Trí Tuệ Đám Đông:vì Sao Đa Số Thông Minh Hơn Thiểu Số
Chương 11. THỊ TRƯỜNG
Những cuộc thi hoa hậu, phòng cách âm và thị trường chứng khoán
I
Vào tháng Một năm 1956, nhà kinh tế học Vernon Smith quyết định sử dụng phòng học của ông làm phòng thí nghiệm. Ngày nay, việc làm đó dường như không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà kinh tế học thường sử dụng thí nghiệm ở phòng học để kiểm nghiệm các giả thuyết kinh tế và cố gắng tìm hiểu sự ảnh hưởng của hành vi con người đến phương thức hoạt động của thị trường. Tuy nhiên, cách đây 50 năm, ý tưởng đó còn là một ý tưởng cấp tiến. Kinh tế là vấn đề chứng minh các định lý toán học hay phân tích các thị trường của thế giới thực. Người ta cho rằng các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm chẳng có gì hay để nói về thế giới thực. Thực ra, trong tất cả các tài liệu kinh tế, chỉ có rất ít nghiên cứu thí nghiệm trong phòng học được công bố. Nghiên cứu nổi tiếng nhất là của một giáo sư ở Trường Harvard tên là Edward Chamberlin. Hằng năm, ông đều tạo ra một thị trường mô phỏng để các sinh viên của ông trao đổi mua bán với nhau. Một trong những sinh viên đó tình cờ lại là Vernon Smith.
Thí nghiệm Smith thực hiện rất đơn giản theo những tiêu chuẩn hiện đại. Ông đã lấy một nhóm gồm 22 sinh viên, một nửa là người bán và một nửa là người mua. Sau đó, ông trao cho mỗi người bán một tấm thẻ trên đó ghi giá rẻ nhất họ có thể bằng lòng bán và cho mỗi người mua một tấm thẻ trên đó ghi giá cao nhất họ có thể bằng lòng mua. Nói cách khác, nếu bạn là người bán và bạn có tấm thẻ ghi giá 25 đô la thì bạn sẽ chấp nhận bất kỳ lời trả giá nào 25 đô la hoặc cao hơn. Bạn sẽ mong chờ giá cao hơn, vì mức chênh lệch có thể là phần lợi nhuận của bạn. Nhưng nếu bạn buộc phải bán thì bạn chỉ bằng lòng bán với giá 25 đô la. Ngược lại, điều đó cũng đúng với người mua (một người mua có tấm thẻ ghi 25 đô la có thể cố gắng trả càng ít càng tốt, nhưng nếu cần thiết họ sẽ bằng lòng miễn cưỡng trả 25 đô la.). Với những thông tin đó, Smith có thể xây dựng được đường cung và đường cầu (kế hoạch làm việc) của nhóm nghiên cứu và từ đó có thể tính ra mức giá phù hợp cho cả người bán và người mua.
Một lần, khi tất cả các sinh viên đã có đủ thẻ và được giải thích về các nguyên tắc mua bán, Smith đã để cho họ bắt đầu trao đổi với nhau. Việc trao đổi mua bán gần giống như cách hoạt động của thị trường chứng khoán. Người mua và người bán ra giá và trả giá một cách công khai và bất kỳ người nào đó muốn chấp nhận mức giá đưa ra, họ sẽ lên tiếng. Những cuộc mua bán thành công được ghi lại ở trên bảng phía trước phòng học. Nếu bạn là người mua có tấm thẻ ghi 35 đô la, khi đó bạn có thể bắt đầu trả giá bằng cách xướng to “6 đô la”. Nếu không ai chấp nhận giá đó, thì có lẽ bạn nên tăng giá cho đến khi bạn có thể tìm thấy người chấp nhận giá của bạn.
Lúc đó, Smith làm thí nghiệm với một lý do đơn giản. Lý thuyết kinh tế dự báo nếu bạn để người mua và người bán trao đổi mua bán với nhau thì tất cả các cuộc mua bán đó sẽ nhanh chóng quy về một giá duy nhất, đó là giá mà cung và cầu gặp nhau. Đó chính là giá làm tăng tối đa tổng giá trị mua bán, hay là cái mà các nhà kinh tế gọi là “giá cân bằng”. Những gì Smith muốn tìm hiểu đó là liệu lý thuyết kinh tế có phù hợp với thực tế hay không. Nó có phù hợp. Rất nhanh, các cuộc trao đổi mua bán trong thị trường của sinh viên đều quy về giá cân bằng. Sự việc đã diễn ra như vậy, mặc dù không một sinh viên nào muốn kết quả này (người mua muốn giá thấp hơn, người bán muốn giá cao hơn) và dù là các sinh viên không biết bất cứ thứ gì khác ngoài giá ghi trên tấm thẻ của họ. Smith cũng thấy rằng thị trường sinh viên đã tăng tối đa tổng thu của nhóm từ việc mua bán. Nói cách khác, các sinh viên cũng không thể làm tốt hơn nếu như có một người có kiến thức hoàn hảo nào đó nói cho họ biết nên làm gì.
Lúc ấy, theo ý nghĩa nào đó, những kết quả này có thể được coi là không đáng ngạc nhiên. Thực ra, khi Vernon Smith gửi bài báo căn cứ trên thí nghiệm của ông tới Tạp chí Kinh tế Chính trị (Joumal of Political Economy) – tạp chí của các nhà kinh tế học ở Đại học Chicago, một tổ chức ủng hộ thị trường tự do mạnh mẽ nhất trong nước thì tờ tạp chí này lại từ chối ông. Vì theo quan điểm của họ, tất cả những việc Smith thực hiện đều hiển nhiên như mặt trời mọc đằng Đông vậy. Cuối cùng, kể từ thời Adam Smith, các nhà kinh tế học lập luận rằng các thị trường đã làm tốt việc phân bố các nguồn lực. Và vào những năm 1950, hai nhà kinh tế học Kenneth Arrow và Gerard Debreu đã chứng minh rằng trong những điều kiện nhất định, các hoạt động của thị trường tự do thực sự dẫn đến việc phân bố tối ưu các nguồn lực. Vậy tại sao những thí nghiệm cua Smith lại quan trọng như vậy?
Chúng quan trọng vì đã chứng minh được rằng các thị trường vẫn có thể hoạt động ngay cả khi có những con người thực đang trao đổi mua bán trong đó. Bằng chứng của Arrow và Debreu về hiệu quả của các thị trường cái được gọi là Định lí cân bằng chung rất tuyệt vời vì sự hoàn hảo của nó. Nó diễn tả một nền kinh tế, trong đó từng phần đều phù hợp với nhau và không có khả năng sai sót. Vấn đề với bằng chứng đó là không có thị trường thực tế nào thỏa mãn các điều kiện của nó. Trong thế giới của Arrow và Debreu, mỗi người mua và người bán đều có thông tin đầy đủ, có nghĩa là họ biết điều mà tất cả những người mua và người bán khác sẵn lòng chi trả hay bán đi là gì và họ biết tất cả những người khác cũng biết rằng họ biết. Tất cả những người mua và người bán hoàn toàn lý trí, có nghĩa là họ ý thức rõ ràng về việc làm thế nào để nâng cao tối đa quyền lợi riêng của bản thân họ. Và mỗi người mua người bán đều có quyền sử dụng một bộ hợp đồng đầy đủ, nó bao hàm mọi trạng thái có thể nhận thức được về thế giới. Điều đó có nghĩa là họ có thể đảm bảo cho mình trước bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.
Hiện tại, không có một thị trường nào giống như vậy. Loài người không có được thông tin đầy đủ. Họ chỉ có thông tin hạn chế riêng. Đó có thể là thông tin có giá trị và chính xác (hoặc có thể không có tác dụng và không chính xác), nhưng luôn luôn là thông tin không đầy đủ. Loài người cũng không hoàn toàn có lý trí. Phần lớn, họ muốn nâng cao tối đa lợi ích riêng của bản thân, nhưng không phải lúc nào họ cũng biết chắc cách làm điều đó và họ thường bằng lòng kết thúc với những kết quả dưới mức hoàn hảo. Và các hợp đồng đều không đầy đủ tới mức tệ hại. Vì thế, trong khi Arrow – Debreu là công cụ không có giá trị – vì nó đưa ra cách đo một kết quả lý tưởng có thể trông như thế nào – giống như sự thể hiện trí tuệ của các thị trường, nó thiếu sức nặng của kinh nghiệm.
Dẫu vậy, những gì mà các thí nghiệm của Smith đã tiên phong thực hiện cho thấy rằng tất cả các điều kiện chặt chẽ mà Arrow và Debreu đặt ra rốt cuộc đều không cần thiết. Bạn có thể làm cho người mua và người bán – những người chỉ sử dụng thông tin riêng của mình, những người lý trí có hạn và không phải tất cả đều giỏi tìm được lợi ích riêng cho bản thân – bắt đầu mua bán với nhau và bạn có thể thấy những cá nhân rõ ràng là không hoàn hảo này lại rất sớm tạo ra được kết quả tập thể có hiệu quả về mặt kinh tế, thực ra, gần giống với kết quả mà bằng chứng Arrow – Debreu có thể dự báo. Những người trong các thí nghiệm của Smith không phải lúc nào cũng biết chắc chính xác những gì đang xảy ra. Trong các cuộc phỏng vấn sau này, họ đã nói về kinh nghiệm của việc mua bán là rất ồn ào và lộn xộn. Và họ mô tả các quyết định của chính họ không như kết quả của sự cẩn thận tìm kiếm lựa chọn cho thật đúng, mà chỉ là những quyết định tốt nhất họ có thể đưa ra lúc đó. Tuy nhiên, khi bạn kết hợp tất cả những quyết định còn hạn chế này lại, bạn sẽ có được một quyết định tập thể sáng suốt. Nhóm, như đã thấy, biết được nhiều hơn so với các cá nhân trong nhóm.
Trong bốn thập kỷ kể từ khi Smith công bố kết quả các thí nghiệm ở phòng học đầu tiên, chúng đã được tái tạo hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn lần. Nhưng kết luận cơ bản của những cuộc kiểm nghiệm ngày đầu đó – rằng, trong điều kiện thích hợp, những con người thiếu hoàn hảo có thể tạo ra những kết quả hoàn hảo – vẫn không hề bị thách thức. Điều này có nghĩa là các thị trường luôn dẫn đến kết quả lý tưởng chăng? Không. Thứ nhất, dù là các sinh viên của Smith còn lâu mới là những người ra quyết định lý tưởng nhưng phòng học không có những khiếm khuyết đặc trưng của đa số các thị trường trong thế giới thực (và điều đó, tất nhiên, làm cho kinh doanh thú vị hơn nhiều so với trong các giáo trình kinh tế học). Thứ hai, các thí nghiệm của Smith cho thấy có sự khác biệt thực sự giữa cách con người cư xử trong thị trường tiêu dùng (chẳng hạn như thị trường ti vi) và cách cư xử của con người trong thị trường tài sản (chẳng hạn như thị trường chứng khoán). Khi họ mua và bán “ti vi”, các sinh viên đi đến giải pháp đúng rất nhanh. Khi họ mua và bán “cổ phiếu”, các kết quả thất thường và kém ổn định hơn nhiều. Thứ ba, các thí nghiệm của Smith – giống như các phương trình của Arrow và Debreu – không thể cho chúng ta biết bất cứ điều gì về việc nếu các thị trường có tạo ra những kết quả tối ưu về mặt xã hội, chứ không phải kinh tế, hay không? Nếu của cải không được phân phối đồng đều trước khi mọi người bắt đầu mua bán trong một thị trường, thì sau đó nó cũng sẽ không được phân phối đồng đều hơn chút nào. Một thị trường hoạt động tốt sẽ làm cho mọi người giàu có hơn khi việc mua bán mới bắt đầu – nhưng giàu có hơn so với họ trước đó không so với người khác. Mặt khác, sự giàu có lại càng làm cho họ giàu có hơn.
Theo một nghĩa rộng hơn, nghiên cứu của Smith chứng tỏ rằng mọi người như ông gọi là “những con người giản dị và chất phác” có thể tự phối hợp để đạt được mục đích các bên cùng có lợi dù là họ thực sự chưa biết chắc, trước hết, những mục đích đó là gì. Và họ có thể làm được việc này mà không cần ai hướng dẫn hay sai khiến hành vi của họ. Mặc dù không ai trong số họ biết tất cả, nhưng phối hợp cùng nhau họ lại biết đầy đủ.
II
Thậm chí khi Smith và các học trò của ông đã chứng minh được các thị trường có thể hoạt động như thế nào dù với những con người thực ở trong đó, thì một trường phái tư tưởng khác trong kinh tế học vẫn tìm cách chứng tỏ các thị trường có thể gặp rắc rối như thế nào nếu những con người thực trong thị trường bị tình cảm chi phối. Theo truyền thống, các nhà kinh tế học làm việc dựa trên giả thuyết cho rằng mọi người cơ bản đều có lý trí trong đời sống kinh tế của mình. Chắc chắn, hầu hết các nhà kinh tế biết rằng người tiêu dùng hoàn toàn không theo một mẫu hình lý trí lý tưởng nào. Nhưng dường như họ cho rằng, nhìn chung, mọi người đã hành động cứ như là họ rất có lý trí. Và, trong bất cứ trường hợp nào, nếu không có một ý thức rõ ràng về việc mọi người đã xa rời lý trí như thế nào thì khó có thể nói được điều gì rõ ràng và hùng hồn về cách thức hoạt động của các thị trường. Cuối cùng, điều này đã làm cho tất cả thay đổi. Các nhà kinh tế bắt đầu dành rất nhiều sự chú ý và công sức để tìm hiểu tâm lý và hành vi của các nhà đầu tư và của khách hàng, và đã phát hiện được một số cách mà các nhóm đông người rõ ràng đã xa rời lý trí.
Một số người đã diễn giải sự sáng suốt của kinh tế học hành vi có nghĩa là các thị trường luôn có khiếm khuyết giống như các cơ chế phân phối hay giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có bước nhảy vọt về nhận thức nhưng lại chưa có lý do để thực hiện. Mặc dù rõ ràng nhiều cá nhân có những thái độ phi lý đối với vấn đề tiền bạc, đầu tư, tiêu dùng thì điều đó cũng không có nghĩa là khi ta tổng hợp lại tất cả những sự lựa chọn của họ, kết quả cũng sẽ là một sự phi lý chung cho cả tập thể. Lấy một phát hiện được chấp nhận nhiều nhất trong lĩnh vực tài chính hành vi, đó là con người ta thường quá cả tin. Chúng ta biết rằng điều này gây ra những hậu quả cụ thể trong thị trường chứng khoán – các cá nhân mua bán nhiều hơn mức họ nên làm và kết quả là họ bị mất tiền. Ví dụ, một công trình nghiên cứu điển hình của Terrence Barber và Brad O’Dean đã quan sát tất cả số cổ phiếu mà các cá nhân giao dịch trong vòng một số tháng nhất định (theo thuật ngữ của thị trường chứng khoán, khoảng thời gian này được gọi là TK – N.D). Trong khoảng thời gian ấy, tính trung bình, số cổ phiếu mà họ mua giảm TK% trong khi đó, số cổ phiếu mà họ bán ra lại tăng TK%. Những người này nếu ngồi khoanh tay một chỗ có thể mọi việc đã tốt hơn.
Tuy vậy, vấn đề quan trọng không phải là liệu sự quá cả tin có làm cho các cá nhân giao dịch bị tổn hại hay không. Vấn đề quan trọng là nếu nó có làm nghiêng lệch thị trường (hay giá của các cổ phiếu cụ thể) một cách hệ thống theo một hướng hay không. Và điều rõ ràng là không có lý do gì để tin là nó có, vì việc các nhà đầu tư quá cả tin không cho chúng ta biết họ quá tin về quan điểm nào. Nói cách khác, tôi có thể quá tin rằng cổ phiếu tôi vừa mua sẽ tăng giá, hoặc tôi có thể quá tin rằng cổ phiếu tôi vừa bán non sẽ giảm giá. Cảm giác chắc chắn của tôi sẽ không có tác động hệ thống đến thị trường vì không có lý do gì để nghĩ rằng sự quá tin ở mức độ nào đó tương quan với một thái độ cụ thể đối với thị trường chứng khoán. Nếu có – chẳng hạn, nếu tất cả những người quá tin đều ghét các cổ phiếu công nghệ – thì tác động của nó đối với giá cả có thể nghiêm trọng. Thế nhưng, vẫn chưa có bằng chứng về mối liên hệ đó.
Ý nghĩa chính là chỉ có những thói quen hành vi nào tạo ra sự thiên lệch trong quan điểm một cách hệ thống – nghĩa là theo cách các nhà đầu tư đánh giá những cổ phiếu cụ thể, hay cách họ đánh giá đầu tư nói chung – mới thực sự gây tổn hại cho thị trường. Tóm lại, quan điểm chung trong công trình của Vernon Smith đó là: các nhà đầu tư không nhất thiết phải duy lý và thị trường không nhất thiết phải hoàn hảo, vì thị trường vẫn rất xuất sắc trong việc giải quyết vấn đề. Như Smith nhận xét, “Các thị trường làm việc của chúng với bất kể mức giá nào các cá nhân đưa ra – hợp lý, không hợp lý, hay phi lý.” Nói cách khác sự phi lý cá nhân vẫn có thể làm tăng thêm sự phi lý tập thể (như phần nhiều cuốn sách này đã cố gắng thể hiện). Các nhà kinh tế học Shyam Sunder và Dhananjay Gode đã tiến hành một thí nghiệm với các robot tham gia giao dịch để chứng minh quan điểm này. Một trong những xu hướng mà các nhà kinh tế học hành vi phát hiện ra là cấm mọi người dựa vào những “cơ sở tin cậy” khi họ đưa ra quyết định. Cơ sở tin cậy thực thất là những con số bất kỳ – chẳng hạn như giá hiện tại của một loại cổ phiếu – mà mọi người dẫu sao cũng nắm bắt và cho phép tác động đến cách họ đưa ra sự lựa chọn. Ví dụ, thay vì chỉ đơn giản nghiên cứu một công ty và quyết định xem giá cổ phiếu của công ty nên ở mức nào cho phù hợp để mở ra những triển vọng tương lai cho nó, các nhà đầu tư lại rất dễ bị ảnh hưởng một cách thái quá (ở mức này hay mức khác) bởi giá trị hiện tại của cổ phiếu đó. Để kiểm định lại tác động của sự ảnh hưởng này, Sunder và Gode đã trang bị cho nhóm các nhà đầu tư là robot một chiến lược gọi là chiến lược cố định-và-điều chỉnh. Nói cách khác, các nhà đầu tư bắt đầu tại một vị trí cụ thể và thay vì chỉ đơn giản tự mình xem xét một thông tin mới, họ lại luôn liên hệ thông tin đó với nguồn gốc cổ phiếu và thời điểm họ mua nó. Họ điều chỉnh theo thông tin mới, nhưng không hoàn toàn tự do như cách mà học thuyết kinh tế dự báo là họ nên áp dụng. Nhưng, cuối cùng, điều đó cũng không tạo nên sự khác biệt. Việc mua và bán của các robot giao dịch rốt cuộc đều quy về rất gần với mức giá tối ưu. Các robot giao dịch thực sự phi lý và thị trường vẫn làm cho mọi việc ổn thỏa.
Như vậy điều này có nghĩa là các thói quen hành vi chỉ là những điều bất thường và thực sự không liên quan đến cách thức thị trường hoạt động? Kết luận đó đi quá xa theo một hướng khác. Chừng nào những lệch lạch xa tới sự “hợp lý” còn mang tính ngẫu nhiên, thì những sai lầm này sẽ tự loại bỏ chúng và, như chúng ta đã thấy không biết bao nhiêu lần, nhóm sẽ vẫn đưa ra câu trả lời đúng. Nhưng khi những sai lầm này không phải là ngẫu nhiên, mà mang tính hệ thống và khi không có cơ chế để chúng loại bỏ lẫn nhau, thì các thị trường sẽ khó khăn hơn rất nhiều để tìm ra được giải pháp đúng đắn. Có lẽ ví dụ điển hình nhất về điều này là xu hướng ít tiết kiệm của người Mỹ. Học thuyết kinh tế cho rằng mức chi tiêu của con người nên ổn định tương đối với vòng đời. Xét cho cùng, mỗi khoảnh khắc bạn đang sống có lẽ đều có giá trị như bất kỳ thời điểm nào khác, vậy tại sao bạn nên hưởng thụ ít hơn (bằng cách chi tiêu ít đi) khi về già? Dẫu sao, để làm được điều này, mọi người cần phải tiết kiệm một phần thu nhập đáng kể khi còn đang làm việc. Họ cần hạn chế mức chi tiêu hiện tại để dành cho chi tiêu sau này.
Đa số người Mỹ không làm như vậy. Thực ra, mức chi tiêu giảm đi nhiều khi người ta về hưu và những công dân cao tuổi xoay xở kém hơn nhiều so với thời họ đang còn làm việc. Thật kỳ lạ, điều này không phải vì mọi người không muốn tiết kiệm. Trên thực tế, nếu bạn hỏi mọi người về những việc họ nên làm, họ sẽ thể hiện ý muốn tiết kiệm. Nhưng đến lúc thực sự phải tiết kiệm thì những sinh viên đại học (và các nhà văn) từ trong tận đáy lòng: họ chần chừ. Theo thuật ngữ kinh tế, họ coi trọng hiện tại hơn tương lai tới mức những khoản tiền tiết kiệm dường như không có ý nghĩa.
Điều nghịch lý đó là mặc dù người Mỹ không sẵn sàng hy sinh một phần hiện tại để cải thiện tương lai, nhưng họ nói họ sẵn sàng hy sinh một phần tương lai để cải thiện những triển vọng lâu dài. Nói cách khác, dù ngày hôm nay họ chưa sẵn sàng tiết kiệm phần thu nhập nào, nhưng ngày mai họ sẵn sàng tiết kiệm những khoản thu nhập đáng kể. Vấn đề là ở chỗ, mọi người hóa ra không giỏi đánh giá những sở thích trong tương lai của mình sẽ là gì. Điều này thực sự không có gì đáng ngạc nhiên lắm: chúng ta thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, vậy tại sao chúng ta phải tưởng tượng rằng chúng ta biết những điều chúng ta sẽ muốn? Nhưng một hậu quả của điều đó là: những kế hoạch chúng ta lập ra ngày hôm nay để dự tính cách chúng ta sẽ hành động ngày mai có thể không có tác dụng. Cụ thể, nếu chúng ta nói chúng ta sẽ không lo tiết kiệm hôm nay vì cuối cùng ngày mai chúng ta cũng sẽ tiết kiệm thì sẽ không đáng ngạc nhiên nếu ngày mai đến chúng ta nhận thấy mình vẫn tiếp tục chi tiêu.
Như vậy, trong trường hợp này, sự phi lý cá nhân dẫn đến sự phi lý tập thể – nếu chúng ta có thể cho rằng thật phi lý khi có nhiều người sẽ không có đủ tiền để sống thoải mái lúc về hưu. Tuy nhiên, chưa phải đã mất hết tất cả. Mọi người, suy cho cùng, đều muốn tiết kiệm. Và bằng chứng cho thấy họ không cần động lực lớn để làm được điều đó. Cái họ cần, bạn có thể nói, là cách để tiết kiệm dễ hơn và chi tiêu khó hơn. Có một cách thực hiện được việc này đó là làm cho việc tham gia vào các kế hoạch hưu trí trở nên tự động, chứ không yêu cầu mọi người phải ký giao kèo đối với họ. Hóa ra, nếu mọi người phải hành động để quyết định không tham gia vào kế hoạch hưu trí, thay vì phải hành động để quyết định tham gia vào, họ càng có khả năng gắn bó với kế hoạch này hơn nhiều và vì thế càng có nhiều khả năng tiết kiệm hơn. Tính ì là một công cụ có hiệu lực. Tương tự, nếu mọi người có cơ hội để dành một phần thu nhập tương lai, thì có nhiều khả năng họ sẽ làm việc đó hơn so với việc họ định để dành khoản thu nhập hiện tại. Vì thế, các nhà kinh tế học Richard Thaler và Shlomo Benartri đã lập ra kế hoạch hưu trí tại một công ty, nơi các nhân viên có thể chấp nhận các mức tiết kiệm khác nhau theo thu nhập hiện tại và tương lai. Chẳng có gì ngạc nhiên, họ đã chấp nhận các mức cao hơn đối với thu nhập hằng tháng trong tương lai và trong vòng một thời gian ngắn, họ đã nhân đôi mức tiết kiệm trung bình của mình.
Điều làm cho những giải pháp này có hiệu lực đó là: thay vì áp đặt các yêu cầu hay nhiệm vụ từ trên xuống dưới, họ cố gắng khai thác các sở thích của mọi người một cách hiệu quả bằng cách cho họ nhiều quyền lựa chọn và thay đổi các góc nhìn để qua đó mọi người có thể quan sát được cuộc sống tài chính của chính mình. Bằng cách tạo ra những cơ cấu thị trường phù hợp, họ đã tạo điều kiện làm nảy sinh hành vi tập thể hợp lý hơn. Những cơ cấu mới, như chúng ta đã thấy, không phải lúc nào cũng cần thiết. Một số điều phi lý cá nhân còn quan trọng hơn những thứ khác. Nhiệm vụ vẫn còn đối với kinh tế học hành vi là tìm hiểu xem thứ nào là thứ nào.
III
Như vậy, các thị trường vẫn có thể hoạt động thậm chí với những con người còn tương đối thiếu thông tin và thiếu lý trí. Nhưng các thị trường mất một thời gian khó khăn hơn nhiều để hoạt động tốt khi các nhà đầu tư không đa dạng. Lúc đó, điều này hầu như không có ý nghĩa theo quan điểm của kinh tế học truyền thống, quan điểm cho rằng, các nhà đầu tư đều có những sở thích và những quan điểm giống nhau. Nguyên nhân khiến các nhà kinh tế học thừa nhận điều này là vì theo quan niệm tự nhiên cho rằng các nhà đầu tư đều có lý trí và có đầy đủ thông tin. Nếu các nhà đầu tư có lý trí và có đầy đủ thông tin thì họ không thể phủ nhận giá trị của cổ phiếu, bởi những người có lý trí và có thông tin như nhau không thể không đồng ý với nhau. Điều gây bối rối đối với một nhà kinh tế trước thực tế các nhà đầu tư rõ ràng không đồng nhất và không thống nhất với nhau về giá trị của các cổ phiếu là ở chỗ nó biểu thị rằng nhiều nhà đầu tư, nếu không nói là tất cả, đều không có lý trí theo một ý nghĩa nào đó. Tuy nhiên, kết luận quan trọng và đáng ngạc nhiên là: các nhà đầu tư càng khác nhau thì thị trường càng hoạt động tốt. Sự đa dạng quan trọng đối với thị trường giống như nó quan trọng đối với tất cả các nhóm mà chúng ta đã nghiên cứu trong cuốn sách này: Sự đa dạng nâng cao tối đa cơ hội nắm bắt thông tin mới và giảm thiểu cơ hội ra quyết định độc lập.
Những hậu quả khi thiếu sự đa dạng là gì? Hãy nhìn lại mùa hè năm 1998, khi một nhóm nhỏ các chuyên gia đưa nền kinh tế toàn cầu đến chỗ dường như là bờ vực của thảm họa tài chính. Những chuyên gia này làm việc cho Quỹ Quản lý Vốn Dài hạn (LTCM), một quỹ hoạt động lén lút bắt đầu từ năm 1994 của John Meriwether, một cựu nhân viên giao dịch chứng khoán có những kỹ năng giao dịch giỏi đến mức khiến ông trở thành huyền thoại ở Phố Wall. Nhìn bề ngoài, LTCM hơi giống Dự án đầu tư Manhattan. Meriwether đã thuê đội quân những người mới nổi ở Phố Wall, những người từng là chuyên gia sử dụng các mô hình máy tính để tính toán cách kiếm tiền. Và ông đã thu nạp một số người là cha đẻ của tài chính hiện đại. Myron Scholes và Robert Merton thực tế đã sáng tạo ra mô hình mà các nhà đầu tư khắp nơi sử dụng để tính toán xem có bao nhiêu sự lựa chọn có giá trị và lúc bấy giờ họ đang làm việc cho LTMC. Khó có thể hiểu nổi vì sao một đội ngũ như trong mơ đó lại có thể mắc sai lầm. Dù là các nhà đầu tư đã phải góp vốn một khoản tối thiểu là 10 triệu đô la để được gia nhập quỹ và 25% lợi tức hằng năm thuộc về những người quản lý quỹ, nhưng mọi người vẫn lớn tiếng đòi gia nhập đặc biệt sau khi quỹ này mang lại những khoản lợi nhuận ấn tượng trong 4 năm liên tiếp.
Nhưng đến tháng Tám năm 1998, tất cả đã thay đổi khi nước Nga bị vỡ nợ. Sự sụp đổ của các nền kinh tế châu Á những tháng trước đó đã khiến các nhà đầu tư không kiểm soát được, sự vỡ nợ của Nga đã gây ra cái mà các nhà kinh tế thích gọi là “sự đổ xô vào chất lượng”. Đột nhiên, không ai muốn sở hữu bất cứ thứ gì dường như có độ tin cậy dưới 100%, và mọi người sốt sắng bán đi bất cứ tài sản nào có dấu hiệu rủi ro. LTCM bỗng thấy mình bị mắc kẹt với hàng tỷ đô la trong những tài sản không ai muốn mua, giá của những tài sản này tụt xuống hằng ngày. Chỉ trong vòng vài tháng, quỹ đã mất 4,5 tỷ và khi cố gắng bán hết mọi thứ có thể, quyết liều mạng chống đỡ để không bị mắc nợ, thì thậm chí càng làm cho giá giảm hơn, gây thiệt hại hàng trăm triệu cho các ngân hàng ở Phố Wall. Đến tháng Chín, hiệp hội gồm 13 ngân hàng ở Phố Wall đã từng bước phát triển và vực dậy quỹ, góp đủ tiền để quỹ tiếp tục hoạt động cho đến khi các điều kiện trở lại bình thường.
Vào thời điểm đó, những khó khăn của LTCM đã được đưa ra làm bằng chứng cho tính không ổn định cố hữu của các thị trường tài chính và những hiểm họa của tính không hợp lý về kinh tế. Và chắc chắn chúng chứng thực cho cả hai. Tuy nhiên, câu chuyện về sự sa sút của LTCM còn minh họa cho một điều gì đó khác nữa, cụ thể là hiểm họa của tính đồng nhất.
Có hai điều thực sự quan trọng trong việc kinh doanh của vốn dài hạn. Thứ nhất, nó sử dụng một lượng lớn những thứ các nhà kinh tế học gọi là “tác dụng đòn bẩy, đơn giản nghĩa là phần lớn vốn của nó đều là tiền vay mượn. Ví dụ, năm 1998, LTCM có số vốn khoảng 5 tỷ đô la (tức là số tiền mặt thực tế nó có thể đầu tư) Nhưng quỹ đã vay hơn 125 tỷ đô la từ các ngân hàng và các công ty chứng khoán. Nếu quỹ muốn đầu tư 100 triệu đô la vào các trái phiếu Đan Mạch chẳng hạn, nó chỉ có thể bỏ 5 triệu đô la của giá mua. Ngân hàng có thể bảo đảm phần còn lại.
Tất nhiên, điểm mạnh của tác dụng đòn bẩy đó là nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp bạn có thể kiếm được khoản lợi nhuận rất lớn từ đầu tư. Ví dụ, nếu giá của các trái phiếu Đan Mạch đó tăng 10% thì quỹ này có thể lãi 10 triệu đô la, có nghĩa là quỹ đã nhân đôi số tiền của họ (vì họ chỉ bỏ ra 5 triệu đô la của mình). Tất nhiên, điểm hạn chế của tác dụng đòn bẩy là nếu mọi việc diễn ra không tốt, bạn có thể dễ dàng bị mất trắng. Tuy nhiên, quỹ này tuyên bố rằng họ không quá mạo hiểm. Họ không đầu tư vào những thị trường mà giá cả dao động thất thường hằng ngày. Vậy nên, họ khăng khăng rằng tác dụng đòn bẩy thực ra không phải tất cả đều mạo hiểm. Dù cách nào chăng nữa, việc LTCM dựa vào tiền vay mượn đã khiến quỹ trở nên quan trọng hơn hẳn so với việc họ không làm như vậy – bởi lẽ họ đã quản lý số tiền lớn hơn rất nhiều. Mặc dù 5 tỷ đô la là số tiền rất nhỏ so với quy mô các thị trường tài chính toàn cầu, nhưng cách LTCM sử dụng 5 tỷ đô la đó đã biến nó trở thành một người chơi khổng lồ.
Điều này có ý nghĩa vì vấn đề quan trọng thứ hai đối với quỹ dài hạn đó là nó đã đầu tư vào những thị trường của cải không dễ quy đổi thành tiền mặt, có nghĩa là những thị trường không có nhiều người mua và người bán. Các chuyên gia tài chính đứng đằng sau LTCM (nói một cách công bằng) đều cho rằng quá khó để kiếm được tiền ở những thị trường sâu rộng – như thị trường chứng khoán Mỹ – nơi có rất nhiều người liên tục săn tìm những công ty đang gặp nguy khốn. Do đó, họ thích những thị trường nhỏ hơn hoặc những thị trường bí truyền hơn, như các trái phiếu của chính phủ Đan Mạch. Và họ không tìm cách ghi được nhiều điểm trong mỗi lần giao dịch. Họ chỉ muốn kiếm chút ít trong mỗi lần giao dịch. Một người sáng lập quỹ LTCM đã mô tả điều đó như là việc “làm rỗng đồng tiền”. Nhưng vì quỹ đã sử dụng quá nhiều tác dụng đòn bẩy, nên nó có thể là một sự rỗng tuếch rất lớn.
Trên lý thuyết, đây là một ý tưởng hay. Thế nhưng, có một vấn đề cơ bản ở phía sau, đó là: vì LTCM thích các thị trường luật và những chiến lược kinh doanh bí truyền, cho nên quỹ chỉ có thể thực hiện công việc kinh doanh với rất ít người. Nếu bạn muốn mua cổ phiếu ở Cisco, có nhiều người ở đó sẽ bán cho bạn với giá hợp lý. Nhưng, chẳng hạn, nếu bạn muốn bán cổ phiếu không lãi cố định, như quỹ dài hạn đã làm, thì chỉ có 4 hoặc 5 công ty trên khắp thế giới mua bán mặt hàng này, mà nói một cách thực tế thì điều đó có nghĩa là dù có khoảng 4 hoặc 5 người trên toàn thế giới mua bán mặt hàng này. Và tất cả bọn họ đều biết nhau.
Lúc bấy giờ, chắc chắn những người này đều rất khôn ngoan. Tuy nhiên, không phải là có quá nhiều người như họ và họ lại rất giống nhau trong cách nghĩ về những điều như cái được và cái mất. Và điều đó có nghĩa là một khi sự việc bắt đầu gặp rắc rối vào mùa hè năm đó, thì không còn ai muốn tiếp tục và nắm lấy một cơ hội mà không ai muốn có. LTCM đã xây dựng toàn bộ chiến lược kinh doanh của họ dựa trên ý tưởng cho rằng giá của những thứ như các trái phiếu Luxembourg sẽ luôn trở về giá trị thực của chúng, trong thực tế có nghĩa là một giá nào đó giống như giá trị trung bình trong lịch sử của nó. Nhưng đối với chiến lược hoạt động như vậy, phải có người nào đó quan tâm đến việc mua các trái phiếu Luxembourg khi giá của chúng tụt xuống. Và vào mùa hè năm 1998, không một ai trong số rất ít người biết rằng các trái phiếu Luxembourg hạ giá hơn bao giờ hết mà vẫn quan tâm mua chúng. Thực tế, vì tất cả những người này đều biết LTCM hoạt động kinh doanh như thế nào nên việc LTCM quan tâm bán các trái phiếu đó không phải là lý do đủ để khiến những người này mua. Cái mà quỹ dài hạn cần là các nhà đầu tư có một thái độ khác hơn đối với sự mạo hiểm. Nhưng vì những thị trường mà quỹ tham gia giao dịch quá nhỏ, nên không thể tìm thấy những nhà đầu tư như vậy.
Có một chân lý hiển nhiên quen thuộc đó là vào bất kỳ thời điểm nào, các thị trường tài chính đều bị chi phối bởi sự sợ hãi hoặc sự hám lợi. Nhưng những thị trường mạnh nhất lại là những thị trường nhộn nhịp bởi đồng thời có cả sự sợ hãi lẫn hám lợi. Nói rõ hơn, bất cứ khi nào bạn bán cổ phiếu thì người mua nó cũng sẽ nghĩ khác về những triển vọng tương lai của cổ phiếu đó. Bạn nghĩ nó sẽ giảm, người mua nghĩ nó sẽ lên. Hoặc bạn, hoặc người mua sẽ đúng, nhưng điều quan trọng là chỉ thông qua sự tương tác của những thái độ khác nhau đó, thị trường mới có thể làm tốt công việc phân phối vốn. Vấn đề xảy ra đối với LTCM là do không có những thái độ khác nhau như thế. Mọi người đều nghĩ giống nhau bởi vì nhóm người đưa ra quyết định quá nhỏ và quá đồng nhất. Rốt cuộc, việc cá nhân các chuyên gia thông minh đến mức nào không còn quan trọng nữa. Nói chung, họ thông minh theo cách quá giống nhau.
IV
Cơn sốt ảo lớn nhất của thị trường chứng khoán những năm 1950 bắt nguồn trước hết từ một trại gà tồi tàn ở thị trấn Pearl River bé nhỏ, New York. Trại gà thuộc quyền sở hữu của Gottfried Schmidt – một kỹ sư và là người tạo mẫu và vô tình còn là người rất đam mê chơi bowling. Năm 1936, Schmidt cảm thấy thất vọng về việc nếu ông có muốn chơi vài ván bowling sau giờ làm việc thì cũng không có ai ở quanh sắp bóng giúp ông. Thời ấy, việc sắp bóng mới được thực hiện bằng tay. Nhưng Schmidt đã tưởng tượng ra một loại máy có thể sắp bóng nhanh chóng và hiệu quả. Vì thế, ông đã tập hợp một nhóm nhỏ gồm hai thợ máy ô tô và một kỹ sư, và bắt đầu xây dựng chiếc máy sắp bóng tự động đầu tiên ở trại gà tồi tàn phía sau nhà ông. Thời điểm đó là giữa thời kỳ Đại Suy thoái, vì vậy các nhà đầu tư ngày xưa đã phải dựa vào kim loại phế liệu, xích xe đạp và các bộ phận của xe ô tô đã qua sử dụng. Trong năm đó Schmidt đã có một mô hình hoạt động khá tốt cùng với bằng sáng chế. Cái ông còn chưa có được là bằng cách nào để áp dụng sáng chế của ông vào việc sản xuất hàng loạt.
Morehead Patterson vào cuộc. Bản thân là một nhà sáng chế nghiệp dư nhưng Patterson còn là Phó chủ tịch Công ty Lò đúc và Máy móc của Mỹ (AMF). Công ty chuyên sản xuất các loại máy phục vụ ngành công nghiệp làm bánh và thuốc lá, nhưng cũng quan tâm đa dạng hóa ngành nghề, và Patterson nhận thấy nếu biết cách tiếp thị, phát minh của Sthmidt có thể cách mạng hóa ngành công nghiệp bowling. Vì các sân chơi bowling phải phụ thuộc vào những cậu bé sắp bóng, nên số làn chơi bóng lúc nào cũng bị hạn chế. Và như Andrew Hurley giải thích trong cuốn sách của ông, Các quán ăn nhỏ ven đường, sân chơi bowling và khu đỗ xe moóc (Dinners, Bowling Alleys, and Trailer Parks) thì mối quan hệ giữa những cậu bé sắp bóng và khách hàng của họ dễ xảy ra bất đồng nhiều nhất. Các nhà cải cách xã hội công kích các sân chơi bowling giống như những hang ổ ăn chơi trụy lạc. Các sân chơi bowling giống như các phòng đánh trận (một lối chơi bi a với 16 viên), chỉ có sự ồn ào. Máy sắp bóng tự động có thể mang lại tính hợp lý và hiệu quả cho các sân chơi bowling, cho phép mở rộng và nâng cấp các sân chơi. Vì thế, Patterson đã đến thẳng Pearl River. tìm thấy Schmidt ở khu trại tồi tàn và đề nghị cho ông một công việc, Schmidt trở thành nhân viên của công ty AMF, và AMF được quyền quản lý bằng sáng chế của Schmidt.
Nếu không có cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai chen ngang thì loại máy sắp bóng tự động này chắc chắn đã ra mắt công chúng vào đầu những năm 1940. Vì có chiến tranh nên các nhà máy của AMF đã mất một nửa thập kỷ sản xuất các trang thiết bị cho chiến tranh. Và mặc dù máy sắp bóng tự động ra mắt chính thức lần đầu năm 1946 nhưng vẫn còn một số nhược điểm chưa được tính đến. Tuy nhiên, đến năm 1951, hơn một thập kỷ sau khi Schmidt tạo ra mô hình hoạt động thứ nhất, một sân thơi bowling ở Mount Clemens, bang Michigan, đã giới thiệu máy sắp bóng tự động đầu tiên.
Tác động của việc này gây ấn tượng sâu sắc như Patterson có thể mong đợi. Các sân chơi bowling từ những quán tồi tàn đã biến thành các tòa nhà lộng lẫy. Như đã cam kết, loại máy tự động này hoạt động nhanh hơn và đáng tin cậy hơn so với các cậu bé sắp bóng, do đó, chơi bowling cũng trở nên nhanh hơn và hứng thú hơn. Tầng lớp trung lưu đang phất bắt đầu ham thích bowling, khi các sân chơi quảng cáo bowling là môn thể thao lý tưởng đối với cả gia đình. Sân chơi bowling bắt đầu được mọi người biết đến như là “câu lạc bộ đồng quê của mọi người”. Đến cuối những năm 1950, có hơn 10.000.000 người chơi bowling ít nhất một lần trong tuần.
Một kết quả ngoài mong đợi của sự bùng nổ này đó là các cổ phiếu bowling trở thành con cưng của Phố Wall. Giữa năm 1957 và 1958, cổ phiếu của AMF và Brunswick – một nhà máy sản xuất thiết bị bowling khác – đã tăng gấp đôi. Những công ty bowling nhỏ hơn cũng được mọi người biết đến và các nhà đầu tư bắt đầu rót vốn vào ngành công nghiệp này. Nếu bạn có ý tưởng liên quan đến bowling, người ta sẽ sẵn sàng cấp vốn cho bạn. Các sân chơi được xây dựng khắp nước Mỹ. Đến năm 1960, đã có 12.000 sân, với tổng số 110.000 làn thay. Cả thảy, các nhà đầu tư đã bỏ ra 2 tỷ đô la vốn vào kinh doanh bowling trong thời kỳ sốt bowling. Và đây là lúc hai tỷ đô la được coi là vốn thực tế.
Phố Wall đã làm hết sức mình để kích thích sự ham mê đối với môn thể thao này. Các nhà phân tích dự kiến trong tương lai môn thể thao này sẽ phát triển nhanh như những năm 1950 và cho rằng sắp tới mỗi người dân Mỹ có thể dành hai giờ để thơi bowling mỗi tuần. Như Charles Schwab, người khi đó mới bắt đầu sự nghiệp ở Phố Wall, đã nói: “Hãy cứ tính – 180.000.000 người nhân với hai tiếng một tuần, trong 52 tuần. Vậy mới thấy người chơi bowling nhiều tới mức nào.” Sự quảng cáo thổi phồng này đã đẩy các cổ phiếu bowling thậm thí còn cao hơn nữa. Sau một thời gian, sự ham mê đối với mọi thứ liên quan đến bowling trở về đúng với cuộc sống thực của nó.
Trở về đúng với cuộc sống thực của nó, có nghĩa là, cho đến khi nó không còn nữa. Đến năm 1963, các cổ phiếu bowling từ những mức cao chưa từng thấy đã giảm tới 80% và phải mất gần một thập kỷ để chúng giành lại mặt bằng đã mất. Bowling ít phổ biến hơn theo thời gian và có thể không bao giờ trở lại như những năm dưới thời Eisenhower. Ngày nay, trên cả nước chỉ còn lại khoảng một nửa số sân chơi bowling so với 40 năm trước, mặc dù số dân Mỹ đã tăng thêm khoảng 100.000.000 người.
Sự cuồng dại ngắn ngủi của Phố Wall với các cổ phiếu bowling đương nhiên là một ví dụ về cơn sốt ảo của thị trường chứng khoán. Những cơn sốt nhỏ như trường hợp bowling rất phổ biến trong các thị trường tài sản, đặc biệt là các thị trường chứng khoán. Ví dụ, vài năm trước cơn sốt bowling, Phố Wall đã bị thôi miên trước triển vọng của Thời đại nguyên tử và phát cuồng lên với các cổ phiếu Urani. Giữa những năm 1960, đến lượt cổ phiếu của các hiệp hội công ty lên cơn sốt khiến các nhà đầu tư không thể mua đủ. Tiếp theo là cơn sốt nhỏ đối với các cổ phiếu RV (Cổ phiếu của một công ty có tên là Skyhne Homes tăng gấp 20 lần trong năm 1969). Các công ty máy tính cá nhân, công nghệ sinh học, thị trường bất động sản, rồi lại công nghệ sinh học: tất cả đều là đối tượng ham mê điên cuồng của các nhà đầu tư trong 20 năm trước. Nhưng các cơn sốt này hạn chế trong những khu vực riêng biệt của thị trường và chỉ những nhà đầu tư lớn nhất mới không bị mất trắng. Gây ra thiệt hại nhiều hơn nữa là những thời điểm hiếm thấy trong lịch sử – như cơn sốt South Sea ở Anh những năm 1920, thị trường bất động sản ở Nhật những năm 1980 (khi một mảnh đất ở Tokyo được coi là có giá trị hơn so với cả vùng California) và dĩ nhiên cả cơn sốt cổ phiếu công nghệ cuối những năm 1990 – khi mà dường như tất cả các nhà đầu tư đều bị chìm đắm vào sự ham mê cuồng loạn, khi mà mọi người dường như bị khuất phục trước những gì Mackay gọi là “sự điên cuồng của đám đông”. Đang trong cơn sốt thực sự, giá cả và giá trị mất đi mọi sự liên hệ. Giá tăng vì người ta hy vọng chúng sẽ tiếp tục tăng, ít nhất họ hy vọng cho đến thời điểm họ không còn thấy hy vọng nữa. Tiếp theo là đến lúc người ta lại chạy tán loạn tìm lối thoát.
Các cơn sốt và các cuộc sụp đổ là những ví dụ trong giáo trình cho thấy những quyết định tập thể đã sai. Trong một cơn sốt, tất cả những điều kiện để các nhóm trở nên thông minh – tính độc lập, tính đa dạng, sự xét đoán riêng – đều biến mất. Và mặc dù các cơn sốt xảy trong các thị trường chứng khoán nhưng chúng tác động lớn đến nền kinh tế “thực”. Thị trường chứng khoán, xét cho cùng, thực sự chỉ là một cơ chế khổng lồ cho phép các nhà đầu tư gián tiếp quyết định các công ty khác nhau cần có số vốn bao nhiêu. Nếu giá cổ phiếu của một công ty cao, công ty đó có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách bán cổ phiếu hoặc phát hành trái phiếu so với kiếm bằng cách khác. Như vậy, thông qua việc trả giá cổ phiếu của một công ty, các nhà đầu tư đã chuyển vốn một cách hiệu quả vào công ty đó và rút ra khỏi các công ty khác. Khi thị trường vững mạnh, những công ty có giá cổ phiếu cao sẽ sử dụng số tiền họ kiếm được một cách hữu ích và có hiệu quả, điều này không những tốt cho bản thân các công ty, mà còn tốt cho cả nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, đối với các cổ phiếu bowling thì thị trường không phải là vững mạnh. Ngược lại, các nhà đầu tư đã rất kém trong việc đưa tiền đầu tư vào đúng công ty. Họ đầu tư quá nhiều tiền vào các cổ phiếu bowling so với mức cần có và các công ty bowling lại không sử dụng số tiền họ kiếm được một cách khôn ngoan. Họ xây dựng và đầu tư một cách thái quá để chờ đón một tương lai mà không bao giờ trở thành hiện thực. Nói cách khác, cơn sốt bowling không phải là dẫn chứng sống động về trí tuệ của đám đông. Và mặc dù các cơn sốt và những cuộc sụp đổ lớn chỉ là bất thường chứ không phải lúc nào cũng có, nhưng hiểu được tại sao chúng xảy ra và xảy ra như thế nào sẽ giúp chúng ta thấy được những sai lầm có thể khi các nhóm ra quyết định.
Khi bắt đầu nghĩ về những cơn sốt và các cuộc sụp đổ, một ý nghĩ xuất hiện ngay trong đầu ta: người ta không thấy được những cơn sốt trong nền kinh tế thực, tức là nền kinh tế nơi bạn mua bán ti vi, táo và chi trả cho dịch vụ cắt tóc. Nói cách khác, giá của ti vi không tự nhiên tăng gấp đôi qua một đêm để rồi vài tháng sau là sụp đổ. Các mức giá thay đổi – các nhà sản xuất nâng giá đối với các mặt hàng khan hiếm, còn các thương nhân bán lẻ hạ giá các mặt hàng không bán chạy – nhưng chúng không dao động dữ dội. Và bạn sẽ không bao giờ thấy tình huống giá tăng khiến mọi người thích mua hơn (đây là những gì xảy ra trong một cơn sốt). Ti vi càng đắt, người ta càng ít quan tâm mua nó.
Như vậy, các cơn sốt thực sự là đặc tính của cái chúng ta nghĩ là thị trường tài chính. Tại sao? Ồ, hãy nghĩ xem bạn sẽ mua được gì khi mua một cổ phần. Những gì bạn sẽ mua được đúng ra là một phần thu nhập tương lai của công ty đó (Nếu tôi sở hữu một cổ phần của công ty và công ty đó kiếm được 2 đô la một cổ phần, thì tôi bỏ túi được 2 đô la.). Nhưng bạn cũng sẽ mua được gì đó khác nữa. Bạn sẽ mua được quyền bán lại cổ phần đó cho người khác – lý tưởng là người có cách nhìn lạc quan về tương lai của công ty đó hơn bạn và vì thế sẽ mua cổ phiếu đó với giá cao hơn so với giá gốc bạn bỏ ra.
Tất nhiên, đúng là mỗi khi bạn mua bất kỳ sản phẩm vật chất nào là bạn cũng sẽ mua luôn quyền được bán lại nó. Nhưng trong nền kinh tế thực, khi bạn mua một sản phẩm – thậm chí là một chiếc xe hơi – nhìn chung bạn không quá lo lắng về việc bán lại nó. Ví dụ, giá trị của một chiếc máy tính cá nhân không phụ thuộc vào việc bạn sẽ bán máy ở đâu đó trên đường, mà vào giá trị sử dụng khi sở hữu nó. Phần nào đấy là do các sản phẩm vật chất mất giá trị theo thời gian, trừ một số rất ít ngoại lệ. Nếu bạn bán lại chúng, giá sẽ thấp hơn so với mức bạn mua ban đầu.
Tuy nhiên, trong các thị trường tài chính, mọi thứ thường trở nên có giá trị hơn theo thời gian. Giá tăng (Điều này cũng đúng đối với thị trường đồ cổ và thị trường tác phẩm nghệ thuật.). Việc đó khiến cho khả năng bán lại cổ phần hoặc một bất động sản của tôi trở nên rất quan trọng. Và – đây mới là phần chủ yếu – nó còn làm cho quan điểm của thị trường đối với giá trị cổ phần của tôi cũng trở nên rất quan trọng. Trên lý thuyết, nếu tôi mua một cổ phần, tôi nên quan tâm tới điều gì? Tôi nên quan tâm đến việc công ty đó sẽ kiếm được bao nhiêu trong tương lai. Nếu công ty sẽ kiếm được 60 đô la trong hai mươi năm tới (tính theo vòng quay tiền mặt tự do đã được khấu trừ) thì tôi nên sẵn sàng trả 60 đô la cho một cổ phần. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi không chỉ quan tâm đến việc công ty sẽ kiếm được bao nhiêu. Tôi còn quan tâm tới suy nghĩ của người khác về thu nhập của công ty nữa, bởi vì điều này sẽ quyết định việc tôi có thể bán được cổ phần của tôi cao hơn giá đã mua hay không.
Để thấy điều này khác với kinh tế thường ngày như thế nào, hãy hình dung bạn đang bước vào cửa hàng hoa quả ở địa phương để mua táo. Khi ấy, có lẽ trong đầu bạn đã nghĩ đến mức giá có thể hợp lý cho một quả táo. Điều này không có nghĩa là nếu quả táo có giá 90 xu (mà bạn thì nghĩ 75 xu mới là cái giá hợp lý), thì bạn sẽ thấy phẫn nộ. Mà nó có nghĩa là bạn biết khi nào mình bị mua hớ và khi nào mua được giá hời. Bạn biết như vậy vì bạn đã có cảm nhận quả táo đó đáng giá bao nhiêu đối với mình (dù chưa rõ ràng), nghĩa là bạn sẽ thu được bao nhiêu giá trị từ quả táo đó.
Điều thú vị là bạn nghĩ ra một mức giá hợp lý mà không cần bận tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác về giá của những quả táo đó. Chắc chắn, bạn biết người bán hoa quả muốn bán với giá bao nhiêu – đó là giá mà anh ta đòi trả. Và có lẽ bạn có cả quá trình lịch sử đi mua táo để bạn dựa vào đó, xác định mức giá hợp lý là bao nhiêu. Nhưng về cơ bản quyết định của bạn có thể quy về một phép tính khá đơn giản: bạn thích quả táo ở mức độ nào và quả táo cụ thể bạn đang cân nhắc để mua có ngon không?
Nói chung, việc bạn quyết định có mua táo hay không là một việc độc lập. Thực ra, bất cứ lúc nào người mua táo cũng nghĩ xem những quả táo đó có giá trị như thế nào đối với họ, còn người bán thì tính toán giá thành là bao nhiêu để trồng và vận chuyển táo. Vì thế, giá táo lúc nào cũng phản ánh cả hàng triệu quyết định độc lập mà những người mua và người bán đưa ra.
Ngược lại, giá của một cổ phiếu thường phản ánh một loạt những quyết định phụ thuộc, bởi vì khi nhiều người cùng tính toán xem một cổ phiếu có giá trị bao nhiêu thì ít nhất phần nào việc đánh giá của họ cũng phụ thuộc vào ý kiến của những người khác về giá cổ phiếu đó. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã mô tả sinh động về quá trình này giống như mô hình thi người đẹp: “Việc đầu tư chuyên nghiệp được ví như những cuộc thi trên báo chí, trong đó những người dự thi phải chọn ra 6 gương mặt đẹp nhất từ hàng trăm bức ảnh, giải thưởng được trao cho người dự thi có sự lựa chọn sát nhất kết quả trung bình của tất cả những người dự thi nói chung, vì vậy, mỗi người dự thi không phải chọn những gương mặt mà anh ta cho là đẹp mà chọn những gương mặt anh ta cho là có nhiều khả năng lôi cuốn được những người dự thi khác nhất, tất cả những người này đều xem xét vấn đề này theo cùng một quan điểm giống nhau.”
Đoạn này hơi rườm rà. Nhưng quan trọng nhất là dòng cuối Những gì Keynes nhận ra đó là: điều làm cho thị trường chứng khoán trở nên đặc biệt kỳ lạ thường là việc các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến việc nhà đầu tư trung bình nghĩ gì, mà còn quan tâm đến việc nhà đầu tư trung bình nghĩ nhà đầu tư trung bình nghĩ gì. Và sự thực là tại sao lại dừng lại ở đó? Có lẽ điều bạn cần nghĩ đến là việc người trung bình nghĩ quan điểm của người trung bình sẽ như thế nào.
Một khi bạn bắt đầu tham gia vào cuộc chơi này, rõ ràng bạn sẽ rất khó từ bỏ. Mặc dù Keynes đã nói như vậy nhưng sự thực là không phải tất cả mọi người trong thị trường chứng khoán đều tham gia cuộc chơi. Một số người – ví dụ Warren Buffet – hành động một cách độc lập, chỉ đơn giản chọn ra những cô gái đẹp nhất (tức là cổ phiếu của những công ty mạnh nhất), tin rằng cuối cùng thị trường cũng sẽ chọn ra những cô gái đẹp nhất, nếu có thể nói như vậy. Những người khác chọn các cô gái họ nghĩ là đẹp nhưng phải là những cô mà các nhà đầu tư khác dường như cũng sẽ thấy quyến rũ. Và một số nhà đầu tư khác chỉ làm những gì mà Keynes đề xuất. Khi đó, chủ yếu thị trường chứng khoán là sự hòa hợp của quá rình ra quyết định vừa độc lập, vừa phụ thuộc, luôn luôn thay đổi nhưng cũng tương đối ổn định.
Các cơn sốt và các cuộc sụp đổ xảy ra khi sự hòa hợp này quá nghiêng về hướng phụ thuộc. Ví dụ, trong trường hợp cơn sốt bowling, các nhà đầu tư coi sự tăng giá AMF và Brunswich là bằng chứng cho thấy mọi người đều nghĩ rằng bowling thực sự sẽ là một phi vụ lớn sắp tới. Vì dường như ai cũng thích các cổ phiếu bowling, nên các nhà đầu tư muốn sở hữu chúng và chính điều này lại càng làm cho các cổ phiếu có vẻ hấp dẫn hơn nữa. Việc mua cổ phiếu của AMF có vẻ giống như một sự xác nhận không thể bị thua lỗ, vì luôn có người khác muốn giành lấy cổ phần từ tay bạn. Và khi các cổ phiếu này tiếp tục tăng giá thì điều đó cũng không còn mấy khuyến khích người ta ngồi xuống và làm phép phân tích độc lập nào đó – một hình thức có thể dẫn mọi người đến chỗ hoài nghi về toàn bộ quá trình bùng nổ của bowling. Kết quả là tính đa dạng về ý kiến mà thị trường vững mạnh dựa vào được thay thế bằng một dạng suy nghĩ một chiều. Mọi người nói cổ phiếu bowling như thế nào thì những người khác cũng tin như thế đấy.
Cuộc sụp đổ đơn giản chỉ là điều ngược lại của cơn sốt, mặc dù nó xảy ra đột ngột và khắc nghiệt hơn nhiều. Trong một cuộc sụp đổ, các nhà đầu tư tương tự cũng không quan tâm đến giá trị “thực” của cổ phiếu và tương tự chỉ nghĩ đến việc bán lại nó. Sự khác nhau rõ ràng là: nếu trong cơn sốt các nhà đầu tư tin chắc giá sẽ tiếp tục tăng thì trong cuộc sụp đổ các nhà đầu tư lại tin rằng giá chỉ tiếp tục hạ. Điều thực sự bí ẩn là tại sao lại xảy ra cuộc sụp đổ khi họ vẫn đầu tư và hoạt động như vậy, vì hầu hết các cuộc sụp đổ lớn trong lịch sử tài chính dường như đều quá nghiêm trọng so với những nguyên nhân trực tiếp. Có lẽ cách suy luận hợp lý nhất là cách nhà sinh học Per Bak đưa ra, ông so sánh cuộc sụp đổ của thị trường với sự sụp đổ của một đống cát. Khi bạn đổ thêm cát lên đống cát, nó sẽ vẫn giữ nguyên hình dạng mà to dần lên. Nhưng đến một điểm nào đó, dù chỉ một hạt cát cũng quá nhiều để làm đống cát đổ nhào.
Các nhà đầu tư ngày nay có nhiều thông tin hơn so với các nhà đầu tư trong lịch sử. Họ biết là có tồn tại các cơn sốt và chúng hiếm khi kết thúc tốt đẹp – và chắc chắn là như vậy. Thế thì tại sao lại khó có thể loại bỏ những cơn sốt đến vậy?
Để có câu trả lời ta hãy quan sát một thí nghiệm được thực hiện ở phòng thí nghiệm kinh tế thực nghiệm của CalTech, tại đây các nhà kinh tế đã chứng minh được các cơn sốt diễn ra chính xác như thế nào. Trong thí nghiệm, các sinh viên được tạo cơ hội giao dịch cổ phiếu tại một công ty ảo trong 15 phiên giao dịch, mỗi phiên kéo dài 5 phút. Khởi điểm, mỗi sinh viên được phát hai cổ phiếu và một khoản tiền nhất định để mua thêm cổ phiếu nếu muốn. Mánh lới ở đây là mỗi cổ phiếu sẽ có mức cổ tức 24 xu vào cuối mỗi phiên giao dịch. Nếu bạn sở hữu một cổ phiếu thì đến cuối phiên giao dịch đầu tiên bạn sẽ thêm 24 xu. Và nếu bạn sở hữu một cổ phiếu thì sau cả buổi thí nghiệm, bạn sẽ kiếm được 3,60 đô la (0,24 đô la x 15). Vì thế, trước khi cuộc chơi bắt đầu, nếu có người hỏi bạn là bạn có thể trả bao nhiêu cho một cổ phiếu thì câu trả lời đúng sẽ là “Không quá 3,60 đô la”. Sau khi phiên giao dịch đầu tiên kết thúc thì bạn chỉ muốn trả không quá 3,26 đô la (3,36 đô la – 0,24 đô la). Sau phiên thứ hai, bạn trả 3,12 đô la. Và cứ như vậy.
Mấu chốt của tất cả những việc này là không có sự bất ổn về giá trị của mỗi cổ phiếu (nhưng trong thị trường chứng khoán thực thì có sự không ổn định). Nếu số tiền bạn bỏ ra để mua một cổ phiếu lớn hơn số tiền bạn sẽ thu lại từ các cổ tức thì bạn đã bị mua hớ. Thế nhưng khi đang thực hiện thí nghiệm, giá của các cổ phiếu đột ngột tăng vọt lên 3,50 đô la và cứ giữ nguyên mức đó cho đến khi kết thúc hẳn. Khi giá trị các cổ phiếu dưới 3 đô la, mọi người vẫn giao dịch với giá 3,50 đô la. Khi giá trị các cổ phiếu tụt xuống dưới 2 đô la, giá giao dịch vẫn không hạ. Và thậm chí khi các cổ phiếu chỉ còn giá trị chưa bằng 1 đô la, vẫn có những người bỏ ra 3,50 đô la để mua vào.
Các sinh viên đã nghĩ gì? Nhà kinh tế học Colin Camerer, người thiết kế cuộc thí nghiệm này, đã hỏi họ lý do tại sao lại mua cổ phiếu với giá mà họ biết chắc là điên rồ. “Họ trả lời: Rõ ràng tôi biết giá quá cao, nhưng tôi thấy những người khác vẫn đang mua bán với giá cao như vậy”. Camerer viết: “Tôi tính là mình có thể mua, kiếm lấy một hay hai cổ tức, rồi sau đó bán lại cũng giá đó cho một kẻ ngốc nghếch nào đó.” Nói cách khác, ai cũng nghĩ rằng sẽ có kẻ nào đó ngốc hơn.
Thí nghiệm Caltech thú vị vì nó rất cực đoan. Các sinh viên có mọi thông tin cần thiết để đưa ra quyết định đúng – tức là, không trả quá cao khi mua cổ phiếu. Họ biết khi nào cuộc thí nghiệm sẽ kết thúc, có nghĩa là họ chỉ có một khoảng thời gian hạn chế để bán hạ giá các cổ phiếu của họ. Và họ đã không giao thiệp với nhau ngoại trừ quan hệ mua bán (Vì thế mọi người không khuyến khích nhau.). Và cơn sốt lặng lẽ được hình thành. Điều này cho thấy phần nào những hiểm họa của việc ra quyết định phụ thuộc.
Phải nói rằng, những cơn sốt trong thực tế còn phức tạp và thú vị hơn so với trong thí nghiệm ở CalTech. Trước hết, khi đang trong cơn sốt, mọi người không phải lúc nào cũng biết rõ là họ đang ở đâu. Các sinh viên của Camerer thẳng thắn cho biết họ chỉ chăm chăm tìm kẻ ngốc nghếch hơn. Nhưng trong một cơn sốt thực tế, mọi người – không phải tất cả, nhưng chắc chắn có một số – bắt đầu tin vào mọi sự quảng cáo thổi phồng. Những người mua cổ phiếu của Cisco khi công ty này có tiếng là công ty đắt giá nhất trên thế giới chắc chắn vì họ tin rằng cổ phiếu của Cisco sẽ tiếp tục tăng hơn nữa. Nhưng ẩn bên trong niềm tin đó có một ý niệm cốt lõi cho rằng Cisco thực ra có thể chỉ có giá trị 500 tỷ đô la.
Theo nghĩa đó, tính nguy hiểm của một cơn sốt đó là nó càng kéo dài, lại càng có vẻ không giống cơn sốt. Điều này phần nào là do thực tế không ai biết khi nào nó sẽ kết thúc (cũng như không ai có thể biết thực sự nó bắt đầu khi nào, thậm chí cả khi nhìn lại). Bất kỳ một nhà học giả nào cũng có thể tiên đoán được ngày tận thế của công ty Nasdaq vào năm 1998, nhưng nếu khi đó bạn rút khỏi thị trường chứng khoán, bạn sẽ bỏ lỡ mất 40% lợi nhuận. Nếu rút trước năm 1999, bạn sẽ bỏ lỡ mất khoản lợi nhuận 85%. Thị trường này phải phát triển bao nhiêu năm cho đến khi sự việc diễn ra như vậy?
Loại bỏ các cơn sốt dễ dàng như loại bỏ những đợt kích động tập thể. Nhưng quá trình thực hiện phức tạp hơn thế. Rốt cuộc, như chúng ta đã thấy trong chương bàn về sự bắt chước và các thác thông tin, một số người dựa vào trí tuệ của những người khác là điều chắc chắn xảy ra và thường rất có lợi. Nếu các nhóm nói chung đều tương đối thông minh (như ta biết thì các nhóm đều thông minh) thì sẽ có cơ hội rất tốt để giá cổ phiếu hợp lý thực sự. Vấn đề là một khi tất cả mọi người bắt đầu dựa vào trí tuệ của nhóm, thì không ai còn làm gì để bổ sung vào trí tuệ của nhóm nữa. Mặc cho cách lập luận của Keynes, cuộc thi hoa hậu chỉ có một hy vọng là tìm ra cô gái đẹp nhất – hy vọng đó, rốt cuộc, chính là mục đích của cuộc thi – nếu như một số người ở đó thực sự đang nghĩ xem cô gái nào là đẹp nhất.
Chỉ vì chúng ta không có những mô tả rõ ràng về nguyên nhân của các cuộc sụp đổ nên chúng ta cũng thực sự không hiểu rõ tại sao các cơn sốt lại bắt đầu. Cái mà chúng ta biết được đó là chúng không thể được tạo ra một cách vô căn cứ. Bowling từng là một trong những trò tiêu khiển phổ biến nhất ở Mỹ những năm 1950. Các công ty công nghệ sinh học đã cách mạng hóa ngành công nghiệp dược. Và Internet từng là một ngành công nghiệp biến đổi. Vấn đề là nếu các cơn sốt bắt đầu với tính chất là những nỗ lực hợp lý để kiếm chác được ở những hướng kinh doanh mạnh, thì chúng sẽ sớm trở thành điều gì đó khác nữa. Sự hấp dẫn của việc buôn bán cổ phiếu trên cơ sở những việc người khác đang làm là gần như không thể cưỡng lại được. Những mong đợi của người khác liên tục tác động đến mong đợi của bạn. Và khi các nhà đầu tư bắt đầu phản ánh lẫn nhau thì trí tuệ của nhóm nói chung sẽ giảm xuống.
Thông tin thường được xem là bổ ích. Thực tế, như là một nguyên tắc, càng nhiều thông tin càng tốt. Và một trong những thách thức thực sự của bất kỳ nền kinh tế nào cũng là bảo đảm để các nhà đầu tư hiểu biết đầy đủ về những công ty mà họ sẽ đầu tư. Nhưng kinh nghiệm của các cơn sốt và các cuộc sụp đổ cho thấy, trong những hoàn cảnh nhất định, những loại thông tin nhất định quả thực dường như lại làm mọi việc trở nên xấu hơn. Hóa ra không phải tất cả các thông tin được tạo ra như nhau. Và cách thông tin được truyền tải có thể tác động mạnh đến cách nó được tiếp nhận.
Cơn sốt của thị trường chứng khoán ở những năm 1990 xảy ra đồng thời với sự bùng nổ về tin tức tài chính. Thậm chí chỉ so với một thập kỷ trước đây, các nhà đầu tư ngày nay được tiếp cận với một lượng thông tin rất lớn về các công ty và các thị trường nhờ có Internet và truyền hình cáp. Nguồn thông tin tài chính có tầm ảnh hưởng lớn nhất vào cuối những năm 1990 chắc chắn là CNBC. Năm 1999, Andy Serwer, nhà báo chuyên mục Fortune (Vận may), đã viết: “Tôi nghĩ CNBC là mạng lưới vô tuyến truyền hình của thời đại chúng ta… Thị trường đầu cơ giá lên mà chúng ta đang hâm nóng từ năm này sang năm khác đã làm cho việc đầu tư trở thành trò tiêu khiển trên phạm vi quốc gia. Các cổ phiếu càng tăng giá, chúng ta tham gia thị trường càng đông và xem CNBC càng nhiều để theo sát diễn biến.” (Lưu ý là cách mô tả của Serwer – “Các cổ phiếu càng tăng giá, chúng ta tham gia thị trường càng đông đã hoàn toàn lột tả được logic của cơn sốt trong thị trường chứng khoán”.). Mỗi tuần có 7.000.000 người xem kênh CNBC khi thị trường lên đến đỉnh điểm, và nếu bạn cũng rất quan tâm tới thị trường chứng khoán, thì việc này là không thể tránh khỏi. Serwer viết tiếp: “CNBC hiện diện ở khắp nơi: trên các sàn giao dịch và môi giới chứng khoán, tất nhiên, còn có ở các câu lạc bộ sức khỏe và các nhà hàng, các cửa hàng hoa và các giàn khoan dầu, các nhà máy và phòng họp của các hội đoàn, văn phòng luật sư và các nhà tù.”
CNBC liên tục phát sóng về những việc đang diễn ra trên thị trường, với dòng tin về chứng khoán lúc nào cũng chạy ở cuối màn hình và thông tin cập nhật đến từ hàng loạt các sở giao dịch chứng khoán một cách đều đặn. CNBC hiểu theo nghĩa nào đó đúng là một người đưa tin, giúp thị trường trò chuyện với chính mình, bạn có thể nói như vậy. Nhưng khi CNBC trở nên phổ biến hơn thì tầm ảnh hưởng của nó cũng lớn hơn. Thay vì chỉ bình luận về các thị trường, nó bắt đầu kích động cả các thị trường – một cách không cố ý. Không phải là quá nhiều thông tin được phát sóng trên kênh CNBC đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua bán, mà thực tế là những thông tin đó được nói tới quá nhiều trên CNBC.
Ví dụ, các nhà kinh tế học Jeffrey Busse và T. Clinton Green đã thực hiện nghiên cứu về phản ứng của thị trường khi trên kênh CNBC phát đi bản tin tích cực về một loại cổ phiếu trong tiết mục “Midday Call”. Busse và Green tho thấy giá cổ phiếu đã phản ứng gần như tức thì trước tin đó, giá tăng cao hơn trong vòng 15 giây đầu tiên sau khi đưa tin. Đáng chú ý hơn, số giao dịch cổ phiếu đã tăng gấp sáu lần trong phút đầu tiên sau khi đưa tin. Tốc độ phản ứng, một mặt, chứng tỏ mức độ hiệu quả của thị trường khi có thông tin mới. Nhưng nghiên cứu này còn cho thấy các nhà đầu tư đã không phản ứng trước nội dung của bản tin. 15 giây khó có thể đủ để xác định xem thông tin đưa trên CNBC có ý nghĩa hay không. Tất cả những gì các nhà đầu tư – hay những kẻ đầu cơ – quan tâm đó là: vì CNBC đã đưa tin, nên một số người sẽ dựa vào đó để giao dịch. Một khi bạn biết rằng những người khác sẽ phản ứng trước tin mới đưa, thì vấn đề duy nhất sẽ là ai có thể theo kịp (Thực ra, nếu bạn quá chậm thì cuối cùng bạn sẽ mất hết tiền.). Ken Wolff, người giao dịch hằng ngày, đã phát biểu với tờ Business Week: “CNBC là một công cụ tạo đà giao dịch nóng bỏng. Chúng tôi sử dụng nó thường xuyên”. Và Jim Cramer, một nhà báo chuyên mục và là cựu giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm, đã viết về chương trình buổi sáng của CNBC, Squawk Box, như sau: “Bạn hãy mua ngay chứng khoán khi nghe thấy ai đó đang nói trên Squawk.”
Kênh CNBC đã thổi phồng tính thất phụ thuộc của thị trường chứng khoán bởi vì đã dồn dập chuyển tới các nhà đầu tư thông tin về những gì mà các nhà đầu tư khác đang suy nghĩ. Thời kỳ trước khi có kênh CNBC, hầu hết thông tin mà những người giao dịch biết được về ý nghĩ của mọi người đều phải suy luận từ máy điện báo. Vì vậy, dù bạn đang cố gắng giải mã các động cơ của người khác thì vẫn có một khoảng trống giữa bạn và thị trường. Trong thế giới thông tin tài chính hiện đại, việc suy luận đó không còn cần thiết nữa (có lẽ không thể có nữa). Thay vào đó, bạn liên tục được biết thông tin về những người giao dịch đang nói gì và thị trường cảm nhận như thế nào. Trở lại với cách nói ẩn dụ của Keynes, cứ như là kênh CNBC kêu gào cả ngày về những điều mọi người đang bàn xem, ai sẽ là những cô gái đẹp nhất. Điều đó khiến cho cá nhân mỗi nhà đầu tư càng khó đưa ra được quyết định độc lập về cô gái đẹp nhất hơn trước. Đương nhiên, đây cũng là yếu tố quan trọng trong những thời điểm các nhà đầu tư đã liên kết với nhau. Chẳng hạn, vào hôm thị trường sụt giá mà trên màn hình của kênh CNBC lại ca tụng: “Một ngày thứ Hai vui buồn lẫn lộn” thì mỗi quyết định nhà đầu tư đưa ra đều bị ảnh hưởng bởi sự hoang mang họ nhìn thấy trên màn hình trước mặt. Tình trạng tâm lý của bọn họ trở thành một căn bệnh đặc hữu vì khó nghĩ được điều gì khác ngoài việc nghĩ xem mọi người đang làm gì.
Dù bạn có gạt vấn đề liên kết giữa bọn họ sang một bên, cũng không chắc là việc ngăn chặn thông tin sẽ tất yếu dẫn đến việc ra quyết định đúng đắn. Chẳng hạn, cuối những năm 1980, nhà tâm lý học Paul Andreassen đã tiến hành một loạt thí nghiệm với các sinh viên thương mại ở Trường MIT, qua đó cho thấy những tin tức mới không phải lúc nào cũng biến thành thông tin tốt hơn. Andreassen chia các sinh viên thành hai nhóm. Mỗi nhóm chọn ra một danh mục vốn đầu tư chứng khoán và có đủ thông tin để biết rằng mỗi loại cổ phiếu sẽ lên tới mức giá dường như hợp lý đối với nó. Tiếp theo, Andreassen để một nhóm chỉ được phép nhìn thấy những biến động về giá trong các cổ phiếu của họ. Họ có thể mua và bán nếu họ muốn, nhưng tất cả những gì họ biết được là việc giá của một cổ phiếu đã lên hay xuống. Nhóm thứ hai được phép thấy những biến động về giá cả nhưng còn có thêm nguồn tin tức tài chính thường xuyên được coi là giải thích cho những gì đang xảy ra. Thật ngạc nhiên, nhóm ít thông tin hơn đã làm tốt hơn nhiều so với nhóm được biết mọi tin tức.
Andreassen cho rằng lý do đó là các bản tin, do bản chất của chúng, có xu hướng quá nhấn mạnh tầm quan trọng của bất kỳ một thông tin cụ thể nào. Ví dụ, khi một cổ phiếu sụt giá thì sự sụt giá đó được mô tả sinh động một cách đặc biệt như dấu hiệu của tình trạng rối loạn sắp tới, trong khi một cổ phiếu đang lên dường như chẳng hứa hẹn điều gì khác ngoài bầu trời xanh ở phía trước. Chính vì thế, những sinh viên được tiếp cận với các tin tức đã phản ứng quá mạnh. Họ mua bán cổ phiếu với tần suất nhiều hơn rất nhiều so với những người chỉ được quan sát về giá cả, bởi vì họ đã đánh giá ý nghĩa của các thông tin một cách thái quá. Những sinh viên chỉ được biết giá của các cổ phiếu không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung vào những thông tin cơ bản để tìm cách giao dịch thích hợp với các cổ phiếu.
Vấn đề đánh giá quá cao đối với một thông tin càng trở nên tệ hại hơn khi mọi người trong thị trường đều có được thông tin đó. Ta hãy xem một thí nghiệm mà nhà phân tích tài chính Jack Treynor đã thực hiện. Trước hết, Treynor yêu cầu các sinh viên trong lớp tài chính của ông đoán số hạt đậu trong một chiếc bình. Chẳng có gì ngạc nhiên, con số dự đoán trung bình lệch dưới 3% so với số hạt đậu trong bình (trong bình có 850 hạt và số dự đoán trung bình là 871) và chỉ có một người trong lớp đoán chính xác hơn cả nhóm nói chung. Ở điểm này, Treynor đã chứng minh lại kết quả trong thí nghiệm của Francis Galton với con bò.
Sau đó, Treynor lại yêu cầu các sinh viên đoán số hạt đậu một lần nữa. Tuy nhiên, lần này họ có thêm dữ kiện là trong bình có một khoảng không bên trên và bình bằng nhựa, không phải bằng thủy tinh, nghĩa là bình có thể chứa nhiều đậu hơn mức có thể mong đợi. Kết quả dự đoán trung bình của nhóm sai 15% và kém hơn đáng kể so với dự đoán của một số người trong lớp.
Vấn đề là thông tin đã làm lệch hướng dự đoán của các sinh viên theo một cách chung. Dữ kiện đưa ra cho họ là đúng sự thật. Nhưng vì sự thật đó dường như muốn chỉ đến một hướng – đó là có thể trong bình có nhiều đậu hơn họ nghĩ – nên sự thật đó đã làm mất đi trí tuệ tập thể của họ. Và cách thông tin được tiết lộ cũng là một vấn đề. Về khía cạnh nào đó, thay vì nói rằng trong chiếc bình nhựa có một số đậu, Treynor đã quay sang giải thích tại sao ông nghĩ chất liệu nhựa lại quan trọng. Khi làm như vậy, thực ra ông đã lấy bớt thông tin của các sinh viên. Họ càng được biết nhiều thông tin thì thực chất họ lại càng ít có khả năng biết có bao nhiêu đậu trong bình.
Rõ ràng, các nền kinh tế và các xã hội đều dựa vào và phát triển mạnh nhờ có sự công khai thông tin cho công chúng. Thế nhưng, những gì mà các thí nghiệm của Treynor và Andreassen cho thấy đó là: cách công khai thông tin cho công chúng tốt nhất đó là không có sự cường điệu, hay thậm chí là bình luận của những người đang nắm giữ những vị trí quyền lực. Theo quan niệm này, cách mà Cục Dự trữ Liên bang thông báo mức tăng lãi suất đột ngột của họ – mà chỉ tóm tắt ngắn gọn về quyết định của mình – lại có vẻ khôn ngoan.
Các nhóm chỉ thông minh khi có sự cân bằng giữa thông tin mà tất cả mọi người trong nhóm đều biết và thông tin của mỗi thành viên trong nhóm có riêng. Đó là sự kết hợp của tất cả các thông tin độc lập, trong đó một số đúng, một số sai, nhưng nó đảm bảo để nhóm trở nên sáng suốt. Trong thị trường chứng khoán, như chúng ta đã thấy, những mong đợi của người khác tác động đến việc bạn xác định giá trị. Nhiều khi điều đó không có mấy ý nghĩa, vì bản thân các mong đợi cũng trái ngược nhau. Nhưng những gì xảy ra trong cơn sốt – hay những gì xảy ra khi cơn sốt bùng nổ – lại là các mong đợi cùng hội tụ về một hướng. Và các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Trong suốt thời kỳ bùng nổ, hiếm khi nghe thấy một ý kiến trái ngược cho rằng thảm họa đang tới gần, còn khi mọi việc đang trở nên xấu đi, cũng khó tìm thấy người nào đó cho rằng sự hoang mang là một sai lầm. Theo cách này, phương tiện truyền thông thường làm trầm trọng hơn – dù không trực tiếp gây nên – vòng thông tin phản hồi ngày càng lớn trong quá trình một cơn sốt. Như chúng ta đã thấy, việc này đã đủ để các nhà đầu tư khó có thể giữ được ý kiến độc lập với nhau. Khi đang trong cơn sốt, điều đó thực tế là không thể có. Nói cách khác, thị trường biến thành một đám đông hỗn tạp.
Tất nhiên, phải thừa nhận rằng các nhà đầu tư trong cơn sốt đúng là đã mất hết lý trí, rằng họ đang hành động một cách phi lý và họ sẽ phải hứng chịu hậu quả rất lớn khi thức tỉnh sau cuộc sụp đổ. Và họ đã hứng chịu. Nhưng những việc họ thực sự đang thực hiện đơn giản chỉ là làm theo những dấu hiệu từ đám đông. Đây không phải là một hiện tượng bất thường.
Chẳng hạn, ta hãy xem một đám đông ở Seattle đã khích động một phụ nữ 26 tuổi nhảy xuống cầu Seattle Memorial hồi tháng Tám năm 2001. Người phụ nữ này đã dừng xe trên đường và leo qua thành cầu. Phía sau xe cô, giao thông bắt đầu ùn tắc và những người tò mò bên kia đường cũng chạy chậm lại khiến cho giao thông như bò lê trên đường. Cảnh sát được lệnh tới hiện trường và họ cố gắng thuyết phục cô ra khỏi chỗ nguy hiểm. Khi cảnh sát làm vậy thì những người lái xe, người đi bộ và hành khách trên một chiếc xe buýt của hãng MetroBus bị ách lại bắt đầu gào thét giục người phụ nữ nhảy xuống. “Hãy nhảy đi!” họ la lên: “Nhảy đi, đồ quỷ cái! Nhảy đi chứ!”. Cảnh sát đã tìm cách trấn an người phụ nữ. Nhưng những nỗ lực của họ đều vô ích. Vì đám đông liên tục gào thét, cô đã nhảy xuống sông từ độ cao bằng một tòa nhà 16 tầng (Thật khó tin, cô vẫn sống.).
Sự việc ở Seattle là điều bất thường vì nó diễn ra vào buổi sáng, nhưng sự hiện diện của cái mà nhà xã hội học Leon Mann gọi là “đám đông khích động” hoàn toàn không có gì ngạc nhiên. Trong một nửa số vụ nhảy sông tự vẫn mà Mann nghiên cứu, các đám đông đã tập trung lại để thúc giục người nhảy. Mann nhận thấy các đám đông hay hành động theo cách này, nhất là vào ban đêm, lúc này không những họ khó bị nhận diện mà còn có thể hình dung mình thuộc một nhóm lớn hơn. Và đám đông càng lớn, càng dễ cảm thấy giấu được mình, chắc chắn như vậy. Và dường như còn là một khả năng nữa là càng nhiều người đang la hét thì càng có nhiều người muốn la hét theo.
Tất nhiên, các đám đông khích động tương đối hiếm. Thế nhưng động cơ thúc đẩy họ có vẻ rất giống với hành vi của các đám đông nổi loạn. Và quá trình hình thành một đám đông nổi loạn lại tương tự với cơn sốt trong thị trường chứng khoán. Đám đông đang trong cơn náo loạn nhất xem ra giống như một tổ thức đơn lẻ cùng hành động theo một ý chí. Và rõ ràng, hành vi của đám đông này có tính tập thể mà nhóm người ngẫu nhiên nào đó sẽ không có. Nhưng nhà xã hội học Mark Granovetter lập luận sang tính chất tập thể của một đám đông là sản phẩm của một quá trình phức tạp, không phải là việc đột ngột trở nên điên khùng. Granovetter cho thấy, trong bất kỳ đám đông nào cũng có một vài người không bao giờ nổi loạn và một vài người gần như lúc nào cũng sẵn sàng nổi loạn – đây là những “kẻ xúi giục”. Nhưng đa số mọi người là trung dung. Ý muốn nổi loạn của họ phụ thuộc vào việc những người khác trong đám đông đang làm. Đặc biệt, nó phụ thuộc vào cách nhiều người khác trong đám đông đang nổi loạn như thế nào. Khi đó, càng nhiều người nổi loạn, thì càng nhiều người quả quyết rằng họ cũng muốn nổi loạn (Hãy nghĩ đến những điều Andy Serwer viết về sự bùng nổ của thị trường chứng khoán: “Các cổ phiếu càng tăng giá, càng nhiều người tham gia vào thị trường”.).
Điều đó nghe như thể là khi một người bắt đầu gây ầm ĩ thì tất yếu sẽ dẫn đến sự náo loạn. Nhưng theo Granovetter, thực tế không phải vậy. Điều quan trọng là sự kết hợp của mọi người trong đám đông như thế nào. Nếu chỉ có vài kẻ xúi giục và nhiều người vẫn hành động theo số đông thì khả năng sẽ chẳng có gì xảy ra. Để một đám đông bùng nổ, bạn cần có những kẻ xúi giục “những kẻ cấp tiến” – những người có ngưỡng bạo lực thấp (rất dễ gây bạo lực) – và cần số lượng lớn những người dễ bị dao động.
Công trình của Granovetter còn một hàm ý nữa là nếu trong đám đông có đủ số người không bao giờ nổi loạn trong bất cứ điều kiện nào – tức là, hành động của họ không phụ thuộc vào hành vi của cả đám đông nói chung – thì cuộc nổi loạn sẽ ít có khả năng xảy ra, bởi vì càng nhiều người không nổi loạn, thì càng nhiều người ở đó sẽ là những người không muốn nổi loạn. Điều tương tự đối với cơn sốt trong thị trường chứng khoán là đương nhiên: càng nhiều nhà đầu tư từ chối mua cổ phiếu chỉ vì những người khác đang mua chúng thì sẽ càng ít khả năng bùng lên cơn sốt. Càng ít nhà đầu tư coi thị trường như thể là cuộc thi hoa hậu của Keynes thì các quyết định của thị trường sẽ càng thông minh và thiết thực hơn.
Nếu như mô hình của Granovetter cho chúng ta biết đôi chút về cách phòng ngừa hay ít nhất cũng giảm nhẹ được các cuộc nổi loạn, các cơn sốt và các cuộc đổ vỡ, thì nó cũng cho biết đôi điều về lý do tại sao, khi nào các nhóm đi sai hướng, họ đi sai hướng theo cách cực đoan. Về một ý nghĩa nào đó, khi một đám đông vượt qua ngưỡng để gây bạo lực thì hành vi của họ sẽ diễn ra theo những thành viên bạo lực nhất trong đám đông. Nếu hình ảnh trí tuệ tập thể được nhắc tới nhiều ở trong cuốn sách này là sự đánh giá trung bình của cả nhóm nói chung thì đám đông hỗn tạp không phải là khôn ngoan. Đánh giá của họ mang tính cực đoan.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.