Xử Án Trong Tu Viện

Chương 06: Tào Can Thuật chuyên những điều nghe thấy



Dịch Nhân Tiết đưa tay vuốt râu mà lòng đầy tức giận. Tiếng gọi đến tên ông làm cho vị phán quan lấy làm khó chịu. Nhưng rồi Dịch Nhân Tiết tự an ủi. Có lẽ các vị tu sĩ đã nhắc đến tên mình rồi tiếng vọng vang ra trong ngôi thiền viện có lối kiến trúc kỳ quái này tạo ra một thanh âm kỳ lạ. Dịch Nhân Tiết đứng lại nghe ngóng một lát nhưng tiếng thì thầm bỗng chấm dứt.
Vị phán quan nhún vai một cái, bước đi và hiểu rõ sự lầm lạc của mình. Con đường đi tới phòng chứa vật liệu nằm ở phía bên kia khoảng trống. Dịch Nhân Tiết bước vòng quanh cái giếng và nhìn thấy hành lang phía tay mặt với ba chiếc cửa sổ khá cao.
Từ một cánh cửa hé mở. Dịch Nhân Tiết nghe có tiếng người nói chuyện với nhau.
Ông bước vào. Lại thất vọng. Vị phán quan chỉ nhìn thấy hai vị tu sĩ đang ngồi thu xếp đồ vật trong một cái rương bằng da thuộc. Không thấy bóng Mặc Đức nhưng thấy cái mũ đóng tuồng của hắn, cả cây kiếm dài đã được tra vào bao.
Vị phán quan hỏi vị tu sĩ lớn tuổi:
– Chẳng hay tu sĩ có thấy diễn viên Mặc Đức tới đây không?
– Bẩm quan lớn, không thấy. Chúng con cũng vừa đến nơi đây.
Vị tu sĩ kính cẩn trả lời nhưng xem chừng vị phán quan không mấy ưa thích vẻ mặt dễ ghét của tu sĩ ngồi cạnh tu sĩ lớn tuổi. Người này có đôi vai rộng và nhìn Dịch Nhân Tiết với cặp mắt đầy dị nghị.
Vị phán quan nói bâng quơ:
– Ta muốn tìm Mặc Đức khen ngợi tài múa kiếm của hắn ta. Chỉ có thế thôi!
Dịch Nhân Tiết vội vã trở về phòng riêng. Ông ta nghĩ rằng Mặc Đức đã trở về phòng dành cho các diễn viên, nếu vậy thì Tào Can đã có mặt ở đó để theo dõi, quan sát hành vi của hắn.
Khi Dịch Nhân Tiết bước đến cửa phòng của ông thì ông đã cảm thấy thấm mệt. Một gia nhân ra mở cửa. Các gia nhân khác lăng xăng lo dọn bữa ăn. Dịch Nhân Tiết bước vào phòng ngủ, nhận thấy ba thiếp đang chơi cờ. Cả ba đứng dậy đón chào đức lang quân.
Người thiếp thứ nhất vui vẻ.
– Đức lang quân về vừa đúng lúc. Xin hãy chơi một ván rồi lại dùng cơm sau.
Vị phán quan rất thích chơi cờ tướng. Đưa mắt nhìn xuống một cách thèm thuồng vào các quân cờ, ông ta nói:
– Ta hơi bực mình một chút vì không thể dùng cơm ở nhà được. Ta phải dự bữa tiệc do hoà thượng trụ trì khoản đãi. Một vị nguyên quốc tử giám có mặt trong thiền viện cũng dự bữa tiệc này. Ta không thể nào không tham dự được.
Người thiếp thứ nhất than:
– Ồ! Nếu vậy chắc thiếp phải đến thăm xã giao phu nhân của ông ấy.
– Không phải làm việc đó vì ông ta goá vợ. Chính ta phải thân hành đến thăm ông ta trước khi bữa tiệc khai diễn. Thôi hãy sửa soạn cân đai áo mũ cho ta.
Vị phán quan hắt hơi mạnh.
Người thiếp thứ nhất lại lên tiếng:
– Thiếp khỏi phải đi thăm viếng ai. Quả là một dịp may. Nhưng rất tiếc là đức lang quân lại phải ra đi trong lúc này. Dường như chàng còn bị cảm nặng. Trông mắt chàng còn đỏ ngầu.
Người thiếp thứ ba mở rương quần áo lấy ra một cái áo dài gấm màu xanh, rồi nói:
– Xin chàng để thiếp lấy vỏ cam làm thuốc dán cho chàng. Thiếp chắc chắn là nếu chàng giữ được cái băng vỏ cam này quanh đầu, chàng sẽ hết cảm ngay.
– Nhưng làm thế nào mà ta giữ được cái băng đó quanh đầu trong lúc ta ngồi dự tiệc với thiên hạ.
– Cứ dấu khéo vào trong cái mão, thiếp tin rằng chẳng có ai trông thấy được.
Vị phán quan lẩm bẩm vài tiếng, nhưng người thiếp thứ ba đã nắm sẵn một nhúm vỏ cam khô lấy từ một cái hộp đựng thuốc và bỏ vỏ cam vào một chén nước sôi. Khi các vỏ cam đã thấm nước, người thiếp thứ hai lấy một miếng lụa, bỏ vỏ cam vào và cả hai nàng loay hoay cột giải lụa trong đựng vỏ cam bao lấy đầu Dịch Nhân Tiết.
Người thiếp thứ nhất sửa lại chiếc mão cho chồng rồi nói:
– Hãy xem! Có ai thấy gì đâu nào!
Dịch Nhân Tiết ngỏ lời cảm ơn cả ba thiếp và cho biết sẽ trở về ngay khi bữa tiệc vừa chấm dứt.
Ra khỏi cửa, vị phán quan còn quay lại dặn đám gia nhân:
– Hãy gài chốt cửa lại cẩn thận. Chỉ mở cửa khi đã biết rõ danh tánh của người xin vào. Trong tu viện này có đủ hạng người đấy!
Dịch Nhân Tiết bước qua phòng bên. Tào Can chờ đón sẵn từ lâu.
Sau khi ra lệnh cho gia nhân đem trà cho cả ba thiếp, vị phán quan ra lệnh cho Tào Can ngồi xuống bên cạnh và nói nhỏ:
– Mặc Đức đã rời khỏi phòng chứa vật dụng trước khi ta đến đó. Vậy hắn ta có trở lại căn phòng dành riêng cho các diễn viên không?
– Bẩm quan lớn, không thấy hắn trở lại. Có lẽ hắn ta còn đi lang thang trong thiền viện. Nhưng khi phán quan vừa bước ra thì nàng Ngẫu Dương đến. Một khi không son phấn thì trông nàng không giống nàng Mai Quế chút nào cả. Mặc dù nàng có một khuôn mặt hình bầu dục và có lắm nét hao hao giống như Mai Quế. Cũng có thể thiếu nữ mà chúng ta đã gặp ở hành lang là Mai Quế chăng?
Nếu quan lớn nhớ lại thì giọng nói của thiếu nữ đó êm dịu và nhẹ nhàng còn giọng nói của Ngẫu Dương hơi khàn khàn một chút. Thiếu nữ mà chúng ta gặp ở hành lang có thân hình xương xương một chút. Đó là theo lời của một người có dáng dấp đàn bà tên là Ma Chương đã nói ra.
– Nhưng thiếu nữ mà ta gặp ở hành lang mang cánh tay trái nép vào mình như Ngẫu Dương kia mà! Mà người đàn bà đó còn có nói thêm gì nữa không?
– Người ấy rất ít nói. Bà ta chỉ lên tiếng khi tôi bắt đầu ca ngợi nàng Đinh đã vũ rất giỏi. Khi tôi nhắc đến thi sĩ Tùng Lập thì bà ta chê bai Tùng Lập ra mặt.
Dịch Nhân Tiết nổi giận:
– À! Bọn người này ngạo mạn thật! Vậy nhà ngươi có biết gì về Mặc Đức không?
– Đó là một thanh niên bất thường tính. Hắn theo đoàn trong một hai tháng rồi lại biến mất. Hắn luôn luôn đóng vai phản trắc. Quan Lai nói rằng chính vai đó cũng làm thay đổi tính tình của con người. Theo tôi hiểu thì Mặc Đức say mê nàng Đinh nhưng thiếu nữ này lại không thích hắn.
Hắn lại ghen với Ngẫu Dương vì hắn cho rằng hai thiếu nữ này đối với nhau với một mối tình khác hơn là tình bạn. Chính thi sĩ Tùng Lập đã diễn tả mối tình đó trong bài thơ hắn ta ứng khẩu. Quan Lai nhận xét là Mặc Đức đã thiếu thận trọng trong buổi diễn vừa rồi khi đưa lưỡi kiếm quá gần nữ diễn viên cùng đóng chung với mình.
Quan Lai cũng cho biết Ngẫu Dương không sợ ai cả vì đã có con gấu như một tên nô lệ đắc lực cho nàng. Con vật đó cũng giống như một con chó to và dữ, chỉ biết vâng lời bằng dấu hiệu một ngón chỉ tay hay bằng một cái liếc mắt… Nhưng con vật cũng rất dễ nổi cáu, chỉ có một mình Ngẫu Dương là dám tiến lại gần nó mà thôi.
Dịch Nhân Tiết lắc đầu:
– Thật là lắm bí ẩn. Nếu như thiếu nữ mà chúng ta gặp ở hành lang là nàng Mai Quế hay Ngẫu Dương đi nữa, cả hai đều sợ Mặc Đức vì hắn ta là một tay nguy hiểm. Và nếu vậy thì ăn hợp với cảnh tượng mà ta thấy qua cửa sổ. Chắc chắn hắn chính là Mặc Đức rồi. Nhưng hắn đã quần thảo với nạn nhân nào? Bây giờ công việc của chúng ta là hãy kiểm điểm số phụ nữ hiện diện tại đây đã.
– Bẩm quan lớn, tôi không dám nói đến người lạ mặt có cánh tay trái xếp sát vào mình đó là ai nhưng tôi nghĩ rằng số phụ nữ ở đây gồm có vợ Quan Lai, hai nữ diễn viên, bà Bảo Mẫu và cô Mai Quế, chắc không còn có ai thêm nữa.
Dịch Nhân Tiết chậm rãi:
– Nhà ngươi nên biết là chúng ta mới chỉ biết một phần rất nhỏ tất cả những gì ở ngôi thiền viện này. Có ai biết những gì đã xảy ra ở những nơi khác mà công chúng không thể nào tìm ra cửa để vào nơi đó không. Mà chúng ta cũng không có hoành đồ của ngôi thiền viện.
Nhưng bây giờ ta phải đến viếng thăm đạo sĩ Tuyên Minh đã. Nhà ngươi hãy trở lại dò xét thêm bọn diễn viên. Đặc biệt là phải để ý đến Mặc Đức. Đeo sát hắn. Bám lấy hắn suốt cả bữa tiệc. Chốc nữa, ta sẽ gặp lại nhà ngươi.
Một chú tiểu đợi ở hành lang. Bên ngoài, mưa gió vẫn chưa dứt. Những giọt mưa theo gió đập mạnh vào những tấm liếp bằng tre bắn tung toé lên chiếc áo đại lễ của vị phán quan nhưng ông ta không một chút lưu ý…
Dịch Nhân Tiết quay lại hỏi chú tiểu:
– Như vậy thì ta có phải đi qua ngọn tháp nằm ở phương Tây không?
Chú tiểu lễ phép:
– Bẩm quan lớn. Khỏi cần. Chúng ta đi qua trên ngọn tháp.
Dịch Nhân Tiết lẩm bẩm:
– Lại còn tam cấp nữa sao?…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.