TRÀ HOA NỮ

Chương 06



Tôi gặp Acmân đang nằm trên giường.

Thấy tôi, anh ta đưa bàn tay nóng hổi bắt tay tôi.

– Anh bị sốt – tôi nói.

– Sẽ không sao cả. Đây chỉ là sự mệt mỏi do một chuyến đi đường quá gấp.

– Anh đến nhà cô em gái của Macgơrit?

– Phải. Ai nói cho anh biết thế?

– Tôi biết. Anh có được thoả mãn điều anh yêu cầu không?

– Vâng, nhưng ai đã cho anh biết về chuyến đi và mục đích của tôi trong chuyến đi đó?

– Người làm vườn ở nghĩa trang.

– Anh đã thấy ngôi mộ?

Tôi lo ngại không dám trả lời. Bởi vì giọng nói chứng tỏ người nói ra câu đó đang sẵn sàng bị cuốn vào nỗi xúc động mà trước đây tôi đã có lần chứng kiến. Và một thời gian dài, cứ mỗi lần nghĩ đến hoặc nghe người khác gợi lại niềm đau thương cũ, sự xúc động ấy lại nổi lên giằng xé đau đớn trong anh.

Vì thế, tôi chỉ gật đầu.

– Ông ấy chăm sóc ngôi mộ tốt chứ? – Acmân hỏi tiếp.

Hai dòng lệ lớn lăn dài trên mà người bệnh. Anh ta cố ý quay đầu để giấu đi. Tôi làm vẻ như không để ý đến và cố gắng đổi hướng câu chuyện.

– Như thế anh đi cách đây đã ba tuần rồi? – Tôi nói.

Acmân đưa tay lên mắt và trả lời:

– Ba tuần đúng.

– Chuyến đi của anh khá lâu.

– Ồ! Tôi không đi liên tục được. Tôi đã đau hết mười lăm ngày. Nếu không tôi đã trở về lâu rồi. Vừa đến nơi, tôi đã bị sốt, và bắt buộc phải nằm mãi trong phòng.

– Và anh đã trở về đây, khi chưa lành hẳn.

– Nếu tôi ở lại thêm tám ngày nữa, có lẽ tôi đã chết rồi.

– Nhưng giờ đây, anh đã về, anh phải lo chữa trị đi. Bạn bè anh sẽ đến thăm. Tôi là người đầu tiên nếu được anh cho phép.

– Trong hai giờ nữa tôi sẽ dậy được.

– Đừng có liều thế.

– Không, được mà.

– Anh có việc gì đến nỗi phải vội thế?

– Tôi phải đi gặp ông cảnh sát trưởng.

– Tại sao anh không nhờ một người nào đó làm việc này. Nếu không anh có thể đau nặng thêm đấy.

– Chính đó là điều độc nhất có thể làm cho tôi khỏi bệnh. Tôi phải thấy được mặt nàng. Từ lúc tôi nhận được tin nàng chết, và nhất là khi tôi nhìn thấy mộ nàng, tôi không thể ngủ được nữa. Tôi không thể tưởng tượng được người đàn bà khi tôi xa, rất trẻ và rất đẹp như thế, lại chết đi. Tôi phải làm sao để có thể xác định chắc chắn điều đó. Tôi cần phải biết Thượng Đế đã đối xử như thế nào với con người mà tôi đã yêu quý đến thế. Và có thể sự ghê rợn trước cảnh tượng đó sẽ thay thế sự thất vọng của kỷ niệm. Anh sẽ đi với tôi đấy chứ. . . nếu điều đó không làm anh phiền lắm!

– Em gái cô ấy đã nói gì với anh?

– Không có gì cả. Cô ta có vẻ ngạc nhiên khi thấy một người khách lạ muốn mua một mảnh đất để làm phần mộ cho Macgơrit, và cô ta đã ký tên ngay vào giấy phép mà tôi yêu cầu.

– Anh hãy nghe tôi, hãy đợi lành bệnh hẳn rồi tính đến chuyện dời mộ.

– Ồ! Tôi sẽ khoẻ hẳn. Anh yên tâm, vả chăng tôi sẽ điên mất, nếu tôi không kết thúc nhanh cái quyết định đó, sự thực hiện nó đã trở thành một nhu cầu cho nỗi đau của tôi. Tôi thề với anh, tôi chỉ yên tâm khi nào tôi thấy lại được Macgơrit. Đây có thể là một sự khát khao so cơn sốt đã đốt nóng tôi, một mơ ước của những đêm không ngủ, một hậu quả của sự loạn trí. Tôi sẽ xem, tôi có nên đi tu dòng kín như ông Rânxê không, sau khi đã thấy nàng.

– Tôi hiểu điều đó – tôi nói với Acmân – tôi sẵn sàng giúp anh mọi việc. Anh đã gặp Juyli Đupơra chưa?

– Vâng, tôi đã gặp cô ấy ngay ngày đầu tiên trở về.

– Cô ta có đưa cho anh những giấy tờ mà Macgơrit để lại chứ?

– Có đây – Acmân rút một cuộn giấy dưới gối đưa ra rồi để ngay lại chỗ cũ.

– Tôi thuộc lòng tất cả những gì ghi trong những tờ giấy này – anh ta nói với tôi – Từ ba tuần nay, mỗi ngày tôi đọc đi đọc lại đến mười lần. Anh cũng sẽ được đọc, nhưng sau này đã, khi tôi được bình tĩnh hơn. Và tôi có thể cho anh hiểu tất cả những gì là tâm tư, là tình cảm được bộc lộ trong những lời thú tội này. Còn bây giờ, tôi có một việc cần nhờ anh.

– Việc gì vậy?

– Anh có một chiếc xe dưới đó chứ?

– Có.

– Vậy được. Anh có thể cầm thẻ thông hành của tôi đi đến bưu điện hỏi xem có thư từ gì cho tôi không. Cha tôi và em gái tôi chắc đã viết thư đến Paris cho tôi. Tôi ra đi hết sức vội vã, đến nỗi không kịp báo tin về nhà. Khi anh trở về, chúng ta sẽ đi báo trước cho ông cảnh sát trưởng về việc dời mộ ngày mai.

Acmân trao cho tôi tờ thông hành và tôi đi đến đường Jăng Jắc Rútxô.

Có hai lá thư cho Đuyvan. Tôi nhận và đem về. Khi tôi trở về, Acmân đã ăn mặc chỉnh tề và sẵn sàng ra đi.

– Cám ơn – anh vừa nói vừa nhận những lá thư. – Vâng, – anh nói tiếp sau khi nhìn địa chỉ – đây là thư của cha tôi và em gái tôi. Hẳn họ không hiểu về sự im lặng của tôi.

Anh ta mở thư ra và đoán đúng hơn là đọc. Bởi vì mỗi lá thư dài những bốn trang, nhưng chỉ giây phút sau anh đã xếp lại.

– Thôi chúng ta đi! – Anh nói với tôi. – Tôi sẽ trả lời thư vào ngày mai.

Chúng tôi đến gặp ông cảnh sát trưởng.

Acmân trình giấy cho phép của em gái Macgơrit. Ông cảnh sát trưởng trao cho anh ta một giấy báo tin để đưa lại cho người giữ nghĩa trang. Việc dời mộ sẽ tiến hành trong ngày mai, vào 10 giờ sáng. Một giờ trước đó tôi sẽ đến gặp anh, để cùng đi với anh đến nghĩa trang.

Tôi cũng thế, tôi cũng hiếu kỳ muốn được xem cảnh tượng đó. Và tôi thú thật, đêm đó tôi không ngủ.

Chỉ với tôi cũng đã có biết bao ý tưởng đến khuấy động tâm trí rồi. Tôi nghĩ, đêm đó hẳn là một đêm dài đối với Acmân.

Ngày hôm sau, lúc chín giờ, tôi đến nhà anh. Anh trông xanh xao dễ sợ, nhưng có vẻ bình tĩnh hơn. Anh mỉm cười và đưa tay nắm tay tôi.

Những ngon nến đã cháy sạch. Trước khi ra đi Acmân lấy ra một bức thư rất dày để gửi cho cha anh. Trong đó chắc là tâm sự và những cảm giác của anh suốt một đêm.

Nửa giờ sau, chúng tôi đến Môngmat.

Ông cảnh sát trưởng đã chờ sẵn ở đó. Chúng tôi đi chầm chậm về phía phần mộ của Macgơrit. Ông cảnh sát trưởng đi đầu. Acmân và tôi tiếp theo sau cách vài bước.

Thỉnh thoảng tôi thấy cánh tay của bạn tôi run lên. Tôi nhìn anh. Anh hiểu cái nhìn và mỉm cười với tôi. Từ khi chúng tôi bước ra khỏi nhà anh đến giờ, chúng tôi không hề nói với nhau một lời.

Lúc gần tới phần mộ, Acmân dừng lại để lau những giọt mồ hôi đọng trên mặt.

Nhân lúc đó, tôi cũng dừng lại để thở. Bởi vì, chính tôi cũng nghe như quả tim mình bị siết chặt giữa hai gọng kìm.

Từ đâu mà người ta có cái cảm giác thoải mái đau đớn để dự vào những cảnh tượng như thế? Khi chúng tôi đến ngôi mộ, người làm vườn đã chuyển những chậu hoa đi nơi khác. Cái lưới sắt cũng đã lấy đi rồi và hai người đàn ông đang cong lưng đào đất.

Acmân đứng dựa vào một thân cây và nhìn.

Toàn bộ cuộc đời anh như hiện ra trong đôi mắt.

Thình lình, một nhát cuốc chạm mạnh vào một tảng đá.

Nghe tiếng động ấy, Acmân lui lại như bị điện giật. Anh siết chặt tay tôi với một sức mạnh làm đau cả bàn tay.

Một người đào huyệt lấy một cái xẻng lớn xúc đất dưới hố đem để dần lên trên. Rồi khi chỉ còn những phiến đá mà người ta chặn trên quan tài, anh ta nhặt từng phiến một, vứt ra bên ngoài.

Tôi chú ý nhìn Acmân. Tôi sợ những cảm xúc của anh, mỗi phút càng tập trung rõ rệt, có thể đánh quỵ anh. Nhưng anh vẫn cứ nhìn. Những con mắt như đóng đinh vào một chỗ và mở to như người bị điên. Má anh, môi anh nhè nhẹ run lên, chứng tỏ anh đang lâm vào một cơn xúc động rất dữ dội.

Còn tôi, tôi chỉ có thể nói một điều: Tôi hơi hối hận vì đã trót đến đây.

Khi nắp quan tài hoàn toàn hiện ra, viên cảnh sát trưởng nói với những người đào huyệt:

– Các anh mở ra.

Những người này vâng lời, bình tĩnh, như đang làm một việc giản dị nhất đời.

Quan tài bằng gỗ sồi. Những người đào huyệt bắt đầu mở những đinh vít nắp quan tài. Đất ẩm ướt đã làm cho những cái đinh sét gỉ, vì thế mở ra cũng không dễ lắm. Một mùi hôi khó chịu xông lên, mặc dù thi hài người chết đã được liệm giữa những loại cây cỏ có hương thơm.

– Thượng đế ơi! Thượng đế! – Acmân thì thầm. Và anh trở nên xanh xao một cách đáng sợ.

Những người đào huyệt bước lui ra.

Tấm vải liệm màu trắng rộng lớn bao bọc thi thể vẽ nên những nếp uốn khúc nhăn nhíu. Tấm vải này, một đầu đã bị rã hỏng gần như hoàn toàn, để lộ ra một bàn chân của người chết.

Tôi có cảm giác nặng nề và giờ đây, khi tôi viết những dòng này, kỷ niệm về cảnh tượng đó còn hiện ra rõ ràng trong trí tưởng tượng của tôi, với tất cả sự nặng nề của nó trong thực tại.

– Nhanh lên! – Viên cảnh sát giục.

Thế là một trong hai người đàn ông kia bắt đầu mở tấm vải liệm và nắm chặt một đầu tấm vải kéo mạnh để lộ ra khuôn mặt của Macgơrit.

Thật khủng khiếp và rùng rợn.

Hai con mắt chỉ còn hai lô sâu hoắm, đôi môi đã biến mất để lộ hàm răng nghiến chặt. Những sợi tóc đen dài và khô, dán chặt vào hai bên thái dương, che khuất phần nào những lỗ hõm màu xanh hai bên má. Thế nhưng tôi vẫn tìm thấy lại được trong khuôn mặt đó, cái khuôn mặt trắng hồng hào, vui tười ngày xưa tôi thường hay gặp.

Acmân không rời mắt khỏi khuôm mặt đó và đưa chiếc khăn tay lên miệng cắn chặt.

Tôi cảm thấy như có một vòng sắt đang siết mạnh vào đầu, một cái khăn trùm lên đôi mắt, những tiếng vù vù trong trong hai tai. Tất cả những điều tôi có thể làm là mở nút lọ dầu đã tình cờ đem theo và hít mạnh hơi dầu.

Giữa sự choáng váng ấy, tôi nghe viên cảnh sát trưởng nói với Đuyvan:

– Ông nhận ra chứ?

– Vâng! – Đuyvan trả lời.

– Thế thì đóng lại và mang đi – Viên cảnh sát trưởng nói tiếp.

Những người phu đào huyệt phủ miếng vải liệm lên mặt người chết, đóng quan tài lại, và mỗi người một đầu khiêng quan tài về chỗ người ta đã định trước cho họ.

Acmân không nhúc nhích. Cặp mắt như bị đóng đinh vào cái hố trống không. Anh ta xanh như thây ma chúng tôi vừa thấy. . . Có thể nói anh ta đã hoá thành đá rồi.

Tôi hiểu được cái gì đã đến, khi sự đau đớn đã giảm đi trước một cảnh tượng không còn nữa, và như thế là không có gì nâng đỡ anh nữa.

Tôi tiến đến gần viên cảnh sát trưởng:

– Sự có mặt của ông Đuyvan – tôi vừa nói vừa chỉ Acmân – có cần thiết nữa không!

– Không – ông ta đáp – tôi khuyên ông nên dẫn ông ấy về ông ấy có vẻ ốm đấy.

– Lại đây! Tôi nói với Acmân và nắm tay anh ta kéo đi.

– Cái gì? – Anh ta vừa nói vừa nhìn tôi, hình như không còn biết tôi là ai.

– Xong rồi – tôi tiếp – giờ đây anh phải về, anh bạn ạ. Anh quá xanh, lại bị lạnh. Anh sẽ tự giết anh với những cảm xúc như vậy.

– Anh có lý, chúng ta đi đi – anh trả lời như cái máy những vẫn không nhúc nhích.

Thế là tôi nắm tay anh và kéo anh đi.

Anh để tôi dẫn đi như một đứa trẻ, thỉnh thoảng chỉ thì thầm: “Anh có thấy những con mắt?”

Và anh ta quay lại nhìn, hình như cảnh tượng vừa rồi đã lên tiếng gọi anh.

Những bước chân của anh đi như đứt đoạn. Anh tiến tới bằng những bước giật. Răng của anh đánh vào nhau, tay anh lạnh ngắt. Một sự xúc động thầm kín dữ dội xâm chiếm toàn thể con người anh.

Tôi nói với anh. Anh không trả lời tôi.

Tất cả những điều anh có thể làm là để cho tôi dắt đi.

Ra khỏi cổng, chúng tôi tìm được một chiếc xe. Thật đúng lúc.

Đuyvan vừa ngồi vào chỗ thì sự run rẩy của anh tăng dần. Cơn xúc động thần kịch liệt và dữ dội này là cho tôi hoảng sợ. Nhưng anh đã nắm lấy tay tôi và thì thầm: “Không sao cả, không có chuyện gì cả, tôi chỉ muốn khóc thôi” .

Tôi thấy ngực anh phồng lên. Và máu lên đỏ ngầu đôi mắt.

Tôi đưa cho anh hít lọ dầu tôi đã dùng lúc nãy. Và khi chúng tôi về đến nhà anh, thì anh chỉ còn run rẩy thôi.

Người giúp việc giúp một tay, tôi đặt anh nằm lên giường rồi đốt một lò sưởi lớn trong phòng. Sau đó, tôi chạy đi tìm thầy thuốc của tôi, kể lại những gì vừa xảy ra cho ông ta nghe.

Người thầy thuốc chạy đến.

Acmân đỏ ửng cả người. Anh như loạn trí, và ú ớ những tiếng không ăn khớp gì với nhau. Giữa những tiếng đó, chỉ có cái tên Macgơrit là nghe được rõ ràng.

– Thế nào? – tôi hỏi bác sĩ, khi ông đã khám người bệnh xong.

– Anh ta bị một cơn sốt cao, không hơn không kém. Và cũng may đấy, tôi tin thế, lạy Chúa, anh ta đã có thể phát điên. May mắn thay cơn bệnh thể xác sẽ giết cơn bệnh tinh thần. Trong một tháng nữa anh ta sẽ qua khỏi cơn bệnh này, và có thể khỏi cả cơn bệnh tinh thần kia nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.