Mathias kém ngủ. Bảy giờ sáng, anh mặc chiếc áo “pun” và quần nhẹ nhàng lẻn ra ngoài để đến gõ cửa nhà Juliette. Cửa mở toang. Anh thấy cô ta ngồi suy sụp trên chiếc ghế tựa ở giữa ba người cảnh sát đang sục sạo tanh bành căn nhà với hy vọng phát hiện Georges Gosselin ẩn ở chỗ nào đó. Những người khác cũng làm như vậy ở tiệm Tonneau. Những hầm rượu, nhà bếp đều bị lục soát. Mathias đứng, buông thõng hai cánh tay dọc theo thân, đưa mắt nhìn cảnh hỗn độn không tưởng tượng nổi trong một giờ. Leguennec đến vào quãng tám giờ, ra lệnh đi khám soát căn nhà ở Normandie.
– Cô có muốn chúng tôi giúp cô dọn dẹp không? – Mathias hỏi sau khi những viên Cảnh sát đã đi rồi. Juliette lắc đầu và nói: – Không, tôi không muốn gặp những người kia nữa. Họ đã ném Georges cho Leguennec. Mathias xoắn hai bàn tay vào nhau. – Anh có một ngày nghỉ. Chúng ta sẽ không mở cửa tiệm Tonneau – Juliette nói.
– Vậy tôi có thể thu dọn chứ?
– Anh ư? Vâng – Cô nói – Hãy giúp tôi. Trong lúc dọn dẹp, Mathias thử nói chuyện với Juliette giải thích cho cô những sự việc, chuẩn bị tinh thần cho cô, trấn an cô. Việc đó có vẻ làm cô nguôi đi.
– Này – Cô nói – Nhìn kìa: Leguennec dẫn Vandoosler đi. Liệu ông già còn nói gì nữa với ông ta?
– Đừng lo lắng. Nhu thường lệ, ông già sẽ lựa lời. Đứng ở cửa sổ, Marc trông thấy Vandoosler đi với Leguennec. Anh tìm cách để không gặp ông sáng nay. Mathias đang ở nhà Juliette; cậu ấy hẳn lựa lời nói chuyện với cô ta. Anh lên gác gặp Lucien. Rất bận rộn sao chép những trang ở cuốn sổ tay thời chiến số một từ tháng chín năm một nghìn chín trăm mười bốn đến tháng hai năm một nghìn chín trăm mười lăm, Lucien ra hiệu cho Marc dừng gây ồn. Anh quyết định có thêm một ngày nghỉ, hy vọng một cơn cảm cúm trong hai ngày là không đáng tin. Nhìn Lucien mài miệt làm việc với vẻ hết sức thờ ơ với thế giới bên ngoài, Marc tự nhủ thực ra, có lẽ cả anh nữa, làm như vậy là tốt hơn. Chiến tranh đã chấm dứt. Vậy thì lại dóng cày thời Trung cổ của anh, mặc dầu không ai đòi hỏi anh việc này. Làm việc không vì ai cả và không vì việc gì cả, tìm lại những lãnh chúa và nông dân của anh. Marc lại đi xuống và mở những hồ sơ của anh mà không tin chắc. Sẽ có vụ án, thế thôi. Alexandra sẽ không có gì phải lo sợ và sẽ tiếp tục vẫy tay chào anh trong phố. Phải, thế kỷ thứ XI xứng đáng hơn là chờ đợi điều đó. Leguennec chờ đợi được ở trong văn phòng mình, đóng kín cửa để nổi khùng.
– Thế nào? – Ông hét lên – Anh hài lòng về công việc của anh chứ?
– Tàm tạm – Vandoosler nói – Anh bắt giữ tên tội phạm của anh, phải không?
– Tôi sẽ bắt giữ y nếu anh không cho phép y chuồn! Anh đã biến chất, Vandoosler, thối tha! – Chúng ta hãy nói rằng tôi đã để cho y ba giờ để trở lại. Đó là cái ít nhất mà ta có thể đem cho một con người. Leguennec vỗ hai bàn tay lên bàn giấy của ông. – Nhưng mắc dịch, vì sao?
– Ông kêu lên – Cái gã ấy không là gì với anh cả! Tại sao anh làm thế? – Để xem – Vandoosler nói giọng uể oải – Không nên chặn những sự kiện lại. Việc đó luôn là sai lầm của anh.
– Anh có biết thủ đoạn nhỏ nhặt của anh có thể bắt anh phải trả giá không? – Tôi biết điều đó. Nhưng anh sẽ không làm gì chống tôi.
– Anh tưởng thế ư? – Tôi tin như vậy. Bởi vì anh mắc một sai lầm lớn, đó là điều tôi nói với anh.
– Anh không thấy anh ở địa vị không thích đáng để nói tới sai lầm chứ?
– Còn anh thì sao? Không có Marc, anh không bao giờ tạo được mối quan hệ giữa cái chết của Sophia với cái chết của Christophe Dompierre. Và không có Lucien, anh không bao giờ ghép đôi được vụ sát hại hai nhà phê bình và anh không bao giờ nhận dạng được kẻ đóng vai phụ Georges Gosselin.
– Và không có anh, y sẽ ở trong văn phòng này vào giờ này!
– Đúng thế. Ta chơi bài trong lúc chờ đợi nhé? – Vandoosler đề nghị. Một viên phó thanh tra trẻ mở ào cửa ra.
– Anh có thể gõ cửa chứ – Leguennec hét lên.
– Không có thì giờ – Chàng trai tạ lỗi – Có một người muốn gặp ông gấp, vì vụ Siméonidis-Dompierre.
– Vụ này đã xếp lại rồi! Hãy tống cổ gã ra ngoài!
– Trước hết hãy hỏi người đó là ai đã – Vandoosler gợi ý. – Gã đó là ai? – Một chàng trai ở khách sạn Danube cùng thời gian với Christophe Dompierre. Người đã lái xe đi vào buổi sáng mà vẫn không trông thấy thi hài ở bên cạnh.
– Cho anh ta vào – Vandoosler rít răng nói.
– Leguennec ra hiệu và viên phó thanh tra trẻ gọi trong hành lang.
– Sau đây ta sẽ chơi bài – Leguennec nói. Người đàn ông vào và ngồi trước khi Leguennec mời. Anh ta có vẻ quá căng thẳng.
– Về vấn đề gì?
– Leguennec hỏi – Nói nhanh lên. Tôi có một gã trai đang trốn. Tên ông, nghề nghiệp?
– Eric Masson, trưởng phòng Công ty SODECO ở Grenoble.
– Chúng tôi không cần – Leguennec nói – Cái đó để làm gì chứ? – Tôi ở khách sạn Danube – Masson nói – Ngôi nhà này chẳng ra vẻ gì nhưng tôi quen ở đấy vì nó rất gần SODECO ở Paris.
– Chúng tôi không cần – Leguennec nhắc lại. Vandoosler ra hiệu cho ông ta xử sự mềm dẻo hơn nên Leguennec ngồi xuống, mời Masson một điếu thuốc lá và tự mình châm một điếu.
– Tôi nghe ông đây – Ông nói giọng thấp hơn.
– Tôi ở đó trong đêm mà ông Dompierre bị giết. Điều tồi tệ là tôi lái xe đi buổi sáng mà không nghi ngờ gì hết trong khi thi hài ông ta ở ngay cạnh tôi theo người ta sau này cho tôi biết.
– Đúng, thế rồi sao nữa? – Đó là sáng thứ tư. Tôi đi thẳng tới trụ sở SODECO và đỗ xe ở bãi đỗ xe ngầm.
– Chúng tôi cũng không cần – Leguennec nói.
– Không cần sao!
– Masson đột nhiên nổi nóng – Nếu tôi cho ông những chi tiết này thì vì chúng có tầm quan trọng lớn lao!
– Xin lỗi – Leguennec nói – Tôi mệt nhoài rồi. Thế rồi sao nữa?
– Hôm sau, thứ năm, tôi cũng làm như vậy. Đó là lớp tập huấn trong ba ngày. Tôi cho xe vào bãi đỗ ngầm và sau khi ăn tối cùng những người dự tập huấn, tôi trở về khách sạn vào ban đêm. Xe của tôi màu đen, đó là chiếc Renault 19, thùng xe rất thấp. Vandoosler lại ra hiệu cho Leguennec trước khi ông này chỉ nói rằng mình không cần.
– Lớp tập huấn kết thúc chiều hôm qua. Sáng nay tôi chỉ còn việc thanh toán tiền ăn ở khách sạn và trở lại Grenoble không vội vã gì. Tôi lấy xe ra và dừng lại ở ga-ra ô-tô gần nhất để đổ xăng. Đây là ga-ra có những bình bơm xăng ở bên ngoài.
– Hãy bình tĩnh, lạy Chúa – Vandoosler thầm thì với Leguennec.
– Lúc ấy – Masson nói tiếp – kể từ sáng thứ tư, đây là lần đầu tiên tôi đi vòng quanh xe giữa ban ngày để mở bình xăng. Bình xăng được đặt ở bên phải như mọi xe. Chính tại đây, tôi đã nhìn thấy.
– Gì? – Leguennec hỏi, đột nhiên vẻ quan tâm.
– Chữ ghi. Trong lớp bụi ở cửa xe trước bên phải, ở chỗ rất thấp, có câu ghi viết bằng ngón tay. Lúc đầu tôi nghĩ rằng một đứa trẻ đã viết. Nhưng thông thường, những đứa trẻ thường viết lên kính chắn gió và chúng viết chữ “Bẩn”. Lúc ấy tôi ngồi xổm xuống và đọc. Xe của tôi màu đen lại bám bụi nên chữ ghi rất rõ, như viết lên bảng. Thế là tôi hiểu. Chính ông Dompierre ấy đã viết lên xe tôi trước khi chết. Ông ta không chết ngay, phải không? Ngả người về đằng trước, Leguennec thực sự nín thở.
– Không – Ông nói – ông ta chết sau vài phút.
– Vậy thì, nằm dài dưới đất, ông ta có thì giờ sức lực, giơ tay ra và viết, viết lên xe tôi tên kẻ giết ông ta. May sao từ hôm đó, trời không mưa. Hai phút sau, Leguennec gọi người chụp ảnh của Sở Cảnh sát và đi gấp tới phố mà Masson đã đỗ chiếc Renault màu đen và bẩn của ông ta.
– Một chút nữa – Masson chạy đằng sau ông kêu lên – Tôi cho chuyển xe đến phố Lavomatic. Cuộc sống thật không tưởng tượng nổi, phải không?
– Ông điên gàn hay sao mà để một tang chứng như vậy ở ngoài phố? Bất cứ ai cũng có thể xoá chữ do vô ý!
– Ông có nghĩ rằng người ta không cho tôi đỗ xe trong sân sở Cảnh sát của ông chứ. Họ nói rằng đó là việc cấm. Ba người đàn ông quỳ xuống đất trước cánh phải của chiếc xe. Người chụp ảnh yêu cầu họ lùi lại để anh ta có thể chụp ảnh.
– Một bức ảnh – Vandoosler nói với Leguennec – Tôi muốn có một bức ảnh khi có thể.
– Để làm gì? – Leguennec nói.
– Anh không phải là người duy nhất làm về vụ này và anh biết rất rõ điều đó.
– Tôi biết quá rõ. Anh sẽ có một bức ảnh. Hãy ghé qua trong nửa giờ nữa. Quãng hai giờ, Vandoosler về căn nhà tồi tàn bằng tắc-xi. Tốn tiền nhưng từng phút cũng đáng kể. Ông vội vào phòng ăn vắng vẻ và vớ lấy cán chổi luồn không được móc giẻ lau. Ông gõ bảy tiếng thật vang to vào trần nhà. Bảy tiếng có nghĩa là “tất cả những nhà truyền giáo đều phải xuống”. Một tiếng là để gọi Thánh Matthieu, hai tiếng là gọi Thánh Marc, ba tiếng là Thánh Luc, bốn tiếng là gọi chính ông. Bảy tiếng là gọi chung tất cả mọi người. Chính Vandoosler đã nghĩ ra cách này vì mọi người chán ngấy phải bước xuống trèo lên những cầu thang một cách vô tích sự. Mathias trở về sau khi ăn trưa một cách bình thản tại nhà Juliette, nghe thấy bảy tiếng gõ bèn gõ lại cho Marc trước khi bước xuống. Marc gõ dội lại cho Lucien. Lucien bứt ra khỏi việc đọc các cuốn sổ của mình, lẩm bẩm “Lời kêu gọi lên tuyến đầu. Thi hành nhiệm vụ”. Một phút sau, cả ba người đã ở trong phòng ăn. Cái cách gõ cán chổi này quả là có hiệu lực. Ngoài việc làm hỏng trần thì nó không cho phép thông tin với bên ngoài như điện thoại.
– Xong rồi chứ? – Marc hỏi – Người ta đã bắt được Gosselin hoặc hắn tự bắn trước. Vandoosler uống một cốc nước to trước khi nói. – Hãy xem một kẻ vừa bị đâm bằng những nhát dao, ai biết được y sắp chết. Nếu y còn sức và có những cách để lại một lời trối trăng thì y viết gì.
– Tên kẻ sát nhân – Lucien nói.
– Tất cả mọi người đồng ý chứ? – Vandoosler hỏi.
– Đó là sự hiển nhiên rồi – Marc nói. Mathias gật đầu.
– Đúng – Vandoosler nói – Ta nghĩ như các cháu. Ta đã thấy nhiều trường hợp như vậy trong cuộc đời sự nghiệp của ta. Nạn nhân, nếu có thể, nếu biết được, luôn viết tên kẻ sát nhân. Luôn như vậy. Vandoosler vẻ mặt lo lắng, lấy từ túi áo vét chiếc phong bì có đựng chiếc ảnh chụp chiếc xe màu đen và nói tiếp:
– Christophe Dompierre đã viết một cái tên trong lớp bụi ở thùng xe trước khi chết. Cái tên này đã rong chơi trong thành phố Paris trong ba ngày. Chủ nhân chiếc xe cà khổ này chỉ mới phát hiện câu ghi này.
– “Georges Gosselin” – Lucien nói.
– Không – Vandoosler nói – Dompierre đã viết “Sophia Siméonidis”. Vandoosler ném chiếc ảnh lên bàn và ngồi phịch xuống chiếc ghế tựa.
– Người viết vẫn sống – Ông lẩm bẩm. Ba người đàn ông câm lặng, lại gần nhìn bức ảnh. Không một ai trong số họ dám sờ vào bức ảnh như thể họ sợ. Chữ viết của Dompierre để lại yếu ớt, không đều, càng hơn thế vì y phải giơ tay để với tới chỗ thấp ở cửa xe. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa. Y đã viết, trong nhiều lúc, như thu hết tàn lực. “Sophia Siméonidis”. Chữ “a” của từ Sophia hơi trượt, về chính tả cũng vậy. Y đã viết “Sopia” thay cho “Sophia”. Marc nhớ lại Dompierre nói “Bà Siméonidis”. Cái tên này không quen thuộc với vẻ rụng rời, từng người ngồi lặng lẽ, khá xa bức ảnh trong đó trải ra lời buộc tội khủng khiếp màu đen, trắng. Sophia Siméonidis vẫn sống. Sophia giết hại Dompierre. Mathias rùng mình. Đây là lần đầu tiên sự khó chịu và nỗi sợ hãi rơi vào phòng ăn ngay đầu buổi chiều thứ sáu này. Ánh nắng mặt trời lọt qua những cửa sổ nhưng Marc cảm thấy những ngón tay mình lạnh giá và đôi chân anh như có kiến bò. Sophia còn sống, mưu toan giả chết, thiêu đốt một người khác thế chỗ mình, để lại viên đá ba-dan của mình làm vật chứng. Người đẹp Sophia lượn lờ ban đêm trong thành phố Paris, trong phố Chasle, thật gần họ. Người chết vẫn sống. -Gosselin thì sao? – Marc khẽ hỏi.
– Không phải gã – Vandoosler nói vẫn giọng điệu ấy. Dẫu sao, ta đã biết điều đó từ hôm qua.
– Cháu có nhớ hai sợi tóc của Sophia mà Leguennec đã tìm thấy trong thùng xe của Lex hôm thứ sáu mùng bốn không?
– Tất nhiên – Marc nói.
– Những sợi tóc ấy hôm trước không có ở đó. Khi chúng ta biết tin đám cháy ở Maisons-Dlfort hôm thứ năm, ta đã đợi đêm tối để đi đánh hơi từ đầu đến cuối thùng xe. Ta đã giữ cái cần thiết nho nhỏ khá thực tế qua những năm công tác của ta. Từ đó có một máy hút bụi và những chiếc túi nhỏ sạch sẽ. Không có gì trong thùng xe cả, không một sợi tóc, không một đầu móng tay, không một mảnh quần áo mà chỉ có cát và bụi. Ba người đàn ông sửng sốt nhìn chòng chọc Vandoosler. Marc nhớ lại, đó là cái đêm mà anh ngồi ở bậc thang thứ bảy, kiến tạo những phim kính ảnh. ông bác đỡ đầu xuống đi tiểu ở bên ngoài với chiếc túi bằng chất dẻo.
– Đúng thế – Marc nói – Cháu ngỡ bác đi tiểu.
– Bác cũng đi tiểu – Vandoosler nói.
– A đúng – Marc nói.
– Sự việc là – Vandoosler nói tiếp – Khi sáng hôm sau Leguennec cho lấy chiếc xe và ông ta tìm thấy hai sợi tóc đã làm ta thật tức cười, ta có chứng cứ là Alexandra không có liên quan gì đến vụ giết người này. Và chứng cứ là có kẻ nào đó sau ta đã đến đặt những tang vật trong đêm để đẩy cô bé dính dáng vào đó. Và việc đó không thể là Gosselin, vì Juliette khẳng định rằng anh ta chỉ từ Caen trở về vào thứ sáu để ăn trưa. Ta đã cho kiểm tra, xác nhận điều đó là đúng.
– Nhưng vì sao bác không nói gì hết, mắc dịch?
– Bởi vì ta hành động không hợp pháp và ta cần giữ lòng tin của Leguennec. Cũng vì ta thích để cho kẻ sát nhân, dù là kẻ nào, tin rằng những kế hoạch của nó đang tiến hành. Để dây cương vào cổ y, để theo dõi đường đi xem con thú được tự do và tự tin sẽ lại xuất hiện ở đâu.
– Tại sao Leguennec không giữ lấy chiếc xe từ thứ năm?
– Ông ta đã để mất thời gian. Nhưng cháu hãy nhớ lại. Chúng ta đã tin chắc rằng việc phát hiện thi hài Sophia khá muộn trong ngày. Những nghi vấn đầu tiên hướng về Relivaux. Ta không thể hiểu hết, giám sát tất thảy ngay ngày đầu một cuộc điều tra, nhưng Leguennec cảm thấy mình không khá nhanh nhạy. Đó không phải là một kẻ ngu ngốc. Chính vì thế ông ta đã không buộc tội Alexandra. Ông ta không tin vào những sợi tóc ấy.
– Nhưng Gosselin thì sao?
– Lucien hỏi – Tại sao lại yêu cầu Leguennec giám sát anh ta ngay trước mắt nếu các ông tin chắc rằng anh ta vô tội?
– Vẫn thế thôi. Để hành động diễn ra, những sự kiện nối tiếp nhau dồn dập; để xem kẻ sát nhân lợi dụng gì trong chuyện ấy. Cần để hai bàn tay những kẻ sát nhân được tự do để chúng có thể mắc sai lầm. Cháu lưu ý rằng, qua trung gian Juliette, ta đã để Gosselin chuồn đi. Ta không muốn người ta làm hắn bực mình vì chuyện tấn công cũ rích ấy.
– Chính anh ta tấn công ư? – Tất nhiên. Việc đó cho thấy trong đôi mắt của Juliette. Nhưng về những vụ giết người thì không, về việc này Thánh Matthieu, cháu có thể đi nói với Juliette báo cho em trai cô ta.
– Bác tin rằng cô ấy biết anh ta ở đâu ư? – Tất nhiên là cô ấy biết. Chắc chắn ở trên Bờ biển Nice, Toulon, Marseille hoặc trong những vùng lân cận. Sẵn sàng ra đi sang bờ kia Địa Trung Hải ngay tín hiệu đầu tiên với những giấy tờ giả. Cháu cũng có thể nói với cô ta về Sophia Siméonidis. Nhưng mọi người hãy cảnh giác, bà ấy vẫn sống nơi nào đó. Nhưng ở đâu? Ta không có một ý nghĩ nhỏ nhặt nào về việc này. Mathias rời mắt khỏi bức ảnh đen trắng đặt trên mặt bàn gỗ bóng láng rồi nhẹ nhàng ra đi. Vẻ đần độn, Marc cảm thấy mình yếu đuối. Sophia chết. Sophia vẫn sống.
– “Hãy đứng lên hỡi những người chết!” – Lucien lẩm bẩm.
– Vậy là – Marc nói chậm rãi – Chính Sophia đã giết hai nhà phê bình ư? Bởi vì họ hăm hở chống bà ấy, bởi vì họ có cơ làm sụp đổ sự nghiệp của bà ấy chăng? Nhưng không thể có những sự việc như thế! – Với những nữ ca sĩ thì rất có thể có đấy – Lucien nói.
– Bà ta giết cả hai người… Rồi sau này, một người nào đó biết chuyện… và bà ta thích biến mất hơn là bị lôi ra trước toà án hử?
– Không tránh khỏi một người nào đó – Vandoosler nói – Có thể là cái cây ấy. Bà ấy là kẻ giết người nhưng đồng thời mê tín dị đoan, lo sợ, có thể sống trong nỗi ám ảnh là một ngày nào đó hành động của bà ấy bị phát hiện. Cái cây ấy bí mật vào trong vườn của bà ấy có thể đủ làm cho bà ấy hốt hoảng. Bà ấy thấy đấy là một sự đe doạ, bước đầu một sự tống tiền. Bà ấy bảo các cháu đào ở dưới gốc cây. Nhưng cái cây không che giấu gì hết, cũng không có người nào cả. Nó chỉ ở đấy để báo cho bà ấy biết có chuyện gì đó mà thôi. Bà ấy có nhận một lá thư không? Chúng ta không hề biết việc này. Việc còn lại để bà ấy chọn là biến mất. – Bà ấy chỉ còn việc biến mất! Bà ấy không cần thiêu đốt một người nào khác thế chỗ của bà ấy!
– Đúng là điều bà ấy tính làm. Làm như mình bay đi với Stelyos. Nhưng, tất cả phục vụ cho ý đồ chạy trốn của bà ấy, bà ấy đã quên việc Alexandra đến. Bà ấy nhớ lại chuyện này quá muộn và bà ấy hiểu rằng cô cháu gái của mình sẽ phủ nhận việc bà ấy có thể biến mất mà ít ra không đợi cô ta và một cuộc điều tra sẽ mở ra. Bà ấy cần cung cấp một cái xác để được yên thân.
– Còn Dompierre? Thế nào mà bà ấy biết Dompierre điều tra về bà ấy? – Bà ấy hẳn ẩn náu trong căn nhà của bà ấy ở Dourdan trong lúc đó. Chính tại Dourdan, bà ấy đã trông thấy Dompierre đến nhà bố bà ấy. Bà ấy theo dõi ông ta và giết ông ta. Nhưng ông ta đã viết tên bà ấy. Marc đột nhiên kêu lên. Anh sợ, cuống cuồng, run người.
– Không! – Marc kêu lên – Không! Không phải Sophia! Không phải bà ấy! Bà ấy xinh đẹp! Kinh khủng, thật kinh khủng!
– “Nhà sử học không hề được từ chối nghe” – Lucien nói. Nhưng Marc đi ra trong lúc kêu lên với Lucien hãy đi bắt đầu làm với Lịch sử của anh ta và anh chạy vào phố, đôi bàn tay bịt lấy hai tai.
– Đó là một kẻ dễ xúc động – Vandoosler nói. Lucien lại trèo lên phòng mình để quên đi, làm việc. Vandoosler còn lại một mình với bức ảnh. Ông đau ở trán. Leguennec hẳn đang càn quét những khu vực mà những kẻ vô gia cư tụ tập trong đó để tìm kiếm một người đàn bà bị mất tích từ mùng hai tháng sáu. Khi ông chia tay ông ta, một hướng tìm kiếm đã được xác định rõ dưới cầu Austerlitz: Louise, một bà già quen thuộc, một người ru rú ở nhà mà không có sự đe doạ nào có thể lôi bà ra khỏi vòm cầu được gia cố bằng những tấm các tông cũ của bà, rất quen biết vì những tiếng nói như lệnh vỡ của bà ta trong nhà ga Lyon, hầu như vắng mặt tại nơi ở của bà hơn một tuần lễ. Có khả năng là người đẹp Sophia đã đưa bà già đi cùng bà và đã thiêu cháy bà già. Phải, ông đã đau ở trán.