Từng Qua Tuổi 20
THÁNG MƯỜI
Thứ Bảy, ngày mồng Một, tháng Mười
Chưa bao giờ nhìn thấy email nào như cái email của mẹ. Có vẻ không đúng lúc để đùa cợt nhưng có lẽ mẹ tưởng viết email cũng như viết điện tín tính tiền theo chữ.
“Jack. Chấm. Bố qua đời sáng thứ năm. Chấm. Rất buồn. Chấm. Về nhà đi con. Chấm. Yêu con nhiều. Mẹ. Chấm.”
Và thế đấy. Chấm hết tất cả. Các đồng hồ đều chết đứng. Thế giới của tôi ngừng quay. Hoàn toàn chấm hết.
Nhưng giờ đây, ngồi trên ghế hạng nhất của BA[73] trên đường về, tôi không biết phải nghĩ gì nữa. Không thể khóc thêm được nữa. Nhưng cũng không thể đặt dấu chấm hết vào những suy nghĩ lệch lạc trong cái đầu u tối của mình:
1: Được nâng cấp lên ghế hạng sang vì lý do tang thương cũng sướng.
2: Liệu vừa lợi dụng được nâng cấp lên hạng nhất vừa gọi thêm một ly sâm banh nữa có phải phép không?
3: Nữ tiếp viên ở hạng nhất trông tử tế hơn hẳn hạng thường.
Tôi cảm thấy tê liệt và trống rỗng. Tôi không thuộc vào múi thời gian nào. Tôi không tin vào email của mẹ nữa. Chắc chắn là nhầm lẫn. Lần cuối tôi gặp bố, ông có vẻ khỏe khoắn, hồng hào. Hay bố bị tai nạn ô tô? Hay bị ám sát?
Hàng tỉ câu hỏi không có lời đáp. Chúng đều cũ rích, khủng khiếp và xa vời sự thật. Nhưng rồi thực tế cũng thấm dần và tôi chợt hiểu. Bố tôi, người đáng giá nhất trên đời này đã ra đi hai ngày trước. Tôi sẽ không bao giờ gặp lại bố nữa. Tôi về chỉ để thấy cái cơ thể lạnh lẽo và vô hồn. Ông sẽ không đón tôi ở sân bay và bóp nhẹ vào vai tôi như ngày nào. Trong khi tôi ích kỉ lang thang ở Nam Mĩ thì bố đã ra đi mãi mãi. Trong khi tôi bận bịu soạn những email lố bịch thì bố từ giã cõi đời này. Tôi sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa. Ông chết đi trong nỗi xấu hổ, nhục nhã về đứa con trai đầu.
Có cái gì đó trong tôi vừa vỡ vụn và tôi bắt đầu khóc như mưa như gió. Tôi đấm thùm thụp vào lưng ghế trước mặt, nổi đóa với ánh sáng lờ mờ trong máy bay. Mọi người trân trối nhìn nhưng tôi chẳng bận tâm. Bố họ có chết đâu? Bây giờ đối với tôi thế giới chỉ là một màu đen kịt, tối tăm và cô đơn. Một nam tiếp viên ân cần hỏi thăm liệu tôi có ổn không và tôi quát thẳng vào mặt anh ta. Tôi thấy giận vì anh ta được sống. Tôi chạy ra nhà vệ sinh, khuỵu ngã xuống sàn, hai tay ôm lấy bồn cầu, thấy an ủi vì ít ra được tiếp xúc với một vật thể hữu hình.
Phải mất hai ly sâm banh miễn phí sau đó tôi mới tỉnh táo và cảm nhận sự mất mát bi thương này. Tôi căm thù bản thân. Tôi là một kẻ vô dụng, là đứa con bất hiếu. Phải có chất cồn mới làm tôi chạm đến bản chất con người. Tôi không xứng đáng được gọi là con trai của bố.
Tất cả sao mà lạnh lẽo, đen kịt, tăm tối và cô đơn thế này!
Giá mà máy bay rơi!
Chủ nhật, ngày mồng Hai tháng Mười
Máy bay không rơi. Ngay ngoài cửa hải quan ở Heathrow là cả một phái đoàn đón tôi: Fred, Rich, Lucy, Katie, Jasper, Claire và Leila.
Tôi gắng tỏ ra cứng cỏi nhưng nghĩa cử của các bạn làm tôi quá cảm động. Họ đã đi tàu điện ngầm tới đây và đặt sẵn ô tô để đưa tôi về Berkshire. Tất cả đều lặn lội 3 tiếng đồng hồ chỉ để gặp tôi vẻn vẹn trong vòng 10 phút rồi hộ tống tôi khỏi sân bay. Tôi khóc nức nở trong cánh tay bè bạn. Họ là những người bạn chí cốt của tôi. Đây không phải là trong phim Love, Actually.[74]Đây là chuyện có thực. Cầu Chúa phù hộ cho họ lên thiên đường rồi quay lại hạ giới.
Sau đó, tôi ngồi một mình trên ô tô, hướng về phía M4. Tôi nhìn ra cửa sổ. Mỗi ngày ở Anh có khoảng 1500 người chết. Cái chết của một vài người trong số họ có ảnh hưởng đến hàng nghìn người khác. Một vài người ra đi chẳng được ai đoái hoài. Có những người sẽ được tưởng nhớ hàng thập kỉ nhưng cũng có người chỉ được nhớ đến trong vài giờ. Mặc dù vậy, mỗi ngày ở đất nước này cũng có hơn 10. 000 người chịu cảnh tang tóc.
Bỗng dưng tôi cảm thấy có một mối liên hệ đặc biệt với sự mất mát, bi lụy này. Tôi chỉ muốn được vươn tay chạm lấy những con người đồng cảnh ngộ, được lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má họ và nói: “Tôi hiểu”. Nó sẽ làm cho nỗi đau được phân tán phần nào. Chúng ta chỉ là những con số trong vòng quay ngẫu nhiên của hy vọng và thất vọng.
Nhưng tôi không muốn được chia sẻ. Tôi ghen tị với những kẻ khác, “một cái chết là tang thương, một tỉ thương vong chỉ là số liệu”. Tôi không muốn bố là một trong những con số vô hồn. Và tôi cảm nhận rằng cái chết của bố đau đớn, xót xa hơn tất cả cộng lại.
Sự xót xa ấy thực sự xoáy sâu vào tâm can tôi khi xe đậu trước nhà. Đã có thể cảm nhận thấy sự trống vắng hiện hữu. Bố mẹ đã sống ở đây cả cuộc đời. Đây là xe ô tô của bố mà chúng tôi đã cùng nhau cọ rửa. Đây là chiếc xe goòng bố hay đẩy khi làm vườn. Đây là những khung cửa sổ tróc sơn mà bố chưa bao giờ có thời gian để quét lại. Đây là chú chó ngơ ngác, không hiểu tại sao chẳng có ai dẫn mình đi dạo. Hình bóng có ở khắp nơi nhưng bố chẳng còn tồn tại nữa!
Em trai Ben ra đón và ôm lấy tôi. Hai anh em đứng lặng ở lối vào, sụt sùi, chẳng nói nên lời. Không từ ngữ nào có thể diễn đạt được cảm xúc của chúng tôi lúc này.
Sau đó, mẹ bước ra. Khuôn mặt mẹ bừng sáng khi nhìn thấy hai cậu con trai đã trưởng thành. Chúng tôi tay mở tay đón mẹ. Cả ba người còn lại trong gia đình Lancaster đứng đó, run rẩy trong ánh nắng tháng Mười. Chú chó khụt khịt và len vào giữa. Cả ba chúng tôi ngồi xụp xuống, vuốt ve khuôn mặt chú, ôm chú vào lòng và nặng nịu vỗ về. Đôi khi, nói chuyện với một con vật còn dễ hơn nhiều so với nói về một người yêu dấu mà ta không bao giờ còn được gặp nữa.
Thứ Hai, ngày Ba tháng Mười
Bố ốm bệnh từ lâu lắm rồi. Tôi bàng hoàng vì không ai nói cho mình biết, nhưng còn giận dữ với bản thân hơn vì đã không tự nhận ra sự thật. Kia là tôi, bận bịu trong thế giới nhỏ bé với những lo toan về ung thư tinh hoàn vớ vẩn, sự nghiệp vặt vãnh hay những trục trặc bạn gái vô duyên thì đây là bố, im lặng đấu tranh với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối từ hồi tháng Hai. Tôi không thể tức giận với mẹ vì đã không nói cho tôi biết về bệnh của bố. Mẹ đã thay đổi thành một con người khác, nhân hậu, từ tốn hơn. Có thể cảm nhận rõ rệt trái tim mẹ đã bị vỡ ra thành nghìn mảnh nhưng điểm tốt là mẹ như được thừa hưởng vài ưu điểm của bố. Tôi cảm thấy hối hận vì những điều tồi tệ mình đã viết về mẹ trong nhật ký.
Nhìn vào mẹ, tôi có thể nhìn thấy hình ảnh của người phụ nữ từng yêu bố 30 năm về trước. Người phụ nữ đã yêu say đắm chàng thanh niên cũng trạc tuổi tôi bây giờ. Tôi hẳn vẫn yêu bố cho dù bố là con người tồi tệ đến mức nào đi nữa, chỉ vì một lí do đơn giản: Ông là bố tôi. Nhưng mẹ đã lựa chọn bố để yêu. Mẹ say mê bố. Mẹ cưới bố. Mẹ sinh ra những đứa con của bố. Mẹ biết bố 5 năm trước khi tôi bập bẹ nói tên ông. Bất cứ cảm giác đau đớn nào mà tôi đang chịu đựng, mẹ còn cảm thấy buốt giá gấp triệu lần. Tôi sẽ không bao giờ còn tìm thấy một người cha nào nữa, nhưng hy vọng rằng tôi sẽ tìm thấy tình yêu, tìm thấy được người vợ hiền và những đứa con ngoan của mình. Với mẹ, tương lai đâu còn tồn tại. Tất cả mẹ có bây giờ là hai thằng con trai.
Bố đã mất. Tình yêu của mẹ đã ra đi. Cái chết đã chia lìa họ.
Thứ Sáu, ngày mồng Bảy tháng Mười
Đám tang.
Chúng tôi chỉ định làm một đám tang nhỏ trong gia đình nhưng rồi hộp thư và điện thoại đầy ắp những lời nhắn hỏi từ những người quen biết, yêu quý bố. Nhà thờ trong làng chật cứng những người đến nói lời chia ly.
“Từ hư không ta sinh ra và từ hư không ta lại quay về. Chúa ban ơn và Chúa lại gọi ta đi.” Giọng vị linh mục trầm bổng bắt đầu buổi lễ.
Tôi thì nghĩ: “Không, Chúa trời sao mà tệ hại. Đức tối cao vô hình đã ghen tị một cách ngẫu nhiên. Tôi nguyền rủa Chúa trời.”
Tôi đứng lặng chờ mình sẽ bị sét đánh chết vì tội phỉ báng Chúa trời.
Buổi lễ vẫn tiếp tục. Cậu James, em trai của bố, đọc chương Ecclesiasters từ Kinh Thánh: “Cát bụi lại trở về cùng cát bụi”.
Tôi nghĩ: “Không, bố tôi không phải là cát bụi, bố sẽ không bao giờ là cát bụi. Bố là người cha yêu quý nhất trên đời của tôi.”
Sau đó, em trai Ben đứng dậy, chững chạc đọc bài thơ mà bố và em cùng chọn.
Làm sao có thể không khóc được trước những vần thơ tuyệt đẹp và đầy nghị lực ấy? Tôi biết chúng nghe có vẻ sáo rỗng và được nhắc đi nhắc lại không dưới 1500 lần mỗi ngày ở cái xứ sở này. Nhưng sao từng từ, từng chữ lại có sức mạnh tâm linh đến thế? Chúng đạt được mục tiêu hoàn toàn trái ngược với mục đích ban đầu là để động viên, làm dịu nỗi buồn cho người nghe. Tôi khóc ròng một cách tự nhiên không cần che giấu.
Chúng tôi cùng hát một đoạn trong bài “Guide me, oh Thou, Great Redeemer” – bài hát ở đám cưới của bố mẹ. Tôi cố gắng lấy lại vẻ cứng cỏi để có thể làm chỗ dựa xứng đáng cho cả gia đình. Liếc nhìn mẹ để lấy thêm nghị lực. Mẹ đứng thẳng người, không hát theo mà để lời hát bao phủ lấy mình, đắm chìm trong ký ức. Nước mắt tuôn trào một bên mắt mẹ nhưng bên kia lại thấp thoáng nụ cười đôn hậu. Tôi khẽ xiết tay mẹ. Mẹ quay sang tôi dịu dàng nói: “I love you”. Lâu lắm rồi, kể từ khi tuổi tôi bắt đầu có hai chữ số, mẹ mới lại nói với tôi câu đó. Hàng tháng rồi cũng chẳng có ai dùng câu đó với tôi. Tôi lại thấy mình yếu đuối không cưỡng nổi.
Nhưng tôi phải giữ bình tĩnh vì bây giờ đến lượt tôi lên nói lời giã biệt. Khi bước giữa hai hàng ghế và mở tờ giấy cầm theo, bỗng dưng tôi nhận thấy mình đang chìm trong biển người, với những khuôn mặt quen thuộc và lạ lẫm, tất cả đều đượm vẻ cảm thông. Tôi cũng chợt nhận ra mình trông bi thảm đến mức nào. Đợi cho những nốt nhạc cuối cùng từ cây đàn organ lặng dứt, tôi bắt đầu:
“Con yếu đuối và Đức Chúa trời đầy uy lực. Xin hãy nắm tay và dìu dắt con đi trên cõi đời này.
Bố tôi là một con người phi thường về mọi khía cạnh. Những năm gần đây, mẹ thường hay trêu ông về chiều ngang không ngừng phát triển. ‘Em phải đi kéo tay cho dài hơn để còn ôm anh’, đó là câu trả lời đầy tình cảm quen thuộc của ông.
Bố tôi còn là con người đầy tự trọng, kiên nhẫn và bao dung. Ông không chỉ là người cha tốt nhất mà tôi có thể có, ông là người cha tuyệt vời nhất mà bất cứ ai có thể mơ tới.
Tôi biết bố đã có tác động tích cực tới hàng ngàn học sinh và hàng trăm giáo viên, những người luôn coi bố như một vị cha già bao dung. Cuối tháng này, trường Morley Park sẽ làm lễ tưởng niệm cho bố. Ông là người chèo đò đầy tình thương suốt 20 năm trời ở nơi này.
Xin mọi người thứ lỗi, tôi muốn nhắc đến một chút về quan hệ thân thiết giữa hai bố con chúng tôi qua một phần tư thế kỉ vừa qua. So với bố, tôi luôn cảm thấy mình thật yếu đuối. Bố là hình mẫu cao vời vợi mà tôi không bao giờ theo kịp. Trong phim Vua Sư tử, có một cảnh rất cảm động khi Simba cùng cha vượt qua thảo nguyên hoang dã, cậu ướm thử bàn chân nhỏ xíu của mình vào vết chân cha. Tôi đã tiếp cận cuộc đời này với sự run rẩy của Simba. Nhưng bố luôn là một Mufasa đầy tình thương đối với tôi. Bố là ngọn núi Thái Sơn của lòng thân thiện và hạnh phúc. Bố dạy tôi từ trượt tuyết đến chơi cricket, bố chịu đựng những ngớ ngẩn trong giai đoạn dậy thì ngắn ngủi của tôi rồi lắng nghe những trăn trở gần đây của tôi. Bố luôn nắm tay tôi, ở bên cạnh tôi khi tôi cần giúp đỡ. Tôi không xứng đáng điều đó. Tôi mang nợ bố vô vàn, tôi nợ bố cả thế gian này.
Và tôi còn nợ bố điều này: Bố ơi, con sẽ làm mọi điều có thể để xứng đáng với bố. Con sẽ luôn kính trọng những di sản của bố. Những kỷ niệm của bố sẽ là những kỷ niệm của con. Bố đã và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc của con. Con sẽ cố gắng làm điểm tựa cho cả gia đình mình. Con yêu bố. Con sẽ luôn luôn yêu bố, bố ạ.
Cho dù mặt trời đã lặn phía sau chân trời, ánh sáng huyền ảo vẫn phản chiếu và bao trùm lên mọi cảnh vật.
Ánh sáng phản chiếu từ những ký ức về Charles Lancaster sẽ thắp sáng cuộc đời ta mãi mãi.
Amen.”
Nước mắt đầm đìa, tôi tìm về chỗ ngồi. Tất cả mọi người đứng dậy hát đoạn cuối bài thánh ca và nghe lời thơ từ biệt của John Donne.
Ben và tôi đứng ở phía trước quan tài. Cậu James và cậu Tom đứng ở phía sau. Và từ tốn, chậm rãi, nước mắt tự nhiên tuôn trào, chúng tôi nâng bố dậy, đi dọc giữa các hàng ghế trong bản nhạc của Bach giọng Mi thứ. Ben và tôi nắm tay, đỡ bố trên vai. Bố như một đứa trẻ được nâng cao khỏi đám đông, địu về phía xe tang và ngôi mộ mới đào.
Thế là hết. Chẳng còn gì nữa ngoài lễ hỏa táng, những lời thăm hỏi, những bức thư không có trả lời, những đêm dài cô đơn với những bài diễn văn rỗng tuếch về Chúa, Con người và sự vô nghĩa, lố bịch của những hội hướng đạo ca ngợi sự tồn tại của loài người.
Chẳng còn gì nữa ngoài những tiếng la hét.
Thứ Sáu, ngày 21 tháng Mười
Tôi vẫn luẩn quẩn ở nhà, giúp dọn dẹp đồ đạc của bố. Thực là một công việc đầy nỗ lực. Có những việc cỏn con mà anh không bao giờ nghĩ đến như có nên gửi quần áo cũ cho các hàng từ thiện hay nên giữ tấm ảnh nào…
Với riêng mình, tôi chẳng biết phải nghĩ gì nữa. Thực đấy, tôi không biết mình phải để tang trong bao lâu? Có phải thấy xấu hổ nếu như tôi bắt đầu hưởng thụ cuộc sống không? Tôi nên ở lại để chăm sóc mẹ trong bao lâu? Liệu bố muốn gì trước khi qua đời?
May mà có một số thứ giúp tôi giữ được tỉnh táo.
Thứ nhất là một bức thư khá tình cảm từ Leila. Kết thúc bức thư là một đoạn thơ gọi là “Lời kết”. Em bảo là em tìm thấy ở đâu đó (nhưng tôi nghĩ là do em tự sáng tác). Tuy không phải là thơ Shakespeare nhưng tôi rất thích.
Thứ hai là một bức thư mà bố viết hai ngày trước khi mất:
“Jack yêu quý,
Bố viết thư này, đoán chắc rằng bố con mình sẽ không còn gặp lại nhau nữa. Sức khỏe bố giảm sút đột ngột và bố mẹ không biết làm thế nào để liên lạc với con ở Nam Mĩ. Bố sẽ gửi lại mẹ thư này khi viết xong. Bố cũng dặn mẹ chỉ đưa cho con vào một thời điểm thích hợp sau đám tang.
Bố không muốn con buồn. Cuộc sống quá ngắn ngủi và quý giá. Bố muốn con hòa nhập với cuộc sống, cười hộ bố, yêu hộ bố, uống hộ bố.
Bố vốn không tin lắm vào cuộc sống sau cái chết nhưng bố có thể nhìn thấy mình trong con và Ben. Điều đó cũng đủ an ủi cho một ông già vốn yêu cuộc sống như bố.
Hãy chăm sóc gia đình con nhé! Bố rất tự hào về con.
Yêu con nhiều,
Daddy
Tái thư: Đừng viết thêm một lá thư nào cho Đảng bảo thủ nữa!”
Thật lạ, chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện về cái chết hay về tôn giáo. Mặc dù bố con tôi rất gần gũi với nhau, chúng tôi vẫn tránh không nói chuyện về tôn giáo. Tôi luôn hồ nghi rằng bố không thực sự tin vào những giáo lý Thiên chúa.
Và càng nghĩ nhiều về điều này – dạo này tôi dành nhiều thời gian để suy ngẫm về tôn giáo – tôi càng hiểu thêm sự hoài nghi của bố. Tôi thực sự muốn tin vào Kinh thánh. Tôi muốn được trở thành một con chiên ngoan đạo. Thú thật là tôi sợ cái chết. Nó làm cho tôi mất ngủ không biết bao nhiêu đêm ròng. Và ý tưởng về sự không tồn tại ám ảnh tôi khủng khiếp hơn mọi dọa nạt về vạc dầu hay lửa cháy nơi địa ngục. Ít ra thì khi bị tra tấn ta còn cảm thấy đau đớn hay kinh hãi.
Nhưng đối với tôi, Kinh thánh không phải là lời giải đáp. Chẳng phải là nhà thần học gì nhưng tôi thấy rằng Kinh Cựu Ước giới thiệu cho chúng ta vị Chúa trời chuyên hy sinh một nhóm người này để cứu rỗi một nhóm người kia. Đức Chúa ấy cũng hậu thuẫn những người Israel khát máu để mặc họ hoành hành và cướp bóc khắp Trung Đông. Khi vừa sinh ra, Chúa đã quyết định có cứu giúp ta hay không. Lại những chuyện xưa như trái đất. Chúng ta được bảo ban rằng phải lấy máu trả máu. Những con cừu vô tội bị giết tế thần. Những người đồng tính thì bị kết án.
Và thế rồi đột nhiên, Jesus, một nhân vật mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, lại hô hào trong Kinh Tân Ước rằng: “Thực ra, cha tôi đã có một vài nhầm lẫn. Cha muốn các người hãy sống bao dung và tha thứ lẫn nhau. Cha cũng muốn phù hộ tất cả loài người, kể cả những người đồng tính.”
Và rồi trong suốt hai ngàn năm, con người bị bỏ rơi với hàng núi sự kiện và chứng minh trái ngược nhau. Rôi hàng loạt các tôn giáo xuất hiện như Hồi giáo, Do thái, Hindu, đạo Phật, đạo Lão và sự phân cách giữa Cơ đốc giáo và Đạo Tin lành.
Con người, từ vị thế được giao tiếp với Chúa trời – mặc dù qua lửa cháy và gai góc – đến bị bỏ mặc hoàn toàn để tự tìm đường đi lối bước. Tôi rất muốn có lòng tin. Thực sự muốn. Đó có thể là mục đích sống trong cuộc đời đang buông xuôi của tôi. Nhưng chúng không có sức thuyết phục gì cả.
Và thiên đường mà để làm gì cơ chứ? Ý tôi là, thơ của John Donne thì tuyệt đẹp, du dương đầy nhạc tính nhưng thứ tưởng tượng xem cuộc sống sẽ nhàm chán đến mức nào nếu không có sợ hãi và hy vọng, khởi đầu và kết thúc, ánh sáng và đêm tối, tương phản và khác biệt? Khái niệm về một thiên đàng như thế cũng làm tôi kinh hãi chẳng khác gì địa ngục.
Vấn đề của tôi với Cơ đốc giáo không chỉ đơn thuần như vậy. Tôi không phản đối gì câu chuyện tuyệt đẹp về tình yêu và đức cứu thế, nhưng điều làm tôi bực bội là hình ảnh Chúa được khắc họa sao mà yếu đuối, nhu nhược đến thế. Chúa phải được khấn bái, cầu nguyện hàng ngày.
Tôi thừa hiểu rằng chẳng có ai là hoàn hảo trên đời này. Chúng ta ai cũng đã từng làm điều sai trái. Nhưng ý niệm về khúm núm quỳ lạy xưng tội trước một tảng đá vô hồn thực là bệnh hoạn đối với tôi.
Hôm nay, cú điện thoại từ một người quen mộ đạo đã làm giọt nước tràn ly:
“Bố cháu có đức tin vào Chúa không?”
“Một cách mơ hồ thì có ạ”.
“Thế nghĩa là gì?”
“Dạ, bố cháu là một người có tín ngưỡng. Ông luôn nể trọng thế giới tự nhiên. Ông tin vào một lối sống có trách nhiệm với những người xung quanh. Ông là một người tốt.”
“Nhưng liệu ông ấy có tin vào Jesus Chris, đứa con duy nhất của Chúa trời, một người thợ mộc đến từ Nazareth, xuống hạ giới từ thiên đường hai ngàn năm trước và chết để cứu rỗi loài người không? Ông ấy có nói lời xin lỗi với những sai trái mà ông đã từng làm không?”
“Không, cháu không nghĩ bố cháu lại ngây thơ đến thế.”
“Ôi trời. Rất tiếc phải nói cho cháu biết rằng bố cháu sẽ xuống địa ngục.”
Và tôi nghĩ, có ông xuống địa ngục thì có, đồ thọc mạch xấu xa. Tôi không muốn dính dáng gì đến thứ tôn giáo trọng thưởng những người chịu khó nói lời xin lỗi trước khi qua đời, thứ tôn giáo ưa thích những kẻ giết người nhưng biết lỗi hay những kẻ hiếp dâm hơn là một con người đàng hoàng, tử tế, có quá nhiều chuyện để lo hơn là phục tùng các giáo điều.
Nếu thiên đường không có chỗ cho một người như bố thì tôi cũng không muốn được lên thiên đường.
Nhưng khi đọc lại những gì tôi vừa viết, tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi vì sự báng bổ thần thánh của mình. Đó chính là cách tôn giáo được duy trì. Sự sợ hãi của loài người. Nó bao trùm lên những tương lai vô định, những sự kiện mà ta không biết. Vì thế mà ta thà tuân thủ, “có kiêng có lành”.
Liệu Chúa có thời gian để đọc nhật ký riêng tư không? Nếu có, tôi sẽ gặp rắc rối to.
Kính Chúa, nếu Ngài tồn tại, con vô cùng, vô cùng xin lỗi.
Thứ Bảy, ngày 29 tháng Mười
Chiều nay, khi dắt chó đi dạo trên cánh đồng gần nhà, tôi cảm thấy lòng mình thật thanh thản. Không hiểu vì sao nữa. 25 tuổi đầu, sống cùng mẹ già ở một vùng hẻo lánh đâu đâu. Không bạn gái, không công việc, và không có hy vọng sẽ có sex trong vòng một thế kỷ nữa.
Nhưng tất cả những điều trên chẳng làm tôi bận tâm nữa. Tôi không thể lý giải nổi nhưng thực sự chỉ muốn tuột bỏ hết quần áo và chạy trần truồng giữa cánh đồng. Tôi gọi chú chó lại gần và ôm nó thật chặt khiến nó phải kêu rên. Thế đấy, đây chính là cuộc sống. Cuộc sống với những thăng trầm đớn đau, với những lo toan vô lối, với những tuyệt vọng và hoan hỉ. Tôi đã trải qua tất cả. Tôi không thèm quan tâm rằng mình vẫn còn bị tổn thương. Ít nhất, tôi có thể cảm thấy một cái gì đó đang xảy ra.
Một cảm giác hiếu kỳ dâng lên trong tôi. Rồi điều gì sẽ xảy ra với tôi, với bạn bè tôi, gia đình tôi, hay thế giới nói chung? Tôi muốn được sống một cách giản đơn, được tách khỏi những toan tính bức bối đời thường. Ngửa đầu và giang tay, tôi cười và cảm ơn Đức tối cao, hay Chúa trời hay bất cứ các vị thánh thần nào đã cho phép tôi được suy nghĩ thông suốt và trải lòng mình với những vật thể có tri giác khác.
Cái chết của bố đã làm thay đổi thế giới quan của tôi. Tôi đã cảm nhận sự mỏng manh và phù phiếm của cuộc sống, cũng như những phi lý và những điều quan trọng không thể phủ nhận được trong cuộc đời mỗi người. Tôi cũng thấu hiểu về sự hối tiếc, về những suy nghĩ không được bày tỏ, những hành động không được thực hiện, những tình cảm bị bỏ đó cho đông lạnh và khô cằn.
Tôi ngồi xuống dưới một gốc cây sồi già ở giữa đồng. Nó đã đứng đây từ thế kỉ thứ 19, khi cố tôi còn sống. Nó có thể sẽ sống lâu hơn tôi. Chú chó tiến lại gần, vẩy vào tôi những giọt nước từ máng nước cho ngựa uống và gối cái đầu ướt lên đầu tôi.
Chúng tôi sẽ ổn thôi.
Chủ nhật, ngày 30 tháng Mười
Lễ tưởng niệm bố ở Morley Park.
Một ngày đẹp trời. Ngày cuối cùng của mùa hè nhưng sẽ là bắt đầu cho một cái gì đó mới lạ. Hàng trăm các học sinh cũ, giáo viên và phụ huynh đến dự lễ tưởng niệm. Buổi lễ thật cảm động, không có những khuôn phép giả tạo ở đám tang thông thường. Quả là một kết thúc đẹp cho một tháng ảm đạm.
Sau buổi lễ, vị hiệu trưởng kế nhiệm bố – Stuart Ackland lại gần tôi nói chuyện.
“Xin chào Jack. Cháu nhìn càng ngày càng giống bố.”
“Dạ, béo hay hói ấy ạ?”
“Ha ha”
Rồi ông nhìn tôi hơi nghi ngại.
“Jack, chú biết như thế này có vẻ hơi đường đột nhưng cháu biết đấy, Roddy Lewis vừa phải nghỉ việc một cách đường đột…”
“Ông giáo bị bắt quả tang xem trộm ảnh khỏa thân trẻ con trên máy tính ấy ạ?”
Stuart nhìn tôi, lần này đầy vẻ hồ nghi.
“Hừm, đó chỉ là những lời đồn đại thôi, nhưng Roddy buộc phải xin nghỉ để giữ gìn danh tiếng”
“Ra thế”. Tôi đáp.
“Ừm, chú đang nghĩ, liệu cháu có thể đứng lớp giúp chú đến khoảng Lễ Giáng sinh được không?”
“Stuart, cháu là một thằng nhân viên ngân hàng lụn bại, kẻ bị đuổi việc hai lần trong sáu tháng qua. Cháu có bằng cử nhân về Ngôn ngữ Cổ điển và không có tí bằng cấp sư phạm nào”.
“Jack, đây là một trường tiểu học tư. Được người như cháu là quá hoàn hảo. Cháu có thể bắt đầu làm từ thứ Ba tới.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.