TRÀ HOA NỮ

Chương 04



Marie Duplessis, tranh màu nước

Hai ngày sau, người ta đã bán sạch tất cả. Tổng số tiền thu được lên đến một trăm năm mươi ngàn frăng.

Những chủ nợ cùng chia nhau hai phần ba. Số còn lại được giao cho gia đình, gồm một em trai và một cháu trai.

Cô em này mở tròn đôi mắt, khi người có trách nhiệm đến báo tin cho biết: cô được một gia tài là năm mươi ngàn frăng.

Cách sáu bảy năm rồi, cô gái nhỏ này không gặp lại chị. Người chị này, một ngày nọ, đã biến mất, không biết đi nơi nào. Không ai nhận được tin tức gì về người chị, từ sau ngày người chị ra đi.

Nhận được tin, cô em vội vã đến Paris. Những người quen biết Macgơrit rất đỗi ngạc nhiên khi được biết rằng người độc nhất thừa hưởng gia sản kia là một cô gái mập chắc xinh đẹp, sinh sống ở nông thôn, chưa bao giờ đi xa khỏi làng.

Tài sản không hề mong ước bỗng dưng đến. Cô không hiểu ngọn ngành vào đâu cả.

Người ta cho hay cô em đã lại trở về nông thôn, đem theo một nỗi buồn sâu sắc về cái chết của người chị, nhưng ít nhất cũng được bù đắp phần nào, tiền lãi của số vốn thừa hưởng.

Tất cả những trường hợp đó lặp đi lặp lại ở Paris, thành phố mẹ của tội lỗi và ô nhục, bắt đầu bị lãng quên dần. Và tôi cũng quên dần đi việc tôi đã tham dự vào biến cố đó như thế nào, cho đến khi một điều bất ngờ mới làm cho tôi biết được cuộc đời của Macgơrit với tất cả những chi tiết hết sức cảm động. Và sự xúc động đã thúc giục tôi phải viết lại câu chuyện này.

Đồ đạc đã bán sạch từ bốn năm ngày rồi. Gian phòng trống rỗng được dùng để cho thuê.

Bỗng nhiên một sáng, có kẻ đến gõ cửa nhà tôi.

Người giúp việc, đúng hơn là người gác kiêm cả ngươi giúp việc trong nhà, ra mở cửa rồi đem vào cho tôi một tấm danh thiếp, nói người đưa danh thiếp muốn nói chuyện với tôi.

Tôi nhìn tấm danh thiếp thấy dòng chữ; Acmân đuyvan.

Hình như tôi đã thấy cái tên này ở đâu rồi. Và tôi đã nhớ ra: trong trang đầu của cuốn sách Manông lexcô.

Con người tặng sách cho Macgơrit muốn nói gì với tôi? Tôi cho mời người khách lạ ấy vào tức khắc.

Đó là một người đàn ông trẻ, tóc hung hung, dáng to lớn, da hơi xanh, mặc một bộ đồ đi đường đầy bụi bặm, hình như đã vài ba ngày rồi chưa thay và cũng không buồn cho chải lại sau khi đã đến Paris.

Đuyvan rất xúc động, và cũng không cố che giấu sự xúc động của mình. Với đôi mắt đẫm lệ, giọng run run, anh ta nói với tôi:

– Thưa ông, xin ông thứ lỗi cho về việc tôi đến thăm ông hôm nay, với cách ăn mặc như thế này. Nhưng tôi cũng tin rằng giữa những người trẻ tuổi, chúng ta có thể thông cảm cho nhau dễ dàng. Hôm nay, tôi rất mong muốn được gặp ông, đến nỗi tôi không có thì giờ để đến khách sạn, dù tôi đã gửi hành lý đến đó rồi. Tôi chạy gấp đến đây, tuy còn sớm nhưng vẫn cứ lo không gặp được ông.

Tôi yêu cầu Đuyvan ngồi lại bên lò sưởi. Anh làm theo và rút khăn tay ra đưa lên cho khuất mặt trong chốc lát.

– Chắc ông không hiểu được – anh ta vừa nói vừa thở ra buồn bã – một người khách lạ như tôi, đến đây giờ này, với cách ăn mặc như thế này, và lại khóc như thế này, để mong nhờ ông một việc gì. Thưa ông, tôi đến đây, tình thực chỉ để nhờ ông giúp cho một việc quan trọng.

– Ông cứ nói, tôi sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của ông.

– Ông có đến tham dự cuộc bán đấu giá tài sản của Macgơrit Gôchiê?

Nói tới đó, sự xúc động mà người đàn ông trẻ đã dằn được trong giây lát vụt mạnh hơn anh ta, và anh buộc phải đưa hai bàn tay lên để che mắt.

– Tôi có vẻ đáng buồn cười quá! – Anh ta nói – Xin lỗi ông, và xin ông tin cho là chẳng bao giờ tôi có thể quên sự nhẫn nại mà ông đã có khi chịu khó nghe tôi.

– Thưa ông, – tôi đáp – Nếu tôi có thể giúp được điều gì đó để giảm đi một ít sự đau khổ của ông, ông cứ nói cho tôi biết. Tôi sẽ rất sung sướng khi giúp đỡ ông.

Nỗi đau khổ của Đuyvan thật đáng thương cảm, và mặc dù chưa biết mọi chuyện thế nào, tôi vẫn muốn được giúp anh.

Anh ta nói tiếp:

– Ông có mua gì tại cuộc bán đấu giá tài sản của Macgơrit?

– Thưa ông, có: một cuốn sách.

– Manông Lexcô?

– Đúng vậy.

– Ông còn giữ cuốn sách đó?

– Tôi để trong phòng ngủ của mình.

Nghe thấy thế. Acmân Đuyvan như nhẹ hẳn một gánh nặng, và cảm ơn tôi. Chừng như tôi đã giúp ích cho anh nhiều vì đã giữ lại cuốn sách.

Tôi liền đứng dậy, vào phòng lấy sách đem ra và đưa cho anh ta.

– Chính nó đây rồi! – Anh vừa nói, vừa nhìn lời đề tặng ở trang đầu, giở từng trang và nói tiếp. – Chính đây rồi!

Hai giọt nước mắt lớn nhỏ lên những trang giấy.

– Ôi! Thưa ông. – Anh ta ngẩng đầu lên nhìn tôi, không hề có ý giấu những giọt lệ và như còn muốn khóc thêm nữa là khác – ông có cần cuốn sách này lắm không?

– Thưa ông, thế nào?

– Vì tôi đến đây để xin ông nhượng lại cho tôi.

– Xin ông tha cho sự tò mò của tôi – tôi nói – Chính ông là người đã tặng cuốn sách này cho cô Macgơrit Gôchiê?

– Vâng, chính tôi.

– Thưa ông, cuốn sách này là của ông. Ông hãy nhận lại. Tôi sung sướng được trả nó lại cho ông.

Nhưng – Đuyvan hơi bối rối – vậy ít nhất, ông vui lòng cho tôi hoàn lại số tiền ông đã mua.

– Ông cho phép tôi tặng lại. Giá bán một cuốn sách trong một cuộc đấu giá như thế chẳng là bao. Và tôi cũng không nhớ rõ tôi đã trả bao nhiêu.

– Ông đã trả một trăm frăng.

– Đúng đấy – đến lượt mình, tôi cảm thấy hơi lúng túng – mà làm thế nào mà ông biết được?

– Cũng đơn giản thôi, thưa ông. Tôi hy vọng đến Paris kịp ngày bán đấu giá tài sản của Macgơrit. Nhưng mãi sáng nay tôi mới đến được. Tôi rất muốn có một vật do nàng để lại. Tôi đã chạy đến người phụ trách cuộc bán đấu giá để xin phép xem danh sách những vật đã bán và tên những người mua. Tôi thấy cuốn sách này ông mua và quyết định đến xin ông vui lòng nhượng lại cho, mặc dầu cái giá ông mua đã làm tôi e ngại rằng có thể ông cũng có một kỷ niệm nào đó trong việc mua cuốn sách.

Nói những lời như thế, Acmân tất nhiên e ngại rằng tôi cũng có thể quen biết Macgơrit như anh quen biết nàng.

Tôi vội trấn an anh ta:

– Tôi được biết cô Macgơrit chỉ vì đã từng gặp mặt thôi. Cái chết của cô gây xúc cảm nơi tôi cũng giống như xúc cảm của một người trai trẻ bao giờ cũng có khi hay tin về cái chết của một người đàn bà đẹp mà mình đã từng gặp mặt. Tôi muốn mua một cái gì đó của Macgơrit trong ngày bán đấu giá, và đã nhất quyết mua cho kỳ được cuốn sách này. Tôi không biết tại sao, chắc tại muốn trêu tức một anh chàng cứ cố leo giá như thách thức tôi tranh giành cuốn sách. Bởi thế, thưa ông, tôi xin nhắc lại rằng cuốn sách này là của ông. Xin ông hãy nhận lấy nó từ tay tôi không phải như tôi đã nhận nó từ tay người bán đấu giá. Mà hãy xem nó như vật cam kết cho một sự quen biết lâu dài hơn, sự liên hệ thân thiết hơn giữa chúng ta.

-Thưa ông, ông tốt quá! – Đuyvan nắm chặt tay tôi – Tôi xin nhận và tôi sẽ biết ơn ông suốt đời.

Tôi muốn hỏi thêm Acmân về Macgơrit. Bởi vì lời đề tặng trong cuốn sách, chuyến đi của người con trai đó, nhiệt tình tìm lại cho được cuốn sách ở anh đã kích thích tính tò mò nơi tôi. Nhưng tôi sợ hỏi như thế làm cho Đuyvan hiểu nhầm là tôi đã từ chối không nhận tiền để có quyền xen vào việc riêng tư của anh.

Hình như đoán được ý của tôi, Đuyvan hỏi:

– Ông đã đọc cuốn sách này?

– Đọc hết cả.

– Ông nghĩ gì về hai dòng chữ tôi đã viết?

– Tôi hiểu ngay rằng người con gái đáng thương mà ông đã tặng cuốn sách không thuộc hạng tầm thường. Tôi không thể nào xem những dòng chữ đó chỉ là những lời khen sáo nhạt.

– Thưa ông, ông có lý. Người con gái đó đúng là một thiên thần. Đây, xin ông đọc bức thư này.

Và anh ta đưa cho tôi một tờ giấy, hình như nó đã được đọc đi đọc lại nhiều lần.

Tôi mở ra. Nội dung tờ giấy như sau:

“Anh Acmân thân mến, em đã nhận được thư anh. Anh vẫn đối tốt với em và em xin cảm ơn thượng đế vì điều này. Vâng, anh yêu quý, em đang lâm bệnh, một căn bệnh ngặt nghèo. Nhưng sự quan tâm của anh đã làm giảm đi nhiều nỗi đau đớn của em. Chắc em sẽ không còn sống được bao lâu nữa để mà được cái hạnh phúc nắm chặt lấy bàn tay đã viết lá thư rất cảm động em vừa nhận được. Những lời lẽ trong thư có thể làm cho em lành bệnh, nếu bệnh của em là căn bệnh có thể chữa lành. Em sẽ không được gặp lại anh, bởi vì, em đã đứng bên cái chết rồi, mà giờ đây em và anh lại đứng cách xa nhau đến trăm ngàn dặm. Anh Đuyvan ơi! Em Macgơrit của anh ngày xưa đã thay đổi nhiều rồi. Thà rằng anh đừng gặp em nữa còn hơn là phải gặp em trong lúc này. Anh hỏi em có tha lỗi cho anh không? Ôi! Tâm hồn cao thượng! Người bạn chí thân! Nỗi đau khổ mà anh để em phải chịu đựng chỉ là bằng chứng của tình yêu anh dành cho em mà thôi. Em nằm bệnh đã từ một tháng nay và em yêu quý thiết tha tình yêu của anh, đến nỗi ngày nào em cũng viết nhật ký đời em, bắt đầu từ lúc chún ta xa nhau cho mãi đến lúc nào em không còn đủ sức lực để viết.

Anh Đuyvan ơi! Nếu anh vẫn còn thực sự giữ lòng yêu thương em thì ngày trở về, anh hãy đến nhà Juyli Đupơra, Juyli sẽ trao cho anh cuốn nhật ký ấy. Anh sẽ tìm được trong đó cái lý do của câu chuyện đã xảy ra giữa chúng ta và hiểu mà tha thứ cho em. Juyli đối với em rất tốt. Chúng em thường ngồi nói về anh. Khi thư anh đến, Juyli cũng có mặt tại đó, và chúng em đã vừa khóc vừa đọc thư anh.

Trong trường hợp anh không cho em biết tin tức về anh, Juyli sẽ trao những tờ giấy này lại cho anh, khi anh trở về Pháp. Anh đừng cảm ơn em về tập nhật ký ấy. Sự nhớ lại hàng ngày những giây phút sung sướng độc nhất của đời em đã đem lại cho em một niềm vui rất lớn. Nếu anh tìm thấy lại được trong tập nhật ký sự tha thứ đối với quá khứ thì em lại tìm thấy ở đó một nguồn an ủi vĩnh cửu.

Em muốn để lại cho anh một cái gì đó có thể nhắc mãi hình ảnh em trong tâm trí anh. Nhưng tất cả tài sản của em đã bị tịch thu rồi và không còn một cái gì còn thuộc về em nữa.

Anh có hiểu cho không, người anh yêu quý, em sắp chết, và từ phòng ngủ của em, em đã nghe tiếng chân của người gác trong phòng khách. Những chủ nợ đã thuê người canh giữ ở đó, để không ai có thể vào lấy gì mang đi. Và nếu như em không chết, em cũng sẽ không còn gì cả. Các chủ nợ đang chờ đợi những giây phút cuối cùng của đời em để họ có thể bán đi đồ đạc.

Ôi người đời thật tàn nhẫn! Hay đúng hơn, em đã lầm, chính thượng đế rất công bằng và không thể nào lay chuyển được.

Thôi đành vậy, anh yêu quý, anh hãy đến lúc người ta bán đấu giá, và anh sẽ mua một cái gì đó. Bởi vì, nếu em để dành bất cứ một thứ gì cho anh mà người ta biết được, thì người ta sẽ cho là anh biển thủ đồ đạc bị tịch thu.

Cuộc đời mà em sẽ từ giã thật là bi đát!

Ước gì Thượng Đế sẽ rủ lòng thương! Ước gì Người sẽ cho em gặp lại anh trước khi chết. Nhưng chắc chắn hơn, em xin vĩnh biệt anh, anh yêu quý. Xin anh tha lỗi cho em nếu em không thể viết tiếp được nữa. Những người bảo sẽ chữa em lành bệnh, chỉ làm cho em ngày càng thêm hao mòn vì mất máu thôi, và bàn tay em giờ đây không đủ sức để viết thêm được nữa. . .

Macgơrit Gôchiê”

Thật vậy, những chữ cuối cùng rất khó đọc. Tôi trả bức thư cho Acmân. Có lẽ anh đã vừa đọc lại trong tâm trí những gì tôi đọc trên tờ giấy. Bởi vì, anh vừa cầm lấy bức thư vừa nói:

– Ai có thể nghĩ rằng một kỹ nữ lại có thể viết được một bức thư như thế.

Xúc động về những kỷ niệm ngày xưa, anh nhìn lại giây lát nét chữ trong thư, và cuối cùng đưa bức thư lên môi, rồi nói tiếp:

– Khi tôi nghĩ Macgơrit chết mà không gặp được tôi và tôi chẳng bao giờ gặp lại nàng, khi tôi nghĩ nàng đã làm cho tôi những gì mà một người chị cũng không làm được, tôi không thể nào tha thứ cho tôi, vì đã bỏ mặc nàng chết như thế.

Cho đến chết! Cho đến chết! Vẫn còn nghĩ đến tôi, vẫn viết cho tôi, và vẫn gọi tên tôi, Macgơrit thân yêu và khốn khổ!

Và Acmân, để cho tư tưởng lẫn nước mắt tự do tuôn trào, đưa tay cho tôi, nói tiếp:

– Người ta cho tôi quá trẻ con, nếu thấy tôi than khóc thế này bởi một người đàn bà đã chết. Vì người ta không thể biết được, tôi đã làm cho người đàn bà đó đau khổ như thế nào, tôi đã tàn ác như thế nào, và nàng đã tốt bụng, chịu đựng, nhẫn nhục như thế nào. Trước đây tôi cứ nghĩ tôi là người tha thứ cho nàng. Thế mà bây giờ đây, tôi cảm thấy tôi không xứng đáng với sự tha thứ mà nàng đã dành cho tôi. Ôi! Tôi sẵn sàng đổi mười năm cuộc sống của tôi để được khóc một giờ dưới chân nàng.

Thật khó an ủi một niềm đau thương mà người ta không biết rõ. Tuy nhiên, vì quá thương cảm một người trai trẻ đã thành thực tâm sự với mình về những nỗi đau khổ riêng tư, tôi nghĩ những lời nói của tôi có lẽ sẽ không đến nỗi lạc lõng, vô ích đối với anh ta và tôi nói:

– Chắc anh cũng có bà con và bạn hữu? Hãy hy vọng lên. Hãy đến thăm họ. Và họ sẽ an ủi anh. Bởi vì tôi, tôi chỉ có thể thương hại cho anh thôi!

– Đúng vậy – anh vừa nói vừa đứng dậy, và đi từng bước dài trong phòng. Tôi làm phiền ông. Xin lỗi ông. . . Tôi quên rằng sự đau khổ của tôi đã quấy rầy đến ông, và tôi đã làm phiền ông một việc chẳng liên quan và chẳng lợi ích gì cho ông cả.

– Xin ông đừng hiểu lầm lời tôi nói. Tôi sẵn sàng giúp ông tất cả. Chỉ tiếc rằng tôi không biết làm như thế nào để làm dụi nỗi đau khổ của ông. Nếu tôi và những người bạn của tôi có thể giúp ông giải khuây, nếu cuối cùng ông cần đến tôi về bất cứ việc gì, xin ông tin là chúng tôi rất sung sướng được làm vui lòng ông.

– Xin lỗi, xin lỗi ông, sự đau khổ đã làm cho những xúc cảm con người bùng lên một cách quá mức. Ông cho phép tôi ở nán lại vài phút, đủ thời gian để tôi lau khô những giọt nước mắt, để cho những đứa nhỏ ngoài đường phố sẽ không tò mò theo nhìn một thằng con trai lớn tuổi như thế này mà lại còn khóc. Ông vừa làm cho tôi sung sướng khi trao cuốn sách này lại cho tôi. Tôi không biết phải đền đáp ông bằng cách nào.

– Bằng cách chấp nhận cho tôi được làm thân với anh ít nhiều – tôi nói với Acmân – và bằng cách cho phép tôi được biết nguyên nhân sự đau khổ của anh. Người ta sẽ được an ủi khi kể lại cho người khác nghe những đau khổ của mình.

– Ông có lý. Nhưng hôm nay tôi quá cần được khóc. Nếu phải kể, tôi chỉ có thể nói ra những lời lẽ rời rạc, chẳng liên hệ gì với nhau. Một ngày khác tôi sẽ kể lại câu chuyện đó. Ông sẽ thấy tôi có lý hay không khi thương tiếc người con gái ấy. Và giờ đây – anh nói tiếp, vừa lấy tay dụi mắt vừa nhìn mình trong tấm kính lớn – có lẽ ông thấy tôi không đến nỗi ngốc lắm! Xin ông cho phép tôi được trở lại thăm ông.

Cái nhìn của người con trai ấy hiền dụi và trong sáng. Tôi chỉ muốn ôm lấy anh ta mà hôn

Còn anh ta, đôi mắt lại bắt đầu mờ lệ. Biết tôi nhận thấy, anh ta vội nhìn đi chỗ khác.

– Anh ạ – tôi nói – hãy can đảm lên!

– Xin chào ông.

Phải cố gắng đến cực độ để khỏi khóc, anh bước ra, đúng hơn là anh chạy vội vã ra khỏi nhà tôi.

Tôi vén màn cửa sổ và nhìn thấy anh bước lên chiếc xe nhỏ đang chờ trước cửa. Nhưng vừa ngồi vào xe anh đã lấy chiếc khăn tay ra che mặt và oà khóc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.