Xách Ba Lô Lên Và Đi – Tập 2: Đừng Chết Ở Châu Phi
9. Lễ hội nhảy bò của người Banna
Hôm sau, ai cũng tròn mắt nhìn thấy một con bé faranji ngồi co ro ở hiên khách sạn Nasa, chân đi đất, người quàng cái chăn to sụ. Đêm qua trời mưa, lều của tôi bị hở nên nước mưa nhỏ tong tong vào trong. Nửa mơ, nửa tỉnh, tôi quay qua bọc laptop và máy ảnh vào trong túi ni lông, rồi lại quay ra ngủ tiếp. Sáng dậy, tôi phát hiện ra tất cả quần áo, giày dép, ba lô của mình đã ướt sũng cả. Tôi phải vào khách sạn xin phơi ké đồ. Chủ khách sạn cho tôi mượn cái khăn choàng vào cho đỡ lạnh. Tomer cho tôi mượn đôi dép to sụ của anh đi tạm. Sonja thì bảo tối tôi vào ngủ cùng phòng với chị
Đã xem xong chợ phiên, tôi tính chuyện tiếp tục lên đường về lại Addis Ababa thì Tomer thì thầm.
– Nếu anh là em, anh sẽ ở lại đợi. Ngày mai có lễ hội nhảy bò của người Banna.
Mặc dù không biết nhiều về khu vực South Omo nhưng tôi đã nói chuyện với đủ người để quan tâm đặc biệt đến nghi lễ này. Người Banna hay còn gọi là người Hamer nổi tiếng với nghi lễ nhảy bò. Thanh niên của bộ tộc này chỉ được công nhận là đàn ông và sẵn sang để lấy vợ khi đã nhảy qua lưng bò. Số lượng bò phụ thuộc vào sự giàu có của gia đình. Vì nghi lễ này chỉ xảy ra trong làng, thời gian của nghi lễ hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của gia đình, nên tự tìm đến mà không có sự trợ giúp của người địa phương thì không khác gì mò kim đáy bể.
– Mình đến xem bằng cách nào?
– Em phải mua vé từ kia kìa – Tomer chỉ đám thanh niên đang chơi bida ở ngoài sân khách sạn.
– Nó diễn ra trong sân vận động hay sân khấu hay sao mà người ta bán vé?
– Không, nó diễn ra trong làng thôi nhưng em phải trả tiền thì người ta mới dẫn em vào.
Thế là tôi lân la đứng ở bàn bida xem mọi người chơi. Một anh chàng hất hàm hỏi tôi:
– Muốn chơi à?
Tôi gật đầu. Bàn nhỏ, lỗ lại rộng, tôi chơi thắng ba ván liền một lúc. Mấy anh chàng hậm hực móc tiền ra trả. Tôi ngăn lại.
– Em không cần tiền. Em muốn mọi người giúp em một việc.
Tôi kể với mọi người về lễ hội nhảy bò. Mấy anh chàng nhìn nhau.
– Cái này sợ khó vì nó được quản lý bởi Hiệp Hội.
– Hiệp hội nào cơ?
– Hiệp hội đó. Cái này là để đảm bảo lợi ích cộng đồng.
“Vớ vẩn”, tôi nghĩ trong đầu. “Thế chẳng hóa ra anh nói lễ hội này tổ chức vì khách du lịch thôi hả? Lễ hội truyền thống, có bán vé hay không thì người ta vẫn tổ chức”. Tôi nghĩ thế nhưng không nói ra.
– Em chỉ cần các anh chỉ chỗ cho em, em tự đến.
– Không được, nó xa lắm, ở tận trong rừng cơ. Em thấy mấy người đội lông chim ở chợ phiên hôm nay không? Để kịp lễ hội chiều mai, họ đã bắt đầu đi bộ được hai tiếng rồi. Chưa kể em chưa biết đường thì chắc chắn sẽ lạc.
– Nếu chạy thật nhanh bây giờ em có bắt kịp nhóm mấy người đó không?
– Em thật là khùng quá!
Bất chợt có ai đó nói tiếng bản địa với mấy người còn lại. Một anh chàng quay sang hỏi tôi.
– Em là bạn của Lidet à?
– Vâng. Lidet cho em mượn lều ngủ trong đồn cảnh sát.
– Vậy thì bọn anh sẽ giúp em như bạn bè. Bạn anh Kusse là anh họ của cậu bé sẽ nhảy bò ngày mai. Em có thể đi cùng bạn anh.
©S.T.E.N.T
Thế là hôm sau, tôi ngồi sau xe máy một anh chàng Banna bặm trợn đầu trọc, da đen trùi trũi, đi qua đường đá, rồi đường đất, rồi đến chỗ chẳng còn đường mà chỉ có thể len lỏi trong rừng. Cho đến khi bị nhiều cây và gai bao vây quá, chúng tôi phải bỏ xe máy lại đi bộ. Như vậy đâm ra lại hay. Thay vì đến lễ hội như khách du lịch mua vé trả tiền, tôi nghiễm nhiên được tiếp đón như khách của cả gia đình. Kusse vừa nói được tiếng Anh, vừa nói được tiếng địa phương bỗng chốc trở thành phiên dịch viên đắc lực của tôi. Người dân ở đây không ai nói được tiếng Anh, thậm chí không nói tiếng phổ thông. Theo một phát ngôn của chính quyền địa phương, trong số 46,532 người Hamer ở khắp thung lũng South Omo, chỉ có sáu người đã học xong cấp hai.
Lúc tôi đến, ở đấy chỉ có khoảng một tá người, tất cả đều đang bận rộn chuẩn bị cho nghi lễ. Xung quanh chẳng thấy bóng dáng ngôi nhà nào nhưng chẳng hiểu mọi người cứ từ đâu tự nhiên xuất hiện. Người thì bổ củi, người thì dựng lửa trại, người thì lụi cụi trong bếp nấu nướng. Gọi đây là làng cũng không đúng, bởi tôi chỉ thấy đúng có ba túp lều. Tôi đoán đây là nơi ở của một đại gia đình. Lều của người Hamer có hình tròn, mái hình nón, làm từ cành cây phủ cỏ và da bò. Mái nhọn rất cao nhưng tường thì rất thấp. Cửa vào bé tý, lùn như tôi cũng phải cúi sát mới vào được, tôi nghĩ, người nào cao cao một chút chắc phải bò mất. Người Hamer là dân du mục. Cứ ở vài tháng là họ lại di chuyển để tìm cỏ mới cho gia súc của mình nên lều rất tạm bợ. Người Hamer không trồng trọt. Họ trao đổi thịt và sữa với các bộ tộc khác để lấy lúa miến (sorghum) và ngô.
Khi công việc chuẩn bị đã hòm hòm, một người phụ nữ bưng đồ ăn từ trong bếp ra. Đồ ăn là lúa miến khô vo tròn lại thành từng hạt như hạt trứng chim trộn với một ít rau xanh. Vì tôi là khách nên mọi người nhiệt tình mời tôi ăn cùng. Tôi ăn thử thì thấy vị nhạt như cám. Đàn ông ngồi quây thành một nhóm, phụ nữ ngồi riêng một nhóm. Thức ăn đựng trong một khay đặt giữa vòng tròn. Họ vừa ăn vừa uống borde – một đồ uống có cồn làm từ lúa miến. Borde được đựng trong một vỏ bầu to gấp đôi đầu người, tât cả truyền tay nhau uống chung. Đến lượt tôi, tôi cũng phải nhắm mắt nhắm mũi mà đưa lên miệng uống, cố gắng không nghĩ đến việc người dân ở đây có bao giờ đánh răng hay không. Bia này nhiều nhưng rất nhẹ. Người ta uống như uống nước lã.
Ăn xong mọi người bắt đầu màn trang điểm. Những người phụ nữ ngồi dưới một gốc cây làm tóc cho nhau. Họ trát đất sét và đất son lên tóc, vo lại thành từng lọn dài ngang lưng tạo thành kiểu tóc hết sức đặc trưng của phụ nữ Hamer. Đất son là để tạo màu cho tóc, màu đỏ như thế mới đẹp. Trời nóng được một lúc là lưng, cổ ai cũng nhoe nhoét mồ hôi trộn đất. Tôi không dám hình dung trời mưa thì sẽ như thế nào. Đàn ông Hamer cũng điệu đà không kém. Họ trang trí tóc mình với những mảnh đất sét nung vẽ nhiều hình trang trí lạ mắt. Tôi bắt gặp một anh chàng tỉ mẩn vẽ sơn lên mặt, tay cầm một mảnh gương vỡ kích cỡ chỉ bằng một con tem. Rõ ràng gương soi là một vật xa xỉ của bộ tộc này. Đàn ông trong làng mặc áo phông (tôi đoán áo phông là thứ du nhập vào làng trong những năm trở lại đây), quây một tấm vải sọc làm váy. Phụ nữ ở đây đều mặc váy làm từ da gia súc, ngoại trừ một số cô gái khoác lên mình những tấm vải màu sắc tươi tắn để tham gia nghi lễ, Đàn ông thường mang theo mình một chiếc gậy và một cái gối làm từ gỗ. Họ chăm sóc tóc rất cẩn thận nên chiếc gối gỗ này là để bảo vệ mái tóc khi đi ngủ. Khi cần thiết, chiếc gối sẽ được sử dụng để làm ghế ngồi. Phụ nữ thường đội trên đầu một chiếc vỏ bầu. Chiếc vỏ bầu này là để che nắng, che mưa, nhưng cũng là để đựng đồ ăn, thức uống. Một người phụ nữ đứng tuổi đưa cho tôi một tấm váy da bò đính vỏ ốc rất đẹp, ý bảo tôi mặc nhưng tôi không dám. Phần vì váy có mùi rất nặng, tôi không biết có chú bọ nào định cư trên đấy không, phần vì váy này lộ ngực. Con gái ở đây không mặc áo ngực nhưng không hiểu sao ngực vẫn tròn triạ, đầy đặn. Tôi nghe nhiều du khách trầm trồ về vẻ đẹp của người Hamer. Đây có lẽ là bộ tộc đẹp nhất thung lũng South Omo. Trai gái đều có khuôn mặt thanh tú, đường nét sắc sảo, dáng người cao ráo, nụ cười thân thiện.
Điều buồn cười là không chỉ tôi thấy người ở đây lạ, mà họ cũng thấy tôi lạ. Họ chắc đã gặp nhiều du khách Châu Âu, nhưng du khách Châu Á thì có lẽ tôi là người đầu tiên. Ai cũng muốn chạm vào tóc tôi. Hôm đấy tôi mặc áo hở vai, để lộ dây áo ngực. Nhiều cô gái xúm xít lại… sờ thử bởi họ chưa nhìn thấy cái gì như thế bao giờ.
©STENT: http://www.luv-ebook.com
Họ còn giật giật đòi tôi… cởi ra để xem thử. Mấy anh chàng trong làng chạy đến xin chụp ảnh cùng tôi. Một anh chàng còn muốn cưới tôi. Tôi đùa:
– Anh có bao nhiêu bò?
Anh lẩm bẩm tính một lúc rồi nói:
– Bò chỉ có ba con, nhưng anh có năm con dê.
Một anh chàng khác chen vào:
– Đừng cưới nó, cưới anh này. Anh có mười con bò cơ.
– Bảo hắn ta tránh ra đi. Em sang Isarel với anh, anh trả em sáu mươi con bò – Tomer đứng gần nghe thấy chen vào. Anh chàng người Banna đặt tay lên ngực mình, rồi vẽ hình trái tim thật to.
Trái tim người Châu Phi đúng là to thật. Tôi yêu người dân nơi đây mất rồi.
9. Nghi lễ nhảy bò
Tiếng tù và cất lên báo hiệu nghi lễ bắt đầu. Những cô gái trẻ trung xinh đẹp vừa đi vừa nhảy múa, hát hò. Những người Hamer từ những ngôi làng khác cũng dần dần xuất hiện khắp bốn phía của khu rừng. Ban đầu chỉ có khoảng năm, sáu cô gái, sau nửa giờ đồng hồ, con số đó đã lên đến hai chục. Tiếng tù và ngân vang và sâu, tiếng bước chân chắc nịch, tiếng vỗ tay rộn rã, tiếng hát hò đầy hoang dã, tất cả hòa quyện vào một không gian rất ảo. Tôi cảm giác như mình đang ở thời kỳ sơ khai của thế giới loài người vậy.
Tiếp theo đó là nghi lễ vô cùng quan trọng nhưng cũng gây tranh cãi không ít từ cái nhìn của người ngoài cuộc: nghi lễ “đánh vợ”. Những người phụ nữ trong gia đình của cậu bé nhảy bò ngày hôm đó sẽ tự nguyện chịu đánh. Mục đích của nghi lễ này chứng tỏ tình yêu và sự hy sinh của người phụ nữ cho cậu bé đó. Người đánh là maza – những người đàn ông đã hoàn thành nghi lễ nhảy bò trước đó. Vật dùng để đánh là những chiếc roi dài và dẻo. Những người phụ nữ khiêu khích maza để họ đánh nhiều và mạnh. Tiếng roi quất trong gió kêu vun vút. Những tấm lưng bắt đầu lấm tấm máu. Vết thương sẽ để lại sẹo cho họ cả đời. Sau này, nếu người phụ nữ cần sự giúp đỡ, họ có thể đưa những vết sẹo này ra để yêu cầu người đàn ông giúp mình, bởi vì người đàn ông mà họ đã phải chịu đánh. Lưng càng nhiều vết sẹo, địa vị của người phụ nữ càng cao trong xã hội Hamer. Những người phụ nữ hết sức tự hào về vết sẹo của mình. Họ nhờ tôi chụp lưng họ, rồi cười khúc khích với nhau khi xem những tấm lưng đầy sẹotrong bức ảnh.
Càng lúc người đến càng đông. Không biết người Hamer ở đâu ra mà nhiều thế. Cuối giờ chiều, số người có mặt ở đó phải đến cả trăm người. Hàng chục chú bò bị lùa ra từ bụi rậm bắt đầu chạy toán loạn, khiến cho mọi người ở đấy được một phen hết hồn, xô nhau chạy. Chỉ những chú bò đực thiến mới được sử dụng ngày hôm đó. Số lượng bò tùy thuộc vào sự giàu có của gia đình. Tôi nghe phong phanh hôm đó gia đình này sử dụng mười bốn chú bò. Những maza nhanh chóng giữ những chú bò ấy lại, ép chúng đứng sát với nhau để giảm thiểu rủi ro. Cậu bé nhảy bò sẽ phải chạy qua chạy lại trên lưng những chú bò bốn lượt tất cả. Khi nhảy cậu bé không được phép mặc gì ngoại trừ một sợi dây buộc chéo trước ngực và cổ để tượng trưng cho tuổi thơ mà cậu đang bỏ lại phía sau. Nếu cậu bị ngã, cậu sẽ không được phép cưới người con gái mình chọn và phải chờ một năm cho đến khi được thử lại. Thất bại trong việc nhảy bò cũng được coi là một điều sỉ nhục đối với gia đình. Nghi lễ diễn ra hết sức nhanh chóng, và thật may mắn, cậu bé hôm đó hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Tiếng hò reo vang dội. Tiếp theo là màn nhảy múa ăn mừng. Người Hamer rất thích ca hát nhảy múa. Tất cả đứng quây thành vòng tròn, thay phiên nhảy. Họ nhảy đúng là nhảy thật: nhún chân, bật người lên cao. Thỉnh thoảng, từng đôi trai gái nhảy điệu tán tỉnh hết sức vui mắt. Chàng trai đuổi theo cô gái, cô gái trốn chàng trai, rồi cả hai cùng bật người lên cao, nhảy. Nhạc được tạo thành bằng tiếng vỗ tay và những câu hò. Một vài anh chàng Hamer chạy đến mời tôi nhảy. Tôi đồng ý. Mỗi lần tôi nhảy là mọi người phá lên cười. Chưa bao giờ tôi thấy bữa tiệc nào vui như thế.
Trời tối, tôi phải về lại Key Afar mà trong lòng cứ tiếc hùi hụi. Bữa tiệc không có dấu hiệu ngừng nghỉ. Tiếng hò hát vang vọng cả một khu rừng. Mùi thịt nướng thơm phưng phức. Cuộc sống của ngưởi Hamer kể ra cũng thật hạnh phúc. Họ không có nhiều tiện nghi, nhưng họ biết trân trọng những gì họ có. Chẳng cần nhạc xập xình, chẳng cần những bộ váy đắt tiền, giữa cánh rừng bao la, họ vẫn có thể tạo cho mình một bữa tiệc đủ để bất cứ ai ở “thế giới văn minh” cũng phải ghen tị.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.