Trí Tuệ Đám Đông:vì Sao Đa Số Thông Minh Hơn Thiểu Số
GIỚI THIỆU
I
Một ngày mùa xuân năm 1907 nhà khoa học người Anh, ông Francis Galton, rời khỏi ngôi nhà của mình ở London và thực hiện một chuyến đi dài ngày về phía Tây, đến thành phố Plymouth. Ông Galton đã ở tuổi 85, nhưng vẫn rất nhiệt tình và ham khám phá, chính điều đó đã giúp ông khẳng định tên tuổi với công trình về khoa học thống kê và di truyền học. Và vào cái ngày đặc biệt đó, ông đã đi tìm hiểu về các con vật nuôi. Điểm đến của Galton là Triển lãm Gia súc và Gia cầm được tổ chức hằng năm ở phía Tây nước Anh, một hội chợ nông thôn trong khu vực, tụ họp về đây có cả nông dân địa phương và dân thành thị để cùng đánh giá chất lượng những con vật nuôi như: ngựa, cừu, lợn, gà. Việc một nhà khoa học đến từ London mất cả buổi chiều đi xem những con ngựa kéo và lợn đoạt giải nghe có vẻ kì cục nhưng Galton lại thấy việc này đem đến cho ông một cảm giác rất thỏa mãn. Ông là người luôn bị ám ảnh bởi hai vấn đề: một là, đánh giá các đặc tính thể chất và tinh thần của các sinh vật; hai là, thẩm định xem việc gây giống thành công có tác dụng như thế nào trong việc đảm bảo di truyền các đặc tính tốt, đồng thời loại bỏ được các đặc tính xấu ở các sinh vật. Và sau cùng, cuộc triển lãm các vật nuôi có ý nghĩa gì ngoài việc là một cuộc trưng bày lớn về những hệ quả của việc gây giống tốt và chưa tốt?
Tất nhiên, mối quan tâm thực sự của Galton là con người, thứ không phải động vật, nhưng theo suy nghĩ của ông thì ở cả người và động vật, các nguyên lý đều giống nhau. Ông tin rằng rất ít người có được những phẩm chất cần thiết giúp xã hội phát triển hưng thịnh. Ông cống hiến phần lớn sự nghiệp của mình để đánh giá những phẩm chất này, để chứng minh rằng đa số những người bình thường hoàn toàn không có chúng. Tại cuộc triển lãm quốc tế năm 1884 ở Lon don, Galton đã thành lập “Phòng thí nghiệm nhân trắc học”. Tại đây, ông đã sử dụng những thiết bị tự tạo để kiểm tra những người đi hội chợ trên nhiều phương diện, trong đó kiểm tra cả “sự tinh mắt, thính tai, cảm nhận về màu sắc, sự xét đoán bằng mắt [và] thời gian phản ứng”. Các thí nghiệm khiến ông gần như không còn lòng tin vào trí thông minh của người bình thường: “Sự ngốc nghếch và tính ương ngạnh của nhiều người, cả nam lẫn nữ, lớn tới mức không thể tin nổi.” Galton tin rằng chỉ khi quyền lực và sự kiểm soát ở trong tay một số ít cá nhân đặc tuyển, thuộc dạng con nhà nòi thì xã hội mới có thể phát triển mạnh mẽ và vững chắc.
Hôm đó, khi tham quan triển lãm, Galton chứng kiến một cuộc thi ước đoán trọng lượng. Một con bò đực thiến béo tốt được chọn đem trưng bày, một đám đông đang xếp hàng để cá cược xem con bò nặng bao nhiêu (Không may, với con bò này, họ thực sự chỉ có thể ước tính trọng lượng của nó sau khi nó đã được “giết mổ và làm sạchh lông). Với sáu xu, bạn có thể mua một tấm vé có dán tem và đánh số sẵn để điền họ tên, địa chỉ và con số ước đoán của bạn. Những dự đoán chính xác nhất sẽ được nhận giải thưởng.
Tám trăm người đã thử vận may của mình. Họ là những người thuộc nhiều thành phần khác nhau. Nhiều người trong số họ là nông dân và làm nghề giết mổ thịt, những người có lẽ là chuyên gia đánh giá trọng lượng gia súc, nhưng ở đó cũng có khá nhiều người, có thể nói, không am hiểu gì về gia súc. “Nhiều người không phải chuyên gia đã thi”, sau này Galton viết, “giống như những người không có kiến thức chuyên sâu về ngựa, nhưng cũng cá cược trong các cuộc đua ngựa theo định hướng của báo chí, bạn bè và những ý thích nhất thời của bản thân”. Lập tức, Galton liên tưởng đến một nền dân chủ, trong đó mọi người có những khả năng và lợi ích khác hẳn nhau, nhưng mỗi người đều có một lá phiếu. “Người thi bình thường có khả năng đưa ra con số ước đoán chính xác trọng lượng của bò đã làm sạch lông, cũng như một cử tri bình thường có khả năng đánh giá những mặt xuất sắc của phần lớn các vấn đề chính trị khi đi bỏ phiếu”, ông viết.
Lúc đó, Galton rất quan tâm tìm hiểu xem “cử tri bình thường có khả năng gì, hay đúng hơn là ông đã rất quan tâm tìm hiểu cử tri bình thường không có khả năng gì. Bởi vậy, ông quyết định đưa cuộc thi dự đoán trọng lượng bò vào một thí nghiệm không chuẩn bị trước. Đến cuối cuộc thi, ông mượn những tấm vé của ban tổ chức và thực hiện một loạt các phép kiểm tra thống kê đối với số vé đó. Galton sắp xếp các vé theo số dự đoán từ cao xuống thấp và minh họa bằng đồ thị để xem chúng có thể tạo thành một đường cong hình chuông hay không. Sau đó, cũng như những lần khác, ông tính được giá trị dự đoán trung bình của cả nhóm (ông phải bỏ đi 13 vé không hợp lệ, do đó, tất cả còn 787 số dự đoán.). Nói cách khác, ông đã cộng tất cả các số ước tính của người tham gia thi và lấy tổng chia cho số người tham gia. Bạn có thể nói con số mà Galton có được biểu thị cho trí tuệ tập thể của cả đám đông. Nếu như đám đông có thể quy về một người đơn lẻ thì trí tuệ của đám đông được xác định bởi con số dự đoán về trọng lượng con bò mà cá nhân đó đưa ra.
Galton hắn đã nghĩ rằng con số dự đoán trung bình của nhóm sẽ khác xa với trọng lượng thực của con bò. Tóm lại, kết hợp một số rất ít người thông minh đặc biệt với một số người thông minh bình thường và nhiều người ngốc nghếch thì chắc chắn cuối cùng sẽ có một câu trả lời ngốc nghếch. Nhưng Galton đã lầm. Đám đông, có thể nói như vậy, đã dự đoán trọng lượng bò sau khi giết mổ và làm sạch lông là 1.197 pound. Thực tế, trọng lượng của con bò sau khi giết mổ và làm sạch lông là 1.198 pound. Nói cách khác, đánh giá của đám đông cơ bản đúng. Sau đó Galton viết: “Kết quả dường như ca ngợi tính đáng tin cậy của sự phán đoán dân chủ hơn cả mức có thể mong đợi.” Đó mới chỉ là nói một cách khiêm tốn.
II
Điều mà Francis Galton tình cờ phát hiện ra hôm đi triển lãm ở Plymouth là một sự thật đơn giản nhưng có tác động mạnh: trong những hoàn cảnh thích hợp, nhóm trở nên rất thông minh, thường thông minh hơn cả những người thông minh nhất trong nhóm. Các nhóm người không cần phải nhờ sự chi phối của những người có năng lực đặc biệt mới trở nên thông minh. Cho dù đa số mọi người trong nhóm không thông thái hay không có trí tuệ tới mức đặc biệt nhưng cả nhóm vẫn có thể đạt được quyết định sáng suốt mang tính tập thể. Đây là một điểm tốt vì loài người vốn sinh ra không phải là những người có khả năng quyết định một cách hoàn hảo. Với tư cách là những cá nhân, chúng ta có khả năng quyết định nhanh chóng và tức thời. Nhưng chúng ta có lẽ không giỏi như vậy trong việc đưa ra những quyết định có xét đoán cẩn thận. Nói chung, chúng ta có ít thông tin hơn ta muốn. Chúng ta có tầm nhìn hạn hẹp về tương lai. Đa số chúng ta đều thiếu khả năng – và không muốn – thực hiện những phép tính phức tạp về mối liên hệ vốn – lãi. Và còn lâu chúng ta mới trở thành những người hoàn toàn có lý trí, vì chúng ta thường bị tình cảm chi phối khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cho dù tồn tại tất cả những hạn chế này (hoặc thậm chí có lẽ vì có chúng), khi tất cả những ý kiến chưa hoàn chỉnh của chúng ta được tập hợp đúng cách thì trí tuệ tập thể của chúng ta thường rất hoàn hảo. Bạn có thể thấy trí tuệ tập thể này, hay theo cách tôi gọi là “trí tuệ đám đông”, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trên khắp thế giới. Điều đó giải thích tại sao, khi bạn đến cửa hàng đồ hộp tìm mua sữa vào lúc 2 giờ sáng, ở đó có cả thùng sữa đang đợi bạn. Đó là lý do công cụ tìm kiếm Google trên internet có thể quét một tỷ trang web và tìm ra trang chứa đúng mẩu thông tin bạn đang tìm. Trí tuệ tập thể rất quan trọng đối với khoa học đích thực và công nghệ đích thực. Nó giải thích tại sao người ta đóng thuế hoặc tài trợ cho giải bóng đá Little League. Trí tuệ tập thể là lý do tại sao khó có thể kiếm tiền khi cá cược vào các trò NFL đến vậy và tại sao, trong 15 năm qua, có vài trăm dân buôn bán nghiệp dư ở một vùng xa xôi hẻo lánh đã dự đoán kết quả của các cuộc bầu cử quốc gia chính xác hơn cả Gallup. Nó thường tạo ra sự khác biệt giữa một tập đoàn thành công và một tập đoàn hoạt động còn lúng túng, và không có nó, không nền kinh tế nào có thể phát triển thịnh vượng.
Về mặt nào đó, cuốn sách này cố gắng mô tả thế giới như nó vốn có, thoạt nhìn mọi vật lúc đầu có thể không thấy nét tương đồng, nhưng cuối cùng chúng lại giống nhau rất nhiều. Đồng thời cuốn sách cũng viết về thế giới như nó có thể có. Một trong những điểm đáng chú ý về trí tuệ tập thể đó là: tuy các tác động của nó hiển hiện khắp nơi quanh ta nhưng nó lại dễ bị bỏ qua và thậm chí ngay cả khi nhìn thấy được thì vẫn khó có thể nắm bắt được nó. Phần lớn chúng ta, dù là những cử tri hay nhà đầu tư, người tiêu dùng hay nhà quản lý, thì đều cảm thấy có nhu cầu, như nhà xã hội học Jack Soll đã nói, là “săn đuổi chuyên gia”. Chúng ta cho rằng mấu chốt giải quyết các vấn đề là việc tìm được đúng người, bởi vì tìm đúng người nhất định có câu trả lời đúng. Và chúng ta nghĩ rằng kiến thức có giá trị chỉ tập trung ở một số rất ít người (nói đúng ra là ở một số rất ít nhân tài). Cho nên, thậm thí khi chúng ta thấy một đám đông lớn, nhiều người trong đó không đặc biệt thông thái, đang thực hiện việc gì đấy lạ lùng chẳng hạn như dự đoán kết quả tương lai của các cuộc đua ngựa, thúng ta thường gán thành công đó cho số ít người thông minh trong đám đông hơn là cho chính đám đông. Đó là một sai lầm và là một sai lầm đắt giá, vì như vậy, thay cho việc tận dụng trí tuệ của đám đông, chúng ta vẫn cứ săn đuổi thiên tài. Chúng ta nên ngừng săn đuổi và thay vào đó hãy hỏi đám đông (tất nhiên, trong đó bao gồm cả thiên tài cũng như tất cả những người khác). Rất có thể đám đông biết.
III
Charles Mackay có thể đã chế giễu ý kiến cho rằng đám đông biết bất cứ điều gì. Mackay là phóng viên người Scotland. Vào năm 1841 ông đã xuất bản tác phẩm Những ảo tưởng đặc biệt Phổ biến và sự điên rồ của đám đông (Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds), một ký sự hết sức thú vị về những tính kỳ quặc của số đông và những sự điên rồ tập thể mà tiêu đề của cuốn sách này đã thể hiện niềm tôn kính lạ lùng. Đối với Mackay, đám đông không bao giờ sáng suốt, thậm chí không bao giờ biết lẽ phải trái. Những quyết định tập thể bị quy kết là cực đoan. “Con người, đã được nói rất rõ, đều suy nghĩ theo bè phái”, ông viết. “Chúng ta sẽ thấy rằng họ phát điên theo từng tốp, nhưng chỉ bình tĩnh lại một cách chậm chạp và từng người một.” Ví dụ của Mackay về sự điên khùng tập thể không phải là trường hợp bất thường. Theo suy nghĩ chung, sự tập hợp thành nhóm có xu hướng khiến con người ta trở nên lầm lì hoặc khùng lên, có khi là cả hai. Chẳng hạn, nhà tiên tri Bemard Baruch từng phát biểu một câu nổi tiếng: “Bất cứ ai với tư cách một cá nhân hầu như đều có óc xét đoán và biết lẽ phải trái – còn với tư cách thành viên của đám đông, anh ta lập tức trở thành một kẻ đần độn.” Thoreau xót xa than rằng: “Đám đông không bao giờ bằng được chuẩn của thành viên giỏi nhất trong nó mà ngược lại, còn tự thoái hóa xuống mức của người kém nhất.” Nietzsche cho rằng: “Sự điên khùng là ngoại lệ ở các cá nhân, nhưng là lệ thường trong các nhóm người”, trong khi Carlyle phát biểu đơn giản: “Tôi không tin tưởng vào trí tuệ tập thể của những cá nhân ngu muội.”
Sự coi thường đối với đám đông như thế này được thể hiện đầy đủ nhất trong tác phẩm gây tranh cãi lớn năm 1895 của Gustave Le Bon: Tâm lý học đám đông. Một đám đông, Le Bon lập luận, không chỉ là tổng số các thành viên của nó cộng lại. Thay vào đó, nó là một sinh vật độc lập. Nó có nhận dạng và ý chí riêng và nó thường hành động theo những cách không có trong ý định của bất cứ ai trong đám đông. Và khi đám đông hành động thì nó luôn hành động một cách ngu ngốc. Đám đông có thể là dũng cảm, hèn nhát hoặc độc ác, nhưng không bao giờ thông minh. Như Le Bon đã phát biểu: “Trong các đám đông thường tích lũy sự ngu dốt và không có trí tuệ bẩm sinh.” Các đám đông “có thể không bao giờ thực hiện được những hành động yêu cầu phải có trình độ trí tuệ cao” và “luôn luôn kém thông minh hơn những cá nhân riêng lẻ”. Và điều đáng chú ý, đối với Le Bon, đó là “đám đông” không chỉ bao gồm những điển hình nổi bật có tính man rợ tập thể, như bọn phân biệt chủng tộc hay bọn nổi loạn. Nó còn bao gồm bất kỳ loại nhóm người nào có thể đưa ra quyết định.
Chính vì vậy, Le Bon đã phủ nhận các ban hội thẩm ở tòa án, nơi “đưa ra những lời phán quyết mà mỗi cá nhân thành viên trong ban hội thẩm có thể không chấp thuận”. Nghị viện, ông lập luận, thông qua những điều luật mà mỗi thành viên trong nghị viện thường bác bỏ. Trong thực tế, nếu bạn tập hợp một nhóm những người thông minh, những người là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau và yêu cầu họ “đưa ra quyết định đối với các vấn đề quan tâm chung thì những quyết định họ đưa ra, xét về tổng thể, có thể không xuất sắc hơn so với “quyết định của nhóm những người khờ dại”.
Le Bon đã làm mọi việc gần như ngược hẳn lại. Như ông đã làm, tôi sẽ cho các từ “nhóm người” và “đám đông” mang nghĩa rộng, sử dụng những từ này để chỉ rất nhiều loại tập hợp người, từ khán giả trong các cuộc chơi, đến các công ty nhiều tỉ đô la và những người cá độ thể thao. Tất cả những nhóm người này đều có một điểm chung là khả năng hành động tập thể để đưa ra quyết định hay giải quyết vấn đề (Trong thực tế, nhóm người có thể tồn tại ngay cả khi những người trong nhóm không chủ tâm để ý đến việc trở thành thành viên, ví dụ: một nhà đầu tư trong thị trường chứng khoán). Nhưng mặc dù động cơ trong các nhóm này không giống nhau và các loại nhóm khác nhau phải giải quyết các dạng vấn đề khác nhau nhưng có một điểm tỏ ra đúng đối với một số nhóm – chẳng hạn như họ rất thông minh và giỏi giải quyết vấn đề – điều này có khả năng đúng với đa số, nếu không nói là tất cả, các nhóm. Mặt khác, các quyết định của đám đông còn lâu mới đạt được sự hoàn hảo. Các nhóm làm việc rất tốt trong những hoàn cảnh nhất định và không được tốt trong những hoàn cảnh khác. Các nhóm người nói chung cần phải có những luật lệ và thể chế để để duy trì trật tự và sự gắn kết và khi chúng bị bỏ qua hoặc hoạt động sai chức năng thì kết quả rất tệ hại. Các nhóm được lợi từ những thành viên hay trao đổi và học hỏi lẫn nhau, nhưng thật nghịch lý là trao đổi thông tin quá nhiều thực sự có thể làm cả nhóm nói chung kém thông minh hơn. Nếu như các nhóm lớn thường giỏi giải quyết một số loại vấn đề nhất định thì các nhóm lớn cũng có thể không quản lý được và kém hiệu quả. Ngược lại, các nhóm nhỏ có ưu điểm là dễ điều hành nhưng chúng có nguy cơ có quá ít suy nghĩ đa dạng và quá nhiều sự đồng thuận. Tóm lại, Le Bon đã đúng khi nói về tính cực đoan trong cách hành động tập thể: có những khi – chẳng hạn như một cuộc nổi loạn, hay cơn sốt giả của thị trường chứng khoán – một loạt quyết định có lý trí của cá nhân tạo ra một quyết định hoàn toàn phi lý của cả nhóm.
IV
Khi các nhóm không nổi loạn hay mù quáng vì chính suy nghĩ của cả nhóm thì họ có thể đưa ra những giải pháp hay cho rất nhiều vấn đề, như tôi đã nói ở trên. Trong cuốn sách này, tôi xét đến ba dạng vấn đề. Dạng thứ nhất được minh họa qua thí nghiệm của Francis Galton, bao gồm những vấn đề đã có các giải pháp tồn tại trên thế giới và có thể được tìm thấy. Đây là tiêu chí bao trùm lên rất nhiều điều cần bàn đến, từ những câu hỏi như “Ai sẽ chiến thắng trong cuộc thi Super Bowl năm nay?”, “Vị trí tốt nhất để xây dựng nhà máy này nằm ở đâu?” cho đến “Khả năng để loại thuốc này được FDA chấp thuận là bao nhiêu?” Thậm thí, nếu bạn có một câu hỏi nhưng lại không có lấy một câu trả lời đúng – như “Vị trí tốt nhất để xây dựng nhà máy nằm ở đâu?” – nhưng miễn là bạn nói rằng có một số câu trả lời hay hơn những câu trả lời khác thì nó vẫn được xem là thuộc về dạng vấn đề này.
Dạng thứ hai là vấn đề phối hợp (coordination), đòi hỏi các thành viên trong nhóm (thị trường, xã hội, v.v…) phải tìm cách phối hợp các hành động của họ với nhau, biết rằng mọi người cũng đang cố gắng thực hiện như mình. Làm thế nào người mua và người bán tìm thấy nhau và giao dịch mua bán với giá hợp lý? Làm thế nào các công ty tổ chức được các hoạt động của họ? Làm thế nào bạn có thể lái xe an toàn trong luồng giao thông đông đúc? Tất cả những điều này đều là những vấn đề phối hợp.
Dạng vấn đề cuối cùng là hợp tác (cooperation). Như tên gọi của vấn đề đã thể hiện rõ, thách thức của những vấn đề này là tìm hiểu xem làm thế nào để những con người có tính tư lợi và đa nghi có thể cùng hợp tác và đóng góp vào phúc lợi chung. Việc đóng thuế, xử lý nạn ô nhiễm và thống nhất xác định những gì được coi là mức đóng hợp lý là tất cả những ví dụ về các vấn đề hợp tác.
Những vấn đề này không giống nhau, theo bất cứ ý nghĩa nào. Nhưng chúng có sự tương đồng với nhau, và do đó, chiến lược các nhóm sử dụng để giải quyết chúng cũng vậy. Hơn nữa, cơ sở để giải quyết tất cả những vấn đề này là hai nguyên tắc cơ bản: càng nhiều càng tốt và không ai biết nhiều hơn tất cả mọi người. Về bố cục của cuốn sách, phần thứ nhất, bạn có thể nói, là lý thuyết, tuy được minh họa sinh động bằng nhiều ví dụ thực tế. Có các chương cho từng dạng vấn đề nêu trên (sự việc có thực trên thế giới, phối hợp và hợp tác) và có các chương nói đến những điều kiện cần thiết để đám đông trở nên sáng suốt: tính đa dạng, tính độc lập và phi tập trung hóa có sự tập hợp lại. Tôi bắt đầu với trí tuệ của các đám đông, tiếp theo khám phá ba điều kiện để nó phát huy tác dụng và sau đó bàn đến sự phối hợp và hợp tác.
Phần thứ hai của cuốn sách chủ yếu bao gồm các nghiên cứu tình huống. Mỗi chương đưa ra một cách khác nhau để tổ chức mọi người hướng tới mục tiêu chung (hoặc ít nhất cũng gần như chung) và mỗi chương đều nói về cách trí tuệ tập thể phát huy tích cực hay gây lúng túng. Ở chương về sự hợp tác, chẳng hạn, tình trạng căng thẳng tồn tại giữa một hệ thống trong đó chỉ có ít người nắm quyền lực và một hệ thống trong đó nhiều người cùng có tiếng nói. Chương về các thị trường, bắt đầu với vấn đề là nếu các thị trường có thể thông minh theo tập thể hay không và kết thúc bằng việc xem xét các động lực gây nên cơn sốt giả của thị trường chứng khoán.
Những gì mà bạn sẽ nhận thấy ngay lập tức trong cuốn sách này đó là, sau chương đầu, những câu chuyện các nhóm ra quyết định sai nhiều gần bằng những câu chuyện các nhóm quyết định đúng. Điều đó có một số lý do. Trước hết vì đây chính là cách thế giới tồn tại. Tôi cho rằng trí tuệ tập thể có tác động quan trọng và có lợi hơn rất nhiều đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta so với chúng ta nhận thấy. Nhưng thực tế là nhiều nhóm đấu tranh để đưa ra những quyết định thậm chí tầm thường, còn những nhóm khác gây tác hại do sự xét đoán kém cỏi của họ. Các nhóm thường chịu ảnh hưởng của một hoặc hai người có quyền lực. Họ làm theo những người dẫn dắt dư luận, hoặc người xung quanh. Hoặc họ đi tới chỗ tin rằng nhóm của họ đã chốt ở sự thật. Những câu chuyện về các hình thức sai lầm này là bằng chứng tiêu cực trong lý lẽ của cuốn sách, nhấn mạnh tầm quan trọng của những yếu tố như tính đa dạng và tính độc lập bằng cách làm sáng tỏ những gì xảy ra khi chúng bị bỏ qua.
Tóm lại, ý nghĩa của cuốn sách này muốn nói không phải là tất cả các nhóm đều thông minh. Chắc thắn các nhóm có thể đưa ra những quyết định kinh hoàng. Thay vào đó, ý nghĩa của cuốn sách này là quan điểm cho rằng các nhóm cũng có thể đưa ra những quyết định đặc biệt xuất sắc và cố gắng lý giải lý do tại sao. Và ở đây có một nghịch lý đáng lưu ý. Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa các đám đông thông thái và các đám đông ngốc nghếch đó là: trong đám đông thông thái, mọi người chú ý trước hết đến những ý tưởng và thông tin của chính mình. Mọi người trong các nhóm thông minh học tập lẫn nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cho nên thật kỳ lạ, mặc dù đây là một cuốn sách viết về kỳ tích của việc quyết định tập thể, nhưng nó cũng là cuốn sách viết về những ưu điểm của sự tự do ý chí.
V
Tôi đã bắt đầu phần giới thiệu này bằng ví dụ về một nhóm đang giải quyết vấn đề đơn giản: dự đoán trọng lượng của một con bò. Tôi sẽ kết thúc bằng ví dụ về một nhóm cũng giải quyết vấn đề hết sức phức tạp: xác định vị trí chiếc tàu ngầm bị mất tích. Những điểm khác biệt giữa hai ví dụ rất lớn và rõ ràng. Nhưng nguyên tắc trong cả hai trường hợp thì giống nhau.
Tháng Năm năm 1968, tàu ngầm Scorpion của Mỹ mất tích trên đường trở về cảng Newport News sau khi thực hiện nhiệm vụ ở Bắc Đại Tây Dương. Mặc dù Lực lượng Hải quân biết được vị trí báo cáo lần cuối của con tàu, nhưng vẫn không biết điều gì đã xảy ra với nó, và do đó chỉ biết mang máng về khoảng cách tàu đã đi trước khi chìm xuống đáy đại dương. Vì thế, Lực lượng Hải quân bắt đầu cuộc tìm kiếm tàu Scorpion trong khu vực bán kính 20 dặm và sâu tới hàng nghìn foot. Bạn khó có thể hình dung ra một nhiệm vụ nào vô vọng hơn. Tuy nhiên, một sỹ quan hải quân tên là Jonh Craven tin chắc ông đã biết cách tìm ra con tàu. Chiến lược rõ ràng là tìm ra ba hoặc bốn người am hiểu nhất về tàu ngầm và các dòng chảy của đại dương, hỏi họ xem họ nghĩ tàu Scorpion có thể ở đâu và tìm kiếm ở đó. Thế nhưng Craven, như ông giải thích trong cuốn Tiếng nói thầm lặng (Silent Voice), đã thực hiện một kế hoạch khác.
Craven tập hợp một nhóm lớn gồm những người hiểu biết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các nhà toán học, chuyên gia về tàu ngầm và nhân viên cứu hộ. Thay vì yêu cầu họ tư vấn lẫn nhau và đưa ra câu trả lời tốt nhất, ông áp dụng một phương thức khác. Ông yêu cầu riêng từng người trong số họ trả lời một loạt câu hỏi về sự biến mất của tàu Scorpion – những câu như vì sao con tàu lâm nạn, tốc độ tàu chạy trước khi bị chìm xuống đáy đại dương là bao nhiêu, tàu chìm ở độ dốc nào và những câu hỏi đại loại như vậy.
Sau đó, Craven yêu cầu từng người trong nhóm cá cược về khả năng trả lời đúng của họ. Nói cách khác, nếu một người trong nhóm tin rằng con tàu đang di chuyền với tốc độ 50 hải lý/giờ khi chìm xuống đáy biển, Craven có thể hỏi anh ta là khả năng lời dự đoán đó đúng bao nhiêu phần trăm và người đó có thể trả lời “khả năng đúng 60%” hoặc bất kể điều gì. Họ đặt cược bằng những chai rượu Chivas Regal. Cố nhiên, không ai trong số này có thể tự cho bạn biết con tàu chìm ở đâu. Nhưng Craven tin rằng nếu gộp tất cả các câu trả lời lại với nhau, phác họa bức tranh phức hợp mô tả tàu Scorpion biến mất như thế nào thì cuối cùng, bạn sẽ có một ý tưởng rất hay về những gì đã xảy ra.
Và đó chính là những gì Craven đã làm. Ông tập hợp tất cả các câu trả lời lại và biểu diễn bằng một công thức toán học gọi là Định lý Bayes. Tất cả những gì quan trọng cần biết về Định lý Bayes, vì mục đích của chúng ta đó là: Định lý là một cách tính toán xem thông tin mới về một sự kiện làm thay đổi như thế nào đối với những mong đợi của bạn về khả năng sự kiện đó xảy ra. Áp dụng Định lý Bayes cho phép Craven khai thác kiến thức của tất cả các thành viên trong nhóm, dù họ không biết rằng mình có. Đây là một cách làm phức tạp và công phu hơn so với việc Francis Galton đã thực hiện nhiều năm trước.
Vì vậy, Craven đã đưa ra các câu hỏi và biểu diễn thành con số, rồi lại hỏi thêm một số câu và biểu diễn tiếp, cuối cùng đi đến kết luận về nơi tàu ngầm có khả năng bị chìm cao nhất. Đấy không phải là vị trí được chọn bởi bất kỳ cá nhân thành viên nào trong nhóm. Nói cách khác, không thành viên nào trong nhóm hình dung được bức tranh giống với bức tranh phức hợp mà Craven dựng lên bằng những thông tin thu thập được từ nhóm. Vị trí cuối cùng là sự lựa chọn của cả nhóm về cơ bản, đó là nơi mà sự thông thái của nhiều người cho rằng có thể tìm thấy con tàu. Và 5 tháng sau khi tàu Scorpion mất tích, một chiếc tàu Hải quân đã tìm thấy nó. Con tàu bị chìm cách vị trí nhóm làm việc của Craven xác định đúng 220 thước Anh. Điều rất đáng ngạc nhiên trong câu chuyện này đó là chứng cứ để cả nhóm dựa vào trong trường hợp này chung quy lại hầu như chẳng có gì. Thực sự chỉ có những dữ liệu quá ít ỏi. Rõ ràng, không ai biết tại sao chiếc tàu ngầm bị chìm, không ai biết tàu đang chạy với tốc độ bao nhiêu và chìm xuống đáy đại dương với độ dốc như thế nào. Và mặc dù không ai trong nhóm biết bất kỳ dữ liệu nào trong số này, nhưng cả nhóm nói chung lại biết được tất cả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.