1Q84 - Tập 2

Chương 17: Lôi con chuột ra – P2



“Đúng, đúng. Về sau tôi mới biết. Cái thứ gọi là hội chứng thiên tài ấy. Có những người sở hữu tài năng thiên phú như thế, nhưng hồi ấy thì ai biết đâu. Người ta cho rằng nó bị thiểu năng trí tuệ hay gì đó, một thằng bé đầu óc chậm chạp nhưng lại có đôi bàn tay khéo léo biết điêu khắc. Nhưng không hiểu sao nó chỉ khắc chuột thôi. Nó có thể khắc ra những con chuột rất đẹp, nhìn từ góc nào cũng thấy sống động như thật. Nhưng ngoài chuột ra nó không khắc gì khác. Mọi người muốn nó khắc những loài vật khác, ngựa hoặc gấu chẳng hạn, thậm chí họ còn dẫn nó vào vườn bách thú xem nữa. Nhưng nó chẳng hề tỏ ra hứng thú với những con vật khác. Thế là mọi người cũng chán, cứ mặc cho nó khắc toàn chuột là chuột. Thằng bé ấy khắc những con chuột đủ hình dáng, đủ kích cỡ, đủ tư thế. Kể cũng lạ thật. Bởi trong cô nhi viện ấy vốn chẳng có con chuột nào hết. Lạnh lắm, vả lại có gì ăn được đâu. Nơi ấy quá nghèo ngay cả với loài chuột. Không ai hiểu được tại sao thằng bé ấy lại bị chuột ám ảnh như thế… Tóm lại, những con chuột mà nó khắc trở thành đề tài cho người ta bàn tán, còn được đăng lên báo địa phương, thậm chí có người còn muốn bỏ tiền ra mua. Viện trưởng của cô nhi viện, một cha xứ Thiên Chúa giáo, đã mang những con chuột gỗ đó đến một cửa hàng thủ công mỹ nghệ, bán cho khách du lịch, kiếm về được một khoảng kha khá. Tất nhiên, tiền chẳng bao giờ về tay thằng bé cả. Tôi không biết họ đã dùng tiền vào việc gì, nhưng chắc là đám người đứng đầu cô nhi viện bỏ túi hết. Tất cả những gì thằng bé nhận được là mấy con dao khắc và gỗ để tiếp tục tạc tượng chuột trong xưởng. Tất nhiên nó được miễn không phải làm việc nặng ngoài đồng, chỉ cần một mình ngồi tạc tượng chuột trong khi cả bọn chúng tôi đi làm. Đối với nó như thế là hạnh phúc lắm rồi.”

“Về sau chuyện gì xảy ra với anh ta?”

“Tôi cũng không biết. Tôi trốn khỏi cô nhi viện năm mười bốn tuổi và sống một mình từ đó đến giờ. Ngay sau khi ra khỏi đó, tôi chạy thẳng lên tàu trở về đảo chính, rồi không bao giờ đặt chân đến Hokkaido nữa. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy thằng bé ấy, nó vẫn đang còng lưng ngồi trước bàn, cần mẫn khắc mấy con chuột gỗ. Những lúc như thế, có nói gì nó cũng không nghe thấy. Vì vậy ngay cả một lời tạm biệt chúng tôi cũng không nói với nhau. Nếu chưa chết, có lẽ giờ này nó vẫn đang tiếp tục khắc chuột gỗ ở đâu đó. Ngoài việc ấy nó có biết làm gì khác đâu.”

Aomame im lặng, đợi anh ta nói tiếp.

“Đến giờ tôi vẫn thường hay nhớ đến nó. Cuộc sống ở cô nhi viện thảm lắm. Thức ăn không đủ, chúng tôi thường xuyên bị bỏ đói. Mùa đông lạnh muốn chết, công việc thì nặng nề khắc nghiệt. Đứa lớn bắt nạt đứa bé một cách tàn nhẫn. Thế nhưng, dường như nó không cảm thấy cuộc sống ở đó gian khổ gì cả. Hình như nó chỉ cần được cầm con dao, một mình khắc chuột gỗ là đã thoả mãn lắm rồi. Nếu có ai lấy mất con dao khắc của nó, nó sẽ phát điên lên. Ngoài điểm này ra thì nó rất lành, không gây phiền phức cho ai, chỉ cắm cúi lặng lẽ khắc chuột gỗ. Nó cầm khúc gỗ trên tay nhìn chằm chằm một lúc lâu, cho đến khi nhìn ra được bên trong đó đang ẩn nấp con chuột gì, tư thế như thế nào. Nó mất khá nhiều thời gian mới nhìn ra được điều đó, nhưng một khi đã thấy thì việc còn lại của nó chỉ là vung dao lên lôi con chuột ra khỏi khúc gỗ mà thôi. Nó thường nói: ‘Lôi con chuột ra,’ và con chuột bị nó lôi ra ấy trông cứ như sắp sửa chạy vèo đi vậy. Thằng bé cứ không ngừng giải phóng những con chuột tưởng tượng bị giam cầm trong các khúc gỗ.”

“Còn anh là người bảo vệ thằng bé.”

“Đúng vậy. Không phải tôi chủ động muốn làm thế, mà là bị đặt vào vị trí đó. Đó là vị trí của tôi. Và một khi cô tiếp nhận một vị trí nào đó thì dù xảy ra chuyện gì cô cũng phải giữ lấy. Đây là quy tắc. Chẳng hạn, nếu có đứa giật con dao khắc của thằng bé ấy, tôi sẽ xông lên đánh ngã nó. Ngay cả khi đối phương lớn hơn hay to khoẻ hơn, hoặc không chỉ có một đứa, tôi cũng phải đánh ngã bọn đó. Dĩ nhiên cũng có lúc tôi bị chúng nó đập tơi bời, rất nhiều lần là đằng khác. Nhưng đây không phải là chuyện thắng thua. Dù thắng hay thua, tôi cũng luôn giành lại được dao khắc về cho nó. Đó là cái chính. Cô hiểu không?”

“Tôi nghĩ là hiểu,” Aomame nói, “Nhưng rốt cuộc anh vẫn bỏ thằng bé đó lại.”

“Vì tôi phải sống tiếp. Tôi không thể mãi mãi ở bên cạnh trông chừng nó được. Tôi không dư dật đến thế. Lẽ dĩ nhiên thôi.”

Aomame lại xòe bàn tay phải ra, nhìn chăm chú.

“Có mấy lần tôi thấy anh cầm một con chuột nhỏ bằng gỗ trên tay. Của thằng bé đó làm phải không?”

“Phải. Đúng thế. Nó làm cho tôi một con nho nhỏ. Tôi mang theo lúc trốn khỏi cô nhi viện. Đến giờ vẫn giữ bên mình.”

“Anh Tamaru, tại sao anh lại nói những chuyện này với tôi? Tôi cảm thấy, anh hoàn toàn không phải loại người không dưng lại đi nói về bản thân mình.”

“Một trong những điều tôi muốn nói là đến giờ tôi vẫn thường nhớ đến nó,” Tamaru đáp. “Không phải tôi mong được gặp lại nó hay gì. Tôi không hề muốn gặp lại nó. Giờ có gặp lại nhau cũng chẳng biết nói gì. Chỉ là, ừm, hình ảnh nó tập trung hết tinh thần ‘lôi con chuột ra’ khỏi khúc gỗ, cho đến giờ vẫn in sâu trong đầu tôi một cách sống động, là một trong những cảnh tượng trong tâm trí quan trọng nhất đối với tôi. Nó dạy tôi điều gì đó, hoặc cố dạy tôi điều gì đó. Con người ta cần những thứ như thế để tiếp tục sống, những cảnh tượng trong tâm trí có ý nghĩa với họ, cho dù họ không thể giải thích bằng lời. Ở chừng mực nào đó, có thể nói chúng ta sống chính là để tìm cách giải thích những thứ ấy. Tôi nghĩ như thế.”

“Ý anh là, chúng giống như nền tảng cho sự sống của chúng ta?”

“Có lẽ.”

“Tôi cũng có những cảnh tượng trong tâm trí như thế.”

“Cô nên trân trọng chúng.”

“Tôi sẽ trân trọng,” Aomame nói.

“Có một chuyện nữa mà tôi muốn nói, đó là tôi sẽ dốc hết khả năng mình để bảo vệ cô. Nếu cần thiết phải đánh ngã ai đó, cho dù kẻ ấy là ai, tôi cũng sẽ đập bẹp hắn. Thắng hay thua, tôi cũng sẽ không bỏ rơi cô.”

“Cám ơn anh.”

Mấy giây yên lặng.

“Mấy ngày này cô đừng ra khỏi căn hộ đó. Nhớ kỹ, chỉ cần bước ra một bước, bên ngoài là rừng rậm nguyên sinh. Cô biết chưa?”

“Biết rồi,” Aomame đáp.

Đầu bên kia gác máy. Khi đặt ống nghe xuống, Aomame mới nhận ra, nãy giờ mình nắm nó chặt đến mức nào.

Aomame nghĩ, có lẽ Tamaru muốn truyền đạt đến mình rằng giờ đây mình đã là một thành viên không thể thiếu trong gia tộc của họ, và mối nối khi đã hình thành thì không gì có thể cắt lìa được nữa. Mình và họ được kết nối với nhau bằng mối quan hệ huyết thống nhân tạo, có thể nói vậy. Aomame muốn cảm ơn Tamaru vì anh ta đã truyền đạt thông điệp ấy. Có lẽ anh ta cảm nhận được, đây là thời điểm đau khổ của Aomame. Chỉ khi coi Aomame như một thành viên trong gia tộc, anh ta mới bắt đầu chia sẻ vài bí mật của mình với nàng.

Thế nhưng, nghĩ đến chuyện mối quan hệ gắn kết mật thiết này chỉ có thể hình thành thông qua bạo lực, Aomame lại càng thấy khổ sở khó mà chịu đựng. Mình và Tamaru chỉ có thể chia sẻ những cảm xúc sâu lắng nhất khi mình ở trong hoàn cảnh đặc biệt này: mình vi phạm pháp luật, giết người hàng loạt, giờ đây bị người ta truy đuổi, có khi còn chết lúc nào chẳng hay. Nếu không có chuyện giết người thì liệu một mối quan hệ như vậy có thể hình thành được không? Nếu mình không đứng ngoài vòng pháp luật thì mối dây tin cậy này liệu có thể có được không? Sợ rằng rất khó.

Nàng vừa uống trà vừa xem tin tức trên ti vi. Không có tin gì về vụ ngập nước ở ga tàu điện ngầm Akasaka-Mitsuke nữa. Sau một đêm, nước đã rút, tàu điện đã trở lại hoạt động bình thường, chuyện này đã trở thành tin cũ. Còn cái chết của lãnh tụ Sakigake vẫn chưa được mọi người biết đến. Chỉ một nhóm nhỏ người biết được sự thực này mà thôi. Aomame hình dung ra cảnh thi thể người đàn ông to lớn ấy bị nhiệt độ cao thiêu đốt. Tamaru nói, sẽ cháy rụi không còn khúc xương nào. n huệ hay đau khổ đều không còn liên quan gì nữa, tất cả sẽ hoá thành làn khói hoà tan vào bầu trời đầu thu. Trong óc Aomame thoáng hiện hình ảnh làn khói và bầu trời ấy.

Có tin về sự biến mất của tác giả cuốn sách bán chạy Nhộng không khí, một thiếu nữ mười bảy tuổi. Fukaeri hay Fukada Eriko, mất tích đã hơn hai tháng nay. Cảnh sát đã nhận được yêu cầu tìm kiếm từ phía người giám hộ của cô và đang tiến hành điều tra cẩn trọng, song trước mắt chưa tìm ra manh mối gì, phát ngôn viên nói vậy. Trên màn hình hiện lên cảnh Nhộng không khí chất cao như núi trong hiệu sách, và một tấm áp phích có chân dung nữ tác giả xinh đẹp dán trên tường cửa hiệu. Một cô nhân viên trẻ tuổi được đài truyền hình phỏng vấn: “Giờ cuốn sách vẫn bán chạy phát kinh lên được. Tôi cũng mua về đọc rồi. Trí tưởng tượng rất phong phú! Hấp dẫn lắm! Hy vọng họ mau chóng tìm thấy Fukaeri.”

Bản tin không đề cập đến mối quan hệ giữa Fukaeri và Sakigake. Các phương tiện truyền thông thường cảnh giác cao độ khi nhắc đến các đoàn thể tôn giáo.

Tóm lại, Fukada Eriko đã mất tích. Cô đã bị cha ruột mình cưỡng hiếp năm lên mười tuổi. Nếu chấp nhận cách nói của ông ta thì họ đã giao hợp một cách đa nghĩa. Và thông qua hành vi ấy, họ đã dẫn Người Tí Hon vào bên trong ông ta. Ông ta nói thế nào ấy nhỉ? Đúng rồi, họ là Người Cảm tri và Người Tiếp thụ. Fukada Eri là “Người Cảm tri” còn cha cô là “Người Tiếp thụ”. Thế rồi người đàn ông đó bắt đầu nghe thấy những giọng đặc biệt. Ông ta trở thành người đại diện của Người Tí hon và giáo chủ của đoàn thể tôn giáo Sakigake. Sau đó cô rời khỏi giáo đoàn và, như một lực lượng chống lại Người Tí Hon, cô cộng tác với Tengo viết một tiểu thuyết tên là Nhộng không khí nay trở thành sách bán chạy. Và lúc này đây, vì một lý do nào đó, Fukaeri biến mất, cảnh sát đang tìm cô.

Còn mình, tối qua mình đã sử dụng chiếc dùi đục nước đá đặc chế sát hại lãnh tụ của Sakigake, cha của Fukada Eriko. Người trong giáo đoàn đã vận chuyển xác ông ta ra khỏi khách sạn và bí mật “xử lý” nó. Aomame không thể tưởng tượng được khi Fukada Eriko nhận được tin cha chết, cô sẽ tiếp nhận chuyện ấy như thế nào. Mặc dù đó là cái chết mà bản thân ông ta mong đợi, một cái chết “nhân đạo” không đau đớn, nhưng dù sao thì cũng chính tay mình đã kết liễu sinh mạng một con người. Tuy rằng cuộc sống của một người xét về bản chất là một dạng tồn tại cô độc, nhưng nó lại không cô lập. Nó luôn kết nối với những thể sống khác ở đâu đó, và rõ ràng mình phải chịu phần nào trách nhiệm về điều này.

Tengo cũng có liên quan mật thiết với loạt sự kiện này. Cha con nhà Fukada đã lên kết mình và anh ấy với nhau. Người Cảm tri và Người Tiếp thụ. Tengo giờ đang ở đâu? Đang làm gì? Anh ấy có liên quan gì đến sự mất tích của Fukada Eriko? Lúc này hai người họ đang bắt cặp hành động ư? Bản tin trên ti vi dĩ nhiên không hề nhắc đến vận mệnh của Tengo. Trước mắt, dường như vẫn chưa ai biết anh ấy mới là tác giả thực sự của Nhộng không khí. Nhưng mình thì biết.

Có vẻ như mình và anh ấy đang rút ngắn khoảng cách lại, từng chút một. Vì một nguyên do nào đó mình và Tengo đã bị đưa vào thế giới này, như bị một vòng xoáy khổng lồ hút vào trong, dần dần tiến lại gần nhau. Có thể đó là một vòng xoáy chết người. Song, như Lãnh Tụ đã ám chỉ, nếu không phải ở một nơi chết người như vậy thì mình và Tengo sẽ chẳng bao giờ gặp nhau. Cũng như một số dạng liên hệ thuần túy được tạo ra nhờ bạo lực vậy.

Nàng hít một hơi sâu. Sau đó nàng vươn tay ra với lấy khẩu Heckler & Koch, độ cứng của báng súng khiến nàng cảm thấy yên tâm. Nàng nhét họng súng vào miệng, tưởng tượng ra cảnh ngón tay mình lẩy cò.

Một con quạ lớn bay lên ban công, đậu trên lan can, kêu váng mấy tiếng cụt ngủn. Trong một thoáng, Aomame và con quạ đen quan sát nhau qua ô cửa kính. Con quạ chuyển động đôi mắt vừa to vừa sáng ở hai bên đầu, chăm chăm nhìn cử động của Aomame trong nhà, chừng như hiểu ý nghĩa của khẩu súng lục trên tay nàng. Quạ là loài vật thông minh. Chúng hiểu khối kim loại đó có ý nghĩa rất quan trọng. Không biết tại sao, nhưng chúng hiểu.

Sau đó con quạ đột nhiên đập cánh bay vút đi, cũng đường đột như lúc nó đến. Dường như nó muốn nói: những gì cần xem thì đã xem đủ rồi. Sau khi con quạ bay đi, Aomame đứng dậy tắt ti vi, rồi thở dài, thầm hy vọng con quạ đó không phải gián điệp của Người Tí hon phái tới.

Aomame thực hiện một bài tập giãn cơ trên tấm thảm trong phòng khách. Nàng dành khoảng một tiếng đồng hồ giày vò các cơ bắp, trải qua quãng thời gian ấy với cảm giác đau đớn vừa phải. Nàng lần lượt triệu tập từng nhóm cơ một, nghiêm khắc tra khảo chúng. Tên, chức năng vào tính chất của từng nhóm cơ đều đã khắc sâu vào tâm trí Aomame. Nàng không bỏ qua một cơ bắp nào. Mồ hôi đổ túa khắp người nàng, phổi và tim hoạt động hết công suất, ý thức chuyển sang một kênh khác. Aomame lắng nghe tiếng máu chảy trong cơ thể, đón lấy những thông điệp không lời của các cơ quan nội tạng phát ra. Các cơ trên mặt nàng vặn vẹo dữ dội như ở một diễn viên diễn trò biến đổi gương mặt, trong khi nàng đang nhai nát những thông điệp ấy.

Sau đó nàng đi tắm dưới vòi sen, xối sạch mồ hôi. Nàng đứng lên cân, để cho chắc rằng thể trọng mình không tăng giảm quá nhiều. Soi mình trước gương, để xác nhận lại rằng kích cỡ bầu vú và hình dạng khóm lông mu không biến đổi, nàng vặn vẹo khuôn mặt dữ dội. Đó là nghi thức mà nàng thực hiện mỗi sáng sớm.

Ra khỏi phòng tắm, Aomame thay bộ đồ thể thao cho tiện hoạt động. Sau đó, để giết thời gian, nàng lại kiểm đếm mọi đồ vật trong nhà một lần nữa. Bắt đầu từ gian bếp: ở đây chuẩn bị thực phẩm gì, có những bộ đồ ăn gì, đồ bếp có những gì, nàng đều lần lượt ghi nhớ vào trong óc. Với lượng thực phẩm dự trữ như vậy, nàng vạch ra kế hoạch nấu nướng và ăn theo thứ tự thế nào. Theo ước tính của nàng, cho dù không ra khỏi nhà nửa bước, ít nhất nàng có thể sống mười ngày ở đây mà không lo bị đói. Nếu cẩn thận tiết kiệm, nàng có thể trụ được đến hai tuần. Không ngờ họ lại chuẩn bị nhiều thực phẩm đến thế.

Sau đó nàng cẩn thận kiểm tra các món đồ không phải thức ăn. Giấy vệ sinh, giấy ăn, nước giặt, túi đựng rác. Không thiếu thứ gì. Công việc mua sắm đã được thực hiện cực kì chu đáo. Hẳn phải có bàn tay phụ nữ tham gia công việc chuẩn bị này – trong đó có thể nhận ra sự chu toàn và tỉ mỉ của một người nội trợ giàu kinh nghiệm. Người đó đã tính toán chặt chẽ từng li từng tí xem một phụ nữ đơn thân ba mươi tuổi khoẻ mạnh sống ở đây một thời gian ngắn thì cần thứ gì, cần bao nhiêu. Đàn ông không làm được việc này. May ra, một người đàn ông đồng tính vốn cẩn thận lại có khả năng quan sát nhạy bén thì có thể.

Trong tủ âm tường ở phòng ngủ, các thứ như ga trải giường, chăn bông, vỏ chăn và gối dự phòng đều đủ cả. Món nào cũng toả mùi mới tinh, toàn bộ đều trắng tuyền. Mọi trang trí đều bị loại trừ triệt để. Ở nơi này, gu thưởng thức và cá tính bị coi là những thứ không cần thiết.

Trong phòng khách ti vi, đầu video và một bộ dàn âm thanh stereo cỡ nhỏ, có cả máy quay đĩa và đầu cát xét. Trên bức tường đối diện cửa sổ có một tủ buýp phê cao ngang hông bằng gỗ, Aomame cúi người mở cửa tủ ra xem thì thấy bên trong xếp khoảng hai mươi cuốn sách. Ai đó đã làm hết sức mình để Aomame không thấy buồn chán trong khoảng thời gian ẩn trốn tại đây. Tất cả đều là sách bìa cứng mới tinh, không có vẻ gì là đã được mở ra đọc. Hầu hết là các đầu sách mới nổi gần đây được nhiều người nhắc đến, có lẽ được chọn từ giá sách mới trong một hiệu sách lớn. Tuy nhiên có thể nhìn ra ở chúng một tiêu chuẩn lựa chọn nào đó, tuy chưa đến mức thị hiếu tinh tế. Tiểu thuyết và sách phi hư cấu mỗi thứ một nửa. Nhộng không khí cũng ở trong số đó.

Aomame khẽ gật đầu, cầm cuốn sách lên tay, ngồi xuống sofa trong phòng khách dưới ánh nắng ấm áp. Cuốn sách không dày. Nhẹ, chữ in cũng lớn. Nàng nhìn bìa sách và tên tác giả in trên đó, Fukaeri, đặt sách trên lòng bàn tay để ước định trọng lượng, rồi đọc lời quảng cáo trên dải băng quấn ngang sách. Rồi nàng ngửi ngửi mùi cuốn sách, thứ mùi đặc hữu của những cuốn sách mới. Mặc dù tên của Tengo không được in trên sách, nhưng cuốn sách bao hàm sự hiện diện của anh. Những hàng chữ in trong cuốn sách này đều đã hình thành thông qua cơ thể anh. Nàng để cho cảm xúc lắng lại, rồi giở trang đầu tiên.

Tách trà và khẩu Heckler & Koch đều đặt ở nơi tay nàng có thể với tới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.