn tình nghĩa gì mà kể”.

Vĩnh Xuân nghe cô Hưởng với vợ chồng ông Giáo đồng ý không muốn cho gặp vợ chồng Hia Mỹ thì ông xuôi theo, không quan tâm tới việc đó nữa.

Bà Giáo hỏi qua Chuyện Vĩnh Xuân năm trước cưới vợ tại Mỹ Tho rồi sao thôi đi. Vĩnh Xuân nói ông quyết thủ tiết để đáp nghĩa với Cúc Hương, mẹ buồn quá sợ ngày sau không có người lo hương lửa, nên ông phải để cho mẹ định đôi bạn. Vợ là con nhà giàu, vợ chồng ở với nhau sanh được một đứa con trai, mẹ vui mừng chẳng xiết. Chừng con được ba tuổi, vì tâm trí bất đồng nên vợ chồng làm đơn đến Tòa xin phá hôn thú, ai đi đường nấy từ đó đến giờ. Vĩnh Xuân giấu, không chịu nói vì mình không có tình với Cầm Nhung làm cô buồn mà thất tiết, nên vợ chồng phải rời rã.

Hôm nay cô Hưởng được biết tâm sự của chồng, cô mới hiểu tại sao khi gặp nhau thì gắn bó, mà cứ xem xét dục dặc đến mấy tháng mới chịu cậy mai nói mà cưới cô.

Bà Giáo sợ cô Phủ đi đường xa cô mệt nên kêu người nhà ra biểu dọn bộ ván lớn rồi giăng mùng và để mền gối cho cô nghỉ.

Ông Giáo với Vĩnh Xuân cứ ngồi nói chuyện. Vĩnh Xuân tỏ cách cư xử với thú vui chơi của mình cho ông Giáo nghe. Ông nói chẳng hề ông bỏ bốn chữ “Thanh cao chính trực” và ông cũng có nuôi hai bụi môn như thầy dặn. Làm quan cũng như làm người luôn luôn ông lấy đạo nhơn nghĩa làm gốc.

Ông giáo đắc chí, nên ông nói: “Thầy rất hài lòng mà un đúc được một môn đệ biết chọn con đường cao quí mà đi, không thèm chịu theo thế tục mà hiển đạt hơn thiên hạ”.

Nói chuyện đến khuya, thầy trò mới chịu phân tay đì nghỉ.

Sáng bữa sau, bà Giao dọn cháo ăn lót lòng rồi, Vĩnh Xuân biểu cô Hưởng thay đồ đặng ra chợ chơi rồi đi thăm mộ cha. Ông cho bà Giáo hay trưa ông sẽ về ăn cơm, còn chiều thì ông đã hứa lời ăn với chị Hai Tỷ nên bà khỏi lo bữa cơm tối. Vợ chồng Vĩnh Xuân lên xe đi, tới trước chùa Ông Quan Đế, biểu tài xế ngừng lại, rồi vợ chồng vô chùa đốt nhang mà xá. Chừng trở ra cửa Vĩnh Xuân hỏi vợ: “Em nhớ chỗ nầy hay không ?”. Cô Hưởng cười mà đáp: “Chỗ anh thề nguyền với Cúc Hương hồi trước”.

Vĩnh Xuân gặc đầu, vui thấy trí vợ đã bựt sáng hoàn toàn.

Vợ chồng lên xe rồi, Vĩnh Xuân biểu tài xế chạy ra chợ. Tới nhà lồng chợ ông biểu ngừng xe. Ông đưa tiền cho tài xế đi ăn lót lòng. Ông dắt cô Hưởng đi trong nhà lồng, bắt đầu trên đi xuống lầu dưới.

Chợ vừa nhóm đông. Trẻ nhỏ người lớn ai thấy xe hơi cũng ngó, vì thuở ấy ít có xe hơi nên ngó rồi thì bu lại mà coi.

Vĩnh Xuân với cô Hưởng song song đi thủng thẳng giữa nhà lồng, ngó hàng dọn bán hai bên. Ai thấy người lạ cũng liếc mắt ngó, nhưng ai ngó mặc ai, vợ chồng không đế ý. Đi gần tới chỗ Hai Tỷ ngồi bán hàng, cô Hưởng ra tay chỉ rồi day qua hỏi nhỏ chồng: “Phải chị Hai Tỷ ngồi kia hay không ?”

Vĩnh Xuân gặc đầu.

Cô Hưởng đi riết lại mà kêu: “Chị Hai !”

Hai Tỷ đứng dậy la: “Em Tư ! Em còn nhớ chị hay sao ? Giỏi quá ! Chị mừng lắm”.

Hai chị em ôm nhau, cảm xúc đến ứa nước mắt cả hai.

Vĩnh Xuân đứng ngó mà cười, trong lòng sung sướng cực điểm.

Hai Tỷ buông cô Hưởng ra rồi kêu Vĩnh Xuân mà nói: “Quan Phủ bước xê lại đây chơi thiệt giống hệt như hồi đó, không sai một mảy nào hết”.

Cô Hưởng nói:

–         Chi già rồi.

–         Hai mươi năm rồi, làm sao không già, phải làm như em mới khỏi già chớ.

–         Sao chị biết ?

–         Chiều hôm qua quan Phủ đã có nói hết cho chị nghe rồi.

–         A ! Té ra hồi chiều hôm qua đi thăm chị đó hay sao ? Phải nói cho em biết, em cũng đi nữa.

–         Để thử em, biết hôn ?

–         Về đến đây, xe qua cầu rồi thì em nhớ hết cần gì phải thử. Chị còn ở chỗ cũ hay không ?

–         Còn. Chi có mời chiều nay quan Phủ với em sẽ lại nhà ăn cơm với chị.

–         Vậy à ? Thì để chiều rồi sẽ nói chuyện. Đứng giữa chợ đông họ ngó quá.

–         Bây giờ chồng làm quan Phủ còn sợ ai nữa ?

Cô Hưởng chỉ chỗ Cúc Hương ngồi bán hồi trước. Vợ chồng ngó nhau mà cười, rồi từ giã Hai Tỷ mà đi.

Hai Tỷ kề miệng vào tai cô Hưởng mà hỏi nhỏ: “Em muốn chị cho đằng nhà hay hôn ?”

Cô Hưởng khoát tay nói: “Đừng, đừng, không nên”. Nói dứt lời liền kéo chồng đi.

Vợ chồng Vĩnh Xuân đi giáp một vòng chợ, đợi tài xế ăn lót lòng rồi mới lên xe đi thăm mộ ông Hương văn Thanh.

Vô đó thấy mả bỏ lâu năm không ai săn sóc, núm mả muốn lạng, nên Vĩnh Xuân vô xóm gần đó kiếm người mướn đấp lại cho cao. Có người chịu làm, Vĩnh Xuân dắt ra chỉ mả và tỏ ý muốn đắp núm lên tới cỡ nào. Người ấy xin cho 6$00 tiền công vì phải kêu thêm một người gánh đất.

Vĩnh Xuân lấy 6$OO đưa liền và nói đắp chừng nào rồi. Người ấy nói trưa mai thì xong hết. Vĩnh Xuân dặn đắp cho tử tế, chiều mai ông trở vô ông coi rồi ông sẽ cho tiền thêm.

Bận về Vĩnh Xuân ghé viếng mộ Cúc Hương, chỉ mộ chí khắc tên Lý Thị Tư cho cô Hưởng biết. Mộ đã lâu năm nhưng có lẽ vợ chồng Hia Mỹ chăm nom nên núm vẫn cao ráo sạch sẽ. Vĩnh Xuân khấn vái rồi vợ chồng ra xe mà về nhà ông Giáo Huân.

Còn ngoài chợ hồi sớm mơi vợ chồng Vĩnh Xuân từ giã Hai Tỷ mà đi rồi thì thiên hạ xôn xao xúm lại hỏi quan Phủ nào mà quen với Hai Tỷ như vậy. Hai Tỷ nói: “Quan Phủ đó là con của bà Hương Văn Thanh hồi trước ở trong xóm Cây Me lớn, bả bán bánh, bán trái tại chợ mình đó”.

Có người nói: “Té ra cậu hồi trước đi học mỹ Tho Sài gòn đó chớ gì. Cha chả, bây giờ làm tới ông Phủ đi xe hơi có phước quá há !”.

Một bà bán hàng ngồi ngang Hai Tỷ lại nói: “Quan Phủ có vợ còn nhỏ quá, mà sao cô đó giống hệt con Tư là con của Hia Mỹ hồi trước ngồi bán hàng gần con hai vậy ?”

Một người khác cãi: “Năm đó con Tư uống thuốc độc chết, chôn mất đất rồi, đâu phải con Tư mà nói”.

Một người khác nữa nói: “Phải mà. Con Tự rõ ràng. Tôi coi kỹ lắm. Hỏi thím Hai Tỷ con phải hôn. Hồi mới lại tôi nghe thím Hai Tỷ kêu “Em Tư”, còn cãi gì nữa”.

Hai ba người xúm lại hỏi Hai Tỷ, phải cô Phủ đó là cô Tư, con của Hia Mỹ phải không ?

Hai Tỷ chúm chím cười mà nói không biết, chớ không chịu nói phải hay là không phải. Thái độ ấy làm cho người ta nghi có việc bí mật nên Hai Tỷ dấu. Ai nấy cứ bàn luận cãi lẩy với nhau làm cả chợ đều hay hết, hay con Tư là con gái của Hia Mỹ, nó làm bộ chết cho con Thôn Khoa cưới không được, rồi bây giờ nó có chồng là ông Phủ con của bà Hương văn Thanh.

Người ta đồn rùm chuyện như vậy. Đến trưa có người thân thiết với nhà Hia Mỹ mới đem chuyện nầy mà thuật cho bà Phú là vợ Hia Mỹ nghe. Bà nói lại cho chồng hay rồỉ xế bà che dù vô nhà Hai Tỷ hỏi lại cho chắc coi có phải hồi sớm mơi có vợ chồng ông Phủ ra chợ thăm Hai Tỷ và người vợ là con Tư con gái của bà, phải vậy hay không ?

Hai Tỷ cười và nói: “Có. Hồi sơm mơi có quan Phủ Vĩnh Xuân, con của bà Hương văn Thanh, có lẽ bà biết bà Hương văn Thanh mà, hồi trước bả ở trong xóm Cây Me Lớn, bả bán xôi bán bánh, bán trái cây ở chợ mình đây. Ừ, con bả học giỏi nên bây giờ làm tới quan Phủ cũng đi xe hơi về thăm mồ mã, ổng bả về ở trên nhà ông Giáo Huân. Hồi sớm mơi vợ chồng ổng đi chơi ổng ghé thăm tôi vậy thôi, chớ có gì đâu. Bà vợ còn nhỏ, mặt mày giống con Tư hồi trước thiệt. Ông làm việc bên Cần Thơ. Ông cưới vợ là con ai bên đó tôi không biết”.

Vợ Hia Mỹ thất vọng suy nghĩ một chút rồi nói:

–         Vậy mà họ đồn chắc chắn vợ ông Phủ đó là con Tư tôi. Họ nói tại hồi trước tôi gả con Tư lấy chồng, nó không chịu, nó làm bộ uống thuốc độc mà chết, rồi trốn theo con bà Hương văn.

–         Chết thiệt chớ làm bộ nỗi gì. Nó chết trên tay tôi.

–         Ừ chết thiệt mà. Hồi liệm có tôi. Đi chôn cũng có tôi. Vậy mà họ nói nó trốn theo con bà Hương văn, nên bây giờ nó được làm bà Phủ đó.

–         Cái đó tôi không hiểu. Mà con Tư chết đã hơn 20 năm rồi. nếu nó làm bộ đặng trốn thì năm nay nó phải gần 40 tuổi. bà Phủ nầy còn nhỏ lắm. Tôi coi lối 17 tới 20 tuổi là nhiều.

–         Nhỏ dữ vậy hay sao?

–         Nhỏ thiệt mà. Song cô giống con Tư hồi nhỏ lắm. Tôi thấy thì tôi kêu con Tư liền.

–         Có lẽ tại vậy nên họ đồn con Tư sống lại chớ gì. Thím nói vợ chồng ổng ở trên ông Giáo phải hôn ?

–         Tôỉ hỏi thì nói ở trển.

–         Thôi, để tôi về. Không biết chừng tôi lên coi thử xem.

–         Ừ. Bà lên trển mà coi. Nầy, mà người ta làm tới bà Phủ chớ không phải chơi. Bà gặp thì ngó vậy thôi, chớ đừng nói đổ nùi người ta bắt lỗi.

–         Ai dám nói giống gì.

Vợ Hia Mỹ về. Hai Tỷ vô trong dặn dò hai chị bếp rán nấu cho ngon đặng đãi vợ chồng quan Phủ một bữa cho xứng đáng. Hai Tỷ đương cười thầm vợ chồng Hia Mỹ dại, chớ chi đừng ham giàu ép gả con thì bây giờ con rể về chơi ở nhà mình rồi mình làm cha mẹ vợ quan Phủ vinh vang biết chừng nào.

Hai Tỷ đương suy nghĩ thì nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài lộ. Chị bước ra thấy vợ chồng Vĩnh Xuân xuống xe. Chi tiếp mừng, mời vô nhà và nói bà mẹ Cúc Hương nghe người ta đồn hồi trước Cúc Hương làm bộ chết giả cho khỏi về nhà chồng đặng trốn theo Vĩnh Xuân, bây giờ làm bà Phủ, vợ chồng về thăm xứ sở.

Cô Hưởng cười ngất, khen ai bày cái thuyết giả chết đặng khỏi về nhà chồng thiệt là hay. Vĩnh Xuân nói: “Nếu họ bày thêm cái thuyết tôi biết thuốc cho uống đặng “phản lão hườn tráng” thì còn hay hơn nữa. Mấy chị em cười với nhau. Hai Tỷ nói bà Mỹ có lẽ sẽ lên nhà ông Giáo kiếm thăm vợ chồng quan phủ. Chị tiếc bà Hương văn không về chơi.

Vĩnh Xuân hỏi thăm Tài phú Sấm thì Hai Tỷ nói về Tàu gần hai năm rồi mà không biết tại sao bặt tin.

Hai Tỷ lấy làm lạ mà thấy cô Hưởng thiệt giống Cúc Hương không có một điểm nào khác, giống mặt mày tay chưn, giống bộ đi tướng đứng, giống tánh nết nhậm lẹ, giống giọng nói tiếng cười, giống ráo hết thảy.

Vĩnh Xuân nói:

–         Người ta làm cúc Hương của tôi chết oan, thì phải trả lại nguyên cho tôi chớ sao chị.

–         Lại thêm lời nữa chớ.

–         Phải lắm. Làm mất của tôi hồi tuổi đó, phải trả lại cho lời cũng tuổi đó, tôi mới chịu chớ.

Cô Hưởng nói: “Làm như vậy thì đủ vốn chớ đâu có lời, Chị Hai nói anh lời là lời thêm Vĩnh Tân kia chớ!.

Vịnh Xuân cười mà nói: “À, à, phải”.

Ba người nói giễu đương cười với nhau thì vợ Hia Mỹ bước vô nói: “Tôi chào quan Phủ, cô Phủ. Nghe thím Hai đây nói có hai ông bà về chơi ở trên nhà ông Giáo. Tôi tưởng có chị Hương văn nên tôi lên kiếm mà thăm. Té ra bà Giáo nói không có chị Hương văn, còn hai ông bà mới đi chơi, đi phía dưới nầy. Tôi trở về, thấy có xe hơi đậu, tôi chắc ở đây nên ghé thăm một chút.

Vĩnh Xuân kéo ghế mời bà Mỹ ngồi. Bà ngó cô Hưởng trân trân, rồi lại ván mà ngồi, Hai Tỷ bưng trầu mời ăn. Cô Hưởng không quen, nên đứng dậy bước ba ngoài cửa. Bà Mỹ mắt cứ ngó theo cửa mà miệng thì hỏi Vĩnh Xuân.

–         Quan Phủ về ở chơi chừng bao lâu ?

–         Vài bữa. Mai tôi đi Vàm Láng kiếm thăm cậu ba tôi. Chiều tôi trở lại dây coi như họ đắp mồ mả xong rồi thì sáng mốt tôi về Cần Thơ.

–         Sao không ở chơi lâu lâu ?

–         Tôi còn làm việc, ở lâu sao dược.

–         Quau Phủ cưới cô Phủ được bao lâu rồi ? Có con hay chưa ?

–         Thưa chưa, mới cưới hơn một tháng nay.

–         Cưới bên Cần Thơ, hay là ở đâu ?

–         Bên Cần Thơ, con ông Hương nhì gần chợ Bình Thủy.

–         Làm quan Phủ mà cưới con Hương nhì vậy thôi.

Cô Hưởng trở cô ngồi ngang Vĩnh Xuân, mặt có nét bất bình.

Vịnh Xuân nói: “Tôi là con Hương văn. Tôi cưới con Hương nhì vậy là đương môn đối hộ lắm chớ. Tôi nghèo mà…”

Vĩnh Xuân bứt ngang không nỡ nói cho hết câu. Hai Tỷ hiểu ý nên chị chúm chím cười. Bà Mỹ không thẹn, ái ngại, nên còn nói tiếp: “Cô Phủ năm nay được bao nhiêu tuổi ?”

Cô Hưởng giành đáp: “Tôi 18 tuổi. Bà có ý chi mà hỏi kỹ dữ vậy”.

Bà Mỹ thấy cô Hưởng có sắc giận, nên ú ớ nói: “Hỏi cho biết, chớ có ý chi đâu. Tôi muốn mời hai ông bà ra nhà tôi chơi”.

Vĩnh Xuân nói: “Cám ơn bà để khi khác. Lần nầy tôi không rảnh. Không thể thăm bà được, tôi tiếc lắm.

Cô Hưởng đứng dậy rủ Vĩnh Xuân đi vô mộ coi họ đã khởi công đắp hay chưa. Vợ chồng cáo từ bà Mỹ với Hai Tỷ ra xe mà đi. Hai Tỷ hiểu ý cô Hưởng muốn tránh bà Mỹ nên không nói gì hết.

Vợ chồng Vĩnh Xuân đi ra. Bà Mỹ công nhận cô Phủ sao giống con Tư, hai người như nuột. Bà tiếc không mời ra nhà được cho ông Mỹ thấy. Bà ăn trầu rồi từ mà về.

Cách một lát vợ chồng quan Phủ trở lại.

Hai Tỷ nói: “Hồi nãy cậu Phủ nói đương môn đối hộ nghe được quá. Cậu muốn nhắc sự người ta chê cậu nghèo, sao cậu mới mở ra rồi cậu lại ngừng đi ?”

Vĩnh Xuân nói: “Tôi bất nhẫn chị Hai à. Bà Mỹ hối hận nên nghe người ta nói, bà đi tìm coi phải con bà hay không. Bà gặp mà con rể bảng lảng, vậy cũng đủ phạt bà rồi, còn nói chi nữa”.

Cô Hưởng nói: “Cái thói ham giàu sang cũng chưa bỏ được. Anh phải nói đặng dạy người ta chớ”.

Vĩnh Xuân nói: “Phải lấy nhân nghĩa mà ở đời. Người ta đã ngã mà mình còn đạp thêm nữa thì mình bất nhân. Còn mẹ đẻ của Cúc Hương mà tôi nói nặng lời thì tôi bất nghĩa. Vì vậy nên tôi không nỡ”.

Đồ nấu xong rồi dọn lên bàn. Ba chi em ăn uống nói chuyện vui cười, rồi vợ chồng Vĩnh Xuân cáo từ trở về nhà ông Giáo mà nghỉ.

Sáng bữa sau, vợ chồng Vĩnh Xuân đi xuống vàm Láng kiếm thăm ông cậu là Ba Cao. Người ta nói vợ chồng Ba Cao thôi ở Vàm Láng đã lâu rồi, không biết bây giờ ở đâu.

Vợ chồng mua ít con cá chẻm, trở lên Gò Công ăn cơm, mua trà với bánh rồi về nhà ông Giáo cho bà Giáo cá với trà bánh.

Buổi chiều vô mộ coi thì họ đắp xong rồi, đắp thiệt tốt. Vĩnh Xuân cho người lãnh dắp thêm 4$00 và cho riêng 10$00 nữa cậy coi chừng dùm mộ.

Vĩnh Xuân rất vui mừng dược thấy cô Hưởng đã mở trí, nhớ cả người và chuyện hồi kiếp trước. Ông tính đem vợ lên Sài gòn ở chơi vài bữa rồi sẽ về.

Đến tối vợ chồng ông ra thăm Hai Tỷ đặng cáo biệt rồi tảng sáng từ giã vợ chồng ông Giáo Huân lên xe đi Sài gòn.

Ở Sài gòn tới hai bữa, vợ chồn đi kiếm sách cần mà mua, sách nho sách Tây và sách quốc ngữ, thứ nào cũng mua cả chục quyển. Vĩnh Xuân cũng có đem cô Hưởng đi xen khắp Sài gòn Chợ Lớn, xem lâu đài, xem thắng cảnh, xem cuộc buôn bán, xen bến tàu đò, xem đủ hết rồi mới về.

Về nhà, điều Vĩnh Xuân nói cho mẹ hay trước hết là có mướn đắp mộ cha rồi mới nói cô Hưởng qua Chợ Giồng cô thấy cảnh cũ, người xưa thì trí cô bừng sáng, nên cô biết hết, nhớ hết. Qua Mỹ Tho ăn bữa cơn trưa với ông Kinh, có ghé thăm bà Chủ rồi mới đi Gò Công Xuống Chợ Giồng ở nhà ông Giáo Huân. Hai Tỷ có mời ăn một bữa cơm. Vợ Hia Mỹ có lết lại làm quen, chủ ý xem cô Hưởng. Vì cô Hưởng không chịu nhìn nên hổ thầm mà đi về. Có xuống tới vàm Láng kiếm thăm cậu Ba Cao, nhưng vợ chồng cậu đã đi xứ khác không ai biết đi đâu, nên không tìm được.

Bà Hương văn nghe con thuật đủ chuyện bà vui vô cùng, nhứt là bà mừng biết cô Hưởng thiệt là hậu kiếp của Cúc Hương, bà tin chắc dâu bà sẽ ở với bà trọn đạo.

Chiều mát, Vĩnh Xuân lại thăm Hội Đồng Đạo mà tạ ơn cho mượn xe.

Tối lại ông viết thơ cho ông Kinh Lương với Ba Khai mỗi người một bức thơ mà cáo lỗi rằng ở Gò Công ông lên Sài gòn rồi thẳng đường ông về luôn, không ghé Mỹ Tho được. Thơ gởi cho ông Kinh, ông có viết thêm rằng cô Hưởng nhìn cảnh cũ cô biết, rồi gặp người xưa cô nhớ hết. Ấy vậy quả thiệt là căn duyên nên mới vương vấn sợi tơ hồng như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.