Tôi có thể... nói thẳng với anh

CHƯƠNG 31



Một đức tính khác mà nhà trường quên dạy chúng ta là đức tính IM LẶNG. Trong lớp học, khi ông thầy đang giảng bài mà học trò nói chuyện xầm xì hoặc cười đùa ra tiếng thì ông thấy lấy cây thước gõ nhịp xuống bàn và quát lên “IM”. Chúng ta chỉ biết phải im lặng để chú ý lời thầy nói. Ông thầy ít khi giảng nghĩa về đức IM LẶNG và đạo đức của nó.
Tuy đến ngày nay khoa học mới tìm ra cách đo lường cường độ của tiếng động bằng bao nhiêu décibel, và y học mới nhận rằng sự ầm ĩ, sự náo động có hại cho sức khỏe. Vì thế ở những đô thị lớn hằng năm nhà chức trách lập ra tuần lễ “IM LẶNG”. Nhưng từ ngàn xưa người ta đã hiểu và nhận thấy giá trị của đức IM LẶNG. Nhiều dòng tu như dòng Chartreux, Trape, Carmel buộc các tu sĩ giữ “IM LẶNG” như một răng giới. Những bậc đạt sĩ thời xưa dạy cho những người muốn thụ giáo câu châm ngôn: HIỂU BIẾT, BIẾT MUỐN, DÁM LIỀU và IM LẶNG, mà pho tượng con quái vật đầu người hình thú hiện còn nằm giữa sa mạc gần Le Caire thủ đô Ai Cập là một biểu tượng. Cánh phượng hoàng, một loài chim quen bay liệng trên trên cao chỉ sự HIỂU BIẾT, đầu người đàn bà chỉ LÝ TRÍ và Ý CHÍ, vuốt chân sư tử chỉ đức DÁM LIỀU, hong con bò rừng, một loài thú khỏe mạnh nhưng điềm đạm chỉ đức IM LẶNG.
Thời xưa không có tiếng ầm ĩ của máy móc, nhưng chúng ta quen nói rất nhiều để chẳng nói điều gì cả. Cứ nghe diễn văn của các nhà chính trị ngày nay thì rõ. Nói ít, nghe nhiều; làm nhiều, nói ít, khoa học đắc lực khuyên chúng ta như thế. Kiềm chế đặng đôi môi không phải là bước đầu mà chính là một trong những bước khó khăn nhất trong việc rèn tập đức tự chủ. Những người chỉ huy, những tay lãnh đạo có tài đều nói ít.
Sự im lặng trong hành động: Tránh những cử chỉ rối rít vô ích; không hấp tấp, hối hả trong khi làm việc và làm việc trong im lặng, đó cũng là biết làm việc một cách đắc lực.
Sự im lặng trong trí tưởng tượng: Loại khỏi óc tưởng tượng những tư tưởng vẩn vơ, những mộng ảo rất đẹp nhưng vẫn là mộng ảo, đừng ấp ủ trong đầu những kỷ niệm êm đềm nhưng vô bổ. Chỉ “tư tưởng bằng hai tay” là tư tưởng một cách thiết thực. Tư tưởng để hành động.
Sự im lặng của dục vọng: Đề nén đặng tiếng gào thét của căm hờn, của căm thù, bóp nghẹt nổi tiếng thúc giục của tham lam, của lòng dục là kỳ công cao quý nhất mà một người có thể làm. Có làm chủ đặng mình mới mong làm chủ đặng người, làm chủ lấy cuộc đời.
Sự im lặng trong nghịch cảnh: Đừng than van kể lể khi gặp sự khó khăn, hoặc bạ ai cũng toan trút bầu tâm sự. Như vậy có ích gì? Người ta có thể chia sớt nỗi lo của bạn nhưng không ai giúp bạn giải quyết những nỗi khó khăn ấy đâu.
“Cười đi, thiên hạ đồng tình
Khóc than bạn sẽ một mình khóc than”.
Tất cả những thứ IM LẶNG đó đòi hỏi chúng ta ít nhiều can đảm tinh thần. Bù lại, luôn luôn nó có mang đến cho chúng ta những lợi lộc về vật chất: THÀNH CÔNG; hoặc về tinh thần: SỰ YÊN TĨNH CỦA TÂM HỒN.
Nhưng có phải thời bây giờ tiếng ầm ĩ của máy móc, tiếng gào thét của dục vọng làm át mất tiếng nói của LƯƠNG TRI mà con người ở thế kỷ hai mươi này đã chinh phục đặng tạo vật nhưng lại chưa chinh phục nổi HẠNH PHÚC CHUNG cho nhân loại?
Không phải vô cớ mà những bậc đại nhân thời xưa đã ghi đức IM LẶNG vào câu châm ngôn.
Và cho đến bây giờ khoa học đắc lực cũng không dạy gì khác hơn:
– HIỂU BIẾT – MUỐN BIẾT.
– DÁM LIỀU và… IM LẶNG.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.