Tôi Tư Duy Tôi Thành Đạt
11. DỰA VÀO TƯ DUY MẤU CHỐT
“Không có bất kì một luật lệ nào quanh đây cả. Chúng ta đang cố gắng đạt được một cái gì đó. ” – Edison, nhà phát minh
Làm thế nào để bạn có thể nhận ra được điểm mấu chốt của một tổ chức, doanh nghiệp, ban ngành, nhóm hay đội? Trong nhiều ngành kinh doanh, điểm mấu chốt theo nghĩa đen vẫn là điểm mấu chốt. Lợi nhuận quyết định xem bạn có đang thành công hay không. Nhưng tiền không phải luôn là yếu tố quyết định của thành công. Bạn có đánh giá thành công của cả gia đình mình chỉ bằng số tiền bạn có vào cuối tháng hoặc cuối năm không? Và nếu bạn có một tổ chức phi chính phủ hoặc tình nguyện, làm thế nào để biết bạn có đang sử dụng hết tiềm năng của mình không? Bạn nghĩ điểm mấu chốt trong việc đó là gì?
ĐIỂM MẤU CHỐT PHI LỢI NHUẬN
Frances Hesselbein đã phải đặt ra cho chính mình câu hỏi đó vào năm 1976, lúc cô trở thành giám đốc điều hành quốc gia của Hội Hướng Đạo Sinh Nữ Hoa Kì. Khi cô bắt bắt đầu tham gia vào Hội Hướng Đạo Sinh Nữ, thì việc được làm lãnh đạo tổ chức này là mục đích cuối cùng mà cô mong đợi. Cô và chồng của mình, John, là đồng nghiệp ở Xưởng phim Hesselbein có một công việc kinh doanh nhỏ là đảm nhận việc ghi hình quảng cáo truyền hình và phim quảng cáo. Cô viết kịch bản còn anh dựng thành bộ phim. Vào đầu những năm 1950, cô được nhận vào với cương vị là một trưởng nhóm tình nguyện cho Giáo hội trưởng lão thứ hai ở Johnstown, Pennsylvania. Mặc dù việc này không bình thường, vì cô đã có một con trai và không có con gái, nhưng cô đồng ý làm việc này một cách thường xuyên. Chắc chắn cô yêu công việc đó vì cô đã làm trưởng nhóm trong chín năm!
Cuối cùng, cô trở thành chủ tịch hội đồng và là một thành viên của ban quản trị quốc gia. Rồi cô là giám đốc điều hành cho Hội đồng Hướng Đạo Sinh Nữ Talus Rock, một công việc được trả lương toàn phần. Vào thời điểm cô trở thành CEO của tổ chức quốc gia này, Hội Hướng Đạo Sinh Nữ gặp vấn đề. Tổ chức thiếu định hướng, nhiều thành viên bắt đầu chán nản với việc hướng đạo sinh và càng khó để có thể tuyển tình nguyện viên là người lớn. Trong khi đó, Hội hướng đạo sinh nam cũng đang xem xét xem có nên thêm cho nữ giới tham gia vào hội hay không. Hesselbein bắt buộc phải đưa được tổ chức về điểm mấu chốt.
“Chúng tôi cứ hỏi bản thân những câu hỏi rất đơn giản,” cô nói. “Công việc của chúng tôi là gì? Khách hàng của chúng tôi là đối tượng nào? Và khách hàng coi trọng điều gì nhất? Nếu bạn là một trong những người của Hội Hướng Đạo Sinh Nữ, IBM, hay AT&T, bạn phải tìm ra được một hướng đi”. Sự tập trung của Hesselbein vào nhiệm vụ mà mình theo đuổi cho phép cô nhận biết được những điểm mấu chốt của Hội Hướng Đạo Sinh Nữ. “Chúng tôi thực sự có mặt ở đây vì một lý do: giúp các nữ sinh đạt được tiềm năng cao nhất. Hơn tất cả mọi thứ, điều này tạo nên sự khác biệt. Vì khi bạn nhận ra rõ ràng hướng đi của mình, những mục tiêu đoàn thể và những mục đích sẽ tự đến”.
Khi nhận ra điểm mấu chốt của mình, cô đã tạo ra chiến lược để đạt nó. Cô bắt đầu bằng việc sắp xếp lại nhân viên. Cô tạo ra hệ thống kế hoạch để sử dụng trong từng hội đồng ở 350 hội đồng địa phương. Và cô tập huấn các cán bộ quản lý để đưa vào tổ chức. Hesselbein không giới hạn bản thân ở những thay đổi về mặt lãnh đạo và tổ chức. Vào những năm 60 và 70, đất nước đã trải qua nhiều thay đổi và giới nữ cũng vậy, nhưng Hội Hướng Đạo Sinh Nữ không như vậy. Hesselbein đã xử lý khéo léo vấn đề này. Hội của cô tổ chức những hoạt động phù hợp hơn với nền văn hóa hiện tại, như tạo ra nhiều cơ hội để sử dụng máy tính hơn là tổ chức tiệc tùng. Cô cũng phân loại những thành viên thiểu số, tạo ra những tài liệu song ngữ và tạo cơ hội tham gia cho cả những gia đình có thu nhập tháp. Nếu mục đích của hội là giúp phụ nữ đạt được tiềm năng cao nhất của mình thì tại sao không chú ý đến cả việc giúp đỡ những em gái ít có cơ hội hơn? Đó là một chiến lược hoạt động tuyệt vời. Từ đó số lượng thành viên thiểu số tham gia vào Hội Hướng Đạo Sinh Nữ tăng lên gấp 3.
Vào năm 1990, Hesselbein rời Hội Hướng Đạo Sinh Nữ sau khi đưa nó trở thành một tổ chức hàng đầu. Cô trở thành người sáng lập và là CEO của Quỹ Peter F. Drucker dành cho tổ chức Quản lý phi lợi nhuận và bây giờ là Chủ tịch hội đồng quản trị của Quỹ. Vào năm 1998, cô được Tổng thống Mỹ tặng thưởng Huân chương Tự do. Tổng thống Clinton nói về Hesselbein trong một buổi lễ ở Nhà Trắng: “Cô ấy đã thật xuất sắc trong việc chia sẻ và hòa nhập với các tổ chức cộng đồng xã hội, coi điểm mấu chốt không phải là tiền bạc mà là cuộc sống đổi thay”. Ông không thể nói hay hơn được nữa!
TẠI SAO BẠN NÊN ĐÓN MỪNG SỰ TRỞ LẠI CỦA TƯ DUY MẤU CHỐT
Nếu bạn đã quen với suy nghĩ rằng điểm mấu chốt chỉ liên quan đến những vấn đề tài chính, thì có thể bạn đang thiếu một vài điều quan trọng. Hãy coi điểm mấu chốt như một kết thúc, một chiến lợi phẩm, một kết quả được mong chờ. Mọi hoạt động đều có điểm mấu chốt riêng. Nếu bạn làm việc trong nhà thờ thì từng hoạt động của bạn đều có điểm mấu chốt. Trong gia đình, nỗ lực của bạn để trở thành một người cha, một người mẹ hoặc người vợ, người chồng cũng như vậy. Trong khi bạn khám phá khái niệm về tư duy mấu chốt, hãy nhận ra rằng nó có thể giúp bạn trong rất nhiều lĩnh vực.
1. Tư duy mấu chốt mang lại sự rõ ràng
Sự khác nhau giữa bowling và công việc là gì? Khi bạn chơi bowling, bạn chỉ mất bốn giây để biết việc mình vừa làm đạt được kết quả như thế nào! Đó là lý do vì sao mọi người yêu thể thao đến như vậy. Không cần phải đợi chờ và cũng không cần phải đoán xem kết quả như thế nào.
Tư duy mấu chốt cho phép bạn ước lượng kết quả một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nó cho bạn điểm chuẩn để ước lượng những hoạt động. Nó cũng có thể được sử dụng như một cách tập trung để chắc rằng tất cả những hoạt động nhỏ lẻ của bạn đều có mục đích và thẳng hàng để đạt được mục tiêu lớn hơn.
2. Tư duy mấu chốt giúp bạn đánh giá tất cả những tình huống
Khi biết điểm mấu chốt của mình, việc biết bạn làm như thế nào trong bất kì lĩnh vực cho sẵn là rất đơn giản. Khi Frances Hesselbein bắt đầu điều hành Hội Hướng Đạo Sinh Nữ, chẳng hạn, cô ước lượng tất cả những gì ngược lại với mục tiêu của tổ chức là giúp phụ nữ đạt được tiềm năng lớn nhất của mình – từ hệ thống lãnh đạo của tổ chức (cô chuyển từ một hệ thống phân cấp sang hệ thống nòng cốt) đến những thành tích mà các cô gái có thể đạt được. Không có một thước đo nào tốt hơn điểm mấu chốt.
3. Tư duy mấu chốt giúp bạn có những quyết định tốt nhất
Những quyết định trở nên dễ dành hơn rất nhiều khi bạn biết điểm mấu chốt. Khi Hội Hướng Đạo Sinh Nữ đang phải vật lộn với khó khăn vào những năm 70 của thế kỷ 20, các tổ chức bên ngoài cố gắng kêu gọi thành viên của Hội trở thành những nhà hoạt động vì nhân quyền phụ nữ đến nhà từng người để vận động. Nhưng dưới “triều đại” của Hesselbein, các thành viên của Hội Hướng Đạo Sinh Nữ có thể dễ dàng nói không với việc vận động này. Bởi vì họ biết điểm mấu chốt và muốn theo đuổi mục tiêu của mình với sự tập trung cao nhất.
4. Tư duy mấu chốt tạo ra nhuệ khí cao
Khi biết điểm mấu chốt và theo đuổi nó, bạn sẽ làm tăng khả năng chiến thắng của mình. Và không có gì mang lại nhuệ khí cao như việc chiến thắng. Bạn mô tả những đội chiến thắng cúp vô địch, những công ty đạt được mục tiêu, hay những người tình nguyện viên hoàn thành nhiệm vụ như thế nào? Họ phấn khích. Đạt được mục tiêu tạo ra cảm xúc hồ hởi. Và bạn chỉ có thể đạt được nó nếu bạn biết nó là gì.
5. Tư duy mấu chốt giúp tương lai của bạn chắc chắn hơn
Nếu muốn trở nên thành công vào ngày mai, bạn phải suy nghĩ về điểm mấu chốt ngày hôm nay. Đó là những gì Frances Hesselbein nói và cô đã xoay chuyển tình thế của Hội Hướng Đạo Sinh Nữ. Hãy nhìn vào bất kì công ty thành công nào bạn sẽ thấy tất cả lãnh đạo ở những công ty đó đều biết được điểm mấu chốt của công ty mình. Họ đưa ra quyết định, phân bố tài nguyên, thuê nhân công và cấu trúc lại tổ chức của mình để đạt được điểm mấu chốt đó.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐÓN MỪNG SỰ TRỞ LẠI CỦA TƯ DUY MẤU CHỐT?
Việc nhìn nhận ra được giá trị của tư duy mấu chốt không phải là một việc khó khăn. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng tư duy mấu chốt mang lại kết quả cao. Nhưng học cách trở thành một người có tư duy mấu chốt có thể là một việc rất khó khăn.
1. Xác định điểm mấu chốt thật sự
Quá trình tư duy mấu chốt bắt đầu với việc nhận biết những gì bạn thật sự đang theo đuổi. Nó có thể rộng như một tầm nhìn toàn cảnh, mục đích và nhiệm vụ của một tổ chức. Hay nó cũng có thể tập trung như những gì bạn có thể đạt được trong một dự án bất kì. Quan trọng là bạn phải càng cụ thể càng tốt. Nếu mục tiêu của bạn là một thứ gì đó mông lung như kiểu hô hào phải “thành công” chung chung, bạn sẽ gặp phải khó khăn đau đớn trong việc cố gắng khai thác tư duy mấu chốt để đạt được nó.
Bước đầu tiên là hãy dẹp sang một bên những gì bạn “mong muốn”. Hãy đến với những kết quả mà bạn đang thật sự tìm kiếm, bản chất thật sự của mục tiêu. Bạn cần dẹp sang một bên tất cả những cảm xúc có thể che phủ phán quyết của bạn và những kế hoạch có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức của mình. Bạn thật sự đang muốn đạt được điều gì? Khi bạn loại bỏ những thứ không thực sự quan trọng, bạn đang khát khao đạt được điều gì? Điều gì phải xảy ra? Điều gì chấp nhận được? Đó là điểm mấu chốt thật sự.
2. Đặt điểm mấu chốt làm trọng tâm
Bạn đã bao giờ đến một cuộc nói chuyện với ai đó mà ý định nói khác hẳn so với chủ đề đưa ra? Đôi khi tình huống này phản chiếu một sự chệch hướng có chủ ý. Nhưng nó cũng có thể xảy ra khi một người không biết điểm mấu chốt của mình.
Việc tương tự có thể xảy ra ở các công ty. Đôi lúc, một nhiệm vụ không rõ ràng và điểm mấu chốt thật sự không khớp với nhau. Mục đích và lợi nhuận sẽ đối kháng nhau, về điểm này, tôi đã từng đưa ra câu châm ngôn của George W. Merck trong cuốn sách này là: “Chúng tôi không bao giờ quên rằng làm ra thuốc là để cho người dân. Không phải là để mang lại lợi nhuận. Lợi nhuận đến sau và sẽ đến một cách tự nhiên”. Merck có thể đã nói câu này để nhắc mọi người trong công ty ông nhớ rằng lợi nhuận là để phục vụ mục đích chứ không phải là tranh đấu với nó.
Nếu đạt được lợi nhuận là điểm mấu chốt thật sự và giúp đỡ người khác chỉ là một cách để đạt được nó, thì công ty của bạn chắc chắn sẽ gặp trở ngại. Sự tập trung sẽ bị chia rẽ và nó sẽ không giúp được mọi người và cũng không đạt được nhiều lợi nhuận như mong muốn.
3. Tạo ra kế hoạch chiến lược để đạt được điểm mấu chốt
Tư duy mấu chốt giúp chúng ta đạt được những kết quả. Vì vậy, một điều tự nhiên là bất kì kế hoạch nào được tạo ra từ kiểu tư duy này phải ăn khớp với điểm mấu chốt – và chỉ được phép có một, chứ không phải hai hoặc ba kế hoạch như vậy. Một khi điểm mấu chốt đã được xác định, một chiến lược phải được tạo ra để giúp đạt được nó. Trong những tổ chức, việc này thường có nghĩa là xác định những thành phần cốt yếu hay chức năng phải hoạt động đúng cách để đạt được điểm mấu chốt. Đây là trách nhiệm của người lãnh đạo. Điều quan trọng là khi đạt được điểm mấu chốt của từng hoạt động, ta cũng sẽ đạt được điểm mấu chốt. Nếu tổng của những mục tiêu nhỏ hơn không trở thành điểm mấu chốt thật sự, thì hoặc là chiến lược của bạn sai sót hoặc bạn chưa xác định được điểm mấu chốt thật sự của mình là gì.
4. Đặt những thành viên trong đội thẳng hàng với điểm mấu chốt
Khi bạn đã có chiến lược của mình, hãy chắc chắn rằng những người trong nhóm của bạn đã thẳng hàng với chiến lược đó. Về mặt lý tưởng, những thành viên trong nhóm của bạn phải biết được mục tiêu lớn và nhiệm vụ cá nhân của mình để góp phần đạt được nó. Họ phải biết điểm mấu chốt của cá nhân mình là gì và làm thế nào để điểm mấu chốt đó có thể giúp đạt được điểm mấu chốt của cả tổ chức.
5. Gắn bó với một hệ thống và giám sát những kết quả một cách liên tục
Mỗi tối Dave Sutherland, một người bạn và là cựu giám đốc của một trong những công ty của tôi, tin rằng nhiều tổ chức gặp phải khó khăn khi cố gắng nhập các hệ thống lại với nhau. Ông cho rằng rất nhiều hệ thống có thể dẫn tới thành công, nhưng việc hợp lại nhiều hệ thống khác nhau hay liên tục thay đổi từ hệ thống này sang hệ thống khác dẫn tới sai sót. Dave nói:
“Tư duy mấu chốt không thể trở thành tư duy chỉ sử dụng một lần. Nó phải được xây dựng dựa trên một hệ thống việc làm, những liên hệ và kết quả đạt được. Bạn không thể điều chỉnh kết quả mong đợi của mình. Đạt được thành quả với tư duy mấu chốt phải là một lối sống, bằng không nó sẽ gửi những tín hiệu lẫn lộn và xung đột. Tôi là một nhà tư duy mấu chốt. Nó là một phần của “hệ thống” thuộc thành quả của tôi. Tôi thực hành nó mỗi ngày, không có một cách ước lượng nào khác, không có nỗ lực nào là phí hoài”.
Dave gọi từng thành viên trong đội thực tập của mình để hỏi câu hỏi mấu chốt mà họ mong đợi được nghe. Ông thường xuyên quan tâm đến điểm mấu chốt của công ty bằng cách giám sát nó trên mọi lĩnh vực cốt yếu.
Nói một cách thẳng thắn, kể cả điểm mấu chốt của bạn là gì đi nữa, bạn có thể cải thiện nó bằng tư duy tốt. Và tư duy mấu chốt mang đến kết quả tuyệt vời vì nó cho phép bạn biến những ý tưởng của mình thành kết quả. Không giống như bất kì quá trình trí tuệ nào khác, nó giúp bạn hưởng thụ tiềm năng cao nhất của tư duy và đạt được tất cả những gì mình khát khao, mong muốn.
CÂU HỎI SUY LUẬN
Tôi có đang tập trung vào tư duy mấu chốt để có thể đạt được kết quả cao nhất và thu hoạch tiềm năng dồi dào trong suy nghĩ củamình?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.