Trại Hoa Vàng
Chương 18
Thế ra, ngoài mẹ, tôi còn có ba.
Khi nãy mừng quýnh vì sự can thiệp đúng lúc của mẹ, tôi quên bẵng đi mất là mẹ tôi không thể một mình sinh ra tôi và nhỏ Châu được. Còn có ba tôi nữa.
Hơn nữa, từ lúc tụi bạn kéo vào vườn đùa giỡn rần rần đến giờ, không có ai rầy la hay trách mắng, tôi tưởng như thế giới này trước nay vẫn vậy, rằng tụi tôi có thể tha hồ hò hét mà không phải nơm nớp về bất cứ chuyện gì.
Bây giờ, thình lình ba tôi trở về. Bằng ánh mắt lặng lẽ và dáng đứng bất động, ông kéo tôi, và cả các bạn tôi, quay về với thực tại… phũ phàng.
Thằng Cường đang hoa chân múa tay đột nhiên đứng sững như trời trồng. Ðang bô bô, quai hàm của nó bỗng cứng đơ, miệng á khẩu. Phú ghẻ mặt xám xịt, liếc tôi:
– Phen này chắc chết, mày ơi!
Liên móm chưa rõ “uy phong” của ba tôi. Tuy nhiên, thấy không khí chung quanh có vẻ khác lạ, nó không dám ngoác mồm ra oang oang như lúc nãy, mà bước lại gần tôi, thấp giọng hỏi:
– Ba Chuẩn đó hả?
Tôi khẽ gật đầu và “ừ” qua hơi thở.
Liên móm liếc trộm vào trong nhà một cái nữa rồi lại hỏi:
– Sao ba Chuẩn đứng im không nói gì hết vậy?
Lần này, tôi không trả lời. Ðúng ra tôi không biết phải trả lời thế nào. Chẳng lẽ tôi lại nói thẳng ra với nó sở dĩ ba tôi trông lừ lừ như vậy chính là vì ông đang suy nghĩ xem nên chôn sống tôi xuống đất hay nên treo cổ tôi lên xà nhà và giữa hai cách thì cách nào xứng đáng với tội trạng của tôi hơn.
Ðứng thập thò sau lưng Liên móm là Cẩm Phô và Thùy Dương. Hai đứa đang hồi hộp theo dõi nét mặt của tôi như để đoán xem chuyện gì sắp sửa xảy ra. Chúng có vẻ ngạc nhiên tại sao lúc nãy tôi hùng hồn tuyên bố “thấy mấy bạn tới chơi, ba mẹ tôi vui lắm” mà bây giờ trông ba tôi chẳng có vẻ gì “vui lắm” như tôi vừa “quảng cáo”; ngược lại thái độ lầm lì của ông còn toát ra vẻ đe dọa trông phát ớn như thế. Phía sau Cẩm Phô và Thùy Dương là Luyện. Nó đứng tách hẳn ra, tay vò vò chiếc lá khô vừa nhặt, làm bộ như ta đây chẳng liên quan gì với cái đám lâu la dám tự tiện đột nhập vô vùng cấm địa thiêng liêng này.
Tôi đảo mắt một vòng, bụng hoang mang không kể xiết. Ba tôi vẫn đứng lặng thinh, chẳng rõ ông đang “âm mưu” chuyện gì. Kinh nghiệm xương máu cho tôi biết ông càng nín lặng lâu bao nhiêu thì khi phát tác, đòn trừng phạt của ông càng khủng khiếp bấy nhiêu. Vì vậy, thấy ông cứ đứng hoài không chịu nhúc nhích, người tôi muốn rét run.
Nếu chỉ hai cha con với nhau thì thực tình tôi không ngán lắm. Ðòn thế của ông tuy dũng mãnh thật nhưng dù sao tôi cũng đã quá quen với nó, hơn nữa càng về sau này “nội lực” của ông càng suy giảm đi theo tuổi tác trong khi đó cơ thể tôi ngày một phát triển và sức đề kháng cũng tăng lên rất nhiều. Tôi chỉ sợ là nếu ông cao hứng ra tay, tôi sẽ chẳng còn mặt mũi nào gặp lại đám nữ quái 10A2 nữa. Riêng “chuyện tình” giữa tôi với Cẩm Phô coi như cầm chắc bốn chữ “nửa đường đứt gánh”. Với một ông bố chồng tương lai đằng đằng sát khí như thế, có cho vàng cũng chẳng đứa con gái nhà bình dân nào dám đăng ký vào làm dâu, huống chi là tiểu thư cành vàng lá ngọc con tiệm thuốc tây Hồng Phát. Lúc đó tôi chỉ có nước ca bài “biệt ly nhớ nhung từ đây” và chức “chị hai nhỏ Châu” đành phải bỏ trống vô thời hạn.
Trong khi tôi đang nghĩ ngợi miên man về những viễn ảnh u ám sắp xảy đến thì tiếng ba tôi đột ngột vang lên:
– Chuẩn! Vào đây bảo!
Giọng ba tôi không lớn lắm nhưng thốt ra giữa bầu không khí tĩnh lặng và căng thẳng nên chẳng khác nào sấm nổ giữa trời quang. Tôi nghe tai mình ù đi và mãi đến khi lập cập bước vào nhà đầu tôi vẫn không ngớt kêu vo vo. Những tiếng xì xào hoang mang của đám bạn đang đứng đực giữa vườn trố mắt nhìn theo càng làm đôi chân tôi như quíu lại.
Khi tôi tiến lại gần, ba tôi buông một câu gọn lỏn:
– Theo tao!
Rồi ông quay ngoắt người lại bước vào nhà. Tôi lếch thếch đi theo, bụng nhủ “Thế là hết!”.
Mặc dù ba tôi tỏ ra biết điều (ông không “nện” tôi tại chỗ để giữ thể diện cho tôi trước mặt bạn bè) nhưng không vì vậy mà tôi cảm ơn ông. Bởi dù ông có “nhã ý” lôi tôi vào nơi kín đáo để âm thầm “hạ thủ” thì đằng nào lát nữa tôi cũng sẽ trở ra với bộ mặt sưng vù, mà phơi một bộ mặt như thế ra trước những ánh mắt xoi mói của tụi bạn chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng. Liên móm, Thùy Dương và nhất là Cẩm Phô sẽ biết tỏng tòng tong tôi vừa bị ba tôi cho ăn đòn mà nguyên nhân của trận đòn khủng khiếp đó chính là cuộc viếng thăm bất ngờ của tụi nó. Và một khi biết được điều đó rồi, sẽ chẳng đứa nào dám kết bạn với tôi nữa.
Những ý nghĩ buồn thảm đó khiến người tôi bần thần. Như người mộng du, tôi bước theo ba tôi như đi trong sương mù. Nhà bếp, phòng ăn rồi phòng khách lần lượt hiện ra trước mắt tôi như ảo ảnh, như có như không.
Lên tới phòng khách, ba tôi bước về phía chiếc bàn kê giữa nhà bằng những bước dài. Tôi lo lắng nhìn theo ông và lập tức đưa tay lên… dụi mắt. Chính giữa bàn là một cây đàn ghi-ta mới cáu.
Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì ba tôi đã cầm lên cây đàn và quay lại ấn vào tay tôi:
– Của mày đó!
Niềm vui đột ngột khiến tôi như nghẹn thở. Tôi lắp bắp “con… con…” một hồi vẫn không nói được tiếng “cảm ơn ba” nằm mắc nghẹn ngang cuống họng. Ðến khi tôi lấy lại được bình tĩnh thì ba tôi đã dắt xe ra khỏi nhà tự đời nào.
Tôi muốn cảm ơn ba tôi không chỉ vì ông mua đền cho tôi cây đàn mới. Tôi biết đó là phần thưởng ông tặng cho sự tiến bộ của tôi trong học tập. Tôi muốn cảm ơn ông trước hết về thái độ của ông đối với mối quan hệ bạn bè của tôi. Bữa nay, lần đầu tiên bạn gái đến nhà thăm tôi. Và bữa nay cũng là lần đầu tiên ông không khiến tôi phải xấu hổ trước mặt bạn bè. Ông không “hạ thủ” vào người tôi, cũmg không một lời quở trách. Ông làm tôi xúc động quá thể. Phải chăng những nỗ lực của tôi trong chuyện đèn sách đã thuyết phục được ông rằng học tập và bạn bè không phải là hai thứ nghịch nhau như nước với lửa như trước đây ông vẫn nghĩ?
Sự xuất hiện tươi roi rói của tôi cùng với cây đàn mới cáu cạnh trên tay khiến tụi bạn “ồ” lên kinh ngạc.
Phú ghẻ phóng ngay lại:
Cây đàn ở đâu ra vậy? Tôi ưỡn ngực:
Ba tao mua cho.
Ba mày mua?
Thì ba tao mua. Phú ghẻ khịt mũi:
Trước đây ổng đập đàn của mày một lần rồi mà! Tôi cười hì hì:
Ừ, ổng bảo cây đàn đó dỏm qua, đập quách để ổng mua lại cây khác, xịn hơn! Thằng Cường không quan tâm đến chuyện đàn địch. Nó thò tay sè sẹ vuốt lưng tôi:
Có gãy chiếc xương sườn nào không mày?
Tôi “suỵt” khẽ:
– Còn nguyên.
Cường vẫn chưa hết thắc mắc. Nó thì thào:
– Khi nãy ba mày sử dụng “song phi cước” hay “la hán quyền” vậy?
Tôi không muốn nhắc đến đề tài “bạo lực” này, sợ tụi con gái nghe thấy, nhưng thằng
Cường phổi bò này lại chẳng ý tứ chút nào. Nó cứ lải nhải hoài khiến tôi phát bực, gắt:
Quyền cước cái đầu mày! Tao đã bảo be sườn tao còn nguyên mà cứ hỏi hoài! Rồi tôi hướng về phía tụi con gái, kêu lớn:
Các bạn lại đây chơi! Lại đây nghe Phú ghẻ đàn tặng các bạn mấy bản nè!
Thân thể lành lặn và bộ mặt hơn hớn của tôi khiến nỗi phấp phỏng của đám nữ quái 10A2 bay biến mất. Liên móm bước lại, vừa đi vừa ngó quanh:
Ba Chuẩn đâu rồi?
Ði rồi.
Ba Chuẩn kêu Chuẩn vào nhà chi vậy? Tôi lay lay cần đàn:
Ba tôi bảo tôi đem đàn ra hát hò với mấy bạn cho vui! Thùy Dương đứng bên cạnh buột miệng:
Ba bạn thương bạn quá hén?
Còn phải nói! Cường thừa dịp xía vô:
Ba tôi thương tôi còn hơn ba tên Chuẩn này thương hắn nữa đó! Thùy Dương nheo mắt:
Ba Cường thương Cường thì kệ Cường, tự dưng lại đem ra khoe, không biết xấu! Cường phồng má:
Có gì đâu mà xấu! Nói vậy để cho người ta biết ba tôi thương tôi như vậy thì người ta của tôi ba tôi còn thương gấp mấy…
Không để cho thằng Cường lắm mồm này nói hết câu, tôi ấn thùng đàn vào tay Phú ghẻ, tuyên bố:
Bây giờ mời các bạn thưởng thức tài nghệ của nhạc sĩ Phú ghẻ…
Nhưng đến lượt tôi bị ngắt lời. Tôi mới “tuyên bố” có nửa câu, Liên móm đã xía ngang:
Chuẩn là chủ nhà, Chuẩn phải đàn cho bọn này nghe trước. Sau đó mới đến người khác.
Ðược thôi!
Tôi nói, giọng không được tự tin cho lắm. Và tôi ôm đàn, so dây, hắng giọng và bồi hồi cất tiếng:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…
Tôi đang lim dim mắt cố phả tâm hồn vào tiếng đàn giọng hát, bỗng có tiếng bình phẩm bất thình lình thốt lên từ sau lưng:
– Bữa nay mới Tết, hè đâu mà hè!
Tôi cụt hứng, quay phắt lại và bắt gặp nhỏ Châu đang đứng bưng miệng cười khúc khích. Khi nãy, lúc bưng nước ra, nó đã chạy tọt vào nhà, chả hiểu nó mò trở ra đây tự lúc nào và không biết nó có bị ấm đầu không mà nhè ngay lúc tôi đang “phô diễn nghệ thuật” trước mặt “chị hai nó”, nó lại kê tủ đứng ngay vào miệng đại huynh nó.
Hồi trước, lúc mới học đàn, tôi đã đàn cho nó nghe bản này một lần rồi. Lần đó, nó cũng nhảy vô họng tôi nó ngồi. Nó cũng nói cái giọng đó: “Bữa nay chưa đến Tết, hè đâu mà hè”. Nhưng lần đó chỉ có hai anh em với nhau, trong “nội bộ” nó muốn nói gì nó nói, tôi không chấp. Ai ngờ bữa nay trước mặt Cẩm Phô và lủ khủ bạn bè, nó lại giở mửng cũ “chơi” tôi một “vố” đau điếng. Ðã vậy, sau khi làm tôi quê xệ, nó còn nhe răng đười ươi ra cười nữa.
Tôi giận tím gan nhưng không tiện phát tác, chỉ biết nghiến răng và bấu mạnh năm đầu ngón tay vào cần đàn như người luyện “ưng trảo công”, sém tí nữa xoi thủng các thớ gỗ.
Trong khi tôi đang trợn mắt hằm hè nhìn nhỏ Châu thì Liên móm lại lên tiếng hùa theo con quỷ con:
– Ừ, đúng đó! Bữa nay mới Tết, hè đâu mà hè! Thôi Chuẩn đàn bản khác đi!
Lại thêm con nhỏ miệng móm này nữa! Tôi than thầm trong bụng. Nó làm như tôi là ca sĩ chuyên nghiệp không bằng! Nó đâu có biết tôi theo Phú ghẻ học nhạc mới được có mấy bữa, ba tôi đã đập béng mất cây đàn. Vì vậy, dù những ngày cuối cùng của “cuộc đời nghệ sĩ” ngắn ngủi kia tôi đã tự mình mày mò và tập tễnh học thêm được dăm ba bài mới nhưng trước sau tôi chỉ có thể đàn thuần thục được vỏn vẹn có hai bản “Nỗi buồn hoa phượng” và “Lạnh lùng”. Bây giờ, nó kêu tôi đàn bản khác, tôi chẳng còn cách nào ngoài cách ngoác mồm rên rỉ: “Em nỡ lạnh lùng đến thế sao…” như một tên thất tình hạng bét.
Nghĩ đến đó, người tôi bỗng run lên và tôi đâm giận Phú ghẻ kinh khủng. Ðiệu tango thiếu gì bản “hùng hồn” nó không đem dạy tôi, lại lựa cho tôi cái bản nhạc gì mà hễ mở miệng cất lên là người nghe đã muốn lăn đùng ra đất.
Tôi đang phân vân không biết có nên biểu diễn cái bản nhạc sướt mướt đó không thì
Thùy Dương đã sốt ruột giục:
– Chuẩn đàn đi chứ! Sửa soạn gì mà lâu lắc vậy?
Biết hết đường thoát, tôi đành thở một hơi dài thườn thượt và gõ tay lên thùng đàn: chách chách chách chùm chùm…
Rồi không dám nhìn ai, tôi nhắm tịt mắt lại và ngập ngừng cất tiếng:
Em nỡ lạnh lùng đến thế sao Tim anh tan nát tự hôm nào Giờ đây đã nát càng thêm nát…
Khi bắt đầu hát, tôi nhắm nghiền mắt nhưng hai tai vẫn dỏng lên như tai mèo, nghe ngóng động tĩnh. Tôi đã tính sẵn trong bụng rồi. Chỉ cần nghe một tiếng “hí hí” vang kên bất cứ từ phía nào, tôi sẽ ngưng ngay chương trình ca nhạc bất đắc dĩ của mình.
Nhưng sự lo lắng của tôi dường như quá đáng. Không có một tiếng cười, thậm chí không cả tiếng xì xào nào lọt vào tai tôi. Có vẻ như mọi người đang nín thở và tập trung tinh thần vào thưởng thức giọng ca đầy thu hút của tôi.
Ý nghĩ đó mạnh mẽ đến mức tôi không kềm được ý định hé mắt ra xem thử các khán giả của tôi đang ngây ngất đến cỡ nào. Thoạt đầu tôi mở he hé một mắt, rồi mở he hé thêm con mắt thứ hai. Và cuối cùng là tôi trợn ngược cả hai mắt lên.
Hóa ra sự im lặng chung quanh tôi nãy giờ chỉ là một sự im lặng giả vờ. Không có một bộ mặt nào đờ đẫn vì tiếng hát của tôi cả. Thằng Cường và Liên móm đang cúi lom khom áp sát tai vào trước ngực tôi với một bộ tịch khôi hài không thể tả. Lũ bạn còn lại đứng thành vòng tròn, đứa nào đứa nấy đang đưa tay bụm miệng để khỏi phì cười. Cẩm Phô không bụm miệng, mà… ôm mặt. Có lẽ nó không đủ can đảm chứng kiến cảnh tôi thều thào như một người sắp ngủm và không ngừng kêu réo nó để đòi ăn vạ.
Quang cảnh trước mặt khiến tôi tẽn tò, bản nhạc mới hát được có ba câu đã tắt ngang cuống họng, hệt như máy cassette đang chạy thình lình bị cúp điện.
Thấy tôi mở mắt ra, tụi bạn ác ôn lập tức phá lên cười. Phú ghẻ to mồm nhất. Nó ôm bụng cười nghiêng cười ngửa. Có vẻ như nó quên phắt rằng chính nó đã dạy cho tôi cái bài hát phản chủ đó. Thằng Luyện và Thùy Dương cũng cười rung cả người. Chẳng hiểu tụi nó vứt đi đâu cái tính lịch sự hằng ngày. Nhưng tiếng cười làm tôi điên tiết nhất là tiếng cười của nhỏ Châu. Nhưng trong tình cảnh lố nhố những người này, tôi chẳng làm gì nó được. Hơn nữa, sợ tôi “giận cá chém thớt”, nó đã kịp lảng tuốt ra xa trước khi nhe răng phụ họa với đám bạn quỷ quái của tôi.
Chẳng biết trút giận vào đâu, tôi thò tay tóm cổ áo Cường, xẳng giọng:
Làm trò gì vậy mày?
Trò gì đâu! Tao chỉ muốn tìm hiểu xem một trái tim đã nát bấy ra như cám thì nó có còn đập nữa không thôi!
Tôi nghiến răng, gầm gừ:
Nát cái đầu mày thì có!
Ðầu anh đã nát càng thêm nát…
Biết gây gỗ với thằng ôn dịch này lúc này chỉ tổ thêm hư bột hư đường, tôi không thèm nhì nhằng với nó mà làm lơ ngoảnh mặt đi chỗ khác. Nhưng tôi không ngoảnh mặt đi còn khá. Ngoảnh mặt qua bên trái, bắt gặp Liên móm đang nháy nhó cười cợt với Phú ghẻ, tôi càng cáu.
Còn bà miệng móm này nữa! – Ðang bực bội, tôi buông một câu, chẳng thèm giữ ý giữ tứ như mọi hôm.
Tôi miệng móm còn đỡ, ông mắt lé mới chẳng giống ai! – Liên móm ngoác mồm “choảng” lại liền, nó cũng chẳng thèm kêu tôi bằng tiếng “Chuẩn” ngọt xớt như mía lùi nữa – Con Cẩm Phô mỗi tuần “cho phép” ông ôm tập tới học chung với nó ba ngày, nó “lạnh lùng” với ông hồi nào mà ông vu oan cho nó?
Từ hồi tôi mở mắt ra đến giờ, thái độ im lặng của Cẩm Phô đã khiến tôi lo sốt vó. Tôi đang lờ tịt cái “đề tài hóc búa” này đi, nào ngờ Liên móm lại lôi ra “chất vấn” giữa thanh thiên bạch nhật khiến tôi chỉ còn biết đưa tay gãi đầu, nhăn nhó:
Trời ơi, đó là lời bài nhạc, tôi chỉ hát lên như vậy thôi chứ đâu có ý định nói xiên nói xỏ gì ai!
Ông nói vậy có thánh mới tin nổi! – Liên móm bĩu môi – Thiếu gì bản ông không hát, tại sao ông lại đi hát bản đó?
Câu vặn vẹo của Liên móm làm tôi dở cười dở mếu. Nếu nói thẳng ra sở dĩ tôi không hát bài nào khác bởi vì tôi mới bập bẹ học đàn, tôi chẳng biết cái “bài nào khác” đó là bài cóc khô gì thì chắc chắn lũ bạn hắc ám này sẽ cười tôi là dốt nhạc mà bày đặt khoe mẽ và như vậy có nghĩa là tôi đành phải dẹp cái ý định ra vẻ ta đây là một nghệ sĩ đa tình trước mắt Cẩm Phô để hiện nguyên hình là một thằng Chuẩn khù khờ cục mịch. Nhưng nếu đối đáp không xuôi, tình hình càng tệ hại hơn. Nỗi oan của tôi sẽ đời đời không rửa sạch. Cẩm Phô sẽ nghĩ tôi là kẻ chuyên môn gắp lửa bỏ tay người và nó sẽ chia tay tôi mà không thèm nói lời từ biệt.
Nghĩ lợi nghĩ hại một hồi, cuối cùng tôi đành sượng sùng thú thật:
Tại vì ngoài bản “Nỗi buồn hoa phượng” và bản “Lạnh lùng” ra, tôi… có biết đàn bản gì khác nữa đâu!
Lời khai báo thống thiết của tôi khiến Liên móm sửng sốt. Nó trợn tròn mắt:
Thiên hạ sáng tác cả tỉ bản nhạc, chẳng lẽ ông chỉ biết đàn có hai bài?
Thùy Dương cũng chen vô hỏi:
– Bộ Chuẩn mới học đàn hả?
Tôi gật đầu và cảm thấy mặt mình đỏ lên:
– Ừ.
Rồi sợ Liên móm không tin, tôi day sang Phú ghẻ:
– Liên hỏi Phú ghẻ cho coi! Chính hắn dạy tôi đàn chứ ai!
Liên móm quay lại nhìn Phú ghẻ, thấy Phú ghẻ mỉm cười xác nhận, nó liền lim dim mắt, gật gù:
– Thì ra vậy! Hóa ra tôi đã trách oan Chuẩn!
Thấy nó hạ giọng và chuyển tôi từ “ông” trở lại thành “Chuẩn”, tôi mừng rơn như thể phạm nhân được tòa tuyên bố tha bổng.
Nhưng Liên móm là đứa thích chơi trò mèo vờn chuột. Tôi chưa kịp mừng nỗi mừng thoát nạn, nó đã nghiêm mặt tuyên bố:
Nhưng dù sao Chuẩn cũng có lỗi với Cẩm Phô. Chuẩn làm Cẩm Phô buồn. Bây giờ Chuẩn phải lại xin lỗi!
Thằng Cường đứng bên cạnh cười hí hí a dua:
Ðúng đó! Mày phải lại xin lỗi Cẩm Phô!
Ðang bối rối trước “nhiệm vụ” Liên móm vừa giao, tôi mặc xác thằng hại bạn này. Tôi khẽ liếc mắt về phía Cẩm Phô rồi quay sang Liên móm, gượng gạo hỏi:
Xin lỗi cách sao?
Thiếu gì cách! – Liên móm nhún vai – Cứ thấy cách nào hay thì Chuẩn làm!
Liên móm trả lời mà như thể đánh đố tôi. Không biết phải xoay xở như thế nào, tôi càng lóng nga lóng ngóng. Thấy vậy, Thùy Dương thương tình lên tiếng mách nước: – Hay Chuẩn xin lỗi bằng cách hái tặng Cẩm Phô một cành hoa đi!
Câu gợi ý của con nhỏ Thùy Dương thông minh đột xuất này khiến tôi sáng mắt reo lên:
– A, phải rồi! Ðể tôi hái tặng cho mỗi bạn một cành nữa!
Nói xong, không đợi Liên móm kịp ngăn cản, tôi ba chân bốn cẳng chạy về phía cuối vườn lấy ra con dao nhỏ giấu trong bụi cỏ rồi sau một hồi lui cui mò mẫm, tôi chọn cắt những cành lay-ơn đẹp nhất mà tôi còn giữ lại được sau phiên chợ hoa khai mạc cách đây mười ngày ở quảng trường phía bắc thị trấn.
Tôi ôm bó hoa tươi tới trước mặt mọi người. Phú ghẻ cười hề hề, giọng xiên xỏ:
– Ông chủ vườn bữa nay hào phóng quá!
Tôi dúi một cành lay-ơn vào tay nó và hạ giọng rít qua kẽ răng:
– Câm mồm lại, đồ ghẻ ngứa!
Tôi dúi cho thằng Cường cành hoa thứ hai với lời đe dọa:
– Mày liệu thần hồn đấy!
Rồi tôi quay lại cười với Luyện và tặng nó cành hoa thứ ba.
Tiếp theo là đám nữ quái 10A2. Thùy Dương đón lấy cành hoa và vuốt ve từng đóa với vẻ cảm kích. Liên móm cũng vậy. Nó nhận hoa từ tay tôi với vẻ mặt hí hửng hệt như nhận phần thưởng cuối năm từ tay thầy hiệu trưởng. Nhưng khi “thầy hiệu trưởng” quay sang Cẩm Phô vừa nhe răng cười cầu tài, chưa kịp chìa “phần thưởng” ra thì nó đã phá bĩnh:
Không được! Chuẩn phải tặng cho Cẩm Phô hoa hồng kia! Tôi đang còn ngơ ngẩn, Thùy Dương hùa theo:
Ðúng rồi, phải tặng hoa hồng! Ai lại tặng hoa lay-ơn!
Ðám đứng ngoài – Cường, Phú ghẻ, cả thằng Luyện tính tình lầm lì lẫn nhỏ Châu hớt lẻo – liền đồng loạt phụ họa:
– Ðúng rồi, hoa hồng! Ðúng rồi, hoa hồng!
Tôi đỏ mặt nhìn Cẩm Phô, thấy nó cũng đỏ mặt ngó lơ chỗ khác. Tôi không hiểu như vậy là nó phản đối hay nó đồng tình với sự xúi giục của cái tập thể ồn ào kia. Nhưng tôi không muốn nghĩ ngợi nhiều. Ðã bao lâu nay, tôi muốn tặng cho “chị hai nhỏ Châu” đóa hoa hồng đẹp nhất trong vườn để bày tỏ mối cảm tình vô bờ tôi “trót” dành cho nó kể từ ngày nó đưa tay ngà ngọc bịt cái miệng xoen xoét của Liên móm trước cổng trường dạo nọ. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, tôi cứ hẹn lần hẹn lữa, hoa hồng trong vườn tôi thi nhau nở rồi thi nhau tàn hết lớp này đến lớp khác mà thủy chung tôi vẫn chưa tặng được cho Cẩm Phô lấy một cánh hoa nào. Bây giờ nếu tôi dại dột không nghe theo lời xúi giục “bậy bạ” của tụi bạn thì chẳng biết bao giờ tôi mới có cơ hội cũng như đủ can đảm thực hiện nguyện vọng của mình. Ý tưởng đó đã khích lệ tôi.
– Ðược rồi! Hoa hồng thì hoa hồng!
Cuối cùng, tôi nói, và quay lại phía những bụi hoa.
Tôi hái không chỉ một nhánh hồng, mà cả một bó, và với bó hoa to đùng đó trên tay, tôi rảo bước đến trước mặt Cẩm Phô.
Rồi không nói một lời, cũng không biết một lời nào để nói, tôi lặng lẽ và trang trọng đặt bó hoa vào tay Cẩm Phô, lòng xao xuyến như đang ký thác cả một trời tâm sự. Tôi không rõ lúc đó mặt tôi đỏ bừng lên hay tái xanh đi, nhưng chắc chắn tôi không còn là tôi nữa. Chàng trai họ Chữ nghèo khổ ở làng chài ngày nào kể từ giờ phút này coi như đã chộp được ngón chân út của nàng công chúa Tiên Dung.
Cẩm Phô nhẹ nhàng ôm lấy bó hoa nhưng nó không nhìn hoa mà mỉm cười nhìn vào mắt tôi. Trong một thoáng, tôi chợt nhận ra nó đáng yêu không thể tả. Trước đây tôi cũng đã “nhận ra” điều đó mấy trăm ngàn lần rồi, nhưng lần này mới là lần phát hiện có giá trị nhất. Và cũng chính trong khoảnh khắc kỳ diệu đó, tôi hiểu rằng nụ cười và ánh mắt của Cẩm Phô chiều nay sẽ mãi mãi in sâu vào tâm khảm tôi. Vâng, mãi mãi, không thể phai mờ.
Mọi diễn biến chỉ xảy ra trong một tích tắc nhưng tôi cảm thấy cái giây phút ấy dường như kéo dài vô tận. Tôi thấy thời gian như ngưng đọng lại, và đúng vào lúc tôi đinh ninh tôi và Cẩm Phô sắp sửa biến thành hai tượng đá giữ vườn thì tiếng hò reo nhốn nháo lẫn những tràng pháo tay đôm đốp của bạn bè khiến tôi choàng tỉnh đưa tay lên gãi đầu và bẽn lẽn nhìn quanh.
Và giữa mớ âm thanh ồn ào khủng khiếp đó, không hiểu sao tôi vẫn nghe rõ tiếng sột soạt vừa đột ngột phát ra từ khu vườn bên cạnh như thể có một con thỏ vừa phóng ra khỏi chỗ nấp. Tôi giật mình đảo mắt nhìn qua bên kia hàng rào. Thấp thoáng sau bóng cây thưa, một cái bóng nhỏ đang chạy vụt vào nhà khiến tôi bỗng bồi hồi tự hỏi:
Ai như là nhỏ Thảo?
Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
Nguyễn Nhật Ánh
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.