Tôi Tư Duy Tôi Thành Đạt

8. THỬ THÁCH TƯ DUY SỐ ĐÔNG



Tôi không phải  cỗ máy trả lờitôi  một cỗ máy đặt câu hỏiNếu chúng ta  tất cả những câu trả lờitại sao chúng ta lại  trong mộtmớ hỗn độn như thế này?” – Douglas Cardinal

Nhà kinh tế học John Maynard Keynes, người đã có những ý tưởng ảnh hưởng rất lớn đến học thuyết kinh tế và thực hành thế kỷ 20, đánh giá: “Sự khó khăn không nằm nhiều ở việc phát triển những ý tưởng mới mà tập trung ở việc thoát khỏi những ý tưởng cũ”. Đi ngược lại tư duy số đông có thể là một việc khó khăn, như việc bạn là một nhà kinh doanh đi ngược lại truyền thống của công ty, một mục sư đem thể loại nhạc mới vào nhà thờ, một người mẹ trẻ bác bỏ những câu chuyện được kể lại từ cha mẹ của mình, hay một đứa trẻ vị thành niên bỏ ngoài tai những trào lưu đang thịnh hành của giới trẻ bây giờ.

Rất nhiều ý tưởng trong cuốn sách này đi ngược lại với tư duy số đông. Nếu bạn coi trọng sự thịnh hành của tư duy số đông hơn là một tư duy tốt, thì bạn sẽ làm giảm đáng kể những gì hấp thụ được từ những kiểu tư duy của cuốn sách này.

Tư duy số đông là…

• Quá tầm thường để hiểu được giá trị của suy nghĩ tốt

• Quá thiếu mềm mỏng để nhận ra tầm ảnh hưởng của tư duy thay đổi

• Quá lười biếng để làm chủ quá trình của tư duy tự giác

• Quá nhỏ bé để nhìn thấy sự thông thái của tư duy toàn cảnh

• Quá hài lòng để giải phóng triển vọng của tư duy tập trung

• Quá truyền thống để khám phá sự vui thú của tư duy sáng tạo

• Quá hồn nhiên để nhận ra tầm quan trọng của tư duy thực tế

• Quá vô kỷ luật để giải phóng sức mạnh của tư duy chiến lược

• Quá hạn hẹp để cảm nhận được năng lượng của tư duy triển vọng

• Quá theo trào lưu để áp dụng những bài học của tư duy phản chiếu

• Quá nông cạn để thử thách sự chấp nhận của tư duy số đông

• Quá kiêu ngạo để khuyến khích sự có mặt của tư duy chia sẻ

• Quá cá nhân để trải nghiệm sự hài lòng của tư duy phóng khoáng, và

• Quá bất mãn để đón chào sự trở lại của tư duy mấu chốt Nếu bạn muốn trở thành một người có tư duy tốt, hãy chuẩn bị cho khả năng bạn sẽ không còn là tâm điểm của đám đông.

 

TẠI SAO BẠN NÊN THÁCH THỨC SỰ TỒN TẠI CỦA  DUY SỐ ĐÔNG?

Tôi đã đưa ra một số lý do chính về việc tại sao chúng ta nên thách thức sự tồn tại của tư duy số đông. Bây giờ, xin nói một cách chi tiết hơn:

1. Tư duy số đông đôi lúc cũng đồng nghĩa với việc không suy nghĩ

Bạn tôi Kevin Myers kết luận ý tưởng của tư duy số đông như sau:“Vấn đề với tư duy số đông là nó không yêu cầu bạn phải suy nghĩ một chút nào”. Tư duy tốt đòi hỏi trải qua một quá trình rất khó khăn. Nếu nó đơn giản, tất cả mọi người đều có thể trở thành những nhà tư duy đại tài. Thật đáng tiếc là, rất nhiều người cố gắng sống cuộc sống đơn giản. Họ không muốn làm những công việc tư duy nặng nhọc hay phải trả giá cho sự thành công. Làm những việc người khác đã làm và ngồi hi vọng người ta nghĩ hộ mình là một việc đơn giản hơn nhiều.

Hãy nhìn vào những lời khuyến nghị về thị trường chứng khoán của một số chuyên gia. Vào thời điểm đưa ra những lựa chọn của mình, hầu hết họ đang làm theo một xu hướng có sẵn mà không tạo ra một xu hướng mới, thậm chí cũng không thay đổi nó. Những người có thể làm ra tiền từ cổ phiếu khuyến nghị đã làm như vậy trước cả khi biết về nó. Khi một người mù quáng chạy theo một xu hướng, họ đã không tự mình tư duy.

2. Tư duy số đông làm nhen lên những hy vọng giả tạo

Benno Muller-Hill, Giáo sư của khoa Di truyền học Trường Đại học Cologne, kể về một buổi sáng xảy ra ở một trường trung học khi ông đứng cuối hàng gồm 40 học sinh ở sân trường. Giáo viên vật lý của trường đã đặt một cái kính viễn vọng ở sân trường để các em học sinh có thể quan sát được hành tinh và những vệ tinh. Sinh viên đầu tiên bước lên phía trước. Cậu nhìn qua cái kính, khi giáo viên hỏi cậu có nhìn thấy gì không, cậu nói không, việc mắt bị cận thị đã cản trở cậu. Giáo viên chỉ cho cậu cách điều chỉnh tiêu điểm và một lúc sau cậu nói cậu đã có thể nhìn thấy những hành tinh và những vệ tinh. Từng người một, những sinh viên bước lên và nói mình đều nhìn thấy. Cuối cùng, một sinh viên đứng thứ hai từ dưới lên nhìn vào kính viễn vọng và tuyên bố cậu không thể nhìn thấy gì cả.

“Đồ ngốc” – giáo viên quát – “cậu phải chỉnh ống kính!” Dù cố gắng, nhưng cuối cùng cậu vẫn nói: “Em vẫn không nhìn thấy gì cả. Chỉ có toàn màu đen thôi”.

Giáo viên, với vẻ mặt coi thường, nhìn qua cái kính sau đó ngước lên với ánh mắt kì lạ. Cái bao ống kính vẫn chưa được mở ra. Vậy có nghĩa là tất cả các sinh viên đều chưa nhìn thấy gì!

Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông. Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắn chắn phải đúng. Đó phải chăng là một ý tưởng tốt? Nếu mọi người chấp nhận nó, phải chăng đó là biểu tượng cho sự công bằng, liêm chính, lòng từ bi và sự nhạy cảm? Không hẳn. Tư duy số đông cho rằng trái đất là tâm điểm của vũ trụ, nhưng Copernicus nghiên cứu những vì sao, các hành tinh và chứng minh một cách khoa học rằng trái đất và những hành tinh khác trong thái dương hệ của chúng ta quay quanh mặt trời. Tư duy số đông cho rằng phẫu thuật không cần những dụng cụ y tế sạch, nhưng Joseph Lister đã nghiên cứu tỷ lệ tử vong cao trong các bệnh viện và giới thiệu biện pháp khử trùng, ngay lập tức cứu được bao nhiêu mạng người. Tư duy số đông cho rằng phụ nữ không nên có quyền bỏ phiếu, tuy nhiên những người như Emmeline Pankhurst và Susan B. Anthony đã đấu tranh và giành được quyền đó. Tư duy số đông đưa Hitler lên nắm quyền lực ở Đức, nhưng Đế Chế của Hitler đã giết hại hàng triệu người và gần như tàn phá cả châu Âu. Chúng ta luôn cần nhớ rằng có một sự khác biệt lớn giữa sự chấp nhận và trí tuệ. Mọi người có thể nói rằng có sự an toàn trong một số trường hợp tư duy số đông, nhưng nó không phải lúc nào cũng đúng.

Đôi lúc có một sự thật rõ ràng nhưng đau đớn là tư duy số đông không tốt đẹp hay đúng đắn gì. Vào những thời điểm khác sự thật này lại bị lu mờ đi. Chẳng hạn, có một con số hãi hùng khi những người Mỹ phải trả một khoản nợ tiết kiệm lớn trong thẻ tín dụng của mình. Bất kì người nào tinh thông về tài chính cũng sẽ nói với bạn rằng đây là một ý tưởng tồi. Nhưng hàng triệu người vẫn theo số đông với tâm lý mua trước, trả sau. Nhiều lời hứa của tư duy số đông là sáo rỗng. Đừng để chúng lừa bạn.

3. Tư duy số đông chậm trong việc áp dụng những thay đổi

Tư duy số đông sùng bái thực tại. Nó tự tin và bám trụ vào ý tưởng đó bằng tất cả sự bình sinh. Vì thế, nó chống đối những thay đổi và làm nản chí những cách tân. Donald M. Nelson, cựu giám đốc Hiệp hội những Nhà làm Phim tự do, bình luận:“Chúng ta phải bỏ ngay ý tưởng cho rằng những lộ trình cũ, những phương cách làm việc cũ có thể là những cách tốt nhất. Ngược lại, chúng ta phải giả thiết rằng có thể có một cách tốt hơn để làm gần như tất cả mọi việc. Chúng ta phải dừng lại giả thuyết cho rằng một việc chưa bao giờ làm là không thể làm được”.

4. Tư duy số đông chỉ mang đến những kết quả trung bình

Điểm mấu chốt là tư duy số đông chỉ mang đến những kết quả bình thường. Sau đây là kết luận về tư duy số đông:

Số đông = Bình thường = Trung bình

Nó kém nhất trong số những thứ tốt nhất và tốt nhất trong số những thứ kém nhất. Chúng ta tự giới hạn thành công của mình lại nếu chúng ta sử dụng tư duy số đông. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ đặt nguồn năng lượng ít nhất đủ để vượt qua. Bạn phải từ chối tư duy thông thường nếu bạn muốn đạt được những kết quả bất bình thường.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỬ THÁCH SỰ CHẤP NHẬN CỦA  DUY SỐ ĐÔNG?

Tư duy số đông thường xuyên bị coi là sai và nông cạn. Thử thách nó không phải là việc khó khăn, một khi bạn đã có được thói quen làm việc này. Cái khó là ở chỗ bắt đầu như thế nào. Hãy bắt đầu bằng những chỉ dẫn sau:

1. Nghĩ trước khi làm

Rất nhiều người giống như cái máy tự động làm theo hành động của người khác. Họ làm vậy vì đôi khi họ muốn đi theo con đường ít trở ngại nhất hoặc vì sợ sự từ chối hoặc tin vào sự thông thái của những gì người khác làm. Tuy nhiên nếu muốn thành công, bạn cần phải nghĩ về những giải pháp tối ưu nhất dù đó không phải là giải pháp được ưa chuộng nhất. Thử thách tư duy số đông đôi khi cần bản lĩnh, chấp nhận mình không được số đông ưa chuộng để vượt ra khỏi những gì tầm thường. Chẳng hạn, sau thảm họa ngày 11 tháng 9 năm 2001, rất ít người thoải mái với việc đi máy bay. Nhưng đó chính là thời điểm tốt nhất để du lịch: số người đi lại ít hơn, an ninh tăng cường và các hãng hàng không giảm giá vé máy bay. Khoảng một tháng sau thảm họa, vợ chồng tôi thấy rằng những buổi diễn kịch Broadway còn rất nhiều ghế trống và có nhiều phòng trống trong các khách sạn ở New York. Lúc này, tư duy số đông cho rằng cần tránh xa khỏi New York. Nhưng chúng tôi lại tận dụng nó như một cơ hội. Chúng tôi mua được vé máy bay giá rẻ, đặt phòng trong một khách sạn tuyệt vời với giá rẻ một nửa so với bình thường và lấy được vé đến xem một buổi diễn từng được săn lùng nhiều nhất: The Producers(Những nhà sản xuất). Khi ngồi vào ghế trong rạp, chúng tôi đã gặp một người phụ nữ chia sẻ trong niềm phấn khích:

“Tôi không thể tin nổi là cuối cùng tôi đã đến được đây”, cô nói với chúng tôi. “Tôi đã đợi quá lâu rồi. Đây là buổi diễn Broadway hay nhất – và khó kiếm vé nhất”. Rồi cô quay ra nhìn tôi chằm chằm và nói: “Tôi đã có được vé một năm rưỡi trước đây, chờ đợi mãi để xem buổi diễn này. Anh lấy được vé từ khi nào?”

“Cô sẽ không thích câu trả lời của tôi đâu”.

“Ôi, thôi đi” – cô nói – “Khi nào vậy?”

“Tôi mua được vé cách đây năm ngày”. Tôi trả lời. Cô nhìn chúng tôi với vẻ mặt ngạc nhiên. Thực tế, cô ấy đã đúng. Đó là một buổi diễn hay nhất mà chúng tôi từng xem trong khoảng một thời gian dài. Và chúng tôi được xem nó khi tất cả mọi người vẫn còn đang ru rú ở nhà. Chúng tôi đã có đủ bản lĩnh đi ngược lại với tư duy số đông.

Khi bắt đầu suy nghĩ ngược lại với kiểu tư duy số đông, bạn cần nhắc nhở bản thân mình:

Chấp nhận tư duy thiểu số, kể cả khi kết quả của nó là sự thành công, ngược lại thậm chí là sự ruồng bỏ, không được công nhận và bị hiểu nhầm.

Tư duy thiểu số kết tinh những hạt giống của tầm nhìn và ấp ủ cơ hội.

Tư duy thiểu số là bắt buộc với tất cả các quá trình.

Sau này, vì một vấn đề nào đó, khi cảm thấy phải tuân theo tư duy số đông bạn cũng nên dừng lại và suy nghĩ. Có thể bạn không muốn tạo ra những thay đổi, nhưng chắc chắn bạn không muốn làm theo một cách mù quáng việc gì đó chỉ vì bạn chưa nghĩ đến những giải pháp tốt nhất.

2. Đánh giá cao những suy nghĩ khác với suy nghĩ của bạn

Một trong những cách để nắm bắt sự đổi mới là học cách đánh giá cao những suy nghĩ của người khác. Để làm được việc này, bạn phải liên tục bộc lộ bản thân mình với nhiều người có kiểu tư duy khác bạn. Em trai tôi, Larry Maxwell – doanh nhân thành đạt và là nhà tư duy cách tân – liên tục thách thức tư duy số đông bằng lối suy nghĩ khác biệt. Larry nói:

“Hầu hết những người ở bộ phận bán hàng và quản lý tầm trung trong công ty chúng tôi đều đến từ các ngành kinh doanh với sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Sự khác biệt này hướng chúng tôi đến những cách tư duy mới. Chúng tôi không khuyến khích người của mình tham gia tích cực vào những hoạt động kinh doanh truyền thống hoặc tham gia vào hiệp hội kinh doanh vì suy nghĩ của họ khá bình thường. Họ không cần dành nhiều thời gian vào việc suy nghĩ theo cách của những người khác trong ngành”.

Khi cố gắng thách thức tư duy số đông, dành thời gian cho những người có lý lịch, trình độ giáo dục, kinh nghiệm chuyên môn, sở thích cá nhân khác… bạn sẽ suy nghĩ như đối với những người mà bạn đã dành thời gian nhiều nhất cho họ. Nếu bạn dành thời gian với những người suy nghĩ cách tân, bạn sẽ có thể thử thách tư duy số đông và tự nâng mình lên một tầm cao mới.

3. Liên tục thử thách suy nghĩ của chính bạn

Hãy đối mặt đi, mỗi khi chúng ta tìm ra một cách nào đó khả thi, một trong những mong muốn lớn nhất của chúng ta là liên tục quay lại với nó, kể cả khi nó không còn khả dụng nữa. Kẻ thù lớn nhất của thành công ngày mai đôi khi chính là thành công ngày hôm nay. Bạn tôi, Andy Stanley vừa dạy một khóa học lãnh đạo tên là “Thử thách quá trình”, ông miêu tả cách để một quy trình có được sự thay đổi vượt bậc và chỉ ra nhiều động lực trong việc thử thách tư duy số đông. Trong một buổi hội thảo, ông nói, chúng ta phải nhớ tất cả những gì là truyền thống đều bắt nguồn từ một ý tưởng tốt – thậm chí là tốt vượt bậc. Nhưng truyền thống có thể không phải là ý tưởng tốt cho tương lai. Ở nơi làm việc của mình, khi bạn đã đặt mọi thứ ổn định vào quy củ, nghĩa là bạn có thể phản đối sự thay đổi – kể cả thay đổi để tốt hơn. Đó là lý do vì sao việc thử thách tư duy của chính bản thân mình là cần thiết. Nếu bạn quá lệ thuộc vào cách tư duy của mình và gắn nó với những việc đang làm trong hiện tại thì khó có thể thay đổi để tốt hơn.

4. Thử những việc mới bằng những cách mới

Lần cuối cùng bạn bắt đầu làm một việc gì đó là khi nào? Bạn có cố ý tránh việc chấp nhận những rủi ro hay đương đầu thử thách những điều mới lạ không? Một trong những cách tốt nhất để bước ra khỏi lối mòn suy nghĩ của mình là hãy đổi mới. Bạn có thể thực hiện điều này dần dần bằng những hành động nhỏ, thường ngày: lái xe đến nơi làm việc theo một lối khác thường ngày. Gọi một món ăn lạ từ nhà hàng yêu thích. Hỏi ý kiến đồng nghiệp khác về dự án cũ. Hãy tắt chế độ tự lái dẫn đến những lối mòn trong đầu bạn.

Tư duy thiểu số đặt các câu hỏi và tìm kiếm những lựa chọn. Năm 1997, ba công ty của tôi chuyển về Atlanta, Georgia. Đây là một thành phố tuyệt vời, nhưng giao thông vào giờ cao điểm thì rất hỗn độn. Ngay sau khi chuyển về đó, tôi bắt đầu tìm kiếm và thử nghiệm những lộ trình thay thế đến những điểm cần đến để không bị kẹt xe. Từ nhà tôi đến sân bay, chẳng hạn, tôi đã tìm ra và sử dụng 9 lộ trình khác nhau trong vòng 8 dặm và cách nhau 12 phút đi đường. Thường thì tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy mọi người cứ chôn chân trên đường quốc lộ trong khi họ có thể tiến về phía trước bằng những lối đi thay thế. Vấn đề ở đây là gì? Quá nhiều người không chịu thử những việc mới theo những cách mới. Thật sự là: hầu hết mọi người hài lòng với những vấn đề cũ hơn là tìm kiếm những giải pháp mới.

Bạn làm những việc mới theo cách mới như thế nào không quan trọng bằng việc chắc chắn là bạn sẽ hành động. (Hơn thế nữa, nếu bạn cố gắng làm những việc mới theo cách cũ như tất cả mọi người thì có phải thật sự bạn đã đi ngược với tư duy số đông không?). Hãy thoát ra khỏi điều đó và làm một việc gì khác biệt trong ngày hôm nay.

5. Làm quen với việc trở nên không thoải mái

Thật sự, tư duy số đông khá thoải mái. Nó như một cái ghế tựa được điều chỉnh để phù hợp với đặc tính của từng người chủ. Vấn đề với hầu hết những cái ghế tựa cũ này là không ai quan tâm đến chúng trong cả tiến trình. Nếu quan tâm, họ đã chọn được thời điểm thích hợp để mua một cái ghế mới! Vì vậy khi bạn từ chối suy nghĩ của số đông để đạt được thành quả, bạn sẽ phải làm quen với việc không thoải mái.

Nếu áp dụng tư duy thiểu số và đưa ra quyết định dựa trên những hoạt động hiệu quả nhất và cách tư duy đúng đắn nhất (chứ không phải kiểu tư duy số đông được chấp nhận rộng rãi), bạn hãy nhớ: chắc chắn trong những năm đầu, bạn sẽ không mắc phải sai lầm như mọi người nghĩ. Còn những năm sau, có thể bạn sẽ không được hoàn thiện như suy nghĩ của mọi người dành cho bạn. Nhưng sau những năm đó, bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều.

CÂU HỎI SUY LUẬN

Tôi  đang tự nguyện từ chối những giới hạn của suy nghĩ tầm thường để đạt được những kết quả phi thường không?

 

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.