Văn Minh Và Những Bất Mãn Từ Nó

Chương V



Công việc Phân tích Tâm lý [1] đã cho chúng ta thấy chính là những thất vọng này của đời sống tính dục không thể chịu đựng được, vốn con người biết đến như những chứng nhiễu loạn thần kinh [2]. Nhiễu loạn thần kinh tạo ra cho anh ta những thỏa mãn thế chỗ trong những triệu chứng của anh, và những triệu chứng này làm anh ta hoặc đau khổ trong chính chúng, hoặc trở thành những nguồn đau khổ cho anh bằng cách nâng những khó khăn cao lên trong những quan hệ của anh với môi trường và xã hội anh sống trong đó. Sự kiện thứ hai vừa kể là dễ hiểu; sự kiện thứ nhất trình bày một vấn đề mới với chúng ta. Ngoài ra, văn minh đòi hỏi những hy sinh khác bên cạnh những hy sinh về thỏa mãn tính dục.

Chúng ta đã đối xử với sự khó khăn của phát triển văn hoá như là một khó khăn tổng quát của sự phát triển bằng cách dõi ngược nó về với quán tính của libido, về với sự bất đắc dĩ của nó phải từ bỏ một vị trí cũ cho một vị trí mới [3]. Chúng ta đương nói nhiều về cùng một điều khi chúng ta suy ra phản đề giữa văn minh và tính dục từ trường hợp mà ái tình tính dục là một quan hệ giữa hai cá nhân trong đó một người thứ ba chỉ có thể hoặc thừa thãi hoặc phá rối, trong khi văn minh tùy thuộc vào những quan hệ giữa một số lượng đáng kể của những cá nhân.

Khi một liên hệ tình yêu tại đỉnh cao của nó, không có chỗ còn lại cho bất kỳ quan tâm nào trong môi trường; một đôi tình nhân là đủ cho chính họ, và thậm chí không cần đến đứa con họ có chung để làm cho họ hạnh phúc. Không trong trường hợp nào khác mà Eros rất rõ ràng phản bội cốt lõi của tự thân mình, mục đích của hắn để làm nên một ra từ nhiều hơn một; nhưng khi hắn đã đạt được điều này theo cách ai cũng nói qua tình yêu của hai con người, hắn từ chối đi xa hơn.

Cho đến giờ, chúng ta có thể hoàn toàn tưởng tượng rất rõ một cộng đồng văn hóa bao gồm những cặp cá nhân như thế này, những người đã có hài lòng về libido ở chính bản thân họ, đã kết nối với nhau qua những ràng buộc của công việc chung và những quan tâm chung. Nếu điều này đã được như vậy, văn minh đã không phải rút ra bất kỳ năng lượng nào từ tính dục.

Nhưng tình trạng đáng ao ước này của những sự việc không tồn tại, và đã không bao giờ tồn tại. Thực tế cho chúng ta thấy văn minh không hài lòng với những dây buộc cho đến nay chúng ta đã cho phép nó. Nó cũng nhắm đến kết buộc những thành viên của cộng đồng với nhau trong một cách về libido nữa, và sử dụng mọi phương tiện để đi đến chung cuộc đó.

Nó ưa chuộng tất cả mọi lối qua đó những sự đồng hóa nhân cách [4] mạnh mẽ có thể được thiết lập giữa những thành viên của cộng đồng, và nó triệu tập libido có mục tiêu bị ức chế như thế trên quy mô lớn nhất về phần làm vững mạnh sự ràng buộc cộng đồng bằng những liên kết của tình bạn hữu. Để cho những mục tiêu này được hoàn thành, một hạn chế trên đời sống tính dục là không thể tránh khỏi. Nhưng chúng ta không có khả năng hiểu được những gì là thiết yếu, vốn nó đã thúc đẩy văn minh theo dọc theo lối này, và gây ra sự đối kháng của nó với tính dục. Phải có một vài thành tố đáng lo ngại mà chúng ta vẫn chưa khám phá.

Manh mối có thể được cung cấp bởi một trong những đòi hỏi lý tưởng, như chúng ta đã gọi chúng, [5] của xã hội văn minh [6]. Nó viết: “Ngươi phải yêu kẻ hàng xóm ngươi như chính mình”. Nó được biết đến khắp trên thế giới, và chắc chắn là xưa hơn đạo Kitô, vốn đạo này đã dương nó lên như tuyên xưng tự hào nhất của mình.

Dẫu thế, nó chắc chắn không phải là rất xưa, ngay cả trong thời có sử nó đã vẫn còn xa lạ với nhân loại. Chúng ta hãy cùng chấp nhận một thái độ ngay thực với nó, như thể chúng ta đã nghe nó lần đầu tiên, vậy sau đó chúng ta sẽ không thể dập tắt một xúc cảm ngạc nhiên và bối rối. Tại sao chúng ta nên làm điều đó? Tốt đẹp gì nó sẽ làm cho chúng ta? Tuy nhiên, trên tất cả, làm thế nào chúng ta sẽ đạt được nó? Làm thế nào nó có thể khả hữu?

Tình yêu của tôi là một điều gì đó có giá trị với tôi vốn tôi không nên vứt bỏ mà không ngẫm nghĩ. Nó đòi hỏi tôi những bổn phận cho thành tựu của ai đây khiến tôi phải sẵn sàng làm những hy sinh. Nếu như tôi yêu một ai đó, người ấy phải xứng đáng với tình yêu một cách nào đó. (Tôi bỏ ra ngoài diễn giải như tôi có thể có chỗ dùng nào về người ấy, và cũng cả ý nghĩa có thể có của người ấy như là một đối tượng tính dục với tôi, vì không một nào trong hai loại quan hệ thuộc loại này đi đến vấn đề liệu giới luật yêu thương hàng xóm của tôi có liên quan gì hay không).

Người ấy xứng đáng với tình yêu nếu anh là giống tôi trong những cách quan trọng đến nỗi tôi có thể yêu chính tôi trong anh ấy, và anh ấy xứng đáng với nó nếu anh là quá hoàn hảo hơn bản thân tôi rất nhiều, khiến tôi có thể yêu lý tưởng về chính tự ngã tôi trong anh. Thêm nữa, tôi phải yêu anh ấy nếu anh ta là con trai của bạn tôi, bởi vì nỗi đau của bạn tôi sẽ cảm thấy nếu có gì hại đến anh ta, sẽ cũng là nỗi đau của tôi – tôi nên có phần chia của nó. Nhưng nếu anh là một người xa lạ với tôi, và nếu anh ta không thể thu hút tôi bằng bất kỳ giá trị nào của riêng anh, hoặc bất kỳ ý nghĩa nào đó anh đã có thể thu nhận được cho đời sống tình cảm của tôi, sẽ khó cho tôi để yêu anh ta.

Thật vậy, tôi sẽ phải là sai lầm nếu làm như vậy, bởi vì tình yêu của tôi có giá trị với tất cả những người tôi yêu, nó như là một dấu hiệu của sự ưa thích của tôi với họ, và là một bất công với họ nếu tôi đặt một người xa lạ ngang bằng với họ. Nhưng nếu tôi yêu anh ấy (với tình yêu phổ quát này) chỉ đơn thuần vì anh cũng là một cư dân của trái đất này, giống như một côn trùng, một con sâu đất, hoặc một con rắn cỏ, vậy sau đó tôi sợ rằng chỉ một nhúm nhỏ xíu của tình yêu của tôi sẽ rơi xuống phần chia cho anh ta – dù với bất kỳ khả năng nào, do phán đoán của lý trí của tôi, cũng không nhiều bằng phần tôi xứng đáng được giữ lại cho bản thân mình. Có nghĩa lý gì một giới luật đề ra với thật nhiều trang nghiêm như thế, nếu như sự thực hiện nó không thể được khuyến cáo là có thể hợp lý?

Khi duyệt xét kỹ lưỡng hơn, tôi vẫn còn tìm thấy những khó khăn nữa. Không chỉ đơn thuần là trong tổng quát, người xa lạ này bất xứng với tình yêu của tôi; tôi thành thật phải thú nhận rằng anh đã có phần đòi nhận nhiều hơn với thù địch của tôi, và ngay cả với sự căm ghét của tôi. Anh dường như không có lấy dù một dấu vết tình yêu nhỏ nhặt nhất cho tôi, và không cho tôi thấy dù một chút quan tâm mỏng manh nhất. Nếu như sẽ đem lại cho anh ta bất kỳ lợi ích nào, anh đã không ngần ngại gì không gây thương tổn cho tôi, anh cũng không tự hỏi mình xem lượng ưu thế anh thu đoạt được có chống đỡ nổi bất kỳ tỷ lệ mức độ thiệt hại nào anh đã gây cho tôi hay không.

Thật vậy, ngay cả như anh không cần chiếm được một ưu thế nào; nếu anh có thể thỏa mãn bất kỳ loại mong muốn nào qua nó, anh không nghĩ gì về chế nhạo tôi, xúc phạm tôi, vu khống tôi và cho thấy sức mạnh vượt trội của anh; và anh ta càng cảm thấy an toàn hơn, tôi càng cảm thấy bất lực hơn, càng chắc chắn hơn tôi có thể trông đợi anh ta cư xử như thế này với tôi.

Nếu như anh ta cư xử khác đi, nếu anh ta cho tôi thấy sự quan tâm, và sự tự chế như một người xa lạ, tôi sẵn sàng đối xử cùng một cách với anh ta, dù trong trường hợp nào và hoàn toàn ngoài bất kỳ giới luật nào. Thật vậy, nếu điều răn phô trương này đã viết “yêu hàng xóm ngươi như hàng xóm ngươi yêu ngươi”, tôi đã không nên phản đối nó. Và có một điều răn thứ hai, thậm chí nó xem dường lại càng không thể hiểu được nhiều hơn, và lại còn gợi lên sự phản đối mạnh mẽ hơn trong tôi. Đó là “Yêu những kẻ thù của ngươi”. Nếu tôi nghĩ nó cho thật kỹ, tuy nhiên, tôi thấy rằng tôi đã sai lầm trong khi xem nó như một đòi hỏi lớn lao hơn. Ở dưới đáy, nó là cùng một điều. [7]

Tôi nghĩ bây giờ tôi có thể nghe được một giọng nghiêm nghị khiển trách tôi: “Đó là chính vì hàng xóm của bạn không xứng đáng với tình yêu, và ngược lại còn là kẻ thù của bạn, mà bạn nên yêu hắn như chính mình”. Sau đó, tôi hiểu rằng trường hợp bàn luận là một thứ tương tự của Credo quia absurdum. [8]

Bây giờ rất có thể là hàng xóm của tôi, khi ông bị ra lệnh phải yêu tôi như yêu chính ông ta, sẽ trả lời đúng như tôi đã làm, và sẽ cự tuyệt tôi vì cùng những lý do. Tôi hy vọng ông sẽ không có cùng những nền tảng khách quan khi làm như thế, nhưng ông sẽ có cùng ý tưởng như tôi có.

Ngay cả như thế, hành vi của con người cho thấy những khác biệt, vốn làm ngơ trước sự kiện là những khác biệt như thế chúng bị định đoạt, đạo đức phân loại chúng là “tốt” hay “xấu”. Vì vậy, cho đến khi nào những khác biệt không thể phủ nhận này không bị tước bỏ, sự vâng lời những đòi hỏi cao về đạo đức bắt phải kéo theo thiệt hại cho những mục tiêu của nền văn minh, vì nó đặt một tổn phí quả quyết trên tư cách là xấu. Người ta không thể cưỡng không nhắc lại về một việc rắc rối xảy ra trong Nghị viện Pháp khi tranh luận về hình phạt tử hình. Một thành viên đã nhiệt tình ủng hộ việc bãi bỏ nó, và bài phát biểu của ông đã được nhận với những tiếng vỗ tay náo động, khi một giọng từ hội trường được tung ra: “Que messieurs les assasins commencent!”.[9]

Yếu tố của sự thật đằng sau tất cả điều này, mà mọi người rất sẵn sàng để chối bỏ, là con người không phải là những sinh vật hiền lành, không là những người muốn được yêu thương, và không là những người nếu có bị tấn công mức nhiều nhất có thể làm được là bảo vệ chính họ; nhưng ngược lại, họ là những sinh vật có bản năng bẩm sinh phải được nhìn nhận là có một phần chia mạnh mẽ của tính gây hấn hung hãn.

Như một kết quả, hàng xóm của họ đối với họ không chỉ là có tiềm năng là một người giúp đỡ, hay một đối tượng tính dục, mà cũng còn là một người nào đó , người này có toan tính thỏa mãn tính hung hãn của họ trên anh ta, để khai thác năng lực của anh vào công việc mà không có bồi thường, để sử dụng anh về mặt tính dục mà không có sự đồng ý của anh, để nắm giữ tài sản của anh, để làm nhục anh, để làm cho anh đau đớn, để tra tấn và giết anh. Homo homini lupus [10]. Ai là người, khi đối mặt với tất cả kinh nghiệm đời sống của mình, và của lịch sử, sẽ có can đảm để bất đồng ý kiến với khẳng định này?

Như một qui luật, tính gây hấn tàn nhẫn này chờ đợi một vài hành động khiêu khích, hoặc tự đặt chính nó vào những dịch vụ của một vài chủ định khác, mà mục đích của chúng cũng có thể đạt đến bằng những biện pháp ôn hòa hơn. Trong những hoàn cảnh thuận lợi với nó, khi những phản động lực tinh thần vốn bình thường cấm đoán nó, nhưng bị thương bất động, nó cũng tự thể hiện một cách đột khởi, và để lộ cho thấy con người như một con thú man rợ, sự quan tâm của nó với đồng loại là một điều gì xa lạ.

Bất cứ ai nhớ lại những hành động tàn bạo trong những cuộc di dân, hoặc những cuộc xâm lược của người Huns, hoặc của sắc dân được biết đến như là những người Mongol dưới sự lãnh đạo của Jenghiz Khan và Tamerlane, hoặc khi đánh phá hạ thành Jerusalem của những đội quân Thập tự chinh sùng tín ngoan đạo, hoặc ngay cả, đúng vậy, những kinh hoàng của thế giới chiến tranh vừa qua – bất cứ ai nhớ lại những điều này sẽ phải cúi đầu khiêm tốn trước sự thật của quan điểm này.

Sự hiện hữu của khuynh hướng này về gây hấn hung hãn, mà chúng có thể dò thấy trong chính chúng ta và giả định có căn cứ là có mặt trong những người khác, nó là thành tố làm xáo trộn những quan hệ của chúng ta với hàng xóm của chúng ta, và nó đẩy văn minh vào trong một phí tổn tốn kém như vậy (về năng lực). Trong hậu quả của sự thù địch lẫn nhau chính yếu này của loài người, xã hội có văn minh thường xuyên bị đe dọa với sự phân rã.

Lợi ích của công việc cùng làm chung sẽ không giữ nó lại với nhau; những đam mê bản năng mạnh hơn những lợi ích hợp lý. Văn minh đã phải dùng những cố gắng cùng cực của nó ngõ hầu đặt định những giới hạn cho những bản năng gây hấn hung hãn của con người, và giữ những biểu hiện của chúng trong vòng kiểm soát bằng những cơ cấu phản ứng tâm lý.

Từ chỗ này nên sử dụng những phương pháp có chủ định kích động con người vào thành những đồng hóa nhân cách và những liên hệ ái tình có mục tiêu bị ức chế, từ chỗ này nên hạn chế trên đời sống tính dục, và cũng từ chỗ này nên ra giới răn của lý tưởng yêu kẻ hàng xóm mình như yêu chính mình
– một giới răn vốn nó thực sự được biện chính bởi sự kiện là không có gì nào khác chạy ngược mạnh mẽ đến thế với bản tính nguyên thủy của con người.

Bất kể mọi cố gắng, nỗ lực này của văn minh cho đến nay đã không đạt được nhiều cho lắm. Nó hy vọng ngăn ngừa những thái quá dã man nhất của bạo lực hung ác bằng tự nó giả định quyền được sử dụng bạo lực đối với những kẻ phạm pháp, nhưng pháp luật không có khả năng nắm bắt được những biểu hiện thận trọng hơn và tinh tế hơn của tính gây hấn hung hãn của con người.

Thời gian đến, khi mỗi một người trong chúng ta phải buông bỏ như những ảo tưởng, là những kỳ vọng vốn với chúng, trong thời thanh niên của mình, một người đã gắn vào đồng loại của mình, và khi anh ta có thể biết được bao nhiêu khó khăn và đau đớn đã cộng thêm vào đời mình bởi tà ý của những đồng loại. Đồng thời, sẽ là bất công để khiển trách văn minh với cố gắng để loại bỏ những xung đột và cạnh tranh khỏi hoạt động của con người. Những điều này là chắc chắn không thể thiếu. Nhưng sự đối lập không nhất thiết phải là thù hận, nó chỉ đơn giản đã xử dụng sai lầm và tạo một cơ hội cho thù hận.

Những người cộng sản tin rằng họ đã tìm thấy con đường giải thoát khỏi những tà ác của chúng ta. Theo họ, con người là hoàn toàn tốt và cũng có thái độ thân thiện với hàng xóm của anh ta, nhưng cơ chế của sở hữu của cải riêng đã làm hư hỏng bản chất của anh. Sự làm chủ tài sản riêng tư đem lại quyền lực cá nhân, và cùng với nó là sự cám dỗ để đối xử tệ hại với hàng xóm của mình; trong khi ai là người bị loại trừ khỏi tài sản sở hữu thì buộc phải nổi loạn trong thù địch chống lại kẻ áp bức mình.

Nếu tài sản tư hữu được hủy bỏ, tất cả của cải được quyết định cộng đồng giữ chung, và tất cả mọi người được cho phép chia phần trong việc thụ hưởng nó, ác ý và thù địch sẽ biến mất giữa con người. Bởi vì tất cả nhu cầu của mọi người sẽ được thỏa mãn, không ai có bất cứ lý do gì để xem người khác như kẻ thù của mình; tất cả sẽ sẵn sàng đảm nhiệm công việc nếu là cần thiết.

Tôi không bận tâm với bất kỳ những phê bình kinh tế nào về hệ thống cộng sản; tôi không thể thăm dò liệu sự bãi bỏ tài sản tư nhân là thiết thực, hoặc có ưu thế hay không [11]. Nhưng tôi có khả năng để nhận ra rằng hệ thống đã dựa trên những tiền đề tâm lý vốn chúng là một ảo ảnh không đứng vững.

Khi xoá bỏ sở hữu tài sản tư nhân, chúng ta tước mất một trong những khí cụ của lòng con người yêu gây hấn hung hãn, chắc chắn là một khí cụ mạnh mẽ, mặc dù chắc chắn không phải là mạnh nhất; nhưng chúng ta đã tuyệt không thay đổi những khác biệt về quyền lực và về ảnh hưởng, vốn chúng bị sự gây hấn hung hãn lạm dụng, chúng ta cũng không có thay đổi bất cứ điều gì về bản chất của nó.

Tính gây hấn hung hãn không do tài sản tạo nên. Nó đã trị vì gần như không có giới hạn trong thời nguyên thủy, khi tài sản đã vẫn còn rất hiếm hoi, và nó đã tự cho thấy nó rồi trong thời trẻ thơ còn nằm nôi, gần như liền trước khi đã từ bỏ, dạng thức nguyên thủy của nó, dạng hậu môn; nó cấu thành cơ sở của tất cả mọi quan hệ của tình cảm và yêu thương giữa con người (với ngoại lệ duy nhất, có lẽ, mối quan hệ của người mẹ với con trai của bà [12]).

Nếu chúng ta chấm dứt những quyền cá nhân trên giàu có vật chất, vẫn còn tồn tại đặc quyền trong lĩnh vực của những quan hệ tính dục, vốn chúng là bị trói buộc phải trở thành nguồn gốc của sự không ưa mạnh nhất, và sự thù địch bạo lực nhất giữa con người, vốn trong những khía cạnh khác họ là đều ngang nhau về tư cách và quan hệ đối xử. Nếu như chúng ta cũng lấy đi yếu tố này, bằng cách cho phép hoàn toàn tự do trong đời sống tính dục, và như thế bãi bỏ gia đình, tế bào-mầm mống của văn minh, chúng ta không có thể, đó là sự thật, dễ dàng thấy trước những đường phát triển mới nào của văn minh có thể nhận lấy, nhưng một điều chúng ta có thể mong đợi, và đó là tính năng không thể phá hủy này của bản chất con người sẽ đi theo nó đến đó.

Rõ ràng là không dễ dàng cho con người buông bỏ sự thỏa mãn của khuynh hướng này về gây hấn hung hãn. Họ không cảm thấy thoải mái nếu thiếu nó. Ưu thế mà một nhóm văn hóa tương đối nhỏ cung cấp khi để cho bản năng này có một lối thoát dưới hình thức của sự thù địch chống lại những kẻ xâm nhập thì không nên xem thường. Luôn luôn có thể kết hợp một số lượng đáng kể của dân tộc với nhau trong tình yêu, miễn là còn chừa lại dân tộc khác để nhận những biểu hiện của sự gây hấn hung hãn của họ.

Tôi đã từng một lần thảo luận về hiện tượng rằng chính những cộng đồng có lãnh thổ lân cận, và cũng có liên hệ với nhau theo những cách khác nữa, là những người dấn mình trong những hiềm khích liên tục và trong nhạo báng lẫn nhau – như những người Spain và người Portugal, lấy thí dụ, người Bắc Đức và Nam Đức, người Anh và người Scotland, và vân vân [13].

Tôi đã đặt tên cho hiện tượng này là “quá-yêu-chỉ-mình trên những khác biệt nhỏ” [14], một tên gọi không làm được gì nhiều để giải thích nó. Bây giờ chúng ta có thể thấy một sự thỏa mãn thuận tiện và tương đối vô hại của khuynh hướng gây hấn hung hãn, là sự gắn bó giữa những thành viên của cộng đồng được tạo dễ dàng hơn bằng những phương tiện của nó. Trong phương diện này, dân tộc DoThái, rải rác khắp nơi, đã cung cấp những dịch vụ hữu ích nhất cho những nền văn minh của những quốc gia chủ nhà của họ; nhưng bất hạnh là tất cả những cuộc tàn sát người DoThái trong thời Trung cổ đã không đủ để làm cho thời kỳ đó hòa bình hơn và an ninh hơn cho những người Kitô đồng thời với họ.

Khi thánh tông đồ Paul một lần đã đặt tình yêu phổ quát giữa con người như nền tảng của cộng đồng những người Kitô của ông, sự bất khoan dung cực kì quá khích về phần của thế giới Kitô đối với những ai là người còn nằm ngoài nó, đã trở thành hậu quả không thể tránh. Đối với những người LaMã, những người đã không dựng đời sống cộng đồng của họ như một Nhà nước trên yêu thương, bất khoan dung tôn giáo đã là một điều gì xa lạ, mặc dù với họ tôn giáo đã là một quan tâm của Nhà nước, và tôn giáo đã ngấm nhiễm Nhà nước.

Không phải đã là một ngẫu nhiên không giải thích được mà giấc mơ về một thế giới thống trị của dân Đức, đã kêu gọi chủ nghĩa bài-DoThái như sự bổ xung-cho-toàn-vẹn của nó, và là điều dễ hiểu rằng những cố gắng để thiết lập một nền văn minh mới, văn minh cộng sản ở Nga, đã phải tìm sự hỗ trợ tâm lý của nó trong sự đàn áp giai cấp tư sản. Người ta chỉ còn tự hỏi, với lo lắng, nhà nước Sô viết sẽ làm những gì sau khi họ tiêu diệt xong giới tư sản của họ.

Nếu văn minh áp đặt những hy sinh lớn dường thế, không chỉ trên tính dục của con người, nhưng trên tính gây hấn hung hãn của anh ta, chúng ta có thể hiểu rõ hơn tại sao là khó khăn để anh ta được hạnh phúc trong nền văn minh đó. Trong thực tế, con người nguyên thủy đã là trong điều kiện tốt đẹp hơn khi không biết gì tới những giới hạn trên bản năng. Để quân bằng ngược với điều này, những triển vọng của anh ta để hưởng hạnh phúc này, trong bất kỳ một khoảng dài lâu thời gian nào, đã rất mỏng manh.

Con người văn minh đã đánh đổi một phần của những cơ hội hạnh phúc của mình cho một phần của sự an toàn. Dù sao đi nữa, chúng ta phải đừng quên, trong gia đình nguyên thủy chỉ người đứng đầu của nó vui hưởng tự do bản năng hả hê này; những người còn lại đã sống trong sự áp chế nô lệ. Trong thời kỳ nguyên thủy này của văn minh, tương phản giữa một thiểu số người được hưởng những ưu thế của nền văn minh và một đa số những người đã bị cướp mất những ưu thế đó, do đó, diễn ra đến cực đoan. Về phần những dân tộc nguyên thủy còn tồn tại đến ngày nay, những nghiên cứu kỹ lưỡng đã cho thấy rằng sự tự do trong đời sống bản năng của họ thì không đáng thèm muốn chút nào. Nó chịu những hạn chế thuộc một loại khác biệt, nhưng có lẽ với mức độ trầm trọng hơn so với những gì gắn buộc với con người văn minh hiện đại.

Khi chúng ta thẳng thắn tìm thấy sai lầm với trạng thái hiện tại của nền văn minh của chúng ta, vì quá thiếu xót trong đáp ứng những nhu cầu của chúng ta cho một kế hoạch của đời sống vốn sẽ làm chúng ta hạnh phúc; và vì để cho hiện hữu quá nhiều khổ đau vốn có lẽ đã có thể tránh được – khi, với sự phê bình không khoan nhượng, chúng ta cố gắng đào lên những gốc rễ của sự bất toàn của nó, chúng ta chắc chắn thực hiện một quyền thích đáng và không phải cho thấy chính chúng ta là kẻ thù của văn minh. Chúng ta có thể trông đợi dần dần thực hiện xong những sửa đổi như thế trong văn minh của chúng ta, để sẽ thỏa mãn tốt hơn những nhu cầu của chúng ta, và sẽ thoát khỏi những phê bình của chúng ta.

Nhưng có lẽ chúng ta cũng có thể đã quen thuộc rồi với ý tưởng rằng có những khó khăn gắn với bản chất của nền văn minh, vốn chúng sẽ không nhường bước trước bất kỳ nỗ lực cải cách nào. Thêm vào với những công việc phải hạn chế những bản năng, vốn chúng ta đã sửa soạn rồi, ở đó tự nó đẩy tới sự lưu ý của chúng ta về sự nguy hiểm của một tình trạng của những sự việc vốn có thể được đặt tên là “sự nghèo nàn tâm lý của những nhóm” [15].

Nguy hiểm này thì đe dọa nhất ở chỗ nào có sức mạnh của sự kết hợp của một xã hội chủ yếu cấu thành bởi sự đồng hóa nhân cách của những thành viên trong một nhóm với nhau, trong khi những cá nhân thuộc mẫu lãnh đạo không thu nhận được tầm quan trọng vốn họ nên có trong sự hình thành một nhóm [16]. Tình trạng văn hóa hiện nay của nước Mỹ sẽ cung cấp cho chúng ta một cơ hội tốt để nghiên cứu tác động thương tổn này với văn minh vốn chúng ta có lý do nên sợ hãi. Nhưng tôi sẽ tránh cám dỗ không đi vào một phê phán văn minh nước Mỹ, tôi không muốn đưa ra một ấn tượng rằng tôi muốn chính mình sử dụng những phương pháp của nước Mỹ.

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất

(Sep/2011)

(Còn tiếp…)

[1]Thường gọi tắt là Tâm Phân (Tàu) hay Phân Tâm (Tàu Việt) tùy dịch giả. Trong những bài viết, những tác giả của ngành này, kể cả Freud vẫn dùng từ Psychoanalysis – Phân tích Tâm lý. Tôi theo Freud, giữ như vậy.

Trung tâm lý thuyết Phân tích Tâm lý dựa trên ý tưởng rằng chúng ta có một não thức; “nơi” chứa đầy những bản năng, những mong muốn và những xung lực, chúng tạo động lực cho hành vi của chúng ta. Điều này xuất phát từ mô hình của Freud (1923) về não thức con người, theo ông được chia thành ba lớp riêng biệt, hoặc ba mức độ của ý thức. Tất cả não thức chúng ta như một tảng băng lớn như núi, nổi trên biển. Phần đỉnh nhỏ, nổi trên mặt nước của tảng băng là phần hữu thức (conscious) của chúng ta, qua đó chúng ta thực hiện những hành động xã hội với nhận thức về ý nghĩa của chúng.

Bên dưới phần này, tuy chìm dưới nước nhưng còn thấy được một ít là những gì không quá sâu dưới mặt nước, đó là tiên-ý thức (pre-conscious), và dưới cùng, phần phần lớn nhất chìm sâu, là không-hữu thức (unconscious, vẫn quen dịch là vô thức). Freud tin rằng những hành vi trên bề mặt chúng ta có thể quan sát trong cuộc sống hàng ngày chỉ thực sự phản ánh những xung động cảm xúc sâu xa và những xung đột xảy ra trong phần sau này của não thức.

(Tôi nghĩ, chúng ta cũng có thể gọi cho đơn giản – conscious, pre-conscious, unconscious – là ý thức, tiền-ý thức và không-ý thức. Cõ lẽ giản dị và dễ hiểu hơn những từ nặng nề đầy âm Tàu, mà cũng không rõ nghĩa gì hơn: hữu thức, tiềm thức, vô thức.)

Thế nên, phương pháp phân tích tâm lý là phân tích những hiện tượng tâm lý, cá nhân hay xã hội, bằng cách đi từ phần trên, phần chúng ta ý thức và quan sát được – hữu thức; khởi từ đây thăm dò xuống những phần dấu kín (tiền-ý thức và không-hữu thức), dõi tìm những liên hệ đầu mối những hành vi của chúng ta.

Vì phơi mở được phần không-hữu thức của những hiện tượng này, ý thức được những mong muốn, xung lực của chúng, vốn thường có gốc từ những bản năng của con người, có tác dụng điều trị, chữa những triệu chứng tâm lý bất thường, những bệnh vẫn được gọi là thần kinh. Những kỹ thuật thông thường là: Đánh thức, khơi dậy quá khứ (Anamnesis), Phân tích những hành động vô tình, đột nhiên, hay lời nói hớ (Freudian Slips), phân tích những giấc mơ, phân tích những biểu tượng, hình ảnh trong mơ, những ám ảnh.

[2] neurotics – do neurosis

[3] [xem, thí dụ chương trước, trang xx. Một vài nhận xét về cách xử dụng của Freud về khái niệm ‘psychical inertia’ – ‘quán tính tâm lý’ – trong tổng quát, xem cước chú của người biên tập về Freud, 1915f, Standard Ed., 14, 272.]

[4] Identification: đồng hóa nhân cách – Một người “tưởng” hay “tự nghĩ” mình có những cá tính, phẩm cách hay quan điểm của một người khác, hay nhóm người khác, thường là người mình yêu thích, hay ngưỡng mộ, thần tượng, nên muốn giống như, muốn bắt chước.

Đồng hóa nhân cách là một tiến trình tâm lý vô thức-qua đó một người làm phần nhân tính của họ giống như nhân tính của một người khác. Nên phân biệt đây không phải là bắt chước, vốn là một tác động tự nguyện và hữu thức. Theo Freud – đồng hóa nhân cách – luôn luôn là một tiến trình cấu tạo tâm lý của một người.

Trong Group Psychology and the Analysis of the Ego (1921c), Freud mô tả ba dạng của đồng hóa nhân cách: “Đầu tiên, đồng hóa nhân cách là hình thức ban đầu của kết buộc tình cảm với một đối tượng; thứ hai, trong một cách thoái lui, nó trở nên một thay thế cho một đối tượng-kết buộc về libido, vì nó đã là đường lối kết nạp đối tượng vào trong ego; và thứ ba, có thể xảy ra với bất kỳ nhận thức mới nào về một phẩm chất chung vốn chia xẻ với một số người khác, trong trường hợp này, nhưng người này không phải là đối tượng của bản năng tính dục. (“First, identification is the original form of emotional tie with an object; secondly, in a regressive way it becomes a substitute for a libidinal object-tie, as it were by means of introjection of the object into the ego; and thirdly, it may arise with any new perception of a common quality shared with some other person who is not an object of the sexual instinct” (107-108).).

[5] [xem trang xx trên đây. Cf. cũng nữa ‘“Civilized” Sexual morality’ (1908d), Standard Ed., 9, 199.]

[6] Ideal demands – những đòi hỏi của văn minh (hay văn hóa) buộc người ta phải sống trong một cách thức sao cho nó phụng sự, góp phần vào chức năng “hoàn hảo” của văn minh. Thí dụ – trong xã hội châu Âu, những kêu gọi như “Love thy neighbor as thy self”, hay “Love thy enemies.” Những đòi hỏi lý tưởng, không thực tế này – như Freud phê bình ở trên – chúng đối nghịch, tương phản với tự nhiên, với bản năng tính dục (Eros) và bản năng của cái Chết (Thanatos).

“Love thy neighbor as thy self” – hãy suy nghĩ về câu châm ngôn này mà một tôn giáo đã rất tự hào về nó. Chỗ nào có yêu, chỗ đó sẽ có ghét đi đến; rất nhiều tình cảm con người là luôn luôn hàm hồ, lưỡng lự giữa hai cực – yêu và ghét, và nghiêng về bên này hay bên kia chắc chắn xảy ra, vấn đề chỉ là bao giờ và bao lâu. Và dù oán ghét chỉ trong khoảnh khắc – tai hại có thể vẫn là nghìn năm., chết chóc hủy diệt có thể lf mãi mãi – hay ít nhất hàng thế hệ!

Thê nên, nếu chỗ nào chúng ta nghe tiếng loa kêu gọi yêu thương, có nghĩa là chính chỗ đó vẫn thiếu vắng, hay không có yêu thương giữa tập thế đó, hay ít nhất giữa tập thể đó với ngoài tập thể; nhưng hơn nữa, yêu thương tự nó sẽ dẫn đến hận thù, oán ghét – khái niệm yêu thương tự bản chất sẽ dẫn đến phản đề của nó là không-yêu thương (không xứng đáng được yêu thương, như chúng vẫn nghe). Nếu giữ điều này trong trí, chúng ta sẽ không phải bàng hoàng, sững sờ về sự tàn nhẫn, ác độc, thù hận – như bản chất – của đạo Kitô trong lịch sử bành trướng đẫm máu của nó, từ cổ thời La mã, cho đến xuốt Trung cổ châu Âu, và những thế kỷ gần đây, với chế độ thực dân, chế độ nô lệ, kỳ thị chủng tộc, lập đi lập lại đã 2000 năm nay. Tuy kêu gọi – “Love thy neighbor as thy self” – nhưng tay không bao giờ rời gươm súng.

Chúng ta không phải yêu “kẻ hàng xóm” – Freud đã cho thấy đó là điều vừa không thể (đi ngược lại bản năng bẩm sinh con người) và cũng không nên (hạ thấp tình yêu, làm thành món hàng rẻ mạt) – chỉ đừng ghét họ, và hay nhất là hãy có lòng từ – hãy thương cảm, – hiểu và thương – chúng ta hãy hiểu và thương những người chung quanh là đủ; hiểu họ là những sinh linh có đau khổ tinh thần và thân xác như chính mình, và thương cảm vì họ không thể tránh được những điều đó, vì khổ đau vốn buộc với phận người, vô minh vốn buộc với trí não chật hẹp của loài người. Hiểu và thương đó – hoàn toàn dựa trên thực tại, có thể làm nền tảng cho đạo đức nhân bản, lấy con người làm gốc, ở đây và bây giờ.

[7] [Một ngòi bút lớn giàu trí tưởng tượng có thể tự cho phép ông cung cấp cho diễn tả – nói đùa rằng, ở tất cả những sự kiện – về những sự thật tâm lý vốn bị nghiêm cấm ngặt nghèo. Vì vậy, Heine thú nhận: “Của tôi là một phần cho hoà bình nhất. Những mong muốn của tôi là: một nhà nghỉ mát khiêm tốn với mái tranh, nhưng có giường ngủ tốt, thức ăn tốt, sữa và bơ tươi nhất, có bồn hoa trước cửa sổ của tôi, và một vài cây đẹp trước khi cửa nhà tôi; và nếu Gót muốn làm cho hạnh phúc của tôi toàn mãn, ông sẽ ban cho tôi niềm vui khi nhìn thấy một số sáu hoặc bảy kẻ thù của tôi bị treo cổ trên những cây này. Trước khi họ chết, động lòng cảm động, tôi sẽ tha thứ cho họ tất cả những sai trái mà họ đã làm với tôi trong cuộc đời của họ. Người ta phải, đó là sự thật, tha thứ cho những kẻ thù của mình – nhưng phải không trước khi chúng bị treo cổ “(Gedanken und Einfälle. Section I).]

[8] [Xem Chương V, Tương lai của một Ảo tưởng (1927c)]

Credo quia absurdum est (Lat., “I believe because it is absurd”) cũng còn gọi là nghich lý, hay châm ngôn của Tertullian. Nghĩa đen, “tôi tin, bởi vì nó thì phi lý”: đó là, chính sự không thể có được, hay sự phi lý, hay cps thể gọi là xuẩn lý, của một mệnh đề (chủ yếu là trong thần học Kitô) trở thành một thứ động lực cho niềm tin vào chính nó. Chỉ có các mệnh đề tuyệt đối phi lý mới có sức hút như vậy (với những người sùng đạo, hay mê tín – càng phi lý bao nhiêu mà vẫn càng tin, vì như một thử thách để cho thấy và chứng tỏ lòng mộ đạo, hay mê tín cao vời!).

Sự hy sinh trí tuệ (sacrificium intellectus, thường được nhắc bằng tiếng Ý, sacrifizio dell’intelletto) là một khái niệm gắn với sự sùng đạo Kitô, đặc biệt là với dòng Jesuit. Đây là đòi hỏi thứ ba đối với những người theo dòng này. Chúng ta đứng ngoài – dĩ nhiên gọi là mê tín, cuồng tín.

Freud nêu câu này để nhắc một chiến thuật tuyên truyền quen thuộc của tôn giáo (Kitô) – kêu gọi, đề cao, ẩn trốn sau mặt nạ “đức tin”, nhờ đó tài tình không phải cung cấp những lý do hữu lý đi kèm với những điều gọi là niềm tin của một người, bằng cách nâng điều phi lý lên thành “đức” tin.

[9] nguyên văn tiếng Pháp trong bản dịch tiếng Anh [‘đó là những kẻ sát nhân chúng nên làm tác động đầu tiên’] hay “hãy để cho những kẻ giết người bắt đầu”.

[10] [‘Người là chó sói với người’ – lấy từ Plautus, Asinaria II, iv, 88.]

[11] [Bất cứ ai là người đã nếm trải những khổ đau của sự nghèo đói trong thời thơ ấu và đã có kinh nghiệm về sự lãnh đạm và kiêu ngạo của giới giàu có, phải tránh khỏi không phải có những nghi ngờ là mình không có hiểu biết hoặc không có thiện chí với những nỗ lực để chiến đấu chống lại những bất bình đẳng về của cải giữa con người và tất cả những gì nó dẫn đến.

Để cho chắc chắn, nếu một nỗ lực được thực hiện nhưng đặt cơ sở cho sự đấu tranh này trên một đòi hỏi đấu tranh trừu tượng, nhân danh công lý, cho bình đẳng cho tất cả mọi người, có đó một phản đối rất rõ ràng phải được nêu lên – đó là bản chất, bởi khi đem tặng cho những cá nhân với những cực kỳ bất bình đẳng về những thuộc tính thể chất và về năng lực trí não, đã đem vào những bất công mà không có biện pháp khắc phục chống lại chúng.]

[12] [Xem Tâm lý nhóm và phân tích về Ego (1921c).]

[13] [Xem chương VI của Group Psychology (1921c), Standard Ed., 18, 101, và ‘Cấm kỵ về Trinh Tiết’ (1918a), ibid., 11, 199.]

[14] narcissism of minor differences: Khái niệm của Freud về “the narcissism of minor differences’” – ý tưởng rằng đích xác chỉ là vì những khác biệt thứ yếu giữa các dân tộc, vốn họ nếu không kể chúng, là giống nhau, những khác biệt thứ yếu này đã tạo thành cơ sở cho những xúc cảm xa lạ và có ác cảm với nhau. Khảo cứu đã cho thấy những khác biệt nhỏ nhoi thứ yếu nằm chìm dưới một phạm vi rộng lớn những mâu thuẫn, hiềm khích: từ những hình thức nhẹ của tinh thần làng xóm (campanilismo) đến những nội chiến đẫm máu.

Khái niệm này được các nhà xã hội học như Simmel, Durkheim, Lévi-Strauss khai triển, chủ yếu dùng cắt nghĩa tương quan thù ghét đã phát triển giữa con người hay giữa những nhóm người mà họ có rất nhiều điều giống nhau, chung nhau (đáng lẽ phải thân thiện với nhau, nhưng không).

Chúng ta có thể tìm thấy điều này trong những – nhẹ như diễu cợt, nặng đến hiềm khích – giữa “tâm lý” thấy trong những khác biệt tập tục nhỏ nhặt thấy trong dân chúng các làng sát cạnh nhau ở châu thổ sông Hồng, đến những chuyện nhỏ khác trên một lĩnh vực rộng lớn hơn, Nam v/s Bắc như – ăn phở có kèm với giá hay không – trở đi. Hay ở cùng miền Trung – đằng sau câu “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo, Bình Định nằm co, Thừa Thiên ních hết”. Đó là những narcissism of minor differences; thể hiện qua những bới móc, và khi có cơ hội là làm cho to chuyện những khác biệt thật nhỏ nhặt, để mỉa mai, dè bỉu, … để thỏa mãn lòng tị hiềm (một dạng nổi của bản năng gây hấn) lẫn nhau giữa người Việt.

[15] trong những bản Anh ngữ, có bản không dịch nhưng để tiếng Pháp “la misere psychologique” [Từ tiếng Đức “psychologisches Elend” có vẻ là một lối dịch từ thành ngữ “misère philosophique” của Janet, Freud dùng để mô tả sự không có khả năng về tổng hợp trí não vốn ông gán cho những xáo trộn thần kinh (neurotics)]

[16] [ Cf. Group Psychology and Analysis of the Ego (1921c)]

Sigmund Freud – Văn minh và những Bất mãn từ nó (7)

Văn minh và những Bất mãn từ nó

Sigmund Freud

(1856 – 1939)

Das Unbehagen In Der Kultur (Vienne, 1929).

Civilization and Its Discontents (1930)

(tiếp theo)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.