Tuyển tập Hạt Giống Tâm Hồn
Sức Sống Mãnh Liệt
Sự yếu đuối trong tính cách mới là khuyết điểm duy nhất không thể
thay đổi.
– Francois de La Rochefoucald
Lần đầu tiên tôi thấy con Khói là khi nó đang ở trong đống lửa! Một lần cùng ba đứa con nhỏ của mình đến bãi rác nằm ngoài thị trấn để đốt rác như thường lệ, tôi phát hiện nó bị vùi trong một đống gạch đang cháy âm ỉ. Khi ấy, nó là một chú mèo nhỏ xíu, toàn thân năm đen như than đang cố hết sức bình sinh bò về phía chúng tôi.
– Con sẽ cứu nó! – Thằng bé Scott con tôi la lên.
Khi Scott bước tới bọc con mèo cẩn thận trong chiếc khăn rằn của tôi, tôi tự hỏi tại sao con mèo không kêu la khi bị chạm đến những chỗ đau như vậy. Sau này, chúng tôi mới phát hiện lưõi của nó cũng bị bỏng nặng.
Chúng tôi mang con mèo về nông trại. Trong lúc bốn mẹ con đang chăm sóc cho nó thì chồng tôi, Jim,
trở về nhà sau một ngày dài sửa hàng rào mệt lử. Anh chẳng ngạc nhiên gì khi trông thấy nó, vì đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đón chào Jim về nhà bằng một con thú bị thương. Dù ngoài miệng lúc nào cũng càu nhàu bực bội nhưng trong lòng Jim cũng không nỡ nhìn thấy chúng đau đớn. Vì thế, anh thường giúp chúng tôi làm chuồng, lo chỗ nằm, làm rào và thanh nẹp chân cho những con chồn, thỏ và mấy chú chim bị thương mà chúng tôi đem về. Tuy nhiên, lần này thì khác. Đây là một con mèo, mà Jim thì chẳng thích mèo tí nào.
Chẳng những thế, con mèo này lại không bình thường. Trên thân thể nó, những chỗ đáng lẽ được phủ lông mượt giờ chỉ toàn là vết bỏng. Đôi tai của nó không còn và chiếc đuôi thì bị cháy đến lộ cả xương. Các dấu chân nhỏ bé có thể vẫn thường in trên mui những chiếc xe hơi hay xe tải đầy bụi thì nay cũng không còn đúng hình dạng của chúng nữa. Nó hầu như chẳng còn có nét gì của một con mèo – ngoài đôi mắt to xanh thẳm cầu xin sự giúp đỡ.
Thế là chúng tôi chữa trị vết thương cho nó cẩn thận. Chúng tôi còn đặt tên cho nó là Khói để ký niệm lần đầu tìm thấy nó.
Sau ba tuần, chúng tôi có thể bôi thuốc mỡ chữa bỏng cho con Khói, khiến toàn thân nó trở thành một khối màu xanh lạ kỳ. Đuôi nó thì đã gãy lìa, và bộ lông mượt mà đầy hãnh diện của loài mèo cũng chẳng còn một sợi nào – nhưng cả tôi lẫn bọn trẻ đều “ngưỡng mộ” nó.
Nhưng Jim lại không như vậy. Thế nên, Khói cũng chẳng quý anh. Tại sao ư? Vì anh có thứ dụng cụ mồi ống điếu gồm diêm quẹt và cái đèn khi đốt cháy bập bùng. Mỗi lần anh đốt chiếc đèn này lên, con Khói lại trở nên hoảng sợ và quáng quàng bỏ chạy – có lần nó còn làm đổ cả tách cà phê và chiếc đèn của anh trước khi chạy biến vào ống thông gió trong căn phòng ngủ dự phòng.
– Tại sao mày chẳng để tao yên tí nào thế này? – Jim rên rỉ.
Tuy vậy càng ngày con Khói càng quen dần với cái ống điếu và chủ nhân của nó hơn. Nó nằm trên chiếc tràng ký và nhìn trừng trừng vào Jim khi anh hút ống điếu và phà khói thuốc ra. Một hôm, Jim nhìn tôi cười khúc khích.
– Cái con mèo chết tiệt này, nó làm anh thấy tội lỗi quá!
Cuối năm đầu tiên, con Khói trông vẫn còn thảm hại, chẳng khác cái giẻ rách là mấy. Còn thằng Scott nhà tôi lại trở nên nổi tiếng trong đám bạn vì có một con mèo xấu nhất nước – mà cũng có thể là xấu nhất trần đời.
Dần dần và cũng hết sức lạ lùng, Jim trở thành người mà con Khói quan tâm nhất. Và chẳng lâu sau, tôi nhận thấy một sự thay đổi ở Jim. Giờ đây, ít khi anh hút thuốc trong nhà, và vào một tối mùa đông nọ, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy anh ngồi trên ghế với con mèo nhỏ xấu xí đang nằm cuộn trong lòng anh. Trước khi tôi kịp lên tiếng thì anh đã lầm bầm, nói cộc lốc như để phần trần.
– Em biết không, có lẽ nó lạnh, nó không có lông mà.
Nhưng, tôi nhớ lại, cái con Khói này thích cái lạnh lắm mà! Chẳng phải nó đã ngủ ngay trước ống thông gió và trên sàn lót ván lạnh ngắt đấy ư?
Có lẽ Jim đã bắt đầu thấy thích con vật kỳ dị này rồi!
Không phải ai cũng đều chia sẻ tình cảm mà chúng tôi dành cho Khói, nhất là những ngưòl chưa bao giờ trông thấy nó. Lời đồn đại đến tai một nhóm tự nhận rằng mình là những người bảo vệ thú, và một bữa, một phụ nữ trong nhóm họ đã đến gõ cửa nhà chúng tôi. Họ nghĩ rằng chính chúng tôi đã bạc đãi con Khói. Nhưng khi tận mắt trông thấy dáng vẻ “uy nghi” trần trụi của con Khói được phóng đại gấp 10 lần đang nấp đằng sau bể nuôi cá nhà tôi và đang trừng mắt nhìn vào vị khách thì bà ta đã thay đổi cách nghĩ và nhanh chóng cáo từ.
Sang năm thứ hai, một điều kỳ diệu xảy ra. Lông con Khói bắt đầu mọc lại. Những sợi lông trắng bé xíu, mềm mại và đẹp hơn cả lông của các chú gà tơ dần dần mọc dài hơn biến con mèo bé nhỏ xấu xí của chúng tôi thành một làn khói mỏng.
Jim ngày càng thích làm bạn với con Khói. Có lúc Jim còn ôm nó theo khi anh ra ngoài thăm đàn gia súc, ghì sát nó vào chiếc quần vải bông của anh.
Ngày Khói cùng Jim đi kiếm một con bé bị lạc cũng là ngày nó tròn ba tuổi. Cuộc lùng kiếm kéo dài trong nhiều giờ liền, và cứ mỗi lần dừng lại và bước ra khỏi xe phóng mắt tìm kiếm, Jim luôn để cửa xe mở. Bên ngoài là những cánh đồng nứt nẻ đầy những đám cỏ khô. Xa xa phía chân trời báo hiệu một cơn bão sắp đến, vậy mà vẫn không thấy dáng con bé đâu. Cảm thấy chán ngán và không chút suy nghĩ, Jim thò tay vào túi lấy hộp diêm và quẹt lên. Một tia lửa bắn xuống mặt đất và trong vài giây, cánh đồng bốc cháy.
Lòng rối bòi, Jim chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến con mèo. Chỉ sau khi dập tắt đám cháy và tìm ra con bé, anh mới quay về và chợt nhớ:
– Con Khói đâu rồi! – Jim la lên – Chắc nó đã nhảy ra khỏi xe? Hay là nó đã về nhà.
Không phải! Chúng tôi đều biết con Khói không bao giờ có thể tìm đường về nhà từ một nơi cách xa đến hai dặm. Trời bắt đầu đổ mưa khiến sự việc càng thêm rắc rối. Mưa nặng hạt đến nỗi chúng tôi không thể nào ra ngoài tìm kiếm nó.
Jim trở nên quẫn trí và tự đổ lỗi cho mình. Chúng tôi bỏ cả ngày hôm sau để tìm kiếm, vừa mong nó cất tiếng kêu để chúng tôi biết mà tìm đến, vừa hiểu là nó khó có thể sống sót nếu gặp phải thú dữ. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng ích gì!
Hai tuần sau, vẫn không thấy con Khói về nhà. Chúng tôi e rằng nó đã chết đâu đó rồi vì khi mùa mưa bắt đầu thì cũng là lúc bầy diều hâu, chó sói và lũ chó hoang đi kiếm thức ăn.
Sau đó khu vực chúng tôi lại bị một cơn mưa bão lớn chưa từng thấy ập đến. Nước từ trên trời như trút hết xuống nơi đây. Đến sáng, nước lũ phủ kín hàng dặm, khiến cho muông thú và trâu bò phải trồi dạt đến các đảo nằm rải rác ở các nơi cao hơn. Những con thỏ, gấu trúc, sáo và chuột sa mạc sợ hãi chờ nước rút bớt trong khi Jim và Scott bì bõm lội nước đưa đàn bê khát sữa về với mẹ của chúng an toàn.
Trong lúc tôi cùng các con gái đang chăm chú quan sát thì đột nhiên Jaymee la lên:
– Ba ơi! Có một con thỏ nhỏ xíu tội nghiệp nằm kia kìa. Ba cứu nó được không?
Jim lội đến chỗ con vật nằm, khi đưa tay ra định bế sinh vật bé nhỏ ấy lên, anh bỗng giật bắn mình lùi lại như thể đang hoảng sợ. Anh la lên:
– Không thể tin nổi. Chính là con Khói! – Giọng anh vỡ ra – Ôi! Con Khói bé bỏng tội nghiệp!
Mắt tôi ứa lệ khi con mèo bé nhỏ thảm hại từ từ bò vào đôi tay dang rộng của Jim, người mà nó đã mỗi lúc mỗi dành nhiều tình cảm quý mến hơn. Anh ôm chặt cơ thể đang run rẩy của nó vào ngực, thủ thỉ những lời êm ái rồi nhẹ nhàng lau sạch bùn trên mặt nó. Suốt thời gian đó, con mèo dán chặt đôi mắt xanh vào anh với sự cảm thông không thành lời. Jim đã được tha thứ.
Khói lại về nhà. Nhìn nó ngoan ngoãn để chúng tôi chăm sóc, trong lòng chúng tôi thấy vui hơn vì nó dường như đã khỏe lên.
Nhưng con Khói chưa bao giờ thật sự khỏe mạnh. Một buổi sáng khi nó vừa tròn bốn tuổi, chúng tôi thấy nó nằm rũ trong chiếc ghế của Jim. Tim nó đã ngừng đập.
Khi tôi bọc thân thể nhỏ xíu ấy trong chiếc khăn quàng cổ màu đỏ của Jim và đặt nó vào chiếc hộp đựng giày của lũ trẻ, tôi nghĩ về nhiều thứ mà chú mèo yêu quý đã dạy chúng tôi: lòng tin cậy, sự thương yêu và tinh thần đấu tranh với những điều lạ thường dù tất cả mọi người xung quanh cho rằng bạn không thể thắng. Nó nhắc nhở chúng tôi rằng không phải bề ngoài – mà chính những gì nằm sâu trong trái tim chúng ta – mới là điều đáng quý.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.